Văn học Nhật Bản Văn học phương Đông

DUYÊN DO SỰ HÌNH THÀNH NƯỚC TĂNG GIÀ LA

DUYÊN DO SỰ HÌNH THÀNH NƯỚC TĂNG GIÀ LA

 Inoue Yasushi

(Phan Thu Vân dịch từ bản tiếng Trung)

         Trước đây rất lâu, phía nam Ấn Độ có một vương quốc nhỏ, công chúa con quốc vương nước ấy được gả cho nước láng giềng, thế là vào giờ hoàng đạo của một ngày tốt lành, một đội ngũ hơn ba mươi thị vệ đưa tân nương ra khỏi hoàng cung. Vì quốc gia nhỏ, nên đoàn người ngựa đưa dâu đến chiều tối ngày thứ hai đã tới một thôn trang dưới chân ngọn núi cao nằm ở biên giới hai nước. Dự tính ngày thứ ba và ngày thứ tư đều sẽ cắm trại qua đêm trong rừng núi, ngày thứ năm có thể tới được nước láng giềng. Nghe nói ngọn núi này thường có cường đạo và yêu quái xuất hiện quấy rối người qua lại, cho nên quốc vương lần này đã đặc biệt chọn lấy đoàn thị vệ ai nấy đều trẻ tuổi, thân thể cường tráng.

         Đoàn người ngựa trú ngụ một đêm trong thôn trang dưới chân núi, trước khi trời sáng thì chuẩn bị vào núi. Đoàn người đi theo kế hoạch trù tính từ trước, một ngày một đêm bình an qua đi. Ngày tiếp theo, ban ngày cũng bình an vô sự, nhưng tới tối, khi họ vượt núi và cắm trại qua đêm tại một vùng đất bằng nhỏ hẹp sau lưng núi, tai nạn cuối cùng cũng đã giáng xuống.

         Đêm khuya, mọi người bị một tiếng gầm thét kỳ quái làm giật mình tỉnh giấc. Các thị vệ trẻ tuổi bật dậy, lắng tai nghe ngóng cảnh giác. Tiếng gầm thét lại truyền tới, xuyên qua hẻm núi, vượt qua đỉnh núi, khiến người ta lạnh tóc gáy. Các thị vệ thầm nghĩ, có lẽ là hổ, thế là mỗi người đều nín thở tập trung tinh thần. Khi tiếng gầm thét vọng đến lần thứ ba, dường như gần hơn một chút, các thị vệ trẻ tuổi đều không ngăn được đôi chân họ trở nên mềm nhũn. Bất luận cường đạo hay yêu quái, họ đều không sợ, nhưng địa phận này cơ hồ chưa từng có hổ xuất hiện, cho nên không ai biết phải đối phó với hổ thế nào. Trước mắt những người thanh niên này dường như bắt đầu hiện ra hình ảnh con mãnh thú lần theo mùi người, từng bước tiến gần.

         Lần thứ tư, tiếng gầm thét phát ra từ phía gần nơi cắm trại. Một thị vệ trong số họ thực sự không nhẫn nại thêm được nữa, bèn chui ra khỏi lều, thế là những người khác cũng chạy theo anh ta. Bên ngoài là một đêm trăng sáng, ánh trăng trắng xanh trải trên mặt đất, sáng như ban ngày, song những dãy núi cao thấp nối tiếp nhau lại là một mảng đen đặc quánh. Bấy giờ, tiếng gầm gào liên miên không dứt, mỗi lúc một gần lều trại hơn, nhưng lại không thể phán đoán được âm thanh truyền đến từ đâu. Các thị vệ có cảm giác con hổ dường như bất kỳ lúc nào cũng có thể xông ngay đến. Trên núi phía sau lều trại, những lùm cây rậm rạp bị gió thổi xào xạc, các thị vệ vội vàng nhảy vào trong bóng râm dưới chân núi trước mặt, tránh ánh trăng chiếu vào người, rồi lao thẳng xuống dưới núi.

         Sau khi các thị vệ chạy trốn hết, tiếng gầm gừ lại dội tới từng đợt, còn hung tợn hơn trước. Không biết đã đến lần gầm thét thứ bao nhiêu, con mãnh thú cuối cùng cũng theo tiếng gầm mà xuất hiện ở góc khoảng đất bằng, hóa ra là một con hổ cực lớn. Bấy giờ ở đó chỉ còn lại chiếc kiệu của tân nương.

         Cả mình con hổ tắm trong ánh trăng, nó thong thả vờn quanh khu lều trại. Đột nhiên, chiếc rèm che của một chiếc lều được vén lên, bóng dáng người con gái xuất hiện, vừa đúng lúc nàng đứng vào nơi mà vừa nãy con hổ bước qua. Con hổ nhảy lùi về sau theo bản năng, rùn thấp người xuống, chuẩn bị tư thế sẵn sàng. Chỉ thấy dưới ánh trăng trắng bệch, người con gái giống như bị thôi miên, hướng về phía con hổ dò dẫm bước vài bước, rồi nhanh chóng ngã lăn ra như một khúc củi khô. Nàng đã sợ mất hồn mất vía.

         Thoáng chốc mười mấy năm trôi qua. Tân nương ngày nào đã cùng con hổ sống chung nơi thâm sơn cùng cốc và sinh ra một trai một gái. Mỗi ngày con hổ đều vào rừng sâu săn bắt hươu rừng, hái quả dại về nuôi con. Người đàn bà cũng từng đau khổ và nuối tiếc vì cảnh ngộ lạ lùng mà mình gặp phải, nhưng cuối cùng vẫn thuyết phục mình rằng đây là nhân duyên từ kiếp trước, trời định rằng bà phải sống với danh phận vợ loài cầm thú suốt đời này. Hai đứa con cả trai lẫn gái đều có dáng vẻ bề ngoài giống người bình thường, nhưng bên trong lại đầy thú tính, tính cách vô cùng bạo liệt. Đặc biệt là người anh, không chỉ có thân thể to lớn, mà sức mạnh cũng chẳng thua gì mãnh thú. Thế nhưng đến một năm kia, vào một đêm nguyệt thực, hai anh em đột nhiên có tính người, biết nói tiếng người. Người đàn bà vui mừng đến nỗi tưởng như đang nằm mơ, nhưng niềm vui chẳng tày gang.

         Hai anh em bắt đầu truy vấn mẹ, vì sao mình rõ ràng là người, mà lại có cha là hổ. Người mẹ không muốn cho con biết thân thế của chúng, nhưng hai anh em cương quyết không buông. Thế là người mẹ bất đắc dĩ phải nói về sự việc ly kỳ mà mười mấy năm trước mình đã gặp phải. Con trai nghe xong nói: “Hổ và người vốn khác loài, chúng ta lẽ nào không nên nhanh chóng trốn khỏi con hổ này, đi đến sống với loài người sao?” Em gái cũng tỏ ý đồng tình. Người mẹ cho rằng con mình muốn chạy trốn cũng không sao, song bản thân thì không thể. Bà nói: “Tuy mẹ cũng từng có ý muốn trốn chạy khỏi chồng hổ, nhưng cuối cùng hiểu ra rằng dù có rời bỏ được cũng chẳng ích gì, cho nên mới từ bỏ ý định này. Huống chi mẹ là đàn bà, không thể nắm chắc liệu có chạy thoát được không. Con hổ có sức mạnh ngày chạy ngàn dặm, mắt nhìn xuyên được ngàn dặm. May mà hai con không thua kém cha, nếu có thể chạy trốn thì chắc là thoát được. Hãy tìm thời cơ rời khỏi đây, đến nơi có người sinh sống, sống cuộc sống của loài người. Đó cũng là điều mà người làm mẹ như mẹ đây mong muốn.”

         Nửa năm sau, có lần con hổ vượt núi đi xa săn mồi, hai anh em nói với mẹ đây chính là cơ hội tốt để chạy trốn. Tuy vậy, người mẹ vẫn không muốn đi. Thế là, anh con trai cõng luôn người mẹ đang phản đối lên lưng, đưa em rời khỏi hang hổ. Họ chạy men theo con đường xuống chân núi gần nhất đã được thăm dò từ trước, ngày hôm sau đã tới được nơi thôn làng có người sinh sống.

         Khi bóng thôn làng dần dần lọt vào tầm mắt, người mẹ cuối cùng cũng đã từ bỏ ý muốn quay lại với chồng hổ, vì quay lại cũng không làm được gì nữa. Người mẹ nói với hai con: “Vậy hãy về quê của mẹ. Nhưng các con phải nhớ kỹ dù thế nào chăng nữa cũng không được tiết lộ việc chồng của mẹ và cha của các con là hổ. Người đời nếu biết việc này, chúng ta sẽ bị kỳ thị đến chết, không thể sống tiếp được, cho nên dù thế nào chăng nữa cũng nhất định phải giữ bí mật.”

         Chiều tối ngày hôm sau, người mẹ đưa hai con quay về đất nước nơi mình sinh ra, nhưng hoàng thất ngày xưa đã không còn nữa, các thành viên trong gia tộc đều chẳng còn ai sống sót, quốc gia đã bị quốc gia khác chiếm lĩnh. Biết được tin này, ba mẹ con đứng ngẩn ra giữa đường, không biết phải đi đâu về đâu. Người trong thành thấy ba mẹ con trần trụi nửa người, ăn mặc kỳ dị bèn xúm nhau lại xem, đồng thời hỏi họ từ quốc gia nào tới. Người mẹ nói với mọi người: “Chúng tôi vốn là người xứ này, về sau bị ác nhân lừa gạt, lưu lạc tha hương nhiều năm, nay cuối cùng mẹ con tôi cũng được trở về cố quốc.” Mọi người nghe xong không ai không tỏ vẻ xót thương, đem quần áo và thức ăn cho họ. Ngày tiếp theo, mọi người lại giúp ba mẹ con dựng một căn nhà nhỏ bên ngoài thành để họ tạm thời có nơi trú ngụ. Ba mẹ con mỗi người đều đi làm công cho nhà người khác, tạm coi là đủ ăn qua ngày.

        

         Cứ như thế được một tháng, quốc gia này bắt đầu thường xuyên bị hổ quấy nhiễu. Con hổ vì quá thương nhớ vợ con mà lửa giận ngút trời, xông ra khỏi rừng sâu núi thẳm, thường xuyên lởn vởn trong các thôn làng, gầm gừ kêu gào, hết lần này đến lần khác tấn công người dân và giết các gia súc. Mọi người mới hôm nay thấy hổ trong thôn, ngày mai đã gặp nó xuyên qua hẻm núi; cho rằng nó chạy vào thâm sơn cùng cốc, lại thấy nó xuất hiện trên đường và giữa ruộng gần thôn làng. Người bị hổ tấn công vô số kể, mọi người đều sợ hổ mà run rẩy không yên, thậm chí không thể ngủ ngon giấc. Những lữ khách phải qua núi lại càng sợ hãi, nếu chỉ đi thành nhóm nhỏ thì quá nguy hiểm, người ta không thể không tụ tập thành từng đoàn mấy mươi người, khua chiêng gõ trống, chuẩn bị sẵn cung tên giáo mác.

         Quốc vương biết được sự việc, sợ hại đến an nguy của quốc gia, bèn đích thân bắt tay vào việc trị hổ. Quốc vương triệu tập thợ săn trong toàn quốc, phái đến vùng núi nằm gần biên giới quốc gia nơi con hổ ẩn náu. Thế nhưng, con hổ này xuất quỷ nhập thần, cách đối phó của quốc vương chỉ khiến cho những người thợ săn hy sinh vô ích, mà hổ thì vẫn không sao giết được. Quốc vương sau khi nhận ra các thợ săn không thể đảm nhận nhiệm vụ này thì đích thân dẫn quân bao vây ngọn núi. Binh sĩ lên đến hàng vạn, bị phân thành vô số đội nhỏ, mỗi ngày đều chui vào rừng sâu, leo lên núi cao, xuyên qua sơn cốc. Nhưng tiếng gầm kinh thiên động địa của con hổ ngày nào cũng vang lên trong các hẻm núi. Cứ tiếp tục như thế chỉ khiến cho người và gia súc mất mạng vô ích. Rất nhiều binh sĩ chỉ vừa nghe được tiếng gầm của hổ hai chân đã run lẩy bẩy, thậm chí co rúm lại không dám tiến lên phía trước, vừa kêu khóc vừa chạy xuống núi.

         Bấy giờ lại có vài thợ săn đến muốn thử chinh phục mãnh thú, có những người từ quốc gia khác tới. Binh sĩ và thợ săn hợp lực tiến vào khe núi. Thế nhưng, ban ngày không thấy bóng dáng con hổ đâu, ban đêm nó lại đến tập kích khu lều bạt, mỗi đêm đều có người thương vong.

         Thế là, quốc vương yết bảng trong nước, tìm dũng sĩ có thể diệt trừ hổ dữ. Ai có thể tiêu diệt hổ, giải nạn cho nước, tất được trọng thưởng. Tuy vậy, chẳng một ai dám đến gỡ bảng, đảm trách nhiệm vụ khó khăn này.

         Tin quốc vương yết bảng cũng đã truyền tới khu dân nghèo mà ba mẹ con nhà kia sinh sống. Người anh trai nói với mẹ: “Cứ nghèo mãi thế này thực không phải cách, mùa đông đã đến gần, chúng ta không có lương thực, cũng không có quần áo ấm. Con sẽ xung phong đi giết hổ.” Nghe những lời này, người mẹ biến sắc, vô cùng đau khổ: “Con ơi, sao con có thể nói ra những lời như vậy? Hổ tuy là con vật, nhưng lại là cha của các con. Không nên vì cuộc sống của mình khổ cực mà có ý nghĩ đáng sợ là phải mưu hại cha mình, làm ra cái việc đại nghịch bất đạo như vậy.” Nhưng bấy giờ người em gái cũng nói giúp anh mình, hai anh em cùng một suy nghĩ: “Hổ là loài khác, chẳng có cái gì là đạo lý thuận nghịch ở đây cả. Huống chi chúng ta đã từ bỏ cha, nay lại nói về đạo cương thường nghĩa cha con thì có ích gì? Chúng con chỉ có thể làm theo điều mình nghĩ. Trong nhà đến gạo ngày mai ăn cũng đã không còn nữa.” Người mẹ biết mình không thể thay đổi được con, quỳ sụp ngay xuống nền nhà, lặng lẽ khóc.

        

         Chàng trai trẻ giắt con dao nhỏ vào người, bước ra khỏi nhà, hướng về phía ngọn núi lớn nơi mình từng sinh ra và lớn lên, chuẩn bị tự tiến cử mình trước mặt quốc vương. Lúc sắp tới ngọn núi nơi con hổ trú ngụ, chỉ thấy trong các thôn làng đều có điểm đóng quân. Anh đến một điểm đóng quân, báo rằng mình là dũng sĩ đến muốn xin tham gia trừ hổ, sau đó được đưa từ trạm quân này sang trạm quân khác. Dù đến chỗ nào, anh cũng  đều được các binh sĩ khuyên can rằng anh chỉ là thằng ngốc không biết hổ đáng sợ thế nào. Còn có người nói anh quá lỗ mãng, khuyên anh nên mau chóng trở về quê. Nhưng người trai trẻ chỉ coi những lời này như gió thoảng qua tai. 

         Không biết đã qua bao nhiêu trạm gác, cuối cùng người thanh niên cũng được đưa đến trước lều của quốc vương dựng dưới chân núi, bái kiến quốc vương. Quốc vương hỏi chàng thanh niên duy nhất dám đến nhận nhiệm vụ cam go: “Ngươi định dùng sách lược nào để đối phó với mãnh thú?” Chàng trai đáp rằng chỉ cần lúc con hổ xuất hiện, xông tới trước mặt đâm chết nó. Các binh sĩ có mặt tại đó không ai nhịn được cười, chỉ riêng quốc vương không cười mà nói với người trai trẻ: “Ngươi hãy làm như vậy.”

         Sau đó, chàng thanh niên ở tại một nơi đồn trú dưới chân núi, suốt mấy ngày không có việc gì để làm. Cho dù quốc vương phái hàng ngàn hàng vạn binh mã đóng khắp các hang hốc, bao vây ngọn núi, song không hiểu vì sao con hổ suốt mấy ngày trời không thấy xuất hiện.

         Một đêm nọ, người trai trẻ bị tiếng la hét và tiếng trống quân vang vọng trong núi làm thức giấc. Một binh sĩ tới nói cho anh biết con hổ đã xuất hiện trong rừng.

         Chàng trai nắm lấy con dao nhỏ giắt vào người, lập tức vọt ra khỏi lều. Ánh trăng sáng đến mức tưởng như ban ngày. Rời nơi đồn trú chưa xa, đã có thể nhìn thấy bóng dáng các binh sĩ rải rác khắp nơi, người bên khe suối, người ở lưng đồi, người ven góc núi, đến trong những bụi cây cũng có người đang mai phục. Binh sĩ đã bao vây toàn bộ khu rừng nguyên sinh âm u um tùm nơi con hổ đang ẩn náu. Phục binh có người chuẩn bị rút dao, có người giương cung chuẩn bị bắn tên, có người đang cầu nguyện, cũng có người đến giờ phút này còn chuẩn bị chạy trốn. Chàng trai lặng lẽ xuyên qua khu vực binh sĩ mai phục.

         Cuối cùng, anh vượt qua mức cảnh giới, đi vào nơi hoang dã, xuyên qua những bụi cỏ dại cao lút đầu người, vào khu rừng của hổ. Khi ra khỏi vùng cỏ mọc đầy, tiếng la hét và tiếng trống trận huyên náo vừa nãy còn nghe rõ giờ đột nhiên ngưng bặt. Anh từ từ tiến gần đến khu rừng, rồi dừng bước. Vốn dĩ tưởng rằng con hổ náu mình trong rừng sâu, nhưng không phải, một thân thể lừng lững mạnh mẽ đang nằm trên một phiến đá lớn trên một vùng đất khá bằng phẳng ngay cửa rừng. Anh có thể chắc chắn con hổ ấy là cha mình.

         Con hổ đang tắm trong ánh trăng, bất động như một pho tượng, chỉ có đôi mắt sáng rực. Chàng trai nhìn chăm chú về phía con hổ một lúc, trong tim hoàn toàn không có cảm giác xúc động như khi con gặp được cha, mà hoàn toàn coi đó là con mãnh thú cần phải tiêu diệt. Con hổ chuyển hướng nhìn chàng trai, đôi mắt mở lớn, nhưng vẫn hoàn toàn bất động, không biết có nhận ra người thanh niên này là ai hay không. Cuối cùng, con hổ từ từ nhổm dậy, vươn hai chân trước, dùng sức cong người lên, gầm một tiếng lớn, những cành cây trong rừng lay động theo gió. Con hổ đi vòng quanh tảng đá, đuôi rủ xuống, chuẩn bị hướng về phía người thanh niên to gan đang dám bước gần về phía nó khiêu chiến. Nó cong người, hạ thấp đầu, sẵn sàng trong tư thế tấn công.

         Người thanh niên cũng nhìn thẳng vào đôi mắt hổ với tư thế sẵn sàng. Nhưng một giây sau đó, con hổ bỗng dưng thả lỏng người, như thể quên mất phải tấn công. Nó thu chân trước, rồi ngồi xuống với một vẻ rất trẻ con. Người thanh niên ý thức được rằng đối phương đã hoàn toàn nhận ra anh là ai.

          Người thanh niên lại bước thêm mấy bước. Con hổ vẫn bất động. Anh nhìn thấy rõ trong trái tim con mãnh thú lúc này chỉ còn lại sự dịu dàng và nỗi nhớ nhung. Anh trèo lên tảng đá, con hổ chậm rãi quay đầu về phía anh. Anh tới bên con hổ, cúi người xuống. Thế là, con hổ nằm lăn ra, lim dim mắt, nhìn anh với ánh mắt hiền từ không thể biểu đạt thành lời. Trong một thoáng, người thanh niên cảm thấy động lòng trước thái độ của cha hổ, nhưng lập tức phủi ngay cảm xúc ấy ra khỏi đầu. Anh thò tay nắm lấy con dao nhỏ trong người, rồi rút ra đâm mạnh vào lồng ngực hổ. Lập tức máu phọt ra như suối, trên phiến nham thạch tung tóe những bọt máu đen. Con hổ quẫy đạp mạnh, nhưng dường như rất nhanh lại quên đi sự phẫn nộ, vẫn hiền từ nhìn chăm chú vào chàng thanh niên. Anh dùng hết sức lực rút con dao nhỏ trên bụng hổ rồi quyết liệt rạch toang vùng da bụng. Lúc này, trên gương mặt hổ thoáng một nét đau đớn, cái miệng mở to như muốn hớp hết ánh trăng. Nó rên lên mấy tiếng trầm đục, thanh âm ấy lúc cao lúc thấp, liên tục trong một quãng, rồi tắt thở.

         Ngày hôm sau, người thanh niên được đưa đến trước mặt quốc vương. Quốc vương hỏi anh là người nước nào, vì sao có thể hoàn thành việc không tưởng tượng nổi như thế. Thanh niên đáp: “Tôi là người nước này, chỉ vì thời thơ ấu lớn lên trong rừng núi, quen thuộc với thói quen và tính nết của loài mãnh thú.” Quốc vương không hài lòng lắm với câu trả lời, cảm thấy có nguyên nhân đặc biệt nào khác, nên lệnh cho anh ta không được giữ trong lòng, phải thành thật trình bày. Vua hứa chỉ cần anh nói thật, không chỉ được trọng thưởng mà còn được làm quan. Song chàng thanh niên vẫn lặng thinh. Thế là quốc vương nói: “Nếu ngươi dù thế nào chăng nữa cũng không muốn nói thật thì ta chỉ còn cách trục xuất ngươi sang nước khác, vì tại quốc gia này không ai được làm trái mệnh lệnh của nhà vua.” Chàng thanh niên vẫn không chịu khai. Quốc vương cũng không dễ dàng từ bỏ, hết ngày này sang ngày khác gọi anh ta đến, vừa dọa nạt, vừa dụ dỗ. Sau nhiều ngày, anh ta cuối cùng không chịu nổi nữa, bèn nói cho quốc vương biết thân thế thực sự của mình, kể lại việc mình chạy trốn khỏi cha hổ, về lại cố quốc, rồi vì nghèo khổ mà xung phong đi giết hổ.

         Nghe anh ta kể xong, quốc vương gay gắt: “Đại nghịch bất đạo! Mưu hại cha ruột của mình, người như thế sẽ còn đối xử với người không phải cha mẹ mình ra sao? Thật là thú tính khó dạy bảo. Tuy ngươi có công lớn vì dân trừ hại, nhưng việc giết chết cha mình quả thật tội không thể tha. Ta sẽ trọng thưởng công lao của ngươi, nhưng vẫn phải trừng phạt tội giết cha, đày ngươi sang nước khác. Như thế mới không trái với phép nước. Ta là quốc vương, nói một là một, hai là hai.”

         Người thanh niên bị đưa về nhà chờ quốc vương xử lý. Không lâu sau, quốc vương lệnh cho đóng hai chiếc thuyền lớn, trên thuyền lương thực và quần áo chất cao như núi. Mọi việc chuẩn bị xong xuôi, hai anh em bị gọi đến, mỗi người bị đưa lên một con thuyền. Ngày hai chiếc thuyền lớn chở hai anh em họ rời bến, dân chúng tụ tập dọc bên bờ xem rất đông.

         Quốc vương đã ban thưởng và trừng phạt hai anh em họ như vậy, còn người mẹ vẫn được ở lại trong nước. Quốc vương làm nhà cho bà ở, trợ cấp đầy đủ cho bà đến trọn đời, coi như ban thưởng vì bà đã giữ tròn bổn phận làm vợ.

         Hai chiếc thuyền phiêu bạt theo những con sóng xanh thẫm của phương nam. Chiếc thuyền của người anh sau mấy mươi ngày lênh đênh trên biển đã đến bên bờ một hòn đảo nhỏ. Người anh thấy trên đảo cây cối xanh tốt, nhiều hoa thơm quả ngọt, bèn quyết định lưu lại nơi đây. Sau đó vài năm, một chiếc thuyền gặp nạn dạt vào hòn đảo, trên thuyền có một gia đình thương nhân còn thoi thóp thở. Người thanh niên giết chủ thuyền, rồi cho con cái của gia đình này lưu lại trên đảo. Sau đó, người thanh niên cùng các con của thương nhân sinh con đẻ cái hết đời này đến đời khác. Đời sau tiếp tục sinh sôi nảy nở không dứt. Về sau lại có thuyền dạt vào đảo, cư dân trên đảo càng đông đúc thêm lên. Cứ như thế suốt vài trăm năm, cư dân trên đảo bắt đầu phân quân thần trên dưới, sau đó kiến thiết đô thành, xây nên rất nhiều thành trì và thôn xóm.

         Câu chuyện người thanh niên giết hổ đươc lưu truyền đời này sang đời khác như một truyền thuyết về tổ tiên trên đảo. Theo thời gian, không biết từ lúc nào hổ đã biến thành sư tử. Tổ tiên đã từng giết sư tử, đời sau bèn lấy sư tử làm quốc hiệu, gọi là Sư Tử quốc.

         Người em gái cũng tai qua nạn khỏi, chiếc thuyền lớn cuối cùng dạt vào phía tây nước Ba Tư, sau đó bị quỷ thần mê hoặc, sinh ra một đàn con gái. Đây là tổ tiên của Tây đại nữ quốc.

         Câu chuyện trên được ghi lại trong Đại Đường Tây vực ký của Huyền Trang Tam Tạng. Huyền Trang không đích thân đi qua Sư Tử quốc, có lẽ ông ghi lại truyền thuyết nghe được từ dân bản địa. “Người nước Sư Tử tướng mạo đen đúa xấu xí, to lớn, tính tình mạnh mẽ hoang dã, là giống còn sót lại của loài mãnh thú, cho nên người của họ dũng mãnh khỏe khoắn.”

         Đại Đường Tây vực ký ghi lại như vậy. Nhân tiện cũng nói luôn, nửa đầu thế kỷ thứ bảy khi Huyền Trang Tam Tạng đi Ấn Độ, cái tên Sư Tử quốc bị bỏ đi, thay bằng tên nước Tăng Già La, cũng chính là đảo Tích Lan (Sri Lanka) ngày nay. Còn Tây đại nữ quốc mà người em gái là tổ tiên thì ngày nay là đảo nào, đã không còn ai biết.

You Might Also Like