Văn học Nga
NGƯỜI ĐÁNH CÁ VÀ CON CÁ NHỎ CỦA A.PUSHKIN: NỖI ĐAU THỜI ĐẠI VÀ HUYỀN THOẠI VỀ THÂN PHẬN CON NGƯỜI
Posted on April 17, 2020ĐỖ HẢI PHONG
Truyện cổ tích bằng thơ là một mảng đặc biệt trong sáng tác của A.Pushkin. Mảng sáng tác này gồm sáu truyện cổ tích được viết trong khoảng những năm 1830-1834: Lão cố đạo và người làm công Balda, Vua Saltan, Người đánh cá và con cá nhỏ, Nàng công chúa chết và bảy tráng sĩ, Con gà trống vàng và Con gấu cái (chưa hoàn tất).
Ngay từ khi vừa mới ra đời, truyện cổ tích của Pushkin đã làm xôn xao văn đàn Nga bởi những ý kiến trái chiều. N.Gogol thì hết sức thán phục những truyện “thuần Nga” này của Pushkin, còn V.Belinski lại coi đó chỉ là “những bông hoa giả”. Có điều, tuy tuyên bố hầu hết truyện cổ tích của Pushkin chỉ là “kinh nghiệm giả dạng dân gian Nga không thành”, V.Belinski vẫn phải coi Người đánh cá và con cá nhỏ là trường hợp đặc biệt thể hiện tư tưởng nhân dân và tài năng của nhà thơ có “tầm nhìn chim ưng của Goethe”[1]. Bất chấp mọi sự khen chê của văn giới, truyện cổ tích của Pushkin được tái bản đi tái bản lại, được đưa vào chương trình phổ thông, nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong dân gian và cho đến ngày hôm nay đã chinh phục độc giả thuộc nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ khác nhau trên thế giới.
Người đánh cá và con cá nhỏ (tên gọi đầy đủ là Truyện cổ tích về người đánh cá và con cá nhỏ[2]) của A.Pushkin được viết xong ngày 14/10/1833, lần đầu tiên đăng trên tạp chí “Thư viện bạn đọc” vào tháng 5/1835.
Về nguồn gốc cốt truyện Người đánh cá và con cá nhỏ, tuy đây đó vẫn còn là vấn đề tranh luận[3], nhưng cho đến nay hầu hết những nhà nghiên cứu Nga có uy tín đều khẳng định rằng tác phẩm của Pushkin bắt nguồn từ câu chuyện dân gian của những dân tộc tây Slave ở Pomerania – vùng bờ biển Baltic nằm trên ranh giới giữa Balan và Đức. Câu chuyện này do họa sĩ và nhà lý luận nghệ thuật P.0.Runge sưu tầm, rồi chuyển cho anh em Grimm để đưa vào tập Truyện kể cho trẻ nhỏ và trong nhà (1812) với tiêu đề Truyện cổ tích về người đánh cá và bà vợ tham lam của ông ta. Truyện được đánh số 19, tiêu đề có thể giản lược thành Người đánh cá và bà vợ của ông ta hay Hai vợ chồng người đánh cá[4]. Chính câu chuyện trong tập Truyện kể cho trẻ nhỏ và trong nhà của anh em Grimm này (với phiên bản có chú thích xuất xứ năm 1822 từng được phổ biến rộng rãi trong giới trí thức Nga những năm 1820) đã trở thành cội nguồn cảm hứng cho tác phẩm của Pushkin[5] và qua đó trở thành tiền đề cho truyện Con cá vàng và Bà lão tham lam trong tập Những truyện cổ tích dân gian Nga (1859-1863) của A.N.Afanasiev.
Truyện cổ tích bằng thơ Người đánh cá và con cá nhỏ của Pushkin có nhiều bản dịch ra tiếng Việt khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là bản dịch văn xuôi của Vũ Đình Liên và Lê Trí Viễn với tiêu đề Ông lão đánh cá và con cá vàng. Tiêu đề đó phần nào gợi hướng tiếp cận tác phẩm như một câu chuyện thuần túy dân gian. Điều này đã làm cho các tác giả Sách giáo khoa THCS và cả một số nhà nghiên cứu chủ yếu chỉ xem xét nó từ góc độ “sự đòi hỏi quá đáng của người vợ” và “bài học đích đáng cho những kẻ tham lam bội bạc“[6], mà không chú ý đến ý nghĩa thời sự xã hội và triết lý nhân sinh của Pushkin ở chiều sâu của tác phẩm.
Đối chiếu câu chuyện dân gian với truyện của Pushkin, bên cạnh những nét tương đồng cốt truyện không thể phủ nhận, chúng tôi nhận thấy có một số điểm khác biệt đặc biệt quan trọng thể hiện dụng công sáng tạo thiên tài của Pushkin. Trên cơ sở câu chuyện cổ dân gian nhấn mạnh motif “bà vợ tham lam”, nhà thơ đã sáng tác nên một tác phẩm vừa mang tinh thần thời sự nóng bỏng của thời đại mình, vừa đưa ra triết lý sâu sắc về khát vọng tự do của con người trong mối quan hệ với chính mình, với xã hội, tạo hóa, vũ trụ.
- Nỗi đau thời đại
Khi nói về sáng tạo của Pushkin trong Người đánh cá và con cá nhỏ, giới nghiên cứu Nga đã ghi nhận những chi tiết mang tính cụ thể – lịch sử đặc trưng cho nước Nga cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX được nhà thơ đưa vào tác phẩm nhằm tăng cường tính thời sự xã hội cho câu chuyện.
Thời đại của Pushkin là thời đại chuyển mình nhức nhối của nước Nga nông nô chuyên chế bước vào thời đại mới sau Cách mạng Pháp 1789. Mâu thuẫn quý tộc – nông dân (thống trị – bị trị) và vấn đề tự do cho nhân dân, trên bình diện lịch sử, được đặt trong mối quan hệ với ý thức xã hội về con đường phát triển của dân tộc Nga: phát triển theo hướng gìn giữ “bản sắc Slave” hay “Âu hóa” theo tinh thần Phương Tây? Khi sáng tác Người đánh cá và con cá nhỏ, tìm hiểu nguồn gốc câu chuyện dân gian, Pushkin đã nghĩ đến điều này bởi vậy mà ông ghi chú cho bản thảo tác phẩm của mình là “khúc ca Serbia thứ 18” và dự định đưa nó vào tập Những khúc ca tây Slave.
Khát vọng tự do trong mối quan hệ giữa quý tộc và nông dân được Pushkin triển khai trong Người đánh cá và con cá nhỏ đồng thời với việc nhấn mạnh “bản sắc slave” trong câu chuyện phần nào thể hiện thái độ của nhà thơ về những vấn đề thời sự bức thiết của thời đại, dân tộc.
Trong câu chuyện dân gian, người đánh cá câu mãi mới được “một con cá bơn[7] to” tự xưng là “hoàng tử bị phù phép“, trong tác phẩm của Pushkin lần thứ ba người đánh cá quăng chài thì được “một con cá nhỏ – không phải cá thường, mà là một con cá vàng“. Việc con cá “biết nói tiếng người” làm cho người đánh cá trong cả truyện dân gian lẫn truyện của Pushkin đều kinh ngạc. Song trong truyện dân gian, cá không nói gì về việc đền ơn, mà khi xin tha chỉ nêu lý do “thịt tôi ăn chẳng ngon lành gì“, người đánh cá thả cá ra cũng chỉ vì lý do giản dị: “cá biết nói thì ta sẵn lòng thả cho bơi đi ngay“. Trong truyện của Pushkin, cá hứa sẽ “đáp đền hậu hĩnh” khi cầu xin ông lão, nhưng ông lão thả cá đi mà không cần đến lời hứa hẹn ấy: “Cá vàng ơi, trời phù hộ cho ngươi/Ta chẳng cần ngươi đáp đền chi cả/ Ngươi cứ về lại biển xanh,/ vùng vẫy ngoài khơi thỏa chí“. Không nhìn nhận quyền năng của con cá từ góc độ “lợi ích cho mình”, mà đặt mình vào hoàn cảnh của cá hiện đang bị bắt, mất tự do, phải tự chuộc mình, ông lão thả cho cá vàng đi và như gửi gắm ước mơ của mình vào lời cầu chúc “vùng vẫy ngoài khơi thỏa chí“. Chủ đề người nông dân và khát vọng tự do trong tác phẩm của Pushkin được triển khai chính từ lời cầu chúc ấy.
Trong chuyện dân gian, đòi hỏi của bà lão tăng dần từ nhu cầu có một “nếp nhà gianh” đến “lâu đài to xây bằng đá“, rồi làm “nữ vương“(König), “nữ hoàng“(der Kaiser), “giáo hoàng“(der Papst) và cuối cùng là làm “Chúa trời” những mong “sai khiến được mặt trời, mặt trăng mọc“. Từ lúc có được “nhà gianh” cho đến khi đòi có “lâu đài” là “mươi, mười lăm ngày“, còn sau đó hoặc ngay lập tức, hoặc cứ sau một đêm tỉnh dậy đòi hỏi lại tiếp tục tăng tiến. Song ngay cả khi làm đến “giáo hoàng” hai vợ chồng vẫn “cùng nhau đi ngủ“, dù bà vợ có dằn vặt chồng thì cũng vẫn chỉ như một người vợ “làm mình làm mẩy”: nghĩa là cũng chỉ đến buông lời “có đi hay không thì bảo?” hoặc “ngồi im như khúc gỗ, chẳng đáp“, hay “nhìn chồng bằng con mắt dữ tợn“. Mối quan hệ gia đình ở đây chưa đến nỗi bị phá hủy bởi lòng tham của bà lão.
Đòi hỏi đầu tiên của bà lão trong tác phẩm của Pushkin là “cái máng[8] mới” thay cho cái cũ “đã sứt vỡ hết cả“. Đây là sáng tạo thâm thúy của Pushkin: hình ảnh “cái máng sứt vỡ” sẽ được láy lại ở cuối tác phẩm ứng với câu thành ngữ Nga: “ngồi lại với cái máng sứt vỡ” hay “về lại với cái máng sứt vỡ”[9], có nghĩa là “tay trắng lại hoàn trắng tay”. Chi tiết “nhà gianh” trong đòi hỏi thứ hai được Pushkin định danh rõ hơn là “nhà izba” đặc trưng cho người slave. Chi tiết đòi “lâu đài” bị lược bỏ, đồng thời chi tiết đòi làm “nữ vương” được Pushkin thay bằng đòi hỏi thứ ba của bà lão – đòi làm “đức bà quý tộc rường cột (quốc gia)“[10] (nhất phẩm phu nhân) nghiễm nhiên đã có “lầu cao“, phục trang sang trọng từ “đầu” đến “chân” và có “kẻ hầu người hạ chuyên cần“. Đòi hỏi thứ tư của bà lão, ước muốn làm “nữ hoàng“, được định danh thêm là “nữ hoàng tự do“[11] sống trong “cung điện nguy nga“. Truyện của Pushkin bỏ đi chi tiết bà lão đòi làm “giáo hoàng” là chi tiết mang đậm mầu sắc tôn giáo Tây Âu. Còn đòi hỏi cuối cùng, ước muốn làm “Chúa trời” trong câu chuyện dân gian được thay bằng ước muốn làm “nữ chúa biển khơi” (Long vương) để cá vàng “thành kẻ đầu sai” sẵn sàng “phục vụ“.
Quãng cách thời gian giữa những đòi hỏi của bà lão cũng được Pushkin thay đổi. Những ước muốn đầu tiên của bà lão (“cái máng“, “nhà izba“, “nhất phẩm phu nhân“) được đưa ra liên tiếp đòi hỏi phải thực hiện “ngay lập tức“, nhưng từ ước muốn trở thành “nữ hoàng” trở đi thì thời gian giãn ra thành quãng cách “một, đôi tuần“. Qua giai đoạn “bột phát” với những ước muốn mới chỉ liên quan đến vật chất và quyền lực lớn những chưa phải là tối thượng, bà lão cần phải có thời gian để suy ngẫm trước những đòi hỏi lớn lao hơn.
Những đòi hỏi của bà lão trong truyện của Pushkin tăng tiến từ ước muốn vật chất tầm thường đến nhu cầu quyền lực tối thượng thể hiện khuynh hướng vật chất hóa khát vọng phổ biến trong thời đại của Pushkin. Thái độ của bà lão với ông lão hầu như không được soi chiếu từ góc độ vợ chồng: bà vợ ngay từ đầu đã trịch thượng “chửi mắng” ông lão là “đồ ngu“, là “thằng nhà quê” (mujik), tạm thỏa mãn ý nguyện thì “bắt xuống quét dọn chuồng ngựa“, tức giận thì “nổi trận lôi đình tát vào mặt ông lão“, hoặc thờ ơ “chỉ liếc nhìn qua, rồi lệnh đuổi đi“, hoặc sai khiến và đe dọa xâm phạm tự do “nếu không đi ta sẽ cho người lôi đi“. Thực chất, mối quan hệ giữa ông lão và bà lão là mối quan hệ giữa kẻ thống trị và người bị trị. Tác phẩm của Pushkin thể hiện nỗi đau thời đại của nhà thơ khi mối quan hệ thống trị – bị trị trở nên phổ biến, nó chi phối và tha hóa cả một trong những mối quan hệ thiêng liêng nhất của con người – quan hệ vợ chồng. Đối với bà lão biểu hiện đầu tiên của tự do là có những gì mình muốn và quyền lực đối với người khác. Quyền lực đi đôi với bạo lực. Khi làm “nhất phẩm phu nhân” có những “kẻ hầu người hạ chuyên cần“, mụ “đánh họ, túm đầu, kéo tóc“. Khi làm nữ hoàng, mụ có xung quanh cả một “bầy lính gác giáo mác vác vai hung dữ” để thể hiện quyền lực. Chính ý thức về mối quan hệ thống trị – bị trị ấy trực tiếp dẫn đến đòi hỏi cuối cùng của bà lão là được thống trị cả biển cả và cá vàng – phép lạ: “Ta muốn làm nữ chúa của biển khơi/ Để được sống ngoài đại dương – biển cả/ Để cá vàng phục vụ cho ta/ Và thành kẻ đầu sai sẵn bên ta mọi lúc“.
Trong xã hội ngự trị của vật chất và quyền lực, vấn đề tự do được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Vấn đề ấy ở nước Nga nông nô chuyên chế trong thời đại của Pushkin không tách biệt khỏi mối quan hệ “nông dân – quý tộc”. Khi tuyên bố muốn làm “nữ hoàng“, bị ông lão phản đối, bà lão “tát vào mặt chồng sỉ vả“: “Thằng nhà quê kia, dám cãi lại ta ư/ Cãi lại ta, một quý bà quý tộc?“. Trục quan hệ “nông dân – quý tộc” thực chất được đồng nhất với quan hệ “nô lệ – tự do“. Cách định danh “nữ hoàng tự do” qua lời bà vợ toát lên ý vị mỉa mai chua xót: bà lão tự khinh bỉ chính mình như “một mụ nhà quê mạt hạng“, vậy nên nhất nhất phải đòi làm “nhất phẩm phu nhân“, rồi “nữ hoàng“, “Long vương“. Đó là sự thể hiện của quan niệm lệch lạc về tự do xuất phát từ tâm lý của những “con người nhỏ bé”. Quan niệm ấy dẫn đến điều đau xót hơn nữa là chính cả “nhân dân” cũng nương theo sức mạnh cường quyền: khi thấy ông lão bị “nữ hoàng” không thèm để ý, “chỉ liếc nhìn qua, rồi lệnh đuổi đi“, đám quan lại, quí tộc “túm cổ đẩy chúi đầu” ông ở cửa, thị vệ chạy lại “mác rìu chút nữa chém rơi đầu“, còn “dân chúng” không những không thương xót ông mà còn cất lời mỉa mai, “giễu cợt“, trách ông lão: “chớ thấy sang bắt quàng làm họ“[12].
“Thái độ” của biển khơi đối với mỗi lần ra biển của ông lão theo yêu cầu của bà vợ được thể hiện theo lối tăng cấp vốn có sẵn trong câu chuyện dân gian. Yếu tố này vẫn được Pushkin giữ lại trong tác phẩm của mình, chỉ chuốt gọn hơn về câu chữ, nhấn mạnh màu sắc và những biến động trên mặt nước biển khơi. Tương ứng với năm điều ước tăng dần của bà lão và năm lần ra biển của ông lão: “Biển khơi sóng gợn lăn tăn” ® “Biển xanh nhuốm đục” ® “Biển xanh nổi sóng không yên” ® “Biển xanh đen xậm lại” ® “Giông tố đen tối sầm mặt biển:/Sóng nối đuôi nhau giận dữ dâng trào/ Cứ thế ầm ào, thét gầm, gào rống”. Yếu tố dân gian này được Pushkin sử dụng không chỉ để thể hiện phản ứng của tự nhiên, vũ trụ đối với lòng tham của bà lão, mà còn đối với cả thái độ thụ động của ông lão. Một lần nữa, như Pushkin từng viết về “nhân dân thanh bình cứ gặm cỏ đi thôi” trong bài thơ Người gieo giống tự do trên đồng vắng (1823), nhà thơ tỉnh táo nhìn thẳng vào bản tính thụ động, cam chịu của nhân dân như tiền đề cho sự áp bức, mất tự do. Đáp lại những đòi hỏi không ngừng của bà lão, ông lão về cơ bản chỉ biết phàn nàn, hoặc phản ứng bằng những câu nửa mỉa mai, nửa van xin (phản ứng mãnh liệt nhất của ông là “kinh sợ” khi nghe bà vợ tuyên bố muốn làm nữ hoàng, ông “rền rĩ“: “Mụ làm sao, ăn phải bả gì chăng?/ Đến đi đứng nói năng còn chẳng biết/ Làm trò cười cho cả quốc gia ư?“), thế rồi cuối cùng ông lão cũng vẫn “không một lời dám trái“, câm lặng, “lóc cóc“, “lủi thủi” đi ra biển than vãn với cá vàng về “mụ già quẫn trí“, “nổi loạn“, “đáng nguyển rủa“, “chẳng để già này được yên thân“, và cầu xin cá giúp đỡ. Ông lão đánh cá trong tác phẩm không phải không có ước mơ (“vùng vẫy ngoài khơi thỏa chí“), nhưng ước muốn tự do của ông không thể trở thành hiện thực: “chẳng cần được đáp đền chi cả“, nhưng ông vẫn phải nghe lời sai khiến của bà lão để đòi được đáp đền, muốn được “yên thân“, ông lại phải làm cho con cá chẳng được yên. Cái tâm “chẳng cần được đáp đền chi cả” của ông lão lại là bạn đồng hành với sự cam chịu, khuất phục. Tác phẩm của Pushkin nhức nhối nỗi đau cả về lòng tốt thụ động của con người trong thời đại của ông.
Mối quan hệ thống trị – bị trị tạo khoảng cách giữa hai giai tầng nông dân và quí tộc, chi phối tất cả các mối quan hệ khác trong xã hội, làm cho xã hội phân rã; khát vọng tự do xuất hiện cùng với quan niệm lệch lạc về tự do (đồng nhất với vật chất và quyền lực vị kỷ), cùng với sự thụ động, cam chịu cố hữu chỉ làm cho vấn đề tự do cho nhân dân ngày một trở nên nhức nhối hơn. Đó là những vấn đề nổi cộm của xã hội Nga cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Nhấn mạnh những vấn đề này bằng hệ thống hình tượng của mình, Pushkin kết nối cái “ngày xưa” trong câu chuyện cổ với thời sự bức thiết của nước Nga trong thời đại của ông. Hơi thở của thực tại đương đại đã làm cho tác phẩm của Pushkin trở nên hiện đại, tươi mới, dường như hoàn toàn khác với câu chuyện dân gian chủ yếu hướng tới bài học “thưởng Thiện phạt Ác” không mang tính lịch sử cụ thể.
- Huyền thoại về thân phận con người
Bình diện thời sự không lấn át bình diện huyền thoại trong Người đánh cá và con cá nhỏ, mà chỉ cộng hưởng với nó, làm cho nó trở nên lung linh đa nghĩa. Yếu tố huyền thoại cổ xưa được xác định bởi motif “vai trò người vợ trong quá trình nhận thức thế giới và chính mình” tiềm ẩn trong câu chuyện dân gian được Pushkin “giải cấu trúc” và kiến tạo lại thành một chỉnh thể huyền thoại mới mang đậm cảm quan “hiện sinh” về thân phận con người trong thế giới hiện đại.
Trong nguyên bản, phân biệt với câu chuyện dân gian Hai vợ chồng người đánh cá, Pushkin xác định tiêu đề cho tác phẩm của mình là Người đánh cá và con cá nhỏ: chỉ đề cập đến “người đánh cá” (xác định lĩnh vực hoạt động của nhân vật, không nhấn mạnh tuổi tác) và “con cá nhỏ” (xác định đối tượng, không nhấn mạnh giá trị – phép lạ). Trọng tâm ý nghĩa ở đây dịch chuyển từ motif “bà vợ tham lam” sang mối quan hệ giữa người đánh cá và con cá. Yếu tố phép lạ (“con cá vàng” và khả năng đáp ứng nguyện vọng một cách kỳ diệu), vốn có chức năng thực thi việc “đổi đời” – “thưởng Thiện phạt Ác” ở phần kết mỗi câu chuyện cổ tích, ở đây được Pushkin chuyển vào phần diễn biến hành động ở giữa câu chuyện làm cơ sở tạo dựng tình huống thử thách. Trên thực tế, phép lạ ở đây mất đi sức mạnh thiêng liêng của nó, chỉ còn có ý nghĩa tình huống. “Chẳng cần chi cả“, ông lão trong truyện của Pushkin coi “con cá vàng” hay “con cá nhỏ” thực chất cũng đều như nhau. “Con cá vàng biết nói tiếng người” đối với ông lão chỉ thuần túy là sự lạ, đáng ngạc nhiên mà ông “chưa từng thấy“, hoàn toàn không có ý nghĩa vị kỷ, thực dụng. Sự bất biến ở đầu và cuối truyện phá hủy ý nghĩa của mọi sự biến đổi bên trong diễn trình hành động.
Câu chuyện dân gian chỉ giới thiệu về hai vợ chồng người đánh cá sống “trong một túp lều cũ kỹ sát ven biển“, như để tô đậm thêm sắc màu huyền thoại, Pushkin nhấn mạnh “ông lão với bà lão của mình” sống “mãi tít ngoài biển xanh” và xác định thời gian “tròn ba mươi năm và ba năm” (quãng thời gian “ba mươi năm và ba năm” được nhấn lại một lần nữa qua lời trực tiếp của ông lão khi ngạc nhiên về con cá biết nói tiếng người). Hệ thống biểu tượng Thiên chúa giáo trong tác phẩm bắt đầu được triển khai chính từ chi tiết này. Một mặt, motif “người đàn ông với người đàn bà của mình” trong không gian mang sắc màu huyền thoại gợi liên tưởng đến câu chuyện Adam và Eve trong Kinh Thánh. Mặt khác, đối với người theo đạo Thiên Chúa, ba mươi ba năm ứng với một đời người: đó là tuổi của Đức Kitô lúc bị đóng đinh lên cây thập giá. (Nhìn từ góc độ văn hóa này, “cái máng” trong đòi hỏi đầu tiên của bà lão đồng thời gợi liên tưởng đến “máng cỏ” nơi Đức Kitô sinh thành). Số ba trong “ba mươi năm và ba năm” còn được Pushkin láy lại trong tình tiết ông lão ba lần quăng chài, đến lần thứ ba mới bắt được cá vàng (trong câu chuyện dân gian chỉ nói là “buông câu hết giờ này sang giờ khác“). Số ba được láy lại như sự nhấn mạnh cảm quan vũ trụ dân gian cổ xưa, nó tương ứng với ba nhân vật trung tâm “người đánh cá – con cá – bà vợ”, song nó cũng đồng thời được đan cài với quan niệm về vũ trụ của châu Âu Thiên Chúa giáo (“Tam vị nhất thể” – “Троица, Trinitas“). Như vậy, có thể thấy, hệ thống biểu tượng Thiên Chúa giáo trong tác phẩm của Pushkin được xây dựng trên cơ sở đan kết, đối sánh huyền thoại Giáng sinh và huyền thoại về Tội lỗi đầu tiên: sự hiển hiện của cái Thiêng trong cõi Tục (trong huyền thoại Giáng sinh) bị tráo đổi bằng ham muốn trần tục nảy sinh trong không gian Thiêng (vườn Eden), ham muốn thôi thúc Người phụ nữ (Eve) xui Người đàn ông đầu tiên (Adam) thử “trái cấm” ý thức – khởi đầu cho cuộc sống “đày ải” của con người dưới trần gian. Sự tráo đổi các thành tố của hai huyền thoại Thiên Chúa giáo nói trên thể hiện khuynh hướng “giải thiêng” phá vỡ cấu trúc giáo điều của từng huyền thoại đơn lẻ, xác lập cơ sở cho việc tạo dựng huyền thoại mới về thân phận Con người trong Thời hiện đại.
Trong nguyên bản tác phẩm, Pushkin kể rằng hai vợ chồng ông lão “sống trong một căn hầm cũ kỹ“[13]. “Căn hầm” là nơi ở không ra hình thù của một căn nhà: hoặc nó được khoét sâu xuống đất, hoặc nó được dựng trồi lên tạm bợ. Nếu không quan tâm đến kích thước, có thể thấy “căn hầm” có hình thù không khác “cái máng” là bao: nó có thể được khơi ra từ lòng đất như cái máng thuyền, hoặc có thể “úp mai rùa” như cái máng úp ngược. Nếu lưu ý rằng “cái máng” trong tác phẩm của Pushkin là một “cái máng giặt”, trên bình diện cảm quan vũ trụ, mạch liên tưởng trong tác phẩm có thể được mở rộng liên kết với hình ảnh “biển nổi sóng”. Trục hình tượng “Biển[14] – Căn hầm – Cái máng” được triển khai trong tác phẩm thành một mạch liên kết qua ba mắt xích lấp lửng theo chiều “rộng – hẹp”, hoặc “mở ra – úp lại”. Trục hình tượng này được hỗ trợ bằng sự dịch chuyển vị thế không gian của ông lão và bà lão theo mạch phát triển cốt truyện. Khác với câu chuyện dân gian, ở đầu truyện của Pushkin, trong không gian thoáng rộng của biển khơi, ông lão không “đi câu”, mà “quăng lưới”[15] chụp xuống biển. Khi kéo lên được một con cá vàng, nắm trong tay vận mệnh của cá, ông lão mở lưới ra tha cho nó, chủ động hòa vào khát vọng về khoảng không tự do của biển. Nhưng sau đó, cam chịu tuân theo những đòi hỏi của bà lão, ông lão thành kẻ đầu sai “sấp sấp ngửa ngửa” trong vận động miễn cưỡng “ra biển” rồi “lộn lại”, lúc bị “sai xuống làm việc ở chuồng ngựa”, khi bị đuổi “ra khỏi cửa”, và cuối cùng “giông tố đen sầm” như chụp xuống, bủa vây ông trong hoàn cảnh không lối thoát. Vị thế không gian của bà lão gắn kết nhiều hơn với nơi ở, chỗ ngồi: ứng với hai điều ước chính đáng đầu tiên, vị thế của bà lão không được xác định, song bắt đầu từ điều ước thứ ba, vị thế của bà lão dịch chuyển từ “dưới bậu cửa sổ” lên “hiên lầu”, rồi vào “sau bàn trong cung điện” (nghĩa là càng lên cao càng bị “úp lại”, giam cầm trong những điều ước của chính mình). Đọng lại trong cảnh cuối là hình ảnh bà lão “ngồi trên ngưỡng cửa” căn hầm trong sự đợi chờ vô vọng. Sự dịch chuyển vị thế không gian của hai nhân vật trong tác phẩm của Pushkin không cùng hướng, không hòa nhập, nhưng lại thể hiện một xu thế chung: khoảng không thoáng rộng, lớn lao, trường cửu ở đây bị ép vào không gian chật hẹp, nhất thời; ý thức rộng mở lòng mình bị “chụp xuống”, chịu sự đè nén của tham vọng thu vén, quyền lực vị kỷ, nhỏ nhen và áp lực số phận.
Nhìn từ sự tổng hòa các yếu tố văn hóa dân gian với văn hóa Thiên Chúa giáo trong tác phẩm, có thể thấy, bằng một hệ thống biểu tượng phức hợp, Pushkin đã kiến tạo nên tình huống xung đột gay gắt giữa hai lẽ sống, hai giải pháp đổi thay thế giới, hay hai quan niệm của con người về tự do: 1). Giải pháp Thượng đế – “giải pháp tình thương” tự giác, vị tha hay quan niệm về tự do tinh thần nội tại của ông lão (ứng với “tấm gương cứu chuộc” cho cả thế giới của Đấng Cứu thế như người “người hơn hết trong mọi con người”); 2). Giải pháp Trần gian – giải pháp bạo lực, tự phát, vị kỷ hay quan niệm của bà lão về tự do như vị thế có được nhờ vật chất, quyền lực, như sự “nổi loạn” chống lại trật tự thế giới do Đấng Tối cao sắp đặt. Điều trớ trêu trong truyện của Pushkin là ở chỗ: trong thời đại phép lạ không còn là điểm tựa tinh thần cho con người, chỉ còn ý nghĩa thuần túy vật chất, quyền lực, giải pháp Trần gian chiếm ưu thế, nó lấn át, chi phối giải pháp Thượng đế.
Xung đột giữa hai lẽ sống dẫn đến một kết cục buồn thể hiện qua kết cấu vòng tròn của tác phẩm. Tác phẩm kết thúc bằng việc “biển nổi sóng ầm ầm“, cá vàng “quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển“, còn trước mắt ông lão là hình ảnh “lại vẫn căn hầm đất“, “mụ vợ xưa” và “cái máng sứt vỡ“. Huyền thoại của Pushkin chỉ ra sự bi đát của thân phận con người. Con người trong tham vọng tự do tột cùng vị kỷ của mình – tham vọng bằng mọi giá “nổi loạn” vươn lên ngang tầm Thượng đế, cuối cùng lại trở về điểm xuất phát ban đầu, cũng chẳng khác gì kẻ vị tha chỉ biết làm việc thiện, mong được “yên thân” mà chẳng được yên thân. “Con cá vàng” chỉ là sự mê hoặc thử thách ý chí con người trong hành trình tìm chân lý. Rốt cục, đó chỉ là một “con cá nhỏ” được thả bởi lòng thương, hoặc vuột khỏi tay bởi lòng tham. Cuộc sống con người thế nào vẫn chỉ là sự tồn tại bên “căn hầm cũ“, “mụ vợ xưa” với một “cái máng sứt vỡ“! Triết lý ấy mang đậm tinh thần của huyền thoại sisyphe[16], tinh thần sẽ được các nhà hiện sinh chủ nghĩa thế kỷ XX triển khai như tư tưởng cơ bản về cuộc sống con người.
* * *
Đúng là nghệ thuật phỏng phong cách dân gian của Pushkin đã đạt tới trình độ bậc thầy. Vì thế, nếu chỉ nhìn trên bề mặt, người ta thấy các truyện cổ tích của Pushkin không có gì khác biệt với truyện cổ tích dân gian. Song, khi phân tích kỹ chiều sâu cấu trúc của truyện kể, ta lại nhận ra những nét khác biệt căn bản giữa tác phẩm của nhà văn với tư duy truyện kể dân gian. Pushkin không phải nhà sưu tầm văn hóa dân gian, hình thức và “cái cốt” của những câu chuyện dân gian được nhà văn sử dụng không chỉ để “dân chủ hóa” văn học, mà cái chính là để truyền tải một “tiếng nói mới” mang tính thời sự và cả ý nghĩa triết lý lớn lao về con người và thế giới. “Ý nghĩa mới” trong những câu chuyện cổ tích của Pushkin thực chất là sự cộng hưởng hàm ý của cốt truyện dân gian với hơi thở của thực tại đương đại. Khuynh hướng gợi liên tưởng kết nối cái “ngày xưa” trong câu chuyện kể với những vấn đề bức thiết trong thực tại đời sống đương đại của dân tộc, nhân loại làm cho truyện cổ tích của Pushkin không chỉ có ý nghĩa thời sự bức thiết mà còn trở thành tiếng nói dự báo về cảm quan con người trong cuộc sống hiện đại.
Không phải ngẫu nhiên, Người đánh cá và con cá nhỏ được sáng tác trong cùng một năm với kiệt tác Con đầm Pich (1833) của Pushkin: hai tác phẩm đồng thời trở thành những lời cảnh báo đầu tiên về cuộc khủng hoảng tinh thần của con người trong thế giới đang có khuynh hướng trần tục hóa đến dung tục. Người đánh cá và con cá nhỏ của Pushkin là một trong những tác phẩm đầu tiên trong văn học thế giới kiến tạo huyền thoại mới về thân phận bi đát của con người trong thế giới không còn có Chúa trời và phép lạ, khi con người phải tự mình đối mặt với chính mình trong những khát khao vươn lên ngang tầm Thượng đế, hay cố gắng tìm sự bình yên trong chính bản thân mình. Từ Người đánh cá và con cá nhỏ của A.Pushkin đến Trường ca về Đại pháp quan tôn giáo trong Anh em nhà Karamazov (1879-1880) của F.Dostoevsky chỉ còn có một bước. Năm 1951 – 1952, trong Ông già và biển cả, E.Hemingway thay thế bà vợ người đánh cá bằng cậu bé Manolin và để ông lão Santiago của mình kiên cường ra khơi, rồi trở về với con cá khổng lồ chỉ còn là một bộ xương. Phải chăng đó là sự tiếp tục mạch suy tưởng huyền thoại của Pushkin?
(Bài đã đăng trên TC Nghiên cứu văn học, số 9 – 2011, tr.5-15)
[1] V.Belinski.- Toàn tập tác phẩm. T.II. Moskva, 1953-1959, tr.347.
[2] Nguyên bản tiếng Nga: Сказка о рыбаке и рыбке.
[3] Xem: I.M.Kolesnitskaya.- Truyện cổ tích // Pushkin: Tổng kết và những vấn đề nghiên cứu. Moskva-Leningrad, 1966, tr.437-444.
[4] Xem: Kho tàng truyện cổ Grimm (Hữu Ngọc dịch). Nxb VHTT, Hà Nội, 2001, tr.696-708.
[5] Xem Chú giải của B.V.Tomashevshky: A.S.Pushkin.- Toàn tập tác phẩm: 10 tập. T.4. Leningrad, 1977, tr.435. Nguyên bản tác phẩm của A.S.Pushkin được chúng tôi khảo sát và tự dịch lại cũng lấy từ cuốn sách này (tr.338-343).
[6] Xem: Sách giáo khoa Ngữ văn 6, T.1. HN, Nxb Giáo dục, 2006, tr.96; Nguyễn Thị Huế.- Thế giới truyện cổ tích của Pushkin.//Về A.S.Pushkin. HN, Nxb Văn học, 1999, tr.102.
[7] Trong bản dịch của Hữu Ngọc là “cá đìa” (Sđd, tr.696). Đây là giống cá thuộc về loại có tên khoa học là Рleuronectes.
[8] Nguyên bản tiếng Nga: “корыто” – có nghĩa là cái chậu gỗ, máng giặt hoặc máng thức ăn cho gia súc. Trong bản dịch của Vũ Đình Liên và Lê Trí Viễn dịch là “cái máng lợn“, theo chúng tôi, không thích hợp với hoàn cảnh sống của vợ chồng người đánh cá. Đối với trường hợp này hiểu là “cái máng giặt” có lẽ thích hợp hơn cả.
[9] Tiếng Nga: “сидеть (оказаться) у разбитого корыта ” hoặc “возвращаться к разбитому корыту”. Xem: Từ điển thành ngữ tiếng Nga, Moskva, Nxb Tiếng Nga, 1986, tr.208.
[10] Trong nguyên bản tiếng Nga bà lão tuyên bố: “Ta muốn làm đức bà quí tộc rường cột (quốc gia)” (“Хочу быть столбовою дворянкой”).
[11] Trong nguyên bản tiếng Nga bà lão tuyên bố: “ta muốn làm nữ hoàng tự do” (“хочу быть вольною царицей”). Chi tiết này gợi liên tưởng đến thực tại lịch sử nước Nga cuối thế kỷ XVIII dưới triều đại của nữ hoàng Ekaterina II.
[12] Nguyên bản là một thành ngữ tiếng Nga: “Не садися не в свои сани” – “Chớ ngồi vào xe trượt không phải của mình”.
[13] Nguyên bản tiếng Nga: “Они жили в ветхой землянке”.
[14] Để tập trung nhất quán vào hình tượng “biển” xuyên suốt tác phẩm, Pushkin đã thay thế “Chúa trời” trong điều ước cuối của bà lão trong chuyện dân gian bằng “nữ chúa biển khơi”.
[15] Nguyên bản tiếng Nga: “закинул невод” – “quăng chài, quăng lưới”. Từ “невод” (“lưới chụp”) trong tiếng Nga gần âm và dễ gợi liên tưởng đến từ “небосвод” (“vòm trời”).
[16] Trong thần thoại Hy Lạp có Sisyphe là con của Éole, thần Gió, và là vua xứ Corinthe, phạm tội với thánh thần, nên khi chết xuống âm phủ bị trừng trị bằng hình phạt bắt vần một tảng đá lớn từ chân núi lên đỉnh núi; do sức Sisyphe có hạn mà tảng đá lại nặng nên cứ vần lên gần tới đỉnh, tảng đá lại lăn xuống và Sisyphe phải lặp đi lặp lại mãi không thôi công việc nặng nề, nhàm chán chẳng đem lại kết quả. Huyền thoại này được nhà hiện sinh chủ nghĩa A.Camus coi là điển hình nhất cho thân phận con người.
Nguồn: http://dhaiphong.blogspot.com/2014/02/nguoi-anh-ca-va-con-ca-nho-cua-a.html
I.CUỘC ÐỜI VÀ QUÁ TRÌNH SÁNG TÁC:
Lep Tônxtôi sinh ngày 28 tháng 8 năm 1828 , tại điền trang Iaxnaia Pôliana.
Mẹ của nhà văn là Maria Vônkônxki rất giàu có, mất khi Lep Tônxtôi chỉ mới được 23 tháng tuổi.
Cha của Lep Tônxtôi, ông Nicôlai Ilich Tônxtôi cũng mất khi Lep Tônxtôi lên chín tuổi. Vì thế Lep Tônxtôi sớm mồ côi, phải sống với người cô họ Tachiana, người yêu cũ của cha Tônxtôi, người hy sinh cả đời cho gia đình Tônxtôi.
Cũng như nhiều thiếu niên quý tộc khác, thuở nhỏ Lep Tônxtôi học tại nhà với các gia sư cho đến năm 16 tuổi.
Lep Tônxtôi tự học rất nhiều. Ông không chỉ đọc các tác phẩm của Hôme, Gớt, Puskin, Lecmôntôp.. .mà còn đọc cả những công trình nghiên cứu triết học.
Năm 16 tuổi Lep Tônxtôi thi vào khoa triết trường đại học tổng hợp Cadan nhưng trượt. Ông phải thi chuyển tiếp lần nữa và được nhận vào học ở ban ngôn ngữ phương Ðông.
Lep Tônxtôi không thích công việc học tập ở trường đại học và luôn bị trượt môn Sử. Năm 1845, ông chuyển sang học khoa Luật nhưng chỉ hai năm sau, khi ông 19 tuổi, ông đã bỏ học về quê. Lep Tônxtôi kể lại: Tôi về quê, đọc Môngtexkiơ, việc đọc sách ấy đã mở ra cho tôi thấy chân trời vô tận, tôi bắt đầu đọc Ruxô và bỏ trường đại học, chính vì tôi muốn học .
Trở về Iaxnaia Pôliana, Lep Tônxtôi co ï330 nông nô. Ông thấy mình phải có trách nhiệm với họ. Ông tiến hành một số cải cách: mua máy đập lúa để giảm công sức nông nô, nâng mức sống của bần nông, giúp trung nông dựa vào phú nông để phát triển kinh tế. Nhưng mọi dự định của Lep Tônxtôi đều không thực hiện được. Nông dân tỏ thái độ không tin cậy đối với địa chủ.
Lep Tônxtôi tiếp tục trăn trở tìm đường. Ông không ở yên tại Iaxnaia Pôliana. Có lúc ông định đi Xibia rồi lại thôi; có lúc ông lại đi Matxcơva sống cuộc sống buông thả vài tháng; rồi đi Pêtecbua trả thi tốt nghiệp; có lúc định gia nhập quân khinh kỵ; có lúc định nhận thầu một trạm bưu điện.
Lep Tônxtôi bắt đầu ghi nhật ký từ năm 1847. Ông xem nhật ký như là nơi để phân tích và đấu tranh với chính bản thân mình. Ðó chính là trường học, nơi hình thành phong cách, tích tụ kinh nghiệm văn chương chuẩn bị cho các sáng tác sau này.
Những trang nhật ký đã mở đường cho phác thảo văn học đầu tiên của Lep Tônxtôi. Năm 1851 phác thảo Câu chuyện ngày hôm qua ra đưòi đánh dấu một bước tiến quan trọng trên con đường văn nghiệp của ông. Tác phẩm này được Victơ Sclôpxki đánh giá là tác phẩm mở đầu cho thủ pháp dòng ý thức trong văn học, có ảnh hưởng lớn đến văn học phương Tây thế kỷ XX.
Năm 1852, Lep Tônxtôi gia nhập quân đội và tham gia chiến đấu ở vùng núi Capcaz. Sau đó ông được điều đến thành phố Xêvaxtôpôn. Chính tại đây Lep Tônxtôi đã thấy được tinh thần chiến đấu dũng cảm của người lính Nga bình thường, đồng thời ông cũng thấy được bọn sĩ quan bất tài bạo ngược và hám danh, sự bất lực của nước Nga chuyên chế trong chiến tranh Crưm.
Năm 1854, truyện ngắn Xêvaxtôpôn tháng chạp ra đời. Trong tác phẩm, cuộc sống trong thành phố được miêu tả dường như bình thường trên nền của một hoàn cảnh bất thường. Thành phố Xêvaxtôpôn dường như toát lên một sức mạnh tinh thần kỳ diệu- sức mạnh của tình yêu tổ quốc. Tuôcghênhep đã khen Thật là tuyệt. Ðọc bài đó tôi đã khóc, còn Nga hoàng thì rất thích thú và ra lệnh dịch ngay ra tiếng Pháp để đăng trên nhật báo Phương Bắc.
Năm 1855, truyện ngắn Xêvaxôpôn tháng năm tiếp tục ra đời. Trong tác phẩm này, với giọng văn bình tĩnh trang trọng Lep Tônxtôi đã chỉ ra những nỗi đau của chiến tranh và phán xét chính quyền chuyên chế. Lep Tônxtôi không đưa ra những nhận xét riêng của mình mà khách quan ghi chép những cảm xúc, ngôn ngữ có khi trái ngược nahu của mỗi giới từ dân chíng đến nhà cầm quyền, từ hạ cấp đến thượng cấp, vì vậy mà truyện rất linh động xác thực.
Cũng vào năm 1855, tryện Xêvaxtôpôn tháng tám ra đời. Nó đưọc xem như là khúc ca về Xêvaxtôpôn thất thủ, là tang khúc dành cho những anh hùng bình dị trực tiếp chiến đấu và hy sinh, đồng thời cũng là đối khúc với thể chế đã trở thành nguyên nhân của thất bại trong chiến tranh.
Với truyện Xêvaxtôpôn, Lep Tônxtôi lần đầu tiên kết hợp được tính tâm lý với tính sử thi trong sáng tác của mình. Ðó là những bước chuẩn bị tích cực cho sự ra đời của tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình .
Cuối năm 1855, Lep Tônxtôi rời Xêvaxtôpôn về Pêtecbua, rồi về Iaxnaia Pôliana. Cuối những năm 50 Lep Tônxtôi viết Buổi sáng của một địa chủ, Thời thanh niên, Hạnh phúc gia đình, Ba cái chết.
Năm 1857, Lep Tônxtôi ra nước ngoài, đến Pháp, Anh, Thụy Sĩ, Ý, Ðức.
Thế giới tư bản phát triển ở phương Tây làm Lep Tônxtôi đau lòng bởi những mâu thuẫn xã hội gay gắt, truyện ngắn Luyxernơ ra đời trong thời gian này đã thể hiện độ chính của quan điểm Tônxtôi về lịch sử. Quan điểm này thực chất không phải là biện chứng triệt để nhưng nó làm nên cảm hứng nhân đạo tràn ngập trong các sáng tác của ông.
Sau cuộc cải cách nông nô 1861, Lep Tônxtôi quay trở lại nước Nga và nhận chức thẩm phán hòa giải. Ông cố gắng bênh vực quyền lợi nông dân, nhưng điều đó lại đụng chạm đến quyền lợi của tầng lớp quý tộc. Kết quả ông không được sự ủng hộ từ hai phía. Ông chán nản, ông quyết định lấy vợ và quay lại sáng tác văn chương.
Ðầu năm 1863, truyện Dân Côdắc được đăng báo. Trong tác phẩm Lep Tônxtôi đã sử dụng nhiều hồi ký ở Capcaz. Tác phẩm giống như tự truyện: Một thanh niên quý tộc, chán cuộc sống nhàn tản, đến miền Capcaz sống với những người Côdắc chất phác rồi yêu một thiếu nữ Côdắc. ..
Một số người, trong đó có Tuôcghênhep, nhận định được giá trị tác phẩm và không tiếc lời ca ngợi. Tônxtôi cảm thấy hứng khởi. Ông muốn viết một tác phẩm lớn hơn về những người tháng Chạp.
Từ giữa những năm 50, Lep Tônxtôi nung nấu ý đồ viết một cuốn sách về con đường phát triển của nước Nga, về số phận và vai trò của nhân dân trong lịch sử, về mối quan hệ của những người quý tộc và nhân dân. Ông nghiên cứu lại những sự kiện lịch sử lớn nhất đàu thế kỷ XIX, lựa chọn xem sự kiện anò có thể thể hiện được tinh thần ấy. Trên cơ sở đó, tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình ra đời.
Ý đồ sáng tác Chiến tranh và hòa bình của Lep Tônxtôi trăn trở chuyển hóa từ những phác thảo Ba thời kỳ, Những người tháng chạp, Những gì kết thúc đều tốt, Năm 1805 rồi trở thành tiên đề cho quyển tiểu thuyết bất hủ.
Tháng 12 năm 1869, Lep Tônxtôi viết xong phần chung cuộc, ông bảo bạn thân là Fet Những cái tôi viết đây, không phải là tôi bịa ra đâu, tôi đã đau đớn rút từ trong ruột tôi ra đấy .
Sống sáu năm với các nhân vật trong truyện, khi hạ bút xuống, ông thấy bàng hoàng, lạc lõng, bơ vơ. Ông nghĩ rằng mình cần phải có một thời gian nghĩ ngơi và đọc sách.
Tháng 4 năm 1870, ý tưởng đầu tiên của Lep Tônxtôi về tiểu thuyết Anna Karênina ra đời. Trong nhật ký vợ của Lep Tônxtôi viết :hôm qua buổi tối anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đang hình dung ra một mẫu người phụ nữ đã có chồng xuất thân từ xã hội thượng lưu mà lại đánh mất chính mình. Anh ấy nói rằng nhiệm vụ của anh ấy là miêu tả người phụ nữ này chỉ đáng thương mà không có lỗi . Tuy nhiên phải ba năm sau, Lep Tônxtôi mới quay trở lại thực hiện ý đồ nghệ thuật ấy.
Phác thảo đầu tiên của Anna Karênina được viết xong trong vòng 50 ngày năm 1873, bốn năm sau, năm 1877 Anna Krênina ra mắt bạn đọc.
Lep Tônxtôi xác định tư tưởng chủ yếu của Anna Karênina là tư tưởng gia đình. Và thông qua tư tưởng gia đình đó, ông muốn phản ánh bản chất xã hội.
Anna Karênina ra đời thể hiện những ý tưởng chủ quan lẫn khách quan của Lep Tônxtôi. Ðó là một sự đột phá cách tân táo bạo hình thức tiểu thuyết, đi sâu vào miêu tả tâm lý và kết hợp với triết lý. Tất cả những điều đó một lần nữa khẳng định tài năng và vị trí của Lep Tônxtôi trên văn đàn văn học Nga và thế giới.
Ana Karênina thể hiện không chỉ cái nhục của của Lep Tônxtôi đối với thực tại nước Nga đương thời, nó đồng thời là sự bộc lộ cao nhất những suy tư, dằn vặt và khát vọng của ông về một xã hội tốt đẹp. Tiểu thuyết Ana Karênina kết thúc bằng những câu hỏi không lời đáp vốn dằn vặt Lep Tônxtôi suốt đời: Con đường đến với nhân dân phải như rhế nào ? Phải thay đổi xã hội và gia đình ra sao ?
Sau khi khi viết xong Ana Karênina, Lep Tônxtôi chuyển sang viết những tác phẩm chính luận : Nghiên cứu thần học giáo điều ( 1879-1880 ), Phúc âm giản yếu (1880-1881 ), Lời tự thú ( 1879-1882 ).
Năm 1881, Lep Tônxtôi chuyển về Matxcơva. Ở đây ông tiếp xúc trực tiếp với cuộc sống đô thị. Ông thấy rõ cuộc sống xa hoa lộng lẫy của giới quý tộc thủ đô và cuộc sống nghèo khổ của những con người dưới đáy xã hội. Mâu thuẫn trong con người ông ngày càng gay gắt. Trong Lời tự thú Lep Tônxtôi viết : Ý tưởng tự sát đến với tôi cũng tự nhiên như ý tưởng làm cho cuộc đời mình tốt hơn trước đây. Yï tưởng đó lôi cuốn tôi tới mức tôi buột phải thực hiện một số biện pháp với tôi để tránh tiến hành nó quá vội vã . Lep Tônxtôi ngày càng nổi loạn. Ông chống lại tất cả những gì từng là máu thịt của mình, ông chống lại Puskin, Tuôcghênhep, cả bản thân mình. Ông phủ nhận cả Chiến tranh và hòa bình và Anna Karênina.
Từ giữa những năm 80, Lep Tônxtôi thoát dần ra khỏi khủng hoảng tư tưởng và vươn đến những đỉnh cao mới trong nghệ thuật. Năm 1886, vở kịch Quyền lực của bóng tối ra đời, phản ánh bi kịch đồng tiền đang phá hủy mọi nền tảng đạo đức xã hội.
Cũng năm 1886, truyện vừa Cái chết của Ivan Ilich ra đời. Trong tác phẩm này Lep Tônxtôi đặt ra vấn đề ý nghĩa cuộc sống và cái chết. Nó được viết với một văn phong mới mẻ, giản dị và rạch ròi: Nhiều mối quan hệ dường như được đơn giản đi, phân rõ trắng đen.
Trong 10 năm, từ 1889 đến 1899, Lep Tônxtôi tập trung vào tiểu thuyết Phục sinh. Nhận xét về tác phẩm này, nhà thơ Blôc đánh giá nó là Lời di huấn của thế kỷ đang qua với thế kỷ mới .
Tác phẩm Phục sinh ra đời đã phá vỡ khuôn khổ tiểu thuyết truyền thống vốn dựa trên tình yêu và những vấn đề gia đình. Phục sinh được xây dựng như một tiểu thuyết xã hội phản ánh những vấn đề bức thiết của thời đại, nhân loại. Nó không chỉ là tòa án đối với cuộc sống của một hay một số người mà là tòa án đối với cả chế độ hiện hành, đồng thời là bài ca về sự phục sinh của con người.
Những năm đầu thế kỷ XX, Lep Tônxtôi vẫn tiếp tục viết không biết mệt mỏi. Những tác phẩm cuối đời của ông là: Ðừng giết, Và ánh sáng soi rọi trong bóng tối, Khatgi Murat, Sau lễ hội, Tôi không thể im lặng.. .
Lep Tônxtôi đạt đến đỉnh cao vinh quang, nhưng những mâu thuẫn trong lòng ông cũng không được giải quyết, bi kịch gia đình trở nên ngày một nặng nề.
Vào lúc 5 giờ sáng đêm 27 rạng 28 tháng 10 năm 1910, Lep Tônxtôi bỏ nhà ra đi cùng với người bác sĩ thân tín của mình là Ðusan Macôvixki. Dọc đường ông bị cảm nặng. Ngày 7 tháng 11 năm 1910, Lep Tônxtôi qua đời.
- TÁC PHẨM CỦA LEP TÔNXTÔI:
1. Chiến tranh và hòa bình: |
Từ nửa sau những năm 50 Tônxtôi nung nấu ý đồ viết một tác phẩm văn học về con đường phát triển của nước Nga, về số phận và vai trò của nhân dân trong lịch sử, về mối quan hệ giữa những người quý tộc và nhân dân. Ông bỏ nhiều công sức để nghiên cứu lại những sự kiện lịch sử lớn nhất đầu thế kỉ XIX, chọn lọc xem sự kiện nào có thể thể hiện được tinh thần ấy.
Ý đồ sáng tác cuốn sách Chiến tranh và hoà bình của Tônxtôi trăn trở chuyển hoá từ những phác thảo Ba thời kì, Những người tháng Chạp, Những gì kết thúc tốt đều tốt, Năm 1805. Trong 6 năm, Tônxtôi viết đi viết lại cuốn tiểu thuyết này đến bảy lần. Ông dồn hết tâm huyết để nghiên cứu những chuyên luận lịch sử, quân sự, thư từ, hồi kí của những người chứng kiến sự kiện, trò chuyện trực tiếp với họ. Tônxtôi suy ngẫm, đắm mình trong những sự kiện của quá khứ, dùng quá khứ để giải thích hiện tại và từ tầm cao của suy ngẫm hiện tại phân tích lại quá khứ. Tônxtôi không ngừng làm việc, viết rồi xoá, xoá rồi viết, chọn lựa hàng trăm phương án, hàng nghìn cách kết hợp. Năm 1869 tiểu thuyết vĩ đại Chiến tranh và hoà bình ra đời.
Chiến tranh và hoà bình thực sự là tác phẩm có một không hai trong văn học thế giới. TônxTôi tuyên bố: Ðây không phải là tiểu thuyết, cũng không phải trường ca, càng không phải là biên niên sử . Chiến tranh và hòa bình là điều mà tác giả muốn nói và đã có thể diễn đạt được trong hình thức diễn đạt của nó.
Tư tưởng chủ đạo của Chiến tranh và hoà bình được thể hiện tập trung qua biến cố lịch sử 1812 chống quân xâm lược Pháp, đó là chủ đề nhân dân và nhân dân tính. Nhân dân và nhân dân tính là chủ đề trung tâm, quán xuyến toàn bộ tác phẩm. Bên cạnh chủ đề trung tâm, Chiến tranh và hoà bình còn có chủ đề về giai cấp quí tộc Nga cùng với đời sống sinh hoạt của họ trong thời kì chiến tranh và hoà bình từ 1805- 1820. Nhưng đó không phải là chủ đề tách rời chủ đề trung tâm mà bổ sung và là những khía cạnh biểu hiện chủ đề trung tâm.
Chủ đề thứ ba của tác phẩm, đó là cách giải thích và đánh giá lịch sử. Theo Lep Tônxtôi, là một tác phẩm viết về quá khứ, thì mỗi sự kiện lịch sử cần thiết phải thông qua con người để giải thích, và cần tránh biểu hiện lịch sử theo kiểu cổ xưa. Thông qua việc tái hiện số phận và bước đường đời của các nhân vật chính mà lịch sử nước Nga xa xưa được tái hiện và giải thích thông qua tất cả những con người tham gia những biến cố lịch sử của nó.
Trong tác phẩm, giai cấp quý tộc đương thời được chia làm hai loại: Loại quý tộc kinh đô, từ nhà vua đến bọn quan lại cao cấp nhất đều là những nhân vật phản diện, mất hết bản sắc dân tộc, thờ ơ với vận mệnh mất còn của đất nước, mà phòng khách của bà Anna Sêre là bức tranh tiêu biểu, nổi bật nhất là gia đình công tước đại thần Valixi Kuraghin, tổng trấn Raxtôpsin…
Loại quý tộc trại ấp tương đối tiến bộ còn quan tâm đến số phận của đất nước, nêu cao ý thức trách nhiệm là nghĩa vụ đối với đất nước trước họa xâm lăng. Ðại diện cho họ là gia đình công tước Nicôlai Bônkônxki, lão bá tước Ilia Rôxtôp và các tướng lĩnh hết lòng phục vụ tổ quốc, nêu cao truyền thống yêu nước.
Nhân vật trung tâm của toàn bộ tiểu thuyết anh hùng ca Chiến tranh và hòa bình chính là nhân dân. Ở đây, chúng ta chưa thấy Tônxtôi xây dựng được những nhân vật điển hình xuất thân từ nhân dân. Song hình tượng nhân dân được nhà văn thể hiện một cách sinh động phong phú ở nhiều cung bật khác nhau. Trong số 559 nhân vật có thể đếm được trong tác phẩm có đến 200 nhân vật xuất thân từ nhân dân. Hình tượng nhân dân ở đây hiện lên những con người yêu nước một cách thiết tha nhưng giản dị, bình thường. Họ không hề nghĩ đến gươm giáo nhưng khi giặc đến thì họ bất chấp tất cả để bảo vệ nơi chôn nhau cắt rốn, tiêu diệt kẻ thù bằng bất cứ hình thức nào có thể.
Có thể nói, trong khi miêu tả các chiến sự, các trận đánh đẫm máu, những cảnh sinh hoạt trong quân đội, trong các đội du kích nhân dân, thông qua bút pháp hiện thực và tôn trọng hiện thực, thông qua phân tích tâm lí và tôn trọng bản chất sâu xa của con người khi miêu tả, Tônxtôi đã sáng tạo được những bức tranh thấm nhuộm màu sắc dân tộc Nga, đã vẽ nên những nét sắc sảo về tinh thần nhân dân Nga, nông dân Nga, giản dị, nhân hậu, yêu nước, biểu lộ trong những nét tâm lý cá nhân rất khác nhau của quần chúng tham gia chiến đấu.
Lấy một ví dụ, đêm trước trận Bôrôđinô, viên đại úy Timôkhin đã nói với Andrây và Pie Bây giờ còn sợ chết hay sao? Binh sĩ trong tiểu đoàn tôi không chịu uống rượu Vôtka. Họ nói bây giờ không phải là lúc chè chén (Chiến tranh và hòa bình, III 1329). Còn đối với những tân binh phục vụ chiến trường, họ đã quyết tâm” để chuẩn bị đương đầu với cái chết ngày mai, họ đã mặc áo sơ mi trắng” (Chiến tranh và hòa bình,III 1309 )
Trên chiến trường Bôrôđinô ” Quân đội đã chiến đấu với một tinh thần anh dũng không thể tưởng tượng được. Các trận địa pháo chuyển từ tay này sang tay khác và kết quả là không có nơi nào quân địch giành được thắng lợi, chúng cũng không tiến được bước nào mặc dầu lực lượng chúng mạnh hơn”. Chính Kutudôp đã nhận định về quân đội, những người lính bình thường – của mình như vậy.
Nhân dân trong Chiến tranh và hòa bình đã thật sự trở thành hình tượng cơ sở trong toàn bộ tác phẩm đồng thời nhân dân cũng là nguồn cảm hứng chủ đạo trong lí tưởng thẩm mĩ của Tônxtôi. Dưới mắt Tônxtôi, nhân dân chính là thước đo cơ bản nhằm đánh giá tình cảm, tư tưởng, phẩm chất đạo đức cũng như ngôn ngữ và hành động của mỗi người trong hệ thống 559 nhân vật. Ðối vơí Tônxtôi, sức mạnh cách mạng là ở nhân dân chứ không phải ở giai cấp quý tộc.
Tuy nhiên, tính nhân dân ở Chiến tranh và hòa bình thuộc về tính dân tộc chứ không phải mang tính giai cấp.
Trong các nhân vật lịch sử được Tônxtôi thể hiện, nổi bật nhất là Napôlêông và Kutudôp. Ðó là hai danh tướng đã đối đầu nhau trong hai cuộc chiến tranh lớn, làm thành hai hình tượng tương phản gay gắt .
Napôlêông được Tônxtôi xây dựng thành một hình tượng văn học có tính cách ổn định. Ðầu tiên, Napôlêông hiện lên như một nhà chỉ huy tài ba lỗi lạc. Và từ vinh quang của tài năng và quyền lực, Napôlêông trở thành một con người ham quyền lực, ham danh vọng, nuôi một giấc mơ điên rồ là thống trị toàn bộ thế giới, gom cả nhân loại vào trong tay mình, tưởng rằng tài ba uy tín của cá nhân mình có thể tha hồ chi phối vận mệnh các dân tộc. Napôlêông từ một thiên tài đã trở thành một con người nhỏ bé, ti tiện vì chính lòng kiêu ngạo ích kỉ không bờ bến của mình.
Trong tác phẩm, Napôlêông được miêu tả như một tên hề đang diễn trên sân khấu, hắn luôn luôn đóng kịch, luôn luôn lấy điệu bộ này, làm cử chỉ kia, không bao giờ đi đứng nói năng một cách tự nhiên. Hắn xem quân lính như những công cụ riêng của mình, như những kẻ có bổn phận lao vào chỗ chết theo một cái vẫy tay, một cử chỉ nhỏ nhặt của mình. Hắn khinh miệt họ, tàn nhẫn với họ và luôn luôn dùng những thủ đoạn để lừa bịp họ. Sau khi miêu tả và phản ánh bản chất bên trong con người này, Tônxtôi cho rằng Napôlêông chẳng phải là thiên tài mà chỉ là một công cụ vô nghĩa trong tay lịch sử.
Ðối với Lep Tônxtôi, Kutulôp không phải là một nhân vật lý tưởng. Những nét Tônxtôi đã gắn cho nhân vật này từ khi mới xây dựng dàn ý vẫn tiếp tục tồn tại trong tác phẩm. Ðó là những nét tính cách như háu sắc, láo cá và không trung thành. Tuy nhiên những nét ấy chỉ trở thành một phần của tính cách Kutulôp. Tính cách Kutulôp được tổng hợp lại ở một điểm là vị tướng này biết phục tùng ý chí của nhân dân, nhận thức được tình cảm của nhân dân và đi sâu vào tinh thần của quân đội.
Kutulôp vốn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, nên đã không dựa vào những lý thuyết quân sự cổ điển, mà dựa vào nhân dân, dựa vào thiên thời địa lợi, cũng như tinh thần của binh sĩ. Mặt dù Tônxtôi có một quan niệm chưa chín về lịch sử, cho nên ông đã ít nhiều phủ nhận vai trò của cá nhân Kutulôp trong chiến tranh vệ quốc. Tuy nhiên, dưới ngòi bút hiện thực, Kutulôp chính là một tướng lĩnh nhân dân chân chính. Cái vĩ đại của các vị tướng là ở chỗ mục đích ông tự đặt ra cho mình chính là nguyện vọng của nhân dân, sức mạnh của ông là ở chỗ ông là hiện thân của tư tưởng, tình cảm và ý chí của nhân dân.
Trong Chiến tranh và hòa bình Tônxtôi đã phát triển phương thức truyền đạt cái chung, cái “tất cả” thông qua việc miêu tả cái riêng, số phận của mỗi cá nhân. Ông miêu tả con người như dòng sông” mà tất cả dòng sông đều đổ ra biển cả. Sự phát triển của các nhân vật trung tâm trong Chiến tranh và hòa bình như: Pie Bêdukhôp, Anđrây Bônkônxki, Natasa Rôxtôva… mỗi người một vẻ, nhưng cùng một hướng. Thực chất, đó là những con đường khác nhau của mỗi cá nhân tìm đến chân lí chung, đến lẽ sống vì mọi người.
Cũng giống như bản thân Tônxtôi các nhân vật trung tâm trong Chiến tranh và hòa bình đều xuất thân từ tầng lớp qúy tộc, trên con đường tìm chân lí cho những phút giây lầm lỡ, sa ngã, thất vọng trong các thế giới mù xám của xã hội thượng lưu, của những Êlen, Anatôn, Anna Sêre, Vaxili Kuraghin. Nhưng họ cũng có những phút giây bình tỉnh, hạnh phúc, thấu hiểu ý nghĩa của cuộc sống. Ðặt biệt trong chiến tranh vệ quốc, các nhân vật qúy tộc đã kề vai sát cánh bên những người lính nông dân hiện thân cho tất cả chất Nga như Platôn Karataep, như người du kích” hữu ích và quả cảm nhất” Tikhôn, như những sĩ quan bình dị mà anh hùng Timôkhin, Tursin. Họ hiểu ra rằng cuộc sống con người thật sự có giá trị khi kề vai sát cánh bên nhau, gạt sang một bên lòng kiêu hãnh, những suy nghĩ ích kỉ.
Anđrây Bônkônxki là một người trung thực, thông minh và có nghị lực. Chàng thấy rõ những sự hèn nhát của bọn thượng lưu, qúy tộc ở thủ đô và không giấu giếm lòng khinh miệt đối với họ cũng như sự chán nản đối với cuộc đời vô nghĩa mà chàng đang phải sống ở giữa đám người ngu xuẩn, giả dối, vụ lợi, hám danh.
Anđrây muốn sống cho có ý nghĩa. Chàng muốn tìm cho mình một lý tưởng cao đẹp. Vì vậy chàng vào quân đội, không phải để có địa vị mà để cùng chiến đấúu bên cạnh binh sĩ. Chàng mơ ước “một trận Tulông” có thể đem lại vinh quang cho chàng như Napôlêông.
Nhưng sau khi bị thương trong trận Aosteclich và thất vọng về những hư vinh quân sự, về thần tượng Napôlêông, Anđrây trở về điền trang cố tìm cách cải thiện cuộc sống của nông dân, thực hiện những cải cách tiến bộ. Sau đó chàng làm việc bên cạnh Spêranxki. Nhưng Anđrây vẫn chưa tìm thấy lối thoát cho tư tưởng của mình.
Những tưởng Anđrây có thể tìm được hạnh phúc trong tình yêu với Natasa, nhưng tên bất lương của xã hội thượng lưu Anatôn đã phá vỡ hạnh phúc đó. Anđrây đã phải trải qua một thời gian khủng hoảng tinh thần trầm trọng, để sau đó chàng tìm thấy hạnh phúc trong cuộc sống và tình yêu của nhân dân trong cuộc đấu tranh cho nhân dân và tổ quốc.
Kết cục, Anđrây chết vì một vết thương trong trận Bôrôđinô, nhưng trong những giờ phút hấp hối, trong lòng chàng đã lóe lên những niềm vui vĩnh cữu trong tình yêu và cuộc sống của nhân dân.
Pie Bêdukhôp cũng là một thanh niên qúy tộc nhưng lại là một người trong trắng, nhân hậu, tuy có những nhược điểm, nhưng luôn phục thiện, luôn luôn vươn tới chân lý, tìm về với ý nghĩa cuộc sống. Pie háo hức hấp thụ những tư tưởng tự do của cách mạng pháp và vốn có một tâm hồn mơ mộng viển vong. Pie khi thì mơ ước thực hiện chế độ cộng hòa ở Nga, khi thì muốn làm Napôlêông.
Pie luôn luôn đi tìm sự “yên tĩnh tinh thần, tìm sự thỏa thuận với bản thân mình và đó là nét đặc trưng chủ yếu của chàng.
Tất cả con đường sống của Pie là một quá trình tìm tòi ý nghĩa của cuộc sống, một cuộc sống mà ở đó chàng có thể thỏa mãn về mặt tinh thần. Chính vì thế Pie đã tìm đến tôn giáo, gia nhập hội Tam điểm, hòa mình vào cuộc sống ăn chơi, chè chén của xã hội thượng lưu. Nhưng tất cả những cái đó đều đem đến cho chàng một sự thất vọng ê chề.
Ðến khi dự trận Bôrôđinô, Pie đã thật sự xúc động trước lòng dũng cảm phi thường của binh sĩ, chàng bắt đầu thấy yêu mến họ, bắt chước họ và cảm thấy tin yêu vào cuộc sống.
Khi bị Pháp bắt, Pie có dịp là quen với Platôn Karataiep. Chính vẻ đẹp tâm hồn và lý tưởng của Karataiep đã giúp Pie khôi phục được “cái thế giới trước đây bị sụp đổ bây giờ lại nảy nở trong lòng chàng đẹp đẽ hơn dựa trên những nền móng mới mẽ, chắc chắn không gì lay chuyển nổi. Tuy vậy, Karataiep không khỏi không để lại trong Pie những ảnh hưởng tiêu cực mãi về sau bước vào hoạt động cách mạng Pie mới khắc phục được.
Hành động của Pie (tham gia chiến đấu, hoạt động cách mạng ) tiêu biểu cho tư tưởng của các nhà cách mạng tháng Chạp. Họ có ưu và cả nhược điểm. Ghecxen đã đánh giá:” họ là những người dũng cảm từ đầu đến chân… , họ không đứng về phía chính phủ cũng không đứng về phía nhân dân.
Tóm lại, Pie Bêdukhôp và Ađrây Bônkônxki là hai tính cách điển hình cho tầng lớp quý tộc tiến bộ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến cố trọng đại từ 1805 đến 1825. Ðiều chủ yếu trong họ là ở chổ, tuy vẫn mang đậm màu sắc quý tộc, nhưng họ luôn luôn muốn vươn lên, muốn thoát khỏi thế giới thượng lưu. Vừa thể hiện được bản chất giai cấp qúy tộc, vừa thể hiện được bản sắc dân tộc Nga, tính cách của Anđrây và Pie có nhiều nét đồng điệu và không ít nét tương phản. Song cả hai đều bổ sung cho nhau, đều là những người thanh niên ưu tú được nhân dân tiếp sức trong cuộc chiến đấu vĩ đại và họ đã trở thành anh hùng của nhân dân, trở thành nhân vật trung tâm của tác phẩm.
Cuộc đời các nhân vật trung tâm của Chiến tranh và hoà bình diễn ra trước mắt người đọc một cách trọn vẹn, với tất cả những màu sắc phong phú của quá trình “biện chứng của tâm hồn” họ, những số phận cá nhân ấy liên hệ với nhau một cách hữu cơ và cùng với số phận của 550 nhân vật khác diễn biến trên dòng sự kiện lịch sử đang lôi cuốn toàn dân tộc. Ðó là những hình tượng kết tinh những quan sát sâu sắc nhất của Tônxtôi về con người, về thời đại.
Trong khi đi sâu vào miêu tả bản chất con người, Tônxtôi chú ý đến tính chất động của nhân cách,” biện chứng pháp của tâm hồn”. Cuộc sống tinh thần của các nhân vật là một quá trình phức tạp diễn ra trong sự thống nhất và đấu tranh giữa các tâm trạng, các tư tưởng khác nhau. Nhân vật của Tônxtôi sống, yêu thương, đau khô,ø tìm tòi, ngờ vực, lầm lẫn, tin tưởng… Trong họ có lúc là thiên thần, có khi là ma quỷ.
Khắc họa hình tượng Ðôlôkhôp, đó là một thanh niên ngỗ ngược, vô lương tâm, chơi bời vong mạng, nhưng đó cũng là con người thẳng thắn, dũng cảm, một người con có hiếu, có những tình cảm nồng nàn, cảm động đối với mẹ và về sau là một chiến sĩ phục thù của nhân dân đáng ca ngợi.
Trong khi miêu tả các nhân vật cũng như các sự kiện, các cảnh sinh hoạt, các môi trường xã hội, Tônxtôi thích dùng thế tương phản như Napôlêông và Kutudôp, Natasa và Maria, gia đình Kuraghin và gia đình Rôxtôp… Những cảnh tượng tương phản như chiến tranh và hòa bình, tử vong và sinh nở, cảnh thiên nhiên sinh động và cảnh trang trí giả tạo.
Ngoài ra Tônxtôi còn xây dựng những nhân vật song hành như cha con Bônkônxki, Natasa và Nicôlai Rôxtôp, Êlen và Anatôn. Tất cả sự đối lập đó thể hiện quan niệm của Tônxtôi về những lực lượng đối lập trong xã hội đương thời.
Về nghệ thuật xây dựng và khắc họa tính cách – tâm lý nhân vật, Tônxtôi đã sử dụng rất đa dạng và phong phú những phương thức thể hiện nhằm phản ánh một cách chân thật, cụ thể, sinh động hình tượng.
Trước hết những nhân vật chính trong Chiến tranh và hoà bình hoặc là những nhân vật lịch sử hoặc cũng là những người đã thật sự hiện hũu trong gia đình Tônxtôi. Có thể khẳng định – ở một mức độ nhất định – Tônxtôi có đủ nguyên mẫu để xây dựng hình tượng. Chúng ta có thể thấy nhân vật Anđrây Êvit Rôtôp chính là ông nội của nhà văn, công tước Nicôlai Bônkônki chính là ông ngoại tác giả. Maria Bônkônki chính là mẫu thân của tác giả. Còn cô Sônia chính là em họ của tác giả.
Sau khi đã có nguyên mẫu nhân vật, Tônxtôi đã dùng những phương thức đặt biệt để khắc họa tính cách nhân vật, ông dùng 4 phương thức phổ biến sau:
– Tả bề ngoài của nhân vật, ông tìm những nét đặt biệt của nhân vật rồi lặp đi lặp lại, nhằm khắc sâu vào trí nhớ người đọc. Chẳng hạn như miêu tả vợ của Anđrây, Tônxtôi miêu tả 5 lần chi tiết “công tước phu nhân nhỏ nhắn có môi trên hơi ngắn cong lên, phủ lông tơ, để hở hàm răng trắng ngà.
– Tả tính tình của nhân vật, ông dùng thuật gián tiếp, để cho các nhận vật khác nhận xét về nhân vật đó, từ đó chúng ta có thể thấy nhiều khía cạnh của tính cách nhân vật đó. Chẳng hạn, trong Chiến tranh và hoà bình, Anđrây dưới con mắt của giới quý tộc thì đó có là người khinh khỉnh, còn trong con mắt của Pie thì đó là một người học rộng, đứng đắn, có lý tưởng.
-Tônxtôi cho tâm lý các nhân vật thay đổi tùy theo hoàn cảnh và thời gian. Tônxtôi hiểu hơn ai hết về phép biện chứng tâm hồn, chính vì thế nhân vật của ông rất chân thật, rất mâu thuẫn, rất phong phú.
– Tônxtôi dùng thuật song hành và tương phản để khắc họa nhân vật.
Về phương diện kết cấu, tiểu thuyết Chiến tranh hòa bình là sự thống nhất giữa chuyện kể lịch sử cùng với chủ nghĩa anh hùng của nhân dân. Nó tạo nên mọi tình tiết trong cốt truyện và được hình tượng hóa trong quá trình kết cấu của tác phẩm.
Cốt truyện Chiến tranh và hoà bình được xây dựng trên hai biến cố lịch sử chủ yếu đầu thế kỉ XIX. Các chuyện kể và các tuyến cốt truyện được xây dựng tập trung xung quanh hai biến cố đó. Tác phẩm được chia làm 4 tập, có nội dung và đặc điểm riêng, nhưng vẫn thống nhất với nhau.
Về mặt ngôn ngữ, Tônxtôi đã tiếp tục sự phát triển của ngôn ngữ văn học từ Puskin, Lecmôntôp cho đến Gôgôn… Ông đã cố gắng sử dụng ngôn ngữ trong sáng của nhân dân để phản ánh những sự việc, những suy nghĩ, cảm xúc phức tạp. Tuy vậy, tác giả cũng dùng đến những yếu tố ngôn ngữ đầu thế kỷ XIX nhằm gợi lại dư âm của thời đại. Nhiều từ ngữ và cách đặt câu nhắc nhở lại ngôn ngữ của thời đại Puskin. Giọng kể chuyện biến chuyển không ngừng theo đối tượng tự sự.
Chủ nghĩa hiện thực của Tônxtôi cũng biểu lộ rõ trong cách dùng các phương tiện mô phỏng của ngôn ngữ trong tiểu thuyết. Chẳng hạn lối so sánh phòng khách của Anna Sêre như một xưởng dệt, so sánh những người khách xung quanh Bagrachiôn như những hạt lúa dồn lại giữa sàng, so sánh nụ cười đau khổ, khó khăn của Natasa như một cánh cửa đang hé mở. Tất cả những so sánh có tác dụng giúp người đọc hình dung được một cách cụ thể những điều phức tạp mà nhà văn miêu tả.
Ðể miêu tả và trình bày cho thật chính xác sự việc và tâm trạng các nhân vật, Tônxtôi không ngần ngại dùng những câu nặng nề chồng chất nhiều mệnh đề phụ. Dù ông trau chuốt hành văn công phu, nhưng Tônxtôi không vì thế mà đánh mất nội dung cần miêu tả.
KẾT LUẬN:
Chiến tranh và hòa bình là một tác phẩm anh hùng ca hiện đại. Ðó là sự sáng tạo mới mẻ duy nhất của thể loại tiểu thuyết anh hùng ca không chỉ đối với văn học Nga và cả văn học thế giới ở thế kỷ XIX, kể từ thời Hômer đến nay.
Chiến tranh và hoà bình đã có ảnh hưởng rất lớn lao đối với sự phát triển của văn học Xô Viết và văn học Tây Âu. Các nhà văn như M.Goocki, Sôlôkhôp, Êrenbua đã tiếp tục truyền thống nghệ thuật của Tônxtôi. Từ khi ra đời đến nay, bộ tiểu thuyết đã được xuất bản hàng nghìn lần bằng nhiều thứ tiếng trên thế giới, nhất là trong đại chiến thứ hai, điều đó cũng nói lên ý nghĩa lớn lao của Tônxtôi đối với sự phát triển văn hóa của toàn thể nhân loại tiến bộ.
2. Anna Karênina: |
Bốn năm sau viết xong chiến tranh và hòa bình, ngày 19/03/1873, L. Tônxtôi hạ bút viết dòng đầu tiên của cuốn tiểu thuyết dài Anna Karênina. Sau khi hoàn thành, tiểu thuyết Anna Karênina đưa nhà văn lên một địa vị mới trên văn đàn văn học Nga và thế giới. Nó lập tức được xem là một trong những quyển tiểu thuyết hay nhất của nền văn học nhân loại.
Cốt truyện Anna Karênina được vợ nhà văn kể lại như sau: ” Tối qua anh ấy nói với tôi rằng anh ấy đã hình dung ra một người đàn bà có chồng thuộc xã hội thượng lưu, nhưng bị sa ngã. Anh ấy nói rằng nhiệm vụ của anh ấy là làm cho người đàn bà ấy chỉ đáng thương mà không đáng tội và khi anh thừa hình dung được ra như thế thì tất cả những nhân vật và những loaüi đàn ông mà anh hình dung trước kia đều tìm được vị trí của họ và tập trung quanh người đàn bà ấy.
Kết cấu tiểu thuyết Anna Karênina khi nó ra đời, người ta cho rằng hai cuốn tiểu thuyết: Karênina và Lêvin ” đặt bên nhau một cách tài tình mà không có kết cấu chung. Ngược lại, Tônxtôi đã khẳng định:” Tôi tự hào bởi kiến trúc – những khung cửa tò vò được nối liền với nhau đến mức không thể nhận ra ổ khóa ở đâu. Về điểm này, tôi hết sức cố gắng – Mối liên hệ của sự cấu trúc được tạo nên không phải dựa trên cốt truyện và cũng không phải dựa trên mối quan hệ làm quen giữa các nhân vật mà là ở mối quan hệ bên trong.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, không phải tiểu thuyết Anna Karênina có kết cấu song song, mà nó đan chéo quyện chặt vào nhau, tác động lẫn nhau, nó không chỉ liên kết với nhau trong những mối xung đột xã hội mà cả trong sự đồng nhất về những hoàn cảnh nghệ thuật cụ thể cùng phát triển trên một đề tài theo cùng một chủ đề chung của tiểu thuyết. Vì thế, nó là một thể thống nhất biện chứng giữa nội dung và hình thức.
Chủ đề tác phẩm được V.Ermilôp giải thích như sau: Anna Karênina chết trong các thực tế không có tình yêu – còn Lênin cố tìm kiếm những con đường đi tới sự xác lập thực tế có tình yêu thương.
Gia đình ly tán xa lạ với con người, chính là hình ảnh của cái xã hội giết chết Anna – Lêvin tìm lại mọi khả năng khẳng định cuộc sống giữa con người, sao cho cuộc sống đó là một gia đình thật sự thân yêu, thống nhất, một gia đình có tình yêu thương toàn nhân loại”.
Có thể thấy qua cuộc tình éo le và bi thảm của Anna Karênina, mối tình trắc trở nhưng hạnh phúc của Lêvin, cùng với đời sống tình cảm phức tạp của nhiều nhân vật khác như Betxy Tvecxkaia, Lidya Ivanônôp, Lida Mêkalôva… Tônxtôi đã đặt ra vấn đề tình yêu và hôn nhân như một sự việc các nhân và xã hội. Bên cạnh chủ để đó, Tônxtôi còn đưa ra nhiều vấn đề xã hội khác nhau, có tầm quan trọng khá lớn như vấn đề lý tưởng xã hội, vấn đề dân tộc, vấn đề nông dân, vấn đề tổ chức xã hội, vấn đề giáo dục chính trị, các vấn đề về triết học, nghệ thuật và cả về hòa bình, chiến tranh…
Sau nhân vật Tachiana trong Epghênhi Ônêghin của Puskin, Anna là một hình tượng phụ nữ mới, tiến bộ trong văn học Nga thế kỷ XIX, người phụ nữ đã cố gắng giải phóng cá tính con người, vùng vẫy thoát khỏi áp bức và nhục nhã của luật lệ phong kiến quí tộc.
Anna xuất hiện trong tác phẩm là một thiếu phụ thượng lưu quí tộc với một vẻ đẹp hấp dẫn được thể hiện nổi bật qua đôi mắt ” bí ẩn quyến rũ và đa tình cùng một lúc vừa tìm kiếm vừa ban phát hạnh phúc “.
Vừa chớm tuổi cập kê, bà cô của nàng đã khéo léo thu xếp cho nàng lấy chồng là bá tước đại thần Alêcxây Karênin, một người lớn hơn nàng 20 tuổi và có cung cách sống hoàn toàn trái ngược. Anh của Anna đã nhận xét cuộc hôn nhân đó như sau “Cô đã lấy một người hơn cô những 20 tuổi. Cô lấy chồng không phải vì tình yêu hoặc không hề biết đến tình yêu.Ta hãy coi đó là một sai lầm”.
Biết rõ người chồng “đầu óc bao giờ cũng như một bản báo cáo”, với đôi mắt to mệt mõi đục lờ”, ” khuôn mặt lạnh lùng” hầu như không hề hay biết đến tình yêu và tâm hồn của nàng, nàng đã trút hết sức mạnh của mối tình không thỏa vào đứa con đầu lòng tuy không yêu bố nó”.
Tám năm trời sống trong sự gượng gạo, u uất, Anna trở thành một người phụ nữ nổi loạn ngay trong suy nghĩ của mình. Khi Anna nghe Karênin nói “Tôi yêu mình”, nàng đã nghĩ : “Yêu à ? Ông ta mà đủ sức yêu được à ? Ví thử ông ta chưa từng nghe thấy nói tình yêu thì hẳn không bao giờ ông ta dùng tới chữ đó. Thậm chí ông ta cũng không bao giờ hiểu được thế nào là tình yêu nữa kia … “Nhớ tới tình cảm đó giữa hai người, cũng được gán cho cái tên ái tình, nàng rùng mình kinh tởm “.
Sự thật Karênin sống với Anna cũng chỉ vì muốn củng cố địa vị và danh lợi như bao gã thượng lưu quý tộc Nga. Karênin cũng chiều chuộng vợ, nhưng đó chỉ là thói quen vợ chồng, một việc tất phải làm”. Tâm hồn ông ta hoàn toàn già cỗi, tình cảm khô khan, lối sống tẻ nhạt vô vị, tính nết giả dối, ưu sĩ diện. Tất cả những nét tính cách của Karênin tạo ra một không khí gia đình yên ổn nhưng buồn tẻ nhạt nhẽo, sang trọng nhưng u uất. Tất cả lối sống, thái độ, tư tưởng, tình cảm của ông ta trái ngược hoàn toàn với Anna, một người đàn bà trẻ trung, có ánh sáng ma quỷí trong tâm hồn, luôn khát khao tình yêu, khát khao hạnh phúc.
Tất cả những nổi u uất, sức sống mãnh liệt trong tâm hồn người phụ nữ ấy chỉ chờ dịp là bùng nổ.
Anna gặp Vrônxki và bắt đầu yêu say đắm, nàng yêu cuồng nhiệt bất chấp tất cả, như để trả thù chồng, trả thù xã hội thượng lưu đã đè nén và kìm hãm sức sống và tình yêu của nàng. Anna cũng tuyên chiến với Karênin :”Không, mình không lầm đâu, tôi đã hoảng hốt và tôi đã không thể không hốt hoảng. Nghe mình nói tôi lại nghĩ tới chàng. Tôi yêu chàng, tôi là người yêu của chàng, tôi không chịu nổi mình, mình làm tôi sợ, tôi ghét … Mình muốn làm gì tôi thì làm”.
Với tình yêu mới, Anna có thể sống hạnh phúc. Nhưng mánh khóe của Karênin và luật lệ của xã hội thượng lưu luôn chia xẽ mẹ con nàng : hoặc nàng phải hy sinh quyền sống thật sự hoặc phải cắt đứt tình mẹ con. Nàng chỉ có quyền chọn một.
Thực ra nếu Anna muốn, nàng có thể chọn con đường ổn thỏa. Chính Karênin đã đưa ra một cách dàn xếp rất hợp với đạo đức và thói quen của xã hội thượng lưu :” Tôi muốn sao cho không bao giờ gặp ở đây gã đàn ông ấy và tôi muốn cô xử sự sao cho cả ngoài xã hội lẫn bọn đầy tớ không thể dị nghị gì về cô … Sao cho cô không gặp mặt lão ta. Tưởng thế, không phải là nhiều nhặn quá. Và để bù lại điều đó, cô sẽ được phép sử dụng quyền hạn của một người lương thiện, mà không phải làm nghĩa vụ của mình”.
Ðó cũng là cách dàn xếp thường xảy ra trong các tổ ấm quý tộc. Những Betxy Tvecxkaia, Xaphôn Stôn, Liđa Meckalôva không hề áy náy, buồn rầu trong nếp sống quen dối trá, cứ đàng hoàng đi lại với tình nhân ở ngay giữa nhà chồng, lấy đó làm thú vui lấp lỗ trống cho cuộc sống rỗng tếch, bê tha, tiêu biểu của giới quý tộc. Nhưng Anna hoàn toàn cao thượng hơn họ. Nàng cương quyết gạt bỏ ý định hèn nhát và bỉ ổi của Karênin. Sau bao năm sống trong sự tù túng, gượng ép, u uất mà sự giả dối của ông chồng che lấp cuộc đời mình, Anna cảm thấy, hành động như một kẻ nổi loạn chống lại mọi luật lệ xã hội. Nàng công khai tuyên chiến với xã hội thượng lưu, ngang nhiên bỏ chồng, bỏ con đi theo người tình trước mắt mọi người.
Mối tình Anna với Vrôxki sẽ được coi là đúng đắn, tiến bộ nếu như Anna kiên quyết đến cùng làm tròn việc tự giải phóng. Nhưng Anna không thực hiện được điều đó. Nàng đã tự buông thả cuộc đời mới của mình trong sự nhàn rỗi và phè phởn. Nàng đi rong chơi ở nước ngoài, làm duyên làm dáng với người xung quanh, thậm chí không săn sóc cả con mình, chỉ biết lo sắc đẹp của bản thân, tính toán dằn co trong việc ly hôn. Do dự không dám cắt đứt hẳn với xã hội cũ. Tình yêu của Anna càng trở nên ích kỷ. Nàng bắt đầu so sánh, đòi hỏi, oán giận, ghen tuông. Nàng chạnh nghĩ nổi lòng đau khổ phải xa con để dằn dặt người tình, chỉ muốn hoàn toàn độc chiếm tất cả lí tưởng, tình cảm của Vrônxki. Với tâm lí đó nàng mất Vrônxki thì nàng sẽ mất tất cả. Vì tự đem cả đời mình phụ thuộc vào Vrônxki, như cái bóng có nhờ dập theo cái hình, tự tước đi quyền lợi và khả năng sống tự do độc lập, cho nên Anna có ảo tưởng phải nô lệ hoàn toàn người yêu, coi như đó là một sự bù đắp mà nàng đã chịu đau khổ bấy lâu. Chính vì thế mà tình yêu của nàng bây giờ đã thành cái nợ và hờn oán. Với tâm trí đó nàng càng trở nên hẹp hòi và ích kỷ ngay với bản thân mình. Có thể nói mối tình ban đầu của Anna bắt nguồn từ một mong muốn chính đáng, cao thượng, bằng một việc làm can đảm, cuối cùng lại trở thành tầm thường, nhỏ nhen, ích kỷ, không hơn gì cuộc hôn nhân với Karênin, thậm chí còn tồi tệ hơn. Ðó là tấn bi kịch trong lòng Anna, nó điển hình cho mâu thuẫn bên trong của lớp người trung thực, muốn tiến lên giành hạnh phúc nhưng không đủ sức chống lại trở ngại là luật lệ xã hội thượng lưu.
Trong lần suýt chết vì sinh nở, Anna đã có lúc cảm động vì sự “tha thứ” của Karênin. Nhưng nàng vẫn không sao chấp nhận được cuộc sống thượng lưu giả dối. Mặt khác trong mối tình với Vrônxki, nàng cảm thấy lẻ loi, cô độc và đầy tâm trạng dè dặt, tội lỗi. Trong nàng, cảm giác về một định mệnh bi kịch và một kết cục bi thảm luôn ám ảnh nàng. Nàng đã mất tất cả, mất chồng, mất con, mất chỗ đứng trong xã hội. Nàng chỉ còn lại tình yêu, nhưng tình yêu của nàng cũng mong manh chỉ chờ có dịp là đứt phựt, nàng phải cố gắng vùng vẫy và phải vùng vẫy, vùng vẫy trong một niềm tuyệt vọng cùng cực. Nhưng nàng không có lối thoát, chỉ có một lối thoát duy nhất, một lối thoát trong tâm trạng tuyệt vọng, hận thù, u uất: Cái chết. nàng phải dùng cái chết để trói buộc Vrônxki bằng một kỹ niệm đau thương vĩnh viễn . Nàng phải dùng cái chết để vạch một vết nhơ lên bộ mặt của giáo lí nhà thờ, đạo đức xã hội. Ðây là một sự trừng phạt người và trừng phạt chính mình, một sự trả thù xã hội và trả thù số mệnh của mình. Tất cả phải chịu trách nhiệm về cái chết của nàng. Nàng đâm đầu vào xe lửa đó cũng là lời tối cáo đanh thép đối với xã hội phong kiến mà những mầm móng tư bản vừa nẩy nở với bộ mặt xấu xa vô nhân đạo của nó.
Xoay quanh nhân vật Anna, Tônxtôi còn xây dựng nhiều hình tượng sắc nét. Bá tước Karênin điển hình cho thế lực phong kiến quan liêu phản động, lỗi thời đã bị dảo lộn trên nước Nga trì trệ, cổ lỗ nửa sau thế kỷ XIX. Ðó là một cổ máy quan liêu có “dáng đi cứng nhắc và nặng nề” , dưới “cái lưng gù” với “đôi bàn tay trắng nổi gân xanh, nhớp nháp mồ hôi” cùng “thói quen xấu chắp hai bàn tay lại bẻ khục các khớp”. Bản chất ông ta là một người ham muốn địa vi công danh, sống bằng lí trí, chà đạp tình cảm, chỉ biết riêng mình, khi bước chân ra khỏi nhà trường, ông liền đem hết tâm trí, nghị lực giành lấy địa vị xã hội cao sang. Về chính trị và tính ngưỡng, ông thuộc phe bảo thủ, tỏ ra thông minh, giao thiệp rộng, có kinh nghiệm tiến thủ trong hoạn trường. Tính nết vốn lạnh nhạt nay lại sống bằng lí trí tàn nhẫn nên tâm hồn ông càng khô cằn.
Về đời tư, ông chỉ là người chồng, người cha hèn kém, mù quáng. Ðối diện với cuộc đời ông chỉ biết lãng tránh xa.
Ông tự bịt mắt mình, không dám đi sâu vào đời sống tinh thần của vợ, coi đó là việc vô ích, không tưởng, nguy hiểm. Ông lãng tránh và phó mặc cho tôn giáo, mặc kệ quyền sống của vợ. Ông ta đe dọa vợ mình “đối mặt mình, đối mặt tôi và trước mặt Chúa, tôi bắt buộc phải nhắc mình hãy nhớ bổn phận, cuộc đời gắn bó với nhau không phải do ý chúng ta mà do ý Chúa. Cắt đứt mối dây đó là phạm tội và một tội ác như vậy sẽ kéo theo một hình phạt (A.K.I/254).
Nhưng khi biếr không thể giữ được vợ, ông ta tìm mọi cách để vớt vát sĩ diện. Ông ta tìm mọi cách che dấu việc Anna ngoại tình để tiện việc thăng quan tiến chức.
Tuy nhiên, trong con người Karênin, đôi lúc cũng bùng lên ngọn lửa, dĩ nhiên theo quan điểm của nhà văn, đó là cảnh Karênin ở bên giường bệnh của Anna, tha thứ cho vợ và dãn hòa với tình địch của mình. Ông sung sướng vì đã tha thứ và đã yêu thương kẻ thù. Tuy nhiên tất cả những cố gắng của Karênin cũng chỉ là gượng gạo và nhất thời . Ông không thể thay đổi bản chất, cũng như xã hội Nga không thể thay đổi nhờ vào Chúa.
Trái hẳn với Karênin về lối sống, ngoại hình Vrônxki là một chàng phong lưu mã thượng một thanh niên kiểu mẫu của giới ăn chơi thượng lưu Nga. Ðó là một con người thoạt mới nhìn chỉ thấy đẹp trai, khỏe mạnh, thẳng thắn, thông minh, đắm say và tạo bạo. Chính cái vẻ hào phóng ấy đã kích thích tình yêu của Anna, và chỉ có một con người như thế mới đáp ứng được tình yêu mãnh liệt của một thiếu phụ nổi loạn. Nhưng xét về thực chất, Vrônxki là một người xấu. Anh ta chỉ là người ích kỷ, sống vô dụng, không lí tưởng, mục đích, tóm lại chỉ là con đẻ nuông chiều của xã hội quý tộc.
Khi Vrônxki và Anna yêu nhau, cả hai đều không giúp được gì cho nhau, lẽ ra Vrônxki phải giúp người yêu của mình vượt qua khủng hoảng, bù đắp cho nàng bằng chính tình yêu và tâm hồn mạnh mẽ thì anh ta chỉ biết chơi gái, đánh bạc, đua ngựa, rượu chè, đàm đúm với chúng bạn và thừa tiền, thừa thời giờ thì coi sóc trại ấp, vừa bóc lột làm giàu và ban ơn cải lương cho nông dân, coi đó là những thứ “mốt” mới. Anh ta có cách đối xử riêng với đời: phải rất thành thật với mọi người, trung thành với đám bạn, trừ đàn bà; không được lừa dối ai, nhưng có thể lừa dối người chồng có vợ đẹp, sẵn sàng quỵt tiền công thợ may, nhưng nhất thiết phải trả nợ tiền cờ bạc bịp; có quyền làm nhục người nhưng không cho người khác làm nhục mình… Bi kịch và cái chết của Anna chính Vrônxki phải chịu một phần trách nhiệm lớn, tuy rằng anh ta đã tòng quân đi Xecbi để “trả nợ đời”, nhưng thực chất đó cũng là một sự “tự sát” trốn tránh trách nhiệm.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận Vrônxki có vài điểm tiến bộ hơn lớp thanh niên đương thời. Tình yêu của anh ta đối Anna lúc đầu có thể là một trò tiêu khiển, nhưng về sau Anna đã yêu thật lòng, đã gạt bỏ những lời khuyên xấu xa của mẹ và anh.Anh ta cũng rất khổ tâm khi phải sa vào hoàn cảnh luôn phải dối trá, trái với tính nết của mình. Anh ta không hợm hĩnh mà nhìn thấy cái xấu xa của mình, nhưng bi kịch của anh ta là ở chổ anh ta hiểu mình và hiểu mình không thể thay đổi được bản thân mình.
Xây dựng hình tượng người phụ nữ nổi loạn, Tônxtôi đã đặt ra vấn đề hạnh phúc và bất hạnh trong mối liên quan tới nền tảng đạo đức của xã hội, con người có quyền xây dựng hạnh phúc của mình trên bất hạnh của kẻ khác không? Nếu con người đã làm điều đó, ai sẽ là người phán xét, phán xét ra sao?
Bi kịch của Anna là ở chỗ cô xứng đáng được hưởng hạnh phúc và không thể sống được với một người chồng một nửa là ngừơi, một nửa khác là một ” cổ máy hành chính”. Người phụ nữ ấy không có lỗi. Nhưng dù sao cô cũng bị “trừng phạt”. Ðiều đó trước hết vì trong con người hành chính Karênin vẫn tìm ẩn một con người, con người sống lại khi ông ta trở nên bất hạnh. Anna không thể xây dựng hạnh phúc trên bất cứ hạnh phúc của kẻ khác, dù đó là Karênin. Ðó là lới phán xét của Chúa.
Còn lời phán xét của con người? Anna không thể tìm được lối thoát trong cuộc sống, không có chỗ cho tình yêu và chính Vrônxki, con đẻ của xã hội thượng lưu, không thể xứng đáng với tình yêu đó. Trốn khỏi một sự lừa dối, Anna gặp một sự lừa dối khác, cái chết hay con đường giải thoát của nàng chính là lời phán xét đó với toàn bộ xã hội mục rỗng và phân hủy quanh nàng. Ðó là lời phán xét của con người.
Hình tượng Lêvin chính là con người mà Tônxtôi khát khao tìm kiếm trong cuộc đời nhằm xác lập một thế giới tốt đẹp, theo chủ nghĩa Tônxtôi. Lêvin luôn khát khao tìm kiếm “chiếc gậy xanh”, mà nhờ nó sẽ xuất hiện một thế giới hòa đồng trong tình yêu thương. Lêvin không bằng lòng cái gọi là:” Hạnh phúc gia đình” nhỏ bé mà thật ra anh đã phải trải qua bao trắc trở mới có được. Lêvin muốn làm điều gì đó có thể đem lại điều tốt cho cả xã hội và nhân loại. Chàng cố gắng là một địa chủ tốt, giúp đỡ nông dân, cải cách ruộng đất, nhưng nông dân không thể hiểu, không tin chàng. Xót xa hơn, ngay trong gai đình được gọi là hạnh phúc của Lêvin, như mong ước, cố gắng của Tônxtôi, người vợ của anh cũng không hiểu được anh. Tác phẩm đã kết thúc bằng những băn khoăn và hy vọng của Lêvin vừa mang tính gia đình và mang tính xã hội: Anh mong vợ hiểu mình đồng thời khát khao hòa đồng với những người mugic và có cảm giác là việc đó không thể thực hiện được.
Tác phẩm Anna Karênina có gần 170 nhân vật thuộc đủ các tầng lớp, các giai cấp, các loại người trong xã hội Nga cũng cùng thời với nhà văn. Nhân vật nào cũng được đặt đúng chỗ, đúng hoàn cảnh, đúng tâm lí, tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh xoay quanh bi kịch của Anna.
Ðôxtôiepxki đã hết lời ca ngợi Anna Karênina, cho đó là” sự hoàn hảo của một tác phẩm nghệ thuật mà trong đó không có chút gì giống với các tác phẩm Châu Âu và trong thời đại chúng ta không tài nào sánh kịp (1) Ðôxtôiepxki thừa nhận rằng người sáng tạo tác phẩm này là “nhà nghệ sĩ đứng ở tầm cao phi thường” (2) không thể tìm thấy trong văn học hiện đại. Ông còn khẳng định rằng:” Những người như thế, như tác giả Anna Karênina là bậc thầy của xã hội, bậc thầy của chúng ta, còn chúng ta chỉ là học trò của họ.”(3).
(1), (2), (3) Ðôxtôiepxki, E. Toàn tập, tr 12; M.,1930, tr 319 – 333.
http://websrv1.ctu.edu.vn/coursewares/supham/vhnga/ch5.htm
Ra đời trước Xantưcôp – Xêđrin 5 năm, trước Lep Tônxtôi 7 năm, cùng với hai cây bút lỗi lạc đó đã trãi qua những năm rối ren, phức tạp, nặng nề nhất của xã hội Nga nửa sau thế kỉ XIX, Ðôxtôiepxki đã góp phần rất quan trọng vào dung mạo của văn học hiện thực Nga những thập kỉ cuối thế kỉ bạo tàn, làm nghệ thuật ngôn từ Nga đã rạng rỡ càng bội phần rạng rỡ trên văn đàn thế giới.
Tuy nhiên, việc đánh giá công lao nhà văn này đã gặp rất nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Ơí Liên Xô, kể từ khi cách mạng Tháng 10 thành công, người ta không chú ý, không quan tâm, thậm chí phủ nhận mọi sáng tác, mọi đóng góp cho nghệ thuật của Ðôxtôiepxki. Số lượng sách in các tác phẩm của Ðôxtôiepxki rất ít. Việc nghiên cứu phê bình về nhà văn này bị lãng quên.
Ðến đầu thế kỉ XX, cuốn Những vấn đề thi pháp Ðôxtôiepxki của M. Bakhtin được in lần thứ nhất. Ðây là một công trình nghiên cứu quan trọng và có giá trị to lớn về các sáng tác của Ðôxtôiepxki. Tuy nhiên cuốn sách đã bị chỉ trích và coi thường.
Năm 1972 tình hình xã hội ở Liên Xô có nhiều thay đổi. Người ta cho xuất bản bộ Ðôxtôiepxki toàn tập và đã bán hết ngay. Các nhà phê bình nghiên cứu bắt đầu chú ý đến các tác phẩm của Ðôxtôiepxki. Kể từ đây, những sáng tác của Ðôxtôiepxki được nhìn nhận và đánh giá đúng mức.
- CUỘC ÐỜI VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC
Ðôxtôiepxki sinh ngày 11 tháng 11 năm 1821 tại một bệnh viện nhỏ dành cho người nghèo ở Matxcơva. Bố của ông, ông Mikhain Anđrêêvich, vốn là dòng dõi quý tộc nhưng đã sa sút. Tính tình của ông Mikhain Anđrêêvich khá độc đoán, vì vậy tuổi thơ của Ðôxtôiepxki không được vui. Mẹ của Ðôxtôiepxki là con của một thương gia. Bà là một người hiền lành, thông minh và đam mê đọc sách. Bà mất vì bệnh lúc 37 tuổi, khi đó Ðôxtôiepxki 16 tuổi.
Năm 1839 Ðôxtôiepxki vào học ở học viện kĩ thuật quân sự tại Matxcơva theo ý cha, mặc dù ông rất yêu thích văn chương. Trong thời gian học, Ðôxtôiepxki tìm đọc các tác phẩm của Gôgôn, Banzăc, Silơ… Thần tượng văn học của ông lúc này là Puskin.
Sau khi tốt nghiệp, Ðôxtôiepxki được điều về một đơn vị công binh ở Pêtecbua(1843). Ơí đây ông vô cùng chán nản. Sau một năm phục vụ quân đội, Ðôxtôiepxki xin giải ngũ vì lí do gia cảnh.
Sau khi giải ngũ, Ðôxtôiepxki quyết định đi theo con đường sáng tác văn chương. Ông đã gặp rất nhiều phản ứng từ phía gia đình nhưng ông vẫn cương quyết đi theo con đường mình đã chọn.
Bắt đầu sự nghiệp văn chương, Ðôxtôiepxki gặp rất nhiều gian truân. Ðôxtôiepxki đã phải trãi qua những ngày cùng quẫn, túng thiếu, phải đi vay mượn, cầm cố đồ đạt để kiếm sống qua ngày. Ðôxtôiepxki đã phải nếm trãi cuộc sống đầy khó khăn của những người dân nghèo thành thị, của những viên chức thân phận hèn kém. Hoàn cảnh bắt buột ông phải tích cực lao động bằng chính ngòi bút của mình. Năm 1846 Ðôxtôiepxki hoàn thành tiểu thuyết đầu tay Những người cùng khổ. Ðây là một quyển tiểu thuyết được viết dưới hình thức thư tín nhưng chứa đựng một tư duy nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ. Quyển tiểu thuyết ra đời đã khẳng định tài năng to lớn của Ðôxtôiepxki, báo hiệu sự xuất hiện một vì sao sáng đầy hứa hẹn trên nền trời văn học Nga.
Từ năm 1846 đến năm 1849 Ðôxtôiepxki viết một số truyện ngắn như:
Bản ngã thứ hai, Bà chủ, Những đêm trắng, Ông chủ Prôkharsin và tiểu thuyết Nhêtôska Nhêđơvanôva.
Trong bài bình luận, đánh giá những tác phẩm đầu tiên của Ðôxtôiepxki, Bêlinxki cho rằng, tài năng của cây bút này tuy đặc sắc, nhưng dẫu sao vẫn là mới mẻ nên chưa có thể bộc lộ hết, chưa thể định hình rõ. Thực tiễn sáng tác của Ðôxtôiepxki đã chứng minh điều đó.
Âm hưởng của những cuộc cách mạng 1830, 1848 ở châu Âu cùng với những cuộc nổi đậy của nông dân ở Nga đã tác động mạnh mẽ đến trí tuệ của những trí thức tiến bộ đương thời. Họ suy ngẫm những tư tưởng của phương Tây, tìm tòi con đường vận động chuyển biến của xã hội Nga. Hòa nhập trong không khí chung đó, Ðôxtôiepxki đã tham gia vào nhóm những người tôn sùng chủ nghĩa xã hội không tưởng của Phuriê do Pêtrơrasepxki lãnh đạo.
Tháng 4 năm 1849, trong một buổi sinh hoạt của nhóm, Ðôxtôiepxki đã đọc cho các đồng chí của mình nghe bức thư của Bêlinxki gửi Gôgôn. Sau đó ít ngày, ông cùng với nhiều đồng chí bị bắt giam.
Tháng 12 năm 1849, Ðôxtôiepxki cùng với 23 tội phạm bị giải đến trường bắn và bị kết án tử hình. Nhưng đến phút cuối cùng, Nga hoàng ra lệnh miễn tội tử hình, chuyển thành án lưu đày biệt xứ ở Xibia.
Sau bốn năm sống thân phận tù tội lưu đày ở Xibia, Ðôxtôiepxki tiếp tục bị điều vào quân đội mãi đến năm 1859 mới được xuất ngũ vì đau yếu, bệnh tật. Tháng 12 năm đó, Ðôxtôiepxki trở lại Pêtecbua, trở lại với những suy tư trĩu nặng về xã hội Nga, cõi đời Nga, con người Nga…
Từ đây bắt đầu một giai đoạn sáng tác mới của Ðôxtôiepxki với những tác phẩm lớn: Những ghi chép từ căn nhà Chết Chóc, Những người bị chà đạp và nhục mạ, Tội ác và trừng phạt…
Ngày 14 tháng 4 năm 1867, Ðôxtôiepxki phải trốn ra nước ngoài vì thiếu nợ. Ông đến Ðức, Thụy Sĩ, Pháp, Ý. Tại Thụy Sĩ Ðôxtôiepxki đã viết cuốn tiểu thuyết Chàng ngốc (1868).
Năm 1871, Ðôxtôiepxki trở về cố hương sau bốn năm sống lưu vong. Trong khoảng 10 năm cuối đời, Ðôxtôiepxki sáng tác những tác phẩm lớn như Lũ quỷ dữ (1872), Chàng trai niên thiếu (1875), Anh em nhà Karamadôp (1880). Cũng trong thời gian này, Ðôxtôiepxki sáng tác một số truyện ngắn xuất sắc như Người đàn bà nhu mì (1876), Giấc mộng của một kẻ ngây ngô nực cười (1877).
Ngày 28 tháng 01 nnăm 1881, trái tim của Ðôxtôiepxki ngừng đập, đường đời mới hơn được 59 năm, con đường lao động nghệ thuật mới tròn ba thập kỉ rưỡi, trong đó không ít những năm túng thiếu gian khổ, cả những năm tù đày đen tối và những ngày đẹp đẽ vinh quang trong thành công sáng tạo nghệ thuật, cả những lời khen ngợi náo nức và cả những lời phê phán, bài xích dữ dội.
Ðánh giá ngòi bút của ông, Gorki so sánh tài năng nghệ thuật của ông ngang với Sêcxpia. Nhiều nhà văn lớn của thế kỉ XX này thừa nhận đã chịu ảnh hưởng rất lớn từ các sáng tác của thiên tài Ðôxtôiepxki.
II.TÁC PHẨM CỦA ÐÔXTÔIEPXKI
1. Tiểu thuyết Những người cùng khổ: |
Tiểu thuyết Những người cùng khổ được kết cấu dưới hình thức thư tín. Ðây là một hình thức thường được dùng trong những tiểu thuyết tình cảm chủ nghĩa như tiểu thuyết của Ruxô, Gơt ở thế kỷ XVIII. Tuy vậy, tác phẩm đầu tay của nhà văn trẻ không phải là một truyện tình cảm chủ nghĩa mà là một thành tựu mới, kế thừa và phát triển truyền thống Gôgôn hiện thực.
Nhân vật chính của truyện là Makar Ðiêvuskin, một viên chức thấp kém kiểu Akaki Akakiêvich trong Chiếc áo khoác của Gôgôn và Varvara Ðôbrôxêiôva, con gái một gia đình đang trong trong tình cảnh cùng đường khốn khó giữa đất đế đô hoa lệ. Ðiêvuskin đã luống tuổi, gần ngũ tuần và sống độc thân. Ðôbrôxêiôva còn trẻ, mồ côi cả cha lẫn mẹ, đang sống nhờ tại nhà một người họ hàng xa. Họ mến nhau, trao đổi thư từ hẹn hò nhau chân tình chăm sóc cho nhau, đôi lúc bừng lên ít nhiều hy vọng, nhưng hy vọng đó cũng tàn tắt ngay trước bao nổi âu lo về một ngày mai khốn khó. Họ mến thương nhau chân thành và không sợ những lời đàm tếu về quan hệ của mình. Nhưng như thường xảy ra trong xã hội đương thời, mối tình đó đã kết thúc một cách bất hạnh. Xuất hiện một địa chủ lắm tiền nhiều của, hắn thích Ðôbrôxêiôva và với quyền thế của kẻ mạnh hắn giành giật được cô. Người viên chức nghèo rơi vào cảnh tuyệt vọng.
Qua cốt truyện đơn giản này, Ðôxtôiepxki đã bộc lộ rõ tài năng khái quát hóa nghệ thuật và thâm nhập vào tâm lý nhân vật, phát hiện ra hiện thực với ý nghĩa cao nhất: Con người trong con người.
Kết cấu của tác phẩm chỉ gồm những trang thư giữa chàng và nàng và một số đoạn ghi chép hồi ức của nàng, nhưng nội dung không bị khép kín trong cuộc đời và những suy nghĩ xúc cảm của hai người. Qua những lời bình dị, chân thực của chàng và nàng kể cho nhau, nội dung mở rộng dẫn dắt độc giả gặp nhiều loại người đa dạng trong xã hội Pêtecbua. Nó dẫn dắt người đọc vào nhiều cảnh đời thê thảm của những kẻ nghèo hèn, những cư dân của những căn hầm, những gác xép chật chội tối tăm trong thành phố đế đô Nga. Thế giới Pêtecbua hiện ra với những quan chức hống hách, tàn nhẫn, những tên địa chủ, những tên cho vay cắt cổ, những mụ đưa đường bằng trò đưa đường dắt mối, những viên chức bị thải hồi, những sinh viên nghèo kiếm tiền bằng nghề gia sư.. .
Hình tượng Ðiêvuskin là thành công nghệ thuật xuất sắc của cây bút trẻ Ðôxtôiepxki. Trong những người cùng khổ, Ðiêvuskin tự bộc lộ, tự biểu hiện, tự thú nhận với thế giới nội tâm phức tạp, nhiều mâu thuẫn. Trong tác phẩm của mình, nhà văn không chỉ đồng cảm mà Ðiêvuskin là một phần của tâm hồn tác giả, đồng điệu với tâm hồìn tác giả. Puskin, Gôgôn tha thiết khẳng định phải coi những con người nhỏ bé là con người, Ðiêvuskin của Ðôxtôiepxki tự nhìn nhận mình và tự khẳng định mình là con người.
Nhà văn trẻ không lý tưởng hóa nhân vật. Ơí Ðiêvuskin có những mặt hạn chế: học vấn ít ỏi, đầu óc còn nặng những tư tưởng quan điểm trì trệ, tù đọng.
Nhưng Ðiêvuskin không phải đơn thuần chỉ như vậy, những mặt yếu kém là do tác động của hoàn cảnh xã hội và môi trường sinh sống nghề nghiệp của riêng anh ta. Ðôxtôiepxki đã tinh tường nắm bắt ở đây tính mâu thuẫn phức tạp giữa đời sống xã hội và tâm lý ý thức của con người. Tính cách của Ðiêvuskin là một tính cách phức tạp, đa dạng, chứa đựng nhiều mâu thuẫn: Một phức hợp giữa những mặt đen tối và những mặt sáng đẹp; giữa mặc cảm tự ti và khát vọng tự khẳng định; giữa tư tưởng an bài định mệnh và những xúc cảm phản kháng đối với trật tự xã hội hiện hành.
Mối tình chân thành, trong sáng vào buổi chiều tà của cuộc đời đã soi rọi cho Ðiêvuskin nhìn nhận mình rõ hơn, tự phát hiện ra con người trong bản thân: Con người có những phẩm chất tốt đẹp hoàn toàn xứng đáng để làm người. Tôi hiểu rõ tôi chịu ơn cô biết bao ! Quen biết cô điều đầu tiên là tôi bắt đầu hiểu biết bản thân sâu sắc hơn và bắt đầu yêu thương cô. Còn trước đó, tôi đơn độc và dường như ngủ chứ không phải sống trên cõi đời này. Bọn họ, những kẻ đối xử độc ác với tôi nói rằng thậm chí hình dạng của tôi cũng khiếm nhã, họ khinh miệt tôi và tôi cũng khinh mệt chính mình; họ bảo rằng tôi đần độn và tôi thật sự cũng nghĩ rằng mình đần độn. Nhưng từ khi gặp cô, cô đã soi rọi cả cuộc đời tối tăm của tôi, làm cho trái tim và tâm hồn tôi bừng sáng, tôi thấy mình có thể yên tâm và hiểu rằng tôi không tồi hơn những người khác, rằng quả thật tôi chẳng có gì chói lọi, hào nhoáng, rực rỡ, nhưng dầu sau tôi vẫn là con người; với con tim và những suy nghĩ của mình, tôi là con người.
Với con tim và những suy nghĩ của mình, tôi là con người. Ðó là điều tự phát hiện có ý nghĩa xã hội sâu sắc của những con người nhỏ bé, đó cũng là tuyên ngôn nhân quyền trọng đại của những con người bị chà đạp.
Dòng suy tư của Ðiêvuskin còn tiến xa hơn nữa. Ðối với anh những tên chẳng chút e dè làm nhục mạ một kẻ côi cút mà coi là người, là những con người được sao? Ðó là loài đê tiện chứ không phải là những con người, chỉ là loài đê tiện thôi, đành tạm phải liệt kê vào loài người, nhưng thật chất là khôngcó chúng, và tôi tin chắc vào điều đó . Ðiêvuskin căm uất, phẫn nộ, trong thâm tâm phủ định quyết liệt những tên thống trị, tự thấy về thực chất, nhân tính chân chính của mình cao quý khác biệt hẳn với loại đê tiện đội lốt người đó.
Những người cùng khổ của Ðôxtôiepxki thực sự là một hiện tượng văn học báo hiệu những triển vọng mới chủ nghĩa hiện thực Nga. Ðiêvuskin vừa kế thừa những Xamxôn Vưrin, Akaki Akakiêvich, vừa vượt một quãng dài những nhân vật tiền thân đó. Ðôxtôiepxki đã sớm tự khẳng định mình là một tài năng nghệ thuật xuất sắc.
2. Tiểu thuyết Tội ác và hình phạt: |
Tội ác và hình phạt là tác phẩm lớn nhất đầu tiên triển khai sâu sắc, hoàn chỉnh những suy tư nung nấu lâu nay, nhất là sau khi Ðôxtôiepxki trực tiếp giáp mặt với chủ nghĩa Tây âu – những suy tư về tình thực trạng xã hội, nhân cách con người đương thời , và hình thức ngôn từ nghệ thuật biểu đạt tương ứng với thực trạng xã hội đo,ï thể hiện được ý đồ nghệ thuật của mình.
Ở tác phẩm này, tài năng nghệ thuật của Ðôxtôiepxki thật sự vượt lên một tầm cao mới, tạo được một thực tế thẩm mĩ xuất sắc, sự hài hòa cân đối giữa việc khắc họa những diễn biến phức tạp trong đáy sâucủa tâm lí, ý thức nhân vật và việc tái hiện hoàn cảnh, môi trường xã hội đã làm nảy sinh và liên tục tác động đến những diễn biến tâm lí đó.
Một sinh viên nghèo- Raxkônnhikôp, nhân vật trung tâm của tiểu thuyết- phạm tội giết một bà già chuyên nghề cầm đồ với giá tiền bắt bí, rẻ mạt. Sinh viên nghèo- loại người quen thuộc ở đất đế đô Nga bây giờ, hành động phạm pháp đó cũng chẳng phải có chuyện gì quá đặt biệt ở Pêtecbua thời ấy. Nhưng chính từ đấy ngòi bút nghệ thuật của Ðôxtôiepxki đã bung ra những vấn đề có ý nghĩa xã hội rộng lớn, những vấn đề thời sự nóng bỏng đương thời về đạo đức, nhân cách con người.
Hành động của tiểu thuyết diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn ngủi vẻn vẹn 14 ngày, trong một không gian hẹp chủ yếu ở Pêtecbua ( trừ phần kết, tác giả lược thuật cuộc sống, những suy tư của Raxkônnhikôp ở trại lưu đày sau khi đã xảy ra vụ án đã 9 tháng).
Nhịp điệu của hành động tiểu thuyết mang tính kịch căng thẳng. Ngay mở đẫu tác phẩm., tác giả đưa ngay chúng ta vào hành động ở thời điểm Raxkônnhikôp sau nhiều ngày nung nấu trăn trơ íđã quyết định thực hiện ý đồ của mình. Và ngay sau đó trong phần một của tác phẩm- tác giả chuyển sang thời điểm của vụ án mạng. Raxkônnhikôp phạm trọng tội giết người, không phải chỉ một mà hai mạng người. Tội ác là thắt nút của hành động, đồng thời là khởi đầu của một nội dung khác của hành động tiểu thuyết- hình phạt kéo dài trong suốt từ phần hai cho đến phần sáu. Hình phạt ở đây không phải chỉ là sự kết thúc của một vụ án mạng, hình phạt được ngòi bút của Ðôxtôiepxki biểu hiện là một quá trình phức tạp diễn ra ngay trong tâm lí, ý thức của nhân vật, quá trình tự nhận thức định hướng tư tưởng, định hướng về giá trị nhân cách của bản thân mình trước kia. Tự nhận thức trong khi suy ngẫm lại hành động tội ác cùng hậu quả của hành động đó; tự nhận thức trong quá trình xúc cảm, suy tư về bao diễn biến phức tạp liên quan đến những con người quanh mình- liên quan đến mẹ và em gái ruột thịt, đến thân phận những kẻ khốn khó gần gũi. Dòng suy tư của Raxkônnhikôp ngày càng xoáy sâu vào chính bản thân, đồng thời cũng là xoáy sâu vào những vấn đề xã hội, tư tưởng, đạo đức đương thời. Bình diện xã hội luôn luôn kết hợp chặt chẽ với bình diện triết lí trong cuốn tiểu thuyết – bi kịch của Ðôxtôiepxki.
Raxkônnhikôp phạm trọng tội giết người nhưng đây không phải là một tên giết người cướp của tầm thường. Anh ta là một kẻ sát nhân khá đặc biệt, giết người với một thứ triết thuyết mà anh ta tự tạo dựng cho mình. Raxkônnhikôp là một sinh viên có tư chất thông minh, tính tình khẳng khái, trung thực, nhưng quá túng thiếu, nghèo khổ đành phải bỏ học. Sau khi bố, một viên chức nhỏ qua đời, mẹ và em gái ở quê lâm vào tình cảnh thiếu thốn, cùng quẫn. Ðể có thể giúp đỡ mẹ và anh, Ðunhia- em của Raxkônnhikôp- đành nhận làm gia sư cho Xviđrigailôp, một địa chủ giàu có, và ở đây cô phải chịu đựng bao điều tủi nhục xót xa.
Cảnh nhà đã vậy, trong cái xóm dân nghèo, nơi Rakônnhikôp ở, trước mắt chàng trai ngày tiếp ngày diễn ra bao cảnh đời lầm than, cùng quẫn. Anh thấu hiểu sâu sắc rằng không chỉ riêng mình, gia đình mình mà vô số những ngưòi khác, gia đình khác gần gũi thân quen cũng đang bị cái cơ chế của xã hội hiện hành đày đọa trong cảnh ngộ khốn quẫn, hèn kém, tủi nhục.
Nhưng đồng thời chàng thanh niên trí thức Nga ấy lại rất xa cách với mọi người, thậm chí lìa tránh mọi người. Anh ta luôn tự coi mình khác biệt, phi thường. Raxkônnhikôp tự khép kín lòng mình trong suy tư đơn độc, nung nấu những nỗi căm uất về trình trạng bất công, phi nghĩa của xã hội, tìm tòi lối thoát bằng sức lực của cá nhân mình.
Raxkônnhikôp là con người luôn suy tư, luôn nghiền ngẫm, phân tích những ấn tượng xúc cảm, hành vi của mình. Nghiền ngẫm, phân tích, đối chiếu những hiện tượng, những con người trong xã hội Nga đen tối đương thời, Raxkônnhikôp khái quát thành một luận điểm tư tưởng lầm lạc nghiêm trọng: Xã hội phân ra thành hai loại người- tầm thường và phi thường, hạ cấp và cao cấp. Trong khi đa số những kẻ tầm thường nhẫn nhục phục tùng cái trật tự hiện hành thì một số những người phi thường như Napôlêông chẳng hạn, dám chống lại cái trật tự đương thời, dám khinh miệt những chuẩn mực đạo đức thông thường, phổ biến, không nề nà tội ác và bạo lực, buộc mọi người phải tuân thủ ý kiến của mình. với luận điểm đó, Raxkônnhikôp trăn trở , dằn vặt không nguôi: mình thuộc loại người nào? Tầm thường hay phi thưòng? Có dám làm một Napôlêông bất chấp mọi biện pháp, kể cả tàn sát sinh mạng con người, miễn là đạt được mục đích, hay đành nhẫn nhục trong thân phận một sinh vật run rẩy sợ sệt? Hoặc làm nô lệ gục đầu làm nô lệ trong tủi nhục hoặc làm chúa tể thống trị, thâu tóm mọi quyền lực trong tay? Raxkônnhikôp không thấy con đường nào khác ngoài hai cực đối lập đó. Và chính những suy tư đó đã dẫn đến hành động giết người của Raxkônnhikôp để thể nghiệm chính mình.
Cái quan niệm về loại người phi thường siêu nhân, cái tư tưởng dám làm một Napôlêông của Raxkônnhikôp quanh quẩn chỉ là những dị bản của tư tưởng cá nhân chủ nghĩa, vị kỉ cực đoan của giai cấp tư sản đang hãnh tiến trên đất nước Nga, đang ngày càng củng cố, phát triển mạnh mẽ cái trật tự phi nghĩa, tàn bạo mà chính Raxkônnhikôp đang ngày đêm căm uất. Tấn bi kịch của Raxkônnhikôp bắt nguồn từ sự căm ghét cái trật tự xã hội đó nhưng lại không vượt qua được nó. Ðó chính là con người của anh ta.
Như vậy, qua nhân vật trung tâm của tác phẩm, Ðôxtôiepxki đã xây dựng được một loại hình ý thức tâm lí mới mẻ, có ý nghĩa khái quát rộng lớn.
Tiếp theo tội ác là hình phạt. Hình phạt ở đây không phải là sự kết thúc một vụ án mà là hình phạt xảy ra trong chính cá nhân Raxkônnhikôp.
Tâm trí Raxkônnhikôp luôn căng thẳng để nhằm lẩn tránh, che giấu trọng tội, nhiều lúc Raxkônnhikôp cảm thấy toàn thân rã rời, đầu óc tưởng đến vỡ tung ra. Nhưng lẩn tránh che giấu sao được hình phạt nghiêm khắc của chính lương tâm, lương tri bản thân! Nỗi nhức nhói ở đây ngày càng xót xa, vì sau lần kiểm nghiệm có dám làm một Napôlêông phi thường không, Raxkônnhikôp cảm nhận sâu sắc tự mình đã hủy diệt những quan hệ giữa mình với mọi người, đã chia lìa hẳn với mọi người kể cả những người thương yêu, ruột thịt. Vị kỉ cực đoan, siêu nhân chủ nghĩa- đó là hủy diệt nhân cách, nhân phẩm của chính mình, là tự sát. Khi vung búa lên giết bà già cầm đồ khốn khổ đó, đâu phải chỉ là giết bà ấy mà cũng là vung búa lên đập tan tành tính người của chính mình. Và không còn tính người thì làm gì còn là con người, là sống đích thực? Trong một lần đối thoại gay gắt, Raxkônnhikôp đã thốt lên: Ta đã giết không phải một người, ta đã giết một nguyên lí!. Ðúng vậy, cái tư tưởng phi thường, siêu nhân đã xô đẩy Raxkônnhikôp đến chỗ sát hại ngay trông bản thân cái nguyên lí nhân tính, nhân ái trong cuộc sống con người.
Biệt tài của ngòi bút tiểu thuyết của Ðôxtôiepxki thể hiện sáng rõ ở tác phẩm này sự kết hợp hài hòa, cân đối giữa cái nhìn xoáy sâu vào những ngóc ngách ẩn kín của ý thức, tâm lí nhân vật và cái nhìn bao quát thực tại xã hội, những mối quan hệ phức tạp giữa người với người trong thực tại đó. Những tư tưởng và hành vi của Raxkônnhikôp luôn được tác giả miêu tả trong quan hệ đối chiếu một cách tinh tế với thế giới bên ngoài, với những tư tưởng, hành vi, tính cách, số phận của nhiều người khác, và chính qua đó làm sáng tỏ ý nghĩa xã hội, đạo đức của tấn bi kịch Raxkônnhikôp.
Trong Tội ác và hình phạt, ngoài tuyến cốt truyện trung tâm là tuyến tội ác và hình phạt của Raxkônnhikôp, tác giả đã xây dựng một số cốt truyện tương đối độc lập nhưng có tác dụng quan trọng soi rọi tuyến trung tâm, – như tuyến gia đình Marmêlađôp với những số phận, kiếp đời thê thảm, trong đó nổi bật lên tâm hồn cô gái Xônhia vị tha, bác ái thầm lặng ; hay tuyến cốt truyện của Ðunhia, cô gái nghèo trung thực, khảng khái, trở thành vật săn đuổi của những tên Xviđrigailôp, Lugin lắm tiền nhiều của, tâm địa hắc ám, hiểm độc…
Xônhia là một nhân vật hiện thực trong xã hội đế đô Pêtecbua bây giờ. Xônhia gắn liền với mô típ hình phạt, đồng thời thể hiện mô tip phục sinh của tác phẩm. Cô gái thánh thiện với tình cảm vị tha, bác ái, nhẫn nhục, chịu đưng mọi hi sinh, đậm sắc màu cứu thế của chúa thiêng liêng được tác giả xây dựng tiêu biểu cho lí tưởng mà ông cho là gần gũi với quần chúng nhân dân Nga. Trái với Raxkônnhikôp đang bị những tư tưởng siêu nhân, vị kỉ mang tính chất lí trí giá lạnh, tàn nhẫn cuốn hút, ám ảnh.
Xônhia được ngòi bút của nhà văn đưa kên thành một tượng trưng, một nguyên lí sống, một con đường, một giải pháp mà ông kì vọng có khả năng đưa xã hội Nga, con người Nga ra khỏi trình trạng ngầu đục, thác loạn, đẫm đầy nước mắt và máu đương thời. Ðương nhiên, con đường với nguyên lí Xônhia đậm màu tôn giáo đó chỉ là một ảo tưởng chủ quan, biểu hiện những mâu thuẫn trong thế giới quan của tác giả.
3.Tiểu thuyết Anh em nhà Karamadôp |
Tiểu thuyết Anh em nhà Karamadôp tiếp tục triển khai những chủ đề cơ bản, tính cách mà chúng ta gặp trong những tác phẩm trước đây, vừa đưa chúng lên một bình diện khái quát triết lý – xã hội sâu rộng hơn. Tác phẩm này được xem là một trong những thành tựu lớn nhất của văn học Nga và thế giới thế kỷ XIX ảnh hường mạnh mẽ đối với văn học thế giới trong cả thế kỷ XX.
Tiểu thuyết anh em nhà Karamadôp khắc họa thành công bức tranh xã hội phức tạp nhiều màu sắc chồng chất, đan chéo nhau, đối địch nhau gay gắt, đặc tả thành công những ngóc ngách tâm lý ẩn kín của con người. Tác phẩm này bộc lộ rõ những mâu thuẫn, những chao đảo trong ý thức nhà văn: giữa Ðôxtôiepxki – người rao giảng đạo đức chính giáo Nga và Ðôxtôiepxki – nhà văn hiện thực suốt đời lo cho số phận của con người, của nhân dân Nga, của nhân loại. Ông chân thành đề cao những tư tưởng tôn giáo của mình và ngay sau đó bộc lộ nỗi hoài nghi đối với những tư tưởng đó trong qúa trình phát triển nhân vật. Cốt truyện của tác phẩm có phần mở đầu và kết thúc nhưng những vấn đề xã hội, tư tưởng, đạo đức, nhân cách được đề xuất luôn luôn mâu thuẫn và thực sự chưa có lời giải đáp cuối cùng, dứt khoát.
Tuyến cốt truyện trung tâm của bộ tiểu thuyết được xây dựng trên cơ sở những sự việc, những con người trong một gia đình ngẫu hợp . Những tính chất ngẫu hợp của gia đình Karamadôp đạt đến mới quái đản, khủng khiếp, đến mức con có thể giết bố. Gia đình Karamadôp có ba thằng con trai. Hai đứa hợp pháp được học hành và một đứa con hoang vô học, tên nào sẽ hạ sát lão bố Karamadôp? Xét hành vi, tâm địa của chúng, mỗi đứa một vẻ, nhưng tên nào cũng đều có khả năng dám nhúng tay vào máu. Vụ án mạng đã xãy ra ; tiếp đó là cuộc truy lùng tên sát nhân tặc tử; rồi tòa án xét xử, kết án tội phạm… Hành động của tiểu thuyết dẫn người dọc vào vòng lưu chuyển căng thẳng của những tình huống.
Tội ác và hình phạt ở đây phức tạp, rối rắm và khủng khiếp. Ơí đây con người lao vào trận đụng độ có thể sát hại nhau, xoáy cuộn đủ thứ dục vọng sôi sục, nóng bỏng, có thể thiêu cháy tất cả những gì là lương tâm, lương tri con người: Dục vọng tiền bạc phân chia gia tài; dục vọng chiếm đoạt người đẹp hạ thủ thù địch; dục vọng điên cuồng báo thù kẻ đã gây nên những nỗi sỉ nhục trong cuộc đời mình. Ơí đây, một cuộc đụng độ sống còn của những dục vọng đam mê giữa bố và con; một cơn lốc xoáy của những thèm khát đen tối phá tan một cộng đồng thường được coi là tế bào của xã hội.
Bộ tiểu thuyết này được phân thành 12 quyển, mỗi quyển gồm nhiều chương liên kết với nhau theo một lôgic cân đối, chặt chẽ. Nhà văn đã xây dựng một hệ thống khá đông nhân vật gồm cả nhân vật chính và nhân vật phụ. Trong tiểu thuyết này, ngoài tuyến cốt truyện chính, nhà văn còn kết hợp và mở ra nhiều tuyến phụ nhằm bao quát các vấn đề xã hội và soi rõ chủ đề trung tâm.
Fêđor Karamadôp là dị bản của Vankôpxki, Xviđrigailôp… Lão là hiện thân cho thói xa đọa cùng cực của giới triệu phú đương thời làm giàu bằng mọi mánh khóe, dơ dáy, tàn bạo; Ðó là một tên bông phèng, cợt nhã, trơ trẽn, tự mình cho rằng có thể làm được tất cả mọi chuyện bất chấp mọi chuẩn mực đạo đức. Hành động hãm hiếp một cô gái dở hơi vỉa hè và đứa con hoang ra đời, cũng như việc hắn không chấp nhận đứa con hoang đó là một lẽ tất nhiên của nhân cách đã suy thoái của hắn. Hành động hắn giành giật cô gái điếm Grusenka với con trai cả là Ðmitơri cũng là một hành động phản ánh đúng bản chất của hắn. Ơí đây, cô gái Grusenka là tượng trưng cho cái đẹp bị mua bán, chà đạp, sỉ nhục.
Ðứa con cả Ðmitơri là một tên ngỗ ngáo, táo tợn, dữ dội, luôn hững hực những dục vọng, những đam mê không sao điều tiết, kiềm chế được. Việc hắn ăn chơi xả láng cũng như công khai tuyên bố giết bố và giành lại người yêu phản ánh bản chất của hắn. Có lần hắn đã điên tiết hò hét: – Tôi sẽ giết ông .Tuy nhiên, Ðmitơri vẫn còn tin vào Chúa, vào cơ hội phục sinh trong tội lỗi và bằng tội lỗi.
Ðứa con thứ hai – Ivan, là dị bản của Raxkônnhikôp, là một kẻ thèm khát làm một Napôlêông, bất chấp tất cả chuẩn mực đạo đức miễn sao đạt được mục đích. Ðây là một con người vô thần đắm mình vào những luận điểm tư tưởng siêu hình trừu tượng, duy lý giá lạnh. Hắn cho rằng: Chúa chẳng hề có, bất cứ hành động nào cũng được tất ! . Chính vì vậy, hắn công khai giành giật gia tài với anh cả Ðmitơri, hắn lạnh lùng khinh miệt cả bố và anh. Trong lúc gia đình rơi vào tình huống gay cấn, hắn lạnh lùng ra đi với tâm địa đen tối: Mặc xác lũ ác thú xâu xé nhau, phần lợi sẽ về hắn. Về thực chất hắn là tên đồng lõa với kẻ đã giết bố mình.
Xmerđiakôp, đứa con hoang của lão bố Fêđor – đó là sản phẩm của tội ác và cũng là hiện thân của tội ác. Do mặc cảm tâm lý bị sỉ nhục, chà đạp, hắn căm ghét tất cả, từ lão bố cho đến nước Nga, nhân loại. Hắn chỉ rình rập toan tính xoay đủ số tiền và cút khỏi nước Nga.
Aliôsa là đứa con út. Ðây là một chàng trai sùng đạo, kính chúa với tấm lòng trong trắng, không chút vết nhơ, và một tấm lòng yêu thương bao la. Trong tiểu thuyết, Aliôsa giữ vai trò như đặc phái viên của nhà thờ chính giáo, giữ nhiệm vụ hàn gắn những rạn nứt trong gia đình. Chàng trai thánh thiện đó thật sự là thần tượng đạo đức của cả gia đình. Chàng như là cứu cánh, một con đường để con người sống tốt hơn như ý tưởng của Chúa. Và quả thật mọi người đều rất kính nể và yêu thương chú. Tâm sự với chú về tất cả những suy tư của mình. Ơí đây chúng ta gặp lại chủ đề quen thuộc và là niềm khẩn thiết chân thành của Ðôxtôiepxki về con đường cứu rỗi của Chúa. Thế nhưng hiện thực hoàn toàn ngược lại. Con đường của Chúa khong thể cứu được lão bố Fêđor. Tội ác đã xãy ra. Lão Fêđor bị đập vỡ đầu chết tươi; tên xảo trá Xmerđiakôp tuy vớ được số tiền lớn nhưng kinh hoàng tự sát; Ivan sau những cơn ác mộng, lương tâm thẩm vấn gay gắt, trở nên mất trí, điên dại; Ðmitơri tuy chưa phạm tội giết bố những bị tòa xét xử nhầm lẫn và bị kết án lưu đày biệt xứ; Grusenka tự nguyện đi theo Ðmitơri để chuộc lại lỗi lầm.
Ðôxtôiepxki trong tác phẩm của mình đã luận chiến bác bỏ gay gắt những giáo lý Kitô vẫn thường được coi là chân lý. Ông đặt ra câu hỏi: Con người sinh ra bất cứ ai, đều là kẻ chịu tội tổ tông ư ? Vì vậy ai ở cõi thế gian này, sang, hèn, già, trẻ, mạnh, yếu đều là kẻ có tội, phải biết nhẫn nhục chịu đựng khổ ải để cứu rỗi linh hồn ư ? Vị tha, bác ái là tha thứ, khoa dung tất cả, không được tự phép cho mình quyền được phán xét ai cả, kể cả những kẻ gây khổ nhục đớn đau cho những đứa bé trẻ thơ, con đẻ rứt ruột của mình ư ? Qua lời tranh luận giữa Ivan với Aliôsa, nhà văn đã thực sự nổi loạn, buộc những giáo lý đó phải bộc lộ tính chất quanh co, ngụy tạo, thậm chí phi luân lý, phản đạo đức, đồng lõa với tội ác. Ðối với Ðôxtôiepxki kí ức đạo đức, lương tâm nhân loại không dung thứ bất cứ sự hài hòa, trí trá, phản đạo đức nào, trong đó những tội ác tày trời phải bị trừng phạt.
Qua tác phẩm Anh em nhà Karamadôp, Ðôxtôiepxki đã khẳng định tài năng khái quát nghệ thuật của mình, khẳng định một tư duy nghệ thuật mới – Tư duy đa thanh. Tiểu thuyết đa thanh đã thật sự giành được vị trí của mình trong sự tương quan với tiểu thuyết độc thoại của nền văn học châu Âu. Ðó thật sự là một bước tiến văn học có ý nghĩa lớn lao đối với nền văn học thế giới thể kỷ XX.
http://websrv1.ctu.edu.vn/coursewares/supham/vhnga/ch4.htm
Puskin là nhà thơ Nga vĩ đại, là niềm tự hào của dân tộc Nga và của chung nhân loại. Sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với toàn bộ nền văn học Nga, góp phần đưa văn học Nga lên đến đỉnh cao của sự phát triển. Chính ông đã tiếp thu những tinh hoa của văn học truyền thống, phát triển và hoàn thiện nó; một mặt ông đã nâng nó lên một trình độ cao hơn, mở đầu cho một nền văn học tiên tiến và hoàn mĩ.
I.KHÁI QUÁT TIỂU SỬ VÀ SỰ NGHIỆP SÁNG TÁC
Cuộc đời của Puskin luôn gắn liền với sự nghiệp sáng tác và có thể chia thành bảy thời kì khác nhau. Mỗi thời kì phản ánh những sự kiện quan trọng trong cuộc đời thi sĩ, đồng thời thể hiện những bước trưởng thành trên con đường sáng tác của ông.
1. Thời thơ ấu (1799 – 1811): |
Alecxanđrơ Xecgâyêvit Puskin sinh ngày 06 tháng 6 năm 1799 (lịch cũ: 25-6) tại Matxcơva trong một gia đình quý tộc thượng lưu. Bên nội bên ngoại của ông đều là dòng dõi quyền quý nhưng lúc này đã sa sút. Tuy nhiên Puskin vẫn có đủ điều kiện để sống một tuổi thơ êm đềm và thơ mộng.
Từ nhỏ Puskin đã tiếp xúc với không khí văn học và đặc biệt yêu thích nó. Cha của Puskin – Xecgây Livôvits Puskin- là một người yêu thích văn chương và sân khấu. Chú của Puskin- Vaxili Livôvits- cũng là một nhà thơ nổi tiếng đương thời. Các nhà thơ lớn như Caramdin, Giucôpxki, Bachiuscôp, Ðmitơriep vẫn thường xuyên đến nhà ông thảo luận về các vấn đề văn học. Không khí văn học đó chắc chắn đã có ảnh hưởng không ít đến tâm hồn nhạy cảm của cậu bé Puskin. Thêm vào đó, Puskin còn được học và đọc rất nhiều bài thơ và văn xuôi Pháp, được tiếp xúc trực tiếp với văn học dân gian vô cùng phong phú Nga qua bà nhũ mẫu Arina Rôđiônnôpna và lão nô bộc Nikitia Côdơlôp. Tất cả những điều kiện thuận lợi đó đã thúc đẩíy tài năng văn học Puskin sớm được nảy nở và phát triển.
2. Thời kì học ở trường Lixê ( 1810-1817 ): |
Khi Puskin lên 10 tuổi, cậu vào học ở trưòng Lixê. Ðó là một trường học chỉ dành riêng cho con em quý tộc nằm cách Matxcơva vài trăm dặm. Trường nằm trong khu đất của nhà vua và chuyên đào tạo ra những con người phục vụ chế độ chuyên chế, tiếp nối sự nghiệp thống trị của Nga hoàng.
Nhưng cũng tại Lixê, Puskin đã có dịp tiếp xúc với nhiều tư tưởng tự do của các giáo sư tiến bô. Nơi đó , trong kí ức của ông sau này, có nhiều người bạn trở thành những chiến sĩ cách nmạmg phấn đấu vì một nước Nga tiến bộ. Những người bạn đó đã gợi cho ông nhiều cảm xúc và đó là nguồn cảm hứng to lớn cho nhiều bài thơ bất diệt trong sự nghiệp sáng tác của Puskin .
Cũng trong thời gian Puskin học tại trường Lixê, cuộc chiến tranh vệ quáôc của nhân dân Nga cjhống lại sự xâm lược của Napôlêông diẽn ra, sự kện đó đã có ảnh hưởng to lớn đến nhân sinh quan, thế giới quan của nhà thơ. Tinh thần yêu nước của nhân dân đã thúc đẩy mãnh liệt tinh thần dân tộc trong tâm hồn Puskin. Ông đã sáng tác bài thơ Những kỉ niệm hoàng thôn mà nội dung của nó là ca ngợi tinh thần yêu nước của nước Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
3. Thời kỳ Pêtecbua (1817 – 1820): |
Tháng 6 năm 1817, Puskin tốt nghiệp xuất sắc trường Lixê. Ngay sau đó ông được bổ nhiệm làm thư kí bộ ngoại giao ở Pêtecbua. Lúc này Pêtecbua đang trở thành một trung tâm nóng bỏng không khí chính trị. Chính phủ Nga hoàng ngày càng tỏ ra phản động. Chương trình cải cách tiến bộ của Xpêranxki bị gạt bỏ. Arăcxêep, một kẻ bảo thủ cực đoan được Nga hoàng tin dùng, không ngừng đưa ra hàng loạt những chính sách ngu dân, phản động. Trước tình hình đó, nhiều thanh niên trí thức tiến bộ đã lập ra những tổ chức bí mật chống lại Nga hoàng. Lúc này vấn đề làm gì ?, sống như thế nào ? đối với Puskin trở thành một vấn đề quan trọng. Và Puskin đã hòa mình vào không khí cách mạng, liên hệ mật thiết với nhiều nhà hoạt động cacïh mạng tiến bộ. Ông đã cho ra đời nhiều bài thơ có nội dung chống chế độ chuyên chế: Tự do (1817), Những câu chuyện thần thoại Noel (1818), Gởi Sađaép (1818), Làng (1819) … Những bài thơ này tuy không được đăng công khai nhưng nó nhanh chóng phổ biến trong nhân dân.
Với tiếng thơ mới mẻ, trẻ trung, tràn đầy sức sống, tràn đầy tinh thần công dân cao cả, những bài thơ của Puskin đã dấy lên một phong trào thơ ca mới, đầy tinh thần cách mạng. Lần đầu tiên, thơ ca đã thức tỉnh ý thức nhân dân chống lại chế độ nông nô chuyên chế Nga hoàng:
Hỡi tên vua chuyên quyền bạo ngược
Ta căm ngươi, ngôi báu của ngươi
Ta thấy trước với niềm vui cay độc
Cái chết của ngươi của cháu con ngươi.
Những bài thơ của Puskin đã làm cho Nga hoàng giận giữ. Ông ta quyết định: Phải tống cổ Puskin đi Xibiri. Nếu không, hắn sẽ làm cho nước Nga tràn ngập những bài thơ nổi loạn. Tất cả bọn thanh niên đều đã thuộc lòng thơ của hắn. Thế nhưng, với lòng yêu mến tài năng và khâm phục những tư tưởng tự do, cách mạng, nhiều nhà thơ, nhà văn có uy tín như nhà thơ Ðecgiavin, nhà văn Caramdin, nhà thơ Giucôpxki đã ra sức bảo vệ Puskin. Cuối cùng Nga hoàng phải nhượng bộ và đày Puskin đi phương Nam.
4. Thời kì lưu đày ở phương Nam (1820 – 1824): |
Thời kì lưu đày ở phương Nam kéo dài bốn năm, trong thời gian đó Puskin phải di chuyển qua nhiều nơi: Capca, Crum, Kisinhôp (1820 – 1823), Ôđetxa (1823 – 1824).
Ở phương Nam Puskin lại tiếp tục con đường của mình. Ông đã bắt gặp nơi phương Nam hoang vắng này những phong cảnh thiên nhiên tráng lệ, những con người lao động hồn nhiên, chân thật và phóng khoáng. Chẳng những thế Puskin còn gặp gỡ với một tổ chức cách mạng mà đại diện là Pêxte. Puskin đã nhận định về Pêxte như sau: Ông là một trong những trí tuệ đặc sắc nhất mà tôi được biết.
Ở phương Nam Puskin thường đi dạo chơi trên bãi biển, trên triền núi, hòa nhập vào cảnh hoành tráng của thiên nhiên. Có lúc ông lại bỏ ra hàng giờ đi bộ đến những làng xóm của cư dân địa phương, hỏi han, trò chuyện, tìm hiểu phong tục tập quán, sinh hoạt của người dân lao động.
Thời gian này, Puskin ý thức một cách sâu sắc hơn về giá trị và bản chất đích thực của tự do. Tiếng thơ của ông trở nên trầm lắng và thường có tính chất tâm sự. Ông tâm sự với núi non, với biển ca với cánh chim bị giam lồng… Hàng loạt những bài thơ đã ra đời, phản ánh cảm giác về tự do thường trực trong tâm hồn nhà thơ: Aïnh mặt trời của ban ngày đã tắt (1820), Người tù (1822), Con chim nhỏ (1823) Hỡi sóng cả ai ngăn chặn (1823), Người gieo giống trên đồng vắng (1823).
Môi trường phương Nam và không khí lịch sử – xã hội của thời đại đã đặt ra những yêu cầu mới cho sáng tác của Puskin. Nhà thơ muốn thể hiện những thể loại lớn hơn: trường ca; và phương pháp sáng tác mới: phương pháp lãng mạn. Năm 1820, trường ca Rutxlan và Liutmila ra đời.
Bản trương ca Rutxlan ra đời đã nâng Puskin lên một vị trí mới, đánh dấu sự chiến thắng của chủ nghĩa lãng mạn đối với các khuynh hướng văn học khác.
Tuy nhiên, Puskin không dừng lại với những thành công đã đạt được. Tiếp theo trường ca Rutxlan và Liutmila, Puskin đã sáng tạo thêm hàng loạt trường ca: Người tù Capca (1820 -1821), Anh em kẻ cướp (1821 – 1822), Ðoàn người Sưgan (1824). Những tác phẩm này đã phản ánh sự bất mãn không thỏa hiệp của tầng lớp thanh niên tiến bộ đương thời đối với trật tự xã hội hiện hành. Với những tác phẩm này, Puskin trở thành đại diện cho khuynh hướng văn học lãng mạn cách mạng.
Nhưng hiện thực xã hội đòi hỏi Puskin phải không ngừng tìm tòi, sáng tạo, sáng tác theo một phương pháp phù hợp. Puskin bắt đầu viết tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônhêghin, thể nghiệm phương pháp hiện thực.
5. Thời kì lưu đày phương Bắc (1824- 1826): |
Nhận thấy việc lưu đày Puskin về phương Nam không thể đàn áp được tinh thần của ông, Nga hoàng quyết định đẩy Puskin về phương Bắc. Thời gian lưu đày ở đây ông sống tại làng Mikhailôpxkôe và bị quản thúc chặt chẽ. Puskin dường như phải sống trong cô đơn và cách li hoàn toàn. Người thân duy nhất bên ông lúc này là nhũ mẫu Aria Rôđiônnôpna.
Những đêm mùa đông lạnh lẽo, bà thường kể cho Puskin những câu chuyện cổ tích, hát những khúc dân ca Nga buồn thương. Chính bà đã giúp cho Puskin hiểu được thế nào là tâm hồn Nga bình dị, tinh thần cao cả của nhân dân.
Puskin đã viết về nhũ mẫu:
Mái lều ta quạnh hiu
Tiêu điều không ánh lửa
Bà ơi sao ngồi im
Âm thầm bên song cửa?
Hay tiếng rít bảo giông
Ðã làm người muốn nghỉ?
Hay người đang mơ mộng
Theo tiếng sa rền rĩ?
Sống tại làng Mikhailôpxkôie, Puskin vẫn tiếp tục gặp gỡ, tiếp xúc, tìm hiểu cuộc sống của những người lao động bình dị. Puskin tiến hành ghi chép, sưu tầm, và nghiên cứu về văn hóa dân gian. Ông tìm thấy trong công việc của mình một niềm lạc quan mới mẻ, một tinh thần mới ở nhân dân. Puskin bắt tay vào nghiên cứu lịch sử dân tộc và viết vở bi kịch lịch sử Bôrit Gôđunôp (1825). Cũng trong thời gian này Puskin tiếp tục viết tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônêghin.
Tuy nhiên, công việc sáng tác của Puskin không hề thuận lợi. Có lúc ông bị khủng hoảng tinh thần trầm trọng. Nhưng cũng vào lúc đó, thiên thần hộ mệnh Kernơ của ông xuất hiện . Chính tình yêu cao cả đã cứu Puskin và trả lại cho ông niềm cảm xúc tuyệt vời. Puskin đã viết lên những câu thơ kì diệu:
Anh nhớ mãi phúc giây huyền diệu
Trước mắt anh em bỗng hiện lên
Như hư ảnh mong manh chợt biến
Như thiên thần sắc đẹp trắng trong
… Quả tim lại rộn ràng náo nức
Vì trái tim sống dậy đủ điều
Cả tiên thần, cả nguồn cảm xúc
Cả đời, cả lệ, cả tình yêu
Từ đây, nhiều kiệt tác trữ tình của thơ ca Nga xuất hiện: Con đường mùa đông, Lá thư bị đốt cháy. Những bài thơ này thường đượm một vẻ buồn, khi phảng phất, khi sâu lắng nhưng sắc điệu cơ bản của chúng vẫn là một nỗi buồn trong sáng.
Trong khi Puskin đang sống cô đơn tại Mikhailôpxkôie thì rạng sáng ngày 14 tháng 12 năm 1825, một cuộc khởi nghĩa vũ trang nổ ra ở Pêtecbua. Sau đó cuộc khởi nghĩa chống Nga hoàng bị lật đổ và hàng trăm người tham gia bị bắt, bị xử tử, bị kết án đày đi Xibiri, trong đó có nhiều người là bạn thân thiết của Puskin. Kể từ đây, Puskin phải cùng lúc đối đầu với hai kẻ thù lớn, đó là Nga hoàng và sự bi quan, thất vọng. Nhưng trong hoàn cảnh đó, lòng yêu nước, tinh thần cách mạng của Puskin cùng với lời nhắn gởi thiết tha và sự hy sinh cao cả của những người bạn đã cổ vũ tinh thần nhà thơ. Tinh thần đó mãi mãi dư âm trong lòng nhà thơ công dân, thôi thúc nhà thơ sáng tác vì tự do và tiến bộ. Sau này, những bài thơ xuất sắc như Ariôn (1827), Cây Ansa(1828), Gửi tới Xibia (1829) cũng bắt nguồn từ tinh thần bất tử đó.
6. Thời kì sau khởi nghĩa tháng Chạp 1825 |
Biết không thể khép tội và trấn áp tinh thần Puskin, Nicôlai I bèn thay đổi thủ đoạn. Hắn cho gọi Puskin về Matxcơva. Lúc này triều đình Nga hoàng ngày càng bộc lộ bản chất phản động. Nicôlai I biết rõ ảnh hưởng và uy tín của Puskin nên âm mưu muốn biến nhà thơ nhân dân thaönh nhà thơ cung đình , phục vụ cho việc giải trí. Puskin phải trực tiếp đối mặt với kẻ thù của nhân dân. Thời gian này ông cho ra đời các bài thơ nổi tiếng: Ariôn (1827), Cây Ansa(1828), Gửi tới Xibia (1829).
Cũng trong thời gian này, Puskin gặp người bạn đời của mình- tiểu thư Natalia Nikôlaiepna Gônsarôva (1812- 1863). Tình yêu trong sáng và mãnh liệt đã đem lại cho Puskin những niềm cảm hứng bất tận. Puskin đã viết về Natalia:
… Nàng trang nghiêm, ánh mắt nàng thông tuệ
Trong hào quang thanh thoát nhân từ
Dưới gốc cọ Xiôn lặng lẽ ưu tư
Chỉ hai người, không thích thần hộ vệ…
Ngày 18 tháng 12 năm 1831 diễn ra lễ cưới của Natalia và Puskin.
7. Những năm cuối cùng: |
Giai đoạn cuối cùng của nhà thơ Puskin có thể kể từ 1830 trở đi. Thời kì này, trong cuộc sống xã hội cũng như trong đời tư của Puskin có nhiều thay đổi. Tôi không có thời gian rãnh; cuộc sống lạnh lùng, tự do cần thiết cho một nhà văn cũng không có nốt. Tôi quay cuồng trong xã hội thượng lưu, vợ tôi lại rất ăn diện… Tất cả những cái đó cần có tiền mà tiền thì kiếm bằng lao động, nhưng muốn lao động thì phải yên tĩnh.
Trong thời gian khó khăn đó, Nicôlai I rất mê sắc đẹp của Natalia. Hắn tìm mọi cách để tiếp xúc, gần gũi với người đẹp. Nực cười hơn, hắn còn ban cho Puskin chức thiéu niên thị toöng, một chức mua vui chỉ dành cho những người trẻ tuổi. Puskin bị xúc phạm nặng nề. Mâu thuẫn giữa Puskin với Nga hoàng ngày càng gay gắt.
Nhưng những lúc khó khăn nhất, Puskin lại tìm thấy niềm vui trong sáng tác nghệ thuật. Thời gian này, Puskin cho ra những bài thơ xuất sắc: Mùa thu, Tôi trở lại thăm, Ðài kỷ niệm…
Cũng trong thời gian này, Puskin viết trường ca Kỵ sĩ đồng và hoàn thành tiểu thuyết thơ Epghênhi Ônêghin .
Trong giai đoạn sáng tác cuối cùng này, Puskin chú ý nhiều về kịch và văn xuôi. Quyển tiểu thuyết Người con gái viên đại úy được xem là Cuốn bách khoa toàn thư bằng văn xuôi của đời sống Nga cuối thế kỷ XVIII.
Từ 1830 trở đi, những âm hưởng của chủ nghĩa lãng mạn không còn trong sáng tác của Puskin. Xu thế chủ nghĩa hiện thực trở thành xu hướng chung trong các sáng tác của ông.
Trong lúc Puskin tập trung trí lực vào sáng tác thì bọn quý tộc đã tìm mọi cách hãm hại thi sĩ. Chúng phao tin để gây xung đột giữa tên Pháp lưu vong Ðăngxtet và nhà thơ. Ðể bảo vệ danh dự và chính nghĩa, Puskin đã đấu súng và mất vào ngày 10 tháng 2 năm 1837.
- THƠ TRỮ TÌNH CỦA PUSKIN
Thơ trữ tình của Puskin chiếm vị trí đặc biệt quan trọng trong kho tàng thơ ca Nga. Ông đã sáng tác hơn 800 bài thơ có giá trị. Mặc dù Puskin có viết văn, viết kịch nhưng thủy chung ông vẫn là nhà thơ.
Thơ Puskin có nội dung rộng lớn nhưng có thể gom về các chủ đề lớn như sau: 1. Chủ đề phê phán chế độ chuyên chế Nga hoàng, 2. Chủ đề ca ngợi tự do, 3. Chủ đề thiên nhiên, 4. Chủ đề tình yêu.
1. Chủ đề phê phán chế độ chuyên chế Nga hoàng: |
Thơ Puskin gắn liền với quá trình vận động cách mạng ở Nga trong suốt nửa đầu thế kỷ XIX. Chính nội dung phản ánh cuộc sống nhân dân kết hợp với khí thế thời đại đã làm nên giá trị các tác phẩm trữ tình của Puskin. Nội dung phản ánh xã hội đương thời là không thể phủ định, tuy nhiên, cần thấy rõ nội dung phản ánh trong thơ Puskin mang tính khuynh hướng rõ rệt. Ðó là thái độ phủ định chế độ Nga hoàng một cách trực tiếp thông qua sự tái hiện một cách chân thật bộ mặt xấu xa của xã hội cùng với sự phê phán gay gắt xã hội đó.
Thơ Puskin ca ngợi cái đẹp, thơ ông cũng phê phán, phủ định cái xấu. Nhưng cái xấu ở đây không phải là cái xấu ngẫu nhiên, cái xấu của sự vật tương đối, mà nó là cái xấu bản chất của xã hội, của chế độ, cái xấu đang bao trùm lên tất cả, chi phối moûi trật tự xã hội.
Thơ Puskin bộc lộ trực tiếp thái độ phủ định Nga hoàng – tên đầu sỏ của chế độ chuyên chế :
Hỡi tên vua chuyên quyền bạo ngược
Ta căm ngươi ngôi báu của ngươi
Ta thấy trước với niềm vui cay độc
Cái chết của ngươi, của cháu con ngươi .
( Tự Do )
Puskin đã dùng hình tượng cây Ansa để nói lên tính chất phản động của tên độc tài trong thế kỷ bạo tàn :
Còn tên chúa lấy ra chất độc
Tẩm mũi tên, tên trúng đích trăm lần
Ðem chết chóc gieo ra ngoài bờ cõi
Qua biên thùy sang các nước lân bang .
( Cây Ansa )
Trong tác phẩm Những câu chuyện thần thoại Noen, nhà thơ đã thể hiện thái độ châm biếm, nhạo báng đối với hành động và lời nói phỉnh gạt nhân dân của tên vua chuyên quyền:
Hỡi nhân dân của cả nước Nga
Hãy biết rằng toàn thế gian đã biết
Ta đã may chiến phục cho ta
Theo kiểu nước Áo, Theo kiểu Ðức
Hãy vui lên dân chúng, hãy vui lên;
Ta no, ta béo, ta béo tròn
Bọn viết báo ngợi ca ta trên báo
Ta uống, ta ăn, ta hứa hão
Và việc công ta chẳng nhọc nhằn …
Ðồng thời với thái độ phê phán, đã kích chính quyền chuyên chế, Puskin còn tái hiện những kiếp đời bất hạnh triền miên của người dân lao động, và đồng thời bộc lộ thái độ đồng cảm với họ. Ðó có thể là người thiếu phụ buột phải bỏ đứa con rứt ruột của mình; đó có thể là những con người suốt đời làm thân nô lệ không dám nghĩ đến hoài bão, ước mơ:
Theo luống cày còng lưng tê tái
Dưới làn roi khổ nhục ê chề
Ðám nông nô xơ xác chân kéo lê
Trên luống đất bọn chủ nô tàn ác
Aïch nặng nề kéo lê cho tới chết
Không dám nuôi chút hoài bão, ước mong .
( Làng – 1819 ).
Tóm lại, nội dung phê phán đả kích phủ định chế độ nông nô chuyên chế Nga hoàng chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong việc tạo ra giá trị to lớn trong thơ Puskin. Lần đầu tiên, với tinh thần tiến bộ và dũng cảm, Puskin đã dám phê phán bản chất chế độ xã hội đương thời, phê phán từ tên vua cầm đầu cho đến bộ máy chính quyền, xã hội thượng lưu bệnh hoạn. Ðiều đáng trân trọng ở đây là nhà thơ đã phản ánh đúng bản chất xã hội và bộc lộ thái độ phê phán một cách mãnh liệt, không hề hòa hoãn, không hề khoan nhượng. Chính tinh thần dũng cảm, thái độ kiên định, tình cảm phân minh đó đã đem đến cho những bài thơ của Puskin một sức mạnh vô biên, một khả năng to lớn trong việc thức tỉnh nhân dân, cổ vũ nhân dân đứng lên chống lại cường quyền, cải tạo xã hội.
2. Chủ đề ca ngợi tự do: |
Nội dung ca ngợi tự do trong thơ Puskin có một dung lượng khá lớn và gắn liền với nội dung phê phán Nga hoàng. Nếu như việc tái hiện về mặt xã hội đem đến cho tác phẩm một gía trị nhận thức to lớn thì nội dung ca ngợi và khẳng định tự do đem lại cho tác phẩm một giá trị tư tưởng – tình cảm lớn lao.
Trong bài thơ Tự do Puskin phát biểu Tự do như là một nhà cách mạng quý tộc. Nhà thơ không nhằm vào cuộc cách mạng toàn dân để thủ tiêu chế độ quân chủ mà trông cậy vào cuộc cách mạng do các nhà quý tộc cách mạng đang chuẩn bị. Ðối với Puskin Luật pháp đứng trên nhà vua và nhân dân . Nghĩa là tự do phải dựa trên việc hạn chế quyền hành của nhà vua, phải tiến hành cải cách từ trên xuống, phải bãi bỏ chế độ nông nô:
Chỉ nơi nào có liên minh chặt chẽ,
Giữa tự do và pháp luật nghiêm minh
Ðưa mộc lên che chở mọi chúng sinh,
Trao thanh kiếm vào tay người trung thực,
Ðể trừng phạt không phân chia đẳng cấp,
Bất cứ kẻ nào gây tội ác gian tham.
Chỉ nơi nào tự do với luật hình,
Không e sợ, không mắc điều tham nhũng,
Chỉ nơi ấy lê dân không thê thảm
Không lao đao dưới trướng của đế vương.
Hỡi các đế vương ! Các ngươi có mũ ngọc ngai vàng
Do luật pháp chứ không do tạo hóa,
Trên nhân dân các ngươi ngồi cao hơn cả
Nhưng muôn đời luật phát trên các ngươi.
Ðối Puskin, tự do là khát vọng cao nhất, là tiếng lòng tha thiết nhất, mãnh liệt nhất đối với nhân dân. Ông đã dùng nhiều từ ngữ, hình ảnh để diễn tả khái niệm tự do và cùng với nó là hạnh phúc, giải phóng như: lửa tự do rực cháy; bình minh rực cháy của tự do; sao hạnh phúc nguy nga hiện sáng; nhân dân cởi tròng thoát ách; dông tố đâu hình ảnh của tự do; bay, bay đi ta loài chim tự do…
Cả một đời người Puskin mất tự do. Vì vậy thơ Puskin đọng nỗi cay đắng của người mất tự do. Nga hoàng đã dùng nhiều cách để tước đoạt tự do của nhà thơ: đưa đi khỏi Pêtecbua, giam lỏng ở vùng quê, kiểm duyệt khắt khe… Từ nỗi đắng cay của mình, Puskin hiểu nỗi cay đắng của nhân dân. Có lẽ vì thế, với Puskin tự do luôn gắn liền với nhân dân, gắn liền với giải phóng.
Tự do là nội dung của thời đại, ngôn ngữ của thời đại. Puskin đã đưa nội dung và ngôn ngữ ấy vào thơ, đốt cháy trong thơ ngọn lửa chiến đấu, có biết bao chiến sĩ đã yêu thơ Puskin, có biết bao người yêu thơ Puskin mà đến với phong trào cách mạng.
3. Lòng yêu mến thiên nhiên xứ sở: |
Trong thơ trữ tình của Puskin, số lượng bài thơ, câu thơ viết về thiên nhiên chiếm một khối lượng khá lớn. Thiên nhiên chiếm một vị trí khá quan trọng trong sáng tác của nhà thơ và mang một nội dung độc đáo.
Thứ nhất , thiên nhiên trong thơ Puskin thể hiện trọn vẹn cái hồn của thiên nhiên Nga, nét độc đáo và đặc trưng của thiên nhiên Nga. Trong thơ ông, người ta chỉ nhận ra những cảnh sắc chỉ riêng có ở nước Nga chứ không phải ở một xứ sở nào khác. Vì thế, thiên nhiên trong thơ Puskin mang tính chân thực và có tính chất tư liệu, góp phần tạo nên giá trị cho các bài thơ.
Thứ hai, thiên nhiên trong thơ Puskin thể hiện một nội dung lớn, đó là sự thể hiện tình yêu chân thành của một con người ham sống, ham giao cảm với đời, với cảnh sắc thiên nhiên, tìm thấy trong thiên nhiên những gì tươi sáng, trân trọng và thân thương, gần gũi nhất. Ðó chính là sự thể hiện tình yêu cái đẹp và cái thiện của con người.
Thứ ba, thiên nhiên trong thơ Puskin có tính chất ngợi ca đất nước Nga sâu sắc, có tác dụng thúc đẩy người đọc thêm yêu thên nhiên và con người Nga hơn.
Ngôn ngữ thể hiện thiên nhiên trong thơ Puskin mang tính chất đơn nghĩa, nó thể hiện nội dung từ ngữ với ý nghĩa cuối cùng. Cũng vì thế mà thiên nhiên trong thơ Puskin mang tính khách thể rõ ràng, ít được dùng một cách ẩn dụ để thể hiện tâm trạng.
4. Nội dung ngợi ca tình yêu |
Puskin được mệnh danh là nhà thơ tình thế giới. Nhiều bài thơ tình của Puskin đã đi vào thế giới bất tử.
Puskin viết nhiều bài thơ về tình yêu nam nữ. Nhưng tình yêu nam nữ trong thơ của ông không phải là tình yêu thông thường với ý nghĩa bình thường của nó. Ðọc thơ tình của Puskin, người ta luôn cảm nhận được sự chân thành, sự trong sáng, sự tế nhị trong tâm hồn của người đang yêu.
Thơ tình yêu của Puskin luôn làm cho người đọc nhận thức khi yêu phải yêu cho đẹp, cao thượng, phải có văn hóa và nhân cách trong tình yêu. Những bài thơ của Puskin luôn phủ định tình yêu giả dối, ích kỉ, vụ lợi và suy tính, tiền bạc.
Nhìn chung, thơ trữ tình của Puskin ngắn gọn, trong sáng, giản dị, tinh tế.
úNhững bài thơ tình đặc sắc của Puskin là: Gửi, Tôi yêu em..,Ngài và anh, cô và em; Trên đồi Grudia đêm xuống, Lá thư bị đốt cháy…
Tóm lại, thơ trữ tình của Puskin có đặc điểm ngắn gọn, trong sáng, giản dị, tinh tế. Thơ của ông là tổng hòa của niềm say mê với cảm xúc tràn trê övà với ánh sáng trí tuệ. Nó được xem như là cuốn sử biên niên của thời đại.
Qua thơ trữ tình của Puskin chúng ta có thể thấy được hình ảnh con người dũng cảm kiên cường trong đấu tranh, chân thành chung thủy trong tình bạn, lành mạnh, trong sáng và tha thiết trong tình yêu, ý thức trách nhiệm cao trong sáng tác nghệ thuật.
Thơ của Puskin có tác dụng to lớn trong việc nhân đạo hóa con người, giáo dục con người sống tốt hơn, nhân bản hơn.
III. TRƯỜNG CA
Thể loại trường ca trong toàn bộ các sáng tác của Puskin chiếm một vị trí quan trọng. Ông có 12 bản trường ca đã hoàn thành và 12 bản trường ca còn bỏ dỡ.
1.Trường ca Ruxlan và Liutmila(1820): |
Ðây là bản trường ca đầìu tiên của Puskin. Bản trường ca ra đời đã đánh dấu sự thắng lợi toàn vẹn của phương pháp sáng tác lãng mạn, đánh dấu sự cáo chung của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa tình cảm tồn tại trước đó.
Bản trường ca ra đời đã phủ định nội dung và giọng điệu buồn thương, tôn giáo của dòng văn học cổ điển, tình cảm. Bản trường ca đã ca ngợi và thể hiện tinh thần lạc quan yêu đời, ngợi ca chính nghĩa chiến thắng gian tà, ngợi ca tình yêu thủy chung chiến thắng những trở lực đen tối, khẳng định người tốt hưởng hạnh phúc, kẻ xấu bị trừng phạt, cái thiện thắng cái ác…
Lần đầu tiên trong văn học Nga, xuất hiện nhà thơ Puskin dám đưa vào bản trường ca những con người chứ không phải là những cái bóng, lần đầu tiên xuất hiện những con người sống thật, biết yêu thương, buồn vui, căm giận, sống gần gũi với hiện thực.
Trong bản trường ca này Puskin đã đưa vào những nhân vật anh hùng lẫn những nhân vật bình thường; kết hợp cái cao cả với cái tầm thường, kết hợp yếu tố tự sự và yếu tố trữ tình…
Hạn chế của trường ca là còn thiếu yếu tố thời sự, thiếu không khí thời đại.
2.Trường ca Ngưòi tù Capcaz: |
Puskin viết trường ca này khi bị đày xuống phương Nam. Ðây là bản trường ca hoàn chỉnh sau bản trường ca Ruxlan và Liutmila.
Ðây là bản trường ca nói về một chàng thanh niên Nga bất bình với xã hội mình đang sống. Anh ta từ bỏ tất cả và đến với miền núi Grudia để tìm tự do. Chàng bị những bộ tộc người Secket bắt giam thành người tù. Lúc bấy giờ có cô gái đẹp người Secket cảm phục hành động anh hùng và liï tưởng tự do của chàng nên đem lòng yêu. Nhưng anh ta từ chối tình yêu vì anh ta khao khát tự do hơn cả hạnh phúc yêu đương nhỏ hẹp. Mặc dù vậy cô gái đã dùng cưa sắt cưa xiềng cứu thoát anh. Anh đã thoát thân qua bên kia sông, bên này cô gái tự vận trong dòng nước.
Puskin đã sử dụng truyền thuyết để xây dựng và khẳng định sức mạnh tình yêu ít gắn liền với thời đại. Trong bản trường ca này, nhà thơ đã đặt cho mình nhiệm vụ thể hiện những gì gần gũi nóng bỏng của đời sống thời đại. Cụ thể nhà thơ đã thể hiện hình tượng tổng hợp, khái quát về lớp thanh niên Nga đầu thế kií XIX với những ưu điểm và nhược điểm của nó. Người tù là nhân vật và là hình tượng chính trong tác phẩm.
Ðây là anh thanh niên trẻ trung, bị số phận xua đuổi, một người đầy những mâu thuẫn tâm lý phức tạp. Anh say mê tự do, từ bỏ tất cả để tìm đến tự do. Anh đã đến xã hội của người Secket. Nhưng đây là một vùng rừng núi, một xã hội hoang sơ. Cuối cùng anh cũng không tìm được tự do. Anh không tìm được chổ đứng ở bất cứ nơi nào: thành thị, nông thôn, rừng núi. Số phận anh chìm nổi. Va điều đó bắt nguồn từ chính bản chất xã hội.
Một con người đi tìm tự do nhưng không thấy được tự do mà trở thành nô lệ. Ðó là vấn đề. Vì tự do mà anh đã khước từ tình yêu của cô gái xinh đẹp, anh không tìm được lối thoát cho mình. Nhân vật trở nên lúng túng và trở thành hình tượng thể hiện khát vọng tự do của thời đại.
Ơí cô gái người Secket, lý tưởng tự do cũng được thể hiện sâu sắc. Ðây là một người con gái yêu rất mãnh liệt, không hề toan tính, biết hi sinh vì người khác, thà chết còn hơn để người mình yêu bị gông xiềng. Chàng bỏ ra đi và nàng tự tử. Cái chết của nàng có ý nghĩa chết vì tự do.
Bản trường ca này được xem là bản trường ca lãng mạn. Bởi vì:
+ Tính cách của người tù rất mâu thuẫn ở chổ tâm hồn anh ta già cỗi, lãnh
đạm với cuộc sống nhưng lại say mê khao khát tự do mãnh liệt.
+ Tình huống rất căng thẳng thể hiện ở chổ cô gái tự kết liễu đời mình.
+ Nhân vật trong trường ca này không có tên, không có quá khứ, tương lai
không rõ ràng.
+ Cảnh trí rất ấn tượng, hùng vĩ. Lời văn, ngôn ngữ rất bay bướm.
Bản trường ca cũng rất giàu yếu tố hiện thực: nhà thơ phản ánh và miêu tả rất sinh động, cụ thể thiên nhiên vùng Capcaz, đặc biệt là phong tục tập quán của dân tộc địa phương.
Bêlinxki nhận xét Người tù đó là nhân vật của thời đại bấy giờ mang sẳn những đặc điểm thuộc các nhân vật của thời đại chúng ta .
Nhân vật người tù này là con người thể hiện tính ích kỷ, lạnh lùng. Anh ta chỉ chú ý đến việc trốn chạy vì cá nhân mình mà không chú ý đến người bạn gái đã vì anh gieo mình xuống nước. Vì vậy, người ta phê phán người tù chỉ biết chú ý đến bản thân và tự do cá nhân.
Khác với bản trường ca Ruxlan và Liutmila , ở trường ca này Puskin đã viết về con người thời đại.
3.Trường ca Ðoàn người Sưgan: |
Bản trường ca này Puskin viết khi bị lưu đày ở phương Nam. Ðây là bản trường ca lãng mạn cuối cùng của ông. Nó tiếp tục chủ đề của trường ca Người tù Capcaz – con người thời đại. Bản trường ca có hai nhân vật chính: Alêcô và Demphira.
Bản trường ca nói về chàng thanh niên tên Alêcô rời bỏ chốn thị thành đi theo đoàn người Sưgan trên thảo nguyên vùng Mônđavi. Trong đoàn người có cô gái tên Demphira. Ðây là một cô gái xinh đẹp. Nàng yêu Alêcô và muốn Alêcô cùng sống, săn bắn, sinh hoạt như mọi người.
Ông già Sưgan, cha của Demphira, vui lòng cho hai người sống chung với nhau. Họ sống với nhau khá lâu. Dần dần Demphira không yêu Alêcô nữa mà yêu người khác. Một hôm Alêcô sinh nghi, theo dõi và chứng kiến được sự gặp gỡ giữa Demphira với người yêu mới. Alêcô đã giết anh chàng người Xưgan đó đồng thời giết cả Demphira.
Ðoàn người Xưgan tiếp tục lên đường còn Alêcô tiếp tục ở lại giữa thảo nguyên mênh mông.
Alêcô là nhân vật chính của bản trường ca và mang những nét tương tự như người tù Capcaz: Rời bỏ cuộc sống đô thành, rời bỏ xã hội thượng lưu, bất bình với thực tại xã hội, đi tìm tự do. Nhưng anh khác với người tù là anh đã tìm thấy được tự do trong xã hội của đoàn người Xư gan.. Ðây chính là những mặt được thanh niên đương thời yêu thích.
Alêcô, đây là con người đầy mâu thuẫn, anh ta đi tìm tự do, nhưng khi Demphira không yêu anh nữa thì anh đã giết chết người yêu của mình. Anh biết tìm tự do cho mình nhưng chính anh lại không cho người khác được tự do. Ðây là những nét hạn chế của Alêcô. Ðặc tính cá nhân chủ nghĩa cực đoan này cũng là nét chủ đạo của con người thời đại tiêu biểu cho thanh niên quý tộc Nga đương thời. Nét tích cực và tiêu cực chính là giá trị nhận thức mang tính khái quát cao của bản trường ca.
Nhà thơ xây dựng được hình tượng nhân dân, đó chính là đoàn người Sưgan. Nhà văn miêu tả được những sự thật trong đời sống đương đại thông qua hình ảnh đoàn người Xưgan. Ðây là những con người nghèo khổ, rách rưới, sống cuộc sống rày đây mai đó. Ðây cũng là một trong những giá trị hiện thực của tác phẩm.
Trong bản trường ca ta thấy nổi bật hình ảnh ông già Sưgan: con người giản dị, rộng rãi, tốt bụng, bình tỉnh, chịu đựng. Con gái ông bỏ Alêcô và ông khuyên anh ta kiên nhẫn chịu đựng đau khổ. Tuy ông già tuổi tác nhưng ông quan niệm về tự do rộng rãi hơn Alêcô. Ông nói với anh ta rằng thời trẻ ông cũng bị một người con gái phụ tình, nhưng ông không hề trả thù. Ðối với phụ nữ ông quan niệm: Trái tim của người con gái cũng tự do như mặt trăng trên bầu trời. Nó muốn chiếm chỗ nào cũng được, muốn yêu ai cũng được. Con gái ông chết nhưng ông không nghĩ đến việc trả thù mà ông chỉ chịu đựng khổ đau.
Thông qua nhân vật ông già Sưgan nhà thơ có phần lý tưởng nhân vật. Ðây chính là dụng ý của nhà thơ. Hình tượng ông già Sưgan được xây dựng nhằm giải thích, phê phán hành động các nhân vật khác, đặc biệt là Alêcô. Puskin đã đặt hình tượng ông già Sưgan cao hơn các nhân vật khác trong bản trường ca.
Tóm lại, trong tác phẩm của mình Puskin đã tỏ ra thông cảm sâu sắc đối với những đau khổ, bất bình, khát vọng tự do của thanh niên thời đại nhưng đồng thời Puskin cũng phê phán sai lầm và cách đi tìm tự do rất cực đoan của họ. Qua việc phê phán nhân vật của mình, Puskin đã vượt các nhà thơ lãng mạn đương thời. Nhà thơ còn đi xa hơn, tiến xa hơn khi ông đã tạo được màu sắc địa phương cho trường ca lãng mạn: Tái hiện sinh động thiên nhiên Nga, phong tục tập quán của người dân địa phương. Ðó là những bước dầu tiên để Puskin tiếp cận phương pháp sáng tác hiện thực.
IV.TIỂU THUYẾT EPGHÊNHI ÔNÊGHIN
Ðây là tiểu thuyết bằng thơ viết trong hơn tám năm ( 1823 – 1831 ).
Tác phẩm nêu lên vấn đề con người thời đại. Vấn đề này ông đã đề cập đến hai bản trường ca Người tù Capcaz và Ðoàn người Sưgan . Ơí đây vấn đề này được phát triển thêm. Trong hai bản trương ca trước, Puskin viết theo bút pháp lãng mạn do đó tính cách nhân vật bị hạn chế. Trong quyển tiểu thuyết bằng thơ này Puskin viết theo phương pháp hiện thực.
Epghênhi Ônêghin là tác phẩm trung tâm trong toàn bộ sáng tác của Puskin. Ðây là một tác phẩm lớn của văn học Nga và văn học thế giới, đặc biệt trong văn học thời kỳ này.
Epghênhi Ônêghin của Puskin là tác phẩm mở đường cho chủ nghĩa hiện thực văn học Nga, đánh dấu văn học Nga chuyển sang một thời kỳ mới.
Epghênhi Ônêghin chia thành tám chương, mỗi chương có 40 đến 60 khổ thơ, mỗi khổ gồm 14 dòng thơ. Tất cả là 5275 dòng ( Truyện Kiều có 3254 dòng ).
Tác phẩm có bốn nhân vâtû chính: Epghênhi Ônêghin, Tachiana, Lenxki, Ônga.
Epghênhi Ônêghin là một chàng thanh niên quý tộc thủ đô, thông minh, ăn diện đúng kiểu cách, được lòng gái đẹp. Chàng được xem là kiểu mẫu của xã hội thượng lưu. Epghênhi Ônêghin đắm mình trong sinh hoạt xã hội thượng lưu: tham gia phòng trà, nhà hát, yến tiệc, khiêu vũ… Nhưng không lâu anh bắt đầu chán. Anh đóng cửa ngồi nhà để viết văn đọc sách. Nhưng những công việc đó không thể nào xua tan được những nỗi buồn chán trong lòng.
Trong lúc đó anh nghe tin từ nông thôn người chú vừa qua đời. Gia đình anh ở nông thôn gọi anh về quê để thừa kế và chăm nom trang ấp. Anh rất hồ hởi ra đi vì nghĩ rằng sẽ vơi bớt nỗi buồn chán ở thành thị.
Ðược vài ngày anh lại buồn chán như lúc trước. Vì vậy, anh tìm mọi việc để làm: thăm họ hàng, chăm sóc trẻ con… nhưng nỗi buồn chán vẫn đeo đuổi.
Ngay trong làng anh có chàng trai trẻ tên là Lenxki vừa đi học ở Ðức về. Lenxki kém tuổi hơn Epghênhi Ônêghin và chưa từng trải. Lenxki biết làm thơ, có nhiều mộng tưởng. Cũng tại làng này có người con gái tên là Ônga và là người yêu của Lenxki. Ðó là một cô gái đẹp, hồn nhiên. Lenxki đến với Ônga là do hai người thân nhau từ nhỏ.
Epghênhi Ônêghin kết bạn với Lenxki. Ônga có người chị là Tachiana. Lenxki dẫn Epghênhi Ônêghin đến thăm gia đình Ônga và làm quen với Tachiana. Tachiana không xinh đẹp bằng Ônga nhưng có tâm hồn rất đẹp và trong sáng. Trong khi cô em hay ca hát vui nhộn thì cô chị hay mơ màng, tư lự, ít nói, lặng lẽ, suy tư.
Chỉ mới qua buổi đầu gặp gỡ Tachiana đã yêu Epghênhi Ônêghin. Tachiana cảm thấy người mơ ước của mình đã đến nên yêu mãnh liệt. Cô đã đánh bạo viết thư tình cho chàng nói lên lòng thương yêu, sầu nhớ, tương tư.
Nhận được thư Tachiana, Epghênhi Ônêghin xúc động trước tấm lòng chân tình tha thiết của nàng nhưng Epghênhi Ônêghin lại khước từ tình yêu. Anh ta sợ cuộc sống gia đình sẽ làm anh ta mất tự do. Ðây là một hành động làm rõ tính cách con người thời đại.
Trong lễ thánh của Tachiana, Lenxki và Epghênhi Ônêghin cùng đến dự. Trong ngày vui này Epghênhi Ônêghin khiêu vũ với Ônga. Ðiều này làm Lenxki nghi ngờ. Kết quả là Lenxki thách Epghênhi Ônêghin đấu súng. Thực chất trong thâm tâm Epghênhi Ônêghin không muốn nhận lời đấu súng nhưng cuối cùng thì anh ta đã nhận lời. Trong cuộc đấu súng Lenxki bị chết. Epghênhi Ônêghin rất đau buồn, vì thế anh bỏ làng quê ra đi.
Sau đó ít lâu Ônga lấy một chàng sĩ quan Nga hoàng và theo chồng đi nơi khác. Tachiana ở nhà với mẹ. Lúc này có nhiều người đến dạm hỏi nhưng Tachiana từ chối. Trong thời gian này Tachiana âm thầm lặng lẽ với bản thân, với những kỷ niệm và thường đến thăm căn phòng Epghênhi Ônêghin từng ở.
Ðến mùa đông cả hai mẹ con Tachiana rời bỏ làng quê để đến Maxcơva và sống ở tại nhà một bà cô. Tại đây nàng hòa nhập với sinh hoạt của giới thượng lưu. Lúc bấy giờ có một viên tướng Nga về hưu để mắt đến Tachiana và ông đã cầu hôn với nàng. Theo lời khuyên của mẹ và vì thương mẹ, Tachiana đã nhận lời.
Sau một thời gian Epghênhi Ônêghin trở về và gặp lại Tachiana. Lúc này nàng không còn là con người thuở xưa mà trở thành một phu nhân kiều diễm. Trong lòng Epghênhi Ônêghin tình yêu sống dậy một cách mãnh liệt. Chàng viết thư tỏ tình với nàng, nhưng khi thư đến thì không có hồi âm. Vì thế chàng đau buồn đến bệnh. Cuối cùng Epghênhi Ônêghin đánh bạo đến nhà nàng. Chàng gặp Tachiana và nói thật lòng mình. Tachiana rất cảm động và cô cũng thú nhận với Epghênhi Ônêghin là nàng vẫn còn yêu anh tha thiết, nhưng nàng không thể phản bội chồng. Trong lúc đó chồng của Tachiana bước vào.
* Epghênhi Ônêghin
Epghênhi Ônêghin là một thanh niên quý tộc và là nhân vật chính của tiểu thuyết. Ðây là một nhân vật khá phức tạp, mâu thuẫn sâu sắc trong tâm hồn và tư tưởng. Anh ta là con đẻ của giai cấp quý tộc thượng lưu, vì vậy anh ta đắm mình trong cuộc sống thượng lưu là điều tất nhiên. Anh rất giàu sang, không phải làm việc gì cả và anh ta không muốn lao động. Giai cấp qúy tộc đã tạo ra một con người như thế và lẽ tất nhiên anh sẽ là người tiếp nối, phục vụ và tán dương giai cấp thống trị. Ðó là sự mong muốn của giai cấp quý tộc, những người đi trước anh. Nhưng anh không phải là người tầm thường như những người cùng giới. Trong tâm tư anh vẫn le lói ánh sáng của trí tuệ. Sống trong xã hội thượng lưu nhưng anh không ham danh vọng, không tán thành, không ngợi ca, không cúc cung tận tụy nó.
Epghênhi Ônêghin còn nhận ra được những xấu xa, đểu cáng, những điều đáng chê trách trong xã hội anh đang sống, đó là nguyên nhân làm anh chán xã hội này, thậm chí coi thường, khinh khi nó và khinh khi chính bản thân mình. Vậy mà khi nhận ra sự xấu xa của nó anh vẫn sống với nó không dứt ra được. Anh vẫn tiêu phí tuổi trẻ, tâm hồn của mình trong xã hội đó. Chính những điều đó càng làm cho anh buồn chán hơn, chán đến nỗi cùng cực.
Trong bản thân anh có nhiều cái đáng quý: tuổi trẻ, sức lực, học vấn… nhưng anh chẳng biết dùng vào việc gì. Anh sống không có mục đích, không có lý tưởng. Những điều đó là do hoàn cảnh, do lối giáo dục của xã hội, anh không gì lóe lên ở ngày mai vì thế anh không biết quan tâm đến ai, anh chỉ biết có mình. Anh sinh ra để sống an thân, ích kỷ, và chỉ có buồn chán.
Do buồn chán, ích kỷ, an thân, có lúc anh đã gây tác hại đối với người khác. Và không chỉ đối với người khác anh còn hại ngay cả bản thân mình. Anh từ chối một mối tình đáng lẽ ra anh phải được sống hạnh phúc. Anh muốn sống tự do cho riêng mình, và điều đó làm cho Tachiana đau khổ, thất vọng, buồn đau. Trong tình bạn, anh đấu súng với Lenxki, đó là điều vớ vẩn, tuyệt đối không nên làm nhưng anh vẫn để điều đó xảy ra vì anh sợ dư luận xã hội – cái mà anh coi thường. Ðó là điều mâu thuẫn trong con người anh. Anh là một người chán xã hội, khinh bỉ nó nhưng anh lại sợ chính nó. Vừa coi thường, khinh khi nhưng lại sợ. Ðó là nét tính cách của anh.
Qua việc từ chối tình yêu của Tachiana chúng ta thấy Epghênhi Ônêghin là người không có lối thoát, sống quẫn quanh, tiêu phí cuộc đời vào những điều vô nghĩa, hiểm nguy không đáng.
Bên cạnh đó anh cũng có những ưu điểm: thông minh, phủ nhận xã hội, không ham danh vọng. Anh là người biết quan sát, biết bồi dưỡng kiến thức, là một con người sống cao thượng, chân thành trong tình yêu. Trong con người anh vẫn tiềm tàng một vài nét đẹp mặc dù anh không vượt ra khỏi những thành kiến của xã hội.
Epghênhi Ônêghin sống không có mục đích, sống buồn bã, cô đơn, không biết mọi việc xung quanh, không làm được việc gì cho đời… anh trở thành con người thừa của xã hội.
Con người thừa này trở thành hình tượng điển hình, đại diện cho một bộ phận của tầng lớp thanh niên quý tộc đương thời. Ðiều này thể hiện ở tâm trạng, lối sống của nhân vật.
Anh là một con người không ủng hộ xã hội đương thời. Ða số thanh niên quý tộc ủng hộ xã hội nhưng anh chán ghét vì anh hiểu hơn họ. Nhưng đồng thời anh không chống lại nó do nền giáo dục, do những hạn chế của bản thân anh. Nếu như anh chống lại xã hội, lẽ đương nhiên anh đã đi theo những người tháng Chạp. Vì thế Epghênhi Ônêghin là nhân vật chưa mang ý tưởng thời đại ( Chống lại chế độ nông nô chuyên chế Nga hoàng ), do đó anh không thể được xem là nhân vật tích cực. Nhưng anh cũng là người không ủng hộ nền chuyên chế đó nên chúng ta cũng không thể coi anh là nhân vật tiêu cực.
Nếu Epghênhi Ônêghin xuất hiện vào thời kỳ đầu của cách mạng thì anh là người có những nét tích cực. Nhưng về sau thì anh trở thành con người tiêu cực.
Hình tượng Epghênhi Ônêghin được nhà thơ miêu tả trong sự phát triển, đặc biệt là ở giai đoạn cuối của tiểu thuyết. Khi anh giết Lenxki anh đã bước vào bước ngoặc của cuộc đời. anh đã rời bỏ, anh khgông đủ sức bình tỉnh ở lại nơi đã khiến anh gây tội ác, xa rời xã hội thượng lưu để đi đến một nơi nào đó. Và nhờ đi đây đi đó, anh đã hiểu được nổi khổ của người dân. Ðây cũng là một bước tiến. Cuối cùng anh chán nản và trở về, gặp Tachiana và tình cảm trước kia được đánh thức.
Tóm lại, Epghênhi Ônêghin là một con người thừa, một sản phẩm của xã hội Nga đầu thế kỷ XIX, xã hội đó đã tạo ra một người như anh ta. Thông qua hình tượng này, nhà văn đã thể hiện hiện thực một cách sâu sắc, đầy đủ về lối sống, tâm trạng, lý tưởng của lớp thanh niên quý tộc đương thời.
* Tachiana
Ðây là người phụ nữ Nga làm cho người đọc yêu mến. Puskin đã để tất cả tình cảm, tâm hồn và sự quý trọng để xây dựng nhân vật lý tưởng này.
Nếu như Epghênhi Ônêghin là nhân vật phức tạp đầy mâu thuẫn thì đây là một hình tượng có tính cách đa dạng. Ðiều chung nhất, đây là một tâm hồn Nga đẹp đẽ. Tachiana là một thiếu nữ quý tộc ở làng quê, nàng sống rất bình dị như những cô gái nông thôn khác. Sự bình dị thể hiện ở ngay tên gọi Tachiana.
Tachiana là một cô gái sống có nghị lực, trách nhiệm, nàng có một nét đẹp dịu hiền, kín đáo, đăöm thắm, cái đẹp chủ yếu là ở vẻ đẹp tâm hồn. Nội tâm cô hơi buồn, hay sống cô đơn, trầm mặc, hay suy nghĩ, xúc cảm một mình.
Tachiana rất thích đọc sách tiếng Pháp, viết thư bằng tiếng Pháp nhưng đồng thời lại là cô gái hay bói toán, nằm mộng như những cô gái đồng quê Nga.
Tachiana là cô gái rất gắn bó với làng quê cả về tâm hồn lẫn tư tưởng. Cô rất yêu ruộng vườn, thiên nhiên bốn mùa…
Tachiana rất trầm lặng nhưng khi đã yêu thì yêu vô cùng nồng cháy, chân thành, tha thiết, mãnh liệt, chỉ biết tuân theo nhịp đập của trái tim. Nàng đã chủ động viết thư tỏ tình với Epghênhi Ônêghin.
Tachiana bị từ chối tình yêu, nàng đau khổ vô cùng nhưng vẫn giữ mãi tình yêu của mình. Ðến khi có chồng Tachiana vẫn còn vẫn nguyên vẹn tình cảm đó. Tất cả những điều này nói lên sự thủy chung và tình yêu sâu nặng trong tâm hồn Tachiana.
Tóm lại, bản chất của Tachiana là sự cao quý về tâm hồn và tinh thần trách nhiệm, không hề tráo trở trong tình yêu và tình nghĩa vợ chồng. Chính điều này thể hiện bản chất của người phụ nữ Nga, tâm hồn Nga chân chính và sâu sắc.
* Lenxki
Lenxki là một người nồng nhiệt, có tài, nhưng chết rất trẻ. Anh ta là một con người lãng mạng mang biết bao hoài bảo ở đời. nhưng cái chết của anh là một điều tất nhiên. Ðó chính là tính hiện thực của tác phẩm.
Bên cạnh việc miêu tả những nhân vật như Epghênhi Ônêghin, Tachiana, Lenxki, Ônga Puskin
còn xây dựng những nhân vật như bà nhũ mẫu, những cô gái nông thôn tất cả những điều này làm tăng thêm tính hiện thực của tác phẩm.
Trong tác phẩm Puskin còn tái hiện thiên nhiên Nga với mọi nét điển hình và chân thật của nó. Nhà thơ miêu tả từ kinh thành Pêtecbua cho đến những miền quê với cảnh sắc bốn mùa đặc trưng ở Nga.
Nông thôn Nga chiếm một vị trí đặc biệt trong tiểu thuyết. Ông miêu tả các mùa: xuân, hạ, thu, đông với núi non, sông rộng, tuyết phủ, bầu trời xanh… Nhà thơ đã nắm bắt những cái đẹp trong chính cái bình thường, dung dị.
Ngoài ra trong tác phẩm nhà thơ còn thể hiện nhiều bức tranh về phong tục tập quán Nga với tầm bao quát sâu rộng.
Tóm lại, trước khi tiểu thuyêt bằng thơ này ra đời, ở Nga chưa có một tác phẩm văn học nào thể hiện được toàn bộ một giai đoạn lịch sử một cách trọn vẹn, rộng rão, chân thực như Epghênhi Ônêghin. Do đó , Bêlinxki gọi tiểu thuyết này là bách khoa toàn thư về cuộc sống Nga đặc biệt đầu thế kỷ XIX.
Nổi bật trong tác phẩm này là tính hiện thực, tính nhân dân và chất trữ tình. Epghênhi Ônêghin và hai tác phẩm Người tù Capcaz, Ðoàn người Sưgan” đều nói về con người thời đại, nhưng đây là tác phẩm tiêu biểu, thành công và xuất sắc nhất của Puskin.
V .VĂN XUÔI
Trong mười năm cuối cùng 1827- 1837 , Puskin chú trọng viết văn xuôi . Ông là người đặt nền mống cho văn xuôi hiện thực Nga. Những tác phẩm tiêu biểu của ông là: Con đầm bích, Tập truyện của ông Benkin, Người con gái viên đại úy, Người da đen của Piôt Ðại đế, Phát súng, bão tuyết, Ông chủ hiệu đám ma, Người trưởng trạm, Cô tiểu thư nông dân..
Puskin tỏ ra không hài lòng với văn xuôi hiện tại bởi vì khi đọc lên ông thấy nó hời hợt, kiểu cách, xa rời cuộc sống, giả tạo, xa lạ với những vấn đề của đất nước, của nhân dân.
Ngôn ngữ trong các tác phẩm văn xuôi hiện tại của Nga thường đưa tiếng nước ngoài vào, nhất là tiếng Pháp làm cho nó nặng nề, thấp kém, không đủ sức diễn đạt và nói lên những điều tinh tế….Nó không hấp dẫn đối với người đọc đương thời.
Puskin thấy mình có nhiệm vụ cải cách văn xuôi, đặt nền mống cho nền văn xuôi hiện đại.
Ơí phương Tây, chủ nghĩa hiện thực ra đời đã dẫn đến sự phát triển vững vàng của văn xuôi. Ơí Nga chủ nghĩa hiện thực ra đời đặt ra vấn đề xây dựng nền văn xuôi đặc biệt là phát triển ngôn ngữ văn xuôi. Văn xuôi ở Nga đuổi kịp các nước phương Tây chính là nhờ vai trò to lớn của Puskin. Tônxtôi nhận xét: Puskin là người thầy của tôi và tôi cần phải học tập”.
1. Tiểu thuyết Người con gái viên đại úy ( 1836 ): |
Ðây là tác phẩm viết về cuộc khởi nghĩa của Pugatsiôp, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân làm rung chuyển nước Nga năm 1773 đến 1775.
Các nhân vật chính: Grinhôp, Xavêlich, đại úy Mirônôp, Masa, sĩ quan Svabrin, Pugatsiôp.
Tiểu thuyết có 14 chương. Grinhôp vừa là nhân vật trong truyện cũng là người kể chuyện.
Grinhôp là thanh niên quý tộc vùng Xiêmbiêc. Anh lên đường nhập ngũ năm 16 tuổi. Trên đường đi, anh bị lạc trong một cơn bão tuyết và được một người dẫn đường đưa đến một quán trọ. Chàng biếu cho người dẫn đường một chiếc áo khoác để tạ ơn. Sau đó, Grinhôp tiếp tục đi đến những đồn canh của quân triều đình. Chàng được phân về đồn Bêlôgô dưới sự chỉ huy của đại úy Mirônôp, người sống cùng với tên sĩ quan Svabrin.
Một hôm Grinhôp và SvaBrin có chuyện bất hòa dẫn đến sự đấu kiếm. Grinhôp bị thương và được Masa chăm sóc. Sau đó hai người yêu nhau. Nhưng chàng không được cha mẹ cho phép kết hôn với Masa vì cho rằng gia đình Masa nghèo.
Chàng rất buồn, thất vọng. Trong tình hình như vậy thì quân khởi nghĩa Pugatsiôp đánh chiếm đồm Bêlôgô. Vợ chồng Mirônôp bị sát hại. Svabrin đầu hàng quân khởi nghĩa và được Pugatsiôp cho làm đồn trưởng. Grinhôp suýt bị treo cổ nhưng được tha vì người dẫn đường chính là Pugatsiôp. Pugatsiôp cho anh ta ngựa, áo ấm, tiền và ra đi. Grinhôp từ biệt Masa. Bấy giờ Masa đang ẩn náo trong nhà người quen còn Grinhôp thì về Ôrenbua để cầu viện.
Khi đến thành Ôrenbua thì quân triều đình đã án binh bất động không chịu xuất binh. Ngay sau đó thì Ôrenbua cũng bị quân khởi nghĩa vây hãm.
Trong thời gian này, Grinhôp được tin Svabrin đang giam giữ Masa và cưỡng ép nàng làm vợ. Chàng và người lão bộc quyết định đi cứu Masa. Hai người bị lạc vào thôn có quân khởi nghĩa và bị bắt. Grinhôp được giải đến người chỉ huy và gặp Pugatsiôp.
Hôm sau Pugatsiôp đưa Grinhôp về đồn Bêlôgô đêí hỏi tội Svabrin và cứu Masa. Masa được cứu và cùng Grinhôp trở về Xiêmbiêc. Gia đình Grinhôp chấp nhận cuộc hôn nhân của hai người.
Sau đó Grinhôp cùng quân đội dẹp tan quân khởi nghĩa. Nhưng sau đó chàng bị quân triều đình bắt giải ra tòa bởi vì Svabrin muốn chiếm đoạt Masa nên tố cáo Grinhôp có quan hệ với Pugatsiôp. Masa biết được tin đó nên đi lên tận kinh thành để minh oan cho chàng. Nữ hoàng đã ra lệnh tha cho Grinhôp và sau đó Grinhôp kết hôn cùng Masa.
Ðây là quyển tiểu thuyết lôi cuốn người đọc đương thời vì nó nói về cuộc tình duyên, về số phận của đôi bạn trẻ đã trải qua những gian khổ, trắc trở cả những may mắn lạ lùng. Nó diễn ra trong khung cảnh, không khí, những biến chuyển của cuộc khởi nghĩa. Ðây là một cuộc tình không giống như những câu chuyện tình khác, nó diễn ra trong mối quan hệ phức tạp, trong tình huống quân triều đình và nghĩa quân đánh nhau, sự chứng kiến giữa hai phe đối lập, có những lúc giao tranh, những lúc yên ả.
Khi đọc tiểu thuyết, Puskin làm cho người đọc dần dần xâm nhập vào không khí cuộc khởi nghĩa. Người đọc được tiếp xúc với Pugatsiôp, thấy được bức tranh nông dân khởi nghĩa hùng vĩ, tập hợp nhiều nông dân, nhiều tầng lớp khác nhau. Tài năng của Puskin là đã lồng thiên tình sử của người con gái viên đại úy vào thiên anh hùng ca về người anh hùng Pugatsiôp. Sự kết hợp này rất khéo léo, rất hợp lý, tạo nên một thiên tiểu thuyết thật sự.
*Nhân vật Grinhôp
Ðây là người kể chuyện đồng thời là nhân vật có mặt từ đầu đến cuối thiên truyện. Anh được nhà văn miêu tả trong một quá trình hình thành, biến đổi. Grinhôp đã trải bao biến cố hãi hùng, dữ dội, kinh hoàng, bão táp hãi hùng và có cả những giờ phút vui sướng.
Trong thời gian nhập ngũ Grinhôp hiểu được thực tại, nhận thức được nhiều điều bổ ích về cuộc sống. Anh nhận thấy Pugatsiôp và những người theo ông không phải là những tên kẻ cướp. Anh cảm thấy ở những con người này có những cái gì đó khác lạ với những gì anh nghe được. Anh nhận ra được đây là con người có trách nhiệm có đức độ, tài năng. Anh chưa hiểu rõ về con người này nhưng lại cảm phục, quyến luyến và tin cậy.
Grinhôp là người của quân triều đình, lẽ dĩ nhiên anh có những quan điểm không đúng, sai lạc. Anh vẫn giữ quan điểm chống lại quân khởi nghĩa, chống Pugatsiôp đến cùng. Tuy nhiên, theo sự miêu tả của Puskin Grinhôp là người chân thành, dũng cảm, là người trọng danh dự, có tình cảm sâu sắc và yêu chân thật.
Puskin muốn cho mọi người biết, qua nhân vật Grinhôp mà cuộc khởi nghĩa của Pugatsiôp được nhìn nhận một cách khách quan và đúng sự thật. Ðó là một cuộc khởi nghĩa mang ý nghĩa tiến bộ.
Trong tác phẩm này, Puskin tái hiện Pugatsiôp một cách chân thật, đúng lịch sử, không tô vẽ, không lý tưởng hóa nhân vật. Người đọc nghe thấy giai cấp phong kiến đã nói về Pugatsiôp : Con chó điên, quỷ dữ.. . Nhưng dưới ngòi bút của Puskin Pugatsiôp hiện lên là con người có tấm lòng yêu thương, dũng cảm, anh hùng, biết căm giận bất công.. .
Pugatsiôp thật sự là con người trung thực, một người tỏ ra chịu ơn ai thì không bao giờ quên. Ðiều này được thể hiện qua việc khi Grinhôp tặng chiếc áo khoác và mời Pugatsiôp một ly rượu thì ông đã tha và giúp đỡ Grinhôp nhiều lần. Ông được coi là vua của nông dân nhưng lại đóng vai người dẫn đường và giúp đỡ tận tình một người không quen biết. Ðiều này đã nói lên phẩm chất và tính cách của vị anh hùng nông dân.
Hành động đứng ra bảo vệ những người yếu đuối và bị lăng nhục, cứu Masa và trừng trị Svabrin đã chứng tỏ Pugatsiôp không đúng như một người mà giai cấp phong kiến đã nhận định.
Pugatsiôp còn là con người của quần chúng lao động, sống rất giản dị chan hòa. Ông sống hòa mình cùng nghĩa quân, cùng ca hát, cùng vui đùa với họ. Ông không xót thương do dự đối với kẻ thù nhưng lại sẳn sàng đùm bọc đối với những người vợ góa, con côi.. .
Pugatsiôp cũng có những mặt yếu: Ðây là con người ít học thức, một con người có lúc thiếu cảnh giác, hay khoe khoang, quan trọng hóa vấn đề, giả nghiêm trang một cách buồn cười. Nhìn chung đây là những nét phụ trong toàn bộ tính cách của vị lãnh tụ khởi nghĩa nông dân. Những nét đẹp của ông là chủ yếu, và điều đó làm cho nông dân cảm phục mà đi theo. Họ luôn tin tưởng và xem ông như là người bảo vệ chân chính cho mình.
Tóm lại, thông qua câu chuyện về cuộc khởi nghĩa của Pugatsiôp, Puskin muốn nói đến hiện tại. Puskin muốn nêu ra những quy luật có tính lịch sử. Nghĩa là có áp bức thì có đấu tranh. Với chế độ chuyên chế Nga hoàng đương thời tất yếu sẽ có những cuộc khởi nghĩa bùng lên lật đổ tất cả. Ðây chính là chủ đề của tác phẩm.
- Nghệ thuật
Nghệ thuật miêu tả tính cách con người rất chính xác, ngắn gọn. Cốt truyện rất chặt chẽ, sự kiện phát triển lôgic. Puskin chỉ dùng vài nét chấm phá đã miêu tả được tâm lý nhân vật. Tác phẩm có chất hài hước, trong sáng, nhẹ nhàng.
Kết luận: Tiểu thuyết này có thể xem như là một công trình tổng kết những suy nghĩ của Puskin trong nhiều năm về những vấn đề lớn có tầm quan trong lịch sử. Ðây cũng là kết quả của 10 năm viết văn xuôi và là đỉnh cao văn xuôi của Puskin.
- Ý NGHĨA VỀ SÁNG TÁC CỦA PUSKIN
Qua các tác phẩm của mình, Puskin đã nêu lên những vấn đề cơ bản của thời đại.
+ Vai trò lịch sử của tầng lớp quý tộc tiến bộ
+ Chuyên chế và nhân dân. Vai trò của nhân dân trong lịch sử.
+ Vấn đềì nông dân và giải phóng nông dân.
Trong khi nêu những vấn đề bức xúc của đời sống Nga, Puskin còn thể hiện những mặt khác nhau về đề sống dân tộc. Toàn bộ sáng tác của Puskin được xem như là quyển bách khoa toàn thư đầu thế kỷ XIX.
Puskin đã xây dựng được những hình ảnh tiêu biểu: Ônêghin là hình ảnh con người thời đại- con người thừa; Ghetman trong Con đầm bích là đại biểu cho con người tư sản mới trong xã hội Nga; Tachiana, Masa, Pugatsiôp. .. là những nét đẹp của tính cách Nga.
Về nghệ thuật:
+ Puskin đã khởi đầu một phương pháp sáng tác mới. Ðó là phương pháp hiện thực. Ông đã thể hiện cuộc sống một cách chân thực, phá bỏ những hình thức gò bó của chủ nghĩa cổ điển, của chủ nghĩa tình cảm, của chủ nghĩa lãng mạn.
+ Ông có công xây dựng và phát triển ngôn ngữ văn học Nga.
http://websrv1.ctu.edu.vn/coursewares/supham/vhnga/ch3.htm
I. NHỮNG ÐẶC ÐIỂM NỔI BẬT CỦA VĂN HỌC NGA THẾ KỈ XIX
- Văn học Nga thế kỉ XIX là một trong những nền văn học phong phú và tiên tiến nhất của nhân loại, là một trong những thành tựu rực rỡ nhất của nghệ thuật thế giới. Nó phát triển đến đỉnh cao với những ngôi sau chói lọi như Puskin, Ðôxtôiepki, Tuôcghênhep, Sêkhôp, Bêlinxki… Những tác phẩm của các tác gia này là những mẫu mực, tinh hoa của nền nghệ thuật hiện đại và có ảnh hưởng lâu dài, sâu rộng đến các nền văn học khác trên thế giới. Người ta có thể tự hào về tiểu thuyết Chiến tranh và hòa bình của Lep Tônxtôi, đó là một trong những tiểu thuyết được xem là hay nhất thế giới. Tiểu thuyết và truyện ngắn của Tuôcghênhep thì được xem là cổ điển và trầm lặng như những tác phẩm đặc sắc của phương Tây. Còn những tác phẩm của Ðôxtôiepki thì sâu sắc và đầy bão tố tâm hồn như những tiểu thuyết hiện đại…
- Văn học Nga thế kỉ XIX có tốc độ phát triêín phi thường và có sức sống mãnh liệt trong suốt thế kỉ XIX mà nhất là giữa sau thế kỉ XIX. Nó ra đời sau nền văn học phương Tây nhưng nhờ mảnh đất hiện thực mầu mỡ của cuộc đấu tranh cách mạng và sự xuất hiện của các tài năng sáng chói mà văn học Nga đã đuổi kịp văn học phương Tây và phát triển đến đỉnh cao. Nếu như trước thế kỉ XIX, văn học Nga được ví như là một nữ sinh không thuộc bài đối với văn học phương Tây thì đến thế kỉ XIX, nhà văn Ðức Rôda Luxambua đã nhận xét Nền văn học Nga đã bắt chiếc cầu nối liền phương Tây và nước Nga để trên đó xuất hiện không phải là một nữ sinh mà là một bà giáo. Gorki đã lí giải sức hấp dẫn của nền văn học nước mình như sau: Trong lịch sử phát triển của nền văn học châu Âu, nền văn học trẻ tuổi của chúng ta là một hiện tượng kì lạ ; tôi sẽ không phóng đại sự thật khi nói rằng không có nền văn học phương Tây nào ra đời với một khí thế mạnh mẽ, với một tốc độ thần kì trong một ánh hào quang rực rỡ của tài năng như nền văn học của ta. Ở châu Âu không có ai sáng tác được những cuốn sách lớn được cả thế giới hâm mộ như thế, và không có ai sáng tạo được cái đẹp thần diệu như vậy trong những hoàn cảnh không sao tả xiết. Ðó là kết luận không sao bác bỏ được rút ra từ viêc so sánh lịch sử các nền văn học phương Tây với lịch sử nền văn học của ta, không có nơi nào mà chỉ trong non một thế kỉ đã hiện lên cả một vầng sao rực rỡ của những tên tuổi vĩ đại như ở Nga và cũng không nơi nào đông đảo những nhà văn tuẫn đạo như ở nước ta…(1)
3.Văn học Nga thế kỉ XIX chứa đựng những tư tưởng tiên tiến của thời đại. Ðó là lòng yêu nước nhiệt thành, khát vọng tự do, dân chủ, tinh thần nhân đạo cao cả; tư tưởng phê phán, tố cáo xã hội sâu sắc. Chính những tư tưởng này đã tạo nên tầm vóc thế giới cho văn học Nga. Gorki viết Văn học Nga mãnh liệt vì có chủ nghĩa dân chủ, khát vọng say sưa mong muốn giải quyết những nhiệm vụ của đời sống xã hội, vì nó truyền bá tinh thần nhân đạo, vì nó có những bài ca ca ngợi tự do, quan tâm sâu sắc đến đời sống nhân dân, bộc lộ thái độ thuần khiết đối với phụ nữ…(2) Chúng ta có thể bắt gặp những tư tưởng tiên tiến này ở các nhà văn Nga và trong hầu hết tác phẩm của họ.
- Văn học Nga thế kỉ XIX luôn luôn gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng của nông nô Nga. Có thể nói chưa có nơi nào trên thế giới mà văn học lại gắn bó mật thiết với công cuộc vận động cách mạng như ở Nga. Chính phong trào cách mạng phát triển liên tục là mảnh đất màu mỡ cho văn học Nga ra đời, trưởng thành và phát triển. Ngược lại, văn học Nga đã đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc thức tỉnh nhân dân, thức tỉnh thời đại, trở thành một thứ vũ khí sắc bén, một diễn đàn công khai chống lại chế độ nông nô chuyên chế.
Ở Nga, các nhà văn luôn được nhân dân kính yêu quí trọng. Nhân dân gọi họ là nhà tư tưởng , lãnh tụ, thầy giáo, người bảo vệ nhân dân bởi vì họ là những người sẵn sàng tuẫn đạo, sẵn sàng hi sinh vì nhân dân, vì đất nước, vì sự nghiệp cao cả của nhân dân.
Nước Nga thế kỉ XIX tiếp tục ghi thêm nhiều tên tuổi trên tấm bia tưởng niệm các nhà văn đã hi sinh vì sự nghiệp thiêng liêng. Rưlêep hi sinh dưới giá treo cổ. Gribôeđôp, Puskin, Lecmôntôp bị đày ải và sát hại. Secnưsepxki bị sỉ nhục và đày đi Xibiri. Gôgôn, Ðôxtôiepxki trải qua những cơn khủng hoảng tinh thần. Uxpenxki mắc bệnh tâm thần. Bêlinxki, Nhêcraxôp, Sêkhôp chết vì nghèo túng và bệnh tật. Tônxtôi bị nguyền rủa là kẻ dị giáo và phản chúa. Nhưng tất cả những bi kịch khủng khiếp đó không làm cho nhà văn xa rời nhân dân mà càng làm cho họ thêm gắn bó với phong trào cách mạng, với nhân dân, với nước Nga thân yêu của mình.
- Văn học Nga thế kỉ XIX với thành tựu cao nhất là chủ nghĩa hiện thực Nga là kết quả tất yếu của việc kế thừa văn học dân gian trong nhiều thế kỉ cùng với việc tiếp thu có chọn lọc nền văn học phương Tây, là kết quả của quá trình đấu tranh liên tục giữa các trào lưu văn học tiến bộ với trào lưu văn học bảo thủ, là kết quả của quá trình tiếp cận và phản ánh của văn học đối với hiện thực cuộc sống trong quá trình phát triển. Như vậy văn học Nga thế kỉ XIX không ngẫu nhiên xuất hiện mà nó trải qua một quá trình phát triển liên tục trong những điều kiện và hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Nó không có những thời kì thoái trào, hồi phục mà phát triển liên tục trong thế đấu tranh thay thế của các trào lưu tiến bộ đối với các trào lưu lạc hậu, bảo thủ. Sự thắng thế của dòng văn học hiện thực đối với các dòng văn học khác chính là biểu hiện cao nhất của sự phát triển văn học trong việc tiếp cận và phản ánh hiện thực cuộc sống.
6.Văn học Nga thế kỉ XIX có những cống hiến to lớn và ảnh hưởng sâu rộng đối với nền văn học thế giới. Những tác phẩm của nền văn học Nga được bạn đọc phương Ðông và phương Tây hết sức hâm mộ và yêu thích. Chính những tác phẩm này đã làm rung động hàng triệu trái tim con người trên toàn thế giới. Nó được dịch ra rất nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam… và có mặt ở hầu hết các tủ sách gia đình, các thư viên lớn nhỏ.
Những cống hiến của văn học Nga thế kỉ XIX về tiểu thuyết, về văn xuôi, về nghệ thuật miêu tả phân tích tâm lí nhân vật, về việc xây dựng những nhân vật tích cực, về phương pháp sáng tác… đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học thế giới cả về sáng tác lẫn lí luận phê bình.
- Ðội ngũ các nhà văn Nga trong thế kỉ XIX có những đặc điểm riêng biệt.
Thứ nhất, họ xuất thân từ những gia đình quý tộc, quyền quý và giàu có; họ có trình độ văn hóa cao, biết nhiều ngoại ngữ, hội họa, âm nhạc, khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Thứ hai, những nhà văn Nga ngoài việc viết văn, làm nghề văn, họ còn là những sĩ quan, thầy giáo, thầy thuốc, viên chức làm việc trong các công sở của chính quyền Nga hoàng. Thứ ba, các nhà văn Nga thường đi nhiều, tiếp xúc nhiều, trải nghiệm nhiều và được tôi luyện trong thực tế cho nên họ có cuộc sống phong phú. Ðiều đó giúp nhiều cho sáng tác. Thứ tư, trong số các nhà văn Nga, có nhiều người đã tham gia các hoạt động chính trị đấu tranh cách mạng và đã bị bắt, bị đày ải và sát hại như Rưlêep, Raepxki, Kiukhenbeke, Bextugiep, Ôđôepxki…
Trước thế kỉ XIX, đội ngũ các nhà văn Nga thưa thớt và không có gì đáng kể, nhưng đến thế kỉ XIX đội ngũ các nhà văn Nga đột ngột tăng nhanh về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là có nhiều tên tuổi đã trở thành những nhà văn thế giới như Puskin, Ðôxtôiepxki, Tuôcghênhep, Tônxtôi, Sêkhôp…
- PHÂN KÌ LỊCH SỬ NGA THẾ KỈ XIX
Phong trào giải phóng ở Nga trải qua ba giai đoạn chủ yếu, đó là:
- Thời kì quý tộc từ 1825 đến 1861 do những người quý tộc tiến bộ lãnh đạo.
- Thời kì trí thức bình dân hay thời kì dân chủ tư sản từ 1861 đến 1895 do những người trí thức bình dân lãnh đạo.
- Thời kì vô sản từ 1895 trở đi do giai cấp vô sản lãnh đạo.
Trên cơ sở sự phát triển của lịch sử và bản thân nền văn học Nga, người ta đã chia văn học Nga thế kỉ XIX thành ba giai đoạn lớn, đó là :
- Từ đầu thế kỉ XIX đến giữa những năm 50 là giai đoạn mở đầu của nền văn học mới. Ðây là thời kì đấu tranh gay gắt giữa các trào lưu văn học. Chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa tình cảm ra đời từ thế kỉ XVIII đã bộc lộ nhiều hạn chế nhưng vẫn còn tồn tại. Chủ nghĩa lãng mạn xuất hiện với hai dòng bảo thủ và cách mạng. Chủ nghĩa hiện thực ra đời từ 1825 bắt đầu phát triển mạnh mẽ, liên tục và đạt được những thành tựu rực rỡ. Các tác gia tiêu biểu trong giai đoạn này là Puskin, Lecmôntôp, Gôgôn, Bêlinxki.
- Từ giữa những năm 50 đến giữa những năm 90 là giai đoạn toàn thắng của chủ nghĩa hiện thực với những thành tựu rực rỡ của nó. Các tác gia tiêu biểu của giai đoạn này là Secnưsepxki, Nhêcraxôp, Tuôcghênhep, Ðôxtôiepxki, Tônxtôi, Sêkhôp.
- Từ giữa những năm 90 trở đi là giai đoạn nảy sinh nền văn học vô sản, thời kì đấu tranh gay gắt giữa chủ nghĩa hiện thực với các trào lưu suy đồi, phản động. Nổi bật trong thời kì này là các sáng tác của nhà văn Gorki.
Do sự phân bố của chương trình văn học Nga I, bài Khái quát văn học Nga thế kỉ XIX chỉ đề cập đến hai giai đoạn văn học lớn trong thế kỉ XIX, đó là:
- Giai đoạn từ đầu thế kỉ đến giữa những năm 50 ( tương ứng với Văn học Nga nửa đầu thế kỉ XIX).
- Giai đoạn từ giữa những năm 50 đến giữa những năm 90 ( tương ứng với Văn học Nga nửa sau thế kỉ XIX).
1.Văn học Nga nửa đầu thế kỉ XIX |
1.1 Bối cảnh lịch sử và sự phát triển tư tưởng xã hội
Cuối thế kỉ XVIII đầu thê úkỉ XIX ở châu Âu là thời kì tan rã của chế độ phong kiến trước sức tấn công mãnh liệt của cách mạng tư sản. Lúc này nước Nga dưới sự cai trị của Alechxan I có tiến hành một số cải cách nhưng vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu, chủ nghĩa tư bản chỉ mới bắt đầu phát triển.
Năm 1812 cuộc chiến tranh vệ quốc của Nga chống lại sự xâm lược của Pháp nổ ra. Quân đội và nhân dân Nga dưới sự chỉ huy của danh tướng tài ba Kutudôp đã đánh bại Napôlêông giải phóng hoàn toàn nước Nga, đồng thời góp phần giải phóng châu Âu.
Trong và sau cuộc chiến tranh vệ quốc 1812, tinh thần dân tộc, tinh thần cách mạng của nhân dân Nga được khơi dậy và dâng cao. Lúc này những phần tử ưu tú của giai cấp quý tộc bắt đầu thành lập những tổ chức cách mạng bí mật. Ðáng chú ý là tổ chức Nam xã ra đời năm 1821 và Bắc xã ra đời 1822.
Ngày 14 tháng Chạp năm 1825, nhân sự kiện Nicôlai I làm lễ đăng quang lên ngôi thay cho Alechxan I vừa chết, những người quý tộc cách mạng đã dựa vào một số đơn vị bộ đội tiến hành khởi nghĩa vũ trang với mục đích lật đổ Nga hoàng.
Cuộc khởi nghĩa tháng Chạp nổ ra trong một thời gian ngắn và nhanh chóng bị Nga hoàng dập tắt. Những người lãnh đạo và tham gia khởi nghĩa bị đàn áp dã man. Rưlêep bị treo cổ. Những người khác bị đàn áp và sát hại. Sau khi lên ngôi, Nicôlai I đã ra sức củng cố nhà nước chuyên chế. Những cuộc khởi nghĩa của nông dân bị đàn áp khốc liệt; chế độ cảnh sát hà khắc, bóp chết dư luận được thiết lập khắp mọi nơi. Tuy vậy trong thời kì này, những cuộc khởi nghĩa của nông dân vẫn diễn ra thường xuyên, liên tục trên khắp nước Nga.
Thời kì này còn có những sự kiện đáng chú ý là Nga hoàng đem quân sang dập tắt cách mạng ở Hungari; giúp Pháp đàn áp cách mạng 1848 ở Pari; gây chiến ở phía Nam nhằm mở rộng lãnh thổ ( chiến tranh Crum 1854-1856).
Năm 1855, Nicôlai I chết, kết thúc một giai đoạn đen tối trong lịch sử nước Nga.
Nửa đầu thế kỉ XIX, ở Nga đã diễn ra mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp thống trị ( địa chủ, quý tộc) và giai cấp bị trị ( nông nô, nông dân). Mâu thuẫn này đã làm nảy sinh cuộc đấu tranh gay gẳt trên lĩnh vực tư tưởng bên cạnh những cuộc đấu tranh bạo động của nông dân.
Sau khi đàn áp cuộc khởi nghĩa tháng Chạp, Nga hoàng mà đại diện là Bộ trưởng Bộ giáo giục Uvarôp đã ra sức tuyên truyền khẩu hiệu phản động Chế độ chuyên chế, chính giáo và tính nhân dân. Khẩu hiệu này thực chất là muốn che giấu bộ mặt thối nát của chế độ chuyên chế, bảo vệ ngôi vị của Nga hoàng, đánh lừa dư luận. Tuy nhiên nó đã bị dư luận đương thời, nhất là những người cách mạng công kích quyết liệt.
Ðấu tranh xã hội và đấu tranh tư tưởng diễn ra quyết liệt và chuyển sang một giai đoạn mới. Các tổ chức bí mật- một hình thức hoạt động cách mạng- ra đời hàng loạt với sự tham gia của cả thanh niên trí thức quý tộc lẫn thanh niên trí thức bình dân. Họ đấu tranh trên báo chí, trong các trường đại học, ở các tổ chức hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Trường Ðại học tổng hợp Matxcơva lúc này đóng một vai trò quan trọng. Nơi đây được xem là nơi đào tạo, giáo dục lòng yêu nước, truyền bá chủ nghĩa duy vật, truyền thụ tri thức khoa học, đào tạo ra những con người ưu tú có tinh thần cách mạng cho nước Nga.
Trong những năm 30-40 của thế kỉ XIX, vấn đề vận mệnh nước Nga được đặt ra gay gắt. Những người quý tộc và giới trí thức Nga ráo riết đi tìm một con đường phát triển cho nước Nga. Lúc này xuất hiện hai phái đối lập và đấu tranh lẫn nhau. Ðó là phái Sùng phương Tây và phái Sùng Slavơ.
Phái Sùng Slavơ khẳng định nước Nga phải phát triển theo con đường độc đáo, riêng biệt của phương Ðông. Họ bảo vệ chính giáo, bảo vệ chế độ quân chủ. Họ muốn sửa đổíi nhưng không muốn đụng chạm đến nguồn gốc của nó. Ðại diện của phái này là Kômiacôp, Kipeepxki.
Phái sùng Tây phươngkhẳng định nước Nga phải đi theo con đường của Tây phương. Họ ca ngợi chế độ quân chủ lập hiến, ca ngợi trật tự tư sản. Họ lấy Anh, Pháp làm kiểu mẫu cho nước Nga. Họ đấu tranh đòi xóa bỏ chế độ nông nô nhưng bằng con đường cải lương tự do chủ nghĩa. Ðại biểu các nhóm này là các nhà khoa học Granôpxki, Cavelin; các nhà văn Botkin, Catcôp…
Sai lầm cơ bản của hai phái này là quá xa rời với những đòi hỏi của nhân dân, thời đại.
Vượt lên trên cả hai phái này là Bêlinxki và Ghecxen. Ðây là hai nhà tư tưởng lớn nhất của thời đại sau cách mạng tháng Chạp.
Chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Bêlinxki là nhóm Pêtơrasepxki hoạt động ở Pêtecpua từ 1845 đến 1848. Nhóm này thường xuyên thảo luận về chủ nghĩa xã hội của Purie, về trình trạng bất bình đẳng xã hội, về các quyền tự do dân chủ… Tham gia nhóm này có các nhà văn Ðôxtôiepxki, Xantưcôp, Sêđrin.
1.2.Tình hình văn học
- Hoạt động của báo chí và các hình thức sinh hoạt văn học tiêu biểu
– Hoạt động của báo chí:
Báo chí Nga đóng một vai trò quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng của nông nô Nga thế kỉ XIX. Hoạt động báo chí lúc này diễn ra sôi nổi với sự tăng vọt về số lượng và nội dung phản ánh. Trong thập kỉ đầu tiên Matxcơva đã có thêm 22 tạp chí, Pêtecpua có thêm 19 tạp chí. Sang thập kỉ thứ hai Matxcơva có thêm 8 tạp chí và Pêtecbua có thêm 21 tạp chí. Báo chí càng lúc càng phản ánh đầy đủ các mặt của đời sống như chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, sáng tác, dịch thuật, phê bình, lí luận…Nó luôn luôn được cải tiến về hình thức, chất lượng nội dung và được xuất bản đều đặn. Sự phát triển của báo chí đã kéo theo sự tăng vọt về số lượng độc giả, tạo nên dư luận rộng lớn trong các tầng lớp nhân dân và nước ngoài.
Báo chí có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển văn học. Chính trên mặt báo, các nhà văn trẻ, các tác phẩm đầu tay đã ra mắt bạn đọc. Tiểu thuyết Nhân vật của thời đại chúng ta xuất hiện lần đầu trên báo với tư cách là những truyện ngắn được in lần lượt. Những tác phẩm của Gôgôn cũng xuất hiện lần đầu tiên trên báo Kí sự Tổ quốc. Tên tuổi của Puskin cũng gắn liền với Văn học báo và Người cùng thời. Những tên tuổi như Secnưsepxki, Ghecxen, Nhêcraxôp… cũng không tách rời sự nghiệp báo chí. Báo chí đã bồi dưỡng nhà văn về tư tưởng, thẩm mĩ… đồng thời nó hướng độc giả đến những lí tưởng thẩm mĩ mới, tư tưởng mới, nền văn học mới…
Chúng ta điểm qua một số tạp chí nổi tiếng đã có ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển văn học Nga nửa đầu thế kỉ XIX như sau:
+ Tạp chí Người thông tin châu Âu tồn tại từ 1802 đến 1830, lúc đầu do Caramdin lãnh đạo là một tạp chí tiến bộ và có nhiều đổi mới. Tạp chí đã đề cập đến nhiều sự kiện của đời sống xã hội, văn hóa, chính trị và đăng tải những tinh hoa của văn học thế giới. Trong thời gian Giucôpxki lãnh đạo tạp chí có nhiều cải tiến mới mẻ. Ông đã cho đăng hơn 70 tác phẩm do ông sáng tác và dịch của nước ngoài. Cũng trên tạp chí này, Puskin lần đầu tiên xuất hiện với 5 bài thơ vào năm 1814 cùng với các bạn làm thơ ở trường Lixê.
Vào những năm cuối cùng (1825- 1830) tạp chí đi vào khuynh hướng bảo thủ, phản động và mất dần ảnh hưởng.
+ Tạp chí Người con của Tổ quốc ra đời ở Pêtecbua từ tháng 10 – 1812 là tiếng nói của lòng yêu nước chống kẻ thù xâm lược bảo vệ tổ quốc, đấu tranh giải phóng nông nô khỏi ách thống trị của địa chủ. Những năm sau tạp chí có quan hệ mật thiết với phong trào tháng Chạp. Nội dung của tạp chí có liên quan đến những cuộc luận chiến xung quanh vấn đề chủ nghĩa lãng mạn, tính nhân dân trong văn học. Tạp chí thường xuyên đăng tải những tác phẩm của Bextugiep, Rưleep, Muraviep, Crưlôp, Puskin…
Sang năm 1825 tạp chí dần dần trở thành cơ quan ngôn luận phản động và không còn được tín nhiệm.
+ Tạp chí Sao bắc cựctồn tại từ 1823 đến 1825 do Rưlêep và Bextugiep sáng lập. Tạp chí này đã thức tính lòng yêu nước, tinh thần công dân, nghĩa vụ đối với đất nước trong thời kì mới. Sao bắc cực đã đăng tải các bài phê bình của Bextugiep, thơ của Puskin, Kiukhenbeke, văn của Bextugiep, Glinka và được hoan nghênh nhiệt liệt.
Sau sự kiện 14 tháng12 năm 1825 tạp chí ngừng hoạt động.
+ Tạp chí Ðiện tín Matxcơva tồn tại từ 1825 đến 1831 do Pôlêvôi lãnh đạo là một tạp chí tiến bộ. Nội dung tạp chí gồm nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, lịch sử, khoa học, văn học. Tạp chí chú trọng đặc biệt đến văn xuôi và phê bình.
+ Văn học báo ( 1830 – 1831) tập hợp các nhà thơ nhà văn như Ðenvich, Ðavưđôp, Puskin, Gôgôn… Những người này đấu tranh chống lại những quan điểm bảo thủ, phản động trong văn học. Báo ra năm ngày một lần nhưng không được đăng tin tức, bình luận chính trị. Báo chủ yếu đăng thơ văn, phê bình, tư liệu văn học, khoa học. Lo sợ trước ảnh hưởng của báo, phòng Ba đã đình chỉ hoạt động của báo.
+ Tạp chí Người cùng thờixuất hiện năm 1836 tập hợp các nhà văn tiến bộ nhất đương thời. Báo đã đăng tải các tác phẩm của Puskin , Gôgôn. Sau khi Puskin mất năm 1937 tạp chí mất dần ảnh hưởng. Ðến 1847 tạp chí phục hồi và trở thành cơ quan ngôn luận tiến bộ. Tạp chí đã đăng các tác phẩm Bút kí người đi săn của Tuôcghênhép , Ai có tội của Ghecxen , thơ và trường ca của Nhêcraxôp, phê bình của Bêlinxki .
– Hoạt động của các nhóm, hội văn học
Bên cạnh các hoạt động báo chí đang diễn ra sôi nổi, ở các thành phố lớn như Matxcơva và Pêtecbua còn xuất hiện các nhóm hội văn học. Các nhóm, hội văn học xuất hiện do nhu cầu giải quyết những vấn đề lí luận và sáng tác trong thời kì mới.
Lúc này những người có tâm huyết và quan tâm tới thời cuộc muốn gặp gỡ và trao đổi lẫn nhau nhằm tìm ra câu trả lời thích đáng những vấn đề xã hội. Trên cơ sở đó hình thành các văn đoàn , các phòng khách văn học , các sinh hoạt văn học định kì và không định kì . Các nhóm, hội văn học này họat động rất sôi nổi và lôi cuốn, tập hợp rất nhiều tầng lớp tham gia . Có thể điểm qua một số nhóm, hội văn học sau:
+ Năm 1801, tại Matxcơva, Tuôcghênhep đã thành lập Hội ái hữu văn học. Hội họat động khá tích cực và chỉ trong một thời gian ngắn đã tổ chức đến 17 lần sinh hoạt.
+ Năm 1801, tại Pêtecbua, một số giáo sư, trí thức đã thành lập Hội tự do của những người yêu văn học, khoa học và nghệ thuật . Hoạt động của hội diễn ra xung quanh các vấn đề về chính trị, xã hội, triết học, lịch sử, văn học… Hội quan tâm đến các tác phẩm của Ðiđơrô, Vônte, Môngtexkiơ. Một số ấn phẩm của hội được xuất bản như Hợp tuyển thơ ca , Tuyển tập Rađisep.
+ “Hội tọa đàm” do Siscôp (1754-1841) sáng lập. Ông là người bảo hoàng, bảo thủ. Hội tập hợp những người quyền quí, các triều thần , các phu nhân ở kinh đô. Họat động của hội chủ yếu phục vụ cho mục đích chính trị phản động của Nga hoàng.
+ “Hội Acdamat ” do những người ủng hộ Cíaramdin và Giucôpxki thành lập chủ trương chống lại “Hội tọa đàm” của Siscôp. Hoạt động của hội là tìm tòi những cái mới trong sáng tác của Caramdin và Giucôpxki, đấu tranh chống lại phái bảo thủ, đấu tranh cho sự phát triển tự do của văn học.
+ “Hội đồng minh hạnh phúc ” của những người tháng Chạp chủ trương đấu tranh cho một nền văn học tiến bộ. Trong số hội viên của hội có Bextugiep, Rưlêep, Kuikhenbeke. Hội đã họp phiên đặc biệt tiễn Puskin đi phương Nam và hoạt động cho đếïn ngày khởi nghĩa tháng Chạp.
Bên cạnh các nhóm, hội văn học , trong thời kì này còn có các phòng khách văn học thu hút nhiều người thuộc những khuynh hướng khác nhau đếïn tham dự. Có thể kể đến phòng khách của Ôlênhin ở Pêtecbua, phòng khách của bà Elaghina, bà Dinaiđa Vôncônxkicaia ở Matxcơva.
Những đêm văn học hàng tuần cũng là một hình thức sinh hoạt văn học quan trọng của thời kì này. Ở đây, các nhà văn, nhà thơ có dịp gặp gỡ nhau, cùng nhau trao đổi và bàn bạc các vấn đề văn học, xã hội…
- Quá trình đấu tranh và phát triển của các trào lưu văn học
– Chủ nghĩa cổ điển Nga trong những năm đầu thế kỷ XIX:
Chủ nghĩa cổ điển Nga xuất hiện từ giữa thế kỷ XVIII là một khuynh hướng văn học tiến bộ. Những người theo chủ nghĩa cổ điển chủ trương hướng tới nội dung xã hội lớn lao. Họ hướng về lịch sử dân tộc, truyền thống cha ông, phê phán thái độ lai căng. Họ phát triển nhiều thể loại văn học mới mẻ, mang tính chuẩn mực. Những thành tựu đó đã góp phần đáng kể cho sự phát triển của nền văn học Nga.
Tuy nhiên trong hoàn cảnh mới khi mà quan niệm thẩm miî, lí tưởng thẩm mĩ đã thay đổi người ta mong muốn được tự do sáng tạo, phát triển tài năng, khi mà đất nước đang đòi hỏi văn học phải phản ánh những vấn đề bức thiết của xã hội thì chủ nghĩa cổ điển không còn thích hợp nữa. Sự tồn tại của nó trở thành trở lực cho sự phát triển văn học và xã hội. Yêu cầu đổi mới lúc này trở thành một yêu cầu tất yếu và chủ nghĩa tình cảm đã dần dần thay thế chủ nghĩa cổ điển.
Nhưng chủ nghĩa cổ điển không ngừng hoạt động ngay mà những đại biểu lớn của nó như Ðecgiavin, Khêraxcôp vẫn còn sáng tác. Các thể loại như tụng ca, anh hùng ca không chỉ được các nhà thơ lão thành sử dụng mà ngay các nhà thơ trẻ cũng sử dụng nhằm thể hiện nội dung mới. Puskin và Giucôpxki thường sử dụng thể loại này để diễn đạt những nội dung trang trọng, đẹp đẽ. Nhà hát vẫn giữ truyền thống cũ tuy có đổi mới. Lúc này có những tác phẩm lí luận bảo vệ chủ nghĩa cổ điển như Từ điển thơ ca cũ và mới của Ôxtôlôpôp (1821), Giáo trình lí luận văn học của giáo sư Medơliacôp. “Hội tọa đàm” lúc này vẫn còn hoạt động nhằm bảo vệ cái cũ.
Năm 1816, “Hội tọa đàm” ngừng hoạt động, chủ nghĩa cổ điển đi đến chỗ kết thúc với sự thắng thế của chủ nghĩa tình cảm.
– Sự thắng thế của chủ nghĩa tình cảm trước chủ nghĩa cổ điển; sự ra đời của chủ nghĩa lãng mạn:
Chủ nghĩa cổ điển xuất hiện ở Nga vào giữa thế kỷ XVIII là một bước tiến của văn học Nga. Ðến cuối thế kỷ XVIII một khuynh hướng văn học mới là chủ nghĩa tình cảm xuất hiện đánh dấu thêm một bước tiến quan trọng của nền văn học. Trong 15 năm đầu của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tình cảm phát triển song song với chủ nghĩa cổ điển và dần dần thay thế chủ nghĩa cổ điển. Nó đã bác bỏ những quy tắc sáng tác nghiêm ngặt, gò bó của chủ nghĩa cổ điển, phát huy những mặt tiến bộ như: quan tâm đến quyền sống cá nhân, đến tình yêu đôi lứa, đến tình bạn thủy chung, đến tình yêu thiên nhiên của con người trần tục.
Tuy nhiên, chủ nghĩa tình cảm Nga không phải chỉ có những ưu điểm. Bản thân nó tồn tại những nhược điểm không thể khắc phục do nó gắn liền với giai cấp quý tộc. Nhược điểm của nó là nặng tính chất ôn hòa, bảo thủ, thi vị hóa cuộc sống nông thôn, tô điểm thực tại đen tối, xóa mờ những quan hệ áp bức bóc lột giữa nông dân và địa chủ. Chủ nghĩa tình cảm chỉ quan tâm đến tình cảm, đến đời sống trái tim của riêng tư cá nhân mà quên thực tại đời sống nhân dân. Tuy chủ nghĩa tình cảm có quan tâm đến sự phát triển ngôn ngữ dân tộc, nhưng đó cũng chỉ là những cải cách cải lương, kém triệt để và thiếu dân chủ.
Ðại biểu lớn nhất của chủ nghĩa tình cảm là Caramdin; cùng với ông còn có Ðmitơriep (1760 – 1873), nhà thơ ngụ ngôn Giucôpxki thời trẻ, Vaxili Livôvits Puskin (1767-1830), nhà viết kịch Ôdêrôp (1769-1816)
Sự đấu tranh giữa khuynh hướng cổ điển với khuynh hướng tình cảm gắn liền với những cuộc tranh luận về ngôn ngữ trong 15 năm đầu thế kỉ XIX. Siscôp cầm đầu phái thủ cựu đã đứng ra bảo vệ cái cũ, chống lại việc sử dụng những từ ngữ mới, những lối diễn đạt mới do chủ nghĩa tình cảm đề xướng. Những người bảo thủ chủ trương lấy ngôn ngữ cổ của nhà thờ làm ngôn ngữ văn học. Trong khi đó, Caramdin và phái mới đã kiên quyết đấu tranh bảo vệ cái mới. Macarôp viết Ngôn ngữ phải luôn luôn vị khoa học, vị nghệ thuật, vị giáo dục, vị phong tục tập quán. Sẽ đến một lúc mà ngôn ngữ hiện nay phải già cõi, những bông hoa ngôn ngữ sẽ tàn héo giống như mọi loại hoa khác. Thực chất cuộc tranh luận giữa hai khuynh hướng văn học này là vấn đề tiến bộ hay bảo thủ. Ðương nhiên, chủ nghĩa tình cảm thay thế chủ nghĩa cổ điển là xu thế tất yếu của lịch sử.
Sau cuộc chiến tranh vệ quốc 1812, nhân dân Nga là người chiến thắng quân xâm lược, điều này giúp họ ý thức được sức mạnh và quyền lợi chính đáng của mình, nhưng thực tế của cuộc sống nông nô và sự ngột ngạt của chế độ chuyên chế tàn bạo đã đi ngược lại những yêu cầu chính đáng của họ. Aío tưởng về sự hòa hợp giữa quý tộc địa chủ và nông dân, nông nô không còn phù hợp với thực tế. Trong hoàn cảnh mới, quan niệm thẩm mỹ, lý tưởng thẩm mỹ, tư tưởng xã hội đã cơ bản thay đổi dẫn đến sự hình thành một khuynh hướng văn học mới. Chủ nghĩa lãng mạn bắt đầu được hình thành, kế tục và thay thế cho chủ nghĩa tình cảm không còn phù hợp với thực tế lịch sử. Chủ nghĩa lãng mạn ra đời trong cao trào yêu nước sau chiến tranh vệ quốc và trở thành một sự kiện văn học nổi bật trong 15 năm đầu thế kỷ, đánh dấu một bước phát triển quan trọng của nền văn học Nga thế kỷ XIX.
– Dòng văn học châm biếm tiếp tục phát triển mạnh mẽ
Bên cạnh sự ra đời và phát triển của chủ nghĩa cổ điển từ giữa thế kỷ XVIII, đến nửa sau thế kỷ XVIII dòng văn học châm biếm cũng hình thành và phát triển mạnh mẽ với những tên tuổi như Nôvicôp, Phônvidin, Crưlôp. Ðến đầu thế kỷ XIX, cùng với hai dòng văn học là chủ nghĩa tình cảm và chủ nghiã cổ điển đang đấu tranh lẫn nhau, dòng văn học châm biếm cũng không ngừng phát triển với tên tuổi Crưlốp. Crưlốp đã sáng tác 120 bài thơ ngụ ngôn với nội dung là cuộc sống lầm than đen tối của người nông dân. Ngoài Crưlôp, một viên chức nghèo có tên là Naregiơnưi cũng có những tiểu thuyết miêu tả cuộc sống nghèo khổ của nông dân. Có thể nói rằng , sự phát triển của dòngvăn học này là một sự chuẩn bị tích cực cho khuynh hướng hiện thực ra đời trong những năm 20 của thế kỷ XIX.
Tóm lại : Trong 15 năm đầu thế kỷ XIX ở Nga tồn tại hai khuynh hướng văn học đấu tranh lẫn nhau. Ðó là chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa cổ điển . Kết quả của cuộc đấu tranh này là sự thắng thế của chủ nghĩa tình cảm .Nhưng rồi chủ nghĩa tình cảm cũng không tồn tại lâu dài do hoàn cảnh xã hội thay đổi liên tục. Lúc này chủ nghĩa lãng mạn dần dần định hình với sự xuất hiện của hai nhà văn tiêu biểu Giucôpxki và Bachiuscôp. Bên cạnh đó , chúng ta cũng phải kể đến sự phát triển song song của dòng văn học châm biếm với đại biểu tiêu biểu Crưlôp. Ðây là dòng văn học chuẩn bị trực tiếp cho chủ nghĩa hiện thực Nga thế kỷ XIX .
– Sự phân hóa và phát triển của chủ nghĩa lãng mạn ;dòng văn học lãng mạn tích cực trở thành dòng văn học chủ yếu.
Chủ nghĩa lãng mạn là một trong những trào lưu văn học lớn nhất Âu- Mỹ xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Ở Nga chủ nghiã lãng mạn xuất hiện vào đầu thê úkỷ XIX là một biến cố văn học quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn đến tiển trình phát triển của văn học Nga thế kỷ XIX.
Vào đầu thế kỷ XIX, sau cuộc chiến tranh ái quốc 1812, hòan cảnh xã hội của Nga thay đổi nhanh chóng kéo theo sự thay đổi lớn lao về tư tưởng xã hội. Quan điểm nghệ thuật của chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa tình cảm không còn phù hợp với thực tế xã hội trở nên lỗi thời và phản động. Lúc này , các nhà thơ đã kinh qua những truyền thống văn học cổ điển và tình cảm bắt đầu đi tìm một khuynh hướng mới cho văn học. Họ không chấp nhận những hạn chế của văn học truyền thống . Có thể nói, đến lúc này sự bất bình với lối sống tư sản, sự chống lại cái dung tục, tầm thường , không tình nghĩa và ích kỉ của những quan hệ tư sản đã sớm được thể hiện trong chủ nghĩa tình cảm đến các nhà văn sáng tác theo chủ nghĩa lãng mạn càng trở nên gay gắt . Chính trong hoàn cảnh này, Giucôpxki đã sáng lập ra chủ nghĩa lãng mạn Nga
Chủ nghĩa lãng mạn ở Nga ra đời do ảnh hưởng từ chủ nghĩa lãng mạn phương Tây và do kế thừa những truyền thống văn học trước nó. Nhưng sự ra đời của nó chủ yếu là do văn học đã phản ánh thực tại Nga trước khởi nghĩa tháng Chạp, phản ánh tinh thần cách mạng quý tộc của thời đại, phản ánh những xu hướng mới trong đời sống xã hội nhằm chống chế độ phong kiến, giải phóng nông nô.
Chủ nghĩa lãng mạn Nga phát triển qua nhiều gia đọan và không thuần nhất một dòng. Giữa các nhà thơ lãng mạn cùng một giai đoạn, giữa các nhà thơ lớp trước và lớp sau luôn khác nhau ; ngay một nhà thơ cũng biến chuyển qua nhiều thời kì.
Chủ nghĩa lãng mạn Nga ra đời một thời gian thì phân hóa thành hai khuynh hướng khác nhau . Ðó là chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực và chủ nghĩa lãng mạn tích cực. Gorki đã phân tích hai khuynh hướng văn học này như sau:. Chủ nghĩa lãng mạn tiêu cực tìm cách làm cho con người bằng lòng với thực tế (..) lôi kéo họ về với những suy tưởng , về những bí ẩn thiên định cuả cuộc đời , về tình yêu, về cái chết, là những cái huyền bí vốn không giải thích được bằng con đường tư biện (..). Chủ nghĩa lãng mạn tích cực cố làm vững thêm ý chí ham sống của con người, khơi dậy trong con người một ý chí quật khởi chống lại thực tế ….
Giucôpxki và Bachiuscôp là người sáng lập ra chủ nghĩa lãng mạn nhưng cũng là đại biểu cho khuynh hướng lãng mạn tiêu cực.
Giucôpxki (1783-1852) là học trò tài năng của Caramdin nhưng ông đã lãng mạn hóa chủ nghĩa tình cảm và trở thành nhà thơ lớn đương thời. Hai tuyển tập thơ Giucôpxki ra đời năm 1815 và 1818 là hai sự kiện quan trọng đánh dấu thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn Nga. Về sau, những sáng tác của Giucôpxki thoát li thực tế, đắm đuối trong những suy tưởng huyền bí . Tuy vậy Bêlinxki đã viết Không có Giucôpxki có lẽ chúng ta không có Puskin , chính Puskin là người đã phát huy những mặt mạnh của Giucôpxki và đưa văn học Nga vào một quỹ đạo.
Cùng với Giucôpxki , Bachiuscôp (1787- 1855) nổi lên rực rỡ với loại thơ nhẹ . Thơ ông ca ngợi tuổi trẻ , tình yêu , niềm tin vào tương lai tổ quốc. Tập những thể nghiệm thơ và văn xuôi của ông ra đời 1817 là một sự kiện văn học đương thời . Về sau Bachiuscôp trở nên bi quan, mắc bệnh tâm thần . Ông đã gieo những vần thơ bi quan, tuyệt vọng:
Người ta sinh ra là nô lệ,
Nằm xuống mồ vẫn là nô lê
Từ trong khuynh hướng lãng mạn nảy sinh dòng văn học lãng mạn mới, tích cực, khác với dòng lãng mạn của Giucôpxki và Bachiuscôp. Ðó là dòng văn học lãng mạn tích cực. Ðại diện cho dòng văn học này là nhà thơ Puskin và các nhà thơ tháng Chạp như Rưlêep, Kiukhenbeke, Raeppxki, Bextugiep, Ôđôepxki. Bên cạnh đó còn có các nhà thơ như Viademxki, Iadưcôp, Ðavưđôp, Ðenvich, Baratưxki.
Raepxki (1795 – 1872) là hội viên hội Ðồng minh hạnh phúc và Nam xã, bạn thân với Puskin. Ông bị Nga hoàng bắt giam 6 năm, sau đày đi Xibia. Trong tù, ông sáng tác thơ chống lại bọn vua quan, địa chủ.
Kiukhenbeke (1797 – 1846) là hội viên Bắc xã, bạn học cùng trường với Puskin. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa 14.12.1825 và bị kết án tử hình, sau bị đày đi Xibia. Ông vừa là nhà thơ, nhà phê bình, nhà soạn kịch. Ông đánh giá rất cao những sáng tác của Puskin, Lecmôntôp, Gôgôn…
Bextugiep (1797 – 1837) phụ trách tạp trí niên giám Sao bắt cực cùng với Rưlêep. Ông vừa là nhà thơ vừa là nhà phê bình. Ông tham gia cuộc khởi nghĩa 14 tháng 12 năm 1825 và bị bắt giam, sau bị đày làm lính và hy sinh trong chiến đấu.
Ðavưđôp (1784 – 1839) là một anh hùng nổi tiểng trong chiến tranh vệ quốc và là hội viên hội Acdamat. Thơ văn của ông đã nói lên tinh thần anh hùng, lòng yêu nước chân chính của nhân dân Nga.
Viademxki (1792 – 1878) là hội viên hội Acdamat. Lúc đầu thơ ông hướng về lí tưởng tự do, nhưng về sau ông chuyển sang lập trường phản động.
Trong những năm 1815 – 1825, nổ ra những cuộc tranh luận chung quanh vấn đề tính nhân dân trong văn học, vấn đề thơ balát của Catênin, vấn đề trường ca của Puskin và nhiều vấn đề khác. Thực chất của những cuộc tranh luận này là sự đấu tranh giữa chủ nghiã lãng mạng tích cực với các trào lưu lạc hậu khác, giữa khuynh hướng cách mạng và bảo thủ.
Sự kiện nổi bật về văn học trong thời kỳ này là sự xuất hiện bản trường ca Ruxlan và Liutmila (1820) và những bản trường ca phương Nam như Người tù Capcadơ, Lệ đài Bakhơsixarai, Ðoàn người Sưgan của nhà thơ Puskin. Có thể thấy, những sáng tác của Puskin trong thời kỳ này không những đánh dấu sự toàn thắng của chủ nghĩa lãng mạn trước chủ nghĩa tình cảm và chủ nghĩa cổ điển nói chung, mà nó còn đấnh dấu sự thắng lợi của dòng văn học lãng mạn tích cực trước dòng văn học lãng mạn tiêu cực, bảo thủ.
Sau khi cuộc khởi nghĩa tháng Chạp thất bại, nước Nga rơi vào một thời kì cực đen tối. Những nhà thơ có liên quan đến phong trào tháng Chạp bị đàn áp dã man. Văn học lúc này gắn bó với thực tại hơn và bắt đầu phê phán thực tại. Phương pháp sáng tác hiện thực bắt đầu hình thành với những sáng tác của Puskin và Gôgôn.
– Chủ nghĩa hiện thực trở thành dòng văn học chính
Chủ nghĩa hiện thực là thành tựu cao nhất của văn học Nga thế kỷ XIX. Nó xuất hiện trên cơ sở kế thừa, phát huy những truyền thống văn học trước nó và đấu tranh lẩn nhau giữa các trào lưu trong việc phản ánh những điều kiện lịch sử xã hội cụ thể.
Thế kỉ XVIII là thế kỉ đã chuẩn bị cho chủ nghĩa hiện thực ra đời và trong 25 năm đầu thế kỉ XIX công việc được tiến hành khẩn trương hơn với dòng văn học châm biếm; trong khi đó chủ nghĩa cổ điển, chủ nghĩa tình cảm, chủ nghĩa lảng mạn song song tồn tại ở những mức độ khác nhau.
Dòng văn học châm biếm phát triển mạnh mẽ trong 25 năm đầu thể kỉ XIX với hàng loạt bài thơ ngụ ngôn, những vở kịch hiện thực của Crưlôp. Chính Crưlôp đã vượt qua các nhà văn cổ điển lỗi thời, vượt qua các nhà văn tình cảm thoát li hiện thực, vượt qua Giucôpxki và Bachiuscôp đang lúng túng, bất lực trước những yêu cầu mới. Ông đã chuẩn bị trực tiếp cho chủ nghĩa hiện thực Nga thế kỉ XIX .
Năm 1825 có một số tác phẩm đánh dấu sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực Nga tác phẩm đầu tiên phải kể đến là tiểu thuyết thơ Êpghênhi Ônhêghi. Tháng 2 năm 1825, chương đầu tiên của tác phẩm này được in thành sách. Bêlinxki đã gọi tác phẩm này là Cuốn sách bách khoa về đời sống Nga.Puskin đã miêu tả chân thực, điển hình lớp thanh niên quý tộc trước cách mạng tháng Chạp. Những nhân vật trong tác phẩm không còn là những nhân vật tượng trưng, ước lệ mà trở thành những nhân vật vừa điển hình vừa sinh động, cụ thể. Cũng trong năm 1825 Puskin viết vở kịch lịch sử Bôrix Gôđunôp. Cuối năm 1825 ông viết truyện thơ Bá tước Nulin. Tập thơ trữ tình của Puskin cũng được in vào cuối năm 1825.
Bằng những tác phẩm trên, Puskin đã mở ra con đường mới cho văn học Nga. Chủ nghĩa hiện thực từ đây được hình thành và các nhà văn đã lấy thực tại cuộc sống thời đại làm đối tượng khám phá, sáng tạo. Từ đây, chủ nghĩa hiện thực trở thành một phương pháp sáng tác, kết thúc quá trình hình thành, mở đầu cho quá trình phát triển rực rỡ về sau.
Bên cạnh những tác phẩm của Puskin xuất hiện 1825, chủ nghĩa hiện thực còn được khẳng định bởi vở kịch Khổ vì trí tuệ của ngôi sao sớm tắt Gribôeđôp. Nhà văn đã xây dựng thành công nhân vật Satski đại diện cho người chiến sĩ tháng Chạp. Ðó là một tính cách điển hình, đa dạng, có tính lịch sử cụ thể, vừa có tính khái quát vừa có tính cá biệt, cụ thể .
Năm 1825, trong khi những tác phẩm hiện thực của Puskin, Gribôeđôp ra đời thì đồng thời cũng xuất hiện những tác phẩm lãng mạn của Rưlêep, Côdơlôp. Ðặt biệt có cả những nhà thơ vừa sáng tác theo khuynh hướng lãng mạn, vừa sáng tác theo khuynh hướng hiện thực như Puskin .
Cuộc khởi nghĩa tháng Chạp đã thất bại, hoàn cảnh sau cách mạng đã đổi thay, nhưng Puskin vẩn tiếp tục tinh thần tháng Chạp trong hoàn cảnh mới. Nhà thơ công dân tiếp tục đưa những thành tựu của chủ nghĩa lãng mạn tích cực lên đỉnh cao, đồng thời xây dựng chủ nghĩa hiện thực thêm vững chắc.
Cùng lúc với sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực, các lực lượng phản động ra sức công phá phương pháp sáng tác mới. Phòng Ba, Burigarin, Grets, Xencôpxki tìm mọi cách chống phá phong trào cách mạng, chống chủ nghĩa hiện thực, công kích Puskin, Gôgôn. Bọn chúng chê bai Epghênhi Ônhênghin, hạ thấp giá trị Quan thanh tra và Những linh hồn chết.
Cùng với Puskin, Gôgôn, Lecmôntôp và Bêlinxki đã đấu tranh bảo vệ chủ nghĩa hiện thực cả hai phương diện lý luận, phê bình và sáng tác.
Lecmôntôp (1814 – 1841) vừa là nhà thơ lãng mạn vừa là nhà văn hiện thực. Năm 1840 cuốn tiêủ thuyết Nhân vật của thời đại chúng ta của Lecmôntôp ra đời đánh dấu một thắng lợi mới của chủ nghĩa hiện thực. Trong tác phẩm, nhà văn đã phát triển khuynh hướng tâm lý, đi sâu vào nội tâm nhân vật, chuẩn bị cho những nghệ sĩ tâm lý bậc thầy sau này như : Ðôxtôiepxki, Tônxtôi, Sêkhôp.
Gôgôn (1809 – 1852) là người khẳng định sự thắng lợi dứt khoát của chủ nghĩa hiện thực Nga qua tác phẩm Những linh hồn chết (1842). Trong tác phẩm này chúng ta bắt gặp hàng loạt những nạn dân của chế độ nông nô, những con người nhỏ bé dưới đáy xã hội, nhũng mảnh đời bất hạnh triền miên; những kẻ thù của nhân dân, những tính cách ích kỷ, thấp hèn,nhỏ mọn của bọn địa chủ qúy tộc.
Thành tựu văn xuôi của Gôgôn có ý nghĩa rất lớn, Gôgôn đã tập hợp xung quanh mình rất nhiều nhà văn trẻ như Ghecxen, Ðôxtôiepxki, Tuôcghênhep, Gônsarôp. Chính họ đã tạo nên trường phái Gôgôn trong những năm 40 của thế kỉ XIX. Những tác phẩm của họ như Những người cùng khổ (1846), Bút ký người đi săn(1847), Ai có tội(1846 – 1847), Ôblômôp (1849 –1859) đãí khẳng định sự thắng lợi toàn diện của chủ nghĩa hiện thực.
Trên mặt trận liï lụân, phê bình, Bêlinxki (1811 – 1848) là người chủ xướng, người giương cao ngọn cờ liï luận, phê bình chống lại những kẻ thù của chủ nghĩa hiện thực. Những bài viết của ông có tính cách phát hiện những tài năng văn học mới, những bước phát triển mới của văn học Nga. Chính ông đã khẳng định vai trò to lớn của Puskin trong việc mở đầu một khuynh hướng sáng tác mới; khẳng định Lecmôntôp, Gôgôn trong việc đánh dấu sự thắng lợi của chủ nghĩa hiện thực Nga.
Tóm lại, đến nửa sau thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực Nga đã có đầy đủ thực tiễn sáng tác và cơ sở lí luận để phát triển vững chắc và liên tục. Từ đây, dòng văn học hiện thực trở thành dòng văn học chủ yếu và bắt đầu đạt được những thành tựu rực rỡ. Văn học Nga từ đây thực sự hướng về đời sống nhân dân và phong trào cách mạng đang ngày càng phát triển sâu rộng .
2. Văn học Nga nửa sau thế kỷ XIX |
2.1. Bối cảnh và sự phát triển tư tưởng xã hội
Sau khi thất bại trong cuộc chiến tranh Crưm (1854 – 1856) nước Nga càng lúc càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng không thể cứu vãn. Những khó khăn do các cuộc khởi nghĩa của nông dân, do sự suy sụp về kinh tế, do những thất bại về quân sự… đã buộc Nga hoàng phải tiến hành cải cách từ trên xuống. Ngày 19 – 2 – 1861 Nga hoàng ra sắc lệnh bãi bỏ chế độ nông nô, giải phóng hàng chục triệu người.
Tuy nhiên, thực chất đây là một cuộc cải cách không triệt để. Chính giai cấp phong kiến thống trị đã cấu kết với giai cấp tư sản nhằm lẩn tránh các cuộc bạo động của quần chúng. Sau cuộc cải cách số phận của hàng chục triệu nông dân vẫn không hề được cải thiện. Ðiều này đã dẫn đến sự bùng nổ của hàng chục ngàn cuộc bạo động của nông dân trên khắp 90% các tỉnh nước Nga.
Tuy có những hạn chế như vậy, nhưng việc bãi bỏ chế độ nông nô vẫn là một bước ngoặc trong quá trình phát triển xã hội Nga. Nó đã tạo cơ sở tốt cho nền kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển nhanh chóng, đồng thời đưa nước Nga từ một nước quân chủ phong kiến trở thành một nước quân chủ tư sản.
Nước Nga sau cuộc cải cách nông nô bộc lộ hai đặc điểm nổi bật của nền kinh tế tư bản. Ðó là quyền lực đồng tiền và sự phân hóa nông dân. Nông dân lúc này phân hóa thành hai bộ phận: Giai cấp tư sản có số lượng ít nhưng lại vững mạnh do địa vị kinh tế của nó và giai cấp vô sản nông thôn.
Cùng với hai đặc điểm nổi bật, lúc này nền đại sản xuất công nghiệp cũng ra đời kéo theo sự xuất hiện và lớn dần của giai cấp vô sản công nghiệp. Ðây là một hiện tượng tiến bộ. Song giai cấp tư sản Nga không phải là giai cấp cách mạng như ở các nước phương Tây, mà nó cấu kết với giai cấp địa chủ, quý tộc nhằm tiến hành bóc lột nông dân.
Như vậy, nước Nga nửa sau thế kỷ XIX vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu ở châu Âu. Nông dân vẫn chiếm đến 90% dân số, vẫn chìm trong đêm dài nô lệ, vẫn chịu sự bóc lột tàn nhẫn của bọn địa chủ – tư sản, quan lại – nhà thờ. Nước Nga trong nửa đầu thế kỷ XIX đã rơi vào khủng hoảng đến bây giờ càng rơi vào bế tắc, không còn lối thoát.
Trong suốt nửa sau thế kỷ XIX, nước Nga đã diễn ra mâu thuẫn sâu sắc giữa giai cấp thống trị và quần chúng bị trị. Mâu thuẫn này đã tạo nên cơn khủng hoảng gay gắt trầm trọng chỉ cần cơ hội là bùng nổ dữ dội. Lúc này, vấn đề giải quyết ruộng đất cho nông dân trở thành vấn đề trung tâm của thời đại và có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tư tưởng xã hội và văn học nghệ thuật.
Cuộc cải cách nông nô 19 – 2 – 1861 đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử nước Nga. Thời đại đã sản sinh ra hai trào lưu tư tưởng lớn: một bên là phái tự do chủ nghĩa nổi bật vào những năm 1860 – 1870, một bên là phái dân chủ cách mạng. Hai phái này được xem là những người đại diện cho hai xu hướng lịch sử quyết định trong cuộc đấu tranh giải phóng của nông dân Nga.
Phái tự do chủ nghĩa muốn giải phóng nước Nga ra khỏi tình trạng bế tắc, khủng hoảng nhưng họ không muốn hủy bỏ chế độ nông nô mà chỉ nhượng bộ theo tinh thần của thời đại. Thực chất đây là phái của những nhà tư tưởng thuộc giai cấp tư sản. Họ không chấp nhận chế độ nông nô nhưng lại sợ cách mạng và phong trào của quần chúng lật đổ chế độ quân chủ. Ðại biểu cho khuynh hướng này trong văn học là Tuôcghênhep, Ôxtrôpxki, Gônsarôp.
Phái dân chủ cách mạng phần lớn thuộc trí thức bình dân. Họ chủ trương tiêu diệt chế độ nông nô Nga hoàng bằng vũ lực, đưa xã hội Nga tiến lên chủ nghĩa xã hội thông qua công xã nông thôn. Mặc dù họ chỉ dừng lại ở chủ nghĩa xã hội không tưởng nhưng họ cũng đã góp phần thức tỉnh, giáo dục tư tưởng cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ. Ðại biểu cho khuynh hướng này trong văn học là: Bêlinxki, Secnưsepxki, Nhêcraxôp, Ðôbrôliubôp, Xantưcôp, Xêđrin.
Song song với hai khuynh hướng trên, vào những năm 80 của thế kỉ XIX, chủ nghĩa Mác được truyền vào Nga bên cạnh sự lớn mạnh của giai cấp công nhân. Sang những năm 90, Lênin bắt đầu hướng đến việc thành lập một chính Ðảng kiểu mới. Lúc này, trong văn học xuất hiện những con người lao động mới – những người vô sản. Một thời đại mới sắp bắt đầu.
2.2. Tình hình văn học:
Ðến nửa sau thế kỷ XIX, chủ nghĩa hiện thực nước Nga bước vào giai đoạn phát triển rực rỡ với những tên tuổi vĩ đại như: Secnưsepxki, Tuôcghênhep, Ðôxtôiepxki, Tônxtôi, Sêkhôp… Lúc này nền văn học Nga gắn bó mật thiết với phong trào cách mạng và càng lúc càng phản ánh đầy đủ hơn những mâu thuẩn xã hội và tinh thần của thời đại. Ðiều này được thể hiện ở tất cả các bình diện của văn học như: nhà văn, chủ đề, nội dung, quan điểm mĩ học, phương pháp, ngôn ngữ, thể loại…
Ðến nửa sau thế kỷ XIX các nhà văn Nga càng lúc càng gắn bó với nhân dân và phong trào cách mạng. Người ta phân họ thành ba nhóm sau:
Nhóm thứ nhất gồm những nhà phê bình lý luận. Họ vừa là người dẫn đường cho văn học vừa những nhà lãnh đạo phong trào cách mạng đương thời. Nhóm này gồm những tên tuổi tiêu biểu như Bêlinxki, Secnưsepxki, Ðôbrôliubôp, Pixarep, Nhêcraxôp.
Nhóm thứ hai bao gồm những người không trực tiếp hoạt động cách mạng nhưng họ lại giương cao ngọn cờ liï tưởng tự do bằng cách phát ngôn cỗ vũ cho những tư tưởng tiên tiến qua các tác phẩm của mình. Ðại diện cho nhóm này là: Xantưcôp, Xêđrin, Glep Uxpenxki, Kôrôlenkô.
Nhóm thứ ba bao gồm những nhà văn như Lep Tônxtôi, Ðôxtôiepxki, Tuôcghênhep, Ôxtrôpxki, Nhêcraxôp, Sêkhôp.. Những nhà văn này không tìm được phương hướng giải quyết, không nhìn thấy tương lai nước Nga nhưng với lòng nhân đạo cao cả họ đã miêu tả chân thật nổi khổ triền miên của nhân dân, đặt ra những câu hỏi cấp bách cho thời đại, nói lên những khát vọng mơ ước cháy bỏng của nhân dân lao động.
Càng về cuối thế kỷ, văn học nghệ thuật càng trở thành một diễn đàn văn học mà những nhà văn phải là những người công dân đấu tranh cho sự nghiệp thiêng liêng. Kể từ đây hàng loạt các nhà văn đã bị Nga Hoàng bắt giam, lưu đày, sát hại. Secnưsepxki phải chịu 20 năm khổ sai; Ðôxtôiepxki, Sêkhôp, Kôrôlenkô bị lưu đày hàng chục năm ở Xibiri ; Ghecxen, Tuôcghênhep phải bỏ ra nước ngoài; Glep Uxpenxki bị điên loạn vì quá uất ức trước đau khổ của nhân dân.
Tuy nhiên, nhìn chung các nhà văn trí thức tiến bộ trong thời kỳ này còn quá xa rời nhân dân. Họ chỉ dừng lại ở niềm say mê nhiệt thành mà chưa chịu thâm nhập vào phong trào cách mạng của quần chúng lao động.
Bên cạnh sự phát triển của đội ngũ nhà văn, chủ đề của chủ nghĩa hiện thực Nga nửa sau thế kỷ XIX cũng thể hiện một bước phát triển của văn học hiện thực trong việc phản ánh hiện thực. Lúc này tên và nội dung của những tác phẩm như: Những người cùng khổ, Ai có tội? Ai sống sung sướng trên đất Nga? Làm gì? không những là những câu hỏi quyết liệt, gay gắt; những vấn đề nóng hổi của thời đại mà đất nước và nhân dân Nga đòi hỏi phải trả lời, mà nó còn là những chủ đề quán xuyến, xuyên suốt toàn bộ nền văn học hiện thực mà các nhà văn Nga luôn trung thành thể hiện trong các tác phẩm của mình.
Trên bình diện quan điểm mĩ học, thời kì này các nhà cách mạng dân chủ mà nhất là Secnưsepxki đã kế thừa quan điểm mĩ học của Bêlinxki và đã xây dựng được một hệ thống mĩ học hoàn chỉnh. Bản luận văn nổi tiếng Những quan hệ thẩm mĩ giữa nghệ thuật và hiện thực ra đời 1855 đã mở ra một bước ngoặc lịch sử trên quá trình phát triển mĩ học Nga và nhân loại. Kể từ bây giờ, các nhà văn phải nhận thức được rằng cái đẹp là cuộc sống, mỗi tác phẩm của mình phải là một cuốn sách giáo khoa về cuộc sống. Các nhà văn không chỉ có nhiệm vụ giương cao ngọn cờ lí tưởng yêu nước, nhân đạo, dân chủ, tự do mà còn phải lên án mọi bất công và tất cả những gì chà đạp lên quyền sống của con người.
Bên cạnh việc hoàn thiện quan điểm mĩ học, văn học thời kỳ này còn có những thành tựu to lớn trong việc thâm nhập vào thế giới tâm hồn muôn hình muôn vẻ của nhân vật. Ði sâu vào tâm lý, tâm hồn nhân vật không những là một thủ pháp, nguyên tắc nghệ thuật phổ biến, mà nó còn là một phương thức nghiên cứu bắt buộc nhằm tìm hiểu tính cách con người thời đại và các quan hệ xã hội phức tạp đương thời.
Thành tựu quan trọng nhất khẳng định sự toàn thắng của chủ nghĩa hiện thực Nga thời kỳ này là việc khẳng định được vị trí của con người nhỏ bé trong xã hội, nhìn thấy được vẻ đẹp bên trong của lớp người đó cùng với việc bóc trần mọi thứ xấu xa của xã hội, đồng thời tố cáo mạnh mẽ thế lực của đồng tiền đã chà đạp lên luân thường đạo đức. Lúc này, các nhà văn như Tônxtôi, Ðôxtôiepxki đã tái hiện những thân phận hèn mọn bị sỉ nhục, bị lăng mạ của đông đảo quần chúng lao động, đồng thời miêu tả họ với những vẻ đẹp, với hình tượng của nhân dân kỳ diệu, quần chúng lao động. Song song với việc miêu tả con người nhỏ bé bằng tấm lòng nhân đạo cao cả, các nhà văn còn tố cáo gay gắt xã hội, tố cáo chủ nghĩa tư bản Nga đang mưu sắp xếp lại xã hội, điều khiển xã hội bằng quyền lực và sức mạnh của đồng tiền. Những vấn đề này, nhất là vấn đề thế lực và sức mạnh đồng tiền được các nhà văn Ðôxtôiepxki, Ôxtrôpxki hình tượng hóa vào các tác phẩm của mình một cách chân thật và sinh động.
Văn học Nga nửa sau thế kỷ XIX nổi bật lên với vấn đề xây dựng nhân vật tích cực. Ðây là một thành tựu quan trọng của chủ nghĩa hiện thực Nga trong việc gắn liền văn học với phong trào cách mạng. Nó thể hiện sự tiến bộ của văn học. Lúc này, các nhà văn dân chủ cách mạng đã dũng cảm xây dựng những nhân vật tích cực sinh động hoàn chỉnh mà lịch sử văn học nhân loại hàng ngàn năm về trước chưa hề đạt tới. Ðó là hình ảnh : những con người mới từ hiện thực cuộc sống đấu tranh đã bước vào văn học với tư thế hiên ngang dũng cảm như loài chim báo bão báo hiệu một cơn bão thời đại sắp diễn ra dữ dội. Hình ảnh những con người mới này tập trung ở hai nhân vật tiêu biểu, đó là Rakhmêtôp và Badarôp.
Trên bình diện thể loại, thời kỳ này do văn học phải phản ánh toàn diện những vấn đề cấp bách và phức tạp của thời đại cho nên văn học có sự thay đổi khá lớn về thể loại. Thời kỳ này thơ ca vẫn phát triển đa dạng nhưng đặc biệt văn xuôi phát triển mạnh mẽ và đạt đến tính mẫu mực, hoàn chỉnh. Nó trở thành thể loại chủ yếu trong việc thể hiện và đăng tải các nội dung xã hội trong nửa sau thế kỷ XIX. Có thể thấy, các thể loại văn xuôi như tiểu thuyết anh hùng ca, truyện vừa vào lúc này phát triển rất mạnh và giữ địa vị thống trị so với các thể loại khác.Tiêu biểu cho thể loại này là các sáng tác của Ðôxtôiepxki, Tônxtôi.
Song song với sự phát triển của thể loại tiểu thuyết, kịch vào lúc này cũng phát triển mạnh mẽ. Nhà viết kịch Ôxtrôpxki và Sêkhôp đã sáng tác và dịch hàng trăm vở kịch với nhiều thể loại khác nhau. Ðặc biệt là Ôxtrôpxki, ông đã viết và dịch gần 80 vở kịch gồm các thể loại khác nhau về hàng loạt đề tài mới, nội dung mới, nhân vật mới thuộc lớp bình dân. Ông được xem là người cha của nền kịch Nga, sánh ngang với Sêcxpia của nước Anh. Môlie của Pháp, Sile của Ðức và Gônđani của nước Ý.
Thời kỳ này còn có sự phát triển rực rỡ của truyện ngắn và ký sự. Tập truyện ký Bút ký người đi săn của Tuôcghênhep đã mở ra một chân trời rộng lớn cho thể loại này phát triển. Truyện ngắn Chiếc áo khoác của Gôgôn cũng là một sự khẳng định thể loại truyện ngắn. Ðến Sêkhôp, truyện ngắn đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện.
Cùng với sự phát triển của truyện – ký văn học, ký chính luận báo chí là một thể loại báo chí được phát triển mạnh mẽ với tên tuổi của Ghecxen. Ðương thời và mãi về sau ông được coi là nhà văn hoạt động kì diệu ưu tú nhất của văn học Nga.
Sự phát triển của ngôn ngữ văn học Nga cũng là một đặc điểm nổi bật trong thời kỳ này. Nếu như ở giai đoạn trước Puskin là người có công xây dựng và khẳng định được nền văn học và ngôn ngữ văn học dân tộc thì đến nửa sau thế kỷ XIX, công lao phát triển ngôn ngữ thuộc về đội ngũ đông đảo các nhà văn, nhà thơ, nhà nghệ sĩ ngôn từ đã cống hiến hết mình vì nền văn học dân tộc.
Tóm lại, văn học Nga nửa sau thế kỷ XIX đã phát triển đến đỉnh cao nhất của chủ nghĩa hiện thực phê phán. Công lao ấy ngoài những tên tuổi tiêu biểu như Secnưsepxki, Nhêcraxôp, Tuôcghênhep, Ðôxtôiepxki, Tônxtôi, Sêkhôp còn có sự góp sức của hàng loạt những tên tuổi khác. Họ đã cùng vai sát cánh tạo nên một nền văn học tiên tiến và bất hủ cho nhân loại.
http://websrv1.ctu.edu.vn/coursewares/supham/vhnga/ch2.htm
1.Văn học Nga trước khi thành lập nhà nước cổ Kiep: |
Vào thời kì xa xưa ở miền Ðông châu Âu có một bộ tộc rất lớn có cùng nguồn gốc thủy tổ và ngôn ngữ sinh sống. Họ sống trên một khu vực rộng lớn và phân bố thành nhiều nhóm nhỏ. Trong quá trình phát triển, các nhóm này dần dần hợp nhất và tạo thành ba nhóm lớn , đó là Ðông Slavơ , Nam Slavơ và Tây Slavơ .
Ðến thế kỉ thứ X, nhóm Ðông Slavơ có sự hợp nhất và thành lập quốc gia. Những quốc gia có sự tổ chức lỏng lẻo này gồm có Ðại Nga ,Tiểu Nga , Bạch Nga. Ðó là tiền thân của nước Nga ngày nay .
Ngoài sự hợp nhất của nhóm Ðông Slavơ , nhóm Nam Slavơ cũng hợp nhất thành nhiều quốc gia, lớn nhất là Bungari và Nam Tư ngày nay. Nhóm Tây Slavơ cũng hợp nhất thành các quốc gia , tiêu biểu là Ba Lan và Tiệp Khắc.
Trong thời kì chưa thành lập quốc gia và chưa phân hóa thành giai cấp, dân tộc Nga tồn tại dưới hình thức thị tộc. Thời kì này họ sống chủ yếu bằng săn bắt, hái lượm và chăn nuôi gia súc. Cuộc sống của họ chủ yếu phụ thuộc vào tự nhiên. Ðiều này dẫn đến ý thức tôn sùng tự nhiên mà hệ quả là tôtem giáo ra đời ( Ý thức tin tưởng vào nguồn gốc thần linh chỉ xuất hiện sau này khi mà chế độ thị tộc bị tan rã trong quá trình phát triển và phân hóa giai cấp).
Trên cơ sở hình thức xã hội nguyên thủy, sáng tác nguyên hợp nguyên thuỷ cũng song song tồn tại, phản ánh một giai đoạn phát triển đầu tiên của văn học Nga.
Các sáng tác đầu tiên của thời kì này là thần thoại, là cái ý thức đã khắc phục, chinh phục và cải tạo các lực lượng tự nhiên trong tưởng tượng và bằng tưởng tượng . Ngoài ra còn các hình thức khác như ma thuật, luân lí, các hình thức bán huyễn tưởng từ lịch sử các bộ lạc và thị tộc riêng biệt, các quan niệm địa lí mang màu sắc huyễn hoặc.
Ðặc điểm tiêu biểu cho tư duy và sáng tác nguyên hợp nguyên thủy là tính hình tượng và tính phỏng nhân. Nó điển hình hóa các hiện tượng đời sống trên cơ sở phỏng nhân và cường điệu. Ðó là những đặc điểm đầu tiên và quan trọng quyết định sự ra đời của các loại hình nghệ thuật đích thực. Thời kì này người ta chưa có ý thức về tính ước lệ sáng tạo của miêu tả. Họ cũng chưa có ý thức về khái niệm hư cấu nghệ thuật có dụng ý. Vì vậy sãng tác nguyên hợp nguyên thủy ở Nga nói riêng và ở các dân tộc khác chưa phải là nghệ thuật đích thực.
2. Tác phẩm nghệ thuật đích thực đầu tiên của văn học Nga |
Trong sáng tác nguyên hợp, điển hình hóa thể hiện trình độ chung của thế giới quan huyễn tưởng vốn có của toàn xã hội chưa phân hóa giai cấp. Nó chưa phải là điển hình hóa một các saúng tạo và có dụng ý. Các sáng tác của dân tộc Nga trước khi thành lập nhà nước cổ Kiep chưa xem điển hình hóa như là một sự lí giải mang tính tư tưởng- cảm xúc đối với hiện thực. Nguyên nhân chính của hạn chế này là tính phi giai cấp của xã hội tiền quốc gia. Sự mâu thuẫn xã hội chưa đủ mạnh đêí làm nảy sinh các tính cách cá nhân mang tính mâu thuẫn xã hội sâu sắc. Mà chính các tính cách cá nhân này là một trong những đối tượng của văn học.
Sự thành lập nhà nước cổ Kiep vào cuối thế kỉ IX đầu thế kỉ X và cuộc cải đạo của người Kiep vào năm 980 dưới triều Vladimir đã có ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội Nga nói chung và văn học Nga nói riêng.
Cuộc cải đạo đã đưa đêïn sự thành lập giáo hội Kitô và các giáo sĩ đã dùng mẫu tự Cyrill xây dựng một nền văn học có tính chất tôn giáo. Từ đây có sự phát triển song song của văn học viết bên cạnh văn học dân gian.
Thời kì này chưa có giấy. Người ta viết chủ yếu trên vỏ cây, vải, da thú. Các giáo sĩ đã tiến hành dịch các tác phẩm tôn giáo từ tiếng Hy lạp sang ngôn ngữ Slavơ. Lúc này công việc dịch được xem là trọng tâm bên cạnh việc viết biên niên sử. Quyển cổ sử được viết từ thế kỉ X đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị.
Về văn học, thời kì này có những tác phẩm kể về các danh nhân, về du lịch, về lai lịch các dòng họ, về đô thị, về chiến tranh… Tuy nhiên, tác phẩm nghệ thuật đích thực đầu tiên phải chờ đến sự ra đời của tác phẩm Bài ca về đạo quân Igo.
Tác phẩm này lần đầu tiên dã tiến hành miêu tả các nhân vật trong sự đối lập giữa các tính cách mang tính xã hội- lịch sử. Ðó là một hệ quả tất yếu của hiện thực xã hội đã phát triển đến một giai đoạn nhất định- giai đoạn hình thành nhà nước giai cấp. Nghĩa là, các mâu thuẫn trong giai đoạn này về căn bản đã phản ánh sự nảy sinh các tính cách xã hội, xác lập đối tượng cơ bản của nghệ thuật là con người với tư cách là những tính cách xã hội cả trong quan hệ bên ngoài lẫn thế giới tinh thần bên trong.
Bài ca về đạo quân Igo đã khắc họa các tính cách đối lập vê öchí hướng chính trị chia rẽ của công tước Igo, ngưòi đã hủy diệt đạo quân của mình trong một cuộc chiến đấu không ngang sức với người Pôlôvets, với chí hướng thống nhất dân tộc của công quốc Sviatoslav- người muốn thốïng nhất nước Nga trong cuộc chiến tranh vệ quốc.
Trong tác phẩm này, nhà văn đã nhìn thấy ở hai nhân vật chính Igo và Vsevôlôt là những đại diện xứng đáng của các công tước Nga, những tướng lãnh hùng mạnh và quả cảm. Nhà văn đã miêu tả trận đánh với cảm hứng anh hùng dạt dào và đã khẳng định một mặt, một chí hướng trong tính cách của họ :
…
Vsevôlôt, trận đánh hờn căm!
Chàng xông ngay ra giữa trận tiền.
Chàng trút mưa tên vào thân quân giặc.
Tiếng bảo kiếm chém vào giáp trụ vang rền.
…
Mặt khác, nhà văn cũng khắc họa một chí hướng khác, tiêu cực trong tính cách của nhân vật Igo thông qua cảm hứng kịch tính mãnh liệt. Cảm hứng này phủ định tính cách liều lĩnh của nhân vật Igo.
Tóm lại, sự thành lập nhà nước cổ Nga Kiep đã mở ra một thời kì phát triển mới cho xã hội Nga. Văn học đã bước đầu phát triển với những thành tựu nhất định, nhất là sự xuất hiện tác phẩm văn học đầu tiên Bài ca về binh đoàn Igo . Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan, cuộc cải đạo của người Nga dưới triều Vladimir đã có những ưu điểm nhất định, nhưng nó lại cắt rời nước Nga ra khỏi phương Tây làm cho văn hóa Nga chậm phát triển trong đó có cả văn học.
3. Văn học Nga thời kỳ Mông Cổ đô hộ: |
Sau năm 1200, sự rối loạn trong nội bộ quốc gia Kiep cùng với sự xâm lược của người Mông Cổ đã chấm dứt sự tồn tại của nhà nước cổ Nga. Nước Nga bước vào thời kỳ bị đô hộ hơn hai thế kií.
Người Mông cổ vốn là dân du mục sống chủ yếu là chăn nuôi gia súc. Sự phát triển của họ chủ yếu diễn ra trên phương diện quân sự và bành trướng lãnh thổ. Về văn hóa và văn học, họ không có sự phát triển cao. Do vậy, văn học Nga trước đó đã bị cuộc cải đạo làm chậm phát triển đến thời kiì này càng gặp nhiều tổn thất lớn. Người Nga trong hơn hai trăm năm bị đô hộ không có thành tựu văn học đáng kể.
Tuy nhiên, cuộc chiến tranh vệ quốc của người Nga diễn ra liên tục đã có tác động hết sức to lớn đối với sự phát triển văn học về sau. Vấn đề sống còn của dân tộc đã thúc đẩy tinh thần yêu nước. Chính nó đã gieo vào nền văn học Nga và trở thành một nội dung văn học vô cùng to lớn mà về sau đã tạo nên một trong những đặc điểm nổi bật của văn học Nga.
Cũng cần nói thêm, trong thời kỳ bị Mông Cổ đô hộ, nước Nga gồm nhiều tiểu quốc tranh giành quyền lực lẫn nhau đồng thời chịu thống trị của Mông Cổ. Trong số các tiểu quốc, Matxcơva là kẻ mạnh nhất và nắm vai trò thống nhất đất nước. Cuối thế kỷ XIV, một tiểu vương Matxcơva đã vũ trang chống quân Mông Cổ nhưng bị đàn áp. Ðến thế kỷ XV, cuộc chiến tranh do vua Ivan III ( Trị vì Matxcơva 1462 – 1503 ) khởi xướng có tính chất tôn giáo và yêu nước đã lôi cuốn rất nhiều tầng lớp nhân dân tham gia. Ðến 1480, nước Nga thoát khỏi ách thống trị của Mông Cổ và hợp nhất thành một quốc gia duy nhất.
4. Văn học Nga thời kỳ hỗn loạn: |
Từ thế kỷ XVI, nước Nga trở thành một quốc gia thống nhất và có nhiều dân tộc. Từ đây ở Nga bắt đầu hình thành chế độ phong kiến tập quyền.
Matxcơva trở thành thủ đô và trung tâm văn hóa của quốc gia. Kể từ lúc này, quyền lực tối thượng của nhà vua cùng với định chế nô lệ là đặc điểm lớn nhất của xã hội Nga. Ðặc điểm này được duy trì trong nhiều thế kỷ và trở thành cơ sở cho văn học phát triển, ảnh hưởng lớn đến nội dung, đề tài, thể loại… văn học. Các tác phẩm có tính chất thế tục gần gũi với cuộc sống con người, thoát ly tôn giáo đã dần dần xuất hiện và phát triển. Tuy nhiên, nhìn chung thời kỳ này nước Nga vẫn chưa xuất hiện những tác phẩm văn học có tầm vóc to lớn.
Ðến những năm đầu thế kỷ XVII, sau khi triều đại của vua Ivan bạo tàn bị tuyệt nước Nga rơi vào thời kỳ hỗn loạn (1603 – 1613 ). Nước Nga lâm vào cuộc nội chiến đẫm máu và sự xâm lược của Thụy Ðiển, Ba Lan.
Năm 1613, quân Ba Lan bị đuổi khỏi Matxcơva và họ Rômanov lên làm vua. Những vị Rômanov đầu tiên đã cai trị nước Nga trong suốt thế kỷ XVII. Tuy nhiên, nước Nga lại không đạt được thành tựu gì đáng kể về mọi mặt. Thời kỳ này có một số sự kiện sau: Uraina tái hợp nước Nga; nhiều cuộc khởi nghĩa của nông dân nổ ra; Nga mở rộng lãnh thổ và tranh chấp với người Tacta, người Thổ, người Ba Lan, người Thụy Ðiển.
Tình hình kinh tế chính trị xã hội như trên đã ảnh hưởng nhất định đến sự vận động của văn học. Sự hỗn loạn của xã hội mà biểu hiện là sự tranh chấp giữa các giai cấp thống trị, giữa giai cấp thống trị với giai cấp bị trị đã đem đến cho văn học thời kỳ này một nội dung phong phú và một hình thức phù hợp là thể loại châm biếm. Sự phản ánh những mâu thuẫn xã hội gắn liền với thái độ phê phán và đả kích của nhân dân đối với giai cấp thống trị đòi hỏi một quan niệm mới về văn chương. Ðiều này dẫn đến sự xuất hiện của nhiều tác phẩm châm biếm mang nội dung đả kích sâu sắc.
Song song với thể loại châm biếm, các tác phẩm thành văn bắt nguồn từ văn học dân gian cũng ra đời, trực tiếp hoặc gián tiếp phản ánh các quan hệ xã hội phức tạp đương thời.
Tuy nhiên văn học thời kì này không có những đỉnh cao. Nội dung phản ánh đả kích các hiện tượng tiêu cực của xã hội cùng với nội dung yêu nước chống ngoại xâm không chiếm ưu thế so với văn học tôn giáo vốn được giai cấp thống trị phát triển.
5. Văn học Nga thế kỉ XVIII: |
Ðến cuối thế kỉ XVII, sự xuất hiện của nhà độc tài sáng suốt Piôtr đại đế đã đưa nước Nga vào một giai đoạn phát triển mới. Piôtr là một vị vua thông minh, sáng suốt. Ông đã nhận thức được trình trạng trì trệ của đất nước và đã tiến hành cải cách. Ông cho xây dựng quân đội, hải quân, tiến hành mở rộng lãnh thổ, mở đường thông thương với phương Tây, xây dựng thành phố Pêtecbua, giữ vững đường thông thương ra biển Bantic… những cải cách kinh tế, chính trị và giáo dục của ông đã đưa Nga vào văn hóa châu Âu, mặc dù công trình này đã không hoàn tất.
Ðến giữa thế kỉ XVIII, từ một nước nằm sau Balan, Nga trở thành một cường quốc quân sự mà các quốc gia khác phải nể nang.
Năm 1725 Piôtr đại đế mất, công cuộc cải cách tạm dừng lại. Ðến năm 1762 nữ hoàng Katêrina lên ngôi và công cuộc cải cách tiếp tục.
Công cuộc cải cách ở Nga đến giữa thế kỉ XVIII đã đưa nước Nga vào thời kì phồn thịnh của chế độ chuyên chế. Ðiều kiện này đã làm nảy sinh chủ nghĩa cổ điển ở Nga với nhiệm vụ cải cách ngôn ngữ và thơ ca. Người ta đã tiến hành chọn các tác phẩm ưu tú có thể dùng làm mẫu mực, đồng thời xây dựng những quy tắt ngôn ngữ và văn học chung bắt buột đối với mọi người. Có thể nói, hoàn cảnh xã hội đã làm nảy sinh tư tưởng đề cao lí trí và chủ nghĩa duy lí trở thành cơ sở triết học cho chủ nghĩa cổ điển trong thời kì này.
Ðại diện cho chủ nghĩa cổ điển Nga là Lômônôxôp.
Lômônôxôp (1711 – 1765) vừa là nhà bác học, vừa là nhà thơ và là nhà ngôn ngữ học. Chính ông đã mở ra một bước ngoặc quan trọng trong quá trình phát triển của nền văn học dân tộc và ngôn ngữ văn học dân tộc Nga, kết thúc sự trì tuệ của nền văn học tôn giáo thống trị trong mấy thế kỉ.
Nửa cuối thế kỉ XVIII cũng đánh dấu sự ra đời của dòng văn học châm biếm với những đại diện như Nôvicôp, Phônvidin, Crưlôp. Dòng văn học này phát triển mạnh trong nửa đầu thế kỉ XIX và chuẩn bị tích cực cho khuynh hướng văn học hiện thực Nga.
Thời gian này có sự xuất hiện tác phẩm Cuộc du lịch từ Pêtecbua đến Matxcơva của Rađisep (1749- 1802). Tác phẩm đã miêu tả cuộc sống cùng cực của nhân dân Nga đồng thời tố cáo mạnh mẽ chế độ nông nô. Ðây là tác phẩm tiêu biểu cho khuynh hướng hiện thực trong thế kỉ XVIII.
Ðến cuối thế kỉ XVIII, chủ nghĩa cổ điển rơi vào khủng hoảng do cơ sở của nó là lí trí đã bị thực tế của chế độ chuyên chế trong giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa làm mất uy tín. Chủ nghĩa cổ điển không còn là một trào lưu và một quan niệm mới về văn chương bắt đầu hình thành. Một bộ phận trí thức đi tìm cái đẹp trong cuộc sống quý tộc nông thôn với quan niệm tôn sùng tình cảm, cảm xúc của con người. Họ xem đó như là cứu cánh của cuộc sống hiện tại. Quan niệm này về văn chương phát triển đến đỉnh cao và trở thành chủ nghĩa tình cảm với tác phẩm ưu tú Cô Lida bạc bạc phận của Caramdin. Ngoài ra, chủ nghĩa tình cảm ở Nga còn có những tên tuổi tiêu biểu như: Ðmitơriep (1760 – 1837), Vaxili Livôvits Puskin (1767 – 1830).
Kết Luận
Nước Nga từ khi thành lập quốc gia cổ cho đến cuối thế kỉ XVIII đã trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm với những cuộc nội chiến, những cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, những cuộc kiến thiết đất nước, những cuộc chiến tranh mở rộng lãnh thổ… Trên mảnh đất lịch sử đa dạng và phong phú ấy, nền văn học Nga đã phát triển từ văn học dân gian truyền miệng qua văn học viết ở thế kỉ thứ XI cho đến nền văn học thế kỉ XVIII với các khuynh hướng cổ điển, tình cảm, chuẩn bị cho chủ nghĩa lãng mạn ra đời và chủ nghĩa hiện thực thắng thế trong thế kỉ XIX.
http://websrv1.ctu.edu.vn/coursewares/supham/vhnga/ch1.htm
Nội dung Lịch sử nền văn chương Nga trong sách Lịch sử các phát minh, danh mục Khoa Học.
Posted on December 17, 2015Cũng giống như các nền văn chương của các quốc gia khác, Văn Chương Nga gồm nhiều tác phẩm rất giá trị. Các nhà văn người Nga đã dùng tất cả các thể loại để diễn tả nhưng hai bộ môn chính nổi tiếng nhất là tiểu thuyết và thơ phú. Đặc điểm của các nhà văn này là thể văn, nội dung của tác phẩm và cách phân tích tâm lý nhân vật rất sâu sắc. Các nhà văn Nga đã bận tâm về các vấn đề xã hội, tôn giáo, triết học và luân lý.
Nền Văn Chương Nga chịu ảnh hưởng lớn của các biến cố lịch sử. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 10, đạo Thiên Chúa đã được truyền sang đất Nga và các tác phẩm văn học đều mang dấu vết tôn giáo. Tới khi quân Mông Cổ tràn vào chinh phục đất Nga thì nền Văn Chương Nga trong thế kỷ 13 tới 15 đã chứa đựng các đề tài về Rợ Thát Đát (Tartar). Nước Nga bị cô lập với thế giới Tây Phương trong hơn 200 năm, cho tới cuối thế kỷ 17 các bản dịch nhiều tác phẩm của Tây Phương mới bắt đầu xuất hiện trên đất Nga rồi từ cuối thế kỷ 18, bắt đầu phổ biến các hình thức văn chương phản kháng các tham nhũng chính trị, suy đồi đạo đức, chống đối Sa Hoàng và chế độ nông nô.
Trong thế kỷ 19, nền Văn Chương Nga, kể cả thơ và kịch, đã phát triển rực rỡ và nền văn học này bước vào giai đoạn hiện thực (realism) vào giữa thế kỷ. Tới đầu thập niên 1890, các nhà văn Nga chịu ảnh hưởng của các đường lối nghệ thuật và thơ phú của nước Pháp và các tư tưởng của nhà triết học người Đức Friedrich Nietzsche. Họ đã dùng các tư tưởng du nhập phối hợp với nền triết học tôn giáo địa phương để viết ra các tác phẩm mang các nét vẻ đặc thù với sự xuất hiện của các nhà thơ lớn của nước Nga và giai đoạn sáng tác này đã chấm dứt khi xẩy ra Cuộc Cách Mạng Tháng 10.
Tyutchev | Lermontov | Dostoevsky |
Vào giai đoạn từ 1890 tới 1920, tinh thần cách mạng đã lan tràn trên toàn đất Nga. Văn Chương Nga được canh tân và mang nhiều sinh động và đây là Thời Kỳ Bạc (the Silver Age). Đời sống hàng ngày và các vấn đề xã hội đã được các nhà văn biểu tượng (symbolists) thể hiện qua các tác phẩm thơ phú và tiểu thuyết, đặc biệt là các tác giả như Tyutchev, Lermontov, Dostoevsky. Nhà thơ biểu tượng như Alexander Blok đã diễn tả các lý tưởng tôn giáo trong các tác phẩm thơ phú đầu tiên rồi về sau lại mô tả các xấu xa của thế giới. Tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà thơ Blok là cuốn “Mười Hai” (the Twelve, 1918) đã ca ngợi cuộc Cách Mạng Bolshevik năm 1917 là cách thanh lọc tinh thần của nước Nga.
Andrei Bely | Leonid Andreyev | Ivan Bunin |
Andrei Bely cũng là một nhà thơ nổi tiếng và nhà viết tiểu thuyết xuất sắc. Trong tác phẩm St. Peterburg (1913), thủ đô của nước Nga đã được mô tả là nơi mà các nền triết học Đông và Tây đã gặp nhau và xung đột nhau dữ dội. Leonid Andreyev là người viết nhiều truyện ngắn giật gân với các đề tài như sự điên khùng, tính dục hay sự khủng bố, ông đã phối hợp các yếu tố của biểu tượng và hiện thực trong các sáng tác và hai tác phẩm của ông là truyện ngắn “Nụ Cười Đỏ” (the Red Laugh, 1904) và vở kịch “Người bị đánh” (He who gets slapped, 1915).
Vào đầu thế kỷ 20, còn có một nhà văn danh tiếng là Ivan Bunin với các tác phẩm có đề tài là tình yêu và cõi chết, và các văn phẩm của ông giống như của trường phái biểu tượng (symbolism). Một trong các tác phẩm của Bunin là “Kẻ sang trọng từ San Francisco” (the Gentleman from San Francisco, 1915), đề cập tới một nhà triệu phú người Mỹ, đã làm việc quá cực nhọc và về sau không được hưởng thụ cuộc đời.
Nikolai Gumilev | Osip Mandelshtam | Anna Akhmatova |
Tới khoảng năm 1910 tại nước Nga, đã xuất hiện trường phái văn học hậu biểu tượng (Post-symbolism). Các nhà văn này đã dùng các hình ảnh rõ ràng của xã hội, dùng tới một thứ ngôn ngữ cụ thể hơn để diễn tả và họ đã phản kháng các tác phẩm mơ hồ, mang tính triết học của trường phái biểu tượng. Các nhà văn hàng đầu của trường phái mới này là Nikolai Gumilev, Osip Mandelshtam và Anna Akhmatova. Trong các nhà văn hậu biểu tượng, lại có một nhóm cấp tiến khác được gọi là nhóm tương lai (the futurists) với đường lối thể hiện khác trước, và đại biểu của nhóm này là nhà văn Vladimir Mayakovsky, với đặc điểm ngôn ngữ mạnh và hình ảnh mô tả khác thường.
Về bộ môn thơ, có Boris Pasternak là một nhà thơ lớn mô tả đời sống và thiên nhiên. Các âm thanh và từ vựng của ngôn ngữ Nga được một nhà thơ khác thử nghiệm, đó là Marina Tsvetaeva.
Boris Pasternak | Marina Tsvetaeva |
Tháng 11 năm 1917, đảng Cộng Sản Bolshevik lên nắm chính quyền và đã kiểm soát mọi hoạt động văn hóa, nối tiếp chính sách kiểm duyệt chặt chẽ các tác phẩm văn chương của chế độ Sa Hoàng khi trước và vì vậy, kể từ năm 1917 mọi nhật báo, tạp chí và văn hóa phẩm tại nước Nga đã trở nên các dụng cụ chính trị của đảng Cộng Sản. Nhà Nước đã kiểm tra chặt chẽ việc ấn loát, nhiều nhà in bị đóng cửa, số lượng sách báo giảm hẳn đi đồng thời chính quyền Cộng Sản đã khuyến khích các nhà văn, nhà thơ phải làm phát triển một thứ văn chương của giai cấp vô sản, và các tác phẩm văn học phải phục vụ quyền lợi của giới công nhân và nông dân. Sự kiểm duyệt và chỉ đạo của chính quyền Cộng Sản đã bóp nghẹt các sáng tác văn học khiến cho trong giai đoạn 1917-20, đã không có nhiều tác phẩm được viết ra. Tới thập niên 1920, chính quyền Cộng Sản đã nới lỏng một đôi phần tự do, các phê bình văn học được cho phép nhờ đó đã xuất hiện một số nhà thơ, nhà văn mới. Isaak Babel với tác phẩm “Kỵ Binh Đỏ” (Red Cavalry, 1926) mô tả các hoàn cảnh khủng khiếp của chiến tranh. Leonid Leonov nói về các hệ quả tâm lý của cuộc Cách Mạng đối với người dân Nga bằng hai cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất là “Người bán rong” (the Badger, 1924) và “Kẻ Cắp” (The Thief, 1927). Alexei N. Tolstoy viết hai tác phẩm “Chị Em” (the Sister, 1921) và “Buổi sáng lạnh lẽo” (Bleak Morning, 1941). Các tiểu thuyết vào giai đoạn này mô tả đời sống trung lưu của người dân Nga trong thời gian từ 1914 tới 1920.
Isaak Babel | Leonid Leonov | Tolstoy |
Cuối thập niên 1920 là thời kỳ đàn áp của chế độ cộng sản, mọi nông dân bị dồn vào các “nông trường tập thể”. Công cuộc cải tạo ruộng đất này đã làm thiệt hại 10 triệu mạng sống trong số đó một nửa bị chết đói. Các nhà văn không được nhà nước Liên Xô chấp nhận cũng bị thanh trừng, như Kharms, Pilnyak, Mandelshtam, nhà thơ nông dân Nikolaye Klyuyev. Rồi từ năm 1928, bắt đầu chương trình kinh tế 5 năm tại Liên Bang Xô Viết với chủ trương xây dựng nền kỹ nghệ. Các nhà văn Nga được yêu cầu viết về các vấn đề kinh tế, mô tả các nông trường tập thể, các công tác xây dựng nhà máy vì vậy chất lượng văn chương của giai đoạn này rất kém ngoại trừ một vài tác phẩm như cuốn “Thời gian, hãy tiến về phía trước” (Time, Forward!, 1932) của Valentin Kataev.
D. IvanovichKharms | Boris Pilnyak | Mandelshtam |
Qua đầu thập niên 1930, chính quyền Stalin đã ra lệnh cấm hẳn mọi hoạt động văn học tư nhân và thiết lập nên Hội Nhà Văn Xô Viết (the Union of Soviet Writers). Hội này là một công cụ của chính quyền Cộng Sản, có chủ đích kiểm soát và chỉ đạo tất cả các nhà văn chuyên nghiệp vào việc mô tả cách xây dựng Xã Hội Chủ Nghĩa. Các nhà văn được lệnh phải viết ra các tác phẩm lạc quan, phải có “tính đảng”, có tính đấu tranh giai cấp, dễ hiểu và có thể văn tương tự như thể văn của Tolstoy hay Gorky. Các tài liệu văn học nào không đi đúng đường lối của đảng Cộng Sản đều bị kiểm duyệt và các nhà văn “khó bảo” bị loại ra khỏi Hội Nhà Văn, bị cầm tù và cuộc đời văn nghệ của họ coi như bị chấm dứt.
Valentin Kataev | Nikolai Ostrovsky |
Vào giai đoạn chuyên chính này, tác phẩm văn học khá phổ biến và tượng trưng cho công cuộc đấu tranh là cuốn tự thuật giả tưởng (fictionalized autobiography) có tên là “Thép đã tôi thế đấy” (How the Steel Was Tempered, 1932-34) của Nikolai Ostrovsky. Aleksey Tolstoy là một trong các nhà văn được Stalin ưa chuộng nhất, đã khen ngợi các Sa Hoàng dùng bạo quyền tức là những người Nga được Stalin ngưỡng mộ, trong cuốn tiểu thuyết dang dở “Đại Đế Peter” (Peter the Great, 1929-45) và trong vở kịch “Ivan khủng khiếp” (Ivan the Terrible, 1941-43). Đồng thời Gorky và 34 nhà văn khác, như Katayev, Shklovsky, Aleksey Tolstoy và Zoshchenko, đã ca tụng các công trường lập nên do các người tù cải tạo mà thực ra, mỗi công trường, nông trường đã dùng tới xương máu của hàng chục ngàn sinh mạng. Trong các năm đen tối này, tiểu thuyết được coi là giá trị nhất là cuốn “Bậc Thầy và Margarita” (The Master and Margarita) của Mikhail Bulgakov, viết ra để “cất kín” trong các năm 1928-40 và chỉ được phép xuất hiện vào năm 1973.
Sholokhov |
Tác phẩm văn chương nổi danh nhất của giai đoạn Stalin là cuốn tiểu thuyết “Giòng Sông Don êm đềm” (The Quiet Don, 1928-40) của Mikhail A. Sholokhov, mô tả về cuộc Cách Mạng và nội chiến, về câu chuyện của một người Cossack trẻ có hạnh phúc bị tàn phá bởi thảm cảnh chiến tranh. Sholokhov nhận Giải Thưởng Nobel về Văn Học năm 1965.
Trong thời gian chiến tranh với Đức Quốc Xã từ 1941 tới 1945, chính quyền Cộng Sản đã cho các nhà văn đôi phần tự do trong việc sáng tác bởi vì họ quan tâm tới việc kháng chiến chống Đức hơn là xây dựng xã hội chủ nghĩa. Các tác phẩm quan trọng trong giai đoạn này thường mô tả những đau khổ và cõi chết. Konstantin Simonov viết cuốn “Ngày và Đêm” (Days and Nights, 1943-44), nói tới cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Mikhail Zoshchenko |
Sau khi Thế Chiến II chấm dứt, chính quyền Cộng Sản lại xiết chặt việc kiểm duyệt. Một số tiểu thuyết gia bị khai trừ khỏi Hội Nhà Văn như Anna Akhmatova và Mikhail Zoshchenko, môt nhà châm biếm xuất sắc.
Năm 1953, Stalin qua đời, bắt đầu một thời kỳ dễ thở trong đời sống Xô Viết và trong nền văn học. Sự thay đổi này được đánh dấu bằng cuốn tiểu thuyết ngắn “Tan Băng” (The Thaw) xuất bản năm 1954 của nhà văn Ilya Ehrenburg. Trái với chỉ đạo của chính quyền Cộng Sản là phải mô tả đời sống Xã Hội Chủ Nghĩa tràn đầy hạnh phúc và lạc quan yêu đời, Ehrenburg đã trình bày những cô đơn, những thất vọng… Sau đó bạo quyền của Stalin lại được nhà văn Alexander Solzhenitsyn phơi bày qua cuốn “Một Ngày trong Đời của Ivan Denisovich” (One Day in the Live of Ivan Denisovich) và cuốn tiểu thuyết này mô tả các trại tù lao động Xô Viết. Tới năm 1956, Nikita Khrushchev đọc một bài diễn văn tố cáo các tội ác to lớn của Stalin và từ nay, các nhà văn Cộng Sản chính thống bị người dân Nga coi như lỗi thời và các nhà văn bất đồng chính kiến được coi là những người cấp tiến.
Joseph Stalin (1879-1953). | Nikita Khrushchev (1894-1964) | Leonid Brezhnev(1906-1982) |
Trong thập niên 1960, đã có một số nhà văn trẻ, cấp tiến hơn, cổ động cho tự do và tính sáng tạo trong đời sống văn nghệ, chẳng hạn như hai nhà thơ trẻ Yevgeny Yevtushenko và Andrey Voznesensky. Các khuyết điểm trong cuộc sống Xô Viết còn được Vasily Aksyonov đề cập, còn Vasily Shukshin trình bày các cực khổ của lối sống nông thôn và cảnh nghèo khó của các nông dân trong các nông trường tập thể.
Chế độ kiểm duyệt văn hóa gắt gao của chính quyền Cộng Sản đã khiến cho nhiều tác phẩm văn học không được xuất bản trong xứ, một số nhà văn đã lén lút đưa bản thảo ra nước ngoài. Năm 1957, cuốn tiểu thuyết “Bác Sĩ Zhivago” của Boris Pasternak xuất hiện bên nước Ý rồi năm sau, được phổ biến tại các quốc gia Tây Aâu và Hoa Kỳ. Ông Pasternak được trao Giải Thưởng Nobel về Văn Học năm 1958, nhưng ông đã từ chối nhận giải vì áp lực của chính quyền Cộng Sản.
Vào năm 1964, Leonid Brezhnev đã thay thế Nikita Khrushchev làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Liên Xô, nên kể từ nay, các nhà văn tự do lại bị bắt bớ, xét xử và cầm tù. Yuly Daniel, với bút hiệu là Nikolay Arzhak, đã bị bắt giam vì phổ biến “các tài liệu tuyên truyền chống Xô Viết” tại ngoại quốc. Tuy thế, các tác phẩm văn học Nga vẫn được đưa lén và phổ biến bên ngoài Liên Xô. Cuốn truyện “Cuộc xét xử bắt đầu” (the Trial Begins) của Andrey Sinyarsky, với bút hiệu Abram Tertz, mô tả các khủng bố tại một quốc gia sống dưới chế độ công an trị. Sinyarsky bị bắt giam năm 1966 và bị đưa đi cải tạo tới năm 1971 rồi sau đó được chính quyền Cộng Sản cho phép di cư qua Pháp vào năm 1973, mở đầu làn sóng thứ ba của các nhà văn Nga tị nạn với các nhân vật như Solzhenitsyn, Brodsky, Vasily Aksyonov, Georgy Vladimov, Vladimir Voynovich và Alexandr Zinovvyev.
Tại phương tây vào năm 1968 đã xuất hiện tác phẩm “Vòng tròn thứ nhất” (the First Circle) của Alexander Solzhenitsyn. Cuốn tiểu thuyết này mô tả đời sống của các tù nhân chính trị trong thời đại Stalin. Solzhenitsyn được trao Giải Thưởng Nobel 1970 về Văn Học nhưng rồi bị trục xuất khỏi Liên Xô vào năm 1974.
Trong các năm từ 1970 tới 1980, các hạn chế văn học đã làm khó khăn thêm việc sáng tác và xuất bản tại Liên Xô nhưng vẫn có một số nhà văn chỉ trích Xã Hội Chủ Nghĩa bằng cách mô tả những kiểu sống ích kỷ và đạo đức giả mà họ là nhân chứng. Các suy đồi luân lý và sụt giảm tiêu chuẩn tại các vùng nông thôn đã được Valentin Rasputin trình bày, còn Vladimir Voinovich châm biếm đời sống Xô Viết trong tác phẩm “Đời sống và các cuộc phiêu lưu lạ lùng của anh binh nhì Ivan Chonkin” (the Life and Extraordinary Adventures of Private Ivan Chonkin, 1975). Yuri Trifonov đề cập tới các nan giải đạo đức của giới trí thức Xô Viết qua tác phẩm “Một Đời Khác” (Another Life, 1975) và “Ông Già” (Old Man, 1978).
Giữa thập niên 1980, nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev đã đưa ra chính sách “Cởi Mở” (glasnost) nhờ đó các tin tức và tư tưởng được nới lỏng và vì vậy, các tác phẩm của Pasternak và của Akhmatova lần đầu tiên xuất hiện tại Liên Xô.
Vào thời đại Gorbachev, người dân nước Nga được tiếp xúc với các tác phẩm của các nhà văn bị cấm đoán trước kia như Solzhenitsyn, Mandelshtam và Tsvetaeva. Các tác phẩm mang tư tưởng tôn giáo cũng được phổ biến như của Vasily Rozanov và Nicolas Berdyaev. Các nữ văn sĩ có tài cũng xuất hiện, chẳng hạn như Aleksandra Tolstaya và Liudmila Petrushevskaia. Cuốn tiểu thuyết ngắn với tên dịch là “Moscow tới cuối đường hầm” (Moscow to the End of the Line, 1969) của Venedikt Erofeev được tầng lớp dân chúng mới ưa chuộng. Hình ảnh về “thiên đường sụp đổ” qua các tệ nạn như nghiện rượu, ma túy, tham nhũng, băng đảng… cũng được mô tả trong các tác phẩm văn học cho đến khi Liên Xô tan rã vào năm 1991.
II- Các tù nhân Gulag.
Trong thời gian nắm quyền tại Liên Xô từ năm 1929 tới năm 1953, Stalin đã theo đuổi một đường lối cách mạng thực tế, không chấp nhận tình cảm ý thức hệ, không cho phép một người nào được thảo luận hay đi lệch ra khỏi chính sách của đảng Cộng Sản và phần lớn các câu nói của Lenin được coi là các châm ngôn, không được phép tranh luận. Stalin đã làm phát triển một thứ tôn sùng cá nhân, tự coi mình là người thừa kế duy nhất của Lenin, là người duy nhất có quyền diễn tả các ý thức hệ của đảng Cộng Sản. Tất cả những kẻ chống lại những giáo điều mới này đều bị coi là phản động.
Stalin đã chủ trương đường lối “Xã Hội Chủ Nghĩa trong một quốc gia” (Socialism in one country) nhờ đó, mặc dù bị thế giới tư bản bao vây, Liên Xô vẫn sẽ có thể trở thành một xã hội không giai cấp. Để giành được nền độc lập kinh tế trong tương lai không bị lệ thuộc vào các nước tư bản bên cạnh, Liên Xô phải phát triển kỹ nghệ nặng, nhà nước phải mạnh, quyền lực phải được tập trung vào trong tay Stalin, tất cả các kẻ chống đối đều phải bị thanh trừng. Từ cuối thập niên 1930, tại Liên Xô đã diễn ra ba cuộc thanh trừng lớn và rất nhiều vụ xét xử nhỏ qua đó các cựu đảng viên Bolshevik bị tố cáo là phản bội, họ bị hành hình hoặc hành hạ trong các điều kiện sinh sống rất cực khổ.
Vụ tranh trừng hay xét xử đầu tiên bắt đầu vào tháng 8 năm 1936, khi đó Genrikh G. Yagoda làm trùm công an mật vụ. 13 bị cáo bị buộc tội đi theo Léon Trotsky vào năm 1932 trong một tổ chức phá hoại để chống lại Stalin. Đây là các đảng viên Bolshevik xuất sắc của giai đoạn Cách Mạng Tháng 10 năm 1917 với những tên tuổi như Grigory Yevseyevich Zinovyev, Lev Borisovich Kamenev và Ivan Smirnov. Ngày 24-8-1936, họ bị tòa án kết tội và đều bị hành quyết.
Vụ xử thứ hai mở ra vào tháng 1 năm 1937, khi N.I.Yezhov đã thay thế Yagoda làm trùm mật vụ NKVD. 17 bị cáo là những nhân vật danh tiếng như G.L. Pyatakov, G.Y. Sokelnikov, L.P. Serebryakov và Karl Radek. Họ cũng bị kết tội là thuộc trung tâm phản động Trotskít cộng tác với Đức Quốc Xã và quân phiệt Nhật Bản để phá hoại Liên Xô, lật đổ chính quyền Xô Viết để tái lập chế độ tư bản. Họ bị tòa án cộng sản kết tội vào ngày 30-1-1937.
Vụ xử thứ ba vào tháng 3 năm 1938 gồm các bị can Nikolay Ivanovich Bukharin và Aleksey Ivanovich Rykov, là những nhân vật cộng sản xuất sắc của cuối thập niên 1920, gồm cả Genrikh G. Yagoda là trùm mật vụ trước kia và 3 bác sĩ danh tiếng… tất cả 21 bị cáo, bị buộc tội phá hoại và làm gián điệp để phá hủy chế độ Xô Viết và phục hồi chủ nghĩa tư bản.
Ngoài ba vụ xử công khai kể trên, tại Liên Xô dưới thời Stalin còn có hàng ngàn vụ xử kín mà nạn nhân là các nhà trí thức, các sĩ quan cao cấp trong quân đội Xô Viết, các đảng viên bất mãn… Các vụ thanh trừng này đã khiến cho lực lượng quân sự Liên Xô bị suy yếu trong giai đoạn đầu của cuộc xâm lăng Đức Quốc Xã vào tháng 6 năm 1941.
Tại Liên Xô vào cuối thập niên 1920 cũng bắt đầu các công cuộc cải cách ruộng đất. Các phú nông và các nông dân chống lại chính sách tập thể của nhà nước Xô Viết đã bị đưa đến các nhà tù gọi là “trại cải tạo lao động” (forced-labor camps). Hệ thống trại cải tạo lao động, được gọi tắt là GULAG, được bắt đầu do nghị định Xô Viết ký ngày 15-4-1919, quản lý do cơ quan công an mật vụ OGPU (sau này đổi tên thành NKVD và KGB).
Gulag là chữ tắt của Glavnoye upravleniye lagereiy, có nghĩa là “Cơ quan quản lý các trại cải tạo lao động” (Chief administration of Corrective Labour Camps). Danh từ GULAG không được Tây Phương biết tới cho đến năm 1973 khi xuất hiện các cuốn truyện “Quần Đảo Ngục Tù” (The Gulag Archipelago, 1918-56) của Alexander Solzhenitsyn và đây là quần thể các trại cải tạo rải rác trên khắp miền đất nước Liên Xô, mỗi trại chứa từ 2,000 tới 10,000 tù nhân. Các tù nhân Gulag gồm rất nhiều thành phần: các nông dân từ các vụ cải cách ruộng đất, các thành phần đảng viên và quân nhân bị khai trừ khỏi đảng Cộng Sản, các nhóm dân thiểu số bị nghi ngờ không trung thành, các nhà trí thức bất đồng chính kiến, các kẻ bị tình nghi phá hoại hay phản động, các người Đức hay tù binh chiến tranh người Nga đã bị Đức bắt, các tội phạm thường và các người dân vô tội, nạn nhân của các vụ thanh trừng do Stalin phát động.
Có 3 đợt tù cải tạo Gulag chính: giai đoạn 1929-32 là các năm cải cách ruộng đất tại Liên Xô, giai đoạn 1936-38 khi chính sách thanh trừng của Stalin lên cao nhất và giai đoạn ba là sau Thế Chiến II. Từ cuối thập niên 1920, số tù cải tạo đã bắt đầu gia tăng tới hàng trăm ngàn người và theo Văn Hào Solzhenitsyn, trong khoảng các năm từ 1928 tới 1953, có vào khoảng từ 40 tới 50 triệu người bị kết án dài hạn và làm lao công trong quần đảo ngục tù. Làm sao biết được con số thực sự của các nạn nhân, nhưng theo Sử Gia người Nga Roy Medveda ước lượng vào năm 1989, đã có vào khoảng 20 triệu người dân Nga chết vì các lao động cải tạo, vì cải cách ruộng đất, vì bị chết đói hay bị hành quyết, còn các học giả tây phương ước lượng có từ 15 tới 30 triệu người chết trong các trại tù Gulag trong thời gian 1918-56.
Từ năm 1923, Công An Xô Viết đã thiết lập các trại tập trung cải tạo trên đảo Solovetski nằm trên bờ Biển Trắng (the White Sea) rồi sau đó rất nhiều các trại cải tạo được xây dựng thêm tại Karelia, Vorkuta, Pechora, tại miền Cực Khuyên của mạn bắc Liên Xô và tại vùng Siberia băng tuyết. Hệ thống tập trung cải tạo từ nay trở thành một thứ tổ chức lao động vĩ đại trên toàn thể lãnh thổ Liên Xô, ngay cả tại Thủ Đô Moscow, để khai thác công sức của các tù nhân cần thiết cho chính sách kỹ nghệ hóa của Stalin. Lúc đầu, các tù nhân phải lao động trong các kỹ nghệ rừng, kỹ nghệ đánh cá và kỹ nghệ hầm mỏ, sau đó tại các công trình lớn như việc xây dựng kênh đào Biển Trắng – Biển Baltic (the White Sea-Baltic Sea canal). Những tù nhân Gulag này không được ăn uống đầy đủ, không có áo ấm mặc, lại phải làm việc trong thời tiết cực lạnh của miền băng giá nước Nga.
Sau khi Stalin chết vào năm 1953, việc khai thác các tù nhân Gulag mới giảm bớt và các trại cải tạo lao động được sửa đổi vào năm 1955 và quản lý do cơ quan GUITK (Glavnoye Upravleniye Ispravitelno-Trudovykh Kolony = cơ quan quản lý các thuộc địa cải tạo lao động).
Phạm Văn Tuấn
http://maxreading.com/sach-hay/lich-su-cac-phat-minh/lich-su-nen-van-chuong-nga-2478.html