Hầu Hiếu Hiền đoạt giải Đạo diễn xuất sắc LHP Cannes 2015
- Đêm bế mạc liên hoan phim Cannes lần thứ 68 diễn ra hôm 24/5. Danh hiệu Đạo diễn xuất sắc thuộc về Hầu Hiếu Hiền, với phim Nhiếp Ẩn Nương (The Assassin). Nhiếp Ẩn Nương được chuẩn bị trong khoảng tám năm, chinh phục các nhà làm phim vì mang đậm dấu ấn phương Đông cùng phong cách cá nhân độc đáo của đạo diễn xứ Đài.
Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền được vinh danh ở LHP Cannes. |
Phát biểu khi nhận giải, Hầu Hiếu Hiền nói: “Đây là lần thứ bảy tôi đến với liên hoan phim Cannes, trước đây từng đoạt một giải, tôi quên mất là giải gì rồi. Lần này được trao danh hiệu Đạo diễn xuất sắc, quả thật là vinh quang lớn đối với tôi. Xin cám ơn. Làm phim không dễ dàng, đặc biệt là vấn đề tiền bạc, tôi muốn cám ơn đoàn làm phim, các diễn viên chính Trương Chấn, Thư Kỳ cùng biên kịch Chu Thiên Văn, cám ơn các bạn”.
Trước đó, một số ý kiến cho rằng Nhiếp Ẩn Nương mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Quốc và có tình tiết hơi khó hiểu đối với người phương Tây. Đạo diễn chia sẻ: “Có lẽ sẽ bạn cho rằng ở đây có sự khác biệt văn hóa, thực ra không có. Vì chúng ta đều đang thảo luận về sự tồn tại của con người, cuộc sống của con người. Qua thời gian thì hình thành văn hóa. Bạn làm phim vào bất kỳ thời gian nào, ở bất kỳ ngóc ngách nào, chỉ cần bạn nói về con người, cả thế giới đều có thể hiểu”.
Trong “Nhiếp Ẩn Nương”, Thư Kỳ vào vai thích khách, bị giao nhiệm vụ giết người yêu cũ. |
Khi được hỏi có nuối tiếc khi không đoạt giải cao nhất – Cành Cọ Vàng, đạo diễn nói: “Vấn đề không nằm ở chỗ đoạt giải hay không mà là rốt cục bạn đã làm được gì, quay phim như thế nào. Lúc này, tôi không bận tâm đến việc đoạt giải. Tôi biết rõ điều mình chưa làm được”.
Hầu Hiếu Hiền sinh năm 1947, là tên tuổi kỳ cựu của làng phim châu Á. Năm 1993, phim The Puppetmaster (Hỷ mộng nhân sinh) của ông giành giải thưởng của Hội đồng giám khảo. Ngoài ra, các phim Goodbye South, Goodbye; Flowers of Shanghai; Three Times đều từng tranh giải ở LHP Cannes.
Dheepan, bộ phim Pháp có đề tài về nhập cư, giành giải thưởng Cành Cọ Vàng lần này.
Tác phẩm của đạo diễn Jacques Audiard kể câu chuyện về ba người tị nạn Sri Lanka cố gắng hòa nhập cuộc sống trong một khu ổ chuột nguy hiểm ở thủ đô Paris. Tác phẩm được các nhà phê bình đánh giá cao và được sự đồng thuận của ban giám khảo cho danh hiệu cao quý nhất.
Nhà phê bình phim Andrew Pulver nhận xét: “Đây có thể không phải là tác phẩm dễ xem ngay từ đầu của đạo diễn Jacques Audiard nhưng càng về sau nó càng chứng tỏ một sức hút mạnh mẽ”.
Năm nay là lần thứ tư đạo diễn Jacques Audiard có phim tranh giải Cành Cọ Vàng tại liên hoan phim Cannes. Bốn tác phẩm trước của ông là A Self-Made Hero (1996), A Prophet (2009) và Rust & Bone (2012) đều tạo được tiếng vang mạnh mẽ với khán giả yêu điện ảnh trên khắp thế giới.
Đạo diễn Jacques Audiard nhận Cành Cọ Vàng với phim “Dheepan”. |
Tác phẩm giành giải nhì, Grand Prix, là Son of Saul của điện ảnh Hungary.Phim lấy bối cảnh trại tập trung Auschwitz, Đức năm 1994, với nhân vật chính là một người tù Do Thái tên Saul. Sau khi phát hiện xác chết của con trai, anh đã tìm cách liên kết với những người tù khác để bí mật chôn cất con theo nghi thức tử tế. Son of Saul là tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn 38 tuổi – László Nemes. Vai chính do nhà thơ Géza Röhrig đóng.
Bộ phim hợp tác giữa Anh, Hy Lạp, Hà Lan, Ireland, Pháp – The Lobster – giành giải thưởng của ban giám khảo – Jury Prize. Tác phẩm này có sự tham gia của nhiều ngôi sao nổi tiếng như Colin Farrell, Rachel Weisz, John C. Reilly, Léa Seydoux, Ben Whishaw.
Toàn cảnh đêm bế mạc liên hoan phim Cannes lần thứ 68. |
Danh hiệu “Nữ diễn viên xuất sắc” được trao cho cả hai nữ diễn viên là Rooney Mara trong Carol và Emmanuelle Bercot trong phim Mon roi. “Nam diễn viên xuất sắc” thuộc về Vincent Lindon trong phim Pháp – The Measure of Man.
Ở hạng mục Un Certain Regard dành cho các phim có yếu tố thể nghiệm, bộ phim Rams của Iceland giành giải cao nhất.
Liên hoan phim Cannes lần thứ 68 diễn ra tại thành phố biển xinh đẹp của nước Pháp từ 13 đến 24/5 với sự góp mặt của hàng trăm minh tinh, tài tử, các đạo diễn, nhà biên kịch từ khắp nền điện ảnh trên thế giới. Cannes năm nay gây nhiều tranh cãi với quy định cấm đi giầy bệt và chụp ảnh selfie trên thảm đỏ.
Mặc dù không tham gia tranh giải mà chỉ ra mắt trong chương trình Midnight Screenings (Suất chiếu lúc nửa đêm), bộ phim 3D 18+ có tênLove của đạo diễn Gaspar Nóe lại là tác phẩm gây sự chú ý nhất. Những tấm poster trần trụi, các cảnh sex quay thật giữa các diễn viên của Love đã trở thành tâm điểm tranh cãi của giới phê bình trong thời gian diễn ra liên hoan phim Cannes.
Hải Lan – Nguyên Minh
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-anh/hau-hieu-hien-doat-giai-dao-dien-xuat-sac-lhp-cannes-2015-3223357.html
‘Thích khách Nhiếp Ẩn Nương’ của Thư Kỳ tranh giải Oscar
Variety đưa tin Đài Loan vừa chọn The Assassin là tác phẩm tranh giải Oscar 2016 tại hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Đài Loan cho biết: “The Assassin được lựa chọn bởi tính thẩm mỹ đạt đến đỉnh cao. Tác phẩm truyền tải được không khí cổ điển và nhân văn tới người xem thông qua cách quay phim, tạo dựng ánh sáng, chỉ đạo nghệ thuật và xây dựng nhân vật. Mặc dù phong cách của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền trong phim mới không thay đổi so với trước đây, tác phẩm này cho thấy ông đang có tham vọng tạo ra ngôn ngữ điện ảnh mới”.
Phim có sự tham gia của Thư Kỳ và Trương Chấn được chọn tranh giải Oscar vì tính thẩm mỹ cao. |
The Assassin có nội dung lấy cảm hứng từ một truyền thuyết Trung Hoa, kể về cuộc đời của một nữ thích khách thời nhà Đường. Ngày nhỏ, cô bị các nữ tu bắt cóc và huấn luyện trở thành một sát thủ khét tiếng. Sau 13 năm sống ẩn dật, cô gái trở về quê hương với nhiệm vụ ám sát người chồng sắp cưới.
Tác phẩm có ngân sách khá lớn (15 triệu USD) đối với một phim điện ảnh thông thường của Đài Loan, được đạo diễn Hầu Hiếu Hiền bắt tay chuẩn bị tiền kỳ trong bảy năm từ 2005. Tác phẩm đánh dấu sự tái ngộ giữa đạo diễn Hầu Hiếu Hiền cùng hai diễn viên ruột – Thư Kỳ và Trương Chấn sau bộ phim Three Times (2005). Đạo diễn chia sẻ: “Tôi đặc biệt thích tính cách của cả hai trong đời thường. Nếu Thư Kỳ là một người độc lập, rất quyết đoán thì Trương Chấn lại là mẫu người tỉ mỉ và thích bình lặng”. Phim còn có sự tham gia của nam diễn viên nổi tiếng Nhật Bản – Satoshi Tsumabuki.
Hồi ra mắt ở Liên hoan phim Cannes vào tháng 5, phim được giới phê bình đánh giá là mang đậm phong vị võ thuật Á Đông và mang về cho Hầu Hiếu Hiền giải “Đạo diễn xuất sắc”.
Thư Kỳ hóa thân thành sát thủ lạnh lùng, nhiều ẩn ức. |
Hầu Hiếu Hiền chia sẻ về những bối cảnh trong phim ở bên ngoài khu vực Mông Cổ ở phía Bắc Trung Quốc và ở tỉnh Hồ Bắc. “Tôi đã rất bất ngờ khi nhìn thấy những khu rừng bạch dương bạc và những bờ hồ còn giữ nguyên vẻ hoang sơ. Trong phim, bạn sẽ bắt gặp những khuôn hình về những người nông dân. Họ là những người nông dân thực sự và đang làm những công việc đúng với thường ngày họ vẫn làm… Tôi đã cố gắng giữ nguyên tất cả những điều đó dù có vài chi tiết không đúng như trong kịch bản mong muốn”, đạo diễn nói.
Khi ra rạp dịp cuối tháng 8 ở Trung Quốc, Đài Loan và Hong Kong, giới phê bình và công chúng có nhiều nhận định trái chiều. Các nhà phê bình ca ngợi đây là một tác phẩm điện ảnh “xuất chúng” và “mang tính đột phá”, trong khi khán giả lại nhận thấy phim “buồn tẻ, đều đều”, thậm chí nhiều khán giả đã ngủ trong rạp. Tới nay, phim mới thu về gần 10 triệu USD tiền bán vé. Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền vẫn nhấn mạnh rằng ông chỉ quan tâm tới việc làm một bộ phim thể hiện được góc nhìn nghệ thuật của mình chứ không đặt nặng các yếu tố khác.
Một cảnh đánh võ trong phim. |
Hạn chót Viện Hàn lâm Mỹ nhận hồ sơ tranh giải cho hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất” là ngày 1/10. Năm tác phẩm lọt vào vòng đề cử cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 16/1. Lễ trao giải Oscar 2016 dự kiến diễn ra tại Nhà hát Dolby vào ngày 28/2.
The Assassin sẽ đến Việt Nam từ ngày 25/9 với nhan đề Thích khách Nhiếp Ẩn Nương.
Vũ Văn Việt
‘Nhiếp Ẩn Nương’ trau chuốt hình ảnh hơn các pha võ thuật
The Assassin (Thích khách Nhiếp Ẩn Nương) là tác phẩm thứ 21 của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền sau gần ba thập kỷ thực hiện nhiều tác phẩm đặc sắc như A City of Sadness, The Time to Live, The Time to Die hay Three Times. Phim đánh dấu lần đầu tiên đạo diễn gạo cội Đài Loan chuyển hướng từ những câu chuyện gia đình, tuổi mới lớn sang đề tài cổ trang và võ hiệp. Tác phẩm là một chuỗi khung hình mực thước, đậm tính cổ điển, được trau chuốt tuyệt mỹ nhưng không chú trọng về mặt xây dựng kịch tính hay các cảnh võ thuật mãn nhãn.
Cảnh Thư Kỳ thể hiện nội tâm. |
Mọi khung hình quay cảnh ngoài trời trong phim đều đẹp như tranh vẽ, có bố cục cân đối, chỉn chu. Chúng đưa người xem vào thế giới hoang sơ của rừng núi Trung Hoa khoảng giữa thế kỷ thứ tám sau Công Nguyên với những khu rừng bạch dương màu bạc, những hồ nước nguyên sơ, những rặng rúi mây phủ ngập trời. Thi thoảng, không gian tĩnh lặng ấy nổi lên một tiếng chim muông lảnh lót. Hàng loạt trảng cỏ hoa tươi tắn hoặc già úa trong phim được xử lý bằng tông màu cháy đẹp mắt.
Những phân cảnh được quay trong nhà hoặc trong khuôn viên gia đình thường gây ấn tượng bằng con mắt tinh tế khi chú ý vào chi tiết thay vì phô bày những hoạt động hoành tráng, nhộn nhịp hoặc sôi động trong lối sống vương quyền. Vào phim, người xem bước vào không gian của một gia tộc chúa đất ở xa nơi phồn hoa đô hội, cảm nhận sự thanh bình, tinh khiết với những chiếc rèm cửa trắng bay phất phơ nhẹ nhàng trong gió hay những lồng chim, những gốc cây già hoặc những mái nhà có đầu hồi kiến trúc tinh xảo.
Một khung hình có bối cảnh đẹp về bố cục. |
Trong mỗi cảnh phim, hoạt động và di chuyển của nhân vật được tiết chế hết mức. Một phân cảnh nhân vật chính là Nhiếp Ẩn Nương ra tay sát hại nạn nhân được xử lý chỉ bằng một cú nhảy và vung gươm của Thư Kỳ cùng một tiếng xoẹt của dao cắt cổ. Nhiều lần đạo diễn Hầu Hiếu Hiền sử dụng chỉ một âm thanh để truyền tải sắc thái ý nghĩa hành động. Khi nhân vật nhà vua nổi cơn thịnh nộ, ông đâm vỡ một bình hoa quý trên bàn và được thể hiện qua một tiếng bình vỡ xoảng.
Với phong cách làm hành động mang tính gợi mở và ước lệ, những trường đoạn hành động trong phim không dồn nén kịch tính căng thẳng, lắt léo và đẩy theo nhịp cao trào. Mọi pha hành động đều không mãn nhãn mà được xử lý ở mức vừa phải và tạo điểm nhấn nhá đẹp mắt. Thủ pháp giấu góc quay được Hầu Hiếu Hiền nhiều lần sử dụng cho các cảnh Thư Kỳ và các đối thủ giao chiến bởi một phần nữ diễn viên không có nhiều kinh nghiệm võ thuật ngoài đời.
Chất hành động và võ hiệp của Hầu Hiếu Hiền có phần cổ điển, mực thước và già dặn chứ không trẻ trung và phóng khoáng như trong các phim của Trương Nghệ Mưu hay Lý An. Bởi vậy, nếu người xem chờ đợi những pha hành động bay nhảy như chim lướt qua ngọn tre hay băng qua mặt hồ trong những tác phẩm kiếm hiệp kiểu Anh Hùng, Thập Diện Mai Phục hayNgọa Hổ Tàng Long thì sẽ bị thất vọng.
Poster phim “Thích khách Nhiếp Ẩn Nương”. |
Kịch bản Thích khách Nhiếp Ẩn Nương không phức tạp và lắt léo, phụ thuộc nhiều vào lời thoại để dẫn chuyện. Phim xoay quanh nhân vật chính là Nhiếp Ẩn Nương (Thư Kỳ thủ vai) được huấn luyện từ bé để trở thành một sát thủ máu lạnh, giết người không chớp mắt. Nhưng rồi định mệnh bắt cô đối mặt với một tình huống – phải ám sát người chồng được hứa hôn từ lúc mới chào đời là Điền Quý An (Trương Chấn thủ vai). Toàn bộ câu chuyện đi sâu mô tả tâm lý của nhân vật thích khách khi cô phân vân giữa hai lựa chọn: Phục tùng mệnh lệnh của sư phụ hay nghe theo lời mách bảo riêng của con tim.
Diễn xuất của Thư Kỳ nhìn chung tròn vai. Cô tạo ra vẻ lạnh lùng cần có của một nữ sát thủ. Mặc dù vậy, biểu cảm gương mặt của nữ diễn viên từng đoạt giải Kim Mã lại không đa dạng trong tác phẩm mới. Trừ một số cảnh cô thể hiện sự dày vò nội tâm khi đang tắm, người đẹp Hoa ngữ đều giữ vẻ mặt khá khô cứng và một màu. Trong khi đó, Trương Chấn vào vai một chúa đất tính toán, lạnh lùng, tàn ác khá hợp vai. Một nhân vật nhỏ nhưng để lại ấn tượng là vai chàng thầy thuốc – người tình thứ ba của nữ thích khách. Nam diễn viên đóng vai này có khuôn mặt trẻ trung và bộc lộ sự tươi mới.
Bộ phim được Đài Loan lựa chọn đem tranh giải Oscar 2016 ra rạp Việt Nam từ ngày 25/9.
Vũ Văn Việt
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/diem-phim/nhiep-an-nuong-trau-chuot-hinh-anh-hon-cac-pha-vo-thuat-3283773.html
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/phim/sau-man-anh/thich-khach-nhiep-an-nuong-cua-thu-ky-tranh-giai-oscar-3279437.html