TRÚC THANH
Tuyệt phẩm “Trúc Thanh” (竹青Chikusei) của Dazai tuy lấy cảm hứng từ truyện cùng tên trong “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh nhưng hoàn toàn là sáng tác như chính tác giả tự nhận. Cốt truyện cũ được lồng ghép khéo léo với nhưng triết lý mới mà Dazai muốn gửi gắm cho đời. Tư tưởng mạnh mẽ đến mức ngạc nhiên. Tác giả đã gián tiếp phê phán sự bạc nhược yếu hèn của kiểu thư sinh cũ, mơ màng thoát tục bỏ quên đi cuộc sống hàng ngày. Chính “ta bà là tịnh độ”, phải trải đủ trọn vẹn yêu thương và thống khổ mới trọn kiếp đời. Dù xưa nay thân phận con người đều tiến thoái lưỡng nan, lúc ở nhà thì mơ màng phố thị phồn hoa, khi ra chốn đô hội lại dặt dìu nhớ về quê cũ. Nhưng phải biết Trúc Thanh ngay trong nhà ta đó, hà tất phải đi tìm Đào nguyên với Hán Dương? Sống được cuộc sống bình thường như những người bình thường nhất chính là cảnh giới tối cao, cần trải qua bao thử thách và dày công tu dưỡng mới đạt được. Hồng trần vốn đau khổ đày ải nhân gian nhưng đến cuối cùng ta cũng phải nhận mặt đất này làm quê nhà miên viễn.
Nguyên tác trên trang mạng kho sách ngoài trời Aozora: http://www.aozora.gr.jp/cards/000035/files/1047_20130.html
Trân trọng giới thiệu với quý độc giả.
TRÚC THANH
(Tân khúc Liêu Trai Chí Dị)
Dazai Osamu
Ngày xưa ở một quận kia của tỉnh Hồ Nam có một chàng thư sinh nghèo tên là Ngư Dung. Không hiểu sao từ ngày xưa cứ thư sinh thì nhất định phải nghèo chứ. Chàng Ngư Dung đây, gia cảnh không đến nỗi tệ, mắt mũi thanh tú, tư dung điềm đạm thanh nhã, thu hút lòng người. Tuy không thể nói chàng thích sách vở như thích gái đẹp nhưng từ thuở thiếu thời chàng đã chăm chú học hành, cách hành xử chưa từng lệch khỏi con đường chuẩn mực vậy mà sao hạnh phúc vẫn chưa mỉm cười.
Cha mẹ qua đời từ khi chàng còn nhỏ nên chàng phải đến tá túc nhà ông chú. Chẳng bao lâu sau, tài sản thừa kế hết sạch, cả nhà ông chú xem chàng như một sự phiền toái. Ông chú suốt ngày say sưa trong lúc cao hứng vì rượu ép Ngư Dung với cô gái giúp việc nhà vô học gầy gò đen nhẻm mà nói “thôi kết hôn đi, mối duyên lành đấy”, tự mình quyết định tự tung tự tác không xem ai ra gì như vậy. Ngư Dung vô cùng phiền muộn nhưng vì chú đã thay cha mẹ nuôi mình, thật là đại ân nhân, công lao như trời biển nên không thể nổi giận trước cái ý nghĩ vô lễ của tên tửu đồ đó được phải đành gạt đi nước mắt, thẫn thờ hồn vía, chấp nhận lấy người đàn bà xấu xí gầy đét, bần hàn lớn hơn mình hai tuổi đó. Nghe đồn cô ta còn là người tình của chú mình nữa, mặt mũi thì xấu xí mà tâm hồn thì cũng khiếm khuyết. Cô ta hoàn toàn khinh miệt học vấn của Ngư Dung, nghe chàng ngâm nga “đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện1” thì phá ra cười, bảo với vẻ không ưa rằng “vươn đến chí thiện mà làm gì, thay vào đó ráng vươn đến chỗ tiền nhiều, thức ăn ngon thì hơn chứ”. “Mà thôi, cảm phiền mình giặt đống quần áo này nhé. Phải giúp tôi chút việc nhà đi chứ”. Cô ta nói rồi ném đống quần áo bẩn của mình vào mặt Ngư Dung. Chàng ôm đống quần áo đó lủi thủi ra con sông phía sau nhà , khẽ ngâm “mã tê bạch nhật mộ, kiếm minh thu khí lai, ngã tâm hạo vô tế, hà thượng không bồi hồi2”. Ý rằng đời chẳng có gì thú vị, ta ở quê nhà mà như cô khách chốn thiên nhai, tâm tư bâng khuâng mà nhìn sông chảy bồi hồi vậy.
“Cứ tiếp tục kéo dài cuộc sống bi thảm này mãi thì thật có lỗi với liệt tổ liệt tông. Bây giờ mình đã sắp sửa bước vào tuổi tam thập nhi lập rồi. Phải ráng lập công danh vẻ vang mới được”. Chàng quyết ý như thế rồi đầu tiên về nhà đấm mụ vợ một phát, tống cổ ra khỏi nhà, tự tin đường hoàng ứng thí kỳ thi hương nhưng có lẽ vì sống cuộc đời bần hàn quá lâu, tâm tư không có chút khí lực nào, viết loạn đáp án lên thế là rớt thẳng cẳng. Chàng đành quay gót về căn nhà rách nát nơi quê hương, nỗi buồn này trên đời chẳng có gì so sánh được. Thêm phần đói bụng, chàng bước đi không nổi đành lê chân vào miếu thờ Ngô Vương bên hồ Động Đình, nằm ngửa ra nơi hành lang mà than “A, cuộc đời chỉ toàn nỗi khổ đau vô nghĩa mà thôi chăng? Như mình đây từ thuở thiếu thời chăm chú đi theo con đường của thánh hiền, suốt ngày chi hồ dã giả vậy mà bước chân hạnh phúc từ nơi xa vẫn chưa ghé thăm, mỗi ngày chỉ toàn nỗi khổ nhục gần như không sao chịu đựng nổi. Đã phát nguyện đại hùng tráng chí đi thi hương vậy mà ai ngờ lại rớt thảm. Có phải thế gian này toàn dung túng những kẻ ác nhân vô sĩ, còn kẻ thư sinh yếu đuối bạc nhược như mình thì đành cam chịu thất bại mà bị thiên hạ cười chê thôi sao? Đến mức đã đấm cho mụ vợ một phát rồi tống cổ ra khỏi nhà rồi nhưng bây giờ thi rớt trở về không biết bị mụ ta rủa sả đến mức như thế nào đây? Trời ơi, mình muốn chết, thật sự muốn chết”. Rồi vì đau khổ cực độ quá mà đầu óc mơ màng, không còn giống người theo đạo quân tử nữa, Ngư Dung bắt đầu liên tục nguyền rủa thế gian và than trách cho số phận của mình. Khẽ nhướng mắt nhìn đàn quạ đang bay trên trời cao, chàng khẽ lẩm bẩm “như bầy quạ kia, không biết đến giàu nghèo mới thật là hạnh phúc” rồi nhắm mắt lại.
Ngôi miếu Ngô Vương nơi hồ Động Đình này vốn thờ vị tướng quân nhà Ngô thời Tam Quốc là Cam Ninh, tôn làm thần bảo hộ sông nước. Do rất đỗi linh thiêng nên thuyền bè mỗi lần qua lại, phu thuyền phải ghé vào lễ bái. Trong khu rừng bên miếu Ngô Vương có hàng trăm con quạ sinh sống. Mỗi lần thấy bóng thuyền đến, chúng lại bay vút lên nhất loạt kêu “quạ quạ” rồi bay đến đùa giỡn trên các cột buồm. Các phu thuyền xem đó là chim sứ giả của Ngô Vương nên rất kính trọng, thường ném thịt dê lên cho chúng ăn, không lần nào chúng đớp hụt cả. Thí sinh lạc đệ3 Ngư Dung cảm thấy ghen tỵ với bầy quạ bay trên trời cao vui vẻ nên lại lẩm bẩm thì thầm “đàn quạ hạnh phúc quá” rồi tuy không định ngủ nhưng nhắm mắt mơ màng một lúc thì thấy một người đàn ông mặc áo đen đến lay tỉnh dậy. “Này, này”
Ngư Dung vẫn còn đang ngái ngủ đáp.
“A, xin lỗi. Đừng la rầy tôi. Tôi không phải là người đáng ngờ gì đâu. Cho tôi nằm ngủ thêm chút nữa nhé. Xin đừng mắng mỏ tôi làm gì”
Vốn từ nhỏ đã lớn lên trong cảnh bị người la mắng khinh khi nên đã thành thói tật cứ thấy bóng dáng người ta lại run sợ tưởng đến đánh mắng mình nên chàng vừa liên tục nói mớ “xin lỗi, xin lỗi nghe” vừa trở mình nhắm mắt ngủ tiếp.
“Không phải ta đến la mắng gì đâu”, người đàn ông áo đen nói với giọng khàn khàn rất kỳ lạ. “Ta đến theo lệnh của Ngô Vương đó. Thấy ngươi căm ghét cuộc sống con người ao ước cuộc sống loài quạ thật hay. Vừa hay đội hắc y thiếu một tên nên đưa ngươi bổ sung cho đủ số. Ngươi mau chóng mặc bộ áo đen này vào đi”.
Rồi gã lấy chiếc áo đen mềm mại mỏng manh khoác lên người Ngư Dung đang ngủ.
Lập tức Ngư Dung biến thành con quạ đực. Chàng đảo mắt nhìn quanh, ngồi dậy thấy mình đang đậu trên cái lan can nơi hành lang. Chàng dùng mỏ chỉnh sửa lông cánh, rồi giang cánh bay vút lên cao đậu trên đỉnh cột buồm chan đầy ánh nắng hoàng hôn của chiếc thuyền đang đi ngang hồ, rồi nhập vào bầy quạ cả trăm con, cùng bay qua lượn đáp đớp những miếng thịt phu thuyền ném lên một cách điệu nghệ và ngay lập tức chàng biết đến cảm giác no nê lần đầu tiên trong đời. Ngư Dung bay đến rừng cây ven hồ, đậu trên một cành cây cao, chùi mỏ vào cây rồi nhìn ánh nắng chiều phản chiếu trên hồ Động Đình lấp lánh một dải vàng lấp lánh mà ngâm “gió thu vàng sóng hoa ngàn đóa4” với vẻ rất hiền nhân quân tử thì nghe một giọng nói mềm mại quyến rũ của người con gái cất lên.
“Này, trông anh có vẻ vui quá nhỉ”
Quay lại nhìn thì chàng thấy một con quạ mái đang đậu cùng cành cây với mình.
“Thật là xin lỗi”. Chàng hơi cúi đầu đáp lễ. “Bởi vì thân thể đã nhẹ nhàng và lại mới vừa thoát được chốn bùn nhơ mà. Xin đừng la mắng tôi nhé”. Vì câu cửa miệng vẫn còn nên chàng lỡ lời nói ra.
“Em hiểu chứ”, con quạ mái điềm đạm đáp lời. “Có vẻ như cho đến giờ anh đã vất vả nhiều quá rồi. Em hiểu anh cảm thấy thế nào. Nhưng giờ trở đi thì không sao rồi. Em sẽ đi cùng với anh”
“Xin lỗi nhưng nàng là ai?”
“À, em là bạn đồng hành với anh. Có gì anh cứ nói. Em sẽ cố gắng đáp ứng. Anh cứ nghĩ vậy đi. Anh không thích sao?”
“Không phải vậy đâu”, Ngư Dung vội vàng thanh minh. “Chẳng qua là vì ta đã có vợ rồi. Ngoại tình là điều người quân tử nên tránh. Nàng tính quyến rũ ta đi vào con đường tà đạo ư?”
Chàng nói với vẻ mặt nghiêm túc đến vô lý.
“Chàng thật tệ quá. Chàng nghĩ em nông nổi hiếu sắc buông lời tán tỉnh chàng ư? Tệ quá. Tất cả mọi người ở đây đều được Ngô Vương chăm lo chu đáo lắm. Ngô Vương lệnh cho em đến chăm sóc chàng đấy. Vì chàng không còn mang thân phận người nữa nên chàng hãy quên hết những chuyện vợ con chốn dương gian đi thì hơn. Có thể vợ chàng cũng nhu mì hiền thục lắm nhưng em đây cũng quyết không chịu thua đâu. Em cũng sẽ chăm lo cho chàng chu đáo. Rồi em sẽ cho chàng thấy tiết tháo của loài quạ chúng em còn đúng đắn chính đáng hơn loài người nhiều. Có thể chàng cảm thấy khó chịu nhưng từ giờ trở đi hãy cho em làm bạn đường nhé. Tên của em là Trúc Thanh”
Ngư Dung rất lấy làm cảm động.
“Xin cảm ơn nàng. Vì cõi nhân gian tôi gặp quá nhiều đau khổ nên lòng nghi ngờ rất đậm sâu, không nhận ngay được tấm lòng tử tế của nàng. Thật vô cùng xin lỗi”
“Thiệt tình, chàng lại nói kiểu cách thế rồi. Kỳ khôi lắm. Từ hôm nay trở đi, em sẽ là hầu cận của chàng. Sao nào phu quân? Chúng ta cùng đi dạo sau bữa ăn nhé”
“Được chứ”, Ngư Dung hiên ngang gật đầu. “Xin nhờ nàng dẫn đường cho”
“Vậy chàng theo em nhé”, và nàng bắt đầu tung cánh lên trời cao.
Gió thu thổi mơn man đôi cánh, dưới tầm mắt khói sóng hồ Động Đình, nhìn ra xa dãy Nhạc Dương nhấp nhô, mặt trời hoàng hôn đỏ rực, khẽ đảo mắt nhìn quanh, Quân sơn, Ngọc kính vẽ một đường cong mềm mại, gợi nhớ bóng dáng của Tương Quân, cặp vợ chồng mới hắc y cùng kêu “quạ quạ”, lúc trước lúc sau cùng nhau bay lượn tùy thích, ung dung tự tại không hề e ngại . Khi mệt thì cùng nhau xếp cánh trên đỉnh cột buồm của thuyền bè qua lại mà nghỉ ngơi, nhìn nhau mỉm cười, rồi khi mặt trời lặn xuống lại cùng nhau thưởng thức trăng thu Động Đình, thong dong cho đến giờ ngủ thì lại quay về cùng nhau xếp cánh tựa nhau mà ngủ đến sáng lại cùng nhau vươn cánh rửa mỏ tắm táp bằng nước hồ rồi lại nhắm thẳng chiếc thuyền gần bờ mà bay đến đớp thịt của những phu thuyền ném lên mà ăn sáng. Người vợ mới Trúc Thanh cứ ngại ngùng e ấp lúc nào cũng bên cạnh như hình với bóng chăm sóc chu đáo tận tình khiến chàng thư sinh lạc đệ Ngư Dung cảm thấy phơi phới như nửa đời đau khổ đã bị quét sạch làu làu.
Một buổi chiều kia, khi Ngư Dung đã hoàn toàn trở thành một con quạ thần của miếu Ngô Vương, đã thoải mái đùa giỡn trên cột buồm của thuyền bè qua lại, thì có một con thuyền lớn chở đầy lính tráng đi ngang qua. Đám quạ thấy nguy hiểm liền né tránh, Trúc Thanh cũng mấy lần khuyên can nhưng Ngư Dung thì cứ vui mừng vì nỗi được bay lượn tự do tự tại nên cứ lượn vòng quanh thuyền với vẻ đắc ý. Có một tên lính nghịch ngợm bất thần giương cung bắn xuyên ngực Ngư Dung. Khoảnh khắc chàng rơi xuống như một hòn đá, Trúc Thanh lập tức bay ra, đỡ cánh vực chàng vào lan can miếu Ngô Vương cho nằm xuống. Rồi vừa ôm lấy Ngư Dung đang hấp hối nàng vừa khóc lóc thảm thiết. Tuy nhiên thấy vết thương quá nặng không sao qua khỏi được, Trúc Thanh với giọng bi thương liền gọi mấy trăm bạn quạ đến, tiếng vỗ cánh bay rợp trời rồi dùng cánh đập nước tạo thành sóng lớn lật úp thuyền để trả thù cho Ngư Dung xong ca khúc khải hoàn vang động cả khắp hồ Động Đình. Trúc Thanh vội vàng trở về bên Ngư Dung, dùng mỏ áp sát vào ám Ngư Dung mà nói với giọng rất đỗi bi thương.
“Chàng nghe thấy không? Khúc ca khải hoàn của bạn bè mình đấy”
Ngư Dung sắp sửa tắt hơi vì vết thương quá nặng, hé đôi mắt nhắm nghiền mà nói khe khẽ.
“Trúc Thanh ơi”
Rồi bất thình lình chàng tỉnh dậy, nhận thấy mình đang ngủ bên hành lang miếu Ngô Vương với thân phận một chàng thư sinh nghèo như cũ. Ánh tà dương rọi xuống khu rừng cây phía trước mặt, hàng trăm con quạ vẫn đùa giỡn và kêu quạ quạ một cách vô tâm.
“Đã tỉnh dậy rồi đấy à?”
Một người nông dân đang đứng kế bên chàng mỉm cười hỏi thăm.
“Ông là ai vậy chứ?”
“Tôi là nông dân vùng này thôi. Chiều hôm qua đi ngang qua đây thấy cậu nằm ngủ say như chết. Vừa ngủ vừa khe khẽ mỉm cười nữa chứ. Tôi có gọi lớn thế nào cậu cũng không tỉnh dậy. Tôi nắm vai lay cậu dậy mà cũng hoài công. Sau khi trở về nhà tôi cảm thấy áy náy quá nên thỉnh thoảng ghé qua đây xem tình nhình và chờ cậu tỉnh dậy. Sắc mặt cậu xanh xao lắm. Cậu bệnh à?”
“Không, chẳng có bệnh tật gì đâu ạ”. Lạ lùng là chàng lại không cảm thấy đói bụng một chút nào cả. “Xin lỗi ông rất nhiều ạ”. Cái câu nói cửa miệng lại bật ra, chàng ngồi ngay ngắn lại cúi đầu cảm tạ bác nông phu. “Thật là xấu hổ quá…”, chàng mào đầu trước khi kể lại chi tiết câu chuyện tại sao chàng nằm ngủ bên miếu Ngô Vương và kết lại bằng câu “Thật là vô cùng xin lỗi bác…”
Người nông dân với vẻ thông cảm, lấy chiếc ví từ trong túi ra đưa ít tiền cho Ngư Dung.
“Vạn sự trên đời này đều là Tái ông mất ngựa5 cả. Cậu hãy giữ gìn sức khỏe để làm lại từ đầu đi. Con người ta sống bảy mươi năm cuộc đời phải trải qua nhiều chuyện lắm. Lòng người thì cũng hay thay đổi như nước hồ Động Đình thôi”
Nói xong những lời hoa mỹ đó, ông lão bỏ đi.
Ngư Dung vẫn còn tâm trạng như trong mơ, bàng hoàng đứng dậy nhìn lão nông phu đi xa khuất rồi lại ngước nhìn đàn quạ đậu trên những ngọn cây mà gọi lớn.
“Trúc Thanh ơi”
Đàn quạ kinh ngạc bay vút lên cao, nháo nhác hồi lâu bay lượn vòng trên đầu chàng, rồi bay thẳng về phía hồ Đồng Đình, chẳng có gì khác lạ cả.
Quả thật chỉ là một giấc mơ mà thôi, Ngư Dung với vẻ mặt buồn rầu lắc đầu rồi thở dài ảo não và lại lê bước chân về quê nhà.
Thấy Ngư Dung quay trở về, những người ở quê hương chẳng tỏ vẻ gì vui mừng cả, bà vợ lạnh lùng sai Ngư Dung đến nhà ông chú mình vác đá xây đình viên. Ngư Dung mồ hôi mồ kê nhễ nhại khuân từng tảng đá từ bờ sông về đến nhà chú vợ vừa lầm bẩm “bần nhi vô oán nan”6 (nghèo không oán than mới khó) rồi ngâm nga “sáng nghe được giọng của Trúc Thanh chiều chết cũng cam lòng”7 mà cảm thấy hoài vọng cuộc sống một ngày hạnh phúc nơi hồ Động Đình như thiêu như đốt.
Như Khổng Tử nói “Bá Di Thúc Tề không nhớ oán giận cũ nên hiếm người giận họ”8. Ngư Dung nhà ta cũng là một thư sinh quyết chí đi theo con đường quân tử cao xa nên cũng gắng sức không oán trách gì những người thân thích vô tình bạc nghĩa, cũng không phản kháng lại mụ vợ già vô học, chỉ chuyên tâm gần gũi với sách vở Thánh hiền, nuôi dưỡng sở thích nhàn nhã cao sang, nhưng cuối cùng cũng không chịu nổi sự khinh miệt của những người xung quanh nên vào mùa xuân ba năm sau một lần nữa lại đấm cho mụ vợ một phát rồi đi ứng thí, quyết chí gặp hội rồng mây nhưng quả nhiên lần nữa lại hoàn toàn lạc đệ. Hình như mình là một con người vô dụng thì phải. Trên đường về quê, chàng lại ghé miếu Ngô Vương bên hồ Động Đình chất chứa đầy kỷ niệm cũ, nhìn cảnh nhớ người xưa, nỗi rầu buồn dâng cao ngút ngàn, chàng sùi sụt khóc lóc trước miếu rồi còn bao nhiêu đồng bạc lẻ mang hết ra mua thịt dê đem rải trước miếu cho lũ quạ từ trên cây bay xuống ăn và tự hỏi trong đó có Trúc Thanh không nhỉ nhưng con nào con ấy đều đen thui, đến mức không thể phân biệt được cả đực cái nữa.
“Trúc Thanh có đó không em?” nhưng chẳng thấy con quạ nào quay đầu nhìn lại. Tất cả đầu thản nhiên mổ thịt ăn. Ngư Dung không nản lòng bỏ cuộc.
“Nếu trong đây có Trúc Thanh xin hãy ở lại đến cuối cùng”, chàng thử hỏi thăm với tấm chân tình bùi ngùi ngàn nỗi niềm thương nhớ. Sau khi ăn gần hết thịt, đàn qua cứ năm ba con lại bay đi, cuối cùng chỉ ba con còn lại cố gắng tìm những miếng thịt cuối cùng. Ngư Dung thấy thế tim đập thình thịch, phấp phỏm phập phồng. Nhưng sau khi thấy không còn miếng thịt nào nữa, ba con lạnh lùng bay đi, không có chút gì lưu luyến cả. Ngư Dung quá đỗi bàng hoàng tối tăm mặt mũi, hoa mắt không thể nào đi nổi đành ngồi bệt xuống trước lan can ngôi miếu, nhìn mặt hồ sương mùa xuân bảng lảng mà thở dài não nuột.
“Trời, hai lần liên tiếp lạc đệ đau thương. Ta còn mặt mũi nào mà quay về cố hương nữa chứ. Mình sống chẳng có ý nghĩa nữa rồi. Mình cũng từng nghe đến chuyện Khuất Nguyên thời Xuân Thu Chiến quốc đã cảm thán “thiên hạ đều say cả, chỉ mình ta tỉnh thôi” rồi trầm mình xuống sông mà chết. Còn mình nếu trầm mình chết nơi hồ Động Đình chan chứa kỷ niệm này thì có lẽ Trúc Thanh đang ở nơi nào đó nhìn thấy sẽ nhỏ lệ khóc thương chăng? Người thực sự yêu thương ta chỉ có một mình Trúc Thanh mà thôi còn tất thảy đều là thứ ma quỷ ích kỷ đáng sợ cả. Ba năm trước người nông phu đã khích lệ mình là cuộc đời vạn sự như Tái ông thất mã nhưng đó chỉ là những lời dối trá thôi. Cái người vốn bẩm sinh đã bất hạnh thì cho dù bao nhiêu thời gian trôi qua cũng chỉ loay hoay nơi đáy cùng của bất hạnh mà thôi. Như vậy là biết tri thiên mệnh đấy. A ha ha, thì chết thôi. Nếu có Trúc Thanh khóc thương ta thì cũng đủ rồi. Ngoài ra ta chẳng mong chờ gì nữa cả”.
Một người quyết chí đi theo con đường của thánh hiền xưa như Ngư Dung mà cũng u uất, không chịu nổi cơn thất ý, quyết tâm trầm mình tại hồ Động Đình vào đêm nay. Đêm xuống, vầng trăng mờ ảo nhô lên không trung, hồ Động Đình tuyền một màu trắng sáng trải dài mênh mông không biết đâu là ranh giới giữa nước và trời mây. Bãi cát ven bờ sáng như ban ngày, những cành liễu ngậm sương hồ trĩu nặng, những cánh hoa đào phía xa trông như những hạt mưa đá. Đôi lúc có cơn gió nhẹ lướt qua như tiếng thở dài của trời đất. Thật là một đêm xuân yên tĩnh tuyệt vời. Nghĩ đến đây là những phút cuối cùng cuộc đời, nước mắt lã chã tay áo, tiếng khỉ kêu buồn không biết từ đâu vẳng đến. Đúng khi sầu tư đạt đến đỉnh điểm, Ngư Dung chợt nghe phía sau có tiếng vỗ cánh.
“Từ ngày biệt ly, chàng vẫn bình an chứ?”
Quay lại nhìn, Ngư Dung thấy một mỹ nhân ngoài hai mươi tuổi, mũi cao mắt sáng đang đứng trong ánh trăng ngà.
“Ai vậy chứ? Cho tôi xin lỗi nhé”. Đầu tiên cứ phải mở miệng xin lỗi đã.
“Thiệt tình”, người đẹp đập nhẹ lên vai Ngư Dung. “Chàng quên Trúc Thanh rồi sao?”
“Trúc Thanh ư”
Ngư Dung đứng sững như trời trồng, rồi hơi do dự một lát nhưng cuối cùng cũng liều mà ôm lấy bờ vai bé nhỏ của người con gái.
“Buông em ra đi. Em không thở được mất”, Trúc Thanh mỉm cười nói và khéo léo thoát khỏi vòng tay của Ngư Dung. “Giờ em không đi đâu nữa đâu. Em sẽ bên chàng trọn đời này”
“Van nàng mà. Hãy làm thế với ta. Vì không có nàng mà đêm nay ta quyết chí tự trầm ở hồ này đấy. Cuối cùng thì nàng đã ở đâu?”
“Em ở nơi Hán Dương xa lắm. Từ sau khi ly biệt với chàng, em không còn nơi đây nữa mà trở thành quạ thần của sông Hán Thủy. Vì lúc nãy những bạn bè ngày xưa nơi miếu Ngô Vương này báo cho em biết nhìn thấy bóng dáng của chàng nên em vội vàng từ Hán Dương bay đến đây. Trúc Thanh mà chàng yêu mến đã đến đây rồi nên chàng đừng nghĩ đến những chuyện đáng sợ như chết chóc nữa nhé. Mà có vẻ như chàng hơi gầy đi thì phải nhỉ”
“Gầy là đương nhiên. Liên tiếp hai lần lạc đệ. Bây giờ vác mặt về quê, không biết ta sẽ phải gặp cảnh khổ sở như thế nào nữa đây? Ta chán ghét cái thế gian này lắm rồi”
“Tại chàng cứ nghĩ mình chỉ có thể sống được nơi quê nhà thôi nên chàng mới khổ sở đấy. Chằng phải những thư sinh như chàng cứ ngâm nga câu “quê hương đâu phải mồ chôn, thân trai còn có thanh sơn vẫy vùng”9 đó sao? Chàng hãy cùng đến ngôi nhà của em nơi Hán Dương đi nhé. Em sẽ cho chàng thấy một cuộc sống tuyệt vời”
“Hán Dương sao xa xăm quá”, rồi không cần phải gọi mời hai người cùng sánh vai nhau thành thơi tiêu dao từ hành lang miếu Ngô Vương đến bờ sông trăng sáng. “Nhưng Khổng Tử nói “phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương10”. Ngư Dung làm vẻ mặt nghiêm trang, tỏ vẻ rất có học thức.
“Chàng nói gì vậy chứ? Chàng đâu còn cha mẹ đâu mà”
“Trời, nàng biết luôn à? Thế nhưng ở quê nhà ta còn nhiều người thân thích như cha mẹ vậy. Ta muốn một lần cho thấy ta vinh quy bái tổ vẻ vang như thế nào. Những người đó từ xưa đã luôn nghĩ ta chỉ là một thằng ngốc thôi. Đúng rồi bây giờ thay vì đi Hán Dương, nàng cùng ta trở về quê nhà đi. Thấy được dung nhan xinh đẹp của nàng mọi người chắc hẳn sẽ kinh ngạc lắm. Thế nào? Làm vậy đi nhé. Ta muốn một lần được vẻ vang ra uy với bà con dòng họ nơi quê nhà. Được mọi người nơi quê nhà kính trọng chính là hạnh phúc tối cao, là thắng lợi chung cuộc vậy”
“Tại sao chàng cứ phải bận tâm đến những suy nghĩ của những con người chốn quê nhà như thế chứ? Chẳng phải người ta nói những người cố gắng tìm đủ mọi cách lấy lòng những người trong làng xóm là lũ hương nguyện sao? Chẳng phải trong Luận ngữ cũng có câu “hương nguyện đức chi tặc dã”11 (hương nguyện là kẻ làm hại đức) còn gì”
Ngư Dung nghe cứng họng liền tuyệt vọng bất chấp.
“Vậy thì đi. Chúng ta cùng đi Hán Dương nào. Nàng dẫn ta đi nhé. Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ12”, bất chợt chàng ngâm lớn một câu trong Luận ngữ để che giấu niềm xấu hổ rồi cất tiếng “A haha” tự cười mình.
“Chàng chịu đi sao?”, Trúc Thanh vui mừng hớn hở. “Chà, em vui quá. Để em sửa soạn ngôi nhà nơi Hán Dương để đón tiếp chàng thật chu đáo. Nào, chàng nhắm mắt lại chút nào”
Ngư Dung khẽ nhắm mắt lại theo lời nàng, chỉ nghe tiếng vỗ cánh vun vút, rồi khi nhận thấy có gì như tấm áo mỏng khoác nhẹ lên vai mình khiến thân mình nhẹ bẫng liền mở mắt ra thì thấy hai người đã trở thành quạ với đôi cánh đen tuyền lấp lánh trong ánh trăng, đang bước đi trên bờ cát. Hai con quạ cùng cất tiếng kêu quạ quạ rồi vỗ cánh bay vút lên cao.
Sông dài ba ngàn dặm dưới ánh trăng, chảy xuôi về hướng đông bắc. Ngư Dung như say như mê chỉ mải miết bay theo dòng. Cuối cùng đến khi trời sáng, chàng nhìn thấy phía xa kia những mái nhà nơi Hán Dương, thủy thượng đô thành, đang lặng lẽ nằm ngủ dưới đáy làn sương sớm mai. Khi đến gần hơn thì thấy đúng là Hán Dương sông tạnh cây bày, bãi xa Anh vũ xanh đầy cỏ non13. Bờ bên kia là Hoàng hạc lâu cao vút, ngăn cách sông Trường giang, cùng với Tình xuyên các đang thì thầm kể chuyện cũ xưa, những cánh buồm điểm xuyến trên sông đang đi với vẻ vội vã. Xa thêm chút nữa có nguyệt hồ nước đầy ăm ắp nằm dưới chân ngọn Đại biệt sơn. Phía bắc dòng nước Hán Thủy uốn lượn chảy vào Thiên nhai. Đúng là cả một thành Vience phương Đông thu gọn vào tầm mắt. Trong lúc Ngư Dung đang cảm khái ngâm nga “quê ta ở chốn nơi nào, mà sông khói sóng để sầu cho ai?14” thì Trúc Thanh quay sang nói.
“Chà, đã đến nhà em rồi đó”, nàng nói rồi ung dung lượn bay vòng quanh một hòn đảo nhỏ trên dòng Hán Thủy. Ngư Dung thấy thế cũng lượn bay theo một vòng khá lớn rồi nhìn thử hòn tiểu châu phía dưới thì thấy nơi một góc đảo cỏ xanh xa mờ như chìm trong nước có dãy nhà nhỏ xinh như nhà búp bê vậy. Năm sáu người hầu chạy ra ngước nhìn lên trời vẫy tay chào đón Ngư Dung trông nhỏ như mấy búp bê tí xíu. Trúc Thanh dùng mắt ra hiệu cho Ngư Dung rồi thu cánh đáp thẳng xuống. Ngư Dung cũng vội vàng làm theo. Ngay khoảnh khắc hai con quạ đáp xuống bãi cỏ xanh lập tức hóa thành vị công tử hào hoa và mỹ nhân diễm tuyệt tươi cười sánh bước bên nhau, được đám người hầu kẻ hạ vây quanh dẫn vào trong nhà.
Trúc Thanh cầm tay Ngư Dung dẫn vào sâu phía trong đến một căn phòng tối, trên bàn có ngọn nến bạc tỏa khói xanh, rèm che thêu chỉ vàng chỉ bạc lấp lánh. Trên giường lại đặt một chiếc bàn nhỏ màu đỏ, có bày sẵn mỹ tửu thức nhắm ngon như đã sẵn sàng chờ khách quý.
“Đêm vẫn chưa tàn sao?”, Ngư Dung hỏi một câu ngu ngốc.
“Thiệt tình, ghét chàng quá”, “vậy mà em cứ nghĩ để tối một chút chàng mới không cảm thấy ngại ngùng chứ”
“Đạo của người quân tử thì lờ mờ15 mà nhỉ?”, Ngư Dung cười khổ, bông đùa một câu chẳng ra gì.
“Tuy nhiên cổ thư cũng có câu “tố ẩn hành quái16” nữa. Ta nên mở cửa sổ để cùng hân thưởng cảnh sắc mùa xuân của Hán Dương nào”
Ngư Dung vén rèm rồi mở cửa sổ ra. Ánh sáng ban mai tràn vào, hoa đào trong vườn đua nhau khoe sắc, chim chích đua nhau hót nhức cả tai, phía xa kia những con sóng nhỏ của sông Hán Thủy lấp lánh dưới ánh mặt trời.
“Chao ơi, cảnh đẹp quá. Ước gì người vợ nơi quê nhà ta được thấy một lần nhỉ”
Ngư Dung bất giác thốt lên và cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Chàng tự hỏi lòng mình thực sự yêu mụ vợ xấu xí đó à? Đột nhiên chàng cảm thấy vô cùng muốn khóc mà không biết tại sao.
“Quả thật chàng không thể nào quên được người vợ nơi quê nhà nhỉ?”, Trúc Thanh đứng bên cạnh điềm đạm nói rồi khe khẽ thở dài.
“Không có chuyện đó đâu. Mụ vợ suốt ngày khinh miệt việc học hành của ta, bắt ta giặt quần áo bẩn, rồi khuân đá nữa. Hơn thế nghe đồn mụ ấy còn là nhân tình của ông chú ta nữa chứ. Hoàn toàn không có một điểm nào hay ho cả”
“Nếu như không có điểm nào tốt cả thì sao chàng lại nhớ nhung như thế chứ? Chắc chắn trong thâm tâm chàng có điều đó. Chẳng phải ai cũng có lòng trắc ẩn sao? Có thể không oán hận, nguyền rủa hay căm ghét người vợ mình, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi sống qua kiếp đời này mới chính là lý tưởng của tâm tư chàng đấy chăng? Chàng hãy về nhà ngay đi”
Trúc Thanh chợt trở nên nghiêm túc và nói thẳng thừng.
Ngư Dung vô cùng hoảng hốt.
“Như vậy thì tệ quá. Nàng đã mời gọi ta đến đây giờ bắt ta trở về thì tệ lắm. Chẳng phải nàng đã nói “hương nguyện” gì gì đó để công kích ta lìa bỏ quê hương đến đây sao? Nàng lấy ta ra làm trò đùa à?”
Ngư Dung phản bác.
“Ta là thần nữ”, Trúc Thanh nhìn thẳng về dòng sông Hán Thủy lấp lánh phía xa và trang nghiêm đáp lời. “Chàng tuy rớt kỳ thi hương của nhân gian nhưng lại vượt qua được vòng khảo thí của thần linh. Ta được thần linh của miếu Ngô Vương dặn dò phải điều tra kỹ lưỡng xem chàng có thật lòng cảm thấy ganh tỵ với đời sống của chim quạ hay không? Những kẻ hóa thân thành chim thú mà cảm thấy hạnh phúc thực sự sẽ bị thần linh chán ghét nhất. Một lần để cảnh tỉnh chàng nên đã để cho chàng bị tên bắn trúng gửi trả về trần gian nhưng chàng vẫn khao khát trở lại thế giới loài quạ. Lần này thần linh quyết định đưa chàng đi xa, cho hưởng thụ niềm vui thú để xem chàng có bị đắm chìm trong khoái lạc mà quên đi hoàn toàn thế giới con người hay không? Nếu quên thật sự thì hình phạt cho chàng sẽ khủng khiếp đến độ ta không thể nào nói ra được. Hãy trở về đi. Chàng đã hoàn toàn vượt qua cuộc thử thách của thần linh rồi đó. Đã là con người thì phải chìm đắm trong đau khổ của niềm thương ghét con người một đời mới được17. Không có cách nào thoát được cả đâu. Chỉ có cách nhẫn nhục và luôn cố gắng mà thôi. Học vấn thì cũng được đó nhưng cứ làm ra vẻ thoát tục thì thật hèn yếu. Chàng cần phải mạnh mẽ hơn, ra sức yêu thương thế gian trần tục, hãy thử đau thương khổ lụy đến tận cùng cuộc đời xem sao. Thần linh yêu thương những con người như thế nhất. Em vừa cho mấy người hầu sửa soạn thuyền bè cho chàng rồi. Chàng hãy lên thuyền và nhanh chóng trở về quê cũ ngay đi. Tạm biệt chàng”
Vừa nói xong, hình dáng Trúc Thanh và cả dãy nhà đình tạ đều biến mất, còn lại Ngư Dung lẻ loi đứng một mình nơi cô đảo giữa sông.
Một con thuyền độc mộc không có cả cột buồm hay mái chèo ghé lại gần bờ, Ngư Dung bước lên như bị hút hồn. Chiếc thuyền tự chạy xuôi dòng Hán Thủy, ngược dòng sông Trường giang, băng ngang hồ Động Đình rồi dừng nơi bến ngôi làng đánh cá gần quê nhà của Ngư Dung. Sau khi Ngư Dung lên bờ, chiếc thuyền không tự rẽ sóng quay đi lướt đi và biến mất vào khói sóng hồ Động Đình.
Ngư Dung xiết bao kinh ngạc khi nhìn vào khoảng tối phía sau căn nhà mình thấy một mỹ nhân tươi cười chào đón “Mừng chàng trở về nhà”. Trời, chẳng phải là Trúc Thanh hay sao?
“Trúc Thanh”
“Chàng nói gì vậy? Chàng đã đi đâu thế? Trong thời gian chàng đi vắng, em nằm bệnh liệt giường chẳng có ai chăm lo săn sóc cả, nhớ nhung chàng khôn nguôi. Em hối hận vì đã đùa cợt chàng cho đến tận bây giờ . Sốt mãi mà không chịu hạ xuống, toàn thân em sưng phù tím ngắt. Em chấp nhận như là quả báo đương nhiên cho tội lỗi đối xử tệ bạc với người tốt như chàng. Trong khi em lặng lẽ nằm chờ chết thì lớp da sưng lên nứt ra rỉ nước xanh, người em trở nên nhẹ bẫng. Sáng nay em soi gương thử xem thì thấy mặt mình thay đổi trở nên xinh đẹp như thế này đây. Thật vui không sao kể xiết. Thế là em quên luôn bệnh tật, nhảy ngay ra khỏi giường bắt đầu quét dọn nhà cửa thì thấy chàng trở về. Em vui quá. Tha thứ cho em nhé. Không chỉ mặt mũi em thay đổi mà toàn thân cũng thay đổi luôn. Rồi cả tâm thức cũng thay đổi nữa. Em đã thật tệ hại. Những việc ác của em trong quá khứ đã trôi đi cùng với thứ nước xanh kia rồi nên chàng cũng quên hết chuyện ngày xưa đi, tha thứ cho em. Em sẽ bên chàng mãi mãi”.
Một năm sau, một bé trai đẹp đẽ như ngọc chào đời. Ngư Dung đặt tên con là “Hán Sản”. Chàng không kể cho người vợ mặn nồng của mình lý do đặt tên như vậy. Những bí mật chôn giấu trong lòng Ngư Dung cùng với kỷ niệm quạ thần chàng giữ kín, không nói cho ai nghe, cũng tuyệt đối không nói ra những lời tự mãn kiểu “quân tử chi đạo” làm gì nữa. Chàng cứ tiếp tục lặng lẽ sống qua những tháng ngày nghèo khó. Tuy không được những người thân thích tôn kính nhưng cũng không bị phân biệt đối xử gì nữa, chàng trở thành một người nông phu bình thường nhất giữa chốn bụi trần nhân gian.
Chú thích của tác giả:
Đây là truyện sáng tác. Tôi viết và muốn cho người Trung quốc đọc. Chắc chắc truyện sẽ được dịch sang Hán văn.
Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ
1 Nguyên văn “大学の道は至善に止まるに在り” lấy từ sách “Đại học”, một trong quyển “Tứ thư” của Nho Giáo. “大學之道,在明明德,在親民,在止於至善” (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện) nghĩa là “Đạo của Đại Học là làm sáng thêm cái đức sáng, đổi mới dân chúng, và vươn đến chỗ chí thiện”
2 Nguyên văn “馬嘶て白日暮れ、剣鳴て秋気来る”lấy từ hai câu thơ đầu trong bài thơ “Củng Lộ cảm hoài” (鞏路感懷) của Lã Ôn đời Đường “Mã tê bạch nhật mộ, Kiếm minh thu khí lai. Ngã tâm hạo vô tế, Hà thượng không bồi hồi” 馬嘶白日暮, 劍鳴秋氣來, 我心浩無際, 河上空徘徊” mà chúng tôi tạm dịch “ngựa hý chiều sáng nắng, kiếm khua khí thu về, bên bờ sông thơ thẩn, cõi lòng sao tái tê”
3 Lạc đệ (らくだい– 落第)nghĩa là thi hỏng. Trong bài “Cảm thông” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương có đoạn “dăm gã thư sinh vừa lạc đệ, mười nàng xuân nữ sớm chìm châu, cảm thông một phút bừng ân ái, miếu nguyệt vườn sương gặp gỡ nhau”.
4 Nguyên văn “秋風翻す黄金浪花千片”lấy ý từ câu thơ của Bạch Cư Dị “phong phiên bạch lãng hoa thiên phiến” (風翻白浪花千片 ) nghĩa là “gió xao sóng bạc hoa ngàn đóa”. Ngư Dung sửa lại thành “sóng vàng” cho hợp cảnh.
5 Nguyên văn “nhân gian vạn sự đều là Tái ông thất mã” (人間万事塞翁の馬), nghĩa là họa phúc thường đi liền với nhau, trong cái rủi có cái may.
6Câu trong Luận ngữ của Khổng Tử “貧 而 無 怨 難 富 而 無 驕 易” (bần nhi vô oán nan, phú nhi vô kiêu dị ) (nghèo mà không oán than thì khó, giàu mà không kiêu căng thì dễ).
7 Nguyên văn “朝に竹青の声を聞かば夕に死するも可なり矣” lấy ý từ câu nói trong Luận ngữ “triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ” (朝聞道, 夕死可矣 sáng nghe được đạo, chiều chết cũng cam lòng)
8 Nguyên văn “伯夷叔齊は旧悪を念わず、怨是を用いて稀なり” lấy ý từ câu trong Luận ngữ “Bá Di, Thúc Tề, bất niệm cựu ác, oán thị dụng hi” (伯夷, 叔齊, 不念舊惡, 怨是用希)
9 Nguyên văn “人間至るところに青山がある” trích từ thơ của thi tăng Gesshou (Nguyệt Tính- 月性) (1817-1858), cuối đời Mạc Phủ. Câu thơ này còn nghe vọng âm hưởng của một ý thơ của Tô Thức đời Bắc Tống “thị xứ thanh sơn khả mai cốt” (是處青山可埋骨) “xương trắng xin vùi nơi núi biếc”.
10 Nguyên văn “父母在せば遠く遊ばず、遊ぶに必ず方有り” lấy trong sách Luận ngữ “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương” 父母在, 不遠遊, 遊必有方 (Cha mẹ còn thì con không nên đi xa, nếu đi thì phải có nơi nhất định)
11 Nguyên văn “郷原は徳の賊なり”trong sách Luận ngữ “鄉原, 德之賊也”. “Hương nguyện” (kyougen鄉原) được từ điển Quảng Từ Uyển (広辞苑) giải thích là “phường tiểu nhân làm ra vẻ thiện lương đạo mạo, cố gắng để được người làng đánh giá tốt đẹp” (善良を装い、郷中の好評を得ようとつとめる小人)
12 Nguyên văn “逝者は斯の如き夫、昼夜を捨てず” lấy từ sách Luận ngữ “thệ giả như tư phù bất xả trú dạ” (逝者如斯夫, 不舍晝夜 – người đi như nước chảy, ngày đêm không ngừng)
13 Nguyên văn “晴川歴々たり漢陽の樹、芳草 萋 萋たり鸚鵡の洲” (Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, Phương thảo thê thê anh vũ châu) là hai câu thơ trong bài “Hoàng Hạc Lâu” nổi tiếng của Thôi Hiệu.
14 Nguyên văn “わが郷関何れの処ぞ是なる、煙波江上、人をして愁えしむ” lấy ý từ hai câu cuối bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu “nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhân sầu” (日 暮 鄉 關 何 處 是, 煙 波 江 上 使 人 愁)
15 Nguyên văn “君子の道は闇然たり” lấy ý trong sách “Trung Dung”: “Quân tử chi đạo, ám nhiên nhi nhật chương , tiểu nhân chi đạo trước nhiên nhi nhật vong” (君子之道, 闇然而日章 小 人 之 道 的 然 而 日 亡 – Đạo người quân tử lờ mờ mà càng ngày càng rõ rệt, đạo của tiểu nhân tuy bộc lộ mà ngày cảng mất đi).
16 Nguyên văn “隠に素いて怪を行う” có lẽ lấy ý từ câu của Khổng Tử “tố ẩn hành quái, ngô bất vi chi” (những việc bí ẩn quái dị ta không làm).
17 Câu này rất hay. Xin trích nguyên văn “人間は一生、人間の愛憎の中で苦しまなければならぬものです”
(Bài viết do dịch giả cung cấp độc quyền cho breadandrose.com )