Xuất bản lần đầu năm 1987, rừng Na Uy là một trong những cuốn tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami. Khi được dịch sang tiếng Việt, tiểu thuyết này gây xôn xao dư luận suốt một thời gian dài. Đạo diễn người Pháp gốc Việt – Trần Anh Hùng – đã chuyển thể thành kịch bản điện ảnh. Tiếp cận tác phẩm này, người đọc luôn bị ám ảnh bởi nỗi u hoài khó lý giải.

1. Haruki Murakami có lý khi cho rằng tình cảm thẩm mỹ là nét chủ đạo chi phối mọi đặc trưng bản sắc dân tộc Phù Tang. Rừng Na Uy của Haruki Murakami cũng không nằm ngoài quy luật đó. Với bút pháp mới mẻ, Murakami đã vẽ nên bức tranh đầy màu sắc về xã hôi Nhật Bản truyền thống tưởng như vỡ òa bởi nhịp sống hiện đại.

2. Nhật Bản là mảnh đất của anh đào, của tinh anh Sake, của những rung động vi diệu trong lòng người… Hầu như người Nhật luôn xem vạn vật dưới góc nhìn của quan niệm thẩm mỹ. Trong sự phát triển nhảy vọt của một siêu cường, giới trẻ Nhật một thời đã cho mình là  “thế hệ lạc lõng” để rồi ý thức về sự ưu hoài thế sự càng đâm đặc trong tâm thức. Từ đó, cảm thức Biwa trở thành một quan niệm thẩm mỹ tiêu biểu trong văn học Nhật Bản, đặc biệt là dòng văn học hiện đại.

“Tất cả chúng ta bấm sinh đều là nghệ sĩ của đời sống” (Suzuki). Hơn thế nữa, mỗi người Nhật đều mang trong mình cảm thức thẩm mỹ của người nghệ sĩ. Họ nâng tất cả thành Đạo: Trà Đạo, Kiếm Đạo, Hài-cú Đạo… Dường như quan niệm thẩm mỹ đã thấm sâu vào văn học Nhật Bản tạo ra sự tịch lặng (Sabi), nâng tâm hồn con người hòa nhập đến những khoảnh của sự đơn sơ (Wabi), rồi chợt rung động bi cảm, trầm buồn (Biwa). Tâm thức Biwa xuyên suốt nền văn học Nhật Bản, từ truyện Genji của thế kỷ XI, sáng tác của Kawabata, cả trong Haiku – loài hoa đậm sắc hương của vườn thơ ca Nhật Bản – và vang vọng mãi đến Rừng Na Uy – cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về nỗi cô đơn của con người hiện đại. Đó là nỗi bi cảm thoát thai từ sự cô đơn trống vắng khi con người muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống và tình yêu.

Con người cũng có lúc cảm thấy rợn ngợp trước cuộc sống hiện đại với bao đổi thay của cuộc đời. Cô đơn là bản chất của con người, như một nhân vật trong tiểu thuyết Rừng Na Uy đã tuyên bố: “Bản ngã và tha nhân là cách biệt”. Cá nhân là riêng tư, là một tiểu vũ trụ bí ẩn. Trong hành trình hòa nhập, bản ngã luôn phải cố gắng hết sức để tìm đến với tha nhân, tìm hơi ấm bầy đàn, để hóa giải cô đơn.

Cô đơn trong Rừng Na Uy chính là cảm giác thời đại. Cảm giác ấy được khơi gợi từ chính nhan đề Rừng Na Uy, vốn là tên bài hát nổi tiếng của nhóm Beatles những năm 60 – 70 của thế kỷ XX. Rừng Na Uy đâu chỉ là tên một bài hát, nó còn là tên của một sự ám ảnh về nỗi cô độc; là tên của những hạnh phúc mong manh như chính nội dung ca từ: “Tôi từng có môt cô gái… Cô dẫn tôi vào phòng và bảo tôi ngồi đâu cũng được, nhưng tôi thấy chẳng có chiếc ghế nào… Khi tỉnh dậy tôi chỉ có một mình, con chim ấy đã bay đi rồi…

3.Nhân vật trong Rừng Na Uy tất tả ngược xuôi đi tìm bản ngã giữa biển người mênh mông. Nhưng rồi chính sự cô đơn trong tâm hồn đã đưa bản ngã đến gần tha nhân hơn. Bản ngã cô đơn phân mảnh cực đoan trong không gian văn hóa Nhật Bản hậu hiện đại. Rừng Na Uy là thế giới của những con người cô đơn. Mở đầu tiểu thuyết là hình ảnh của Toru 37 tuổi, với bản hòa tấu không lời ca khúc Rừng Na Uy (Norwegian Wood). “Giai điệu ấy bao giờ cũng khiến toàn thân tôi tung rẩy, lần này nó làm tôi choáng váng hơn bao giờ hết”. Toru là chiếc cầu nối kết các nhân vật trong truyện, nhưng chính anh lại nhận về nỗi cô đơn không chút niềm thân mật. Toru đã lần lượt chứng kiến cái chết của Kizuki và Naoko vốn mang trong mình bản thể cô đơn không lý giải. Toru ở ký túc xá cũng chỉ có thể làm bạn với Nagasawa, một tính cách trái ngược hoàn toàn. Hai người bạn này như hai mặt đối lập mà Toru vừa phải sống với nó và vừa muốn khám phá nó. Đến cuối tác phẩm, Toru vẫn chưa tìm được lối thoát cho cuộc đời mình.

Kizuki và Naoko “giống như hai đứa trẻ trần truồng lớn lên trên một hòn đảo hoang. Nếu đói, bọn mình chỉ việc nhặt chuối ăn, nếu thấy cô đơn, bọn mình chỉ việc tìm đến vòng tay nhau. Nhưng những cái như thế không kéo dài mãi mãi”. Kizuki tìm đến cái chết năm 17 tuổi. Toru và Naoko cùng rời khỏi Kobe đến Tokyo để tìm lối thoát. Toru đã gặp lại và yêu Naoko như muốn quên lãng quá khứ u sầu. Naoko hiểu rằng mình có thể hòa nhập trở lại với thế giới. Nhưng vết thương ấy đã không bao giờ chữa lành được. Naoko bỏ vào khu trị liệu trên núi cao, tự nhận thấy mình méo mó, vừa hy vọng, vừa lo sợ. Naoko khỏa thân vô thức trước Toru và khát vọng được khơi mở để hòa nhập với tha nhân.

Cô đơn trước thời cuộc, các nhân vật đã hòa nhập trong tình dục. Đó là thứ tình dục bừa bãi nhằm thỏa mãn bản năng. Nagasawa gọi đây là những ”cơ may”: “Nó đầy rẫy xung quanh, làm sao có thể phớt lờ nó đi được”. Nhân vật buông thả ”sẵn sàng ngủ với bất kể người nào, bất kể là ai”. Vì vậy, tình dục cuối cùng cũng chỉ là sự nhạt nhẽo vô vị: “những sự chung đụng thể xác không cứu vãn nổi tâm hồn của những con người cô đơn”. Với họ, tình dục là “nói cho nhau biết rằng có những điều chỉ có thể nói bằng cách cọ xát hai khối thịt bất toàn như thế này. Làm như vậy chúng mình mới chia sẻ được những bất toàn của nhau”. Nhiều khi tình dục là cầu nối duy nhất để nhân vật đạt đến sự hài hòa trong đời sống. Toru đã làm tình với Naoko, chung đụng thân xác với Reiko.

4. Tình dục chỉ là nơi “tạm trú” của những tâm hồn tuyệt vọng. Các nhân vật lại đi tìm cho mình một lối thoát thực sự: cái chết. Kết thúc tác phẩm, đầy rẫy những con người của niềm đam mê khao khát tự kết liễu đời mình. Cái khó khăn nhất trong cuộc đời một con người là vượt qua chính mình. Nhân vật không vượt thoát khỏi nỗi cô đơn.

Kizuki chết vì không thể có được khoảnh khắc thăng hoa bên Naoko. Naoko tuyệt vọng trước cuộc đời, chết một cách nhẹ nhàng: “Đừng lo, nó chỉ là cái chết thôi mà. Đừng để nó làm phiền cậu”. Toru rút ra triết lý sau cái chết của Kizuki: “Sự chết tồn tại không phải như một đối nghịch mà là một phần của sự sống”. Chị của Naoko và Hatsumi chết chỉ vì không sợ chết. Những người chết trong tác phẩm đều cố gắng vượt thoát khỏi nỗi cô đơn. Và có lẽ bởi không còn đủ niềm tin, họ đã tìm đến cái chết như một giải pháp nhẹ nhàng, đơn giản. “Rừng Na Uy” không hề bi lụy. Murakami đã dẫn người đọc đi từ cảm giác chết chóc đến niềm yêu đời. Cảm thức Biwa vì thế mà không chỉ là nỗi u hoài mà hơn thế đó là sự xúc cảm, hướng về với niềm tin yêu sống.5. Cảm thức Biwa đã được Muhakami phát triển ở mức cao hơn phù hợp với thị hiếu của đông đảo độc giả. Tác phẩm đã vượt ra khỏi biên giới hoa anh đào để khẳng định vị trí văn học Nhật Bản trong vườn hoa văn học nhân loại. Rừng Na Uy bắt được nhịp thở của thế hệ trẻ, tạo nên một nét nhìn mới về một mẫu mực truyền thống. Biwa là cô đơn u hoài trước thế sự nhưng không có nghĩa là chán chường trong tuyệt vọng. Đọc Rừng Na Uy để có được lẽ sống trong nhịp sống bôn bề, để khẳng định bản ngã, để có được những phút lắng mình. ■