Film studies Wong Kar Wai

The Hand (Eros) by Wong Kar Wai

Củng Lợi và bàn tay thần ái tình

Bàn tay điệu nghệ của nàng kỹ nữ đã mở lối cho chàng thợ may học việc lần đầu bước vào vườn yêu. Chàng đã trúng mũi tên Eros ẩn trong bàn tay bỡn cợt ấy. Nhiều năm sau đó, bằng chính đôi bàn tay tài hoa, chàng trai âu yếm cảm nhận vóc dáng may cho nàng tấm áo đẹp cuối đời, với nguyên vẹn tình yêu ban đầu.

Đạo diễn Hong Kong Vương Gia Vệ đã thể hiện quan niệm về tình yêu và tình dục của ông trong Bàn tay, phần đầu trong ba phần của bộ phim Eros. Ba đạo diễn, ba phim ngắn về tình yêu và tình dục, đó là ý tưởng của Eros do nhà sản xuất phim Stéphane Tchal Gadjieff đưa ra. Ông nghĩ đến một tác phẩm điện ảnh của đạo diễn lão thành người Italy Michelangelo Antonioni cùng với hai “đạo diễn trẻ” chịu ảnh hưởng từ các tác phẩm của Antonioni. Dĩ nhiên là khi dự án này được đưa ra hồi năm 1995, cả Steven Soderbergh lẫn Vương Gia Vệ đều chưa nổi tiếng như hiện nay.

Tình yêu luôn là đề tài được khai thác trong điện ảnh. Qua tình yêu của chàng thợ may, đạo diễn Vương Gia Vệ đưa ra quan niệm của ông về tình yêu: Tình yêu lãng mạn vẫn có thể bắt đầu từ sự khoái cảm, và khi đã yêu, người ta yêu luôn mọi thứ thuộc về người đó, để rồi sẵn sàng tha thứ mọi thói hư tật xấu, sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận khi người đó trở lại.

Chuyện xảy ra vào một buổi chiều mùa hè nóng nực năm 1963. Dương (Trương Chấn đóng), chàng thợ may học việc, lo lắng, bồn chồn trong lần đầu tiên đi thử áo cho khách hàng ruột của tiệm. Vị khách hàng đó là Miss Hua (Củng Lợi đóng), một gái bao hạng sang xinh đẹp nổi tiếng kiêu kỳ. Ngồi chờ trong căn phòng lộng lẫy xa hoa của nàng kỹ nữ, chàng thợ may trẻ tuổi trở nên lúng túng, ngượng nghịu khi nghe lỏm những âm thanh vọng ra từ phòng ngủ của nàng.

Khi những âm thanh đó lắng đi và người đàn ông ra về, Dương được gọi vào phòng của Hua. Dù đã cố kìm nén, chàng trai trẻ vẫn còn trong trạng thái bị kích thích bởi những âm thanh đã trót nghe lỏm. Xấu hổ vì những suy nghĩ đó, chàng đứng ở cuối giường của nàng, hai tay nắm chặt. Trễ nải trong tấm áo ngủ bằng ren, nàng vẫn đẹp lộng lẫy và gây ấn tượng thật sâu sắc. Thế rồi nàng hách dịch lên tiếng: “Đứng như trời trồng thế… bỏ tay xuống nào”, Dương làm theo lời nàng một cách vô thức.

“Cởi quần ra”, tiếng nàng lại thánh thót vang lên. “Hay là tôi sẽ mách sư phụ anh?”. Dương nín thở, gần như lịm đi, chẳng còn biết gì cả. “Trước giờ chưa bao giờ chạm đến người phụ nữ nào à? Thế thì làm sao anh có thể trở thành thợ may, một công việc mà anh sẽ phải sờ mó rất nhiều đàn bà”. Nàng đặt tay vào giữa hai chân Dương và nghịch ngợm phần đùi của anh. “Bây giờ nghe đây: sư phụ của anh già rồi. Ông ta nói anh là người có tài. Một ngày nào đó anh sẽ trở thành thợ may của tôi. Hãy nhớ cái cảm xúc này và anh sẽ may cho tôi những tấm áo thật đẹp”. Nàng lại xê dịch bàn tay. Dương bị giằng xé giữa tâm trạng bị kích thích, hưng phấn với sự ngượng ngùng, xấu hổ. Và rồi, cũng bất ngờ như khi bắt đầu, mọi chuyện đột ngột kết thúc.

Chàng thợ may đem lòng yêu nàng kỹ nữ từ đó… Rồi Dương trở nên một thợ may danh tiếng, còn sự nghiệp của nàng lại tuột dốc. Cuối cùng nàng sa vào cảnh túng thiếu. Thêm nhiều năm nữa trôi qua. Một lần, nàng gọi Dương đến để may giúp nàng một tấm áo mới, nàng chuẩn bị gặp lại người tình cũ sắp trở về từ Mỹ. Đó sẽ là cơ hội cuối cùng của nàng. Dương nói không cần phải lấy số đo, bởi anh biết rất rõ về cơ thể nàng, anh có thể đo bằng đôi tay của anh. Và khi những ngón tay của anh di chuyển trên cơ thể mảnh mai của nàng, nàng đã nắm lấy tay anh òa khóc. Thật chẳng may khi anh trở lại khách sạn với tấm áo, anh phát hiện ra nàng đã gia nhập đội ngũ gái đứng đường và đang mắc bệnh nặng.

Ba phần trong Eros nói về tình yêu, tình dục hay cả hai vấn đề? Mỗi đạo diễn trả lời bằng một cách riêng. Vương Gia Vệ chọn xoáy vào cả hai đề tài trên trong Bàn tay, Steven Soderbergh bàn về tình dục trongEquilibrium, còn phần The Dangerous Thread of Things của Michelangelo Antonioni thì chẳng dính dáng gì đến cả ba phương án trên.

Theo cây viết phê bình điện ảnh Roger Ebert, phim Bàn tay không có sự trần trụi, không có cảnh quan hệ rõ ràng, không có những cảnh quay khai thác vẻ đẹp hình thể của Củng Lợi. Phim tập trung vào tình huống và tính cách của nhân vật. Cô gái làng chơi gặp chàng thợ may trẻ, nắm bắt tâm lý của chàng thanh niên mới lớn, và rồi khiến chàng bị ám ảnh bằng một hành động gần như tình cờ của mình… “Những nhân vật của Bàn tay đọng lại trong ký ức và trí tưởng tượng của tôi. Tôi cảm thông với cả hai: nàng kỹ nữ buồn rầu chấp nhận sự thật: sắc đẹp phai tàn, những khách hàng biến mất, sức khỏe cũng không còn; còn chàng thợ may, người luôn luôn sẵn sàng làm nô lệ cho nàng. “Tôi trở thành thợ may bởi vì cô”, đó là lời ca tụng tuyệt vời nhất. Nàng hiểu điều đó và xúc động bởi lời ca ngợi đó, trong khi chưa bao giờ rung động trước vô số lời tâng bốc của hàng trăm khách hàng trước”, Roger viết.

Bàn tay không dài hơn 43 phút trong toàn bộ 104 phút của Eros, nhưng thật sự trở thành điểm nhấn trong ba phim, nói lên ý nghĩa thật sự của tình yêu và sự dâng hiến, xứng đáng được ca ngợi. Dẫu có nhiều luồng dư luận trái ngược về nội dung phim, nhưng Củng Lợi vẫn giữ im lặng. Cô chỉ nói đơn giản: “Tôi nhận lời đóng Bàn tay không chỉ vì tài năng của đạo diễn Vương Gia Vệ, mà còn vì tôi muốn tham gia Eros, một dự án chung với huyền thoại người Italy Michelangelo Antonioni…”.

Củng Lợi cũng không đề cập đến những khó khăn của đoàn làm phim khi phải thực hiện phim trong thời gian Hong Kong bị tê liệt bởi dịch SARS, khiến Bàn tay hoàn thành chậm hơn dự kiến. Với Eros, cả Củng Lợi, Trương Chấn và đạo diễn Vương Gia Vệ đã chứng tỏ một êkip rất nghiêm túc với công việc, dẫu có thể có những phá cách, những bước đi tiên phong không phải lúc nào cũng được đón nhận, đặc biệt là vấn đề tình yêu, tình dục, những vấn đề luôn được đánh giá bằng những cảm nhận riêng, đôi khi rất chủ quan.

Theo Tố Loan
Thanh Niên

http://dantri.com.vn/giai-tri/cung-loi-va-ban-tay-than-ai-tinh-1118035354.htm

You Might Also Like