Browsing Tag

LSTTPD

Lịch sử tư tưởng phương Đông Phật giáo

NIẾT BÀN

Nguyễn Chính Kết, Việt Nam

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Sáu cảnh giới trên hay lục đạo là những cảnh giới có sướng có khổ, có vui có buồn, có cảnh sướng nhiều khổ ít, có cảnh vui ít buồn nhiều. Ðó là vòng luẩn quẩn như một mê cung hết sức phức tạp, làm cho các chúng sinh trong đó muôn đời hết leo lên lại lộn xuống, hết lộn xuống lại leo lên, từ kiếp này sang kiếp khác. Cho tới một kiếp nào đó, do tu tập trí tuệ trước đó nhiều kiếp, có chúng sinh giác ngộ được mình đang sống trong cái vòng đảo điên ấy và muốn tìm đường thoát khỏi. Những chúng sinh đã thoát khỏi vòng đảo điên ấy là các vị Phật. Và tình trạng hay cảnh giới mà các vị Phật ấy đang sống là Niết Bàn. Vậy Niết Bàn là gì?

Trước hết, Niết Bàn là một “trạng thái”, tạm gọi như thế, có thực, không phải là trạng thái hư vô (néant). Vì là một thực tại chỉ có những người đắc đạo mới chứng ngộ được, và không có một kinh nghiệm nào tương đương với những kinh nghiệm của người thường, nên Ðức Phật chỉ có thể diễn tả thực tại nay bằng những phủ định: nó không phải là cái này hay cái kia, chứ không thể xác định nó là cái gì. Do đó, những người chưa hiểu nhiều về Ðạo Phật thường quan niệm Niết Bàn là một cái gì tiêu cực, thậm chí đồng hóa nó với hư vô nữa. Ta thử minh họa điều đó bằng một thí dụ. Ðối với ai có mắt sáng như chúng ta, thì mầu sắc là một thực tại hết sức thiết thực, hoàn toàn tích cực. Nhưng nếu ta lạc vào một xứ gồm toàn những người mù từ lúc bẩm sinh, mù từ thời tổ tiên bao đời trước. Vì thế, không ai có một kinh nghiệm gì về màu sắc cả. Nếu ta phải diễn tả cho họ về màu sắc thì ta phải nói màu sắc là gì? cái gì tương đối tích cực để diễn tả về màu sắc thì đều vượt khỏi tất cả những kinh nghiệm họ có được. Và họ sẽ có khuynh hướng nghĩ màu sắc là cái này cái nọ mà họ có thể quan niệm được theo kinh nghiệm họ đã có. Như vậy chắc chắn họ sẽ quan niệm sai về màu sắc, khiến ta phải phủ nhận rắng màu sắc không hề là những thứ đó, ta không thể làm khác hơn. Thế là họ bắt đầu nghĩ rằng màu sắc là hư vô, là một cái gì hết sức tiêu cực. Rất nhiều “nhà Phật học” Tây Phương khi thấy Phật Tổ diễn tả Niết Bàn bằng cách phủ nhận tất cả, liền có thái độ tương tự như những người mù trên.

Vậy Niết Bàn là một thực tại có thực, rất tích cực, nhưng siêu thế, siêu nghiệm, không thuộc bình diện hiện tượng, nên bất biến, vĩnh cửu, bất khả tư nghị. Ðức Phật đã mô tả Niết Bàn bằng các từ ngữ như: Vô Tận, Bất Tùy Thế, Vô Song, Tối Cao, Tối Thượng, Bỉ Ngạn (đến bờ bên kia), Chỗ Nương Tựa Tối Thượng, Chu Toàn, Ðảm Bảo, Hạnh Phúc, Duy Nhất, Phi Nhân, Bất Khả Diệt, Tuyệt Ðối Thanh Tịnh, Siêu Thế, Vĩnh Cửu, Giải Thoát, Vắng Lặng, v.v… Nếu đem so sánh những thuộc tính mà Ðức Phật dùng để diễn tả Niết Bàn với những thuộc tính mà người Kitô hữu dùng để diễn tả Thiên Chúa, ta thấy có sự trùng hợp rõ rệt. Ðương nhiên ta đừng vội đồng hóa hai Thực tại đó, vì cũng có những thuộc tính khác biệt. Nếu ta cho rằng Thiên Chúa là tích cực, thậm chí tích cực hơn tất cả những gì tích cực nhất, thì rõ ràng một thực tại có những đặc tính tương tự như thế không thể là tiêu cực được.

Niết Bàn là mục tiêu cứu cánh của Ðạo Phật, cũng là cứu cánh của tất cả mọi chúng sinh. Niết Bàn khác với Thiên Ðàng của Kitô Giáo ở chỗ: Mọi chúng sinh, dù hiện tại có độc ác hay thấp kém tới đâu, thì cuối cùng cũng đạt tới Niết Bàn, sau khi đã được tôi luyện qua hằng hà sa số kiếp trong lục đạo. Thật vậy, Phật Tổ đã định nghĩa: “Chúng sinh là Phật sẽ thành”, nghĩa là chúng sinh đều sẽ là thành viên của Niết Bàn. Còn Thiên Ðàng của Kitô Giáo chỉ dành cho những người sống tốt lành xứng đáng là Con Cái Chúa ở trong kiếp sống duy nhất này, hoặc vào giây phút cuối cùng của đời sống đã trở nên như thế. Quan niệm xưa của Giáo Hội còn hạn chế số người vào Thiên Ðàng hơn nữa: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”. Số phận của những ai không được vào Thiên Ðàng thì thật là tuyệt vọng. Còn những ai chưa đạt được Niết Bàn thì không chỉ hy vọng mà còn chắc chắn sẽ có ngày đạt được như một điều tất yếu xảy ra. Cho dù mức độ trọn hảo phải có để đạt được Niết Bàn cũng rất cao, cao đến độ không có chúng sinh nào chỉ tu luyện trong một vài kiếp sống mà đạt được. Thiên Ðàng là một phần thưởng do Thiên Chúa ban do lòng nhân lành và đại độ của Ngài. Còn Niết Bàn không do ai ban thưởng và cũng không tùy thuộc ơn huệ của ai cả, mà là do định luật tất yếu của tự nhiên, tương tự như hễ ăn thì no, không ăn thì không no: no là kết quả tất yếu của việc ăn chứ không do ai ban cả.

Bản chất Niết Bàn thế nào không được Phật Tổ định rõ vì ngôn ngữ của loài người không đủ ý niệm để diễn tả, chỉ biết đó là một thực tại tốt đẹp vô song, là mục tiêu tối thượng của Phật Giáo. Tuy nhiên, nguyên nghĩa của tiếng Niết Bàn mang hình thức phủ định, do tiếng Bắc Phạn là NIR-VANA. NIR là không (phủ định), VANA là ái dục, là sợi dây nối liền hai đời sống. Nirvana hay Niết Bàn là sự dứt bỏ, tách rời (NIR) ra khỏi ái dục (VANA), sự thèm khát nhục dục. Ngày nào chúng sinh còn bị ái dục hay luyến ái trói buộc, làm động lực cho mọi hành động của mình, ngày đó chúng sinh còn tạo thêm nghiệp mới, và nghiệp này tất yếu phải trổ sinh quả, khiến cho chúng sinh phải tiếp tục sinh tử tử sinh để có điều kiện cho quả ấy trổ sinh. Theo giáo lý Phật Giáo, ái dục chính là đầu mối, là yếu tố quan trọng nhất khiến cho hành động của họ trở thành nghiệp, nghiệp tốt cũng như nghiệp xấu. Cả hai loại nghiệp đều làm cho vòng sinh tử tiếp tục mãi. Chỉ khi nào không còn ái dục nữa thì hành vi của chúng sinh không còn tạo nghiệp, không còn tiếp tục được nữa, tức ra khỏi vòng sinh tử luân hồi, lúc đó ta thành đạt đạo quả Niết Bàn. Như vậy, nguyên nghĩa của từ NIẾT BÀN hay NIRVANA không nói lên bản chất của Niết Bàn, chỉ nói phương thế để đi đến Niết Bàn là diệt trừ ái dục.

Theo Phật Giáo, ái dục hay lòng ham muốn là nguồn phát sinh ra mọi đau khổ trên trần gian. Ham muốn đòi hỏi phải được thỏa mãn. Nếu không được thỏa mãn thì đau khổ. Nếu được thỏa mãn thì cảm thấy hạnh phúc, nhưng hạnh phúc này không kéo dài, vì ham muốn không dừng lại ở một chỗ. Tâm lý con người cũng như mọi chúng sinh là “được voi thì đòi tiên”, “lòng tham không đáy”. Không ai được thỏa mãn ham muốn rồi mà hạnh phúc lâu dài cả, vì họ lại mong muốn một cái khác và nghĩ rằng mình chỉ được hạnh phúc khi được thỏa mãn điều đó. Cứ như vậy mãi. Vả lại, khi đã đạt được điều mong muốn nào thì phải lo bảo vệ và giữ nó, đó cũng là một điều khổ. Giữ không được mà phải để cho mất lại còn đau khổ hơn nữa. Chính vì vậy mà các nhà hiền triết đông cũng như tây đều khuyên con người nên giảm bớt ham muốn thì cuộc sống sẽ dễ có hạnh phúc hơn. Về vấn đề giảm bớt lòng ham muốn, Phật Giáo còn triệt để hơn nữa. Không phải chỉ là giảm bớt mà là tiêu diệt mọi ham muốn, thậm chí cả lòng ham muốn vào Niết Bàn nữa. Vì ham muốn này đòi hỏi được tiếp nối bởi một ham muốn khác, nên chúng tạo nên một nghiệp lực lôi kéo chúng sinh tái sinh hết kiếp này sang kiếp khác để những ham muốn đó được thỏa mãn. Chúng ta có thể cảm nghiệm lực đó khi ta ham muốn điều gì. Rõ ràng lòng ham muốn đó có năng lực thúc đẩy ta chịu khó, và cố gắng tạo mọi điều kiện để được thỏa mãn. Ta không bao giờ muốn chết khi đang ham muốn và khi ham muốn chưa được thỏa mãn. Phải sống để được thỏa mãn đã. Do đó, ham muốn khiến chúng sinh cứ luẩn quẩn mãi trong vòng sinh tử luân hồi. Vì thế, muốn thoát khỏi vòng đó, phải diệt trừ ham muốn.

Nhưng muốn đi đến Niết Bàn, tức muốn giải thoát, thì chúng sinh phải mong muốn điều đó cách mãnh liệt. Phải ham muốn thật mãnh liệt sự giải thoát đó, người ta mới có động lực để dẹp đi mọi ham muốn khác, và thực hiện con đường tu tập. Nếu không có lòng ham muốn mãnh liệt đó, người ta sẽ không bao giờ dẹp được các ham muốn khác. Nhưng cuối cùng ham muốn đó cũng phải bị tiêu diệt mới có thể giải thoát được. Ham muốn Giải Thoát hay Niết Bàn là hình thức cao đẹp nhất của Ái Dục, và ái dục này vẫn tác động như bất kỳ một ái dục nào khác. Nhưng nhờ ham muốn Niết Bàn, ta mới trừ khử được tất cả mọi ái dục đến mức chỉ còn có một. Do đó mong muốn Niết Bàn là mong muốn cuối cùng, cao thượng nhất. Khi chỉ còn một mong muốn duy nhất này, trí huệ ta sẽ phát triển tới mức độ rất cao do tâm trí không còn bị những ham muốn tầm thường chi phối. Lúc đó ta sẽ giác ngộ và từ bỏ ham muốn cuối cùng đó. Và khi đã được Niết Bàn rồi thì lòng ham muốn đó cũng như mọi ham muốn khác không thể hồi sinh.

Chúng sinh sở dĩ luẩn quẩn mãi trong vòng luân hồi đảo điên là vì chúng sinh đã để tâm trí mình trụ vào những sự vật vô thường, chóng qua, có sinh có tử. Ðó là những thực tại trong thế giới hiện tượng mà người ta cảm nghiệm được, thấy được nên cho rằng có. Và người ta sống và ham muốn với những thực tại đó. Vì những thực tại này hay thay đổi, nay này mai khác, khi thì phù hợp với những ước muốn của chúng sinh, khi thì ngược lại, nên chúng sinh cũng bị thay đổi đảo điên theo: khi vui khi buồn, khi sướng khi khổ rất thất thường, tâm trí không được ổn định an lạc, tất cả mọi niềm vui đều chóng qua, sớm nhường chỗ cho những buồn phiền đau khổ. Còn chạy theo những thực tại vô thường bằng những ham muốn của mình, chúng sinh còn phải ngụp lặn trong vô thường, sẽ trôi lăn mãi trong lục đạo. Muốn hiện hữu của mình an định, không còn trôi lăn trong những cái vô thường, tâm trí chúng sinh phải an trụ nơi Thực Tại Thường Hằng Bất Biến, trong chính bản thân mình cũng như trong thế giới vạn vật, đồng thời hiệp nhất, trở nên một Thực Tại đó. Càng hiệp nhất với Thực Tại Vô Sinh Bất Diệt ấy, chúng sinh càng ít bị những thực tại vô thường chi phối, ảnh hưởng. Càng sống với Thực Tại Duy Nhất ấy, càng hiệp nhất với Thực Tại ấy, chúng sinh càng nhận ra rằng nơi bản thân mình, chỉ còn có một Thực tại ấy duy nhất sống động, hiểu biết, hành động, còn “cái tôi” mà từ trước đến giờ mình vẫn tự nhận là mình thì chưa từng hiện hữu bao giờ. Ðó là “vọng ngã” (cái tôi giả). Nơi bản thân, cái thực sự hiện hữu từ xưa đến giờ chỉ là Chân Ngã (Cái Tôi đích thực). Cái “vọng ngã” và Chân Ngã chỉ là một, chưa bao giờ là hai. Nhưng sự thật đó chỉ mới được giác ngộ sau một thời gian tu tập trí tuệ, và sống hết mình với Thực Tại Bất Biến Thường Hằng ấy. Giác ngộ như thế gọi là “kiến tánh”, là thấy được bản tánh đích thực của mình, tức “bản lai diện mục” của mình. Phải trải qua một quá trình như thế, chúng sinh mới có thể ra khỏi vòng luân hồi luẩn quẩn và đi vào cảnh giới Niết Bàn, cảnh giới vô sinh bất diệt.

Lịch sử tư tưởng phương Đông Phật giáo

Ý nghĩa của “niết bàn” theo quan điểm Phật giáo

Đến Niết-bàn bằng thiền hát

Theo quan điểm siêu hình thì Niết bàn là giải thoát khỏi đau khổ.
Theo quan điểm tâm lý học thì Niết bàn là xóa bỏ tự ngã. Theo quan điểm đạo đức thì Niết bàn là diệt tham, sân và si.
Quá trình sinh tử này tiếp tục vô tận cho đến khi chuyển hóa thành cảnh giới Niết bàn: cứu cánh của các Phật tử.
Danh từ Niết bàn trong Pàli hợp thành do Ni và bàna. Ni là một yếu tố phủ định và bàna nghĩa là dục vọng hay khát ái. Chính vì ly khai khỏi khát ái, hay bàna, dục vọng nên nó được gọi là Niết bàn. Niết bàn theo nghĩa đen là không trói buộc.
Nó cũng có thể được định nghĩa như là sự đoạn tận tham, sân và si. Đức Phật từng nói: “Toàn thế giới đang bốc cháy. Do ngọn lửa gì thế giới bị đốt lên? Do ngọn lửa tham, sân, si, do ngọn lửa sinh, lão, tử, sầu, bi, khổ, ưu, não mà thế giới đốt lên”.

Ảnh minh họa.

Không nên vì tri thức trần tục của chúng ta không thể hiểu được mà cho rằng Niết bàn là trạng thái hư vô, hủy diệt. Người ta không thể nói không có ánh sáng chỉ vì người mù không thấy. Cũng như trong câu chuyện rất phổ biến về cuộc tranh luận giữa con cá và bạn nó là con rùa, và cá đã kết luận đắc thắng rằng không có đất liền.
Niết Bàn của các Phật tử không phải chỉ là hư vô hay trạng thái hủy diệt, nhưng đó là cái mà không ngôn từ nào có thể diễn tả xác đáng. Niết Bàn là một pháp “không sinh, không phát khởi, không tạo thành, không do duyên sinh”. Do đó, nó là vĩnh cửu (Dhuva), khả ái (Subha) và an lạc (Sukha).
Trong Niết bàn không có cái gì “vĩnh cửu hóa”, cũng không có cái gì “bị diệt vong”, mà ở ngoài đau khổ.
Theo những kinh sách, Niết bàn được đề cập như là Hữu dư y (Sopàdisesa) và Vô dư y (Anupàdisesa). Thực ra, đây không phải là hai loại Niết bàn, mà chỉ là một, nhưng tùy theo cách gọi trước và sau khi chết.
Niết bàn không có vị trí ở bất cứ nơi nào, nó cũng không phải là một loại thiên đường dành cho một tự ngã siêu nhiên cư trú. Nó là một trạng thái lệ thuộc vào chính cái thân này. Nó là một pháp (Dhamma) ở trong tầm vươn tới của tất cả mọi người. Niết bàn là một trạng thái siêu thế gian, có thể đạt được ngay trong cuộc đời này. Phật giáo không tuyên bố mục đích tối hậu này chỉ có thể đạt được trong một đời sống bên kia thế giới. Đây là điểm khác biệt chính yếu giữa quan niệm Niết bàn của đạo Phật và quan niệm về một thiên đường vĩnh cửu của ngoại đạo, chỉ có thể đạt được sau khi chết, hoặc là hợp nhất với Thượng đế, hoặc là hợp nhất với bản thể thần linh trong một kiếp sau. Khi chứng đắc Niết bàn nhưng còn cái thân này, đó gọi là cảnh giới Hữu dư y Niết bàn (Sopàdisesa Nibbàna dhàtu). Một vị A La Hán đạt đến Niết bàn viên mãn (Parinibbàna), sau khi thân hoại, không còn lưu lại bất cứ một chút thể chất nào nữa thì đó gọi là cảnh giới Vô dư y Niết bàn (Anupàdisesa Nibbàna dhàtu).
Theo lời của Huân tước Edwin Arnold (1832-1904):[1]
“Nếu ai dạy Niết bàn là diệt tận,
Hãy nói là họ dối trá.
Nếu ai bảo Niết bàn là còn sống,
Hãy nói là họ sai lầm.”
Theo quan điểm siêu hình thì Niết bàn là giải thoát khỏi đau khổ. Theo quan điểm tâm lý học thì Niết bàn là xóa bỏ tự ngã. Theo quan điểm đạo đức thì Niết bàn là diệt tham, sân và si.
Bậc A-la-hán còn hay không còn sau khi chết? Đức Phật trả lời: “Bậc A-la-hán đã giải thoát khỏi 5 uẩn thật sâu thẳm, khó lường như đại dương. Bảo rằng Ngài có tái sinh sẽ không thích hợp cho trường hợp này. Bảo rằng Ngài không tái sinh, cũng không phải không tái sinh đều không thích hợp cho trường hợp này.”
Không thể nói rằng một bậc A-la-hán còn tái sinh, vì tất cả những dục vọng tạo điều kiện tái sinh đều được đoạn trừ, cũng không thể nói rằng bậc A-la-hán bị hủy diệt, vì không có cái gì để hủy diệt cả.
Nhà khoa học Robert Oppenheimer (1904-1967)[2] viết:
“Ví dụ, nếu chúng ta hỏi, phải chăng vị trí của điện tử vẫn giữ nguyên? Chúng ta phải nói là không; nếu chúng ta hỏi, phải chăng vị trí của điện tử thay đổi theo thời gian? Chúng ta phải nói là không; nếu chúng ta hỏi, phải chăng nó đang chuyển động? Chúng ta phải nói là không.”
Đức Phật đã trả lời tương tự như thế khi Ngài được hỏi về những điều kiện của tự ngã con người sau khi chết; nhưng đó không phải là những câu trả lời thông thường theo truyền thống khoa học vào thế kỷ XVII và XVIII.
Chú thích:
[1]. Edwin Arnold (1832-1904): Thi sĩ, học giả, ký giả của nước Anh. 
[2]. Robert Oppenheimer (1904-1967): Nhà bác học Mỹ rất nổi tiếng. Người chế ra bom nguyên tử đầu tiên, được giải thưởng Enrieo Fermi. 
TT Thích Phước Sơn
Theo Người Đưa Tin
Lịch sử tư tưởng phương Đông TUẦN 1: PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY Việt Nam học

TÀI LIỆU MÔN LỊCH SỬ TƯ TƯỞNG PHƯƠNG ĐÔNG

A. TÀI LIỆU BẮT BUỘC:

  1. Luận ngữ 
  2. Lão Tử – Đạo Đức kinh
  3. Trang Tử – Nam Hoa kinh 
  4. MAHABHARATA Sử Thi Ấn Độ
  5. Kinh Torah
  6. Kinh Koran

Các sách trên đều có nhiều bản dịch khác nhau, sinh viên tìm được bản nào có thể dùng bản đó.

B. TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Trần Đình Hượu, Các bài giảng về tư tưởng Phương Đông (Lại Nguyên Ân biên soạn), Nxb ĐHQG , HN. 2001
  2. Lịch sử triết học Phương Đông, Nxb Chính trị Quốc gia . HN, 1998
  3. N . Konrat, Phương Đông và Phương Tây, những vấn đề triết học, lịch sử , văn học , Nxb Giáo dục . HN, 1997
  4. Edward .W. Said, Đông phương học, Nxb Chính trị Quốc gia .HN , 1998
  5. Will Durant, Lịch sử văn minh Ấn Độ, Trung tâm TT . ĐHSP , Tp HCM . 1989
  6. Will Durant, Lịch sử văn minh Trung Quốc, Trung tâm TT . ĐHSP , Tp HCM . 1989
  7. Will Durant, Di sản phương Đông, Công ty sách Thời đại và Nhà xuất bản Hồng Đức, 2014
  8. Lê Xuân Khoa, Nhập môn triết học Ấn Độ cổ đại, Trung tâm học liệu Bộ GD, Sài gòn , 1972
  9. Cao Xuân Huy, Tư tưởng Phương Đông gợi những điểm nhìn tham chiếu, Nxb Văn học . HN,
    1995
  10. Trần Trọng Kim, Đại cương triết học Trung Quốc, Nxb Tp HCM , 1972
  11. Doãn Chính ( chủ biên ), Lịch sử tư tưởng triết học Ấn Độ cổ đại,  Nxb CTQG. HN, 1998
  12. Doãn Chính ( chủ biên ), Giải thích các danh từ triết học sử Trung Quốc, Nxb GD.Tp HCM.1994
  13. Nguyễn Hiến Lê, Bài học Israel, Nxb Văn hóa, 1994
  14. Nguyễn Hiến Lê, Bán đảo Ả Rập, Nxb Văn hóa, 1994
  15. Phan Thu Hiền, Sử thi Ấn Độ tập 1, Nxb Giáo Dục, 1999
  16. Lê Phụng Hoàng (chủ biên), Lịch sử văn minh Thế giới, Trường Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh, 1998
  17. Lê Phụng Hoàng (chủ biên), Lịch sử văn minh Thế giới, Nxb Giáo dục, 1999, 2000
  18. Nguyễn Thị ThưNguyễn Hồng Bích, Nguyễn Văn Sơn, Lịch sử  Trung Cận Đông, Nxb Giáo dục, 2000
  19. Paul Theroux, Phương Đông lướt ngoài cửa sổ (Dịch giả: Trần Xuân Thủy), Công ty phát hành: Nhã Nam, Nhà xuất bản: NXB Thế Giới, 2012
  20. Paramanhasa Yogananda, Tự truyện của một Yogi (Dịch giả: Thiên Nga), Công ty phát hành: Nhã Nam, Nhà xuất bản: NXB Lao Động, 07- 2014
  21. Baird T. Spalding, Hành Trình Về Phương Đông, Nxb Văn hóa Thông tin, 2015
  22. Bá Dương, NGƯỜI TRUNG QUỐC XẤU XÍ (Người dịch : Nguyễn Hồi Thủ)
Lịch sử tư tưởng phương Đông TUẦN 1: PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY Việt Nam học

Tư tưởng của Tây phương và Đông phương

Tư tưởng của Tây phương và Đông phương

Hiện trong thế giới có hai thứ văn minh, là văn minh Tây phương và văn minh Đông phương. Hai cái văn minh ấy khác nhau là do tại hai đàng tư tưởng khác nhau. Tây phương gồm cả các nước châu Âu châu Mỹ mà nước Pháp là một; Đông phương gồm cả các nước châu Á, mà nước ta là một. Tư tưởng của Tây phương phát nguyên từ Hy Lạp, La Mã, Hê-bơ-rơ, song bây giờ đã hỗn thành ra một nền tư tưởng Tây phương, nên ở đây gọi chung là tư tưởng Tây phương. Tư tưởng Đông phương có hai tua lớn, một là Ấn Độ, một là Tàu, mà ta thuộc về tua Tàu, nên ở đây chỉ lấy Tàu làm trọng.

Người ta thấy bên Tây về đường vật chất phát đạt tinh xảo hơn bên Đông, rồi cho rằng văn minh Tây phương là vật chất văn minh, còn văn minh Đông phương là tinh thần văn minh. Nói như vậy là lầm. Những cái thuyết tự do bình đẳng, là phần hệ trọng nhứt trong văn minh Tây phương, chẳng phải tinh thần là gì? Bên nào cũng có tinh thần vật chất cả, chẳng qua vật chất tùy theo tinh thần của mỗi bên mà hiện ra hai vẻ khác nhau. Cái tinh thần ấy tức ở đây tôi gọi là tư tưởng.

Ba điều tôi sắp giải ra dưới nầy chỉ là từ trong hai cái văn minh ấy mà rút ra mỗi bên ba cái yếu điểm; ngoài ra, mỗi cái văn minh hoặc giả đều có chỗ hay chỗ dở thì tôi không kể đến. Tôi cũng không có ý so sánh bên nào hơn, bên nào kém; cốt muốn tỏ ra cho biết hai bên trái ngược nhau, không thể dung nhau mà thôi.

1. – Tây phương chuộng khoa học, Đông phương chuộng huyền học. –

Theo ý người phương Tây, mọi sự vật trong thế gian bất kỳ lớn hay nhỏ, thấy được hay không thấy được, hễ mình muốn biết thì phải biết cho đến nơi, cho đâu ra đó, chớ không được mập mờ, không được lộn xộn. Bởi vậy họ phải làm ra cái cách để mà biết. Đối với một sự vật gì, họ cứ nhặt lấy những cái kinh nghiệm mỗi khi một ít, những cái tri thức mỗi nơi một chút, rồi quán thông lại, lập ra những cái nguyên tắc, công lệ, và những cái thuyết có thống hệ, mà ai cũng không cãi được nữa, thì bấy giờ sự biết mới đích xác và sự học về sự vật ấy mới thành. ấy gọi là khoa học.

Ở phương Tây bây giờ hầu như mỗi một sự vật gì là có một khoa học. Không những thiên văn, địa văn, quang, điện, chánh trị, pháp luật có khoa học mà thôi; cho đến nuôi gà, trồng rau cũng có khoa học nữa. Triết học ngày xưa đứng ngoài khoa học, mà bây giờ người ta cũng dùng phương pháp khoa học để nghiên cứu triết học. Họ chia khoa học ra làm ba loại: là Tự nhiên khoa học, Xã hội khoa học và Tinh thần khoa học. Những tên riêng từng khoa thì nhiều lắm, không hơi sức đâu mà kể.

Đây cử ra một khoa y học để cho biết cái vẻ khoa học của họ là thế nào. Y học lại gồm có nhiều khoa học khác nữa, nào là: Sanh lý học[1] dạy về sự kết cấu và tác dụng của các cơ thể[2] trong mình người ta; Giải phẫu học[3] dạy về từng cái xương từng mạch máu trong mình người ta; Bịnh lý học[4] dạy về các chứng bịnh; Dược vật học dạy về các vị thuốc; tất phải biết ngần ấy khoa học mà thiệt hành ra được đã rồi mới làm nên thầy thuốc. Đến khi chữa bịnh, thầy thuốc nói bịnh tại tim, ấy là trái tim thiệt bị đau; nói bịnh tại phế, ấy là phổi thiệt bị đau. Đau tim đau phổi cách làm sao thì uống thuốc gì, đều có phương nhứt định cả, phải theo khoa học chớ không được theo ý riêng của thầy thuốc.

Tóm lại, người phương Tây biết được sự vật gì đều là do khoa học cả. Khoa học đã thành ra như cái tánh riêng của họ.

Sự học phương Đông thì thật là mênh mông và mầu nhiệm. Kẻ học cứ sách mà đọc tràn đi rồi hiểu được chừng nào thì hiểu. Những sự vật mà ta muốn biết, tán mạn ra trong sách mỗi nơi một ít, không có xâu suốt lại thành từng món một, và cũng không có đặt ra phương pháp gì để noi đó mà tìm tòi. Sách thì dạy trước bác mà sau ước. Kinh Thơ nói vô số là chuyện, rồi ước lại một chữ Trung, Kinh Lễ nói vô số là chuyện rồi ước lại một chữ Kính; bác thì cực kỳ là bác, mà ước thì cực kỳ là ước[5]. Đến Kinh Dịch mới là ảo diệu vô cùng: quẻ Kiền có nói đến “rồng bay” (long phi), mà kỳ thiệt không phải là rồng bay; quẻ Khôn có nói đến “ngựa cái” (tẩn mã), mà kỳ thiệt không phải là ngựa cái; chẳng qua nói bóng vậy thôi, không khác nào “con rồng có bảy đầu mười sừng” và “con thú ở dưới đất lên” đã nói trong sách Khải huyền của kinh Tân ước. Sách Xuân thu cũng vậy, nói “Doãn thị chết” song không trọng tại Doãn thị chết mà trọng tại cái ý chê thế khanh; nói “thiên vương đi săn”, song không phải đi săn mà là bị chư hầu bắt hiếp. Càng những chỗ sâu hiểm éo le như vậy, thì lại càng tôn cho là vi ngôn đại nghĩa. Cứ theo sách thì những âm dương, ngũ hành, cũng đều là những cái giả tượng mà thôi, chớ không phải chỉ ngay về hiện trạng và thiệt tế mà ta ngó thấy đâu. Vì vậy cho nên gọi là huyền học.

Người nào đã chịu phép “báp tem” của huyền học rồi thì ra làm việc gì cũng đều được cả, bất cứ việc gì, vì “vận dụng do ư nhứt tâm”. Một ông quan có thể coi việc bộ Hộ rồi coi việc bộ Hình, luôn cả sáu bộ cũng được, và có khi ra làm tướng đánh giặc cũng xong. Còn các nghề thợ thì nhứt thiết không có học gì cả, hễ tập quen thì làm được, ăn thua nhau là tại cái sáng dạ.

Nói đến nghề làm thuốc của ta mới càng tỏ ra cái vẻ huyền học, và để cho nó phản chiếu lại nghề làm thuốc của Tây vừa nói trên kia. Bắt đầu dạy về ngũ tạng: tâm, can, tì, phế, thận, thì dạy rằng nó hiệp với ngũ hành, phối với ngũ vị, ứng với ngũ phương và tứ thời. Dạy về dược tánh thì: một vị bạch truật mà chủ cả công cả bổ, đã kiện tì cường vị, lại trị thấp, bĩ, hư đàm; càn cương sao hắc thì nhập thận; hỏi tại làm sao thì bảo rằng vì “thận thuộc thủy, kỳ sắc hắc”. Những điều ấy nếu bắt cứ theo phương pháp khoa học mà giải nghĩa thì không tài nào giải ra được. Đến lúc trị bịnh, thầy thuốc nói là bịnh phong, nhưng phong đó không phải là gió; nói là bịnh thấp, nhưng thấp đó không phải là ẩm ướt; thậm chí nói bịnh tại phế, tại can, nhưng thiệt không phải là đau phổi hay đau gan. Những chữ phong, thấp, phế, can đó chẳng qua là một thứ chữ trừu tượng[6] chớ không phải cụ thể [7]. Còn đến cho thuốc thì cùng một bịnh mà mỗi thầy đi một mặt: thầy thì hàn, thầy thì nhiệt, thầy thì bổ hỏa, thầy thì lợi thủy, thầy thì ít vị, thầy thì nhiều vị, mỗi thầy đều kê phương dụng dược theo ý mình. Ôi! huyền diệu là dường nào!

Đại ý huyền học không lấy khách quan mà xem xét mọi sự vật, chỉ lấy chủ quan mà ứng tiếp nó. Kẻ học, sau khi đã học nhiều rồi, đã hội được vạn lý vào nhứt tâm rồi, thì có thể đem cái tâm ấy ra mà đối phó với mọi sự vật chớ không theo y như sự mình đã học; như vậy sách Nho gọi là “thần nhi minh chi”. ấy huyền học tương phản với khoa học là tại đó.

2. -Tây phương trọng tự chủ, Đông phương trọng thống thuộc. –

Chữ tự chủ ở đây nghĩa là mỗi người làm chủ lấy mình, cũng tức là cá nhân chủ nghĩa. ở phương Tây, nói rằng “một người”, nghĩa là đối với thế giới, đối với quốc gia mà nói, chớ không phải phiếm nhiên. Đã gọi là người, thì người nào cũng vậy, ai ai cũng có cái địa vị cái tư cách đối với thế giới đối với quốc gia, thật như ta thường nói “đội trời đạp đất ở đời”. Như vậy, người nào tự chủ lấy người ấy, không ai thuộc về ai cả.

Bởi đó mới có sự tự do. Một người đã tới tuổi thành nhân rồi thì không còn ở dưới quyền cha mẹ nữa. Mà cũng không ở dưới quyền chánh phủ hay là dưới quyền ông nguyên thủ, song chỉ ở dưới quyền pháp luật. Một người được y theo trong vòng pháp luật mà tự do. Pháp luật cho mọi người được tư tưởng tự do, ngôn luận tự do, cư trú tự do,… những quyền tự do ấy, người khác – dầu là cha mẹ nữa – không được can thiệp đến. Pháp luật đặt ra cốt là hạn chế sự tự do của từng người để binh vực sự tự do cho từng người.

Lại bởi đó mới có sự bình đẳng. Mọi người đối với quốc gia xã hội đều có nghĩa vụ và quyền lợi bằng nhau. Ai nấy đều phải nộp thuế, đều phải đi lính, thì ai nấy đều được hưởng quyền tự do của pháp luật. Trước mặt pháp luật, ai cũng như nấy, hễ có tội thì bị phạt, không cứ ông nguyên thủ hay là người bình dân. Pháp luật đặt ra cũng cốt để duy trì sự bình đẳng giữa từng người.

Bởi mỗi người đều có địa vị tư cách vững vàng, tự chủ lấy mà không xâm phạm đến ai như vậy, cho nên khi hiệp với nhau thành đoàn thể thì chỉnh tề và ổn kiện lắm. Quốc gia, tức là của chung của quốc dân; hội xã tức là của chung của hội viên; đối với quốc gia xã hội ai có bổn phận gì thì làm hết bổn phận ấy, có lợi ích thì mọi người cùng hưởng. Mới nghe họ nói những là “quốc gia lợi ích, xã hội lợi ích” thì tưởng là xung đột với chủ nghĩa cá nhân, mà xét kỹ ra thì những cái lợi ích ấy cũng chỉ là lợi ích cho từng người vậy.

Các nước bên Tây đều dùng cái chánh thể lập hiến, cộng hòa được, là nhờ họ sẵn có cái tư tưởng như đã nói trên đó. Cái tư tưởng ấy tức là cái tinh thần dân chủ.

Nói đến Đông phương. Theo cái ý nghĩa chữ “một người” ở phương Tây, thì ở phương Đông, trừ ông vua ra, hầu như không có “người” nào hết. Bởi vì “xuất thổ chi tân, mạc phi vương thần”, ai cũng là thần thiếp của vua, ai cũng là dân của vua. Cứ như sách dạy, nhân thần không được tư giao với ngoại quốc, ấy là không có tư cách đối với thế giới; thứ nhân không được nghị luận việc chánh, ấy là không có tư cách đối với quốc gia. Bởi vậy ai nấy phải nộp của cải cho vua, nộp cả đến thân mình nữa; vua thương thì nhờ, bằng vua không thương mà giết đi cũng phải chịu. Như vậy gọi là trọn cái bổn phận thờ bề trên; như vậy gọi là thiên kinh địa nghĩa.

Không những thuộc về vua mà thôi, ai còn có cha mẹ đến chừng nào thì phải kể cái thân mình là của cha mẹ đến chừng nấy. Lại không những cái thân mà thôi, mình dầu có của cải, có vợ con, cũng phải kể là của cha mẹ. Theo kinh Lễ dạy: Con yêu vợ mà cha mẹ ghét, thì con phải để vợ[8] đi; con ghét vợ mà cha mẹ yêu, thì con phải hòa thuận với vợ. Lại dạy: có dư của thì nộp cho tông, thiếu thì lấy của tông. Tông là người tông chủ trong gia đình, tức là cha mẹ. Còn chưa kể đến những lời tục thường nói “Cha mẹ đặt đâu ngồi đó, bảo chết hay chết, bảo sống hay sống” thì lại còn nghiêm khắc quá nữa.

Trọng nhứt là vua và cha mẹ, rồi thứ đến quan, làng, họ, cũng đều có quyền trên một người. Quan, nào có phải một ông, có đến năm bảy lớp, cứ dùi đánh đục, đục đánh săng, rút lại trăm sự chi cũng đổ trên đầu người dân cả. Người trong làng thì kể như con của làng, cho nên nói rằng “con làng nhờ làng”. Người trong họ đối với họ cũng vậy.

Ấy vậy, lấy ra một người ròng rặt Đông phương mà nói, thì người ấy không tự mình làm chủ lấy mình được; song là thuộc về vua, về cha mẹ, về quan, về làng, về họ, nếu là đàn bà thì còn thuộc về chồng nữa.

Bởi cớ ấy, trong xã hội ta như một cái thang có nhiều nấc. Nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người không đồng nhau: người trên đối với người dưới không có nghĩa vụ; còn ai có nhiều quyền hơn thì được hưởng nhiều lợi hơn. Pháp luật đối với mọi người thì tùy từng bậc mà khác: cùng phạm một tội mà dân bị phạt trọng, quan được phạt khinh; cùng phạm một tội mà kẻ thứ ấu bị phạt trọng, kẻ tôn trưởng được phạt khinh[9]. Theo Tây phương, như thế là bất bình đẳng; song theo Đông phương thì như thế là có trật tự.

Một đằng thì trọng tự chủ, một đằng thì trọng thống thuộc, hai đằng tư tưởng khác nhau, cho nên trình bày ra hai cái xã hội khác nhau. Xã hội Tây phương thì như bầy chim sẻ, con nào cũng một lứa như con nào, và con nào cũng tự kiếm ăn cho con nấy, song cũng hiệp nhau thành bầy. Xã hội Đông phương thì như bầy kiến, có con lớn con nhỏ, con lớn giữ phần cai quản, con nhỏ lo việc đi kiếm ăn, song cũng hiệp nhau thành bầy.

3. – Tây phương quý tấn thủ, Đông phương quý an phận –

Bên phương Tây hay có những người đi bộ quanh trái đất một vòng, đi tìm đất mới, đi thám hiểm đến Nam cực, Bắc cực, là vì họ có cái tư tưởng trọng sự tấn thủ. Họ không chịu đầu hàng cảnh ngộ và sức tự nhiên, mà lại cố chiến thắng cảnh ngộ và sức tự nhiên. Họ không tin có số mạng; dầu biết có số mạng chăng nữa, họ cũng lo làm cho hết sức mình.

Vì có cái tinh thần tấn thủ, muốn chiến thắng sức tự nhiên mà lợi dụng nó, nên mới sanh ra các thứ khoa học và làm được những công trình to tát, như là dùng điện khí, hơi nước, bắc cầu trên sông lớn và đặt đường hỏa xa xuyên qua núi, v.v.

Người Đông phương chỉ muốn sống cách làm sao cho êm đềm lặng lẽ. Trời bắt thế nào thì hay thế: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Sách Nho dạy phải “lạc thiên an mạng”, sách Lão dạy phải “tri chỉ tri túc” đều là ý ấy. Trải các đời, những ông vua nào hay đi chinh phục các nước xa, thì bị chê là cùng binh độc võ; những người nào có chí lớn cử đồ việc lớn, thì người ta cho là không biết an thường thủ phận. Ai nấy đều lấy sự ở nhà làm sướng, đi ra làm khổ; đến ông Lão Tử thì lại còn muốn ai ở đâu ở đó, đến già đến chết không qua lại nhau (lão tử bất tương vãng lai) nữa kia!

Đối với sức tự nhiên, người phương Đông không dùng chước chiến mà dùng chước hòa; cũng lợi dụng nó mà lợi dụng một cách khác. Một hòn núi to và cao, người Tây có thể vỡ thành đường quanh theo chơn nó mà đi, người Đông thì cứ để vậy mà trèo ngang qua; một cái thác, người Tây có thể dùng sức chảy của nó dựng nên bộ máy mạnh mấy ngàn ngựa, người Đông thì không, chỉ dùng làm chỗ ngắm cảnh và ngâm thơ. Cho nên phương Đông khó lòng mà nảy ra khoa học được; mà như vậy thì cũng không cần dùng khoa học làm gì nữa.

Xem ba điều trên đây thì thấy ra hai cái tư tưởng Đông và Tây nó phản đối nhau như phương nam với phương bắc, như mặt trăng với mặt trời. Nay ta nếu muốn theo cách sanh hoạt mới của Tây phương, mà ta lại còn giữ cả tư tưởng cũ của Đông phương thì quyết không có thể được. âu là phải dứt bỏ tư tưởng cũ của ta mà theo tư tưởng của Tây phương, thì mới hiệp với cách sanh hoạt mới của ta.

Nguồn

  • Phan Khôi. C.D. Đông Pháp thời báo, Sài Gòn, s.774 (27.9.1928); s.776 (2.10.1928)
  • Viet-Studies

Chú thích

  1. ^ ngày nay gọi là Sinh lý học: Physiologie
  2. ^ ngày nay gọi là các cơ quan (trong cơ thể)
  3. ^ Anatomie
  4. ^ ngày nay gọi là Bệnh lý học: Pathologie
  5. ^ bác: rộng; ước: tóm tắt gọn lại
  6. ^ Abstrait
  7. ^ Concret
  8. ^ bỏ vợ, ly dị vợ
  9. ^ trọng: nặng; khinh: nhẹ
Lịch sử tư tưởng phương Đông TUẦN 1: PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY Việt Nam học

Bộ ảnh thú vị về sự khác biệt giữa phương Đông và phương Tây

Phương Đông và phương Tây vốn luôn chứa đựng nhiều quan niệm khác biệt. Bộ ảnh đồ họa dưới đây sẽ đề cập tới sự khác biệt đó dưới góc nhìn gắn gọn, hài hước, thú vị, đầy tính chiêm nghiệm.

Một nghệ sĩ trẻ người Trung Quốc có tên Yang Liu hiện đang sinh sống tại Đức vừa cho ra mắt bộ ảnh đồ họa có tên “East Meets West” (Đông Tây gặp gỡ). Bộ ảnh cho thấy sự khác biệt trong đời sống văn hóa – xã hội giữa phương Đông và phương Tây.

“Đông Tây gặp gỡ” thể hiện cách nhìn vừa chính xác vừa hài hước về sự khác biệt muôn thuở. Nghệ sĩ Yang Liu cho biết: “Những thông tin được thể hiện trong bộ ảnh đồ họa này mang ý nghĩa tương đối cá nhân, dựa trên những trải nghiệm và cảm nhận của bản thân tôi sau gần hai thập kỷ sinh sống ở Châu Âu”.

Dưới đây là bộ ảnh thú vị của nghệ sĩ Yang Liu:

Cách thể hiện ý kiến cá nhân
Cách thể hiện ý kiến cá nhân: Người phương Tây quan trọng sự thẳng thắn. Người phương Đông đề cao sự khéo léo, mềm mỏng.

Phong cách sống
Phong cách sống: Người phương Tây đề cao cái Tôi, năng lực cá nhân, cá tính riêng… Người phương Đông trân trọng cái Ta, con người phải luôn biết hòa nhập với môi trường xung quanh để tạo nên sự hài hòa.

Vấn đề đúng giờ
Vấn đề đúng giờ: Đúng giờ là yếu tố rất được tôn trọng trong các cuộc gặp gỡ ở thế giới phương Tây. Người ta không cần đến sớm để thể hiện sự tôn trọng nhưng càng không nên đến muộn vì đó là hành động bất lịch sự. Người phương Đông thì khác, họ có thể xê dịch giờ hẹn đôi chút và điều đó không trở thành vấn đề lớn.

Cấp trên
Cấp trên: Trong thế giới phương Tây, sếp cũng là người đi làm kiếm sống như nhân viên, chỉ có điều cấp bậc, tầm nhìn và lương bổng của sếp cao hơn một chút. Ở phương Đông, sếp được coi là “người khổng lồ”.

Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội
Các mối quan hệ và sự kết nối trong xã hội: Các mối quan hệ trong thế giới phương Tây không mang nặng tính “dắt dây” như trong xã hội phương Đông.

Cách thể hiện cảm xúc
Cách thể hiện cảm xúc: Người phương Tây vui buồn đều thể hiện khá rõ ràng còn người phương Đông có thể “trong héo ngoài tươi”.

Văn hóa xếp hàng
Văn hóa xếp hàng: Thực tế văn hóa xếp hàng đã dần hình thành tại nhiều nước phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn. Tuy vậy, nhìn chung, nó chưa ăn sâu vào nếp sống của người phương Đông ở mọi lúc mọi nơi.

Nhìn nhận về bản thân
Nhìn nhận về bản thân: Người phương Tây rất quan trọng cái Tôi, đề cao tính cá nhân trong một số khía cạnh của đời sống. Họ đòi hỏi những người xung quanh phải tôn trọng những gì thuộc về vấn đề cá nhân. Ở phương Đông, cái Tôi thường nhỏ bé, dễ bị khỏa lấp và việc quên đi cái Tôi được cho là một đức tính đáng khen ngợi.

Đường phố ngày cuối tuần
Đường phố ngày cuối tuần: Những ngày cuối tuần, đường phố phương Tây thường vắng vẻ, họ không đổ ra đường mà thường có hai lựa chọn: một là ở nhà ngủ bù cho cả tuần lao động vất vả, hai là về miền quê vui chơi, hít thở không khí trong lành. Ở phương Đông, đặc biệt tại các thành phố lớn, người dân thường đổ ra đường, tới các khu vui chơi và trung tâm mua sắm để giải trí.

Tiệc tùng
Tiệc tùng: Tại những bữa tiệc trang trọng, người phương Tây thích đứng thành nhóm nhỏ, rủ rỉ trò chuyện. Người phương Đông thích ngồi thành những nhóm lớn, trò chuyện ồn ào, đó được coi là biểu hiện của sự hào hứng, vui vẻ. Tiệc càng ồn càng chứng tỏ tổ chức thành công.

Tiếng ồn trong nhà hàng
Tiếng ồn trong nhà hàng: Người phương Tây rất ngại việc nói to ở nơi đông người. Vì vậy, ở nơi công cộng như nhà hàng, quán ăn, họ nói nhỏ, chỉ đủ để người ngồi với mình nghe thấy. Ngay cả việc gọi nhân viên phục vụ cũng được thể hiện bằng ánh mắt và động tác tay. Người phương Đông khá vô tư trong việc này, họ có thể nói to, gọi nhau í ới ở nơi đông người.

Thức uống “lành mạnh”
Thức uống “lành mạnh”: Ở phương Tây, nếu ai đó bị yếu bụng hoặc đau dạ dày, khi dùng bữa, họ sẽ uống nước ngọt có gas, trong khi đó, người phương Đông sẽ gọi trà hoặc nước khoáng.

Đi du lịch
Đi du lịch: Người phương Tây đề cao việc quan sát và trải nghiệm thực tế trong suốt chuyến đi. Trong khi đó, đối với người phương Đông, việc lưu lại hình ảnh làm kỷ niệm trong từng chặng đường, từng địa điểm thăm quan là một việc quan trọng không kém.

Vẻ đẹp lý tưởng
Vẻ đẹp lý tưởng: Người phương Tây thích da nâu, người phương Đông thích da trắng.

Trẻ em trong gia đình
Trẻ em trong gia đình: Trẻ em ở phương Tây không được cả gia đình chăm lo, ưu ái như ở phương Đông. Trong gia đình phương Tây, trẻ em có vị trí ngang bằng như những thành viên khác trong nhà, cũng có quyền lợi và nghĩa vụ riêng. Ở phương Đông, em bé thường được coi là trung tâm thú vị của cả nhà và các thành viên sẽ xoay quanh “tâm điểm” này.

Giải quyết vấn đề
Giải quyết vấn đề: Người phương Tây coi trọng kết quả sau cùng, vì vậy, họ sẵn sàng đương đầu với vấn đề cản trở, cốt sao đạt được mục tiêu nhanh nhất. Người phương Đông quan trọng quá trình thực hiện. Vốn không thích đối đầu, xung đột, nên người phương Đông có thể chấp nhận đi vòng một chút, tuy mất thời gian hơn nhưng vẫn đạt được kết quả sau cùng và không tổn hao quá nhiều sức lực.

Các bữa ăn trong ngày
Các bữa ăn trong ngày: Người phương Tây thường ăn sáng vội vàng, ăn tối qua loa, thường dùng đồ ăn nhanh, bữa trưa vì vậy được coi là bữa ăn thư thái nhất trong ngày khi họ có thể rủ bạn bè ra tiệm dùng bữa. Người phương Đông đề cao tầm quan trọng của cả 3 bữa ăn trong ngày, họ thích sự nóng sốt. Ăn uống qua quýt theo kiểu “cơm đường cháo chợ” là điều không ai thích.

Phương tiện di chuyển
Phương tiện di chuyển: Trước đây, khi người phương Tây coi ô tô là phương tiện di chuyển hiệu quả nhất, người phương Đông còn đi xe đạp. Giờ đây, người phương Tây lại coi xe đạp là phương tiện di chuyển “lành mạnh” nhất, trong khi đó, người phương Đông đã chuyển sang đi ô tô (nếu có điều kiện).

Cuộc sống của người già
Cuộc sống của người già: Dạo chơi công viên ở phương Tây, bạn sẽ bắt gặp nhiều cụ già dắt thú cưng đi dạo. Ở phương Đông, bạn sẽ thấy các cụ già dắt cháu đi chơi.

Tắm táp
Tắm táp: Người phương Tây thích tắm sáng rồi mới đi làm. Người phương Đông thích tắm tối trước khi đi ngủ.

Ẩm thực sành điệu
Ẩm thực sành điệu: Người phương Tây sành điệu sẽ tìm tới các món Á. Người phương Đông “ăn chơi” sẽ tìm tới các món Âu.

Thời tiết và cảm xúc
Thời tiết và cảm xúc: Người phương Tây thích nắng, ghét mưa. Họ đặc biệt yêu những ngày nắng (có lẽ vì thế mà họ thích da nâu). Người phương Đông thích cả mưa và nắng. Nắng mưa đối với người phương Đông đều có nét đẹp, nét thú vị riêng.

Đông Tây trong mắt nhau
Đông Tây trong mắt nhau: Trong mắt người phương Tây, người phương Đông đặc trưng với nón lá, thích uống trà và ăn cơm. Người phương Đông ấn tượng với người phương Tây vì mũ nồi cao, xúc xích và bia.

Bích Ngọc
Theo Bored Panda
http://dantri.com.vn/van-hoa/bo-anh-thu-vi-ve-su-khac-biet-giua-phuong-dong-va-phuong-tay-1386101632.htm
Lịch sử tư tưởng phương Đông Việt Nam học

Cẩm nang làm việc với người Nhật (phần 2)

Cuốn “Văn hóa làm việc với người Nhật” được xuất bản lần đầu vào năm 1984. Khi ấy, nó đã nhanh chóng trở thành “kinh thánh” cho những người phương Tây muốn tìm hiểu và xử lý công việc một cách hiệu quả ở Nhật – hồi đó được coi là nền kinh tế cạnh tranh nhất trên thế giới.

Giờ đây, sau gần 30 năm, John C.Condon – với sự hợp tác của Tomoko Masumoto, đã chỉnh sửa, cập nhật và bổ sung nhiều chi tiết hướng dẫn, đặc biệt dành cho những người làm việc trong các tổ chức của Nhật.

Nguyên tác: With Respect to The Japanese
Người dịch: Thanh Huyền
Bản quyền tiếng Việt: Thái Hà BooksDownload file đọc

5. Không gian

Ngay cả khi giao tiếp trong thực tại ảo ngày càng diễn ra nhiều hơn, thì ở Nhật, bối cảnh giao tiếp vẫn là điều vô cùng quan trọng. Cuộc trò chuyện diễn ra ở đâu quan trọng đến nỗi nó có thể quyết định điều gì sẽ được nói hay chia sẻ, và điều gì thì không.

Những người đến thăm Tokyo, Osaka hay bất cứ thành phố lớn nào ở Nhật đều thường kinh ngạc vì số lượng khổng lồ các quán bar và nhà hàng nhỏ ở đây. Ngoài việc mang lại những điều mà các quán bar, nhà hàng khắp nơi trên thế giới có, những địa điểm này còn đóng vai trò là nơi những người từ văn phòng có thể đến để trò chuyện về nhiều vấn đề, theo những cách không thể xảy ra trong giờ làm việc ở công sở.

Người Nhật có sự phân biệt rõ ràng giữa những gì liên quan tới gia đình, nhóm trong trường, công ty (bên trong) và những vấn đề nằm ngoài phạm vi đó (bên ngoài).

Bởi vậy, những hành vi được coi là phù hợp bên trong nhóm của ai đó có thể khá khác so với những tiêu chuẩn ứng xử thích hợp với người bên ngoài nhóm. Tiêu chuẩn kép này là điều có thể dự đoán.

Giáo sư Chie Nakane mô tả các mối quan hệ của người Nhật được phân chia tương đối giữa ba phạm vi khác nhau: (1) trong những nhóm thân thiết nhất (uchi), bắt đầu với gia đình và bao gồm cả những nhóm gắn bó khăng khí khác; (2) trong môi trường xã hội của hôn nhân và hợp tác; (3) thế giới công cộng bên ngoài (soto) – những người lạ.

Vì thế, sẽ không có gì là ngạc nhiên khi thấy một quý ông vừa tỏ ra lịch sự quá mức (trong một tình huống diễn ra trước đó) đang chen lấn lên tàu điện đông đúc.

Do sự phân biệt giữa uchi và soto rất quan trọng cho bất cứ nhóm nào, từ tổ chức lớn tới các gia đình, người Nhật rất cẩn trọng trong việc cho phép ai gia nhập – nghĩa là, những người được công ty tuyển.

Tuy nhiên, một khi đã được thừa nhận, người đó sẽ trở thành một phần của “chúng ta” và chắc chắn không bị thải loại.

Tìm vị trí của mình

Trong một căn phòng Nhật Bản truyền thống, sẽ có một “chỗ thấp” (shimoza) và một “chỗ cao” (kamiza). Người là khách mời danh dự, người lớn tuổi nhất trong gia đình, hay người có vị trí cao nhất trong tổ chức sẽ ngồi ở chỗ cao.

Với khách nước ngoài, những người được đối xử như một vị khách, lời khuyên tốt nhất về chỗ ngồi là từ tốn và để cho chủ nhà hướng dẫn. Như vậy họ không cảm thấy thiếu thoải mái trong suốt buổi gặp hay bữa ăn vì chọn sai chỗ.

Cách bài trí văn phòng điển hình của Nhật là một không gian mở với các bàn được xếp thành cụm, theo các hàng, và mọi người làm việc cạnh nhau, mỗi người đối diện với ai đó ở phía bên kia. Ngồi ở cuối phòng, nhìn bao quát toàn bộ văn phòng là vị quản lý.

Trong một nền văn hoá nơi các biểu hiện không lời phổ biến có thể thể hiện nhiều hơn những gì được nói ra, văn phòng mở là một môi trường quan trọng cho việc truyền đạt thông tin.

6. Thời gian

Trong ngôn ngữ kinh doanh và chính trị, đôi khi người ta đùa rằng một kế hoạch dài hạn ở Mỹ tương đương với kế hoạch ngắn hạn ở Nhật.

Ở Mỹ, “một thời gian dài” có thể là một năm, hay bốn quý của một năm tài chính. Ở Nhật, không hiếm khi “một thời gian dài” là ít nhất 30 năm. Tới gần đây, điều này vẫn là chu kỳ chuẩn bị cho một nhân viên làm việc cho một công ty.

Trong một khảo sát về 31 nước có tầm nhìn lâu dài trong kinh doanh, Nhật Bản đứng thứ nhất, theo sau là Thụy Điển, Mỹ đứng thứ 19.

Người Nhật không phân tách quá rõ ràng giờ làm việc với thời gian sau giờ làm như cách nhiều người Mỹ và phương Tây khác thường làm. Ở Nhật, người ta mong muốn và đánh giá cao việc chia sẻ thời gian với các đồng nghiệp, không chỉ trong giờ làm mà cả sau đó nữa.

Làm quá giờ ở công sở là chuyện không có gì lạ, không mong đợi được thưởng thêm. Trong một số trường hợp, đơn giản là công việc đòi hỏi phải làm thêm giờ, nhưng trong các trường hợp khác thì chính sự trân trọng mối quan hệ với đồng nghiệp đòi hỏi phải “ở lại ngoài giờ”.

Vậy mất bao lâu thì một người nước ngoài hòa nhập được vào một tổ chức của Nhật? Mất bao lâu để trở thành một nhân viên hiệu quả và có cống hiến trong một tổ chức?

Câu trả lời từ các giám sát người Nhật là “khoảng một tuần” tới “vài tháng”, tùy vào tính cách của thực tập sinh.

Tuy vậy, trên thực tế, ngay cả một kỹ sư người Nhật cũng mất chừng 5 năm trước khi đạt yêu cầu, với “hành trình” cụ thể là: Sẽ mất một năm để thành thạo ngôn ngữ, bao gồm các từ chuyên môn. Trong năm thứ hai, một nghiên cứu viên mới sẽ tìm hiểu về tổ chức. Ở năm thứ ba, họ sẽ tìm hiểu vị trí của mình trong tổ chức. Sau đó, họ có thể bắt đầu nghiên cứu của riêng mình và có được kết quả trong khoảng năm thứ năm.

Một giám sát người Nhật cho biết: “Nếu ai đó muốn năng động trong kinh doanh, nhất thiết phải thông thạo tiếng Nhật. Tôi thậm chí không để sinh viên Nhật mới ra trường được làm việc với khách hàng. Những người Nhật trẻ mới chỉ sử dụng những cụm từ quen thuộc và các chữ viết tắt họ nghe thấy trên các chương trình truyền hình, nên phải mất 4 đến 5 năm để học tiếng Nhật tử tế trước khi họ làm việc với khách hàng của chúng tôi. Ngay cả nếu một thực tập sinh nước ngoài có một tấm bằng trên đại học, thì việc tới công ty chúng tôi không phải là bắt đầu sự nghiệp, mà chỉ là bước đầu tiến tới sự nghiệp. Với những nhân viên mới người Nhật cũng vậy, sẽ mất ít nhất là 5 năm.

7. Phản hồi

Một giám sát người Nhật giải thích quan điểm về vấn đề phản hồi: “Chúng tôi không nghĩ phản hồi là điều cần thiết. Tôi nghĩ đó là khác biệt về văn hóa. Ở Nhật, nếu chúng tôi không có bất cứ phàn nàn hay nhận xét cụ thể nào, điều đó đồng nghĩa với sự đánh giá tốt nhất. Nhưng có vẻ như với những người đến từ Mỹ, nếu không có nhận xét, họ sẽ nghĩ là có vấn đề”.

Các quản lý người Mỹ khen ngợi các nhân viên làm việc tốt, và coi việc khen ngợi là một yếu tố quan trọng để khuyến khích người Mỹ ở nơi làm việc.

Nhật Bản cũng có thể ca ngợi ai đó ở nơi công cộng, nhưng vì những lý do khác và hiếm hoi hơn. Người Nhật ca ngợi công khai để nâng cao thể diện, trong khi người Mỹ khen ngợi là để khuyến khích chất lượng hoạt động.

Loại ngôn từ được sử dụng để ca ngợi giữa các nền văn hóa cũng khác nhau. Những từ ở mức so sánh cao nhất như “tuyệt vời”, “làm quá tốt”, “thành tựu xuất sắc” được thể hiện quá thường xuyên sẽ khiến người châu Á thấy rỗng tuếch.

8. Học hỏi qua công việc

Học hỏi, và học hỏi không ngừng. Đây là một trong những giá trị quan trọng nhất ở Nhật Bản từ xưa đến nay.

Giống như ở nhiều nơi trên thế giới, giáo viên được coi trọng và tôn vinh rất lâu sau khi các lứa học sinh của họ trưởng thành và đi theo con đường riêng.

Phương pháp học tập là điểm tiết lộ nhiều về văn hóa và mối quan hệ giữa các nền văn hóa.

Nhà nhân chủng học Edward T.Hall phân biệt 3 loại hình học tập: chính thống, kỹ thuật và không chính thống. Ở Nhật Bản, mỗi loại đóng một vai trò quan trọng trong công sở và phòng thí nghiệm, cũng như trong lớp học.

Phương pháp học tập chính thống bao gồm giáo viên và học sinh. Ở công sở, giáo viên có thể là người giám sát hoặc một đồng nghiệp có nhiều kinh nghiệm hơn.

Khi ai đó lần đầu học tập trong mối quan hệ chính thống, việc người học đặt ra câu hỏi về những vấn đề chưa thực sự hiểu rõ được cho là phù hợp, thậm chí được mong đợi. (Tuy nhiên, không nên lặp lại cùng một câu hỏi quá nhiều lần).

Ở các công ty của Nhật Bản, năm đầu tiên làm việc của nhân viên là thời gian phù hợp để đưa ra các câu hỏi.

Phương pháp học tập chính thống đạt hiệu quả khi mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh được thiết lập rõ ràng.

Phương pháp kỹ thuật cũng hướng tới cách thức đúng đắn hoặc cách tốt nhất để làm điều gì đó, nhưng ở dạng thức không cần tới sự có mặt của một giáo viên trực tiếp giảng dạy.

Giọng nói mô phỏng một ngoại ngữ mà ai đó đang học là một ví dụ về phương pháp học “kỹ thuật”. Càng ngày người ta càng học theo hình thức khách quan này nhiều hơn.

Khi tập làm quen với phong cách làm việc ở một nền văn hóa khác, phương pháp học phi chính thống là hình thức quan trọng nhất. Đây là hình thức học thông qua quan sát và thử sai.

Quan sát là bí quyết của phương pháp học không chính thống. Người được đánh giá cao là người tiếp thu một cách nhanh chóng. “Sasshi ga hayai” là lời khen ngợi ở Nhật.

Ngày làm việc của người Nhật không kết thúc lúc 5 giờ chiều. Thông thường mọi người ở lại văn phòng cho đến buổi tối, và đây là khoảng thời gian họ cảm thấy thoải mái nhất. Thời điểm này trở thành thời gian dành cho việc học phi chính thống – cách thức đã được chứng minh hiệu quả nhất đối với những người nước ngoài hay người mới tham gia vào một tổ chức ở Nhật. Đó là lúc họ có thể tìm hiểu về mọi người và tổ chức theo cách không thể thực hiện trong thời gian làm việc chính thức.

Đặt câu hỏi là một phần trong phương thức học chính thống; học tập thông qua việc đặt câu hỏi là một phần của hình thức học phi chính thống. Tuy nhiên, Hall đã khuyên những ai tới làm việc ở Nhật là cố gắng tìm ra phương pháp vận hành của sự việc bằng cách quan sát, bởi lẽ không ai có thể trả lời câu hỏi cho bạn, vì họ chỉ là một phần trong cả chuỗi vận hành.

Có một lý do khác cho việc không đặt những loại câu hỏi nhất định. Giáo sư Kichiro Hayashi khuyên những ai tới Nhật làm việc không nên đặt câu hỏi, bởi vì ở Nhật, sự chú tâm tới mọi việc có thể quan trọng hơn phát ngôn.

Khả năng cảm nhận được tâm trạng, chú ý tới dáng vẻ và thái độ của người khác, và nhận thức được chuyện gì đang diễn ra, khả năng liên tục kiểm tra, xác nhận, hoặc thay đổi ấn tượng của mọi người được đánh giá cao ở Nhật.

9. Hòa hợp với nhịp điệu của năm

Văn hóa làm việc của người Nhật chú trọng tới sự bắt đầu và kết thúc của năm. Ngày làm việc đầu tiên của năm thường yêu cầu sự chú ý đặc biệt tới cách ăn mặc và có thể có bài phát biểu của cán bộ công ty. Ngày làm việc cuối cùng của năm thường là ngày nhân viên dọn dẹp sạch sẽ văn phòng, khu vực làm việc trước khi về nghỉ năm mới.

Ngày đầu năm mới là ngày đầu tiên của tháng Một. Nhưng năm làm việc mới của Nhật bắt đầu vào tháng Tư, cũng giống như năm học mới. Các nhân viên mới được tuyển dụng bắt đầu làm việc từ tháng Tư.

Kinh nghiệm làm việc của người tới Nhật bắt đầu từ tháng Tư sẽ rất khác với kinh nghiệm làm việc của người đến vào tháng Tám – thời điểm cường độ công việc chậm nhất trong năm.

Người nước ngoài tới Nhật làm việc cần chú ý và hòa nhập vào các ngày nghỉ lễ và sự kiện ở đây.

10. Bảy gợi ý khi làm việc ở Nhật Bản

1/ Hãy ghi nhớ điểm thu hút bạn đầu tiên ở Nhật Bản. Đó có thể là những điều không liên quan đến công việc, nhưng chúng có thể mang lại điểm kết nối. Hãy nghiêm túc theo đuổi những sở thích của bạn với những người cũng nghiêm túc, nhưng ở môi trường bên ngoài công sở.

2/ Duy trì học tiếng Nhật. Cảm giác bất ổn về khả năng ngôn ngữ là điều bình thường. Thời điểm giữa lúc chính thức kết thúc ngày làm việc và lúc mọi người ra về là khoảng thời gian có thể đề nghị được giúp đỡ trong việc học tiếng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy thái độ nghiêm túc của bạn, và có thể thể hiện sự cởi mở với mọi người để được họ khuyến khích và giúp đỡ.

3/ Tiếng Anh được sử dụng ở đây. Giúp đỡ đồng nghiệp về tiếng Anh thường là một phần trong những vai trò công ty mong đợi đối với những nhân viên người nước ngoài.

4/ Nói về đồ ăn. Với những ai tới làm việc và sống ở Nhật, chủ đề ẩm thực là chủ đề tốt nhất để tham gia và thể hiện sự hiếu kỳ và trân trọng, cũng là thời điểm để học hỏi được nhiều điều và tạo các mối liên kết cá nhân.

5/ “Tôi để ý thấy trên truyền hình…”. Bất kỳ ai đến làm việc ở Nhật cũng được khuyên nên chú ý một chút tới mốt mới nhất – một xu hướng đang thịnh hành nhất. Phong độ của đội bóng chày yêu thích của địa phương, ca sĩ, diễn viên, thậm chí thần tượng tuổi teen – những thứ có thể thấy trên truyền hình – thể hiện bạn có nhận biết về những chuyện đang diễn ra bên ngoài công sở. Nó có thể trở thành đề tài dẫn đến một cuộc trò chuyện thú vị với người địa phương, đồng nghiệp.

6/ Có sổ ghi chép. Hầu hết những điều diễn ra trong một môi trường mới đều xứng đáng được ghi chú lại, cho dù dưới dạng thức nào.

7/ Kết bạn. Những điều bạn có thể học hỏi được khi nói chuyện với bạn bè nhiều hơn bất kỳ khóa học nào. Không phải thông tin kỹ thuật hay thông tin được chuyên biệt hóa trong công sở, mà giao tiếp và mối quan hệ mới là những điều quan trọng đặc biệt.

Một số thuật ngữ hữu dụng cần biết khi tới Nhật làm việc:

Hội họp

Chõrei (triều lễ): Một số công ty sáng nào cũng họp chõrei, trong khi các công ty khác lại thực hiện vào thứ Hai hằng tuần. Tất cả nhân viên trong phòng hay một bộ phận lớn hơn sẽ tập hợp lại và họp ngắn về những thông báo chung.

Kaigi (họp chính thức): Kaigi ở Nhật nổi tiếng vì kéo dài vài giờ đồng hồ. Jũyaku kaigi là cuộc họp lãnh đạo.

Mitingu (họp mặt): Người Nhật mượn từ trong tiếng Anh. Từ này có thể được sử dụng thay cho kaigi hay uchiawase, mũting nghe thân mật hơn kaigi.

Uchiawase: Kiểu họp mặt này là để lên kế hoạch thực tế hay chia sẻ thông tin. Từ này có thể được sử dụng cho cả các cuộc họp trong công ty và với đối tác kinh doanh.

Chức danh và mối quan hệ

Shachõ: Chủ tịch công ty.

Buchõ: Giám đốc bộ phận.

Kachõ: Trưởng phòng.

Kakarichõ: Trưởng bộ phận.

Shinnyũ-shain / Shinjin: Nhân viên mới tuyển, thường là những người mới ra trường.

Jõchi và buka: Jõchi là người giám sát, buka là cấp dưới.

Senpai và kõhai: Trong bối cảnh công việc, một senpai là người vào công ty trước bạn và/hoặc có nhiều kinh nghiệm hơn; kõhai là người vào công ty sau bạn và thường trẻ hơn bạn.

Dõkisei/dõki: Trong bối cảnh công việc, những nhân viên bắt đầu cùng một lúc ở cùng một công ty.

Torihiki-saki: Những công ty khác nhau làm ăn với công ty của bạn. Đôi khi một công ty như thế còn được gọi là Torihikisaki-san, như thể là một người vậy.

Kiểu nhân viên

Shain: Nhân viên công ty.

Sai-shain: Nhân viên toàn thời gian. Theo truyền thống, địa vị sai-shain ở Nhật nghĩa là “nhân viên trọn đời”.

Keiyaku-shain: Nhân viên hợp đồng có thể được xếp vào hạng mục này. Keiyahu-shain được công ty tuyển trực tiếp hoặc được một công ty dịch vụ nhân sự gửi tới. Lương của họ được trả theo giờ và bảo hiểm hay các gói bồi thường của họ khác so với những người làm toàn thời gian.

Kenshũ-sei: Thực tập sinh. Trong các tổ chức của Nhật, ngay cả nếu kenshũ-sei được tuyển vào các vị trí toàn thời gian, thì mấy tháng đầu vẫn là “thời gian thử thách”. Vì thế, họ có thể được gọi là kenshũ-sei hoặc shinnyũ-shain / shinjin (nhân viên mới).

Arubaito (Albait): Nhân viên bán thời gian. Albait tương tự như keiyaku-shain, vì lương của họ được trả theo giờ. Tuy nhiên, lịch làm việc của albeit kém ổn định hơn và thường ám chỉ một vị trí tạm thời. Các công việc bán thời gian cho sinh viên đại học được xếp vào dạng này.

O.L: Nhân viên nữ.

Các buổi tiệc nơi làm việc

Kangei-kai: Tiệc chào mừng.

Sõbetsu-kai: Tiệc chia tay.

Bõnen-kai: Tiệc cuối năm.

Shinnen-kai: Tiệc năm mới.

PHƯƠNG THANH tóm tắt
Lịch sử tư tưởng phương Đông Việt Nam học

Cẩm nang làm việc với người Nhật (phần 1)

“Văn hóa làm việc với người Nhật” là sự hướng dẫn tuyệt vời cho những người muốn hiểu được khác biệt giữa Nhật Bản với các nước phương Tây, và cách để giải quyết những khác biệt đó nhằm phát triển hoạt động trao đổi thông tin, cộng tác và hợp tác.

Về tác giả

John Condon là chuyên gia nổi tiếng về giao thoa văn hóa. Ông đã có thời gian sống và làm việc lâu dài với người Nhật.

Tomoko Matsumoto là giáo sư về truyền thông tại Đại học Nghiên cứu Quốc tế Kanda ở ngoại ô Tokyo.

Nội dung chính
Nguyên tác: With Respect to The Japanese
Người dịch: Thanh Huyền
Bản quyền tiếng Việt: Thái Hà Books

1. Tất cả những gì tôi cần biết, họ đã học ở trường mẫu giáo
Trong cuốn “Tất cả những gì tôi cần biết, tôi đã học ở trường mẫu giáo” – cuốn sách bán chạy nhất ở Mỹ vài năm trước, tác giả Robert Fulghum viết về kiến thức đơn giản khi học cách chia sẻ mọi thứ, nắm tay và đi sát nhau khi băng qua đường.

Hàng thập kỷ trước, khi cuốn sách thú vị của Fulghum ra đời, các nhà khoa học ở Nhật đã có một nghiên cứu về hành vi của trẻ em ở các trường mẫu giáo của Mỹ và các trường quốc tế so với hành vi của trẻ em trong các trường mẫu giáo ở Nhật Bản.

Các nhà nghiên cứu quan tâm đến tranh vẽ của bọn trẻ. Họ băn khoăn liệu khi nhận được cùng một chỉ dẫn, những đứa trẻ từ các nền văn hoá khác nhau có tạo nên các bức tranh khác nhau hay không.

Câu trả lời là có, rõ ràng đến nỗi gần như ai cũng có thể phân loại được bức nào là do bọn trẻ Nhật Bản vẽ và bức nào là của trẻ em Bắc Mỹ, Úc và châu Âu.

Đầu tiên là cách bố trí chỗ ngồi ở mỗi trường. Ở một số phòng học của Mỹ, có những chiếc bàn riêng. Ở tất cả các trường mẫu giáo của Nhật, trẻ em ngồi quanh những chiếc bàn, tạo thành các nhóm sáu hay tám bé.

Nguyên tắc của các giáo viên cũng khác nhau. Các giáo viên người Mỹ mời các vị khách “đi thẳng vào vấn đề và bảo các em họ muốn các em làm gì”. Ở các trường của Nhật, tất cả việc truyền đạt thông tin đều do giáo viên kiểm soát, họ chịu trách nhiệm và đóng vai trò cầu nối, thực hiện. “Hãy cho tôi biết các bạn muốn tôi nói gì với các em”, giáo viên Nhật sẽ nói như vậy.

Cách bọn trẻ bắt đầu và thực hiện hoạt động cũng khác biệt. Thường thì sau khi nhận được tờ giấy, một đứa trẻ người Mỹ sẽ bắt đầu vẽ ngay. Khi bức tranh đã hoàn thành, bọn trẻ sẽ giơ lên để thông báo hoặc sẽ mang lên bàn giáo viên.

Ở các trường của Nhật thì trẻ em đợi đến khi tất cả các tờ giấy đã được phát. Sau đó, ở mỗi bàn, các em nhìn nhau và nói chuyện một chút về những việc chúng chuẩn bị làm. Sau đó, từng bàn một, như thể có tín hiệu, tất cả các em bắt đầu vẽ. Trong suốt quá trình vẽ, bọn trẻ sẽ quay ra và xem những đứa khác đang làm gì. Những em hoàn thành trước tiên sẽ đợi đến khi các bạn khác xong, và khi tất cả đã hoàn thành thì các bức vẽ sẽ được thu lại.

Nếu bọn trẻ tỏ ra khó khăn khi vẽ ai đó trong gia đình, phản ứng của các giáo viên cũng khác nhau. Giáo viên người Nhật thường hỗ trợ đứa trẻ, cầm tay trẻ và điều khiến chiếc bút màu. Ở các trường của Mỹ, giáo viên khuyến khích các em với các từ như “Hãy cố gắng hết sức” hay “Trong tranh là bố của em đấy, em hãy cố vẽ theo cách mà em nhìn thấy bố em nhé”.

Cuối cùng, trình tự mà các thành viên gia đình được vẽ ra cũng khác nhau đáng kể. Với trẻ em Nhật, trình tự thường bắt đầu từ bố, me, rồi đến anh chị. Đứa trẻ sẽ vẽ mình tiếp theo, và nếu vẫn còn em nhỏ hơn, các bé sẽ vẽ cuối cùng.

Với trẻ em Mỹ và các em từ các nước khác, trình tự có vẽ như ngẫu nhiên hơn nhiều. Xu hướng đáng chú ý duy nhất là một số trẻ em Mỹ sẽ vẽ mình đầu tiên.

Tôi hay chúng ta?
Bằng vô số cách, cả hiển nhiên và tinh tế, người Nhật Bản được khuyến khích trước tiên tới quan hệ của họ với người khác. “Chúng ta” trước “tôi”. “Chúng ta” theo nghĩa gia đình, mái trường, đất nước, hay đơn giản là những người đang cùng trò chuyện trong phòng. Một cá nhân không bao giờ hoàn toàn độc lập, mà luôn phải có ý thức về những người khác.

Với nhiều người từ các nền văn hoá khác, cá nhân, chứ không phải nhóm, mới là căn bản.

Đây không đơn giản chỉ là những khác biệt văn hoá thú vị. Chúng chính là những vấn đề về cảm xúc. Một vị khách có thể phiền lòng nếu một người Nhật thể hiện quan điểm mở đầu bằng cụm từ “Người Nhật chúng tôi” (Wareware Nihonjin). Người Mỹ thì sẽ yêu cầu “Hãy cho tôi biết luôn quan điểm của anh đi”.

Tương tự, người Nhật cũng thấy một số biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ thật bất lịch sự và khó gần. Người Mỹ thường có xu hướng nói theo kiểu “theo ý kiến của tôi”, “tôi nghĩ là…”, để vừa thể hiện tính cá nhân đồng thời thận trọng về việc nói thay ý kiến người khác. Tuy nhiên, điều đó có thể tạo ấn tượng tự cao tự đại.

Trớ trêu thay, cả hai cách đều nhằm mục đích thể hiện sự khiêm tốn: Nói “chúng tôi” có thể là một cách để hạ thấp quan điểm của cá nhân xuống, còn nói “theo cách nhìn của tôi” thì có thể là một cach để chỉ rằng người đó không có ý nói thay cho người khác.

Ở Nhật, lòng trung thành dành cho trường học tồn tại rất lâu, và khi một người tham gia vào một tổ chức, như công ty chẳng hạn, thì thường sẽ là sự gắn bó lâu dài. Chuyển từ trường này sang trường khác hay công ty này sang công ty khác rất hiếm thấy trước khi bong bóng kinh tế vỡ vào những năm 1990, và đến bây giờ vẫn rất ít.

Ở Nhật, thay đổi không được khuyến khích, vì người chen ngang sẽ không thể tích luỹ được những kinh nghiệm chung với những người đã ở cùng nhau một thời gian dài. Thay đổi từ trường này qua trường khác hay từ công ty này sang công ty khác được coi là gián đoạn; việc đó không đóng góp gì cho sự hoà hợp của nhóm.

Thông lệ tuyển dụng
Nhân viên Nhật Bản thường được tuyển dụng theo nhóm hay “lớp”, mỗi năm một lần, rất giống sinh viên nhập trường. Dù hoạt động có thể khác nhau, họ đều làm việc cùng nhau, ăn cùng nhau và một số người có thể sống cùng nhau trong khu ký túc xá của công ty. Do đó, khả năng sống hoà thuận với những người khác là một tiêu chí quan trọng để được tuyển dụng.

Ra quyết định
Trong phần lớn các trường hợp, người Nhật thích đưa ra quyết định dựa trên sự đồng lòng hơn là theo biểu quyết. Mọi người nên bàn bạc cho tới khi đạt được thoả thuận nào đó. Nếu có vẻ như không thể thống nhất, thì tốt nhất là hoãn việc ra quyết định lại.

2. Trật tự xã hội
Nhiều người nước ngoài tới làm việc ở Nhật cho rằng người Nhật ý thức thái quá về địa vị của người này với người khác, đặc biệt là tuổi tác và thâm niên.

Trật tự tôn kính ở Nhật là: 1/ Người trẻ hơn nghe theo người lớn tuổi hơn; 2/ Trong một tổ chức, sự tôn trọng được dành cho người có thâm niên nhiều hơn; 3/ Khi chào, những người đang muốn được ưu ái thì cúi thấp hơn (ví dụ người bán hàng cúi đầu trước khách hàng).

Tuy nhiên, lớn hơn không có nghĩa là muốn làm gì thì làm. Anh hay chị có trách nhiệm đặc biệt với cha mẹ và các em. Lớn hơn không nhất thiết là vị trí đáng ganh tỵ. Người nhỏ hơn có thể phụ thuộc và dựa vào sự hỗ trợ của người lớn hơn, hình thức này cũng đúng với các lứa tuổi khác nhau khi học cùng một trường.

Đây là mối gắn kết tiền bối – hậu bối (senpal – kohai), nó còn tiếp tục rất lâu sau thời kỳ đại học và mở rộng sang thế giới công việc, ở đó, các cựu sinh viên tìm kiếm và trao đi sự ưu ái với nhau vì mối gắn kết vì – chứ không phải bất chấp – khác biệt tuổi tác của họ.

Trong một tổ chức, một người trẻ có thể có khả năng tốt hơn người lớn tuổi, và có thể những người khác cũng nhận ra điều đó mà không cần thể hiện ra ngoài, nhưng người trẻ hơn sẽ vẫn thể hiện sự tôn kính với người nhiều tuổi hơn.

Trong các cuộc gặp xuyên văn hoá, mọi thứ có thể bị xáo trộn. Sự lúng túng sẽ giảm đi nếu cả hai chuyện trò bằng tiếng Anh, thứ ngôn ngữ ít đòi hỏi phải điều chỉnh cẩn thận để phù hợp với mỗi tình huống xã hội hơn là tiếng Nhật.

Senpai và Kohai
Ba từ để mô tả các mối quan hệ cực kỳ quan trọng ở Nhật là senpai, kohai và doki. Senpai chỉ một người là tiền bối của người khác và kohai chỉ người ở địa vị thấp hơn trong tổ chức, doki chỉ những người trong nhóm gia nhập tổ chức cùng một lúc.

Tôn trọng theo tuổi tác, thâm niên và chú ý tới thứ bậc trên dưới của tổ chức xuất hiện trong giao tiếp hàng ngày ở Nhật.

Ở công sở, những người mới được tuyển thường chỉ thực thi những công việc lặt vặt, thường là trong cả năm đầu tiên. Trong năm đầu này, họ dỡ đồ, phát thư trong nội bộ, đến văn phòng sớm hơn những người khác để sắp xếp tài liệu, thậm chí là lau dọn văn phòng.

Mối quan hệ senpai – kohai tương tự như quan hệ cha mẹ – con cái, rất hiển nhiên trong các tổ chức ở Nhật Bản. Kohai có thể mong chờ ở vị senpai của mình sự bảo đảm và giúp đỡ, thậm chí đôi khi cả sự bảo vệ che chở nữa, cũng như một người chờ đợi những hỗ trợ về tinh thần của cha mẹ khi cần.

Doki, theo nghĩa đen là “cùng kỳ”. Các doki được cử về các bộ phận khác nhau và rồi được thuyên chuyển từ bộ phận này sang bộ phận khác trong những năm đầu ở công ty, nên mạng lưới doki của một người sẽ nhanh chóng được mở rộng trong tổ chức. Dù không xuất hiện trong bất cứ sơ đồ tổ chức chính thức nào, nhưng mạng lưới doki là sức mạnh chính trong sự bền chặt và đoàn kết của các tổ chức Nhật Bản.

Mong muốn hoà nhập
Vì chắc chắn sẽ gặp khó khăn với tiếng Nhật, nên những người mới đến thường cần có ai đó giúp đỡ. Hầu hết các đồng nghiệp người Nhật không thể giúp đỡ được gì nhiều, nhưng có ai để đặt câu hỏi bằng tiếng Anh sẽ giúp giảm đáng kể cảm giác lo lắng của một người nước ngoài làm việc trong một tổ chức Nhật Bản. Những người này tình nguyện giúp đỡ các thực tập sinh.

Thường thì một người không lớn lên ở Nhật cần phải chủ động đề nghị được giúp đỡ và phát triển mối quan hệ với những người có thể giúp.

Cách thức vận hành: Xin phép
Một phụ nữ người Mỹ miêu tả kinh nghiệm khi làm việc tại một công ty ở Tokyo của mình: “Tôi được yêu cầu dọn sạch một trong những phòng làm việc mà nhóm tôi sử dụng. Nhưng mệnh lệnh này đầu tiên xuất phát từ shocho (giám đốc) của tôi, giám đốc nói với nhóm trưởng của tôi, nhóm trưởng nói với sếp thường trực của tôi, sếp thường trực sau đó nói lại với tôi. Ở đây không có chuyện làm việc trực tiếp với bất cứ ai”.

Với người Mỹ, điều này có vẻ “thiếu hiệu quả”. Nhưng trở lại câu chuyện trong lớp học mẫu giáo, khi giáo viên đóng vai trò là người đứng giữa trẻ em trong lớp với những người đến thăm và đề nghị những người khách nói mong muốn của họ với các em cho cô, cô đang thực hiện vai trò trung gian của mình, nếu không, buổi tiếp xúc có thể trở nên khó xử, bối rối, theo quan niệm của người Nhật.

Trong một tổ chức của Nhật, nhận thức về người có trách nhiệm luôn thường trực trong đầu. Đôi khi, trách nhiệm rơi chủ yếu vào người phụ trách (tantosha), nhưng trách nhiệm cũng tăng lên theo vị trí cao hơn trong mạng lưới tổ chức.

Ở Nhật, người ta không hay nghe thấy câu “đó không phải trách nhiệm của tôi”.
Các vấn đề giới tính
Ở mọi cấp độ danh tính cá nhân và mối quan hệ, giới tính là một vấn đề quan trọng cần lưu tâm.

Những người nước ngoài khi đến làm việc tại Nhật nên thận trọng khi đưa ra giả định về đồng nghiệp và những mối quan hệ với đồng nghiệp chỉ dựa trên cơ sở giới tính. Một kỹ sư người Mỹ đến làm việc ở Nhật đã kỳ vọng rằng, hầu hết phụ nữ ở phòng thí nghiệm sẽ là trợ lý hay chủ yếu là thư ký.

Thật ngạc nhiên, người đứng đầu bộ phận và giám sát anh là một phụ nữ, có bằng tiến sĩ khoa học và nhiều năm kinh nghiệm chuyên môn. Tuy nhiên, anh vẫn thấy nhiều phụ nữ anh quen biết có nền tảng học vấn ngang với anh làm những công việc sơ đẳng hơn, và anh kết luận rằng điều này phản ánh một sự thiên lệch giới tính trong tổ chức và người giám sát của anh là một ngoại lệ.

Mất vài tháng anh mới dần hiểu được rằng, những người phụ nữ mà anh cảm thấy là bị chỉ định cho những công việc ít thử thách hơn vì họ là phụ nữ, thực ra đều là những người mới được tuyển dụng, những chuyên viên nghiên cứu sơ cấp, cả nam giới và nữ giới đều phải làm. Điều anh quy cho giới tính trên thực tế là nhiệm vụ do họ còn thiếu thâm niên trong tổ chức.

Theo truyền thống và cho tới ngày nay, trong gia đình, người phụ nữ quản lý về tài chính cũng như những vấn đề học hành của con cái và những trách nhiệm truyền thống khác. Phụ nữ với trình độ giáo dục ngang với bạn học nam vẫn giành được những công việc tương đương trong các công ty.

Nếu một phụ nữ kết hôn và sinh con, cô ấy có thể rời công ty một vài năm, tuy nhiên khi trở lại công ty, họ không có thâm niên như những nam giới có cùng xuất phát điểm.

Ở Nhật, có những lúc không hề có sự phân biệt giới tính, đó là khi thực hiện các dự án. Không hiếm thấy một quản lý dự án là nữ, giám sát một đội đông đảo nam giới. Nhưng trong giờ ăn trưa ở nơi làm việc, thường nam giới và phụ nữ sẽ ngồi ở những khu vực riêng trong phòng ăn.

Một phụ nữ Mỹ kể về kinh nghiệm làm việc ở Nhật của cô rằng, việc cô đi ra ngoài với sếp và nói chuyện về mục đích và kế hoạch tương lai, thậm chí cả những vấn đề cá nhân, không có gì là bất thường cả. “Tình huống đó ở Mỹ có thể sẽ bị nhìn nhận sai lệch – rằng có thể cô ta đang định làm gì đấy sau lưng ai đó hay đang ngoại tình”, cô cho biết.

Nhiều phụ nữ trẻ Nhật coi việc kết hôn và sinh con là điều cốt yếu mà họ trân trọng, khát khao và mong mỏi. Những người khát lại đặt nặng sự thoả mãn bản thân và cống hiến cho xã hội qua những thành tựu trong nghề nghiệp. Nhiều người muốn có cả hai, đồng thời hoặc tuần tự.

3. Gặp nhau
Bầu không khí
Không khí hay bầu không khí cảm xúc, tuy mơ hồ nhưng lại là những cảm giác rất mãnh liệt – chúng là trọng tâm trong bối cảnh các mối quan hệ và giao tiếp giữa người với người ở Nhật.

Để “hiểu được bầu không khí” và cảm nhận người khác đang nghĩ hay cảm thấy gì mà không cần hỏi là cả một nghệ thuật, một dấu hiệu cho thấy sự chín chắn, và một phẩm chất quan trọng trong lãnh đạo và quản lý.

Điều quan trọng ở Nhật là giá trị của việc “hiểu được bầu không khí”, và không phải lúc nào cũng cần hay muốn mọi chuyện được “nói rõ ra”

Nếu một buổi họp được triệu tập để xem xét một quyết định quan trọng, người quản lý hay người chịu trách nhiệm có thể hoãn ra quyết định nếu “bầu không khí” thể hiện rằng tốt hơn là nên đợi đến sau này, khi việc đi đến sự đồng thuận được dễ dàng hơn.

K.Y (kuki ga yomenai) là từ tiếng lóng ở Nhật, ám chỉ những người không hiểu được bầu không khí. K.Y cũng miêu tả cảm giác của rất nhiều người phương Tây tới làm việc ở Nhật.

Địa điểm
Địa điểm thường là một yếu tố cơ bản trong giao tiếp ở Nhật, nhiều đến nỗi người ta thay đổi địa điểm và thời gian để có được cuộc trò chuyện mà họ muốn.

Một vị quản lý ngân hàng người Úc từng tới Nhật, mô tả cảm giác hoang mang khi các đồng nghiệp Nhật cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định nên gặp nhau ở nhà hàng nào trong buổi họp vào bữa tối. “Tôi đã nghĩ chủ yếu là vấn đề thuận tiện, thực đơn và giá cả. Nhưng những điều này có vẻ mới chỉ là những điều tối thiểu”, ông nói.

Nguyên tắc về việc coi địa điểm là bối cảnh để diễn giải lời nói cũng như thúc đẩy hay chế ngự những điều có thể được nói ra là những đặc trưng giao tiếp không thể xem nhẹ ở Nhật.

“Ở Mỹ, lời nói là cách để giao tiếp; ở Nhật, lời nói là một cách để giao tiếp” – nhà nhân loại học Masao Kunihiro giúp chúng ta giải thích cách lý giải ngôn từ, và những điều có thể còn quan trọng hơn cả chính lời nói.

Khi từ ngữ quan trọng hơn ngữ cảnh, thì các điều khoản của hợp đồng thường có xu hướng cố định và cứng nhắc.

Trong một khảo sát ở Nhật, câu hỏi được đưa ra là nếu hợp đồng đã được ký, nhưng sau một khoảng thời gian thì việc đáp ứng các điều khoản là không thể, vì các điều kiện đã thay đổi, thì nên làm gì. Chưa tới một phần tư những người được khảo sát trả lời rằng “hợp đồng là hợp đồng”, và người ta nên cảm thấy bị ràng buộc bởi các điều khoản đó. Hai phần ba đưa ra lựa chọn khác – bàn bạc với bên kia và xem có thể điều chỉnh được những gì.

“Với người thông thái thì chỉ một từ là đủ” là câu được nói ở phương Tây, nhưng lại vang dội ở Nhật.

Khi một người Nhật được một công ty Nhật tuyển dụng, họ có thể sẽ không nhận được một bản miêu tả công việc chính xác; nhân viên mới có thể thậm chí không biết lương và phúc lợi của họ sẽ thế nào, một tình thế mà không mấy người phương Tây cảm thấy thoải mái. Người phương Tây muốn lời hứa phải được nói rõ ràng. Người Nhật đặt lòng tin nhiều hơn vào những vấn đề khác – uy tín của công ty hay người đã tiến cử ứng viên.

Các tiêu chuẩn kép
Giao tiếp ở Nhật đánh giá cao sự nhạy bén đối với các tình huống, với việc làm hoặc nói những gì phù hợp trong một tình huống cụ thể. Người Nhật không mong muốn tất cả mọi người phải được đối xử cùng một cách trong tất cả các tình huống, họ cũng không nghĩ rằng sẽ là khôn ngoan nếu lúc nào cũng nói ra điều mình tin tưởng.

“Theo từng trường hợp” là một thành ngữ thường được sử dụng ở Nhật.

Tatemae và Honne
Nhiều người nghiên cứu về nước Nhật đã nghe đến thuật ngữ tiếng Nhật tatemae và honne dùng để mô tả hai tiêu chuẩn cùng tồn tại song song không mâu thuẫn.

Tatemae nghĩa đen là cấu trúc bên ngoài của một toà nhà – những biểu hiển ở bề mặt. Honne nghĩa đen là “tiếng nói thực sự”. Người Nhật cho rằng giữa những điều người ta nói và nghĩ có thể có sự khác biệt.

Người Nhật thường xem xét hoàn cảnh mà vấn đề được bộc lộ, từ đó đánh giá xem bao nhiêu phản ánh là honne và bao nhiêu là tatemae. Ngữ cảnh là điều quan trọng bậc nhất.

Những người làm việc ở Nhật được khuyên phải luôn luôn xem xét hoàn cảnh mà điều gì đó được nói ra.

Người Nhật thể hiện sự tôn trọng và lòng biết ơn cùng sự lịch thiệp bằng cách nâng người kia lên, trong cả lời nói và hành động. Cả sự tôn kính nâng người khác lên và sự khiêm nhường hạ thấp mình đều là những nguyên tắc cơ bản trong mối quan hệ giữa người với người ở Nhật.

Người phương Tây cũng làm như người Nhật khi tán tụng, ca ngợi hay thể hiện sự quan tâm đến người kia, nhưng họ không sẵn sàng để trở nên lu mờ như những người bạn Nhật của họ.

Khi khách hàng cảm thấy mình không được người bán hàng cư xử nhã nhặn, hay khi cha mẹ cảm thấy họ không nhận được sự tôn trọng từ phía con cái, họ sẽ thấy phiền lòng hoặc cảm thấy bị tổn thương.

Văn hoá Mỹ lại không khuyến khích mọi người mong mỏi bất cứ cách đối xử đặc biệt nào mà không phải do họ đã “giành” được.

Người Nhật thường chuẩn bị kỹ cho các cuộc gặp mặt. Họ sẽ muốn biết ít nhất là đủ thông tin về người mà họ sẽ gặp lần đầu, để cư xử cho đúng mục đích, hơn là cố gắng tìm hiểu mối quan hệ vào lúc gặp mặt.

Do vậy, người Nhật thích sử dụng người trung gian để giới thiệu.
Người Nhật không thoải mái với “cuộc gọi lạnh lùng” từ những người muốn hợp tác trong công việc. Các doanh nhân tới một công ty Nhật mà không báo trước sẽ không bao giờ được ấn tượng tốt và chắc chắn là sẽ không được đón nhận một cách tốt đẹp. Công ty quả thật chưa sẵn sàng để tiếp nhận họ.

Các phong cách thương thảo
Tầm quan trọng của ngữ cảnh và kỳ vọng về việc có qua có lại đều là trọng tâm đối với các phong cách thương thảo ở Nhật, như được giải thích qua sự tách biệt giữa phong cách điều chỉnh (awase) và phong cách chọn lọc (erabi) của Kinhide Mushakoji – Phó hiệu trưởng và giảng viên quan hệ quốc tế của Đại học Liên Hiệp Quốc.

Phong cách erabi dành cho người thích lựa chọn, gắn với các nhà thương thảo người Mỹ.

Phong cách awase đặc trưng bởi các điều chỉnh liên tiếp trong một môi trường liên tục thay đổi. Nhà thương thảo phong cách awase có thể không có mục tiêu cố định trong đầu cho tới sau khi tham gia vào các cuộc thảo luận và cảm thấy những điều khả thi trong tình huống.

Khi người phương Tây và người Nhật thương thảo, ngay từ ban đầu có thể sẽ có những xung đột trong các hiệp ước. Một phía có thể sẽ muốn đưa ra các đề nghị ngay lập tức, muốn “đặt các quân bài của mình lên bàn”. Người Nhật có lẽ không sẵn sàng làm như vậy, họ muốn dành nhiều thời gian hơn để trong lúc đó dần hiểu bên kia rõ hơn, nhằm nhận thấy điều gì có thể sẽ có hiệu quả.

Nếu một bên muốn có các hợp đồng chi tiết và chặt chẽ trong khi phía Nhật lại thích một tài liệu ít chính xác hơn đóng vai trò như một biểu tượng cho sự nỗ lực hợp tác của hai bên, thì có thể sẽ nảy sinh vấn đề. Phía Nhật có thể tiếp tục đàm phán về các biệt đãi sau khi hợp đồng được ký, một vị thế mà những người đã quen với phong cách erabi coi là không phù hợp.

4. Giao tiếp hàng ngày
Dù thời trang thay đổi năm này qua năm khác, và ở Nhật khác nhau một chút ở các vùng, nhưng hai đặc điểm bất biến của phục trang và diện mạo bên ngoài là gọn gàng và sạch sẽ.

Ta nên lưu ý rằng ăn mặc phù hợp mới chỉ là điều bận tâm đầu tiên. Cách cư xử thậm chí còn quan trọng hơn.

Một nghiên cứu về các cuộc phỏng vấn xin việc cho thấy những khác biệt giữa sinh viên Nhật và sinh viên Mỹ thành thạo tiếng Nhật. Một vài sinh viên Mỹ bắt chéo chân trong khi phỏng vấn, trong khi không sinh viên Nhật nào làm như vậy. Ở Nhật, bắt chéo chân trước mặt của ai đó lớn tuổi hơn hay ở địa vị cao hơn mình bị coi là bất lịch sự.

Với những người từ nước ngoài tới Nhật làm việc, lời khuyên là bắt đầu bằng cách ăn mặc cẩn trọng, quan sát xem những người khác mặc gì rồi điều chỉnh theo.

Giao tiếp ở Nhật chuộng “đi đường vòng”. Một phiên dịch viên chuyên nghiệp người Nhật nói rằng: “Lối nói gián tiếp kiểu Nhật là một phần cách sống của chúng tôi. Không phải vì chúng tôi là những người tử tế và ân cần đến nỗi lo lắng về phản ứng của người khác. Chỉ là chúng tôi biết định mệnh và số phận của chúng tôi lúc nào cũng gắn với người khác”.

Ở nơi mà một người là một phần của nhóm – gia đình hay công ty – cũng có thể có sự thẳng thắn khiến người ngoài phải choáng váng. Các vị sếp có thể đi thẳng vào vấn đề, mà theo tiêu chuẩn của phương Tây, điều dó có vẻ tàn khốc.

Khi hy vọng gặp ai đó lần đầu và đôi lúc, khi truyền đạt một thông tin khó khăn và tế nhị, người Nhật thấy rằng sử dụng bên thứ ba, hay người trung gian, có thể là cách hiệu quả nhất.

Tuy nhiên, có một “bên thứ ba” mà người Nhật ít dùng hơn so với các xã hội hiện đại khác: luật sư. Thực tế, vai trò của luật sư một phần là để giúp làm rõ và giảm những điều mơ hồ bằng cách chuyển các thông tin thành dạng văn bản, với thứ ngôn ngữ khiến mọi vấn đề trở nên rõ ràng với cả hai phía. Các hợp đồng của Mỹ thường rất nhiều chi tiết và đưa ra những thoả thuận, ý định và kết quả rõ ràng. Các hợp đồng của Nhật có vẻ chung chung và mơ hồ hơn.

Với quá trình toàn cầu hoá, sự có mặt và vai trò của luật sư đã tăng lên đáng kể ở Nhật, nhưng phần lớn là ở cấp độ công ty hay tổ chức khác. Nghĩa là người ta không hề nghĩ tới việc mâu thuẫn bình thường leo thang thành một thách thức pháp luật.

Người Nhật có cách chia buồn đúng, cách chào đón người trên đúng, cách đón năm mới đúng, cách mời nước và nhận quà đúng, từ chối một lời khen sao cho đúng… Tuy nhiên người Nhật không kỳ vọng người nước ngoài sẽ cố gắng hành động như họ.

Một nhà tư vấn kinh doanh người Nhật đưa ra lời khuyên: “Có nhiều việc bạn nên cố gắng làm cho đúng khi ở Nhật, nhưng người Nhật không kỳ vọng bạn làm mọi việc giống như cách họ làm. Bạn nên cố gắng biết điều gì người Nhật coi là cách thức phù hợp, và điều chỉnh theo”.

Các cách nói “không”
Người Nhật trong khi trò chuyện thường gật đầu hơn bất cứ xã hội nào, và tần suất hơn gấp đôi so với người Mỹ.

Người phương Tây không quen thuộc với Nhật Bản thường nhầm gật đồng với đồng ý, trong khi điều đó chỉ đơn giản là dấu hiệu cho thấy người đó đang lắng nghe. Một số người Nhật cho biết họ cảm thấy bất an khi nói chuyện với người không gật đầu.

Mặc dù hành vi gật đầu không có nghĩa là đồng ý, nhưng lại mang tính xác nhận, vì người Nhật rất ngại nói “không” trực tiếp trong giao tiếp xã giao.

Nhà nghiên cứu Keiko Ueda đã xác định được 16 cách khác nhau truyền đạt câu nói “không”, bao gồm đổi hướng câu chuyện, xin lỗi, nói “có” kèm theo điều kiện, và im lặng.

Khi trả lời câu hỏi về việc tìm thời gian gặp mặt, một người nói tiếng Anh có thể nói “Không, tôi không gặp bạn vào thứ Sáu được”, còn người Nhật sẽ nói “Như thế có thể hơi khó”.

Khi một nhà quản lý người Nhật trả lời một gợi ý hay một yêu cầu bằng một nhận xét kiểu như “Hừmmm, chuyện đó chắc sẽ khó đấy”, hay “Để tôi nghĩ về chuyện đó đã”, thì một người Nhật khác sẽ coi đó là dấu hiệu tương đối mạnh rằng câu trả lời là “không”.

Hầu như người Mỹ nào cũng quen với câu “im lặng là vàng”, nhưng ít ai biết đến nó ở dạng quen thuộc ở Nhật: “Nói là bạc, nhưng im lặng là vàng”.

Quả thật, có rất nhiều câu tục ngữ Nhật thể hiện sự hoài nghi với lời nói và đánh giá cao sự im lặng. “Thùng rỗng kêu to” là một câu được ưa thích. Trong giao tiếp, nói quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu của sự thiếu chín chắn hoặc một dạng đầu rỗng.

Người Mỹ thường tin rằng nếu có điều gì đó chưa được nói thành lời thì nó chưa được truyền đạt, và nếu ai đó có gì đó để nói thì họ nên nói ra.

Người Nhật và người Mỹ thường khiến nhau bối rối do cách họ nói chuyện và đối xử với sự im lặng. Một người Mỹ hỏi người Nhật một câu và có một khoảng lặng trước khi người Nhật trả lời. Nếu câu hỏi là tương đối trực tiếp thì khoảng lặng thậm chí có thể còn dài hơn, vì người Nhật cân nhắc sao cho tránh được câu trả lời trực tiếp.

Tuy nhiên, người Mỹ có thể cho rằng khoảng lặng đó là do câu hỏi chưa được hiểu rõ, và sẽ nhắc lại cho rõ hơn. Việc diễn đạt thêm bằng lời nói chắc chắn chỉ khiến tình huống khó xử hơn cho người Nhật.

Ở Nhật, “mạnh dạn lên tiếng” có thể trở thành công kích.
Một người Nhật đã học ở Mỹ và từng sống vài năm ở Honolulu giải thích: “Nếu tôi nói với một người bạn Nhật rằng tôi vừa ở Los Angeles, bạn tôi sẽ hỏi tôi thấy những gì, tôi thích nơi đó không… Nhưng nếu tôi kể cho một người Mỹ câu chuyện tương tự, anh ta sẽ noi: “Ồ, Los Angeles hả! Tôi có một người anh họ sống ở Long Beach đấy. Tôi đã từng đến đấy. Tôi thích Los lắm và năm ngoái lúc tôi đi mua sắm ở đó…”. Thật khó chịu khi ai đó chuyển hướng câu chuyện sang nói về họ”.

Khiêm tốn là một đức hạnh, một thái độ lịch thiệp xã giao trong hầu hết các xã hội. Một người khoe mẽ, chỉ biết đến mình, thì dù ở Sydney hay Saporo cũng làm người khác chán. Người Nhật cũng như người phương Tây đánh giá cao người anh hùng gạt đi những lời khen tặng dành cho hành động của họ. Tuy nhiên, cũng có đôi chút khác biệt.

Khi một người Nhật đưa ra lời đề nghị với người khác, như tặng một món quà hay một bữa ăn mà người đó đã chuẩn bị, có những biểu hiện cố định cho sự khiêm nhường: “Chẳng có gì đâu” hay “Không có gì đặc biệt đâu”.

Đừng bao giờ đón nhận những lời xin lỗi theo giá trị bên ngoài. Người chủ xin lỗi khách rằng “Thật chẳng có gì đặc biệt để đãi anh cả” nhưng thật ra họ đã dành gần hai ngày để lên kế hoạch và chuẩn bị bữa ăn. Tất nhiên, khách nên phản đối sự phủ nhận đó.

Bởi mỗi người đều gắn bó chặt chẽ với gia đình, nên khen ngợi vợ chồng hay con cái cũng giống như ca ngợi chính mình, theo người Nhật. Sự ngần ngại ca ngợi công khai những phẩm chất tốt của gia đình là một lý do khiến người Nhật thấy lạ khi các doanh nhân phương Tây để ảnh của vợ chồng hay gia đình họ trên bàn ở văn phòng.

Khái niệm thể diện ở Nhật bắt nguồn chủ yếu từ tầm quan trọng mà các giá trị phương Tây dành cho một cá nhân.

Theo quan điểm của người Nhật, một người đối xử với người khác và được người khác đối xử lại có tầm quan trọng vô cùng lớn.

Điều người khác nghĩ về một người thực sự rất hệ trọng ở Nhật. Quan tâm tới những gì người khác nghĩ, quan trọng nhất là những người thiết lập nên nhóm, là giá trị cơ bản và lẽ đương nhiên ở Nhật. Ý thức này đôi khi dẫn tới việc sống như thể để gánh trách nhiệm thay cho người khác.

Ở Nhật, người ta sợ bị mất thể diện do gây ra lỗi lầm nhiều hơn rất nhiều so với việc bị ai đó cố tình sỉ nhục. Những người phương Tây làm việc gần với người Nhật một thời gian sẽ học được cách cẩn trọng trong cách họ đối xử với người khác, vì sợ xúc phạm tới họ.

Tuy nhiên, cũng có những vị sếp người Nhật rất thẳng thắn trong việc trách mắng một nhân viên trước mặt người khác. Dù ngày nay không còn thường xuyên thấy trong các tổ chức của Nhật, nhưng phong cách độc đoán này trong các nhóm vẫn tồn tại cùng mối quan tâm về thể diện.

Người Nhật cũng rất nỗ lực để giúp “bao che” cho người khác nhằm ngăn chặn hoặc “cứu” những tình huống có thể khiến bạn bè hay đồng nghiệp phải xấu hổ. Về khía cạnh này, mối quan tâm về “thể diện” có thể chiếm vị trí ưu tiên so với những mối quan tâm khác.

Một vị lãnh đạo người Nhật làm việc ở Tokyo gần bằng thời gian làm việc ở New York nói rằng, cô thấy rất thú vị với cách nói của người Mỹ, “da mỏng” nghĩa là “quá nhạy cảm với điều người khác nói”.

“Tôi nghĩ, những người Mỹ làm việc với người Nhật cần phải có “da mỏng hơn”, và người Nhật làm việc với người Mỹ – đặc biệt ở New York – cần phải trở nên “da dày hơn”, bởi vì ý nghĩa và hậu quả của những gì người khác nói về chúng ta hay về cách người khác đối xử với chúng ta ở mỗi quốc gia là khác nhau”, cô kết luận.

(Còn phần 2)

PHƯƠNG THANH tóm tắt
Lịch sử tư tưởng phương Đông Việt Nam học

MỘT VÀI KINH NGHIỆM CỦA NHẬT BẢN VÀ CON ĐƯỜNG HIỆN ĐẠI HÓA CỦA VIỆT NAM

MỘT VÀI KINH NGHIỆM CỦA NHẬT BẢN VÀ CON ĐƯỜNG

HIỆN ĐẠI HÓA CỦA VIỆT NAM

Võ Văn Sen

Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, ĐHQG-HCM

TÓM TẮT: Công cuộc hiện đại hoá nước Nhật từ Minh Trị Duy Tân trở đi đã được thực hiện thành công và để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho các nước đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá như nước ta. Bài nghiên cứu này đã phân tích ba kinh nghiệm lớn : thiết lập mô hình văn minh mới kết hợp “ Đông- Tây”, xây dựng một nhà nước mạnh, ngang tầm thời đại trong đó đảm bảo những người tài giỏi nhất phải thực sự là hạt nhân quản lý nhà nước; chủ động tiến công với một “phương án tác chiến” để giành thắng lợi, chú ý đến giáo dục và khoa học công nghệ.

SOME EXPERIENCES OF JAPAN AND THE PROCESS OF PRESENT – DAY VIETNAM’S MODERNIZATION

Vo Van Sen

University of Social Sciences and Humanities, VNU-HCM

ABSTRACT: As a result of Meiji emperor’s excellent strategy for development, Japan’s modernization has succeeded and it has become one of economic superpowers of the present- day world. From the historical viewpoint of its modernization, this article wants to examine some typical strategic experiences that are able to contribute to the development of Vietnam. It provides analysis of three typical experiences: establishing the new model of civilization; “military” strategy and methodology for economic, cultural, scientific, educational achievements; formation of strong nation-state with excellent governing elites. It also points out some possibilities for application of these experiences in present-day Vietnam’s modernization.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. [1].  Vĩnh Sính, Việt Nam và Nhật Bản Giao lưu văn hóa. NXB Văn Nghệ TP.HCM, 2001.
  2. [2].  Islamic World and Japan. Tokyo, 1978, tr.5.
  3. [3].  Tiêu Phong, Hai chủ nghĩa một trăm năm, NXB Thế giới Đương Đại (Trung Quốc), 2000, tr. 140-141. (Bản tiếng Việt)
  4. [4].  D.T. Suzuki, Thiền, NXB TP.HCM, 2000.

 

  1. [5].  V.A. Pronnikov, I.D. Ladanov, Người Nhật, NXB Tổng Hợp Hậu Giang, 1989. (Bản tiếng Việt)
  2. [6].  Di thảo số 55,Viện Khoa học Xã hội tại TP.HCM (Trung tâm Nghiên cứu Hán Nôm), Nguyễn Trường Tộ với vấn đề canh tân đất nước, NXB Đà Nẵng, 2000, tr.11-12.
  3. [7].  Đảng Cộng Sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp Hành Trung ương khóa VII, HN, 1993, tr. 4.
  4. [8].  Đảng Cộng Sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu tòan quốc lần thứ IX.NXB CTQG, HN, 2001, tr. 114.
  5. [9].  Pierre Antoine-Donnet, Nước Nhật mua cả thế giới, NXB Thông tin-Lý luận, HN, 1991, tr.29.
  6. [10].  Michaelis and Mc Keown, 20th Century Asia, NXB Mc Graw-Hill, 1969, tr. 362.
  7. [11].  Vũ Dũng, Sự giáo dục và tuyển chọn công chúc cao cấp ở Nhật Bản từ thời Minh Trị đến trước chiến tranh thế giới thứ II, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 12-1997, tr. 52,50, 48.
  8. [12].  Đảng Cộng Sản Việt Nam,Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. NXB CTQG,HN, 2001, tr. 215-219.
  9. [13].  James C. Abegglen, George Stak, Kaisha Công ty Nhật Bản, Viện KTTG (UBKHXHVN), HN, 1988, tập II, tr. 62-63.
  10. [14].  Hòang Xuân Long, Bí quyết thành công trong sự bắt chước công nghệ Nhật Bản, Tạpchí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số2 (38), 2002, tr.15-20.
  11. [15].  Nguyễn Điền, Nông nghiệp Nhật Bản- mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cao nhấtkhu vực châu Á, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản, số 2(26)-2000, tr.3-5.

A.I Sokolov, Nhật Bản, Kinh tế và giáo dục, Mockba, 1982, tr.63. V.A. Pronnikov, I.D.

w620h405f1c1-files-articles-2015-1088596-van-hoa-nhat-ban

http://www.vnulib.edu.vn:8000/dspace/bitstream/123456789/3513/1/sedev0915-01.pdf

Lịch sử tư tưởng phương Đông TUẦN 1: PHƯƠNG ĐÔNG VÀ PHƯƠNG TÂY Việt Nam học

PHƯƠNG ĐÔNG – PHƯƠNG TÂY : TỪ MỘT BÀI THƠ, SUY NGHĨ VỀ MỘT VẤN ĐỀ KHÔNG NHỎ

PHƯƠNG ĐÔNG – PHƯƠNG TÂY : TỪ MỘT BÀI THƠ,

SUY NGHĨ VỀ MỘT VẤN ĐỀ KHÔNG NHỎ

Nguyễn Văn Dân

Ngày nay, khi nói đến hai nền văn hoá phương Đông và phương Tây, nhiều nhà khoa học trên thế giới hay dẫn câu thơ nổi tiếng của nhà văn người Anh đầu tiên đoạt giải Nobel văn học cách đây đúng một thế kỷ (1907) R. Kipling: “Phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây, và hai bên sẽ chẳng thể bao giờ gặp nhau”. Người ta cho rằng phương Đông và phương Tây có những đặc thù riêng của chúng. Tuy nhiên, theo tôi, cái vế sau của câu thơ nói trên mới là điều đáng bàn: Có thật phương Đông và phương Tây không bao giờ gặp nhau không?

 

 

Về bài thơ của Kipling tôi sẽ bàn kỹ ở phần sau, trước hết tôi muốn nói rằng trên thế giới có rất nhiều tộc người sinh sống, cho nên sự khác biệt giữa các tộc người là điều hiển nhiên. Nhưng các tộc người không tồn tại biệt lập nhau, mà ngày càng tiếp xúc, giao lưu với nhau theo dòng lịch sử. Vì thế cái chung giữa các tộc người ngày càng được mở rộng. Sự hình thành và phát triển của cái chung đó được thực hiện nhờ có sự phát triển của văn hoá và văn minh nhân loại. Trong lịch sử hàng nghìn năm, do điều kiện cách biệt về chủng tộc và địa lý, giữa phương Đông và phương Tây đã hình thành những khác biệt không khó nhận ra. Nhưng lịch sử cũng chứng minh rằng giữa phương Đông và phương Tây không phải là có một sự cách biệt hoàn toàn. Nhiều học giả đã cho thấy rằng giữa hai bên đã có những mối giao lưu từ hàng nghìn năm nay. Đặc biệt là trong thời đại của toàn cầu hoá như ngày nay, khi mà thông tin và truyền thông đã làm cho khoảng cách về không gian và thời gian không còn có ý nghĩa gì nhiều, thì liệu cái vế sau trong câu thơ của Kipling có trở nên lỗi thời không? Thế nhưng cái vế đầu của câu nói “phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây” thì hình như vẫn mãi mãi ám ảnh suy nghĩ của nhiều học giả. Vậy cái gì đã làm thành sự khác biệt được cho là không thể vượt qua như thế?

Có một xu hướng chung cho rằng người phương Tây duy lý, còn người phương Đông duy cảm; người phương Tây hành xử nặng về lý, còn người phương Đông hành xử nặng về cảm tính, về tình. Nhưng tại sao lại có sự khác biệt lý-tình như vậy thì lại là một câu hỏi khó trả lời. Chẳng lẽ đó lại là sự quy định của chủng tộc? Điều này khó có thể chấp nhận, bởi lẽ chưa có một công trình nhân chủng học hoặc dân tộc học nào đưa ra được một kết quả thực nhiệm đủ sức thuyết phục về điều đó. Có nhiều người viện dẫn đến sự khác biệt giữa hai bán cầu đại não để lý giải sự khu biệt Đông-Tây. Nhưng người ta chưa chứng minh được rằng liệu có phải ở người phương Tây có sự phát triển mạnh bán cầu đại não trái – thiên về lý tính phân tích lôgic –, còn ở người phương Đông có sự phát triển mạnh bán cầu đại não phải – thiên về trực giác tổng hợp –, hay đây chỉ là hai chức năng bổ sung cho nhau trong cùng một bộ não của bất cứ một con người nào?

Cho đến nửa cuối thế kỷ XX, một số nhà khoa học Italia và Nhật Bản đã nghiên cứu so sánh phản ứng xúc cảm của người Nhật so với người Italia xuất hiện trong hai bán cầu đại não. Họ đã lần lượt tiêm thuốc gây tê vào động mạch chủ của từng bán cầu đại não của đối tượng thí nghiệm và thấy rằng: phản ứng xúc cảm xuất hiện trên hai bán cầu có khác nhau giữa người Italia và người Nhật. ở người Italia thì phản ứng xúc cảm xuất hiện trên bán cầu não phải (được họ gọi là bán cầu không mang tính trội). Còn ở người Nhật thì phản ứng xúc cảm xuất hiện trên bán cầu trái (mang tính trội).  Tuy nhiên họ không đưa ra kết luận gì về tính trội lý tính trong bộ não của người phương Tây và tính trội cảm tính của người phương Đông. Đây là một thí nghiệm rất đáng quan tâm. Nhưng nó vẫn đòi hỏi phải được tiếp tục một cách sâu rộng và có hệ thống thì mới có thể kết luận chính xác về sự khác biệt Đông-Tây này.

Mặt khác, khi nghiên cứu về tính trội ngôn ngữ trong hai bán cầu của người phương Tây và người Nhật, các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy rằng người Nhật tiếp nhận nguyên âm nhiều hơn trong bán cầu não trái, còn người phương Tây tiếp nhận nguyên âm nhiều trong bán cầu não phải, phụ âm thì ở bán cầu não trái. Tuy nhiên, theo hai nhà khoa học người Mỹ gốc Nhật Niseis và Sanseis, thì việc người Nhật tiếp nhận nổi trội nguyên âm trong bán cầu não trái không phải là do di truyền, mà là do môi trường sống đem lại cho họ.  Nhìn chung, đây là một vấn đề nan giải mà khoa học vẫn chưa có tiếng nói cuối cùng

Vì thế tạm thời chúng tôi đặt giả thiết cho rằng có lẽ sự khác biệt Đông-Tây nằm ẩn sâu trong truyền thống văn hoá và văn minh của hai khu vực lớn này (tức là “do môi trường đem lại”). Con người ban đầu sinh ra trong thiên nhiên bao la đầy những bí ẩn, thì hoạt động văn hoá đầu tiên của nó là nhận thức thiên nhiên. Tuy nhiên, khi văn minh phát triển, thì sự khác biệt giữa các dân tộc bắt đầu hình thành. Người phương Đông cổ xưa chủ yếu là có nền văn minh làng xã, họ không đặt mục đích chinh phục thiên nhiên mà dựa vào thiên nhiên, gửi gắm tình cảm vào thiên nhiên để tồn tại và lập ra những hương ước nặng về tình để đối nhân xử thế. Người phương Đông đề cao sức mạnh của cái thiên nhiên và cái siêu nhiên. Họ quan niệm con người phụ thuộc vào thiên nhiên và vào thế giới siêu nhiên. Người ta cho rằng con người phương Đông cổ xưa nhận thức thiên nhiên và thế giới chủ yếu bằng con đường trực giác,  tức là bằng tư duy cảm tính. Phải chăng mối quan hệ tình cảm có phần huyền bí giữa con người với thiên nhiên và với thế giới siêu nhiên là lý do chính tạo ra kiểu tư duy này? Y thuật, số thuật và chiêm tinh thuật của phương Đông thể hiện rõ ràng quan điểm này. Từ đó xuất hiện quan điểm tôn trọng gốc gác và là nguồn gốc của đạo đức học phương Đông tồn tại cho đến ngày nay. Người phương Đông đi xa vẫn khó quên gốc gác của mình. Người Do Thái, người Arập, người Hoa sống ở nước ngoài vẫn giữ gần như nguyên vẹn bản tính dân tộc. ở những nước văn minh canh nông phương Đông (ngoại trừ văn minh du mục), việc hình thành nhiều quốc gia từ một nguồn gốc dân tộc không phải là điều phổ biến.

Trong khi đó ở phương Tây, do nền văn minh đô thị phát triển sớm, người phương Tây đã sớm có ý thức cạnh tranh với cái thiên thiên và với cái siêu nhiên, chinh phục thiên nhiên và chinh phục thế giới để khẳng định sức mạnh của con người lý tính.
Thực ra nói về văn minh đô thị thì phải nói cái nôi đầu tiên của nó là nằm ở khu vực Lưỡng Hà (Tiểu á), bắt đầu từ nghìn năm thứ 8 trước CN. Nhưng sự phát triển về sau lại hướng về phía Tây. Còn ở vùng viễn Đông xa xôi, văn minh đô thị phát triển chậm hơn. Trong bối cảnh đó, nền y học phương Tây là một nền y học chủ yếu dựa vào khả năng lý tính chế tác của con người mà ít cầu viện đến thiên nhiên, không giống như y thuật phương Đông chủ yếu dựa vào chiêm nghiệm trực giác. Mặt khác, ý thức chinh phục thiên nhiên và giao thương phát triển sớm làm cho người phương Tây sẵn sàng rời xứ sở đi tìm miền đất mới để định cư. Tất nhiên việc mở mang bờ cõi thì ở cả phương Tây lẫn phương Đông đều diễn ra. Nhưng ở phương Tây, người bản quốc sau khi định cư ở miền đất mới thì sẵn sàng lập ra một quốc gia mới để khẳng định mình và cạnh tranh với bản quốc. Sau đêm dài trung cổ, người Tây Âu sau khi phát hiện ra châu Mỹ đã ồ ạt di cư sang miền Tân Thế giới này để lập ra một loạt quốc gia độc lập hẳn với chính quốc của họ. Quốc gia mới của người Anh trên lãnh thổ nước Mỹ ngày nay khác hẳn với nước Anh chính quốc. Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha ở Trung và Nam Mỹ cũng vậy.

Như nhiều nhà khoa học đã phát biểu, một trong những cội nguồn của văn hoá là tín ngưỡng. Chẳng hạn như nhà triết học người Nga (thuộc Liên Xô cũ) Alexander Spirkin đã giải nghĩa từ “cultura” trong tiếng Latin (nghĩa là “văn hoá”) bằng cách cho rằng nó có xuất xứ từ từ “colere” có nghĩa là “gieo trồng” và “thờ cúng”. Và ông cho rằng văn hoá của mọi dân tộc trong suốt quá trình lịch sử loài người đều thấm đậm chất tôn giáo ở một mức độ nào đó.  Ngày nay, tôn giáo không còn giữ được ý nghĩa và vai trò ban đầu của nó, nhưng cái chất tín ngưỡng tôn giáo thì vẫn tồn tại thấm đậm trong lối sống, trong ngôn ngữ giao tiếp hàng ngày của hầu hết các dân tộc. Mỗi khi thể hiện những tình cảm đặc biệt, chúng ta thường viện dẫn đến Thượng Đế. Lúc vui, lúc buồn, ta thường kêu “Trời”, cầu “Chúa”… Theo từ điển Wikipedia, từ “goodbye” [“tạm biệt”] trong tiếng Anh có nguồn gốc từ tập ngữ trong tiếng Anh cổ “God be with ye” [“Chúa phù hộ cho bạn”].

Mà hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của phương Đông và phương Tây lại có những sự khác nhau rất cơ bản. Cái tư tưởng tôn trọng gốc gác nơi đất mẹ thiên nhiên nói trên của người phương Đông đã dẫn đến một ý thức thuần phục gần như tuyệt đối đối với một tôn ti trật tự đã được thiết lập trong tôn giáo. Đạo Phật của phương Đông về cơ bản là nhất quán, thông suốt, hầu như không có những “kẻ phản nghịch”. Trong khi đó ở phương Tây, đạo Cơ Đốc luôn được sửa đổi, cải cách, thậm chí ly giáo. Ngay từ khi Cơ Đốc giáo mới ra đời, Chúa Jesus đã có kẻ tông đồ thứ 13 là Juda, được mệnh danh là kẻ “phản nghịch” đầu tiên. Trong lịch sử Cơ Đốc giáo, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều vụ ly giáo: vụ ly giáo Đông-Tây năm 867 giữa giáo trưởng thành Constantinople Photius với giáo hoàng Nicolas I ở Roma; vụ ly giáo Đông-Tây năm 1054 giữa giáo trưởng thành Constantinople Kerularios với giáo hoàng Leo IX; và đặc biệt là vụ ly giáo lớn ở châu Âu diễn ra từ 1378 đến 1417 giữa ba chế độ giáo hoàng: chế độ giáo hoàng ở Roma, chế độ giáo hoàng ở Avignon (Pháp) và chế độ giáo hoàng ở Pisa (Italia). Và đặc biệt là cuộc cải cách đạo Cơ Đốc của nhà thần học người Đức Martin Luther đầu thế kỷ XVI, dẫn đến sự ra đời của đạo Tin Lành. Tư tưởng phản nghịch thể hiện phổ biến trong Cơ Đốc giáo đến nỗi Nhà Thờ đã phải lập ra một toà án để xử tội dị giáo.

Có thể cái tư tưởng “phản nghịch” của người phương Tây là có xuất xứ từ truyền thống văn hoá thần thoại xa xưa. Hệ thống thần thoại Hy Lạp là một hệ thống tranh giành quyền lực. Thần Cronos sẵn sàng giết cha là thần Uranos để lên nối ngôi. Đến lượt mình, thần Dớt lại làm một cuộc “cách mạng” lật đổ cha mình để nắm quyền trị vì thế giới. Trong một loạt những cuộc giao tranh tiếp theo giữa các phe phái trong các vị thần, như giữa các vị thần Olympos với các vị thần khổng lồ Gigantes, thì con người, đại diện là dũng sỹ Heracles, cũng tham gia giúp các vị thần Olympos đánh lại các vị thần Gigantes. Trong thần thoại Hy Lap, điển hình của thần thoại văn minh đô thị, thần thánh và người trần sống lẫn với nhau, yêu nhau, kết hôn với nhau và cạnh tranh lẫn nhau, hầu như không có sự phân biệt và không có một tôn ty trật tự tuyệt đối. Nhiều người trần sẵn sàng đấu võ và thi tài với thần linh: Tráng sỹ Heracles giết chết nhiều thần khổng lồ Gigantes, trong đó có thần Antaios nổi tiếng [tức thần “Ăngtê” gọi theo tiếng Pháp]; tráng sỹ Diomedes đánh bị thương thần chiến tranh Ares; cô thợ dệt Arakhne dám thi tài dệt vải với nữ thần Athena; cô gái Acalanthis và chàng trai Thamyras dám thi hát với các nữ thần nghệ thuật Musa; nàng Casiope xinh đẹp và tự tin dám thi sắc đẹp với các nữ thần biển Neraydes, v.v… Trong khi đó trong thần thoại phương Đông, thế lực thần thánh được phát huy tuyệt đối quyền hành, tôn ty trật tự được tuân thủ nghiêm ngặt. Kẻ phản nghịch duy nhất là Tôn Ngộ Không thì chỉ múa may trong thế giới quỷ sứ chứ không đụng chạm được đến quyền lực thánh thần.

Trong giáo dục, người phương Đông đề cao tư tưởng “tôn sư trọng đạo”. Người thầy có một vị thế quan trọng đến mức thiêng liêng. Người ta chỉ có thể lập ra một tư tưởng, một lý thuyết mới, chứ ít khi cải cách lý thuyết của thầy. Ngay cả đến thời đại ngày nay, khi Đặng Tiểu Bình thực hiện cải cách Trung Quốc, thì tư tưởng Mao Trạch Đông vẫn được tôn sùng. Trong khi đó ở phương Tây, khái niệm người thầy không có ý nghĩa “thần thánh” như ở phương Đông. Ngay từ thời xa xưa, Socrate đã không dạy học trò bằng cách áp đặt quan điểm của mình, mà ông đưa ra các câu hỏi để học sinh chủ động trả lời. Aristote, bằng các công trình học thuật của mình, đã dám phản bác lại quan điểm duy tâm của thầy học của mình là Platon. Đến thời cận-hiện đại, K. Jung, học trò của Freud, đã cải cách lý thuyết tâm phân học của thầy mình, dẫn đến hai người không còn muốn nhìn mặt nhau. Các Mác, thời trẻ là học trò của Hegel, đã kiên quyết “lật ngược” phép biện chứng duy tâm của ông này để lập ra một học thuyết mới. Lênin cũng sửa đổi học thuyết Mác về cách mạng vô sản để thực hiện cuộc Cách mạng Tháng 10 vĩ đại. (Mác chủ trương rằng cách mạng vô sản chỉ có thể thành công khi nó diễn ra trên toàn thế giới. Lênin sửa lại rằng nó có thể thành công trong khâu yếu nhất của chủ nghĩa tư bản.)

Có thể thấy, bên cạnh yếu tố tích cực về mặt đề cao tình nghĩa thầy-trò, thì tư tưởng tôn sư trọng đạo của phương Đông nhiều khi dẫn đến thái độ thuần phục mang tính mô phạm giáo điều, kìm hãm tư duy sáng tạo. Trong khi đó ở phương Tây, chính cái quan niệm bình đẳng thầy-trò là một trong những động lực làm nảy sinh nhiều tư tưởng và lý thuyết mới. Vậy mà cái tư tưởng mô phạm giáo điều đó vẫn còn tồn tại dai dẳng ở phương Đông cho đến ngày nay, đôi khi thể hiện thành sự bắt chước một cách máy móc các lý thuyết của nước ngoài, đặc biệt là trong khoa học xã hội. Ví dụ như trong khi ở nước ngoài đang có nhiều lý thuyết khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau về một chủ đề, thì ở nước ta, nhiều người đã không tiếp thu được một cách có hệ thống, mà chỉ tiếp thu một vài quan điểm nào đó, và người khác lại tiếp thu một vài quan điểm khác mâu thuẫn với các quan điểm kia, thế là dẫn đến việc cùng một chủ đề, nhưng mỗi người ở nước ta lại hiểu theo một cách khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau. Điển hình gần đây nhất là quan điểm của các nhà nghiên cứu của nước ta về chủ hậu hiện đại trong nghệ thuật. Đó chính là căn bệnh cảm tính, thiếu tư duy lôgic triết học mà có nhà khoa học đang cảnh báo. Căn bệnh thiếu tư duy lôgic cũng đang thể hiện trong cả cuộc sống hàng ngày, khi mà người ta không hề cảm thấy phi lý khi cứ phát ngôn một cách hồn nhiên: “tỷ giá hối đoái giữa ‘Việt Nam đồng’ với ‘đôla Mỹ’”. (Tất cả các đồng tiền của nước ngoài đều được đọc xuôi theo ngữ pháp tiếng Việt, riêng đồng Việt Nam thì được đọc ngược theo ngữ pháp tiếng Anh!) Và có lẽ đó cũng là biểu hiện của truyền thống tư duy cảm tính của người phương Đông chăng?

Tuy nhiên, trong thời đại mà thế giới đang phát triển như vũ bão ngày nay, khi mà con người đang có nguy cơ tiêu diệt thiên nhiên và vì thế sẽ dẫn đến tiêu diệt chính mình, thì cái bản chất truyền thống của văn hoá phương Đông nặng về cảm tính và tình nghĩa, tôn thờ đất mẹ thiên nhiên, mặc dù có mặt tiêu cực là chậm phát triển, nhưng lại có tác dụng tích cực là thúc đẩy sự hoà hợp con người với thiên nhiên, rất phù hợp với quan điểm phát triển bền vững ngày nay của LHQ. Trong khi đó, cái tư duy thiên về lý tính của phương Tây có mặt mạnh là luôn luôn đổi mới, thúc đẩy phát triển – thực tế mấy thập kỷ gần đây tho thấy đầu tàu phát triển nằm ở phương Tây – nhưng nó lại tiềm ẩn những nguy cơ huỷ hoại môi trường: tài nguyên thiên nhiên suy kiệt, hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, v.v… Chính vì thế mà ở phương Tây cũng đang có một xu hướng tìm đến phương Đông. Song, trớ trêu thay, khi phương Tây tìm đến phương Đông để học tập cái hay trong văn hoá mang tính hoà nhập với thiên nhiên của phương Đông, thì nhiều nước đang phát triển của phương Đông, vì nôn nóng bắt chước xu hướng phát triển nhanh của phương Tây, lại đang góp phần đắc lực vào việc hủy hoại môi trường. Nhiều nhà khoa học trên thế giới đã lên tiếng cảnh báo rằng Trung Quốc hiện đang là nước gây ô nhiễm và huỷ hoại thiên nhiên vào loại bậc nhất hiện nay.  Mặt trái của tư duy cảm tính đang làm cho người ta học tập sự phát triển của phương Tây một cách không suy xét. Kể cả việc học tập theo cách sao chép, ví dụ như nạn làm hàng nhái, hàng giả thường là hiện tượng phổ biến ngày nay ở á Đông.

Như vậy thì sự khác biệt Đông-Tây là có thật. ở đây tôi chỉ bàn đến sự khác biệt trên bình diện tư duy và đời sống văn hoá-tinh thần. Nhưng khác biệt không có nghĩa là không thể gặp gỡ và bắt tay nhau. Trên thực tế, sự gặp gỡ Đông-Tây, đặc biệt là mối quan hệ giao thương, đã tồn tại từ lâu: con đường tơ lụa dài 8.000 km nối liền Trung Quốc với châu Âu, được hình thành từ đầu thế kỷ II trước CN, là một trong những bằng chứng lâu đời cho mối quan hệ này. Vì thế, sự khác biệt cũng có phần nhạt nhoà dần theo thời gian. Đến đây, có lẽ chúng ta phải trở lại với câu nói của Kipling để hiểu rõ thêm tư tưởng của ông.
Thực ra, ý nghĩa câu nói của Kipling không đơn giản như từ xưa đến nay người ta vẫn hiểu, hay cố tình hiểu đơn giản như thế. Sự thật là Kipling không bao giờ tuyên bố một cách dứt khoát về sự khác biệt Đông-Tây.

Câu nói trên được trích từ vần thơ đầu của bài thơ “Khúc ca Đông Tây”, viết năm 1889. Kipling là con trai của một vị bộ trưởng người Anh, sinh ra và lớn lên tại ấn Độ. Ông am hiểu văn hoá phương Đông và sáng tác nhiều về đề tài phương Đông. Ông được trao giải Nobel văn học vì óc quan sát thực tế, trí tưởng tượng độc đáo và tài năng tự sự nổi tiếng. Tuy nhiên ngày nay, người ta cho rằng cái tư tưởng đề cao sức mạnh của đế quốc Anh và khả năng khai hoá văn minh của nó trong các sáng tác của ông đã làm giảm phần nào uy tín của ông. Về bài thơ “Khúc ca Đông Tây”, việc người ta hay trích câu thơ nói trên thực tế mới chỉ là trích một nửa tư tưởng của ông.

Trong khổ thơ đầu của bài thơ, Kipling đã viết như sau:

“Ôi, phương Đông là phương Đông, phương Tây là phương Tây, và hai bên sẽ chẳng thể bao giờ gặp nhau,

Cho đến khi Đất Trời có mặt tại Toà phán xử tối cao của Thượng Đế;

Nhưng sẽ chẳng có Đông cũng chẳng có Tây, chẳng có Ranh giới, chẳng có Giống nòi, cũng chẳng có Sinh sôi,

Khi hai người đàn ông mạnh mẽ đứng đối diện nhau, dù họ đến từ những nơi tận cùng của Trái đất!”

Tiếp đến là một đoạn tự sự kể về chuyện đụng độ giữa một thủ lĩnh người bản xứ với con trai một đại tá thực dân. Cuộc đụng độ đã kết thúc bằng sự hoà giải và kết nghĩa anh em giữa “hai người đàn ông mạnh mẽ”. Và bài thơ kết thúc bằng việc lặp lại khổ thơ đầu.
Hoá ra, Kipling không chia cắt Đông-Tây như người ta vẫn tưởng. Trong quan niệm của ông, sự khác biệt Đông-Tây không đến mức không thể hiểu nhau và hợp tác với nhau. Và thực tế ngày nay đang chứng minh điều đó. Quan điểm về sự đụng độ giữa các nền văn minh của Huntington đang bị nhiều người trên thế giới phản bác. Đảng ta cũng chủ trương “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”.

Những điều nói trên cho thấy rằng, điều quan trọng ngày nay là chúng ta phải hiểu rõ được mặt mạnh và mặt yếu của mỗi khu vực văn hoá để kết hợp bổ sung cho nhau nhằm xây dựng một thế giới loài người phát triển bền vững. Không nên tuyệt đối hoá một khía cạnh nào của văn hoá khu vực mà không thấy được mặt khiếm khuyết của nó. Thống nhất trong đa dạng chính là nguyên tắc để thúc đẩy sự hợp tác, bổ sung những cái hay cái tốt cho nhau để cùng tồn tại và phát triển. Nhưng hội nhập không phải là thủ tiêu sự khác biệt. Đông là Đông, Tây vẫn là Tây, có sao đâu! Nhưng đừng quá tự đề cao những cái khác biệt của riêng mình mà không thấy những cái hay cái tốt của người khác. Làm như thế sẽ có nguy cơ rơi vào căn bệnh “tự phụ thông thái rởm” mà nhà văn Gớt đã cảnh báo cách đây gần hai thế kỷ. Hội nhập Đông-Tây nói riêng và hội nhập toàn thế giới nói chung chính là vectơ chủ đạo và mục đích cuối cùng để loài người có được một ngôi nhà hoà bình và ổn định trên toàn hành tinh. Và như thế mới đúng theo tinh thần tư tưởng của Kipling: Khi các dân tộc gặp gỡ nhau trong mối quan hệ bình đẳng và trong tình anh em, thì sẽ không còn phương Đông, không còn phương Tây, không còn ranh giới phân chia giữa các giống nòi, chủng tộc!

Nguồn: trannhuong.com

http://vanhoahoc.edu.vn/nghien-cuu/van-hoa-the-gioi/quan-he-van-hoa-dong-tay/670-nguyen-van-dan-phuong-dong-phuong-tay-tu-mot-bai-tho–suy-nghi-ve-.html

iram-global-child-care-16-638