Văn học Nhật Bản Văn học phương Đông

HỒNG THỦY (Truyện của Inoue Yasushi; Phan Thu Vân dịch từ bản tiếng Trung)

HỒNG THỦY[1]

(Truyện của Inoue Yasushi; Phan Thu Vân dịch từ bản tiếng Trung)

Những năm cuối đời Hán Hiến Đế (tại vị từ năm 189 đến năm 220 Công nguyên), Tác Lệ dẫn một ngàn binh Đôn Hoàng ra khỏi Ngọc Môn quan với nhiệm vụ đi tới bờ sông Khố Mỗ của sa mạc Taklamakan để xây dựng căn cứ đóng quân mới. Cách biệt ba mươi năm, quân Hán lại lần nữa vượt qua biên ải, ra đến gần Tây vực.

Từ sau lần đầu tiên Hán Vũ Đế chính thức dùng vũ lực để đối phó với Tây vực, đến nay đã đằng đẵng hơn ba trăm năm. Trong thời gian này, Hán và Hung Nô vẫn đấu tranh không ngừng trên chiến trường Tây vực. Ngọc Môn quan và Dương quan lúc đóng lúc mở, uy thế nhà Hán từng có lúc vượt qua khỏi dãy núi Côn Lôn, còn Hung Nô cũng từng băng qua Ngọc Môn quan để tiến vào xâm lấn đến tận lưu vực sông Hoàng Hà.

Từ Tây Hán đến Đông Hán, các đời vua đều cảm thấy vấn đề Hung Nô là một thách thức lớn lao, không thể kê cao gối ngủ chẳng thèm bận tâm chuyện gì đang diễn ra. Muốn thu lại được Hà Tây tất phải đánh bại Hung Nô, mà muốn đánh Hung Nô tất phải nắm được Tây vực. Tuy vậy, đường đến Tây vực xa xôi hiểm trở, thêm vào đó người Hồ nay thế này mai thế khác rất khó lường, mà kinh phí cho việc nuôi quân lại quá lớn, vì vậy hết đời này đến đời khác, thế lực thống trị đều đành buông tay từ bỏ Tây vực sau một thời gian ngắn. Đây dường như là luân hồi không ngừng của định mệnh.

Tác Lệ tiến quân vào Tây vực, chẳng qua cũng là một lần luân hồi như vậy trong chặng đường lịch sử dài vô tận.

Ba mươi năm trước Hán từ bỏ Tây vực, nhưng những năm gần đây sự quấy rối của Hung Nô càng lúc càng trở nên quá quắt. Địa phận Hà Tây một năm nhiều lần bị vó ngựa sắt Hung Nô giẫm nát. Vì vậy, để một lần nữa quét sạch căn cứ địa của Hung Nô, Hiến Đế buộc phải phái binh vào Tây vực. Thế là nhiệm vụ xây dựng doanh trại quân sự chuẩn bị cho một lượng lớn quân Hán tiến vào được đặt lên vai Tác Lệ. Trong sách sử tuy có ghi lại rằng “Đôn Hoàng Tác Lệ, tự Nhan Nghi, hữu tài lược.” (Tác Lệ vùng Đôn Hoàng, tên tự là Nhan Nghi, là người có tài thao lược), nhưng trước khi đến đóng tại Tây vực, hoàn toàn chẳng ai biết được điều gì rõ ràng về chàng cả.

Từ xưa đến nay, binh sĩ được phái vào Tây vực đều là tù phạm hoặc thành phần bất hảo. Thời Vũ Đế, Trương Khiên lần đầu đi sứ Tây vực dẫn theo tất thảy là đám cường bạo man di; binh sĩ của Nhị Sư tướng quân Lý Quảng Lợi vào Đại Uyển xin ngựa tốt cũng toàn loại tội đồ bán mạng. Cho đến sau này, những người lập được chiến công hiển hách tại Tây vực như Ban Siêu, Ban Dũng… cũng không ngoại lệ, đều chiêu mộ kẻ tội đồ, phường lêu lổng trong thiên hạ để tổ chức thành đội quân của mình.

Đội quân quy mô lớn vào Tây vực mà còn như thế, thì không khó tưởng tượng một ngàn quân đi cắm đất lập doanh trại của Tác Lệ là đồ vô danh tiểu tốt đến cỡ nào. Vị võ tướng  ngoài bốn mươi tuổi, sinh ra ở vùng ven đã đặc biệt chọn ra những phần tử liều lĩnh nhất trong đội quân đóng tại biên cương Đôn Hoàng làm tùy tùng. Tiêu chuẩn duy nhất mà vị tướng yêu cầu ở mỗi binh sĩ là bờ lưng chắc khỏe để kéo được cánh cung căng cứng.

Tác Lệ và mọi người đều cho rằng một ngàn binh sĩ này một khi đã ra khỏi Ngọc Môn quan thì đừng nghĩ đến chuyện quay về đất nhà Hán nữa. Hôm ấy, cánh quân đi đầu của Tác Lệ thúc cho lạc đà tiến lên phía trước. Lúc đội quân cuối cùng rời khỏi tường thành Ngọc Môn quan khoảng hai trăm mét, bỗng dưng tất cả đều dừng lại. Tác Lệ không ra bất kỳ mệnh lệnh nào, chỉ muốn cho binh sĩ một cơ hội vĩnh biệt cố quốc. Đội quân tập hợp từ khi trời mờ sáng, nhưng thời gian chuẩn bị dài hơn nhiều so với dự tính, nên lúc này mặt trời đã lên rất cao, khiến người ta dễ dàng liên tưởng đến cái nóng khốc liệt của buổi trưa. Giữa ánh nắng rực rỡ, tường thành Ngọc Môn quan bày ra trọn vẹn cái hình dáng xám xịt, đầy vẻ u ám nặng nề.

Tác Lệ ngước nhìn lên vọng lâu chót vót của Ngọc Môn quan. Lúc rời mắt khỏi nơi ấy, nét mặt chàng kiên định trở lại, ánh mắt chàng khôi phục sự sắc bén thường ngày. Chàng truyền lệnh tiến bước.

Cả đời Tác Lệ trôi qua trong cuộc chiến trường kỳ chống Hung Nô, nhiều lần bị điều chuyển đến vùng biên giới, nửa thời gian của đời người đã rót vào cuộc chiến với dị tộc. Giờ đây, dù phải nhận lệnh tới nơi đâu, chàng cũng đều có thể giữ thái độ bình thản không lay động. Nhưng lần tiến binh Tây vực này khiến chàng ít nhiều mang chút cảm khái khác với mọi lần. Chàng hiểu rất sâu sắc việc xây dựng một căn cứ địa bé nhỏ giữa trung tâm thế lực lớn mạnh của kẻ địch có nghĩa thế nào. Đó chính là thời gian từ nay về sau sẽ không ngừng bị bào mòn trong những cuộc chiến không ngừng nghỉ với Hung Nô. Đó chính là mình sẽ thịt nát xương tan vì những chính sách thất thường của các nước Tây vực không sao lường trước. Hơn nữa để có thể sống sót, phải canh tác, mà cho dù may mắn trồng trọt chăn nuôi thành công được bên bờ sông Khố Mỗ thì muốn kiên trì dài hạn được trong sa mạc, dường như cũng là điều không thể. Triều đình nếu tích cực chi viện thì còn cầm cự được, bằng không, vận mệnh của các binh sĩ sẽ giống như đất vừa khai hoang, cuối cùng cũng bị bỏ rơi trong hoang mạc. Không thể quá trông đợi vào sự chi viện của triều đình. Nhà Hán ngày một suy bại, lại quá bận ổn định đối nội nên lúc nào chính sách ngoại vực cũng có thể thay đổi. Việc sáng ban lệnh ra chiều đổi ý đã thành thói quen của nhà cầm quyền những năm trở lại đây.

Trưa hôm đó, đội quân của Tác Lệ bước vào lòng sa mạc mênh mông vô tận. Từ ngày thứ ba trở đi, sa mạc biến thành những đồi cát thoai thoải trải dài trước mắt, vượt hết đồi cát này lại tiếp một đồi cát khác. Từ ngày thứ tư, quân đội dàn thành thế trận tiến lên phía trước. Tối hôm đó, họ tìm được một nơi có nhiều cây xanh để cắm trại. Trong đêm, không biết từ đâu có tin báo rằng xuất hiện mười mấy nam nữ ăn mặc kỳ lạ đến bán nước. Đó là người tộc Á Hạ.

Tác Lệ gọi một cô gái trẻ trong đám người ở lại lều của mình qua đêm. Người con gái không phản kháng. Thân thể nàng sáng lấp lánh như bôi một lớp dầu, da nàng lạnh như da cá. Nàng là con lai giữa người Hán và người Á Hạ, biết một chút tiếng Hán.

Nàng bảo cho Tác Lệ biết vùng quanh đây từng được gọi là Long Đô, là đô thành của Khương Lai. Cái tên bộ tộc Khương Lai này Tác Lệ lần đầu được nghe. Từ lời kể của người con gái, tuy không thể phán đoán được là thời đại nào, nhưng có thể hình dung tòa thành vô cùng lớn, lúc mặt trời mọc xuất phát từ cổng Tây thì sau khi mặt trời lặn mới đến được cổng Đông. Tòa thành được xây dựng trên mặt đồi phẳng gần hồ, một con sông lớn chảy dọc theo thành đổ vào hồ. Đứng trên nơi cao trong thành phóng tầm mắt nhìn bờ hồ phía tây, dòng sông giống như một con rồng uốn khúc về đó nằm ngơi nghỉ. Dưới chân thành, khoảng đất rộng lớn phủ một tầng muối rất cứng và dày. Những lữ khách qua đây phải trải lên mặt đất một tấm thảm len mới có thể giúp cho súc vật đi theo an giấc. Nơi đó bốn mùa trong năm không kể ngày đêm lúc nào cũng giăng đầy sương mờ, cho nên có lúc không thấy được mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Nơi đó không chỉ người Khương Lai cư trú, mà còn thêm rất nhiều yêu ma. Một đêm kia, trong hồ xuất hiện điều bất thường, rồi cả tòa thành lớn chìm sâu vào trong cát.

Ánh trăng chiếu qua vải bạt vào bên trong lều, Tác Lệ nhìn bóng hình người con gái đang kể chuyện giữa ánh trăng, lần đầu tiên cảm thấy mình bị nàng mê hoặc.

Ngày hôm sau, chàng cho người con gái ở cùng quân đội. Nhằm che mắt những binh sĩ tính tình lỗ mãng, chàng nghe theo lời khuyên của tùy tùng, để nàng cải dạng nam trang, đồng thời cho nàng cưỡi lạc đà đi theo gần mình.

Chỉ cần hai ngày, tất cả binh sĩ đều đã biết trong quân có đàn bà, song không ai đến gần nàng, vì họ đều sợ Tác Lệ.

Từ ngày thứ bảy trở đi, đội quân đã tiến vào vùng hoang vu mênh mông với địa chất sa thạch, chỉ có xương người và xương thú làm mốc chỉ đường, họ cứ thế đi mãi. Từ ngày này, liên tiếp trong ba hôm, hôm nào cũng thấy một thành quách không người. Tất cả thành quách đều bị chôn vùi một nửa trong cát. Các vọng lâu, tháp, tất cả kiến trúc đều ngả về phía tây. Vốn đây từng là thành ấp của người Hồ, cùng với sự biến đổi của thời gian, theo từng thời kỳ, từng nhiều lần trở thành nơi đóng quân của quân Hán và quân Hung Nô. Nhưng giờ đây, nơi này hoang vu không chút sinh khí, rõ ràng đã trở thành một đống đổ nát bị bỏ rơi trong sa mạc.

Đội quân vừa đi vừa ngắm nhìn những thành quách sắp bị cát vàng vùi lấp, đến ngày thứ mười thì tới một nơi cách đích đến ở bên sông Khố Mỗ nửa ngày đường. Hôm trước trời bắt đầu đổ mưa, đến hôm sau đã biến thành bão. Người, ngựa và lạc đà đều ướt như chuột lột. Mọi người dựng lều lập trại nghỉ chân trong mưa. Nước mưa thấm qua các tầng vải, ướt tận vào bên trong. Thân thể các binh sĩ như bị bao bọc bởi hàn khí của mùa đông.

Đêm đó, điều khiến người ta không ngờ là mười mấy binh sĩ nước Thiện Thiện đại diện cho Thiện Thiện đem lương thực tới tỏ lòng tiếp đón. Sau đó đến nửa đêm lại thêm ba thương nhân Quy Từ dùng lạc đà chở lương thực tới, nhưng là để bán. Nghe các thương nhân Quy Từ nói, bên bờ sông Khố Mỗ mà Tác Lệ chuẩn bị lập doanh trại có một thôn trang, khoảng hai ba ngày trước đại quân của Hung Nô đã đến đó tập kết.

Tác Lệ nghe vậy, dù đã nửa đêm, lập tức hạ lệnh cho quân đội tiến lên phía trước. Chàng muốn không bỏ lỡ thời cơ tập kích quân đội Hung Nô, một trận quét sạch bọn chúng. Quân đội xuất phát trong đêm tối, hành quân giữa trời mưa xối xả, mờ sáng thì tới được bên bờ sông Khố Mỗ, nhìn sang bên kia sông là nơi thôn tập kết của Hung Nô.

Chàng đứng bên bờ sông, trong ánh sáng le lói của sớm tinh mơ nhìn thấy nước sông đục ngầu đang cuồn cuộn chảy. Không cách nào qua sông được ngay. Nếu bây giờ có thể qua sông, thì việc tập kích quân Hung Nô, đánh đuổi chúng đi, sẽ thật là dễ dàng. Điều có vẻ rất đơn giản này trước mắt lại bị sông Khố Mỗ đang cuồn cuộn gầm thét gây trở ngại.

Tác Lệ vô kế khả thi, chỉ đứng lặng nhìn ra. Lau sậy bên bờ hồ mọc rất tươi tốt, song  chẳng kiếm được một cây nào đủ lớn để có thể trú mưa. Chàng đành để đội quân đóng lại ven sông, mặc mưa tuôn bão thổi. Cứ như thế, nửa canh giờ qua đi. Một thuộc hạ đến trước mặt chàng khi ấy vẫn đang nhìn dòng sông lớn đục ngầu một cách không chớp mắt, tâu rằng: “Từ xưa đến nay có truyền thuyết để làm nguôi cơn giận của thần sông, phải tế sống một người con gái. Hiện giờ, ngoài cách đó ra chẳng còn cách nào khác.”

Người này họ Trương, hơn mười năm nay đồng cam cộng khổ với chàng chốn sa trường. Chàng rất tin tưởng anh ta.

Nghe lời nói ấy, Tác Lệ lặng yên không đáp. Họ Trương tiến lên một bước, nói: “Thêm một ngày nữa mới qua sông, thế lực Hung Nô sẽ càng tăng thêm, như thế đối với chúng ta rất bất lợi.”

Tác Lệ vẫn lặng yên, một lúc sau mới đọc mấy câu: “Vương tôn kiến tiết, hà đê bất ích. Vương bá tinh thành, hô đà bất lưu. Thủy đức thần minh, cổ kim nhất dã.” (Ý nói: Bậc vương tôn mà có tiết độ thì đê không tràn. Bậc vương bá mà có lòng thành thì nước sông không chảy. Nước có thần minh, xưa nay đều thế.)

Chàng lập tức cho người lập đàn tế bên sông, rồi tới đó cầu khấn. Dù thế nào chăng nữa, chàng cũng không muốn đem người con gái kia ném xuống sông. Chàng định dùng phương thức lập đàn khấn thay cho nghi thức hiến tế để cầu cho sức nước sông Khố Mỗ giảm bớt. Nếu trước kia câu chuyện người đức độ trấn phục được dòng chảy của nước là thực, thì chàng cũng có khả năng làm được.

Sau một canh giờ cầu khấn, dòng nước đục ngầu có vẻ như vẫn y nguyên. Sức nước chẳng những không giảm, mà càng hung tợn. Chàng lại cầu khấn thêm một canh giờ nữa, nước bắt đầu tràn lên tận bờ. Chẳng biết từ khi nào, dòng chảy đục ngầu ấy đã tràn tới dưới chân binh sĩ, ngựa và lạc đà. Dầu vậy, chàng vẫn không rời đàn tế.

Người họ Trương đến bên chàng, một lần nữa đề nghị: “Cứ cầu khấn rồi chờ đợi ý thần như thế này, chẳng bằng ném ngay cô gái kia xuống sông. Thế chẳng phải nhanh hơn sao?”

Nhìn thấy Tác Lệ lộ vẻ chẳng thèm để ý, người đó lại nói: “Đã thế, phải lập tức đưa quân lên vùng cao, nếu không, người, ngựa và lạc đà đều sẽ bị nước cuốn đi hết.”

Lúc này Tác Lệ đột nhiên rút đao ra khỏi vỏ, miệng cắn ngang sống đao, ngửa mặt lên trời. Chàng trợn trừng mắt, những hạt mưa rơi tới tấp trên gương mặt. Binh sĩ đều nín thở tập trung nhìn vào vị chủ soái trước mắt. Thần thái chàng có một thứ âm khí làm người ta chùn bước. Chính lúc đó, đàn tế trước mặt chàng lật nghiêng, trong chớp mắt chìm vào dòng chảy cuồn cuộn đục ngầu, còn lại Tác Lệ với vẻ mặt dị thường vẫn đang giẫm lên dòng nước, đứng yên bất động.

Một lúc sau, chàng quay người lại, bỏ thanh đao đang ngậm trên miệng xuống, quay về phía binh sĩ thét lớn: “Lòng thành của ta không thể thông thiên chính là vì ác ma ở dưới sông này. Dù vậy, chỉ có thể dùng vũ lực để đánh bại nó, đợi nước rút rồi sẽ qua sông!”

Tiếng thét của Tác Lệ vọng đến tai binh sĩ nghe như sấm dậy.

Lúc đó mưa ngừng rơi, nhưng thế nước lại mỗi lúc một hung hãn hơn. Tác Lệ cho quân lùi về sau trăm mét, dàn quân ở phần đất cao, bố trí thế trận đâu vào đấy.

Các cung thủ nhất tề phóng tên vào lòng sông. Vô số mũi tên nhọn liên tiếp không ngừng rơi vào giữa dòng chảy đục ngầu, trong chớp mắt bị những lớp sóng vàng nuốt chửng. Sau khi đã phóng vài trăm mũi tên, quân đánh bộ cùng hét lớn một tiếng, đồng loạt bao vây bờ sông. Trong tiếng trống trận dồn dập, binh sĩ nhảy vào dòng sông đang dâng cao giận dữ, nước ngập đến hơn đầu gối, múa đao và thương đâm chém xuống mặt nước. Dòng sông sủi bọt tứ bề. Giữa cao trào cuộc chiến với dòng sông, vài binh sĩ đứng không vững, bị nước xiết cuốn đi.

Cuộc chiến cứ diễn ra liên tục cho đến chiều tà. Vì phải bày binh bố trận trên cao, đội ngũ bắt đầu rút dần từng tốp một. Dù trong mắt Tác Lệ đang chỉ huy chiến đấu, hay trong mắt những binh sĩ đang liều chết xông vào dòng nước lớn, không biết từ lúc nào, những dòng chảy vũ bão của dòng sông đã hóa thành một con yêu quái khổng lồ. Yêu ma uốn lượn thân mình, điên cuồng vật lộn, ào ạt đánh tới, có lúc rút về, rồi lại tấn công.

Đến tối, các binh sĩ đã sức cùng lực kiệt, ngã vật ra trên nền đất cao đang mấp mé nước, ngủ thiếp đi.

Ngày hôm sau, tuy mưa tạnh trời quang, nhưng sức nước không hề có xu hướng giảm đi, mà còn sâu và hiểm hơn hôm qua, với những dòng chảy cuồn cuộn xoáy hình phễu. Cuộc chiến chống sông Khố Mỗ đã bắt đầu từ lúc bình minh. Giống như hôm trước, các binh sĩ bắn tên, ném đá vào sông, khua đao múa giáo đâm xuống các dòng chảy. Đến trưa, khí trời bỗng chốc từ lạnh lẽo như giữa mùa đông chuyển sang nóng cháy như đang mùa hạ, những thanh đại đao và giáo dài mà các binh sĩ cầm trong tay trở nên sáng lấp loáng một cách khác thường dưới ánh nắng mặt trời. “Kẻ địch” không hề tỏ ra yếu thế. Cứ mỗi hiệp, sóng trào lại nuốt trôi vài binh sĩ.

Màn đêm lại dần buông xuống. Ba nước Thiện Thiện, Yên Kỳ, Quy Từ mỗi nước dẫn một ngàn binh sĩ vừa kịp tới. Bao năm nay họ bị Hung Nô ức hiếp khổ sở, đang mong mỏi nhà Hán đưa binh vào Tây vực, vừa nghe tin Tác Lệ xuất binh Tây vực, liền vội vã đến ngay, tuyên thệ quy thuận nhà Hán. Thế là Tác Lệ lệnh cho các binh sĩ người Hồ với tiếng nói và phong tục không giống nhau này liên tục ngày đêm tham gia vào cuộc chiến trước mắt. Đội quân bốn ngàn người dàn thành ba hàng ngang trên sa mạc trải đầy ánh trăng xanh. Trống trận vừa vang lên, các binh sĩ liền cao giọng thét to để tuyên chiến, và đâm thẳng tới dòng nước đang chảy xiết. Một đội quân rút về, đội khác lập tức tiến lên thay. Nhưng thế nước vẫn không suy giảm, vẫn cuồn cuộn thành những hố đen sâu thẳm dưới ánh trăng và vun vút lao về phía trước.

Cuối cùng, Tác Lệ quyết tâm tiến hành đợt tấn công quyết tử. Chàng lệnh cho tất cả ngựa của quân đội tập trung vào với nhau, những binh sĩ cường tráng nhất cưỡi lên trên, chuẩn bị để cả người lẫn ngựa cùng xông thẳng vào dòng sông đang ầm ào chảy xiết. Tác Lệ đích thân dẫn đầu hơn ba trăm kỵ binh. Lệnh vừa ban xuống, chiến mã đồng thời đạp lên cát vàng lấy đà lao thẳng xuống nước. Vị tướng không quan tâm đến điều gì khác, múa ngọn giáo dài, đồng thời cảm thấy thân thể mình và ngựa giống như một mũi tên vừa bắn khỏi cây cung, lao đi vun vút. Không biết bao lâu sau, Tác Lệ và ngựa đều bị vứt lại lên triền cát. Chàng ôm cổ ngựa lên bờ. Mấy mươi con ngựa đã đứng chờ ở đó, những tấm thân ướt rượt lấp lánh sáng dưới trăng. Có những con ngựa không người cưỡi, cũng có những kỵ binh không còn ngựa. Chiến mã cùng binh sĩ nối nhau bò từ dưới sông lên bờ không dứt.

Chỉ huy cho binh sĩ đứng thành hàng ngũ để kiểm tra quân số. Người và ngựa đều tổn thất quá nửa. Họ bị cuốn xa đến tận dưới hạ lưu. Để quay trở lại chiến địa, họ phải lội bộ gần canh giờ trên vùng đất đang bị nước nhấn chìm.

Quay về điểm tập kết, Tác Lệ lại hạ lệnh cho binh sĩ còn sót lại tiếp tục tấn công. Lần này chàng vẫn muốn xông lên dẫn đầu, nhưng chiến mã không nghe lệnh, chùn chân không muốn bước lên phía trước. Chẳng phải chỉ ngựa của Tác Lệ, mà tất cả chiến mã đều như thế. Tác Lệ tuốt đao thay roi để thúc ngựa, các binh sĩ cũng đồng loạt làm theo. Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này Tác Lệ và binh sĩ đều bỏ giáo, cầm đao. Cuối cùng, kỵ binh cũng tập hợp được thành một đoàn, dũng mãnh xông ra bờ sông.

Tác Lệ đến bên bờ sông, bất giác nắm chặt dây cương, giơ cao đại đao, ra lệnh khẩn cấp cho binh sĩ phía sau dừng bước. Dù vậy, vẫn có vài binh sĩ không kịp ghìm cương ngựa, bổ nhào vào lòng sông. Tác Lệ kinh ngạc đến lặng người. Chàng dường như không thể tin được vào mắt mình, nước sông vừa rồi vẫn còn dâng đầy tràn, không biết từ lúc nào đã rút đi một nửa. Dòng chảy vẫn cuồn cuộn, nhưng bên bờ đã lộ ra khoảng cách cao hơn mặt nước vài gang tay.

Tác Lệ gọi họ Trương. Anh ta đáp lời chạy tới, và cũng đứng ngây người ra ở đó, nhìn đăm đắm vào mặt sông. Toàn quân đâu đâu cũng dậy tiếng reo hò mừng chiến thắng trong trận đánh với dòng sông Khố Mỗ.

Nửa canh giờ sau, toàn quân phân làm vài nhánh lần lượt vượt qua dòng Khố Mỗ đã rút xuống. Sau đó, quân Hán, quân Thiện Thiện, quân Yên Kỳ và quân Quy Từ tụ tập làm một, không lỡ thời cơ để tập kích doanh trại Hung Nô cách sông khoảng năm sáu dặm.

Cuộc chiến mãi mờ sáng hôm sau mới hoàn toàn kết thúc, mà cánh quân truy đuổi tàn quân của địch mãi đến ba ngày sau mới quay trở về được hết. Tác Lệ từng trịnh trọng tuyên bố, chỉ cần một quân địch còn sống, cũng sẽ đuổi giết đến cùng không ngừng nghỉ.

*

Trong vòng một năm sau, Tác Lệ đoạt được thôn trang nhỏ bên bờ sông Khố Mỗ từ tay Hung Nô, tiến hành lập đồn điền vũ trang quy mô nhỏ. Trước tiên xây doanh trại tạm thời, sau đó dẫn nước từ sông Khố Mỗ vào khoảng đất rộng gần thôn để tưới tiêu đồng ruộng, khai khẩn đất đai. Binh sĩ các nước Quy Từ, Thiện Thiện… cũng không ngừng được phái tới hiệp trợ. Tác Lệ vừa đánh đã dẹp tan đại quân Hung Nô, danh tiếng truyền khắp Tây vực. Trận đánh uy dũng chinh phục sông Khố Mỗ khiến cho hơn ba mươi nước Tây vực xung quanh sa mạc Taklamakan đều cảm thấy vô cùng nể sợ.

Vì có Tác Lệ lập đồn điền bên bờ sông Khố Mỗ, sau đó một thời gian dài Hung Nô không dám xuất hiện tại nơi này. Quân Hán còn lập hai vọng lâu giữa phần đất đồn điền với Ngọc Môn quan để làm trạm trung chuyển. Các đoàn thương buôn từ Hán vào Tây vực ngày một nhiều. Đoàn buôn lớn nhỏ từ Tây vực cũng thường xuyên qua đây để đi vào đất Hán.

Giống như trước đây, tin tức rỉ tai nhau về việc thiết lập Tây vực Đô hộ đều từ miệng các thương nhân từ các đoàn buôn truyền ra. Đây chưa chắc đã là lời đồn thổi. Tại các nước Tây vực, tiếng kêu gọi thiết lập chế độ đô hộ vốn dĩ đã rất mạnh mẽ. Trên thực tế, các sứ thần Tây vực muốn dâng tấu thỉnh cầu triều đình nhà Hán thiết lập chế độ đô hộ quản lý Tây vực đều đã qua thôn trang nơi Tác Lệ đồn trú để đi về phía Đông.

Năm thứ hai, Tác Lệ bắt đầu xây sửa doanh trại và tường thành với quy mô lớn. Doanh trại được làm từ gỗ và gạch ngói, tường được trét thêm một lớp bùn, nóc nhà lợp cỏ gai. Bốn doanh trại lớn có sức chứa năm trăm binh sĩ được dựng lên, hai tòa vọng lâu ở cạnh doanh trại cũng được xây dựng. Tường thành không chỉ vây kín doanh trại, thao trường luyện binh mà còn vây hết cả thôn trang. Trong thành có chợ, chùa, còn có khu mộ địa chung. Các nước Tây vực cung cấp cho công trình cả sức người lẫn sức của. Giữa nơi thi công thường nổi lên âm thanh pha lẫn vào nhau của các loại ngôn ngữ địa phương như tiếng Hán, tiếng Hung Nô, tiếng Vu Điền, tiếng Lật Đặc v.v… Đứng trên tường thành phóng mắt nhìn ra, chỉ thấy bên dưới đất canh tác trải dài bốn phía, kênh đào chằng chịt nối nhau trên đất, bên cạnh các kênh đào còn trồng một ít cây bạch dương không cao lắm, như để chỉ dẫn đường chảy cho dòng nước.

Một nửa thuộc hạ của Tác Lệ chăm lo việc xây dựng và tu sửa thành trì, một nửa khác mỗi ngày đều cùng dân trong thôn ra ngoài thành canh tác. Năm thứ hai, trong lần thu hoạch đầu tiên, gạo và tiểu mạch mỗi thứ đã được năm mươi vạn thạch[2]. Sản lượng này hầu như mỗi năm đều tăng lên đáng kể.

Các binh sĩ quên mất chuyện đánh nhau, chuyên tâm lo việc đồng áng và xây dựng. Tác Lệ luôn sống chung với người con gái Á Hạ. Cô gái này trầm tư ít nói, không gây chú ý, nhưng chàng rất yêu nàng. Nàng không biết mình đã đem đến niềm an ủi lớn lao đến thế nào cho đời sống nơi đất Hồ của chàng. Trong doanh trại, chỉ mỗi nơi ở của Tác Lệ có sắc màu rực rỡ. Nền đất nện được phủ thêm chiếu cỏ lau, bên trên lại trải một lớp thảm nhung tươi tắn. Trên mặt đất bày bình nước, các giá trong phòng bày đĩa thủy tinh của phương Tây và các dụng cụ khác. Người con gái tuy không trang điểm, nhưng dùng những phục sức đẹp đẽ để tô điểm cho mình, nàng đeo nhẫn bằng đồng xanh mỏng, dây chuyền ngọc bích và hoa tai bằng bạch ngọc.

Vào đầu mùa thu hoạch tiểu mạch, tức vừa tròn một năm ngày Tác Lệ vào đóng tại Tây vực, triều đình thông qua Trưởng sử Tây vực trú tại Đôn Hoàng để ban thưởng cho chàng, đồng thời truyền lệnh cho chàng quay trở lại đất Hán. Tác Lệ tâu rằng công việc canh tác đồn điền mới vừa bắt đầu, nên hy vọng tạm thời vẫn lưu lại Tây vực. Qua sứ giả, chàng biết việc chàng giao chiến với sông Khố Mỗ đã được xưng tụng khắp nơi tại quê nhà. Sứ giả nói, tướng quân Lý Quảng Lợi đi sứ Đại Uyển được phong làm Nhị Sư tướng quân; nếu Tác Lệ về nước, chắc cũng sẽ nhận vinh dự giống như vậy; tin tức này đã được lưu truyền rộng rãi khắp kinh thành. Nửa đời Tác Lệ chẳng có duyên gì với công danh hiển hách, chàng đã tin tưởng một cách chắc chắn rằng đây chính là định mệnh của mình, nên đối với những vinh quang chưa bao giờ nghĩ đến, chàng có cảm giác sợ hơn là mừng.

Tác Lệ tuy chẳng tiết lộ nửa lời, song tin tức đã lan truyền nhanh chóng khắp toàn quân. Binh sĩ đều chìm trong khát vọng muốn trở về nhà, dù đi đến đâu, ai ai cũng chỉ nói một chủ đề này.

Người con gái Á Hạ cũng nghe tin, bèn tìm hỏi Tác Lệ. Chàng nói với nàng rằng trước mắt chàng hoàn toàn không có ý định quay về Hán. Người con gái vốn xưa nay không bao giờ biểu lộ cảm xúc trên nét mặt, nhưng khi nàng nghe Tác Lệ không hề có ý quay lại Hán thì niềm vui sướng trong lòng khiến đôi mắt của nàng đầy sức sống, nàng cũng trở nên hoạt bát hơn. Đôi mắt nàng lấp lánh, nói cười vui vẻ, cả ngày đeo hết trang sức này đến trang sức khác để làm đẹp. Những điều này khiến chàng cảm thấy vô cùng xúc động.

Tác Lệ triệu tập toàn thể binh sĩ, làm rõ những lời đồn đại trong quân, tuyên bố từ nay về sau vẫn phải chiến đấu trường kỳ với Hung Nô, dù là bất kỳ ai, nếu như còn nhắc đến chuyện trở về đất Hán, sẽ tuyệt không khoan dung, tội đáng chém đầu.

Lời của vị chỉ huy quả thật ứng nghiệm. Mấy ngày sau, binh sĩ liên tục trong vài hôm  phải bỏ công cụ cày cấy xuống để nắm lại đao và cung đã rất lâu không đụng tới, chiến đấu cùng kỵ binh Hung Nô hung hãn đến tập kích. Từ đó về sau, Hung Nô nhiều lần tấn công, các sĩ binh lúc thì cầm lưỡi cày canh tác, lúc lại đổi sang cung và đao để tác chiến, bận rộn đến mức không còn nghĩ được việc gì khác. Lời đồn trở về đất Hán cũng giống như nước sông Khố Mỗ lúc thủy triều xuống, rất nhanh đã trôi dạt và biến mất về phương nào.

Mùa hè năm thứ ba, tiểu mạch và thóc lúa đã thu hoạch được mỗi thứ một trăm vạn thạch. Lúc này chính vào thời điểm công trình xây dựng thành ấp cũng đã gần như hoàn thành, Tác Lệ quyết định cử hành một tiệc mừng công lớn kéo dài ba ngày trên mảnh đất mà chàng đã khổ tâm vun xới suốt ba năm. Ngày tiệc mừng được tổ chức, điều khiến người ta không dám tin là rốt cuộc không hiểu từ đâu mà có nhiều người Hồ đến như thế. Những người này mặc trang phục yêu thích của họ, tụ tập trong thành xem nghi thức lớn sẽ diễn ra.

Suốt ba ngày, mỗi tối Tác Lệ đều cùng người con gái Á Hạ đứng trên vọng lâu, nhìn thành ấp náo nhiệt khắp nơi rực rỡ ánh lửa. Lúc này, người con gái hỏi chàng: “Tổ chức một nghi thức trọng đại thế này, chẳng lẽ vì quân đội không lâu nữa sẽ rời khỏi nơi đây?” Chàng cười phủ nhận. Người con gái nhìn chăm chú vào đôi mắt chàng, lặng lẽ lắc đầu. Tác Lệ trách hỏi sao nàng không tin mình, nàng đáp: “Không phải em không muốn tin chàng, mà ngay cả chàng cũng không biết được vận mệnh mình sẽ ra sao, thì em sao có thể tin được?”

Nỗi lo của người con gái không phải là vô căn cứ. Cái vận mệnh mà đến Tác Lệ cũng không thể biết được và không thể tin được ấy, nửa năm sau đã rơi xuống.

Cuối thu, việc đồng áng vừa kết thúc, Tác Lệ bèn dẫn nửa số quân ra khỏi thành giao chiến cùng quân Hung Nô đang ngấm ngầm nổi dậy ở vùng tây bắc. Lúc ra khỏi thành, chàng nghĩ nhiều lắm không quá mười ngày có thể quay trở lại. Kết quả, trận chiến bị kéo dài ngoài dự kiến. Do một cánh quân Quy Từ câu kết với Hung Nô, lại thêm mưa đá rơi xuống sớm hơn năm ngoái gây trở ngại, chiến sự không thuận lợi, đội quân của chàng không thể lập tức rút lui, thành ra rơi vào thế hiểm nghèo.

Cuộc chiến bắt đầu lúc cuối thu, hai bên bất phân thắng bại. Khi quân của Tác Lệ cuối cùng cũng đuổi được quân Hung Nô về phương bắc, thì đã là đầu năm sau. Tác Lệ cùng binh sĩ đều gầy gò tiều tụy hẳn, so với lúc xuất phát khác nhau một trời một vực. Trong một ngày tuyết lớn, đội quân cuối cùng cũng về lại được thành. Đội quân cưỡi lạc đà dẫn đầu giương cao ngọn giáo dài treo thủ cấp của tướng Hung Nô như giương một lá cờ. Chiếc thủ cấp, lưng lạc đà và vai của các binh sĩ đều phủ đầy tuyết.

Tác Lệ về lại nơi ở quen thuộc sau bao ngày xa cách. Khi chàng nhìn thấy người con gái Á Hạ đang đứng trước cửa chờ đón mình, chàng cảm nhận được ngay nét mặt nàng có gì đó không giống trước. Người con gái dẫn chàng vào phòng khách. Trong phòng khách có một vị sứ giả nhà Hán. Để đợi Tác Lệ quay trở lại thành, vị sứ giả đã lưu lại một tháng. Sứ giả mang tới cho chàng mệnh lệnh quay về Hán, bên trên có đóng đại ấn của triều đình. Tại cố quốc, vinh hoa phú quý đang chờ đợi Tác Lệ cùng đội quân của chàng.

*

Lúc toán quân mới đến nơi đồn trú để thay thế Tác Lệ cùng đội quân của chàng thì  đã là tháng bảy, sanh liễu bắt đầu đâm chồi nảy lộc. Từ sau khi quyết định quay trở về Hán, Tác Lệ luôn bận rộn sắp xếp việc đồng áng và chiến đấu với những nhóm quân Hung Nô rải rác  thỉnh thoảng lại xuất hiện, dường như chẳng còn thời gian đâu để mắt đến người con gái Á Hạ. Song người con gái này dường như rất quan tâm đến vận mệnh của nàng. Liệu nàng có thể cùng Tác Lệ vào đất Hán không? Dù rằng vào được đất Hán rồi, liệu có thể cùng chàng tiếp tục cuộc sống như trước đây? Tất cả những vấn đề ấy vượt quá sức suy nghĩ của nàng, cái đầu nhỏ bé của nàng không thể giải quyết được. Mỗi khi nàng đề cập đến việc này, Tác Lệ đều đáp: “Tất nhiên, đưa em cùng đi.” Chàng quả thật dự định đưa nàng cùng quay về, chỉ là mỗi khi trong tâm trí chàng hiện ra những con đường Lương Châu và Tửu Tuyền đã lâu không đặt chân tới, thì không biết vì sao, chàng luôn cảm thấy người con gái man di này chẳng hài hòa gì với cảnh vật ở đó. Tóc nàng, mắt nàng, làn da và giọng nói của nàng, tất cả đều khiến chàng lo lắng. Tuy vậy, Tác Lệ lập tức gạt ngay suy nghĩ ấy ra khỏi đầu. Chàng vốn không phải là người giỏi suy nghĩ, huống chi đây là việc về sau, bây giờ chàng làm gì còn lòng dạ nào để nghĩ.

Binh lực của đoàn quân thay thế lớn gấp đôi quân của Tác Lệ. Chàng hoàn thành công tác chuyển giao với vị tướng trẻ kế nhiệm, rồi lưu lại trong thành ba ngày, vừa có chút lưu luyến với thành ấp mà chàng chăm chút bấy lâu, vừa để chờ lúc đẹp trời.

Hôm xuất phát, quân mới đến trấn thủ tiễn chân đội quân của Tác Lệ trong sự kính trọng đặc biệt. Vừa ra khỏi cổng thành đã thấy bên ngoài tập trung hơn hai trăm thôn dân đang chờ nói lời tiễn biệt cùng chàng. Binh sĩ hợp thành từng tốp cùng lạc đà và ngựa, kéo dài theo những con đường đi giữa đồng ruộng mênh mông do chính họ đắp nên, tiến lên phía trước.

Khoảng trời xanh nhạt cao cao, gió thổi lay động những cây bạch dương và sanh liễu, khiến người ta cảm thấy vô cùng sảng khoái.

Con đường từ ngoài thành vươn thẳng tít tạo nên một đường thẳng cắt ngang sông Khố Mỗ. Đến bên bờ sông Khố Mỗ, Tác Lệ phát hiện ra dòng sông lại đang dâng nước lên hệt như mấy năm trước khi đoàn quân muốn băng qua sông để đánh Hung Nô. Mặt sông rộng hơn đến mấy lần, nước ào ào chảy xiết.

Tác Lệ vắt óc nghĩ cách qua sông, trong lòng rất không muốn vì sông Khố Mỗ dâng nước mà lại phải quay về. Chúng thuộc hạ cũng đều cho rằng: quân Tác Lệ từng nhờ khuất phục được sông Khố Mỗ mà uy chấn thiên hạ, nay tuyệt nhiên càng không thể lùi bước.

“Ngoài việc nhất định phải cố gắng qua sông lần nữa, chúng ta không có lựa chọn nào khác.” Một thuộc hạ nói.

Tác Lệ quyết định cho quân tạm thời đóng lại qua đêm. Ban ngày rõ ràng trời rất trong xanh, nhưng đến nửa đêm bắt đầu đổ mưa, hơn nữa mưa mỗi lúc một dữ dội.

Đến mờ sáng, họ Trương lại vào lều của Tác Lệ, bày tỏ ý kiến: “Nước sông không ngừng dâng lên do mưa, còn băn khoăn do dự thì khó tránh khỏi việc rơi vào tình thế khó khăn, mấy ngày thậm chí đến mấy mươi ngày cũng sẽ không thể qua sông. Nếu nhất định cố gắng qua sông, phải tiến hành càng sớm càng tốt.”

Tác Lệ bảo họ Trương lại lều, một mình chàng bước ra bên ngoài. Trời vừa chuyển sắc trắng, chàng đội mưa đứng bên bờ sông quan sát. Lượng nước trong dòng chảy của sông rõ ràng đã tăng thêm rất nhiều so với hôm qua. Chàng đứng lặng rất lâu, một ý nghĩ bám chặt lấy tim chàng. Lần đầu tiên trong đời chàng cảm nhận một nỗi thống khổ khủng khiếp dày vò.

Chàng quay vào trong lều, nói với họ Trương đang căng thẳng chờ đợi: “Hiến tế nữ nhân.”

Giọng Tác Lệ rất thấp, nhưng rất rõ ràng. Họ Trương nghe được lời này, giật mình kinh ngạc, chỉ biết đứng đờ ra nhìn chàng. Nói đến phụ nữ, trong quân ngoài người con gái Á Hạ ra thì chẳng còn ai khác. Một lúc sau, họ Trương mới từ từ mở miệng, bày tỏ rằng anh ta rất cảm kích trước quyết định của chỉ huy, vốn dĩ chính anh ta cũng vì chuyện này nên mới tới đây, nhưng cảm thấy sợ nên không dám mở lời. Nói xong, họ Trương nhanh chóng bước ra khỏi lều.

Không lâu sau, tiếng gào thét bi thảm vọng tới bên tai Tác Lệ. Đó là tiếng người con gái Á Hạ ở lều bên cạnh bị lôi đi. Thanh âm này giống như tiếng kêu của loài chim rừng xé toạc màn đêm mà chàng nhiều lần nghe thấy lúc đóng quân giữa rừng núi trong cuộc chiến gian khổ với Hung Nô suốt từ mùa thu năm ngoái đến đầu năm nay.

Khi trời sáng, Tác Lệ cho quân tập trung bên bờ sông. Không biết từ lúc nào, mưa đã tạnh. Có lẽ chính là nhờ hiến tế một người con gái, sức nước của dòng sông đục ngầu dường như đã giảm đi.

“Bắt buộc phải nhân lúc này qua sông.” Người họ Trương nói như muốn giục Tác Lệ hạ quyết tâm.

Quân sĩ men theo bờ sông thuận dòng xuống phía hạ du vài trăm mét, chọn một chỗ thế nước có vẻ yếu nhất làm nơi qua sông. Đội quân phân làm vài nhánh, nhánh phía trước thử bước xuống nước, nhưng lạc đà, ngựa và người rất nhanh chóng bị nước đánh xuống phía hạ du. Mấy bọc hành lý buộc rất chặt trên yên ngựa cũng bị đánh bật ra, trôi trên mặt nước. Dù vậy, đội quân đầu tiên coi như cũng đã bình an đến được bờ bên kia. Họ Trương nhìn tình hình, tặc lưỡi: “Chẳng tốn một binh một tốt nào cũng có thể qua sông, chắc chính là nhờ đã hiến tế phụ nữ cho thần sông!” Tác Lệ lặng im không nói, nhưng nhất định chàng cũng đang nghĩ như vậy.

Đội quân tiếp tục sang sông. Tác Lệ kẹp trong cánh quân cuối cùng, thúc ngựa tiến vào giữa lòng sông. Thế nước so với lúc cánh quân đầu tiên qua sông có vẻ còn yếu hơn. Lúc đã bình an sang được bờ bên kia, trong lòng chàng một lần nữa xuất hiện cảm giác thương xót và cảm kích đối với người con gái Á Hạ đã hy sinh. Đồng thời, chàng cũng nảy ra cảm giác chưa từng có, nhẹ nhõm như vừa trút được gánh nặng.

Đội quân tiếp tục tiến bước. Tác Lệ và họ Trương dẫn đầu. Đội quân vượt lên chưa được bao xa, họ Trương đột nhiên kéo cương ngựa kêu lên: “Nhìn bên kia!”

Tác Lệ nghe tiếng bèn dừng ngựa nhìn sang. Nơi đường chân trời phía xa xa, một khối gì đó như dung nham màu vàng đang từ từ nở rộng dần ra, lăn thẳng về phía họ. Tác Lệ không thể lập tức phán đoán được đó là gì. Cái khối này đang rất từ tốn nhưng vô cùng chắc chắn, băng qua toàn bộ sa mạc.

“Đó là cái gì?!” Tác Lệ thét lớn.

Họ Trương và binh lính xung quanh cũng không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Họ liên tục kêu lên với nhau: “Đó là cái gì? Đó là cái gì?”

Bỗng một người hét to: “Là nước, là hồng thủy!”

Bấy giờ mới thấy, cái thứ cuồn cuộn đang dần băng qua sa mạc kia quả thật là nước. Chắc chắn là hồng thủy, chỉ có thể là hồng thủy. Thứ hồng thủy vàng đục dường như đang vươn ra vô số cẳng chân khổng lồ khiến người ta kinh sợ, nhanh chóng lao tới bao vây lấy họ.

“Làm sao đây?” Họ Trương bên cạnh hỏi. Tác Lệ nhất thời cũng không nghĩ ra cách nào.

“Xuống dưới hạ du trước!” Tác Lệ hét.

Nhưng cho dù hướng nào chăng nữa, cũng không thoát khỏi bàn tay ma quái của “kẻ địch”. Để không bị hồng thủy nuốt chửng, cách duy nhất là phải xuống được hạ du của sông Khố Mỗ. Lạc đà, người và ngựa phút chốc trở nên hỗn loạn, tranh nhau chạy về phía hạ du. Họ vượt qua mấy đồi cát, chuyển hướng về phía đông nam. Nhưng không lâu sau, họ bị chặn mất đường, đành dừng lại. Vùng hạ lưu sông Khố Mỗ cũng dâng lên, biến thành một đầm nước mênh mông.

Đội quân lập tức đổi hướng về phía đông bắc. Nhưng chẳng bao lâu, lại bị nước chặn đường. Chính trong lúc không biết đã là lần đổi hướng thứ mấy, Tác Lệ nhìn thấy dòng nước vàng cuồn cuộn trông như một tấm thảm dày đang mở tung ra, chỉ còn cách họ có ba đồi cát, đang dần ập đến.

“Lên chỗ cao kia!”

Vốn chẳng cần đến lệnh của chỉ huy, đám người, ngựa và lạc đà như ong vỡ tổ đã tranh nhau phóng lên phần đồi cát cao. Trên gương mặt các binh sĩ lộ ra một vẻ quyết liệt giành mạng sống mà ngay cả trên chiến trường cũng khó lòng thấy được.

Tác Lệ nhắm một đồi cát để tiến tới. Người cùng súc vật quấn lấy nhau thành từng búi, giống như bị nam châm hút. Tác Lệ đứng trên đỉnh đồi cát, một lần nữa hướng về phía xa. Dòng chảy đục ngầu đang dìm dần bình địa và các ngọn đồi. Sa mạc mênh mông trong chớp mắt biến thành một biển bùn kéo dài vô tận không biết đâu là bờ. Bấy giờ, người ngựa líu ríu tụ vào nhau trên một ngọn đồi cao, dòng nước đã vọt đến đồi cát thứ ba trước mặt họ.

Trong chốc lát, Tác Lệ phát hiện ra một việc còn đáng sợ hơn. Từ đồi cát nhìn ra xa về phía tây bắc, nơi đó biển bùn không giống như chỗ khác, đang bắt đầu nổi sóng. Nơi đầu những ngọn sóng vàng đang cuộn lên, chàng nhìn thấy lộ ra một phần tường thành và vọng lâu. Dù xa như thế, nhỏ như thế, nhưng Tác Lệ không thể nhầm được, đó chính là thành ấp do chính tay chàng xây dựng và sinh sống cho đến tận ngày hôm qua. Có lẽ những ngôi nhà cùng đồng ruộng ở đó cũng đã toàn bộ bị nhấn chìm trong biển bùn.

Lúc này, Tác Lệ nghĩ không lâu nữa mình cũng sẽ bị dòng chảy đục ngầu kia nuốt chửng. Một sát na, trong đầu chàng vụt hiện lên cái đêm lần đầu chàng gặp người con gái Á Hạ, câu chuyện nàng kể về Long Đô. Ý niệm này chỉ chớp mắt là biến đi, để lại chàng với hiện thực khủng khiếp trước mắt. Tuy thời gian cấp bách, nhưng Tác Lệ vẫn giữ được chút bình tĩnh. Chàng cảm thấy trong người mình cháy lên một ngọn lửa giận dữ mãnh liệt, quyết tâm tấn công hồng thủy. Ngoài việc giao chiến cùng hồng thủy, quyết một trận thư hùng, thì giờ đây cũng chẳng còn cách nào khác.

Chàng lập tức hạ lệnh. Các binh sĩ liền phục tùng. Họ đều hiểu, cứ đứng im bất động thế này ở đây cũng chẳng có ý nghĩa gì cả.

Trống trận nổi lên dồn dập, bắn ra những âm thanh vang dội của chiến tranh. Đội quân phân thành hai nhánh, họ Trương và Tác Lệ mỗi người dẫn đầu một cánh quân. Cánh quân của họ Trương lao xuống đồi cát trước và bắt đầu tấn công. Lạc đà, ngựa cùng binh sĩ đều xông thẳng tới. Họ phi lên đồi cát, rồi lại phóng xuống. Tuy vậy, trong mắt Tác Lệ, cuộc tấn công có vẻ như hoàn toàn không có chút sức lực nào.

Khoảng cách giữa đội quân và dòng chảy đục ngầu kia mỗi lúc một gần. Trong khoảnh khắc mà hai luồng sức mạnh này gặp nhau ở dưới đồi cát, Tác Lệ nhìn thấy đội quân của họ Trương tựa hồ đột nhiên bị xóa sạch, tất cả chỉ diễn ra trong khoảng thời gian chưa hết một lần chớp mắt.

Cùng lúc đó, Tác Lệ hạ lệnh cho tàn quân tấn công. Đối diện với kẻ địch lớn mạnh lần đầu tiên chạm trán trong đời, toàn bộ thù hận và sức mạnh chống trả trong người chàng như kết lại thành một khối. Chàng vọt lên ngựa, khua ngọn giáo, xông lên dẫn đầu đội quân. Tiếng nước ầm ầm vang dội khắp trời đất.

Trong chốc lát, Tác Lệ nhìn thấy ngọn sóng lớn đục ngầu đang nuốt chửng một gò cát, được thể ào ào lướt sang phía này. Vô số ác hồn đang lăn lộn ập tới như phát điên. Tác Lệ nắm chặt cây giáo trong tay phải, vung lên qua đầu, cả người lẫn ngựa cao gần một trượng xông thẳng vào dòng chảy. Không thấy Tác Lệ đâu nữa. Rồi tất cả binh sĩ, ngựa và lạc đà phía sau Tác Lệ đều biến mất chẳng còn dấu vết. Tất cả chỉ trong chớp mắt.

Sa mạc đã hóa thành một biển bùn mênh mông, bầu trời u ám sập xuống, mặt trời đỏ như một vầng máu bắn lên in vào một góc trời, giống như ánh sáng của nhật thực, tĩnh lặng một cách kỳ lạ. Trong không gian vẫn vẳng tiếng ầm ào của nước lũ. Dòng nước ấy không ngơi nghỉ phút nào. Nó còn phải tiếp tục đi nuốt gọn những gì còn lại.

[1]   (日)井上靖 著,赵峻 译. (2013). 楼兰.北京十月文艺出版.

(Nhật), Inoue Yasushi, Triệu Tuấn dịch. (2013). Lâu Lan. Nxb Văn nghệ tháng 10 Bắc Kinh.

[2]   (1) Đơn vị dung lượng thời xưa: 10 đấu hay 100 thưng là một thạch. (2) Đơn vị trọng lượng thời xưa: 120 cân là một thạch. Cũng đọc là “đạn”.

You Might Also Like