Browsing Tag

Authur Miller

Literature Văn học Mỹ

PHÁC THẢO VĂN HỌC MỸ – Chương 8: Văn xuôi Mỹ kể từ 1945: Chủ nghĩa hiện thực và sự thể nghiệm

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Văn chương tự sự từ Thế chiến thứ hai chống lại sự khái quát hóa bởi vì nó cực kỳ phong phú và đa diện. Nó được hồi sinh bởi các trào lưu văn học thế giới, như là chủ nghĩa hiện sinh châu Âu và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo châu Mỹ Latin, trong lúc kỷ nguyên điện tử đã biến thế giới rộng lớn thành một ngôi nhà chung. Ngôn ngữ nói trên truyền hình đã mang cuộc sống mới đến cho truyền thống văn học nói. Những thể loại truyền miệng, phương tiện thông tin đại chúng và văn hóa phổ thông ngày càng ảnh hưởng tới văn chương tự sự.

Trong quá khứ, nền văn hóa bác học đã ảnh hưởng đến văn hóa bình dân qua vị thế và mẫu mực của nó; điều ngược lại có vẻ đúng với nước Mỹ ngày nay. Những nhà văn nghiêm túc như Thomas Pynchon, Joyce Carol Oates, Kurt Vonnegut, Jr., Alice Walker và E. L. Dotorow đã vay mượn và bình luận về truyện bằng tranh trên báo, những cuốn phim, thời trang, những ca khúc và lịch sử.

Nói lên điều này không nhằm tầm thường hóa nền văn học đương đại: Các nhà văn ở Mỹ đang đặt nhiều câu hỏi nghiêm túc, nhiều câu trong đó có bản chất siêu hình. Họ có tinh thần đổi mới và tự nhận thức mình, hay “phản tỉnh”, rất cao. Thông thường họ thấy những kiểu cách truyền thống không mấy hiệu quả. Họ tìm kiếm sức sống trong chất liệu thông thường, rộng lớn hơn. Nói một cách khác: nhà văn Mỹ, trong những thập kỷ gần đây đã phát triển một cảm thức hậu – hiện đại. Việc điều chỉnh lại các quan điểm của các nhà văn theo chủ nghĩa hiện đại không còn phù hợp đối với họ; cái chính là điều kiện cho những quan điểm mới ra đời.

DI SẢN KẾ THỪA CỦA CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC VÀ NHỮNG NĂM CUỐI CỦA THẬP NIÊN 40

Giống như tiểu thuyết trong nửa đầu thế kỷ 20, tiểu thuyết ở nửa sau của thế kỷ phản ánh đặc điểm của mỗi thập kỷ. Những năm cuối thập kỷ 40 đã chứng kiến hậu quả của Thế chiến II và sự bắt đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh.

Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã cung cấp những chất liệu cơ bản cho nhiều tác phẩm. Norman Mailer trong tác phẩm The Naked and the Dead (Kẻ trần truồng và người chết – 1948) và James Jones trong From Here to Eternity(Từ đây đến vô tận – 1951) là hai nhà văn đã sử dụng những chất liệu sống tốt nhất. Cả hai đều khai thác chủ nghĩa hiện thực rất gần với chủ nghĩa tự nhiên trần trụi; cả hai đều cố hết sức để không tôn vinh cuộc chiến. Điều này cũng xảy ra với The Young Lions (Sư tử non – 1948) của Irwin Shaw. Herman Wouk trong The Caine Mutiny (Cuộc tạo phản ở Caine – 1951), cũng cho thấy những nhược điểm của con người hiện rõ trong thời chiến cũng như trong cuộc sống dân sự. Về sau, Joseph Heller mô tả Chiến tranh Thế giới Thứ hai bằng những từ ngữ có tính cách châm biếm và phi lý, chẳng hạn như Catch-22[1] (Cạm bẫy – 1961), lập luận rằng chiến tranh luôn kết hợp với sự điên loạn. Thomas Pynchon trình bày một tình huống nổi bật, phức tạp nhại theo và thay thế những tình huống khác nhau trong thực tế trong cuốn Gravity’s Rainbow (Cầu vồng của trọng lực – 1973). Kurt Vonnegut, Jr., đã trở thành một trong những ngọn hải đăng của trào lưu phản văn hóa trong những năm đầu thập niên 70 sau khi xuất bản cuốnSlaughterhouse – Five: or, The Children’s Crusade (Lò sát sinh số 5 hoặc cuộc thập tự chinh của trẻ con – 1969). Cuốn tiểu thuyết chống chiến tranh của ông nói về cuộc đánh bom ở Dresden (Đức) của lực lượng Đồng minh trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai (cuộc ném bom mà ông đã chứng kiến từ dưới mặt đất khi là tù binh).

Thập niên 40 cũng chứng kiến sự lên ngôi của đội ngũ tài năng trẻ, bao gồm nhà thơ – tiểu thuyết gia – nhà viết tiểu luận Robert Penn Warren, hai nhà soạn kịch Arthur Miller và Tennessee Williams, những nhà văn viết truyện ngắn Katherine Anne Porte và Endora Welty. Tất cả đều là những nhà văn người miền Nam trừ Miller. Tất cả đều khám phá thân phận cá nhân trong gia đình hay cộng đồng và xoáy vào sự cân bằng giữa sự phát triển cá nhân và trách nhiệm đối với cộng đồng.

Robert Penn Warren
(1905-1989)

Robert Penn Warren, một trong những nhà văn nhóm Fugutive ở miền Nam, gặt hái được thành công mỹ mãn hầu như trong suốt thế kỷ 20. Suốt cuộc đời mình, ông quan tâm đến những giá trị dân chủ khi chúng xuất hiện trong các bối cảnh lịch sử khác nhau. Cuốn tiểu thuyết ngự trị lâu dài nhất của ông là All the King’s Men (Tất cả thần dân của vua – 1946), xoáy sâu vào những khía cạnh đen tối của giấc mơ Mỹ – được bộc lộ trong câu chuyện về con đường tiến thân đầy những uẩn khúc của một thượng nghị sĩ miền Nam khoe khoang và ranh mãnh – Huey Long.

Authur Miller
(1915- )

Nhà soạn kịch, viết tiểu thuyết, viết tiểu luận và viết tiểu sử người New York – Authur Miller – đạt đến đỉnh cao vào năm 1940, với cuốn Death of a Salesman (Cái chết của người chào hàng). Cuốn sách là một công trình nghiên cứu của một con người trong cuộc tìm kiếm danh dự và giá trị của anh ta trong cuộc sống và sự nhận thức rằng thất bại luôn chờ phía trước một cách chắc chắn. Chuyện xảy ra trong gia đình Loman, xoay quanh những mối quan hệ khập khiễng giữa người cha và những đứa con trai, giữa chồng và vợ. Nó là tấm gương phản chiếu tình hình văn học vào thập niên 40 – một sự kết hợp phong phú giữa chủ nghĩa hiện thực với hơi hướng của chủ nghĩa tự nhiên: các nhân vật được khắc họa cẩn thận, tròn trịa; và nhấn mạnh vào giá trị của mỗi cá nhân, mặc cho những thất bại và lỗi lầm.Death of a Salesman là một bài ca chiến thắng thật cảm động cho những con người bình thường – như bà góa phụ Willy Loman ca ngợi, “phải chú ý đến họ”. Thương tâm và ảm đạm, nó cũng là câu chuyện về những giấc mơ. Như một nhân vật ghi nhận một cách mỉa mai, “một người chào hàng cũng phải mơ ước, bé ạ. Nó đến cùng với đất đai”.

Death of a Salesman, một tác phẩm đặc sắc, vẫn chỉ là một trong nhiều vở kịch Miller viết qua nhiều thập kỷ, gồm All My Sons[2] (Tất cả đều là con tôi – 1947) và The Crucible[3] (Thử thách cam go – 1953). Cả hai đều mang tính chính trị – một vở về thời hiện đại, vở kia lấy bối cảnh thời thuộc địa.All My Sons nói về một nhà sản xuất dù biết rõ vẫn cho phép những phụ tùng không đạt yêu cầu được lắp ráp ở những công ty máy bay trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai, dẫn đến cái chết của chính đứa con trai của ông và những người khác. The Crucible khắc họa những phiên tòa xử phù thủy ở Salem (Massachusetts) vào thế kỷ 17 trong đó một số người định cư Thanh giáo đã chết oan vì bị cho là phù thủy. Tuy nhiên, thông điệp của nó – rằng “cuộc thanh trừng phù thủy” nhắm vào những người dân vô tội là con ghẻ của nền dân chủ – lại có liên quan đến giai đoạn trong đó vở kịch được dàn dựng, đó là những năm đầu thập niên 50, khi một chiến dịch chống cộng do thượng nghị sĩ Joseph Mc Carthy và những người khác lãnh đạo đã hủy hoại mạng sống của bao người dân vô tội.

Tennessee Williams
(1911 – 1983)

Tennessee Williams, người vùng Mississippi, là một trong những nhà văn khá phức tạp trên văn đàn nước Mỹ vào giữa thế kỷ 20. Tác phẩm của ông tập trung vào những xúc cảm xáo trộn, rối rắm và vấn đề tính dục chưa được giải quyết ổn thỏa trong đời sống gia đình – hầu hết là ở miền Nam. Ông nổi tiếng về những câu nói lặp đi lặp lại như thần chú, một cách diễn đạt đầy chất thơ của miền Nam, về những bối cảnh Gothic kỳ lạ, và những khám phá về những khát khao tình dục theo Freud. Là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên công khai sống như một người đồng tính luyến ái, Williams giải thích rằng đời sống tính dục của các nhân vật bị đọa đầy của ông diễn đạt sự cô đơn của họ. Những nhân vật của ông sống và chịu đau khổ một cách sâu xa.

Williams viết hơn 20 vở kịch dài, nhiều vở mang tính chất tiểu sử tự thuật. Ông đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp tương đối sớm – vào thập niên 40 – với The Glass Menagerie (Bầy thú bằng thủy tinh – 1944) và A Streetcar Named Desire (Chiếc xe điện mang tên Dục vọng – 1947). Không một tác phẩm nào trong suốt hơn 2 thập kỷ sau đó đạt được mức độ thành công và phong phú như hai vở kịch này.

Katherine Anne Porter
(1890 – 1980)

Cuộc đời và sự nghiệp dài lâu của Katherine Anne Porter trải qua nhiều mốc lịch sử. Tác phẩm thành công đầu tiên của bà, câu chuyện “Flowering Judas” (Judas Hoàn thiện – 1929), lấy bối cảnh ở Mexico trong thời kỳ cách mạng. Những truyện ngắn trau chuốt tuyệt vời mang lại danh tiếng cho bà qua những mảng đời được bộc bạch một cách tinh tế: “The Jilting of Granny Weatherall” (Người tình phụ bạc của bà ngoại Weatherall) chẳng hạn, đã chuyển tải những cảm xúc lớn lao một cách chính xác, ngắn gọn. Bà thường mô tả đời sống nội tâm của phụ nữ và sự lệ thuộc của họ vào đàn ông.

Những sắc thái biểu cảm của Porter chịu ảnh hưởng nhiều từ những câu chuyện của nhà văn sinh ở New Zealand, Katherine Mansfield. Những tập truyện của Porter bao gồm Flowering Judas (1930), Noon Wine (Rượu trưa – 1937), Pale HorsePale Rider (Ngựa còi, nài cọc – 1939), The Leaning Tower (Tháp nghiêng – 1944) và Collected Stories (Truyện ngắn chọn lọc – 1965). Vào đầu những năm 60, bà sáng tác một tiểu thuyết dài mang tính chất phúng dụ với một đề tài phi thời gian về trách nhiệm giữa người với người. Câu chuyện có tựa đề Ship of Fools (Con tàu của những người ngu – 1962) xảy ra trên boong một con tàu chở khách mang những con người thuộc xã hội thượng lưu Đức và những người dân tị nạn của Đức trốn chạy bọn phát xít Đức vào cuối những năm 30.

Tuy không viết nhiều, sáng tác của Porter vẫn ảnh hưởng đến nhiều thế hệ nhà văn, trong số họ có những bạn văn miền Nam của bà là Eudora Welty và Flannery O’Connor.

Eudora Welty
(1909- )

Sinh ở Mississippi trong một gia đình khá giả sau này chuyển lên sống ở miền Bắc, Eudora Welty được Warren và Porter dẫn dắt vào nghề. Thật ra, Porter đã viết lời giới thiệu cho tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của Welty, A Curtain of Green (Màn cửa xanh lá cây – 1941). Welty nương theo khuôn mẫu của Porter để viết các tác phẩm của mình nhưng nữ văn sĩ trẻ quan tâm hơn đến những điều khôi hài và lập dị. Cũng như với Flannery O’Connor sau này, các nhân vật trung tâm của bà thường bất thường, quái dị hay ở những trường hợp ngoại lệ.

Mặc dù tác phẩm của bà có nhiều yếu tố bạo lực, trí thông minh của Welty tự bản chất mang tính nhân bản và lạc quan, ví dụ như trong câu chuyện thường được đưa vào các tuyển tập chính của bà: Why I Work at the P.O.(Tại sao tôi làm việc ở Bưu điện), nói về một đứa con gái bướng bỉnh và độc lập bỏ nhà đến sống trong một bưu điện nhỏ xíu. Những tập truyện của bà bao gồm The Wide Net (Mạng rộng – 1943), The Golden Apples (Những trái táo vàng – 1949), The Bride of the Innisfallen (Cô dâu của Innisfallen – 1955), và Moon Lake (Hồ Trăng – 1980). Welty cũng viết những cuốn tiểu thuyết như Delta Wedding (Đám cưới Delta – 1946), kể chuyện một gia đình ở một trang trại trong thời hiện đại và The Optimist’s Daughter (Con gái người lạc quan – 1972).

THẬP NIÊN 50 SUNG MÃN NHƯNG THA HÓA

Trong thập niên 50 người ta đã thấy rõ tác động của hiện đại hóa và kỹ thuật hóa trong cuộc sống hàng ngày, một ảnh hưởng còn sót lại từ thập niên 20 – trước cuộc Đại khủng hoảng kinh tế. Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã đưa Hoa Kỳ thoát khỏi cuộc Đại khủng hoảng và thập niên 50 đã cung cấp cho hầu hết dân cư Mỹ thời gian tận hưởng sự giàu có vật chất đã chờ đợi từ lâu. Công việc kinh doanh, đặc biệt trong thế giới các công ty, hình như mang lại cuộc sống tốt đẹp (thường là ở ngoại vi đô thị), với những dấu hiệu thực sự và là biểu tượng của sự thành công – nhà cửa, xe hơi, truyền hình và đồ điện gia dụng.

Tuy nhiên, sự cô đơn trên hết vẫn như là một đề tài nổi bật, con người thuộc một đám đông không nhân mạo đã trở thành khuôn mẫu đặc trưng trong cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất của Sloan Wilson The Man in the Gray Flannel Suit (Người đàn ông mặc bộ đồ len xám – 1955). Sự tha hóa của nước Mỹ được khái quát trong một công trình nghiên cứu nghiêm túc của nhà xã hội học David Riesman – cuốn The Lonely Crowd (Đám đông đơn độc – 1950) – những công trình nghiên cứu khác ít hoặc nhiều tính khoa học tiếp nối nhau xuất hiện: từ cuốn The Hidden Persuaders (Người thuyết phục giấu mặt (1957) và The Status Seekers (Những kẻ chạy theo danh vọng – 1959) của Vance Packard, đến The Organization Man (Người của tổ chức 1956) của William Whyte và các cuốn White Collard (Viên chức – 1951) vàThe Power Elite (Giới tinh hoa quyền lực – 1956) có tính trí tuệ hơn của Wright Mill. Viện sĩ hàn lâm và nhà kinh tế học John Kenneth Galbraith đã đóng góp cuốn The Affluent Society (Một xã hội sung mãn – 1958). Hầu hết các tác phẩm này đều tán đồng các giả định có từ thập niên 50 rằng mọi người dân Mỹ cùng chia sẻ một lối sống chung. Những công trình nghiên cứu này dùng lối nói phổ thông chỉ trích những công dân đã đánh mất bản sắc cá nhân thời khai phá trở thành những kẻ sống quá rập khuôn theo tập tục chung của xã hội (ví dụ, Riesman và Mills) và khuyên mọi người trở thành thành viên của một “giai cấp mới” mà khoa học kỹ thuật và thời gian rảnh rỗi đã tạo nên (như có thể thấy trong các tác phẩm của Galbraith).

Thập niên 50 thật sự là thập niên của những áp lực trên mọi lĩnh vực và rất khó nhận biết. Những cuốn tiểu thuyết của John O’Hara, John Cheever và John Updike cố khám phá sự căng thẳng lẩn quất trong bóng tối của cảm giác thỏa lòng. Những tác phẩm hay nhất khắc họa những con người bị rớt đài trong cuộc vật lộn để đạt đến thành công, như trong Death of a Salesman của Authur Miller và tiểu thuyết Seize the Day (Sống qua ngày – 1956) của Saul Bellow. Có vài nhà văn đi xa hơn khi lần theo những con người bỏ cuộc như J.D. Salinger trong The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh – 1951), Ralph Ellison trong Invisible Man (Người vô hình – 1952) và Jack Kerouac trong On the Road (Trên con đường tự do[4] – 1957). Và trong những tháng ngày cuối cùng của thập kỷ, Philip Roth xuất hiện cùng với một loạt những truyện ngắn phản ánh sự tha hóa khỏi cội nguồn Do Thái của mình (Goodbye, Columbus – Vĩnh biệt, Columbus – 1959). Những suy ngẫm tâm lý của ông đã cung cấp chất liệu cho tiểu thuyết và về sau cho cả tiểu sử tự thuật của những năm 90.

Tiểu thuyết của những nhà văn Mỹ – Do Thái như Bellow, Bernard Malamud và Isaac Bashevis Singer – một vài gương mặt điển hình trong thập niên 50 và những năm tiếp theo sau – cũng là những tác phẩm thực sự có giá trị, một sự bổ sung hấp dẫn vào bản phác họa văn học Mỹ. Tác phẩm của ba nhà văn này nổi tiểng vì tính khôi hài, mối quan tâm đạo đức, và những miêu tả về cộng đồng Do Thái ở Cựu và Tân thế giới.

John O’Hara
(1905 – 1970)

Được đào tạo làm nhà báo, John O’Hara là nhà văn sung sức viết nhiều vở kịch, truyện ngắn và tiểu thuyết. Ngòi bút của ông thực sự điêu luyện trong việc xây dựng chu đáo các tình tiết và được độc giả nhớ đến nhiều nhờ một số cuốn tiểu thuyết hiện thực, hầu hết được viết vào thập niên 50, về những con người có bề ngoài thành đạt nhưng những lỗi lầm giấu kín và sự bất mãn sâu xa trong tâm hồn làm cho họ rất dễ bị tổn thương. Đó là những cuốn Appointment in Samarra (Hẹn gặp ở Samarra – 1934), Ten North Frederick (Mười người ở Bắc Frederick – 1955), và From the Terrace(Từ hiên nhà – 1958).

James Baldwin
(1924 – 1987)

James Baldwin và Ralph Ellison là tấm gương phản ánh cuộc sống của người Mỹ Da đen vào thập niên 50. Nhân vật của họ phải chịu đựng cảnh sống thiếu bản sắc, hơn là đau khổ vì quá cao vọng. Baldwin, lớn nhất trong chín anh em trong một gia đình ở Harlem, New York, là con nuôi của một mục sư. Khi còn trẻ, Baldwin đôi lúc cũng giảng đạo trong nhà thờ. Kinh nghiệm này giúp hình thành khả năng hùng biện hết sức cuốn hút trong văn xuôi của ông, thể hiện rõ nhất trong các bài tiểu luận như “Letter from a Region of My Mind” (Thư tự lòng tôi) trong tập The Fire Next Time(Ngọn lửa tương lai – 1963). Trong cuốn sách này, những lập luận gây xúc động sâu xa của ông là nhằm chấm dứt nạn phân biệt các chủng tộc.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Baldwin, cuốn Go Tell It On the Mountain (Đi mà kể trên núi – 1953) mang tính chất tự truyện, có lẽ là cuốn nổi tiếng nhất của ông. Đây là câu chuyện của một thiếu niên 14 tuổi trong cuộc tự tìm kiếm bản thân và niềm tin tôn giáo; như khi cậu bé vật lộn với những vấn đề cải đạo Thiên Chúa trong một tiền sảnh nhà thờ. Những tác phẩm quan trọng khác của Baldwin bao gồm Another Country (Xứ người – 1962), một cuốn tiểu thuyết đề cập đến vấn đề chủng tộc và đồng tính luyến ái và cuốn Nobody Knows My Name (Không ai biết tên tôi – 1961), một tuyển tập những tiểu luận mang dấu ấn cá nhân tràn đầy nhiệt tình về nạn kỳ thị chủng tộc, vai trò của người nghệ sĩ và văn học.

Ralph Waldo Ellison
(1914 – 1994)

Ralph Ellison, một người miền Trung Tây, sinh ở Oklahoma, học ở Học viện Tuskegee ở miền Nam Hoa Kỳ. Ông có một trong những sự nghiệp kỳ lạ nhất trong văn học Mỹ – chỉ với một cuốn sách duy nhất, ông đã có chỗ đứng trên văn đàn. Cuốn tiểu thuyết Invisible Man (1952) là câu chuyện về cuộc sống của một người Da đen chỉ là một sự tồn tại dưới mặt đất trong một cái hang được chiếu sáng bởi ánh điện ăn cắp của một công ty dịch vụ công cộng. Cuốn sách kể lại chuỗi sự kiện quái đản và những mộng đẹp tan tành của anh ta. Khi anh nhận được một học bổng ở một trường đại học dành cho người Da đen, anh đã bị những người Da trắng sỉ nhục; khi anh vào đại học, anh chứng kiến thầy hiệu trưởng người Da đen khinh bỉ bác bỏ những vấn đề bức xúc của người Mỹ Da đen. Cuộc sống cũng thối rữa bên ngoài trường đại học. Ví dụ, ngay cả tôn giáo cũng không phải là một sự an ủi: Một giáo sĩ giảng đạo thực ra lại là một tên tội phạm. Cuốn tiểu thuyết lên án xã hội đã hoàn toàn không trao cho các công dân – đen cũng như trắng – những lý tưởng cao đẹp để vươn tới và những thể chế khả dĩ có thể biến chúng thành hiện thực. Cuốn tiểu thuyết chứa đựng nội dung sâu sắc về chủng tộc bởi lẽ “con người vô hình” ấy trở nên trong suốt không phải do bản thân anh ta mà do những người khác, mù lòa vì định kiến, đã không thể nhìn thấy anh ta, không biết đến sự tồn tại của con người đó.

Flannery O’Connor 
(1925 – 1964)

Flannery O’Connor, người vùng Georgia, sống một cuộc đời ngắn ngủi vì bệnh Luput, một bệnh về máu dễ gây tử vong. Tuy vậy, bà từ chối những biểu hiện tình cảm ủy mị, điều đó được thể hiện rõ trong những câu chuyện cực kỳ khôi hài nhưng ảm đạm và không thỏa hiệp của bà. Không giống như Porter, Welty, và Hurston, O’Connor thường miêu tả nhân vật ở cự ly gần, không ngại ngần vạch ra các thiếu sót và ngu ngốc của họ. Những nhân vật miền Nam thất học trong những cuốn tiểu thuyết của bà thường gây ra tội ác và bạo lực bởi sự mê tín hoặc các hủ tục, như ta có thể thấy trong tiểu thuyết Wise Blood (Dòng máu khôn ngoan – 1952) của bà, kể về một kẻ cuồng tín tôn giáo, tự xây dựng giáo hội của riêng mình.

Đôi lúc bạo lực xuất phát từ thành kiến, như trong truyện “The Displaced Person” (Người bị thay thế) kể về một người mới nhập cư bị giết chết bởi những người dân quê dốt nát, ngu muội; những kẻ bị đe dọa bởi cung cách sống kỳ lạ và lao động siêng năng của anh ta. Thường thì những sự cố tàn bạo xảy ra một cách đơn giản với những nhân vật của bà, như trong “Good Country People” (Dân quê lương thiện), câu chuyện về một cô gái bị một người đàn ông dụ dỗ, rồi ăn cắp cái chân giả của cô.

Óc khôi hài mang đặc trưng Da đen của O’Connor rất gần gũi với Nathanael West và Joseph Heller. Những tác phẩm của bà bao gồm những tuyển tập truyện ngắn A Good Man is Hard to Find (Người tử tế thật khó tìm – 1955) và Everything That Rises Must Converge (Mọi thứ rốt cuộc đều giống nhau – 1965); cuốn tiểu thuyết The Violent Bear It Away (Bọn hung bạo mang nó đi – 1960); và một tuyển tập thư từ The Habit of Being (Thói quen hiện hữu – 1979). Cuốn Complete Stories (Toàn tập truyện ngắn) của bà ra đời vào năm 1971.

Saul Bellow 
(1915- )

Sinh ra ở Canada và lớn lên ở Chicago, Saul Bellow có gốc Nga-Do Thái. Ông theo học nhân chủng học và xã hội học ở trường đại học, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến tác phẩm của ông cho đến tận ngày nay. Ông đã biểu lộ lòng biết ơn sâu xa với Theodore Dreiser, vì các tác phẩm của Theodore Dreiser, đã hướng ông đi vào những kinh nghiệm đủ loại và sự dấn thân đầy xúc cảm của ông với nó. Được đánh giá rất cao, ông nhận giải Nobel văn học vào năm 1976. Những cuốn tiểu thuyết hiện sinh đầu tiên có phần u ám của Saul Bellow bao gồm Dangling Man (Người chờ đợi – 1944), một sự khảo sát mang phong cách Kafka về một người chờ đợi được tuyển mộ đi lính và The Victim (Nạn nhân – 1974), về quan hệ giữa người Do Thái và người không phải Do Thái. Vào thập niên 50, quan điểm của ông trở nên hài hước hơn: Ông sử dụng một loạt những người kể chuyện ngôi-thứ-nhất nhiệt tình và mạo hiểm trong The Adventures of Augie March (Cuộc phiêu lưu của Augie March – 1953) – một nghiên cứu về một nhà đầu tư ở thành phố giống như Huck Finn sau trở thành một tay bán chợ đen ở châu Âu – và trong Henderson the Rain King (Henderson vua Mưa – 1959), một cuốn tiểu thuyết xuất sắc nửa nghiêm túc nửa khôi hài về một nhà triệu phú đứng tuổi với những tham vọng không thỏa mãn cuối cùng đã đưa ông đến châu Phi. Những cuốn về sau của Bellow bao gồm Herzog (1964), về cuộc đời rắc rối của một giáo sư người Anh bị thần kinh với ám ảnh tìm cho ra ý nghĩa về cái tôi lãng mạn; Mr Sammler’s Planet (Hành tinh của ông Sammler – 1970); Humboldt’s Gift (Phần thưởng của Humboldt – 1975); và cuốn tự truyện The Dean’s December (Tháng 12 trong đời ông trưởng khoa – 1982).

Cuốn Seize the Day (Sống qua ngày – 1956) của Bellow là một cuốn tiểu thuyết sáng chói thường được giảng dạy trong chương trình trung học hoặc đại học bởi vì sự tuyệt vời và sự cô đọng của nó. Nhân vật trung tâm trong truyện là một thương gia thất cơ lỡ vận, Tommy Wilhelm, đã cố gắng che giấu cảm xúc đau đớn vì thất bại của mình bằng cách mang một bộ mặt mãn nguyện. Cuốn truyện bắt đầu một cách giễu cợt: “Khi phải che giấu những rắc rối của mình, Tommy Wilhelm tỏ ra chẳng kém cạnh ai cả. Vì thế ít nhất anh ta nghĩ…”. Sự tiêu hao năng lượng này, thật oái ăm chỉ dẫn đến sự xuống dốc của ông. Wilhelm quá day dứt với cảm giác bất cập đến nỗi ông trở nên hoàn toàn bất lực – thất bại với phụ nữ, với công việc, với máy móc và với thị trường hàng hóa, rồi cuối cùng ông ta mất hết tiền bạc. Ông ta là một ví dụ về một gã khờ khạo, vụng về luôn thất bại trong truyện dân gian Do Thái – một người luôn luôn gặp những điều xui xẻo. Seize the Daytổng kết lại nỗi sợ bị thất bại đã ám ảnh bao người Mỹ.

Bernard Malamud
(1914 – 1986)

Bernard Malamud sinh ở New York, cha mẹ là dân nhập cư Nga gốc Do Thái. Trong cuốn tiểu thuyết thứ hai The Assistant (Người phụ tá – 1957), Malamud đã tìm ra được những chủ đề đặc trưng của mình – cuộc đấu tranh sống còn chống lại mọi trở ngại và những nền tảng đạo đức của những người nhập cư Do Thái đương đại.

Tác phẩm xuất bản đầu tiên của Malamud là The Narural (Tự nhiên – 1952), một sự kết hợp của chủ nghĩa hiện thực và hoang tưởng, đặt trong thế giới kỳ bí của môn bóng chày chuyên nghiệp. Những tiểu thuyết khác bao gồm A New Life (Cuộc đời mới – 1961), The Fixer (Người hối lộ – 1966),Pictures of Fidelman (Những bức ảnh của Fidelman – 1969), và The Tenants(Những người thuê nhà – 1971). Ông cũng là một bậc đại gia sung mãn trong làng truyện ngắn. Qua những truyện ngắn của ông trong các tuyển tập như là The Magic Barrel (Chiếc thùng mầu nhiệm – 1958), Idiots First(Ưu tiên kẻ ngu ngốc – 1963), và Rembrandt’s Hat (Chiếc mũ của Rembrandt – 1973), ông truyền đạt – hơn tất cả những nhà văn khác sinh ra ở Mỹ một ý thức về hiện tại và quá khứ mang màu sắc Do Thái, cái thực và siêu thực, sự kiện và huyền thoại.

Một tác phẩm hoành tráng của Malamud – mà nhờ nó ông được giải thưởng Pulitzer và giải Sách quốc gia – cuốn The Fixer lấy bối cảnh ở Nga khoảng đầu thế kỷ 20, nó là cái nhìn chất chứa những bí ẩn về một trường hợp vu cáo bẩn thỉu – một chuyện có thật – vụ án tai tiếng của Mendel Beiliss năm 1913, một vết nhơ đen tối trong vụ bài Do Thái trong lịch sử hiện đại. Như trong nhiều tác phẩm của mình, Malamud nhấn mạnh sự chịu đựng của nhân vật của ông, Yako Bok và cuộc đấu tranh chống lại mọi trở ngại để tồn tại.

Isaac Bashevis Singer
(1904 – 1991)

Tiểu thuyết gia đoạt giải Nobel và bậc thầy truyện ngắn Isaac Bashevis Singer là một người Ba Lan di cư đến Mỹ năm 1935. Ông là con của một trưởng giáo sĩ Do Thái ở Warszawa. Suốt đời viết bằng tiếng Yiddish (ngôn ngữ pha trộn giữa tiếng Đức và Hebrew từng là ngôn ngữ thông dụng của người Do Thái trong nhiều thế kỷ qua), ông viết về những điều huyền bí và hiện thực của hai nhóm người Do Thái đặc biệt – kiều dân của các Shtetls (những làng nhỏ) ở Cựu thế giới và những di dân bị sóng gió đại dương vùi dập trước và sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai.

Các tác phẩm của Singer là tư liệu về hai thời kỳ trước và sau Chiến dịch Holocaust – việc tàn sát nhiều cộng đồng Do Thái châu Âu do Đức quốc xã và những kẻ hợp tác với chúng tiến hành. Một mặt, ông mô tả – trong những tiểu thuyết như The Manor (Thái ấp – 1967) và The Estate (Điền trang – 1969), lấy bối cảnh nước Nga thế kỷ 19, và The Family Moskat (Gia đình Moskat – 1950), xoay quanh một gia đình Do Thái – Balan giữa hai cuộc Thế chiến – cuộc sống của cộng đồng Do Thái ở châu Âu hiện không còn nữa. Mặt khác, một số tác phẩm của ông lấy bối cảnh sau chiến tranh, như Enemies, A Love Story (Những kẻ thù, một chuyện tình – 1972), mà nhân vật chính là những người sống sót sau cuộc khủng bố người Do Thái, tìm cách xây dựng cuộc đời mới cho chính mình.

Vladimir Nabokov
(1889 – 1977)

Cũng giống như Singer, Vladimir Nabokov là người di dân từ Đông Âu. Sinh ra trong một gia đình giàu có ở nước Nga Sa Hoàng, ông đến Mỹ năm 1940 và năm năm sau trở thành công dân Mỹ. Từ năm 1948 đến 1959 ông giảng dạy văn học ở Đại học Cornell ở phía bắc của tiểu bang New York; năm 1960, ông chuyển sang sống hẳn ở Thụy Sĩ. Ông nổi tiếng nhờ những tiểu thuyết của mình, trong đó có cuốn tự truyện Pnin (1957) – một câu chuyện về một giáo sư nhập cư người Nga không thành công và cuốn Lolita (xuất bản tại Mỹ năm 1958), về một người Âu trung niên, có học vấn si mê cuồng dại một cô bé người Mỹ 12 tuổi thơ ngây. Một tiểu thuyết mô phỏng của Nabokov, Pale Fire (Lửa tàn – 1962) lại là một sự mạo hiểm thành công khác, nói về một bài thơ dài do một nhà thơ tưởng tượng đã chết sáng tác và những lời bình về bài thơ do một nhà phê bình viết và những tác phẩm của nhà phê bình này thấm đẫm bài thơ bắt đầu sống cuộc đời đầy những bất ngờ của riêng chúng.

Nabokov là nhà văn có nhiều ảnh hưởng bởi bút pháp tinh tế, sự châm biếm sắc sảo và những cách tân độc đáo về mặt hình thức. Tất cả điều đó đã khơi nguồn cảm hứng cho những tiểu thuyết gia như John Barth. Nabokov ý thức được vai trò cầu nối của mình giữa hai thế giới văn học Nga và Mỹ; ông đã viết một cuốn sách về Gogol và dịch tiểu thuyết thơ Engene Onegin của Pushkin. Những chủ đề táo bạo, có phần ảnh hưởng của chủ nghĩa biểu hiện, như tình yêu kỳ quặc trong Lolita, góp phần giới thiệu những trào lưu biểu hiện châu Âu thế kỷ 20 vào truyền thống văn học mang nặng tính hiện thực của Mỹ. Giọng văn của ông, phần châm biếm phần hoài niệm, cũng gợi tới một kiểu mới để tái hiện cảm xúc nửa trang nghiêm nửa khôi hài, sau này rất hữu dụng cho các nhà văn như Pynchon, người phối hợp những mặt tương phản của trí thông minh và sợ hãi.

John Cheever
(1912 – 1982)

John Cheever thường được gọi là một “tiểu thuyết gia đa phong cách”. Ông nổi tiếng vì những truyện ngắn nhiều liên tưởng, tao nhã và tuyệt hay của mình, những truyện ngắn mổ xẻ giới kinh doanh của New York qua những ảnh hưởng của nó đối với các nhà kinh doanh, vợ con, bạn bè họ. Một khát khao gượng gạo, bi thiết có vẻ như vô vọng nhưng không bao giờ bị dập tắt về những đam mê hay sự xác tín siêu hình ẩn giấu trong bóng tối của những câu chuyện tinh tế của Cheever, theo phong cách Chekhov, tập hợp trong The Way Some People Live (Cách người ta sống – 1943), The Housebreaker of Shady Hill (Kẻ đột nhập ở Shady Hill – 1958); Some People, Places and Things That Will Not Appear in My Next Novel (Một vài người, vài địa điểm và vài chuyện sẽ không bao giờ xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết sắp tới của tôi – 1961), The Brigadier and the Golf Widow (Thiếu tướng và người góa phụ chơi golf – 1964), và The World of Apples (Thế giới những trái táo – 1973). Tựa đề những cuốn sách của ông bộc lộ sự lãnh đạm, đùa nghịch, một sự bất kính và một sự gợi ý về chủ đề, nội dung. Cheever cũng xuất bản nhiều cuốn tiểu thuyết – The Wapshot Scandal (Vụ tai tiếng của gia đình Wapshot – 1964), Bullet Park (Công viên đạn – 1969), và Falconer (Người luyện chim ưng – 1977) – cuốn sau cùng này mang nhiều yếu tố tự thuật.

John Updike
(1932 – )

Cũng như Cheever, John Updike được xem là nhà văn đa phong cách với những bức tranh về cuộc sống đô thị, chủ đề xoay quanh cuộc sống gia đình, phản ánh tâm trạng chán chường, tiếc nuối. Tiểu thuyết của ông thường xảy ra ở vùng Bờ Đông ở Massachusetts và Pennsylvania. Updike rất nổi tiếng với bốn tác phẩm loại Rabbit miêu tả cuộc sống của một người đàn ông tên là Harry “Rabbit” Angstrom với những thăng trầm trong cuộc đời ông qua bốn thập kỷ của lịch sử chính trị và xã hội Mỹ. Rabbit, Run(Rabbit, chạy – 1960) là tấm gương phản chiếu nước Mỹ thập niên 50, trong đó Angstrom là một anh chồng trẻ bất mãn; sống hoàn toàn không có mục đích. Rubbit Redux (Rubbit trở lại phong độ – 1971) tập trung làm nổi bật hiện tượng phản văn hóa của thập niên 60. Trong tập này, Angstrom vẫn không có một mục tiêu, hoặc lý tưởng rõ ràng trong cuộc sống hoặc là có một cách thức hợp lý để trốn khỏi sự nhàm chán, vô vị của nó. Trong Rabbit Is Rich (Rabbit giàu có – 1981), Harry trở nên giàu có nhờ của cải thừa hưởng trong bối cảnh thập niên 70 thịnh vượng và vị kỷ, khi mà cuộc chiến ở Việt Nam đã ở vào giai đoạn cuối. Tập cuối cùng Rabbit at Rest (Rabbit an nghỉ – 1990), lướt qua sự hòa giải của Angstrom với cuộc đời, và cái chết khinh suất của ông trong bối cảnh lịch sử những năm 80. Ngoài bộ tiểu thuyết trên, Updike còn viết các cuốn tiểu thuyết khác nhưThe Centaur (Con nhân mã – 1963), Couples (Những cặp vợ chồng – 1968) và Bech: A Book (Bech: Một cuốn sách – 1970). Updike có một thi pháp nổi bật, sáng chói của bất cứ nhà văn hiện đại nào và những truyện ngắn của ông là mẫu mực về sự lỗi lạc và sắc sảo xét cả về tầm vóc phản ánh và tính sáng tạo của chúng. Tuyển tập truyện ngắn của ông gồm có The Same Door (Cùng một cánh cửa – 1959), The Music School (Trường nhạc – 1966),Museums and Women (Bảo tàng và phụ nữ – 1972), Too Far To Go (Đường xa – 1979) và Problems (Những vấn đề – 1979). Ông cũng viết nhiều tập thơ và tiểu luận.

J.D. Salinger
(1919- )

Là người đưa tin của thập niên 60, J. D. Salinger đã khắc họa những cố gắng đào thoát ra khỏi xã hội. Sinh ở New York, ông đã đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp văn học nhờ vào việc xuất bản cuốn tiểu thuyết The Catcher in the Rye (Bắt trẻ đồng xanh – 1951) viết về một cậu bé nhạy cảm 16 tuổi, Holden Caulfield, đã trốn khỏi một trường nội trú danh giá để gia nhập vào thế giới bên ngoài của người lớn để sau đó phải vỡ mộng bởi cái chủ nghĩa vật chất và sự giả dối của nó.

Khi được hỏi lớn lên cậu bé thích làm gì, Caulfield đã trả lời “thích làm người bắt trẻ ngoài đồng”, nhại theo một bài thơ của Robert Burns. Trong mơ ước của mình, ông muốn bản thân là hình ảnh hiện đại của một hiệp sĩ Da trắng, người bảo vệ duy nhất cho sự trong sáng, ngây thơ. Ông tưởng tượng ra một cánh đồng lúa mạch đen bao la, lúa cao đến nỗi không thể nhìn thấy một bầy trẻ con đang chạy nhảy vui đùa trong đám lúa. Ông là người lớn duy nhất ở đấy. “Tôi đang đứng trên bờ đá cao ghê hồn. Tôi phải làm gì? Tôi phải bắt bất cứ đứa trẻ nào toan vượt qua bờ đá đó”. Rơi xuống bên kia vách đá có nghĩa là đánh mất tuổi thơ và sự thơ ngây (đặc biệt là về tính dục) – một chủ đề trở đi trở lại trong thời kỳ này. Những tác phẩm khác của nhà văn ẩn cư và viết rất kén này gồm: Nine Stories (Chín câu chuyện – 1953), Franny and Zooey (1961) và Raise High the Roof – Beam, Carpenters (Cao cao trên xà nhà, Bác thợ mộc – 1963) một tuyển tập truyện ngắn từ báo The New Yorker. Sau khi một truyện ra mắt độc giả vào năm 1965, Salinger – sống ở New Hampshire – vắng bóng trên bầu trời văn học Mỹ.

Jack Kerouac
(1922 – 1969)

Là con trai của một gia đình gốc Pháp – Canada nghèo khổ, Jack Kerouac trăn trở với vấn đề ý nghĩa và giá trị cuộc sống của lớp người trung lưu. Ông đã có những cuộc giao lưu với nhóm văn nghệ Beat bí mật khi còn là sinh viên của Đại học Columbia ở New York. Tiểu thuyết của ông chịu nhiều ảnh hưởng của những tác phẩm mang ít nhiều yếu tố tự thuật của tiểu thuyết gia miền Nam – Thomas Wolfe.

Tiểu thuyết hay nhất của Kerouac là cuốn On the Road (Trên con đường tự do – 1957) miêu tả “các thành viên của nhóm Beat” lang thang khắp nước Mỹ tìm kiếm một giấc mơ lý tưởng về cuộc sống cộng đồng và cái đẹp. Cuốn The Dharma Bums (Phật pháp của những kẻ cầu bơ cầu bất – 1958) tập trung phản ánh về những trí thức phản văn hóa sống lang thang bất định và sự say mê nhất thời của họ đối với Thiền tông – Phật giáo. Kerouac cũng sáng tác một tập thơ Mexico City Blues (Điệu blues ở Mexico City – 1959) và những tập sách về cuộc đời ông với thành viên của nhóm Beat như nhà văn viết tiểu thuyết thể nghiệm William Burroughs và thi sĩ Allen Ginsberg.

THẬP NIÊN 60 RỐI REN NHƯNG ĐẦY SÁNG TẠO

Áp lực và sự tha hóa tiềm tàng trong thập niên 50 tìm được tiếng nói thích hợp vào thập niên 60 ở Mỹ trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng, phong trào đấu tranh cho quyền phụ nữ, chống chiến tranh, hoạt động của cộng đồng ít người và sự xuất hiện của phong trào phản văn hóa mà ảnh hưởng của nó vẫn còn dai dẳng trong xã hội Mỹ. Những tác phẩm về văn hóa xã hội và chính trị nổi bật trong thời kỳ này gồm có những bài diễn thuyết về quyền bình đẳng của nhà lãnh đạo Da đen, tiến sĩ Martin Luther King, những trước tác thời kỳ đầu của nhà lãnh đạo phong trào nữ quyền Betty Friedan (The Feminine Mystique – Sự huyền diệu của phụ nữ, 1963) và The Armies of the Night (Đội quân của bóng đêm – 1968) của Normal Mailer về cuộc biểu dương lực lượng chống chiến tranh năm 1967.

Những năm 60 được đánh dấu bởi sự xóa nhòa ranh giới giữa hư cấu và sự thật, giữa tiểu thuyết và phóng sự điều tra và điều này vẫn còn tiếp diễn cho đến tận ngày nay. Tiểu thuyết gia Truman Capote, một con người ăn nói huỵch toẹt từng làm độc giả choáng váng vào cuối thập niên 40 đầu thập niên 50 trong những tác phẩm như Breakfast at Tiffany (Ăn sáng ở Tiffany – 1958) – giờ lại làm độc giả sững sờ với In Cold Blood (Máu lạnh – 1966), một phân tích vô cùng hấp dẫn về một vụ tàn sát tập thể hết sức tàn bạo xảy ra ở một vùng trung tâm nước Mỹ, lôi cuốn bạn đọc như một cuốn tiểu thuyết trinh thám. Cùng lúc đó, “phong cách báo chí mới” nổi lên, 268 269 những tác phẩm không có yếu tố hư cấu kết hợp với phong cách viết báo và kỹ thuật viết tiểu thuyết hoặc là sử dụng thường xuyên các dữ kiện thật, nhào nặn chúng lại để tạo tính xác thực và ly kỳ cho câu chuyện được kể. Cuốn The Electric Kool – Aid Acid Test. (Cuộc thử nghiệm của dân hippy([5])) của Tom Wolfe (1968) ca ngợi những chuyện ngộ nghĩnh, dễ thương trong những đam mê phiêu bồng phản văn hóa của tiểu thuyết gia Ken Kesey. Còn cuốn Radical Chic and Mau – Mauing the Flak Catchers cười nhạo nhiều khía cạnh của phong trào cánh tả. Sau này Wolfe viết một cuốn lịch sử hết sức sâu sắc và phong phú về giai đoạn đầu của chương trình không gian Hoa Kỳ, cuốn The Right Stuff (Chuyện tào lao – 1979) và tiểu thuyết The Bonfire of the Vanities (Ngọn lửa của sự phù hoa – 1987) là bức tranh toàn cảnh về xã hội Mỹ trong thập niên 80.

Vào những năm 60, văn học cũng nhập cuộc với những rối ren trong thời kỳ này. Một cái nhìn mỉa mai, bỡn cợt cũng xuất hiện, phản ánh trong phong cách ngụ ngôn của một số nhà văn, trong số đó có truyện One Flew Over the Cuckoo’s Nest (Bay qua tổ chim cúc cu – 1962) – một truyện hài hước ảm đạm của Ken Kesey về cuộc sống trong một nhà thương điên trong đó các nhân viên y tế lại còn quậy phá điên rồ hơn cả bệnh nhân.Trout Fishing in America (Câu cá hồi ở Mỹ – 1967) của Richard Brautigan là một cuốn tiểu thuyết tưởng tượng đến mức quái dị. Hài hước và tưởng tượng kết hợp để tạo ra một phong cách mới nửa siêu hình nửa khôi hài trong các cuốn tiểu thuyết hoang tưởng, xuất sắc của Thomas Pynchon nhan đề V (1963) và The Crying of Lot 49 (Tiếng khóc than của lô 49), cuốn Giles Goat – Boy (Giles – Cậu bé chăn dê – 1966) của John Barth và những truyện ngắn kỳ dị của Donald Bartheme trong tuyển tập truyện ngắn đầu tiên Come Back, Dr Calogari (Trở lại đi, Tiến sĩ Calogari) xuất bản vào năm 1964.

Trong lãnh vực sân khấu, Edward Albee sáng tác một loạt vở kịch tâm lý phi truyền thống: Who’s Afraid of Virginia Woolf[6]? (Ai sợ Virginia Woolf? – 1962), A Delicate Balance (Sự thăng bằng mong manh – 1966) vàSeascape (Phong cảnh biển – 1975). Những vở kịch phản ánh cuộc dò tìm nội tâm và cách tiếp cận đầy nghịch lý của tác giả.

Đồng thời, thập niên 60 cũng chứng kiến sự ra đời muộn màng của một tài năng văn học trong độ tuổi 40 – Walker Percy – một bác sĩ và một mẫu mực của phong cách tao nhã miền Nam. Trong loạt tác phẩm của mình, Percy đã dùng địa phương quê nhà của ông như một tấm thảm trang trí để ông trải lên đó những màn kịch tâm lý ly kỳ hấp dẫn. The Moviegoer (Dân nghiền xinê – 1961) và The Last Gentleman (Chính nhân quân tử cuối cùng – 1966) là hai vở kịch nổi bật trong những tác phẩm được đánh giá cao của ông.

Thomas Pynchon
(1937 – )

Thomas Pynchon là tác giả u huyền, không thích khoa trương tên tuổi. Ông sinh ở New York, tốt nghiệp Đại học Cornell năm 1958, nơi có lẽ ông đã tiếp nhận ảnh hưởng của Vladimir Nabokov. Có một điều chắc chắn là, những tưởng tượng có tính cách tân của ông, sử dụng những chủ đề về việc diễn giải những mấu chốt, những trò chơi, và các mật mã có thể xuất phát từ Nabokov. Giọng văn linh hoạt của Pynchon có thể hòa nhập chứng hoang tưởng vào trong thi ca.

Tất cả những tiểu thuyết của Pynchon đều có kết cấu giống nhau. Luôn có ít nhất một nhân vật chính không biết gì về dòng diễn biến phức tạp của câu chuyện, rồi sau đó trọng trách của hắn là sắp xếp lại trật tự của cái mớ bòng bong các sự kiện và giải mã thế giới. Công việc này, chính là nhiệm vụ của người nghệ sĩ truyền thống, được chuyển giao cho người đọc, họ phải dõi theo các sự kiện, tìm ra những điểm mấu chốt và lý giải về mọi sự. Quan điểm hoang tưởng này phổ biến khắp các lục địa và chính thời đại này, bởi vì Pynchon đã sử dụng ẩn dụ “entropy”[7] về sự suy tàn dần dần của vũ trụ. Ông là bậc thầy trong việc tiếp thu và chuyển hóa văn hóa dân gian – đặc biệt là trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và tiểu thuyết trinh thám.

Tiểu thuyết mang tựa đề V được cấu trúc lỏng lẻo xung quanh Benny Profane – một kẻ thất bại lại lao vào những cuộc phiêu lưu vô mục đích với những công việc làm ăn kỳ cục luôn thay đổi và đối thủ của anh ta, Herbert Stencil, một trí thức có nhiệm vụ truy tìm một nữ điệp viên bí mật V (có thể là Venus, Virgin hay Void). The Crying of Lot 49 (Tiếng khóc than của lô 49), là một truyện vừa, đề cập đến một hệ thống bí mật liên quan đến dịch vụ bưu điện Mỹ. Gravity’s Rainbow (Cầu vồng của trọng lực – 1973) viết về những sự kiện xảy ra ở London trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ II, vào lúc mà đạn bom tưới xuống thành phố này. Nội dung xuyên suốt cuốn truyện là cuộc tìm kiếm nửa khôi hài nửa biểu trưng những tên phát xít Đức và các nhân vật đội lốt khác. Sự mãnh liệt trong biểu cảm, tính khôi hài và sự nhạy bén với những cái mới đã gắn chặt tên tuổi của Pynchon với thập niên 60.

John Barth
(1930- )

John Barth quê ở Maryland là nhà văn quan tâm đến cách kể lại một câu chuyện như thế nào hơn là nội dung của nó. Nhưng trong khi Pynchon tung hỏa mù đưa độc giả vào con đường với những dấu vết giả tạo và những đầu mối khả dĩ vượt ra ngoài một cuốn tiểu thuyết trinh thám, thì Barth lại mời bạn đọc bước vào một ngôi nhà vui tươi của lễ hội, nơi chứa đầy những tấm gương dị dạng, phóng đại một số nét này trong khi lại thu nhỏ một số đặc điểm khác. Chủ nghĩa hiện thực là kẻ thù của Barth, tác giả của tuyển tập truyện ngắn Lost in the Funhouse (Lạc lối trong ngôi nhà của niềm vui – 1968) gồm 14 truyện về quá trình viết văn và đọc sách. Mục đích của Barth là nhắc nhở và cảnh báo cho độc giả về bản chất nhân tạo của việc đọc và viết văn, và hơn nữa ngăn cản người đọc đừng bị lôi cuốn vào câu chuyện như thể câu chuyện ấy là có thật trên đời. Để làm nổ tung cái ảo tưởng về chủ nghĩa hiện thực, Barth đã dùng toàn bộ công cụ phản tỉnh để nhắc nhở bạn đọc rằng chính là họ đang đọc sách.

Những tác phẩm đầu tay của Barth cũng như của Saul Bellow chứa đựng rất nhiều vấn đề và mang tính hiện sinh rõ nét, có những chủ đề của thập niên 50 về sự tẩy chay xã hội và sự lang thang bất định của số phận con người. Cuốn truyện The Floating Opera (Nhạc kịch lưu động – 1956) viết về một con người toan tính tự tử. The End of the Road (Đoạn cuối của con đường – 1958) miêu tả một cuộc tình phức tạp. Những tác phẩm vào thập niên 60 của ông trở nên hài hước hơn và càng ít hiện thực hơn nữa. The Sot – Weed Factor (1960) nhại theo thể loại tiểu thuyết giang hồ thế kỷ 18, trong khi với Giles Goat Boy (Giles – Cậu bé chăn dê – 1966), thế giới được thu nhỏ một cách hài hước thành một trường đại học. Cuốn Chimera (Quái vật tưởng tượng – 1972) kể lại những câu chuyện cổ của thần thoại Hi Lạp và trong Letters (Những lá thư – 1979) thì chính Barth trở thành một nhân vật như là Normal Mailer đã làm trong The Armies of the Night. TrongSabbatical: A Romance (Kỳ nghỉ của giáo sư: Một truyện tình – 1982) Barth sử dụng một motif hư cấu quen thuộc về điệp viên, đấy là câu chuyện về một nữ giáo sư dạy đại học và chồng nàng, một điệp viên đã giải nghệ sau trở thành một tiểu thuyết gia.

Normal Mailer
(1923- )

Normal Mailer được dư luận rộng rãi công nhận là đại biểu cho những thập kỷ vừa qua, một tác gia có khả năng thay đổi phong cách, nội dung và mối quan tâm khá nhiều lần. Có xu hướng viết về những kinh nghiệm sống với cá tính mãnh liệt và tính cách của một con người tham gia hoạt động xã hội đầy kịch tính, Mailer đi theo con đường truyền thống của Ernest Hemingway. Tư tưởng của ông hết sức mạnh bạo và đổi mới. Ông là tác giả trái ngược hẳn với Barth, bởi vì đối với Barth, nội dung phản ánh không quan trọng bằng cái cách mà nó được diễn đạt. Cũng không giống với Pynchon khó xác định, Mailer luôn tranh thủ và đòi hỏi một sự chú tâm. Là nhà văn viết tiểu thuyết, một nhà viết tiểu luận, đôi khi cũng là một chính khách, một nhà hoạt động văn hóa và thỉnh thoảng còn là diễn viên, Mailer là nhân vật trung tâm của “sân khấu” xã hội. Từ những tác phẩm mang phong cách “báo chí mới” như Miami and the Siege of Chicago (Miami và việc vây hãm thành Chicago – 1968), một phân tích về những hội nghị đề cử ứng viên tổng thống Mỹ năm 1968 và sự nghiên cứu hết sức hấp dẫn của ông về vụ hành quyết những kẻ bị kết tội sát nhân trong cuốn The Excutioner’s Song (Bài ca của kẻ tử tội – 1979) ông chuyển sang viết những cuốn tiểu thuyết nặng ký và đầy tham vọng như Ancient Evenings (Những buổi chiều xưa – 1983) lấy bối cảnh ở Ai Cập cổ đại và cuốn Harlot’s Ghost(Hồn ma Harlot – 1992) về những vấn đề xoay quanh cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ.

THẬP NIÊN 70 VÀ 80 NHỮNG HƯỚNG ĐI MỚI

Vào khoảng giữa thập niên 70, kỷ nguyên của sự củng cố bắt đầu. Chiến tranh ở Việt Nam đã kết thúc, tiếp sau đó là việc nước Mỹ công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và việc kỷ niệm 200 năm lập quốc. Chẳng bao lâu sau là những năm 80, “thập kỷ vì tôi” tiếp bước, trong đó mỗi cá nhân có khuynh hướng tập trung vào những mối quan tâm riêng tư của mình hơn là những vấn đề xã hội lớn lao hơn.

Trong văn học, các trào lưu cũ vẫn còn tồn tại, nhưng cái sức mạnh đằng sau sự thể nghiệm đơn thuần đã giảm dần. Các tiểu thuyết gia trẻ như John Gardner, John Irving (với tiểu thuyết The World According to Garp – Thế giới dưới con mắt của Garp, 1978), Paul Theroux (Trong The Mosquito Coast – Bờ biển Mosquito, 1982), William Kennedy (Ironweed – Hạt sắt, 1983) và Alice Walker (The Color Purple – Màu tím, 1982) lên ngôi với những tiểu thuyết nổi bật rất có cá tính khắc họa những tấn kịch cảm động về con người. Việc quan tâm tới hoàn cảnh, nhân vật và những chủ đề kết hợp với chủ nghĩa hiện thực đã trở lại. Chủ nghĩa hiện thực, bị bỏ rơi bởi các nhà văn thể nghiệm vào thập niên 60, đã quay trở lại thường kết hợp với những yếu tố sáng tạo hết sức táo bạo – một cấu trúc mới mẻ, đột phá như một “tiểu thuyết trong tiểu thuyết” có thể thấy trong truyện của John Garner October Light (Ánh sáng tháng Mười – 1976) hoặc là tiếng Anh của người Mỹ – Da đen trong The Color Purple của Alice Walker. Văn học của các cộng đồng ít người bắt đầu đua nở. Kịch nói đã chuyển từ chủ nghĩa hiện thực sang những kỹ xảo điện ảnh và tốc độ hơn. Tuy vậy, cùng lúc đó, “Thập kỷ vì tôi” cũng được phản ánh trong các tài năng trẻ khoa trương như Joy Mclnerny với Bright LightsBig City, (Ánh sáng rực rỡ nơi đô thị, 1984), Bret Easton Ellis với Less Than Zero (Nhỏ hơn số không, 1985) và Tama Janowits với Slaves of New York (Nô lệ của New York, 1986).

John Gardner
(1933-1982)

John Gardner xuất thân từ một nhà nông ở bang New York, là người phát ngôn quan trọng nhất cho những giá trị đạo đức trong văn học cho đến khi cái chết đã chấm dứt cuộc sống khá ngắn ngủi của ông bằng một tai nạn môtô. Ông là giáo sư văn học Anh chuyên về giai đoạn Trung đại. Cuốn tiểu thuyết Grendel (1971) nổi tiếng nhất của ông kể lại sử thi cổ đại Anh về Beowulf nhìn từ góc độ hiện sinh của con quái vật. Cuốn tiểu thuyết ngắn gọn, sinh động và thường vang lên tiếng cười trào lộng này là một cuộc tranh luận tinh tế chống lại chủ nghĩa hiện sinh đã dồn các nhân vật của nó vào nỗi tuyệt vọng tự hủy diệt và một thái độ khuyển nho, yếm thế.

Là một nhà văn sung sức và hết sức nổi tiếng, Gardner sáng tác theo phương pháp hiện thực nhưng lại sử dụng các kỹ thuật mới mẻ như hồi tưởng, truyện trong truyện, kể lại các huyền thoại và những câu chuyện tương phản – để phát hiện chân lý về tình cảnh của con người. Sức mạnh của ông chính là sự đặc trưng hóa (đặc biệt là trong những bức chân dung đầy cảm thông về những con người bình thường) và phong cách đa dạng.

Những tác phẩm lớn của ông gồm The Resurrection (Phục sinh – 1966), The Sunlight Dialogues (Cuộc đối thoại dưới ánh mặt trời – 1972), Nickel Mountain (Núi Nickel – 1973), October Light (Ánh sáng tháng Mười – 1976) và Mickenson’s Ghosts (Những bóng ma của Mickenson – 1982).

Các kiểu tiểu thuyết của Gardner gợi tả cái sức mạnh trị liệu của tình bằng hữu, bổn phận và trách nhiệm gia đình và xét theo ý nghĩa này, Gardner là một tác giả bảo thủ và truyền thống hết sức sâu sắc. Ông đã cố gắng chứng minh rằng một số hành động và các giá trị nhất định sẽ dẫn đến một cuộc sống viên mãn. Cuốn tiểu thuyết của ông On Moral Fiction (Tưởng tượng đạo lý – 1978) kêu gọi tiểu thuyết nên chuyển tải những giá trị đạo đức hơn là lòe bịp độc giả với những cách tân kỹ thuật trống rỗng. Cuốn sách đã gây nên một làn sóng phẫn nộ, chủ yếu bởi vì Gardner đã phê phán thẳng thừng những cây cao bóng cả trong làng văn đương đại đã thất bại trong việc phản ánh những mối quan tâm đạo đức.

Toni Morrison
(1931 – )

Nữ văn sĩ người Mỹ gốc Phi Toni Morrison sinh ở bang Ohio trong một gia đình gia phong mà mối quan tâm chính là những giá trị tinh thần. Bà theo học Đại học Howard ở thủ đô Washington, là biên tập cao cấp của một nhà xuất bản lớn ở Washington và là giáo sư nổi tiếng của nhiều trường đại học.

Tiểu thuyết đan kết phong phú của Morrison làm cho bà nổi tiếng thế giới. Trong những cuốn tiểu thuyết phóng khoáng và cuốn hút của mình bà đã xử lý những tính cách phức tạp của người Da đen bằng một cách thức phổ quát. Trong tác phẩm đầu tay The Bluest Eye (Mắt biếc – 1970) của bà, một cô gái Da đen trẻ giàu nghị lực đã kể lại câu chuyện về Pecola Breedlove, người rốt cuộc đã trốn thoát cuộc sống với một ông bố cục súc, thô bạo. Pecola tin rằng đôi mắt đen của cô đã biến thành màu xanh da trời một cách kỳ diệu và chúng làm cô trở nên dễ thương hơn. Morrison có nói rằng bà đã sáng tạo nên cái ý thức về diện mạo văn học riêng của riêng bà với tư cách là một nhà văn qua cuốn tiểu thuyết này “Tôi là Pecola, là Claudia, là mọi người”.

Tác phẩm Sula (1973) miêu tả tình bạn thắm thiết mặn nồng giữa hai người phụ nữ. Morrison khắc họa phụ nữ Mỹ gốc Phi như là những nhân vật đầy cá tính, đơn nhất hơn là những con người điển hình. Cuốn Song of Solomon (Bài ca của Solomon) của Morrison viết vào năm 1977 đã nhận được nhiều giải thưởng. Nó tái hiện cuộc đời của một người Da đen tên là Milkman Dead và những mối quan hệ phức tạp của anh ta với gia đình và cộng đồng Da đen. Trong cuốn Tar Baby (Bé con – 1981) Morrison khai thác các vấn đề của mối quan hệ giữa người Da trắng và người Da đen. Beloved(1987) là một câu chuyện về nỗi thống khổ của một người đàn bà thà giết chết những đứa con mình còn hơn là để chúng sống như những kẻ nô lệ. Cuốn tiểu thuyết sử dụng những kỹ thuật như trong một giấc mơ của chủ nghĩa hiện thực huyền bí trong việc phác họa một nhân vật huyễn hoặc, Beloved, cô gái trở lại sống với người mẹ đã cắt cổ mình.

Morrison cho rằng mặc dầu các tiểu thuyết của bà thuần túy là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, chúng vẫn chứa đựng những ý nghĩa chính trị: “Tôi không quan tâm đến việc nuông mình trong những tưởng tượng riêng tư… Vâng, một tác phẩm nghệ thuật phải có ý nghĩa chính trị”. Năm 1993, Morrison được trao giải Nobel văn chương.

Alice Walker
(1944- )

Alice Walker là một người Mỹ Da đen và là con của một gia đình nhà nông ăn chia theo mùa vụ ở vùng thôn quê Georgia. Bà tốt nghiệp Đại học Sarah Lawrence, nơi có một trong những người thầy của bà là nữ thi sĩ có khuynh hướng làm chính trị, bà Muriel Rukeyser. Những người khác có ảnh hưởng đến sự nghiệp văn chương của bà là Flannery O’Connor và Zora Neale Hurston.

Là một nhà văn “rất nữ tính” như bà tự nhận; Walker từ lâu đã rất gắn bó với phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ, bà trình bày về sự hiện hữu của người Da đen dưới cái nhìn của người phụ nữ. Cũng như Toni Morrison, Jamaica Kincaid, Toni Cade Bambara và các tác giả Da đen đương đại thành công khác, Walker sử dụng chủ nghĩa hiện thực trữ tình ở trình độ nghệ thuật cao để phản ánh về những giấc mơ và thất bại của những con người đáng tin cậy có thực. Tác phẩm của bà khắc họa đậm nét cuộc tìm kiếm phẩm giá trong đời người. Bà là một nhà văn có văn phong rất mực tinh tế, mượt mà đặc biệt thể hiện trong cuốn tiểu thuyết mang phong cách ngôn ngữ thánh thư The Color Purple (Màu tím), tác phẩm của bà có ý hướng giáo dục. Ở điểm này, Walker cũng giống như một tiểu thuyết gia Mỹ đen khác là Ishmael Reed, tác giả của những tác phẩm trào phúng phơi bày những vấn đề chủng tộc và xã hội.

The Color Purple của Walker là một câu chuyện về tình yêu giữa hai chị em người Da đen sống sót sau những tháng năm xa cách. Gắn bó với câu chuyện này, bằng một cách nào đó trong cùng một thời điểm là việc một trong hai chị em, một cô gái xấu xí, nhút nhát và thất học khám phá ra sức mạnh tiềm tàng của mình nhờ sự giúp đỡ của một người bạn gái. Chủ đề về sự nâng đỡ giữa những người phụ nữ gợi nhớ tiểu sử tự thuật của Maya Angelou I Know Why the Caged Bird Sings ( Tôi biết vì sao chim hót trong lồng – 1970) ngợi ca tình cảm giữa mẹ và con gái và tác phẩm của các nhà văn Da trắng ủng hộ phong trào phụ nữ như Adrienne Rich. The Color Purple mô tả đàn ông như là những con người về căn bản không nhận thức được nhu cầu và sự hiện diện thực tế của người phụ nữ.

Những năm cuối thập niên 80 và đầu thập niên 90 chứng kiến sự kiện ngoạn mục các tác phẩm của các cộng đồng ít người trở thành một bộ phận quan trọng trong văn đàn Mỹ. Điều này cũng xảy ra với sân khấu cũng như văn xuôi. August Wilson – người vẫn tiếp tục sáng tác và chứng kiến hàng loạt vở kịch của mình về cuộc đời người Da đen ở thế kỷ 20 được đưa lên sân khấu (trong đó có những vở đoạt giải Pulitzer như Fences (Rào cản – 1986) và The Piano Lesson (Bài học dương cầm – 1989) và tạo được chỗ đứng cho mình bên cạnh các tiểu thuyết gia nổi tiếng như Alice Walker, John Edgar Wideman và Toni Morrison.

Các nhà văn Mỹ gốc châu Á cũng chiếm lĩnh vị trí của họ trên văn đàn: Maxine Hong Kingston với The Woman Warrior (Nữ chiến binh, 1976) đã mở ra một con đường cho các nhà văn nữ gốc châu Á của bà. Trong số họ có Amy Tan, tác giả của những tác phẩm sáng chói về cuộc sống của người Hoa di cư sang Mỹ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai như cuốn The Joy Luck Club (Phúc lạc hội, 1989) và cuốn The Kitchen God’s Wife (Vợ ông đầu rau, 1991) chinh phục được đông đảo bạn đọc. Còn David Henry Hwang con của một gia đình người Hoa sinh ra ở California đã làm nên tên tuổi của mình trong làng kịch nghệ với những vở kịch như là F.O.B (Giao hàng lên tàu – 1981) và M. Butterfly (Ông Butterfly – 1986).

Một nhóm các nhà văn khá mới mẻ xuất hiện trên chân trời văn học là những tác gia gốc Nam Mỹ, gồm tiểu thuyết gia gốc Cuba đoạt giải Pulitzer mang tên Oscar Hijuelos, tác giả cuốn The Mambo Kings Play Songs of Love(Các ông vua Mambo chơi nhạc tình yêu – 1989); nhà văn chuyên viết truyện ngắn Sandra Cisneros (Women Hollering Creek and Other Stories – Chuyện phụ nữ – 1991)[8] và Rudolfo Anaya, tác giả của cuốn Bless Me, Ultima (Phù hộ cho tôi, Ultima) bán được 300.000 bản chủ yếu ở miền Tây nước Mỹ.

VĂN HỌC PHONG CÁCH ĐỊA PHƯƠNG MỚI

Chẳng có gì mới mẻ về truyền thống văn học địa phương trong văn chương Mỹ. Nó cũng xa xưa như những truyền thuyết của người Da đỏ, cũng khơi gợi trí tưởng tượng như các tác phẩm của James Fenimore Cooper và Bret Harte, cũng nhiều âm vang như tiểu thuyết của William Faulkner và các vở kịch của Tennessee Williams. Mặc dầu vậy, có một thời, vào khoảng sau Chiến tranh thế giới thứ II, truyền thống đó dường như biến mất trong bóng chập choạng của thời đại – trừ phi người ta nhận định, mà có lẽ là rất đúng, rằng tiểu thuyết về đô thị cũng là một dạng của chủ nghĩa địa phương. Tuy nhiên, trong thập kỷ vừa qua hay vào khoảng ấy, văn học địa phương đã thực hiện một sự trở về ngoạn mục, vang dội trong nền văn học Mỹ khiến cho độc giả có ý thức về không gian cũng như là có ý thức về thời gian và thân phận con người. Và nó cũng trở nên thịnh hành trong các thể loại tiểu thuyết phổ biến như là truyện trinh thám chẳng hạn, cũng như trong văn học cổ điển với tiểu thuyết, truyện ngắn và kịch nói.

Ở đây có một vài lý do khả dĩ cho sự tái xuất hiện này. Cái chính là, tất cả các loại hình nghệ thuật ở Mỹ đã trở nên phi tập trung trong các thế hệ qua. Sân khấu, âm nhạc, múa có xu hướng phát triển mạnh ở các vùng đô thị ở miền Nam, Tây Nam và Tây Bắc nước Mỹ cũng như những thành phố lớn như New York và Chicago. Các công ty điện ảnh làm phim trên khắp đất Mỹ hoặc vô số nơi khác. Văn học Mỹ cũng vậy. Các nhà xuất bản nhỏ hơn tập trung vào tiểu thuyết đua nở rực rỡ bên ngoài “dãy phố xuất bản” của thành phố New York. Các cuộc hội thảo và hội nghị của các nhà văn trở thành mốt thời thượng hơn bao giờ hết, trong khi các lớp dạy viết văn và học văn cũng trở thành cơn sốt ở khắp các trường đại học trong nước. Chẳng có gì lạ khi các tài năng chớm nở có thể khai hoa bất cứ ở đâu. Tất cả những cái mà người ta cần để viết văn chỉ là một cây bút chì, giấy và quan điểm.

Những nét khỏe khoắn, thanh tân nhất của trào lưu văn học địa phương mới là sự bành trướng và đa dạng của nó. Nó tràn qua khắp nước Mỹ từ Đông sang Tây. Một cuộc hành trình văn học xuyên suốt lục địa được bắt đầu ở vùng Đông Bắc ở Albany, New York với trung tâm điểm của sự chú ý là người con của vùng đó, William Kennedy, đã một thời là nhà báo. Kennedy, tác giả của những tiểu thuyết về Albany trong số đó có các tiểu thuyết Ironweed (1983) và Very Old Bones (Chuyện rắc rối cũ rích – 1992) là bức tranh ảm đạm về cuộc sống của các cư dân ở các phố chợ và các quán rượu ở thủ phủ của bang New York.

Là một nhà văn viết tiểu thuyết, viết truyện ngắn, viết tiểu luận và cũng làm thơ rất sung mãn, giàu sức sáng tạo, Joyce Carol Oates cũng xuất thân từ vùng Đông Bắc nước Mỹ. Trong các tác phẩm đáng nhớ của bà, nỗ lực của các nhân vật bị ám ảnh phải đạt cho được thành công trong những môi trường méo mó kỳ cục của họ cuối cùng đã dẫn họ đến sự hủy hoại. Những tác phẩm hay nhất của bà được tuyển chọn trong các tuyển tập như là The Wheel of Love (Bánh xe của tình yêu 1970) và Where Are you Going, Where Have You Been? (Anh đi đâu, anh ở đâu? – 1974). Stephen King, bậc thầy của thể loại tiểu thuyết kinh dị bán chạy, thường lấy bối cảnh cho các tác phẩm kinh dị của ông tại Maine – trong cùng một khu vực. Xuôi theo ven biển, trong vùng phụ cận Baltimore bang Maryland, nhà văn Anne Tyler trình bày bằng cái giọng giản dị, điềm tĩnh về những cuộc đời phi thường và những nhân vật kiệt xuất. Những tiểu thuyết như Dinner at the Homesick Restaurant (Ăn tối ở nhà hàng Nhớ nhà – 1982), The Accidental Tourist(Người du khách bất ngờ – 1985), Breathing Lessons (Bài học hô hấp – 1988) và Saint Maybe (Thánh có thể – 1991) đã làm tên tuổi của bà vang dội trong làng văn và trong lòng công chúng rộng rãi.

Cách Baltimore không xa là thủ đô Washington cũng có truyền thống văn học của riêng mình, nếu không muốn nói là một dòng văn học còn giấu mình trong bóng tối ở giữa cái thành phố mà mối quan tâm chủ yếu là chính trị. Trong số những nhà văn vẽ được những bức tranh rõ ràng về cuộc sống ở trong và vành ngoài guồng máy chính phủ và quyền lực của đất nước, có tiểu thuyết gia Ward Just – một cựu phóng viên quốc tế đã theo đuổi sự nghiệp thứ hai của mình là viết về cái thế giới mà anh biết từng chân tơ kẽ tóc: thế giới của các phóng viên báo chí, các chính trị gia, các nhà ngoại giao, và giới binh nghiệp. Cuốn sách Nicholson at Large(Nicholson tự do – 1975) một khảo cứu về giới làm báo trong và sau nhiệm kỳ của tổng thống John F. Kenedy vào đầu những năm 1960, In the City of Fear (Ở thành phố của nỗi sợ hãi – 1982) một phác thảo về Washington trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam; và Jack Gane (1989), một cái nhìn tỉnh táo về một chính khách Chicago và sự thăng tiến của ông ta đến chức vụ Thượng nghị sĩ Mỹ, là vài cuốn tiểu thuyết trong số những tác phẩm gây ấn tượng của Ward Just.

Cuốn truyện Children of Power (Con cái của giới quyền lực – 1979) của Susan Richards Shreve mổ xẻ cuộc sống riêng tư của nhóm con cái của các quan chức chính phủ, trong khi tiểu thuyết gia nổi tiếng Tom Clancy, một công dân bang Maryland đã dùng bối cảnh của giới chính trị – quân sự ở Washington làm bệ phóng cho một loạt các câu chuyện ly kỳ mang tính sử thi hoành tráng của ông.

Hướng về phía Nam, Reynolds Price và Jill McCorkle xuất hiện trong tầm nhìn của chúng ta. Price, chính là bậc thầy của Tyler, đã được một nhà phê bình mô tả hồi thập niên 70 là giữ một vị trí lỗi thời của “nhà văn nội trú miền Nam”[9]. Ông gây được sự chú ý của dư luận lần đầu tiên với cuốn A Long and Happy Life (Một cuộc đời dài lâu và hạnh phúc – 1962) đề cập con người và mảnh đất về miền Đông bang Bắc Carolina và đặc biệt là nhân vật nữ trẻ tuổi tên là Rosacoke Mustian. Ông tiếp tục viết những câu chuyện về nữ nhân vật này nhiều năm sau đó, rồi lại chuyển mối quan tâm của ông sang các chủ đề khác trước khi quay trở lại với người phụ nữ này trong tác phẩm Kate Vaiden (1986) khá nổi tiếng – tác phẩm duy nhất viết ở ngôi thứ nhất. Tác phẩm mới nhất của Price, Blue Calhoun (Ông Calhoun sầu muộn – 1992) khám phá ảnh hưởng của một cuộc tình say đắm, định mệnh qua nhiều thập kỷ trong đời sống của một gia đình.

McCorkle sinh năm 1958 và vì vậy là đại biểu cho thế hệ các nhà văn mới đã sáng tác các tiểu thuyết và truyện ngắn của cô trong bối cảnh là những thị trấn nhỏ của bắc Carolina, để khám phá những bí ẩn của tuổi vị thành niên (Cuốn The Cheer Leader – Người xướng giọng hoan hô – 1984), những mối ràng buộc giữa các thế hệ (trong cuốn Tending to Virginia – Hướng về Virginia – 1987) và đặc biệt là sự nhạy cảm của phụ nữ miền Nam hiện đại (Crash Diet – Ăn kiêng bằng mọi giá – 1992).

Một nhà văn cũng của vùng đó là Pat Conroy, tác giả của những cuốn tiểu thuyết mang tính tự thuật đầy kích thích về tuổi thơ của ông lớn lên ở nam Carolina và người cha độc đoán, thô bạo của mình (Trong cuốn The Great Santini – Santini vĩ đại – 1976) và The Prince of Tides (Ông hoàng của các trào lưu – 1986). Đó là những cuốn truyện đầy ý thức về vẻ đẹp thiên nhiên của vùng đất trũng ở bang Nam Carolina. Shelby Foote, một người dân vùng Mississippi sống ở Memphis bang Tennessee một thời gian dài, là nhà viết biên niên sử lâu năm của miền Nam. Những cuốn tiểu thuyết và lịch sử của ông đã đem lại cho ông một vai diễn trong một loạt phim truyền hình thành công về thời kỳ Nội chiến.

Vùng trung tâm của nước Mỹ ấp ủ trong lòng nó rất nhiều tài năng văn chương, trong số đó có Jane Smiley, một giáo sư dạy viết văn ở Đại học bang Iowa. Smiley đoạt giải thưởng Pulitzer năm 1992 về tiểu thuyết cho cuốn A Thousand Acres (Một ngàn mẫu đất – 1991), một tiểu thuyết đã chuyển Vua Lear của Shakespeare đến một nông trại ở miền Trung Tây nước Mỹ và ghi lại mối xung đột gia đình hết sức cay đắng lại bùng lên khi ông chủ nông trại già nua quyết định giao lại đất đai của mình cho ba cô con gái.

Người viết biên niên sử của bang Texas – Larry McMurtry đặc tả tiểu bang quê hương của mình cùng với đời sống tình cảm của nó ở nhiều thời điểm khác nhau từ miền Tây đã biến mất ở thế kỷ 19 (Trong Lonesome Dove – Bồ câu cô đơn – 1985) đến sự bốc hơi của những thị trấn nhỏ thời hậu chiến (The Last Picture Show – Triển lãm tranh lần cuối – 1966).

Cormac McCarthy, phản ánh những cuộc chinh phục các sa mạc ở vùng Tây Nam nước Mỹ trong các cuốn tiểu thuyết Blood Meridian (Đường kinh tuyến máu – 1985) và Anything for Billy (Bất cứ thứ gì dành cho Billy – 1998), All The Pretty Horses (Tất cả những con ngựa đẹp – 1992) và The Crossing(Vượt tuyến – 1994) là một nhà văn có cuộc sống ẩn dật nhưng đặc biệt giàu trí tưởng tượng, cũng mới nhận được sự chú ý của dư luận. Được giới nghiên cứu công nhận là người thừa kế đúng mực của truyền thống văn học Gothic miền Nam, McCarthy đã để cho tính chất hoang sơ của vùng đất này mê hoặc cũng như là ông đã bị cuốn hút bởi sự man rợ của con người và những điều bất trắc.

Lấy phong cảnh tuyệt đẹp của quê hương New Mexico làm bối cảnh cho tiểu thuyết Ceremony (Nghi lễ – 1977) vốn được giới phê bình đánh giá rất cao, nữ văn sĩ người Mỹ – Da đỏ Leslie Marmon Silko đã mê hoặc được đông đảo bạn đọc. Giống như cuốn tiểu thuyết giàu chất thơ của N. Scott Momaday The Way to Rainy Mountain (Đường đi đến núi Mưa – 1969), Ceremony là một cuốn “tiểu thuyết đầy nhạc tính” được cấu trúc trên nền các nghi thức chữa bệnh của người Da đỏ. Một cuốn tiểu thuyết khác của Silko, cuốn The Almanac of the Dead (Niên lịch của người chết – 1991) là bức tranh toàn cảnh vùng Tây Nam từ những cuộc di dân của các bộ lạc cổ xưa cho đến những tên buôn lậu ma túy và những nhà đầu tư bất động sản vô lương tâm đồi bại sử dụng đất đai để kiếm lợi nhuận cho riêng mình. Nhà văn viết truyện hình sự bán rất chạy Tony Hillerman sống ở Santa Fe bang New Mexico cũng viết về vùng đất Tây Nam này của nước Mỹ, chọn hai viên cảnh sát Navajo siêng năng, khiêm tốn làm nhân vật chính.

Về phía Bắc, ở bang Montana, nhà thơ James Welch đặc tả cuộc vật lộn của người Mỹ Da đỏ để thoát khỏi cuộc sống gian khổ khắc nghiệt trong khu bảo tồn, một cuộc sống ngập ngụa trong rượu chè và đói nghèo, trong những tác phẩm ngắn gọn hầu như toàn bích của ông như Winter in the Blood (Mùa đông máu lửa – 1974), The Dead of Jim Loney (Xác chết của Jim Loney – 1979), Fools Crow (Bọn ngốc nghếch huênh hoang – 1986) vàThe Indian Lawyer (Luật sư Da đỏ – 1990). Một nhà văn khác là đồng hương của James Welch là Thomas McGuane, tác giả của những cuốn tiểu thuyết luôn luôn tập trung vào những vấn đề của đàn ông như Ninety-Two in the Shade (Chín hai độ trong bóng râm – 1973) và Keep the Change(Hãy giữ lấy tiền lẻ – 1989) kể lại giấc mơ về những cội nguồn trong lúc đã bị xa lìa nguồn cội. Louise Erdrich, có một phần dòng máu của bộ lạc Da đỏ Chippewa thì cho ra đời một loạt tiểu thuyết về tiểu bang láng giềng với Montana là Bắc Dakota. Trong những tác phẩm như Love Medicine (Thuốc yêu – 1984) bà đã miêu tả sâu sắc cuộc sống rối rắm của các gia đình không còn đủ chức năng ở các khu vực bảo tồn bằng một sự hòa trộn đau xót giữa chủ nghĩa khắc kỷ và tính trào lộng.

Có hai nhà văn điển hình cho vùng Viễn Tây trong một thời kỳ. Một người là Wallace Stegner quá cố, sinh năm 1909 ở vùng Trung Tây và chết trong một tai nạn xe cộ vào năm 1993. Stegner phiêu bạt đó đây ở miền Tây trong suốt cuộc đời, ông có được một tri kiến về bản sắc địa phương thậm chí còn trước khi nó trở thành thời thượng. Tác phẩm lớn nhất của ông The Big Rock Candy Mountain (Núi kẹo đá lớn – 1943) kể lại lịch sử một dòng họ ấp ủ giấc mơ Mỹ bởi cái vẻ ngoài cám dỗ của miền Tây vào cái lúc mà đường biên giới hầu như biến mất. Câu chuyện trải ra khắp nước Mỹ, từ tiểu bang Minesota đến tiểu bang Washington, và những mối quan tâm của nó, như Stegner đã nêu là “vùng đất của những vẻ đẹp phi phàm đã lôi kéo cả đất nước đi về phía Tây”. Tác phẩm đoạt giải Pulitzer của ông (Angle of Repose – 1971) chan chứa tinh thần của vùng đất trong bức chân dung về một nữ văn sĩ và họa sĩ minh họa của miền Tây xưa. Trong thực tế, sức mạnh trong ngòi bút của ông chính là những nét điển hình hóa, cũng như là sự gợi tả sâu sắc về sự khắc nghiệt của cuộc sống miền Viễn Tây.

Joan Didion, vừa viết báo vừa viết tiểu thuyết là người có tầm tưởng tượng rất xa trong những năm gần đây, đã đặt bản đồ California hiện thời vào bộ sách của bà vào năm 1968 Slouching Toward Bethlehem (Lê bước về Bethlehem[10]) và trong một cuốn tiểu thuyết hết sức sắc sảo, gây chấn động của bà về tính vô mục đích của màn ảnh Hollywood, cuốn Play It As It Lays (Chơi y như đã sắp xếp – 1970).

Vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, một trong những vùng đất khá màu mỡ về văn học nghệ thuật trong toàn cảnh văn hóa vào đầu những năm 90, đã sản sinh ra Raymond Carver, một cây viết truyện ngắn xuất sắc. Carver chết một cách bi thảm vào năm 1988 ở tuổi 50, chẳng bao lâu sau khi ông nổi tiếng trên làng văn. Văn của ông là tấm gương phản chiếu thái độ và quan điểm của giai cấp lao động sống trong vùng của ông trong những tuyển tập như What We Talk About When We Talk About Love (Chúng tôi nói gì khi chúng tôi bàn về tình yêu – 1974) và Where I’m Calling From (Tôi đang gọi từ đâu – 1986). Trong những truyện ngắn này ông đã đặt các nhân vật của mình vào khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp mà phần lớn vẫn còn giữ nguyên cái vẻ trinh nguyên của nó.

Thành công của trào lưu sân khấu địa phương – các công ty có tôn chỉ nâng cao chất lượng nghệ thuật một cách vô vụ lợi đã trở thành các địa điểm của nền văn hóa đương đại ở hết thành phố này đến thành phố khác khắp trên nước Mỹ. Từ những năm đầu thập niên 60, những cơ sở này đã bồi dưỡng và đào tạo nên những tài năng soạn kịch trẻ tỏa sáng rực rỡ trong sân khấu hiện đại. Người ta tự hỏi văn chương và sân khấu của Mỹ ngày nay sẽ ra sao nếu thiếu đi cái xã hội tan vỡ thành nhiều mảnh, sáng chói và những mối quan hệ tàn bạo của nó với Sam Shepard (trong Buried Child – Đứa trẻ bị chôn vùi – 1979); A Lie of the Mind (Lời nói dối của tâm trí – 1985); những nhân vật vô đạo và những lời thoại rời rạc gây kinh hoàng của nhà soạn kịch Chicago, David Mamet (trong American Buffalo – Trâu rừng Bắc Mỹ – 1976); Glengarry Glen Ross (1982); sự thâm nhập của các giá trị truyền thống vào cuộc sống miền Trung Tây và những mối bận tâm được phản ánh trong tác phẩm của Lanford Wilson (5th of July – Ngày 5 tháng 7 – 1978; Talley’s Folly – Sự ngu xuẩn của Talley – 1979) và phong cách lập dị miền Nam của Beth Henley (trong Crimes of the Heart – Trái tim tội lỗi – 1979).

Văn học Mỹ đã trải qua một con đường dài, quanh co từ buổi đầu thành lập thuộc địa cho đến nay. Xã hội, dòng lịch sử, và sự phát triển khoa học kỹ thuật, tất cả đều có tác động mạnh đến nó. Mặc dầu vậy, rốt cuộc vẫn có một điều vĩnh hằng đó là con người, với tất cả vẻ đẹp rực rỡ và xấu xa của nó, với những truyền thống và điều hứa hẹn của nó.


[1] Cuốn truyện này xoay quanh nhân vật phản diện John Sossarian, một sĩ quan đồn trú ở một sân bay tại một hòn đảo ở Địa Trung Hải trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai. Tác phẩm khắc họa những nỗ lực tuyệt vọng của anh ta để sống sót. Từ Catch trong Catch – 22, liên quan đến một điều lệ bí mật của không quân cho rằng một phi công cho là mất trí nếu anh ta sẵn lòng thực hiện một chuyến bay nguy hiểm. Nhưng nếu anh ta chính thức yêu cầu được rút khỏi nhiệm vụ này thì điều đó có nghĩa là anh ta còn tỉnh táo và không đủ tư cách để được cứu trợ. Tựa đề của cuốn sách đã góp mặt trong từ vựng tiếng Anh như một ám chỉ đến tiền đề của những chuyến đi không có ngày về.

[2] Vở kịch này đã được dịch ra tiếng Việt và trình diễn trên các sân khấu ở ta.

[3] Crucible: còn có nghĩa là nồi nấu kim loại (của những người hành nghề phù thủy).

[4] On the Road dõi theo bước đường rong ruổi của hai nhân vật chính “Sal Paradise” và “Dean Moriarty”, trên lục địa Bắc Mỹ, suốt từ bờ biển phía Đông sang bờ biển phía Tây và đến Mexico. Trên những nẻo đường này họ thoát khỏi những bổn phận nhàm chán, tự do với mọi thứ đàn bà, âm nhạc, rượu và những cuộc đàm luận. Chúng tôi dịch thoát tựa sách này thành Trên con đường tự do.

[5] Cuốn truyện kể về tiểu thuyết gia Ken Kesey từng có biệt danh là “Chàng trai vàng”, một trong những tiểu thuyết gia hàng đầu trong thế hệ của ông, ngoài ra ông còn là một nhà bác học, một nghệ sĩ một siêu sao trong thể thao. Ken đã dẫn đầu một nhóm hippy đi khắp nước Mỹ trong một chiếc xe buýt vào đầu những năm 60. Electric Kool – Aid còn được gọi là LSD, một loại ma túy gây ra ảo giác.

[6] Virginia Woolf (1882 – 1941): nữ nhà văn Anh có những cống hiến đặc biệt cho thể loại tiểu thuyết và đồng thời là một nhà phê bình văn học xuất sắc.

[7] Entropy: có nghĩa là tình trạng trơ lì đồng nhất của vũ trụ hoặc sự suy tàn dẫn tới hủy hoại mọi hình thức, kiểu mẫu và khác biệt.

[8] Women Hollering Creek and Other Stories là một tuyển tập truyện ngắn về các cảnh đời của phụ nữ ở hai bên đường biên giới Mexico. Phụ nữ trong các truyện ngắn này kể về những khám phá đầy thú vị bất ngờ với một sự khôn ngoan kín đáo. Chúng tôi xin tạm dịch là Chuyện phụ nữ.

[9] Nhà văn nội trú (Writer Inresidence): nhà văn ăn ở tại cơ sở (trường đại học hoặc cộng đồng) được trả lương để họ làm việc tại đó một thời gian. Chúa Jesus Christ sinh ra ở Bethlehem.

[10] Chúa Jesus Christ sinh ra ở Bethlehem.

Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_amliterature_viii.html