Nghiên cứu khoa học Văn học Mỹ Latinh

NHẬN DẠNG ANH HÙNG SỬ THI POPOL VUH

Nguyễn Thành Trung, Đại học Sư phạm TPHCM

Sử thi có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tinh thần nhân loại. Ở khu vực văn hóa hậu kỳ Maya Trung Mỹ, mảng sử thi Popol Vuh đã vẽ nên đời sống tâm linh bí ẩn của dân tộc Maya-Quiché: những cánh đồng ngô bao la mang bóng dáng con người, những đền đài hùng vĩ như sự hiển hiện thần linh, những trận bóng tử sinh, dẫn đến lễ hiến tế, hoạt động giao cấu và gieo hạt,… nơi đó nổi bật lên là hình tượng anh hùng sử thi.

  1. Vấn đề người anh hùng sử thi

Lẽ tất yếu, hình tượng nhân vật là chìa khóa giải mã tác phẩm. Văn học mang đặc trưng tư duy hình tượng. Điều đó có nghĩa là văn học phản ánh hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan với phương pháp tiếp xúc một cách cảm tính cách xa đối thể, tái hiện nó một cách sinh động toàn vẹn, tương đối độc lập khỏi hiện thực khách quan; trong đó bao hàm thái độ của con người và mối liên quan giữa các sự vật hiện tượng. Tư duy hình tượng của văn học, vì thế, thống nhất giữa tình cảm, lý tưởng, thể nghiệm, hư cấu, trực giác và ngoại hiện thành những hình tượng văn học tác động vào tư duy, cảm nghĩ, tình cảm của người đọc. Như vậy, nhân vật văn học là kết quả tất yếu của đặc trưng tư duy hình tượng của văn học. Đến lượt mình, nhân vật văn học diễn hành với tư cách là một khái niệm mang tính giá trị. Có nghĩa là trình độ nhà văn, tác giả cần đạt đến mình mức nhất định mới có thể phát sinh những hình tượng văn học mang tính bản chất phổ quát nhưng vẫn không loại thải cái riêng, cái cá biệt. Nói cách khác, tác giả văn học phải có một mô hình quan niệm về con người và thế giới, từ đó cuộc sống văn học diễn ra từ khâu hình thành nhân vật, thể nghiệm và đánh giá hình tượng đến tiếp nhận hình tượng, định giá hình tượng theo những thước đo cảm thụ cá nhân người đọc… Trong quá trình này, nhiều hình tượng nổi lên chiếm lĩnh vị trí của nó nhưng chủ yếu và thu được nhiều chú ý nhất từ xưa đến nay trong các tác phẩm văn học vẫn là hình tượng nhân vật.

Hình ảnh người anh hùng là ký mã quan trọng của sử thi. Rõ ràng, tính dân tộc, cộng đồng là một phạm trù trung tâm không thể phủ nhận trong sử thi. Vì vậy, nhân vật anh hùng sử thi chủ yếu là các anh hùng, tráng sĩ thể hiện ý chí, tư tưởng, tình cảm, khả năng của cộng đồng trong ánh sáng gián cách sử thi. Ở một góc nhìn rộng hơn, người anh hùng sử thi thể hiện trình độ phát triển của thời đại. Người anh hùng sử thi, trong toàn bộ tính hiện thực của nó là tổng hòa các mối quan hệ xã hội, cụ thể là những mối quan hệ của thời đại anh hùng. Đó là gian đoạn tan rã các hệ hình thần thoại, con người bắt đầu ý thức được giá trị bản thân thông qua mối gắn kết với thị tộc, bộ lạc cộng đồng nhưng vẫn không quên ý thức về sức mạnh và tài năng chiến trận, văn hóa của cá nhân. Bởi thế hành động của người anh hùng sẽ phù hợp với ý nguyện và quyền lợi của tập thể trong công cuộc chinh phục tự nhiên, xây dựng đời sống cộng đồng. Tiếp nối tư duy huyền thoại, người anh hùng trong lịch sử và chiến công mang tính thống nhất với sở hữu cộng đồng luôn được miêu tả theo những chuẩn mực thẩm mỹ lý tưởng của dân tộc và thời đại. Đó là những đặc tính rõ nét, những hành động vĩ đại,… mọi đường nét được khao trương phóng đại, khiến người anh hùng sử thi để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng người đọc.

Nhân vật anh hùng sử thi Popol Vuh mang đặc điểm anh hùng dân gian. Nhân vật anh hùng trong phần hai Popol Vuh- hai người anh hùng thần thánh Hunahpú và Xbalanqué là loại hình anh hùng sử thi được định hình trong trên cơ sở truyền thống các sử thi thần thoại kể về những bậc thủy tổ – những anh hùng văn hóa, về các tích truyện dũng sĩ; xa xưa hơn nữa là các truyền thuyết lịch sử, các bài tụng ca. Nảy sinh vào thời đại tan rã của chế độ công hữu nguyên thủy và phát triển trong xã hội cổ đại, phong kiến, nơi còn bảo lưu từng phần các quan hệ gia trưởng, sử thi anh hùng ảnh hưởng của các quan hệ và quan niệm ấy, đã miêu tả về quan hệ xã hội như quan hệ dòng máu, tông tộc với tất cả các chuẩn mực luật lệ, tập tục. Bởi thế những người anh hùng dân gian như Hunahpú và Xbalanqué luôn được đặt trong các mối quan hệ bộ tộc, gia đình, cuộc hành trình của họ xuống địa ngục cũng chính là nhằm trả thù cho cha và chú.

Ở dạng cổ xưa nhất của sử thi, tính anh hùng còn hiện diện trong vỏ bọc thần thoại hoang đường (các dũng sĩ không chỉ có sức mạnh chiến đấu mà còn có năng lực siêu nhiên, ma thuật, kẻ địch thì luôn hiện diện dưới dạng quái vật giả tưởng). Những đề tài chính được sử thi cổ xưa miêu tả: chiến đấu chống quái vật (cứu người đẹp và dân làng), người anh hùng đi hỏi vợ, sự trả thù của dòng họ. Với Popol Vuh, người anh hùng thụ đắc dòng máu thần thánh, sinh nở thần kỳ và có phép thuật tự thân; họ chiến đấu với hoàng tử và vua địa ngục được thể hiện như thế lực ma quái thách thức, khuyến dụ và hãm hại con người.

Vì đặc tính trên, chúng tôi đặt ra giả thuyết về bốn đặc điểm của người anh hùng sử thi dân gian Hunahpú và Xbalanqué bao gồm tính thường nhật, tính văn hóa sơ kỳ thị tộc, xung đột cốt yếu mang tính bản thể, triết học và nhân vật anh hùng mang mẫu hình dân gian.

  1. Mẫu hình anh hình sử thi là một quá trình định vị văn hóa, lịch sử cộng đồng

Popol Vuh- một dạng tổng tập văn học dân gian- được hình thành dựa trên nền tảng xã hội Maya mà hạ kỳ của nó là Maya-Quiché. Nền văn minh Maya phát triển trên một địa bàn rộng lớn mà trung tâm chính đặt tại bán đảo Yucatan, phía bắc lãnh thổ Guatemala ngày nay. Đây được xem như đỉnh cao đầu tiên của văn minh bản xứ châu Mỹ Latin khởi đầu từ thế kỷ thứ IV phía nam Mexico và phía bắc Trung Mỹ. Đơn vị hành chính trên lãnh thổ người Maya tồn tại kiểu thành bang do một thủ lĩnh chính trị, thần quyền và quân sự lãnh đạo. Trong các thành bang thì Quiché là đại diện tiêu biểu nhất cho sức mạnh văn hóa nghệ thuật của người Maya. Ngay sau sự thất thủ của người Mexico thì người Quiché được phát hiện ra với tư cách như một phần lịch sử bị tiêu vong, ít được biết đến của người Maya, những chủ nhân của các thành phố sầm uất kỳ vĩ bị bỏ quên một cách bí hiểm. Trước đó không lâu, cơ cấu xã hội của người Quiché được hình dung bao gồm những mảnh nhỏ của một nhà nước chính quyền trung ương gãy đổ để lại các phần tử nhỏ như những thành bang thời Trung Cổ ở Ý. Vì sự phân tán này, tính thống nhất và cố kết bản sắc trở nên yếu đi và ảnh hưởng của người Toltecs (Mexico), như vậy, có cơ hội thể hiện sâu đậm. Chính người Toltecs đã dạy người Quiché xây dựng những công trình bằng đá và sử dụng chữ tượng hình, đồng thời để lại nhiều dấu vết trong hệ thống thần thoại của dân tộc này. Sử thi hai người anh hùng trong Popol Vuh, như vậy, có lẽ thuộc về giai đoạn khoảng từ thế kỷ IV đến thế kỷ VII khi xã hội cộng đồng chưa bị phân tách thành những thành bang; vấn đề của con người lúc này chưa phải là khẳng định sức mạnh trên chiến trường giành lãnh thổ mà là đối mặt với nỗi ám ảnh lớn nhất của đời người, lớn nhất của những cá nhân hoặc cộng đồng bắt đầu có tư duy bản thể: Cuộc chiến giữa cái sống và cái chết.

Tác phẩm Popol Vuh thuộc nền văn hóa Maya-Quiché (lãnh địa Guatamala) ở vùng Trung châu Mỹ. Tác phẩm này nằm trong hệ thống văn hóa cư dân bản địa, đặc biệt thể hiện nhiều giá trị, luận điểm thú vị khi so sánh với sử thi Gilgamesh của vùng Lưỡng Hà hay Odysse của Hy Lạp. Tương truyền tác phẩm này được một người Quiché vô danh ghi lại bằng mẫu tự Latinh khoảng giữa thế kỷ XVI. Cuối thế kỷ ấy, một tu sĩ dòng Domonico tên là Ximenes tìm thấy bản viết tay, dịch ra tiếng Tây Ban Nha. Năm 1861 tác phẩm được công bố lần đầu bằng tiếng Pháp. Văn bản được tin cậy nhất hiện nay là công bình biên khảo của nhà bác học Đức L.Suntxe-Ena (1944). Popol Vuh là một kiểu mẫu cho thể loại mang tính quốc tế: sử biên niên theo nghĩa rộng nhất của từ này. Có nghĩa là nó bao gồm cả những lớp truyện đầu tiên hoàn toàn là thần thoại đã in bóng vào lịch sử một cộng đồng dân tộc đến những câu chuyện kể về một dòng họ lớn, những kỳ công của các anh hùng… Về khía cạnh này thì có thể đặt tác phẩm ngang hàng với lịch sử Trung Quốc trong Ngũ Kinh, “Nihongi” của Nhật,…

Tên Popol Vuh có nghĩa là Những ghi chép của Cộng đồng (Record of the Community) hoặc có thể dịch một cách trau chuốt là “Quyển sách mở ra trên tấm thảm” do từ nguyên trong tiếng Quiché của từ pop hay popol là một tấm thảm dệt bằng cói hay bấc mà cả gia đình ngồi lên trong những đêm kể chuyện; từ vuh hay uuh có nghĩa là mảnh giấy hay quyển sách do bắt nguồn từ động từ viết (uoch). Tác phẩm được viết bằng ngôn ngữ Quiché. Đây là một phương ngữ của giọng phát âm Maya-Quiché được dùng vào thời điểm xảy ra cuộc xâm lược của người phương Tây từ biên giới Mexico ở phía bắc kéo dài đến phía nam thuộc Nicaragua ngày nay. Trong khi tiếng Maya được dùng chuẩn giọng Yucatan, bang Chiapas thì tiếng Quiché được người dân sinh sống ở khu vực Trung Mỹ (hiện nay thuộc Guatemala, Honduras và San Valvador- người bản ngữ vẫn dùng đến nay). Thứ ngôn ngữ này hoàn toàn khác hẳn tiếng Nahuatl của người Anahuac hay Mexico về nguồn gốc và cả cấu trúc. Bởi thế mối quan hệ giữa ngôn ngữ Popol Vuh với các ngôn ngữ khác ở châu Mỹ mờ nhạt hơn cả mối tương quan giữa ngôn ngữ Slave và Zecman. [2] Hiện tại tác phẩm này chưa được dịch sang tiếng Việt, tài liệu khảo sát của chúng tôi là bản tiếng Anh của Stas Bekman và bản của Goetz-Morley do thư viện đại học Ohio giữ bản quyền điện tử.

Thông qua quyển bách khoa thư này, người đọc có thể hình dung về bức tranh đời sống tinh thần của người Maya cổ xưa với những khát khao giải thích tự nhiên và cuộc sống. Song hành cùng mục đích phổ quát này, tác phẩm bộc lộ những đặc trưng riêng của người Maya khi tư duy và lý giải sự vật hiện tượng trong cuộc sống; đây chính là những điểm thú vị trong văn học cổ đại châu Mỹ Latin: Rằng đầu tiên con người được tạo ra từ gỗ “Chúng cứ tiếp tục sống rồi sinh sôi nẩy nở, chúng có con trai, có con gái bằng gỗ… nhưng tất cả đều không có linh hồn, không có tâm trí và không thể nhớ về Thượng Đế, về Đấng Tạo Tác. Chúng bò trên đất bằng tay và đầu gối bâng quơ, vô định.” [4,6], rằng trò chơi bóng không phải để giải trí mà nhằm giao hòa với thần Mặt trời và để tái tạo sự sống thần kỳ trên thế giới- đây cũng là căn nguyên sinh sản vô tính thần thoại mà hai người anh hùng Hunahpú và Ixbalamqué sở hữu…

Tác phẩm Popol Vuh gồm bốn phần: Phần một là thần thoại về sự sáng tạo vũ trụ, kể lại từ thời thế giới còn là một cõi hư không vô tận đến khi sông núi, đất đai, muông thú, cỏ cây,… người đàn ông và đàn bà Quiché ra đời do công lao của vị thần sáng tạo. Phần hai kể về sự tích của hai người anh hùng bộ lạc do trí thông minh và lòng dũng cảm, lại được sự giúp đỡ của các vị thần và muôn loài phù trợ đã diệt thù trong, thắng giặc ngoài; dạy dân cách trồng trọt, mang lại hòa bình, ấm no, hạnh phúc cho con người. Phần ba gồm các truyền thuyết về lịch sử người Quiché, những cuộc di dân xa xưa của họ, những cuộc xung đột bên trong và mối quan hệ với các bộ lạc xung quanh. Phần bốn viết về lịch sử bộ lạc thời kỳ gần gũi với niên đại ra đời của tác phẩm. Biểu thế hệ dòng họ quý tộc, những lời tiên tri, trình độ tổ chức xã hội được ghi lại trong tác phẩm nay là sự phân chia giai cấp ở giai đoạn sơ kỳ. Như vậy, Popol Vuh là một tập hợp mang tính lịch đại hệ thống những câu chuyện sáng thế, sử thi anh hùng, dòng họ và chiến tranh bộ lạc; tất nhiên bài viết này chỉ khảo sát phần hai- sử thi về hai người anh hùng thần thánh.

  1. Đặc điểm loại hình anh hùng sử thi Popol Vuh

Rõ ràng, đây là là dạng anh hùng văn hóa (khác với anh hùng chiến trận trong Ramayana, gần gũi hơn với Gilgamesh và Odysse), được thể hiện rõ về nguồn gốc và chiến công của người anh hùng.

Trước hết, về nguồn gốc, Hunahpú và Xbalanqué được thể hiện trong tác phẩm mang một dòng họ danh giá- motif xuất thân cao quý này có thể gặp được trong hầu hết các sử thi nhân loại. Xuất phát từ cặp cha mẹ thần thánh Xpiyacoc và Xmucane, người được thần linh tạo ra như hai bản thể đầu tiên của con người linh thánh. Cha mẹ thần thánh sinh hai người con trai là Hunhun-Ahpu và Vukub-Hunahpu. Người anh Hunhun-Ahpu lấy vợ sinh được hai con trai, nhưng sau đó ông làm cho Xquiq (Máu) công chúa con quốc vương Cuchumaquiq, người một mình dạo chơi địa phủ, mang thai; hai anh em thần thánh ra đời từ người cha lưỡng tính và người mẹ đặc biệt. Chi tiết thụ thai thần kỳ xuất hiện trong dạng anh hùng sử thi dân gian khá đậm nét. Công chúa Xquiq xuống địa phủ chơi, nàng giơ tay hứng lấy chiếc đầu của người anh hùng treo trên thân cây leo, chiếc đầu rơi xuống tay nàng và nước miếng làm nàng thụ thai. Từ chi tiết thụ thai thần kỳ, anh em được cung cấp cho cơ sở để có thể thụ đắc những công cụ kỳ diệu, những pháp thuật huyền vi trong cuộc lao động hằng ngày lẫn cuộc thử thách dưới âm phủ.

Như vậy, hai anh em Hunahpú và Xbalanqué không là hóa thân của thần linh nhưng lại tự nhiên sở hữu những phép thuật kỳ diệu và cuối cùng thăng thiên thành mặt trăng mặt trời. Đây là cái gốc rễ dân gian ăn sâu trong tư duy sử thi. Tuy nhiên cần phải khẳng định rằng, nguồn gốc thần thánh hay dòng máu thiêng liêng không phải là điều đặc sắc nhất tạo nên tầm vóc người anh hùng sử thi bởi trước sau thì anh em Hunahpú và Xbalanqué vẫn được thể hiện như những người trần gian trong tất cả khó khăn khi đối mặt với cái chết … chính những điều này càng làm cho người anh hùng sử thi tỏa sáng với kỳ công lẫy lừng của họ.

Ở đây, có thể thấy Hunahpú và Xbalanqué không được xây dựng theo kiểu lý tưởng. Khi bị bà ngoại đuổi ra khỏi nhà thì những đứa trẻ đã nhanh chóng làm quen được với cuộc sống ngoài tự nhiên và chúng trở thành những thợ săn thiện nghệ, với ống thổi chúng săn chim và muông thú. Sau khi trừng phạt xong hai người anh cùng cha khác mẹ thì họ lại được miêu tả là những nhạc sư vĩ đại… Những nét này nằm trong hệ thống chi tiết của nhân vật cổ tích dân gian, không lý tưởng nhưng đủ giúp ích cho nhân vật trong quá trình hoạt động tương lai của họ. Từ đó, có thể thấy chính tính nhân loại chứ không phải lý tưởng tạo nên sức thành công của các anh hùng sử thi như Achille, Odysse, Rama, Gilgamesh,… những kỳ công của họ sáng ngời không phải với tư cách những vị thần mà là những con người nhất.

Hai anh em anh hùng sử thi Maya sơ kỳ còn phải đối phó hằng ngày với nhiều loại kẻ thù, cả hai chân lẫn bốn chân, nơi họ không có khái niệm đạo đức khoan dung độ lượng. Bởi thế để trả thù những người làm cho cuộc sống họ khó khăn, hai anh em biến bọn cùng cha khác mẹ thành những con khỉ, một cách nào đó, họ còn uy hiếp cả bà nội thần thánh. Những thử thách trong xã hội Maya sơ kỳ chưa phát triển đến mức những cuộc chiến kinh thiên động địa như Ramayana hay cuộc chiến Troy,…  mà chỉ dừng mở mức thử thách. Song không vì vậy mà kém phần nguy hiểm, bởi thử thách của vua địa ngục quyết định sự sống và cái chết của hai người anh hùng. Bởi thế chiến tranh hay đúng hơn là việc thi tài không nằm ở tài phép, vũ khí mà chủ yếu là trí thông minh và tinh xảo để giành phần thắng (gần với Odysse). Thay cho cái hùng ở Ramayana, Iliad là cái hài, cái sảng khoái vì chính nghĩa thành công, cuộc đấu tranh mang nét hài là vì thế.

Hai người anh hùng sử thi chỉ mới là bức thảo ban đầu của những nhân vật sử thi sẽ phát triển về phía sau. Hai anh em được đẩy lên đường nhằm mục đích báo thù, tình yêu đối với họ không có mối liên quan mật thiết. Đẩy ngược lên thế hệ trước, cha mẹ họ cũng không thấy xuất hiện định nghĩa tình yêu hay những xung động rạo rực, tất cả chỉ là một sự xếp đặt, một mắt xích trong cái vòng tuần hoàn chu kỳ sự sống và cái chết. Vì thế hình tượng hai người anh hùng Hunahpú và Xbalanqué thể hiện nét nhân bản ở ý nghĩa chiến công mang bản chất nhân loại của họ.

Ở Popol Vuh, có thể nhận thấy một hệ hình có lẽ cổ xưa hơn cả Mahabahrata (có thể đối sánh với thần thoại Ấn nơi bản thân tam vị nhất thể), trước cả hệ thống đa thần Hy lạp. Tác giả dân gian xây dựng mẫu người anh hùng lưỡng hợp, lưỡng tính. Có thể nói tính lưỡng hợp có một dấu ấn đặc trưng của khu vực văn hóa châu Mỹ Latinh cổ đại và còn ảnh hưởng nhiều đến văn học hiện đại (Đó là tính song trùng trong mô hình quan niệm Marquez trong Trăm năm cô đơn khi ông xây dựng sự đan xen thực và ảo, cặp anh em nhà Buendia giống nhau như đúc đến nỗi khi chết họ bị đặt nhầm quan tài,…) Người anh hùng phải là hệ số chẵn trong bản thể và tính chất. Nếu như cha mẹ thần thánh sinh hai người con trai thì người anh cả Hunhun-Ahpu lưỡng tính lại có vai trò quan trọng hơn người em trai Vukub-Hunahpu. Chính Hunhun-Ahpu do vợ chết nên mới cùng em trai xuống địa phủ nhận thử thách và chính ông đã cùng với công chúa Huyết tạo thành hai người anh hùng thần thánh chiến thắng sức mạnh cái chết. Mô hình anh hùng song trùng lưỡng hợp có thể thấy rõ nhất trong cặp anh em Hunahpú và Xbalanqué. Họ gắn bó với nhau trong tất cả các sự kiện, từ làm ruộng ngô, săn bắn, biến hai người anh thành khỉ, chấp nhận thư khiêu chiến và vượt qua mọi thử thách nơi âm ti, cuối cùng họ trường tồn cùng nhau trong thế song hành của mặt trời và mặt trăng.

Mô hình quan niệm này có thể truy nguyên về cơ sở văn hóa xã hội khu vực, điều này đụng đến tính chất nền nông nghiệp trồng ngô mà người Maya đã phát triển và tư duy theo đó. Chứng cứ di truyền học gần đây cho rằng quá trình thuần dưỡng ngô diễn ra vào khoảng năm 7000 TCN tại miền trung Mexico, có thể trong khu vực cao nguyên nằm giữa OaxacaJalisco. Các dấu tích khảo cổ của các bắp ngô có sớm nhất, được tìm thấy tại hang Guila Naquitz trong thung lũng Oaxaca, có niên đại vào khoảng năm 4.250 TCN, các bắp ngô cổ nhất trong các hang động gần Tehuacan, Puebla, có niên đại vào khoảng 2750 TCN. Ngô là lương thực chính của phần lớn các nền văn hóa tiền Columbus tại Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nam Mỹ và khu vực Caribe. Các nền văn minh Trung Mỹ đã được tăng cường sức mạnh nhờ vào ngô; nhờ việc thu hoạch nó, nhờ tầm quan trọng về mặt tôn giáo và linh hồn của nó cũng như ảnh hưởng của nó đối với khẩu phần ăn uống của họ. Ngô tạo ra sự đồng nhất về tư tưởng của người dân Trung Mỹ. Điều này tạo nền tảng định hình nền văn hóa, văn học Mỹ Latinh sau này. Trở lại, ngô là một cây trồng ở nhiều nơi,  có vòng đời một năm, cao từ 1 đến 2m, lá mọc so le, hình dải, dài, hoa đơn tính cùng gốc bao gồm: hoa đực nhỏ, mọc thành bông ở ngọn, hoa cái mọc cạnh nhau, được bao bởi nhiều lá bắc to, vòi nhụy dài, quả dĩnh, hạt nhiều, xếp thành hàng. Mùa hoa quả nằm vào tháng 4 đến tháng 6, hoặc tùy thuộc vào mùa gieo trồng trong năm… [11]. Như vậy, cây ngô- hay Thần ngô- danh vị được cư dân Trung Mỹ huyền tác và gắn kết vào đó nhiều lớp ý nghĩa thiêng liêng mang tính tôn giáo đã quyết định mô hình tư duy của họ, cụ thể là tác giả Popol Vuh. Cây ngô lưỡng tính để sinh sôi nẩy nở và ban sự phồn vinh cho cộng đồng thì người anh hùng cũng phải lưỡng tính để chiến thắng. Hệ thống ý nghĩa liên quan đến cây ngô còn ảnh hưởng đến hình tượng người anh hùng sử thi trong ánh sáng ý nghĩa kỳ công của họ.

Thứ đến, về chiến công, Popol Vuh thể hiện hành trình của hai người anh hùng thần thánh như là một cuộc đấu tranh thiêng liêng giữa sinh và tử- vấn đề triết học của nhân loại. Điều này thể hiện ở các khía cạnh sau:

Thứ nhất, người anh hùng sử thi trong Popol Vuh gắn liền với hoạt động mang tính tín ngưỡng và xã hội: trò chơi bóng. Hoạt động này có thể được lý giải theo ba phương diện: Trò chơi sinh tử có liên quan đến hiến tế, cầu mùa màng; chiến tranh thông qua thể thao: cuộc đấu tranh giữa con người và các thế lực chống đối, hủy diệt, tức chống lại cái chết. Cuộc đấu bóng không chỉ là thể thao mà có ảnh hưởng đến vận mệnh toàn cộng đồng về kinh tế và chính trị. Bởi thế đội trưởng của đội thua chính là đối tượng hiến tế, tuy nhiên từ góc độ văn học, có thể xét hình tượng không gian sân bóng như một mã lý giải ý nghĩa sinh tử. Sân bóng là nơi quyết định sinh tử, là nơi có những cái chết trong hoặc sau khi thi đấu vì những nguyên nhân trực tiếp lẫn gián tiếp. Trong Popol Vuh, sân bóng là nơi cha và anh cũng như bản thân hai người anh hùng thần thánh đi xuống địa ngục. Như vậy, sân bóng và chơi bóng có thể được xem như những thành tố của một huyền thoại thiêng liêng mà người Mỹ Latinh cổ xưa gìn giữ dưới lớp đá thời gian trong những thành phố bỏ hoang mấy trăm năm của họ. Lý giải được hoạt động tín ngưỡng thiêng này chính là xác định được cái lý của hình tượng, hay là hạt nhân mô hình quan niệm con người  và thế giới của tác phẩm sử thi.

Thứ hai, những người anh hùng thần thánh trong Popol Vuh đối mặt trực tiếp với những thử thách của chúa tể vương quốc bóng tối, nơi người ta hành xử những kẻ tội đồ. Sáu cửa ngục gồm ngục tối, ngục lạnh, ngục hổ, ngục lửa, ngục giáo và ngục dơi chính là những trở lực mà người Mỹ Latinh phải đối mặt hằng ngày ngày giữa núi rừng Trung Mỹ hoang vu ẩn chứa nhiều thử thách. Như vậy, hành trình và thắng lợi của hai người anh hùng sử thi chính là phản ánh cuộc đấu tranh của con người chống lại trở lực của cuộc sống, nói một cách hình tượng là chống lại cái chết. Vì vậy nếu Hanuman giúp Rama là hành động giúp đỡ do ủy thác thì việc muông thú giúp cho anh em Hunahpú và Xbalanqué có thể xem như là cùng mối đồng cảm, cùng đứng về lực lượng trần gian chống lại địa phủ như lời họ nói với những đấu thủ chơi bóng, rằng muông thú không đứng về phía Xibalba. Cuộc đấu tranh của họ, vì vậy mang tính triết học và thực tiễn tương đồng với Gilgamesh, khá gần với Odysse, trong khi ngoài tính lịch sử thì cuộc chiến của Rama mang tính đạo đức, cuộc chiến thành Troy mang tính văn hóa.

Cần nói thêm một điều thứ ba rằng, về mặt lý luận, sẽ khá lý thú khi soi chiếu bản chất chiến công của sử thi anh hùng Popul Vuh với hệ thống lý luận sử thi phương Đông và phương Tây. Hegels đã trình bày đặc điểm sử thi thành bốn điểm: tính khái quát, tính xung đột, tính lý tưởng và tính giáo huấn. Trong đó, ông khẳng định: “Chỉ có những cuộc chiến tranh giữa các dân tộc xa lạ đối với nhau thì mới là có tính sử thi.” Bởi đó là cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ cái chung, quyền tồn tại của bộ tộc, cộng đồng; không có mối liên hệ nào về đạo lý bị phá vỡ, không cái gì tự thân có giá trị bị vi phạm. “Các cuộc nội chiến… thích hợp với lối trình bày của kịch hơn. Chính vì vậy mà ngay từ thời của mình Aristote đã khuyên các tác giả bi kịch hãy chọn những chủ đề có nội dung là những cuộc huynh đệ tương tàn…” [9, 949]. Vì lẽ đó mà Hegel biểu dương Iliad của Homer trong khi lại không đánh giá cao sử thi Mahabharata vì tính chất nội bộ của cuộc chiến; trường hợp Ramayana thỏa mãn yếu tố xung đột nhưng câu chuyện tình của của người anh hùng Rama lại nằm ngoài khung mà Hegel dành cho sử thi. Bởi lẽ, người Ấn Độ cho rằng sử thi phải hội đủ ba yếu tố: anh hùng (epic), diễm tình (lyric) lẫn bi kịch (drama)- chiến công của người anh hùng là bảo vệ chánh pháp (đại ngã- Braman) nhưng phải được sáng lên trong ánh sáng của tình yêu con người (tiểu ngã- Atman). Trường hợp sử thi hai người anh hùng Maya-Quiché, cuộc chiến của họ phù hợp với tiêu chí của Hegel, đó là cuộc chiến của con người và cái chết, của tộc Quiché và các dân tộc vùng cao nguyên phía Nam- Xibalba- là xứ sở của nỗi sợ hãi. Ở điểm này sử thi Popol Vuh gần với lý luận phương Tây hơn. Tuy nhiên, mặc dù Hegel vẫn đề cập đến hình ảnh người anh hùng với chiến công vĩ đại, tiêu biểu cho tập thể cộng đồng nằm trong một mô hình quan niệm ở dạng sơ khai, nơi phạm vi của người anh hùng là thế giới, nơi tận cùng của hiểu biết, là giới hạn hữa hạn của cái vô hạn con người, nơi đó người anh hùng vừa là sự vẹn toàn vừa đặc trưng cụ thể như một cá nhân; thực tế Hegel có vẻ đắm mình trong ánh sáng Thần học và quan niệm sử thi như một tổng thể tập trung vào một anh hùng hiện thực chứ không phải một đám đông ở chỗ ông cho rằng trường ca thần linh không thể là mẫu sử thi hoàn thiện [Xem 9, 934]. Như vậy, lẽ tất nhiên chiến công của 05 anh em Pandava trong Mahabharata hay hai anh em Hunahpú và Xbalanqué đang khảo sát- mặc dù được giải thích như bản thể linh thánh nhưng cũng không nằm trong dạng thức trung tâm cá nhân của Hegel. Từ góc nhìn này, mảng sử thi Popol Vuh gần gũi hơn với sử thi phương Đông nói chung và Ấn Độ nói riêng. Như vậy, bản thân sử thi cổ khu vực Mỹ Latin tự nó đã thể hiện mình như một tổng thể mang bản sắc riêng, trong hoàn cảnh hạn chế về tư liệu lưu truyền lại, chúng ta chưa thể tái hiện được bức tranh bao quát lý luận văn học cổ Mỹ Latin, nhưng phần nào cũng có thể nhận ra những ánh sáng không kém phần lý thú.

Sau cùng, thông qua nguồn gốc và chiến công của những người anh hùng sử thi trong Popol Vuh, có thể nhận ra tiến trình vận động của cộng đồng Maya-Quiché, nói cách khác, đó là hạt nhân hiện thực trong sử thi. Theo hướng này, nhà nghiên cứu Phan Thu Hiền đã xác định con đường sử thi Ramayana là hành trình của một hoàng tử từ vùng sông nước Bắc Ấn, đi dài xuống núi rừng Nam Ấn và qua Srilanka cứu công chúa chính là bóng dáng hành trình của người Aria từ phía Bắc xuống phía Nam, từ miền sông xuống miền biển; không khí xích đạo ngày càng nóng. Bởi vậy, khi đánh nhau với vua khỉ ở phương Nam, sử thi miêu tả làn da đỏ của hai người hòa vào nhau như mặt trời lên. Trên con đường chinh phục của người Aria, những nhóm dân nào thuận tòng theo thì được xem là khỉ, còn người chống lại họ tại khu vực Srilanka (đảo Lanka) thì bị coi là quỷ. Hạt nhân hiện thực thể hiện ở việc miêu tả vương quốc quỷ này: họ là người bản địa sống trong một kinh thành tráng lệ, vua quỷ cũng hào hùng và uy dũng. Vì thế mới thấy được lòng chung thủy của nàng Sita khi bị bị dụ dỗ bởi vương quyền, tráng lệ, làm hoàng hậu Lanka uy quyền; lòng chung thủy này ngược lại không còn mấy ý nghĩa khi nàng được dụ dỗ làm vợ chúa quỷ- thoe nghĩa đen. Như vậy, tác phẩm sử thi phản ánh hình tượng lịch sử dân tộc Ấn- cuộc chinh phục hòa bình của người Aria đối với người Dravian không phải chiến tranh xâm lược mà là lan hòa của ánh sáng. [Xem 8].

Gần gũi hơn với hành trình xuống vùng dưới đất Xibalba của hai anh em Hunahpú và Xbalanqué là hành trình của người anh hùng Hy Lạp Odysseus. Nhân vật này cũng từng xuống âm phủ theo lời nữ thần Circe, nhằm tìm linh hồn của Tiresias để hỏi đường về nhà. Qua sông mênh mông của Cimmerians, người anh hùng đã đổ rượu cúng và tế hiến sinh theo lời Circe để làm vui lòng linh hồn người chết. Nhờ thế Odysseus đã gặp lại hồn Elpenor, gặp tiên tri và biết được con đường của mình, anh còn gặp những người anh hùng, những tội nhân khác đang bi trừng phạt: Sisyphus dang vần tảng đá, Tantalus bị đói khát hành hạ. Đoạn xuống âm phủ của Odysseus được đan cài vào nhằm mở rộng bối cảnh cũng như giúp tác giả đào sâu hơn các khía cạnh cá nhân của những người anh hùng trong Iliad và thần thoại Hy Lạp. Đây cũng là một dạng thử thách người anh hùng nối tiếp và mắc xích các dạng thử thách trên biển, đảo, trong động, cung điện phù thủy,… – những không gian quen thuộc trên bước đường mà những thủy thủ vùng Địa Trung hải gặp phải trên các cuộc hải hành. Âm phủ là một dạng không gian khác, là nơi của người chết và dễ gây cảm giác khiếp sợ.

Cũng vậy, hành trình xuống vương quốc Xibalba của hai người anh hùng Maya phản ánh bước đường di chuyển về phía Nam của người Maya. Khoảng thế kỷ thứ 9, người Maya đã bắt đầu tiến hành lấn về phía nam, đánh bại nhóm người Nahua (dấu vết của người Nahua còn thể hiện lại rất rõ trong hệ thống tên địa danh mà sau này người Tây Ban Nha ghi nhận về vương quốc Maya) và từ từ mở rộng khắp khu vực lãnh thổ Guatemala ngày nay. Con đường Nam tiến này được tích lũy dần vào hệ thống văn học dân gian của các nhóm cộng đồng và cuối cùng định hình bằng Popol Vuh của nhóm Quiché. Từ khu vực bán đảo Yucatan mà trung tâm là khu Chitchen Itza với khí hậu nhiệt đới, độ ẩm cao, mưa nhiều chuyển về phương Nam, đối mặt với những dãy núi cao xứ Palenque và Copén với khí hậu khô và ôn hòa, người Maya hình dung ra vận mệnh của họ như thân cây mà hai người anh hùng trồng ở quê nhà, sẽ khô héo khi họ gặp nguy hiểm ở địa phủ- đây chính là những khó khăn mà một tộc người gặp phải khi đối mặt với sự biến đổi độ ẩm không khí. Những bước chân trên đồng bằng duyên hải Yucatan bắt đầu phải vất vả với những triền núi phương Nam, những hốc đá, những hang động trong lòng núi, họ như bị hút vào một vệt dốc thăm thẳm như kéo con người xuống lòng đất với muôn vàn những nguy hiểm cận kề, con đường xuống địa phủ có lẽ được hình thành trong tâm thức đó. Như chúng tôi đã phân tích, thử thách địa phủ không phải là những trận đấu pháp thuật của những hồn ma mà chính là những khó khăn mà con người phải vượt qua khi đối mặt với một thiên nhiên khắc nghiệt. Cuối cùng, họ cứu được linh hồn Hunhun-Ahpu, Vukub-Hunahpu và vinh danh thành mặt trăng và mặt trời- đây là ngày khải hoàn của sắc dân chiến thắng, giải phóng tù binh và phong thánh, biến các anh hùng của bộ tộc thành các vị thần quyền uy và áp đặt cho những người bản xứ. Như vậy, phần sử thi Popol Vuh phản ánh hạt nhân hiện thực và con đường tiến lên phương Nam của người Maya. Con đường lý giải ý nghĩa lịch sử của các tác phẩm dân gian đã và đang mở ra nhiều triển vọng nhưng không phải không có những khó khăn, đặc biệt là do một khoảng cách thời gian đủ xa, dễ đẩy người quan sát vào thế gắn cái nhìn chủ quan vào các sự việc được xâu chuỗi theo tiền giả định nhất định- mà không phải lúc nào cũng chính xác. Tuy vậy, nhìn ra được hướng vận động của hiện thực, đặc biệt trong trường hợp sử thi, chính là khái quát hóa được cuộc sống của cộng đồng- điểm xuất phát mà cũng là đích của sử thi- thì phần thưởng lớn lao này luôn khuyến khích các nỗ lực lý giải như là những viên đá lát con đường đến chân lý.

Như vậy, thông qua khảo sát nghệ thuật xây dựng hình tượng người anh hùng sử thi trong phần sử thi anh hùng Popol Vuh, chúng tôi có một số nhận định ban đầu như sau:

Thứ nhất, hình tượng người anh hùng sử thi trong tác phẩm sử thi là kết quả phản ánh mô hình xã hội, nguyện vọng và quan điểm của quần chúng nhân dân, cộng đồng nhất định. Nguồn gốc quan niệm này chỉ được lý giải thông qua những vấn đề văn hóa, lịch sử và đến lượt mình quan niệm này trở thành chìa khóa giải mã và lý giải các thành tố cấu trúc tác phẩm, trong đó nổi bật là anh hùng sử thi.

Thứ hai, hình tượng anh hùng sử thi là một quá trình mang tính quan niệm. Quan niệm này là sự nối dài và thống nhất mô hình thế giới đã nêu ở trên; hình tượng anh hùng là quá trình phản ánh chặng đường phát triển của thể loại, đây là nguyên nhân quyết định sự phân lập loại hình và đặc điểm người anh hùng sử thi trong Popol Vuh với các điển thể sử thi phương Đông và phương Tây.

Thứ ba, hình tượng người anh hùng sử thi được phác họa và thể hiện rõ đặc điểm, trong phần sử thi anh hùng Popol Vuh. Mẫu anh hùng sử thi này, vì thế, được giải thích từ nguồn gốc văn hóa xã hội, mô hình quan niệm và hiện thực lịch sử của mỗi cộng đồng… Thông qua quá trình này, đặc điểm thể loại và dân tộc của thể loại sử thi được thể hiện rõ nét, điều này cũng chứng minh được tính giá trị của sử thi Popol Vuh.

 

TƯ LIỆU THAM KHẢO

  1. Popol Vuh- www.meta-religion.com
  2. Lewis Spence 1908. The Popol Vuh– The Mythic and Heroic Sagas of the Quichés of Central America. Long Acre, London:David Nutt- Sign of the Phoenix
  3. Raphael Girard, Blair A. Moffett (translator) 1979. Esotericism of the Popol Vuh. Theosophical University Press.
  4. Benjamin Keen 1955. Reading in Latin American civilization: 1942 to the present. Boston: Houghon Mifflin
  5. Popol Vuh. Từ điển văn học (bộ mới). NXB Văn học
  6. Nhật Chiêu 2003. Câu chuyện văn chương phương Đông. NXB GD
  7. Đặng Anh Đào, Hoàng Nhân… 2001. Văn học phương Tây. NXB GD.
  8. Phan Thu Hiền 1999. Sử thi Ấn Độ – tập I: Mahabharata. HN: Giáo dục
  9. Hegel, Mỹ học 2005. Phan Ngọc (dịch và giới thiệu). NXB Văn học
  10. Nhữ Thành 1983. Thần thoại Hy Lạp. NXB Văn học
  11. Võ Quang Yến. Bắp, ngô- một cây lương thực quan trọng. Nghiên cứu và Phát triển 2(40) 2003.

 

Nguồn trích dẫn: Nguyễn Thành Trung (2010), “Nhận diện anh hùng sử thi Popol Vuh”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, 05/2010.

 

You Might Also Like