Browsing Category

Văn học phương Đông

TUẦN 2: Sử thi Ấn Độ Văn học Trung Quốc

Về sự khác nhau trong quan niệm văn học đông tây

Tác giả: GS Đồng Khánh Bính (童庆炳). Đỗ Văn Hiểu dịch.

Nhìn nhận lại quan niệm văn học Đông Tây là điều cần thiết. Văn luận truyền thống Trung Quốc ở bất kì giai đoạn nào đều kiên trì với quan niệm văn học trữ tình là cơ bản, loại quan niệm này lấy biểu hiện cá thể con người và tình cảm xã hội làm hạt nhân, thuộc về thẩm mĩ luận. Quan niệm văn học phương Tây lấy tư tưởng châu Âu làm trung tâm, ngay từ đầu đã chọn “mô phỏng” luận, thuyết này thống trị phương Tây 2000 năm, coi văn học là một loại “tri thức” thuộc về tri thức luận. Bài viết này trong quá trình làm rõ ngữ cảnh lịch sử Đông Tây, từ sự khác biệt giữa nền văn minh trồng trọt của Trung Quốc và nền văn minh hải dương của phương Tây, tự sự khác biệt giữa tinh thần nhân văn của Trung Quốc với chủ nghĩa nhân văn phương Tây, từ sự khác biệt giữ tinh thần thực tế của Trung Quốc với tinh thần khoa học của phương Tây làm rõ sự sự khác biệt trong văn hóa Đông Tây đã dẫn đến sự khác biệt trong quan niệm văn học, chủ đề văn học và tinh thần văn học như thế nào.
Từ thời đổi mới, nhiều giáo trình dựa theo chuyên đề lí luận văn học đem văn luận phương Tây và tài nguyên văn luận cổ đại Trung Quốc hợp lại, xây dựng một hệ thống lí luận có tính chuyên đề. Nhưng, hợp nhất văn luận phương Tây với văn luận cổ đại không phải không “mạo hiểm”, vì văn luận phương Tây là sản phẩm của văn hóa lịch sử phương Tây, còn văn luận Trung Quốc lại là sản phẩm của văn hóa lịch sử cổ đại Trung Quốc, những vấn đề mà nó đề xuất có thể có nét tương đồng, nhưng câu trả lời cho những vấn đề đó lại phần lớn khác nhau, nói cách khác, chúng là hình thái lí luận “khác nhau về chất”, có thể tiến hành so sánh, nhưng muốn dung hợp lại sẽ gặp không ít khó khăn. Nếu cứ cố ép thì chắc chắn sẽ lộ ra sự khiên cưỡng, tạploạn.
I. Thẩm mĩ luận – lấy trữ tình làm chủ trong quan niệm văn học của Trung Quốc.

Nghiên cứu so sánh quan niệm văn học Đông Tây, trước đó thường cho rằng phương Tây coi trọng tái hiện, phương Đông coi trọng biểu hiện. Ngày nay nhìn lại thấy cách nói như vậy có vẻ giản đơn, trước hết là vì đã không thâm nhập vào ngữ cảnh lịch sử, không đi sâu làm rõ căn nguyên văn hóa và lịch sử khác nhau dẫn đến sự khác biệt trong quan niệm văn học Đông Tây; tiếp đó là thiếu nhận thức sâu sắc về mô hình tư duy Đông Tây, dẫn đến việc so sánh sự khác biệt trong quan niệm văn học Đông Tây còn nông cạn.

Quan niệm văn học Trung Quốc cổ đại và quan niệm văn học của phương Tây lấy châu Âu làm trung tâm có sự khác biệt rất lớn. Trên đại thể, quan niệm văn học cổ đại Trung Quốc là tình cảm luận. Mở đầu cho văn học Trung Quốc là Kinh thi dường như đều là thơ trữ tình. Nghiêu điển trong Thượng thư gần như cùng thời với “Kinh thi”, viết: “Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn, thanh y vĩnh, luật hòa thanh”(1). Trước đoạn này Thuấn Đế nói về người quản lí âm nhạc như sau: Ông nên biết rằng, thơ ca cần phải biểu đạt ý chí, phải ngâm nga ngôn từ của thơ ca, thanh điệu lại phải tùy theo sự ca ngâm mà lên bổng xuống trầm ngừng nghỉ, âm luật lại làm cho thanh điệu hài hòa thống nhất. Câu nói này trong Thượng thư có ý là: cần phải liên kết bốn nhân tố thơ, ca, ca ngâm, âm luật lại. Hoặc nói: thơ tại thời điểm đó viết ra là để ca ngâm, ca ngâm lại phải chú ý “ngâm xướng”, để đạt được hiệu quả của “ngâm xướng” lại phải chú ý âm điệu hài hòa. Liên kết lại lí giải như vậy, câu nói trong “Thượng thư” sẽ có ý là: “Chí” trong “Thi ngôn chí” là gì? Xuân thu tả truyện chính nghĩa khi lí giải 6 cái chí như “hảo, ác, hỉ, nộ, ai, lạc”… cho rằng: “trong bản thân là tình, tình động là chí, tình chí là một”(2). Sự giải thích này rất thú vị, cho thấy tình và chí tương thông. Bất luận là tình cảm cá nhân (như “Kinh thi. Quan Thư”) hay là tình cảm xã hội (như “Kinh thi. Thạc thử”, đều là biểu lộ trữ tình, ở đây không có sự phân biệt rõ ràng. “Thi ngôn chí” không phải ý kiến của riêng Thuấn đế, mà dường như là sự lí giải chung của nhiều trường phái khác nhau. Chu Tự Thanh nói: “Thi ngôn chí” là “cương lĩnh khai sơn” của thi học cổ đại” (Chu Tự Thanh 4).

Thời kì Hán Vũ Đế nhà Hán tư tưởng hoàng quyền ngày một mạnh mẽ, khuynh hướng “độc tôn Nho học” trở thành chủ đạo, bắt đầu lấy Nho học tiên Tần phê phán xã hội, trở thành hình thái ý thức của giai cấp thống trị khống chế tư tưởng tình cảm con người. 305 bài thơ do Khổng Tử biên soạn được tôn sùng và được coi là kinh điển. Trong “Mao thi” đều có sự chú giải, giải thích các bài thơ, gọi là “thi tự”. Bài đầu tiên “Quan thư” không chỉ giải thích ý nghĩa của bài thơ đó mà còn giải thích các vấn đề khác như tính chất, chức năng, phân loại của thơ, được gọi là “thi đại tự”. “Thi đại tự” có thể được coi là bài hoàn chỉnh đầu tiên bàn luận về thơ trong thời cổ đại Trung Quốc. Nó kế thừa được tư tưởng của “thơ nói chí”, nhưng bị hình thái ý thức hóa, cho nên gọi là “thơ giáo hóa”. “Thi đại tự” nói: “Thơ biểu hiện chí hướng con người, trong tâm tưởng thì nó là chí hướng, dùng ngôn ngữ nói ra thì nó là thơ. Tình động trong lòng thì phát ra thành lời nói, lời nói không đủ thì cảm thán, cảm thán không đủ thì ngâm nga, ngâm nga cũng không đủ thì dùng tay chân nhảy múa”. Đoạn văn này coi thơ là hoạt động bao hàm thơ, ca, vũ đạo liên kết lại, trên thực tế nó đã giải thích cụ thể hơn đoạn nói về “thơ nói chí” trong “Thượng thư- Nghiêu điển”, tư tưởng của nó là cùng một mạch, đều cho rằng thơ là hoạt động trữ tình của cá nhân. Nhưng phía sau “Thi đại tự” lại liên kết thơ với chính trị, luân lí, nói “âm nhạc thời bình thì vui vẻ, nền chính trị của nó tất yếu hòa bình; âm nhạc thời loạn thì đầy oán hận, nền chính trị của nó tất yếu suy thoái; âm nhạc của thời đất nước diệt vong thì đầy bi ai sầu cảm, người dân khốn khổ vô vọng. Đạo lí của âm nhạc tương thông với chính trị.

Nói tóm lại, “Thi đại tự” tuy vẫn nhấn mạnh lí luận tình cảm “thơ nói chí”, nhưng tình chí ở đây đã nghiêng sang tình chí mang tính xã hội, tình chí mang tính cá thể đã chịu sự áp chế. Như vậy, quan niệm văn học mà lí luận “thơ giáo hóa” thời Hán hé hộ tuy vẫn biểu đạt tình chí, nhưng lại chú trọng biểu đạt tình chí mang tính xã hội, tức là mang tình chí chính trị luân lí Nho gia, và biểu đạt tình cảm mang tính cá nhân bị giới hạn áp chế.

Đến thời kì Ngụy Tấn lục triều, cùng với sự biến đổi của xã hội, sự thức tỉnh dần dần của con người, cộng thêm xã hội loạn lạc, nông dân khởi nghĩa, Đổng Trác làm loạn, Tào Tháo chuyên quyền, con người sinh ra hoài nghi đối với lời thánh nhân, hình thái ý thức Nho gia dần dần suy thoái. Con người ý thức được con người trước hết là cá nhân, do đó quan niệm văn học chuyển từ “thuyết tỏ chí” sang thuyết “duyên tình” của Lục Cơ, sang thuyết “lấy tình để nhìn nhận sự việc”, “văn chương lấy tình làm mạch xuyên suốt” của Lưu Hiệp, từ đó có cách nói mới về thuyết tình cảm trong thi học Trung Quốc, làm rõ lí luận văn học Trung Quốc vẫn nhấn mạnh tính chất trữ tình của văn học. Vậy thì “tình” ở đây là gì? Lễ kí – Lễ vận nói: “Thế nào gọi là tình người? Bẩy thứ tình cảm mà nhà Phật nói: vui, giận, buồn, sợ, yêu, ghét, ham muốn. Như vậy, “tình” chỉ tình cảm sinh mệnh của con người. Tình cảm sinh mệnh làm thế nào để chuyển thành cái bản chất bên trong của văn học? Đây chính là điều nhấn đi nhấn lại trong văn luận cổ đại Trung Quốc mà thuyết “vật cảm” và “tình quan” muốn làm rõ. “Vật cảm” chỉ ra tình cảm của con người tuy là trời sinh, nhưng chỉ là năng lực tiềm tại, tất yếu phải có “cảm vật” mới có thể “khởi tình”. Thuyết “cảm vật” sớm nhất được Lễ kí- Nhạc kí đề xuất, đến Văn tâm điêu long – Minh thư giải thích như sau: “Con người vốn có bảy thứ tình, ứng với vật thì là cảm, cảm vật gọi là chí, không hề tự nhiên”. “Tình dĩ vật hưng” và “vật dĩ tình quan” do Lưu Hiệp đề xuất trong thiên Văn tâm điêu long – Thuyên phú lại nói rõ trong thời Ngụy Tấn lục triều, những chí sĩ có kiến thức đã chú ý đến chỉnh thể quá trình sáng tác của nhà thơ, nhà văn. Cái gọi là “tình dĩ vật hứng” là sáng tác của nhà văn, nhà thơ ban đầu tiếp xúc với vật mà sinh tình, tức là tình cảm tự nhiên của con người, do tiếp xúc với ngoại vật làm cho tình cảm sống dậy, quá trình này có thể gọi là “di nhập” của tình cảm. Tức là từ bên ngoài vào bên trong; nhưng đối với nhà văn, nhà thơ, “di nhập” của tình cảm vẫn không đủ, nhà văn nhà thơ vẫn phải “vật dĩ tình quan”, tức là dùng tình cảm của bản thân để quan sát, bình giá ngoại vật, khiến ngoại vật cũng mang tình cảm con người, quá trình này có thể gọi là “di xuất” của tình cảm, tức là từ bên trong ra bên ngoài. Trong lí luận văn học, sáng tác văn học chính là quá trình hai chiều “di nhập” và “di xuất” của tình cảm. Nhà văn nhà thơ chẳng qua là xoay quanh tình cảm mà sáng tác văn chương, trên thực tế là xoay quanh sinh mệnh con người mà sáng tác văn chương. Một phạm trù quan trọng nhất trong lí luận văn học cổ đại Trung Quốc chính là “hứng” trong “phú tỉ hứng”. Cái gọi là “khởi hứng”, “hứng vị”, “hứng thú”, “hứng tượng, “hứng kì”, “cảm hứng”, “nhập hứng”, “hứng nghĩa”, “hứng thể”… đều là chỉ trạng thái hứng phát của tình cảm. Nói chung, thời Ngụy Tấn lục triều đã thấy nhà thơ vừa là tồn tại mang tính xã hội nhưng nhiều hơn là tồn tại mang tính cá thể. Vì thế, nó khác với tình cảm mang tính xã hội mà đời Hán chủ trương, họ chủ trương nhà thơ có thể thể hiện tình cảm mang tính cá nhân. Cho nên, chúng ta nói nhà thơ đời Ngụy Tấn lục triều chủ trương thể hiện tình cảm mang tính cá nhân cũng không phải là tuyệt đối, vẫn có không ít nhà thơ viết ra những tác phẩm trữ tình. Có tính xã hội rất rõ như “viết văn vì tình cảm” của “tâm tư phẫn uất”.

Đến đời Đường, đặc biệt là thịnh Đường, thơ ca được coi là thể loại văn học chủ yếu, thể hiện tình cảm mang tính cá thể và mang tính xã hội có được sự phát triển đa dạng, vừa có thơ đơn thuần thể hiện tình cảm cá nhân vừa có thơ hoàn toàn thể hiện tình cảm xã hội, trong đó nhiều hơn cả là họ luôn thông qua tình cảm mang tính cá nhân biểu hiện tình cảm mang tính xã hội. Trong tình cảm có tính cá nhân có tình cảm mang tính xã hội, và ngược lại. Các nhà thơ xem ra có vẻ như đang thể hiện tình cảm với núi sông cây cỏ chim chóc, nhưng thực ra lại đang viết về sự hưng vong, thịnh suy của xã hội. Ngoài ra, lúc đó tuy có sự xuất hiện của tác phẩm mang tính tự sự như truyền kì đời Đường, nhưng quan niệm văn học trữ tình vẫn không thay đổi. Trữ tình của thi nhân đời Đường bất luận là mang tính cá thể hay tính xã hội đều chủ trương “hứng kí”. Không cần nói đến một số bài thơ “tam lại” và “tam biệt” của Đỗ Phủ, cũng không cần nói đến thơ “tân Nhạc phủ” của Bạch Cư Dị, trực tiếp viết về cảnh vật tự nhiên hoặc tình cảm người thân, tình yêu như Tuyên thành kiến đỗ quyên hoa, Tảo phát bạch đế thành, “Thu phố ca… của Lý Bạch, hoặc một số bài thơ Vô đề của Lý Thương Ẩn cũng đều là những bài thơ trong trữ tình có kí thác. “Hứng kí” là đặc trưng quan trọng của trữ tình thơ ca đời Đường.

Thời Tống là thời kì chuyển ngoặt của xã hội phong kiến Trung Quốc. Thoại bản mang tính tự sự hưng khởi. Nhưng thể loại văn học chủ yếu vẫn là thơ từ. Không thể phủ nhận, Nho học thời Tống kế thừa Nho học tiên Tần, Nho học đời Hán bước vào thời kì thứ 3 của Nho học. Đây chính là Nho học của lí học. Sự hưng khởi và phát triển của lí học, Nho học lí học hóa không thể không ảnh hưởng đến trữ tình của văn học, tức là trong trữ tình có sự thâm nhập của triết lí nhân sinh, điều này dẫn tới phê bình của Nghiêm Vũ người Tống, cho rằng thơ Tống “coi văn tự là thơ, coi tài học là thơ, coi nghị luận là thơ” (Nghiêm Vũ, 24). Điều này có khả năng dẫn đến những ngộ nhận của những người không hiểu biết thơ đời Tống ở Trung Quốc, cho rằng, văn học Trung Quốc từ đó bỏ qua trữ tình tình cảm chuyển sang hình thức ý thức tương đương với phương Tây. Thực ra không phải như vậy. Toàn bộ từ với số lượng lớn xuất hiện lúc đó đều là trữ tình, hơn nữa phần lớn đều là thể hiện tình cảm có tính cá nhân, lấy thơ để nói, cách nói của Nghiêm Vũ rõ ràng là khoa trương. Nên nói là, thơ đời Tống đích xác không cố ý mô phỏng cách sáng tác của thơ thịnh Đường, cũng đích xác có số lượng lớn thơ nhập thế nghị luận, coi trọng hơn tính gợi mở chi tiết của từ ngữ, thể hiện ra diện mạo độc đáo của thơ Tống. Đó chính là nó coi trọng “lí thú”, thể hiện tình cảm trong “lí thú”. Như thơ Tô Thức trong “Uống rượu ở Tây Hồ lúc đầu trời tạnh, sau mưa”, nhiệt tình ca ngâm vẻ đẹp của Tây hồ, tình cảm được gửi gắm trong việc so sánh Tây hồ với Tây tử. Những điều này đều có thể nói rõ diện mạo sự hình thành của thơ Tống, nhưng trên phương diện trữ tình là hoàn toàn nhất trí với thời trước.

Thời hậu kì xã hội cổ đại Trung Quốc, thông tục hóa xã hội diễn ra mạnh mẽ, từ đời Minh Thanh, số lượng nhiều tác phẩm tiểu thuyết, kịch xuất hiện, trên bề mặt, có vẻ như đã thoát li truyền thống trữ tình, chuyển sang phương diện tự sự. Kì thực không phải như vậy. Vì thứ nhất, thơ trữ tình thời Minh Thanh vẫn thuộc về truyền thống, lấy tiêu chuẩn là cao nhã; thứ hai, với tác phẩm tiểu thuyết và kịch cổ đại Trung Quốc, vẫn thấm đẫm truyền thống trữ tình độc đáo của Trung Quốc. Hạt nhân tư tưởng sáng tác của nhà viết kịch nổi tiếng đời Thanh Thang Hiển Tổ chính là chữ “tình”, trong sáng tác kịch, ông theo đuổi “thiên hạ hữu tình”. Ông nói Đỗ Lệ Nương (Mẫu đơn đình) sống mà chết, chết mà sống lại là vì tình của cô ta. Trên thực tế, Mẫu đơn đình có thể viết ra được nhân vật cải tử hoàn sinh vẫn là do tác giả của nó tình cảm chất chứa trong lòng, không thể không nói ra. Nhà bình điểm tiểu thuyết đời Thanh Kim Thánh Thán nói rằng bề mặt của kịch là kể chuyện, nhưng bề sâu vẫn cần phải thể hiện tình cảm của bản thân. Tình hình của tiểu thuyết cũng giống như của kịch. Kim Thánh Thán trong khi bình về Thủy hử cũng khẳng định cái mà tiểu thuyết đời Thanh Trung Quốc muốn thể hiện vẫn là “nói hết tính người”, thể hiện cái tình của con người. Giống như bộ Hồng lâu mộng, chẳng qua là tác giả cảm thán về thân thế của bản thân, cảm thán về vui buồn của đời người. Sau này các nhà “Hồng học” hoàn toàn dùng nhận thức luận để đọc hiểu, cho rằng Hồng lâu mộng là bách khoa thư của xã hội phong kiến Trung Quốc, là quá trình suy thoái của xã hội phong kiến, nói rằng xã hội phong kiến chắn chắn sẽ bị sụp đổ…, những cách nói này có chính xác hay không vẫn cần phải thảo luận. Tào Tuyết Cần trong hồi đầu tiên của tiểu thuyết đã mượn lời của Không Không Đạo nhân: cuốn sách này “chẳng qua chỉ là nói đến tình cảm”, rồi gọi Hồng lâu mộng tuy là tác phẩm tự sự, cần phải kể một câu chuyện hoàn chỉnh, nhưng lại mang tính chất trữ tình. Sau đó lại mượn lời của Giả Bảo Ngọc nói: “Đàn bà do nước làm ra, đàn ông do bùn làm ra”, ở đây ẩn chứa lời than của tác giả. Đại Ngọc chôn hoa và lời ngâm nga của bi thương của cô là sự thương cảm thể hiện sự không thỏa mãn. Trong tiểu thuyết Hồng lâu mộng ca từ chỗ nào cũng có, trở thành một bộ phận hữu cơ cấu thành tác phẩm, cũng là tiếng thở dài về tình cảm sinh mệnh của tác giả. Chúng ta có thể nói, Hồng lâu mộng đang ca ngâm một câu chuyện chứ không phải là cách kể chuyện bình thường. Không ít học giả Trung Quốc hiện đại mô phỏng phương Tây nghiên cứu tự sự học Trung Quốc, điều này tất nhiên là rất tốt, nhưng nếu như không nhìn thấy đặc điểm trữ tình của văn học tự sự cổ đại Trung Quốc thì không thể tìm thấy cái gốc của văn học tự sự Trung Quốc trong đó.

Tóm lại, chúng tôi thông qua khảo sát quan niệm văn học của một số thời kì phát triển của văn học Trung Quốc có thể thấy quan niệm văn học của Trung Quốc mang tính trữ tình. Cái mà văn học Trung Quốc cổ đại coi trọng là biểu hiện trạng thái tình cảm sinh mệnh của con người. Văn học có thành phần tri thức lịch sử nhưng văn học không chỉ là tri thức lịch sử, văn học từ căn bản là biểu hiện hình thái sinh mệnh của con người. Tất nhiên, trong quan niệm văn học Trung Quốc, cũng có quan niệm mô phỏng, như sự miêu tả bố cục trong phú đời Hán được Lưu Hiệp trong chương “Thuyên phú” (Văn tâm điêu long) gọi là “miêu tả hình dáng của sự vật, sinh động như khắc vẽ”. Nhưng Lưu Hiệp vẫn chưa thấy rõ tác phẩm thuộc thể loại phú, cho rằng đây là “chú trọng tiểu tiết bỏ qua đại cục” của tác phẩm có tính tái hiện “miêu tả hình dáng sông núi mây trời”. Đặc biệt là tư tưởng “hạn chế sự vật cốt để tả chân” trong luận bàn về hội họa Trung Quốc cũng ảnh hưởng đến văn học. Vì thế, chúng ta không thể khẳng định một cách tuyệt đối là trong văn học Trung Quốc không có quan niệm mô phỏng. Nhưng cho dù thế nào đi nữa, quan niệm mô phỏng kiểu này từ trước đến nay đều không chiếm vị trí chủ đạo trong quan niệm văn học Trung Quốc. Văn luận cổ đại Trung Quốc thường ít bàn đến vấn đề “chân thực” mà văn học phương Tây nhấn mạnh đi nhấn mạnh lại, mà lại bàn về vấn đề “chân thành”(Trang Tử): “cái gọi là “chân” chính là cực điểm của sự chân thành. Không có sự chân thành thì không thể cảm động được lòng người. Cho nên, người miễn cưỡng khóc thì bề ngoài có vẻ đau khổ nhưng thực ra không bi ai, người miễn cưỡng nổi giận tuy bề ngoài có vẻ nghiêm khắc nhưng thực chất không uy nghiêm, người miễn cưỡng nhiệt tình, bề ngoài có thể tươi cười hớn hở nhưng thực chất lại không thân thiện”(8). Nếu chúng ta muốn tìm một từ ngữ hiện đại để khái quát quan niệm trữ tình văn học cổ đại có thể lấy lí luận “thẩm mĩ” để bàn luận, sự sai biệt không nhiều. Vì cái gọi là thẩm mĩ, nói một cách giản đơn chính là “bình giá mang tình cảm”.

  1. Quan niệm văn học phương Tây – nhận thức luận, lấy “mô phỏng” làm chủ

            Nếu như nói văn học cổ đại Trung Hoa khẳng định văn học là biểu hiện ngôn ngữ của tình cảm sinh mệnh của con người thì văn học phương Tây lại coi văn học là sự miêu tả trạng thái tri thức của con người.

Cội nguồn của văn học phương Tây là coi văn học là mô phỏng. 500 năm trước công nguyên, nhà tư tưởng cổ đại Hi lạp Heraclitus đã đề xuất quan niệm “nghệ thuật mô phỏng tự nhiên” (9), Nhưng người thực sự tạo nền tảng cho thuyết mô phỏng là Platon. Quan niệm văn học “mô phỏng” nói theo Chernyshevsky, đã thống trị lí luận văn học phương Tây hơn 2000 năm, toàn bộ văn học và lí luận văn học phương Tây tuy nhiều lần biến đổi từ chủ nghĩa tả thực đến chủ nghĩa cổ điển rồi đến chủ nghĩa lãng mạn, đến chủ nghĩa hiện thực phê phán thế kỉ 19, trước sau hoặc là rõ ràng, hoặc là kín đáo đều mang khái niệm “mô phỏng” này. Ngay Jacques Derrida cũng cho rằng thuyết “mô phỏng” chiếm vị trí trung tâm trong mĩ học và lí luận văn học phương Tây. Văn học phương Tây lấy châu Âu làm trung tâm coi trọng khái niệm “mô phỏng”, như vậy, văn học mô phỏng cái gì? Sớm nhất là mô phỏng “tự nhiên”. Platon trong “Quốc gia lí tưởng” đã có một quan niệm về mô phỏng nổi tiếng, điều này mọi người đều biết. Tự nhiên mà văn học mô phỏng là do thần linh sáng tạo ra, thần dựa vào cái gì để sáng tạo? Thần dựa vào “ý niệm”. Chỉ có “ý niệm” mới là chân thực, là nguyên hình của tất cả các sự vật, là nguyên bản của tất cả tri thức. Con người chỉ có tìm được nó mới có thể thu được tri thức chân thực, mới có giá trị. Platon khuyên mọi người, nhất quyết không được tin tưởng những chế tác của nhà văn và họa sĩ, vì họ là những người mô phỏng, giống như một người cầm gương đi soi khắp nơi, bạn sẽ nhìn thấy hình cảnh của bản thân và động vật, thực vật, chỉ có trẻ con và những người ngu muội mới tin. Nếu như bạn bị người mô phỏng lừa tức là bạn đã “không phân biệt được đâu là tri thức, đâu không phải là tri thức và đâu là mô phỏng”. Vì thế, chúng ta không khó nhận ra, cái mà Platon yêu cầu là văn học nên là tri thức chân thực, nhưng do nhà thơ, họa sĩ chỉ biết mô phỏng, không thể thu được “ý niệm”, vì thế không thể cung cấp tri thức chân thực, cho nên không thích họ, cần phải đuổi họ ra khỏi “vương quốc lí tưởng”. Sau này, học trò của ông là Aristote trong “Nghệ thuật thi ca” muốn bỏ qua “ý niệm”, cho rằng tự nhiên mà con người có thể nhìn thấy là chân thực, có giá trị tri thức chân thực, cho nên ông cho rằng sự mô phỏng của nhà thơ là cái có giá trị. Aristote tìm ra lí do cho mô phỏng của văn học, ông nói: “viết thơ có ý vị triết học phong phú hơn viết lịch sử, được đối đãi nghiêm túc hơn; vì điều mà thơ miêu tả có tính phổ biến, lịch sử lại chỉ miêu tả những việc cá biệt”(Aristote 29). Cái gọi là “ý vị triết học phong phú hơn”, “đối đãi nghiêm túc hơn”, “sự việc được miêu tả có tính phổ biến hơn” chính là muốn từ nhiều góc độ khác nhau nói cho chúng ta biết rằng, thơ tuy là mô phỏng nhưng nó không mô phỏng các sự tình vô ý nghĩa và có tính cá biệt mà là mô phỏng sự tình mang chân lí phổ biến. Cái mà nhà thơ trần thuật là tri thức chân thực mà chúng ta cần. Như vậy, tuy thái độ của Platon và học trò của ông đối với vấn đề “mô phỏng” khác nhau, người thì phủ định, người thì khẳng định, nhưng có một điểm hoàn toàn thống nhất đó là đều cho văn học là tri thức. Nếu như Platon cho rằng tri thức giả, thì Aristote lại cho rằng tri thức chân thực. Ở đây cần nhắc đến một câu là, quan điểm của Aristote có sự mâu thuẫn, khi ông nhấn mạnh hiện thực là chân thực lại đồng thời cho rằng phía sau hiện thực vẫn còn “nguyên nhân thứ nhất”. Cái “nguyên nhân thứ nhất” không thể truy tìm được trên thực tế lại quay trở về với “ý niệm” của Platon bậc thầy của ông.

Sau đó, văn học phương Tây chuyển từ mô phỏng tự nhiên sang mô phỏng cuộc sống con người và mô phỏng hiện thực, nhưng trước sau đều là quan niệm mô phỏng. Thời kì văn nghệ Phục Hưng, Vinci dường như coi thơ và họa như nhau, ông nói: “hội họa là thơ ca không biết nói, thơ ca là hội họa không nhìn thấy”, ông cho rằng thơ ca và hội họa đều là mô phỏng: “hội họa là cái mô phỏng duy nhất sự vật sáng tạo mà mắt thường có thể nhìn thấy, nếu như bạn miệt thị hội họa, thì tất yếu bạn sẽ miệt thị hư cấu tinh tế, loại hư cấu này mượn tư biện sắc bén của triết học để thảo luận các đặc trưng hình thái khác nhau: biển lớn, đại lục, rừng cay, động vật, cây cối, hoa cỏ và tất cả những gì bị ánh sáng và bóng dáng vây quanh. Trên thực tế, hội họa chính là khoa học của tự nhiên, là đứa con hợp pháp của tự nhiên, vì hội họa do tự nhiên sinh ra”(De Vinci, 104). Liên quan đến thuyết văn học mô phỏng của phương Tây chúng ta có thể dẫn rất nhiên tư liệu, vì sao lại chỉ dẫn một câu đơn giản của De Vinci bàn về hội họa? Vì giai đoạn De Vinci có nhiều cái khác với tri thức thông thường, phù hợp nhất để thuyết minh cho bản chất của quan niệm mô phỏng văn học phương Tây. “Hư cấu” chính là giả thuyết của nhà văn, De Vinci vì sao lại coi “hư cấu” là tư biện của triết học về thế giới? Dựa theo lí giải hiện nay của chúng ta, hội họa rõ ràng không phải là “hoa học của tự nhiên” mà là “khoa học của nhân văn” (nếu như có thể nói “khoa học”), vì sao De Vinci lại phải đi ngược với tri thức thông thường coi hội họa (cả thơ ca) là “khoa học của tự nhiên”? Trên thực tế, De Vinci đã nói ra điểm căn bản nhất của thuyết mô phỏng của phương Tây. Đó là, thuyết văn học mô phỏng của phương Tây coi văn học nghệ thuật là hình thái tri thức và hình thái chân lí, chứ không coi nó là biểu hiện của tình cảm chủ quan. Từ thuyết mô phỏng, bất luận là nhà thơ hay là họa sĩ đều là người truy tìm chân lí và người phát hiện tri thức, hư cấu lại nghiên cứu khoa học, không có liên quan gì đến tình cảm con người. Quan niệm của De Vinci có sự kế thừa cách nhìn của Platon, tuy nhiên, De Vinci không tin “ý niệm” nữa mà tin “tự nhiên”.

Thế kỉ 18,19 chủ nghĩa tư bản ở các nước phương Tây đã đạt đến một đỉnh cao nhất định, chủ nghĩa tư bản có hai vĩ độ, một là sự giầu có mà trước đó chủ nghĩa tư bản chưa từng sáng tạo ra, nhưng sự giầu có này lại tạo nên sự đối lập giữa những người tư sản và những người vô sản; vĩ độ khác là bộc lộ tội ác người áp bức người, người bóc lột người, sự dị hóa của con người cũng đạt đến mức độ trước nay chưa từng có, không chỉ người vô sản bị dị hóa, mà ngay cả người tư sản cũng đã bị tham vọng của bản thân làm dị hóa.Vì thế thời đại này nhà thơ, nhà văn đi trên hai con đường khác nhau, con đường thứ nhất là chủ nghĩa hiện thực phê phán, họ còn chủ trương mô phỏng văn học, tái hiện và vạch trần hiện thực tội ác, Dickens, Banzac, Lep Tonstoi.. là những đại biểu kiệt xuất; một con đường khác là chủ nghĩa lãng mạn, họ không chủ trương văn học là mô phỏng và tái hiện nữa, mà chủ trương văn học là soi sáng lí tưởng, là biểu hiện của tưởng tượng, là sự phát lộ tự nhiên của tình cảm, mượn nó hoặc soi sáng hiện thực hoặc trốn tránh thoát li hiện thực. Wordsworth, Shelley, Hugo… là những đại biểu kiệt xuất nhất.

Có thể thấy trong quá trình phát triển của văn học phương Tây, thuyết mô phỏng thâm nhập sâu vào tâm trí con người, nó có thể thống trị văn đàn phương Tây hơn 2000 năm. Bất kì nhà văn nào đều có những cách nói khác nhau, nói tác phẩm của mình là sản phẩm mô phỏng tự nhiên hoặc là mô phỏng hiện thực. Như nhà văn Pháp vĩ đại Banzac nói: “Xã hội nước Pháp viết lịch sử về nó, còn tôi chỉ là người thư kí của nó”.(Banzac, Lời nói đầu trong Tấn trò đời; 62). Làm “thư kí” của lịch sử xã hội Pháp, viết ra “lịch sử phong tục” cái mà ông dựa vào chính là “mô phỏng”. Nhưng Banzac có chỗ sâu sắc hơn các nhà văn khác, ở chỗ ông nhìn thấy bản thân “hiện thực” có lúc không chân thực, vì thế cần có “nhân vật điển hình”, “chân thực văn học”. Cho nên ông cho rằng “chân thực văn học” cao hơn “chân thực hiện thực”, vì chân thực văn học không chỉ kinh qua tái hiện của nhà văn, mà còn có hư cấu, tổng hợp, gia công, điều này chân thực hơn cả những hiện tượng mà chúng ta nhìn thấy.

Nhưng những nhà Lãng mạn chủ nghĩa vì thoát li con đường “mô phỏng” nên vấp phải sự công kích của người khác, vì thế các nhà thơ không thể không đứng ra để “biện hộ cho thơ”. Trong lịch sử có hai bài viết mang tên Biện hộ cho thơ. Một của Philip Sidney nước Anh thời phục Hưng thế kỉ 16, đối lại bài Trường học lừa dối của một giáo sĩ Thanh giáo Stephen GaoSen khi ông nhất loạt công kích thơ ca, diễn viên và nhà soạn kịch. Sidney không đồng ý với quan điểm này, liền viết bàiBiện hộ cho thơ, ông cho rằng thơ ca và các loại văn học khác, với tư cách là tác phẩm “mô phỏng và hư cấu” tri thức mà nó mang đến nhiều hơn tự nhiên rất nhiều. Lí do mà Sidney biện hộ cho thơ là thơ sáng tạo ra một loại tự nhiên khác, thăng nhập vào một loại tự nhiên, từ đó không bị gò bó bởi tự nhiên vốn có, mang đến tri thức mới, mở rộng tầm nhìn, vì thế ông cho rằng văn học có giá trị hơn, tự nhiên vốn có chỉ là đồng, nhưng tự nhiên trong thơ lại là “vàng”. Một bài Biện hộ cho thơ khác là của Shelley (1792-1822), đây là bài ông viết trước khi qua đời một năm, nguyên nhân trực tiếp là một người bạn của ông tên là Peacock đã viết bài “Bốn giai đoạn của thơ”, tức là thời đại đồ sắt của thơ viễn cổ, thời đại hoàng kim của thơ cổ đại Hi lạp, thời đại bạch kim của thời kì đế quốc La mã, và thời đại đồ đồng của thời kì chủ nghĩa lãng mạn do một số người như Wordsworth sáng lập. Shelley cho rằng bạn của ông đã bình giá quá thấp đối với thơ trữ tình cận đại, vì thế liền viết một bài biện hộ cho thơ. Trên thực tế, nguyên nhân cơ bản là cuối thế kỉ 18 đầu thế kỉ 19 Wordsworth đại diện của thơ lãng mạn, đã có một lần cách tân trong quan niệm về thơ, đó là giải thích thơ là sự biểu hiện của tình cảm, Wordsworth trong lời tựa Tuyển tập thơ ca trữ tình nhiều lầm nói thơ không phải là mô phỏng: “Tất cả thơ hay đều là sự bộc lộ tự nhiên của tình cảm mãnh liệt”. Ông còn nói, “Tình cảm mang đến cho hành động và tình tiết tính quan trọng chứ không phải hành động và tình tiết mang đến tính quan trọng cho tình cảm”(10). Trong lịch sử thi học phương Tây, đây là một sự thay đổi kinh thiên động địa, nó phá hủy thuyết mô phỏng do Platon, Aristote xây dựng. Theo thuyết mô phỏng, thơ là mô phỏng, trong nhiều yếu tố không hề có tình cảm, bây giờ Wordsworth lại nói: “thơ là sự bộc lộ tự nhiên của tình cảm”, hơn nữa lại đặt “tình tiết” vốn là yếu tố thứ nhất trong các yếu tố của thuyết mô phỏng vào vị trí thứ yếu, cho rằng chính tình cảm mới là cái mang đến tính quan trọng cho tình tiết. Nhưng kì lạ ở chỗ, Wordsworth tuy thay đổi quan niệm mô phỏng nhưng vẫn cho rằng thơ là phát hiện tri thức. Ông nói: “chân lí mà các nhà khoa học truy tìm”, nhưng “thơ là tinh hoa của tất cả tri thức, nó là biểu hiện mãnh liệt trên bề mặt của khoa học”. Thậm chí còn nói: “thơ là khởi nguyên và kết thúc của mọi tri thức”. Điều này nảy sinh một vấn đề, cái mà thơ chú trọng đã là “phát lộ tự nhiên của tình cảm”, tại sao lại nói “thơ là khởi nguyên và kết thúc của mọi tri thức”? Tình cảm là cái chủ quan, tri thức là cái khách quan, đây là điều ai cũng biết, cách nói của Wordsworth có sự mâu thuẫn chăng? Shelley cũng là một nhà thơ lãng mạn, có cùng quan niệm về thơ với Wordsworth. Cho nên bài viết Biện hộ cho thơ của ông cũng thể hiện quan điểm tương tự với quan điểm của Wordsworth. Shelley cho rằng: “thông thường, thơ có thể là biểu hiện của tưởng tượng”, cũng nói “thơ là sự ghi chép khoảnh khắc tâm linh lương thiện nhất, vui vẻ nhất”. Điều này chẳng phải nói thơ là biểu hiện của tưởng tượng và tình cảm chủ quan con người hay sao? Nhưng Shelley khi bảo vệ cho thơ lại đem lí do chuyển thành sự phát hiện tri thức, tức là chuyển sang phát hiện khách quan. Nếu nói: “các nhà thơ kiềm chế tưởng tượng và thể hiện con người vô cùng vô tận… họ cũng là người chế định pháp luật, người sáng lập xã hội văn minh, hơn nữa, là các giáo viên”, lại nói “tất cả thơ cao quý đều là cái vô hạn; dường như nó là quả đầu, tiềm tàng mọi cây cao su. Chúng ta cố nhiên có thể kéo ra từng lớp vỏ của nó, nhưng là vẻ đẹp cốt lỗi ẩn ở chỗ sâu kính nhất lại vĩnh viễn chưa bao giờ được lộ ra. Một bài thơ vĩ đại là ngọn nguồn, là dòng chảy tràn trề trí tuệ và khoái cảm”. Thậm chí ông còn nói: “nhà thơ là người lập pháp chưa được thế gian công nhận”(11). Vì sao Shelley và Wordsworth đều một mặt nói thơ là sự thể hiện tự nhiên của tình cảm, nhưng mặt khác lại nói thơ là “ngọn nguồn” của tri thức, đây chẳng phải tự mâu thuẫn sao? Trên thực tế, sự chuyển hướng trong quan niệm văn học của chủ nghĩa lãng mạn không hoàn toàn cho thấy sự chuyển hướng đối với nhận thức bản chất văn học ở phương Tây. Một điều thống nhất từ trước đến sau là từ xưa đến nay, phương Tây đều cho rằng văn học bất luận là mô phỏng hay là sự tiết lộ của tình cảm thì đều là sự phát hiện tri thức.

Thế kỉ 19 chủ nghĩa phê phán và chủ nghĩa lãng mạn ở các nước phương Tây song song tồn tại, bất luận là chủ trương mô phỏng hiện thực hay là chủ trương thể hiện lí tưởng thì đều cho rằng văn học có địa vị ngang bằng với khoa học, chúng đều là tri thức. Nhà phê bình lớn người Nga Bielinski vẫn cho rằng văn học là “phục chế”(tức là mô phỏng), khi ông bàn về sự khác biệt giữa văn học với các khoa học khác, đã cho rằng: “thơ cũng cần nghị luận và suy nghĩ – điều này không hề sai, vì nội dung tư tưởng của thơ và nội dung của tư duy đều là chân lí; chỉ có điều thơ thông qua hình tượng và hình ảnh chứ không dựa vào thuyết tam đoạn luận và phương pháp luận song quan để nghị luận và suy nghĩ.”(12). Ý của Bielinski là: khoa học và văn học đều thể hiện chân lí, đều là tri thức, chỉ có điều một cái dùng logic, một cái dùng hình tượng.

Thế kỉ 20 do xã hội phương Tây bước vào thời kì cuối của chủ nghĩa tư bản, các loại mâu thuẫn tập trung xuất hiện. Văn học cũng từ chủ nghĩa hiện thực chuyển sang chủ nghĩa hiện đại, rồi chủ nghĩa hậu hiện đại. Thơ ca chủ nghĩa tượng trưng, tiểu thuyết dòng ý thức và kịch phi lí cùng lúc thịnh hành. Điều này dường như càng xa rời thuyết “mô phỏng”, nhưng nếu như chúng ta nhìn sâu vào bản chất của hiện tượng thì sẽ thấy điều mà văn học phương tây thế kỉ 20 theo đuổi vẫn là “chân lí”. Điều này có thể nhìn thấy rất rõ ở các nhà văn đó. Nhà thơ anh Eliot trong bài viết nổi tiếng “Truyền thống và tài năng của cá nhân” nhấn mạnh trên thực tế thơ ca là “sự thoát li của tình cảm”, “sự thoát li của cá tính”, nhà thơ phải “không ngừng khiến bản thân phục tùng những thứ có giá trị hơn bản thân”. Như vậy, “thứ có giá trị hơn” ở đây là gì? Đây chính là “khoa học”, hoặc là “chân lí khoa học”. Vì Eliot nói: “chính trên điểm cá tính bị tiêu diệt mới có thể nói nghệ thuật tiến gần đến khoa học”(13). Trước kia chúng ta luôn cho rằng nhà văn cần phải có cá tính, càng cần có tình cảm, cho nên chúng ta không thể hiểu được quan điểm “tiêu diệt cá tính”, “xa rời tình cảm” của Eliot, nhưng nếu chúng ta đặt nó vào trong lịch sử phát triển của “tư tưởng châu Âu”, chúng ta cũng có thể hiểu được điều này rồi.  Ngay trong vở kịch phi lí Waiting for Godot chúng ta ko biết Godot đợi ai, và chúng ta không thể lí giải được ngụ ý của câu chuyện, nhưng những người sống trong chủ nghĩa tư bản hậu kì sẽ hiểu được, đó chính là chân lí của xã hội hiện đại phương Tây.

Điểm mấu chốt của thuyết mô phỏng với tư cách là “tư tưởng châu Âu” đã được một số triết gia hoặc nhà văn người Đức thể hiện bằng một số công thức triết học như sau: Cá biệt và thông thường; hiện tượng và bản chất, ngẫu nhiên và tất nhiên, đặc thù và phổ biến, hữu hạn và vô hạn, tính riêng và tính chung… tức là cho dù là văn học và khoa học có điểm giống nhau về nội dung, đều có thể mang đến tri thức có giá trị. Người nói một cách chính xác nhất về tư tưởng này chính là đại văn hào Đức Gơt. Ông cũng nói: “Chủ nghĩa tượng trưng chân chính chính là ở chỗ cái đặc thù thể hiện ra cái thông thường rộng lớn hơn”(14). Văn học thông qua cá biệt để phản ánh cái phổ biến, thông qua hiện tượng để phản ánh bản chất, thông qua ngẫu nhiên để phản ánh tất nhiên, thông qua đặc thù để phản ánh cái phổ biến, thông qua cái hữu hạn để phản ánh cái vô hạn, thông qua cá tính để phản ánh tính chung… Không chỉ như vậy, họ còn đặc biệt coi trọng tính chân thực của sự phản ánh và vấn đề tính điển hình. Vì thế, quan niệm văn học của phương Tây trong dòng sông lịch sử tuy có sự thay đổi, nhưng bất luận thế nào, đều là nhận thức luận điển hình, khác rất xa so với thẩm mĩ luận của Trung Quốc cổ đại.

  1. Căn nguyên văn hóa lịch sử của sự khác biệt trong quan niệm văn học Đông Tây

Chúng ta có thể bắt đầu từ sự khác biệt giữa văn minh nông nghiệp Trung Quốc và văn minh hải dương phương Tây, giữa tinh thần nhân văn Trung Quốc và chủ nghĩa nhân văn phương Tây, giữa tinh thần thực tế của Trung Quốc và tinh thần khoa học của phương Tây để chỉ ra khác nhau trong quan niệm văn học giữa hai khu vực.

  1. Sự khác biệt giữa văn minh nông nghiệp Trung Quốc và văn minh hải dương phương Tây

Quan niệm văn học cổ đại Trung Quốc vì sao coi văn học là sự biểu hiện của tình cảm thông qua ngôn ngữ? Xét từ cơ sở văn hóa, chúng ta thấy, văn minh cổ đại Trung Hoa là văn minh nông nghiệp. Người Trung Quốc rất ít nói đến biển, họ nhắc đến “trong vòng bốn bể” thực ra là khu vực sông Hoàng Hà và sông Trường Giang. Khổng Tử chỉ có một lần nói đến biển, “đạo bất hành, thừa phù vu hải”. Trong sách của Mạnh Tử cũng chỉ một lần nói đến biển: “Quan vu hải giả nan vi thuỷ, du vu thánh nhân chi môn giả nan vi ngôn”. Họ không giống với các học giả cổ đại phương Tây như Platon, Socrat, Aritstote thường phải xuất nhập trong không gian biển lớn. Trung Quốc luôn có tư tưởng “thượng nông”, đem xã hội chia thành bốn giai cấp sĩ, nông, công, thương. Sĩ là địa chủ (trong đó có một bộ phận là trí thức), nông là nông dân, họ được xếp lên trước vì họ, địa chủ và việc canh tác đồng ruộng có quan hệ mật thiết nhất. Thương là thương nhân, được xếp xuống cuối cùng vì họ không làm công việc sản xuất, chỉ là trung gian điều phối. Nông là gốc, thương là ngọn.

Đặc điểm của văn minh lúa nước là lấy gia đình làm đơn vị, cùng lao động để có một mùa bội thu, giải quyết vấn đề cơ bản của cuộc sống là ăn, mặc, ở, đi lại; hơn nữa là gia đình hòa thuận êm ấm, hạnh phúc. Theo luân lí nhân văn Nho gia xuất phát từ văn minh nông nghiệp, để có một gia đình cùng lao động và hoà thuận êm ấm, phải có cha mẹ hiền từ, con cái hiếu thuận, phu xướng phụ tùy, anh em hòa thuật tương thân tương ái. Tình cảm nhân ái trong nội bộ gia đình mở rộng ra sẽ là nghĩa quân thần, tín nghĩa bạn bè; rộng hơn nữa là lòng yêu nước, yêu quê hương, ruộng vườn, làng xóm, núi sông, chim muông hoa cỏ…. Phản ánh trong văn học trước hết thể hiện ở việc  tình thơ ý hoạ về tình cảm cha con, chồng vợ, anh chị em, quân thần, bằng hữu; rộng hơn nữa là tình cảm đối với đất nước, quê hương, núi sông, hoa cỏ… Điều này khiến tất cả những tình cảm mà văn học cổ đại Trung Quốc viết đều vô cùng gần gũi, mộc mạc chân chất, là tình cảm đối với người, sự vật xung quanh mình, thế giới siêu nghiệm rất ít gặp trong văn học Trung Quốc. Lí luận văn học Trung Quốc cũng nói về “thần tứ”, nhưng đây là liên tưởng và tưởng tượng từ cái này nghĩ đến cái khác chứ không nhập vào “thế giới của thượng đế”, trong văn học Trung Quốc không có “thế giới của thượng đế” siêu cảm giác. Lí luận thẩm mĩ của văn học Trung Quốc được xây dựng trên văn minh nông nghiệp.

Vì sao trên phương diện văn học, người phương Tây lại duy trì nhận thức luận của thuyết mô phỏng? Điều này có quan hệ mật thiết với văn minh hải dương, văn minh thương nghiệp và văn minh công nghiệp sau đó. Trước hết, người phương tây lấy châu Âu làm đại diện sống trong không gian biển lớn, nam gần khu vực Địa trung hải rộng lớn, Bắc đối diện với Bắc Hải và vùng Bắc Băng Dương băng đóng vạn dặm, mặt phía Đông lại có biển Adriatic, Ionian, Black…, mặt phía tây có Irish, eo biển Anh, và Thái – Tây dương mênh mông. Giữa những hải dương và rất nhiều đảo như vậy, để sinh tồn, thuận lợi phát triển thương nghiệp, họ không thể không đối mặt với biển lớn sóng to gió cả, đối mặt với ốc đảo trơ trọi, thậm chí phải mạo hiểm lớn, xuất hiện giữa những hải đảo bờ biển. Để quen với biển lớn, quen với đủ các loại tình huống có thể gặp phải, quen với phong tục tập quán của người trên các hòn đảo khác nhau, giảm thiểu bị phục kích nguy hiểm, họ tất nhiên phải có càng nhiều lòng hiếu kì và ham muốn hiểu biết. Vì nếu như họ không tìm hiểu quy luật tự nhiên bên ngoài luôn luôn thay đổi, họ sẽ gặp phải nguy hiểm, hành động mưu sinh của họ sẽ thất bại. Cho nên, hoàn cảnh của họ thúc đẩy họ đi tìm tri thức. Sự trần thuật và miêu tả của bi kịch, chính kịch, hài kịch với tư cách là văn học đầu tiên cũng bị coi là một loại nhận thức, điều này rất tự nhiên. Tiếp nữa, có lẽ quan trọng hơn là, ở phương Tây, trước sau đều có “thượng đế chi thành”, có sự phân biệt bờ này với bờ kia. Cái “ý niệm tuyệt đối” không định hình mà thần dựa vào để chế tạo ra là bằng chứng của chân lí, bằng chứng của tri thức, nhưng chân lí và tri thức này thuộc về thượng đế, con người làm thế nào có thể giải được “ý niệm tuyệt đối” hoàn mĩ mà thượng đế tạo ra? Nói như Platon thì phải dựa vào “hồi ức”. Dùng cách nói của khoa học sau này lại phải “tham cứu”. “Hồi ức” và “tham cứu” có rất nhiều hình thức, tưởng tượng và hư cấu của văn học chính là một trong số những hình thức đó. Cho nên, trong văn hóa phương Tây, văn học trước sau đều là nhận thức của tri thức, khác với văn hóa Trung Quốc coi văn học là sự đốn ngộ của tình cảm sinh mệnh.

Nhưng những cách nhìn ở trên vẫn còn tương đối giản đơn và sơ lược, chúng ta cần phải tiến thêm một bước từ góc độ chủ nghĩa nhân văn và tinh thần khoa học thực tế, so sánh văn hóa Đông Tây mới có thể lí giải sâu hơn nguyên nhân văn hóa của sự khác biệt trong quan niệm văn học giữa hai khu vực.

  1. Truyền thống nhân văn Trung Quốc và chủ nghĩa nhân văn phương Tây

Văn hóa khác nhau, trước hết đều phải trả lời câu hỏi: một cá nhân đến từ đâu, vị trí trong vũ trụ, là lấy thần hay lấy người làm gốc, con người có giá trị gì, chúng ta nên đối xử như thế nào đối với con người… Ở vấn đề này, trong quá trình phát triển văn hóa Đông Tây đã có những câu trả lời rất khác nhau.

“Thần” hoặc “thượng đế” trong truyền thống nhân văn cổ đại Trung Quốc khác với phương Tây. Trung Quốc cổ đại vì không có tôn giáo kito như phương Tây, “thần” không có địa vị, do đó cao độ khẳng định vị trí của con người trong vũ trụ. “Con người là trung tâm của vũ trụ” (21). “Đạo lớn, trời lớn, đất lớn, người cũng lớn, có 4 cái lớn”(22). Những điển tích cổ đại này khẳng định thiên đạo và nhân đạo hợp nhất.  “Trang tử” cũng nói: “Vạn vật và ta cùng sinh, vạn vật và ta hợp nhất”(24). Ở đây, thiên địa cũng chính là tự nhiên, con người và tự nhiên cùng sinh, hoặc là nói con người sinh ra từ tự nhiên, người và tự nhiên không thể tách biệt. Hơn nữa, con người không phải do thần tạo ra, con người không cần thiết phải lấy thần làm gốc. Trong đầu óc của người Trung Quốc, không có thế giới bên kia siêu cảm giác, khiến văn hóa Trung Quốc không đi theo tín ngưỡng tôn giáo kiểu như kito giáo. Chuyên gia nghiên cứu văn học cổ Trung Quốc Tiền Mục nói: “người phương Tây thường phân biệt rạnh ròi giữa “nhân sinh” và “thiên mệnh”… cho nên, văn hóa phương Tây hiển nhiên cần một tín ngưỡng tôn giáo thiên mệnh khác làm tiền đề bàn luận về nhân sinh. Còn văn hóa Trung Quốc  “thiên mệnh” với “nhân sinh” quy về một mối, không phân biệt, cho nên, khởi nguyên văn hóa cổ đại Trung Quốc cũng không cần tín ngưỡng tôn giáo như người phương Tây cổ đại ”(Tiền Mục, 93).

Vì thế, chúng ta có thể thấy, đối với việc con người sinh ra từ đâu, văn hóa Trung Quốc trả lời: con người đến từ tự nhiên, con người sinh ra cùng thiên địa vạn vật. Tất nhiên, trời đất, vạn vật cũng có thần tính, nhưng thần tính ở đây là do con người gán cho, cho có là có, nói không có là không có. Nhân tính và thần tính hợp nhất. Con người đến từ tự nhiên, như vậy, khởi điểm của nhân văn là tự nhiên. Tư tưởng cổ đại cho rằng, phép tắc nhân văn của con người có được từ việc bắt chước tự nhiên. “Trang tử” từng nói: “Người học đất, đất học trời, trời học đạo, đạo học tự nhiên”. Đạo ở đây chính là phép tắc thiên văn – nhân văn, cuối cùng là do học tự nhiên mà có.

Khởi điểm của nhân văn là tự nhiên, hơn nữa do bắt chước tự nhiên mà ra, là sự việc vô cùng trang trọng, thì con người và nhân văn có giá trị rất lớn. Tuy nhiên, trong cổ tịch Trung Hoa lại không đặc biệt nhấn mạnh giá trị cá nhân, mà lại rất coi trọng con người quần thể, con người xã hội, cho rằng con người ngang bằng trời đất, là một trong 3. “Lễ kí – Lễ vận”: “Con người, trung tâm của trời đất”.

Chu Dịch viết: quan sát tự nhiên để biết quy luật thay đổi của bốn mùa, điều này nói về giá trị của “thiên văn”; quan sát “nhân văn” từ đó giáo hóa thiên hạ, thúc đẩy thiên hạ dựa vào phép tắc của nhân văn để có được sự xử lí tốt. Ý nghĩa của nhân đạo và nhân văn có giá trị to lớn như vậy thì chúng ta nên đối đãi như thế nào với con người? Ở đây, ý nghĩa của tư tưởng Nho gia đã thể hiện ra ý nghĩa của nó. Khổng Tử đề xuất chữ “Nhân”, Khổng Tử dùng “Yêu người” , “Thân thân”, “kỉ sở bất dục vật thi ư nhân”, “khắc kỉ phục lễ” để giải thích “Nhân” (27). Điều này đã trả lời cái lí trong việc đối đãi con người của văn hóa cổ đại Trung Quốc. Trong tiền đề “yêu người”, mở rộng ra thành nguyên tắc luân lí của quan hệ giữa con người với con người như “cha con”, “vua tôi”, “vợ chồng”, “anh em”, “bạn bè”. Năm loại quan hệ luân lí này được gọi là “ngũ đạt đạo”, vô cùng quan trọng, bao hàm sự thân ái, kính trọng giữa con người với con người. Đến Mạnh Tử, lí luận về “nhân” phát triển hơn một bước, đã đề xuất tư tưởng “dân làm gốc”, nói “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”(28). Cho nên, dựa theo văn hóa cổ đại Trung Quốc sẽ không thể tiếp thu lí thuyết “người với người là lang sói” của phương Tây, cũng là điểu tự nhiên. Nên nói rằng, truyền thống nhân văn của Trung Quốc cổ đại bắt đầu từ yêu người, thần người, trọng người theo kiểu “bốn bể đều là anh em”, sau đó có thêm dấu ấn của luân lí từ, hiếu, nghĩa, đễ, hữu, cung, kính…. Trong thơ ca cổ đại Trung Quốc có 4 chủ đề lớn gọi là nhớ quê, thân tình, ẩn giật, vịnh sử đều bắt nguồn từ truyền thống nhân văn riêng của Trung Quốc. Không có nông thôn thấm đậm luân lí con người và tương thân tương ái giữa người với người thì làm gì có cái cảm khái của Lý Bạch “Ngẩng đầu nhìn trăng sáng/ Cúi đầu nhớ cố hương”. Không có tình cảm thân thiết hoài niệm về vườn xưa và người xưa thì làm gì có chuyện sau khi chết muốn lá rơi về cội mà ngâm thán như Ngô Vĩ Nghiệp. Tất cả những điều này đều bắt rễ từ trong tinh thần nhân văn của văn minh nông nghiệp, tồn tại trong việc giữa các thành viên trong gia đình cần phải hợp tác để có được sự sinh tồn vật chất, khác hẳn với nguyên tắc chỉ bàn đến lợi nhuận trong văn minh thương nghiệp, vì thế chủ đề văn học Trung Quốc và phương Tây cũng khác nhau.

Lịch sử Trung Quốc luôn phát triển, truyền thống nhân văn của Nho gia nói ở trên cũng thăng trầm theo các thời kì khác nhau, có tiến bộ có thụt lùi, có biến hóa, lên xuống, không hề cố định bất biến, đều là thay đổi theo sự trị, loạn của Trung Quốc.  Đối với văn học, kết quả coi trọng nhân luân chính là coi trọng trữ tình đối với đối tượng có liên quan, từ đó tiến hành bình giá tình cảm, điều này làm hình thành quan niệm văn học lấy thẩm mĩ làm hạt nhân.

Khác với truyền thống nhân văn của Trung Quốc, truyền thống tư tưởng nhân văn của phương Tây đã trải qua biến thiên của các thời đại. Alan Bulloc hiệu trưởng đại học Oxford nhà sử học nổi tiếng người Anh từng nói: “Thông thường, tư tưởng phương Tây chia làm 3 mô hình khác nhau khi nhìn nhận về con người và vũ trụ. Mô hình thứ nhất là siêu tự nhiên, tức là mô hình siêu vũ trụ, tập trung ở thượng đế, coi con người là một bộ phận do thần tạo ra. Mô hình thứ hai là tự nhiên, tức là mô hình khoa học, tập trung ở tự nhiên, coi con người là một bộ phận của tự nhiên, giống thể hữu cơ khác. Loại thứ ba là mô hình nhân văn chủ nghĩa, tập trung ở con người, coi kinh nghiệm con người làm xuất phát điểm lí giải bản thân, thượng đế và tự nhiên”(Bulloc 12).

Ba loại mô hình mà Bulloc nói cũng có thể lí giải lịch sử biến đổi của văn hóa phương Tây.

Trung thế kỉ là thời kì của mô hình thứ nhất. Mô hình thứ nhất được gọi là mô hình “siêu tự nhiên”, cũng là mô hình thần học. Đăc điểm của mô hình thần học là cho rằng thượng đế sáng tạo ra con người, linh hồn và thể xác con người phân tách, tồn tại một thế giới thuộc về “thể xác” bên này và cũng tồn tại một thế giới thuộc về “linh hồn” bên kia. Con người ở thế giới bên kia có tội lỗi, bị phạt xuống thế giới trần thế, con người mang theo “nguyên tội” đến thế giới này. Vì thế phải tu luyện trong giáo hội để rửa sạch tội lội, để sau khi chết linh hồn con người có thể được lên trời. Tư tưởng này chiếm vị trí chi phối tất cả trong thời kì trung thế kỉ ở phương Tây. Theo cái nhìn của người phương Tây, từ thế kỉ 5 công nguyên đế quốc tây La Mã diệt vong đến thế kỉ 15 đế quốc đông La mã diệt vong là “trung thế kỉ”. Phần lớn các nhà sử học phương Tây đề gọi trung thế kỉ là “thời đại đen tối”. Trong thời trung thế kỉ ở phương Tây, về mặt chế độ, thực hiện chế độ nông nô, về mặt đời sống thực hiện chủ nghĩa cấm dục, đặc biệt là về mặt tư tưởng giáo hội chi phối tất cả, tư tưởng tình cảm con người đều chịu kìm tỏa. Vì giáo hội có rất nhiều thanh quy giới luật, con người không thể không tuân thủ. Đây chính là thời kì chủ nghĩa mông muội thống trị tư tưởng con người. Đặc biệt là tòa án tôn giáo, cũng gọi là tòa án dị giáo, chuyên môn tìm hiểu phán quyết các đơn vị có liên quan đến vụ án tôn giáo. Loại tòa án này không cho phép bất kì “dị đoan tà thuyết” khác với tinh thần kito giáo tồn tại trong đời sống, thường có những trấn áp tàn khốc đối với những nhà tư tưởng tiến bộ và nhà khoa học đề xuất những giả thuyết mới. Baconic người Anh thế kỉ 13, vì có tư tưởng mới đã bị giáo hội bắt tù, giam 14 năm. Nhà khoa học vĩ đại nhất thời trung thế kỉ Copernicus rất sớm đã phát hiện ra trái đất quay quanh mặt trời, nhưng quan điểm này đã đi ngược lại quan điểm “trái đất do thượng đế tạo ra là trung tâm của vũ trụ” của giáo hội, Copernicus vô cùng sợ hãi, sợ bị giáo hội bức hại, do dự rất nhiều năm, đến tận khi sắp chết mới công khai phát biểu học thuyết của mình. Nhà vật lí nổi tiếng người Ý Galileo kiên trì lấy tinh thần khoa học để tìm hiểu vũ trụ, đã chịu sự tra tấn dã man và bị giáo hội giam cầm nhiều năm. Bi thảm nhất là nhà triết học nổi tiếng người Ý Giordano Bruno. Ông đã tiếp nhận và kiên trì tư tưởng của Galileo, liền bị giáo hội phán là “dị đoan”, khai trừ khỏi giáo tịch, bị cưỡng bức xa rời tổ quốc, nhiều năm lưu lạc ở xứ người. Sau này Bruno quay trở lại nước Ý, vừa đặt chân lên mảnh đất quê hương, liền bị tòa án giáo hội làm hại, cuối cùng bị thiêu sống. Từ hành vi của tòa án giáo hội có thể thấy trung thế kỉ quả thực là “thời kì đen tối”, là thời kì phản nhân văn chủ nghĩa.

Thời kì văn nghệ Phục Hưng là mô hình thứ hai, tức là thời kì mô hình nhân văn chủ nghĩa. Văn nghệ Phục Hưng là phong trào giải phóng tư tưởng ở châu Âu từ thế kỉ 14 đến thế kỉ 17. Phong trào giải phóng tư tưởng này xuất hiện rất nhiều nhà văn hóa lớn, trong đó  其中,Shakespeare, Đante, Da Vinci, được gọi là ba vĩ nhân của văn nghệ Phục Hưng. Phong trào giải phóng tư tưởng kéo dài 300 năm này có lúc được gọi là phong trào chủ nghĩa khai sáng, vì phong trào giải phóng tư tưởng lần này nhằm vào “chủ nghĩa mông muội” của “thời kì đen tối” trung thế kỉ, tư tưởng của những vĩ nhân văn hóa này rất phong phú, nhưng có một điểm chung là lấy “nhân bản” thay thể “thần bản”. Vậy, những vĩ nhân văn hóa này đã xuất phát từ đâu để có được những tài nguyên tư tưởng đó? Thực ra họ đã xuất phát từ Hi lạp cổ đại để tìm những khởi thị cho tư tưởng. “Tư tưởng Hi lạp cổ đại hấp dẫn con người nhất là nó lấy con người làm trung tâm chứ không phải lấy thượng đế làm trung tâm. Socrates sở dĩ được tôn kính đặc biệt như cách nói của Cicero là vì ông đã “đem triết học từ trên trời mang xuống mặt đất”(Bloch 14).Tư tưởng hạt nhân của thời kì Phục Hưng là tư tưởng chủ nghĩa nhân văn. “Chủ đề trung tâm của thời kì văn nghệ Phục Hưng là năng lực tiềm tại của con người và năng lực sáng tạo. Nhưng năng lực này, bao gồm năng lực sáng tạo bản thân là cái tiềm ẩn, cần thức tỉnh nó, cần làm cho nó biểu hiện ra, làm cho nó phát triển, cách để đạt được mục đích này chính là giáo dục”(Bloch 45). Đó chính là thông qua giáo dục thức dậy năng lực tiềm tại của con người, đây chính là tư tưởng căn bản của chủ nghĩa nhân văn. Vì sao coi “tiềm năng của con người” là tư tưởng căn bản của chủ nghĩa nhân văn? Điều này có liên quan đến cách nhìn của thời trung thế kỉ đối với con người. Như nhà tư tưởng nổi tiếng thời trung thế kỉ Augustinus từng viết: “con người là sinh vật sa ngã, không có sự giúp đỡ của thượng đế thì không thể làm được gì; nhưng cách nhìn của thời văn nghệ phục Hưng đối với con người lại là con người dựa vào sức mạnh của bản thân mới có thể đạt được cảnh giới tối cao, xây dựng cuộc sống bản thân, dựa vào cuộc sống bản thân, thành tựu của bản thân để đạt dược tiếng tăm” (Bloch 36). Như vậy, thời kì Hi lạp cổ đại và thời kì văn nghệ phục Hưng, con người có xu hướng dùng mô hình thứ 3, tức là mô hình nhân văn chủ nghĩa để nhìn nhận con người. Nhưng điều này không có nghĩa là con người của thời đại văn nghệ phục Hưng không tin thượng đế nữa. Như Bloch từng nói: “Người theo chủ nghĩa nhân văn và nhà nghệ thuật thời kì Văn nghệ phục Hưng phát hiện kết hợp tư tưởng và triết học cổ điển và tín niệm kito giáo, tín nhiệm đối với con người và tín nhiệm đối với thượng đế, hoặc là dung nạp lẫn nhau”(Bloch 78).Tây Âu sau thế kỉ 17, 18 công nghiệp hiện đại phát triển mạnh mẽ. Từ thời kì này, phương Tây bước vào thời cận đại, địa vị của con người trong thế giới lại một lần nữa biến đổi, thời kì này có thể được coi là thời kì dùng mô hình thứ ba, tức là mô hình khoa học để nhìn nhận con người. Điểm quy tụ của mô hình khoa học này là tự nhiên, con người cũng bị coi là một thành phần của tự nhiên, giống tất cả các thể hữu cơ khác. Carlyle cho rằng: “Nếu chúng ta phải dùng một câu để nói về đặc điểm của toàn bộ thời đại chúng ta, chúng ta sẽ gọi nó là thời đại cơ khí…, thói quen đồng dạng không chỉ chi phối phương thức hành vi của chúng ta mà còn chi phối phương thức tư tưởng tình cảm của chúng ta. Con người không chỉ bị cơ khí hóa trên tay mà còn bị cơ khí hóa trong tâm lí và trong đầu óc”(Bloch 159). Đặc biệt là trong cuốn “Khởi nguyên vật chủng” xuất bản năm 1859 Darwinđã loại trừ nhiều hơn sự khác biệt giữa nghiên cứu khoa học về tự nhiên và con người với nghiên cứu con người, “quan điểm liên quan đến quá trình liên quan đến sự lựa chọn tự nhiên mà tiến hóa dựa vào đã chấm dứt địa vị đặc thù của con người, đem con người nhập vào phạm trù sinh vật học giống với động vật và sinh vật hữu cơ khác”(Bloch 137). Phát sinh cùng với hiện tượng đó là sự phát triển của chủ nghĩa tư bản và giai cấp tư bản, ngày một gay gắt của cuộc đấu tranh chống phong kiến. Đối diện với hai tình hình trên, lấy Pari Pháp làm trung tâm, lấy tiếng Pháp làm ngôn ngữ tự nhiên, đã xuất hiện phong trào chủ nghĩa Khai sáng với tư cách là chuẩn bị dư luận cho đại cách mạng Pháp. Tư tưởng của họ đủ màu sắc, tranh luận giữa họ không ngừng, thậm chí xung đột lẫn nhau. Nhưng có một điểm giống nhau là đòi cá tính, tự do, bình đẳng, bác ái và nhân quyền, và vận dụng những tư tưởng này xây dựng xã hội lí tính. Đây chính là đặc điểm của chủ nghĩa nhân văn thời đại khai sáng.

Qua những điều đã nói ở trên chúng ta có thể hiểu rằng, bất luận là cổ đại Trung Quốc hay là thế giới phương Tây đều có truyền thống nhân văn. Nhưng nội dung cụ thể lại không giống nhau, hướng đi cũng khác nhau. Hướng đi của truyền thống nhân văn cổ đại Trung Quốc quy phạm trật tự luân lí đối với con người, nảy sinh tinh thần nhân văn lấy quan hệ nhân luân làm hạt nhân; phương Tây lại hướng đến chinh phục tự nhiên và biến đổi xã hội, tạo ra sức mạnh phê phán lấy chủ nghĩa nhân đạo làm hạt nhân. Sự khác biệt quan trọng hơn là truyền thống nhân văn Trung Quốc trước sau cho rằng con người chỉ là một thế giới, và không có sự phân biệt giữa thế giới bên này và thế giới bên kia, tuy cũng có quan niệm “trời”, tức là “thiên đạo”, nhưng thường tồn tại mà không luận bàn, gọi là “kính quỷ thần nhi viễn chi”. Văn minh Trung Hoa không tồn tại thế giới siêu cảm tri; còn tinh thần nhân văn của phương Tây lại đối diện với lực lượng to lớn của giáo hội, trước sau thừa nhận sự phân biệt giữa thế giới bên này và thế giới bên kia, thế giới bên này thuộc về “thể xác”, thế giới bên kia thuộc về linh hồn.

Tình hình trên phản ánh trong văn học chính là” chủ nghĩa nhân văn lấy châu Âu làm đại diện của phương Tây bất luận ở thời kì nào đều đối diện áp bức con người và áp bức con vật, vì thế, trước sau xuyên suốt bởi sợi dây nhân đạo chủ nghĩa. Tinh thần hạt nhân của văn học châu Âu chính là sự triển khai của nghệ thuật cảm tính của sợi dây hồng nhân đạo chủ nghĩa. Bắt đầu từ “Thần khúc” của Đante đến kịch của Sheakpear đến chủ nghĩa hiện thực phê phán của Banzac và L.Tonxtoi thế kỉ 19 đều là sự khác biệt trong phê phán con người và hô hào hồi quy của nhân tính và chủ nghĩa nhân đạo. Chủ nghĩa nhân đạo trở thành chủ đề của văn học phương Tây và là cái có được trong đấu tranh với chủ nghĩa mông muội. Điều này khác với văn học xã hội truyền thống Trung Quốc trước sau kéo dài trong “ngũ đạt đạo”.

  1. Tinh thần thực tế của Trung Quốc và truyền thống khoa học phương Tây

Văn minh cổ đại Trung Quốc là văn minh nông nghiệp, tổ tiên đời đời kiếp kiếp canh tác trên bình nguyên hoặc đồi núi, không có sự nguy hiểm như trên sóng to gió cả, thông thường mà nói, huyễn tưởng đối với họ là thừa, từ trong quá trình làm nông, cái thiết thân thể nghiệm được là: một phần cày bừa 1 phần thu hoạch, 10 phần cày bừa 10 phần thu hoạch. Bỏ công lao lớn, canh tác cẩn thận thì thu hoạch cũng sẽ nhiều và ngược lại. Làm việc thật sự tất yếu sẽ có thu hoạch. Tư tưởng này cũng ảnh hưởng đến nhân sĩ, như Vương Phù trong “Tiềm phu luận. Tự lục” nói: Người trác việt không theo đuổi hư danh hào nhoáng, người có tu dưỡng có danh vọng dốc sức vào thực tế”.

Như vậy, văn hóa sơ khai của dân tộc Trung Hoa coi trọng thực tế chứ không coi trọng huyễn tưởng, vì huyễn tưởng đối với họ không có lợi ích thực tế. Tác phong thực tế lại lưu truyền đời đời kiếp kiếp, trở thành một đặc trưng của văn minh Trung Hoa. Người Trung Quốc cổ đại cũng biết đạo lí tương sinh hư thực, thu hoạch mùa thu là do trồng cây mùa xuân sinh sôi mà có được. Mùa xuân nhìn mầm mạ non lại cũng có thể nghĩ đến kết quả bội thu sẽ có được vào mùa thu. Khi chúng ta nói về tinh thần thực tế của văn hóa Trung Hoa, không phải là nói cổ đại Trung Quốc hoàn toàn không có tinh thần khoa học hoặc không có khoa học, nhưng chúng ta phải thừa nhận tinh thần khoa học này không được phát triển mạnh mẽ trong thời cổ đại. Vì cổ đại Trung Quốc đã phát triển tinh thần thực tế này, phản ánh trong văn học chính là không xướng cao giọng, không xưng quyền bá, tự nhận nhỏ bé nhưng lại có tinh thần thẩm mĩ chân kí, chân ý, chân thú. “Lửa đồng đốt không tài nào hết được, Khi gió xuân thổi đến lại mọc ra” (Bạch Cư Dị), câu thơ về cỏ dại nhỏ bẻ bé này ở Trung Quốc ai cũng biết, có lẽ truyền đạt rõ nhất tinh thần cầu thực của người Trung Quốc, cũng truyền đạt rõ nhất sự theo đuổi thẩm mĩ được sản sinh từ tinh thần đó. Ngoài ra, sự phát triển của thơ “ẩn dật” ở Trung Quốc cổ đại thể hiện tư tưởng “nước có đạo sẽ ra giúp đời, nước vô đạo sẽ quy ẩn” của các nhân sĩ, cũng là một thể biến đổi của thơ ca trên tinh thần cầu thực của Trung Quốc, điều này rất ít thấy ở châu Âu.

Khác với tinh thần thực dụng của văn minh Trung Hoa, văn minh phương Tây lại chú trọng tinh thần khoa học tìm tòi quy luật tự nhiên. Bắt đầu từ Aristote của thời kì cổ đại Hi Lạp, tức là chú trọng huyễn tưởng khoa học, là có tâm lí hiếu kì nghiên cứu những bí mật của tự nhiên mà không chú trọng mục đích thực dụng, gọi là “Người Trung Quốc trọng nhân, người phương Tây trọng trí”(Khang Hữu Vi). Vì sao phương Tây từ cổ đại đã coi trọng tìm hiểu quy luật tự nhiên? Điều này vẫn là do văn minh hải dương của họ phát huy tác dụng. Người cổ đại phương Tây vì phải thông qua thương nghiệp trao đổi, không thể không xuất hiện trên hải dương sóng to gió cả, đại tự nhiên trở thành vật đối lập với họ, rất tự nhiên họ phải dần dần hình thành ước mơ và tư tưởng chinh phục tự nhiên. Điều này buộc họ phải nghiên cứu quy luật của tự nhiên, và dựa vào quy luật vốn có của tự nhiên để chinh phục tự nhiên. Vì thế yêu thích khoa học trở thành xu hướng giá trị chung của người phương Tây. Thế kỉ thứ 4 trước công nguyên, được gọi là cha đẻ của khoa học phương Tây Aristote đã có các công trình “Vât lí học”, “Thiên thể học”, “Lịch sử động vật” và khí tượng học, khoáng vật học, những lí luận siêu hình học, tu từ học, logic học của ông đã trở thành cơ sở tư duy lí tính cho sự phát triển của khoa học phương Tây. Tinh thần khoa học của phương Tây chủ yếu phát triển ba loại phẩm chất là lí tính, khách quan và hoài nghi. Lí tính là hạt nhân trong tư duy khoa học phương Tây, chủ yếu thể hiện là: tự nhiên khách quan là có thể nhận biết, khái niệm, phạm trù và tư duy logic là có hiệu quả, chân lí là cái vô cùng quý giá…Tinh thần khách quan thể hiện ở sự tôn trọng sự thực khách quan và thế giới khách quan, nghiên cứu khoa học cần chú trọng thực chứng, thực chứng không những cần chú trọng logic, suy lí mà cũng cần chú trọng nghiệm chứng kinh nghiệm thực tế. Tinh thần hoài nghi lại cho rằng nhận thức đối với sự vật tự nhiên là một quá trình vô cùng vô tận, không có chân lí tuyệt đối, chỉ có chân lí tương đối, chỉ có trong nghi ngờ thì chân lí mới có thể tiến lên phía trước.

Người phương Tây trọng khoa học, phản ánh trong văn học chính là tinh thần sử thi với đông đảo các thần, có tinh thần huyễn tưởng kiểu Donkihote, có tinh thần sáng tạo kiểu Faust, có tinh thần phê phán kiểu như nhà văn Banzac.

Tinh thần thực dụng của Trung Quốc và tinh thần khoa học của phương Tây có sự khác biệt rõ ràng. Tinh thần thực dụng của người Trung Quốc là lấy tư tưởng “nhập thế” và “xuất thế” phi tôn giáo làm chủ đạo. Người Trung Quốc quan tâm đến việc đạt tới cái gọi là “tam bất hủ”(lập đức, lập công, lập ngôn), chứ không dẫn dụ con người cứu rỗi cho linh hồn ở thế giới bên kia. Tinh thần khoa học của người phương Tây coi trọng huyễn tưởng, tinh thần khoa học của họ không mâu thuẫn với luân lí tôn giáo. Họ cho rằng, thượng đế sáng tạo ra vạn vật trên thế giới, trong đó có quy luật là chỗ dựa. Nhà khoa học nghiên cứu vạn vật tự nhiên, tức là làm cho quy luật đáng tin cậy được hiện ra một cách trung thực nhất, điều này không phủ nhận sự tồn tại của thượng đế. Ngược lại, họ cho rằng, nghiên cứu khoa học đề cao cảnh giới của tôn giáo chân chính, và khiến cho ý nghĩa của tôn giáo càng thêm sâu xa. Mỗi quan tâm sâu sắc nhất của họ vẫn là thế giới bên kia. Vì thế nhiều nhà khoa học vẫn là tín đồ tôn giáo, như Newton,  Heisenberg…

Thời kì văn nghệ Phục Hưng mà phương Tây trải qua, đề cao chủ nghĩa nhân văn. Chủ nghĩa nhân văn ở phương Tây không tách rời sự giáo dục, tu dưỡng của con người. “Chủ đề trung tâm của chủ nghĩa nhân văn là năng lực tiềm tại của con người và năng lực sáng tạo của con người. Nhưng dạng năng lực này bao gồm cả tạo ra loại năng lực này, là cái tiềm ấn, cần phải đánh thức nó, cần phải làm nó biểu hiện ra, phát triển thêm, mà muốn đạt được điều đó thì phải thông qua giáo dục (Bloch 45).Vì thế những tác phẩm của các nhà văn như Homer, Cicero, Virgil… đã trở thành sách bắt buộc phải học, con người có thể học được những tri thức nhân văn chủ nghĩa từ trong đó, và tu dưỡng nhiều hơn. Thời kì chủ nghĩa Khai sáng, tác phẩm văn học càng được coi là khoáng sản tri thức giúp con người hiểu biết về thế giới, xóa bỏ lực lượng mông muội to lơn.

Từ những trần thuật trên, chúng ta có thể hiểu được sự khác nhau của lí luận văn học và văn hóa Đông Tây là rất lớn, nguyên nhân văn hóa lịch sử của sự khác biệt cũng rất phức tạp, nhưng chúng ta phải bắt tay từ sự khác biệt văn hóa mới có thể tìm thấy căn nguyên văn hóa của sự khác biệt trong quan niệm văn học Đông Tây.

Lịch sử phát triển đến thời kì cận đại, lí luận văn học phương Tây không ngừng được đưa vào Trung Quốc, từ đó tiến hành đối thoại với lí luận văn học vốn có của Trung Quốc. “Đối thoại” của văn luận Đông Tây, xây dựng lí luận văn học hiện đại, trở thành chủ đề từ thời cận đại đến nay, đây là điều tất yếu của sự phát triển xã hội. Văn hóa Đông Tây có sự khác biệt lớn, nhưng chúng ta không cho rằng văn hóa Đông Tây không thể dung hợp giống như lửa với nước, chúng ta không đồng ý với quan điểm “xung đột văn minh”, chúng ta cho rằng văn hóa Đông Tây có thể học tập lẫn nhau, bổ sung lẫn nhau, mà con đường học tập bổ sung lẫn nhau chính là “đối thoại”. Nhưng khi chúng ta tiến hành xây dựng lí luận văn học hiện đại, không phải là làm theo kinh điển, cũng không phải là dựa theo phương Tây, mà là dùng cái nhìn mang tính hiện đại, kết hợp thực tiễn hoạt động văn học mới, hấp thu tổng kết tinh hoa của văn luận nước ngoài và kinh điển, nghiêm túc thực hiện hiện đại hóa và sáng tạo văn luận cổ đại, nghiêm túc thực hiện Trung Quốc hóa văn luận phương Tây, nghiêm túc tổng kết tất cả những thành quả hướng tới hiện đại từ thời “ngũ tứ”, trên cơ sở này, lí luận văn học Trung Quốc hiện đại tất yếu sẽ dần dần được xây dựng từ trong thực tiễn. Đây là điều có thể khẳng định được.

Tác giả: Đồng Khánh Bính (giáo sư Đại học Sư phạm Bắc Kinh)

Đỗ Văn Hiểu dịch từ tiếng Trung

Nguồn: 《文艺理论研究》2012年第1期

Chú thích:

[1]Xem: “Thương thư. Nghiêu điển”, Tiên Tần lưỡng Hán văn luận tuyển, Nxb Văn học Nhân dân, Bắc Kinh, tr.4

[2] Xuân thu tả truyện chính nghĩa. Chiêu Công năm 25, xem Đỗ Dự chú thích, Khổng Dĩnh Đạt soạn Xuân thu tả thị truyện chính nghĩa

[3] Xem  “Mao thi đại tự”, Tiên Tần lưỡng Hán văn luận tuyển, Nxb Văn học Nhân dân, Bắc Kinh, tr.342-345

[4] Xem Trung Quốc văn luận đại từ điển, Nxb Văn nghệ Bách Hoa, Thiên Tân, 1990, tr.2

[5]Xem Lưu Hiệp, Văn tâm điêu long – Tình thái

[6] Bạch Cư Dị: Dữ nguyên cửu thư

[7] Xem Vương Phu Chi Thuyền sơn di thư, quyển 64 Tịch đường vĩnh nhật tự luận, bên trong bình về Tô Thức, Hoàng Đình Thánh

[8]Xem “Trang tử. Ngư phụ”Quách Khánh Phan soạn Trang Tử tập giải. Nxb Trung Hoa thư cục, 1961, tr 1023

[9] Xem Nhà văn cổ điển Âu Mĩ bàn về chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lãng mạn. Nxb Khoa học xã hội Trung Quốc, 1980, tr7

[10]Tham khảo Wordsworth, “Lời tựa tập Ca dao trữ tình”, xem Nhà thơ Anh Mĩ thế kỉ 19 bàn về thơ. Nxb Văn học Nhân dân, Bắc Kinh, 1984, tr6-7

[11] Shelley, “Biện hộ cho thơ”, xem Nhà thơ Anh Mĩ thế kỉ 19 bàn về thơ. Nxb Văn học Nhân dân, Bắc Kinh, 1984, tr119-169

[12] Tuyển tập Bielinski, quyển 5, Nxb Dịch văn Thượng Hải, 2005, tr173

[13] Xem Eliot, “Truyền thống và tài năng cá nhân”, Tập luận văn văn học Eliot. Nxb Văn nghệ Bách Hoa Châu, Nam Xương

[14] Xem Ghi chép những bài nói chuyện của Gớt. Nxb Văn học Nhân dân, Bắc Kinh 1980, tr146-147

[18]《论语·公冶长》。

[19]《孟子·尽心上》。

[21]《礼记·礼运》。

[22]《老子·第二十五章》。

[23]《易·乾卦·文言传》。

[24]《庄子·齐物论》。

[25]《周易·系辞下》。

[26]《春秋繁露·立元神》。

[27]参见《论语·颜渊》。

[28] 《孟子·尽心下》。

[29]《易·屯》。

Nguồn: https://dovanhieu.wordpress.com/2014/08/07/ve-su-khac-nhau-trong-quan-niem-van-hoc-dong-tay/

Nghiên cứu khoa học Văn học Nhật Bản Văn học phương Tây

Tiếp biến Franz Kafka trong tiểu thuyết Haruki Murakami

Th.S Nguyễn Bích Nhã Trúc

Khoa Ngữ Văn – Đại học Sư Phạm TP.HCM

Không lâu sau ngày Franz Kafka qua đời (3/6/1924), độc giả châu Âu nhanh chóng nhận ra những điều được viết trong các trước tác vốn ít được biết đến lúc sinh thời của ông, đều trở thành hiện thực. Nhân loại ngày càng đi về phía “những lời tiên tri” của thiên tài văn học có số phận ngắn ngủi và bi đát. Suốt nửa sau của thế kỷ XX, văn học, triết học Châu Âu chưa bao giờ ra khỏi “cái bóng Kafka”. “Cái bóng Kafka” đã lan sang châu Á, nhất là từ sau chiến tranh Thế giới II, ở những nước sớm có sự tiếp xúc với Phương Tây, tiêu biểu là Nhật Bản. Nhờ tiềm lực văn hóa đã tích lũy trước đó từ thời Minh Trị, văn học Nhật Bản đầu thể kỷ XX đã có cơ hội tiếp xúc với văn học phương Tây sớm hơn các nước khác trong khu vực. Trong hai thời kỳ Taisho và Showa, cùng với sự lớn mạnh của ngành dịch thuật, xuất bản ở Nhật, văn học Nhật đã chứng kiến cuộc hội nhập sâu rộng của văn học truyền thống với văn học hiện đại phương Tây. Hầu hết các tên tuổi lớn trên thế giới như Samuel Beckett, Dostoievsky, James Joyce, Marcel Proust… đều đã có mặt ở Nhật, tất nhiên không thể thiếu Franz Kafka. Cùng với đó là hàng loạt các trường phái, khuynh hướng văn học hiện đại cũng đã du nhập vào Nhật Bản: chủ nghĩa biểu hiện, chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa hiện thực huyền ảo, phân tâm học, chủ nghĩa phi lý… được thế hệ các nhà văn trẻ tài năng, giàu cá tính, ham học hỏi vận dụng trong sáng tác. Ở Nhật, người chịu ảnh hưởng văn chương Kafka sớm nhất, phải kể đến Abe Kobo – “Kafka của Nhật Bản”. Những sáng tác của Abe Kobo mang dấu ấn Kafka từ đề tài, chủ đề cho đến kỹ thuật, thủ pháp sáng tác, thể hiện tinh thần sáng tạo mới mẻ, đầy cố gắng của Kobo trong việc đưa văn chương Nhật thoát khỏi những khuôn mẫu truyền thống, hướng đến hội nhập phương Tây. Không lâu sau, văn học Nhật xuất hiện gương mặt nhà văn hậu chiến khác, ít nhiều chịu ảnh hưởng Kafka là Haruki Murakami. Với tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, Murakami đã trở thành người Nhật đầu tiên (và là nhà văn thứ 6 trên thế giới) nhận được giải thưởng Franz Kafka do Cộng hòa Czech trao tặng năm 2006. Tiểu thuyết Kafka bên bờ biển trong ý nghĩa nào đó, thể hiện sự tôn vinh của Murakami đối với Kafka – nhà văn lớn nhất thế kỷ XX. Bản thân Murakami đã phát biểu khi nhận giải thưởng: “Tác phẩm của Kafka thật tuyệt, nó chứa đựng một số giá trị phổ quát, tôi hiểu rằng ông ấy là nhân tố quan trọng nhất trong văn hoá châu Âu. Trong cùng thời điểm, chúng ta chia sẻ những tác phẩm của ông. Lần đầu tiên tôi đọc cuốn The Castle khi tôi mười lăm tuổi, tôi đã không suy nghĩ theo cách đó. Cuốn sách này thuộc về trung tâm văn hoá Châu Âu. Tôi chỉ cảm thấy, đây là cuốn sách của tôi, cuốn sách dành cho tôi.”(1)

Giữa Kafka và Murakami có một sợi dây liên kết kì lạ. Nếu như Kafka chủ yếu sống và viết trong giai đoạn đầu thế kỉ XX thì Murakami lại sáng tác vào giai đoạn cuối thế kỉ XX sang đầu thế kỷ XXI. Sự tiếp thu, gặp gỡ của Murakami đối với những vấn đề Kafka đã đặt ra cũng là những điều mà đến nay nhân loại tiến bộ vẫn luôn trăn trở, tìm kiếm câu trả lời. Trong tham luận này, chúng tôi tiến hành so sánh một số điểm tương đồng và khác biệt trong thế giới nghệ thuật của hai nhà văn Franz Kafka và Haruki Murakami, nhằm minh chứng cho sự tiếp biến Franz Kafka trong sáng tác của Murakami – nhà văn Nhật đang có ảnh hưởng lớn đến người đọc không chỉ ở Châu Á mà trên toàn thế giới hiện nay. Chúng tôi chỉ khảo sát trên bình diện tiểu thuyết (mặc dù cả hai nhà văn đều là những cây bút truyện ngắn xuất sắc thế giới), vì đúng như Max Brod đã đánh giá: “Những tác phẩm Lâu đài, Vụ án sẽ chứng tỏ rằng tầm quan trọng của Franz Kafka thực sự nằm ở tiểu thuyết trường thiên chứ không thể chỉ được coi, phần nào có lý, là một chuyên gia, một bậc thầy về truyện ngắn như cho đến nay”(2)

1. Vấn đề “con người cá nhân” – mối bận tâm của các nhà văn lớn

Kafka và Murakami, dù sống trong hai thời kỳ khác nhau nhưng đều là những nhà văn rất quan tâm đến vấn đề “con người cá nhân”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân: “Có thể nói nỗi lo đời thường chính là một trong những yếu tố làm cho văn học Kafka và chủ nghĩa hiện sinh sau này có một ý nghĩa nhân đạo sâu sắc”(3) Trong tiểu thuyết cũng như truyện ngắn Kafka, con người với những mối lo đời thường được chú ý. Con người trong tác phẩm của Kafka hầu hết là những người yếu đuối, nhỏ bé, mong manh trong hoàn cảnh hiện hữu của mình. Một Samsa trong hình hài con bọ sau buổi sáng thức dậy, chỉ có thể nằm, bò trên giường, trên sàn trong căn phòng nhỏ, bất kỳ ai cũng có thể làm tổn thương anh, kể cả những người thân mà anh đã hi sinh vì cuộc sống của họ. Hay Josef K, một nhân viên bình thường chuẩn bị đón sinh nhật lần thứ 30, sau khi thức giấc, bị hai kẻ lạ mặt vào tận nhà bắt đi, bị kết án là kẻ có tội. Người ta thường dẫn ra câu nói cuối cùng của Josef K khi bị hành quyết: “Như một con chó” để khái quát thân phận con người trong xã hội hiện đại – một cỗ máy khổng lồ mà con người hoàn toàn lạc lối, không thể hiểu cơ chế vận hành của nó.

Trước Kafka, thân phận con người chưa bao giờ xuất hiện nhỏ bé, rẻ rúng, là nạn nhân của sự phi lí tột cùng như vậy. Chuyện Samsa hóa thân thành bọ không còn là chuyện huyền thoại hay cổ tích nữa, nó xuất hiện ngay giữa thời hiện đại, là ẩn dụ cho số phận, sự tha hóa của con người trong đời sống. Samsa hóa thành bọ nhưng anh không hề ngạc nhiên, thắc mắc về chuyện ấy. Samsa dường như coi đó là chuyện không quan trọng bằng việc bị trễ chuyến tàu đi làm,… Vấn đề ở đây là “bi đát không phải Gregor Samsa là một con vật; bi đát là Gregor Samsa không phải hoàn toàn là con vật mà cũng không phải hoàn toàn là con người; Samsa ở chính giữa nửa người nửa vật và không biết mình thuộc về đâu; loài người không nhận Gregor Samsa mà loài vật cũng không nhận hắn.”(4) Có lẽ mọi bi kịch của Samsa khởi sinh từ chuyện biến dạng này. Kafka rõ ràng không chỉ cảnh báo nguy cơ biến dạng về mặt hình hài mà ông muốn đề cập đến một sự tha hóa, biến dạng khác sâu sắc hơn: biến dạng trong bản chất tinh thần. Con người sẽ trở thành vật, thành công cụ phục vụ cho âm mưu nào đó, hay cho guồng máy xã hội, và thậm chí có thể dần trở nên xa lạ với chính mình, mất đi nguồn gốc của mình lúc nào không hay biết. Đây là một trong những đóng góp có ý nghĩa khám phá lớn nhất về mặt tư tưởng của Kafka. Sau này, các nhà văn hậu thế hầu như đều chịu ảnh hưởng từ ông. Murakami là một trong số đó.

Nhà văn người Nhật, trong một số tiểu thuyết của mình cũng đã xoáy vào vấn đề thân phận con người trong xã hội kỹ trị, nơi có nhiều thế lực vô hình với công nghệ số, đã và đang thao túng đời sống con người, biến họ thành máy móc. Đọc Xứ sở kỳ diệu bạo tàn và chốn tận cùng thế giới, hẳn ta không thể quên nhân vật tôi – toán sư 37 tuổi, làm việc cho một tổ chức bí mật giữa lòng thế giới. Anh là một trong những thành viên được lựa chọn cho thí nghiệm “xáo dữ liệu” trên não người. Chính anh cũng không biết được mình là nạn nhân trong thí nghiệm khủng khiếp ấy. May mắn (hay bất hạnh) vì não anh có một khả năng đặc biệt nên thay vì chết ngay lập tức như một số toán sư khác, anh lại có thể sống sót. Trớ trêu thay, khi được biết sự thật về thí nghiệm vô nhân tính, giả danh khoa học kia, anh chỉ còn có thể sống được trong một thời gian ngắn. Hình ảnh nhân vật toán sư trong tiểu thuyết Murakami khiến người đọc bị ám ảnh về số phận nhỏ bé, trớ trêu của con người trong xã hội hiện đại, nơi mà gần như toàn bộ thế giới được đặt dưới một hệ thống ngầm, vô cùng tinh vi có tên là Tội Ác. Ở đó, mạng sống con người bị đo đếm một cách chính xác đến từng giây từng phút: “còn hai mươi chín tiếng và ba mươi lăm phút nữa. Dung sai cho phép là cộng trừ bốn mươi lăm phút. Tôi đặt chương trình vào mười hai giờ trưa cho dễ nhớ. Vậy là mười hai giờ trưa mai.”(5) Nhưng con người không dễ biết về tấn bi kịch mà mình đang rơi vào. Bi kịch về sự tồn tại nhỏ bé, đáng thương, là nạn nhân của sự phi lí trong đời sống từ những tác phẩm của Kafka, đến Murakami, một lần nữa lại được tô đậm, phát triển thành một chủ đề lớn trong các tác phẩm.

Cả hai nhà văn đều hướng đến việc khắc họa bi kịch về sự xa lạ của con người trong xã hội, với những người có quan hệ huyết thống, xa lạ với chính mình. Cả Murakami và Kafka đều lựa chọn chủ đề mối quan hệ cha – con trong sáng tác để làm nổi bật chủ đề “sự xa lạ của con người”. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy những chủ đề, motif chính mà Kafka đã khơi nguồn cho văn học thế giới như: đứa trẻ bị kết tội, chấn thương tâm lí, mối quan hệ cha – con, con người xa lạ… đều xuất hiện trong tiểu thuyết Kafka bên bờ biển của Murakami. Từ cách đặt tên tác phẩm và tên nhân vật đầy ẩn ý (Kafka trong tiếng Czech là “con quạ”), đến việc xây dựng cốt truyện sử dụng motif mối quan hệ cha – con và lời nguyền số phận trong bi kịch Oedipus đã minh chứng cho sự ảnh hưởng của Kafka đối với tác phẩm hư cấu xuất sắc này của Murakami. Hầu hết những nhà Kafka học đều công nhận nỗi ám ảnh lớn, chi phối tư tưởng Kafka là hình ảnh người cha độc đoán, thích áp đặt quyền lực lên người khác. Trong Thư gửi bố – cuốn nhật kí được coi là chứa đựng nhiều yếu tố văn học, như một tác phẩm tự thuật, Kafka đã nói lên suy nghĩ của mình về người cha mà ông suốt đời phải chịu đựng: “Tựa lưng vào chiếc ghế bành, bố cai trị cả thế giới. Quan điểm của bố là đúng, còn lại tất cả đều là hâm hấp, chập cheng, rác rưởi, không bình thường. Vậy là với con, bố trở thành một bí ẩn của tất cả những tên bạo chúa, những kẻ xây dựng lí lẽ dựa trên con người họ chứ không phải dựa trên lí trí.”(6) Cụ thể, Kafka đã bày tỏ một cách chân thực và đau đớn suy nghĩ của đứa con chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc khi sống trong một mái nhà với người cha ấy. Cả một quãng thời gian dài từ nhỏ đến khi trưởng thành, nỗi sợ hãi đối với bố luôn đeo bám Kafka, khiến ông không bao giờ có thể sống thanh thản hay tự do làm những việc mình yêu thích. Từ việc học hành, giao tiếp bạn bè, đến việc chọn người yêu, kết hôn… tất cả đều nằm dưới sự kiểm soát của bố. Điều ấy khiến Kafka từ một cậu bé sợ hãi, chỉ biết phục tùng, luôn mang mặc cảm tội lỗi, đã cố gắng quẫy đạp để thoát ra khỏi vòng kìm kẹp vô hình. Nó trở thành một khát vọng sống, một ẩn ức đớn đau mà suốt đời không bao giờ Kafka thực hiện được.

Còn cậu bé Kafka – nhân vật chính trong Kafka bên bờ biển của Murakami vừa mang bóng dáng bi kịch trong mối quan hệ cha – con của Franz Kafka vừa mang bi kịch bị kết tội của hoàng tử Oedipus, khi vào sinh nhật thứ 15, cậu nhận được lời nguyền khủng khiếp từ Koichi Tamura – người bố ruột của mình: “Mày sẽ giết cha, ngủ với mẹ và chị gái của mày”. Trong hành trình khám phá số phận, tìm cách hóa giải lời nguyền độc địa ấy, dường như mọi thứ đều xảy đến: giết cha; ngủ với mẹ và chị gái. Cái bóng quyền lực của người cha ruột Koichi (được xây dựng như một biểu tượng của Quyền lực) luôn đè nặng, chi phối số phận của con trai. Nhưng mặt khác, dường như những khó khăn, bi kịch của Kafka Tamura đều được “hóa giải” bằng các yếu tố khác trong tác phẩm. Một trong những yếu tố đó chính là vai trò của nhân vật Saeki – người được coi là mẹ ruột của Kafka. Bằng bút pháp nghệ thuật huyền ảo, Murakami đã khiến cho tình tiết Kafka gặp lại và chung đụng thể xác với mẹ ruột (Saeki trong hình hài thiếu nữ 15 tuổi), trở thành một tình tiết có tính bước ngoặt và chìa khóa giải mã thông điệp trong tác phẩm.

Hành trình của Kafka có rất nhiều nỗ lực của chính cậu thiếu niên kiên cường này nhưng không thể thiếu vai trò của người mẹ lưu lạc Saeki. Ở một góc độ khác, có thể hiểu rằng Kafka sẽ khó có thể mạnh mẽ và đạt đến sự trưởng thành thực sự nếu không có việc “hợp nhất” với người đã sinh ra mình. Có một sự khác biệt lớn giữa vai trò người mẹ trong cuộc đời của nhà văn Franz Kafka ngoài đời thực và người mẹ của nhân vật Kafka Tamura. Cũng trong Thư gửi bố, Franz Kafka đã nói lên suy nghĩ về mẹ: “Con luôn có thể được mẹ chở che, nhưng chỉ che chở trong mối quan hệ với bố. Mẹ quá yêu bố và quá trung thành với bố. Vì vậy về lâu dài mẹ không đóng vai trò bảo trợ về tinh thần trong cuộc đấu tranh của chúng con (…) mẹ cũng chỉ độc lập trong những việc liên quan đến mẹ mà thôi. Còn trong quan hệ với chúng con, theo thời gian, mẹ càng ngày càng ngả theo quan điểm và định kiến của bố, ngả theo toàn diện, mù quáng, theo cảm giác hơn là lí trí.”(7) Không chỉ là trong đời thực mà cả trong các tiểu thuyết, Kafka cũng ít xây dựng hình ảnh người phụ nữ nào thực sự nổi bật với vai trò cứu rỗi, mang đến sự bình yên, sức mạnh tinh thần cho các nhân vật. Ngược lại, trong Kafka bên bờ biển, từ khi xuất hiện đến khi xa lìa cuộc sống, Miss Saeki được Murakami xây dựng với vai trò là “người bảo trợ tinh thần” giúp Kafka vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Bà như hình ảnh ánh trăng sáng trong, đẹp đẽ của tính nữ Nhật Bản dịu dàng, luân chảy trong nền văn học, văn hóa Phù Tang. Điều đó đã cứu rỗi Kafka, mang đến niềm tin và sức mạnh giúp cậu bước tiếp hành trình phía trước, dẫu không còn mẹ.

Vấn đề đặt ra là vì sao lại có sự khác biệt này? Phải chăng xuất phát từ sự khác biệt trong nguồn cội văn hóa tinh thần Đông – Tây mà một bên đại diện là Murakami còn bên kia là Franz Kafka? Văn hóa phương Tây, từ xa xưa, luôn xây dựng hình ảnh người cha – người đàn ông như một biểu tượng của tính dương, của quyền năng và sức mạnh không thể khuất phục. Ngược lại, văn hóa phương Đông đề cao hình ảnh của người phụ nữ với tình yêu thương bao la, chở che, hi sinh tận hiến. Nữ thần Mặt trời Amaterasu là thủy tổ của dân tộc Nhật, tất cả các Thiên Hoàng sau này đều là hậu duệ của bà. Dấu vết của sự ảnh hưởng, vai trò của nữ thần Amaterasu cho đến nay, vẫn còn lưu lại rất nhiều trong văn hóa Nhật Bản. Mặt khác, theo thiền sư D.T Suzuki: “Ở cơ sở của những lối tư duy và cảm nhận của người phương Tây có người cha, thì người mẹ nằm ở đáy sâu bản chất phương Đông. (…) Người mẹ ôm lấy mọi thứ trong tình yêu vô điều kiện. Không có vấn đề đúng, sai. Mọi thứ đều được chấp nhận không có gì khó khăn hay cần căn vặn. Tình yêu ở phương Tây luôn chứa đựng một cái bã của quyền lực. Tình yêu phương Đông thì ôm lấy tất cả. Nó mở rộng về mọi phía. Ta có thể đi vào từ mọi hướng.”(8) Từ phương diện ngôn ngữ và tâm lí học, trong các công trình nghiên cứu Nhật Bản, nhà tâm lí học Takeo Doi đã chỉ ra rằng: ngôn ngữ Nhật tồn tại khái niệm “amae” (甘え) (xuất phát từ động từ甘やかすnũng nịu, muốn được chiều chuộng, âu yếm ), vì vậy trong não trạng của người Nhật cũng luôn ngự trị tâm lí “amae”: “Nguyên mẫu của tâm lý amae nằm trong tâm lý đứa bé trong quan hệ của nó với mẹ. (…) Amae được dùng để chỉ việc bám theo mẹ xảy ra khi trí não của đứa bé đã phát triển đến độ nào đó và nhận ra rằng mẹ nó tồn tại độc lập với nó.”(9) Takeo Doi cho rằng chính tâm lý amae này sẽ vận hành, chi phối cảm giác hợp nhất giữa mẹ và con. Còn não trạng amae là “cố gắng chối bỏ việc tách rời vốn là một phần không thể tách rời của sự sống con người, xóa mờ nỗi đau chia lìa”(10) Bằng những lập luận thuyết phục, Doi đi đến kết luận khá quan trọng: “Không có amae thì không thể thiết lập mối quan hệ mẹ con và không có mối quan hệ mẹ con thì sự trưởng thành thực sự của đứa trẻ không thể có.”(11)

Dựa trên những điều vừa được tổng hợp, phân tích, có thể thấy vai trò của người mẹ đối với quá trình trưởng thành của đứa con trong văn hóa phương Đông nói chung, văn hóa Nhật Bản nói riêng đón vai trò nền tảng. Đó cũng là lí do vì sao người đọc sẽ nhận thấy motif mối quan hệ cha con mượn từ Franz Kafka và bi kịch Oedipus của Hy Lạp, thực chất chỉ là những lớp vỏ hình thức để Murakami triển khai chiều kích sâu xa, bí ẩn trong tâm lý con người hiện đại. Ở điểm này, ngòi bút của Murakami đã thực sự chinh phục những độc giả bình dân lẫn độc giả có tầm hiểu biết sâu rộng tri thức Đông – Tây. Và theo chúng tôi, có thể đi đến nhận xét rằng Kafka bên bờ biển chính là một phản đề, một tác phẩm mang tính chất “phản Kafka” rất tinh vi và xuất sắc của Murakami. Tính “phản Kafka” này đã cho thấy tư duy phản biện, trình độ bậc thầy của một nhà văn châu Á trong việc đọc, tiếp nhận Franz Kafka. Kết quả là tác phẩm đã mang đến cho người đọc một cái nhìn rộng mở mang tính đối thoại trong việc so sánh Đông – Tây, để chạm đến vô thức tập thể trong chiều sâu tâm thức nhân loại. Murakami thực sự xứng đáng được nhận giải thưởng Franz Kafka với tác phẩm này. Trên thực tế, hiện tượng tương tự không phải chưa từng xảy ra ở Nhật Bản. Đó là trường hợp tiếp nhận Shakespeare ở Nhật. Shakespeare vào Nhật khá sớm và đã có rất nhiều bản dịch khác nhau các kiệt tác của ông. Đến nay, sau hơn 100 năm tiếp nhận Shakespeare, người Nhật đã chuyển thể các kiệt tác quan trọng của Shakespeare sang nhiều hình thức: sân khấu kịch, điện ảnh… Trong đó, nổi bật nhất là Ran (Loạn) – bộ phim của đạo diễn Akira Kurosawa, dựa trên vở kịch King Lear. Về mặt hình thức, các nhân vật, bối cảnh phim, cũng như tư tưởng qua lời thoại của nhân vật hầu như “đi ngược lại” với tinh thần chung nguyên tác vở kịch của Shakespeare. Nhưng lạ thay, Ran lại là bộ phim được người phương Tây, những nhà Shakespeare học đánh giá là tác phẩm chuyển thể hay nhất, Kurosawa là đạo diễn “đọc Shakespeare” độc đáo nhất. Sở dĩ có điều này bởi Kurosawa đã thổi vào Ran cốt lõi văn hóa Nhật Bản là Phật giáo Thiền tông và đặt tư tưởng ấy trong thế đối thoại với một King Lear đặc trưng cho tinh thần văn hóa Tây phương.

Qua tiểu thuyết Kafka bên bờ biển, Murakami đã thể hiện những ảnh hưởng nhất định từ Kafka trong sáng tác, đồng thời sáng tạo lại trên cơ sở sự hiểu biết sâu về văn hóa, văn học và tâm lý dân tộc để tạo ra một kiệt tác văn học, nhằm chuyển tải những tư tưởng mới mẻ về vấn đề tồn tại và hành trình vượt lên bi kịch cá nhân của con người trong thế giới hiện đại đầy bất an, phi lý.

2. “Cái phi lí” hay hành trình khám phá bản chất xã hội và con người

Kafka là nhà văn có công đầu trong việc đặt nền móng cho sự xuất hiện chủ đề cái phi lí trong văn học hiện đại. Chủ nghĩa hiện sinh và văn học phi lí sau này phát triển nhiều vấn đề từ thế giới Kafka. Cái phi lí là vấn đề cốt yếu của tồn tại xã hội và tồn tại con người. Tuy nhiên, nhân loại phải cần cả một tiến trình mới nhận thức được đầy đủ về nó. Có lẽ phải đến Kafka, cái phi lí mới trở thành “một đối tượng nhận thức” thực sự, như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Dân đã nhận định. Chừng nào còn chưa nhìn nhận cái phi lí như một đối-tượng-nhận-thức, chừng ấy con người còn chưa thể hiểu nguyên nhân sâu xa của hầu hết bi kịch, đau khổ trong đời sống.

Nhân vật của Kafka (trong các tiểu thuyết Lâu đài, Vụ Án) là nạn nhân trực tiếp của những bất công, phi lí tột cùng và đó là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất an, đau khổ. Đối với K (Lâu Đài) hay Josef .K (Vụ án), cái phi lí như một thế lực vô hình, chi phối và quyết định vận mệnh của họ. Các nhân vật của Kafka thường sống trong bầu không khí sợ hãi, lo âu và luôn cảm nhận rất rõ mối hiểm họa – chỉ là họ thực sự không biết phải làm cách nào để nhìn thấy nó, để đi đến tận cùng gốc rễ, “hang ổ” của nó. Franz Kafka rất xuất sắc khi khắc họa “sự hiện diện vắng mặt” của cái phi lí trong những trang viết của mình. Điều này đã trở thành một bút pháp mẫu mực, khẳng định phong cách “không lặp lại” của Kafka. “Cái làm cho Kafka trở thành một hiện tượng văn học đặc biệt là ông đã sáng tạo ra một nghệ thuật mô tả cái vắng mặt, nghệ thuật thông báo cái không thể thông báo, diễn đạt cái không thể diễn đạt”(12) Để diễn tả chân thực cái phi lí và những nỗi ám ảnh vô hình, Kafka luôn xây dựng hình ảnh mê cung trong tác phẩm. Đó là hệ thống những mê cung vừa tinh vi, nhiều tầng lớp, vừa khổng lồ, đầy nguy hiểm chực chờ nuốt chửng những con người nhỏ bé, lẻ loi. Tất nhiên, mọi nỗ lực tìm kiếm, khám phá bí ẩn về thế giới ấy của các nhân vật đều thất bại. Họ bị những mê lộ ấy nuốt chửng vào, đến lúc chết cũng không thực sự biết rõ vì sao, ai là người có thể cứu mình. Tâm thế vừa hoang mang vừa hoài nghi trước cuộc đời của Josef K trong Vụ án, đã nói lên điều đó: “Ánh mắt anh dừng lại nơi tầng trên cùng của ngôi nhà sát bên mỏ đá. Ở đấy, như một tia sáng chợt lóe lên, một cửa sổ vụt mở bung hai cánh, một bóng người – mờ nhạt, mảnh dẻ ở khoảng cách và độ cao ấy – đột ngột nhoài tới trước và hai cánh tay vươn ra còn xa hơn nữa. Ai thế nhỉ? Một người bạn chăng? Một con người nhân hậu chăng? Một con người duy nhất ư? Hay toàn nhân loại? Anh sắp có sự trợ giúp chăng? Phải chăng có những lý lẽ ủng hộ anh mà người ta đã không chú ý tới? Chắc chắn có. Dĩ nhiên không lay chuyển được logic, nhưng nó vẫn không cưỡng nổi một con người muốn sống.”(13)

Thủ pháp sử dụng mê cung làm phương tiện biểu đạt cái phi lí và cái bất khả tri về đời sống của Kafka được tái hiện trong những tác phẩm hư cấu có quy mô lớn của Murakami: Cuộc săn cừu hoang, Xứ sở kì diệu tàn bạo và chốn tận cùng thế giới, Biên niên kí chim vặn dây cót, 1Q84… Dưới hình thức những cuộc phiêu lưu vừa xảy ra trong không – thời gian thực tế, vừa là phiêu lưu tinh thần, Murakami đã để cho các nhân vật đi qua những mê cung vô cùng phức tạp, rối rắm: không chỉ trên mặt đất mà còn dưới lòng đất; không chỉ dạng không gian mê cung về mặt địa lí mà còn có cả loại mê cung trong tâm thức, trong não bộ của con người… Đây cũng là điểm khác biệt giữa Murakami và Kafka. Nếu như nhân vật của Kafka dường n chỉ vận động, di chuyển trong không gian chiều ngang, không gian thực, trong thời gian của hiện tại và hướng ngoại nhiều hơn thì các nhân vật của Murakami hoạt động trong cả không gian chiều dọc (đi xuống lòng đất), thời gian quá khứ (đi về giữa quá khứ và hiện tại, đi về trong hai không gian thực – ảo) và đặc biệt là không chỉ hướng ngoại mà còn hướng nội. Trong tiểu thuyết Xứ sở kì diệu kỳ tàn bạochốn tận cùng thế giới, khi kết thúc tác phẩm, người đọc ngỡ ngàng nhận ra cái mê cung bao trùm suốt cả câu chuyện chính là mê cung trong ý thức hệ bị tách làm hai phần của nhân vật toán sư. Như vậy có thể thấy về phương diện xây dựng dạng thức mê cung, cũng là việc tiếp thu bút pháp Kafka nhưng Murakami đã đi sâu, sáng tạo thêm những kiểu, dạng mê cung mới, nhằm diễn tả những tư tưởng, nội dung mới về mối quan hệ giữa tồn tại con người và thế giới. Với Murakami, không gian đa tầng không chỉ là không gian địa lý, nó còn là không gian tâm lí. Tâm thức con người cũng là một thế giới đa tầng ẩn chứa nhiều vùng tối chưa thể khám phá. Chiều sâu của không gian ở đây còn là chiều sâu những vùng vô thức chưa thể chạm tới của con người. Cuộc hành trình của toán sư xuống lòng đất khám phá thế giới ngầm của những tổ chức tội ác, vì vậy, còn mang ý nghĩa ẩn dụ. Ý nghĩa ấy được thể hiện trong tuyến truyện ở “chốn tận cùng thế giới”. Chốn tận cùng thế giới thực chất là ý thức hệ cuối cùng nằm trong não trạng của nhân vật toán sư, nó là thế giới do chính anh tạo ra, là vùng “nghĩa địa voi” trong não trạng của anh. Chuyến hành trình tìm lại “bóng” ở nơi tận cùng thế giới cũng là hành trình khám phá bản ngã con người trong chiều sâu vô thức. Miền vô thức (vùng tối) trong mỗi người là những địa tầng sâu thẳm, chỉ có đi đến giới hạn tận cùng của thế giới nội tâm, tận cùng bản ngã, con người mới có thể thấu thị những góc khuất sâu kín của tâm hồn.

Điểm giống nhau giữa Kafka và Murakami là đều sử dụng cái phi lí – như một thủ pháp nghệ thuậtđể nhận thức về bản chất của đời sống và tồn tại con người. Trong tác phẩm của họ, người đọc luôn cảm nhận về mối đe dọa của các thế lực vắng mặt, đe dọa tự do, sự tồn tại của con người thông qua những chi tiết, tình huống phi lí. Ở hai nhà văn cũng có sự thống nhất về việc truy nguyên nguồn gốc của cái phi lí: xuất phát từ chính lòng tham, sự mù quáng, độc ác của con người – những kẻ muốn dùng quyền lực chi phối, điều khiển người khác và thế giới (hình ảnh người cha độc tài, hay những nhân vật có tính chất biểu tượng: Ông chủ, hệ thống Tòa án, Nhà máy, Ma đen, lũ người Tí hon, Giáo chủ …) Tuy nhiên, vẫn có sự khác biệt trong cách nhìn nhận về cái phi lí giữa Kafka và Murakami. Đọc các tác phẩm của Kafka, ta thấy nhà văn nhìn nhận nguyên nhân của những cái phi lí trong đời sống hầu như đến từ phía “bên ngoài”, do tha nhân tạo ra dưới hình thức là vỏ bọc của các tổ chức tội ác, các thế lực chính trị thao túng đời sống con người. Nhưng với Murakami, ông không phủ nhận yếu tố “định mệnh”, những cái thuộc về “điều bất khả tri” trong tồn tại con người. Với ông, bi kịch, cái phi lí gây ra đau khổ, bất hạnh cho con người có nhiều dạng, nhiều kiểu. Nó có thể đến bất kỳ khi nào, bất kỳ ai trong chúng ta cũng có thể gặp phải trong đời sống. Trường hợp của Naoko trong tiểu thuyết Rừng Nauy hay Oshima trong Kafka bên bờ biển là những ví dụ như vậy. Naoko không thể hiểu tại sao cô lại rơi vào tình trạng bất toàn về mặt cơ thể (cảm xúc tình dục của cô trong hai lần tiếp xúc với Kizuki và Watanabe). Suốt cuộc đời ngắn ngủi cho đến khi tự sát, cô không thể hiểu vì sao mình lại rơi vào “sự phi lí” ấy. Không ai gây cho cô điều đó. Bi kịch Naoko đến từ điều gì đó gần như định mệnh. Hay Oshima – nhân vật thủ thư trong thư viện mà Kafka đã gặp. Từ khi sinh ra, Oshima không thể xác định được giới tính của mình. Murakami từng mượn câu nói của Dostoievsky để nói về điều này: “Hạnh phúc là ngụ ngôn, còn bất hạnh là chuyện đời”. Ông cảnh báo có thể những điều tương tự sẽ xảy ra với bất kỳ ai trong chúng ta. Dạng phi lí chỉ có thể lí giải bằng “định mệnh” ấy thường gây cho nhân vật của Murakami chấn thương tâm lý khó chữa lành. Chúng đẩy họ đến chỗ luôn bị ám ảnh, phải đối diện với một câu hỏi khó tìm lời giải: “Tôi là ai?”

Ở Kafka, vấn đề “Tôi là ai” chưa được đặt ra một cách thường trực và khắc khoải như Murakami. Dường như Kafka chỉ mới dừng lại ở vấn đề nhận diện: “Bản chất của thế giới mà con người đang ở bên trong ấy là gì?” mà chưa thực sự đi tìm câu trả lời cho vấn đề con người có thể làm gì với cuộc đời vốn phi lí ấy? Có lẽ vì vậy mà “vấn đề giải thoát” trong tác phẩm của hai nhà văn cũng là một sự khác biệt thú vị.

3. Vấn đề “giải thoát” trong tác phẩm F.Kafka và H.Murakami

Giải thoát” là vấn đề triết học được đặt ra trong hầu hết các tôn giáo lớn. Đời sống càng hiện đại, càng bất an phi lý, con người càng khao khát đạt đến sự giải thoát về mặt tâm linh. Nhìn từ phương diện triết học, “giải thoát” là vấn đề rất nhân bản, nhân văn. Con người có thể không được tự do lựa chọn việc mình được sinh ra nhưng họ hoàn toàn có thể tự chọn cho mình cách thế sống và cách chết. Phạm trù “giải thoát” trong đời sống hiện đại không còn được hiểu theo nghĩa đơn giản là giải thoát về mặt thể xác, mà là giải thoát về mặt tinh thần – nhằm đạt đến Tự – do – tuyệt – đối, điều có ý nghĩa tối hậu và đẹp đẽ nhất trong tồn tại con người.

Trong triết lí Phật giáo, hành trình giải thoát của con người căn bản trải qua ba bước:

(1)Đau khổ – (2)Thức tỉnh/ Giác ngộ – (3)Giải thoát

để đạt đến giải thoát, con người phải có điều kiện cần là “đau khổ”, và điều kiện đủ là sự “thức tỉnh” về đời sống.

Theo giáo sư Đặng Anh Đào, “hiện tượng vật hóa chính là cái mốc khởi đầu sự phát hiện, “bừng ngộ” của Gregor: anh bắt đầu ý thức về thân phận của mình trước đây, một cuộc sống mà tới nay, khi hóa thành bọ, anh mới bắt đầu đặt câu hỏi về nó. Trạng thái ấy rất gần với điều mà các nhà hiện sinh gọi là “sự thức tỉnh triết học”.(14) Chúng tôi đồng tình với nhận định này. Kafka là người tiên phong trong việc đánh thức sự “bừng ngộ” ấy trong văn học, các nhân vật của ông, chỉ khi rơi vào hoàn cảnh trớ trêu mới tỉnh thức và nhận ra nguyên nhân của sự phi lí. Tuy nhiên, vấn đề “giải thoát” ra sao, bằng cách nào sau khi đã “thức tỉnh” dường như chưa được đặt ra một cách cấp thiết và trở thành chủ đề chính trong tiểu thuyết của Kafka. Hầu hết các tác phẩm của Kafka dừng lại ở ranh giới của sự tỉnh thức và giải thoát. Trong khi đó, “giải thoát” lại là vấn đề được Murakami quan tâm sâu sắc. Các nhân vật của Murakami luôn “kháng cự lại tình trạng tha hóa” trong nỗ lực bảo toàn bản ngã. Một khi nhận ra những nguy cơ đẩy con người vào sự tha hóa, xa dần bản lai diện mục, bằng cách này hay cách khác, họ sẽ vừa dấn thân khám phá bản chất của đời sống, vừa cố gắng vượt qua những giới hạn của mình, khai mở sức mạnh tự thân. Điều này lí giải vì sao hành trình của họ thường mang ý nghĩa là hành trình nội tại, đi vào bên trong, đánh thức sức mạnh tiềm ẩn và những khả năng còn chưa khám phá hết. Nói cách khác, đó chính là Thiền. “Bẩm tính của con người phương Đông chính là nắm bắt cuộc đời từ bên trong, chứ không phải từ bên ngoài. Và tác dụng của Thiền cũng chính là khai phát cái bẩm tính đó.”(15) Murakami thực sự là nhà văn rất Nhật Bản trong ý nghĩa của từ này. Ông không xa rời hay chối bỏ cái cốt lõi của truyền thống trong văn hóa Phù Tang, nơi đã sản sinh ra mình – như một số ý kiến phê bình về ông.

Các nhân vật của Murakami thường chìm vào trạng thái Thiền tĩnh lặng, dẫu trong những hoàn cảnh “dầu sôi lửa bỏng”. Đó là hình ảnh Kafka đứng im lặng giữa trời, để cho những giọt nước mưa thấm vào cơ thể trần truồng trong khu rừng, khi cậu sống ở căn nhà gỗ, giữa chuyến hành trình đầy bão tố. Đó là Okada Toru (Biên niên kí chim vặn dây cót) hàng ngày tìm đến một ngã tư đông đúc, anh chọn cách “không làm gì”, chỉ ngồi đấy im lặng quan sát mọi người qua lại, và cuối cùng anh tìm được giải pháp tháo gỡ khúc mắc cá nhân sau khi trở về… Còn rất nhiều nhân vật khác… họ đều có những hành động, lời nói có vẻ “khác người” nhưng thực chất đều chứa đựng Thiền vị sâu xa. Ở phương diện này, một lần nữa người đọc thấy được sự khác biệt giữa hai nhà văn. Nếu như phương Tây là logic, lí trí, là pháp luật quy định chặt chẽ, là hình bóng người cha… thì phương Đông lại là người mẹ, là “trực giác tâm linh” phi lý tính và nét siêu việt của Thiền. Việc khước từ sự can thiệp của lý trí thông thường là chìa khóa giúp Thiền có thể khai mở cái tồn tại uyên nguyên trong mỗi con người. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn học, mặc dù từ trẻ sớm bị hấp dẫn bởi sự mới mẻ của phương Tây, nhưng Murakami chắc chắn không xa lạ với những tư tưởng ấy.

Hành trình của các nhân vật của Kafka, chủ yếu là “hướng ngoại”. Ngược lại, nhân vật trong thế giới Murakami có hướng ngoại (để tìm kiếm hơi ấm nhân quần, nuôi dưỡng niềm tin vào tình yêu, công lý…) nhưng trọng tâm vẫn được đặt chủ yếu vào sức mạnh bên trong. Có lẽ vì vậy mà nhân vật của Kafka dường như vẫn còn trong trạng thái hoang mang, hoài nghi những vấn đề đang dang dở… Đã có những ý kiến cho rằng thế giới của Kafka là thế giới mang âm hưởng của sự bi quan, bế tắc. Điều này cũng ít nhiều có lí lẽ riêng. Quan sát đời sống thực tế bất hạnh và bầu không khí u uất, ngột ngạt thời điểm đầu thế kỷ XX khi Kafka sống, thật khó để nhà văn hướng đến một giải pháp hợp lí, xán lạn hơn cho nhân vật của mình. Theo chúng tôi, nếu như Kafka chịu ảnh hưởng tư tưởng của Kierkegaard thì Murakami lại gần gũi tư tưởng của một nhà hiện sinh khác là Jean Paul Sartre – đặc biệt là trong cách nhà văn diễn giải những chủ đề: lựa chọn, dấn thân chịu trách nhiệm của con người.

Tạm kết

Nghệ thuật tiểu thuyết Murakami mang một số dấu vết về mặt nội dung tư tưởng và kỹ thuật hư cấu chịu ảnh hưởng của Kafka: vấn đề con người cá nhân trong xã hội hiện đại, cái phi lí và hành trình tìm đường của con người trong việc khám phá, nhận thức xã hội và tồn tại cá nhân… Có lẽ do sống ở hai thời kỳ khác nhau (trước và sau chiến tranh Thế giới II), do hoàn cảnh sống cũng như sự khác nhau đặc trưng các nền văn hóa Tiệp – Do Thái và Nhật Bản… nên hai nhà văn vẫn có những nét khác nhau khá rõ về mặt tư tưởng và phong cách, tạo nên sự khác biệt thú vị trong nghệ thuật tiểu thuyết. Tuy nhiên, các tác phẩm của Kafka và Murakami đều mang những giá trị toàn nhân loại, họ là những cây bút không chỉ đại diện cho nền văn học của một quốc gia, họ còn là những gương mặt toàn cầu. Chúng tôi muốn nói đến vấn đề toàn cầu hóa, tính chất “vượt qua biên giới” trong các tác phẩm của Murakami và Kafka. Các nhân vật của Kafka và Murakami thật quen thuộc, gần gũi với bất kỳ ai, bất kỳ nơi đâu trên thế giới, họ là những-con-người với những chuyện-đời-thường mà ai trong chúng ta cũng có thể gặp hằng ngày, xung quanh. Họ chẳng cần có một cái tên hay căn cước riêng. Thật hợp lí khi cho rằng: “đối với Kafka, hơn bất cứ một nhà văn nào khác, thật khó xác định một bối cảnh lịch sử xã hội truyền thống văn chương. Sở dĩ như vậy, chẳng những vì tính chất toàn thế giới, đa dạng và phong phú trong vốn văn học của ông mà còn vì rất khó xác định rằng ông chỉ là kết tinh của một nền văn hóa Tiệp, gốc Do Thái viết bằng tiếng Đức”(16) Murakami trong bối cảnh văn học Nhật Bản đương đại, cũng được công nhận như một nhà văn có xu hướng cách tân mạnh mẽ, khác biệt với văn học truyền thống Nhật Bản, hướng đến vấn đề toàn cầu hóa trong sáng tác. Các nhà nghiên cứu ở phương Đông lẫn phương Tây đều công nhận rất khó xếp Murakami vào một trường phái, một dòng văn học nào cụ thể. Bản thân nhà văn cũng cho rằng văn chương của ông không thuộc về một trường phái nào, vấn đề ông quan tâm là hướng đến những giá trị chung của nhân loại. Việc so sánh Murakami và Kafka, soi xét những khía cạnh độc đáo trong nghệ thuật tiểu thuyết, lí giải sự ảnh hưởng của họ lẫn nhau và đối với văn học thế giới… thực sự là mảnh đất còn nhiều hứa hẹn./

(*)Tham khảo và chú thích:

(1) http://www.radio.cz/en/section/curraffrs/franz-kafka-society-lauds-japanese-writer-murakami) Ngày truy cập 12/03/2018

(2)(13)F.Kafka (2015), Vụ án (Lê Chu Cầu dịch), NXB Văn học và công ty Nhã Nam, tr308, tr266.

(3)(12) (14) (16) Nhiều tác giả (2003), Tuyển tập tác phẩm Franz Kafka, NXB Hội nhà văn và Trung tâm văn hóa – ngôn ngữ Đông – Tây. Tr3, tr11, tr911, tr904.

(4) Haruki Murakami (2010), Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới (Lê Quang dịch), Nhã Nam và Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, tr430.

(5) Phạm Công Thiện (1970), Ý thức mới trong văn nghệ và triết học,NXB An Tiêm, tr497.

(6)(7) Frank Kafka (2016) Thư gửi bố, NXB Hội nhà văn, tr24, tr46.

(8)(9)(10)(11)Takeo Doi (2008), Giải phẩu sự phụ thuộc (Hoàng Hưng dịch), NXB Tri thức, Hà Nội, tr100, tr95,tr97,tr97.

(15) D.T.Suzuki (2013) Thiền và văn hóa Nhật Bản, Công ty sách Thời đại và NXB Hồng Đức, tr24.

Văn học Nhật Bản

Truyện ngắn SHIZUKA  IJUIN (Hoàng Long dịch)

 

pastedGraphic.png

Tác gia Shizuka Ijuin (静伊集院) tên thật là Nishiyama Tadaki, sinh năm 1950 tại tỉnh Yamaguchi. Ông từng kinh qua nhiều nghề nghiệp như nhân viên quảng cáo trước khi trở thành nhà văn. Năm 1992, tác phẩm “Vầng trăng nhận chịu” (受け月) đạt giải thưởng văn học Naoki lần thứ 107. Ngoài ra ông còn là người sáng tác ca từ nổi tiếng với bút danh Date Ayumi (伊達 歩). Các tác phẩm chính của ông gồm có “Thu trắng” (白秋), “Ngày xưa xa ngái” (遠い昨日), “Người đàn bà ở Asakusa” (浅草のおんな), “Bãi cỏ bên nhà” (となりの芝生) …Năm truyện ngắn “Chiếc bình tuổi bốn mươi” (四十歳のうつわ), “Thanh âm của đá”(石の声), “Con dốc nhìn về phía biển”(海の見える坂道), “Bờ nước”(水のほとり), “Bên kia cửa kính”(ガラスの向こう側) sau đây được chúng tôi dịch từ tuyển tập “Bình nước” (水の器) do Nxb Gentosha (幻冬舎) xuất bản năm 1997. Đây là lần đầu tiên tác gia Shizuka Ijuin được dịch ra Việt ngữ. Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả.

CHIẾC BÌNH TUỔI BỐN MƯƠI

Tôi ghé tiệm sushi sau khi đi du lịch về.

Ngồi nơi một góc quầy, tôi gọi bia. Vì là tiệm quen nên tôi cảm thấy rất thoải mái.

Trên chiếc khay sơn đen, thay cho chỗ kê đũa là một bông hoa thủy tiên. Nhụy hoa vàng hé nhìn ra từ trong những cánh trắng hoa trắng tinh nhỏ xíu trông dễ thương vô cùng.

“Chuyến du lịch thế nào ạ?”

“À, cũng được chút thư thả”

Chủ quán biết cung cách sống của tôi nên mỉm cười gật đầu rồi mang ra thức nhắm cho loại rượu sake ưa thích của tôi.

“Còn ông dạo này có tình hình gì mới không?”

“Mấy ngày trước tôi có đi xem kịch và có nghe được một lời thoại rất hay”

“Câu gì vậy?”

“Nhân sinh chỉ là một dòng chảy của thời gian thôi. Nhân vật chính lúc tuổi già xế bóng đã nói một câu cuối cùng như vậy. Có chiến tranh rồi hòa bình, có căm ghét rồi vui vẻ…Những khi đó chúng ta cảm thấy như cơn sóng lớn ập đến, như đứng giữa một trận cuồng phong nhưng đến khi tuổi già ngồi mà ngẫm lại đời người chẳng phải chỉ là một dòng thời gian trôi chảy mà thôi. Sao, có chút gì cảm động đúng không?”

Chủ quán sushi vừa nói vừa tự mình gật gù.

Quả thực là câu nói chí lý. Một lời thoại dễ dàng nói ra. Nhưng có lẽ khi còn trẻ người ta không thể nghĩ được như thế.

Thời gian quả thật là kỳ lạ. Rõ ràng từng khoảnh khắc trôi lướt qua chúng ta nhưng chúng ta lại không thể nào nắm bắt được đó, không thể làm cho nó dừng lại hay trôi đi sớm hơn. Tuy thời gian luôn tồn tại quanh con người nhưng không có thứ nào khó cảm nhận và nắm bắt bản chất thực sự của nó như thế cả.

Khi còn nhỏ chúng ta thấy một ngày dài lê thê có khi đến mức chán chường. Thế nhưng khi chạm ngưỡng bốn mươi ta lại thấy mười năm lại trôi qua như chớp mắt. Khi thử suy nghĩ xem nguyên nhân tại sao, tôi mới thấy rằng có lẽ đó là do chúng ta luôn bị một điều gì đó đuổi theo đằng sau và thôi thúc chăng? Điều thôi thúc đó có người tìm quên trong công việc nhưng tôi cảm giác không phải chỉ có thế mà thôi. Nếu là người có gia đình thì sẽ bận đầu tắt mắt tối giải quyết những chuyện trong nhà, người khác thì mưu cầu tiền bạc, danh vọng hay quyền lực nữa. Rồi cứ thế mà già đi sao? Nếu chỉ như vậy thì cuộc đời còn gì thú vị chứ?

Vừa uống rượu nơi góc quầy, tôi vừa suy nghĩ như thế.

Cánh cửa tiệm mở ra, một cô gái trẻ mặc kimono bước vào.

“Xin chào quý khách”

“Xin chào ông”

“Cô có hẹn à?”

Cô gái mỉm cười gật đầu. Nàng khoảng trên hai mươi tuổi, dung mạo xinh đẹp. Chờ khoảng ba mươi phút thì người đàn ông xuất hiện. Không nên nhìn nữa thì hơn.

“Em đợi lâu không?”

“Chút thôi, em cũng vừa mới tới”

Đối với người con gái trẻ, ba mươi phút đêm nay chỉ là “một chút”. Nếu là tôi mà đợi chừng đó thời gian nơi quán cà phê để bàn công việc thì chắc tôi đã mệt mỏi hay là nổi giận mất rồi.

Yêu đương có lẽ là hành vi đặc biệt của con người. Nhân vật chính trong vở kịch mà ông chủ quán sushi đã xem chắc cũng không thể nào nói dứt khoát rằng yêu đương cũng chỉ là dòng thời gian trôi chảy mà thôi nhỉ? Bởi vì chẳng phải bao nhiêu tác gia cổ kim đã tiêu phí một đời để viết tiểu thuyết ái tình đó sao? Trong hội họa cũng vậy. Từ Leonardo da Vinci, Picasso đến Cézanne… tất cả đều để lại nhiều kiệt tác vẽ người phụ nữ.

Rời quán sushi, tôi ghé quán bar.

Mặc dù biết nên về thẳng nhà để làm việc thì hơn nhưng tôi lúc nào cũng la cà dọc đường suốt.

“Xin chào anh, lâu ngày quá nhỉ”

“Đúng là khá lâu thật”

“Anh mới đi Kyushu về đúng không?”

“Sao biết hay vậy?”

“Chị tôi nhìn thấy anh nơi nhà ga Hakata đấy”

“…..”

Đáng sợ thật nhỉ. Người ta biết rõ mình mà mình chẳng biết gì về người ta cả.

“Chị nói thấy ngồi ngồi một mình nơi chiếc ghế chỗ chờ tàu và uống bia”

Có lẽ đó là lúc mình đổi tàu chăng? Cứ dặn lòng phải cẩn thận hành vi chứ không sẽ bị người khác nhìn thấy. Vậy mà đúng thế thật.

“Lần tới, tôi muốn gặp chị của anh”

“Đã gặp nhau một lần ở đây rồi mà”

“…..”

Nếu vậy thì mình tệ thật. Tôi nhanh chóng rời quán bar về nhà. Mấy quyển sách của tác gia Kaikou Takeshi mà tôi đặt ở hiệu sách đã được gửi đến nơi. Mấy tờ giấy gửi máy fax đến rơi rớt xuống sàn nơi phòng làm việc. Thư từ và bưu thiếp thì đặt trên bàn.

Tôi xuống nhà bếp, lấy chai whisky và bắt đầu uống.

Chuyến đi của mình như thế nào nhỉ?

Tôi tự hỏi mình như thế.

Chắc cũng không tệ, ngắm được nhiều phong cảnh đẹp, rượu cũng khá ngon. Được thư thả thật là thích.

Viên đá trong ly kêu lách cách. Cái thứ nước ma thuật màu hổ phách này làm cho tâm tư tôi trở nên lắng dịu. Tôi nhìn tờ lịch. Có dấu khuyên tròn nơi ngày của tuần trước. Gì vậy nhỉ? À, sinh nhật mình. Vậy sao? Happy  birthday to me vậy.

“Đã quá bốn mươi rồi đấy. Đúng ra là bốn mươi hai. Hãy sống đàng hoàng vào con nhé”

Tôi nghe ra giọng nói của mẹ. Mẹ mình giờ đã bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

“Nhân sinh chỉ có thể thuận theo hoàn cảnh. Lúc nào cũng phải tranh đấu hết sức mình thôi. Bởi vì nước chỉ có thể chảy từ cao xuống thấp mà…”

Đó là câu nói cửa miệng của mẹ. Trong cái bình thân thể tôi đây, thứ nước nào đã bắt đầu đọng lại nhỉ?

THANH ÂM CỦA ĐÁ

Tôi có bảy năm sống cùng những tiếng sóng vỗ bờ. Có lẽ sẽ có người cảm thấy ghen tỵ nhưng nhưng lắng nghe tiếng sóng biển vỗ vào ghềnh đá không phải lúc nào cũng khiến tâm hồn mình thấy dễ chịu đâu.

Suốt ba ngày ba đêm, tiếng mưa gió thét gào ngoài khung cửa kính cùng với tiếng sóng vỗ như cuồng loạn, gió rít từng hồi suốt đêm như có một gã khổng lồ đang huýt sáo.

Ngược với những lúc đó, có mùa biển lặng đến bất an, không hề nghe ra tiếng sóng vỗ.

Những khi đó, vào đêm xuống tôi vùi mình trong chăn, tưởng tượng ra những con sóng nhỏ ngoài biển đen và nghĩ về những thanh âm sóng vỗ.

Tôi luôn cảm thấy hứng thú sâu sắc trong những lúc yên lặng hay những nơi chốn vắng im.

Khi đi du lịch vào sâu trong núi, hay vòng quanh vịnh biển, lúc chợt nhận thấy mình chỉ ở một mình, hay khi xung quanh không một tiếng động, sự yên lặng trở lại hoàn toàn, thấy mình chỉ là một chấm tồn tại nhỏ bé trong thiên nhiên bát ngát là tâm tư tôi lại trở nên an định. Chỉ những khi đó tôi mới có thể được trở về với con người thực của chính mình, không phấn son tô vẽ.

Rồi tôi cảm nhận được tiếng cỏ lá, tiếng những viên đá nhỏ dưới chân mình hay tiếng những cành cây đang thì thầm khe khẽ.

Có thứ lắm lời, lại có thứ thì thầm lặp đi lặp lại những điều vô nghĩa mà tôi không hiểu rõ. Người ta thường nói đến thanh âm của tự nhiên nhưng tôi chưa từng cảm nhận theo cách như thế. Tôi chỉ nghĩ chúng đang nói chuyện một cách đương nhiên thôi.

Trên bàn làm việc của tôi có để một viên đá nhỏ. Nó được người vợ đã mất của tôi nhặt từ Tsugaru về để lên bàn của tôi như một món quà lưu niệm phương xa. Nàng hay nhặt về những viên đá nhỏ, những đoạn cây gãy và vui vẻ đặt lên chỗ bàn làm việc của tôi.

Nàng đã đi đâu đó mất hút rồi, chỉ còn lại chỗ làm việc đêm khuya là những viên đá nhỏ và đoạn cây gãy mà thôi.

Đôi khi, giữa khoảng thời gian làm việc, tôi nhìn những vật nhỏ bé đó và cảm thấy như thể chúng đã khẽ dịch chuyển vị trí vậy.

Có lẽ chúng đã di chuyển từng chút từng chút một, không muốn làm gián đoạn công việc của tôi chăng? Những đồ vật đã cùng tôi trong căn phòng ảm đạm của người sống một mình, trong chuyến tàu xa hay cùng lên máy bay, đối với những chỗ xa lạ chúng nhìn dáo dác là chuyện đương nhiên thôi. Tôi cảm thấy buồn cười.

Tuy nhiên những điều như thế dần mất đi mỗi khi tôi chuyển nhà.

Trong căn nhà nghỉ nơi chuyến du lịch phương xa, có khi âm sắc viên của đá nhỏ chợt vọng lên trong đầu tôi giữa đêm khuya thanh vắng một mình.

CON DỐC NHÌN VỀ PHÍA BIỂN

Một buổi chiều xuân, tôi ghé thăm một người bạn cũ nơi thành phố quê nhà. Hai bên con đường dốc là hàng cây anh đào. Gió thổi mạnh. Những đóa hoa anh đào nở muộn đôi lúc bay xuống. Tôi dừng bước nơi tảng đá lớn. Phong cảnh quen thuộc này khiến tôi nhớ mình đã từng thấy ở đâu. Quay đầu nhìn lại, tôi thấy quê nhà và biển Seto lấp lánh trong nắng mùa xuân.

Đã là chuyện của hai mươi năm trước.

“Không cần phải vội vàng như vậy. Chúng ta dừng đây nghỉ chút đi”

Thầy M nói. Đội bóng chày chúng tôi mới rời sân đấu, đi bộ lên con dốc này đến bến xe buýt. Mười mấy thành viên đội chúng tôi vẫn còn mặc trang phục thi đấu nhìn thầy M. Thầy ngồi xuống nơi tảng đá lớn, ngắm phố phường dưới kia và mặt biển mùa thu trải dài xa ngút tầm mắt.

Vào ngày đó đội bóng chày trường cấp ba chúng tôi nếm mùi thảm bại. Vì thua trận đấu đó mà giấc mộng tham dự ở Koshien mùa xuân năm sau tan thành mây khói. Tuy không phải là đội mạnh nhưng từ khi được chọn vào mùa hè năm đó chúng tôi đã tập luyện miệt mài không ngơi nghỉ một ngày nào. Tôi học lớp mười. Sau khi trận đấu kết thúc, tiền bối O là đội trưởng ngay lúc vừa rời sân đã bắt chúng tôi sắp hàng rồi nói với khuôn mặt rưng rưng nước mắt.

“Các cậu đánh tớ đi. Tớ cũng đánh các cậu nữa”

Tiếng đấm vào gò má từ đầu hàng vọng đến tai tôi. Thầy huấn luyện viên và thầy chủ nhiệm nhảy bổ vào can ngăn lại. Rồi các anh lớp cao ở lại, bọn lớp dưới chúng tôi theo thầy phó chủ nhiệm M ra bến xe buýt trước. Thầy M là giáo viên trẻ dạy môn triết học, nổi tiếng vì uống rượu bia đến tàn mạt. Thầy chỉ mới biết đến bóng chày mà thôi.

“Nhìn kìa, kia là sân bóng nơi các trò luyện tập. Mùa hè năm nay thật nóng nực làm sao”

Sau khi lẩm bẩm như vậy rồi thầy M im lặng. Ngọn gió cuối thu thổi qua khuôn mặt đỏ gay của chúng tôi buốt lạnh.

“Nhưng mà nếu nhìn từ đây thì chúng ta có thể thấy rõ là thành phố này không chỉ có một mình sân đấu kia thôi đâu nhỉ”

Nói rồi thầy nhìn ra phía biển xa mà cười. Cái sân đấu của chúng tôi nhìn nhỏ xíu như một khu vườn trong cái hộp, phía xa kia là mặt biển lấp lánh ánh sáng hoàng kim. Chúng tôi đứng một lúc lâu sau thì mấy anh lớp trên cũng đi đến phía dưới con dốc. Chúng tôi làm ra vẻ đứng chờ rồi mọi người cùng nhau đi về.

Tảng đá này giờ trông thấy nhỏ hơn ngày xưa. Mùi hương cây dìu dịu. Tôi lại rời bước khỏi con đường dốc.

BỜ NƯỚC

Tôi đã từng đến trọ trong một căn nhà truyền thống ở Nagasaki, Niigata.

Căn nhà đó vốn là nơi nấu rượu nên xung quanh có nhiều giếng nước. Nghe nói một dải vùng này gần con sông Shinanogawa đều nổi tiếng là có mạch nước ngon tinh khiết.

Buổi sáng hôm sau, khi đi dạo bộ trong vườn nhà tôi thấy một cái ao nước nhỏ dưới gốc cây sam đã hơn trăm năm tuổi.

Gió mùa thu bắt đầu thổi hiu hiu. Tôi ngồi nơi góc bờ ao hút thuốc. Bất chợt tôi thấy có bóng dáng côn trùng đang bơi thanh thoát trên mặt ao phía xa. Con gì vậy nhỉ? Tôi nghĩ thầm. Thì ra là con nhện nước. Mấy con nhện nước cứ tụ lại rồi tản ra, mỗi con đi về một hướng. Đúng là một quang cảnh gây buồn cười như khi ta chơi pháo bông que vậy. Trong khi chăm chú nhìn những con côn trùng nhỏ bé đó, chợt tôi nhớ lại ngày nhỏ mình cũng đã từng ngồi bên bờ ao ngắm nhện nước bơi lượn trên mặt ao.

Có lẽ lúc đó tôi mới vào học tiểu học, chừng bảy hay tám tuổi gì đó thì phải. Như vậy là đã hơn ba mươi năm trước rồi. Tuy vậy tôi vẫn nhớ như in cả mùi cỏ dại rậm rạp bên bờ ao nữa. Cái ao đó nằm trong khuôn viên đền thờ thần đạo ngay sát trường tiểu học của tôi.

Tôi nhận ra mình đã quên mất những khoảng thời gian suy nghĩ vẩn vơ những thứ kỳ diệu xung quanh mình, chưa bận tâm nghĩ đến chuyện trở thành người lớn nữa. Những khi ngắm mây thay hình đổi dạng trên bầu trời hay nhìn mưa rả rích nhỏ giọt xuống trước hiên nhà. Ngay cả cơn gió, vũng nước và những viên đá nhỏ cũng làm tôi say mê.

Tôi nhớ rất rõ hình dáng những con nhện lượn lờ trên mặt nước. Hình bóng của chúng phản chiếu vào nước trông thật thú vị. Tôi nhớ mình đã hình dung hai con nhện nước như đang khiêu vũ trên sân khấu mặt ao. Hai con màu nâu và đen vừa bơi vừa tạo những vòng sóng nhỏ trên mặt ao màu vàng lục. Thỉnh thoảng có con cá diếc hay cá chạch nổi lên thế là bài khiêu vũ của nhện nước loạn nhịp. Vì tôi nhớ mùi hương cỏ mùa hạ nồng nàn như thế có nghĩa lúc đó là đầu thu chăng? Mặt ao đã chuyển sang màu xanh sẫm, gió lạnh thổi vào má và cổ tôi. Cuối cùng tôi ngẩng mặt lên nhìn bầu trời cao rộng. Xuyên qua tán cây thông cao, bầu trời hoàng hôn nhuộm màu đỏ sẫm rực rỡ. Mình phải về nhà thôi. Tôi nghĩ như thế rồi đứng dậy. Đột nhiên tôi cảm thấy cơn gió chiều thật lạnh người.

Tuy vậy mặt ao và những con côn trùng nhỏ bé đó khiến tôi cảm thấy thật khó mà rời đi. Cái cảm giác đó nó nhỏ như lực hấp dẫn nhưng lại có sức kéo rất nặng.

Đó là gì vậy nhỉ? Buổi sáng hôm đó tôi vừa nhớ lại được vừa cảm thấy rõ ràng tươi mới một quang cảnh mà giờ đây tôi không còn cảm giác được gì nữa.

BÊN KIA CỬA KÍNH

Tôi đi dạo trên khu phố Kahara, Saijoshi, Kyoto trong cơn gió lạnh đầu đông. Tháp chạp đã gần kề nên các cửa hàng trên phố bắt đầu bán khuyến mãi dịp cuối năm.

Một bé gái đang nhón chân nhìn vào tủ kính trưng bày như dán vào tấm kính vậy. Trong tủ kính bày các món đồ trang điểm cho tóc như trâm kẹp, lược cài…Tôi nhìn vào gương mặt bé. Như thể bé đang mỉm cười…

Tôi cùng đứa em trai cùng nhau nhìn qua các tủ kính, thấy một chiếc kính viễn vọng nhìn các thiên thể. Dưới ánh đèn huỳnh quang đang nhấp nháy, chiếc kính viễn vọng được bao phủ bởi những đường viền trắng xung quanh nhìn như thể đang ngời sáng trong tuyết. Trên đó có đính giá tiền mà anh em chúng tôi chắc chắn không thể nào mua nổi.

“Nếu mình nhìn bằng cái kính này không biết mặt trăng sẽ lớn như thế nào nhỉ”

Em tôi nhìn chiếc kính không rời mắt mà nói. Tôi vừa nhớ đến tấm hình chụp bề mặt mặt trăng trong sách minh họa vừa gật đầu.

“Có ai đến mua thì phải kìa?”

Em trai tôi chợt hạ giọng. Tôi nghĩ thầm lại có đứa bé nào có thể mua được một vật xa xỉ đắt giá đến thế kia ư? Chúng tôi cứ đứng như chôn chân mãi ở chỗ đó. Phía sau lưng chúng tôi, những người lớn đứng lại nói vài câu gì đó rồi lại bỏ đi.

“Này, chiếc đồng hồ đeo tay kia tuyệt thật”

“Đúng nhỉ”

“Cái máy chụp hình kia được đấy. Nhưng đắt quá…”

Cuối cùng chiếc đồng hồ trong tủ kính bắt đầu gõ chuông boong boong, chúng tôi mới nhận ra mình đã đứng suốt hai tiếng đồng hồ nên vội vàng rời đi. Hai anh em chúng tôi ngước nhìn lên bầu trời đầy sao.

“Gom hết tiền mừng tuổi cũng không thể mua được đâu”

Em tôi thì thầm.

Trên đường trở về chúng tôi đi ngang cửa tiệm bán đồ trang điểm tóc lúc nãy nhưng bóng dáng của cô bé không thấy đâu. Nhưng chỗ bé đứng khi nãy không hiểu sao nhìn thật ấm áp.

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

 

(Bài viết do dịch giả cung cấp độc quyền cho breadandrose.com )

Văn học Nhật Bản

Thơ Haiku tự do Nhật Bản

 

Thơ haiku tự do Nhật Bản khởi đầu với Kawahigashi Hekigoto (  河東碧梧桐) (1873-1937) và sau đó Ogiwara Seisensui (荻原 井泉水) (1884-1976), Ozaki Hosai (尾崎 放哉) (1885-1926), Taneda Santoka (種田 山頭火) (1882-1940) tiếp nối. Đặc trưng của phái thơ này là không cần đến quý ngữ và không phải câu nệ vào hình thức 5/7/5 như haiku truyền thống. Ozaki Hosai có thể được xem là nhà thơ thành công nhất của trường phái này với nhiều bài haiku được đánh giá là đặc sắc khó quên. Trong bài này, chúng tôi xin được giới thiệu chùm haiku tự do của Ogiwara Seisensui, Murakami Kijo và Ozaki Hosai. Bàng bạc trong mỗi bài thơ là niềm cô đơn của thân phận con người mà chúng ta có thể cảm nhận được mặc dù bị giới hạn bởi ngôn ngữ. Nhiều bài thơ vô cùng đơn giản nhưng tinh tế sâu sắc mà nếu như biết tiếng Nhật, đọc qua một lần chúng ta có thể nhớ được ngay. Trân trọng giới thiệu cùng quý bạn đọc.

  1. Ogiwara Seisensui

たんぽぽたんぽぽ砂浜に春が目を開く

Trên bờ biển cát

Bồ công anh, bồ công anh

Mùa xuân mở mắt

空をあゆむ朗朗と月ひとり

Đi qua trời thẳm

Vầng trăng kia

Lúc nào cũng sáng một mình

うちの蝶としてとんでいるしばらく

Quanh quẩn bên ta

Lâu rồi

Bướm thành bướm nhà

月光ほろほろ風鈴に戯れ

Ánh trăng tràn ngập,

đùa giỡn phong linh

こだま
「おーい」と淋しい人
「おーい」と淋しい山

Tiếng vọng

“Này”, người cô đơn nói

“Này”, núi cô độc đáp lời

石と石 月夜 寄りそう

Trong đêm trăng sáng

Những hòn đá

Ghì chặt lấy nhau

佛を信ず麦の穂の青きしんじつ

Tin vào Phật

Sự thật màu xanh

Nơi ngọn lúa mạch

すべてを失うた手と手が生きて握られる

Đánh mất tất cả

Chỉ bàn tay còn sống

Nắm chặt lấy nhau

月ばかりの月である空

Một vùng trời

Tràn ngập trăng và trăng

2.Murakami Kijo村上鬼城

 (1865-1938)

1.

冬蜂の死にどころなく歩きけり

Con ong mùa đông

Mải miết bước đi

Vì không còn nơi nào để chết

2.

春雨や確かに見たる石の精

Tôi đã chắc thấy

Tinh thần của đá

Trong cơn mưa xuân

3.

浅間山の 煙出て見よ 今朝の月

Định ngước mắt nhìn

Núi Asama mờ khói

Gặp vầng trăng sớm mai

4.

pastedGraphic.png

Buổi sáng mùa thu

Tôi nhìn gương soi

Thấy mặt cha mình

5.

春の夜や泣きながら寝る子供達

Buổi tối mùa xuân

Những đứa con tôi

Vừa khóc vừa  ngủ

6.

水の上火竜の走る花火かな

Con rồng lửa

Chạy trên mặt nước

Pháo hoa

  1. Ozaki Hosai

1.

山に登れば淋しい村がみんな見える

Lên núi cao sẽ thấy

Tất cả mọi người

Trong ngôi làng cô đơn

2.

働きに行く人ばかりの電車

Trên chuyến tàu điện

Chỉ toàn thấy

Những người đi làm mà thôi

3.

壁の新聞の女はいつも泣いて居る

Người con gái

Trên tờ báo dán tường

Lúc nào cũng khóc

4.

入れものが無い両手で受ける

Không có túi đựng

Xin nhận

Bằng cả hai tay

5.

心をまとめる鉛筆とがらす

Tôi dồn tâm lực

Mài sắc chiếc bút chì

月夜の葦が折れとる

Đám lau sậy

Gãy

Trong đêm trăng

6.

春の山のうしろから煙が出だした

Khói dâng cao

Phía sau ngọn núi mùa xuân

7.

沈黙の池に亀一つ浮き上る

Một chú rùa

Nổi lên

Trên cái ao trầm mặc

8.

淋しい寝る本がない

Không có sách đọc

Tôi đi ngủ

Trong nỗi quạnh hiu

9.

爪切つたゆびが十本ある

Tôi cắt móng tay

Bàn tay mười ngón

10.

一人の道が暮れて来た

Con đường một mình

Ngả bóng

Hoàng hôn

11

大風の空の中にて鳴る鐘

Tiếng chuông rung

Trong bầu trời

Đầy gió

12.

マツチつかぬ夕風の涼しさに話す

Cơn gió lạnh ban đêm

Que diêm không thắp sáng

Cuộc trò chuyện âm thầm

13.

何もかも死に尽したる野面にて我が足音

Chỉ còn tiếng chân tôi

Trên đồng hoang

Tất cả đều đã chết

14

長雨あまる小窓で杏落つるばかり

Mưa dằng dặc

Ngoài song cửa nhỏ

Chỉ có trái hạnh rơi

15.

犬が覗いて行く垣根にて何事もない昼

Nơi hàng rào

Con chó nhìn vào rồi bỏ đi

Một buổi trưa vô sự

16.

牛の眼なつかしく堤の夕の行きずり

Đi qua bờ đê buổi chạng vạng

Ánh mắt chú bò

Nhìn tôi sao thân thiết

17.

船は皆出てしまひ雪の山山なり

Tất cả con tàu ra khơi

Còn lại

Những ngọn núi phủ đầy tuyết

18.

静かなるかげを動かし客に茶をつぐ

Lê cái bóng im lìm

Tôi rót trà

Mời khách

19.

雨の日は御灯ともし一人居る

Ngày mưa

Tôi thắp nến

Lặng lẽ ngồi một mình

20.

井戸の暗さにわが顔を見出す

Tôi tìm mặt mình

Nơi đáy tối

Giếng nước sâu

21.

何も忘れた気で夏帽かぶつて

Đội chiếc nón mùa hạ

Tôi giả vờ như

Đã quên đi tất cả

22.

父子で住んで言葉少なく朝顔が咲いて

Cha con sống cùng nhau

Kiệm lời

Hoa triêu nhan nở tươi

23.

たばこが消えて居る淋しさをなげすてる

Điếu thuốc đã tàn

Tôi quăng ném đi

Sự hiu quạnh của mình

24.

やせたからだを窓に置き船の汽笛

Lê tấm thân gầy

Đến bên cửa sổ

Nghe tiếng còi tàu ra khơi

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

 

(Bài viết do tác giả cung cấp độc quyền cho breadandrose.com )

Văn học Nhật Bản

Quý ngữ mùa xuân trong thơ Haiku

 

Thi ca từ xưa vốn là sự giao cảm giữa đất trời và con người. Đặc biệt với mùa xuân, thi nhân luôn dành một sự ưu ái đặc biệt. Có lẽ vì mùa xuân gợi nên nhiều cảm xúc tương phản, trái ngang nhiều nỗi nơi con người mà những tâm hồn nhạy cảm đã rung ngân lên những tiếng thơ nhiều cảm xúc. Khi đất trời chuyển mùa, cây cối xanh lộc mới, trong khí vị của một điều mới mẻ sắp đến người ta bất giác nhớ lại những năm tháng đã qua và cảm thấy sự hữu hạn của cuộc đời. Như Thiền sư Mãn Giác đã cảm tác “chớ bảo xuân tàn hao rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai”. Có nghĩa là mùa xuân mang đến cho chúng ta cảm giác về sự vô thường và lẽ tuần hoàn bất diệt.

Có một thể thơ cô đúc, ngắn gọn nhất thế giới của người Nhật Bản mang tên haiku thể hiện niềm giao cảm của con người với đất trời rõ rệt nhất. Masaoka Shiki, một nhà thơ haiku nổi tiếng đã định nghĩa “ Haiku là thể thơ ngâm vịnh bốn mùa” (俳句は季題を詠む詩である) hay theo cách dịch của bản tiếng Anh “haiku là thể thơ hiển bày chính mình qua quý ngữ” (haiku is poetry that expresses itself through season words).

Chỉ có mười bảy âm tiết, nên không như thơ Đường Trung Quốc hay thơ lục bát Việt Nam, thơ haiku nén chặt những nỗi niềm vào trong vài chữ gợi tả và dành phần còn lại để người đọc tự cảm thụ. Sự nén chặt đó là để gợi mở đến vô cùng.

Quý ngữ (季語từ chỉ mùa) vốn là yếu tố then chốt của thơ haiku truyền thống và vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong thơ haiku cách tân và hiện đại ngày nay. Chẳng hạn nhắc đến mùa hè là phải có tiếng ve sầu, pháo hoa, hoa sen, chim cuốc… Mùa thu phải có bão, sấm, dải Ngân hà, táo, lê, lá đỏ… Mùa đông là tuyết rơi, cành khô trơ trụi…

Quý ngữ gồm rất nhiều yếu tố cả về thời tiết, đất trời, sự hoạt động của con người, động thực vật… Chẳng hạn quý nhữ mùa xuân gồm có:

Thời tiết (jiko時候) ấm áp, sáng sủa, ngày dài, ngày chậm chạp, trưa mùa xuân…

Thiên văn (tenmon天文) trăng mờ, sương mù, gió sáng…

Địa lý (Chiri地理) nước mùa xuân, núi cười, băng nổi…

Sự kiện (Gyouji行事) viếng đền Ise, lấy nước đầu năm, lễ hội búp bê…

Đời sống (seikatsu生活) hái trà, xới ruộng, nhặt sò…

Động vật (doubutsu動物) mèo (động dục), nhạn, chim sẻ, tổ chuột…

Thực vật (shokubutsu植物) hoa mơ, liễu, sơn trà, hoa lê, hoa cải, hoa anh đào, hoa rơi, đi ngắm hoa…

Chúng ta thử tìm hiểu một bài bài thơ nổi tiếng sử dụng quý ngữ mùa xuân nhé.

Trước hết phải nói mùa xuân là mùa hoa, mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc. Cho nên Nguyễn Bính mới cảm tác “mùa xuân là cả một mùa xanh”.

Ở Nhật Bản mùa xuân bắt đầu từ giữa tháng ba với hoa mơ nở “Hơi ấm mùa xuân, lan tỏa dần dần, trên từng cánh hoa mơ” (梅一輪一輪ほどの暖かさ) (Ransetsu) rồi sau đó đến hoa sơn trà “Hoa sơn trà, ngấn nước, đón gió xuân” (春風にむかぶ梅のしめり哉) (Shida Yaba) và đặc biệt là hoa anh đào. Loài hoa biểu tượng của xứ Phù Tang rụng xuống vào thời kỳ đẹp nhất đã gợi bao nhiêu nỗi niềm cho thi sĩ:

Hoa đào rơi

Hay còn trên cành

Cuối cùng cũng rụng rơi

散る桜残る桜も散る桜

Bài thơ trên là của thi tăng Ryokan, một nhà thơ lỗi lạc. Người Nhật say mê hoa anh đào không biết chán. Từ “ngắm hoa mùa xuân” (花見hanami) chỉ đi ngắm hoa anh đào. Đôi lúc từ “hoa anh đào” (桜sakura) được đồng nhất với loài hoa (花hana) nói chung. Như bài thơ sau đây của Rotsu (露通):

Ngọn đồi đầy hoa đào

Tôi sẽ tìm một hòn đá mát

Đánh một giấc ngủ sâu

肌のよき石に眠らん花の山

Ngắm ngày chưa đủ, người Nhật còn ngắm hoa anh đào đêm (yozakura夜桜) và để lại nhiều bài haiku tuyệt tác như bài sau đây của Shiki:

Ánh trăng soi

Những cánh hoa đào rơi

Một vùng lênh láng

夕月や一塊に散る桜

Ngoài ra còn hoa lê, hoa cải đã đi vào rất nhiều bài haiku kiệt tác như bức tranh thơ sau đây của nhà thơ và họa sĩ Yosa Buson (蕪村):

Mặt trăng phía đông

Mặt trời phía tây

Và đồng cải hoa vàng

菜の花や月は東日は西に

Cùng nhìn hoa lê nở nhưng Masaoka Shiki(正岡子規)và Yosa Buson (与謝蕪村) nhìn thấy hai cảnh khác nhau:

Cây lê nở hoa

Nơi căn nhà nát

Vết tích trận tương tàn

Shiki

梨さくや戦のあとの崩れ家

Có người con gái

Đọc thư dưới trăng

Trong hoa lê trắng

Buson

梨の花月にふみ読む女あり

Còn Issa (一茶) lại nhìn ra bước đi của mùa xuân qua mèo và chim sẻ:

Hết ngủ rồi thức dậy

Chú mèo lại ngáp dài

Đi ra ngoài mồi chài

寝て起きて大あくびして猫の恋

Giữa đám hoa trà

Có bầy chim rẻ

Rủ nhau trốn tìm

茶の花にかくれんぼする雀かな

Đất trời đã vậy, còn con người thì sao?

Với cảm quan tinh tế của mình, người Nhật có từ “nỗi buồn mùa xuân” (春愁Xuân sầu – Shunshu). Từ này chỉ nỗi buồn day dứt không yên vào mùa xuân. Tâm trạng đó không hẳn là nỗi buồn nhưng cũng khác với niềm vui. Nhà thơ Getto (月斗) đã diễn tả nỗi niềm đó như sau:

Màu xanh của cỏ

Khi tôi bước qua

Nỗi buồn mùa xuân

春愁や草をあるけば草青く

Từ ngàn năm nay, con người dù thời đại nào, dân tộc nào cũng đều có những nỗi niềm muôn thuở. Chỉ có cách diễn đạt là khác nhau.

Mùa xuân vốn là mùa sum họp, đoàn tụ. Chữ “xuân” (春) chiết tự ra sẽ là “tam nhân nhật” (三人日ngày ba người), ám chỉ mùa vui quây quần. Sau một năm vất vả, đi làm ăn xa, mùa xuân ai cũng muốn trở về quê nhà với gia đình.

Có người trở về quê nhà, nhìn thấy cây cối xanh tươi mà vui mừng “cố hương ơi, nơi nào ta cũng thấy, những ngọn núi mỉm cười” (故郷やどちらを見ても山笑う) (Shiki). “Núi mỉm cười” (山笑う) là quý ngữ mùa xuân còn “núi ngủ” (山眠る) là quý ngữ mùa đông thể hiện cách cảm thụ tự nhiên độc đáo của haiku. Nhưng trong hình ảnh “núi cười” phải chăng còn có niềm vui nhưng của người được về thăm quê cũ?

Còn bao nhiêu kẻ không về được đã phải cất tiếng thở than:

“Gió xuân

Con đường đê dài

Quê nhà thăm thẳm”

(Buson)

春風や堤長うして家遠し

Hay:

“Nhìn về quê hương

Xa xăm qua đỗi

Chỉ cánh hoa đào rơi”

(Shiki)

故郷の目に見えてただ桜散る

Ta nghe trong lời u uẩn có âm vang “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” (Nguyễn Bính). Cho nên, thi ca từ xưa đến nay vốn là sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu.

Vì là mùa của đoàn tụ nên nhiều khi ta muốn đi thăm một người bạn cũ “Chợt muốn đi thăm/ Một người bạn/ Trong ngày mưa xuân hôm nay” (春雨や友を訪ぬる想ひあり) (Ryokan)

Hay chờ bạn tri âm nào tới:

Ngay cả hương hoa mơ

Hay người khách nào đến

Cũng còn chung trà nứt bể này thôi

Issa

梅が香やどなたが来ても欠け茶碗

Tri âm không nhất thiết phải là một ai đó mà có thể là hương hoa mơ, quả bầu nứt nẻ, con mèo…

Lặng lẽ vuốt ve

Quả bầu nứt nẻ

Trong cơn mưa xuân

Ryokan

春雨や 静かになづる 破れふくべ

Mùa xuân còn gợi nỗi niềm nào còn phong kín:

Đêm xuân

Những con sóng yên lặng

Vỗ tràn nơi gối chăn

Buson

春の夜や音なき浪を枕もと

Những bài thơ nhỏ bé, cô đúc như “ngón tay chỉ mặt trăng”, đưa chúng ta vượt qua giới hạn của ngôn ngữ đễ tiếp cận với thực tại. Mỗi người chúng ta, tùy theo kinh nghiệm đã sống trải của riêng mình, có thể kinh ngạc hay đồng cảm với nỗi niềm của tác giả. Nhà thơ chỉ ra sự vật, còn dành phần chiêm nghiệm và cảm nhận cho chúng ta. Như một chung trà nhỏ đượm hương trong buổi sáng ban mai tinh khiết, ta lặng lẽ thưởng thức cho riêng mình rồi suy ngẫm về cuộc đời và nhân thế. Tất cả rồi sẽ tàn phai, sương tan khi nắng lên. Nhưng trong sự hữu hạn luôn ẩn chứa vô hạn, trong sự ra đi luôn có hẹn ngày về như sự tuần hoàn bất diệt của mùa xuân, như sự luân hồi vĩnh cửu của đời người.

Mùa xuân nhắc nhở cho ta điều đó. Để ta biết trân trọng hơn từng phút giây hiện tại, để ta biết yêu mình và yêu người.

Sài Gòn, tháng 10/2016

Hoàng Long

 

(Bài viết do tác giả cung cấp cho breadandrose.com )

Văn học Nhật Bản Văn học phương Đông

Truyện ngắn DAZAI OSAMU – “Trúc thanh” ( Hoàng Long dịch)

TRÚC THANH

Tuyệt phẩm “Trúc Thanh” (竹青Chikusei) của Dazai tuy lấy cảm hứng từ truyện cùng tên trong “Liêu Trai chí dị” của Bồ Tùng Linh nhưng hoàn toàn là sáng tác như chính tác giả tự nhận. Cốt truyện cũ được lồng ghép khéo léo với nhưng triết lý mới mà Dazai muốn gửi gắm cho đời. Tư tưởng mạnh mẽ đến mức ngạc nhiên. Tác giả đã gián tiếp phê phán sự bạc nhược yếu hèn của kiểu thư sinh cũ, mơ màng thoát tục bỏ quên đi cuộc sống hàng ngày. Chính “ta bà là tịnh độ”, phải trải đủ trọn vẹn yêu thương và thống khổ mới trọn kiếp đời. Dù xưa nay thân phận con người đều tiến thoái lưỡng nan, lúc ở nhà thì mơ màng phố thị phồn hoa, khi ra chốn đô hội lại dặt dìu nhớ về quê cũ. Nhưng phải biết Trúc Thanh ngay trong nhà ta đó, hà tất phải đi tìm Đào nguyên với Hán Dương? Sống được cuộc sống bình thường như những người bình thường nhất chính là cảnh giới tối cao, cần trải qua bao thử thách và dày công tu dưỡng mới đạt được. Hồng trần vốn đau khổ đày ải nhân gian nhưng đến cuối cùng ta cũng phải nhận mặt đất này làm quê nhà miên viễn.

Nguyên tác trên trang mạng kho sách ngoài trời Aozora: http://www.aozora.gr.jp/cards/000035/files/1047_20130.html

Trân trọng giới thiệu với quý độc giả.

TRÚC THANH

(Tân khúc Liêu Trai Chí Dị)

Dazai Osamu

Ngày xưa ở một quận kia của tỉnh Hồ Nam có một chàng thư sinh nghèo tên là Ngư Dung. Không hiểu sao từ ngày xưa cứ thư sinh thì nhất định phải nghèo chứ. Chàng Ngư Dung đây, gia cảnh không đến nỗi tệ, mắt mũi thanh tú, tư dung điềm đạm thanh nhã, thu hút lòng người. Tuy không thể nói chàng thích sách vở như thích gái đẹp nhưng từ thuở thiếu thời chàng đã chăm chú học hành, cách hành xử chưa từng lệch khỏi con đường chuẩn mực vậy mà sao hạnh phúc vẫn chưa mỉm cười.

Cha mẹ qua đời từ khi chàng còn nhỏ nên chàng phải đến tá túc nhà ông chú. Chẳng bao lâu sau, tài sản thừa kế hết sạch, cả nhà ông chú xem chàng như một sự phiền toái. Ông chú suốt ngày say sưa trong lúc cao hứng vì rượu ép Ngư Dung với cô gái giúp việc nhà vô học gầy gò đen nhẻm mà nói “thôi kết hôn đi, mối duyên lành đấy”, tự mình quyết định tự tung tự tác không xem ai ra gì như vậy. Ngư Dung vô cùng phiền muộn nhưng vì chú đã thay cha mẹ nuôi mình, thật là đại ân nhân, công lao như trời biển nên không thể nổi giận trước cái ý nghĩ vô lễ của tên tửu đồ đó được phải đành gạt đi nước mắt, thẫn thờ hồn vía, chấp nhận lấy người đàn bà xấu xí gầy đét, bần hàn lớn hơn mình hai tuổi đó. Nghe đồn cô ta còn là người tình của chú mình nữa, mặt mũi thì xấu xí mà tâm hồn thì cũng khiếm khuyết. Cô ta hoàn toàn khinh miệt học vấn của Ngư Dung, nghe chàng ngâm nga “đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện1” thì phá ra cười, bảo với vẻ không ưa rằng “vươn đến chí thiện mà làm gì, thay vào đó ráng vươn đến chỗ tiền nhiều, thức ăn ngon thì hơn chứ”. “Mà thôi, cảm phiền mình giặt đống quần áo này nhé. Phải giúp tôi chút việc nhà đi chứ”. Cô ta nói rồi ném đống quần áo bẩn của mình vào mặt Ngư Dung. Chàng ôm đống quần áo đó lủi thủi ra con sông phía sau nhà , khẽ ngâm “mã tê bạch nhật mộ, kiếm minh thu khí lai, ngã tâm hạo vô tế, hà thượng không bồi hồi2”. Ý rằng đời chẳng có gì thú vị, ta ở quê nhà mà như cô khách chốn thiên nhai, tâm tư bâng khuâng mà nhìn sông chảy bồi hồi vậy.

Cứ tiếp tục kéo dài cuộc sống bi thảm này mãi thì thật có lỗi với liệt tổ liệt tông. Bây giờ mình đã sắp sửa bước vào tuổi tam thập nhi lập rồi. Phải ráng lập công danh vẻ vang mới được”. Chàng quyết ý như thế rồi đầu tiên về nhà đấm mụ vợ một phát, tống cổ ra khỏi nhà, tự tin đường hoàng ứng thí kỳ thi hương nhưng có lẽ vì sống cuộc đời bần hàn quá lâu, tâm tư không có chút khí lực nào, viết loạn đáp án lên thế là rớt thẳng cẳng. Chàng đành quay gót về căn nhà rách nát nơi quê hương, nỗi buồn này trên đời chẳng có gì so sánh được. Thêm phần đói bụng, chàng bước đi không nổi đành lê chân vào miếu thờ Ngô Vương bên hồ Động Đình, nằm ngửa ra nơi hành lang mà than “A, cuộc đời chỉ toàn nỗi khổ đau vô nghĩa mà thôi chăng? Như mình đây từ thuở thiếu thời chăm chú đi theo con đường của thánh hiền, suốt ngày chi hồ dã giả vậy mà bước chân hạnh phúc từ nơi xa vẫn chưa ghé thăm, mỗi ngày chỉ toàn nỗi khổ nhục gần như không sao chịu đựng nổi. Đã phát nguyện đại hùng tráng chí đi thi hương vậy mà ai ngờ lại rớt thảm. Có phải thế gian này toàn dung túng những kẻ ác nhân vô sĩ, còn kẻ thư sinh yếu đuối bạc nhược như mình thì đành cam chịu thất bại mà bị thiên hạ cười chê thôi sao? Đến mức đã đấm cho mụ vợ một phát rồi tống cổ ra khỏi nhà rồi nhưng bây giờ thi rớt trở về không biết bị mụ ta rủa sả đến mức như thế nào đây? Trời ơi, mình muốn chết, thật sự muốn chết”. Rồi vì đau khổ cực độ quá mà đầu óc mơ màng, không còn giống người theo đạo quân tử nữa, Ngư Dung bắt đầu liên tục nguyền rủa thế gian và than trách cho số phận của mình. Khẽ nhướng mắt nhìn đàn quạ đang bay trên trời cao, chàng khẽ lẩm bẩm “như bầy quạ kia, không biết đến giàu nghèo mới thật là hạnh phúc” rồi nhắm mắt lại.

Ngôi miếu Ngô Vương nơi hồ Động Đình này vốn thờ vị tướng quân nhà Ngô thời Tam Quốc là Cam Ninh, tôn làm thần bảo hộ sông nước. Do rất đỗi linh thiêng nên thuyền bè mỗi lần qua lại, phu thuyền phải ghé vào lễ bái. Trong khu rừng bên miếu Ngô Vương có hàng trăm con quạ sinh sống. Mỗi lần thấy bóng thuyền đến, chúng lại bay vút lên nhất loạt kêu “quạ quạ” rồi bay đến đùa giỡn trên các cột buồm. Các phu thuyền xem đó là chim sứ giả của Ngô Vương nên rất kính trọng, thường ném thịt dê lên cho chúng ăn, không lần nào chúng đớp hụt cả. Thí sinh lạc đệ3 Ngư Dung cảm thấy ghen tỵ với bầy quạ bay trên trời cao vui vẻ nên lại lẩm bẩm thì thầm “đàn quạ hạnh phúc quá” rồi tuy không định ngủ nhưng nhắm mắt mơ màng một lúc thì thấy một người đàn ông mặc áo đen đến lay tỉnh dậy. “Này, này”

Ngư Dung vẫn còn đang ngái ngủ đáp.

A, xin lỗi. Đừng la rầy tôi. Tôi không phải là người đáng ngờ gì đâu. Cho tôi nằm ngủ thêm chút nữa nhé. Xin đừng mắng mỏ tôi làm gì”

Vốn từ nhỏ đã lớn lên trong cảnh bị người la mắng khinh khi nên đã thành thói tật cứ thấy bóng dáng người ta lại run sợ tưởng đến đánh mắng mình nên chàng vừa liên tục nói mớ “xin lỗi, xin lỗi nghe” vừa trở mình nhắm mắt ngủ tiếp.

Không phải ta đến la mắng gì đâu”, người đàn ông áo đen nói với giọng khàn khàn rất kỳ lạ. “Ta đến theo lệnh của Ngô Vương đó. Thấy ngươi căm ghét cuộc sống con người ao ước cuộc sống loài quạ thật hay. Vừa hay đội hắc y thiếu một tên nên đưa ngươi bổ sung cho đủ số. Ngươi mau chóng mặc bộ áo đen này vào đi”.

Rồi gã lấy chiếc áo đen mềm mại mỏng manh khoác lên người Ngư Dung đang ngủ.

Lập tức Ngư Dung biến thành con quạ đực. Chàng đảo mắt nhìn quanh, ngồi dậy thấy mình đang đậu trên cái lan can nơi hành lang. Chàng dùng mỏ chỉnh sửa lông cánh, rồi giang cánh bay vút lên cao đậu trên đỉnh cột buồm chan đầy ánh nắng hoàng hôn của chiếc thuyền đang đi ngang hồ, rồi nhập vào bầy quạ cả trăm con, cùng bay qua lượn đáp đớp những miếng thịt phu thuyền ném lên một cách điệu nghệ và ngay lập tức chàng biết đến cảm giác no nê lần đầu tiên trong đời. Ngư Dung bay đến rừng cây ven hồ, đậu trên một cành cây cao, chùi mỏ vào cây rồi nhìn ánh nắng chiều phản chiếu trên hồ Động Đình lấp lánh một dải vàng lấp lánh mà ngâm “gió thu vàng sóng hoa ngàn đóa4” với vẻ rất hiền nhân quân tử thì nghe một giọng nói mềm mại quyến rũ của người con gái cất lên.

Này, trông anh có vẻ vui quá nhỉ”

Quay lại nhìn thì chàng thấy một con quạ mái đang đậu cùng cành cây với mình.

Thật là xin lỗi”. Chàng hơi cúi đầu đáp lễ. “Bởi vì thân thể đã nhẹ nhàng và lại mới vừa thoát được chốn bùn nhơ mà. Xin đừng la mắng tôi nhé”. Vì câu cửa miệng vẫn còn nên chàng lỡ lời nói ra.

Em hiểu chứ”, con quạ mái điềm đạm đáp lời. “Có vẻ như cho đến giờ anh đã vất vả nhiều quá rồi. Em hiểu anh cảm thấy thế nào. Nhưng giờ trở đi thì không sao rồi. Em sẽ đi cùng với anh”

Xin lỗi nhưng nàng là ai?”

À, em là bạn đồng hành với anh. Có gì anh cứ nói. Em sẽ cố gắng đáp ứng. Anh cứ nghĩ vậy đi. Anh không thích sao?”

Không phải vậy đâu”, Ngư Dung vội vàng thanh minh. “Chẳng qua là vì ta đã có vợ rồi. Ngoại tình là điều người quân tử nên tránh. Nàng tính quyến rũ ta đi vào con đường tà đạo ư?”

Chàng nói với vẻ mặt nghiêm túc đến vô lý.

Chàng thật tệ quá. Chàng nghĩ em nông nổi hiếu sắc buông lời tán tỉnh chàng ư? Tệ quá. Tất cả mọi người ở đây đều được Ngô Vương chăm lo chu đáo lắm. Ngô Vương lệnh cho em đến chăm sóc chàng đấy. Vì chàng không còn mang thân phận người nữa nên chàng hãy quên hết những chuyện vợ con chốn dương gian đi thì hơn. Có thể vợ chàng cũng nhu mì hiền thục lắm nhưng em đây cũng quyết không chịu thua đâu. Em cũng sẽ chăm lo cho chàng chu đáo. Rồi em sẽ cho chàng thấy tiết tháo của loài quạ chúng em còn đúng đắn chính đáng hơn loài người nhiều. Có thể chàng cảm thấy khó chịu nhưng từ giờ trở đi hãy cho em làm bạn đường nhé. Tên của em là Trúc Thanh”

Ngư Dung rất lấy làm cảm động.

Xin cảm ơn nàng. Vì cõi nhân gian tôi gặp quá nhiều đau khổ nên lòng nghi ngờ rất đậm sâu, không nhận ngay được tấm lòng tử tế của nàng. Thật vô cùng xin lỗi”

Thiệt tình, chàng lại nói kiểu cách thế rồi. Kỳ khôi lắm. Từ hôm nay trở đi, em sẽ là hầu cận của chàng. Sao nào phu quân? Chúng ta cùng đi dạo sau bữa ăn nhé”

Được chứ”, Ngư Dung hiên ngang gật đầu. “Xin nhờ nàng dẫn đường cho”

Vậy chàng theo em nhé”, và nàng bắt đầu tung cánh lên trời cao.

Gió thu thổi mơn man đôi cánh, dưới tầm mắt khói sóng hồ Động Đình, nhìn ra xa dãy Nhạc Dương nhấp nhô, mặt trời hoàng hôn đỏ rực, khẽ đảo mắt nhìn quanh, Quân sơn, Ngọc kính vẽ một đường cong mềm mại, gợi nhớ bóng dáng của Tương Quân, cặp vợ chồng mới hắc y cùng kêu “quạ quạ”, lúc trước lúc sau cùng nhau bay lượn tùy thích, ung dung tự tại không hề e ngại . Khi mệt thì cùng nhau xếp cánh trên đỉnh cột buồm của thuyền bè qua lại mà nghỉ ngơi, nhìn nhau mỉm cười, rồi khi mặt trời lặn xuống lại cùng nhau thưởng thức trăng thu Động Đình, thong dong cho đến giờ ngủ thì lại quay về cùng nhau xếp cánh tựa nhau mà ngủ đến sáng lại cùng nhau vươn cánh rửa mỏ tắm táp bằng nước hồ rồi lại nhắm thẳng chiếc thuyền gần bờ mà bay đến đớp thịt của những phu thuyền ném lên mà ăn sáng. Người vợ mới Trúc Thanh cứ ngại ngùng e ấp lúc nào cũng bên cạnh như hình với bóng chăm sóc chu đáo tận tình khiến chàng thư sinh lạc đệ Ngư Dung cảm thấy phơi phới như nửa đời đau khổ đã bị quét sạch làu làu.

Một buổi chiều kia, khi Ngư Dung đã hoàn toàn trở thành một con quạ thần của miếu Ngô Vương, đã thoải mái đùa giỡn trên cột buồm của thuyền bè qua lại, thì có một con thuyền lớn chở đầy lính tráng đi ngang qua. Đám quạ thấy nguy hiểm liền né tránh, Trúc Thanh cũng mấy lần khuyên can nhưng Ngư Dung thì cứ vui mừng vì nỗi được bay lượn tự do tự tại nên cứ lượn vòng quanh thuyền với vẻ đắc ý. Có một tên lính nghịch ngợm bất thần giương cung bắn xuyên ngực Ngư Dung. Khoảnh khắc chàng rơi xuống như một hòn đá, Trúc Thanh lập tức bay ra, đỡ cánh vực chàng vào lan can miếu Ngô Vương cho nằm xuống. Rồi vừa ôm lấy Ngư Dung đang hấp hối nàng vừa khóc lóc thảm thiết. Tuy nhiên thấy vết thương quá nặng không sao qua khỏi được, Trúc Thanh với giọng bi thương liền gọi mấy trăm bạn quạ đến, tiếng vỗ cánh bay rợp trời rồi dùng cánh đập nước tạo thành sóng lớn lật úp thuyền để trả thù cho Ngư Dung xong ca khúc khải hoàn vang động cả khắp hồ Động Đình. Trúc Thanh vội vàng trở về bên Ngư Dung, dùng mỏ áp sát vào ám Ngư Dung mà nói với giọng rất đỗi bi thương.

Chàng nghe thấy không? Khúc ca khải hoàn của bạn bè mình đấy”

Ngư Dung sắp sửa tắt hơi vì vết thương quá nặng, hé đôi mắt nhắm nghiền mà nói khe khẽ.

Trúc Thanh ơi”

Rồi bất thình lình chàng tỉnh dậy, nhận thấy mình đang ngủ bên hành lang miếu Ngô Vương với thân phận một chàng thư sinh nghèo như cũ. Ánh tà dương rọi xuống khu rừng cây phía trước mặt, hàng trăm con quạ vẫn đùa giỡn và kêu quạ quạ một cách vô tâm.

Đã tỉnh dậy rồi đấy à?”

Một người nông dân đang đứng kế bên chàng mỉm cười hỏi thăm.

Ông là ai vậy chứ?”

Tôi là nông dân vùng này thôi. Chiều hôm qua đi ngang qua đây thấy cậu nằm ngủ say như chết. Vừa ngủ vừa khe khẽ mỉm cười nữa chứ. Tôi có gọi lớn thế nào cậu cũng không tỉnh dậy. Tôi nắm vai lay cậu dậy mà cũng hoài công. Sau khi trở về nhà tôi cảm thấy áy náy quá nên thỉnh thoảng ghé qua đây xem tình nhình và chờ cậu tỉnh dậy. Sắc mặt cậu xanh xao lắm. Cậu bệnh à?”

Không, chẳng có bệnh tật gì đâu ạ”. Lạ lùng là chàng lại không cảm thấy đói bụng một chút nào cả. “Xin lỗi ông rất nhiều ạ”. Cái câu nói cửa miệng lại bật ra, chàng ngồi ngay ngắn lại cúi đầu cảm tạ bác nông phu. “Thật là xấu hổ quá…”, chàng mào đầu trước khi kể lại chi tiết câu chuyện tại sao chàng nằm ngủ bên miếu Ngô Vương và kết lại bằng câu “Thật là vô cùng xin lỗi bác…”

Người nông dân với vẻ thông cảm, lấy chiếc ví từ trong túi ra đưa ít tiền cho Ngư Dung.

Vạn sự trên đời này đều là Tái ông mất ngựa5 cả. Cậu hãy giữ gìn sức khỏe để làm lại từ đầu đi. Con người ta sống bảy mươi năm cuộc đời phải trải qua nhiều chuyện lắm. Lòng người thì cũng hay thay đổi như nước hồ Động Đình thôi”

Nói xong những lời hoa mỹ đó, ông lão bỏ đi.

Ngư Dung vẫn còn tâm trạng như trong mơ, bàng hoàng đứng dậy nhìn lão nông phu đi xa khuất rồi lại ngước nhìn đàn quạ đậu trên những ngọn cây mà gọi lớn.

Trúc Thanh ơi”

Đàn quạ kinh ngạc bay vút lên cao, nháo nhác hồi lâu bay lượn vòng trên đầu chàng, rồi bay thẳng về phía hồ Đồng Đình, chẳng có gì khác lạ cả.

Quả thật chỉ là một giấc mơ mà thôi, Ngư Dung với vẻ mặt buồn rầu lắc đầu rồi thở dài ảo não và lại lê bước chân về quê nhà.

Thấy Ngư Dung quay trở về, những người ở quê hương chẳng tỏ vẻ gì vui mừng cả, bà vợ lạnh lùng sai Ngư Dung đến nhà ông chú mình vác đá xây đình viên. Ngư Dung mồ hôi mồ kê nhễ nhại khuân từng tảng đá từ bờ sông về đến nhà chú vợ vừa lầm bẩm “bần nhi vô oán nan”6 (nghèo không oán than mới khó) rồi ngâm nga “sáng nghe được giọng của Trúc Thanh chiều chết cũng cam lòng”7 mà cảm thấy hoài vọng cuộc sống một ngày hạnh phúc nơi hồ Động Đình như thiêu như đốt.

Như Khổng Tử nói “Bá Di Thúc Tề không nhớ oán giận cũ nên hiếm người giận họ”8. Ngư Dung nhà ta cũng là một thư sinh quyết chí đi theo con đường quân tử cao xa nên cũng gắng sức không oán trách gì những người thân thích vô tình bạc nghĩa, cũng không phản kháng lại mụ vợ già vô học, chỉ chuyên tâm gần gũi với sách vở Thánh hiền, nuôi dưỡng sở thích nhàn nhã cao sang, nhưng cuối cùng cũng không chịu nổi sự khinh miệt của những người xung quanh nên vào mùa xuân ba năm sau một lần nữa lại đấm cho mụ vợ một phát rồi đi ứng thí, quyết chí gặp hội rồng mây nhưng quả nhiên lần nữa lại hoàn toàn lạc đệ. Hình như mình là một con người vô dụng thì phải. Trên đường về quê, chàng lại ghé miếu Ngô Vương bên hồ Động Đình chất chứa đầy kỷ niệm cũ, nhìn cảnh nhớ người xưa, nỗi rầu buồn dâng cao ngút ngàn, chàng sùi sụt khóc lóc trước miếu rồi còn bao nhiêu đồng bạc lẻ mang hết ra mua thịt dê đem rải trước miếu cho lũ quạ từ trên cây bay xuống ăn và tự hỏi trong đó có Trúc Thanh không nhỉ nhưng con nào con ấy đều đen thui, đến mức không thể phân biệt được cả đực cái nữa.

Trúc Thanh có đó không em?” nhưng chẳng thấy con quạ nào quay đầu nhìn lại. Tất cả đầu thản nhiên mổ thịt ăn. Ngư Dung không nản lòng bỏ cuộc.

Nếu trong đây có Trúc Thanh xin hãy ở lại đến cuối cùng”, chàng thử hỏi thăm với tấm chân tình bùi ngùi ngàn nỗi niềm thương nhớ. Sau khi ăn gần hết thịt, đàn qua cứ năm ba con lại bay đi, cuối cùng chỉ ba con còn lại cố gắng tìm những miếng thịt cuối cùng. Ngư Dung thấy thế tim đập thình thịch, phấp phỏm phập phồng. Nhưng sau khi thấy không còn miếng thịt nào nữa, ba con lạnh lùng bay đi, không có chút gì lưu luyến cả. Ngư Dung quá đỗi bàng hoàng tối tăm mặt mũi, hoa mắt không thể nào đi nổi đành ngồi bệt xuống trước lan can ngôi miếu, nhìn mặt hồ sương mùa xuân bảng lảng mà thở dài não nuột.

Trời, hai lần liên tiếp lạc đệ đau thương. Ta còn mặt mũi nào mà quay về cố hương nữa chứ. Mình sống chẳng có ý nghĩa nữa rồi. Mình cũng từng nghe đến chuyện Khuất Nguyên thời Xuân Thu Chiến quốc đã cảm thán “thiên hạ đều say cả, chỉ mình ta tỉnh thôi” rồi trầm mình xuống sông mà chết. Còn mình nếu trầm mình chết nơi hồ Động Đình chan chứa kỷ niệm này thì có lẽ Trúc Thanh đang ở nơi nào đó nhìn thấy sẽ nhỏ lệ khóc thương chăng? Người thực sự yêu thương ta chỉ có một mình Trúc Thanh mà thôi còn tất thảy đều là thứ ma quỷ ích kỷ đáng sợ cả. Ba năm trước người nông phu đã khích lệ mình là cuộc đời vạn sự như Tái ông thất mã nhưng đó chỉ là những lời dối trá thôi. Cái người vốn bẩm sinh đã bất hạnh thì cho dù bao nhiêu thời gian trôi qua cũng chỉ loay hoay nơi đáy cùng của bất hạnh mà thôi. Như vậy là biết tri thiên mệnh đấy. A ha ha, thì chết thôi. Nếu có Trúc Thanh khóc thương ta thì cũng đủ rồi. Ngoài ra ta chẳng mong chờ gì nữa cả”.

Một người quyết chí đi theo con đường của thánh hiền xưa như Ngư Dung mà cũng u uất, không chịu nổi cơn thất ý, quyết tâm trầm mình tại hồ Động Đình vào đêm nay. Đêm xuống, vầng trăng mờ ảo nhô lên không trung, hồ Động Đình tuyền một màu trắng sáng trải dài mênh mông không biết đâu là ranh giới giữa nước và trời mây. Bãi cát ven bờ sáng như ban ngày, những cành liễu ngậm sương hồ trĩu nặng, những cánh hoa đào phía xa trông như những hạt mưa đá. Đôi lúc có cơn gió nhẹ lướt qua như tiếng thở dài của trời đất. Thật là một đêm xuân yên tĩnh tuyệt vời. Nghĩ đến đây là những phút cuối cùng cuộc đời, nước mắt lã chã tay áo, tiếng khỉ kêu buồn không biết từ đâu vẳng đến. Đúng khi sầu tư đạt đến đỉnh điểm, Ngư Dung chợt nghe phía sau có tiếng vỗ cánh.

Từ ngày biệt ly, chàng vẫn bình an chứ?”

Quay lại nhìn, Ngư Dung thấy một mỹ nhân ngoài hai mươi tuổi, mũi cao mắt sáng đang đứng trong ánh trăng ngà.

Ai vậy chứ? Cho tôi xin lỗi nhé”. Đầu tiên cứ phải mở miệng xin lỗi đã.

Thiệt tình”, người đẹp đập nhẹ lên vai Ngư Dung. “Chàng quên Trúc Thanh rồi sao?”

Trúc Thanh ư”

Ngư Dung đứng sững như trời trồng, rồi hơi do dự một lát nhưng cuối cùng cũng liều mà ôm lấy bờ vai bé nhỏ của người con gái.

Buông em ra đi. Em không thở được mất”, Trúc Thanh mỉm cười nói và khéo léo thoát khỏi vòng tay của Ngư Dung. “Giờ em không đi đâu nữa đâu. Em sẽ bên chàng trọn đời này”

Van nàng mà. Hãy làm thế với ta. Vì không có nàng mà đêm nay ta quyết chí tự trầm ở hồ này đấy. Cuối cùng thì nàng đã ở đâu?”

Em ở nơi Hán Dương xa lắm. Từ sau khi ly biệt với chàng, em không còn nơi đây nữa mà trở thành quạ thần của sông Hán Thủy. Vì lúc nãy những bạn bè ngày xưa nơi miếu Ngô Vương này báo cho em biết nhìn thấy bóng dáng của chàng nên em vội vàng từ Hán Dương bay đến đây. Trúc Thanh mà chàng yêu mến đã đến đây rồi nên chàng đừng nghĩ đến những chuyện đáng sợ như chết chóc nữa nhé. Mà có vẻ như chàng hơi gầy đi thì phải nhỉ”

Gầy là đương nhiên. Liên tiếp hai lần lạc đệ. Bây giờ vác mặt về quê, không biết ta sẽ phải gặp cảnh khổ sở như thế nào nữa đây? Ta chán ghét cái thế gian này lắm rồi”

Tại chàng cứ nghĩ mình chỉ có thể sống được nơi quê nhà thôi nên chàng mới khổ sở đấy. Chằng phải những thư sinh như chàng cứ ngâm nga câu “quê hương đâu phải mồ chôn, thân trai còn có thanh sơn vẫy vùng”9 đó sao? Chàng hãy cùng đến ngôi nhà của em nơi Hán Dương đi nhé. Em sẽ cho chàng thấy một cuộc sống tuyệt vời”

Hán Dương sao xa xăm quá”, rồi không cần phải gọi mời hai người cùng sánh vai nhau thành thơi tiêu dao từ hành lang miếu Ngô Vương đến bờ sông trăng sáng. “Nhưng Khổng Tử nói “phụ mẫu tại bất viễn du, du tất hữu phương10”. Ngư Dung làm vẻ mặt nghiêm trang, tỏ vẻ rất có học thức.

Chàng nói gì vậy chứ? Chàng đâu còn cha mẹ đâu mà”

Trời, nàng biết luôn à? Thế nhưng ở quê nhà ta còn nhiều người thân thích như cha mẹ vậy. Ta muốn một lần cho thấy ta vinh quy bái tổ vẻ vang như thế nào. Những người đó từ xưa đã luôn nghĩ ta chỉ là một thằng ngốc thôi. Đúng rồi bây giờ thay vì đi Hán Dương, nàng cùng ta trở về quê nhà đi. Thấy được dung nhan xinh đẹp của nàng mọi người chắc hẳn sẽ kinh ngạc lắm. Thế nào? Làm vậy đi nhé. Ta muốn một lần được vẻ vang ra uy với bà con dòng họ nơi quê nhà. Được mọi người nơi quê nhà kính trọng chính là hạnh phúc tối cao, là thắng lợi chung cuộc vậy”

Tại sao chàng cứ phải bận tâm đến những suy nghĩ của những con người chốn quê nhà như thế chứ? Chẳng phải người ta nói những người cố gắng tìm đủ mọi cách lấy lòng những người trong làng xóm là lũ hương nguyện sao? Chẳng phải trong Luận ngữ cũng có câu “hương nguyện đức chi tặc dã”11 (hương nguyện là kẻ làm hại đức) còn gì”

Ngư Dung nghe cứng họng liền tuyệt vọng bất chấp.

Vậy thì đi. Chúng ta cùng đi Hán Dương nào. Nàng dẫn ta đi nhé. Thệ giả như tư phù bất xả trú dạ12”, bất chợt chàng ngâm lớn một câu trong Luận ngữ để che giấu niềm xấu hổ rồi cất tiếng “A haha” tự cười mình.

Chàng chịu đi sao?”, Trúc Thanh vui mừng hớn hở. “Chà, em vui quá. Để em sửa soạn ngôi nhà nơi Hán Dương để đón tiếp chàng thật chu đáo. Nào, chàng nhắm mắt lại chút nào”

Ngư Dung khẽ nhắm mắt lại theo lời nàng, chỉ nghe tiếng vỗ cánh vun vút, rồi khi nhận thấy có gì như tấm áo mỏng khoác nhẹ lên vai mình khiến thân mình nhẹ bẫng liền mở mắt ra thì thấy hai người đã trở thành quạ với đôi cánh đen tuyền lấp lánh trong ánh trăng, đang bước đi trên bờ cát. Hai con quạ cùng cất tiếng kêu quạ quạ rồi vỗ cánh bay vút lên cao.

Sông dài ba ngàn dặm dưới ánh trăng, chảy xuôi về hướng đông bắc. Ngư Dung như say như mê chỉ mải miết bay theo dòng. Cuối cùng đến khi trời sáng, chàng nhìn thấy phía xa kia những mái nhà nơi Hán Dương, thủy thượng đô thành, đang lặng lẽ nằm ngủ dưới đáy làn sương sớm mai. Khi đến gần hơn thì thấy đúng là Hán Dương sông tạnh cây bày, bãi xa Anh vũ xanh đầy cỏ non13. Bờ bên kia là Hoàng hạc lâu cao vút, ngăn cách sông Trường giang, cùng với Tình xuyên các đang thì thầm kể chuyện cũ xưa, những cánh buồm điểm xuyến trên sông đang đi với vẻ vội vã. Xa thêm chút nữa có nguyệt hồ nước đầy ăm ắp nằm dưới chân ngọn Đại biệt sơn. Phía bắc dòng nước Hán Thủy uốn lượn chảy vào Thiên nhai. Đúng là cả một thành Vience phương Đông thu gọn vào tầm mắt. Trong lúc Ngư Dung đang cảm khái ngâm nga “quê ta ở chốn nơi nào, mà sông khói sóng để sầu cho ai?14” thì Trúc Thanh quay sang nói.

Chà, đã đến nhà em rồi đó”, nàng nói rồi ung dung lượn bay vòng quanh một hòn đảo nhỏ trên dòng Hán Thủy. Ngư Dung thấy thế cũng lượn bay theo một vòng khá lớn rồi nhìn thử hòn tiểu châu phía dưới thì thấy nơi một góc đảo cỏ xanh xa mờ như chìm trong nước có dãy nhà nhỏ xinh như nhà búp bê vậy. Năm sáu người hầu chạy ra ngước nhìn lên trời vẫy tay chào đón Ngư Dung trông nhỏ như mấy búp bê tí xíu. Trúc Thanh dùng mắt ra hiệu cho Ngư Dung rồi thu cánh đáp thẳng xuống. Ngư Dung cũng vội vàng làm theo. Ngay khoảnh khắc hai con quạ đáp xuống bãi cỏ xanh lập tức hóa thành vị công tử hào hoa và mỹ nhân diễm tuyệt tươi cười sánh bước bên nhau, được đám người hầu kẻ hạ vây quanh dẫn vào trong nhà.

Trúc Thanh cầm tay Ngư Dung dẫn vào sâu phía trong đến một căn phòng tối, trên bàn có ngọn nến bạc tỏa khói xanh, rèm che thêu chỉ vàng chỉ bạc lấp lánh. Trên giường lại đặt một chiếc bàn nhỏ màu đỏ, có bày sẵn mỹ tửu thức nhắm ngon như đã sẵn sàng chờ khách quý.

Đêm vẫn chưa tàn sao?”, Ngư Dung hỏi một câu ngu ngốc.

Thiệt tình, ghét chàng quá”, “vậy mà em cứ nghĩ để tối một chút chàng mới không cảm thấy ngại ngùng chứ”

Đạo của người quân tử thì lờ mờ15 mà nhỉ?”, Ngư Dung cười khổ, bông đùa một câu chẳng ra gì.

Tuy nhiên cổ thư cũng có câu “tố ẩn hành quái16” nữa. Ta nên mở cửa sổ để cùng hân thưởng cảnh sắc mùa xuân của Hán Dương nào”

Ngư Dung vén rèm rồi mở cửa sổ ra. Ánh sáng ban mai tràn vào, hoa đào trong vườn đua nhau khoe sắc, chim chích đua nhau hót nhức cả tai, phía xa kia những con sóng nhỏ của sông Hán Thủy lấp lánh dưới ánh mặt trời.

Chao ơi, cảnh đẹp quá. Ước gì người vợ nơi quê nhà ta được thấy một lần nhỉ”

Ngư Dung bất giác thốt lên và cảm thấy vô cùng ngạc nhiên. Chàng tự hỏi lòng mình thực sự yêu mụ vợ xấu xí đó à? Đột nhiên chàng cảm thấy vô cùng muốn khóc mà không biết tại sao.

Quả thật chàng không thể nào quên được người vợ nơi quê nhà nhỉ?”, Trúc Thanh đứng bên cạnh điềm đạm nói rồi khe khẽ thở dài.

Không có chuyện đó đâu. Mụ vợ suốt ngày khinh miệt việc học hành của ta, bắt ta giặt quần áo bẩn, rồi khuân đá nữa. Hơn thế nghe đồn mụ ấy còn là nhân tình của ông chú ta nữa chứ. Hoàn toàn không có một điểm nào hay ho cả”

Nếu như không có điểm nào tốt cả thì sao chàng lại nhớ nhung như thế chứ? Chắc chắn trong thâm tâm chàng có điều đó. Chẳng phải ai cũng có lòng trắc ẩn sao? Có thể không oán hận, nguyền rủa hay căm ghét người vợ mình, cùng nhau chia sẻ ngọt bùi sống qua kiếp đời này mới chính là lý tưởng của tâm tư chàng đấy chăng? Chàng hãy về nhà ngay đi”

Trúc Thanh chợt trở nên nghiêm túc và nói thẳng thừng.

Ngư Dung vô cùng hoảng hốt.

Như vậy thì tệ quá. Nàng đã mời gọi ta đến đây giờ bắt ta trở về thì tệ lắm. Chẳng phải nàng đã nói “hương nguyện” gì gì đó để công kích ta lìa bỏ quê hương đến đây sao? Nàng lấy ta ra làm trò đùa à?”

Ngư Dung phản bác.

Ta là thần nữ”, Trúc Thanh nhìn thẳng về dòng sông Hán Thủy lấp lánh phía xa và trang nghiêm đáp lời. “Chàng tuy rớt kỳ thi hương của nhân gian nhưng lại vượt qua được vòng khảo thí của thần linh. Ta được thần linh của miếu Ngô Vương dặn dò phải điều tra kỹ lưỡng xem chàng có thật lòng cảm thấy ganh tỵ với đời sống của chim quạ hay không? Những kẻ hóa thân thành chim thú mà cảm thấy hạnh phúc thực sự sẽ bị thần linh chán ghét nhất. Một lần để cảnh tỉnh chàng nên đã để cho chàng bị tên bắn trúng gửi trả về trần gian nhưng chàng vẫn khao khát trở lại thế giới loài quạ. Lần này thần linh quyết định đưa chàng đi xa, cho hưởng thụ niềm vui thú để xem chàng có bị đắm chìm trong khoái lạc mà quên đi hoàn toàn thế giới con người hay không? Nếu quên thật sự thì hình phạt cho chàng sẽ khủng khiếp đến độ ta không thể nào nói ra được. Hãy trở về đi. Chàng đã hoàn toàn vượt qua cuộc thử thách của thần linh rồi đó. Đã là con người thì phải chìm đắm trong đau khổ của niềm thương ghét con người một đời mới được17. Không có cách nào thoát được cả đâu. Chỉ có cách nhẫn nhục và luôn cố gắng mà thôi. Học vấn thì cũng được đó nhưng cứ làm ra vẻ thoát tục thì thật hèn yếu. Chàng cần phải mạnh mẽ hơn, ra sức yêu thương thế gian trần tục, hãy thử đau thương khổ lụy đến tận cùng cuộc đời xem sao. Thần linh yêu thương những con người như thế nhất. Em vừa cho mấy người hầu sửa soạn thuyền bè cho chàng rồi. Chàng hãy lên thuyền và nhanh chóng trở về quê cũ ngay đi. Tạm biệt chàng”

Vừa nói xong, hình dáng Trúc Thanh và cả dãy nhà đình tạ đều biến mất, còn lại Ngư Dung lẻ loi đứng một mình nơi cô đảo giữa sông.

Một con thuyền độc mộc không có cả cột buồm hay mái chèo ghé lại gần bờ, Ngư Dung bước lên như bị hút hồn. Chiếc thuyền tự chạy xuôi dòng Hán Thủy, ngược dòng sông Trường giang, băng ngang hồ Động Đình rồi dừng nơi bến ngôi làng đánh cá gần quê nhà của Ngư Dung. Sau khi Ngư Dung lên bờ, chiếc thuyền không tự rẽ sóng quay đi lướt đi và biến mất vào khói sóng hồ Động Đình.

Ngư Dung xiết bao kinh ngạc khi nhìn vào khoảng tối phía sau căn nhà mình thấy một mỹ nhân tươi cười chào đón “Mừng chàng trở về nhà”. Trời, chẳng phải là Trúc Thanh hay sao?

Trúc Thanh”

Chàng nói gì vậy? Chàng đã đi đâu thế? Trong thời gian chàng đi vắng, em nằm bệnh liệt giường chẳng có ai chăm lo săn sóc cả, nhớ nhung chàng khôn nguôi. Em hối hận vì đã đùa cợt chàng cho đến tận bây giờ . Sốt mãi mà không chịu hạ xuống, toàn thân em sưng phù tím ngắt. Em chấp nhận như là quả báo đương nhiên cho tội lỗi đối xử tệ bạc với người tốt như chàng. Trong khi em lặng lẽ nằm chờ chết thì lớp da sưng lên nứt ra rỉ nước xanh, người em trở nên nhẹ bẫng. Sáng nay em soi gương thử xem thì thấy mặt mình thay đổi trở nên xinh đẹp như thế này đây. Thật vui không sao kể xiết. Thế là em quên luôn bệnh tật, nhảy ngay ra khỏi giường bắt đầu quét dọn nhà cửa thì thấy chàng trở về. Em vui quá. Tha thứ cho em nhé. Không chỉ mặt mũi em thay đổi mà toàn thân cũng thay đổi luôn. Rồi cả tâm thức cũng thay đổi nữa. Em đã thật tệ hại. Những việc ác của em trong quá khứ đã trôi đi cùng với thứ nước xanh kia rồi nên chàng cũng quên hết chuyện ngày xưa đi, tha thứ cho em. Em sẽ bên chàng mãi mãi”.

Một năm sau, một bé trai đẹp đẽ như ngọc chào đời. Ngư Dung đặt tên con là “Hán Sản”. Chàng không kể cho người vợ mặn nồng của mình lý do đặt tên như vậy. Những bí mật chôn giấu trong lòng Ngư Dung cùng với kỷ niệm quạ thần chàng giữ kín, không nói cho ai nghe, cũng tuyệt đối không nói ra những lời tự mãn kiểu “quân tử chi đạo” làm gì nữa. Chàng cứ tiếp tục lặng lẽ sống qua những tháng ngày nghèo khó. Tuy không được những người thân thích tôn kính nhưng cũng không bị phân biệt đối xử gì nữa, chàng trở thành một người nông phu bình thường nhất giữa chốn bụi trần nhân gian.

Chú thích của tác giả:

Đây là truyện sáng tác. Tôi viết và muốn cho người Trung quốc đọc. Chắc chắc truyện sẽ được dịch sang Hán văn.

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

1 Nguyên văn “大学の道は至善に止まるに在り” lấy từ sách “Đại học”, một trong quyển “Tứ thư” của Nho Giáo. “大學之道,在明明德,在親民,在止於至善” (Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ ư chí thiện) nghĩa là “Đạo của Đại Học là làm sáng thêm cái đức sáng, đổi mới dân chúng, và vươn đến chỗ chí thiện”

2 Nguyên văn “馬嘶て白日暮れ、剣鳴て秋気来る”lấy từ hai câu thơ đầu trong bài thơ “Củng Lộ cảm hoài” () của Lã Ôn đời Đường “Mã tê bạch nhật mộ, Kiếm minh thu khí lai. Ngã tâm hạo vô tế, Hà thượng không bồi hồi” , ,  , mà chúng tôi tạm dịch “ngựa hý chiều sáng nắng, kiếm khua khí thu về, bên bờ sông thơ thẩn, cõi lòng sao tái tê”

3 Lạc đệ (らくだい落第)nghĩa là thi hỏng. Trong bài “Cảm thông” của thi sĩ Vũ Hoàng Chương có đoạn “dăm gã thư sinh vừa lạc đệ, mười nàng xuân nữ sớm chìm châu, cảm thông một phút bừng ân ái, miếu nguyệt vườn sương gặp gỡ nhau”.

4 Nguyên văn “秋風翻す黄金浪花千片”lấy ý từ câu thơ của Bạch Cư Dị “phong phiên bạch lãng hoa thiên phiến” (風翻白浪花千片 ) nghĩa là “gió xao sóng bạc hoa ngàn đóa”. Ngư Dung sửa lại thành “sóng vàng” cho hợp cảnh.

5 Nguyên văn “nhân gian vạn sự đều là Tái ông thất mã” (人間万事塞翁の馬), nghĩa là họa phúc thường đi liền với nhau, trong cái rủi có cái may.

6Câu trong Luận ngữ của Khổng Tử 貧 而 無 怨 難 富 而 無 驕 易(bần nhi vô oán nan, phú nhi vô kiêu dị ) (nghèo mà không oán than thì khó, giàu mà không kiêu căng thì dễ).

7 Nguyên văn “に竹青の声を聞かば夕に死するも可なり矣” lấy ý từ câu nói trong Luận ngữ “triêu văn đạo, tịch tử khả hĩ” (朝聞道, 夕死可sáng nghe được đạo, chiều chết cũng cam lòng)

8 Nguyên văn “は旧悪を念わず、怨是を用いて稀なり” lấy ý từ câu trong Luận ngữ “Bá DiThúc Tềbất niệm cựu ác, oán thị dụng hi” (伯夷, 叔齊, 不念舊惡, 怨是用)

9 Nguyên văn “人間至るところに青山がある” trích từ thơ của thi tăng Gesshou (Nguyệt Tính- 月性) (1817-1858), cuối đời Mạc Phủ. Câu thơ này còn nghe vọng âm hưởng của một ý thơ của Tô Thức đời Bắc Tống “thị xứ thanh sơn khả mai cốt” () “xương trắng xin vùi nơi núi biếc”.

10 Nguyên văn “父母在せば遠く遊ばず、遊ぶに必ず方有り” lấy trong sách Luận ngữ “Phụ mẫu tại, bất viễn du, du tất hữu phương”  (Cha mẹ còn thì con không nên đi xa, nếu đi thì phải có nơi nhất định)

11 Nguyên văn “郷原は徳の賊なり”trong sách Luận ngữ “, 德之賊也”. “Hương nguyện (kyougen) được từ điển Quảng Từ Uyển (広辞苑) giải thích là “phường tiểu nhân làm ra vẻ thiện lương đạo mạo, cố gắng để được người làng đánh giá tốt đẹp” (善良を装い、郷中の好評を得ようとつとめる小人)

12 Nguyên văn “逝者は斯の如き夫、昼夜を捨てず” lấy từ sách Luận ngữ “thệ giả như tư phù bất xả trú dạ” (逝者如斯夫, 不舍晝夜 – người đi như nước chảy, ngày đêm không ngừng)

13 Nguyên văn “晴川歴々たり漢陽の樹、芳草  たり鸚鵡の洲” (Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ, Phương thảo thê thê anh vũ châu) là hai câu thơ trong bài “Hoàng Hạc Lâu” nổi tiếng của Thôi Hiệu.

14 Nguyên văn “わが郷関何れの処ぞ是なる、煙波江上、人をして愁えしむ” lấy ý từ hai câu cuối bài thơ Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu “nhật mộ hương quan hà xứ thị, yên ba giang thượng sử nhân sầu” ( , 使 )

15 Nguyên văn “君子の道は闇然たり” lấy ý trong sách “Trung Dung”: “Quân tử chi đạo, ám nhiên nhi nhật chương , tiểu nhân chi đạo trước nhiên nhi nhật vong” (,  小 人 之 道 的 然 而 日 亡 Đạo người quân tử lờ mờ mà càng ngày càng rõ rệt, đạo của tiểu nhân tuy bộc lộ mà ngày cảng mất đi).

16 Nguyên văn “隠に素いて怪を行う” có lẽ lấy ý từ câu của Khổng Tử “tố ẩn hành quái, ngô bất vi chi” (những việc bí ẩn quái dị ta không làm).

17 Câu này rất hay. Xin trích nguyên văn “人間は一生、人間の愛憎の中で苦しまなければならぬものです”

(Bài viết do dịch giả cung cấp độc quyền cho breadandrose.com )

Văn học Nhật Bản Văn học phương Đông

Truyện ngắn SHIGA NAOYA – “Lưỡi dao cạo” (Hoàng Long dịch)

Shiga Naoya (1883 -1971 ) (志賀直哉) là nhà văn lỗi lạc của Nhật Bản, được văn hào Akutagawa vô cùng ngưỡng mộ. Ngoài tiểu thuyết kiệt tác “Đi trong bóng tối” (暗夜行路), ông còn để lại rất nhiều “truyện ngắn tâm trạng” (心境小説) chứng tỏ tài năng quan sát tâm lý bậc thầy với giọng văn quý phái và điềm đạm. “Lưỡi dao cạo” được xem là truyện ngắn nổi tiếng nhất của Shiga Naoya. Tuy được xếp vào loại “truyện ngắn tội phạm” ( 犯罪小説) nhưng chúng ta có thể xem đây như một truyện ngắn về tâm trạng cá nhân. Khả năng phân tích diễn biến tâm lý của một con người theo chủ nghĩa hoàn hảo với niềm tự hào cao tột về nghề nghiệp của mình dẫn đến kết cuộc bất ngờ nhưng hợp lý. Truyện được chúng tôi dịch từ nguyên tác “Kamisori” (剃刀) từ trang 74 đến trang 87 trong tuyển tập truyện ngắn “Seibei và quả bầu – Đến Abashiri” 清兵衛と瓢箪―網走までdo Nxb Shinchobunko tái bản lần thứ bảy mươi hai năm Bình Thành 25 (2013)

LƯỠI DAO CẠO

Yoshisaburo của tiệm cắt tóc Tatsudoko ở khu phố Azabu Roppongi, hầu như chưa bao giờ bệnh tật, lại đang nằm lì trên giường vì một cơn cảm cúm. Đó lại đúng lúc trước khi lễ hội mùa thu bắt đầu, công việc nơi tiệm cắt tóc cho đám lính tráng của anh bận rộn hơn bao giờ hết. Nằm bệnh trên giường Yoshisaburo nghĩ mà hối tiếc nếu như mình đừng đuổi cổ hai tên thợ học việc là Genko và Jidako vào tháng trước thì hay biết bao nhiêu.

Khoảng trước đây một đến hai năm, Yoshisaburo cùng hai đứa nhóc làm việc nơi đây. Người chủ trước đã ra sức truyền nghề thợ cạo cho anh, lại gả người con gái duy nhất cho rồi thoái ẩn, nhường tiệm cắt tóc này lại cho Yoshisaburo.

Genko vốn âm thầm để ý đến người con gái kia chẳng bao lâu sau thì nghỉ việc. Jidako tâm tính hiền lành vẫn làm việc chăm chỉ như xưa, chỉ khác là chuyển tên gọi từ “Anh Yoshi” thành “ông chủ”. Nhạc phụ sau khi ẩn cư chừng sáu tháng thì qua đời và sau đó chừng khoảng nửa năm thì nhạc mẫu cũng đi theo phiêu diêu miền cực lạc.

Về tay nghề thợ cạo phải nói Yoshisaburo thực sự là bậc tài danh. Hơn thế là một người có trực giác bén nhạy, chỉ cần dùng tay xoa mà thấy nhám nhám là Yoshisaburo phải cạo cho thật nhẵn nhụi như thể nhổ từng sợi tóc mới thôi. Vì thế mà không bao giờ có chuyện để cho da bị nham nhám cả. Khách hàng thường nói chỉ một ngày sau khi gặp Yoshisaburo là đã khác đi rồi. Và anh cũng luôn tự hào là chưa từng làm trầy xước mặt một người khách nào trong suốt mười năm qua.

Sau khi nghỉ việc khoảng hai năm, Genko quay trở lại xin làm công việc cũ. Yoshisaburo đành phải cho làm sau khi nhận lời xin lỗi từ Genko vốn từng là đồng nghiệp thân thiết. Tuy nhiên, sau hai năm, tay nghề của Genko xuống dốc trầm trọng. Đã thế lại còn không chuyên tâm vào công việc nữa. Genko còn rủ rê Jidako đam mê một cô gái đáng ngờ vốn quen biết cả đám lính khu phố Kasumicho. Do bị rủ rê như thế mà Jidako vốn là người hiền lành đã dám lấy trộm cả tiền của cửa tiệm nữa. Yoshisaburo nghĩ tình thấy tội nghiệp đã mấy lần lên tiếng nhắc nhở. Nhưng đến mức lấy trộm tiền của cửa tiệm thì không cón gì để nói nữa. Cuối cùng khoảng một tháng trước đây, Yoshisaburo đã cho hai tên này nghỉ việc.

Bây giờ cửa tiệm chỉ có hai người phụ việc là Kanejiro năm nay hai mươi tuổi có gương mặt xanh xao và vô cùng yếu ớt với thằng bé Kinko chừng mười hai mười ba tuổi có cái đầu dài về phía sau rất khác thường. Trong những lúc bận rộn trước ngày lễ như thế này hai đứa chẳng giúp ích được gì cả. Nằm bẹp trên giường vì sốt, Yoshisaburo vừa khổ sở bứt rứt không yên.

Đến gần trưa, khách đến rất đông đúc. Tiếng đóng mở cánh cửa kính, tiếng kêu khô khốc của đôi guốc gỗ cao đã mòn đế của Kinko mỗi khi kéo lê chọc vào thần kinh nhạy bén của Yoshisaburo.

Nhà Yamada thuộc phố Ryudo đây ạ. Chủ nhân chúng tôi từ tối mai sẽ đi du lịch nên hãy mài lưỡi dao này giùm. Tôi sẽ đến lấy sau”. Đó là giọng nói của một người phụ nữ.

Hôm nay hơi đông khách nên để đến sáng ngày mai có được không ạ?”, Kanejiro cất giọng hỏi.

Người phụ nữ có vẻ hơi do dự một chút.

Vậy thì chắc chắn ngày mai nhé”, nàng ta nói rồi đóng cửa nhưng ngay lập tức lại kéo cảnh cửa mở ra.

Xin lỗi đã làm phiền nhưng hai vị có thể hỏi ông chủ thử xem sao…”

Dạ, nhưng ông chủ…”

Kane, để tôi làm cho”

Từ trong giường bệnh, Yoshisaburo nói lớn, ngắt lời Kanejiro. Giọng nói sắc bén nhưng hơi khàn khàn. Không trả lời câu nói đó, Kanejiro nói với người phụ nữ “Được rồi ạ”. Có vẻ như người phụ nữ đó đóng cửa lại và rời đi.

Khốn kiếp thật”, Yoshisaburo lầm bầm rồi giơ cánh tay xanh xao nhuốm bẩn màu xanh của tấm chăn và chăm chú nhìn một lúc. Tuy thế thân hình đang mệt mỏi vì cơn sốt đó vẫn nặng nề như một vật thể được đặt xuống chắc chắn. Yoshisaburo giương đôi mắt đờ dẫn nhìn con chó đồ chơi cũ kỹ treo trên trần nhà. Ruồi bám đầy trên thân hình con chó đó.

Không để làm gì cả, anh lắng tai nghe câu chuyện ngoài cửa tiệm. Hai ba người lính đang bình phẩm về chất lượng của tiệm ăn nhỏ gần đó và thức ăn trong quân ngũ dở tệ như thế nào tuy nhiên khi trời trở lạnh như vậy thì cũng có thể nuốt được chút đỉnh. Nghe được câu chuyện đó, Yoshisaburo cảm thấy khá hơn. Sau một lúc anh uể oải trở mình.

Trong ánh sáng buổi chiều trắng nhạt âm u chiếu qua khung cửa nhà bếp của căn phòng ba chiếu, vợ anh Oume đang địu đứa con trên lưng, chuẩn bị sẵn sàng cho bữa tối. Vừa thưởng thức cái cảm giác nhẹ nhõm của cơ thể, anh vừa nhìn ngắm quang cảnh đó.

Bây giờ mình sẽ làm”, anh nói rồi nhấc thân hình nặng nề của mình khỏi tấm chăn, nhưng cảm thấy chóng mặt nên phải nằm úp mặt xuống gối một lúc lâu.

Anh đi vệ sinh à?”, Ume cất tiếng dịu dàng hỏi thăm, nàng cứ thế bước vào phòng với hai bàn tay ướt sũng nước.

Yoshisaburo định nói không phải nhưng quả thật không thể thốt nên lời.

Oume kéo tấm chăn ra rồi đặt lọ thuốc và bình khạc đờm bên cạnh gối. Yoshisaburo lại nói “không phải vậy đâu”. Nhưng giọng anh khàn đến mức Oume không thể nghe ra. Tâm trạng vừa mới đỡ hơn của anh giờ lại trở nên căng thẳng trở lại.

Em đỡ anh từ phía sau nhé”, Ume đi vòng ra phía sau chồng mình như muốn chăm sóc an ủi cho anh.

Lấy miếng da mài và lưỡi dao cạo của ông Yamada lại đây”, Yoshisaburo nói như hất vào mặt Oume.

Oume im lặng một chút rồi cất tiếng.

Anh làm được không?”

Được mà, cứ mang lại đây”

“….Nếu anh ngồi dậy cần phải khoác thêm áo bông mới được”

Đã bảo là không sao mà, anh bảo là em cứ mang lại đây”, anh nói thấp giọng nhưng đầy cáu kỉnh bực bội. Oume làm vẻ mặt như không nghe thấy gì, lấy ra cái áo bông và đi vòng ra sau khoác lên người anh đang ngồi trên giường. Yoshisaburo nắm lấy cổ của chiếc áo bông rồi giật mạnh xuống.

Oume yên lặng kéo cánh cửa giấy giữa phỏng bước ra ngoài nền đất lấy lưỡi dao cạo và miếng da mài. Vì không có chỗ để treo tấm da mài nên Oume đã đóng đinh vào cây cột trụ bên gối nằm.

Ngay cả lúc khỏe mạnh bình thường mà chỉ cần tâm trí không thoải mái Yosashiburo cũng không thể mài tốt được huống chi giờ đây tay run lên vì sốt nên anh càng không thể mài dao được như ý muốn. Oume không chịu nổi khi nhìn thấy vẻ sự giận dữ của chồng mình đã mấy lần lên tiếng nhắc nhở:

Anh để cho Kane làm cũng được mà” nhưng đều không có câu trả lời. Nhưng cuối cùng thì Yosashiburo không thể nào tiếp tục được nữa. Sau mười lăm phút gắng gượng sức mạnh và ý chí cuối cùng anh quay lại giường và thiếp ngủ đi ngay.

Vào khoảng chập tối, khi nhà cửa lên đèn, người hầu nhà Yamada tiện đường đi làm công chuyện, đã ghé lấy mang lưỡi dao đi.

Oume nấu cháo. Nàng muốn chồng mình dùng khi còn nóng nhưng sợ đánh thức anh dậy khi đang ngủ mê mệt khiến anh lại trở nên cáu kỉnh nên thôi. Đó là vào khoảng chừng tám giờ tối. Nếu để anh ngủ thêm thì có thể sẽ nhỡ giờ uống thuốc. Vì vậy Oume đành ép mình đánh thức anh dậy. Yoshisaburo thức dậy dùng bữa với dáng vẻ cũng không khó chịu gì lắm. Rồi thì anh lại nằm xuống giường và thiếp ngủ đi ngay.

Khoảng gần mười giờ, Yoshisaburo lại bị đánh thức dậy để uống thuốc. Lần này thì anh lơ mơ nghĩ chuyện này chuyện khác nhưng không có chuyện nào đặc biệt cả. Hơi thở nóng bỏng của anh lan tỏa trong cái mền anh trùm gần kín mắt rồi phả lại vào mặt anh khó chịu. Cửa tiệm đã yên tĩnh trở lại. Anh nhìn xung quanh với đôi mắt đờ đẫn. Trên chiếc cột, tấm da mài đen bóng hững hờ rũ xuống. Trong ánh đèn hiu hắt, trông nó trở nên đùng đục một màu đỏ vàng rất khó ưa. Ánh đèn cũng chiếu sáng tấm lưng của Oume đang nằm nghiêng cho con bú trong góc phòng. Anh cảm thấy như cả căn phòng cũng đang khổ sở vì lên cơn sốt.

Ông chủ, ông chủ à….”, giọng nói rụt rè của Kinko vang lên từ cánh cửa nơi phía nền đất.

Gì vậy?”, Yoshisaburo đang trùm chăn lên mặt, cứ thế mà ậm ừ trả lời. Có vẻ như Kinko không nghe ra giọng nói khàn khàn dường như bị che giấu đó nên lại cất tiếng.

Ông chủ…”

Gì thế?”, lần này giọng đáp sắc bén rõ ràng.

Người nhà Yamada lại mang dao đến”

Cái khác à?”

Cái cũ ạ. Ông ta về dùng thử ngay nhưng thấy không bén lắm nên lại đến hỏi xem thử đến trưa mai mình có thể mài xong lần nữa không? Sau khi ông chủ đã sử dụng thử”

Người nhà họ còn đó không?”

Đi lúc nãy rồi ạ”

Thế nào nhỉ?”, Yoshisaburo vươn tay khỏi tấm chăn và cầm lấy lưỡi dao còn nguyên trong vỏ mà Kinko kính cẩn đưa cho.

Tay anh run lên vì sốt kìa. Sao không để cho anh Yoshikawa phố Kasumicho làm thay?”

Oume nói rồi lấy kéo chiếc áo kimono che lại bộ ngực trần và ngồi dậy. Yosashiburo vẫn yên lặng vươn tay đưa lưỡi dao về phía ánh đèn, rút khỏi vỏ và lật qua lật lại xem xét. Oume đến ngồi bên gối khẽ đặt tay lên trán anh. Yoshisaburo lấy tay kia gạt đi như cảm thấy phiền phức.

Kinko này”

Vâng”, đứng nơi chỗ mép giường, Kinko cất tiếng trả lời ngay.

Mang hòn đá mài lại đây”

Vâng”

Khi đá mài đã sẵn sàng, Yoshisaburo ngồi dậy khuỵu một chân xuống và bắt đầu mài. Tiếng chuông thong thả điểm báo hiệu mười giờ.

Oume nghĩ rằng bây giờ mình nói gì cũng vô dụng thôi nên ngồi lặng lẽ quan sát.

Sau khi mài trên đá một lúc, giờ là mài trên miếng da. Anh cảm thấy không khí tù đọng trong phòng bắt đầu chuyển động với những thanh âm rin rít liên tục. Cố ghìm cánh tay run, Yoshisaburo bắt đầu mài dao với những nhịp đều đặn nhưng có vẻ không như ý chút nào. Trong khi đó thì cây đinh mà Oume đóng tạm vào để giữ miếng da lại bị tuột ra. Miếng da mài bay bay cuốn theo cả lưỡi dao cạo.

Nguy hiểm quá”, Oume kêu lên và sợ hãi nhìn vào khuôn mặt của Yosashiburo. Cặp lông mày của anh giật giật.

Yoshisaburo tháo tấm da ra và ném xuống sàn, rồi anh cầm lưỡi dao trên tay và đứng dậy, đi ra phía nền đất chỉ với chiếc áo ngủ trên người.

Không được đâu anh ơi…”

Oume bật khóc ngăn cản nhưng vô hiệu. Yoshisaburo cứ im lặng bước ra phía nền đất. Oume cũng theo sau.

Tiệm không còn một người khách nào nữa. Kinko đang ngồi mơ màng nơi chiếc ghế đặt phía trước gương.

Cậu Kane đâu?”, Kinko cất tiếng hỏi.

Đi đeo bám Tokiko rồi”, Kinko trả lời với vẻ mặt vô cùng nghiêm túc.

Cậu ta nói vậy khi rời đi à?”, Oume bật cười. Tuy nhiên Yoshisaburo vẫn làm vẻ mặt khó đăm đăm.

Tokiko là cô gái trẻ của căn nhà trưng bảng hiệu “hàng tạp hóa và quân dụng” ở cách đây năm sáu căn. Nghe nói nàng đã tốt nghiệp trường cao đẳng nữ. Nơi tiệm của nàng ta lúc nào cũng có một hai người ngồi không phải là lính tráng thì cũng là sinh viên hay những người hàng xóm trẻ tuổi.

Tiệm đóng cửa rồi nên cậu hãy về đi”, Oume bảo Kinko.

Vẫn còn sớm”, bất chợt Yoshisaburo lên tiếng phản đối. Oume im lặng.

Yoshisaburo bắt đầu mài dao. Khi anh có thể ngồi đàng hoàng thì công việc có vẻ ổn thỏa hơn.

Oume mang ra chiếc áo bông, dỗ dành như đứa trẻ để anh chịu xỏ tay vào vào rồi an tâm ngồi ngay ngưỡng cửa nhìn Yoshisaburo chăm chú làm việc. Kinko ngồi ôm gối ngay chiếc ghế dành cho khách trước gương, cạo lên cạo xuống cẳng chân đã nhẵn nhụi.

Lúc đó thì cánh cửa bị kéo mạnh ra, một thanh niên lùn thấp chừng hai hai, hai ba tuổi bước vào. Hắn mặc cái áo kimono mới kết bằng chỉ đôi và mang guốc với dây quai siết chặt.

Tôi muốn sửa sang lại chút. Gấp lắm. Anh làm được không?”

Hắn ta nói vậy rồi đứng trước gương, cắn môi dưới, giơ cằm ra và lấy đầu ngón tay xoa xoa mạnh mẽ. Mặc dù hắn ta nói vẻ như dân thành phố nhưng điệu bộ lại cho thấy một kẻ quê mùa. Xem ngón tay với các khớp sưng lên và gương mặt nhiều lồi lõm có thể biết được hắn đã lao động nặng nhọc vào ban ngày.

Đi gọi cậu Kane. Nhanh đi”, Oume nhướng mắt ra lệnh.

Tôi làm cho…”

Nhưng hôm nay tay anh run như thế kia mà…”

Tôi sẽ làm”, Yoshisaburo lạnh lùng ngắt lời.

Hôm nay anh kỳ quặc thật”, Oume nói nhỏ.

Cái áo mặc khi làm việc đâu?”

Nếu chỉ cạo thôi thì đâu có dính tóc, sao anh không mặc vậy mà làm?”, Oume không muốn anh cởi chiếc áo bông.

Người thanh niên nhìn đôi vợ chồng với vẻ mặt ngạc nhiên rồi hỏi.

Ông chủ đang bệnh à?”

Hắn chớp đôi mắt nhỏ sâu như thể xoa dịu lấy lòng.

Vâng, có chút sốt nhẹ…”

Người ta nói dịch cúm đang hoành hành đấy. Ông phải cẩn thận mới được”

Cảm ơn”, Yoshisaburo đáp lời xã giao.

Khi Yoshisaburo choàng chiếc khăn trắng vào cổ, người thanh niên lại nói “chỉ cần làm qua loa thôi”. Rồi thêm “tôi đang vội đấy” và khẽ mỉm cười. Yoshisaburo yên lặng dùng cánh tay to lớn cạo mặt vị khách bằng lưỡi dao cạo mới mài xong.

Từ khoảng mười rưỡi đến mười một giờ rưỡi là tôi phải đi đấy”, hắn lại nói. Dường như muốn Yoshisaburo đáp lời.

Lập tức trong mắt Yoshisaburo hiện lên hình ảnh người con gái dơ bẩn chốn lầu xanh có giọng nói nghe qua không biết rõ là con trai hay gái. Rồi khi nghĩ đến kẻ thanh niên hạ đẳng này chuẩn bị đi tới đó thì cái quang cảnh gần như làm anh buồn nôn ấy cứ hiện lên trong tâm trí bạc nhược của anh. Nhúng xà bông vào chậu nước nóng mà giờ đã trở thành âm ấm, anh thoa đều từ gò má đến cằm. Trong khi đó, gã thanh niên liếc nhìn mặt mình trong gương với vẻ làm duyên làm dáng. Thiệt tình Yoshisaburo muốn chửi rủa cho tên này một trận ra trò.

Yoshisaburo dùng dao cạo lại một lần nữa từ nơi cổ họng trở lên nhưng lưỡi dao không như ý. Thêm phần nữa là tay anh run. Hơn nữa khi anh ngủ thì không sao nhưng khi thức dậy, cứ cúi người xuống là ngay lập tức nước mũi lại chảy ra. Thỉnh thoảng anh dùng tay cầm dao cạo lau qua đi nhưng nước mũi lại chảy ra đọng lại nơi đầu mũi làm anh ngứa ngáy.

Trong nhà vang lên tiếng trẻ con khóc nên Oume đã quay trở vào trong.

Ngay khi bị cạo bằng lưỡi dao cùn, vẻ mặt gã thanh niên kia vẫn bình thản. Có vẻ như gã không cảm thấy đau hay ngứa ngáy gì. Cái vẻ trâng tráo đần độn kia làm Yoshisaburo nổi giận. Mặc dù anh vẫn có lưỡi dao bén khác để sử dụng nhưng anh quyết định không đổi. Anh cảm thấy chẳng có gì quan trọng nữa. Nhưng rồi từ lúc nào anh nghiêm chỉnh trở lại. Cho dù chỉ có một chút nào nham nhám là thế nào anh cũng phải tỉ mẩn săm soi. Càng săm soi chăm chút anh càng cảm thấy giận dữ. Thân thể anh mệt mỏi rã rời. Khí lực anh cũng suy yếu. và dường như cơn sốt trở nên tệ hại hơn.

Người thanh niên lúc đầu còn tính bắt chuyện gì đó nhưng thấy sự khó chịu của Yoshisaburo nên sợ hãi im bặt. Và đến khi được cạo phần trán thì do cơn mệt mỏi của công việc nặng nhọc ban ngày, hắn bắt đầu chập chờn gà gật. Kinko cũng dựa vào cửa sổ và ngủ thiếp đi. Phía trong nhà giọng ru con cũng đã ngừng bặt. Đêm trở lại yên tĩnh. Chỉ còn nghe ra tiếng dao cạo.

Tâm trạng giận dữ và bất an giờ chuyển thành cảm giác muốn khóc. Cả thân thể và tâm trí anh đều mệt mỏi rã rời. Anh cảm thấy mắt mình tan chảy đi vì cơn sốt.

Sau khi cạo xong phần cổ họng đến gò má, cằm và trán, anh thấy chỗ nhược nơi cuống họng vẫn không được nhẵn như ý muốn. Là một người làm việc tỉ mỉ đến nơi đến chốn, anh cảm thấy mình muốn tước đi lớp da chỗ đó vậy. Khi nhìn thấy khuôn mặt của gã đó với những lỗ chân lông thô thiển tích đầy dầu nhờn thật tình trong thâm tâm anh đã cảm thấy như thế. Gã thanh niên từ lúc nào đã ngủ say sưa. Hắn ngẹo đầu về phía sau, há miệng mở lớn chẳng ra thể thống gì. Anh có thể nhìn thấy hàm răng chệch choạc dơ bẩn của hắn ta.

Yoshisaburo mệt đến nỗi không thể đứng hay ngồi được nữa. Anh cảm thấy các khớp xương mình như nhiễm độc. Anh muốn ném bỏ tất cả rồi cứ thế mà lăn mình đến chỗ kia. Thôi, đủ rồi đấy. Không biết anh đã dặn mình bao nhiêu lần. Thế nhưng anh vẫn cặm cụi làm theo thói quen.

.Lưỡi dao chợt vướng phải thứ gì đó. Cổ họng của gã kia giật lên một cái. Yosashiburo cảm thấy có thứ gì chạy dọc thân mình từ đầu đến tận ngón chân. Cái thứ đó đã lấy đi hết những mệt mỏi rã rời trong anh.

Vết cắt rất nhỏ. Anh chỉ đứng đó nhìn trân trối. Cái vết xước đó đầu tiên nhìn có màu trắng sữa rồi loang màu đỏ nhạt và máu lập tức ứa ra. Anh vẫn nhìn trân trối. Máu sẫm đen lại rồi tụ thành giọt nhỏ. Khi giọt đó tụ đến đỉnh điểm thì vỡ ra và chảy xuống thành vệt. Lúc đó trong anh trào lên một cảm giác vô cùng kích động.

Cho đến giờ Yoshisaburo chưa từng làm xước khuôn mặt của một vị khách nào. Cái cảm giác đó áp đảo anh với sự mạnh mẽ phi thường. Anh thở gấp. Như thể toàn thân thể và tâm trí anh bị hút vào vết thương kia. Bây giờ thì không làm gì được nữa rồi. Anh cầm lại lưỡi dao rồi ấn sâu vào cuống họng. Đến khi lưỡi dao gần như biến mất hoàn toàn. Gã thanh kia còn không hề cử động.

Một khoảnh khắc sau, máu phun ra thành vòi. Ngay lập tức, khuôn mặt gã thanh niên kia chuyển sang màu đất.

Yoshisaburo thả mình xuống chiếc ghế bên cạnh như thể thất thần ngất xỉu. Tất cả sự căng thẳng giãn ra, đồng thời cơn mệt mỏi cực độ quay trở lại. Đôi mắt khép mệt mỏi và cơn mệt rã rời khiến anh nhìn như một xác chết. Đêm cũng yên tĩnh như xác chết vậy. Tất cả mọi sự vận động đều dừng lại. Tất cả vạn vật chìm vào giấc ngủ sâu. Chỉ có tấm gương từ ba phía lạnh lùng chứng kiến quang cảnh đó.

Hoàng Long dịch từ nguyên tác Nhật ngữ

(Bài viết do dịch giả cung cấp độc quyền cho breadandrose.com )

Film studies Văn học & Điện ảnh Văn học Nhật Bản

The Warrior and the Wolf – LANG TAI KÝ (Phan Thu Vân dịch từ bản tiếng Trung)

https://www.youtube.com/watch?v=VjHRPCABYik

LANG TAI KÝ

(CHIẾN BINH VÀ SÓI)1

Tần Thủy Hoàng năm thứ ba mươi hai (năm 215 trước Công nguyên), tướng quân Mông Điềm dẫn ba mươi vạn đại quân đi thảo phạt Hung Nô ở phương bắc.

Đây là lần đối địch đầu tiên giữa nước Tần thống nhất được lãnh thổ Trung Quốc với dân tộc du mục phương bắc hùng mạnh. Mông Điềm tả xung hữu đột đánh phá quân Hung Nô ở khắp nơi, cuối cùng thu về được địa phận Ngạc Nhĩ Đa Tư ( tức vùng Ordos) thuộc khu vực Hà Sáo đã bị Hung Nô vượt rào chiếm giữ nhiều năm. Tại đây, Mông Điềm cho thiết lập chế độ quận huyện, tạo căn cứ ở Thượng quận (tức huyện Tuy Đức tỉnh Thiểm Tây), cai trị toàn bộ quân đội trấn giữ phòng thủ biên giới.

Tiếp đó, Mông Điềm phụ trách công trình xây dựng tu sửa Trường thành dài hàng vạn dặm từ quận Lâm Thao (huyện Lâm Chương tỉnh Cam Túc) đến quận Liêu Đông, đào núi lấp vực, sửa sang đường lớn, bố trí tinh binh ở những nơi xung yếu. Con trưởng của Tần Thủy Hoàng là Phù Tô làm giám quân tại Thượng quận, hiệp lực cùng Mông Điềm thảo phạt Hung Nô. Nhờ vậy, Hung Nô không còn dám biểu dương lực lượng xâm phạm biên giới nước Tần như trước nữa, mà chỉ có thể tiến hành những cuộc quấy rối đột kích ở quy mô nhỏ.

Năm ba mươi bảy (năm 210 trước Công Nguyên), Tần Thủy Hoàng chết, chính vào năm thứ sáu sau khi Mông Điềm thảo phạt Hung Nô. Tể tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao âm mưu lập con thứ của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi làm hoàng đế thứ hai của nhà Tần để dễ dàng nắm lấy quyền lực, bèn giả truyền thánh chỉ, ra lệnh trừ khử thái tử Phù Tô và tướng quân Mông Điềm. Phù Tô nhận được lệnh ban cho cái chết, bèn tự vẫn. Mông Điềm cũng uống thuốc độc chết ở Dương Chu. Chỉ bốn năm sau, Tần rơi vào thảm kịch mất nước, mà sự việc này chính là nguyên nhân khởi phát.

Sợ hãi trước ảnh hưởng nhân tâm sĩ khí từ việc thái tử Phù Tô và tướng quân Mông Điềm bị bức chết, những người biết chuyện đều giữ bí mật nghiêm ngặt với quân phòng thủ biên giới. Nhưng sau nửa năm, tin tức này truyền đến tai một bộ phận quân phòng thủ trường thành ở Ngạc Nhĩ Đa Tư gần Thượng quận nhất. Tin tức vừa truyền tới liền hóa thành hai con rồng lửa, một lướt về đông, một trườn sang tây, men theo trường thành uốn lượn không dứt, đưa tin đi một cách từ từ nhưng với vận tốc xác thực không đổi. Nó giống như ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt trên thảo nguyên, không ngừng lan ra rộng khắp.

Hỗn loạn dấy lên ở mọi nơi. Việc tướng quân Mông Điềm và thái tử Phù Tô tự sát đối với quan binh biên cương mà nói, còn lớn lao hơn, quan hệ trực tiếp đến vận mệnh hơn là việc Tần Thủy Hoàng băng hà. Đặc biệt những cảm xúc nhen nhóm trong quan binh từ việc Mông Điềm tướng quân tự tận thật là phức tạp. Không cần kể đến nhóm binh sĩ và nô dịch do những kẻ phạm tội hay vô lại trong thiên hạ hợp thành, chí ít đối với hàng ngàn hàng vạn quan binh lão thành mà nói, xa rời sự kính trọng hoặc tâm lý nể sợ đối với tướng quân Mông Điềm, thì không thể tưởng tượng được những ngày đêm chiến đấu với Hung Nô tại nơi dị vực sẽ ra sao. Đối với một số người, Mông Điềm là thần. Sự đối đãi công minh và từ ái với bộ hạ của ông; sự liêm khiết, dũng cảm, trung thành của ông chính là bùa hộ thân của họ trong cuộc chiến sinh tồn nơi biên cương phía bắc. Tuy nhiên, đối với một số khác, Mông Điềm lại là ác ma đáng nguyền rủa. Ông vì muốn lập công mà dù phơi thây vạn người cũng không tiếc, vì muốn thảo phạt quân địch mà không hề thương xót quân mình bị mặc kệ ngoài biên ải nhiều năm, vì muốn giữ tròn quân kỷ mà thành hà khắc, thường thẳng tay hy sinh mười mấy mạng binh sĩ để chấp hành một điều lệnh.

Có người vì cái chết của Mông Điềm mà bi thương, có người vì cái chết của Mông Điềm mà sinh ra cảm xúc mãnh liệt muốn trở về quê hương xa xôi. Thế nhưng, những hỗn loạn từ đó sản sinh chỉ là những hỗn loạn giản đơn ở mức độ tinh thần. Vũng xoáy của suy đoán và nghi hoặc ở các nơi đều không được biểu hiện bằng hình thức cụ thể nào. Vùng biên phòng của họ quá xa kinh thành, không cách chi hiểu tường tận chân tướng sự việc, mà lịch sử sẽ đi về đâu lại càng không sao đoán biết. Nếu phải chọn ra một ví dụ về ảnh hưởng trực tiếp của cái chết Mông Điềm đối với hành động của quân đội, thì phải kể đến cánh quân kém may mắn nhất trong toàn bộ đội quân Trường thành đang trấn giữ vùng biên cương xa xôi nhất tận chân dãy Âm Sơn.

Hôm ấy, Lục Trầm Khang dẫn một đội quân ngàn người đến đóng tại địa điểm cách trường thành năm trăm dặm về phía bắc, kết thúc hơn một tháng chiến tranh mòn mỏi với Hung Nô, cuối cùng cũng được nghỉ ngơi một ngày. Hung Nô đã chạy trốn, xung quanh không một bóng giặc, nhưng Lục Trầm Khang không muốn để quân đội dừng ở đây quá lâu, mà ngay sáng hôm sau phải tiếp tục tiến lên. Tuy hơn ai hết, chàng hiểu việc truy kích đường dài rất nguy hiểm, song nếu không tập kích và thiêu hủy cứ điểm của Hung Nô – một thôn trang trong núi cách hơn hai trăm dặm về phía bắc, thì lần chiến đấu này sẽ không kết thúc. Đây là mệnh lệnh của cấp trên giao phó, đồng thời cũng là cách duy nhất trừ tận gốc các cuộc tập kích quấy rối của quân Hung Nô vùng này. Thêm nữa, giờ đang lúc vào đầu đông, không biết ngày nào sẽ có tuyết lớn. Mọi việc cần giải quyết trước khi tuyết xuống.

Ngày hôm đó, Lục Trầm Khang tiếp đãi sứ giả đến từ đội của Trương An Lương. Họ là cánh quân lân cận, tuy cùng trấn giữ ngoài biên ải, nhưng lại đóng ở hậu phương cách đó rất xa. Sứ giả đưa đến ba trăm tấm da dê và rất nhiều thịt dê, cùng thư từ Trương An Lương. Nghe đâu để tìm cho được nơi đóng quân của cánh Lục Trầm Khang, sứ giả đã phải đi mất mười mấy ngày trên thảo nguyên ngập gió bấc đầu đông.

Trước mắt Lục Trầm Khang chợt hiện ra gương mặt người bạn lâu ngày không gặp, lòng chàng cảm thấy vô cùng nhung nhớ. Đối với cánh quân buộc lòng phải qua đông dưới chân dãy Âm Sơn, thì da dê và thịt dê là món quà vô cùng quý giá. Lục Trầm Khang mở tiệc rượu khoản đãi nồng hậu sứ giả trước doanh trại. Ngồi trên chiếu, chàng giở thư Trương An Lương ra đọc. Lục Trầm Khang dường như không sao tin được vào mắt mình, khi những hàng chữ trên thẻ tre đang nói với chàng về việc Mông Điềm tướng quân đã bị ban cho cái chết.

Đối với Lục Trầm Khang, Mông Điềm là một sự tồn tại tuyệt đối chân thực. Tần Thủy Hoàng năm hai mươi sáu, khi Mông Điềm tấn công nước Tề lập được đại công, Lục Trầm Khang giữ vị trí chủ chốt trong một đội quân nhỏ tham chiến. Từ đó tới nay, chàng luôn là chiến sĩ dưới trướng Mông Điềm. Từ năm ba mươi đến bốn mươi tuổi, mười năm của đời chàng đã qua đi giữa những cuộc chiến. Địa vị Lục Trầm Khang cố nhiên chưa thể đạt tới mức độ có thể bái yết tướng quân, nhưng duy nhất một lần chàng đã từng được tướng quân đích thân thăm hỏi. Đó là mùa thu năm Tần Thuỷ Hoàng thứ ba mươi ba, khi quân Tần chiếm Ngạc Nhĩ Đa Tư, tạo thành thế đối lập với quân Hung Nô qua Hoàng hà, chàng là thành viên của cánh quân tiên phong vượt sông, chiến đấu kịch liệt suốt ba ngày ba đêm, cuối cùng giữ được một cứ điểm ở bờ bên kia. Lúc ấy Mông Điềm vừa tới, muốn úy lạo đặc biệt tốp binh sĩ ít ỏi còn sót lại. Có thể vì tướng mạo khôi ngô uy dũng của Lục Trầm Khang gây chú ý, nên khi tướng quân nhìn đến, thì chỉ hỏi mình chàng tên là gì. Lục Trầm Khang đáp tên xong, Mông Điềm gật mạnh đầu, nói mỗi một câu: “Tên nhà ngươi là tên của một dũng sĩ.” Lục Trầm Khang thật khó quên sự cảm động của chàng lúc đó. Chàng vốn là một dũng sĩ, từ đó trở đi, lại càng dũng mãnh gấp bội, không ngừng tạo dựng được tiếng tăm. Lục Trầm Khang từng dẫn đầu toán quân trăm người, năm trăm người, ngàn người, thường được phái đến những nơi chiến đấu gian khổ nhất. Đương nhiên việc này chẳng liên quan gì đến tướng quân Mông Điềm, song Lục Trầm Khang luôn xem đó là mệnh lệnh từ Mông Điềm đưa xuống. Chỉ cần vì tướng quân Mông Điềm, thì chàng có thể không màng tới mạng sống, nhiệm vụ gian khổ đến đâu cũng sẵn sàng đảm đương.

Đối với một Lục Trầm Khang như vậy, thì việc tướng quân Mông Điềm bị ban cho cái chết oan ức là chuyện không tài nào lý giải nổi. Chàng sao có thể tin được. Bỗng chốc, chàng cảm thấy trời đất tối sầm, mặt đất rung chuyển.

Đêm đó Lục Trầm Khang thức trắng, suy đi tính lại rồi hạ quyết tâm: dừng cuộc chiến với Hung Nô, thu quân về nước. Chàng chẳng thấy việc giao chiến với Hung Nô còn chút ý nghĩa nào, cũng không tìm ra lý do để qua đông trên đất của quân địch. Tất cả đều vì sự tồn tại của Mông Điềm mà tồn tại, nhưng nay Mông Điềm không còn nữa. Chàng không hề suy nghĩ thiệt hơn về việc thu quân, có vì thế mà bị trừng phạt, hay bị xử tội chết cũng mặc. Đến tướng quân Mông Điềm còn vô duyên vô cớ bị khép vào tử tội, nữa là chàng chẳng qua chỉ giữ vị trí đội trưởng một cánh quân ngoài biên ải. Cái tấm thân nhẹ tựa lông hồng này có xảy ra chuyện gì cũng không đáng kể.

Lục Trầm Khang viết cho Trương An Lương một bức thư cảm tạ, lấy những lễ vật hôm trước vừa nhận được chất lại lên lưng ngựa, cho sứ giả đem về. Chàng phái trăm quân lính hộ tống sứ giả đến hơn trăm dặm đường.

Lục Trầm Khang đợi đám binh sĩ hộ tống sứ giả quay lại, rồi ngày thứ hai mới cho toàn quân biết quyết định về nước của mình. Binh sĩ đương nhiên không có ý kiến phản đối, chỉ là họ không ngờ rằng cuộc chiến đấu với Hung Nô ở biên cương lại có ngày kết thúc, nên mất một lúc lâu, họ mới hiểu được ý nghĩa chính xác của những lời Lục Trầm Khang nói. Họ dường như lúc đó mới ngộ được, hóa ra cái vận mệnh đen đủi cứ phải đi sâu vào vực thẳm khổ nạn không đáy của mỗi người cũng đến lúc được giải thoát.

Sáng ngày thứ ba sau khi sứ giả của Trương An Lương đi, Lục Trầm Khang dẫn quân rời khỏi doanh trại, tiến về hướng nam. Dự kiến khoảng bảy tám ngày sau sẽ đến bờ Hoàng hà, ngày thứ mười hoặc mười một sẽ tới Trường thành. Sau ba năm, quân của Lục Trầm Khang sẽ lại được nhìn thấy Trường thành.

Việc hành quân lúc đầu cực kỳ khó khăn. Binh sĩ luôn bị gió bấc đâm xuyên đến tận xương. Từ ngày thứ ba trở đi, gió bấc bắt đầu kẹp thêm hoa tuyết, những bông tuyết ướt nặng nề gieo xuống đầu của binh sĩ và chiến mã. Ngày thứ tư, sức gió giảm dần, nhưng tuyết lại không ngừng rơi, càng lúc càng lớn, lấp kín cả trời. Quân sĩ buộc phải vừa đi vừa dừng để xác định đường phía trước. Đối với một ngàn quân binh của Lục Trầm Khang, tuy đã từng đi lại nhiều lần, rất quen thuộc địa thế thảo nguyên, nhưng họ cũng hiểu rõ băng tuyết có khả năng chỉ trong một đêm khiến cả vùng thảo nguyên này trở nên hoàn toàn xa lạ và đáng sợ.

Hoàng hôn buông xuống, người chỉ huy chọn con đường bên phải tiến bước, đi đến dưới một khu đồi núi vô danh, thấp thoáng có bóng thôn làng với những căn nhà bằng đất của tộc người Thiết Lặc2.

Vẫn còn hơn nửa ngày đường nữa mới tới được bộ lạc nơi có thể đóng quân tá túc theo dự kiến. Nếu miễn cưỡng tiếp tục đi, chỉ khiến quân sĩ thêm nhiều vết thương do đông cứng khắp người, thậm chí có nguy cơ bị bão tuyết cuốn. Vì vậy, Lục Trầm Khang quyết định vào thôn của tộc Thiết Lặc đợi đến khi tuyết lặng trời quang.

Tất nhiên, chàng chưa bao giờ vào thôn của người Thiết Lặc, thậm chí đây là lần đầu tiên chàng đến gần họ. Tộc Thiết Lặc bị coi là dân tộc đặc biệt, vai vế thấp nhất trong số các bộ tộc rải rác khắp thảo nguyên. Họ hoàn toàn không liên hệ gì với các tộc người khác. Nam giới làm nghề chăn nuôi, nữ giới làm nghề trồng trọt, cuộc sống của họ rất thấp kém bần cùng. Tất cả nam giới đều xăm hoa văn ở khóe miệng, còn nữ giới buộc mái tóc màu nâu lại thành một lọn đuôi ngựa thõng dài sau lưng. Trên người họ có một mùi hôi thối đặc trưng, các tộc người khác cho đó là sự xú uế nên tỏ ý ghét bỏ.

Lục Trầm Khang phái bộ hạ đi làm quen và thương lượng với tộc Thiết Lặc, đề nghị họ nhường ra cho quân đội năm mươi gian nhà đất. Năm mươi gian nhà đất chứa đạo quân một ngàn người vốn cũng chẳng thoải mái, song nếu yêu cầu nhiều hơn, sẽ bức tộc Thiết Lặc phải ra ở ngoài trời, trên mặt đất băng giá. Đối với binh sĩ, chỉ cần năm mươi gian nhà đều có mái để chắn gió che tuyết, thì cũng đã là món quà quý giá vô cùng.

Mặt khác, đối với người tộc Thiết Lặc, nhường ra năm mươi căn nhà, cũng là yêu cầu có thể chấp nhận được. Nơi đây vốn là một thôn làng chừng trăm hộ, lần này chỉ trưng dụng một nửa. Năm mươi hộ bị quân đội chiếm dụng nhà ở, nếu có thể được năm mươi hộ còn lại tiếp nhận, sẽ không gặp khó khăn gì lớn.

Quân đội dừng lại trước cổng thôn chừng nửa giờ, xếp sẵn đội hình tiến vào những ngôi nhà đang bị tuyết vùi mất một nửa. Năm người đàn ông trong thôn hướng dẫn mỗi hàng binh sĩ tiến vào một gian nhà trống. Có gian nhà chỉ vài người ở, cũng có gian dồn đến hơn ba mươi người. Đội ngũ được rút ngắn dần, chậm rãi di chuyển về phía trước men theo khu đồi trông như cái màn thầu khổng lồ màu trắng. Cả khu đồi không một cái cây nào vươn được cành lên khỏi tuyết.

Lục Trầm Khang đợi toàn bộ quân sĩ đã an vị trong năm mươi gian nhà đất rồi mới tiến vào một căn được phân riêng cho chàng. Dù căn nhà hoàn toàn bị tuyết che lấp, song từ đám củi chất trong lò ở phòng chính của ngôi nhà vẫn đang có khói bay lên, chứng tỏ chủ nhân rời khỏi chưa lâu. Bên phải căn phòng chính là một phòng nhỏ hẹp, trên đất phủ kín cỏ lau khô dày dặn, nhìn qua biết ngay phòng ngủ của chủ nhân. Nhưng Lục Trầm Khang không hề bước vào căn phòng này. Ở đó nồng nặc một mùi kỳ quái, chắc chính là mùi hôi khiến người của các bộ tộc khác chán ghét và gọi là “xác thối”. Một binh sĩ bước vào, nhóm lửa trong lò. Đợi binh sĩ đi ra, chàng bắc một chiếc ghế gỗ thô sơ và ngồi xuống bên bếp lửa. Chàng định ngồi mãi thế cho tới khi trời sáng. Khoảng nửa canh giờ sau, hai binh sĩ đưa cơm tối đến, rồi lập tức rút lui. Thứ được đem tới là một chiếc màn thầu và một bát canh đầy váng mỡ dê. Mắt vẫn nhìn lò lửa không chớp mắt, tay chàng lặng lẽ đưa thức ăn lên miệng.

Từ sau khi biết tin Mông Điềm chết, Lục Trầm Khang không hề nói chuyện với thuộc hạ. Bây giờ đã kết thúc cuộc chiến, chẳng còn việc gì cần phải bàn bạc hay thương lượng với họ nữa. Các thuộc hạ đều hiểu tốt nhất đừng chủ động đến gần đội trưởng lúc không vui. Lục Trầm Khang từng bắt tù binh Hung Nô đứng trước mặt mình, không nói lời nào mà chém cánh tay từng tù nhân đứt ra từng đoạn một. Cảnh tượng này cho dù đã chứng kiến vài chục lần vẫn khiến người ta không dám nhìn. Họ đều biết vị chỉ huy lúc này rất đáng sợ. Tuy chàng đối với binh sĩ tỏ ra nhân từ hơn bất kỳ vị đội trưởng nào, nhưng mọi người đều vẫn vì cảnh tàn sát tù binh Hung Nô mà không thể trừ bỏ tâm lý sợ hãi đối với chàng.

Ăn xong bữa cơm đạm bạc, chàng vẫn giữ tư thế nghiêng người về trước đăm đắm nhìn ngọn lửa. Không biết vì sao, trong mắt người binh sĩ đến dọn bát đũa, người đội trưởng bỗng dưng trong chốc lát già hẳn so với tuổi thực bốn mươi của chàng. Thực ra, nét mặt Lục Trầm Khang không thay đổi, nhưng người chàng đổ về trước, mắt dính lấy ngọn lửa, trong tim trào dâng những cơn sóng càng lúc càng mãnh liệt. Chàng dùng tư thế này để cố gắng kiềm chế những ý niệm cuồng bạo tuyệt vọng không sao chế ngự được, sản sinh ra từ cái chết của Mông Điềm. Gió lạnh cuộn hoa tuyết chốc chốc lại thổi vào qua khe cửa chính. Mỗi lần như vậy, bên lò sưởi lại phủ thêm một lớp tuyết, nhưng chàng hoàn toàn không để ý.

Lục Trầm Khang ngồi ngủ gục. Có một luồng khí lạnh ập tới sau lưng, chàng mở mắt, chất thêm củi vào lửa. Củi và cỏ khô đều ẩm ướt, không dễ cháy, nhưng hun đốt một lúc, trong lò cũng rực lên được một ngọn lửa hồng. Chàng lại nhắm mắt, rồi khí lạnh lại khiến chàng tỉnh giấc. Nhiều lần như vậy, chợt chàng đứng thẳng dậy, nghiêm giọng hỏi: “Ai?”

Chàng cảm thấy bên cạnh có tiếng động, không giống với tiếng gió. Chàng ngồi bên lò cẩn thận lắng nghe một lúc, rồi tay cầm ngọn giáo dài, mở cánh cửa kho phía đối diện phòng ngủ, bên trong chất đầy lau sậy khô và các thứ bỏ đi. Lục Trầm Khang dùng ngọn giáo gạt lớp cỏ lau khô gần cửa, thấy lộ ra một nắp ván, bèn dùng phần đầu ngọn giáo đâm vào, quát lớn: “Ra đây!”

Quả nhiên, trong hầm có tiếng động vọng ra. Lát sau, nắp ván che dưới đất bị đẩy lên. Người chỉ huy vẫn cầm giáo nín thở nhìn chăm chú. Từ trong hầm chui ra một người, nhìn không đoán được bao nhiêu tuổi, nhưng là một phụ nữ. Chàng bèn bước thẳng đến, nắm áo nàng lôi tới đứng bên bếp lửa. Không ngờ chàng còn chưa mở miệng, người đàn bà đã cất lời trước.

_ Ta đã chết rồi, ngươi còn muốn giết ta lần nữa sao? – Người đàn bà nói bằng một giọng địa phương nặng trịch.

_ Sao ngươi phải trốn? – Lục Trầm Khang hỏi.

_ Ta không phải trốn, mà là không muốn rời khỏi căn nhà này. Chồng ta vừa qua đời mùa thu năm nay. Hồn của chồng ta yên giấc nơi đây, ta không thể ngủ ở bất kỳ nơi nào khác.

Nàng tiếp tục nói:

_ Chồng ta chết mùa thu năm nay. Ta tuy vẫn đang thở, nhưng sống chẳng qua chỉ là cái xác, người thực ra đã chết rồi. Tim của ta không còn có thể vui vì bất kỳ điều gì, cũng không buồn vì bất kỳ điều gì. Ta đã là người chết. Ngươi muốn giết ta lần nữa sao?

Ánh lửa trong lò yếu ớt soi sáng nửa mặt nàng. Xem ra nàng còn trẻ, chắc chắn chưa quá hai mươi mấy tuổi. Trong mắt nàng đầy ánh nhìn nghi kỵ sắc bén đặc trưng của những người đàn bà của bộ tộc này.

_ Ngươi nói ngươi là người chết? Vậy thì ta cũng là người chết. Không vui vì bất kỳ điều gì, cũng không buồn vì bất kỳ điều gì. – Lục Trầm Khang như bị cuốn theo nàng, lẩm bẩm nói theo, rồi chàng cao giọng – Ta không quan tâm đến người chết vô dụng. Về phòng ngủ của ngươi đi!

Người đàn bà hất tóc ra sau lưng, quật cường ngẩng cao đầu như phản kháng:

_ Ta phải đi ra, không ở đây.

_ Ngươi muốn đi đâu?

_ Còn phải hỏi? Tất nhiên là đi ra ngoài.

_ Ra ngoài, có nghĩa là gì, ngươi biết không?

Chàng nhìn ra cửa, bên ngoài tuyết rơi dày đặc. Trong đêm khuya, ra ngoài giữa trời mưa tuyết, chỉ có nghĩa là chết.

_ Ta đã nói, ta là người chết. Tại sao phải sợ chết?

Nàng nói rồi, lập tức quay người hướng về phía cửa đi ra. Lục Trầm Khang nắm lấy áo nàng kéo lại:

_ Ta tha cho ngươi. Mau về phòng đi.

Người đàn bà lạnh lùng ngẩng cao đầu, đáp:

_ Ta không thích ngủ dưới mái nhà cùng một người đàn ông nào ngoài chồng mình. Giờ chỉ còn một cách, hoặc ta đi ra, hoặc ngươi đi ra.

Chàng quắc mắt nhìn nàng. Bỗng nhiên, hoàn toàn không ngờ được, lúc này chàng lại có cảm giác người trước mặt đang khiêu khích chàng. Người chỉ huy một thời gian dài quên bẵng mất đàn bà bỗng như tỉnh ra, nhìn trân trối gương mặt phụ nữ trẻ đang đứng trước mình. Chàng đến gần nàng, lần thứ ba nắm lấy áo nàng, lần này muốn lôi nàng vào phòng ngủ. Nàng chống trả quyết liệt, nhưng khi đã bị ném xuống lớp cỏ lau khô trong phòng, thì dường như chấp nhận số phận, từ đó trở đi nằm như một xác chết không chút phản ứng, mặc Lục Trầm Khang muốn làm gì thì làm.

Khi chàng giật mình tỉnh lại, thấy bản thân đang nằm giữa căn phòng hôi nồng nặc, trong lòng chàng là thân thể một người đàn bà bốc mùi tanh tưởi. Gió lạnh ập vào, nhưng chỉ cần ôm nàng, thì không hề cảm thấy lạnh. Nàng đã thiếp đi, thân thể nàng nóng như một ngọn lửa.

Chàng nhỏm dậy đi lấy cây đao ở phòng ngoài vào cắm xuống đám lau sậy khô bên gối, rồi lại ôm lấy nàng. Lòng chàng nghĩ, nếu có người vào đây, lập tức phải giết ngay, ai nhìn thấy chàng đang ôm đàn bà tộc Thiết Lặc đều phải chết.

Nàng tỉnh giấc, lại ra sức phản kháng. Khi nàng ngừng phản kháng để thuận theo chàng, thì vẫn cứ trợn trừng đôi mắt lạnh lẽo, thân thể cứng đơ như người đã chết.

Trời sáng bạch, Lục Trầm Khang tra đao vào vỏ, dẫn người đàn bà đến trước cái hầm mà nàng từng trốn, đẩy nàng chui vào.

Ngày hôm ấy, tuyết vẫn không ngừng rơi ào ạt. Chàng tiếp tục ngồi bên bếp lò, cứ thế đến hết ngày. Chàng đưa nửa phần cơm canh của mình vào hầm cho người đàn bà. Nàng lặng lẽ nhận lấy. Màn đêm ập xuống, chàng biết lúc này binh sĩ không còn đến chỗ mình nữa, bèn lôi nàng từ trong hầm ra, kéo vào phòng ngủ trải cỏ lau. Đêm đó, chàng vẫn rút đao cắm bên gối, rồi rúc vào thân thể người đàn bà ấm áp lạ thường kia, chìm vào giấc ngủ.

Ngày thứ ba, ngày thứ tư, quân đội đều không thể rời thôn của tộc Thiết Lặc để đi tiếp. Tuyết dù đã lúc rơi lúc không, nhưng trời vẫn âm u. Lục Trầm Khang đêm nào cũng ngủ cùng người đàn bà và dùng thanh đao đã rút ra khỏi vỏ để bảo vệ hành động của mình. Chàng tuy ôm nàng trong tay, nhưng vẫn nhạy cảm với từng âm thanh nhỏ nhất. Chàng nghĩ thầm, chỉ cần có người bước vào căn phòng này thấy điều chàng đang làm, thì dù là binh sĩ hay đội trưởng, đều phải lập tức giết ngay.

Ban ngày ngồi một mình bên bếp lửa, chàng thường dùng mũi ngửi tay, sợ mùi thân thể tanh hôi của người đàn bà lây sang mình. Nhưng đến đêm, chàng lại không thể không tiếp tục quấn chặt lấy tấm thân đầy mùi “xác thối” của nàng, dưới sự bảo vệ của cây đại đao.

Đêm thứ năm, nàng mới lần đầu mở miệng nói chuyện trở lại:

_ Sao ngươi lại dựng cây đao bên cạnh gối?

_ Nếu có người thấy chúng ta ngủ chung, ta sẽ giết chết ngay. – Chàng đáp.

_ Vì sao? – Nàng lại hỏi.

Lục Trầm Khang không trả lời. Người đàn bà nói:

_ Ta không ép ngươi nói ra lý do, nhưng ta hiểu ngươi cho rằng việc quan hệ giữa chúng ta là đáng xấu hổ. Thực ra ta cũng cảm thấy thế. Người của bộ tộc chúng ta, nếu phát sinh quan hệ với người ngoại tộc, chẳng thà chết đi còn hơn. Ta cũng muốn dùng đao để bảo vệ sự xấu hổ của mình. Nếu có người vào phòng này, ta sẽ cầm đao giết hắn trước ngươi.

Nàng vẫn nhìn chàng bằng ánh mắt lạnh lùng đầy thù hận. Nhưng bấy giờ, chàng lần đầu tiên nảy sinh một cảm giác giống như tình yêu với người đàn bà có thân thể đầy mùi xác thối. Lục Trầm Khang chưa từng lấy vợ, vì vậy chàng nghĩ, cái cảm giác người vợ đem lại cho chồng, chắc cũng giống như thế này.

Ngày thứ sáu, đợt tuyết dai dẳng cuối cùng cũng dứt. Theo lý mà nói, chỉ huy nên ra lệnh cho binh sĩ xuất phát, nhưng chàng lại kéo dài thêm một ngày. Đêm đó, chàng ôm người đàn bà, lòng dâng lên một tình cảm quyến luyến khó dứt ra được. Nàng để chàng âu yếm hồi lâu, mới nói bằng một giọng lặng lẽ:

_ Việc của chúng ta phải kết thúc đêm nay. Ngày mai xin chàng rời khỏi thôn này, tiếp tục lên đường.

_ Dù nàng không bảo, ta cũng phải làm như vậy. Trừ tuyết lớn, chẳng gì có thể ngăn trở bước tiến của quân sĩ, nhưng tuyết đã ngừng rồi.

Lục Trầm Khang đáp xong, người đàn bà tiếp lời chàng:

_ Chỉ có tuyết mới ngăn trở được bước tiến của quân sĩ thôi sao? Nếu ta muốn, thì giữ chàng bao lâu cũng được. Nhưng ta không thể làm vậy.

Nàng nói rồi bật khóc to, khóc mãi không nín, đến nỗi Lục Trầm Khang nghĩ không biết nàng bị làm sao. Nàng khóc đến khi dường như cạn cả nước mắt, mới nói:

_ Ta không ngăn chàng đi, vì không nỡ nhìn chàng biến thành dã thú. Trong bộ tộc chúng ta từ xa xưa đã có truyền thuyết, nếu ai ăn nằm với người ngoại tộc như vợ chồng bảy lần sẽ biến thành dã thú. Đêm nay là đêm thứ sáu, nếu chàng còn ở thêm một ngày, chàng và ta đều sẽ biến thành thú.

Lời nàng nói khiến Lục Trầm Khang vô cùng kinh ngạc. Chàng không hề kinh ngạc vì mình sẽ biến thành dã thú, mà vì từ lời nói của nàng có thể cảm nhận được tình yêu của nàng dành cho mình. Đêm này, không giống những đêm trước, chàng cảm nhận được tình cảm nồng ấm từ mỗi cử động trên thân thể của nàng.

_ Nàng nói biến thành thú dữ, vậy thì, chúng ta sẽ biến thành loại thú dữ nào? – Lục Trầm Khang hỏi.

Người đàn bà đáp:

_ Chúng ta ngoài việc biến thành sói, còn biến được thành gì khác? Chúng ta luôn một mực nghĩ tới việc dùng đao để bảo vệ hành vi chăn gối của mình, nếu quả thật có người bước vào nhìn thấy, chắc chàng và ta đều lao vào đối phương. Nghe nói sói cũng như vậy, khi thư hùng giao phối, nếu bị bắt gặp, không cần biết đối phương là động vật nào, đều sẽ lao đến tập kích, hoặc ngày đêm săn đuổi, phải cắn chết đối phương rồi mới chịu thôi. Chàng có thể muốn chúng ta biến thành loài vật khác, nhưng chúng ta chỉ có thể biến thành sói, vì tim chúng ta đã sớm biến thành tim sói mất rồi.

Trời chưa sáng, người đàn bà đã rời Lục Trầm Khang, quay về hầm dưới đất. Trước đó, nàng dặn chàng lúc ra đi đừng gọi nàng. Chàng đồng ý. Chàng cũng cảm thấy thế là thỏa đáng nhất.

Hôm sau, quân đội rời khỏi thôn làng Thiết Lặc bẩn thỉu nghèo đói mà họ đã trú ngụ sáu ngày liền. Trời đã lặng gió và ngừng tuyết. Lục Trầm Khang cưỡi ngựa dẫn đầu đoàn quân thẳng tiến. Kỵ binh với bộ binh xen kẽ nhau, hành quân trên thảo nguyên đầy tuyết sáng bóng và cứng như chất men ngọc trắng.

Khi đoàn quân đi xa khỏi thôn tộc Thiết Lặc được khoảng hai mươi dặm, bỗng dưng ngừng lại. Trên thảo nguyên đầy tuyết xảy ra một việc khác thường, ở xa xa phía bên phải của cánh quân, tuyết bị cuộn thành một trụ tròn bay vút lên trời, lên đến tầng không lại đổ ụp xuống như núi lở về phía quân sĩ. Chiến mã nhảy dựng lên, hí vang, muốn vùng bỏ chạy.

Phụ tá họ Lý lúc nào cũng đi cạnh đội trưởng, bèn áp sát ngựa của mình vào cạnh ngựa của chàng, nói lớn trong đám tuyết đang đổ ào ạt:

_ Tôi nghe phía xa có tiếng sói tru. – Đối với họ Lý, sự tập kích của đàn sói còn nghiêm trọng hơn gió xoáy.

Hai người lập tức quất ngựa rời nhau ra. Lục Trầm Khang vừa quan sát trạng thái hỗn loạn của đội ngũ, vừa lắng tai nghe. Chàng muốn kiểm chứng việc có phải có tiếng sói tru hay không. Trong chớp mắt, mấy đợt gió xoáy liên tiếp cuộn tuyết lên chín tầng mây, rồi rót xuống như thác đổ. Toàn thân phủ đầy tuyết, Lục Trầm Khang giục ngựa tuần tra. Chàng bỗng nghe thấy thanh âm thê thiết, nhưng truyền đến tai chàng không phải tiếng tru của sói, mà là tiếng khóc lóc bi thương của người đàn bà tộc Thiết Lặc.

_ Sói! Nghe thấy tiếng sói rồi. – Không phải phụ tá Lý đang nói. Đó là tiếng kêu thất thanh của các thuộc hạ khác.

Chàng nghiêng tai lắng nghe. Thanh âm vẳng đến đâu đó từ bầu trời xám đầy tuyết bay, vẫn là tiếng khóc than như xé ruột của người đàn bà.

Sau khi mọi việc trở lại bình thường, đội quân lại chỉnh đốn hàng ngũ xuất phát. Lục Trầm Khang đã nghe tiếng khóc của người đàn bà suốt một ngày trời. Âm thanh ấy cứ quấn quít bên tai, chẳng cách nào thoát được.

Đến đêm, người chỉ huy đưa quân vào một thôn làng, đóng quân tại đó, rồi hạ lệnh cho một phụ tá: Sức khỏe chàng không tốt, phải lập tức nghỉ ngơi, bất kỳ ai cũng không được đến làm phiền. Đêm đã khuya, chàng dẫn chiến mã ra, nhảy lên mình ngựa, nhắm thẳng hướng thôn làng tộc Thiết Lặc vừa rời khỏi lúc sáng sớm. Chàng quất ngựa không ngừng trên thảo nguyên đầy tuyết bao la đang tràn ngập ánh trăng xanh. Vì vô cùng nhớ nhung người đàn bà Thiết Lặc, nên chàng muốn gặp nàng lần nữa, và phải quay về nơi đóng quân trước khi trời sáng. Doanh trại cách thôn làng Thiết Lặc không xa, xem ra hoàn toàn có thể kịp.

Người chỉ huy nhẹ nhàng tiến vào thôn làng Thiết Lặc tối tăm đang im phăng phắc. Chàng dừng lại căn nhà đất đã trú ngụ suốt sáu đêm, cột ngựa vào thân cây ở phía sau, vội vàng chạy đến trước cửa. Trong nhà có ánh đèn. Lục Trầm Khang ở đây sáu đêm liền chưa bao giờ thấy ánh đèn, vì vậy lúc này chàng bỗng cảm thấy toàn bộ căn nhà dường như có chút không giống trước kia.

Vừa đẩy cửa, bóng người phụ nữ quỳ bên bếp lửa lập tức lọt vào tầm mắt chàng. Chàng gọi một tiếng, người đàn bà dường như bị giật mình, quay đầu lại nhìn chàng không chớp.

_ Ta vốn hy vọng chàng đừng quay lại, nên lúc nào cũng cầu nguyện với trời. Thế nhưng không ngờ, chàng vẫn quay trở lại.

Người đàn bà nói bằng giọng lặng lẽ đầy cảm khái, rồi nàng đứng dậy nhào vào lòng chàng, dùng tay đập nhẹ trên ngực chàng biểu lộ sự âu yếm.

_ Ta vốn vì chồng mà trở thành người chết, nhưng do nhân duyên đã định, nay ta muốn sống vì chàng, dù có phải biến thành dã thú cũng hy vọng được tiếp tục sống.

Người đàn bà nói xong, lần đầu tiên chủ động đưa chàng vào phòng ngủ.

Lục Trầm Khang cắm đao xuống sàn bên gối như những lần trước. Thân thể người đàn bà vẫn tỏa ra mùi hôi thối, nhưng lúc này chàng hoàn toàn không để ý. Chàng chỉ cảm nhận tình thương yêu dào dạt đối với người đàn bà đã yêu mình, vừa ngắm nhìn say đắm gương mặt lần đầu tiên hiện rõ dưới ánh đèn khi mờ khi tỏ, vừa ghì chặt lấy nàng vào lòng.

Mờ sáng, chàng tỉnh lại. Đèn đã tắt, song vẫn thấy rõ thanh đao bên gối đang ánh lên sắc lạnh của những tia nắng sớm trăng trắng của buổi bình minh. Chàng biết mình đã ngủ quên, nghĩ đến quân sĩ, bèn lập tức muốn ngồi dậy, nhưng cảm thấy động tác cơ thể hôm nay không giống trước nữa. Chàng dậy rồi, chuẩn bị động tác rút đao, vừa nghiêng mặt qua một bên, tay còn chưa vươn ra, thì trong một thoáng, phát hiện miệng mình đã ngoạm lấy thanh đao.

Chàng lướt mắt qua thân thể mình, chỉ thấy từ tay, chân cho đến khắp người đều phủ một lớp lông màu vàng đen. Bấy giờ chàng mới biết mình đã biến thành một con sói. Chàng lại nhìn thân thể người đàn bà nằm bên cạnh. Người đàn bà cũng không còn như đêm qua nữa. Nàng đã biến thành một con sói cái.

Người đàn bà vươn thẳng chân trước chân sau, rồi mở mắt, bật dậy. Nàng chẳng qua chỉ là bên ngoài hóa sói, chứ chàng cảm thấy dáng dấp thần thái của con sói cái này chẳng khác gì người đàn bà lúc trước cả.

_ Nàng có biết nàng đã biến thành sói rồi không? – Lục Trầm Khang hỏi.

_ Biết. Ta nửa đêm tỉnh giấc đã phát hiện ra rồi. Khi ấy giật cả mình, nhưng giờ ta không than thở, cũng không buồn bã, vì có buồn bã than thở thế nào cũng đâu cứu vãn nổi. – Nàng đáp.

Đối với chàng, vấn đề không hề đơn giản giống như nàng nói. Nhưng dù sao cũng đã thành sói rồi, thì lại đúng như nàng nói, chẳng còn cách nào nữa.

Lục Trầm Khang rời căn nhà đất. Chàng không biết vì sao mình rời căn nhà, song rất nhanh lập tức hiểu ra mình muốn đi săn. Người đàn bà cũng đi theo. Khi ra đến vùng đất phủ đầy tuyết, ngoảnh đầu nhìn con sói cái chạy phía sau mình, lần đầu tiên chàng mới cảm thấy mình thực đã yêu nàng bằng trái tim của sói. Vì người mình yêu, để bảo vệ nàng khỏi bất cứ kẻ nào xâm phạm, đôi mắt sáng rực của chàng không ngừng cảnh giác hướng ra đến tận cùng bao la của thảo nguyên tuyết trắng.

Hán Cao Tổ năm thứ bảy (năm 200 trước Công Nguyên), tức sáu năm sau khi nhà Tần sụp đổ, chuyện Lục Trầm Khang mất tích trong quân đội đã qua năm thứ mười. Thời đại đã từ Tần chuyển sang Hán, nhưng Trương An Lương đã từng tặng cho Lục Trầm Khang da thú và thịt dê thì vẫn là một đội trưởng quân trấn giữ Trường thành ở ngoài biên ải. Cuối Tần nội loạn, trung thổ phân năm xẻ bảy, rất nhiều quân sĩ giữ Trường thành đào ngũ hoặc mất tích, song suốt thời gian này, Trương An Lương lại chưa từng rời bỏ cương vị của mình. Vì vậy, tuy giờ thiên hạ đã thuộc về Hán Cao Tổ, nhưng vô hình trung lại tiếp nhận toàn bộ hình thức từ triều đại trước, nên ông vẫn được giữ vị trí giống như ông đã giữ dưới thời nhà Tần.

Hôm đó Trương An Lương đi bái yết võ tướng mới đến nhậm chức thống lĩnh đội quân trấn thủ Trường thành của khu vực, đem theo ba binh sĩ rời điểm đóng quân, dấn bước vào hành trình dài bốn ngày ba đêm. Hai ba năm trước Hung Nô đã rút xa về phía bắc, nên vùng này đã thoát khỏi sự uy hiếp của Hung Nô.

Ngày đầu tiên, họ hạ trại qua đêm bên cạnh một ao đầm nơi hoang vu. Chính vào đầu hè, ban ngày mặt đất bị nung bỏng cháy, nhưng đến đêm, nhiệt độ nhanh chóng giảm xuống, giống như tiết đông giá rét. Dù vậy, lúc này vẫn là mùa đẹp nhất trên vùng đất nơi đây.

Trong lều, Trương An Lương đang chuẩn bị ngủ, chợt một bộ hạ từ ngoài chạy vào báo, có hai con sói đang đùa giỡn trên gò núi gần đó. Trương An Lương và hai binh sĩ khác lập tức chạy ra khỏi trướng. Ánh trăng như nước, khiến mặt đất loang loáng thành một vùng sáng xanh. Họ quả nhiên nhìn thấy trên ngọn đồi phía bên phải không xa, có hai con sói đang vờn nhau. Không nghi ngờ gì, chúng đang giao hoan, nhưng trên thảo nguyên không chút che đậy, lại thêm ánh trăng xanh chiếu rọi, khiến cảnh tượng ấy làm người ta cảm thấy vô cùng kinh hãi. Một binh sĩ dùng tên nhắm thẳng vào con sói và bắn. Tên rơi trên sườn núi, hai con sói phút chốc dạt ra hai phía chuồn mất.

Mờ sáng hôm sau, Trương An Lương đang an giấc trong trướng thì bị một tiếng thét dị thường đánh thức. Ông vội chạy ra khỏi lều, thấy binh sĩ phụ trách nấu cơm ngã gục trước lều, đã tắt thở. Thịt trên người anh ta bị xé thành từng mảnh, cổ họng và một bên bụng bị cắn nát bét không ai dám nhìn. Trông biết ngay là bị sói tập kích.

Trương An Lương mất một trong ba bộ hạ, đành dắt ngựa của binh sĩ vừa chết đến ngay thôn trang lân cận, nói rõ cho người dân biết vị trí thi thể của người bị tập kích, nhờ họ mai táng. Xong việc, ông và hai binh sĩ lập tức rời thôn.

Không ngờ, ngay đêm đó tại nơi nghỉ trên đồi, ba người lại gặp cùng một tai nạn cũ. Lần này là giữa đêm, một binh sĩ ra ngoài lều để tiểu tiện, một đi không trở lại. Trương An Lương sáng sớm hôm sau phát hiện binh sĩ đã mất tích, tìm kiếm một hồi xung quanh vẫn bặt tăm, chỉ thấy trong đám cỏ toàn những vụn thịt người.

Do sự việc xảy ra ngày thứ hai, Trương An Lương và binh sĩ còn lại biết mình đã bị sói theo sát, sợ hãi nổi hết gai ốc. Lần này hai người đến một thôn làng cách đó khoảng nửa ngày đường, xin họ giúp tìm kiếm binh sĩ mất tích, rồi lại xuất phát.

Ngày thứ ba, hai người quyết định không dựng lều ngoài hoang địa nữa mà vào trong thôn của bộ lạc tìm chỗ tá túc, nên cưỡi ngựa đi suốt một ngày trời. Giữa trưa và gần tối, họ hai lần nghe thấy tiếng sói hú xa xa. Tối đó vừa vào trong thôn, binh sĩ kia đã lên cơn sốt không dậy được, chắc do bị sói dọa phát ốm.

Ngày thứ tư, Trương An Lương một mình cưỡi ngựa tiến bước, dự tính nửa đêm sẽ tới được đích đến là một thôn làng ven Trường thành. Trương An Lương là người to gan lớn mật, không hề sợ sói tấn công. Thế nhưng, việc không đem theo một binh một tốt nào đến tổng doanh trong tình cảnh thế này, quả thật khiến ông rất đau đầu.

Lúc hoàng hôn, ông dừng nơi chân núi phủ đầy nham thạch, cho con ngựa đã phải rong ruổi suốt ngày trời chưa được dừng chân nghỉ ngơi chốc lát. Khi ông xuống ngựa ngồi nghỉ trên mặt đất, bỗng nghe thấy cách đó không xa truyền lại tiếng sói tru. Vì những sự việc xảy ra liên tiếp gần đây, Trương An Lương lập tức đứng dậy, chú ý quan sát xung quanh. Trên thảo nguyên, những ngọn đồi nhấp nhô như gợn sóng, mặt trời đỏ như máu đang sắp xuống núi. Phóng mắt nhìn đến chân trời, dù là núi đồi, đồng cỏ, hay cây cối đều bị nhuộm thành một màu đỏ ối.

Ông ngồi xuống. Lúc này tiếng sói lại như từ xa hơn vọng tới, thanh âm kéo thật dài, khiến người ra rợn hết tóc gáy. Ông lại bật dậy, thấy trên vùng đất cao bỗng nhiên xuất hiện một con sói. Nó kéo cái đuôi dài quét đất, xuyên xéo qua vùng đồi cao, nấp sau những khối nham thạch, hướng về phía ông quan sát. Sói há to mồm, cái lưỡi dài và mảnh hơi rung rung.

Trương An Lương rút dao, chuẩn bị đợi nó đến gần sẽ đâm ngay một phát kết liễu. Ông không tỏ ra yếu thế trước đối thủ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào con dã thú dũng mãnh.

Không biết qua bao lâu, ông bỗng thấy con sói lộ cả người từ sau phiến nham thạch, hai chân trước chắp vào nhau, ngồi xổm trên mặt đất.

_ Là Trương An Lương phải không?

Trong một thoáng, Trương An Lương không rõ tiếng gọi mình đến từ phương nào.

_ Lâu quá không gặp.

Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ, ông chưa từng kinh hãi đến thế, vì khi ấy ông mới nhận ra thanh âm phát ra từ mồm con sói. Do quá hoảng sợ, im lặng hồi lâu, một lúc sau, ông mới hét lên thật to:

_ Ngươi là ai?

Sói vẫn rung rung cái lưỡi, thở mạnh một hơi rồi nói:

_ Anh nhất định sẽ giật mình kinh ngạc. Tôi là Lục Trầm Khang, không may biến thành hình dạng không dám gặp ai thế này. Nhưng tôi thực là bạn cũ của anh, Lục Trầm Khang đây.

Trương An Lương không thốt nổi lời nào. Tuy sói nói vậy, nhưng việc này ai mà tin được. Một hồi, đối phương dường như cảm nhận được tâm trạng này của ông, vội nói:

_ Anh bạn, nghe kỹ tiếng tôi đây. Anh vẫn còn chút ấn tượng với cái giọng này phải không? Chẳng phải chúng ta đã từng uống rượu chuyện trò thâu đêm sao? Anh chưa quên giọng nói của bạn cũ chứ!

Nghe đến đây, Trương An Lương quả nhiên cảm thấy thanh âm con sói phát ra giống tiếng nói quen thuộc của người đồng liêu từng một thời gắn bó.

_ Sao anh lại thành ra thế kia? – ông ngỡ ngàng.

_ Chuyện này, xin anh đừng hỏi. Dù điều gì đã xảy ra, e rằng tôi cũng sẽ không nói cho anh biết được. Tất cả đều là ý trời. Biến thành hình dạng thế này, tôi muốn chết lắm chứ. Nhưng thọ số đã định, dù muốn chết cũng không chết được. Cho nên, tôi phải giữ cái bộ dạng này, sống đến tận hôm nay. Song tôi nghĩ, may là mình không chết, vẫn còn sống, mới có thể nói chuyện với anh như bây giờ.

Những lời bi ai tha thiết lay động trái tim của Trương An Lương. Ông không ngăn được lòng thương xót đối với vận mệnh trớ trêu của người bạn.

_ Lục Trầm Khang!

Lúc Trương An Lương gọi tên bạn, từ xa xa vọng đến tiếng sói gào. Thế là Lục Trầm Khang dùng sức vươn dài hai chân trước, đứng dậy:

_ Không xong rồi! Bao lâu nay lần đầu tiên tôi khôi phục được nhân tâm, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng kêu của đồng loại, tim của tôi lại không ngăn được việc biến thành tim sói. Khi tôi đang nói với anh đây, tim tôi đang biến hóa dần. Một lát nữa, tôi sẽ thành sói. Biến thành sói thì không thể nào không tấn công anh.

Trương An Lương nhìn thấy trong đôi mắt sói của Lục Trầm Khang dần dần bắn ra những tia nhìn tàn nhẫn.

_ Tôi phải biến thành sói, đang biến thành sói. Trương An Lương, tôi buộc phải tấn công anh. Vì anh nhìn thấy tôi và vợ tôi làm những việc không thể để người khác nhìn thấy. Bản tính sói không chấp nhận điều này. Trương An Lương, tôi phải biến thành sói tấn công anh đây! Anh giết tôi đi, đừng bao giờ chùn người xuống. Nếu anh chùn người xuống, chúng tôi sẽ thắng.

Lục Trầm Khang nói xong câu cuối cùng, ngẩng đầu lên trời rống lên một tiếng. Tiếp đó vọng tới một tiếng sói tru, đến từ một nơi gần hơn vừa nãy nghe thấy.

Trương An Lương nhìn con sói Lục Trầm Khang đã bị bản tính tàn bạo nuốt chửng, trở thành một dã thú chẳng còn gì giống với người bạn trong quá khứ. Ông đứng trong tư thế sẵn sàng, hướng mũi đao về phía con sói. Ông cảm thấy có một luồng sức mạnh uy hiếp từ đối phương, bức bách đến mức ông nhất định phải quyết giết con dã thú hung hãn đang đứng trước mặt.

Trương An Lương nhìn vào ngọn đồi đối diện với ngọn đồi mình đang đứng, cách một chỗ đất trũng. Một con sói đang men theo sườn dốc tiến như tên bay tới trước. Con sói này vừa mất dạng trong chỗ trũng, lập tức đã thấy chạy tới ngọn đồi ông đang đứng với một vận tốc không thể tin được.

Sau đó, con sói vừa chạy lên chỗ đất cao, vừa nhảy vọt một bước lớn. Như đã đợi được thời cơ, con sói Lục Trầm Khang cũng vọt lên phía trước. Trương An Lương cảm thấy bóng một con sói nhào xuống từ trên đầu, một con khác lao đến từ bên hông. Ông tránh đòn hiểm, huơ đao chém ngang hai bên. Hai con sói tránh lưỡi đao, nhổm lên lại hụp xuống, nhảy nhót liên tục tấn công.

Trận đấu liều chết không kéo dài bao lâu. Trương An Lương bị gờ nham thạch vướng chân té ngã, một chân quỳ dưới đất. Ngay lập tức, hai con sói đồng thời dốc toàn lực xông tới. Một con cắn ngay cuống họng, con kia cắn vào đùi, kiểu cắn có chết cũng không buông đặc trưng của sói.

Mặt trời nhuộm đỏ rực cả vùng cao. Từ thân thể Trương An Lương chảy ra một lượng máu lớn, còn đỏ hơn thế, nhuốm đỏ cả một khoảng đất, rồi trong phút chốc hòa chung với màu đỏ rực rỡ của ráng chiều.

Nửa năm sau, triều đình nhà Hán ra bố cáo cho quân trấn thủ Trường thành: Năm nay nạn sói hoành hành, binh sĩ ngoài biên ải không được sơ ý, phải kết chặt đai bụng.

Cái gọi là đai bụng là vật gì, nó có năng lực phòng chống sự tấn công của sói như thế nào, thời qua chốn đổi, giờ đã không còn ai biết.

1 (日)井上靖 著,赵峻 译. (2013). 楼兰.北京十月文艺出版.

(Nhật), Inoue Yasushi, Triệu Tuấn dịch. (2013). Lâu Lan. Nxb Văn nghệ tháng 10 Bắc Kinh.

2 Có bản đề là tộc Ca Lôi.

– Hết –

Văn học Trung Quốc

龙门飞甲 Flying Swords of Dragon Gate (2011)

https://www.youtube.com/watch?v=FevUURvPlbg

Flying Swords of Dragon Gate

From Wikipedia, the free encyclopedia
Flying Swords of Dragon Gate
The Flying Swords of Dragon Gate poster.jpg

Hong Kong poster
Traditional 龍門飛甲
Simplified 龙门飞甲
Mandarin Lóng Mén Fēi Jiǎ
Cantonese Lung4 Mun4 Fei1 Gaap3
Directed by Tsui Hark
Produced by Tsui Hark
Nansun Shi
Jeffrey Chan
Written by Tsui Hark
Starring Jet Li
Zhou Xun
Chen Kun
Li Yuchun
Gwei Lun-mei
Louis Fan
Mavis Fan
Music by Wu Wai Lap
Cinematography Parkie Chan
Johnny Choi
Edited by Yau Chi Wai
Production
company
Film Workshop
China Film Group Corporation
Shanghai Media Group
Polybona Films
Bona International Film Group
Liangzi Group
Shineshow Co.
Distributed by Distribution Workshop
Release dates
  • 15 December 2011 (China)
  • 22 December 2011(Hong Kong)
Running time
125 minutes
Country China
Hong Kong
Language Mandarin
Budget US$35 million
Box office US$100 million

Flying Swords of Dragon Gate is a 2011 wuxia film directed by Tsui Hark and starring Jet Li, Zhou Xun, Chen Kun, Li Yuchun, Gwei Lun-mei, Louis Fan and Mavis Fan. The film is a remake of Dragon Gate Inn (1966) and New Dragon Gate Inn (1992) but takes place three years after. Production started on 10 October 2010 and is filmed in 3-D. The film screened out of competition at the 62nd Berlin International Film Festival in February 2012. The film received seven nominations at the 2012 Asian Film Awards, including Best Picture and Best Director.