[Viết theo: Special report by Catholic Answer, USA]
Trước kia, ‘Jihad-Thánh chiến’ là một từ hầu như không ai biết. Nhưng giờ đây Jihad không những xuất hiện thường xuyên trên báo chí, trên hệ thống truyền thanh truyền hình, mà nó còn xuất hiện nơi các buổi hội thảo chính trị cũng như trong các cuộc họp mặt thân thiện. Bọn khủng bố và các nhóm dân quân Hồi Giáo đã nhân danh jihad để gây lên cảnh tang thương chết chóc cho bao người vô tội.
Lịch sử thế giới đã sang trang sau biến cố 11.9. 2001. Các tay khủng bố làm rúng động và thức tỉnh thế giới, khi bọn chúng ra tay vẽ lại bộ mặt Nữu Ước bằng cách làm sụp đổ hoàn toàn tòa nhà đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới cao ngất, và phá hủy một phần Ngũ Giác Đài đồ sộ. Và để mở trận chiến tiêu diệt bọn khủng bố, các nhà lãnh đạo Mỹ trước tiên trấn an cộng đồng Hồi Giáo bằng cách lên tiếng xác nhận Hồi Giáo là một tôn giáo hoà bình và đang bị một nhóm quá khích và khủng bố lợi dụng, nên việc truy lùng và đánh trả của nước Mỹ không có liên quan gì đến thế giới Hồi Giáo.
Tuyên bố của nước Mỹ là như vậy, nhưng thế giới Hồi Giáo có tin không, hay chỉ cho đó là một chiến thuật đánh lạc hướng dư luận của ‘đế quốc’ Mỹ. Nếu cộng đồng Hồi Giáo trên thế giới cho rằng nước Mỹ đang tấn công Hồi Giáo, thì lúc đó mọi tín đồ Hồi Giáo có nhiệm vụ phải chiến đấu để bảo vệ tôn giáo của mình: The duty of jihad, nghĩa vụ thánh chiến. Lúc đó thì cuộc chiến chống khủng bố, thay vì cố tìm cách dập tắt một ngọn lửa thì lại làm cho khối lửa jihad bùng cháy trên toàn thế giới, trong đó các quốc gia Hồi Giáo trên thế giới gồm 1.2 tỉ người được huy động để chống lại nước Mỹ và Tây phương.
Những người biện hộ cho đạo Hồi cũng vội thanh minh với công luận rằng, Hồi Giáo là một tôn giáo hòa bình. Họ tuyên bố một cách chưa trung thực lắm rằng, theo tiếng Ả Rập thì Islam (Hồi Giáo) có nghĩa là hòa bình. Họ cố gắng mô tả đám khủng bố chỉ là một nhóm nhỏ đứng ngoài cộng đồng Hồi Giáo chân chính.
Điều này chưa hẳn đúng.
Theo nghĩa thông dụng trong tiếng Ả Rập, Islam thường được dùng để chỉ ý nghĩa ‘tùng phục’ hơn là ‘hoà bình.’ Và nếu những kẻ khủng bố chỉ là một nhóm nhỏ đứng bên ngoài, thì tại sao những người Hồi Giáo khắp nơi trên thế giới lại hân hoan ăn mừng khi đám không tặc tông vào tòa nhà đôi Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và Ngũ Giác Đài? Tại sao các chính quyền Hồi Giáo lại không dám nhiệt tình công khai ủng hộ cho cuộc chiến chống khủng bố? Hơn nữa, tại sao tất cả các chính quyền đang lén lút ủng hộ đám khủng bố lại tập trung trong thế giới Hồi Giáo?
Thật ra, Hồi Giáo là một tôn giáo có xu hướng thiên nhiều về bạo lực. Nói như vậy không có ý cho rằng mọi người theo đạo Hồi đều bạo động. Có nhiều người Hồi Giáo thực sự yêu hòa bình. Có những người Hồi Giáo mong muốn một cuộc sống hòa bình như mọi người khác trên thế giới. Nhưng bạo động vẫn đang tàng ẩn nơi tiềm thức của họ như những người Hồi Giáo khác. Và đạo Hồi, với danh nghĩa một tôn giáo và một ý thức luận, có khả năng khai thác điều tàng ẩn đó.
Mặc dù có hàng triệu người theo Hồi Giáo muốn có sự liên hệ thân thiện với Tây phương, hàng triệu người Hồi Giáo mong muốn sống trong các xã hội tự do như nước Mỹ chẳng hạn. Nhưng dù sao đi nữa, ở đó cũng tiềm tàng khuynh hướng bạo động mạnh mẽ và khó lường của đạo Hồi. Đây là điều thật quan trọng mà những người Mỹ và Tây phương cần hiểu.
Để có thể hiểu được sự liên hệ giữa đạo Hồi và bạo lực, người ta phải hiểu về cái nhìn toàn cầu của người Hồi Giáo. Một trong những khía cạnh quan trọng nhất, đó là dựa vào nhận thức về đạo Hồi lịch sử, người ta biết Hồi Giáo và chính quyền là một. Nhà sử gia Bernard Lewis viết trong cuốn ‘Đạo Hồi và Tây phương’ như sau:
”Đối với những người Hồi Giáo, quốc gia là quốc gia của Thiên Chúa (Allah), quân đội là quân đội của Thiên Chúa, và dĩ nhiên, kẻ thù của quốc gia là kẻ thù của Thiên Chúa. Đặc biệt nhất, luật pháp là luật pháp của Thiên Chúa. Không có vấn nạn nêu lên về ranh giới giữa tôn giáo và quốc gia, vì tôn giáo không phải là một thể chế tự trị được tách rời. Tôn giáo và quốc gia là một và như nhau.”
Điều này có nghĩa là, theo nhận thức về đạo Hồi lịch sử, thì xã hội Hồi Giáo là và sẽ là một thể chế chính trị thần quyền, một xã hội trong đó, chính Thiên Chúa là vua cai trị thế giới qua những người thừa hành.
Vào những ngày đầu của đạo Hồi, người thừa hành là tiên tri Mohammed, người sáng lập ra đạo Hồi và đã tung quân cưỡng chiếm toàn bộ bán đảo Ả Rập. Sau đó, người thừa hành là các vua Hồi, và trong những thế kỷ sau khi Mohammed qua đời, họ đã mở rộng xã hội Hồi Giáo bằng cách xâm chiếm các quốc gia láng giềng, lan tới miền cực Tây là Tây Ban Nha và tới cực Đông là Ấn Độ. Trong khi đi xâm lăng như thế, họ đã hấp thụ được nền văn minh Kytô giáo. Cuối cùng, quyền lực các vua Hồi yếu dần, và rơi vào tay những lãnh tụ mới, chẳng hạn như các vua giòng họ Ottoman. Xuyên qua mọi thời, Thiên Chúa được coi như vị cai trị của nền văn hoá Hồi Giáo.
Đạo Hồi theo thể chế chính trị thần quyền đưa đến những hệ quả đáng ngại trong việc luận định vị trí của đạo cũng như thái độ của người Hồi Giáo phải như thế nào.
Trước nhất, đạo Hồi không chỉ là một tôn giáo, mà nó còn là một hệ tư tưởng chính trị. Nếu chính quyền của cộng đồng Hồi Giáo là chính quyền của Thiên Chúa, vậy không có chính quyền nào khác được coi là hợp pháp vì các chính quyền đó chống lại Thiên Chúa. Kết quả, người Hồi Giáo đã chính thức chia thế giới thành hai phe: Một bên là ‘Dar al-Islam – nhà của Hồi Giáo hay nhà của người tùng phục ‘ và bên kia là ‘Dar al-Hab – nhà chiến tranh’ tức những người gây chiến với Thiên Chúa.
Thứ hai, các người Hồi Giáo tự cho mình có một ‘sứ mạng hiển nhiên’, vì sau cùng Thiên Chúa sẽ phải toàn thắng, các Dar al-Harb phải chịu dưới quyền cai trị của chính quyền Hồi Giáo và trở thành một phần của Dar al-Islam.
Thứ ba, vì Dar al-Harb tự bản chất là những kẻ gây chiến với Thiên Chúa, cho nên có lẽ không còn cách nào khác để đưa họ trở về tùng phục Thiên Chúa ngoài việc chiến đấu. Có những nhóm vì những lý do khác nhau sẽ buông khí giới để tùng phục và tham gia vào cộng đồng Hồi Giáo. Nhưng cũng có nhiều dân tộc thà chiến đấu chứ không chịu xoay chiều, cụ thể nhất là các Kytô hữu, những người chống lại cách quyết liệt sự xâm lăng của Hồi Giáo hơn là chống lại tà giáo.
Vì nhu cầu bành trướng sự thống trị của Thiên Chúa bằng chiến tranh để chiếm đất đai, ý thức luận Hồi Giáo gây ấn tượng mạnh mẽ trên các tín đồ Hồi Giáo nhiệm vụ chiến đấu cho cộng đồng Thiên Chúa. Nhiệm vụ này gọi là jihad (thánh chiến). Chỉ nhờ việc tiếp tục jihad, người Hồi Giáo mới có thể hoàn tất ‘sứ mạng hiển nhiên’ của họ là đem toàn thế giới đến chỗ quy phục Thiên Chúa.
Nhà xã hội học danh tiếng người Pháp Jacques Ellul chú giải: ”Jihad là một nghĩa vụ tôn giáo. Nó là một phần của những bổn phận mà những người tin phải hoàn thành. Đó là phương cách thông thường của Hồi Giáo để bành trướng.”
Thứ bốn và cũng là hệ quả cuối cùng của quan điểm thần quyền của đạo Hồi là rằng, theo học thuyết, thì tất cả những người Hồi Giáo không chỉ là một cộng đồng tôn giáo, mà còn là một chính quyền nữa – chính quyền của Thiên Chúa, một siêu quốc gia Hồi Giáo! Điều này chưa xảy ra. Các người Hồi Giáo vẫn còn bị cai trị bởi các chính quyền khác nhau kể từ những ngày đầu của đạo Hồi. Đạo Hồi chưa đạt được nguyện vọng này ngay trong thế giới Hồi Giáo, là do những yếu tố lịch sử khác nhau. Nhờ thế đã làm chậm lại sự bành trướng của đạo Hồi. Dẫu vậy, thế giới của những dân tộc không phải là Hồi Giáo đã luôn bị đe dọa: Châu Âu trong nhiều thế kỷ đã phải kinh hoàng vì sự xâm lăng của người Hồi Giáo, như nhà biên chép sử biên niên về sự bành trướng của đạo Hồi là Paul Fregosi đã viết:
”Lời cầu nguyện: ‘Ôi lậy Chúa, xin cứu chúng con khỏi sự tàn ác của những người Hồi Giáo’ được vang lên hàng nhiều thế kỷ trong các thánh đường thuộc trung tâm và phía Nam châu Âu. Ngay cả lúc này, nỗi sợ hãi đối với jihad vẫn chưa tan biến, đặc biệt nơi những người có kiến thức về sự thống trị của Hồi Giáo.”
Những người Hồi Giáo đã tung ra những cuộc truy lùng bất ngờ để bắt người làm nô lệ nơi mãi tận Anh quốc và Ái Nhĩ Lan. Họ tấn công xứ Băng Đảo và họ tiến sâu vào châu Âu. Họ chiếm Sicily và xâm lăng lãnh thổ nước Ý. ”Ngay cả Rôma cũng có thời rơi vào tay người Ả Rập. Nhân phẩm con người bị chà đạp. Năm 846 ở Rôma, những người Hồi Giáo đã cướp phá các đền thờ thánh Phêrô và Phaolô, khiến Đức Thánh Cha đã phải mua chuộc những kẻ xâm lăng bằng cách hứa hàng năm sẽ hiến tặng 25,000 đồng tiền bạc. Đức Thánh Cha Leo IV đã ra lệnh xây một bức tường quanh thành phố Rôma để bảo vệ đền thờ Thánh Phêrô.”
Mối đe dọa tiếp tục nhiều thế kỷ, như năm 1529 và 1683 người Hồi Giáo chiếm Vienna, thủ đô của đế chế Rôma tọa lạc ngay trung tâm châu Âu.
Nhưng rồi sự sự xâm lăng của Hồi Giáo bị trì trệ. Một cánh cửa mới mở ra cho châu Âu, đặc biệt là việc khám phá ra tân thế giới, đem lại những lợi nhuận lớn lao. Và rồi châu Âu không ngừng phát triển về kinh tế, kỹ thuật và quân sự, đô hộ nhiều nước trên thế giới. Cán cân quyền lực thay đổi, thế giới Hồi Giáo trở nên yếu dần và bị người Âu châu đô hộ hoặc bảo hộ. Lewis ghi chú:
”Tới năm 1920 sự toàn thắng của châu Âu trên Hồi Giáo có vẻ là trọn vẹn và chung cuộc. Phần lớn các lãnh thổ của Hồi Giáo ở Á châu và Phi châu hoàn toàn ở dưới sự khống chế của các đế quốc Âu châu. Chỉ một vài quốc gia có vua bản xứ, còn hầu hết đều chịu sự cai trị trực tiếp từ những vị toàn quyền. Duy một vài vùng thuộc sa mạc và đồi núi hẻo lánh, nghèo khổ là được quyền tự trị, vì những vùng này không đem lợi ích gì nhiều cho họ.”
Người Hồi Giáo phản ứng thế nào về một chuỗi những phát triển đáng ngại này?
Vào thế kỷ 17, người Hồi Giáo đã nhận ra điều gì đó bất ổn tai hại đang xảy ra trên thế giới. Mặc dù trước đây xã hội Hồi Giáo chiếm ưu thế về kinh tế, và xét về một khía cạnh nào đó về văn hóa, Hồi Giáo trội hơn xã hội Âu châu. Vậy mà các người lãnh đạo Hồi Giáo đã thấy ló ra những tên vô đạo dã man Âu châu, những kẻ đang vượt thắng và chế ngự xã hội Hồi Giáo.
Thật khó để người Tây phương nhận thức được là những sự kiện này đã làm tổn thương đến lòng tự ái và tự giác của người Hồi Giáo như thế nào.
Những chiến thắng trước kia của Hồi Giáo như một khẳng định trong đầu óc của họ rằng, họ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, và rằng nền văn hoá là thuộc về đạo Hồi. Và họ đã coi khinh những dân tộc chung quanh, mà họ cho là dã man và vô đạo.
Đã xảy ra sai lầm gì? Tây phương đánh, Trung Đông đỡ. Bernard Lewis chú giải rằng, các Kytô hữu Âu châu vốn bị coi ”như những kẻ dã man và vô đạo ở bên ngoài, không đáng để học hỏi và cũng chẳng có gì đáng để nhập cảng, ngoại trừ nô lệ và vật liệu thô. Đối với dân dã man của cả hai phía Bắc (người Âu châu) và Nam (người Nam Phi) thì cách tốt nhất cho họ là hội nhập vào trong vương quốc các vua Hồi, và như thế, họ mới có thể nhận được các lợi ích của tôn giáo cũng như của nền văn hoá Hồi.”
Cho nên, nay người Hồi Giáo mới kinh hoàng xửng sốt khi thấy nền văn hoá của họ đang bị xụp đổ và kẻ thù xưa của họ, những Kytô hữu Tây phương, đang bá chủ và tung hoành mọi nơi và đang kiểm soát đất đai của họ. Tại sao điều này lại có thể xảy ra? Làm sao dân của Thiên Chúa lại phải chịu số phận trái ngược như thế này? Giận dữ với hiện tại và lo lắng cho tương lai, người Hồi Giáo bắt đầu tiến hành kiểm điểm. Bernard Lewis giải thích:
”Khi những sai lầm xảy ra trong xã hội tới mức không thể chối cãi hoặc che đậy, lúc đó người ta có thể đặt ra nhiều câu hỏi. Ở Trung Đông có một câu hỏi quen thuộc, đặc biệt đối với lục địa châu Âu hôm qua và hôm nay là: ‘Ai đã tạo ra nông nỗi này cho chúng ta?’ Câu trả lời thường là đổ tội cho người nước ngoài hay con vật tế thần trong nước – những trú nhân nước ngoài hay một nhóm nhỏ trong nước. Những người thuộc gia tộc Ottoman, phải đối diện với cơn khủng hoảng chính trong lịch sử của họ, lại đặt ra câu hỏi khác: ‘Chúng ta đã có sai lầm gì?’
Sau đó là cuộc tranh luận, trong đó nhiều người Hồi Giáo đã cố phân tách và đưa ra những dự án cứu chữa. ”Căn cứ theo đại đa số những ‘cuốn sổ ghi nhớ’ này, thì lỗi lầm căn bản là đã bỏ mất đường lối tốt đẹp xưa, đường lối của Hồi Giáo và của Ottoman; thuốc chữa chính là phải trở về với đường lối cũ. Sự chuẩn đoán và diễn giải này luôn được chấp nhận cách rộng rãi ở Trung Đông.”
Sự giải thích song đôi về nỗi bất hạnh của những người Hồi Giáo, gây nên do sự thất bại trong việc tuân giữ chặt chẽ luật Hồi Giáo và do hành động độc ác của các ngoại bang (lúc đầu là Tây phương và giờ là người Mỹ), di họa cho mai sau.
Sự thống trị của Tây phương trên thế giới Hồi Giáo kéo dài không lâu, nghĩa là nó chấm dứt vào những năm 1960 sau thế chiến thứ hai. Sự kiện này đã ảnh hưởng lớn lao đến tâm trạng người Hồi Giáo. Nhưng rồi lại bị chặn lại bởi cuộc chiến tranh lạnh. Đó là sự đối đầu giữa khối Cộng sản, đứng đầu là Liên Bang Sô Viết và khối Tự do, đứng đầu là Hoa Kỳ. Các nước Hồi Giáo lúc đó còn yếu, nên phải dựa hoặc vào Liên Bang Sô Viết hoặc vào Hoa Kỳ.
Rồi Liên Bang Sô Viết sụp đổ, kết thúc thời kỳ chiến tranh lạnh. Tình thế thay đổi. Lúc đầu, nhiều người tỏ vẻ hân hoan vì nền hòa bình cho nhân loại đã hé mở. Nhưng một số người khác có cái nhìn sâu sắc hơn lại lo ngại cho những nguy hiểm mới sẽ xảy ra trên thế giới, bao gồm dân quân Hồi Giáo.
Samuel Huntington, giám đốc viện nghiên cứu chiến lược của trường đại học Harvard, đã cảnh giác rằng, việc chấm dứt thời chiến tranh lạnh sẽ dẫn đến một giai đoạn mà ông gọi là ”sự sung đột giữa các nền văn hoá.” Điểm nổi bật chính trong dự đoán của ông đối với sự xung đột này là sự xung đột giữa khối Hồi Giáo và thế giới Tây phương:
”Sau thế chiến thứ hai, tới phiên Tây phương bắt đầu rút lui, chấm dứt thời kỳ đô hộ. Trước tiên, chủ nghĩa quốc gia Ả Rập và rồi trào lưu Hồi Giáo chính thống xuất hiện… Sự đối đầu về quân sự giữa khối Tây phương và người Hồi Giáo trong những thế kỷ trước có vẻ như đã không tàn lụi. Nó có thể trở nên nguy hiểm hơn. Cuộc chiến vùng vịnh đã để lại nơi tâm khảm một số người Ả Rập niềm hãnh diện vì Saddam Hussein đã tấn công Do Thái và đứng lên chống lại Tây phương. Nó cũng khiến cho nhiều người cảm thấy bị nhục và thù hận vì sự hiện diện quân sự của Tây phương ở vịnh Ba Tư, vì sự thống trị của lực lượng quân sự của Tây phương cũng như vì nỗi bất lực trong việc tự làm chủ vận mạng của mình.”
Huntington ghi nhận một sự đồng lòng chung là sẽ có một cuộc xung đột không thể tránh được giữa những người Hồi Giáo và thế giới Tây phương, một cuộc xung đột đã được khởi sự từ xưa, sẽ sớm hiện hình trở lại, ”Đối với cả hai bên, sự xung đột giữa Hồi Giáo và Tây phương được coi như sự xung đột giữa các nền văn hoá.” Và sự đối đầu tiếp theo cho Tây phương, như nhận định của M.J. Akbar, một tác gỉa Hồi Giáo Ấn Độ, ”Dứt khoát sẽ đến từ thế giới Hồi Giáo. Đó là sự xuất kích của các quốc gia Hồi Giáo từ Maghreb tơi Pakistan để tranh đấu cho một trật tự thế giới mới được bắt đầu.”
Sự đối đầu đã đến bằng cuộc tấn công khủng bố 11/9/2001 và bằng sự mở màn cho cuộc chiến chống khủng bố.
Những tay khủng bố hy vọng điều gì?
– Họ hy vọng khơi dậy sự xung đột với Tây phương để chấm dứt Mùa Đông lâu dài và tăm tối của những người Hồi Giáo. Họ hy vọng lấy lại vị thế cho tôn giáo và nền văn hoá của họ. Họ hy vọng một cuộc chiến có thể đập tan quyền lực của Tây phương và làm cho làm sóng cách mạng Hồi Giáo quét sạch những bạo chúa thế tục đang thống trị trên các quốc gia Hồi Giáo. Họ hy vọng trở lại thời đại của đạo Hồi tinh tuyền và nghiêm khắc hơn, không còn những giá trị cũng như những đồi bại của Tây phương. Họ hy vọng Thiên Chúa chúc phúc cho nền văn hoá của họ, được đặt vào vị trí đúng và đứng đầu các dân tộc, với sự hồi sinh chủ nghĩa dân tộc Hồi Giáo và khai sinh ra một siêu quốc gia Hồi Giáo mà họ luôn mong chờ.
Và họ hy vọng tạo một làn sóng bành trướng mới để đạo Hồi có thể thống trị toàn thế giới. Trong một cuốn băng thâu âm nổi tiếng của nhóm Ai-Qeada ”dinner conversation” được tìm thấy ở Afghanistan, Osama bin Laden đã miêu tả viễn cảnh chiến tranh ông khởi xướng sẽ tạo ra làn sóng bành trướng của đạo Hồi chưa từng thấy kể từ thế kỷ đầu tiên của đạo Hồi, lúc mà đạo Hồi đã tàn phá một nửa nền văn minh Kytô giáo.
Giấc mơ đạo Hồi được đổi mới và được thanh luyện, giấc mơ lật đổ được các chính quyền Hồi Giáo hiện hành, của việc nghiền nát cách vinh quang thế giới Tây phương, và của việc bành trướng xuyên qua một hành động jihad mới vẫn còn xa so với khả năng còn hạn chế của bin Laden và chính sách khủng bố của ông. Giấc mơ khích động được sự giận dữ điên cuồng của người dân Ả Rập trên các đường phố, những người thường rất dễ gây ra những cuộc biểu tình bạo động mỗi khi xảy ra một biến cố chính trị.
Nội trong thế giới Hồi Giáo, các viên chức chính quyền vẫn cố bám vào quyền lực, cho dù sự giận dữ của dân chúng đang bùng lên trên các đường phố. Họ cố gắng tranh thủ thời gian, họ hỗ trợ các trường học Hồi Giáo quá khích, các cơ sở báo chí, và ngay cả ủng hộ các tên khủng bố, với hy vọng hướng những giận dữ của người Hồi Giáo về phía Tây phương, biến họ trở thành những con vật tế thần.
Thế giới Tây phương đáp trả bằng cách khai mở cuộc chiến chống khủng bố, cuộc chiến các chính quyền Hồi Giáo cũng muốn thấy Tây phương thành công, để gạt bỏ những thành phần cực kỳ quá khích, những kẻ muốn lật đổ cả họ nữa. Thế nhưng họ lại lưỡng lự không muốn ra mặt ủng hộ cuộc chiến một cách quá công khai, sợ nguy hại đến quyền lợi của họ.
Để dập tắt được ngọn lửa âm ỉ đáng ngại này, một số người Tây phương đề nghị cải thiện nền kinh tế, vì chênh lệch giầu nghèo là nguyên nhân gây nên sự bất mãn và thất vọng nơi xã hội Hồi Giáo và là cớ để tinh thần quá khích và khủng bố có thể bùng nổ. Thực ra, vấn đề không phải ở tại không được giầu có. Nhiều quốc gia Hồi Giáo có lượng dầu hỏa rất phong phú, và có tiền của ê hề trong nhiều thập niên, nhưng những thành phần lãnh đạo lại không chịu tbực thi chính sách giúp cho dân giầu nước mạnh. Họ chỉ lo cho chính họ mà bỏ bê dân chúng.
Nhiều người Tây phương lại muốn quảng bá nền tự do dân chủ nơi các quốc gia Hồi Giáo. Họ nghĩ rằng, nhờ vậy sẽ nhổ đi được tận gốc mầm mống bạo động, khủng bố. Mặc dù nền dân chủ đã phát triển tốt trong thế giới Tây phương, giúp bảo toàn sự phát triển kinh tế cho dân chúng của họ, nhưng làm sao có thể đưa tự do dân chủ vào trong thế giới Hồi Giáo được đây? Người ta không hy vọng các chính quyền Hồi Giáo tình nguyện thay đổi chế độ của họ, cho dù một vài quốc gia bị ép buộc phải cải tổ theo chiều hướng này. Nơi nhiều quốc gia Hồi Giáo, để đạt được một chính quyền dân chủ, người ta vẫn phải nhờ đến sự can thiệp của sức mạnh quân sự, như ở Afghanistan chẳng hạn!
Cho nên, một câu hỏi được đặt ra là làm cách nào để duy trì được nền tự do dân chủ trong các quốc gia này? Người Hồi Giáo không có kinh nghiệm lịch sử về tự do dân chủ của Tây phương. Xã hội Trung Đông hầu hết vẫn được cai trị theo chế độ bộ tộc. Chế độ bộ tộc luôn có khuynh hướng phá bỏ tiến trình dân chủ. Khi một bộ tộc lên nắm chính quyền, lúc đó họ sẽ thẳng tay triệt hạ các đối thủ.
Nếu như người ta đạt được nền dân chủ chân chính, kết quả sẽ như thế nào? Cứ nhìn vào tình hình hiện nay của người Ả rập ngoài đường phố, người ta thấy kết quả không khả quan. Trong một bài phân tách, Samuel Huntington cho rằng:
”Nhiều quốc gia Ả Rập, ngoài vấn đề xuất cảng dầu, họ đang đạt được mức phát triển kinh tế và xã hội, nơi đây những hình thức chuyên quyền của chính phủ trở nên không còn thích hợp và họ cố gắng làm cho nền dân chủ được vững mạnh hơn. Người ta đã thấy có một vài cởi mở trong các hệ thống chính trị Ả Rập. Nhưng người được hưởng lợi chính của những cởi mở này là các phong trào Hồi Giáo. Trong thế giới Ả Rập, chuyện trước mắt là nền dân chủ Tây phương đang làm vững mạnh các lực lượng chính trị chống Tây phương.”
Như thế, việc giới thiệu tự do dân chủ cho thế giới Hồi Giáo đang gặp đầy những khó khăn. Trong bất cứ biến sự nào, xét về ngắn hạn, tự do dân chủ không phải là một giải pháp cho vấn đề.
Về ngắn hạn, một việc có thể làm như đã được thấy trong lần can thiệp vào Afghanistan và Iraq, là dùng tới lực lượng quân sự. Có được chăng? Quả thực lực lượng quân sự đã giáng một đòn mãnh liệt vào mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, cho dù tổ chức này vẫn chưa bị tận diệt. Một số người khác lại tranh luận rằng, việc xử dụng lực lượng quân sự sẽ khơi lên ngọn lửa thù ghét người Tây phương và tạo lên một loại khủng bố mới. Đúng, một số người Hồi Giáo sẽ trở thành những tên khủng bố do việc người Tây phương xử dụng vũ lực. Nhưng đồng thời một số người Hồi Giáo khác cũng có khả năng trở thành những tên khủng bố, nếu Tây phương không dùng tới vũ lực. Dù sao đi nữa, có một khía cạnh đáng lưu ý: biến cố 11-9-2001 xẩy ra là vì mạng lưới khủng bố Al-Qaeda cho rằng nước Mỹ là một siêu cường đang bị yếu và đang bị dao động, nó có thể bị đánh bại, cũng như Sô Viết bị nhục ở Afghanistan vậy.
Người Hồi Giáo kiêng nể sức mạnh. Họ hoan hô bất cứ ai phô diễn sức mạnh. Bất kể đã bao lần các thành phố của họ đổi chủ, gây lên do các cuộc xung đột quân sự, dân chúng sẵn sàng túa ra đường hoan hô những nhà giải phóng mới, chẳng cần biết đó có phải là sự giải phóng đích thực hay không.
Do bởi hiệu quả của nó trong việc giải quyết tạm thời những trở ngại trong thế giới Hồi Giáo mà việc dùng lực lượng quân sự để tìm ra một giải pháp lâu dài, có vẻ là điều cần thiết. Chiến thuật này phải được vận dụng một cách khôn ngoan và tuân theo giáo huấn về cuộc chiến chính nghĩa của Giáo Hội, và chỉ dùng khi không còn giải pháp nào khác tốt hơn. Giải pháp quân sự tự nó vẫn chưa đủ, lực lượng quân sự phải được vận dụng kèm theo với những sáng kiến khác, chẳng hạn việc vận dụng đường lối ngoại giao và kinh tế.
Nhưng có thể đạt được một giải pháp không?
Sự quan hệ lịch sử giữa Hồi Giáo và bạo lực có thể chấm dứt được chăng?
Một số người cho rằng được. Thì ra chính tổ tiên Kytô hữu của chúng ta bạo động hơn chúng ta. Châu Âu bị xâu xé hàng thế kỷ bởi những xung đột, gây lên do các vương quốc nhỏ mọn, nhưng cuối cùng xã hội đã được phát triển từ đó; Một xã hội ổn định và không có nội chiến cũng như chiến tranh với các nước láng giềng. Có lẽ xã hội Hồi Giáo có thể được dẫn dắt hoặc buộc phải đi theo con đường đó.
Có thể như vậy. Nhưng kế hoạch đó không nhanh chóng, dễ dàng hoặc chắc chắn.
Sự phát triển để có một Âu châu ổn định đã phải trả giá bằng những tranh chấp đẫm máu hàng thế kỷ, để cuối cùng người Âu châu đã thôi giết hại nhau và cố thử phương thế khác. Cố gắng này không thành công cho đến đầu thế kỳ 20, khi Âu châu trải qua hai biến động ghê gớm là hai trận thế chiến. Chìa khóa của cả hai trận thế chiến này là sự can thiệp của Hoa Kỳ; Hoa Kỳ sau thế chiến thứ hai, đã ổn định được Âu châu, giúp giải hòa giữa các nước.
Sau đó, Âu châu lại được đoàn kết hơn nhờ mối đe dọa đến từ bên ngoài: Cộng Sản Xô Viết, nước đã thống trị được Đông Âu. Sự hiện diện liên tục của lực lượng Hoa Kỳ ở Tây Âu trong thời chiến tranh lạnh là để bảo vệ Tây Âu khỏi bị Xô Viết xâm lấn, trong khi đó, mối ràng buộc về kinh tế và chính trị mới, lành lạnh đã phát triển giữa các quốc gia, tạo được một tiền đồn hiệp nhất chống lại sự đe dọa của Xô Viết.
Sự tiếp nối của các biến cố đã dẫn tới tình trạng như hiện nay ở Âu châu. Việc gắng ép thế giới Hồi Giáo đi theo cùng một thể cách này là chuyện khó thực hiện được. Và ngay cả nếu được đi nữa, thì có lẽ cũng đòi hỏi sự can thiệp quân sự và tranh chấp bi thảm tương tự như Âu châu, để có thể đạt được sự hòa giải. Có lẽ nó cần tới những trận thế chiến và chiến tranh lạnh.
Và rồi, có một yếu tố khiến cho sự hòa giải của đạo Hồi không giống với sự hòa giải của Âu châu: Đó là những căn rễ bạo lực trong Hồi Giáo! Thật rất đơn giản để mô tả đặc điểm của các tôn giáo chính, dựa vào bản chất của nó là ‘bạo lực’ hay ‘hòa bình’. Salomon đã nói: ”Mọi sự đều có lúc, có thời để giết và có thời để chữa lành; Có thời để chiến tranh và có thời để hòa bình” (Gv. 3:1,3,8). Đó là những thực thể nơi lối sống của con người trong thế giới đã sa ngã, và mọi tôn giáo đều thừa nhận nhu cầu hòa bình cũng như nhu cầu cần xử dụng sức mạnh trong những tình huống chính đáng.
Thế nhưng một vài tôn giáo có xu hướng thiên về bạo lực mạnh mẽ hơn những tôn giáo khác. Trong số các tôn giáo chính, Hồi Giáo thiên về bạo lực nhất. Điều này có thể được nhận ra khi so sánh Hồi Giáo với những tôn giáo gần với nó nhất như Do Thái Giáo và Kytô Giáo.
Do Thái Giáo được sáng lập bởi Moisen, vị có thể coi như lãnh tụ quân sự tối cao, dẫn các chi tộc Israel tiến về vùng Đất Hứa. Và việc chinh phục tất nhiên đã xảy ra. Cựu Ước bao gồm nhiều chỉ thị dùng bạo lực để bảo vệ và thăng tiến đất nước Israel. Nhưng cho dù Do Thái Giáo có bao gồm tiềm năng bạo lực, Do Thái Giáo chỉ là một tôn giáo được dành riêng cho một nhóm chủng tộc và được hạn chế trong một lãnh thổ mà thôi.
Ngược lại, Kytô Giáo là tôn giáo toàn cầu, nghĩa là được dành cho mọi dân tộc thuộc mọi quốc gia. Kytô Giáo có chiều kích rộng lớn hơn nhiều và có tiềm lực bạo động thấp hơn rất nhiều. Vị sáng lập, Đức Kytô, là vị Tử Đạo, Vị đã từ chối chiến đấu để cứu mạng sống mình. Mặc dù Tân Ước thừa nhận Cựu Ước đến từ Thiên Chúa, nhưng Tân Ước đã không bao gồm giới răn mới xử dụng bạo lực, vì Kytô Giáo từ khi được khai sinh, không liên kết với một quốc gia như Do Thái Giáo.
Giáo Hội Chúa Kytô tách rời với chính quyền, cho nên Kytô Giáo ít chứa tiềm năng bạo lực. Điều này, cộng với gương của Đức Kytô và lời dạy ”yêu kẻ thù” của Ngài, đã giúp Kytô Giáo hóa giải được các thù hận phát sinh bạo động.
Trái lại, người sáng lập đạo Hồi là lãnh tụ quân sự tối cao, người tự nhiên nổi lên và cho tới lúc chết, ông là chủ tể độc tôn của bán đảo Ả Rập. Cuốn kinh thánh mà ông viết bao gồm các mệnh lệnh xử dụng bạo lực để phục vụ tôn giáo và đất nước của họ. Tiềm năng bạo lực này cũng tương tự như Do Thái Giáo, nhưng tiềm năng bạo lực trong Hồi Giáo tăng hơn lên rất nhiều, do việc Hồi Giáo tự coi mình, giống như Kytô Giáo, là một tôn giáo toàn cầu, được dành cho mọi dân tộc thuộc mọi quốc gia. Nó cũng không tách biệt khỏi chính quyền. Như thế Hồi Giáo là một ý thức luận tôn giáo và chính trị. Kết quả, Hồi Giáo sẵn sàng tận dụng bạo lực, như đã được minh họa trong thế kỷ đầu của ngày khai sinh ra đạo, khi đế quốc Hồi Giáo tung quân đi chinh phục nhiều quốc gia.
Quan điểm của Hồi Giáo đối với việc dùng bạo lực chống lại những người không phải là Hồi Giáo đã rõ ràng. Khi nói về những người ngoại đạo, kinh Quran dạy: ”Khi các ngươi gặp những kẻ sùng bái thần tượng, hãy giết chúng đi. Hãy giam tù chúng, hãy bao vây chúng và hãy phục kích chặn đánh chúng mọi nơi. Nếu chúng sám hối, cầu nguyện và dâng nộp của bố thí, thì hãy để chúng đi. Thiên Chúa tha thứ và nhân từ” (Surah 9:5). Ý nghĩa của những điều này là cho người ngoại đạo một lựa chọn: trở lại hay phải chết.
Nói về bạo lực hướng về người Do Thái và Kytô hữu, kinh Quran dạy: ”Hãy chiến đấu chống lại những kẻ mà kinh thánh cho rằng chúng chẳng tin vào Thiên Chúa và ngày sau hết, những kẻ không ngăn cấm những gì Thiên Chúa và sứ giả của ngài đã ngăn cấm và những kẻ không chọn theo chân lý đích thật, cho đến khi chúng nộp thuế đủ và bị chinh phục hoàn toàn (Surah 9:29). Nói cách khác, bạo lực được dùng để chống lại người Do thái và người Kytô hữu cho đến khi họ trả một loại thuế đặc biệt và sống dưới sự chinh phục của người Hồi Giáo với tư cách là công dân hạng hai. Đối với họ, sự lựa chọn sẽ là trở lại, hay chết, hoặc chịu khuất phục.
Kinh Quran cũng có những lời nghiêm khắc đối với những người Hồi Giáo tỏ ra chậm chạp và bất đắc dĩ trong việc tấn công những người không tin: ”Hỡi những người tin, tại sao khi các ngươi được dạy: ‘Hãy hành quân vì Thiên Chúa,’ các ngươi lại nấn ná uể oải? Các ngươi bằng lòng với cuộc sống này hơn cuộc sống đời sau hay sao?… Nếu các ngươi không tham gia cuộc chiến, ngài (Thiên Chúa) sẽ nghiêm phạt các ngươi, và sẽ dùng người khác thay thế các ngươi” (Surah 9:38-39).
Và dĩ nhiên, có lời hứa trọng thưởng ở đời sau cho những người thi hành jihad: ”Hỡi những người tin! Ta có cần chỉ ra cho các ngươi thấy con đường lợi ích sẽ cứu các ngươi khỏi sự trừng phạt đau đớn không? Hãy tin vào Thiên Chúa và vào sứ gỉa của ngài, và hãy dùng sự giầu có và con người để chiến đấu cho Thiên Chúa… Ngài sẽ tha thứ tội lỗi của các ngươi và cho các ngươi được vào trong những khu vườn được tưới bằng giòng suối trong, ngài sẽ đặt các ngươi vào trong những lâu đài hạnh phúc nơi vườn địa đàng. Đây là cuộc vinh thắng siêu phàm” (Surah 61: 10-12).
Phải công nhận rằng, có những người yêu hòa bình và những người bạo động trong tất cả các tôn giáo. Có những người Kytô hữu bạo động. Có những người Hồi Giáo yêu hòa bình. Hoàn cảnh lịch sử hay thay đổi, nên phải cố công để biện giải các xu hướng bạo lực và hòa bình nơi các tín đồ của các tôn giáo khác nhau. Tuy nhiên, cho dù có những dè dặt này, người ta vẫn phải đồng ý rằng, Hồi Giáo là một tôn giáo và là một ý thức luận có xu hướng bạo động mạnh mẽ nhất.
Thực ra, có nhiều người Hồi Giáo khao khát hòa bình, chỉ là quan điểm của họ thường không được quan tâm đến lắm trong xã hội Hồi Giáo. Tác giả Serge Trifkovic viết: ”Một vài nhà phê bình có thể phản đối rằng sự trần thuật này về đạo Hồi trong thế giới tân tiến, không kéo được sự chú ý lắm của những người Hồi Giáo biết tự chế, của những người Hồi Giáo mong muốn mỗi ngày có được đời sống yên tịnh. Điều này không phải vì có ít người chủ trương ôn hòa như thế, nhưng vì nó đặc biệt quan trọng. Trong bất cứ trường hợp nào, người có thiện ý ôn hòa dễ bị coi là người Hồi Giáo không tốt, vì họ đã chối bỏ sự dạy dỗ căn bản của đạo Hồi lịch sử. Về phương diện con người, có lẽ đó là điều đáng ca ngợi, nhưng chẳng giúp định nghĩa học thuyết đạo Hồi.”
Viễn tượng việc định nghĩa học thuyết của đạo Hồi về vấn đề bạo lực còn mơ hồ. Mặc dù trong lịch sử, một số người Hồi Giáo cố gắng để ”tinh thần hóa” những lời dạy của kinh Quran liên quan đến bạo lực, nhưng cũng luôn có trào lưu chính thống đối lại bằng cách thúc đẩy việc trở về với nguồn gốc của đạo Hồi và tuân hành theo nghĩa đen.
Thực ra, phản ứng này chính là sự mô tả đặc điểm của phong trào Wahhabite đang thống trị Saudia Arabia và đã gây cảm hứng cho ý thức luận của Osama bin Laden. Triết gia Roger Scruton ghi chú rằng, theo quan điểm của Wahhabite, ”Bất cứ ai đọc kinh Quran đều có thể tự mình phán đoán về nội dung của học thuyết.”
Thái độ này, tương tự với quyển sách Hồi Giáo là sola Scriptura, có lẽ khá đúng để chứng minh nhóm Hồi Giáo cũng kiên định như nhóm tín đồ Tin Lành theo trào lưu chính thống. Bao lâu tình huống này còn tồn tại, thì sẽ còn nổi lên làn sóng Hồi Giáo ”tử đạo” mới, sẵn sàng hiểu theo nghĩa đen lời dạy trong kinh Quran về giết chóc, để đem áp dụng vào thời nay, và rồi lao mình vào cuộc chiến chống lại bất cứ ai họ cho là ”Satan, loài quỉ dữ.”
Chúng ta đã thấy căn gốc bạo động của đạo Hồi trong đời sống và lời dạy của Mohammed. Chúng ta đã thấy rằng những biến cố trên thế giới đã qui tụ lại, để đặt Hồi Giáo và Kytô Giáo vào trong cuộc xung đột về các nền văn hoá mà nó đã trải dài từ thế kỷ thứ 6 tới thế kỷ 21.
Chúng ta chưa biết tương sẽ như thế nào. Điều chúng ta biết được là nền văn hoá Hồi Giáo có xu hướng bạo động mạnh mẽ, kể từ thời Mohammed và kéo dài tới ngày nay, và rằng nó đang bắt đầu bùng lên trở lại các phong trào cách mạng và khủng bố. Cuộc xung đột với dân quân Hồi Giáo có thể kéo dài lâu – hàng thế kỷ, một cách tiềm tàng – vì ngay cả nếu có thể hóa giải được khuynh hướng bạo động trong xã hội Hồi Giáo đi nữa, nó có thể sẽ phải bao gồm việc cắt bỏ, hay ít ra phải làm mất tác dụng cái khuynh hướng đã thống trị nền văn hóa Hồi Giáo từ những ngày đầu của người thành lập đạo Hồi.
Đây không phải là công việc dễ dàng. Trong quá trình kêu gọi khôi phục lại việc thực hành đạo Hồi theo nguyên gốc, tinh tuyền và bạo động nhiều hơn, để lại được Thiên Chúa che chở, thì những người Hồi Giáo nào có thiện ý muốn thực hiện việc thay đổi, sẽ bị xếp vào loại người phản bội lại đạo giáo. Thực ra, những dấu hiệu của thời đại cho chúng ta hiểu rằng, chúng ta đang ở trong một cuộc ”xung đột giữa các nền văn hoá,” nó sẽ kéo dài và đẫm máu.
Nhưng chúng ta cũng biết rằng, Thiên Chúa đã có kế hoạch cho lịch sử, và Ân Sủng của Người sẽ làm nên phép lạ. Cũng có thể, bằng cách này hay cách khác, Thiên Chúa sẽ ban cho thế giới được hòa bình hơn, trong đó dân quân Hồi Giáo sẽ không còn là mối đe dọa, hay không nơi đâu phải tiếp cận với đe dọa.
Nếu muốn điều này xảy ra, chúng ta phải hợp tác với Thiên Chúa bằng cầu nguyện, can đảm, biết xoay sở, và có sự hiểu biết đích thực về mối đe dọa chúng ta đang đối đầu. Mối đe dọa mà nhiều người cho rằng đó là một trong những ”điềm của thời đại”: Tức hiện tượng bùng lên khắp nơi những cuộc thánh chiến triền miên của tôn giáo này.
http://www.giadinhnazareth.org/node/4537
http://www.giadinhnazareth.org/node/4539