Văn học Nhật Bản

Truyện ngắn SHIZUKA  IJUIN (Hoàng Long dịch)

 

pastedGraphic.png

Tác gia Shizuka Ijuin (静伊集院) tên thật là Nishiyama Tadaki, sinh năm 1950 tại tỉnh Yamaguchi. Ông từng kinh qua nhiều nghề nghiệp như nhân viên quảng cáo trước khi trở thành nhà văn. Năm 1992, tác phẩm “Vầng trăng nhận chịu” (受け月) đạt giải thưởng văn học Naoki lần thứ 107. Ngoài ra ông còn là người sáng tác ca từ nổi tiếng với bút danh Date Ayumi (伊達 歩). Các tác phẩm chính của ông gồm có “Thu trắng” (白秋), “Ngày xưa xa ngái” (遠い昨日), “Người đàn bà ở Asakusa” (浅草のおんな), “Bãi cỏ bên nhà” (となりの芝生) …Năm truyện ngắn “Chiếc bình tuổi bốn mươi” (四十歳のうつわ), “Thanh âm của đá”(石の声), “Con dốc nhìn về phía biển”(海の見える坂道), “Bờ nước”(水のほとり), “Bên kia cửa kính”(ガラスの向こう側) sau đây được chúng tôi dịch từ tuyển tập “Bình nước” (水の器) do Nxb Gentosha (幻冬舎) xuất bản năm 1997. Đây là lần đầu tiên tác gia Shizuka Ijuin được dịch ra Việt ngữ. Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

CHIẾC BÌNH TUỔI BỐN MƯƠI

Tôi ghé tiệm sushi sau khi đi du lịch về.

Ngồi nơi một góc quầy, tôi gọi bia. Vì là tiệm quen nên tôi cảm thấy rất thoải mái.

Trên chiếc khay sơn đen, thay cho chỗ kê đũa là một bông hoa thủy tiên. Nhụy hoa vàng hé nhìn ra từ trong những cánh trắng hoa trắng tinh nhỏ xíu trông dễ thương vô cùng.

“Chuyến du lịch thế nào ạ?”

“À, cũng được chút thư thả”

Chủ quán biết cung cách sống của tôi nên mỉm cười gật đầu rồi mang ra thức nhắm cho loại rượu sake ưa thích của tôi.

“Còn ông dạo này có tình hình gì mới không?”

“Mấy ngày trước tôi có đi xem kịch và có nghe được một lời thoại rất hay”

“Câu gì vậy?”

“Nhân sinh chỉ là một dòng chảy của thời gian thôi. Nhân vật chính lúc tuổi già xế bóng đã nói một câu cuối cùng như vậy. Có chiến tranh rồi hòa bình, có căm ghét rồi vui vẻ…Những khi đó chúng ta cảm thấy như cơn sóng lớn ập đến, như đứng giữa một trận cuồng phong nhưng đến khi tuổi già ngồi mà ngẫm lại đời người chẳng phải chỉ là một dòng thời gian trôi chảy mà thôi. Sao, có chút gì cảm động đúng không?”

Chủ quán sushi vừa nói vừa tự mình gật gù.

Quả thực là câu nói chí lý. Một lời thoại dễ dàng nói ra. Nhưng có lẽ khi còn trẻ người ta không thể nghĩ được như thế.

Thời gian quả thật là kỳ lạ. Rõ ràng từng khoảnh khắc trôi lướt qua chúng ta nhưng chúng ta lại không thể nào nắm bắt được đó, không thể làm cho nó dừng lại hay trôi đi sớm hơn. Tuy thời gian luôn tồn tại quanh con người nhưng không có thứ nào khó cảm nhận và nắm bắt bản chất thực sự của nó như thế cả.

Khi còn nhỏ chúng ta thấy một ngày dài lê thê có khi đến mức chán chường. Thế nhưng khi chạm ngưỡng bốn mươi ta lại thấy mười năm lại trôi qua như chớp mắt. Khi thử suy nghĩ xem nguyên nhân tại sao, tôi mới thấy rằng có lẽ đó là do chúng ta luôn bị một điều gì đó đuổi theo đằng sau và thôi thúc chăng? Điều thôi thúc đó có người tìm quên trong công việc nhưng tôi cảm giác không phải chỉ có thế mà thôi. Nếu là người có gia đình thì sẽ bận đầu tắt mắt tối giải quyết những chuyện trong nhà, người khác thì mưu cầu tiền bạc, danh vọng hay quyền lực nữa. Rồi cứ thế mà già đi sao? Nếu chỉ như vậy thì cuộc đời còn gì thú vị chứ?

Vừa uống rượu nơi góc quầy, tôi vừa suy nghĩ như thế.

Cánh cửa tiệm mở ra, một cô gái trẻ mặc kimono bước vào.

“Xin chào quý khách”

“Xin chào ông”

“Cô có hẹn à?”

Cô gái mỉm cười gật đầu. Nàng khoảng trên hai mươi tuổi, dung mạo xinh đẹp. Chờ khoảng ba mươi phút thì người đàn ông xuất hiện. Không nên nhìn nữa thì hơn.

“Em đợi lâu không?”

“Chút thôi, em cũng vừa mới tới”

Đối với người con gái trẻ, ba mươi phút đêm nay chỉ là “một chút”. Nếu là tôi mà đợi chừng đó thời gian nơi quán cà phê để bàn công việc thì chắc tôi đã mệt mỏi hay là nổi giận mất rồi.

Yêu đương có lẽ là hành vi đặc biệt của con người. Nhân vật chính trong vở kịch mà ông chủ quán sushi đã xem chắc cũng không thể nào nói dứt khoát rằng yêu đương cũng chỉ là dòng thời gian trôi chảy mà thôi nhỉ? Bởi vì chẳng phải bao nhiêu tác gia cổ kim đã tiêu phí một đời để viết tiểu thuyết ái tình đó sao? Trong hội họa cũng vậy. Từ Leonardo da Vinci, Picasso đến Cézanne… tất cả đều để lại nhiều kiệt tác vẽ người phụ nữ.

Rời quán sushi, tôi ghé quán bar.

Mặc dù biết nên về thẳng nhà để làm việc thì hơn nhưng tôi lúc nào cũng la cà dọc đường suốt.

“Xin chào anh, lâu ngày quá nhỉ”

“Đúng là khá lâu thật”

“Anh mới đi Kyushu về đúng không?”

“Sao biết hay vậy?”

“Chị tôi nhìn thấy anh nơi nhà ga Hakata đấy”

“…..”

Đáng sợ thật nhỉ. Người ta biết rõ mình mà mình chẳng biết gì về người ta cả.

“Chị nói thấy ngồi ngồi một mình nơi chiếc ghế chỗ chờ tàu và uống bia”

Có lẽ đó là lúc mình đổi tàu chăng? Cứ dặn lòng phải cẩn thận hành vi chứ không sẽ bị người khác nhìn thấy. Vậy mà đúng thế thật.

“Lần tới, tôi muốn gặp chị của anh”

“Đã gặp nhau một lần ở đây rồi mà”

“…..”

Nếu vậy thì mình tệ thật. Tôi nhanh chóng rời quán bar về nhà. Mấy quyển sách của tác gia Kaikou Takeshi mà tôi đặt ở hiệu sách đã được gửi đến nơi. Mấy tờ giấy gửi máy fax đến rơi rớt xuống sàn nơi phòng làm việc. Thư từ và bưu thiếp thì đặt trên bàn.

Tôi xuống nhà bếp, lấy chai whisky và bắt đầu uống.

Chuyến đi của mình như thế nào nhỉ?

Tôi tự hỏi mình như thế.

Chắc cũng không tệ, ngắm được nhiều phong cảnh đẹp, rượu cũng khá ngon. Được thư thả thật là thích.

Viên đá trong ly kêu lách cách. Cái thứ nước ma thuật màu hổ phách này làm cho tâm tư tôi trở nên lắng dịu. Tôi nhìn tờ lịch. Có dấu khuyên tròn nơi ngày của tuần trước. Gì vậy nhỉ? À, sinh nhật mình. Vậy sao? Happy  birthday to me vậy.

“Đã quá bốn mươi rồi đấy. Đúng ra là bốn mươi hai. Hãy sống đàng hoàng vào con nhé”

Tôi nghe ra giọng nói của mẹ. Mẹ mình giờ đã bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

“Nhân sinh chỉ có thể thuận theo hoàn cảnh. Lúc nào cũng phải tranh đấu hết sức mình thôi. Bởi vì nước chỉ có thể chảy từ cao xuống thấp mà…”

Đó là câu nói cửa miệng của mẹ. Trong cái bình thân thể tôi đây, thứ nước nào đã bắt đầu đọng lại nhỉ?

THANH ÂM CỦA ĐÁ

Tôi có bảy năm sống cùng những tiếng sóng vỗ bờ. Có lẽ sẽ có người cảm thấy ghen tỵ nhưng nhưng lắng nghe tiếng sóng biển vỗ vào ghềnh đá không phải lúc nào cũng khiến tâm hồn mình thấy dễ chịu đâu.

Suốt ba ngày ba đêm, tiếng mưa gió thét gào ngoài khung cửa kính cùng với tiếng sóng vỗ như cuồng loạn, gió rít từng hồi suốt đêm như có một gã khổng lồ đang huýt sáo.

Ngược với những lúc đó, có mùa biển lặng đến bất an, không hề nghe ra tiếng sóng vỗ.

Những khi đó, vào đêm xuống tôi vùi mình trong chăn, tưởng tượng ra những con sóng nhỏ ngoài biển đen và nghĩ về những thanh âm sóng vỗ.

Tôi luôn cảm thấy hứng thú sâu sắc trong những lúc yên lặng hay những nơi chốn vắng im.

Khi đi du lịch vào sâu trong núi, hay vòng quanh vịnh biển, lúc chợt nhận thấy mình chỉ ở một mình, hay khi xung quanh không một tiếng động, sự yên lặng trở lại hoàn toàn, thấy mình chỉ là một chấm tồn tại nhỏ bé trong thiên nhiên bát ngát là tâm tư tôi lại trở nên an định. Chỉ những khi đó tôi mới có thể được trở về với con người thực của chính mình, không phấn son tô vẽ.

Rồi tôi cảm nhận được tiếng cỏ lá, tiếng những viên đá nhỏ dưới chân mình hay tiếng những cành cây đang thì thầm khe khẽ.

Có thứ lắm lời, lại có thứ thì thầm lặp đi lặp lại những điều vô nghĩa mà tôi không hiểu rõ. Người ta thường nói đến thanh âm của tự nhiên nhưng tôi chưa từng cảm nhận theo cách như thế. Tôi chỉ nghĩ chúng đang nói chuyện một cách đương nhiên thôi.

Trên bàn làm việc của tôi có để một viên đá nhỏ. Nó được người vợ đã mất của tôi nhặt từ Tsugaru về để lên bàn của tôi như một món quà lưu niệm phương xa. Nàng hay nhặt về những viên đá nhỏ, những đoạn cây gãy và vui vẻ đặt lên chỗ bàn làm việc của tôi.

Nàng đã đi đâu đó mất hút rồi, chỉ còn lại chỗ làm việc đêm khuya là những viên đá nhỏ và đoạn cây gãy mà thôi.

Đôi khi, giữa khoảng thời gian làm việc, tôi nhìn những vật nhỏ bé đó và cảm thấy như thể chúng đã khẽ dịch chuyển vị trí vậy.

Có lẽ chúng đã di chuyển từng chút từng chút một, không muốn làm gián đoạn công việc của tôi chăng? Những đồ vật đã cùng tôi trong căn phòng ảm đạm của người sống một mình, trong chuyến tàu xa hay cùng lên máy bay, đối với những chỗ xa lạ chúng nhìn dáo dác là chuyện đương nhiên thôi. Tôi cảm thấy buồn cười.

Tuy nhiên những điều như thế dần mất đi mỗi khi tôi chuyển nhà.

Trong căn nhà nghỉ nơi chuyến du lịch phương xa, có khi âm sắc viên của đá nhỏ chợt vọng lên trong đầu tôi giữa đêm khuya thanh vắng một mình.

CON DỐC NHÌN VỀ PHÍA BIỂN

Một buổi chiều xuân, tôi ghé thăm một người bạn cũ nơi thành phố quê nhà. Hai bên con đường dốc là hàng cây anh đào. Gió thổi mạnh. Những đóa hoa anh đào nở muộn đôi lúc bay xuống. Tôi dừng bước nơi tảng đá lớn. Phong cảnh quen thuộc này khiến tôi nhớ mình đã từng thấy ở đâu. Quay đầu nhìn lại, tôi thấy quê nhà và biển Seto lấp lánh trong nắng mùa xuân.

Đã là chuyện của hai mươi năm trước.

“Không cần phải vội vàng như vậy. Chúng ta dừng đây nghỉ chút đi”

Thầy M nói. Đội bóng chày chúng tôi mới rời sân đấu, đi bộ lên con dốc này đến bến xe buýt. Mười mấy thành viên đội chúng tôi vẫn còn mặc trang phục thi đấu nhìn thầy M. Thầy ngồi xuống nơi tảng đá lớn, ngắm phố phường dưới kia và mặt biển mùa thu trải dài xa ngút tầm mắt.

Vào ngày đó đội bóng chày trường cấp ba chúng tôi nếm mùi thảm bại. Vì thua trận đấu đó mà giấc mộng tham dự ở Koshien mùa xuân năm sau tan thành mây khói. Tuy không phải là đội mạnh nhưng từ khi được chọn vào mùa hè năm đó chúng tôi đã tập luyện miệt mài không ngơi nghỉ một ngày nào. Tôi học lớp mười. Sau khi trận đấu kết thúc, tiền bối O là đội trưởng ngay lúc vừa rời sân đã bắt chúng tôi sắp hàng rồi nói với khuôn mặt rưng rưng nước mắt.

“Các cậu đánh tớ đi. Tớ cũng đánh các cậu nữa”

Tiếng đấm vào gò má từ đầu hàng vọng đến tai tôi. Thầy huấn luyện viên và thầy chủ nhiệm nhảy bổ vào can ngăn lại. Rồi các anh lớp cao ở lại, bọn lớp dưới chúng tôi theo thầy phó chủ nhiệm M ra bến xe buýt trước. Thầy M là giáo viên trẻ dạy môn triết học, nổi tiếng vì uống rượu bia đến tàn mạt. Thầy chỉ mới biết đến bóng chày mà thôi.

“Nhìn kìa, kia là sân bóng nơi các trò luyện tập. Mùa hè năm nay thật nóng nực làm sao”

Sau khi lẩm bẩm như vậy rồi thầy M im lặng. Ngọn gió cuối thu thổi qua khuôn mặt đỏ gay của chúng tôi buốt lạnh.

“Nhưng mà nếu nhìn từ đây thì chúng ta có thể thấy rõ là thành phố này không chỉ có một mình sân đấu kia thôi đâu nhỉ”

Nói rồi thầy nhìn ra phía biển xa mà cười. Cái sân đấu của chúng tôi nhìn nhỏ xíu như một khu vườn trong cái hộp, phía xa kia là mặt biển lấp lánh ánh sáng hoàng kim. Chúng tôi đứng một lúc lâu sau thì mấy anh lớp trên cũng đi đến phía dưới con dốc. Chúng tôi làm ra vẻ đứng chờ rồi mọi người cùng nhau đi về.

Tảng đá này giờ trông thấy nhỏ hơn ngày xưa. Mùi hương cây dìu dịu. Tôi lại rời bước khỏi con đường dốc.

BỜ NƯỚC

Tôi đã từng đến trọ trong một căn nhà truyền thống ở Nagasaki, Niigata.

Căn nhà đó vốn là nơi nấu rượu nên xung quanh có nhiều giếng nước. Nghe nói một dải vùng này gần con sông Shinanogawa đều nổi tiếng là có mạch nước ngon tinh khiết.

Buổi sáng hôm sau, khi đi dạo bộ trong vườn nhà tôi thấy một cái ao nước nhỏ dưới gốc cây sam đã hơn trăm năm tuổi.

Gió mùa thu bắt đầu thổi hiu hiu. Tôi ngồi nơi góc bờ ao hút thuốc. Bất chợt tôi thấy có bóng dáng côn trùng đang bơi thanh thoát trên mặt ao phía xa. Con gì vậy nhỉ? Tôi nghĩ thầm. Thì ra là con nhện nước. Mấy con nhện nước cứ tụ lại rồi tản ra, mỗi con đi về một hướng. Đúng là một quang cảnh gây buồn cười như khi ta chơi pháo bông que vậy. Trong khi chăm chú nhìn những con côn trùng nhỏ bé đó, chợt tôi nhớ lại ngày nhỏ mình cũng đã từng ngồi bên bờ ao ngắm nhện nước bơi lượn trên mặt ao.

Có lẽ lúc đó tôi mới vào học tiểu học, chừng bảy hay tám tuổi gì đó thì phải. Như vậy là đã hơn ba mươi năm trước rồi. Tuy vậy tôi vẫn nhớ như in cả mùi cỏ dại rậm rạp bên bờ ao nữa. Cái ao đó nằm trong khuôn viên đền thờ thần đạo ngay sát trường tiểu học của tôi.

Tôi nhận ra mình đã quên mất những khoảng thời gian suy nghĩ vẩn vơ những thứ kỳ diệu xung quanh mình, chưa bận tâm nghĩ đến chuyện trở thành người lớn nữa. Những khi ngắm mây thay hình đổi dạng trên bầu trời hay nhìn mưa rả rích nhỏ giọt xuống trước hiên nhà. Ngay cả cơn gió, vũng nước và những viên đá nhỏ cũng làm tôi say mê.

Tôi nhớ rất rõ hình dáng những con nhện lượn lờ trên mặt nước. Hình bóng của chúng phản chiếu vào nước trông thật thú vị. Tôi nhớ mình đã hình dung hai con nhện nước như đang khiêu vũ trên sân khấu mặt ao. Hai con màu nâu và đen vừa bơi vừa tạo những vòng sóng nhỏ trên mặt ao màu vàng lục. Thỉnh thoảng có con cá diếc hay cá chạch nổi lên thế là bài khiêu vũ của nhện nước loạn nhịp. Vì tôi nhớ mùi hương cỏ mùa hạ nồng nàn như thế có nghĩa lúc đó là đầu thu chăng? Mặt ao đã chuyển sang màu xanh sẫm, gió lạnh thổi vào má và cổ tôi. Cuối cùng tôi ngẩng mặt lên nhìn bầu trời cao rộng. Xuyên qua tán cây thông cao, bầu trời hoàng hôn nhuộm màu đỏ sẫm rực rỡ. Mình phải về nhà thôi. Tôi nghĩ như thế rồi đứng dậy. Đột nhiên tôi cảm thấy cơn gió chiều thật lạnh người.

Tuy vậy mặt ao và những con côn trùng nhỏ bé đó khiến tôi cảm thấy thật khó mà rời đi. Cái cảm giác đó nó nhỏ như lực hấp dẫn nhưng lại có sức kéo rất nặng.

Đó là gì vậy nhỉ? Buổi sáng hôm đó tôi vừa nhớ lại được vừa cảm thấy rõ ràng tươi mới một quang cảnh mà giờ đây tôi không còn cảm giác được gì nữa.

BÊN KIA CỬA KÍNH

Tôi đi dạo trên khu phố Kahara, Saijoshi, Kyoto trong cơn gió lạnh đầu đông. Tháp chạp đã gần kề nên các cửa hàng trên phố bắt đầu bán khuyến mãi dịp cuối năm.

Một bé gái đang nhón chân nhìn vào tủ kính trưng bày như dán vào tấm kính vậy. Trong tủ kính bày các món đồ trang điểm cho tóc như trâm kẹp, lược cài…Tôi nhìn vào gương mặt bé. Như thể bé đang mỉm cười…

Tôi cùng đứa em trai cùng nhau nhìn qua các tủ kính, thấy một chiếc kính viễn vọng nhìn các thiên thể. Dưới ánh đèn huỳnh quang đang nhấp nháy, chiếc kính viễn vọng được bao phủ bởi những đường viền trắng xung quanh nhìn như thể đang ngời sáng trong tuyết. Trên đó có đính giá tiền mà anh em chúng tôi chắc chắn không thể nào mua nổi.

“Nếu mình nhìn bằng cái kính này không biết mặt trăng sẽ lớn như thế nào nhỉ”

Em tôi nhìn chiếc kính không rời mắt mà nói. Tôi vừa nhớ đến tấm hình chụp bề mặt mặt trăng trong sách minh họa vừa gật đầu.

“Có ai đến mua thì phải kìa?”

Em trai tôi chợt hạ giọng. Tôi nghĩ thầm lại có đứa bé nào có thể mua được một vật xa xỉ đắt giá đến thế kia ư? Chúng tôi cứ đứng như chôn chân mãi ở chỗ đó. Phía sau lưng chúng tôi, những người lớn đứng lại nói vài câu gì đó rồi lại bỏ đi.

“Này, chiếc đồng hồ đeo tay kia tuyệt thật”

“Đúng nhỉ”

“Cái máy chụp hình kia được đấy. Nhưng đắt quá…”

Cuối cùng chiếc đồng hồ trong tủ kính bắt đầu gõ chuông boong boong, chúng tôi mới nhận ra mình đã đứng suốt hai tiếng đồng hồ nên vội vàng rời đi. Hai anh em chúng tôi ngước nhìn lên bầu trời đầy sao.

“Gom hết tiền mừng tuổi cũng không thể mua được đâu”

Em tôi thì thầm.

Trên đường trở về chúng tôi đi ngang cửa tiệm bán đồ trang điểm tóc lúc nãy nhưng bóng dáng của cô bé không thấy đâu. Nhưng chỗ bé đứng khi nãy không hiểu sao nhìn thật ấm áp.

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

 

(Bài viết do dịch giả cung cấp độc quyền cho breadandrose.com )

You Might Also Like