Browsing Category

Văn học Anh

Văn học Anh

Kazuo Ishiguro: Gõ cửa này, cửa khác lại mở ra

28/10/2017 08:00 –

Nhà văn Anh gốc Nhật Kazuo Ishiguro, Nobel Văn chương 2017, nói về biệt danh “samurai tỉnh lẻ”, về bước khởi đầu sự nghiệp đầy bất ngờ từ âm nhạc, về vị trí của đề tài phương Đông-phương Tây trong ông, và về những mối quan tâm lớn nhất của ông với tư cách nhà văn, trong cuộc trả lời phỏng vấn sâu với nhà báo người Hungary Lévai Balázs.


Ishiguro, 62 tuổi, nổi tiếng nhất với hai tiểu thuyết The Remains of the Day (1989) và Never Let Me Go (2005), đã được dịch sang tiếng Việt thành Mãi đừng xa tôi hồi năm 2010. Tiểu thuyết mới nhất của ông là The Buried Giant (2015) cũng đã được dịch sang tiếng Việt thành Người khổng lồ ngủ quên hồi đầu năm nay.

Bạn bè ông, theo lời đồn đại, thường gọi ông là samurai tỉnh lẻ, nhưng tôi đọc thấy trong đó có chút ít sự thật, vì gia đình ông có gốc gác thuộc một dòng họ samurai cổ xưa ở Nhật. Có đúng vậy không hay chỉ là lời đồn thổi?

Xét cho cùng, đúng là như vậy, nhưng không nên gán cho nó một ý nghĩa quá quan trọng. Tổ tiên tôi không phải là hậu duệ của một gia đình quý tộc nổi tiếng đâu. Cho phép tôi kể lại một cách thật sơ lược chuyện liên quan đến những samurai này. Chắc ông cũng biết về cơ bản người Nhật có một xã hội phân tầng giai cấp rất chặt chẽ, xét về mặt cấu trúc nó không khác các xã hội phương Tây thời Trung cổ bao nhiêu. Có tầng lớp quý tộc, tầng lớp trung lưu, những thương gia, và tầng lớp hạ lưu, những người nông dân. Và bên cạnh trật tự đẳng cấp đó, tồn tại một giai tầng đặc biệt, các chiến binh, họ khác hẳn những tầng lớp kể trên. Khó tìm thấy một giai tầng tương tự như vậy ở phương Tây. Vì nước Nhật trải qua nhiều thế kỷ nội chiến, đã hình thành một đẳng cấp chiến binh của những võ sĩ samurai. Và tới tận ngày nay vẫn còn khá nhiều những người bảo thủ, hoài cổ, họ rất tự hào vì nguồn gốc cổ xưa, quý phái của mình. Cho dù trong đời sống thường nhật, điều này hoàn toàn không có ý nghĩa gì. Sự thật là có một vị tổ nào đó của tôi đã từng chiến đấu như một samurai… Về phần mình, tôi không thích cái mốt hiện tại của hình tượng này, vì núp dưới cái vỏ mặt nạ của hệ tư tưởng samurai cao thượng, người ta đã phạm bao nhiêu tội ác bẩn thỉu, nhưng đúng là không thể hoài nghi: nó có mặt kỳ quái, nhưng tích cực. Cụ thể là các samurai không bao giờ quan tâm đến tiền bạc, vì họ cho rằng tiền sẽ làm nhơ bẩn bàn tay họ. Nghĩa là trong cái thế giới quan lỗi thời đó vẫn có một chút gì dễ cảm thông.

Ông có thể kể một chút gì đó về thuở ban đầu không? Nếu đã không trở thành một samurai, phải chăng ông luôn chuẩn bị để trở thành một nhà văn?

Thú thực, tôi chưa bao giờ có những dự định lớn, như một ngày nào đó sẽ trở thành nhà văn. Ở tuổi teen, những ca-nhạc sĩ Mỹ nổi tiếng như Bob Dylan và Leonard Cohen là thần tượng của tôi, và tôi cũng nghĩ mình là một nghệ sĩ lớn, có lẽ tự đáy tâm hồn tôi muốn trở thành một ngôi sao nhạc rock. Cuối những năm sáu mươi, đầu những năm bảy mươi tôi đang ở tuổi thiếu niên, đó là thời của các ca sĩ hát những ca khúc tự sáng tác. Chắc ông cũng nhớ, họ là những người một mình một ghi ta gỗ đứng trên sân khấu, và với vẻ cực nghiêm trang họ nói về những ý tưởng lớn, và hát những ca từ gần giống những bài thơ. Tôi cũng coi mình là người như thế. Tôi rất mê âm nhạc, thậm chí bản thân tôi cũng chơi hai loại nhạc cụ.

Đó là điều tôi chưa từng hình dung về ông. Thế ông đã chơi những nhạc cụ gì vậy?

Ghi ta và dương cầm. Tôi từng mơ ước sẽ trở thành một trong những nhạc sĩ lớn trên thế giới, đến với trái tim mọi người bằng âm nhạc. Tôi đã viết trên một trăm ca khúc và liên tục gõ cửa các nhà phát hành đĩa, mời chào khắp nơi những bản nhạc ghi thử. Việc này kéo dài mãi tới năm tôi hai mươi hai, hai mươi ba tuổi.

Thật may mắn cho độc giả, cuối cùng ông đã không trở thành ngôi sao nhạc rock. Thế chuyện viết văn đã bắt đầu thế nào?

Tôi có một khiếm khuyết nghiêm trọng, đó là, đáng tiếc, tôi không có giọng. Đồng thời khi nghe những thần tượng của mình hát, tôi bắt đầu quan tâm đến lời ca và nghĩ làm thế nào có thể sử dụng từ ngữ một cách nghệ thuật. Điều quan trọng với tôi là tạo ra những thế giới mới thông qua âm nhạc và ca từ. Thực chất, tôi đã viết văn một cách vô thức ngay khi sáng tác nhạc, trong thời kỳ đầu ấy, trong tôi đã hình thành một cái gì đó. Chỉ có điều, khi đó tôi còn mang khát vọng cháy bỏng muốn trở thành người viết nhạc và ca từ. Nhiều người đã trải qua giai đoạn tương tự như vậy. Dần dần tôi mới vỡ lẽ: số phận không muốn mình trở thành ngôi sao nhạc rock. Như vậy tôi không có hoài bão, hay sự thôi thúc phải trở thành nhà văn như một vài đồng nghiệp khác, tôi không hề suốt đời cố gắng làm chuyện đó. Ông biết đấy. Ta gõ một cánh cửa, nhưng nó không mở ra, rồi bỗng nhiên một cánh cửa khác bật mở. Với tôi sự việc đã diễn ra như thế. Thay cho những ca từ, tôi bắt đầu viết truyện ngắn, và xin vào học một khóa dạy sáng tác ở đại học. Đó là khóa học sau đại học của tôi, lúc đó tôi khoảng hai mươi lăm tuổi, và sau khóa học này tôi bắt đầu gửi đăng các sáng tác ngay. Những truyện ngắn đầu tay của tôi lập tức được đăng trên các tập san. Tôi có may mắn cực lớn: chỉ sau chưa đầy nửa năm, tôi đã ký hợp đồng với nhà xuất bản tới nay vẫn in sách của tôi, đó là một hãng có tên tuổi ở Anh, hãng Faber & Faber. Họ ký hợp đồng in cuốn tiểu thuyết tôi đang viết dở, lại còn chi một khoản tạm ứng nhỏ.

Và từ đó ông bỏ hẳn viết ca từ?

Điều này cũng rất lạ. Nhiều năm trước đây, khi mới bắt đầu viết văn, thì tôi bỏ hẳn. Tôi cảm thấy tất cả những lời bài hát tôi viết, một lúc nào đó, đã chuyển sang văn học. Bây giờ nói về chuyện này tôi có thể tự hào nói rằng mới đây tôi lại bắt đầu viết ca từ. Một số ban nhạc jazz nổi tiếng mời tôi viết lời cho họ, theo họ lời tôi viết có thể hợp với ca khúc của họ. Tôi cảm thấy đây là công việc rất lý thú và đã nhận lời, nhưng tất nhiên tôi không chuyển nghề đâu. Ngày nay, viết ca từ chỉ còn là thú vui thôi.

Văn nghiệp của ông đã bắt đầu như thế nào, khi ông bước ra thế giới rộng lớn? Vì nguồn gốc của mình chắc hẳn ông phải đối diện với sự lựa chọn, ông sinh ra trong một nền văn hóa khác, nhưng từ nhỏ lại sống trong môi trường Anh. Việc làm rõ tổ quốc đối với ông khó khăn tới mức nào?

Trước đây nhiều khi tôi cảm thấy như mình đang buộc phải sắm vai một phóng viên ngoại quốc, phải kể cho người London biết nước Nhật là gì. Như người có sứ mạng giải thích phương Đông cho phương Tây. Hai tiểu thuyết đầu tay của tôi đúng là nói về nước Nhật, hay về Nagasaki, thời kỳ sau Thế chiến thứ hai. Điều này có những lý do cá nhân, tôi phải tự giải quyết những vấn đề như câu hỏi về bản sắc, hay như tôi là đứa trẻ sống sót qua Thế chiến tới mức nào, của thế hệ đã trải qua suốt thời kỳ mà người ta gọi là chủ nghĩa phát-xít Nhật. Nhưng sau đó, dần dần tôi đã phải làm sáng tỏ một loạt câu hỏi về quan hệ của tôi với Nhật Bản và về những truyền thống gắn bó tôi với đất nước. Tới nay tôi đã sống quá lâu ở phương Tây, cuộc đời tôi đã gắn bó tới mức tôi cảm thấy rất thoải mái ở London, mà không cần phải ngày nào cũng nghĩ tới nước Nhật. Thậm chí, hiện nay những đề tài từng đeo đẳng tôi trước đây như phương Đông-phương Tây, bản sắc lai tạp…, ngày càng lùi xa…

Thế ở Nhật người ta nhìn nhận ông thế nào? Ông có biết họ coi ông là nhà văn Nhật hay nhà văn nước ngoài?

Có một dấu hiệu không thể nhầm lẫn. Trên bìa sách tên của các tác giả Nhật Bản được viết với chữ viết Nhật truyền thống, kiểu kanji (Hán tự), giống chữ tượng hình của Trung Hoa. Tên các tác giả nước ngoài, nghĩa là không phải người Nhật, được viết theo một bộ ký tự khác, kiểu katakana, dưới dạng phiên âm. Ai đó lạc vào một hiệu sách ở Nhật có thể biết ngay một cuốn sách nào đó là của nhà văn Nhật hay của tác giả Tây phương. Tên tôi được viết nhất quán theo kiểu katakana, nghĩa là các nhà xuất bản chính thức coi tôi là nhà văn nước ngoài. Tuy nhiên khi về Nhật, trong những dịp ra mắt sách, gặp gỡ độc giả, qua các câu hỏi tôi cảm thấy từ nột tâm, dù thế nào, họ vẫn coi tôi là người Nhật vì tôi mang trong mình dòng máu Nhật.

Nhiều lần ông nói, mặc dù hai tiểu thuyết đầu tiên1 cũng nói về đề tài tương tự như cuốn Tàn ngày [The Remains of the Day], nhưng chỉ có tác phẩm này là thành công, còn hai cuốn đầu được coi là quá Nhật Bản. Trên cơ sở nào ông nghĩ như vậy?

Ông biết không, khi viết hai cuốn tiểu thuyết đầu tiên, tôi khá thất vọng. Cả hai câu chuyện đều diễn ra ở Nhật Bản, nhưng thực chất trong đó tôi muốn đưa ra những kết luận phổ quát về con người, về trạng thái con người. Tôi muốn nói về việc con người có thể nhìn nhận lại những quyết định sai lầm của họ trong quá khứ như thế nào. Tôi muốn khảo sát xem con người thay đổi ra sao dưới áp lực to lớn của xã hội. Vì như thường thấy, nếu không phải là một tính cách nổi trội đặc biệt, thì con người thường đi theo bầy đàn một cách vô thức… Tôi đã đưa hiện tượng này vào tầm ngắm, trong môi trường Nhật Bản. Nhưng rất tiếc tôi phải nhận ra rằng độc giả luôn nghĩ đó là những cuốn sách Nhật Bản, họ nhìn nhận chúng như chúng chỉ nói về xã hội Nhật và lịch sử nước Nhật, điều này làm tôi – với tư cách nhà văn – khá thất vọng. Tôi nghĩ, nếu khoác cho những đề tài này một trang phục Anh, có thể người ta sẽ nhận ra ý tưởng của tôi. Đó là một phép ẩn dụ phổ quát, một trạng thái phổ quát của con người. Với cuốn Tàn ngày, đã xảy ra chuyện tương tự như thế, nó rất giống hai cuốn trước đó, có cốt truyện diễn ra ở Nhật, chỉ khác bối cảnh là nước Anh.

Tôi xin trở lại câu hỏi đầu tiên liên quan đến các chiến binh samurai, vì hình tượng viên quản gia [trong Tàn ngày] – như một nghịch lý – gợi lên trong tôi những phẩm chất giống với những gì chúng ta có thể nghĩ về samurai. Đó là trung thành, gắn bó, có kỷ luật, kiên nhẫn, tin cậy cao độ ở bề trên, tin vào sứ mạng của mình. Ông muốn diễn đạt điều gì qua nhân vật này?

Đó là một nhân vật rất quan trọng vì đã mang tới hai điều. Trước hết, qua đó tôi có thể nói: khi về mặt tình cảm người ta kìm nén, hạn chế bản thân mình thì sẽ như thế nào. Điều này gần như trong mỗi chúng ta đều có: nỗi sợ hãi vì ta sẽ liên lụy tới một việc gì đó; nỗi sợ tình thương yêu và sợ một người nào đó yêu thương ta. Mặt khác, là điều mà viên quản gia đại diện – có thể lúc này tôi nói hơi quá – đó là cách chúng ta ứng xử với quyền lực chính trị. Quan hệ của đa số chúng ta với chính trị đúng như của viên quản gia. Chúng ta không ở trong bộ máy quyền lực, nhưng cũng như viên quản gia với chủ nhân của ông, chúng ta cũng ở rất gần, gần về mặt vật lý, những người đưa ra các quyết định. Chúng ta ở gần, nhưng không phải ở chỗ người ta thực thi quyền lực. Chúng ta có khuynh hướng cho rằng: tất nhiên những việc như thế phải để cho những người thực sự biết phải làm gì với quyền lực, với sự điều hành. Viên quản gia làm thế và chúng ta cũng làm điều đó. Chúng ta bảo: đã có những nhà chuyên môn, những người có trách nhiệm, cứ để họ quyết định những vấn đề lớn. Nhiệm vụ của ta là hoàn thành những việc nhỏ được giao. Và thế là ta làm hết khả năng của mình, qua đó biểu hiện sự đồng thuận với ai đó trên kia, và ta hy vọng rồi họ sẽ xử lý đúng. Nhưng đó không còn là trách nhiệm của ta. Nghĩa vụ của ta là hoàn thành công việc của mình. Tôi nghĩ nhân vật quản gia đã cho tôi khả năng rất tốt để luận bàn về hai vấn đề này, những vấn đề mà trong các tác phẩm trước đó tôi cũng đã từng lưu tâm tới.

Tôi biết năng suất không phải là tiêu chuẩn quan trọng nhất để đánh giá một văn nghiệp, nhưng ở ông dễ nhận thấy rằng trong gần hai mươi lăm năm cầm bút ông chỉ cho ra mắt tất cả có sáu tiểu thuyết. Ông viết chậm như thế hay chỉ do ông có những thời gian nghỉ viết kéo dài?

Mỗi cuốn sách đều có lai lịch ly kỳ của nó. Tôi xin kể về trường hợp cuốn gần đây nhất – Mãi đừng xa tôi – hy vọng nó sẽ đưa ra lời giải thích về tốc độ sáng tác của tôi. Từ năm 1990 tôi đã bắt đầu viết tác phẩm này, nhưng lúc đó trong cuốn sách chưa hề có nhân bản, cũng không có công nghệ sinh học. Trong đầu tôi chỉ có một nhóm người trẻ tuổi sống ở một vùng nông thôn nào đó của nước Anh… Tôi chỉ biết rằng có một kết cục nào đó đang treo trên đầu họ, rằng cuộc sống của họ sẽ ngắn hơn so với những người khác, nhưng khi ấy tôi muốn giải quyết bằng vũ khí hạt nhân. Tôi không rõ, có lẽ tôi có ý tưởng đó vì tôi cũng thuộc thế thế hệ mà vũ khí hạt nhân là mối đe dọa lớn. Thế là tôi trăn trở mãi với ý tưởng này, nhưng rồi tôi phải bỏ, đơn giản vì tôi không thể viết tiếp nổi.

Thế vấn đề nhân bản đã được đưa vào như thế nào?

Chỉ mãi sau này, khoảng năm 2001, sáng kiến về nhân bản mới nảy sinh ra. Lúc đó ở Anh diễn ra cuộc tranh luận xã hội gay gắt về nhân bản, ông nhớ chứ, khi đó chú cừu Dolly ra đời. Một buổi sáng tôi đang ngồi trước radio, trên đó người ta đang tranh luận về nhân bản, tôi đột nhiên nảy ra ý nghĩ có thể thử viết câu chuyện này theo hướng bỏ chi tiết vũ khí hạt nhân, không phải vũ khí hạt nhân đã khiến những thanh niên kia đoản mệnh mà tôi sẽ thay đổi câu chuyện: họ thực chất là những người được nhân bản. Và thế là câu chuyện bỗng bắt đầu khởi động. Đó là quân bài cuối cùng của trò chơi xếp hình, có thể nói như vậy. Nhưng để quay trở lại điều tôi đã nói, trong tác phẩm này tôi cũng đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi rất phổ quát, đó là nếu anh biết chắc chắn cuộc đời anh sẽ sớm kết thúc và sự sống của anh trên trái đất này chỉ còn tính từng ngày, thì tình yêu, tình bạn, sự nghiệp, hay đạo đức đóng vai trò như thế nào trong cuộc đời anh. Trong khi đó, ngoài ý muốn, tôi đã tạo ra một tình huống trong đó mỗi người đều có thể tìm thấy lời giải đáp cho riêng mình qua cuốn sách. Tôi muốn, mặc dù cuốn sách nói về những nhân vật kỳ lạ và về một thế giới rất kỳ lạ, nhưng độc giả vẫn nhận ra bản thân mình và phát hiện ra rằng cái thế giới ấy quả thực rất giống với thế giới của chúng ta.

(Trích từ cuốn “Thế giới là một cuốn sách mở” của Lévai Balázs do Giáp Văn Chung dịch từ nguyên bản tiếng Hungary, Nhã Nam và NXB Văn học ấn hành năm 2009, tiêu đề do Tia Sáng đặt lại)
———
1 “A Pale View of Hills” (1982) và “An Artist of the Floating World” (1986).

Nguồn: http://tiasang.com.vn/-van-hoa/Kazuo-Ishiguro-Go-cua-nay-cua-khac-lai-mo-ra-11000

Văn học Anh

Phỏng Vấn Nhà Văn Đạt Giải Nobel Kazuo Ishiguro – Dựa Trên Những Tựa Sách Yêu Thích

Nhà văn nổi tiếng, với tác phẩm mới nhất là The Buried Giant, luôn bị ám ảnh bởi Sherlock Holmes khi còn nhỏ. “Tôi sẽ đến trường và nói những câu đại loại như ‘Pray, be seated’ (tạm dịch: Mời ngồi) hay ‘That is most singular’ (tạm dịch: Trường hợp này thật cá biệt). Khi ấy, mọi người chỉ dè bỉu gốc gác Nhật Bản của tôi.”[1]

Những cuốn sách nào hiện đang nằm trên kệ sách của ông?

Tôi vẫn thường xuyên giải thích cho vợ mình, rằng mỗi cuốn sách ở bên cạnh giường tôi là một phần trong các dự án quan trọng, và bà ấy tuyệt đối không nên dọn chúng đi chỗ khác. Chẳng hạn, một trong số đó là dự án Homer, trong đó Stephen Mitchell dịch lại hai sử thi kinh điển Iliad và Odyssey. Tôi đã hoàn thành cuốn Iliad, nhưng nó sẽ phải ở đúng nơi cho đến khi tôi đọc xong cả Odyssey.

Những phiên bản mới này không có quá nhiều chi tiết, và chất trữ tình cũng kém hơn so với các bản dịch tuyệt vời của Giáo sư Robert Fagles nhưng cảm xúc vẫn ẩn hiện trong lời văn. Dưới hai cuốn sách này, tôi cũng có cuốn The Mighty Dead: Why Homer Matters của Adam Nicolson, mà rốt cuộc thì tôi có thể đọc hoặc là không. Ngoài ra, tôi cũng có dự án cho dòng sách Southern Gothic – gồm The Heart is a Lonely Hunter của Carson McCullers và Wise Bloodcủa Flannery O’Connor, cả hai đều là những sách tôi chưa từng đọc. Trên cùng của kệ sách là Joni Mitchell in Her Own Words: Conversations With Malka Marom. Thật kỳ lạ, khi ngày một già đi, tôi lại thấy mình ngày càng yêu mến Mitchell nhiều hơn (trái ngược với cảm xúc của tôi với hầu hết các ca sĩ kiêm nhạc sĩ của thập niên 70).

Các album như Hejira và Blue giờ đây không thể phủ nhận là nghệ thuật tuyệt vời, và không phải viện đến nỗi nhớ quá khứ xa xưa để trở nên như vậy. Nhưng Mitchell luôn là một điều bí ẩn đối với tôi, và tôi hy vọng cuốn sách này sẽ đầy những sự mặc khải im lặng.

Ai là tiểu thuyết gia yêu thích nhất của ông?

Charlotte Brontë mới đây đã vượt lên trước Fyodor Dostoyevsky. Khi tôi bắt đầu đọc lại sách cũ ở độ tuổi trưởng thành, tôi ít kiên nhẫn hơn với tình cảm của Dostoyevsky, và (theo tôi) những đoạn lan man ngẫu hứng nên được chỉnh sửa cắt bớt. Tuy nhiên, chứng điên rồ của ông trở nên sâu rộng và sâu sắc, khiến người ta bắt đầu nghi ngờ đó là một điều kiện phổ quát. Còn với Brontë, tôi nợ bà sự nghiệp của tôi, và rất nhiều thứ khác nhờ có Jane Eyre và Villette.

Những cuốn sách nào có thể khiến tôi ngạc nhiên khi nhìn thấy trên kệ sách của ông?

Tôi có một phần trên kệ dành riêng cho sách phương Tây. Tập trung vào huyền thoại về biên giới trong ký ức chung của nước Mỹ, từ lâu tôi đã rất bối rối vì sự miễn cưỡng của cộng đồng văn học Mỹ để thực lòng tôn vinh thể loại này. Tôi cảm nhận sự căng thẳng, trốn tránh và tự ý thức bất cứ khi nào chủ đề này trong các cuộc nói chuyện. Có phải vì thế mà người phương Tây dường như sở hữu rất nhiều rạp chiếu phim? Hay là còn có một mối lo lắng sâu xa hơn về lãnh thổ mà họ sẽ chiếm đóng mà không tránh khỏi? Trên kệ sách của tôi, bạn có thể thấy True Grit; The Ox-Bow Incident; Blood Meridian (kiệt tác); Lonesome Dove (có lẽ cũng là kiệt tác); Deadwood; Butcher’s Crossing; St. Agnes’ Stand; Riders of the Purple Sage; và nhiều cuốn sách khác. Tất cả đều là những các tiểu thuyết thực sự hay. Nhưng đừng nói với tôi về The Virginian. Hai chương đầu tiên thì tuyệt thật, nhưng từ đó trở đi lại khá nghèo nàn.

Ngoài tiểu thuyết, ông còn sáng tác nhạc jazz. Ông sẽ so sánh việc viết văn với viết nhạc jazz như thế nào? Và ông có tiểu thuyết yêu thích nào về nhạc jazz không?

Dạo này tôi chỉ viết lời bài hát. Nghệ sĩ nhạc jazz Jim Tomlinson mới là người biên soạn và phối khí, và chúng tôi cùng nhau sáng tác bài hát cho ca sĩ nhạc jazz tuyệt vời Stacey Kent. Nhưng tôi đã viết bài hát từ năm 15 tuổi, và đối với tôi, luôn luôn có sự chồng chéo rất lớn giữa tiểu thuyết và bài hát. Phong cách viết tiểu thuyết của tôi xuất phát từ những gì tôi đã học được khi sáng tác bài hát. Chẳng hạn như tính chất “thân mật” của một ca sĩ biểu diễn khi trước một khán giả đã được tôi đưa vào tiểu thuyết. Cũng như nhu cầu được tiếp cận ý nghĩa cách tinh tế, đôi khi bằng cách chạm vào nó giữa các dòng chữ. Đó là điều bạn luôn phải làm trong suốt thời gian viết lời cho ai đó hát.

Tôi chưa bao giờ đọc một tiểu thuyết nào thực sự hay về nhạc jazz. Thử nghiệm của Kerouac theo định hướng này không ổn lắm. Nhưng những tiểu thuyết như South of the Border, West of the Sun (tựa Việt: Phía Nam biên giới, phía Tây mặt trời) của Murakami dường như thể hiện tinh thần nhạc jazz; đọc cuốn sách ấy cũng tựa như lắng nghe một bản jazz ballad buồn lúc đêm. Theo tôi, có ba bộ phim xuất sắc về nhạc jazz: Round Midnight của Tavernier, Bird của Eastwood và tác phẩm bị đánh giá thấp của Cassavetes – Too Late Blues, về những nhạc sĩ thất bại thảm hại vào cuối những năm 1950 ở California.

Cuốn sách gần nhất đã khiến ông bật cười khi đọc?

Love in a Cold Climate của Nancy Mitford. Quả rất buồn cười, nhưng cũng đầy tăm tối.

Vậy còn cuốn sách gần nhất đã làm ông phải khóc?

Các vở kịch của Terence Rattigan, cụ thể là The Browning Version, After the Dance, Flare Path và The Winslow Boy. Mỗi vở đều có ít nhất một khoảnh khắc cực kỳ cảm động, và cảm xúc luôn luôn được nhận thấy cách trọn vẹn. Chúng không bao giờ thất bại trong khiến tôi ngấn lệ, dù là đọc sách hay xem trình diễn trên sân khấu.

Ông là kiểu độc giả nào khi còn nhỏ? Cuốn sách và nhân vật yêu thích nhất của ông là gì?

Giống như nhiều cậu nhóc trẻ tuổi khác, tôi hầu như không đọc bất cứ cuốn sách nào – mãi cho đến khi tôi khám phá ra những câu chuyện về Sherlock Holmes trong thư viện. Lúc đó tôi khoảng 9 hoặc 10 tuổi, và tôi không chỉ đọc về Holmes và Watson cách ám ảnh, tôi bắt đầu cư xử giống như họ. Tôi sẽ đến trường và nói những câu đại loại như ‘Pray, be seated’ hay ‘That is most singular’. Khi ấy, mọi người chỉ dè bìu gốc gác Nhật Bản của tôi.”

Hound of the Baskervilles, đã từng, và vẫn sẽ là câu chuyện về Holmes yêu thích của tôi. Nó đáng sợ và đã khiến tôi có những đêm không ngủ, nhưng tôi ngờ rằng mình bị cuốn vào thế giới của Conan Doyle, khá nghịch lý, là bởi vì nó rất ấm cúng.

Ông cảm thấy thế nào khi chứng kiến sách của mình được chuyển thể thành phim? Nếu được chọn một trong những cuốn sách khác để chuyển thể, đó sẽ là gì?

Thật quá đỗi hài lòng khi tận mắt chứng kiến một đội ngũ tài năng và tận tâm để chuyển thể những ý tưởng lộn xộn trong trí tưởng tượng của bạn thành một bộ phim hoàn thiện. Tác phẩm chuyển thể của The Remains of the Day và Never Let Me Go(tựa Việt: Mãi đừng xa tôi)đều là những trải nghiệm hoàn toàn tích cực, và tôi đã học được tất cả những điều tôi không biết về các nhân vật – đặc biệt là từ các hdiễn giải của diễn viên. Đôi khi, tôi có những phản đối không được hợp lý cho lắm khi một hình ảnh cụ thể không khớp với suy nghĩ trong đầu tôi: “Thôi nào, anh đã dựng căn phòng hoàn toàn sai rồi! Làm thế nào anh có thể cho rằng cánh cửa là nằm ở phía đó cơ chứ?” Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng những bộ phim này là bản dịch của tác phẩm của tôi, theo cách như bản dịch tiếng Pháp. Tôi có thể thấy đội ngũ chuyển thể đã làm việc độc lập với tác phẩm của tôi; dù là “anh em họ hàng”, nhưng vẫn riêng biệt.

Trong những cuốn sách chưa được chuyển thể của mình, tôi thực sự muốn xem tiểu thuyết mới nhất, The Buried Giant (tựa Việt: Người khổng lồ ngủ quên), trên màn hình. Nó có thể là một bộ phim về samurai kiêm chuyện tình, theo kiểu người Anh. Nhà sản xuất phim Scott Rudin giờ đây đã có quyền, vì vậy tôi có lý do để lạc quan.

“Đáng thất vọng, bị đánh giá quá cao, đơn giản là không tốt”: Ông có cuốn sách đáng lẽ phải yêu thích nhưng rốt cuộc thì không? Ông còn nhớ lần cuối cùng mình đặt sách xuống mà không buồn kết thúc nó?

Tôi không muốn nói ra bất kỳ nhan đề nào cả. Nhưng có quá nhiều cuốn sách đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ bạn bè, đồng nghiệp hoặc giáo sư cũ của tác giả. Chúng ta cần phải kêu gọi chấm dứt những trích dẫn cá nhân. Đó là tham nhũng và chủ nghĩa thân hữu. Nó đánh lừa người đọc, và ngăn chặn sự chú ý khỏi những cuốn sách thực sự hay.

Nếu ông có thể yêu cầu Thủ tướng Anh đọc một cuốn sách, nó sẽ cuốn nào?

Tôi muốn gợi ý cho Thủ tướng Anh cuốn Red or Dead, tiểu thuyết điên rồ của David Peace về một huấn luyện viên bóng đá trong đời thực, Bill Shankly. (Màu Đỏ/The Red ở đây không đề cập đến Chủ nghĩa Cộng sản, nhưng là màu sắc của Câu lạc bộ bóng đá Liverpool). Cuốn tiểu thuyết này khá điên rồ, nhưng cũng rất rực rỡ, và là một tượng đài cho sự quyến rũ tuyệt vời đã từng là cốt lõi của cuộc sống ở Anh, nhưng giờ đây đang nhanh chóng lui dần.

Có cuốn sách nào chưa được viết mà ông muốn đọc?

Cuốn tiểu thuyết thứ bảy của Jane Austen, viết về sự trưởng thành, khám phá điều gì xảy ra với tình yêu vượt ra ngoài những lời tán tỉnh và lễ cưới.

Những cuốn sách nào mà ông đã đọc đi đọc lại nhiều lần?

Tôi thường không đọc lại toàn bộ cuốn sách, thậm chí cả với những cuốn tôi yêu thích. Nhưng tôi vẫn tiếp tục quay lại với một số truyện ngắn, theo cái cách mà tôi quay lại với những bản nhạc yêu thích. Rock Springs của Richard Ford (câu chuyện thực); Ionych của Chekhov, Tell Me Who to Kill của V. S Naipaul; tuyển tập Fires của Raymond Carver; The Clicking of Cuthbert của P. G. Wodehouse; Silver Blaze của Conan Doyle và vở In the Shadow of the Glencủa John Millington Synge.

Ông thấy xấu hổ khi chưa đọc những cuốn sách nào?

Danh sách này quá dài. Một ứng cử viên mới cho Cuốn Sách Không Đọc Khiến Tôi Đáng Xấu Hổ xuất hiện vài ngày một lần, tùy thuộc vào những gì đang được nói trước mặt tôi. Tuần này: Catch-22.

Ông có kế hoạch gì đọc cuốn sách nào tiếp theo?

Vợ tôi đã không ngừng nói với tôi về việc đọc tiểu thuyết đầu tay – The Girl in the Red Coatcủa Kate Hamer. (Đừng nhầm lẫn nó với một vài tựa sách cũng bắt đầu bằng “The Girl … gần đây). Khi vợ tôi đọc nó, tôi đã nhận thấy bà ấy không hoàn toàn là chính mình. Bà ấy nói rằng nó thật phiền não đến mức bà ấy muốn dừng lại, nhưng sau đó lại chẳng thể ngừng đọc. Giờ thì tôi phải tìm hiểu xem vợ mình có bị bệnh hay không.

——————————

[1] ‘Pray, be seated’ và ‘ This is most singular’ là những câu nói trong Sherlock Holmes, sau này trở thành đặc trưng của người Anh.

Theo Bookaholic.vn

 

Văn học & Điện ảnh Văn học Anh

Hamlet – Shakespeare

Hoàng tử Hamlet, con vua Đan Mạch, được vua cha gửi sang trường đại học Wittemberg, nước Đức, để hoàn tất việc học. Đó là một thiếu niên tài trí, một trang dũng kiệt, một văn nhân tao nhã, đóa hoa thơm và nguồn hy vọng của vương quốc. Nhưng trước khi khóa học chấm dứt, chàng bị triệu hồi về nước vì nhà vua vừa đột ngột băng hà. Hamlet buồn khổ nhiều, bởi chàng rất mực yêu mến cha.

Đau đớn và sầu thảm suốt cuộc hành trình, khi về đến lâu đài ở Elseneur(1), chàng thấy hoàng hậu Gertrude, mẹ chàng đã tái giá. Trước khi đôi giày bà mang để tiễn đưa người chồng cũ kịp mòn, trước khi hai tháng trôi qua đủ làm khô nước mắt, bà đã lấy em trai của nhà vua quá cố.

Hoàng tử Hamlet không ưa chú mình tí nào, ông ta khác xa người cha yêu quý mà chàng giữ mãi hình ảnh trong tâm khảm. Tâm hồn chàng không chịu nổi sự lãng quên mau chóng đó. Tuy nhiên, triều đình đón chàng rất tưng bừng. Nhà vua mới không cho phép chàng quay lại trường đại học, muốn giữ lại bên cạnh mình vị thái tử của vương quốc rất được mẹ quý mến, đã khuyên chàng nên sớm nguôi ngoai, bởi vì cha chết trước con cũng là điều tự nhiên thôi, và để tôn vinh chàng, nhà vua vừa uống rượu mừng sức khỏe chàng, vừa ra lệnh bắn đại bác.

Nhưng Hamlet vẫn u sầu và sửng sốt khi một người bạn cũng về Đan Mạch dự đám tang, và cũng như chàng, bị bất ngờ vì gặp hôn lễ, đến báo cho chàng hay một việc lạ kì. Mỗi đêm các sĩ quan phòng vệ sân trước của lâu đài ở Elseneur đều trông thấy một hồn ma lẩn khuất, võ trang từ chân đến đầu, thơ thẩn đến lúc gà gáy sáng mới biến mất. Horatio đã thức rình xem và tận mắt trông thấy; qua bộ áo giáp và nhất là qua đôi mày nhíu lại, anh đã nhận ra nhà vua quá cố. Cả lính gác, cả Horatio nữa đều khiếp hãi, không ai dám nói chuyện với ngài. Hamlet, xúc động mãnh liệt, bảo bạn hãy giấu kín sự việc lạ lùng đó và ngay đêm sau, khoảng mười một giờ đến nửa đêm, chàng thấp thỏm đợi chờ hồn ma xuất hiện.

Trên khu sân rộng băng giá, hắt hiu gió bấc, vị hoàng tử trẻ ngồi chờ giữa lúc kèn và tiếng đại bác báo hiệu rằng giữa tiệc, vị vua Claudius vừa nốc cạn bình rượu chát xứ Rhin. Mười hai giờ vừa gõ, hồn ma mặc áo giáp, xanh xao và đờ đẫn xuất hiện trước mặt chàng. Hamlet run lẩy bẩy vì được gặp lại cha, vội khẩn:

– Dẫu rằng người là vong linh hay oan hồn, ý định của người hiểm độc hay nhân ái, ta, Hamlet hoàng tử Đan Mạch, gọi ngươi là vua cha! Ôi! Hãy trả lời ta! Tại sao xương cốt người có thể sống dậy? Tại sao mộ phần lại hé cánh cửa cẩm thạch nặng nề cho người thoát ra? Tại sao người đứng đó, cái tử thi mang khí giới từ chân đến đầu, khiến ta kinh hoàng dưới ánh trăng, vì ta bị ám ảnh bởi những ý tưởng từ bên kia cõi chết?

Thoắt cái, hồn ma lôi chàng đi, và mặc dù khiếp sợ, Hamlet vẫn bước theo, buông xuôi cho định mệnh, rời khỏi những người bạn đang kinh hãi vì sự bồng bột của chàng. Hồn ma dừng lại nói:

– Ta là vong hồn cha của con bị hình phạt, ban đêm thì phải lang thang vất vưởng đó đây, và ban ngày thì bùng cháy cho đến khi đền xong tội lỗi. Nếu ta kể con nghe về ngục thất của ta, lòng con sẽ tan nát và con sẽ táng đởm kinh hồn. Nhưng tiết lộ với đôi tai phàm tục về chốn vĩnh cửu cũng chẳng ích gì. Hãy nghe đây! Ôi! Hãy nghe đây! Nếu con vẫn thương cha –và Hamlet rên rỉ, kêu trời- hãy báo thù cho cha đối với con quỷ đê tiện và vô luân đó.

Hồn ma kể lại cái chết tức tưởi của mình. Đứa em khốn nạn đã đầu độc ngài, lúc ngài thiu thiu ngủ trong vườn, đoạt cả vợ và ngai vàng, đưa ngài sang thế giới bên kia, hồn đầy tội lỗi, không kịp sám hối, không lễ rửa tội. Ngài van nài Hamlet hãy chấm dứt sự kiện ô nhục đó, hãy cứu con mồi đáng thương khỏi bàn tay sát nhân, nhưng tuyệt đối không được đụng đến mẹ, cứ để mặc thượng đế trừng phạt bà và lòng hối hận cấu xé bà. Rồi thấy ánh sáng đom đóm nhạt dần, vừng đông sắp ló dạng, hồn ma biến mất sau khi nhắc lại:“Vĩnh biệt, Hamlet, hãy nhớ đến cha!”

Hình như đất trời rung chuyển quanh Hamlet khi chàng nghe tiết lộ câu chuyện bi thảm đó. Bao kỉ niệm phù phiếm, bao ý đẹp lời hay trong sách vở và những ấn tượng về một thời quá khứ vàng son, tất cả những gì tuổi trẻ đã hấp thụ, chợt nhạt nhòa đi và biến khỏi ký ức; Trong tâm não chàng chỉ còn lại vỏn vẹn một lời thề sắt đá: vâng lời hồn ma và không được quên lời dặn.

Đối với lũ bạn tò mò, chàng không giải thích gì, chỉ nói:“Ta là một kẻ xấu số, ta phải đi cầu nguyện đây!”. Chàng buộc các bạn phải thề trên lưỡi kiếm của chàng là họ sẽ giữ kín mọi chuyện trong khi từ lòng đất vọng lên tiếng nói vang rền:“Hãy thề đi!”.

Rồi trước sự kinh ngạc của bạn bè, Hamlet nói thêm:“Còn biết bao điều trong trời đất mà triết học của các bạn chưa hề với tới!”. Bản thân chàng cũng rất hoang mang, bởi chàng chưa rõ điều hồn ma nói có đúng là sự thật không và chàng trù tính sẽ bí mật tìm ra manh mối vụ án. Định mệnh khắc nghiệt đã đặt lên đôi vai gầy yếu của chàng một nhiệm vụ nặng nề: tìm ra sự thật và báo thù.

Bỗng nhiên có tiếng đồn lan khắp triều đình rằng hoàng tử Hamlet đã đổi hẳn tính nết: trang phục xộc xệch, áo mở phanh ngực, chàng đi lang thang, tất giày lem luốc bẩn thỉu, dây buộc cẩu thả, mặt mày tái xanh, bước ngả nghiêng với cái nhìn ảo não, như thể chàng vừa từ địa ngục thoát ra để gieo kinh hoàng cho con người; thỉnh thoảng chàng dừng lại, đăm đăm nhìn một khuôn mặt tình cờ bắt gặp, rồi thở dài, loạng choạng bước đi, đờ đẫn và ngơ ngác. Chẳng ai nhận ra chàng nữa, kể cả những bạn cũ hay quan thị vệ Polonius và tiểu thư Ophélia dịu hiền mà Hamlet vẫn thương yêu; hoàng hậu, mẹ chàng và vua Claudius, chú chàng, cũng thế. Nhà vua nghĩ –hay giả vờ nghĩ, và khối người e ngài không hề lầm – rằng hoàng tử trẻ bị khủng hoảng tinh thần bởi quá sầu muộn vì cái chết của vua cha. Đức vua và hoàng hậu giao cho hai người bạn thời thơ ấu của chàng là Rosencrantz và Guildenstern nhiệm vụ an ủi chàng, nếu có thể, và nhất là tìm hiểu chàng. Nhưng Hamlet nhanh chóng hiểu ra cái lý do đích thực khiến chúng đến với chàng, nên liền tuôn ra với chúng những lời lẽ điên rồ, hai nghĩa. Theo chàng, Đan Mạch là một nhà ngục với ngục tối, xà lim và vọng canh; chàng có thể chui vào vỏ trái hồ đào và từ đấy, có thể xem mình như chúa tể nhiều lãnh thổ bao la… cùng vô vàn những điều phi lý khác, nhưng chàng luôn tỏ vẻ hết sức trân trọng và lịch sự đối với hai người bạn. Và bởi chàng thú nhận rằng mình đã mất hết niềm hứng khởi và xao lãng mọi cuộc luyện tập, rằng chàng rất u buồn và phiền muộn, hai người bạn mới lưu ý chàng về đoàn hát mà trước đây chàng vẫn thích, vừa đến lâu đài. Trong lúc bàn tán về thành tích của nhóm kịch sĩ này so với các đoàn hát khác, Hamlet chợt nảy ra một ý định kỳ quặc, phù hợp với tâm trạng bối rối của chàng. Chàng tiếp đón niềm nở gánh hát rong, bàn luận về các vai trò và diễn viên, muốn được thưởng thức tức khắc cái trường đoạn mà chàng thích thú nhất –câu chuyện trong đó chàng Enée(2) kể cho nữ hoàng Didon(2) nghe người ta đã giết chết đức vua già Priam ra sao- rồi chàng nhờ quan thị vệ Polonius trông coi xếp đặt cho thỏa đáng việc ăn ở của đoàn hát. Sau đó, một mình với trưởng đoàn, hoàng tử yêu cầu hắn ta trình diễn một vở do mình chọn lựa, “Cái chết của vua Gonzague” và chen vào đó độ mười hai câu thơ do chàng sáng tác.

Bởi chừng hoàng tử thấy đó là một thử thách quyết định. Vở tuồng, do chàng sửa đổi, sẽ diễn lại vụ mưu sát cha chàng chính xác đến nỗi, chỉ cần nghe thôi, bọn thủ phạm cũng không thể nào che giấu xúc động và như thế, buổi trình diễn chắc chắn sẽ là cơ hội để chàng bắt chộp được lương tâm nhà vua. Vì Hamlet vốn yếu đuối và đa cảm vẫn chưa tin hẳn những lời nói của hồn ma, chàng nghĩ rằng vong hồn ấy biết đâu chẳng hiểm độc, và chỉ tìm cách đày đọa chàng mà thôi. Với ý chí tê liệt, tâm hồn mơ mộng, chàng nguyền rủa tội ác, nhưng không dám ra tay trừng phạt, khinh miệt kẻ sát nhân nhưng chẳng có can đảm vạch mặt nó, thiếu quyết tâm báo thù, tự an ủi mình bằng lời nói hơn là hành động, đến nỗi cuối cùng phải buộc tội hồn ma để bào chữa cho sự bất lực của bản thân mình.

Trong khi đó, mọi người đều rắp tâm tìm hiểu nguyên nhân sự điên loạn hiển nhiên và ngày càng trầm trọng của hoàng tử Hamlet. Polonius, cha cô gái đẹp tuyệt trần Ophélia, ngỡ như mình đã hiểu ra. Với tính cách một người cha thận trọng, ông ra lệnh cho con gái đừng nghe chuyện, cũng đừng nhận tặng vật gì của Hamlet, vị quân vương tương lai đó không thể nào làm chồng nàng được. Nhận thấy hoàng tử hoàn toàn mất trí, ông cho rằng tình yêu bị hất hủi đã khiến chàng ngây dại và đó chẳng phải cái gì khác hơn là một cơn điên loạn vì tình. Ông vội chạy đi báo cho đức vua và hoàng hậu về điều mình vừa phát hiện, thế là cả bọn quyết định bày cách thử chàng. Người ta đặt cô Ophélia dịu hiền, với quyển sách mở rộng trước mặt, -để cho việc nàng ngồi một mình dễ chấp nhận hơn- trong một hành lang mà Hamlet vẫn thường lui tới trầm mặc. Rồi nhà vua và Polonius nấp sau một bức tường, rình nghe cuộc trò chuyện của đôi lứa để có thể khẳng định cơn điên của hoàng tử có phải là do thất vọng vì tình không. Chẳng mấy chốc Hamlet bước vào, đi chậm rãi, vừa lẩm bẩm những câu triết lý theo thói quen, nghĩ đến những hồn ma bóng quế và ranh giới ngăn cách người sống với kẻ chết:

– Tồn tại hay không tồn tại, đó là vấn đề. Chết, ngủ! Chẳng có gì hơn. Có thể nói giấc ngủ chấm dứt mọi thống khổ mà xác thân phải chịu đựng! Chết, hay ngủ. Ngủ, là nằm mơ, có lẽ. Ừ, câu hỏi chính là ở đó. Cơn mơ nào sẽ đến với ta trong giấc ngủ triền miên của cái chết? Đó là điều buộc ta phải suy nghĩ trở trăn. Mấy ai thích gánh chịu sự khinh miệt của người đời, những nỗi bất công, những điều sỉ nhục, nỗi đau khổ của tình phụ khi người ta có thể tự tìm đến với bình yên thanh thản bằng một nhát dao găm? Mây ai muốn rên siết và đổ mồ hôi dưới gánh nặng của một kiếp sống nhọc nhằn mà lại chẳng có điều phải sợ hãi sau khi lọt vào cõi chết, cái xứ sở xa lạ mà chẳng du khách nào đó lại được trở về!

Rồi chàng nghĩ rằng sự hèn hạ của người đời chẳng qua là do sợ hãi những điều chưa biết. Đôi mắt dịu dàng của Ophélia có nghĩa gì trước những vấn đề khắc khoải đó? Tuy nhiên, khi trông thấy nàng, chàng cũng nhã nhặn chào và đứng lại trò chuyện. Có thể chàng ao ước được nàng an ủi chăng? Nhưng vì hờn giận, hoài nghi, chàng thốt lên những lời cay đắng khiến cô gái đáng thương kinh hoàng; chàng không tin ai hết, kể cả nàng, dù trong trắng và dịu hiền là thế. Rồi hồi tưởng lại quá khứ, chàng nói thật phũ phàng:

– Ngày xưa, tôi đã từng yêu tiểu thư.

– Quả thực, thưa ngài, ngài đã khiến tôi tin như thế.

– Lẽ ra tiểu thư chẳng nên tin tôi, bởi tôi không còn yêu tiểu thư nữa.

Rồi chàng nói đến những điều xấu xa bằng mấy lời bóng gió khó hiểu:

– Hãy vào tu viện đi, vào tu viện đi, và nhanh lên nào. Tất cả chúng ta đều là những kẻ đểu giả quá đỗi; chẳng nên tin một ai trong chúng ta cả. Vĩnh biệt!

Và chàng bỏ mặc cô gái tội nghiệp, sững sờ khiếp đảm, cô tự nhủ thầm: “Ôi! Hỡi những quyền lực thiêng liêng, hãy trả lại lý trí cho chàng! Bất hạnh thay cho tôi, phải nhìn thấy vẻ đẹp tuyệt vời của thanh xuân bị hủy hoại vì điên loạn!”.

Nhà vua hiểu rõ căn bệnh mất trí của người cháu nên lo lắng tột độ, ngài quyết định tức khắc đưa chàng rời khỏi Đan Mạch và gửi chàng sang nước Anh với một sứ mệnh. Nhà vua cho rằng cuộc hành trình, mặt biển, với những khung cảnh mới lạ diễn ra trước mắt sẽ xua tan nỗi sầu muộn và những định kiến của chàng nhưng cái điều mà tên phản trắc không nói ra ấy là cuộc hành trình phải được tổ chức như thế nào để Hamlet không bao giờ còn quay lại nữa. Tuy nhiên, vua Claudius còn phải chờ hoàng hậu gặp mặt con, sau buổi kịch, để cho bà tìm cách làm cho con mình thổ lộ nguyên nhân nỗi sầu khổ nó vẫn ấp ủ trong lòng, mới loan báo dự định đó. Tên quan thị vệ Polonius vừa thất bại trong mưu đồ của hắn, ra vẻ xun xoe rối rít xin lãnh phần rình mò cuộc tiếp xúc của hai mẹ con.

Đêm hát đã chuẩn bị bắt đầu. Cả triều đình đều đến dự trong lễ phục long trọng, mỗi người ngồi theo chức vị của mình, thành hình vòng cung quanh hoàng hậu và đức vua, ngự trên ngai đối diện với bọn kịch sĩ. Sau khi nhắc lại những câu thơ cho các diễn viên -điều mà Hamlet quan tâm hơn cả là mọi người phải nghe thật rõ- chàng từ chối chỗ ngồi vinh dự bên cạnh mẹ, bởi chàng muốn quan sát tường tận nét mặt nhà vua. Hơn nữa, lần đầu tiên chàng đã tiết lộ phần nào những nỗi ngờ vực của mình cho Horatio biết, để anh ta có thể giúp chàng dò xét sắc diện của tên phản bội. Hoàng tử như muốn đùa bỡn, đến ngồi dưới chân nàng Ophélia dịu hiền, phía cuối vòng cung. Từ đó, đưa mắt về phía mẹ chàng nói:

– Hãy xem nét mặt hớn hở của mẹ tôi kìa, cha tôi chỉ mới mất hai giờ thôi đấy!

Nghe thế, cô bé hồn nhiên Ophélia, ngây thơ trả lời:

– Không đâu! Thưa ngài, đã hai lần hai tháng rồi đấy chứ!

– Sao, lâu thế cơ à! –Hamlet chế giễu- chết đã lâu thế mà chưa bị lãng quên! Thế thì hy vọng rằng ký ức về một bậc vĩ nhân có thể sẽ không phai mờ sau khi chết sáu tháng, nhưng Thánh mẫu ơi! Muốn thế, người ấy phải xây dựng bao nhiêu nhà thờ!

Suốt màn kịch câm và đoạn mở đầu, mọi người lặng im phăng phắc! Rồi vở kịch khởi diễn. Trên sân khấu, một ông vua và một hoàng hậu đối thoại bằng thơ; còn dưới này Hamlet oang oang giải thích cốt truyện cho Ophélia nghe. Người ta thấy cảnh vị vua già nhu nhược được bà vợ xảo quyệt ru ngủ bằng những lời thề nguyền chung thủy, rồi ngay sau đó, bị kẻ đồng lõa với bà đầu độc. Đúng lúc đó, vua Claudius đứng bật dậy, bước nhanh ra khỏi phòng và giữa sự nhốn nháo liền sau đó, Hamlet cược với Horatio một nghìn lirve rằng, hồn ma đã nói đúng, bởi vì chỉ mỗi tiếng “đầu độc” thôi, đủ khiến tên sát nhân phải bỏ đi.

Trước khi Hamlet kịp trấn tĩnh, mẹ chàng cho gọi chàng đến bên bà, không quên nói với Rosencrantz và Guildenstern vài lời cuồng dại, diễn tiếp vai trò mà chàng vẫn đặt ra cho mình. Chàng chua xót lẩm bẩm một mình:

– Bọn họ rồi sẽ biến ta thành kẻ điên mất, vì cứ buộc ta phải giả điên mãi thế này. Hãy đi tìm mẹ ta vậy! Đã đến giờ của những phù phép về đêm, giờ mà các nghĩa trang nhả ra những người chết và địa ngục thải uế khí tràn lan mặt đất. Ôi! Tim ta ơi! Hãy đừng đánh mất bản tính của mình! Đừng bao giờ để tâm hồn một Néron(3) len lỏi vào giữa ngực ta. Cứ tàn nhẫn đi, nhưng đừng vô luân. Miệng ta cứ phóng ra toàn dao găm, nhưng tay ta sẽ không hề động đến một ai.

Polonius đến núp sẵn sau bức màn để rình nghe cuộc đối thoại giữa hoàng hậu và con trai bà, bởi vì như ông ta tâu với nhà vua -giờ đây đã nhất quyết thanh toán hoàng tử, tốt hơn là để một người khác không phải là mẹ, tự nhiên phải thiên vị con mình- đến nghe lén những điều mà câu chuyện có thể tình cờ để lộ ra. Còn lại một mình, nhà vua lên tiếng cầu nguyện, cố ăn năn và hối tiếc tội ác đã gây ra, nhưng vẫn không thể được, bởi vì chẳng phải là ông ta đang thụ hưởng thành quả do tội ác của chính ông ta gây ra mang lại đó sao? Trong lúc ông ta quì gối, kêu gọi thiên thần cứu rỗi, thì Hamlet lặng lẽ bước vào, tính mạng kẻ thù kể như nằm trong tay, chàng có thể mặc tình hành động, nhưng chàng vẫn còn chần chừ, và cứ mãi quẩn quanh với mình.

– Kìa, hắn ta đang cầu nguyện! Ta có thể khử hắn trong lúc này. Nhưng như thế, hắn sẽ được lên thiên đàng! Báo thù mà như thế ư? Đó là điều cần nghĩ lại. Sao! Tên vô lại đã giết cha ta giữa lúc cha ta đang trong tình trạng tội lỗi nghiêm trọng, và theo như ta biết, những tội lỗi ấy đè nặng trên người. Thế mà ta, đứa con duy nhất, ta lại đưa tên phản trắc này lên thiên đàng, giữa lúc tâm hồn hắn thanh khiết, khác nào hắn được chuẩn bị tốt cho cuộc hành trình vào cõi chết! Không! Hãy dành cho hắn nhát gươm khủng khiếp hơn: ta sẽ hạ hắn khi nào hắn đang say sưa, mê ngủ, đang truy hoan hay lộng ngôn nghịch đạo. Để linh hồn hắn cũng bị đày đọa và đen tối như địa ngục mà hắn phải rơi vào!

Chính trong tâm trạng đó, chàng đến gặp mẹ. Chàng thốt lên những lời độc địa, rồi bất thình lình nghe có tiếng động sau bức màn, rút gươm ra đâm bâng quơ một nhát, vừa la lên:“Một con chuột!” rồi giết chết Polonius ẩn trong đó. Và chàng lại tiếp tục đay nghiến mẹ bằng những lời trách móc hung hăng, dẫn bà đến trước chân dung của hai anh em, buộc bà phải so sánh, làm tình làm tội bà đủ điều; bỗng nhiên hồn ma hiện ra, rồi cất lên tiếng nói:

– Con ơi! Đừng quên cuộc viếng thăm của ta không nhằm mục đích nào khác hơn là nung nấu cái ý chí báo thù giờ đây hầu như đã nguội lạnh trong con! Nhìn mẹ của con kìa: bà ấy và tâm hồn bà ấy đang cấu xé nhau. Con hãy can thiệp vào cuộc cấu xé đó đi. Chính những kẻ yếu đuối nhất mới là những kẻ mà trí tưởng tượng hoạt động mạnh nhất. Hamlet! Hãy nói với mẹ con đi.

Nhưng Hamlet nhìn trân trối vào khoảng không, tóc dựng ngược vì khiếp đảm, cố chỉ cho hoàng hậu thấy hồn ma, nhưng vô ích.

– Hỡi các vì thiên sứ, hãy che chở và bao phủ ta bằng đôi cánh của các ngươi Ngài, ngài kìa! Hãy nhìn ánh mắt nhợt nhạt của ngài. Ngài khiến đá cũng phải mủi lòng. Hãy nhìn kìa! Hãy nhìn bước chân ngài xa dần như thế nào. Đó là cha ta hệt như khi người còn sống. Hãy nhìn kìa! Người vừa bước ra khỏi cửa!

Hoàng hậu chẳng thấy gì cả, ngỡ chàng lại lên cơn điên loạn:

– Hamlet ơi! Con khiến mẹ tan nát cõi lòng!

Nhưng chàng vẫn nói mãi, tố cáo mẹ bằng những lời độc ác và thách bà cứ bảo với nhà vua về sự giả điên của mình rồi chàng đi ra, lôi theo cái xác của Polonius vừa tụng lên bài điếu văn sau đây:“Thực ra, lúc sống viên cố văn này là một thằng ngốc và ba hoa nhưng bây giờ hắn đã thật sự lặng thinh kín đáo và nghiêm trang rồi. Đi thôi, thưa ông! Thế là xong nhé! Chúc mẹ ngủ ngon!”.

Vụ sát nhân là bằng chứng sự điên loạn của chàng. Nhưng vì chàng được thần dân yêu mến, nên nhà vua chẳng dám đụng đến chàng ngay tại Đan Mạch. Vì vậy, viện cớ chàng đã trở nên nguy hiểm, Claudius thực hiện ý đồ đưa chàng sang Anh, kèm theo hai người bạn Rosencrantz và Guildenstern, với những lá thư niêm kín. Hoàng tử nghi ngờ có cạm bẫy, nên trong cuộc hành trình chàng tìm cách lấy trộm cái bọc đựng thư, và được biết có lệnh giết chàng ngay khi đến đất Anh, như một tên điên loạn không có khả năng trị vì. Chàng liền thảo lá thư khác, điền vào đấy lệnh xử tử không được trì hoãn những kẻ mang thư, rồi lục tìm trong túi ấn tín của cha, mẫu quốc ấn của nước Đan Mạch, khéo đến nỗi lá thư vẫn y nguyên như cũ khi chàng đặt trả trong bao. Hai ngày sau, một bọn cướp biển cặp sát tàu rồi ập lên giết sạch thủy thủ đoàn, chỉ tha chết cho mỗi hoàng tử, mà chúng hy vọng sẽ được lãnh tiền chuộc. Chẳng bao lâu sau đó, nhà vua nhận được thư của bọn thủy thủ báo tin ngày về nhanh chóng của vị hoàng tử đáng ghét; ông ta bèn nghiền ngẫm mưu kế mới; ông ta khơi gợi lòng thù hận của Laerte, con trai Polonius, khi về đến Elseneur hay cha mình bị giết chết và em gái là Ophélia hóa dại. Cô gái dịu hiền không thể cùng một lúc chịu đựng hai nỗi khổ đau quá lớn giày xéo lòng cô; sự ruồng bỏ của Hamlet và cái chết của cha nàng. Trong nhiều ngày, nàng thơ thẩn khắp các phòng trong lâu đài, kể lể với những người bạn âu sầu những chuyện đâu đâu, đôi khi hét lên, rồi hát nghêu ngao những bài trước đây nàng chưa hề dám hát. Nàng ôm trong tay nhiều bó hoa dại; thỉnh thoảng phân phát cho từng người tùy tâm trạng mỗi lúc. Nhưng hôm sau, nàng đến một cánh đồng ven dòng sông, ngồi dưới gốc một cây liễu soi bóng lá xanh trên mặt nước im lìm, nàng kết những tràng hoa kỳ dị với nào mao-lương, tầm-ma, hoàng cúc và với mấy cánh hoa dại màu đỏ thẫm thường gọi là hoa lồng đèn; rồi nàng lại muốn treo cái tràng hoa sặc sỡ ấy lên cành liễu. Nàng nhoài người tựa vào nhánh cây, cành liễu oàn xuống, và cô bé Ophélia trong trắng cùng với tràng hoa trượt dần xuống nước. Trong một lát, quần áo nổi lềnh bềnh giữ nàng trên mặt sông như một nàng tiên cá, và thật hồn nhiên, nàng vẫn cất lên những khúc hát cổ xưa. Nhưng xiêm y thấm ướt nặng dần, kéo nàng xuống và nàng chìm xuống đáy nước bặt tăm.

Khi hay cái chết bi thảm đó, Laerte bất bình và phẫn uất, ưng thuận cùng với nhà vua xếp đặt một cuộc so gươm, trong đó lưỡi gươm tẩm độc của hắn nhất định chạm vào người Hamlet. Để cho được chắc chắn hơn, nhà vua còn pha chế một cốc nước gớm ghiếc có thể vĩnh viễn làm đông đặc máu của người uống lúc khát. Họ tin chắc lần này chàng không thể nào thoát được.

Tuy nhiên, khi trở về, Hamlet không vội vã vào thành Elseneur, mà cứ quẩn quanh bên ngoài. Chàng dừng bước ở một nghĩa trang gần đó, nơi những người phu đào huyệt vừa đào vừa cười đùa, tán chuyện gẫu với nhau. Hamlet vấp những khúc xương mà cái xẻng vừa hất lên, lại bắt đầu suy tưởng về cái chết và sự sống:

– Cái sọ này đây –chàng nói với Horatio- xưa kia chứa đựng một cái lưỡi có thể ca hát. Như cái thỏi xương quái quỉ vừa khiến anh ngã lăn kia, chẳng khác nào là xương hàm của Cain(4) là kẻ đầu tiên phạm tội giết người. Cũng có thể đó là một cái đầu của một nhà chính trị, một kẻ tin rằng mình có thể đánh lừa cả Thượng đế. Và bây giờ, thế đấy, mặc cho dòi bọ chui rúc, lại phải nhận một nhát xẻng vào mồm. Như vậy là chế tạo ra những mảnh xương này chẳng tốn bao công sức cũng như chỉ có thể dùng chúng để chơi “ki”(5) thôi! Phần tôi, chỉ nghĩ đến xương của cha mình, đã thấy đau rồi.

Gã phu đào huyệt vẫn bỡn cợt, gã nghêu ngao những điệu dân ca vừa nêu lên những trò chơi chữ, vừa đào một cái huyệt mà theo gã nói, không phải cho một người đàn bà, mà cho một người đã từng là đàn bà. Gã khoe mình bắt đầu hành nghề đúng vào ngày cậu bé Hamlet ra đời và bây giờ thì cậu ta trở nên điên rồ và bị tống sang Anh quốc. Hamlet ớn lạnh cả mình, nhưng bị câu chuyện mê hoặc bèn hỏi: “Phải mất bao nhiêu năm, con người chôn dưới đất mới mục rã?”.

– Tám hay chín năm –gã kia đáp- cái sọ này đã nằm đây từ hai mươi ba năm. Đó là sọ của Yorick, tên hề của nhà vua.

– Than ôi! Tội nghiệp cho Yorick! –Hamlet kêu lên- Ta biết hắn, Horatio ạ. Đó là một chàng trai rất vui tính, trí tưởng tượng hết sức phong phú. Hắn đã nghìn lần cõng ta trên lưng, mà bây giờ chỉ tưởng tượng đến cũng đủ rợn tóc gáy! Ta buồn nôn quá! Kia là cặp môi ta đã hôn bao lần. Giờ đây còn đâu những lời bỡn cợt, những trò vui nhộn, những khúc hát, những câu bông lơn, từng gây ra những trận bão cười trong cung điện? Giờ đây, cũng chẳng còn những lời khôi hài nào để chế giễu cái nhăn nhó của chính người nữa. Ngươi đã phải hoàn toàn câm miệng lại rồi!

Và trong lúc chàng để mình phiêu diêu theo những tư tưởng thê thảm đó, một đám tang đi tới. Đó là một đam tang theo nghi thức trọng thể, có mặt đức vua, hoàng hậu và tất cả quần thần. Chàng trông thấy theo nhịp tiếng chuông ngân, trong trang phục trắng tinh, đầu kết vòng hoa trắng, tiểu thư Ophélia dịu hiền đã chết. Chàng thấy hoàng hậu vẫn tiếp tục rắc hoa lên quan tài và phủ những gì kiều diễm nhất lên thi hài cô gái kiều diễm và Laerte điên cuồng vì đau đớn, nhảy bừa xuống huyệt để hôn đứa em gái thân yêu lần cuối. Hờn ghen và tức giận, Hamlet nhảy bổ lên anh ta, và cả hai lăn xả vào cuộc ẩu đả ác liệt. Người ta phải nhọc nhằn lắm mới can họ ra được. Hamlet hét lên:

– Ta yêu Ophélia! Dù bốn vạn người anh dồn tất cả tình thương lại cũng không thể nào sánh nổi lòng ta yêu nàng!

Người ta tìm cách buộc chàng nín lặng, họ cố gắng hòa giải hai người, và hoàng hậu dắt con mình đi. Nhưng nhà vua vẫn chưa quên những mưu đồ đen tối của mình. Và ngày sau, một sĩ quan tự ý đến đề nghị cùng Hamlet một trận so kiếm với Laerte. Nhà vua đánh cuộc bằng sáu con ngựa Bắc Phi rằng con ghẻ của mình sẽ thắng cuộc, còn món cuộc của Laerte chỉ có sáu trường kiếm và sáu đoản kiếm kiểu Pháp với mọi thứ phụ tùng khác. Điều kiện trận đấu đã được qui định, nhà vua cho rằng Laerte không thể nào chạm được vào người Hamlet ba lần trong mười hai hiệp; còn Laerte thì đánh cuộc rằng mình sẽ đâm trúng chín lần. Nhà kiếm thuật lỗi lạc như sống dậy trong Hamlet và chàng quên khuấy trong một lúc nỗi mơ mộng của mình để chỉ nghĩ đến trận đấu.

Trận đấu được chuẩn bị rộn rịp và trọng thể với sự hiện diện của các vị quân vương. Trước khi bắt đầu, hai địch thủ nhã nhặn cam kết sẽ xóa bỏ hết mọi hận thù. Người ta chọn kiếm thật cẩn thận. Nhà vua quyết định rằng mỗi nhát kiếm đánh trúng của Hamlet sẽ được loan báo bằng một phát đại bác, và mỗi lần như thế, chàng sẽ được uống cạn một cốc rượu ngâm ngọc trai để tán thưởng chàng. Người ta sửa soạn nhiều bình rượu vang, còn tên gian trá thì hờm sẵn cốc rượu độc.

Hamlet nhanh chóng đâm trúng Laerte, nhưng say sưa vì trận đấu, chàng từ chối không uống và định mệnh ác nghiệt đã muốn rằng hoàng hậu bỗng dưng khát nước, vội cầm lấy và uống cạn cốc rượu độc, đúng vào lúc đến lượt Laerte chạm kiếm vào người Hamlet. Trong cơn hăng say, họ đổi kiếm cho nhau, và cả hai lần lượt trúng thương bởi lưỡi gươm có tẩm độc nên đều rỉ máu.

Lúc đó hoàng hậu bỗng ngã lăn ra, ai cũng ngỡ bà xúc động vì trông thấy máu, nhưng bà chợt hiểu ra, và kêu lên:

– Không, không, vì rượu đấy. Ồ! Hamlet, con thân yêu của mẹ, mẹ đã bị đầu độc.

– Bọn phản trắc! –Hamlet la lên- Hãy đóng tất cả các cửa lại! Có sự phản bội! Phải tìm cho ra từ đâu!

– Ở ngay đây thôi! –Laerte, bị lương tâm giày vò, nên thú nhận- Hamlet ơi! Ngài đã bị mưu sát. Chẳng có thuốc nào trên thế gian chữa nổi cho ngài, ngài chỉ còn sống khoảng nửa giờ thôi. Công cụ phản bội đang ở trong tay ngài đấy, gớm ghiếc và độc hại. Mưu kế hiểm ác đã hại cả tôi. Kiệt sức rồi, tôi sẽ quỵ xuống đây và chẳng bao giờ trở dậy nữa. Chính nhà vua, chính nhà vua đã gây ra mọi điều!

Lần này, Hamlet không chần chừ nữa. Chàng đâm tên vua phản bội một nhát kiếm tẩm thuốc độc rồi tưới rượu độc lên người hắn.

Thế là tất cả nạn nhân của nhau, đều ngã gục theo lời nói cuối cùng của Hamlet:

– Cái còn lại là sự im lặng!

Đối với chúng ta, phải chăng nên kết luận bằng nhận định của một trong những nhân vật:

– Có cái gì thối rữa trong vương quốc Đan Mạch.

Chú thích: 

1) Tên Đan Mạch là Hen-xin-giơ, một hải cảng của Đan Mạch. Ở đây có lâu đài Crông-bo (Kronborg) nơi Shakespeare dùng làm bối cảnh cho vở kịch Hamlet này.

2) Nhân vật trong vở kịch của nhà thơ Ý cổ đại La Mã Viêcgin (70-19 Trước CN)

3) Tên bạo chúa của La Mã cổ đại (37-68 trước CN) nổi tiếng vì đã ra lệnh đốt cháy thành Roma, đã giết mẹ, giết vợ.

4) Nhân vật trong kinh thánh, con của Adam và Eva, đã giết chết em của mình là Aben

5) Ki (quille): một trò chơi trong đó người ta dùng một quả bóng để quật ngã những quân “ki” làm bằng gỗ như cái chày con.

 

http://maxreading.com/sach-hay/tac-pham-cua-shakespeare/hamlet-hoang-tu-dan-mach-24197.html

Akira Kurosawa Film studies Văn học & Điện ảnh Văn học Anh

The Bad Sleep Well (1960) – Akira Kurosawa

https://www.criterion.com/films/765-the-bad-sleep-well

The Bad Sleep Well

From Wikipedia, the free encyclopedia
 The Bad Sleep Well (悪い奴ほどよく眠る Warui yatsu hodo yoku nemuru?) is a 1960 film directed by the Japanese director Akira Kurosawa. It was the first film to be produced under Kurosawa’s own independent production company. It was entered into the 11th Berlin International Film Festival.
The Bad Sleep Well
Badsleepwell.jpg

Original Japanese poster
Directed by Akira Kurosawa
Produced by Akira Kurosawa
Tomoyuki Tanaka
Written by Hideo Oguni
Eijirô Hisaita
Akira Kurosawa
Ryûzô Kikushima
Shinobu Hashimoto
Starring Toshiro Mifune
Music by Masaru Sato
Cinematography Yuzuru Aizawa
Edited by Akira Kurosawa
Production
company
Toho Studios
Kurosawa Production Co.
Distributed by Toho
Release dates
  • September 19, 1960
Running time
151 minutes
Country Japan
Language Japanese