Văn học Mỹ
Về những câu chuyện chiến tranh chân thật
Posted on July 8, 2018Truyện chiến tranh thì không có truyện nào hay
Nguyễn Thanh Việt
Hồng Anh dịch
(từ Viet Thanh Nguyen, “On True War Stories”, (Re)Collecting the Vietnam War, special issue of Asian American Literary Review 6.2 (Fall 2015): 140-145)
Ao ước, Denise Duong
Chiến tranh là địa ngục. Giống như nhiều người Mỹ và mọi người trên khắp thế giới, tôi thích những câu chuyện chiến tranh xây dựng dựa trên cái có vẻ là một ý tưởng gây xáo động. Tôi có góp phần cá nhân vào những câu chuyện như vậy, khi được sinh ra tại Việt Nam nhưng được nuôi dạy, hay được tạo thành, tại Mỹ. Một cuộc chiến đã mang tôi từ bên đó qua bên này, một trải nghiệm tôi chia sẻ với hàng triệu người bạn Mỹ của mình. Thỉnh thoảng tôi tự hỏi liệu hoàn cảnh của tôi, hay những gì mà ba mẹ tôi phải chịu đựng, có thể gọi là một câu chuyện chiến tranh không, và có thể kể câu chuyện đó như thế nào? Trong “How to Tell a True War Story” [Làm thế nào kể một câu chuyện chiến tranh chân thật] trong The Things They Carried [Những thứ họ mang], Tim O’Brien nói:
Chiến tranh là địa ngục, nhưng như vậy còn chưa là một nửa của sự thật, bởi vì chiến tranh còn là bí ẩn và kinh khiếp và phiêu lưu và can đảm và khám phá và thiêng liêng và xót thương và tuyệt vọng và mong mỏi và tình yêu. Chiến tranh là tục tĩu và chiến tranh là đùa vui. Chiến tranh là rùng rợn; chiến tranh là lao dịch. Chiến tranh khiến bạn là một con người; chiến tranh khiến bạn chết. Các sự thật là trái ngược nhau.
Tôi chỉ trải nghiệm một nửa chiến tranh vốn không có bất kỳ niềm vui nào. Có lẽ đó là lý do những câu chuyện chiến tranh rùng rợn lôi cuốn tôi, là những câu chuyện “gore galore” [đẫm máu], từ dùng của nhà phê bình nghệ thuật Lucy Lippard. Nhưng những chuyện chiến tranh hay như vậy thì lại có lẽ lại không thật sự chân thật.
Một trong những lần đầu tiên tôi bắt gặp một câu chuyện chiến tranh chân thật là khi đọc Close Quarters của Larry Heinemann vào năm mười một, mười hai tuổi. Tôi bị sốc. Gần cuối cuốn tiểu thuyết về chiến tranh Việt Nam này, người lính Mỹ trẻ đưa khẩu súng vào đầu một cô gái điếm Việt Nam tên Claymore Face. Anh ta cho cô một lựa chọn: – hoặc anh ta và bạn bè của anh ta, hoặc tan xác. Cuốn tiểu thuyết không đưa ra lời phán xét nào về vụ cưỡng hiếp ấy, để tôi trơ trọi với cảm giác không thoải mái lẽ ra phải có nếu tác giả bảo hành động đó là sai. Tôi không thể tha thứ cho Heinemann vì đã gây cho tôi nỗi sợ về một cảnh xấu xí như vậy cho đến khi tôi tự viết một cuốn tiểu thuyết vài chục năm sau. Đó là khi tôi nhận ra rằng có một số điều thật đáng kinh tởm mà nhà văn chỉ nên đơn giản là miêu tả chúng như chúng là. Sự xấu xí là, và hẳn là, không thể quên được.
Cũng vậy, sẽ không thành vấn đề nếu Heinemann đặt sự đồng cảm vào Claymore Face, bởi vì câu chuyện thuộc về người lính Mỹ. Tôi lờ mờ nhận ra một số điều sẽ khiến tôi phải mất vài năm để ráp nối với nhau: Thứ nhất: làm người khác trở thành nạn nhân thì tốt hơn chính mình là nạn nhân. Đó là lí do vì sao các câu chuyện chiến tranh Việt Nam của Mỹ, vốn nhấn mạnh vào những điều xấu người Mỹ đã làm, thường biến người Việt Nam trở thành những diễn viên quần chúng. Như bất kì ngôi sao điện ảnh nào cũng sẽ thừa nhận, thà làm một nhân vật phản anh hùng chiếm trung tâm sân khấu còn hơn làm diễn viên quần chúng đức hạnh ở hai bên cánh gà. Đó là lí do vì sao những câu chuyện chiến tranh Việt Nam ảm đạm vẫn là tốt đối với một nước Mỹ mà đôi khi điều khó nhất là phủ nhận hành vi đôi khi kinh tởm của nó. Người Mỹ hoan nghênh những câu chuyện và những người kế tục kiểu như phim Zero Dark Thirty, ngay cả khi nếu chúng miêu tả người Mỹ tra tấn người khác, độc giả của chúng biết rằng tra tấn thì tốt hơn nhiều bị tra tấn. Hay là, như con quỷ Satan của Milton quan sát thấy, thà cai trị nơi Địa ngục còn hơn là phục dịch trên Thiên đàng.
Điều thứ hai tôi rút ra từ Heinemann: cưỡng hiếp thì thật khó để giải thích trong một loại truyện chiến tranh nhất định, loại mà độc giả khen “hay”. Trong một câu chuyện chiến tranh hay, nếu chiến tranh khiến cho bạn trở thành đàn ông, thì việc cưỡng hiếp có khiến cho bạn trở thành phụ nữ? Nếu việc cưỡng hiếp không làm người ta trở thành phụ nữ (như nạn nhân nam giới của cưỡng hiếp), thì Close Quarters cho thấy rằng loại người trở thành đàn ông bằng hành vi cưỡng hiếp không phải là loại người bất kì ai cũng muốn ở gần. Đó là lí do tại sao người Mỹ chào đón người lính của họ về nhà mà không muốn nghĩ quá nhiều về những gì những người lính này đã làm ở đó. Giết người thì không phải là vấn đề. Không ai bận tâm rằng Clint Eastwood, trong phim của mình, tán dương một tay bắn tỉa người Mỹ đã giết một trăm sáu mươi người theo cái cách khá quen thuộc, nhìn khuôn mặt nạn nhân qua tầm ngắm. Nhưng hãm hiếp ư? Quay chỗ khác đi. Đó là phe khác, không phải chúng tôi.
Điều cuối cùng tôi nhận biết được từ Claymore Face là trong cô ấy, có và không có gương mặt của chính tôi. Cô là người Việt Nam và là một người da vàng mũi tẹt. Tôi cũng vậy, trong mắt một vài người Mỹ. Một loạt nhà biên kịch và đạo diễn Hollywood đã giết nhiều người Việt Nam trên màn ảnh cũng nhiều như số người chết trong chiến tranh. Nhưng tôi cũng là một người Mỹ. Những người như tôi, người Việt Nam chạy thoát đến Mỹ sau khi chiến tranh kết thúc, là nhân chứng sống cho sự thành công của một trong những ham muốn vĩ đại nhất của nước Mỹ, là thu phục trái tim và tâm trí của tha nhân. Khả năng ấy của nước Mỹ là thông điệp trung tâm của bộ phim tuyên truyền đặt bối cảnh tại Việt Nam, The Green Berets của John Wayne. Sự ngoan cố trong ham muốn này vô tình thể hiện ở cảnh phim cuối đầy tai tiếng. Wayne, một lính Mỹ, đi về phía hoàng hôn với một đứa trẻ mồ côi người Việt đang nương tựa vào lòng nhân từ phụ tử của anh ta. Mặt trời lặn xuống Biển Nam Trung Hoa, nhưng biển nằm ở phía Đông Việt Nam. Người Mỹ đôi khi không thể nhìn nhận đúng đắn lí do tại sao nhiều người nghĩ rằng Iraq đối xử với những kẻ xâm lược họ như những người đi giải phóng, mặc dù bản thân người Mỹ không bao giờ làm bất cứ điều gì như vậy.
Tôi nghe một kiểu truyện chiến tranh khác khi tôi lớn lên trong những người tị nạn Việt Nam. Đó là câu chuyện về một người đàn ông giữ cửa hàng trong một thị trấn nhỏ ở Việt Nam với một quả lựu đạn. Hay là chuyện về một bà mẹ chạy trốn khỏi thị trấn nhỏ khi cộng sản đến, mang theo những đứa con trai nhưng bỏ lại đằng sau đứa con gái nuôi đang tuổi thiếu niên để trông coi cửa hàng, tin là mình sẽ sớm trở về. Người mẹ và đứa con gái không còn thấy nhau nữa trong hai mươi năm. Hay còn là chuyện về khoảng thời gian mà người mẹ ấy và chồng bà mở một cửa hàng khác ở San Jose, California và bị bắn vào đêm Giáng Sinh trong một vụ cướp có vũ trang? Hay là về chuyện họ đã khóc như thế nào khi nhận được thư báo ba mẹ mình đã qua đời trên quê hương nay đã mất? Hay về chuyện họ làm việc mười hai giờ mỗi ngày trong năm trừ Giáng Sinh, Phục Sinh và Tết ra sao?
Đó là cha mẹ tôi. Câu chuyện của họ là điển hình của người tị nạn, mặc dù khi tôi kể về họ với những người Mỹ khác, một sự im lặng không thoải mái thường xảy ra, vì những điều này không xảy ra với hầu hết người Mỹ. Nhưng không phải những câu chuyện này cũng là chuyện chiến tranh sao? Với nhiều người, và theo định nghĩa của O’Brien, thì không. Không có gì vui trong chuyện mất nhà, mất việc, gia đình, sức khỏe, tinh thần, hay đất nước, một số hoặc tất cả những điều này đã xảy ra đối với nhiều người Việt Nam mà tôi biết. Bạn không được nhận huy chương cho những điều này, ít nhiều cũng là một cuộc diễu hành hay tưởng niệm muộn, và khó lòng được dựng thành phim. Những gì bạn nhận được là những câu chuyện chiến tranh kể về những người lính đã đến đất nước bạn và cứu thoát bạn khỏi chủ nghĩa cộng sản, cũng giống như những câu chuyện chúng ta nhận được về những người lính đã đến Iraq và Afghanistan. Tiểu thuyết của Heinemann là một phần của toàn bộ làn sóng những câu chuyện về chiến tranh Việt Nam lại lần nữa chiến đấu trên trang giấy và màn ảnh. Những câu chuyện này là cách mà hầu hết khán giả toàn cầu biết về cuộc chiến này, cuộc chiến đầu tiên trong lịch sử mà kẻ bại trận đã viết nên lịch sử cho thế giới. Trong khi đó người Việt Nam cũng viết lịch sử, nhưng những câu chuyện của họ ít có cơ hội chống lại cú sốc và nỗi kinh sợ của nền công nghiệp phức hợp quân sự-điện ảnh Hoa Kỳ. Nhưng như tiểu thuyết gia Gina Apostol đã nói về phức cảm này: “Chẳng phải nó cho thấy không chỉ một trật tự kinh tế mà còn là một rối loạn tâm thần đó ư?”.
Hành trình đến Xứ Chưa biết, Denise Duong
Rối loạn này phát triển mạnh do sự kích động từ những câu chuyện chiến tranh hay, là những câu chuyện như O’Brien, bỏ qua ít nhất hai điều của cuộc chiến. Thứ nhất: chiến tranh sinh lợi. Ít người kể chuyện muốn bàn về điều này bởi vì chiến tranh giúp người ta thu một số tiền khổng lồ, thực tế ấy làm hỗn loạn hầu hết người Mỹ hoặc không gây xáo động chút nào, do sự rối loạn đã nói ở trên. Thứ hai, chiến tranh là một việc buồn tẻ. Cuốn sách American Sports, 1970: Or How We Spent the War in Vietnam (Thể thao Mỹ, 1970: Hay là cách chúng ta đã trải qua cuộc chiến tại Việt Nam) của nhiếp ảnh gia Tod Papageorge, cho thấy chiến tranh là tầm thường như thế nào đối với nhiều người Mỹ. Các bức ảnh chỉ đơn giản là chụp lại cảnh người Mỹ chơi hay xem các sự kiện thể thao. Duy có bức ảnh cuối chụp Đài tưởng niệm Chiến tranh tại Indianapolis ghi công về cuộc chiến với chú thích trên trang đối diện: “Năm 1970, 4221 lính Mỹ đã bị giết tại Việt Nam”. Ngay cả khi lính Mỹ chết ở nước ngoài, cuộc sống vẫn tiếp diễn tại nhà. Cũng như vậy với cuộc chiến của Mỹ tại Trung Đông, cũng na ná như một sự kiện thể thao với những người Mỹ không trực tiếp tham gia, là nói đa số vậy [which is to say the overwhelming majority]. Ảnh của Papageorge là những câu chuyện chiến tranh chân thật về cuộc sống bên trong cỗ máy chiến tranh của những thường dân, mà hầu hết họ, nếu không nói là tất cả, không chú tâm nhiều đến các cuộc chiến chiến đấu nhân danh họ. Điều đáng lo ngại nhất trong loạt ảnh này là ngụ ý rằng nếu chiến tranh là địa ngục, thì địa ngục trông như thế này đây, người Mỹ dường như đang thưởng thức trò giải trí vô tội.
Trở nên thích ứng với địa ngục là một phần trong sự rối loạn của chúng ta. Nhưng hãy lắng nghe cẩn thận. Bạn không thể nghe thấy tiếng rền ảm đạm của cỗ máy chiến tranh mà chúng ta đang sống trong đó, tiếng ồn trắng[1] của một cơ chế đồ sộ được bôi trơn bởi những điều sáo rỗng, kết hợp với nhau bởi những điều tầm thường và được kích hoạt bởi sự tán thành thụ động sao? Trong “The Brother Who Went to Vietnam” từ cuốn China Men, Maxine Hong Kingston viết:
Bất cứ khi nào chúng ta ăn một thanh kẹo, khi nào chúng ta uống nước ép nho, mua bánh mì (ITT làm ra bánh mì Wonder[2]), bọc thực phẩm bằng nhựa, gọi điện thoại, gửi tiền vào nhà băng, làm sạch lò, rửa bằng xà phòng, bật điện, trữ lạnh thức ăn, nấu nó, sử dụng máy tính, lái xe, đi máy bay, phun thuốc trừ sâu, chúng ta đã hỗ trợ các tập đoàn để chế tạo xe tăng và máy bay ném bom, napalm, chất độc hóa học và bom. Cho chiến dịch ném bom trải thảm.
Từ thảm đến ném bom trải thảm, chiến tranh được dệt thành tấm vải của xã hội, mà không ai là không tìm thấy chiến tranh ngay dưới chân mình, dù ở trong nhà. Đối với nhiều người, đây không phải là câu chuyện chiến tranh hay, mà là một câu chuyện tệ hại họ muốn tránh. Câu chuyện này nói rằng toàn bộ chiến tranh, trong cùng một ý nghĩa, là một cuộc chiến tranh tổng thể. Mở tủ lạnh là có một câu chuyện chiến tranh chân thật. Việc trả thuế của người ta cũng vậy. Đồng phạm [complicity] là câu chuyện chiến tranh chân thật nhất, đó là lí do tại sao một bộ phim đẫm máu như Apocalypse Now chỉ kể một nửa câu chuyện chân thật về chiến tranh. Đó là về trái tim của bóng tối ở nơi đó, trong khu rừng nơi một người da trắng phát hiện ra rằng anh ta cũng là một kẻ man rợ, trái tim đen tối đập trong lồng ngực anh ta. Nhưng nửa kia của câu chuyện chân thật về chiến tranh sẽ cho thấy rằng trái tim đen tối cũng là nơi chúng ta trú ngụ, ở đây, tất cả xung quanh ta. Người Mỹ không muốn đối mặt trực tiếp với điều khủng khiếp bên trong này, đó là lí do tại sao họ thay nó bằng những truyện về xác sống và kẻ giết người hàng loạt và những thứ tương tự. Bạo lực hư cấu và sự kinh dị quái dị thì dễ tiêu hóa hơn là việc hiểu làm thế nào mà mở tủ lạnh hay xem bóng đá lại kết nối ta đến chiến tranh, không li kì chút nào. Câu chuyện chiến tranh chân thật không chỉ cho thấy chiến tranh là địa ngục, một khẳng định không bao giờ ngăn cản chúng ta dấn vào cuộc chiến mà luôn khiến ta chạy đến rạp chiếu phim hay chọn một quyển sách. Câu chuyện chiến tranh chân thật cũng cho thấy chiến tranh là bình thường, đó là lí do tại sao chúng ta luôn đi vào cuộc chiến. Chiến tranh là tẻ ngắt, một câu chuyện tồi mà hầu hết mọi người đều muốn nghe. Chiến tranh liên quan đến tất cả chúng ta, và nó làm ta bối rối hơn bất kì câu chuyện kinh dị nào ở đây hay câu chuyện ác liệt nào ở kia.
Sự thật là câu chuyện về gia đình tị nạn của tôi trở thành bằng chứng sống của Giấc mơ Mỹ cũng là một câu chuyện chiến tranh chân thật, cha mẹ tôi giàu có, anh tôi là bác sĩ ở một ủy ban Nhà Trắng, và tôi là một giáo sư và tiểu thuyết gia. Đối với nhiều người Mỹ, chúng tôi là bằng chứng cho thấy chiến tranh là đáng giá vì nó cho chúng tôi cơ hội trở thành người Mỹ tốt hơn nhiều người Mỹ khác. Nhưng nếu chúng tôi là minh chứng cho câu chuyện nhập cư, thì chúng tôi ở đây vì Hoa Kỳ đã chiến đấu một cuộc chiến giết chết hàng triệu người Việt Nam (không kể đến ba triệu người khác đã chết ở nước láng giềng Lào và Campuchia trong và ngay sau chiến tranh). Người Philippines ở đây vì chiến tranh Hoa Kỳ đã giết chết một triệu người Philippines năm 1898. Người Triều Tiên ở đây vì chiến tranh Triều Tiên đã giết chết ba triệu người. Chúng ta có thể tranh luận về trách nhiệm, nhưng danh sách vẫn tiếp tục, như Junot Díaz cũng hiểu vậy. Trong The Brief Wondrous Life of Oscar Wao, anh kể với chúng ta:
Ngay khi Mỹ đẩy mạnh sự can thiệp vào Việt Nam, LBJ[3] lao vào cuộc xâm lược bất hợp pháp nước Cộng hòa Dominica (28 tháng Tư, 1965) (Santo Domingo[4] là Iraq trước khi Iraq thành Iraq). Đó là một thành công lớn về quân sự đối với Hoa Kỳ, và trong các đơn vị và các nhóm tình báo tham gia vào việc “dân chủ hóa” Santo Domingo, nhiều người đã ngay lập tức được lên tàu chuyển đến Sài Gòn.
Nhiều người Mỹ đã quên hay chưa từng biết câu chuyện chiến tranh thật sự này. Nếu người Mỹ có nghĩ đến sự xuất hiện của người Dominica ở Mỹ, thì có lẽ họ nghĩ đó là một câu chuyện nhập cư.
Nhưng nếu chúng ta hiểu chuyện nhập cư chính là chuyện chiến tranh? Và nếu chúng ta hiểu rằng những câu chuyện chiến tranh còn làm xáo động nhiều hơn ngay cả khi chúng không đề cập về người lính, khi chúng cho thấy chiến tranh bình thường như thế nào, và cách mà chiến tranh chạm đến và biến đổi mọi thứ và mọi người, bao gồm, hầu như tất cả, thường dân? Những chuyện chiến tranh li kì có thể là thật, nhưng chúng chỉ làm cho chiến tranh lôi cuốn hơn, cái gì đó xảy ra ở đâu đó khác, ở đằng kia. Một loại truyện chiến tranh chân thật khác nhắc nhở ta về điều gì đó khó chịu hơn nhiều: rằng chiến tranh bắt đầu, và kết thúc, ở đây, với sự hỗ trợ của người dân cho cỗ máy chiến tranh, với sự xuất hiện của những người tị nạn sợ hãi, chạy trốn khỏi cuộc chiến mà chúng ta đã xúi giục. Kể loại chuyện này, hay học cách đọc, xem và nghe những chuyện nhàm chán như chuyện chiến tranh, là một cách quan trọng để điều trị rối loạn phức cảm quân sự-công nghiệp của chúng ta, thay vì bị rối trí với ý tưởng rằng chiến tranh là địa ngục, là cái mà loại phức cảm này đã dựa vào để phát triển.
[1] Tiếng ồn trắng (white noise) là dạng âm thanh được tạo ra bằng cách kết hợp nhiều loại âm thanh với tần số khác biệt lại với nhau, dùng để che đậy những tiếng ồn không mong muốn. (ND)
[2] ITT là một tổ hợp công ty khổng lồ của Hoa Kỳ, thành lập năm 1920, sản xuất nhiều thứ, trong đó có bánh mỳ. ITT từng làm ăn với chế độ Hitler, thậm chí có cổ phần trong các công ty sản xuất máy bay, radar của Đức Quốc xã. ITT còn dính líu vào các vụ đảo chính năm 1964, lật đổ Tổng thống Brasil João Goulart, năm 1973 lật đổ tổng thống Chile Salvador Allende. (ND)
[3] Viết tắt của Lyndon Baines Johnson, Tổng thống Hoa Kỳ từ năm 1963 đến năm 1969. (ND)
[4] Thủ đô của Cộng hòa Dominica. (ND)
Forrest Gump – Cậu bé thiểu năng trở nên giàu có và nổi tiếng
(CafeBiz) Forrest có IQ ở mức dưới trung bình nhưng từ đôi bàn tay trắng cậu đã trở nên giàu có và nổi tiếng vì sự dũng cảm đương đầu với thử thách và thái độ nghiêm túc chú tâm khi làm việc.
Thông tin:
Tên phim: Forrest Gump
Đạo diễn: Robert Zemeckis
Kịch bản: Eric Roth chuyển thể từ một tác phẩm văn học cùng tên của Winston Groom
Diễn viên: Tom Hanks, Robin Wright, Gary Sinise
Sản xuất năm 1994
Hãng phát hành: Paramount Pictures
Giải thưởng: 6 Oscar và 3 Quả cầu vàng
Giới thiệu:
Một chiếc lông chim màu trắng theo gió bay dọc khung trời, vượt qua hàng cây với con đường nhộn nhịp xe cộ, nhẹ nhàng đậu dưới chân chàng trai trẻ Forrest, cậu nhặt nó lên cất vào chiếc hộp chứa đựng những “báu vật” và câu chuyện về cuộc đời cậu được bắt đầu.
Forrest Gump là một cậu bé không cha, thiểu năng trí tuệ, lưng không thẳng, đi lại phải dùng nẹp sắt, nhưng cậu luôn vui vẻ và thích giúp đỡ người khác. Cậu có một cô bạn thân tên là Jenny – người đã khuyên bảo cậu rằng khi nào bị bắt nạt thì hãy chạy thật nhanh. Vì lời động viên đó, Forrest đã vượt qua được những châm chọc cười nhạo của bọn con trai. Forrest được tuyển thẳng vào đại học Alabama vì tài chạy nhanh đó và trở thành siêu sao bóng bầu dục. Nhờ thành tích chơi bóng mà cậu được diện kiến Tổng thống John Kennedy.
Sau đó cậu nhập ngũ rồi tham chiến tại Việt Nam, ở quân đội cậu gặp và chơi với Bubba – một anh chàng da đen với ước mơ trở thành thuyền trưởng tàu đánh tôm. Trong một lần bị phục kích Forrest bị thương ở mông. Cậu và Trung úy Dan được đưa về dưỡng thương ở hậu phương, tại đây cậu lại một lần nữa thể hiện khả năng thể thao xuất sắc của mình với môn bóng bàn. Vết thương hồi phục, Forrest gặp Tổng thống Richard Nixon.
Tiền kiếm được từ bóng bàn và quảng cáo vợt, Forrest thành lập công ty mang tên Bubba – Gump.
Cậu đã chạy vòng quanh nước Mỹ trong hơn ba năm, trở thành thần tượng và là nguồn cảm hứng cho nhiều người.
Forrest trong ngày tốt nghiệp đại học
Forrest ra khơi trên con tàu của mình
Bộ phim dài hơn hai tiếng đồng hồ nhưng chắc chắn sẽ không gây nhàm chán cho khán giả. Rất nhiều chi tiết kết hợp với sự kiện lịch sử được xây dựng trong một chuỗi logic. Chẳng hạn điệu nhảy mà “chàng trai với cây đàn ghita” dạy Forrest khi cậu còn bé chính là điệu nhảy kinh điển của ông vua nhạc Rock and Roll – Elvis Presley. Vì bị lũ bạn đuổi theo nên Forrest tình cờ chạy vào sân bóng, bộc lộ tài năng lọt vào mắt xanh của ông bầu.
Những nhân vật nổi tiếng từ chính khách tới ngôi sao sân khấu với những câu chuyện chấn động một thời của họ xuất hiện trong phim qua lời kể của Forrest đều cảm thấy nhỏ bé làm sao. Từ việc anh em Tổng thống Kennedy bị bắn chết. Hay chàng ca sĩ John Lennon của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles xuất hiện trong khung cảnh “cướp lời” của MC để nói chuyện với Forrest.
Có vẻ như mọi thứ đến với Forrest đều tình cờ, thành công của Forrest là do may mắn, nhưng không thể phủ nhận vào sự dũng cảm và thái độ nghiêm túc với mọi việc của cậu. Forrest không bị phân tâm và chịu tác động của bên ngoài, khi bắt tay làm việc gì cậu đều chuyên tâm. Cậu biết quý trọng mọi thứ đến với mình, từ chiếc lông chim, chiếc tất, đôi giày… rồi cả tình bạn với một anh chàng da đen có cặp môi trề ra, người đã đưa cậu đến với hành trình ra khơi đánh tôm.
Forrest tại lễ biểu tình
Forrest đã chạy vòng quanh nước Mỹ trong hơn 3 năm
Trong phim không thể không kể đến ba nhân vật: Mrs Gump, Jenny và Trung úy Dan.
Mẹ cậu – bà Gump – xuất hiện không nhiều, nhưng bà đóng vai trò như một cuốn triết lý sống ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời Forrest. Bà đã đưa ra rất nhiều lời khuyên cho cậu, chính những lời khuyên đó đã chỉ đường cho cậu tìm ra lý tưởng của mình.
“Mẹ nghĩ mẹ đã làm tốt sứ mệnh của mình”
“Con nên bỏ lại quá khứ sau lưng trước khi con có thể tự do”
Jenny là tình yêu đầu tiên và cũng là duy nhất trong cuộc đời Forrest, cô đem đến cho cậu cả cay đắng và hạnh phúc. Jenny là cô gái có tuổi thơ không mấy vui vẻ, cả cô và Forrest đều cô độc giống nhau. Tình bạn ấm áp với Jenny đã giúp Forrest vượt qua được những châm chọc và sự lạnh nhạt của bọn con trai khác. Chính cô là người đã động viên Forrest hãy chạy, chạy hết sức mình, chạy như một cơn gió.
Forrest và Jenny
Trung úy Dan được miêu tả như một người có xuất thân con nhà lính với truyền thống hy sinh vì tổ quốc trên chiến trường. Vì thế Dan không thể chấp nhận mình trở thành một kẻ tàn tật, anh mắng chửi Forrest vì đã không cho anh quyền được chết trên mặt trận. Forrest đã vực anh dậy khỏi quá khứ đầy ám ảnh, họ cùng nhau lên thuyền đánh tôm,
Forrest và Bubba lần đầu gặp Trung úy Dan
Forest Gump chỉ cần bật ra một câu chửi thề đã trở thành khẩu hiệu nổi tiếng, một cái lau mặt đã mang lại biểu tượng mới cho dòng áo T-shirt. Cậu vẫn nghĩ trung đoàn 4 mang theo súng đạn sang Việt Nam là để truy tìm một gã tên Charles, còn Apple Computer Inc là công ty bán hoa quả. Suy nghĩ “chỉ chạy một chút thôi” của cậu đã trở thành biểu tượng của niềm tin, hi vọng, hòa bình thế giới, cậu đã nêu ra một chân lý cho tất cả mọi người: Hãy vận động và tiến về phía trước, thành công không dành cho những kẻ lười biếng.
Khánh Sơn
Phim ‘Forrest Gump’: Tình Yêu Như Một Kỳ Tích Vượt Số Phận
Phạm Nga |
|
Điểm phim
Tên phim: Forrest Gump (1994) – Đạo diễn: Robert Zemeckis –Kịch bản: Eric Roth – Diễn viên: Tom Hanks, Robin Wright Penn, Gary Sinise, Mykelti Williamson, Sally Field, David Brisbin… –Sản xuất: Paramount Pictures (Mỹ).
1. Tính từ lúc phim ‘Forrest Gump’ được vinh danh trong giải Oscar năm 1994, đến nay đã tròn 10 năm, nhưng khi xem kênh HBO phát lại đêm chủ nhật 9/2/2014, nhiều khán giả – dù đã xem đi xem lại nhiều lần cuốn phim ngoại hạng này – đã y như lần xem đầu tiên, vẫn ngỡ ngàng, xúc động trước số phận nghiệt ngã của anh chàng Forrest, nhân vật chính. Theo dõi bộ phim, người xem trải qua thật nhiều tâm trạng, từ bất ngờ, xúc động, cảm thông cho đến hi vọng rồi lại thất vọng cho nhân vật chính. Có thể xem cuộc đời của Forrest Gump (Tom Hanks đóng) là những mảnh ghép ấn tượng của cuộc sống nhiều người Mỹ trong thập niên 60- 70 thế kỷ trước. Từ một nước Mỹ đầy phân liệt thời đó, âm hưởng của một thế hệ lạc loài và phản kháng (The Lost Generation), cộng thêm ảnh hưởng gần/xa của các tư tưởng hiện sinh, hư vô từ Henry Miller, Ernest Heminway, J.P.Sartre, Albert Camus…, đã thường vương vất trong hành vi và suy nghĩ của nhiều nhân vật trong phim, như Dan (Gary Sinise) – anh thương binh hay nổi điên, Jenny (Robin Wright Penn)- cô gái ‘khi nắng khi mưa’, dân hippy lang thang, đám biểu tình phản chiến ở quãng trường Thời Đại… Tuy nhiên, bên cạnh bộ mặt hiện sinh ám tối, vô vọng, tức ‘mặt trái’ tiêu cực như thế, ‘mặt phải’ tích cực, tươi sáng của phim ‘Forrest Gump’ mới chính là sức hấp dẫn độc đáo của bộ phim. Khối năng lượng phong phú này rải dài theo câu chuyện nhân vật chính tự kể về cuộc đời mình, qua đó số phận nghiệt ngã cho thấy Forrest Gump – con người bẩm sinh đã khiếm khuyết cả về thể chất lẫn tinh thần, lại hiển nhiên biểu thị một nhân cách lớn, còn làm nên những kỳ tích hơn người…
2. Cậu bé Forrest từ nhỏ đã “có vấn đề”: chỉ số IQ thấp, đôi chân khập khiễng, lại bị chứng bị thiểu năng nên trí tuệ phát triển không bình thường. Forrest luôn bị bạn bè cùng trang lứa trêu chọc, bắt nạt. Người bạn duy nhất của cậu là cô bé hàng xóm Jenny, chính Jenny đã mơ hồ phát hiện ra những khả năng đặc biệt của bạn. Như khi thấy Forrest bị bọn xấu đuổi đánh, Jenny khuyến khích bạn hãy bỏ chạy thì đột nhiên từ chỗ bước đi còn không vững, Forrest đã vụt chạy. Chầm chậm rồi nhanh hẳn lên, cậu chạy nhanh đến mức bứt tung cả cặp nẹp sắt hộ trợ đôi chân. Khi Forrest tốt nghiệp đại học thì được tin Jenny bị đuổi khỏi trường và bỏ đi bụi đời, Forrest bèn nhập ngũ và tham chiến ở Việt Nam, dưới quyền trung úy Dan và kết thân với Bubba, một anh lính da đen. Đến đây, trường đoạn Forrest cứu đồng đội trên chiến trường ác liệt quả là một bài hùng ca đầy bi tráng về tình đồng đội nói riêng và tình người nói chung. Trong một lần tuần tra, trung đội của Forrest bị phục kích và bị tiêu diệt gần hết nhưng Forrest đã chạy thoát như Jenny đã từng dặn anh khi gặp nguy biến. Vậy mà, bất chấp mạng sống của mình, anh chạy vô, chạy ra chỗ đơn vị bị phục kích và cứu được nhiều người, trong đó có cả trung úy Dan và Bubba, nhưng Bubba do bị thương quá nặng nên đã chết trên tay Forrest. Forrest bị thương ở mông, trung úy Dan bị mất cả hai chân nên được đưa về hậu phương chữa trị, tại đây Forrest tập chơi bóng bàn và tỏ ra rất có năng khiếu. Nhờ kỳ tích cứu nhiều đồng đội, Forrest được tổng thống Richard Nixon (ghép phim tài liệu) tặng huân chương danh dự. Một cảnh thật khôi hài là khi được ngài tổng thống hỏi bị thương chỗ nào thì anh lính lập tức tuột quần, chìa mông ra như báo cáo rất “người thực việc thực”. Trong một lần tham dự và phát biểu ở một cuộc biểu tình phản chiến tại Washington D.C., Forrest gặp lại Jenny. Một lần nữa anh lại bảo vệ Jenny khỏi một tên bạn trai bạo lực, nhưng rồi Jenny cũng lại ra đi theo con đường riêng của cô. Giải ngũ, Forrest lại lập kỳ tích chơi bóng bàn ‘siêu’ xuất sắc với cả hai tay. Hơn thế, sau này Forrest còn được đại diện nước Mỹ sang thi đấu bóng bàn tại Trung Quốc. Ở New York, Forrest gặp lại Dan, gã thương binh què quặt và cuồng ngạo. Kế đó, Forrest bỏ trọn số tiền 24,000 USD từ việc đóng phim quảng cáo vợt bóng bàn và trợ cấp giải ngũ ra mua một chiếc thuyền lưới tôm, vốn để thực hiện lời hứa với Bubba, vì hồi còn sống, anh lính này và Forrest đã thỏa thuận sẽ hùn sắm một thuyền loại này. Forrest đặt tên thuyền là ‘Jenny’, tự làm thuyền trưởng và Dan làm thuyền phó. Sau những chuyến lưới chỉ được vài con tôm và đồ ve chai, thất bát đến muốn cạn vốn liếng, tình cờ vùng biển mà thuyền ‘Jenny’ hoạt động bị cơn bão Carmen tàn phá khủng khiếp. Báo chí đưa tin nóng là trong cơn bão, tàu bè có mặt trong tâm bão đều bị chìm, duy nhất chỉ còn chiếc ‘Jenny’. Thuyền của Forrest sống sót trong bão tố đã là một kỳ tích, còn trớ trêu hơn là trong lúc bão dữ, gã thuyền trưởng Dan điên cuồng đã thách thức số phận “Mày có giỏi thì đến hạ tao đi!” nhưng khi vào được đến bờ, chiếc thuyền tơi tả lại mang theo mẻ tôm trúng đậm, chứa chật hết các khoang. Lần hồi họ đã bắt được rất nhiều tôm và trở nên vô cùng giàu có. Hãng tôm Bubba-Gump đã được thành lập, gồm đến 12 chiếc tàu đánh tôm. Forrest nhận được tin mẹ anh ốm nặng nên trở về quê nhà Greenbow gặp mẹ lần cuối. Sau lễ tang, anh quyết định ở lại Alabama và giao lại công ty cho Dan quản lý. Lợi nhuận của công ty được đầu tư vào công ty Apple, chia một phần cho gia đình Bubba và làm từ thiện. Forrest tự kể: “Tôi đang là tỷ tỷ phú chứ, nhưng giờ đây tôi chỉ thích công việc cắt cỏ miễn phí cho mọi người”. Forrest còn cấp tiền cất một nhà thờ, đồng thời tài trợ cho một bệnh viện nghề cá. Một buổi sáng, lúc Forrest đang vận hành xe cắt cỏ trước nhà, Jenny đột nhiên xuất hiện ở cổng, tiều tụy, mong manh như một hồn ma quay về từ quá khứ…
3. Trong phim, tình yêu, cách thương yêu của Forrest luôn đứng hàng đầu, tuyệt diệu nhất trong số những kỳ tích này, khác của anh. Đó là kỳ tích của một trái tim rộng mở vô-điều-kiện. Jenny, cô gái duy nhất trên đời để mắt đến và yêu thương chàng Forrest ngây ngô, hiền lành – tất nhiên là nhát gái vì mặc cảm khuyết tật – lại là một cô nàng quậy hết biết! Cô nàng xinh đẹp nhưng sống vô cùng phóng túng, có lẽ có yêu Forrest chút đỉnh nhưng đã bỏ nhà đi bụi đời, hút cần sa, cặp với một gã hippy và đi lang thang khắp nước Mỹ. Có lần Forrest và Jenny tình cờ gặp lại nhau trong một hoàn cảnh rất “trời thần”: cô nàng kiếm sống bằng cách khỏa thân 100%, ngồi ôm đàn hát trong một quán bar. Một anh lính say rượu, chịu không nỗi bèn nhào lên sân khấu giở trò sàm sỡ thì Forrest vừa tìm đến quán mà giải cứu cho cô nàng. Forrest đã ngỏ lời yêu Jenny nhưng cô nói anh không biết gì về tình yêu, rồi lại bỏ đi. Vậy mà Forrest vẫn cúc cung một lòng yêu thương và chờ đợi ả ‘chim giang hồ’ ấy. Như đã nói, Jenny trở về khi cô đã trải qua quá nhiều đắng cay của cuộc sống phiêu bạt. Đối với Forrest, đó là khoảng thời gian thật hạnh phúc. Anh đã cầu hôn Jenny với câu nói bất hủ: “Anh không thông minh nhưng anh biết tình yêu là gì”. Jenny không nhận lời nhưng cô thú nhận có yêu anh, và họ đã có một đêm tuyệt vời tại nhà Forrest. Sáng hôm sau, Jenny ra đi mà không để lại một lời nhắn nào. Vắng Jenny, Forrest cảm thấy cô đơn. Anh chỉ muốn đóng cửa nhà rồi chạy đi, lúc đầu trong thị trấn, sau đó xa hơn nữa và ngày càng xa, rốt cuộc là xuyên nước Mỹ. Từ ngày hè nắng đổ lửa cho đến đêm đông tuyết giá, tóc tai râu ria dài thậm thượt như người tiền sử, anh lầm lũi chạy trên những xa lộ, băng qua những cánh đồng lúa mạch, thảo nguyên, bờ sông, bãi biển… và “cả những bãi phân chó” – Forrest tự kể. Anh cứ chạy mãi, trở thành một hiện tượng, thậm chí là thần tượng cho nhiều người. Ti-vi thu hình, báo chí phỏng vấn, ảnh của Forrest một lần nữa lại nhảy lên trang bìa của Times, Newsweek… Tưởng anh “chạy vì hòa bình” nên một số người xuống đường, cùng chạy với anh. Đúng ra, như lời Forrest tự kể, anh đã “Chạy không vì lý do gì!”. Nhìn gần thì người xem có thể giả định đây là một phản ứng kiểu tâm thần nơi một con người đã đau khổ và tuyệt vọng cực cùng, vì tình chẳng hạn. Nhưng nhìn sâu hơn, khía cạnh “không vì lý do gì” cho thấy đây chính là chủ ý toát ra từ kịch bản phim, nhằm giới thiệu một hành vi dưng không, phi lý, kiểu triết hiện sinh cùng hư vô chủ nghĩa (như đã phân tích ở phần đầu). Tuy nhiên, không cho phép mình quá ‘lậm’ những tư tưởng bi quan nói trên, các nhà làm phim ‘Forrest Gump’ đã kịp cho Forrest ngưng chạy, đứng khựng giữa một quãng đường. Im lặng một lát, anh nói với đám đông làm ‘đuôi’ sau lưng mình, là “Tôi mệt quá! Tôi về nhà đây!”. Forrest tự kể là anh đã chạy vòng quanh nước Mỹ hết 3 năm 2 tháng 14 ngày 16 giờ. Bất ngờ Forrest nhận được thư của Jenny hẹn gặp anh tại Savannah, Georgia. Trong đồng phục y tá, cô nàng hiện ra như một con người mới, nhưng điều còn đáng kinh ngạc hơn cho Forrest là một chú nhóc trong nhà. “Con anh đó! Em đặt tên con cũng là Forrest”. Một bé trai đẹp đẽ, khỏe mạnh, đáng nói nhất là không bị một chút khuyết tật nào về thể chất hay trí tuệ, tức không hề giống như cha mình. Ở phần cuối phim, cứ làm như đã tưởng thưởng xong xuôi, thỏa đáng cho tình yêu chân thực, cao cả của Forrest bằng đứa con lành lặn, số phận lại tiếp tục dày xéo cuộc đời anh. Cùng nhau trở về sống ở quê nhà Greenbow, Jenny tiết lộ cho Forrest biết là mình đã mắc một căn bệnh lạ (sau này được hiểu là HIV). Hai người lập tức tổ chức đám cưới. Những ngày hạnh phúc không kéo dài, Jenny qua đời vì bệnh và được an táng bên cạnh mộ mẹ chồng. Nhưng lúc này, nhờ có con mà sự đau khổ của Forrest có phần nguôi ngoai…
4. Bộ phim dài 2 giờ 12 phút tuyệt hay của năm 1994 đã kết thúc bằng hình ảnh thật tươi sáng, trong lành: Forrest Gump đưa con trai lên xe bus đi học, giống như mẹ anh đã làm ngày xưa. Nhìn chung, sau rất nhiều cảnh khổ ải, bệnh tật, chết chóc, chia lìa, thiên tai…, đoạn kết có hậu này của phim ‘Forrest Gump’ là phần thưởng xứng hợp với tính cách đặc biệt của nhân vật chính. Dù từ bẩm sinh đã là một con người có khiếm khuyết về thể chất cũng như trí tuệ, luôn bị mọi người xung quanh coi làbất bình thường, nhưng dù có bị số phận kém may mắn ấy nhào nặn đến đâu chăng nữa, tâm hồn của chàng Forrest vẫn một mực rộng mở trong tình yêu với Jenny cũng như trong tình đồng đội, tình bạn, tình hàng xóm… Khi Forrest quên mình, lao vào nguy hiểm và khó khăn chỉ vì người khác thì những hành động cũng bất bình thường ấy đã là những kỳ tích hiếm ai dám làm và làm được. Trong đó, tình yêu chân thành, thủy chung của Forrest dành cho Jenny quả là ‘thế gian có một’ – một kỳ tích tuyệt diệu, thách đố cả số phận khắc nghiệt của cuộc đời anh.
(Tháng giêng Giáp Ngọ) |
9 điều chưa biết về tiểu thuyết nổi tiếng “Chùm nho uất hận”
Posted on December 15, 2015(Dân Việt) 75 năm sau ngày lần đầu tiên “Chùm nho uất hận” được xuất bản trên thị trường, 14 triệu bản đã được bán ra trên toàn thế giới. Dưới đây là 9 điều đằng sau cuốn tiểu thuyết nổi tiếng bạn có thể chưa biết.
Bìa cuốn tiểu thuyết nổi tiếng
Tiểu thuyết lần đầu tiên đặt tên dân dã cho Cao Tốc 66 (Mỹ)
“Chùm nho uất hận” là một trong những tác phẩm văn học từng gây xôn xao nước Mỹ, do nhà văn John Steinbeck (1902 – 1968) viết. Tác phẩm này đã đem lại giải Nobel Văn chương cho ông vào năm 1962.
Trong “Chùm nho uất hận”, John đã lần đầu tiên viết về đường Cao Tốc 66 – con đường 2 chiều dài 2448 dặm nối từ Đông sang Tây nước Mỹ, từ Chicago sang Los Angeles – là “con đường cái”. Nhờ vậy, ông đã gắn được tinh thần con đường với hành trình hối lỗi của câu chuyện, và biến nó thành một biểu tượng văn học.
Con đường cái 66 – theo cách gọi của John Steinbeck
Gia đình Joad của tiểu thuyết là một trong số hàng vạn những gia đình di cư sang miền Tây nước Mỹ để trốn chạy quá trình cằn cỗi hóa đất trang trại. Và họ đã tới “con đường cái 66”, như John đã viết: “con đường để bay biến”.
Cuốn tiểu thuyết từng bị đốt và bị cấm
Hiệp hội Nông nghiệp California đã chối bỏ cuốn sách, cho rằng nó chỉ rặt những điều dối trá và tuyên truyền cho chủ nghĩa xã hội. Cùng lúc, cuốn sách bị cấm tại Xô Viết, khi Đảng cầm quyền lo ngại cuốn sách phổ biến chế độ tư bản vì ngay cả một người Mỹ bần cùng cũng có thể mua ô tô.
Steinbeck bị đe dọa mạng sống đến nỗi FBI cũng phải đặt ông dưới sự giám sát. Cuốn sách bị cấm trong các thư viện và những bản được xuất bản thì bị đốt công khai để làm gương.
Vùng ảnh hưởng do Bão Cát ở miền Trung nước Mỹ, gây ra thời kì cằn cỗi hóa.
Một trong số các nhà sản xuất bông nổi tiếng nhất ở Cali, WB Camp đã đọc diễn văn trước khi đốt tượng trưng một bản sách: “Chúng ta tức giận, không phải bởi vì chúng ta đã bị tấn công mà bởi vì chúng ta bị tấn công bởi một cuốn sách bẩn thỉu, theo nghĩa thực nhất của từ này.”
Cuốn sách được xuất bản vào một ngày thứ 6
Cuốn sách được phát hành lần đầu vào ngày thứ 6 ngày 14.4.1939, cũng là ngày phát hành bộ phim kinh điển “Đồi gió hú” do diễn viên gạo cội Laurence Oliver thủ vai, cũng là ngày Tổng thống Roosevelt viết thư cho Hitler, nói rằng: “Liệu ngài có thể đảm bảo với tôi rằng lực lượng vũ trang của ngài sẽ không tấn công hoặc xâm lược lãnh thổ những nước độc lập là Phần Lan, Bỉ, Pháp, Anh Quốc và Ireland?”
Việc sáng tác “Chùm nho uất hận” đã khiến John Steinbeck dần mất tự chủ
Trong 5 tháng viết sách, nhật kí của nhà văn John Steinbeck cho thấy người đàn ông ngày càng mất đi tự chủ và tự ti. Ông viết sách sau khi vừa mất người anh vợ thân thiết, cùng lúc ông bị bao phủ bởi sự nghi ngờ những quy cơ bùng nổ chiến tranh và sự trăn trở về việc bán nhà. “Liệu đã từng có cuốn sách nào được viết ra trong hoàn cảnh rối loạn như vậy,” ông viết. “Tất cả hệ thống thần kinh của tôi đều đảo lộn.
Hi vọng rằng sắp tới tôi sẽ không sụp đổ. Thần kinh của tôi nhạy cảm dần lên… Tôi ước giá như tôi có thể biến mất một thời gian. Quá nhiều thứ khiến tôi có thể phát điên. Tôi sợ cả cuốn sách cũng sẽ tan tành. Nếu như vậy thật, tôi cũng sẽ tan tành.” Và khi viết xong, ông cho rằng “Cuốn sách thật tầm thường.” Cuốn tiểu thuyết tầm thường đó đem lại giải Pulitzer cho Steinbeck vào năm 1940.
John Steinbeck tự hảo về những nghiên cứu của mình
Nhà văn Steinbeck
Trong khi viết, Steinbeck đã đến thăm thú và nghiên cứu Trại Liên bang quản trị gần Bakersfiled, được hóa thân thành “Trại đất trồng cần” trong sách. Khu trại này hiện vẫn là nơi sinh sống của nhân công di cư.
Ai cũng nên giữ bản sách xuất bản lần đầu
Bản sách xuất bản đầu tiên được Nhà xuất bản Viking cho ra đời chỉ gồm 619 trang (260.000 chữ), có giá 2,75 đô la và bìa bọc ngoài được minh họa bởi Elmer Hader. Có khoảng 50.000 bản trong đợt đầu này và được bán hết khi cuốn sách trở thành sách bán chạy trong năm 1939. Vào tháng 2 năm 1940, cuốn sách đã được tái bản 11 lần, và 428.900 bản đã được bán hết ở lần thứ 11. Một bản sách cũ của đợt xuất bản đầu tiên bây giờ có giá hơn 15.000 bảng Anh.
Steinbeck đã đặt tên cuốn sách như thế nào
Tiêu đề cuốn sách được trích trong bài Thánh chiến ca của nhà hoạt động bãi nô Julia Ward Howe viết năm 1861. “Tôi thích bài hát vì nó như một cuộc hành quân, và cuốn sách cũng vậy.” Trong bài hát có viết, “Mắt tôi đã nhìn thấy vinh quang của vị Lãnh Tụ sắp đến/Ngài giậm chân trong những vùng nơi giữ nho uất hận.”
Steinbeck cực kì thích sự thủ vai Tom Joad của diễn viên gạo cội Henry Fonda
Henry Fonda (ngoài cùng bên trái) trong bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn John Steinbeck
Nhà sản xuất Darryl Zanuck đã mua bản quyền chuyển thể cuốn sách thành bộ phim với giá 75.000 đô la, và thuê đạo diễn John Ford để thực hiện công việc khó khăn. Bộ phim đạt được hào quang và danh vọng vang dội, trong đó chính tác giả cũng cực kì ấn tượng với màn trình diễn của Henry Fonda trong vai chính. “Chính tôi cũng tự lún vào lời văn của mình”, ông nói. Hai người đã trở thành bạn tốt cho đến lúc Steinbeck qua đời, vàHenry Fonda đã đọc bài thơ tưởng niệm nhà văn ở lễ tang của ông.
Một tiêu đề phổ biến
Đây không phải là cuốn sách duy nhất có tên “Chùm nho uất hận”. Có khoảng 3 – 4 cuốn sách khác cũng dùng cái tên này, trong số đó, cuốn sách xuất bản năm 2003 do Lewis Perdue viết thực sự có nội dung về ngành công nghiệp rượu.
http://danviet.vn/van-hoa/9-dieu-chua-biet-ve-tieu-thuyet-noi-tieng-chum-nho-uat-han-628362.html
John Steinbeck – tác giả ‘Chùm nho nổi giận’
Posted on December 15, 2015John Steinbeck, nhà văn Mỹ đoạt giải Nobel năm 1962, là một tiểu thuyết gia, tác giả truyện ngắn, nhà viết kịch nổi tiếng. Nhưng ông được biết đến nhiều nhất với cuốn tiểu thuyết “Chùm nho nổi giận” – một tác phẩm kinh điển của văn học nhân loại thế kỷ 20, có tầm ảnh hưởng sánh ngang với “Túp lều bác Tom” của Harriet Beecher Stowe.
Hà Linh –
Nhà văn John Steinbeck. (britannica) |
John Steinbeck sinh ngày 27/2/1902 tại Salinas, California. Mảnh đất chôn rau cắt rốn này về sau đã trở thành bối cảnh trong rất nhiều tác phẩm của ông. Bố của Steinbeck là một thủ quỹ, nhà văn thừa hưởng tình yêu sách vở từ người mẹ là một giáo viên. Ngay từ ngày còn trẻ, Steinbeck đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ những tác phẩm nhưTội ác và hình phạt (Crime and Punishment –Dostoevsky) hay Thiên đường đã mất (Paradise Lost – John Milton).
Cuộc sống thời trẻ của Steinbeck khá vất vả. Ngày còn là học sinh trung học, ông phải tranh thủ làm thêm tại các nông trại trong những kỳ nghỉ. Từ 1920 đến 1926, Steinbeck học ngành sinh vật biển tại Đại học Stanford nhưng không tốt nghiệp. Chàng sinh viên trẻ lúc này chỉ chăm chắm vào những kế hoạch trở thành nhà văn. Rất nhiều bài thơ và truyện ngắn thời kỳ đầu của ông được xuất bản tại trường đại học.
Sau một thời gian lên New York vừa lao động chân tay vừa làm phóng viên cho tờ American, Steinbeck trở về California. Tại đây, ông vừa viết sách, vừa làm tất cả những công việc nặng nhọc để kiếm sống như thợ nề, công nhân nông nghiệp… Trong thời gian làm bảo vệ cho một tòa nhà ở High Sierra, Steinbeck đã viết cuốn tiểu thuyết đầu tay Cup of Gold (Chiếc cúp vàng – 1929). Trái với tên gọi của nó, Chiếc cúp vàng không mang lại vinh quang cho nhà văn, thậm chí NXB còn không thu hồi nổi khoản tiền 250 USD đầu tư để phát hành cuốn sách.
Đầu những năm 1930, Steinbeck gặp Edward Ricketts – một nhà sinh vật biển nổi tiếng. Steinbeck chịu ảnh hưởng lớn từ những quan niệm của Ricketts về sự tương trợ lẫn nhau giữa các loài sinh vật sống. Biển Cortez – cuốn tiểu thuyết viết năm 1941 – là kết quả của chuyến thám hiểm vùng vịnh California của ông và Ricketts.
Một cảnh trong phim “Chùm nho nổi giận”. (starpulse) |
Năm 1933, Steinbeck xuất bản To a god unknown (Gửi vị Thượng đế không quen biết) – một tác phẩm mà ông biết trước là sẽ không mấy thu hút được sự quan tâm của dư luận.
2 cuốn tiểu thuyết đầu tiên của Steinbeck ra đời và chìm dần vào im lặng. Phải đến năm 1935, khi xuất bản Tortilla Flat (Mẹt bánh mỳ ngô), nhà văn mới được biết đến trên văn đàn. Cùng với sự khởi sắc trong sự nghiệp, tình hình tài chính của ông cũng được cải thiện đáng kể. Nếu như trước đây, nhà văn chỉ kiếm được 35 USD mỗi tuần thì nay, với hợp đồng chuyển thể Tortilla Flat thành phim, Steinbeck có tới hàng nghìn USD.
Năm 1936, Steinbeck hoàn thành cuốn tiểu thuyết In Dubious Battle (Trong trận chiến giằng co) kể về cuộc bãi công của 900 công nhân nông nghiệp dưới sự dẫn dắt của Jim Nolan. Cuộc sống căng thẳng, khốn khó của những người công nhân đã được nhân vật Jim Nolan giãi bày trước giây phút lìa đời như sau: “Mac, tôi không bao giờ có thời gian dành cho những điều nhỏ nhặt khác, không bao giờ. Tôi không bao giờ đủ thư thả để ngắm những chiếc lá rơi hay quan sát xem mọi thứ xung quanh mình đã diễn ra như thế nào”.
Năm 1937, The Red Pony – một trong những tác phẩm xuất sắc của nhà văn ra đời. Bối cảnh câu chuyện diễn ra tại nông trại Tiflin ở thung lũng Salinas. Hai phần đầu của cuốn tiểu thuyết – The Giftvà The Great Mountains – được đăng rải rác trên North American Review từ 1933. Đến năm 1937, tác giả mới hoàn thành 2 phần cuối của cuốn sách – The Promise và The Leader of the People. Tác phẩm được chuyển thể thành phim năm 1949.
Cùng với The Red Pony, truyện vừa Của chuột và người (Of Mice and Men) được xuất bản và mang lại cho Steinbeck những thành công vang dội. Của chuột và người là câu chuyện về George Milton và Lennia Small, hai chàng trai làm công cho một nông trại nhưng luôn nuôi khát vọng một ngày được sở hữu một nông trại riêng. George Milton nhỏ bé nhưng khôn ngoan và vô cùng trải đời, trong khi Lennia Small to khỏe nhưng hơi thiểu năng về trí tuệ. Anh yêu thích những gì nhẹ nhàng, mềm mại. Họ sống bên nhau, yêu thương và bênh vực nhau trước sự khắc nghiệt của cuộc sống và con người. Nhưng rồi, Lenny bị cô con dâu lẳng lơ của ông chủ trại ve vãn. Anh dần dần ứng xử vượt ra ngoài tầm kiểm soát của George chỉ vì muốn được mân mê gấu váy và mái tóc mềm mại của người phụ nữ. Một lần, không ý thức được hành động của mình, Lenny lỡ tay bẻ gãy cổ cô con dâu và bỏ trốn. George đã đuổi theo và bắn chết Lenny trước khi đoàn người đuổi bắt anh tìm đến. Cùng với việc giải thoát cho người bạn đồng hành khỏi cuộc sống đày đọa và khổ ải, giấc mơ giản dị trong George cũng tiêu tan. Nhưng trước khi chết, Lenny vẫn trăng trối: “Hãy cố lên anh, chúng ta phải đến được nơi mình mơ ước”. Tác phẩm được Steinbeck chuyển thể thành vở kịch 3 hồi năm 1937.
Kiệt tác Chùm nho nổi giận (The Grapes of Wrath) của Steinbeck xuất bản năm 1939. Tác phẩm gồm 30 chương, miêu tả những biến đổi mạnh mẽ trong đời sống nông thôn nước Mỹ những năm đầu thế kỷ 20 dưới sự ảnh hưởng của nền công nghiệp hóa. Cuốn sách là câu chuyện về hành trình đi tìm việc và kiếm sống đầy tai ương và bất trắc của gia đình người nông dân Joad từ miền Đông đến miền Tây nước Mỹ. Khi mới ra đời, Chùm nho nổi giận đã khiến cho ngài nghị sĩ Mỹ Lyle Boren “nổi giận”, ông đánh giá đây là một tác phẩm “dối trá, đen tối và đáng ghê tởm xuất phát từ sự nhận thức méo mó, thiên lệch”. Sau đó, khi trao giải Nobel Văn học cho nhà văn, Viện Hàn lâm gọi nó đơn giản là “một thiên anh hùng ca”.
Sau Chùm nho nổi giận, Steinbeck còn gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp, song cuộc sống riêng tư của ông không mấy hạnh phúc. Cuộc hôn nhân đầu tiên kéo dài 12 năm giữa ông và Carol Henning chấm dứt năm 1942. Năm sau, ông cưới ca sĩ Gwyndolyn Conger. Họ có hai người con Thomas và John. Cuộc sống với người vợ thứ hai này cũng không mấy suôn sẻ, hai người ly dị năm 1949. Năm 1950, Steinbeck kết hôn với Elaine Scott. Con trai ông, John thường xuyên phải nhập viện vì nghiện codeine. Vào những năm cuối đời, anh này còn nhiễm phải rượu và ma túy. Anh qua đời năm 1991. Trong cuốn The Other Side of Eden (Mặt trái của Thiên đường), anh đã viết về ông bố nổi tiếng của mình như sau: “Những nghệ sĩ bẩm năng thiên tài lại không phải là những ông bố, bà mẹ giỏi giang. Họ coi mình là trung tâm của vũ trụ và đối xử khắc nghiệt, khác thường với con cái. Con cái của những thiên tài thường phải tự mình chăm sóc lấy bản thân”.
Những năm về già, nhà văn dành nhiều thời gian để đi du lịch nước ngoài. Trong đó có chuyến đi đến Việt Nam để viết về chiến tranh. Khoảng 10 năm cuối đời, ông viết ít và hầu như không có thêm được tác phẩm nào có giá trị.
(Nguồn: Tổng hợp)
Kathryn VanSpanckeren
(Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 5/2007)
1
Kathryn VanSpanckeren, Giáo sư tiếng Anh tại trường Đại học Tampa, đã giảng dạy về văn học Hoa Kỳ ở nhiều nơi trên thế giới, và từng là Giám đốc Chương trình Tập huấn Mùa hè do Quỹ Fulbright tài trợ dành cho các học giả quốc tế. Những tác phẩm đã xuất bản của bà bao gồm thơ ca và các nghiên cứu. Bà đã tốt nghiệp cử nhân ở Đại học California, Berkeley và nhận bằng Tiến sĩ của trường Đại học Harvard.
2
Mục lục
Nước Mỹ thời kỳ lập quốc và giai đoạn thuộc địa
Sự độc lập về văn học
Chủ nghĩa lãng mạn New England
Những tiểu thuyêt gia vĩ đại đầu tiên
Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực
Chủ nghĩa hiện đại và những thử nghiệm
Sự phát triển của cá nhân
Chương 1
Nền tảng của văn học Mỹ đã được xây dựng từ những câu chuyện thần thoại, những truyền thuyết, những câu chuyện cổ tích và những bài ca trữ tình được truyền miệng từ các nền văn hóa của người da đỏ. Truyền thống truyền miệng của người Mỹ bản địa tương đối phong phú. Các câu chuyện của người da đỏ thường tỏ ra sùng kính thiên nhiên và coi
thiên nhiên như người mẹ vật chất lẫn tinh thần. Thiên nhiên là một thực giả J.L.G. Ferris, miêu tả nghi thể sống động và mang lại sức mạnh lễ cầu mùa màng bội thu. (ảnh tinh thần; các nhân vật chính trong tự nhiên có thể là loài vật hoặc cây cối, đôi khi là các vật tổ gắn liền với mỗi bộ lạc, mỗi tộc người hoặc mỗi cá nhân.
Sự đóng góp của người da đỏ bản địa đối với nước Mỹ lớn hơn chúng ta tưởng. Hàng trăm từ ngữ của người da đỏ hiện vẫn đang được sử dụng trong tiếng Anh Mỹ thông dụng. Ví dụ như “canoe”,, “tobacco”,, “potato”, “moccasin”, “moose”, “persimmon”, “raccoon”, “tomahawk”, và “totem” (xuồng, thuốc lá, khoai tây, giày da đanh, nai sừng tấm, quả hồng vàng, gấu trúc Mỹ, cái rìu và vật tổ). Các tác phẩm văn học đương đại của người Mỹ bản địa sẽ được nhắc tới trong chương 8 cũng bao gồm nhiều áng văn hay.
Tác phẩm văn học đầu tiên mang hơi hướng châu Âu xuất hiện trên đất Mỹ là một tác phẩm được viết bằng tiếng Scandinavi. Câu chuyện dân gian về các dòng họ lâu đời ở Na Uy đã mô tả những cuộc phưu lưu của Leif Eriksson và những người đàn ông Na Uy đến khai hoang tại một vài nơi thuộc bờ Đông Bắc nước Mỹ – có thể là ở Nova Scotia thuộc Canada- vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 11.
Tuy nhiên, tiếp xúc đầu tiên và liên tục giữa nước Mỹ với phần còn lại của thế giới chỉ được bắt đầu khi nhà thám hiểm tài ba người Italia, Christopher Columbus, tìm ra châu Mỹ dưới sự tài trợ của nữ hoàng Tây Ban Nha – Isabella. Nhật ký Columbus trong cuốn “Epistola” của ông – được in vào năm 1493 – đã mô tả lại cuộc hành trình đầy kịch tính này.
Những nỗ lực thực dân hóa đầu tiên của người Anh quả là một thảm họa. Khu thuộc địa đầu tiên được thành lập năm 1585 tại Roanoke, thuộc bờ Bắc Carolina và tất cả người đến khai hoang ở khu vực này đã biến mất. Khu kiều dân thứ hai tồn tại lâu hơn: Jamestown, được thành lập năm 1607. Khu kiều dân này đã chịu đựng cái đói, sự cai trị hung bạo và vô tổ chức. Tuy nhiên, nền văn học trong thời kỳ này đã mô tả nước Mỹ với nhiều màu sắc rực rỡ như là miền đất hứa hẹn sự giàu có với nhiều cơ hội. Các tác phẩm miêu tả thời kỳ thuộc địa đã trở thành những áng văn nổi tiểng trên thế giới.
Vào thế kỷ 17, những tên cướp biển, những kẻ phưu lưu và những nhà thám hiểm đã mở đường cho làn sóng thứ hai của những người khai phá lâu dài: họ đem theo vợ con, đồ dùng trong trang trại và công cụ lao động của những người thợ thủ công. Nền văn học mới xuất hiện trong thời kỳ khai hoang này được thể hiện qua những cuốn nhật ký, thư từ, nhật ký các cuộc hành trình, nhật ký hàng hải của những con tàu và các báo cáo gửi cho những người tài trợ cho các nhà thám hiểm. Vì rốt cuộc nước Anh đã có quyền sở hữu những thuộc địa ở Bắc Mỹ, nên hầu hết các tác phẩm nổi tiếng và những hợp tuyển các tác phẩm văn học thời kỳ thuộc địa đều được viết bằng tiếng Anh.
Dường như không có một khu kiều dân nào trong lịch sử thế giới lại tỏ ra có trí tuệ nhiều hơn những người Thanh giáo, hầu hết trong số họ có nguồn gốc từ nước Anh hoặc từ đất nước Hà Lan. Từ năm 1630 đến năm 1690, đã có nhiều trường đại học được thành lập ở miền Đông Bắc nước Mỹ – được biết đến với cái tên New England như ở nước Anh vậy. Những người Thanh giáo tự lập và thường là tự học muốn có kiến thức để hiểu được Chúa và thực hiện những điều răn dạy của Chúa khi họ xây dựng những khu kiều dân của mình tại New England.
Văn phong của người Thanh giáo tỏ ra vô cùng phong phú – từ những áng thơ trừu tượng rất phức tạp đến những dòng nhật ký bình dị, chất phác và những cuốn lịch sử tôn giáo có tính mô phạm cao. Dù ở phong cách và thể loại nào, chủ đề của các tác phẩm dường như không đổi. Cuộc sống được coi như một cuộc thử nghiệm, thất bại dẫn đến sự nguyền rủa vĩnh viễn và bị thiêu cháy dưới địa ngục còn thành công thì dẫn đến những niềm vui sướng nơi thiên đường. Thế giới này là một đấu trường bất biến giữa sức mạnh của Chúa và sức mạnh của Sa-tăng – một kẻ thù nguy hiểm với nhiều hình dạng cải trang.
Lâu nay, các học giả đã chỉ ra mối liên hệ giữa chủ nghĩa Thanh giáo và chủ nghĩa Tư bản: cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tham vọng, lao động chăm chỉ và nỗ lực hết mình để thành công. Mặc dù các cá nhân theo chủ nghĩa Thanh giáo – do những ràng buộc nghiêm khắc của các quy phạm thuộc thần học – có thể không biết họ có được “che chở” và được chọn để đi tới thiên đường hay không, nhưng những người Thanh giáo luôn có thiên hướng tin tưởng rằng những thành công nơi thế giới trần tục chính là dấu hiệu cho thấy họ sẽ được chọn. Sự giàu sang và địa vị xã hội không chỉ là quý giá đối với họ mà còn là sự bảo đảm để có được một sức mạnh tinh thần và hứa hẹn một cuộc sống bất tử.
Ngoài ra, quan điểm về địa vị xã hội cũng góp phần thúc đẩy sự thành công. Các tín đồ Thanh giáo tin rằng bằng cách thúc đẩy hơn nữa lợi ích của chính họ và sự hạnh phúc của cộng đồng, họ đã tiến gần hơn được với Chúa. Tác phẩm văn học vĩ đại nhất chứa đựng đức tín và quy tắc ứng xử của họ chính là Kinh thánh – đã được cho phép dịch ra tiếng Anh. Tính cổ xưa của Kinh thánh đã khiến nó trở nên đầy quyền lực trong con mắt của các tín đồ Thanh giáo.
Từ những năm 1600 đến những năm 1700, chủ nghĩa giáo điều tôn giáo từng bước suy thoái bất chấp những nỗ lực rời rạc và tàn nhẫn của các tín đồ Thanh giáo nhằm ngăn chặn làn sóng của chủ nghĩa khoan dung. Tư tưởng của chủ nghĩa khoan dung và tự do tôn giáo đã từng bước lớn mạnh tại các khu kiều dân Mỹ và lần đầu tiên được thành lập ở Rhode Island và Pennsylvania, quê hương của người Quaker. Những người Quaker bao dung và nhân ái – hay còn được gọi là những “Người bạn” – tin tưởng vào phần thánh thiện trong lương tâm mỗi người và coi đó là nguồn gốc của đạo đức và trật tự xã hội. Đức tin căn bản của người Quaker đối với tình yêu vạn vật và tình anh em khiến họ trở thành những người có tư tưởng dân chủ sâu sắc và phản đối quyền lực tôn giáo võ đoán. Bị xua đuổi bởi chính quyền bang Massachusetts – những người e sợ sự ảnh hưởng của họ – những người Quaker đã xây dựng một khu kiều dân rất thành công dưới thời William Penn năm 1681 ở Penn- sylvania.
Chương 2
Sự độc lập về văn học
Cuộc cách mạng Mỹ chống lại người Anh (1775-1783) là cuộc chiến tranh giải phóng hiện đại đầu tiên chống lại một cường quốc thực dân. Chiến thắng vang dội của cuộc đấu tranh giành độc lập đã cho thấy những tiên đoán về số mệnh làm nên những điều vĩ đại của nước Mỹ và người dân Mỹ. Chiến thắng quân sự đã thắp sáng niềm hy vọng về chủ nghĩa dân tộc và làm nảy sinh một nền văn học mới. Nếu không kể đến các bài viết về chính trị nổi bật thì chỉ có rất ít tác phẩm văn học đáng chú ý được viết trong hoặc ngay sau Cách mạng.
Người dân Mỹ đã đau xót nhận thấy sự phụ thuộc quá mức của văn học Mỹ vào các mô thức văn học kiểu Anh. Sự tìm kiếm nền văn học bản địa đã trở thành nỗi ám ảnh trên khắp đất nước. Sự giải phóng cho văn học Mỹ đã bị trì hoãn bởi mối liên hệ còn sót lại với nước Anh thể hiện qua sự bắt chước và mô phỏng thái quá những hình mẫu văn học cổ điển hoặc theo kiểu Anh quốc. Đồng thời, những khó khăn về kinh tế và điều kiện chính trị cũng đã làm cản trở công việc xuất bản.
James Fenimore Cooper, giống như Washing- ton Irving, là một trong những nhà văn lớn đầu tiên của nước Mỹ. Giống như các nhà văn lãng mạn khác thời kỳ này, ông đã gợi nên những tình cảm trong quá khứ (ở thời đại của ông, những vùng đất hoang vu của nước Mỹ được khai hóa và gắn liền với những kiều dân đến từ châu Âu). Trong tác phẩm của Cooper, người ta đã tìm thấy sức mạnh diệu kỳ của “thời đại vàng” và đau xót cho những mất mát của nó.
Trong khi Washington Irving và những nhà văn Mỹ khác trước và sau ông đã sục sạo khắp châu Âu để tìm kiếm các truyền thuyết, các tòa lâu đài và các tư tưởng vĩ đại thì Cooper lại giúp tạo ra một truyền thuyết riêng cho nước Mỹ: lịch sử châu Âu tại Mỹ đã được tái hiện qua tác phẩm Mùa thu ở khu vườn địa đàng. Tính tuần hoàn của tự nhiên chỉ được nhận thấy thấp thoáng từ chính hành vi phá hủy nó: những vùng đất hoang dã đã biến mất trong con mắt người Mỹ, biến mất ngay trước khi những người tiên phong đi tới, giống như một ảo giác vậy. Đây chính là nhân sinh quan theo kiểu bi kịch của Cooper đối với tình trạng bị tàn phá của các miền đất chưa được khai hóa – một vườn địa đàng mới lúc đầu đã thu hút các kiều dân.
Là con trai trong một gia đình Quaker, ông lớn lên tại một điền trang xa xôi hẻo lánh của người cha tại Hồ Otsego (hiện là thị trấn Coopers) nằm ở trung tâm bang New York. Mặc dù vùng đất này khá yên bình vào thời niên thiếu của Cooper song nó đã từng một lần là nơi diễn ra cuộc tàn sát người da đỏ. Từ bé Fenimore Cooper đã nhìn thấy những người dân ở vùng biên giới và những người da đỏ ở vùng hồ Hồ Otsego, sau này cậu thấy những kiều dân da trắng ngang nhiên xâm lấn đất đai của mình.
Natty Bumppo, nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm văn học của Cooper, là đại diện cho nhân sinh quan của ông – một người dân vùng biên giới và là một “nhà quý tộc bẩm sinh” theo chủ nghĩa Jefferson. Ngay từ năm 1823, trong tác phẩm Người tiên phong, Cooper đã bắt đầu tưởng tượng ra nhân vật Bumppo. Natty là người dân vùng biên giới được biết đến đầu tiên trong văn học Hoa Kỳ và là nguyên mẫu văn học đầu tiên của vô số các nhân vật cao bồi và các anh hùng tại những khu rừng hẻo lánh được hư cấu sau này. Nhân vật này là một người theo chủ nghĩa cá nhân lý tưởng – người luôn tốt đẹp hơn xã hội mà anh ta bảo vệ. Nghèo khổ và đơn độc nhưng lại vô cùng trong sáng, nhân vật này là chuẩn mực cho các giá trị đạo đức và là nguyên mẫu cho nhân vật Billy Bud của Herman Melville và nhân vật Huck Finn của Mark Twain sau này.
Dựa trên một phần cuộc sống đời thực của một người Mỹ khai hoang là Daniel Boone – một người Quaker giống như Cooper – Natty Bumppo, phiên mẫu của Boone, là một người đàn ông mang lại hòa bình và được một bộ lạc người da đỏ nuôi dưỡng. Cả Boone và nhân vật tưởng tượng Bumppo đều yêu thiên nhiên và tự do. Họ không ngừng hướng về phía Tây để thoát khỏi những kiều dân đang đến – những người mà chính họ đã chỉ đường cho tới vùng đất hoang dã này – và họ đã trở thành truyền thuyết từ chính cuộc đời của họ.
Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tuyển tập gồm 5 cuốn tiểu thuyết được biết đến dưới cái tên Truyền thuyết chiếc vớ da chính là cuộc đời của Natty Bumppo. Được coi là tuyển tập hay nhất của Cooper, 5 cuốn tiểu thuyết này là những áng văn xuôi mang đậm chất hùng ca với khung cảnh hùng tráng của lục địa Bắc Mỹ, các bộ lạc da đỏ là những diễn viên chính, các cuộc chiến tranh vĩ đại và dòng người di cư sang phía Tây là bối cảnh xã hội của tác phẩm. Những cuốn tiểu thuyết này cho thấy cuộc sống nơi biên giới nước Mỹ trong những năm từ 1740 đến 1804. Tiểu thuyết của Cooper đã miêu tả một cách vô cùng sinh động những làn sóng kiều dân kế tiếp nhau tới khu vực biên giới: những vùng đất hoang vu là nơi sinh sống của người da đỏ; sự có mặt của những người da trắng đầu tiên – những trinh sát, những người lính, nhà buôn và những người dân vùng biên giới; sự xuất hiện của nghèo đói, của những gia đình kiều dân khốn khổ, và cuối cùng là sự có mặt của tầng lớp trung lưu bao gồm thẩm phán, bác sĩ và chủ ngân hàng. Mỗi đợt sóng ào đến lại xóa sạch những đợt sóng trước đó: người da trắng thế chỗ người da đỏ khiến những người này buộc phải rút về phía Tây; tầng lớp trung lưu xây dựng trường học, nhà thờ và nhà tù, thay thế cho tầng lớp thấp hơn bao gồm những tộc người biên giới theo chủ nghĩa cá nhân – những người buộc phải di chuyển xa hơn về phía Tây, đến lượt họ lại thay thế những người da đỏ đến trước đó. Coo- per đã miêu tả được tính vô tận và làn sóng không thể tránh khỏi của những kiều dân, đồng thời ông cũng nhìn nhận được cả những cái được và cái mất của những làn sóng di cư ấy.
Giống như Rudyard Kipling, E.M. Forster, Herman Melville và các nhà quan sát nhạy cảm khác của các nền văn hóa rất khác nhau nhưng vẫn tương tác lẫn nhau, Cooper là một nhà văn hóa theo thuyết tương đối. Ông hiểu rằng không nền văn hóa nào có vị thế độc tôn trong những vấn đề đạo đức hay cái đẹp.
Chương 3
Chủ nghĩa lãng mạn New England
Phong trào lãng mạn bắt nguồn từ nước Đức nhưng đã nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng tới nước Mỹ vào khoảng năm 1820. Các tư tưởng lãng mạn xoay quanh linh hồn con người và những vẻ đẹp vĩ đại của tự nhiên, đồng thời đề cập đến tầm quan trọng của linh hồn và trí tuệ của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật tự biểu cảm của cá nhân và xã hội.
Sự phát triển cá nhân trở thành chủ đề chính và sự tự ý thức về bản thân là phương thức cơ bản. Theo lý thuyết của chủ nghĩa lãng mạn, nếu bản ngã và tự nhiên hòa làm một thì ý thức về bản thân không phải là sự ích kỷ mà là cách thức mở rộng tri thức đối với vũ trụ. Nếu cái tôi của một người là cái tôi có nhân tính thì cá nhân đó có trách nhiệm đạo đức là cải tạo xã hội, xóa bỏ bất công và làm dịu đi những nỗi thống khổ của con người. Tư tưởng về cái tôi – vốn bị những thế hệ trước coi là bản ngã ích kỷ – đã được định nghĩa lại. Các từ ghép mới mang ý nghĩa tích cực đã được sử dụng như: “khả năng tự nhận thức”, “khả năng tự biểu đạt” và “lòng tự tin”.
Vì chỉ có một nên cái tôi chủ quan trở nên vô cùng quan trọng dưới góc nhìn tâm lý học. Nhiều kỹ thuật và hiệu ứng nghệ thuật đã được xây dựng để khơi gợi xúc cảm tâm lý của các cá nhân. Nghệ thuật tượng hình – một hiệu ứng thẩm mỹ mô tả các khung cảnh hùng vĩ (ví dụ như quang cảnh nhìn từ một đỉnh núi) – đã có tác dụng tạo ra những cảm xúc về nỗi kinh sợ, sự tôn kính, sự bao la và sức mạnh trong nhận thức của con người.
Chủ nghĩa lãng mạn đã được khẳng định và được dành riêng cho hầu hết các nhà thơ và các nhà văn tiểu luận sáng tạo Mỹ. Các đỉnh núi hùng vĩ, các sa mạc mênh mông và các vùng đất nhiệt đới của nước Mỹ đã được mô tả trong các áng văn thơ của họ. Tư tưởng lãng mạn dường như đặc biệt thích hợp với nền dân chủ kiểu Mỹ: nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa cá nhân, khẳng định giá trị của những con người bình dị và cổ vũ cho trí tưởng tượng đầy sáng tạo nhằm biểu đạt các giá trị đạo đức và thẩm mỹ.
Thuyết tiên nghiệm
Phong trào Tiên nghiệm – đại diện bởi nhà văn tiểu luận Waldo Em- erson và Henry David Thoreau, là một phản ứng chống lại Chủ nghĩa Duy lý thế kỷ 18 và được coi là có mối liên hệ gần gũi với phong trào Lãng mạn. Phong trào này gắn liền với Concord, Massa- chusetts, một thị trấn gần Boston, nơi Emerson, Thoreau, và một nhóm các nhà văn khác đã sống.
Nhìn chung, Chủ nghĩa Tiên nghiệm là một triết lý sống tự do, yêu thích tự nhiên hơn là các cấu trúc tôn giáo theo nghi thức, đề cao nhận thức của mỗi cá nhân hơn là những giáo lý cứng nhắc, coi trọng bản năng của con người hơn là các quy ước xã hội. Những người theo chủ nghĩa Lãng mạn tiên nghiệm ở nước Mỹ đã thúc đẩy hơn nữa chủ nghĩa cá nhân cấp tiến và đẩy chủ nghĩa cá nhân đến mức cực đoan. Các nhà văn Mỹ – lúc đó hoặc sau này – đều tự coi mình là những nhà thám hiểm đơn độc nằm bên ngoài xã hội và các quy ước của nó. Nhân vật anh hùng Mỹ – giống như Thuyền trưởng Ahab của Herman Melville hay Huck Finn của Mark Twain – đều tự mình đối mặt với hiểm nguy, thậm chí đối mặt với cái chết trong hành trình tự khám phá mang tính siêu việt của họ. Đối với các nhà văn lãng mạn Mỹ, không có gì là định sẵn. Văn học và quy ước xã hội, nếu không có ích thì sẽ trở thành nguy hiểm. Luôn có một sức ép dữ dội thôi thúc họ tìm ra một hình thức, nội dung và cảm xúc văn học có tính xác thực cao.
Ralph Waldo Emerson, một gương mặt xuất chúng vào thời đại của ông, là một người có tư tưởng về sứ mệnh tôn giáo. Mặc dù nhiều người buộc tội ông đã phá vỡ các giáo lý của đạo Cơ đốc song ông đã giải thích rằng đối với ông “để trở thành một mục sư tốt thì phải rời bỏ nhà thờ”. Bài diễn văn mà ông đã trình bày năm 1838 tại Thánh đường Trường Thần học Harvard đã khiến ông không được chào đón tại Harvard trong 30 năm. Trong bài diễn văn này, Emerson đã cáo buộc nhà thờ quá ủng hộ tín điều và bóp nghẹt linh hồn con người.
Ralph Waldo Emerson
Emerson luôn kiên định với lời kêu gọi của mình về sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ lấy nguồn cảm hứng từ tự nhiên. Trong cuốn Tự nhiên (1836), ấn phẩm đầu tiên của ông, đoạn mở đầu được viết như sau:
Thời đại của chúng ta là nhìn nhận lại quá khứ. Quá khứ xây nên lăng mộ của những người cha. Nó viết nên tiểu sử, lịch sử và những lời chỉ trích. Các thế hệ đi trước đã trông thấy Chúa và thiên nhiên đối mặt với nhau; chúng ta (chỉ đơn thuần là) thông qua con mắt của họ. Tại sao chúng ta lại không được phép trực tiếp quan sát mối liên hệ giữa loài người với vũ trụ? Tại sao chúng ta không được phép có thi ca nhìn thấu tâm hồn con người thay vì truyền thống, và tại sao chúng ta không được có một tôn giáo soi rạng chính chúng ta thay vì lịch sử của những thế hệ trước. Cứ mỗi mùa trong tự nhiên với những dòng chảy cuộc sống xung quanh ta và xuyên qua ta lại mời mọc ta bởi sức mạnh của nó, thúc đẩy ta hành động hòa hợp với tự nhiên, vậy thì tại sao chúng ta lại cứ phải mò mẫm trong những đống xương tàn của quá khứ…?
Nhiều tư tưởng tôn giáo của ông bắt nguồn từ những tác phẩm mà ông đã đọc về Đạo Hinđu, Khổng giáo và đạo Xufi Hồi giáo.
Henry David Thoreau sinh ra và cư trú ở Concord. Xuất thân từ một gia đình nghèo, giống như Emerson nhưng ông đã từng học tập ở trường Đại học Harvard. Kiệt tác của ông, Walden, hay Cuộc sống trong rừng (1854), là thành quả của 2 năm, 2 tháng và 2 ngày (từ 1845 đến 1847) sống trong một căn nhà gỗ nhỏ được ông xây dựng ở Walden Pond, gần Concord. Bản trường ca thơ mộng này của ông đã giúp người đọc chiêm nghiệm cuộc sống và thúc đẩy họ sống hết mình cho cuộc sống.
Tác phẩm “Chống lại pháp luật” của Thoreau cùng với lý thuyết của nó về sự kháng cự tiêu cực dựa trên sự cần thiết về đạo đức đối với mỗi cá nhân chính nghĩa – những người cần đứng lên phản kháng lại những bộ luật bất công. Tư tưởng này của ông chính là nguồn cảm hứng Henry David Thoreau cho phong trào giành độc lập của thủ lĩnh người Ấn độ Mahatma Gandhi và của cuộc đấu tranh do Martin Luther King lãnh đạo đòi quyền dân sự cho những người Mỹ da đen vào thế kỷ 20.
Sinh ra ở Long Island, bang New York, Walt Whitman đã từng là thợ mộc bán thời gian và là một người con ưu tú của dân tộc – người đã có những tác phẩm thành công rực rỡ, đầy chất sáng tạo và phản ánh linh hồn của nền dân chủ Hoa Kỳ. Cuộc đời của Whitman là một tấm gương về tự học hỏi, từ năm 11 tuổi ông đã rời trường học để đi làm, vì vậy, ông không được hưởng những tinh hoa của nền giáo dục truyền thống khiến cho hầu hết các tác giả người Mỹ đều mô phỏng văn phong kiểu Anh. Trong cuốn Lá Cỏ (1855) của ông – một tác phẩm được ông sáng tác dựa trên chính cuộc đời mình – có “Bài ca của tôi” – một bài thơ được coi là ấn tượng nhất đã từng được viết bởi một tác giả là người Mỹ.
Tính sáng tạo, không theo vần điệu, hình thức tự do của thơ ca cùng với thái độ cởi mở đối với đời sống tình dục, xúc cảm mạnh mẽ đối với nền dân chủ và tư tưởng lãng mạn cực đoan được hòa trộn làm một và người đọc lập tức đã bị cuốn theo dòng chảy thi ca thực sự theo lối Mỹ.
Walt Whitman (1819-1892)
Emily Dickinson được coi là chiếc cầu nối giữa thời đại của bà với những xúc cảm văn học của thế kỷ 20. Là một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan, bà sinh ra và sống cuộc đời mình ở Amherst – một ngôi làng nhỏ thuộc bang Massa- chusetts. Bà không kết hôn và đã sống một cuộc đời kỳ lạ với một nội tâm mãnh liệt, nhiều biến cố mặc dù nếu chỉ quan sát bên ngoài thì dường như cuộc sống của bà vô cùng bình lặng. Bà yêu thiên nhiên và tìm thấy cảm hứng sâu sắc từ những cánh chim, những con vật, cỏ cây và
Emily Dickinson (1830-1886) những thời khắc giao mùa của vùng nông thôn New England.
Dickinson đã sống ẩn dật phần cuối của cuộc đời mình để nuôi dưỡng tâm hồn vô cùng nhạy cảm của bà và dành thời gian để sáng tác.
Văn phong ngắn gọn, xúc tích và giàu hình tượng của bà có tính hiện đại và sáng tạo hơn phong cách của Whitman. Bà thường đề cập đến những cảm xúc khiếp sợ về sự tồn tại của các sinh linh. Những vần thơ trong sáng, chải chuốt, đầy hình tượng của bà được phát hiện vào những năm 1950 và được coi là một trong những vần thơ lôi cuốn và có sức hấp dẫn lớn nhất trong lịch sử văn học Hoa Kỳ.
Chương 4
Những tiểu thuyêt gia vĩ đại đầu tiên
Walt Whitman, Herman Melville, Emily Dickinson – cũng như các tác giả đương thời khác, Nathaniel Hawthorne và Edgar Allen Poe – đại diện cho thế hệ các nhà văn, nhà thơ lớn đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Đối với các nhà văn hư cấu, nhân sinh quan theo chủ nghĩa lãng mạn được bộc lộc qua một thể thức văn học được Haw- thorrne gọi là “tiểu thuyết hư cấu” – một hình thức văn học có tính biểu trưng, gây xúc động mạnh và cường điệu của loại hình tiểu thuyết. Theo cách định nghĩa của Hawthorrne, tiểu thuyết hư cấu không phải là những câu chuyện tình yêu mà là những cuốn tiểu thuyết thực sự, trong đó sử dụng những thuật ngữ đặc biệt để truyền tải những cảm xúc phức tạp và tinh tế.
Thay vì mô tả một cách thận trọng những nhân vật có thực thông qua hàng loạt các chi tiết như hầu hết các tác giả người Anh và các nhà viết tiểu thuyết ở châu Âu, Hawthorne, Melville và Poe đã tạo ra những nhân vật anh hùng không có thật trong cuộc sống và mang đậm chất hoang đường. Nhân vật chính trong tiểu thuyết hư cấu Mỹ là những cá nhân ma quái hoặc bị bệnh tâm thần. Arthur Dimmesdale hay Hester Prynne trong cuốn Chữ A màu đỏ của Hawthorne, Ahab trong cuốn Moby-Dick của Melville và nhiều nhân vật cô độc và bị ám ảnh khác trong các tác phẩm của Poe đều là những vai chính đơn độc chống lại định mệnh đen tối không thể nhận biết – một định mệnh được hình thành một cách hoàn toàn bí ẩn bên ngoài cá nhân vô thức của họ. Cốt truyện có tính biểu trưng được giấu trong những hành động của linh hồn đau khổ. Một lý do khiến cho loại tiểu thuyết hư cấu này thường khai thác những ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn nhân vật là do vào thời kỳ này, tại nước Mỹ, sự chia sẻ cộng đồng vẫn còn đang thiếu vắng. Các nhà văn tiểu thuyết của nước Anh – Jane Austen, Charles Dickens (một nhà văn rất nổi tiếng), Anthony Trollope, George Eliot, William Thackeray – đều sống trong một xã hội phức tạp, được kết nối tốt và mang đậm tính truyền thống. Họ chia sẻ với độc giả của họ – một thái độ cho thấy tư tưởng hư cấu hiện thực của những nhà văn này.
Các nhà văn Mỹ phải đối mặt với lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng, với những vùng đất bao la chưa được khai phá và một xã hội dân chủ hay thay đổi và gần như không bị phân tầng. Nhiều cuốn tiểu thuyết Anh mô tả những con người nghèo khổ đã leo lên được các bậc thang kinh tế xã hội cao hơn do có được một cuộc hôn nhân tốt hoặc do phát hiện ra quá khứ quý tộc bị che giấu của mình. Nhưng cốt truyện kiểu này đã không hấp dẫn được cấu trúc xã hội quý tộc kiểu Anh. Ngược lại, chính cấu trúc xã hội này tạo nên cốt truyện. Sự vươn lên của các nhân vật chính trong truyện làm thỏa mãn khao khát của phần lớn độc giả thuộc tầng lớp trung lưu thời bấy giờ ở nước Anh.
Ngược lại, các nhà viết tiểu thuyết Mỹ phải tin tưởng vào chính họ. Nước Mỹ là một quốc gia có đường biên giới luôn thay đổi và không thể định nghĩa do những người di cư nói hàng chục ngôn ngữ khác nhau với những phong cách sống thô sơ và hoàn toàn mới lạ. Vì thế, nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết Mỹ thường có khả năng một mình sống giữa một bộ lạc ăn thịt người như trong cuốn Typee của Melville, hay một mình khai phá vùng đất hoang như Leatherstocking của James Fenimore Cooper, hoặc có khả năng nhìn thấy hồn ma hiện lên từ những nấm mồ như những nhân vật ẩn dật của Poe, và gặp gỡ ma qủy đi dạo trong rừng như nhân vật Young Goodman Brown của Hawthorne. Hầu như tất cả các nhân vật chính trong loại hình tiểu thuyết này đều là những người “cô đơn”. Một người Mỹ dân chủ phải tự phát hiện ra bản ngã của mình. Các nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng của nước Mỹ đã phát minh ra những thể thức mới cho loại hình văn học này: ví dụ như cuốn Moby-Dick – một tác phẩm đặc trưng của Melville và Chuyện kể của Arthur Gordon Pym – một tác phẩm với cốt truyện và văn phong kỳ ảo của Poe.
Herman Melville (1819-1891) là hậu duệ của một gia đình giàu có và cổ xưa bất ngờ lâm vào cảnh nghèo nàn bởi cái chết của người cha. Mặc dù được dạy dỗ một cách nghiêm khắc, bất chấp truyền thống gia đình và lao động vất vả, Melville đã không đặt chân đến trường đại học. Vào năm 19 tuổi, ông bắt đầu đi biển. Tình yêu của ông đối với cuộc sống người thủy thủ đã được nuôi lớn một cách hoàn toàn tự nhiên và nằm ngoài kinh nghiệm của bản thân. Hầu hết các cuốn tiểu thuyết của ông đều được viết trong những chuyến đi dài. Tác phẩm đầu tay – Typee – được xây dựng dựa trên khoảng thời gian ông sống với những người Taipis ở quần đảo Marquesas thuộc Nam Thái Bình Dương.
Moby-Dick; hay Cá voi, kiệt tác của Melville, là một bản hùng ca về con tàu săn bắt cá voi Pequod và vị thuyền trưởng của nó, Ahab, người có nỗi ám ảnh phải săn đuổi cá voi trắng, Moby-Dick, khiến con tàu bị phá hủy và các thủy thủ phải đối mặt với cái chết. Tác phẩm này là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu hiện thực, chứa đựng và truyền tải những suy ngẫm về cuộc sống của con người.
Qua cuốn sách này, nghề săn bắt cá voi dường như là một phép ẩn dụ lớn về quá trình đi tìm tri thức. Cuộc rượt đuổi của Ahab vừa can đảm lại vừa bi kịch. Bất chấp chủ nghĩa anh hùng của mình, Ahab vẫn phải chịu một kết thúc bi thảm và có thể còn tiếp tục bị nguyền rủa sau cái chết. Thiên nhiên tuy rất đẹp nhưng cũng chứa đựng hiểm nguy và cái chết. Trong tác phẩm Moby-Dick, Melville đã thách thức quan điểm lạc quan của Emerson cho rằng con người có thể thấu hiểu tự nhiên. Moby-Dick – chú cá voi trắng to lớn – là sự tồn tại khó hiểu và kỳ vĩ chế ngự toàn bộ cuốn tiểu thuyết, và chính điều đó đã ám ảnh Ahab. Thực tế về cá voi và nghề săn bắt cá voi không thể giải thích được hành vi của Moby-Dick; trái lại, chính thực tế lại có vẻ như bị tan biến trong các biểu tượng. Đằng sau những thực tế mà Melville thu lượm được là một nhân sinh quan thần bí – nhưng dù nhân sinh quan này tốt hay xấu, có tính nhân văn hay không có tính nhân văn thì cũng không thể giải thích được.
Ahab đã khăng khăng tưởng tượng ra một thế giới anh hùng, tuyệt đối và vĩnh cửu. Ông đã dại dột đòi hỏi một sự kết thúc rõ ràng, một câu trả lời chính xác. Nhưng cuốn tiểu thuyết đã chỉ ra rằng không có kết thúc nào cả, không có câu trả lời cuối cùng nào cả, ngoại trừ cái chết. Tác phẩm này của Melville đã gây được tiếng vang rộng khắp trong làng văn học Mỹ. Nhân vật Ahab được đặt tên theo tên một ông vua trong kinh thánh, một người mong muốn cái tuyệt đối. Giống như Oedipus trong tác phẩm của Sophocles, người đã phải trả giá đắt do nhận thức không đúng đắn, Ahab đã thực sự mù quáng trước khi tự đẩy mình vào chỗ chết.
Con tàu Pequod của Ahab được đặt tên theo một bộ lạc người Mỹ bản địa đã tuyệt chủng ở New England. Vì thế, chỉ riêng cái tên này đã khiến độc giả linh cảm trước về việc con tàu sẽ bị phá hủy. Nghề săn bắt cá voi trên thực tế là một ngành công nghiệp quan trọng, đặc biệt là ở New England: nó cung cấp tinh dầu cá voi như một nguồn năng lượng, đặc biệt dành cho việc đốt cháy các ngọn đèn. Vì vậy, trong văn học, cá voi được ví như “nguồn sáng lan tỏa” trong vũ trụ. Cuốn sách này đã gây tiếng vang lớn xét về mặt lịch sử. Nghề săn bắt cá voi vốn đã có tính bành trướng chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với ý tưởng lịch sử về “số phận chủ nghĩa bành trướng” của dân tộc Mỹ, từ đó đòi hỏi người dân Mỹ phải dong buồm vòng quanh thế giới để tìm kiếm cá voi (trên thực tế, bang Hawaii thuộc Mỹ ngày nay trước kia đã được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các con tàu đánh bắt cá voi của Mỹ). Các thủy thủ của tàu Pequod đại diện cho các sắc tộc và các tôn giáo khác nhau, thể hiện ý tưởng về một nước Mỹ thống nhất, đa sắc tộc, đa tôn giáo và là điểm đến của các dòng người nhập cư. Cuối cùng, Ahab tiêu biểu cho một phiên bản bi kịch của chủ nghĩa cá nhân dân chủ kiểu Mỹ. Ông khẳng định nhân phẩm cá nhân mình và dám đối chọi với những sức mạnh bên ngoài không thể chế ngự từ vũ trụ.
Chương 5
Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực
Cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865) nổ ra giữa miền Bắc công nghiệp với miền Nam nông nghiệp chiếm hữu nô lệ là một bước ngoặt lớn trong lịch sử Hoa Kỳ. Trước chiến tranh, các nhà duy tâm đã đấu tranh bênh vực nhân quyền, đặc biệt là việc xóa bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ. Sau chiến tranh, người Mỹ đã đạt được những tiến bộ lớn trong lĩnh vực này và chế độ nô lệ đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Thời kỳ sau Nội chiến trở thành kỷ nguyên của các triệu phú là các nhà sản xuất và các nhà đầu cơ, khi thuyết tiến hóa về sự thích nghi của loài của Darwin bắt đầu được áp dụng phổ biến trong xã hội và dường như những ông chủ tư bản sẵn sàng thực hiện nhiều hành vi vô đạo đức để đạt được mục đích kinh doanh.
Hoạt động kinh doanh buôn bán đã bùng nổ sau chiến tranh. Hệ thống đường sắt liên lục địa được khánh thành năm 1869 và kỹ thuật điện tín truyền tin xuyên lục địa bắt đầu hoạt động năm 1861 đã giúp cho ngành công nghiệp tiếp cận dễ dàng các nguồn nguyên vật liệu, các thị trường và thúc đẩy hoạt động giao tiếp. Dòng người nhập cư vào Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng lên, cung cấp một nguồn lao động rẻ dường như vô hạn. Hơn 23 triệu người ngoại quốc – đầu tiên là những người Đức, người Scăngđinavi và người Ai -len, sau đó là người Trung Âu và Nam Âu – đã di cư tới nước Mỹ trong giai đoạn từ 1860 đến 1910. Trong năm 1860, hầu hết người Mỹ đều sinh sống tại các trang trại hoặc các ngôi làng nhỏ; nhưng đến năm 1919, một nửa dân số Mỹ đã sinh sống tập trung ở 12 thành phố lớn.
Những vấn đề nảy sinh trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã bắt đầu xuất hiện: nghèo đói, thiếu thốn nhà cửa, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, tiền lương thấp (hay còn được gọi là “mức lương trả cho nô lệ”), điều kiện làm việc khó khăn và những ràng buộc lao động chưa phù hợp. Các công đoàn lớn mạnh và bắt đầu đấu tranh thông qua việc giúp cho người lao động trên khắp đất nước nhận thức được hoàn cảnh lao động khốn cùng của họ. Các chủ trang trại cũng đấu tranh chống lại “lợi tức tư bản” của miền Đông. Từ 1860 đến 1914, nước Mỹ đã chuyển đổi từ một thuộc địa cũ nông nghiệp nhỏ bé thành một quốc gia công nghiệp, hiện đại và rộng lớn. Từ một con nợ năm 1860, đến năm 1914, nước Mỹ đã trở thành quốc gia thịnh vượng nhất và kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, nước Mỹ đã trở thành một cường quốc thế giới.
Nền công nghiệp hóa lớn mạnh đã gây ra các ảnh hưởng của nó. Hai nhà viết tiểu thuyết Mỹ vĩ đại nhất thời kỳ này là Mark Twain và Henry James có các cách phản ứng khác nhau trước bối cảnh này. Twain đã đưa miền Nam và miền Tây – vốn được ông coi là trái tim của vùng nông thôn và vùng biên giới nước Mỹ – vào các tác phẩm hư cấu của mình; James thì lại hướng về châu Âu để tiến lại gần hơn bản chất của những người Mỹ mới theo chủ nghĩa thế giới.
Samuel Clemens (1835-1910), nổi tiếng hơn dưới bút danh Mark Twain, lớn lên bên bờ sông Mississippi tại một thị trấn biên giới Hannibal, thuộc bang Missouri. Chính Ernest Hemingway đã tuyên bố rằng tất cả nền văn học Mỹ đã được phác họa từ một tác phẩm vĩ đại của Twain – cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Vào đầu thế kỷ 19, các nhà văn Mỹ có xu hướng sáng tác theo lối văn phong đa cảm, hoa mỹ và phô trương – một phần là họ muốn chứng minh rằng họ có
thể viết giống như người Anh. Văn phong của Twain dựa trên phong cách hiện thực, thông dụng và sôi nổi theo kiểu Mỹ, giúp cho các nhà văn Mỹ bắt đầu ý thức được và đánh giá cao tiếng nói dân tộc của họ. Twain là tác giả lớn đầu tiên khai phá những nét đặc trưng của chính bản thân nước Mỹ, ông cũng là người đầu tiên sử dụng lối nói lái hài hước và có những tư tưởng đả phá tín ngưỡng lỗi thời trong các tác phẩm của mình.
Đối với Twain và các nhà văn Mỹ khác ở thế kỷ 19, chủ nghĩa hiện thực không chỉ là một kỹ thuật văn học: nó còn là cách để nói lên sự thật và làm tiêu tan những quy ước đã lỗi thời. Vì thế, nó thực sự tự do và có thể tạo ra xung đột với xã hội. Ví dụ được biết đến nhiều nhất chính là tác phẩm về Huck Finn – một chàng trai nghèo quyết định đi theo tiếng gọi lương tâm và giúp người nô lệ Negro vươn tới tự do, ngay cả khi Huck biết rằng anh có thể bị trừng phạt vì đã vi phạm luật pháp.
Kiệt tác này của Twain được xuất bản năm 1884 và đã được ông sáng tác tại ngôi làng St. Petersburg bên bờ sông Mississippi. Là con trai của một kẻ nghiện rượu, Huck được một gia đình đáng kính nhận làm con nuôi khi cha của cậu đe dọa giết chết cậu bé trong cơn say. Bị đe dọa, Huck đã chạy trốn cùng với một người nô lệ tên là Jim – một người đang bị cô chủ của mình là cô Watson dọa bán cho một chủ nô lệ thô lỗ ở miền Nam. Huck và Jim đã trôi nổi trên một chiếc bè xuôi theo dòng sông Mississippi huyền bí, nhưng chiếc bè đã bị đánh chìm bởi một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước. Hai cậu bé đã bị lạc nhau rồi sau đó lại tìm thấy nhau. Chúng đã trải qua nhiều cuộc phiêu lưu nguy hiểm và vui nhộn bên bờ hồ lớn, qua đó chỉ ra tính đa dạng, sự khoan dung và những điều bất công tàn ác trong xã hội. Kết thúc câu chuyện, cô Watson trả tự do cho Jim và một gia đình đáng kính đã nhận nuôi và chăm sóc cho cậu bé Huck. Nhưng Huck lớn lên và đã không chịu chấp nhận xã hội văn minh. Cậu lại lập kế hoạch để đi tới miền đất mới – miền đất của những người da đỏ.
Đoạn kết của câu chuyện đã cho độc giả thấy một phiên bản mới về “sự thuần khiết” cổ điển theo kiểu Mỹ: một con đường rộng mở dẫn đến những vùng đất nguyên sơ, tránh xa khỏi những ảnh hưởng đạo đức thối nát của “nền văn minh”. Tiểu thuyết của James Fenimore Cooper, những bài thơ ca tụng con đường khai phá của Walt Whitman, tác phẩm Chú Gấu của William Faulkner và cuốn Trên đường của Jack Kerouac là những ví dụ văn học điển hình khác thể hiện nhân sinh quan này.
Trong một tác phẩm của mình, Henry James đã viết rằng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật văn học “tạo ra cuộc sống, tạo ra những điều kỳ thú và tạo ra ý nghĩa”. Văn chương của James là một trong những áng văn chân thực, phức tạp và tinh tế nhất của thời đại. Trong các tác phẩm của mình, ông thường nhấn mạnh chủ nghĩa quốc tế – bộc lộ mối quan hệ phức tạp giữa những người Mỹ bản địa và những người châu Âu theo chủ nghĩa thế giới.
Henry James (1843-1916)
Người viết tiểu sử của James – Leon Edel – đã gọi thời kỳ sáng tác đầu tiên của ông là “thời kỳ chủ nghĩa quốc tế”, thể hiện qua các tác phẩm như Người Mỹ (1877), Daisy Miller (1879), và kiệt tác Bức chân dung của người đàn bà (1881). Trong cuốn Người Mỹ, Christopher Newman, một triệu phú công nghiệp chất phác nhưng thông minh và thực tế đã tới châu Âu để tìm vợ. Khi gia đình của cô dâu từ chối anh vì anh không có nguồn gốc quý tộc, anh đã từng có cơ hội để trả thù họ nhưng anh đã không làm thế – điều này thể hiện sự ưu tú về phẩm chất đạo đức của một người Mỹ không xuất thân từ tầng lớp quý tộc.
Giai đoạn sáng tác thứ hai của James là giai đoạn thử nghiệm. Ông khai thác những chủ điểm mới – phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và cải cách xã hội trong tác phẩm Người Boston (1886), hay những mưu đồ chính trị trong tác phẩm Công chúa Casamassima (1885). Trong giai đoạn sáng tác thứ ba và cũng là giai đoạn quan trọng nhất, James quay lại với các chủ đề quốc tế, nhưng văn phong của ông đã trở nên sâu sắc hơn và mang màu sắc tâm lý hơn. Những tác phẩm hay nhất và đồ sộ nhất như Đôi cánh của chim bồ câu (1902), Ngài đại sứ (1903) (được James đánh giá là tiểu thuyết hay nhất của mình) và Cái bát vàng (1904) đều được viết vào giai đoạn này. Nếu như chủ đề chính trong tiểu thuyết của Twain là những điều khác biệt hài hước giữa kỳ vọng và thực tế thì mối quan tâm không dứt của James chính là tri giác sáng suốt. Trong các tác phẩm của James, chỉ có khả năng tự nhận thức và tri giác sáng suốt mới là nền tảng cho tri thức uyên thâm và sự hy sinh quên mình cho tình yêu.
Chương 6
Chủ nghĩa hiện đại và những thử nghiệm
Nhiều nhà sử học đã đánh giá thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới là thời kỳ lịch sử đau buồn đối với nước Mỹ, dù thực tế là khoảng thời gian mà nước Mỹ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến là rất ngắn ngủi (1917-1918) và số thương vong mà nước Mỹ phải gánh chịu ít hơn rất nhiều so với những tổn thất của các đồng minh và kẻ thù của Mỹ ở châu Âu. Bị sốc về mặt tâm lý và nhân sinh quan thay đổi, những người lính Mỹ trở về quê hương nhưng không bao giờ lấy lại được sự trong sáng thuần khiết của họ. Những người lính từ các vùng nông thôn Mỹ khó có thể dễ dàng trở lại cội rễ của mình. Sau khi đã đi tới nhiều nơi trên thế giới, nhiều người trong số họ bỗng khao khát cuộc sống hiện đại nơi thị thành.
Trong giai đoạn sau chiến tranh, hoạt động kinh doanh nở rộ và sự làm ăn phát đạt đã nhấn chìm những giấc mơ hoang dã của họ. Lần đầu tiên, nhiều người Mỹ tìm cách có được bằng cấp cao hơn – trong những năm 1920, số lượng trường đại học tăng lên gấp đôi. Với tầng lớp trung lưu giàu có, người Mỹ bắt đầu trở thành những người có thu nhập bình quân cao nhất thế giới trong thời kỳ này.
Người Mỹ vào “những năm 20 sôi nổi” bắt đầu yêu thích các hình thức giải trí hiện đại. Hầu như ai cũng tới rạp chiếu phim một lần mỗi tuần. Mặc dù có Luật cấm nấu và bán rượu trên toàn quốc, được ban hành thông qua Điều bổ sung sửa đổi thứ 18 của Hiến pháp Hoa Kỳ và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1919, song các quán rượu và những hộp đêm phi pháp vẫn được mở ra nhanh chóng, cùng với nhạc Jazz, các kiểu váy áo và những điệu nhảy táo bạo. Đi khiêu vũ, đi xem phim, đi du lịch bằng xe ô tô và các thiết bị vô tuyến đã trở thành niềm đam mê trên toàn nước Mỹ. Đặc biệt là phụ nữ Mỹ đã cảm thấy được giải phóng. Họ cắt tóc ngắn, mặc váy ngắn và hân hoan đón nhận quyền được bỏ phiếu thông qua Điều bổ sung sửa đổi thứ 19 của Hiến pháp vào năm 1920. Họ có thể bày tỏ một cách táo bạo những suy nghĩ của mình và giữ những vị trí quan trọng trong xã hội.
Bất chấp cuộc sống mới thịnh vượng này, những thanh niên miền Tây đang trải qua sự chuyển đổi văn hóa mạnh mẽ lại muốn nổi loạn về mặt trí tuệ. Họ trở nên giận giữ và vỡ mộng với cuộc chiến đẫm máu và bất mãn với thế hệ đàn anh mà họ cho là phải chịu trách nhiệm. Mỉa mai thay, điều kiện kinh tế khó khăn sau chiến tranh ở châu Âu đã cho phép người Mỹ – với những đồng đô-la của họ – như các nhà văn F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway, Gertrude Stein và Ezra Pound – sống được ở nước ngoài chỉ với một số tiền ít ỏi, được chứng kiến sự vỡ mộng sau chiến tranh, cũng như những nhà trí thức châu Âu khác thời kỳ đó, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa Frớt và một nhóm ít người theo chủ nghĩa Mác.
Nhiều cuốn tiểu thuyết, nhất là cuốn Mặt trời vẫn mọc của Hemingway (1926) và cuốn Bên này thiên đường của Fitzgerald (1920), đã mô tả rẩt rõ sự hoang phí và cơn ảo mộng của cái mà nhà văn Mỹ lưu vong Gertrude Stein đã gọi là “thế hệ đã mất”. Trong bản trường ca của T.S. Eliot “Vùng đất bỏ hoang” (1922), nền văn minh phương Tây đã được hình tượng hóa bởi một sa mạc lạnh lẽo đang trong lúc tuyệt vọng chờ mưa (sự hồi sinh của những linh hồn).
Chủ nghĩa hiện đại
Làn sóng văn hóa lớn của chủ nghĩa hiện đại đã nổi lên ở châu Âu và nhanh chóng lan rộng tới nước Mỹ vào những năm đầu thế kỷ 20, biểu thị cảm xúc về cuộc sống hiện đại thông qua nghệ thuật như hình bóng từ quá khứ. Vì máy móc hiện đại đã làm thay đổi vận tốc, khí hậu và muôn mặt của cuộc sống đời thường trong những năm đầu thế kỷ 20 nên nhiều nghệ sĩ và nhà văn, với các cấp độ thành công khác nhau, đã tái hiện lại những thể thức nghệ thuật truyền thống và thử tìm ra những thể thức nghệ thuật mới – một thành tựu thẩm mỹ mà người ta gọi là “thời đại của máy móc”.
Thomas Stearns Eliot – T.S. Eliot (1888-1965) là nhà văn được hưởng những điều kiện giáo dục tốt nhất trong số bất kỳ nhà văn lớn nào của Mỹ thuộc thế hệ ông. Ông đã từng học tập ở Đại học Harvard, Đại học Sor- bonne, và Đại học Oxford. Ông nghiên cứu tiếng Phạn và triết học phương đông – là những tri thức ảnh hưởng lớn tới thơ ca của ông. Giống như bạn của mình, nhà thơ Ezra Pound, ông tới nước Anh từ rất sớm và đã trở thành một gương mặt sáng giá trong làng văn học nước này. Là một trong những nhà thơ đáng kính trọng nhất thời kỳ đó, quan điểm ủng hộ chủ nghĩa tân thời của ông được thể hiện qua những vần thơ trừu tượng và đã gây ra những ảnh hưởng mang tính cách mạng.
Trong “Bản tình ca của J. Alfred Prufrock” (1915), nhà trí thức già Prufrock đã nghĩ rằng ông ta có thể đo lường cuộc sống của mình trong chiếc muỗng cà phê – hình ảnh chiếc muỗng cà phê thể hiện sự tồn tại buồn tẻ và quãng đời nghiện ngập. Đoạn mở đầu trong tác phẩm “Prufrock” của Eliot đã đưa người đọc tới một hẻm phố lòe loẹt, giống như cuộc sống hiện đại không đưa ra được câu trả lời thích đáng nào cho những câu hỏi về cuộc sống:
Hãy đi nào, bạn và tôi
Khi bóng đêm bao trùm bầu trời
Như người bệnh đang ngủ mê trên bàn
Những hình ảnh tương tự cũng tràn ngập trong tác phẩm “Vùng đất bị bỏ hoang” (1922), khiến tác phẩm “Địa ngục” của Dante trở nên nổi danh và gợi nhớ tới những đường phố đông người của Luân-đôn vào khoảng thời gian xảy ra cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất:
Dưới màn sương mù màu nâu của buổi ban mai mùa đông Đám đông nối đuôi nhau qua cây cầu Luân-đôn, rất đông người Tôi đã không nghĩ rằng cái chết lại có thể hủy diệt nhiều sinh linh đến vậy … (1, 60-63)
Robert Lee Frost (1874-1963) sinh ở California nhưng lớn lên trong một trang trại miền đông bắc Hoa Kỳ cho đến lúc lên 10. Giống như Eliot và Pound, ông tới nước Anh vì bị thu hút bởi những trào lưu thơ ca mới ở đây. Ông đã viết về cuộc sống trang trại truyền thống ở New England (thuộc miền đông bắc Hoa Kỳ), gợi nên nỗi lòng hoài cổ với những con đường xưa. Chủ đề trong thơ của ông là vũ trụ – những lần hái táo, những bức tường đá, những cái hàng rào và những con đường thôn quê. Mặc dù cách tiếp cận vấn đề của ông rất sáng sủa và rõ ràng song dường như hơi đơn giản. Tuy nhiên nhiều bài thơ của ông cũng có ý nghĩa sâu sa. Ví dụ như một buổi tối yên tĩnh có tuyết rơi với nhịp điệu buồn tẻ làm người đọc liên tưởng tới sự giá buốt buồn thảm của cái chết. Trong bài thơ “Dừng chân trong rừng vào một buổi tối đầy tuyết” (1923) ông viết:
Tôi nghĩ là tôi biết cánh rừng này thuộc về ai
Ngôi nhà của người ấy ở trong khu làng này
Người ấy sẽ không thấy tôi dừng chân ở đây
Để ngắm nhìn những hàng cây phủ đầy tuyết
Mặc dù văn xuôi Mỹ giai đoạn giữa hai cuộc chiến vẫn có thể thức và tư tưởng mang tính thử nghiệm, song các nhà văn Mỹ ngày càng thiên về xu hướng hiện thực hóa giống như các nhà văn Anh. Tầm quan trọng của việc phải đối mặt với sự thật đã trở thành chủ điểm chính trong những năm 1920 và 1930: các nhà văn như F. Scott Fitzgerald và nhà biên kịch Eugene O’Neill một lần nữa đã vẽ nên số phận bi kịch của những người sống phù du trong những giấc mơ hời hợt.
Cuộc sống của Francis Scott Key Fitzgerald giống như một câu chuyện cổ tích. Trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Fitzgerald đã gia nhập quân đội Hoa Kỳ và đã đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp và giàu có, Zelda Sayre, sống gần Mont- gomery, bang Alabama nơi anh đóng quân. Sau khi rời quân ngũ khi chiến tranh kết thúc, chàng trai này đã tìm kiếm người yêu của mình ở Thành phố New York City với ý định sẽ cưới cô làm vợ.
Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh, Bờ bên này của Thiên đường (1920) đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất và họ đã cưới nhau vào năm 24 tuổi. Đôi vợ chồng trẻ đã không trụ vững được trước những cám dỗ của thành công và tên tuổi, họ đã phung phí tiền bạc của mình để rồi phải rời nước Mỹ năm 1924 và di cư đến nước Pháp để sống cuộc sống tằn tiệm hơn. Họ đã trở về Mỹ 7 năm sau đó. Zelda bị mắc chứng bệnh tâm thần và phải được đưa vào sống tại một trại từ thiện; bản thân Fitzgerald thì nghiện rượu và chết trẻ khi đang là một nhà viết kịch bản phim.
Chỗ đứng của Fitzgerald trong làng văn học Mỹ được khẳng định qua cuốn tiểu thuyết Gatsby vĩ đại (1925) của ông – một cuốn sách đã thành công rực rỡ, một câu chuyện có cấu trúc vô cùng chặt chẽ về giấc mơ Mỹ của một người đàn ông tự do. Vai chính trong truyện, nhân vật Jay Gatsby huyền bí đã phát hiện ra cái giá quá đắt phải trả cho thành công trong tình yêu và trong những khát vọng cá nhân. Hơn hết thảy mọi nhà văn Mỹ khác, Fitzgerald đã làm toát lên vẻ đẹp dữ dội và lộng lẫy của cuộc sống những năm 1920.
Ít có nhà văn nào lại có cuộc sống phong phú như Ernest Hemingway. Các cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của ông là kết quả của những công việc mà ông đã trải qua. Giống như Fitzgerald, Dreiser và nhiều người viết tiểu thuyết nổi tiếng khác của thế kỷ 20, Hemingway đến từ miền Trung Tây của nước Mỹ. Ông đã từng là lính tình nguyện tại một đơn vị xe cứu thương ở Pháp trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, nhưng ông đã bị thương và phải nằm trong bệnh viện trong sáu tháng. Sau chiến tranh, với cương vị là một phóng viên chiến tranh tác nghiệp ở Paris, ông đã gặp những nhà văn Mỹ lưu vong Sherwood Anderson, Ezra Pound, F. Scott Fitzgerald và Gertrude Stein. Đặc biệt là Stein đã có ảnh hưởng lớn tới văn phong bình dị của ông.
Ernest Hemingway (1899-1961)
Sau cuốn tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc (1926) làm nên danh tiếng của ông, ông tiếp tục làm nhà báo trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai và trong cuộc chiến ở Trung quốc vào những năm 1940. Trong một chuyến đi săn dài ngày ở châu Phi, ông đã bị thương trong một tai nạn máy bay; trước đó, ông đã từng đi săn và câu cá – những hoạt động được tái hiện sau này trong những tác phẩm hay nhất của ông. Ông già và biển cả (1952), một cuốn tiểu thuyết ngắn đầy chất thơ về một ông lão đánh cá nghèo khổ bắt được một chú cá to từ đại dương bao la, nhưng rồi con cá đó lại bị cá mập ăn thịt, đã được trao giải Pulitzer năm 1953; một năm sau đó, ông đã nhận được giải Nobel văn học. Buồn chán vì một gia đình không êm ấm, bệnh tật và ý nghĩ là mình đã mất tài năng sáng tác, Hemingway đã tự sát vào năm 1961. Hemingway có thể được coi là nhà viết tiểu thuyết Mỹ được biết đến nhiều nhất. Sự đồng cảm của ông trong văn chương hoàn toàn phi chính trị, thấm đẫm chất nhân văn và chính vì thế nên ông được biết đến trên toàn thế giới.
Giống như Fitzgerald, Hemingway đã trở thành phát ngôn viên của thế hệ mình. Nhưng thay vì vẽ nên vòng hào quang tai họa như Fitzgerald đã làm – người chưa bao giờ chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Hemingway đã viết về chiến tranh, về cái chết và về “thế hệ đã mất” của những người sống sót bất cần đạo lý. Các nhân vật của ông không phải là những kẻ mơ mộng mà là những dũng sĩ đấu bò tót, những người lính và những vận động viên điền kinh. Nếu là những nhân vật trí thức, thì họ đều bị tổn thương sâu sắc và vỡ mộng. Văn phong của ông là lối văn rõ ràng, mạch lạc, không có chỗ cho những ngôn từ thừa thãi. Ông thường sử dụng lối nói tắt: Trong tác phẩm Giã từ vũ khí (1929), nhân vật chính đã nói “Tôi không hề sợ hãi. Đó chỉ là một trò bịp bợm bẩn thỉu”. Một lần, ông đã ví lối viết của mình với những tảng băng trôi: “Trong lối viết văn của tôi, chỉ có một phần tám là ngôn từ, bảy phần tám còn lại là chìm dưới nước và độc giả phải tự tìm hiểu ẩn ý của những ngôn từ đó”.
Sinh ra trong một gia đình lâu đời ở miền Nam, William Harrison Faulkner đã lớn lên ở Oxford, bang Mississippi, nơi ông sống phần lớn cuộc đời mình. Faulkner đã tái hiện lịch sử của miền đất này và của nhiều sắc tộc mà ông đã cùng chung sống. Là một nhà văn đầy sáng tạo, Faulkner tỏ ra rất điêu luyện trong lối văn tường thuật, với nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm và nhiều tiếng nói khác nhau (trong đó có cả những người vô gia cư, các em nhỏ và những người mù chữ). Văn phong của ông phong phú và hoa mỹ, được xây dựng trên những câu văn rất dài.
William Faulkner (1897-1962)
Những cuốn tiểu thuyết hay nhất của Faulkner bao gồm Âm thanh và cơn thịnh nộ (1929) và Khi tôi hấp hối (1930) – hai tác phẩm hiện đại đại diện cho nhân sinh quan và tiếng nói của những gia đình miền nam nước Mỹ đang quằn quại dưới nỗi đau mất người thân; Ánh sáng tháng Tám (1932) – tác phẩm viết về những mối quan hệ phức tạp và dữ dội giữa một người phụ nữ da trắng và một người đàn ông da đen; và Absalom, Absalom! (1936) – có thể coi là tác phẩm hay nhất của ông, kể về con đường thăng tiến của một chủ vườn và sự xuống dốc bi thảm của ông ta.
Sân khấu kịch của thế kỷ 20
Sân khấu kịch của Mỹ cũng theo mô-típ sân khấu kịch của Anh và châu Âu cho đến tận thế kỷ 20. Trước thế kỷ 20, các vở kịch trên sân khấu Mỹ chưa từng thử tìm tòi bất cứ một sáng tạo thẩm mĩ nào trong lĩnh vực nghệ thuật này.
Eugene O’Neill là một gương mặt vĩ đại của sân khấu kịch Mỹ. Nhiều vở kịch của ông là sự kết hợp giữa nguyên tắc kịch truyền thống với một cách nhìn mới và sự sâu sắc trong cách thể hiện tình cảm. Những vở kịch đầu tiên của O’Neill quan tâm tới tầng lớp lao động và người nghèo trong xã hội; các tác phẩm sau này khám phá lĩnh vực chủ thể, và nhấn mạnh trường phái Freud và sự đau khổ của ông khi chịu đựng sự mất mát người thân là bố, mẹ và anh em ruột thịt.
Eugene O’Neill (1888-1953)
Vở kịch Khát vọng dưới bóng cây du (1924) của ông tái dựng lại câu chuyện về những đam mê thầm kín trong một gia đình. Những vở kịch sau đó của ông là những kiệt tác bao gồm Sự xuất hiện của người bán nước đá (1946), tác phẩm đầu tiên về chủ đề cái chết, và Hành trình từ ngày vào đêm (1956) – một vở bi kịch tự sự có tác động mạnh và sâu sắc tập trung vào chính gia đình ông và những băng hoại về thể chất và tâm lý của những người trong gia đình, diễn ra trong suốt một đêm dài.
Chương 7
Sự phát triển của cá nhân
Cuộc Đại suy thoái của những năm 1930 đã làm kiệt quệ nền kinh tế Mỹ cho đến Chiến tranh Thế giới Thứ hai mới phục hồi. Hoa Kỳ trở thành một nhân vật chính trên sân khấu chính trị thế giới, và những người Mỹ thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai lần đầu tiên được hưởng sự phồn thịnh của chủ nghĩa cá nhân chủ nghĩa và tự do cá nhân.
Giáo dục đại học được phát triển và truyền hình ngày càng phổ biến trên khắp nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai khiến mọi người dân bình thường đều có thể tự cập nhật thông tin và trở nên hiểu biết hơn. Hàng hóa tiện ích tràn ngập và khả năng dễ dàng sở hữu những căn nhà đẹp ở ngoại ô khiến những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tự chủ hơn. Học thuyết tâm lý của Freud được quảng bá rộng rãi và nhấn mạnh vào nguồn gốc và tầm quan trọng của tư duy cá nhân. Những “viên thuốc’ tránh thai giải phóng phụ nữ khỏi sự phụ thuộc vào những nguyên tắc sinh lý truyền thống. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đa số mọi người dân bình thường đều có một cuộc sống sung túc và tự tin về giá trị cá nhân của bản thân họ.
Sự thăng hoa của chủ nghĩa cá nhân đại chúng – cũng như là các quyền dân sự và các phong trào chống chiến tranh của thập kỷ 1960 – đã tạo thêm sức mạnh cho những tầng lớp không có tiếng nói trước đây. Các nhà văn khẳng định được bản chất bên trong sâu xa của họ, cũng như là kinh nghiệm cá nhân và tầm quan trọng của kinh nghiệm cá nhân ẩn chứa trong tầm quan trọng của cả nhóm xã hội gắn liền với cá nhân mỗi người. Người đồng tính, người theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền và những người sống ngoài lề xã hội khác cũng lên tiếng kể về những câu chuyện của họ. Các nhà văn Mỹ gốc Phi hoặc theo đạo Do Thái nhận thấy rằng họ có các độc giả ở khắp mọi nơi để thể hiện chủ đề phong phú của họ về giấc mơ, hoặc cơn ác mộng Mỹ. Các nhà văn theo đạo Tin Lành, như là John Cheever và John Updike, đã bàn về tác động của nền văn hóa thời hậu chiến đối với cuộc đời của những người như họ. Một số nhà văn hiện đại và đương đại vẫn tìm được chỗ đứng trong phong cách truyền thống hơn, như là chủ nghĩa hiện thực. Một số người có thể được coi như là những người theo chủ nghĩa cổ điển, những người khác thì đang trong quá trình thử nghiệm, có lối hành văn chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng phù du của nền văn hóa đại chúng, hoặc bởi những học thuyết xã hội chủ nghĩa hoặc chủ nghĩa hiện sinh. Nhiều người dễ dàng họp lại thành một nhóm xã hội theo chủng tộc hoặc theo tôn giáo. Tuy nhiên, hầu hết các nhà văn hiện đại đều khẳng định một giá trị đồng nhất mang tính cá nhân trong văn học.
Sylvia Plath điển hình cho một người có một cuộc sống hướng ngoại, giành được học bổng theo học tại trường cao đẳng Smith, tốt nghiệp hạng nhất trong lớp, và giành được học bổng Fulbright đi du học tại Đại học Cambridge ở Anh. Tại đây bà gặp người chồng đầy uy tín sau này là nhà thơ Ted Hughes, sinh được hai người con và định cư tại một căn nhà ở vùng quê nước Anh.
Với sự thành công tưởng như chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, nổi cộm lên những vấn đề tâm lý đầy day dứt chưa được giải quyết trong cuốn tiểu thuyết đắt khách nhất của bà là Tiếng chuông ngân (1963). Trong đó có một số vấn đề thuộc về cá nhân, còn những vấn đề khác nảy sinh từ cảm nhận của bà về những thái độ hà khắc đối với phụ nữ trong thập kỷ 1950. Trong đó, có nhiều niềm tin và sự chia sẻ của phụ nữ – đối với việc phụ nữ không được phép tỏ ra giận dữ hoặc say mê theo đuổi sự nghiệp, mà chỉ nên hoàn thành tốt bổn phận chăm lo cho chồng và con mà thôi. Những phụ nữ rất thành công trong sự nghiệp như Plath cảm thấy rằng họ đang sống giữa một sự giằng co. Câu chuyện cuộc đời của Plath bị vỡ vụn khi bà và chồng là Hughes ly thân và bà nhận nuôi hai con nhỏ trong một căn hộ ở Luân-đôn suốt một mùa đông lạnh giá. Ốm đau, cô đơn và tuyệt vọng, Plath đã chạy đua với thời gian để hoàn thành một chuỗi các bài thơ tuyệt hay trước khi bà tự tử bằng khí ga trong bếp. Những bài thơ này được tổng hợp lại trong tập thơ có tiêu đề Ariel (1965), hai năm sau cái chết của bà. Nhà thơ Robert Lowell, người viết lời giới thiệu cho tập thơ, đã nhấn mạnh vào sự thành công nhanh chóng trong sự nghiệp thơ ca của bà kể từ khi bà tham gia lớp học làm thơ của ông vào năm 1958.
Sylvia Plath (1932-1963)
Sự nghiệp thơ văn của bà trong giai đoạn đầu rất tinh tế và theo truyền thống, nhưng các bài thơ bà sáng tác sau này thể hiện nỗi tuyệt vọng cùng cực và tiếng khóc thống khổ của người theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền thời khởi thủy. Trong tác phẩm “Ứng cử viên” (1966), Plath bộc lộ sự trống rỗng trong vai trò một người vợ bình thường (người mà giá trị bị giảm xuống chỉ còn như một vật vô tri vô giác là “nó”):
Như một con búp bê sống, ở chỗ nào bạn cũng nhìn thấy.
Nó có thể khâu vá, nấu nướng.
Nó có thể nói chuyện, nói chuyện và nói chuyện.
Những bài thơ “đánh nhịp” (beat) bắt đầu xuất hiện vào những năm 1950. Từ “đánh nhịp” thông thường sử dụng trong nhạc, như trong nhạc Jazz có nghĩa là nhịp đầu trong một khổ nhạc, hoặc phúc lành hoặc chúc phúc trong kinh thánh; và “nhừ tử” – sự mệt mỏi hoặc đau đớn. Phong cách Nhịp điệu (hay còn gọi là hippi) được truyền cảm hứng từ lối sống lang thang, tôn giáo phương Đông và dòng nhạc Jazz. Những đặc điểm này đều được khắc họa trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jack Kerouac Trên đường, là một tác phẩm gây chấn động khi được xuất bản lần đầu tiên năm l957. Dựa trên một chuyến đi qua khắp các miền quê bằng xe hơi năm 1947, cuốn tiểu thuyết được hoàn thành trong vòng ba tuần miệt mài viết trên vỏn vẹn một cuộn giấy theo phong cách mà Ker- ouac gọi là “văn xuôi ngẫu hứng nhạc pop”. Phong cách ứng tác tự nhiên, các nhân vật hippi huyền bí, sự chống lại quyền lực và qui ước truyền thống thổi bùng lên ngọn lửa sáng tạo bên trong các độc giả trẻ tuổi và đánh dấu sự khởi đầu bánh xe tự do đi ngược dòng văn hóa truyền thống của những năm 1960.
Phần lớn những người viết thể loại thơ Beat là từ vùng ven biển miền Đông nước Mỹ di cư tới San Francisco, đã giành được sự thừa nhận ban đầu tại bang California. Nhân vật kiệt xuất Allen Ginsberg (1926-1997) trở thành người phát ngôn chính của nhóm này. Được sinh ra từ người bố là một nhà thơ và người mẹ lập dị theo Chủ nghĩa Cộng sản, Ginsberg đã theo học tại Đại học Columbia, nơi ông nhanh chóng kết thân với những sinh viên cùng khóa khác là Kerouac (1922-1969) và William Burroughs (1914-1997), là tác giả của những cuốn tiểu thuyết bạo lực và rùng rợn nhất về thế giới ngầm của dân nghiện heroin, trong đó có cuốn Bữa tiệc trưa trần trụi (1959). Họ là ba nhân vật hạt nhân của phong trào thơ Beat.
Thơ Beat là lối thơ miệng, lặp đi lặp lại và rất hiệu quả trong các buổi đọc tập thể, phần lớn là do nó được phát triển từ các buổi đọc thơ tại các câu lạc bộ “của thế giới ngầm”. Một số người có thể đúng khi cho rằng đây là ông tổ của nhạc Rap, dòng nhạc thịnh hành trong những năm 1990. Thơ Beat là một hình thức văn chương phản đối giới cầm quyền mạnh nhất tại Hoa Kỳ, nhưng đằng sau những từ ngữ giật gân đó lại ẩn chứa một tình yêu đất nước. Giọng thơ là tiếng khóc đau đớn và cơn thịnh nộ trước những điều mà các nhà thơ cho là sự mất mát trước sự vô can của nước Mỹ và sự lãng phí bi thảm về các nguồn nhân lực và vật lực của nước này.
Những bài thơ như Tiếng hú (1956) của Allen Ginbeng đã cải cách thơ ca truyền thống:
Tôi chứng kiến những trí óc tuyệt vời nhất trong thế hệ chúng tôi đã bị hủy hoại
bởi sự điên rồ, trần truồng cho tới chết,
kéo lê thân xác họ qua những khu phố của người da đen vào lúc bình minh để tìm kiếm cách hả giận,
những kẻ hippi có đầu óc thiên thần đang hừng hực liên kết giữa thiên đường cổ điển và sự năng động sáng tựa sao trong khuôn khổ của bóng đêm…
Tennessee Williams, người vùng Mississippi, là một trong những nhà văn khá phức tạp trên văn đàn nước Mỹ vào giữa thế kỷ 20. Tác phẩm của ông tập trung vào những xúc cảm xáo trộn trong đời sống gia đình – hầu hết là các gia đình ở miền Nam. Ông nổi tiếng về những câu nói lặp đi lặp lại như thần chú, một cách diễn đạt đầy chất thơ của miền Nam, về những bối cảnh Gothic kỳ lạ, và những khám phá về những xúc cảm của con người theo thuyết Freud. Là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên công khai sống như một người đồng tính luyến ái, Williams giải thích rằng niềm khát khao mãnh liệt của các nhân vật bị đọa đầy của ông diễn đạt sự cô đơn của họ. Những nhân vật của ông sống và chịu đau khổ một cách thảm hại.
Williams viết hơn 20 vở kịch dài, nhiều vở mang tính chất tiểu sử tự thuật. Ông đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp tương đối sớm – vào thập niên 40 – với The Glass Menagerie (Bầy thú thủy tinh – 1944) và A Streetcar Named Desire (Chuyến tàu mang tên dục vọng – 1947). Không một tác phẩm nào trong suốt hơn hai thập kỷ sau đó đạt được mức độ thành công và phong phú như hai vở kịch này.
Sinh ở Mississippi trong một gia đình nông dân khá giả sau này chuyển lên sống ở miền Bắc, Eu- dora Welty được hai tiểu thuyết gia Robert Penn Warren và Katherine Anne Porter dẫn dắt vào nghề. Thật ra, Porter đã viết lời giới thiệu cho tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của Welty, A Cur- tain of Green (Rèm cửa xanh lá cây – 1941). Welty dựa theo khuôn mẫu của Porter để viết các tác phẩm của mình, nhưng nữ văn sĩ trẻ này quan tâm hơn đến những điều khôi hài và lập dị. Cũng như với Flannery O’Connor sau này, các nhân vật trung tâm của bà thường bất thường, quái dị hay là những trường hợp ngoại lệ.
Eudora Welty (1909-2001)
Mặc dù tác phẩm của bà có nhiều yếu tố bạo lực, trí thông minh của Welty về bản chất mang tính nhân bản và lạc quan. Những tập truyện của bà bao gồm The Wide Net (Mạng rộng – 1943), The Golden Apples (Những trái táo bằng vàng – 1949), The Bride of the Innisfallen (Cô dâu của Innisfallen – 1955), và Moon Lake (Hồ Trăng – 1980). Welty cũng viết những cuốn tiểu thuyết như Delta Wedding (Đám cưới Delta – 1946), kể chuyện một gia đình ở một trang trại trong thời hiện đại và The Optimist’s Daughter (Con gái người lạc quan – 1972).
Ralph Ellison, một người miền Trung Tây, sinh ở Oklahoma, học ở Học viện Tuskegee ở miền Nam Hoa Kỳ. Ông có một trong những sự nghiệp kỳ lạ nhất trong văn học Mỹ – chỉ với một cuốn sách duy nhất, ông đã có chỗ đứng trên văn đàn.
Ralph Ellison (1914-1994)
Cuốn tiểu thuyết Invisible Man (Người vô hình) (1952) là câu chuyện về cuộc sống của một người da đen cố gắng sinh tồn ở dưới mặt đất trong một cái hang được chiếu sáng bởi ánh điện ăn cắp của một công ty dịch vụ công cộng. Cuốn sách kể lại chuỗi sự kiện quái dị và những giấc mộng đẹp bị tan vỡ của anh ta. Khi anh nhận được suất học bổng ở một trường đại học dành cho người da đen, anh đã bị những người da trắng sỉ nhục; khi anh vào đại học, anh chứng kiến thầy hiệu trưởng khinh bỉ bác bỏ những vấn đề bức xúc của người Mỹ da đen. Cuộc sống cũng thối rữa bên ngoài trường đại học. Ví dụ, ngay cả tôn giáo cũng không phải là một sự an ủi: Một giáo sĩ giảng đạo thực ra lại là một tên tội phạm. Cuốn tiểu thuyết lên án xã hội đã hoàn toàn không trao cho các công dân – da đen cũng như da trắng – những lý tưởng cao đẹp để vươn tới và những thể chế khả dĩ có thể biến chúng thành hiện thực. Cuốn tiểu thuyết chứa đựng nội dung sâu sắc về vấn đề chủng tộc bởi lẽ “người vô hình” ấy trở nên trong suốt không phải do bản thân anh ta mà do những người khác, mù lòa vì định kiến, đã không thể nhìn thấy anh ta, như là một con người đang tồn tại với đúng bản chất của mình.
Sinh ra ở Canada và lớn lên ở Chicago, Saul Bel- low là người gốc Nga-Do Thái. Ông theo học nhân chủng học và xã hội học ở trường đại học, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến lối viết văn của ông cho đến tận ngày nay. Ông đã biểu lộ lòng biết ơn sâu xa với Theodore Dreiser, một tiểu thuyết gia theo trường phái hiện thực vì đã chia sẻ những kinh nghiệm trải nghiệm và sự dấn thân đầy xúc cảm của ông đối với thể loại này. Được đánh giá rất cao, ông nhận giải Nobel văn học vào năm 1976.
Saul Bellow (1915-2005)
Những cuốn tiểu thuyết hiện sinh đầu tiên có phần u ám của Saul Bellow bao gồm Dangling Man (Người chờ đợi – 1944), một nghiên cứu theo trường phái Kafka về một người chờ đợi được tuyển mộ đi lính và The Victim (Nạn nhân – 1974), về quan hệ giữa người Do Thái và người không theo đạo Do Thái. Vào thập niên 50, quan điểm của ông trở nên hài hước hơn: Ông sử dụng một loạt những câu chuyện tự sự sinh động và mạo hiểm sử dụng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất trong The Adventures of Augie March (Những cuộc phiêu lưu của Augie March – 1953) – khai thác nhân vật là một thương nhân sống ở thành phố giống như Huck Finn, sau này trở thành một trùm buôn lậu ở châu Âu – và trong tác phẩm Hender- son the Rain King (Vua mưa Henderson – 1959), một kiệt tác tiểu thuyết nửa nghiêm trang nửa khôi hài về một nhà triệu phú trung niên đã phiêu lưu tới châu Phi chỉ để thỏa mãn những tham vọng của mình. Những tác phẩm sau này của Bellow bao gồm Herzog (1964), kể về cuộc đời đầy rắc rối của một giáo sư thần kinh người Anh chỉ chuyên tâm vào ý tưởng về cái tôi lãng mạn; Mr Sammler’s Planet (Hành tinh của ông Sammler – 1970); Humboldt’s Gift (Món quà của Humboldt – 1975); và cuốn tự truyện The Dean’s Decem- ber (Tháng 12 trong đời ông hiệu trưởng- 1982).
Cuốn Seize the Day (Chớp lấy thời cơ – 1956) của Bellow là một tiểu thuyết kiệt tác với cốt truyện tập trung vào nhân vật chính là một thương gia thất cơ lỡ vận, Tommy Wilhelm, người trở nên bất lực hoàn toàn khi bị gặm nhấm bởi cảm giác thiếu thốn – thất bại trong quan hệ với những người phụ nữ trong đời, thất bại trong công việc, máy móc hỏng và thị trường kinh doanh hàng hóa, nơi ông mất hết tiền bạc. Wilhelm là một ví dụ về một gã khờ khạo, vụng về luôn thất bại trong truyện dân gian Do Thái – một người luôn luôn gặp những điều xui xẻo.
John Cheever (1915-2005) thường được gọi là một “tiểu thuyết gia đa phong cách”. Ông cũng nổi tiếng bởi những truyện ngắn tao nhã và đầy ngụ ý, khai thác tường tận thế giới kinh doanh qua những ảnh hưởng của nó đối với các nhà kinh doanh, vợ con và bạn bè họ.
Sự khát khao dường như là vô vọng nhưng chứa đựng sự diễu cợt trong phiền muộn và chưa bao giờ dập tắt vì sự đam mê hay thế lực siêu hình núp dưới bóng các nhân vật vô hình trong những câu chuyện ngắn tinh tế đầy sức lôi cuốn theo trường phái Chekhovian của Cheever, được sưu tập trong các tác phẩm The Way Somw People Live (Lối sống của một người -1943), The Housebreaker of Shady Hill (Kẻ đột nhập ở Shady Hill -1958), Some People, Places, and Things That Will Not Appear in My next Novel (Những con người, địa danh và sự vật sẽ không xuất hiện trong tiểu thuyết sắp tới của tôi -1961), The Brigadier and the Golf Widow (Thiếu tướng và người quả phụ chơi golf -1964), và The World of Apple (Thế giới của những trái táo – 1973). Tựa đề truyện bộc lộ đặc trưng lãnh đạm, đùa cợt, thiếu nghiêm túc và ngụ ý sâu xa về chủ đề sáng tác của ông.
Cheever cũng xuất bản một số tiểu thuyết – The Wapshot Scandal (Vụ tai tiếng của gia đình Wapshot – 1964), Bullet Park (Công viên hình viên đạn – 1969), và Falconer (Người luyện chim ưng, 1977) – cuốn tiểu thuyết sau cùng là một cuốn tự sự.
Cũng như Cheever, John Updike được xem là nhà văn đa phong cách với những bức tranh về cuộc sống đô thị, chủ đề xoay quanh cuộc sống gia đình, phản ánh tâm trạng chán chường, tiếc nuối và đặc biệt là những địa danh được nêu trong tiểu thuyết của ông thường là ở vùng Bờ Đông của Hoa Kỳ, bang Massachusetts và Penn- sylvania.
John Updike (1932- )
Updike được biết đến nhiều nhất bởi bốn tập tiểu thuyết của ông về Anh chàng thỏ đế, miêu tả về cuộc đời của một anh chàng – Harry Angstrom”thỏ đế” – với những thăng trầm trong cuộc sống qua suốt bốn thập kỷ phát triển của lịch sử chính trị và xã hội Mỹ. Thỏ ơi, chạy đi (1960) là một tấm gương phản chiếu thập kỷ 1950, với nhân vật Angstrom trong vai một anh chồng trẻ bất mãn, sống không có mục đích. Phong độ thỏ đế (1971) – nhấn mạnh vào phong trào đi ngược trào lưu văn hóa của thập kỉ 1960 – miêu tả một Angstrom với cuộc sống vẫn không có mục đích hoặc mục tiêu rõ ràng và vô vị không lối thoát. Trong tập Thỏ ơi giàu rồi (1981), Harry đã trở thành một doanh nhân giàu có trong thập kỉ 1970, khi mà cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã tới hồi kết thúc. Tập cuối cùng, Thỏ ơi hãy an nghỉ (1990), lướt nhanh qua sự nhượng bộ của Ang- strom với cuộc đời, trước khi ông chết vì một cơn đau tim, trong bối cảnh của những năm 1980.
Updike có một văn phong xuất chúng so với các nhà văn thời nay, và những tác phẩm truyện ngắn của ông là những minh chứng sắc sảo về tầm vóc và sự lỗi lạc trong văn phong của ông.
Norman Mailer đã tự chứng tỏ bản thân là một tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất trong thập kỉ l960 và l970. Là người đồng sáng lập ra tuần báo phản đối giới cầm quyền Tiếng nói dân làng của Thành phố New York, Mailer công khai về bản thân và quan điểm chính trị của mình. Với khát vọng theo đuổi một phong cách mạnh mẽ, trải nghiệm, và một cá tính gây ấn tượng sâu sắc với công chúng, Mailer đi theo truyền thống của Ernest Hemingway. Để chiếm ưu thế trong các phóng sự về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam, phong trào giải phóng người da đen, và phong trào của phụ nữ, ông đã xây dựng nên nhân vật nam đại trượng phu, tân tiến và theo chủ nghĩa hiện sinh (trong tác phẩm Chính trị giới tính, Kate Millett đã nhận định Mailer là một nguyên mẫu nam nhân vật theo chủ nghĩa sô-vanh). Một Mailer đầy tham vọng đã liên tiếp kết hôn sáu lần và đã từng tranh chức thị trưởng New York.
Từ những tác phẩm mang phong cách báo chí mới như là Miami và cuộc bao vây thành Chicago (1968), một bài báo phân tích về những thỏa thuận ngầm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 1968 và một phóng sự điều tra hết sức hấp dẫn của ông về vụ hành quyết một tên tử tù bị kết tội sát nhân trong Bài ca của tên đao phủ (1979), Mailer chuyển sang viết những cuốn tiểu thuyết đầy tham vọng và không hoàn mỹ như là Những buổi chiều xưa (1983) lấy bối cảnh ở Ai Cập cổ đại và cuốn Hồn ma Harlot (1992) về những vấn đề xoay quanh Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ.
Nữ văn sĩ người Mỹ gốc Phi Toni Morrison (1931- ) sinh ra ở bang Ohio trong một gia đình có tín ngưỡng. Bà theo học Đại học Howard ở thủ đô Washington, là biên tập viên cao cấp của
một nhà xuất bản lớn ở Washington và là giáo sư
Norman Mailer (1923- ) nổi tiếng tại nhiều trường đại học.
Tiểu thuyết viễn tưởng có nội dung đan xen phong phú của Morrison làm cho bà nổi tiếng khắp thế giới. Trong những cuốn tiểu thuyết phóng khoáng và cuốn hút của mình, bà đã xử lý những tính cách phức tạp của người da đen theo một phong cách rất phổ biến. Trong tác phẩm đầu tay của bà là Mắt biếc (1970), một cô gái da đen trẻ giàu nghị lực đã kể lại câu chuyện về Pecola Breedlove, người đã bị điên bởi ông bố bạo hành. Pecola tin rằng đôi mắt đen của cô đã biến thành màu xanh da trời một cách kỳ diệu và khiến cô trở nên dễ thương hơn. Morrison có nói rằng bà đã tạo nên một cảm nhận văn học của riêng bà với tư cách là một nhà văn qua cuốn tiểu thuyết này: “Tôi là Pecola, là Claudia, là tất cả mọi người”.
Tác phẩm Sula (1973) miêu tả tình bạn khăng khít của hai người phụ nữ. Morrison khắc họa chân dung những phụ nữ Mỹ gốc Phi thông qua những nhân vật đặc biệt, đầy cá tính, chứ không phải là những nhân vật kiểu mẫu. Tác phẩm Bài ca của Solomon (1977) của Morrison đã giành được nhiều giải thưởng. Tác phẩm mô tả một người đàn ông da đen tên là Milkman Dead và những mối quan hệ phức tạp của anh ta với gia đình và cộng đồng. Tác phẩm Người yêu dấu (1987) là một câu chuyện về nỗi thống khổ của một phụ nữ đã giết chết các con đẻ của mình còn hơn là để chúng sống cuộc đời của những nô lệ. Tác phẩm áp dụng những kỹ xảo huyền ảo của chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu để xây dựng lên một nhân vật thần bí, Người yêu dấu, cô con gái đã quay trở lại sống với người mẹ đã cắt cổ mình. Tác phẩm Nhạc Jazz (1992), lấy bối cảnh của những năm 1920 tại Harlem, là một câu chuyện về tình yêu và kẻ sát nhân. Năm 1993, Morrison đoạt giải Nobel về văn chương.
Văn học đương đại
Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỉ 21, sự thay đổi nhanh chóng về địa lý và xã hội trên toàn thế giới, sự ra đời của Internet, vấn đề nhập cư và toàn cầu hóa chỉ làm mạnh thêm tiếng nói chủ quan trong bối cảnh tách bạch về văn hóa. Một số nhà văn
đương đại phản ảnh biến cố này bằng giọng văn trầm tĩnh và dễ tiếp nhận hơn. Đối với các tác giả văn xuôi, đưa ra những nhận định về địa lý theo khu vực chứ không phải là theo quốc gia.
Một trong những nhà thơ đương đại ấn tượng nhất là Louise Glück (1943- ). Sinh ra ở thành phố New York, Glück, người giành giải thưởng thơ ca Mỹ năm 2003-2004, lớn lên với nỗi ám ảnh không nguôi về tội lỗi dẫn tới cái chết của người chị gái. Bà học cùng trường cao đẳng Sarah Lawrence và đại học Co- lumbia với các nhà thơi Leonie Adams và Stanley Kunitz. Phần lớn các bài thơ của bà nói về những mất mát đau thương. Mỗi tác phẩm của Glück là một trải nghiệm mới, khiến cho người ta khó mà tóm tắt được sự nghiệp của bà.
Trong bài thơ không thể quên của Glück là Hoa Iris dại (1992), nhiều loại hoa khác nhau đã nói lên những đoạn độc thoại ngắn ngủi. Tiêu đề của tập thơ, một sự khám phá về sự hồi sinh, có thể được coi như là lời đề cho toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Glück. Hoa iris (hoa ngũ sắc) dại, là một loại hoa màu xanh biếc nở rực rỡ từ những nụ hoa ngủ yên trong suốt cả mùa đông, nói: “Thật là kinh khủng khi sống sót / trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo / nhưng bị vùi sâu trong lòng đất tối tăm”.
Từ trong tâm điểm của cuộc đời tôi xuất hiện một đài phun nước lớn, xanh thẳm in bóng trong làn nước biển xanh lơ
Billy Collins (1941- )
Thơ ca của Billy Collins tươi trẻ và hưng phấn. Collins sử dụng ngôn ngữ hàng ngày để ghi lại vô số những chi tiết của cuộc sống đời thường, tự do đan xen giữa những sự kiện nhàm chán (ăn uống, làm việc nhà, viết lách) có liên quan tới văn hóa. Sự độc đáo và hài hước của ông đã mang lại cho ông một số lượng độc giả lớn. Mặc dù một số người chê bai rằng Collins quá thoải mái, những chuyến phiêu lưu đầy bất ngờ của ông vào thế giới tưởng tượng lại chứa đựng những bí ẩn lớn lao.
Các tác phẩm của Collins hoàn toàn theo chủ nghĩa siêu thực. Những bài thơ hay nhất của ông nhanh chóng đẩy trí tưởng tượng lên những nấc thang của những tình huống ngày càng siêu thực hơn, để rồi kết thúc bằng một trạng thái cảm xúc, một tâm trạng mà bất cứ ai cũng có thể cảm thấy rất thư thái. Tuyển tập những bài thơ ngắn “Cái chết,” trong Đi thuyền một mình trong căn phòng: Tuyển tập những bài thơ mới chọn lọc (2001), cho thấy những cảm nhận của Collins về những chuyến bay đầy phiêu lưu mạo hiểm kết thúc bằng sự hạ cánh cánh nhẹ nhàng, như là chim bay về tổ nghỉ ngơi.
Thần chết luôn coi rẻ chúng ta,
trong khi chúng ta đang đi giầy và làm bánh sandwich, Họ đang dõi theo qua đáy những con thuyền thiên đường bằng thủy tinh
Trong khi họ đang nhẹ nhàng lướt vào cõi vĩnh hằng.
Nhà văn mang phong cách nổi bật nhất, Annie Proulx (1935- ) đã viết lên những câu chuyện về những người dân bắc New England nổi loạn trong tác phẩm Tiếng hát từ trái tim (1988). Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà, Tin tức Hàng hải (1993), lấy bối cảnh ở vùng cực bắc ở Newfoundland, Canada. Proulx cũng đã từng sống nhiều năm ở miền tây, và một trong những truyện ngắn của bà đã được chuyển thể thành phim năm 2006: “Ngọn núi nguy hiểm”.
Richard Ford (1944- ) được sinh ra ở Mississippi và bắt đầu viết văn theo phong cách của W. Faulknerian, nhưng lại nổi tiếng nhất bởi cuốn tiểu thuyết tinh tế trong bối cảnh ở New Jersey, Phóng viên thể thao(1986), và tác phẩm tiếp theo đó là Ngày độc lập (l995). Tác phẩm sau kể về Frank Bascombe, một dân chài mộng mơ và hay thoái thác trách nhiệm đã đánh mất tất cả những gì có ý nghĩa trong cuộc đời mình – đó là cậu con trai, giấc mơ viết tiểu thuyết, hôn nhân hạnh phúc, người thân, bạn bè và công việc. Bascombe là một người nhạy cảm và thông minh – ông nói rằng những sự lựa chọn của ông là để “xóa tan đi lòng hối hận muộn màng” – và sự trống rỗng trong con người ông, cùng với những siêu thị ẩn danh và những dự án nhà ở mới toanh mà ông đã trải qua không ngơi nghỉ, là một minh chứng thầm lặng cho quan điểm của Ford về tình trạng bất ổn của một đất nước.
Miền bắc California là cái nôi của những nhà văn Mỹ gốc Á giàu truyền thống, với chủ đề đặc trưng về gia đình, vai trò của giới tính và sự bất đồng giữa các thế hệ cũng như sự tìm kiếm gốc gác. Một nhà văn Mỹ gốc Á sinh ra tại California như vậy là tiểu thuyết gia Amy Tan (1952- ), tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất có tựa đề Phúc Lạc Hội sau này được chuyển thể thành bộ phim ăn khách nhất năm 1993. Câu chuyện có nội dung xuyên suốt qua các chương phác họa số phận của bốn cặp mẹ và con gái. Các tiểu thuyết của Tan là nhịp cầu nối Trung Quốc cổ đại với Hoa Kỳ hiện đại qua các tác phẩm Trăm niềm ẩn thức (1995), kể về cặp chị em cùng cha khác mẹ, và Con gái thầy lang (2001), kể về sự chăm sóc của người con gái đối với mẹ của mình.
Là dân da đỏ sống ở Spokane (bang Washington) và Coeur d’Alene (bang Idaho), Sherman Alexie là tiểu thuyết gia người Mỹ bản địa trẻ nhất nổi danh trên toàn quốc. Alexie đã mô tả một loạt các câu chuyện hài hước và lý trí về đời sống của người da đỏ pha trộn giữa văn hóa truyền thống và văn hóa bình dân. Những tập truyện của ông bao gồm Bảo tồn điệu Blues (1995) và Viên kiểm lâm đơn độc và Tonto Fistfight trên thiên đường (1993), đã được chuyển thể thành phim rất thành công nói về cuộc sống trên vùng đất dành riêng cho những thổ dân da đỏ có tựa đề Những làn khói (1998), do chính Alexie viết kịch bản. Tuyển tập truyện gần đây nhất của Alexie là Người thổ dân kiên cường nhất trên thế giới (2000).
http://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/ebook/LiteratureInBrief.pdf
‘Breakfast at Tiffany’s’ – phụ nữ ai mà không mê?
Tiffany’s là tên cửa hàng trang sức và đá quý sang trọng bậc nhất nước Mỹ nằm ở khu thượng lưu Manhattan, New York. Mỗi khi cảm thấy bất an, Holly Golightly, nhân vật chính của bộ phim thường bắt xe đến đây và ngay lập tức cảm thấy dễ chịu trở lại. Điểm tâm ở Tiffany’s hàm nghĩa những ảo mộng về một cuộc sống xa hoa đẳng cấp của tầng lớp thượng lưu.
“Xưa có một cô gái vô cùng dễ thương, vô cùng yêu đuối. Nàng sống một mình, chẳng có ai khác làm bạn ngoài một con mèo không tên” – anh chàng nhà văn Paul Varjak miêu tả về người hàng xóm yêu kiều của mình như vậy. O.J.Berman, ông bầu Hollywood thì gọi nàng là “rởm đời nhưng rởm một cách chân thành”. Chính nàng thì luôn tự coi mình là “một con thú hoang”, không thuộc về bất cứ đâu cũng như bất cứ ai.Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Truman Capote, Breakfast at Tiffany’s tìm thấy điểm hấp dẫn trước tiên ở tính cách độc đáo, có một không hai của nhân vật chính Holly Golightly.
Holly Golightly – vai diễn để đời của Audrey Hepburn. |
Holly Golightly là một kiểu nhân vật đặc biệt, vừa đơn giản vừa phức tạp. “Đơn giản” là vì nàng nói quá nhiều, tính cách hướng ngoại, lại nhẹ dạ. “Phức tạp” là vì nàng dễ tổn thương, đời sống nội tâm phong phú và có những bí mật được che giấu trong quá khứ. Holly Golightly bị ám ảnh bởi tự do, bởi những cái lồng, luôn cố trốn thoát khỏi những điều tốt đẹp mà những người đàn ông tử tế mang lại. Đó là một cô gái có xu hướng tự hủy hoại bản thân mình. Bù lại, Holly yêu anh trai Fred của mình tha thiết. Nàng lại duyên đáng, đẹp đẽ một cách kỳ lạ, gu thời trang tuyệt diệu và đài các.
Căn phòng nhỏ của nàng bề bộn và tạm bợ với những chiếc vali và những thùng đồ chưa mở, như thể chủ nhân đang trong một cuộc chạy trốn, sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào. Nàng hút thuốc lá, vài lần say xỉn, tiệc tùng liên miên, khi nổi giận thì đập vỡ đồ đạc, ném mèo vào tường, thi thoảng còn đi “chôm” đồ ở cửa hàng. Nàng lại không có nghề nghiệp rõ ràng, kiếm tiền một cách đáng ngờ nhờ tiền lẻ mà nàng xin được từ đám đàn ông và bằng cách hàng tuần đến thăm một ông trùm ma túy đang ngồi ở nhà tù Sing Sing. Ước mơ lớn nhất của đời nàng là kiếm được một tấm chồng chẳng cần yêu đương gì sất, miễn là giàu. Nàng mồi chài đàn ông với hy vọng tiến thân và đổi đời.
Rõ ràng, Holly Golightly không phải một thứ công dân kiểu mẫu: nàng tội lỗi nhưng tội lỗi một cách đáng yêu. Thật khó để biết nàng thực sự là ai: một ngôi sao Hollywood, một gái điếm, một kẻ đào mỏ hay là một đứa con gái nhỏ bơ vơ, không biết bảo vệ mình khỏi chính mình? Mặc lòng, khán giả vẫn yêu nàng và Paul Varjak, anh nhà văn nghèo vẫn phát điên vì nàng.
Nụ hôn ngọt ngào và ướt át trong “Breakfast at Tiffany’s”. |
Holly Golightly mang bóng dáng của một kiểu nhân vật điển hình và ám ảnh trong văn học nghệ thuật – những con người nghèo khổ xuất thân từ tỉnh lẻ, cố gắng một cách tuyệt vọng để len vào tầng lớp thượng lưu ở những thành phố lớn. Hầu hết đều vỡ mộng và phải chấp nhận những kết cục bi thảm. Nhân vật trong Đỏ và đen của Stendhal bị tử hình, nhân vật trong Miếng da lừa của Balzac chết trong đêm tân hôn, nhân vật trongGatsby vĩ đại bị bắn chết…
Trong nguyên gốc tiểu thuyết, Holly Golightly có một kết thúc cay đắng và nuối tiếc nhưng những nhà làm phim đã thay đổi câu chuyện một cách tươi sáng và lãng mạn hơn. Bộ phim khởi đầu bám khá sát nguyên tác và mang sức nặng của nhân vật nguyên mẫu nhưng đã kết thúc theo một cách rất… Hollywood. Breakfast at Tiffany’s chứa những yếu tố về sau đã trở thành kinh điển cho thể loại tình cảm lãng mạn hài – ca ngợi tình yêu có sức mạnh cứu vớt tất cả và ngôn từ có sức thay đổi mọi thái độ, mọi hoàn cảnh.
Khán giả Việt ít người biết rằng vai diễn Holly Golightly lúc đầu được dành riêng cho Marilyn Monroe. Capote tuyên bố: “Marilyn luôn là lựa chọn đầu tiên của tôi trong vai Holly Golightly”. Tuy nhiên, Lee Strasberg, nhà đạo diễn – sản xuất lừng danh đã khuyên Marilyn Monroe không nên nhận vai diễn này vì đóng vai một gái điếm có thể làm xấu hình tượng của cô. Marilyn Monroe từ chối lời đề nghị và Audrey Hepburn là người thay thế.
Marilyn Monroe (trái) vốn là minh tinh đầu tiên được mời đóng “Breakfast at Tiffany’s”. |
Khó có thể nói giữa Marilyn Monroe và Audrey Hepburn, ai sẽ thể hiện thành công Holly Golightly hơn. Cả hai đều rất nổi tiếng và đều là những nàng thơ của Hollywood. Nếu Marylin Monroe ở lại với vai diễn, Breakfast at Tiffany’s có lẽ sẽ vẫn tuyệt diệu và vĩ đại nhưng theo một kiểu khác, cay đắng và bi kịch hơn chẳng hạn. Tuy nhiên, Marylin Monroe chưa chắc đã có thể trở thành một biểu tượng điện ảnh và thời trang như Audrey Hepburn làm được. Với vai diễn Holly Golightly, Audrey Hepburn đã chạm tới đỉnh cao trong sự nghiệp diễn xuất của mình. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, khán giả vẫn nhớ mãi hình ảnh Audrey Hepburn, trong ánh nắng chiều tà, ngồi thoải mái bên bậu cửa sổ, đầu cuốn khăn tắm, mặc quần áo ở nhà, gảy đàn guitar và hát Moon River.
George Peppard đã diễn tròn vai chàng nhà văn Paul Varjak si tình và cùng Audrey Hepburn tạo nên một cặp không thể đẹp hơn trên màn ảnh. Franz E. Planner thì giới thiệu đến khán giả một New York hoa lệ đẹp đẽ trong từng khung hình. Phần nhạc nền xuất sắc của Henry Mancini tạo không khí lãng mạn mơ màng đặc biệt của bộ phim.
Breakfast at Tiffany’s có thể sẽ không làm hài lòng những fan trung thành của cuốn sách nhưng sẽ dễ dàng thỏa mãn những ai muốn tìm đến một câu chuyện thuần túy lãng mạn, duy mỹ và kinh điển. Đây là bộ phim mà gần như người phụ nữ nào cũng đều yêu thích và không-thể-không-xem đối với những ai ngưỡng mộ vẻ đẹp tinh tế đẳng cấp của Audrey Hepburn, cũng như những ai là fan của… mèo.
* Clip: Audrey Hepburn hát “Moon River” |
* Clip: Nụ hôn ngọt ngào, ướt át ở cuối phim |
Breakfast at Tiffany’s – Bữa sáng ở Tiffany’s
Đạo diễn: Blake Edwards |
Anh Trâm
Bữa sáng ở Tiffany’s – tiểu thuyết được ‘Hollywood hóa’
Posted on December 15, 2015Bộ phim thành công và vai diễn của Audrey Hepburn cũng thế, nhờ cuốn sách và nhân vật chính được thay đổi theo những đặc điểm ăn khách kiểu Hollywood. Nhưng thay đổi này khiến người yêu sách chưa hẳn đã thích thú.
Pham Mi Ly –
Cô nàng Holly Nhẹ Dạ trong tiểu thuyết của Truman Capote thực chất mắt lác (người ta thường không biết cô đang nhìn đi đâu), tóc tém nhuộm nhiều màu phá phách, sở hữu giọng hát được mô tả là “giọng khàn của cậu con trai đang vỡ tiếng”. Vẻ ngoài kiểu này dường như không quyến rũ cho lắm.
Từ trong tiểu thuyết, Holly Nhẹ Dạ khi bước lên phim của đạo diễn Blake Edwards đã trở thành con người bằng xương bằng thịt (nhưng phần lớn khán giả chỉ được chiêm ngưỡng qua màn ảnh), có gương mặt của Audrey Hepburn. Và Audrey Hepburn thì lại không thể xấu, dù cô vào vai này khi đã 32 tuổi, gương mặt có chút nếp nhăn nhưng nhìn tổng thể vẫn nhỏ nhắn và xinh đẹp một cách thiếu công bằng với mọi phụ nữ khác trên thế giới. Và đàn ông khi xem phim cho rằng cô (Holly) “đáng yêu từ mọi góc cạnh và không thể tìm ra một điểm nào đáng ghét” (lời nhà biên kịch Đoàn Minh Tuấn). Bên cạnh giọng nói, tính cách, điệu bộ hút thuốc, phục trang lộng lẫy, bản thân vẻ đẹp sẵn có của nữ diễn viên cũng đóng góp phần lớn công sức vào sự đáng yêu đó. Nhân vật văn học xù xì và chân thực của Capote được “Hollywood hóa rất nhiều”, trở nên lung linh và ít tính châm biếm hơn. Gia vị lãng mạn được nêm hào phóng, nhất là ở cảnh cuối.
Bìa cuốn “Bữa sáng ở Tiffany’s” bản tiếng Việt do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành. |
Thông thường một bộ phim phải độc lập so với tác phẩm văn học gốc (nếu có) nhưng so sánh truyện và phim cũng là một việc làm muôn thuở, đặc biệt là với trường hợp cả truyện lẫn phim đều quá nổi tiếng và giúp nhau nổi tiếng như Bữa sáng ở Tiffany’s.
Nhân tiện so sánh, ta thấy một sự khác nhau cơ bản giữa truyện và phim, nằm ở nhân vật nhà văn và mối quan hệ với Holly. Trong truyện anh không có tên (được Holly gọi là “Fred” theo tên anh trai cô) và là người kể chuyện; trong phim anh tên Paul Varjak (George Peppard đóng) và là nam chính, đồng thời lại cao và đẹp trai. Một mối tình lãng mạn xảy ra là điều tất nhiên.
Trong tiểu thuyết, tình cảm giữa Holly và anh nhà văn không hẳn là tình yêu nam nữ. Theo nhận định của dịch giả Phạm Hải Anh, người dịch Bữa sáng ở Tiffany’s ra tiếng Việt, “Fred” dành cho Holly tình yêu của một nhà văn đối với nhân vật nữ chính yêu quý trong cuốn sách của mình. Đồng thời, anh cũng bị thu hút bởi cách sống kỳ quặc của cô gái này. Nhiều độc giả còn đoán rằng người dẫn truyện là người đồng tính. Có thông tin về sau Truman Capote cũng xác nhận “Fred” đồng tính, khiến độc giả hâm mộ càng sôi nổi thảo luận về sự tương đồng giữa “Fred” và Capote, khi chính Capote cũng là người đồng tính công khai.
Người ta nói thay đổi cái kết chính là thay đổi Holly. Holly văn học đã trở thành một biểu tượng văn hóa không chỉ bởi vẻ đẹp hay phong cách thời trang mà còn ở tính thời đại. “Không khí mơ hồ về sự bất ổn của cả một thời đại mà tôi cảm nhận được trong tiểu thuyết không còn được giữ lại nhiều trong phim”, dịch giả Phạm Hải Anh nhận xét. “Tiểu thuyết vừa chứa đựng sự lãng mạn của thế kỷ 19, vừa thể hiện sự thực dụng của chủ nghĩa tư bản vừa mới bắt đầu ở nước Mỹ”.
Thời Holly sống cũng là lúc Chiến tranh thế giới thứ hai sắp kết thúc, nước Mỹ trên đà trở thành siêu cường nhưng trong xã hội có sự phân hóa giàu nghèo mạnh mẽ, khiến giới trẻ, với tâm lý dễ tổn thương, có xu hướng nổi loạn. Suy nghĩ “không thuộc về ai” của Holly là một kiểu thể hiện. Cô không đặt tên cho con mèo vì nó không thuộc về cô, cũng như cô không thuộc về những người đàn ông đó.
Holly là nhân vật Capote ưng ý nhất, và ông đã nhắm vai diễn này cho Marilyn Monroe. Nữ diễn viên đã từ chối sau khi được khuyên rằng vai diễn một cô gái gọi không tốt cho hình tượng của cô. Khi hãng phim chọn Hepburn, Capote đã rất bực, ông nói: “Paramount bằng mọi cách phản bội tôi và để Audrey đóng vai chính”.
Nhiều fan của cuốn tiểu thuyết cũng không thích những thay đổi trong phiên bản điện ảnh. “Holly là một nhân vật phức tạp và mạnh mẽ nhưng bộ phim đã thuần hóa cô một cách gượng ép, kể một câu chuyện cổ tích điển hình trong đó mọi phụ nữ đều sẽ được tình yêu giải cứu, và mọi phụ nữ bình thường, độc thân ở thành thị cũng có thể nói với bạn rằng: Chuyện đó không có thật”, cây bút Devin Mainville viết trên trang Popmatters.
Chi tiết “Holly được những người đàn ông cho 50 USD để vào nhà vệ sinh” thực chất là để mô tả nghề của cô, và 50 USD là số tiền cô nhận được vì những công đoạn trước đó chứ không phải để đi vệ sinh. Giải đáp thắc mắc “Liệu Holly có phải là gái điếm?”, Truman Capote đã trả lời tờ Playboyvào năm 1968 như sau: “Holly Golightly không hẳn là gái gọi. Cô ấy không có nghề nghiệp gì, nhưng thường đi cùng những người đàn ông giàu có đến các nhà hàng hạng nhất và các câu lạc bộ đêm, và cô hiểu rằng người đàn ông kia sẽ phải tặng cô một số món quà mới có được vinh hạnh đó, ví như đồ trang sức hay một tấm séc… Nếu cô thích món quà, cô sẽ mời người đó về nhà. Những cô gái như thế có thể coi là geisha kiểu Mỹ, và họ trở nên phổ biến hơn vào thời điểm này (1968), hơn là vào những năm 1943 hay 1944, thời của Holly”.
http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/sach/lang-van/bua-sang-o-tiffanys-tieu-thuyet-duoc-hollywood-hoa-2135139.html
(Tặng Jack Dunphy)
Tôi thường bị cuốn hút bởi những nơi mình từng sống, ngôi nhà và vùng lân cận. Ví dụ như khu nhà xây đá nâu đường 70 Đông, nơi vào những năm đầu chiến tranh, tôi đã có căn hộ đầu tiên của mình ở New York. Đấy là một căn phòng chật ních đồ đạc kiểu cổ, một cái sofa và mấy chiếc ghế tựa bọc nhung đỏ rực, làm ta ngứa ngáy nghĩ đến những hôm nóng nực ngồi trên tàu. Tường nhà trát vữa, có màu như bã thuốc lá khạc ra. Khắp nơi, kể cả trong toilet, treo những bức tranh thành Rome đổ nát, loang lổ vết ố thời gian. Cửa sổ duy nhất trông ra lối thoát hiểm. Nhưng dẫu sao, tôi vẫn hân hoan mỗi khi lục túi thấy chìa khóa căn hộ ấy; dù tối tăm thế nào thì nó vẫn là chỗ ở đầu tiên của riêng tôi, ở đó có tất cả, sách vở, cái hũ cắm bút chì để vót, mọi thứ tôi cần – tôi cứ tưởng thế, để trở thành nhà văn như tôi muốn. Hồi đó, chẳng bao giờ tôi nghĩ đến chuyện viết về Holly Nhẹ Dạ, và cả đến bây giờ cũng thế, nếu không có cuộc nói chuyện với Joe Bell gợi lên mọi ký ức về cô. Holly Nhẹ Dạ ở trọ tại khu nhà đá nâu đó; cô sống ở căn hộ dưới phòng tôi. Joe Bell mở một quán bar ngay góc đường Lexington; đến giờ vẫn vậy. Cả Holly và tôi thường tới đó 6, 7 lần trong ngày, không phải để uống, mà thường là để gọi điện thoại, thời chiến tranh, điện thoại riêng hiếm có lắm. Hơn nữa, Joe Bell chịu khó làm bồ câu đưa thư, mà trong trường hợp của Holly thì rất tiện, vì cô cực kỳ lắm thư từ. Tất nhiên, chuyện đã lâu lắm rồi, tính đến tuần trước thì tôi không gặp Joe Bell đã bảy năm. Thỉnh thoảng chúng tôi cũng liên hệ, đôi lần đi ngang qua khu này tôi có tạt vào bar, nhưng thực ra chúng tôi chẳng phải bạn bè thân thiết gì, trừ mỗi chuyện cả hai đều chơi với Holly Nhẹ Dạ. Joe Bell khó tính, chính anh ta cũng thừa nhận thế, bảo là vì sống độc thân và bị chứng ợ chua. Ai mà biết Joe cũng phải xếp anh ta thuộc loại khó bắt chuyện. Không thể cạy mồm Joe nếu không chia sẻ được những thứ anh ta gắn bó, trong đó có Holly và ngoài ra là: môn khúc côn cầu trên băng, lũ chó săn giống Weimaraner, Các cô gái Chủ nhật của chúng ta (một bộ phim dài tập mà anh ta theo dõi suốt mười lăm năm), Gilbert và Sullivan[1] – anh ta nói có họ hàng với một trong hai người mà tôi không nhớ là ai. [1] Hai tác giả phần lời ca và nhạc của 14 vở opera hài thời kỳ Victoria cuối thế kỷ 19 ở Anh. Và thế là, chiều thứ Ba tuần trước, khi điện thoại reo, nghe “Joe Bell đây” tôi biết ngay thể nào cũng về chuyện Holly. Nhưng anh ta không nói thế, chỉ bảo: “Cậu có thể chạy đến đây ngay được không? Quan trọng đấy” có vẻ gì kích động trong cái giọng uồm uồm của anh ta. Tôi bắt taxi trong trận mưa tháng Mười như trút nước, và trên đường đi tôi còn nghĩ có khi cô ấy sẽ ở đó, tôi sẽ gặp lại Holly. Nhưng chẳng có ma nào ngoài chủ nhà. So với các bar khác trên đường Lexington thì quán của Joe Bell khá vắng vẻ. Không đèn neon cũng chẳng có tivi. Hai tấm gương cũ kỹ phản chiếu thời tiết bên ngoài; và sau quầy bar, ở hốc tường, xung quanh là ảnh các ngôi sao khúc côn cầu, luôn có một bát hoa tươi lớn Joe Bell tự tay cắm với sự chăm chút rất cẩn thận. Khi tôi bước vào, anh ta đang cắm hoa. “Lẽ ra,” anh ta vừa nói vừa cắm một nhánh layơn sâu xuống bát, “lẽ ra tôi chẳng gọi cậu đến nếu không vì muốn nghe ý kiến của cậu. Đặc biệt lắm. Một chuyện rất lạ lùng đã xảy ra.” “Anh nghe gì về Holly à?” Anh ta mân mê một chiếc lá, vẻ như không biết trả lời sao. Người nhỏ, đầu khá đẹp với mái tóc bạc xơ xác, anh ta có gương mặt xương xương, vạc từng nét, hợp với khổ người phải cao hơn nhiều; da anh ta lúc nào cũng như bị cháy nắng: lúc này thậm chí càng đỏ hơn. “Cũng không hẳn là tôi nghe tin gì của cô ấy. Ý tôi là, tôi không biết. Vì thế mà tôi muốn nghe ý kiến của cậu. Để tôi làm cho cậu một ly. Có thứ mới đây. Người ta gọi đó là Thiên thần Trắng,” anh ta nói, trộn một phần rưỡi vodka, một phần rưỡi gin, không bỏ thêm rượu cốc-tai. Trong khi tôi uống món đó, Joe Bell đứng ngậm một viên kẹo Tums chống ợ chua và căng óc nghĩ xem phải kể gì cho tôi. Và rồi: “Cậu còn nhớ ông I.Y. Yunioshi không? Cái tay người Nhật ấy.” “Ở California chứ gì” tôi đáp, nhớ ngay ra ông Yunioshi. Ông ta là người chụp hình cho một tạp chí ảnh, và khi quen tôi thì ông ta sống ở căn hộ tầng cao nhất của khu nhà đá nâu. “Đừng làm tôi rối trí. Tôi chỉ hỏi là cậu có biết tôi đang nói về ai không? Ok. Đêm qua chính cái ông I.Y. Yunioshi đã lượn qua đây. Tôi không gặp ông ta có dễ đến hơn hai năm rồi. Thế cậu nghĩ ông ta ở đâu trong hai năm đó?” “Châu Phi.” Joe Bell ngừng nhai kẹo Tums, mắt nheo lại. “Làm sao cậu biết?” “Tôi đọc trên tờ Winchell.” Đúng thế thật. Anh ta chạy đến mở máy đếm tiền, lôi ra một cái phong bì đựng giấy tờ. “Thử xem cậu đã thấy cái này trên tờ Winchell chưa.” Trong phong bì có ba bức ảnh, từa tựa giống nhau mặc dù được chụp từ những góc hơi khác: một người đàn ông Phi châu cao, thanh tú, quấn xà rông vải thô in hoa, môi nở nụ cười ngượng ngùng nhưng vẫn có vẻ tự đắc, tay nâng một bức tượng gỗ khá kỳ quặc, tạc hình đầu một cô gái tóc mượt và ngắn như con trai, đôi mắt gỗ trơn tuột của cô quá to và xếch trên khuôn mặt thon thon, cái miệng rộng, cường điệu nhưng không phải kiểu như hề. Nhìn thoáng qua nó có vẻ là một bức điêu khắc rất thô sơ; nhưng lại không phải, vì nó giống hệt Holly Nhẹ Dạ, ít nhất thì cũng tựa như thế khi nhìn trong bóng tối. “Nó làm cậu nghĩ đến cái gì?” Joe Bell hỏi, hài lòng với vẻ bối rối của tôi. “Trông giống cô ấy.” “Nghe này, anh bạn,” anh ta đập tay lên quầy bar, “đó chính là cô ấy. Chắc như bắp vậy. Tay Nhật này nhận ra ngay khi vừa nhìn thấy cô ấy.” “Ông ta gặp cô ấy ư? Ở Phi châu?” “Ờ. Chỉ là bức tượng ở đó thôi. Nhưng nó cũng có nghĩa như thế. Cậu đọc ghi chú mà xem,” anh ta nói, lật lại một bức ảnh. Mặt sau của nó ghi: Khắc gỗ, Bộ lạc S, Tribe, Tococul, East Anglia, Ngày Giáng sinh, 1956. Anh ta nói, “tay Nhật kể thế này,” và câu chuyện là: Vào ngày Giáng sinh, ông Yunioshi vác máy ảnh qua Tococul, một cái làng giữa đồng không mông quạnh, chẳng có gì để xem ngoài mấy túp lều đắp bằng bùn, khỉ nhảy trong vườn và ó đậu trên nóc nhà. Ông ta quyết định đi luôn, nhưng rồi chợt thấy một thổ dân ngồi chồm hỗm giữa cửa tạc hình bọn khỉ trên một cái ba-toong. Ông Yunioshi thấy khá ấn tượng nên hỏi xem các tác phẩm khác của anh ta. Trong số đó, ông ta thấy bức tượng đầu cô gái: và, như kể với Joe Bell, ông ta ngỡ mình đang nằm mơ. Nhưng khi ông ta đòi mua thì anh chàng thổ dân khum tay quanh của quý của mình (có lẽ là một cử chỉ tế nhị, kiểu như vỗ đầu ai đó) rồi bảo không. Nửa cân muối và mười đô; rồi tăng lên cả cân muối và hai mươi đô; kèm thêm cái đồng hồ đeo tay, không gì lung lạc được anh ta. Ông Yunioshi rốt cuộc đành cố tìm hiểu xem bức tượng đó được làm như thế nào. Ông cũng mất chỗ muối và cái đồng hồ để nghe được câu chuyện bằng thổ ngữ châu Phi xen với thứ tiếng Anh lởm khởm và ra hiệu bằng tay. Có vẻ như mùa xuân năm ấy, một nhóm ba người da trắng đã cưỡi ngựa ra khỏi rừng. Một phụ nữ trẻ và hai người đàn ông. Hai người đàn ông mắt đỏ rực vì sốt, bị buộc phải nằm run cầm cập trong một cái lều biệt lập, trong khi người phụ nữ trẻ chợt khoái anh chàng khắc gỗ và nằm chung chiếu với anh ta. “Tôi không tin chuyện đó “ Joe đắn đo bảo. “Tôi biết cái kiểu của cô ấy, nhưng tôi không nghĩ là cô ấy đi xa đến mức đó.” “Rồi sao nữa?” “Chẳng sao cả,” anh ta nhún vai. “Cô ấy đến thế nào thì đi như thế, trên lưng ngựa.” “Một mình hay với hai ông kia?” Joe Bell chớp mắt. “Với hai gã kia, chắc thế. Rồi tay Nhật dò hỏi về cô ấy khắp cả nước đó. Nhưng chẳng ai thấy cô ấy đâu cả.” Và như cảm thấy sự thất vọng của tôi truyền sang, anh ta cố vớt vát. “Phải thừa nhận một điều, đó là thông tin chắc chắn duy nhất trong vòng, tôi không biết là” – anh ta đếm ngón tay, nó không đủ – “bao nhiêu năm. Tôi chỉ hi vọng một điều là cô ấy giàu. Chắc cô ấy phải giàu. Chỉ có người giàu mới đi chơi bời khắp châu Phi như thế” “Có lẽ cô ấy chưa từng đặt chân đến châu Phi,” tôi đáp, bụng bảo dạ như thế; nhưng tôi vẫn có thể hình dung ra Holly ở đó, đấy là nơi cô dám tới lắm. Và cái đầu tượng: tôi nhìn lại bức ảnh lần nữa. “Cậu biết hay nhỉ, thế cô ấy đang ở đâu?” “Đã chết. Hay ở nhà thương điên. Hay đã lấy chồng. Tôi chắc cô ấy đã kết hôn, yên ổn và có khi ở ngay thành phố này cũng nên.” Anh ta ngẫm nghĩ giây lát. “Không,” anh ta thốt lên, lắc lắc đầu. “Tại sao ư. Nếu cô ấy ở thành phố này thì tôi đã gặp rồi. Một người đàn ông thích đi dạo như tôi, suốt mười đến mười hai năm nay bước dọc các phố và trong chừng ấy năm chỉ để mắt tìm kiếm một người, mà không ai giống cô ấy cả, thế thì hẳn là cô ấy không ở đây chứ? Tôi thường hay bắt gặp chút bóng dáng của cô ấy, một cặp mông tròn nhỏ, hay cô gái nào đó gầy gầy, bước nhanh và thẳng-” Anh ta ngừng lời, có lẽ để ý thấy tôi đang nhìn anh chằm chặp. “Cậu nghĩ tôi mất trí à?” “Chỉ là tôi không biết anh lại yêu cô ấy. Không có vẻ như thế.” Tôi tiếc là mình đã nói ra; nó làm Joe lúng túng. Anh ta vơ mấy tấm ảnh rồi nhét lại vào phong bì. Tôi liếc nhìn đồng hồ. Tôi chẳng biết đi đâu, nhưng có lẽ nên rút khỏi chỗ này. “Khoan đã,” anh ta tóm lấy cổ tay tôi. “Chắc chắn là tôi yêu cô ấy. Nhưng không phải là tôi muốn chạm vào cô ấy.” Anh ta nói thêm, không cười: “Không phải tôi không nghĩ đến chuyện đó. Ngay cả ở tuổi này, ngày 10 tháng Giêng này tôi sẽ tròn 67 tuổi. Đó là một sự thật lạ lùng – nhưng, càng già, tôi càng bị ám ảnh bởi chuyện đó nhiều hơn. Hồi còn trẻ ranh tôi cũng không nghĩ về nó nhiều như bây giờ. Có lẽ càng già, càng khó thực hiện thì nó càng đeo đẳng trong đầu mình, trở thành một gánh nặng. Mỗi khi tôi đọc báo về một lão già làm chuyện ô nhục, tôi biết là vì gánh nặng đó. Nhưng” – anh ta tự rót cho mình một ly whisky và uống cạn – “Tôi không bao giờ hạ thấp mình. Và tôi thề, không bao giờ ý nghĩ đó về Holly thoáng qua óc tôi. Ta có thể yêu một người không theo cách đó. Ta xem người ấy như người lạ, như bạn.” Hai người đàn ông bước vào quán, có lẽ đến lúc nên rút lui. Joe Bell đưa tôi ra cửa. Anh ta tóm tay tôi lần nữa. “Cậu có tin chuyện đó không?” “Rằng anh không muốn chạm vào cô ấy ư?” “Ý tôi là về châu Phi ấy.” Lúc đó tôi không thể nhớ nổi câu chuyện, chỉ nhớ hình ảnh cô nàng cưỡi ngựa ra đi. “Dù sao thì cô ấy cũng đi mất rồi.” “Phải,” anh ta nói, mở cửa ra. “Đi mất rồi.” Bên ngoài, mưa đã tạnh, chỉ còn một chút sương mù trong không trung, nên tôi rẽ ở khúc quanh và bước dọc con phố có tòa nhà đá nâu. Phố đó có hàng cây vào mùa hè tỏa bóng mát xuống vỉa hè; nhưng giờ thì lá vàng và rụng gần hết, mưa làm chúng trơn trượt dưới gót giày. Tòa nhà đá nâu nằm ở giữa đoạn phố, gần một nhà thờ có cái đồng hồ tháp chuông màu xanh mỗi giờ lại rung lên. Nó đã được sửa mới từ thời của tôi; một cái cửa màu đen đẹp đẽ thay thế lớp kính mờ cũ và cửa sổ lắp thêm cánh chớp màu xám trang nhã. Tôi không nhớ còn ai sống ở đó, trừ Madam Sapphia Spanella, một bà có giọng khàn khàn chiều chiều vẫn đi trượt patanh ở Công viên Trung Tâm. Tôi biết bà vẫn ở đó vì đã trèo lên mấy bậc cầu thang nhòm vào hòm thư. Đó là một trong những hòm thư gây cho tôi ấn tượng đầu tiên về Holly Nhẹ Dạ. Sống trong ngôi nhà đó chừng một tuần thì tôi để ý thấy hòm thư của căn hộ số 2 có gắn tấm biển rất gây tò mò ở chỗ để tên. Nó được in rất điệu: Cô Nhẹ Dạ Nghỉ Hè; và ở góc dưới, Du Lịch. Nó đeo bám lấy tôi như một giai điệu: Cô Nhẹ Dạ Nghỉ Hè Đi Du Lịch. Một đêm, phải quá mười hai giờ, tôi choàng tỉnh bởi tiếng ông Yunioshi gọi vọng xuống cầu thang. Vì ông ta ở tầng trên cùng nên tiếng ông ta truyền khắp tòa nhà, giận dữ và nghiêm khắc. “Cô Nhẹ Dạ! Tôi phản đối!” Tiếng trả lời từ tít phía dưới cầu thang nghe trẻ trung non nớt và rất dễ thương. “Ôi, anh yêu, em xin lỗi. Em đánh mất cái chìa khóa chết tiệt ấy rồi.” “Cô không thể cứ nhấn chuông phòng tôi mãi thế. Cô làm ơn làm phúc tự đánh lấy chìa khóa cho mình đi.” “Nhưng em làm mất hết rồi.” “Tôi làm việc, tôi phải ngủ.” Ông Yunioshi gào lên. “Còn cô thì cứ nhè chuông nhà tôi mà nhấn…” “Ôi, xin đừng giận mà, anh yêu bé nhỏ: em sẽ không làm thế nữa” – giọng nữ đến gần hơn, cô ta đang lên cầu thang – “Em có thể để anh chụp những bức ảnh mà mình nói chuyện ấy.” Lúc đó tôi mò ra khỏi giường và mở hé cánh cửa chừng vài phân. Tôi có thể nghe thấy ông Yunioshi im lặng, nói là nghe, vì có tiếng thở phập phồng rõ mồn một. “Khi nào?” ông ta hỏi. Cô gái cười. “Một lúc nào đó,” cô đáp giọng bôi ra nhõng nhẽo. “Lúc nào cũng được,” ông ta nói và đóng cửa lại. Tôi bước ra sảnh, nhoài người qua lan can, vừa đủ để nhìn thoáng thấy. Cô gái vẫn còn đó, đang đến chỗ đầu cầu thang, mái tóc cô kiểu con trai, nhiều màu sắc, từng vệt hung hung xen những món tóc sáng trắng và vàng óng, bắt ánh đèn ở sảnh. Đó là một đêm ấm áp, gần như mùa hè, và cô mặc một chiếc váy đen mỏng, đi sandal đen, đeo chuỗi ngọc. Với dáng mỏng manh thanh lịch, cô có vẻ lành mạnh của ngũ cốc cho bữa sáng, sạch tinh như xà phòng và chanh, hai vệt hồng ửng lên trên má. Miệng cô rộng, mũi hếch. Một cặp kính râm che mắt. Đó là một gương mặt nửa trẻ con, nửa đàn bà. Tôi đoán cô khoảng từ 16 đến 30 tuổi; và hóa ra hai tháng nữa cô mới tròn mười chín. Cô không đi một mình. Có một gã đàn ông theo sau cô. Bàn tay nung núc của gã bám lấy hông cô có vẻ không đàng hoàng, kiểu mất dạy, khó coi. Gã lùn và đô con, rám nắng nhân tạo, vuốt sáp thơm, mặc một bộ vest sọc chìm rất hộp, với bông cẩm chướng đỏ cài cẩu thả nơi ve áo. Khi họ đến cửa phòng cô, cô lục ví tìm chìa khóa, chẳng buồn để ý đến cặp môi dày của gã đang hít hà gáy mình. Rốt cuộc cô cũng tìm thấy chìa khóa, mở cửa phòng, rồi thân ái quay sang gã: “Chúa phù hộ anh yêu – anh thật tử tế tiễn em về tận nhà.” “Này, bé ơi!” gã thốt lên trước khi cánh cửa đóng lại trước mũi. “Gì cơ, anh Harry?” “Harry là thằng khác. Anh là Sid. Sid Arbuck. Em thích anh mà.” “Em ngưỡng mộ anh, anh Arbuck. Thôi ngủ ngon nhé anh Arbuck.” Arbuck trợn mắt nhìn cánh cửa đóng sập lại, không tin nổi. “Này, bé ơi, cho anh vào. Em thích anh mà, bé ơi. Anh là người dễ thương. Chẳng phải anh đã trả tiền cho cả năm người bạn em mà anh chưa gặp bao giờ? Thế thì em phải thích anh chứ? Em thích anh mà, bé cưng.” Gã gõ nhẹ lên cánh cửa, rồi mạnh dần; cuối cùng, gã lùi lại vài bước, gập người thấp xuống như thể định tấn công. Nhưng thay vì thế, gã lao xuống cầu thang, đấm tay vào tường. Ngay khi gã vừa tới chân cầu thang, cửa phòng cô gái bật mở và cô thò đầu ra. “Ô, anh Arbuck…” Gã quay lại, mặt bóng lên nụ cười phớn phở: cô gái chỉ đùa thôi. “Lần sau nếu có em gái nào xin anh xu lẻ để đi vệ sinh,” cô nói vọng xuống, không đùa chút nào, “em khuyên anh đừng có cho người ta hai mươi xu!” Cô giữ lời hứa với ông Yunioshi; hoặc tôi đoán cô không nhấn chuông nhà ông ta nữa, vì những ngày sau đó, cô bắt đầu nhấn chuông nhà tôi, đôi khi vào lúc hai, ba hoặc bốn giờ sáng: chẳng chút áy náy là đã dựng cổ tôi ra khỏi giường lúc mấy giờ để nhấn nút mở cửa cầu thang cho cô. Vì tôi có ít bạn bè và chẳng ai đến vào giờ ấy nên tôi luôn biết chắc đấy là cô. Nhưng lần đầu tiên chuyện đó xảy ra, tôi đã nhảy bổ ra khỏi cửa, tưởng có điện tín báo tin dữ; và cô Nhẹ Dạ gọi với lên: “Xin lỗi anh yêu – em quên chìa khóa.” Tất nhiên chúng tôi chẳng bao giờ gặp nhau. Mặc dù chúng tôi thường chạm mặt ở cầu thang hoặc trên phố, nhưng cố có vẻ như không nhìn thấy tôi. Bao giờ cô cũng đeo cặp kính râm, ăn mặc chải chuốt, trang phục giản dị nhưng rất có gu, chỉ màu xanh và màu xám, không có gì rực rỡ nhưng lại khiến chính cô tỏa sáng. Người ta có thể nghĩ cô là người mẫu ảnh, hoặc một nữ diễn viên trẻ, mặc dù qua giờ giấc của cô thì rành rành là cô chẳng có lúc nào để làm hai việc đó. Thỉnh thoảng tôi tình cờ gặp cô bên ngoài khu này. Một lần, người họ hàng đưa tôi đến quán “21”, ở đó, bên một cái bàn rộng mênh mông, ngồi giữa bốn người đàn ông, không phải Anh Arbuck nhưng đều có vẻ từa tựa thế, cô Nhẹ Dạ đang lười biếng, điềm nhiên chải tóc, và vẻ mặt cô, cái ngáp kín đáo khó nhận thấy làm tôi đâm cụt hứng trước bữa tối ở một chốn sang trọng như vậy. Một đêm khác, vào giữa mùa hè, cái nóng nực trong phòng buộc tôi nhào ra phố. Tôi đi bộ từ Đại lộ Ba đến phố 51, nơi có một tiệm đồ cổ bày ở cửa sổ món đồ tôi rất thích: một cái cung điện – lồng chim kiểu tháp chuông nhà thờ Hồi giáo với những phòng nhỏ bằng tre như đang mời gọi bọn vẹt lắm điều vào. Nhưng giá của nó tới ba trăm năm mươi đô. Trên đường về nhà, tôi để ý thấy một đám đông lái xe taxi túm tụm trước saloon P. J. Clarke, họ có vẻ bị lôi cuốn bởi một nhóm sĩ quan người Úc hân hoan và say mèm, đang rống lên bài “Waltzing Matilda.” Vừa hát, họ vừa thay phiên nhảy xoay vòng với một cô gái trên đám sỏi dưới mái hiên; và cô gái, chắc chắn là Cô Nhẹ Dạ, bay lướt trong tay họ nhẹ như một tấm khăn quàng. Nhưng cho dù Cô Nhẹ Dạ tiếp tục lờ đi sự tồn tại của tôi, trừ phi cần mở cửa, thì qua mùa hè đó, tôi trở thành một “chuyên gia” về cô. Quan sát thùng rác ngoài cửa phòng cô, tôi phát hiện ra cô thường xuyên đọc báo khổ nhỏ, quảng cáo du lịch và bản đồ chiêm tinh; cô hút một loại thuốc lá kỳ dị tên là Picayunes, chỉ cần ăn pho mát không kem và bánh mì sấy khô; và mái tóc lắm màu sắc của cô là tự chế ra. Cũng thùng rác tố rằng cô hay nhận những bức thư của lính kèm theo kiện hàng. Thư luôn luôn bị xé nhỏ như miếng đánh dấu sách. Thỉnh thoảng tôi lại phải phủi đi một mẩu thư như thế khi đi ngang. Nhớ đến, nhớ em, mưa và hãy viết thư, khốn kiếp và đáng nguyền rủa là những từ trở đi trở lại nhiều nhất trên những mẩu giấy đó; ngoài ra còn cô đơn và yêu nữa. Cô cũng nuôi một con mèo và chơi guitar. Vào những ngày nắng gắt, cô gội đầu rồi ngồi với con mèo tam thể trên lối thoát hiểm, gẩy guitair trong khi hong tóc cho khô. Mỗi khi nghe tiếng đàn, tôi lại lặng lẽ đến bên cửa sổ. cỏ chơi rất hay, đôi khi còn hát nữa. Hát bằng giọng khàn của cậu con trai đang vỡ tiếng. Cô biết tất cả các bài hát trong những show nổi tiếng, Cole Porter và Kurt Weill; cô đặc biệt ưa thích các bài hát trong vở nhạc kịch Oklahoma! mới ra trong mùa hè đó và phổ biến khắp nơi. Nhưng có những lúc cô chơi bản nhạc khiến ta băn khoăn không biết cô học nó từ đâu, và thật ra cô đến từ đâu? Những giai điệu lãng du, vừa thô tháp, vừa dịu dàng với ca từ mang hương vị của rừng thông và thảo nguyên. Có câu: không muốn ngủ, không muốn chết, chỉ muốn lãng du qua những cánh đồng trời; và bài này có vẻ cô ưa nhất vì cô cứ hát mãi, khi tóc đã khô lâu rồi, khi mặt trời đã lặn và những ô cửa sổ sáng lên trong màn đêm. Nhưng mối quen biết của chúng tôi chẳng tiến triển chút nào cho đến tận tháng Chín, vào một buổi tối khi cái lạnh se se đầu tiên của mùa thu luồn về. Tôi đi xem phim về nhà, chui vào giường với một chai whisky ngô và tác phẩm mới nhất của Simenon: hoàn toàn thư giãn đúng ý tôi, cho nên tôi không thể hiểu nổi vì sao mình lại có cảm giác bất an, và nó cứ tăng dần đến lúc tôi nghe tiếng tim mình đập thình thịch. Đấy là một cảm giác tôi có đọc đâu đó, được người ta viết ra, nhưng bản thân tôi chưa bao giờ trải qua. Cảm giác bị theo dõi. Hoặc có ai đó trong phòng. Và rồi: có tiếng gõ cành cạch lên cửa sổ, một bóng xám ma quái lướt qua: tôi phun ngụm rượu ra. Phải mất một lúc tôi mới dám ra mở cửa sổ, và hỏi Cô Nhẹ Dạ muốn gì. “Em gặp phải một gã kinh khủng ở dưới nhà,” cô đáp, bước từ lối thoát hiểm vào phòng. “Ý em là lúc không say thì hắn ta cũng tử tế, nhưng khi hắn nốc vang vào, ôi Chúa ơi, thành quái vật! Em sợ nhất là đàn ông cắn.” Cô trật chiếc váy vải flanen khỏi vai để chỉ cho tôi xem bị đàn ông cắn thì làm sao. Cô chỉ mặc mỗi chiếc váy đó trên người. “Em xin lỗi nếu em làm anh sợ. Nhưng con thú rầy rà quá làm em phải trốn qua cửa sổ. Chắc hắn nghĩ em vẫn còn trong phòng tắm, mặc xác hắn nghĩ gì, quỷ tha ma bắt hắn đi, hắn sẽ mệt rồi lăn ra ngủ, Chúa ơi, lẽ ra hắn phải thế rồi, 8 ly Martini trước bữa tối và chỗ vang đủ tắm cho cả con voi. Nghe này, anh có thể quẳng em ra ngoài nếu muốn. Em thật trơ tráo đột nhập vào chỗ anh như thế này. Nhưng lối thoát hiểm kia lạnh cóng. Và trông anh thật ấm áp. Cứ như anh Fred anh trai em vậy. Bọn em từng ngủ bốn đứa chung nhau trên giường, và anh ấy là người duy nhất chịu để cho em ôm trong đêm lạnh giá. À mà anh có phiền nếu em gọi anh là Fred không?” Giờ thì cô đã vào hẳn trong phòng, ngừng lại ở đấy và nhìn tôi chằm chằm. Tôi chưa bao giờ nhìn thấy cô không đeo kính râm, chắc nó là bắt buộc vì không có kính, mắt cô bị lác như mắt thợ kim hoàn. Đôi mắt to, pha màu xanh biếc, một chút xanh lục và điểm những đốm nâu: đầy màu sắc, giống như tóc cô; và cũng như tóc cô, nó tỏa ánh sáng ấm áp. “Em chắc anh nghĩ em thật trơ tráo. Hay très fou[2]. Hay đại loại như thế.” [2] Tiếng Pháp: điên rồ.
“Không hề.”
Cô có vẻ thất vọng. “Có, anh nghĩ thế mà. Ai cũng nghĩ thế. Em chẳng giận đâu. Thế cũng tốt.” Cô ngồi xuống một trong mấy chiếc ghế tựa bọc nhung đỏ ọp ẹp, co đôi chân vào, và liếc nhìn quanh phòng, mắt cô nhíu lại mỗi lúc một rõ. “Làm sao anh chịu đựng nổi chỗ này? Một cái phòng khủng khiếp.” “Ổ, rồi cũng quen cả thôi,” tôi đáp, bản thân hơi khó chịu vì thực ra tôi tự hào về chỗ này. “Em không thể. Em chẳng bao giờ quen dần với cái gì cả. Ai mà quen nổi thì chết đi cho rồi.” Đôi mắt khinh khi của cô quan sát căn phòng lần nữa. “Anh làm cái gì ở đây suốt ngày?” Tôi ra hiệu về phía cái bàn chất đầy sách vở và giấy tờ. “Viết lách.” “Em cứ tưởng nhà văn thường già khụ. Tất nhiên Saroyan thì không già. Em gặp anh ta ở một bữa tiệc, thực sự là anh ta không già tẹo nào cả. Thật ra” cô mơ màng, “nếu anh ta chịu khó cạo râu thật kỹ… à mà Hemingway có già không nhỉ?” “Khoảng hơn bốn mươi, chắc thế.” “Cũng không tệ lắm. Em chẳng bao giờ hứng thú với đàn ông dưới bốn mươi hai tuổi. Em biết một con bé ngốc cứ bảo là em phải đi gặp bác sĩ tâm thần; nó nói em bị ám ảnh về bố. Đúng là dở hơi. Em chỉ đơn giản là luyện cho mình phải thích đàn ông lớn tuổi, và đó là điều khôn ngoan nhất mà em từng làm đấy. W. Somerset Maugham bao nhiêu tuổi nhỉ?” “Tôi không rõ lắm. Khoảng sáu mươi gì đấy.” “Cũng không tệ. Em chưa bao giờ lên giường với một nhà văn cả. Không, đợi đã: anh có biết Benny Shacklett không?” Cô sững người khi tôi lắc đầu. “Buồn cười thật. Ông ta viết đủ thứ cho radio mà. Nhưng dở hơi cám hấp lắm. Nói cho em nghe đi, anh là nhà văn xịn à?” “Còn tùy xem cô định nghĩa xịn là thế nào.” “Ờ thì, anh yêu, đã có ai mua tác phẩm anh viết chưa?” “Chưa.” “Em sẽ giúp anh” cô nói. “Em có thể đấy. Nghĩ đến tất cả những người em quen và họ lại quen những người khác. Em sẽ giúp anh vì trông anh giống anh Fred của em. Chỉ có nhỏ hơn thôi. Em không gặp anh ấy từ năm em mười bốn tuổi, lúc em đi khỏi nhà, anh ấy đã cao hơn một mét tám. Em có ông anh khác cũng còi như anh. Fred cao thế là vì ăn nhiều bơ lạc. Ai cũng cười anh ấy ngốc vì ních quá nhiều bơ lạc; anh ấy chẳng quan tâm đến cái gì khác trên đời ngoài ngựa và bơ lạc. Nhưng anh ấy không ngốc đâu, chỉ hiền, lơ đãng và cực kỳ chậm chạp thôi; anh ấy bị đúp lớp Tám ba năm liền, lúc em trốn đi ấy. Tội nghiệp Fred. Em không biết trong quân đội người ta có cho ăn bơ lạc thoải mái không? Nhắc đến làm em thấy đói quá.” Tôi vừa chỉ vào bát táo, vừa hỏi tại sao và như thế nào mà cô lại bỏ nhà đi khi còn nhỏ thế. Cô nhìn tôi trừng trừng, xoa xoa mũi như thể bị ngứa: một cử chỉ hay lặp lại, tôi nhận ra đấy là dấu hiệu khi cô bị xâm phạm. Cô rất cảnh giác với những người có cái thú trơ trẽn là tọc mạch chuyện riêng tư, cũng như với bất kỳ cái gì đại loại như một câu hỏi trực diện hay nài ép. Cô cắn một miếng táo rồi nói: “Kể em nghe anh đã viết gì đi. Câu chuyện ấy.” “Gay nhỉ. Đấy không phải là loại truyện có thể kể lại được.” “Quá bẩn thỉu à?” “Có lẽ lúc nào đó tôi sẽ để cô đọc vậy.” “Táo phải đi với whisky mới hợp. Rót cho em một ly đi anh yêu. Rồi anh có thể tự đọc cho em một truyện.” Rất hiếm tác giả, đặc biệt là những người chưa bao giờ được in, có thể cưỡng lại lời để nghị đọc tác phẩm của mình lên. Tôi làm cho mỗi người một ly rượu và ngồi xuống ghế đối diện, bắt đầu đọc cô nghe, giọng tôi hơi run, pha trộn giữa lo sợ và phấn khích: đây là một truyện mới tôi vừa viết xong hôm trước, chưa đủ thời gian để kịp thấy những sai sót dớ dẩn. Nó là về hai người đàn bà sống cùng nhà, chung thầy cô giáo, một người, khi người kia đính hôn, đã tung ra thư nặc danh gây scandal để ngăn cản đám cưới. Khi đọc truyện, mỗi lẩn liếc sang Holly, tim tôi thắt lại. Cô bồn chồn cựa quậy. Cô xé toạc các đầu mẩu thuốc lá trong cái gạt tàn, ngơ ngẩn ngắm móng tay như thể đang muốn kiếm cái giũa; tệ hơn nữa, khi dường như tôi bắt được sự chú ý của cô thì té ra nó chỉ là ánh thẫn thờ trong mắt như thể cô đang băn khoăn không biết có nên mua đôi giày mà mình đã thấy ở một gian bày hàng nào đó. “Đã hết chưa ạ?” cô hỏi, choàng tỉnh. Cô lúng búng nói thêm. “Tất nhiên là em thích người đồng tính. Họ chẳng làm em sợ tí nào đâu. Nhưng truyện về đồng tính làm em chán chết đi được. Đơn giản là em không thể tưởng tượng mình giống họ được. Thật đấy anh yêu,” cô hỏi, vì thấy tôi hoang mang ra mặt, “nếu đấy không phải truyện về cặp đồng tính nữ thì nó là về cái quái gì cơ chứ?” Nhưng đọc truyện đã quê lắm rồi, tôi chẳng hơi đâu làm mọi chuyện tôi tệ hơn bằng cách giải thích về nó nữa. Sự rỗng tuếch được phơi bày ra đấy buộc tôi phải xếp cô vào dạng chân dài óc ngắn và vô cảm. “Nhân tiện,” cô bảo, “anh có quen một chị đồng tính dễ thương nào không? Em đang tìm người chung phòng. Nào nào, đừng có cười. Em vốn bừa bãi, mà lại không đủ tiền thuê ôsin; và thật sự là các chị les chăm sóc nhà cửa thì tuyệt vời, họ thích làm mọi việc, mình chẳng bao giờ phải sờ đến cái chổi, ăn đồ đông lạnh hay ra tiệm giặt là cả. Hồi ở Hollywood em có chị bạn cùng phòng, đóng trong phim Miền Tây ấy, người ta gọi chị ấy là Cao Bồi Già; nhưng em phải công nhận chị ấy còn hơn đàn ông trong nhà. Có lẽ mọi người cứ tưởng em cũng có một tí máu đồng tính trong người. Và tất nhiên là em có thật đấy. Ai chẳng có tí ti. Thế thì đã sao? Nó chẳng bao giờ làm đàn ông mất hứng, mà thực tế còn kích thích họ thêm. Cứ nhìn vào chị Cao Bồi Già mà xem, lấy chồng hai lần rồi. Thường thì dân les chỉ cưới một lần để lấy tiếng thôi. Kiểu như để sau này được đóng dấu xác nhận là Bà Quái Gì Đó ấy. Không thể tin được!” Cô nhìn chằm chằm vào cái đồng hổ báo thức trên bàn. “Chẳng nhẽ đã bốn rưỡi rồi!” Khung cửa sổ đã chuyển màu xanh. Làn gió sớm lùa qua rèm. “Hôm nay là thứ mấy nhỉ?” “Thứ Năm.” “Thứ Năm,” cô đứng bật dậy. “Chúa ơi” cô thốt lên rồi lại ngồi xuống rên rỉ. “Dã man quá.” Tôi mệt đến mức hết cả tò mò. Tôi nằm dài xuống giường, nhắm mắt lại. Nhưng rồi vẫn không dừng lại được: “Thứ Năm thì làm sao mà dã man?” “Chẳng có gì cả. Mỗi tội là em không bao giờ nhớ nổi. Anh biết không, thứ Năm thì em phải dậy lúc tám giờ bốn nhăm phút. Bọn họ rất nguyên tắc về giờ giấc đến thăm, nếu có mặt ở đấy lúc mười giờ thì em còn một tiếng trước khi mấy gã tội nghiệp đó ăn trưa. Anh thử tưởng tượng xem, ăn trưa lúc mười một giờ. Kể ra đến đấy lúc hai giờ chiều cũng được, mà em thích thế hơn nhiều, nhưng anh ấy cứ muốn em đến vào buổi sáng cơ, bảo là nó làm anh ấy vui cả ngày. Em đành phải thức vầy,” cô nói, véo má mình đến khi đỏ lên, “chẳng có thời gian để ngủ nữa, em trông như bị ho lao, em sẽ xuống cấp như một cái nhà trọ, thật chẳng công bằng tí nào: con gái không thể đến Sing Sing[3] với gương mặt xanh xao được.” [3] Sing Sing: tên một nhà tù ở New York, nằm bên bờ sông Hudson. “Chắc thế.” Tôi đã nguôi giận cô vì cái truyện của mình; cô lại lôi cuốn tôi. “Ai đến thăm cũng cố làm mình trông đẹp nhất, mà cái cách đàn bà diện đồ đẹp nhất của mình nó thật dịu dàng, ngọt ngào phát điên lên được, ý em là cả bà già lẫn người thật nghèo cũng vậy, họ cố hết sức để trông dễ thương và có mùi dễ chịu, và em yêu họ vì thế. Em yêu cả bọn trẻ con nữa, nhất là các bé da màu. Ý em là bọn trẻ mà các bà vợ mang theo ấy. Lẽ ra thấy trẻ con ở chỗ đó cũng chẳng hay ho gì, nhưng mà cách tụi nhỏ tóc cài nơ; giày chúng sáng bóng, làm mình nghĩ sẽ có kem đây; và đôi khi phòng thăm nuôi giống như một buổi tiệc ấy. Ít nhất thì nó cũng không giống trong phim: anh biết không, những lời thầm thì cay độc qua lưới sắt. Không có lưới sắt nào cả, chỉ có một quầy ngăn giữa mình và họ, và bọn trẻ con có thể đứng lên đó để được ôm ấp; chỉ việc ngả người tới là có thể hôn ai đó được rồi. Điều em thích nhất là họ rất vui sướng khi gặp nhau, có bao nhiêu điều để dành để nói ra, ngây ngô cũng được, họ cứ cười và nắm tay nhau. Sau đấy thì khác,” cô kể. “Em thấy họ trên tàu. Họ ngồi lặng lẽ nhìn sông trôi.” Cô kéo một sợi tóc xuống khóe miệng và nhấm nhấm nó, tư lự. “Em cứ làm anh phải thức. Anh ngủ đi.” “Không sao, tôi thích nghe mà.” “Em biết. Nhưng vì thế mà em muốn anh đi ngủ đi. Nếu cứ đà này, em sẽ kể với anh về Sally. Em chẳng biết như thế có phải là chơi gian không.” Cô lặng lẽ nhai tóc mình. “Họ chẳng bao giờ bảo em đừng kể với ai. Bao nhiêu là chuyện. Buồn cười lắm. Có khi anh có thể đưa nó vào trong truyện với tên khác và các thứ linh tinh. Nghe này, anh Fred,” cô nói, với lấy một quả táo nữa, “anh phải làm dấu thánh giá ở chỗ tim anh và hôn khuỷu tay đi-” Chắc chỉ có dân xiếc uốn dẻo mới hôn nổi khuỷu tay mình; cô đành phải chấp nhận một cử chỉ na ná thế. “Thôi được” cô tuyến bố với cái miệng đầy táo, “có lẽ anh đã đọc về anh ấy trên báo. Tên anh ấy là Sally Cà Chua, em nói tiếng Yiddish[4] còn giỏi hơn anh ta nói tiếng Anh; nhưng anh ấy là một ông già rất đáng yếu, sùng đạo kinh khủng. Trông anh ấy giống sư lắm nếu không có răng vàng; anh ấy bảo anh ấy cầu nguyện cho em mỗi ngày đấy. Tất nhiên anh ấy chưa bao giờ là người yêu của em cả; cho đến nay thì em chỉ biết anh ấy từ khi anh ấy ngồi tù. Nhưng giờ thì em ngưỡng mộ anh ấy, suốt bảy tháng nay, thứ Năm nào em cũng đi gặp anh này và em nghĩ minh vẫn đi ngay cả nếu anh ấy không trả tiền em. Quả này xốp quá,” cô nói, ném chỗ táo còn lại ra ngoài cửa sổ. “À mà em đã nhìn thấy Sally trước đó. Anh ấy từng đến bar của Joe Bell, cái quán ở góc đường ấy: chẳng bao giờ nói chuyện với ai, chỉ đứng đó, kiểu như mấy ông sống ở khách sạn ấy. Nhưng buồn cười ghê cơ, bây giờ nhớ lại em mới biết anh ấy đã để ý đến mình, vì ngay sau khi họ tống anh ấy vào đấy (Joe Bell đã cho tôi xem bức ảnh trên báo. Tống tiền. Mafia. Vì các tội trạng đó ông ta bị kết án năm năm tù) thì một luật sư gửi điện tín cho em. Rằng em phải lập tức liên hệ với anh ấy vì quyền lợi của mình.” [4] Yiddish: tiếng Đức cổ của người Do Thái ở Trung và Đông Âu. “Cô tưởng ai đó để lại cho mình triệu đô sao?” “Không hề. Em biết ngay là Bergdorf chỉ cố thu thập thông tin thôi. Nhưng em cứ vào cuộc và đến gặp luật sư (mà em cũng không chắc ông ta là luật sư thật không, vì chẳng thấy có văn phòng, chỉ dùng dịch vụ trả lời, và luôn luôn gặp em ở tiệm Thiên Đường Hamburg: vì ông ta mập ú nên có thể chén cả mười cái bánh hamburger, hai bát gia vị và nguyên một cái bánh trứng vị chanh). Ông ta hỏi liệu em có muốn giúp vui cho một ông già cô đơn và mỗi tuần nhận một trăm đô không. Em bảo ông ta, này anh yêu, anh hiểu nhầm về Cô Nhẹ Dạ rồi, em không phải là y tá kiêm làm trò mèo. Em cũng chẳng thèm món tiền thưởng đó; có thể kiếm thế trên đường tới nhà vệ sinh: bất kỳ quý ông lịch lãm nào cũng sẵn sàng tặng cô em năm mươi đô phí vệ sinh và em thường xin thêm tiền taxi năm mươi đô nữa. Nhưng rồi ông ta bảo em khách hàng là Sally Cà Chua. Ông ta nói Sally già tội nghiệp đã ngưỡng mộ em từ xa lâu lắm rồi, cho nên đó sẽ là quyết định sáng suốt nếu em đến gặp anh ấy tuần một lần. Ôi, em không thể nói không được: nó quá là lãng mạn.” “Tôi không biết. Nghe có vẻ không ổn lắm” Cô mỉm cười. “Anh nghĩ em nói dối à?” “Ít nhất thì người ta cũng không để bất kỳ ai được phép thăm tù nhân.” “Ô, đúng thế. Thật sự là họ bày trò nhặng xị chán mớ đời. Em giả vờ làm cháu anh ấy.” “Dễ thế sao? Nói chuyện một giờ anh ta tặng cô một trăm đô?” “Không phải anh ấy, mà là luật sư của anh ấy. Ông O’Shaughnessy gửi tiền mặt cho em ngay khi em để lại một bản báo cáo thời tiết.” “Tôi nghĩ cô có thể gặp rắc rối đấy,” tôi nói, tắt đèn; chẳng cần nữa vì ánh bình minh đã ùa vào phòng và lũ chim bồ câu gù ầm ĩ trên lối thoát hiểm. “Sao lại thế?” cô hỏi nghiêm túc. “Sách luật phải có quy định gì đó về tội mạo danh. Vì cô có phải cháu ông ta đâu. Còn bản báo cáo thời tiết thì sao?” Cô vỗ vỗ miệng nén cái ngáp. “Có gì đâu. Chỉ là một tin nhắn em gửi lại chỗ dịch vụ trả lời để ông O’Shaughnessy biết chắc là em đã đến đấy. Sally bảo em phải nói gì, kiểu như là, ồ ‘có bão ở Cuba’ và ‘tuyết rơi ở Palermo’. Đừng lo, anh yêu,” cô nói, nhích về phía cái giường, “em đã tự lo cho bản thân từ lâu rồi.” Ánh sớm mai dường như khúc xạ qua người cô: khi kéo cái chăn đến tận cằm tôi, cô lung linh, trong veo như một em bé; rồi cô nằm xuống bên tôi. “Anh có phiền không? Em chỉ muốn nghỉ một lúc thôi. Anh đừng nói gì nữa nhé. Ngủ đi.” Tôi giả vờ ngủ, tôi thở mạnh và đều. Chuông trên tháp nhà thờ bên cạnh đổ nửa tiếng, rồi một tiếng. Vào lúc sáu giờ, cô đặt tay lên cánh tay tôi, một cái chạm mong manh như sợ làm tôi thức giấc. “Anh Fred tội nghiệp,” cô thì thầm, tưởng như cô nói với tồi, nhưng không phải. “Anh đang ở đâu, Fred? Trời thì lạnh rồi. Có tuyết trong gió đấy.” Cằm cô gác lên vai tôi, nằng nặng, âm ấm nước. “Sao cô khóc thế?” Cô bật lùi lại, ngồi lên. “Ôi, Chúa ơi,” cô đáp, bắt đầu đi về phía cửa sổ và lối thoát hiểm. “Mình ghét những kẻ tọc mạch thế.” Hôm sau, ngày thứ Sáu, tôi về nhà đã thấy ngoài cửa có một giỏ quà lớn hiệu Charles & Co. với tấm thiệp: Cô Nhẹ Dạ Nghỉ Hè, Đi Du Lịch: và phía sau là mấy dòng viết tay nét chữ trẻ con, vụng về kỳ quặc: Chúc may mắn anh Fred thân yêu. Xin lỗi anh về đêm qua. Anh cứ như một thiên thần trong mọi chuyện. Ngàn lần âu yếm – Holly. TB. Em sẽ không làm phiền anh nữa đâu. Tôi trả lời, Cứ làm nhé, không phiền đâu và để mẩu giấy ở cửa nhà cô với một bó violet tôi mua được từ xe hàng rong. Nhưng hóa ra cô giữ đúng lời hứa; tôi không thấy hay nghe gì về cô nữa, tôi đi đến kết luận là thậm chí cô đã đánh riêng một cái chìa khóa cầu thang. Ít nhất thì cô không bao giờ nhấn chuông nhà tôi nữa. Tôi đâm nhớ nó; và ngày lại ngày, tôi bắt đầu cảm thấy dâng lên nỗi giận hờn vô cớ với cô, như thể tôi đã bị người bạn thân nhất bỏ rơi. Một nỗi cô đơn xáo động len vào đời tôi, nhưng nó không khiến tôi mong nhớ bạn bè quen biết cũ: chỉ giống như một đợt ăn kiêng nhạt thếch không đường, không muối. Đến thứ Tư, những ý nghĩ về Holly, về Sing Sing và Sally Cà Chua, về cái thế giới mà đàn ông xòe ra hơn năm mươi đô làm phí đi vệ sinh, trở nên nung nấu đến mức tôi không thể làm ăn gì. Đêm đó, tôi để lại một tin nhắn trong hòm thư của cô: Mai là thứ Năm. Sáng hôm sau, tôi nhận được mẩu giấy thứ hai nét nguệch ngoạc trẻ con: Chúa phù hộ anh vì đã nhắc em. Tối mai khoảng 6 giờ anh ghé vào uống gì được không? Tôi đợi đến sáu giờ mười, rồi buộc mình đợi thêm năm phút nữa. Một sinh vật ra mở cửa. Gã tỏa mùi xì gà và nước hoa Knize. Giày của gã có đóng thêm đế; không có mấy phân thêm vào này, người ta có thể gọi gã là Tí Hon. Cái đầu hói lốm đốm tàn nhang của gã to như đầu chú lùn: gắn vào đó là đôi tai nhọn hoắt đúng của yêu tinh. Gã có đôi mắt người Tàu, tàn nhẫn và hơi lồi ra. Từng túm lông thòi ra từ tai và lỗ mũi; hàm dưới của gã lởm chởm râu bạc và cái bắt tay gần như lông lá. “Con bé đang tắm” gã nói, chỉ điếu xì gà về phía tiếng nước chảy róc rách từ một phòng khác. Phòng chúng tôi đang đứng (đứng vì chẳng có cái gì để ngồi lên) có vẻ như mới được dọn vào; ngỡ còn ngửi thấy mùi sơn ướt. Đồ đạc duy nhất là vali và các thùng đồ chưa mở. Mấy cái thùng được dùng làm bàn. Một cái để ly martini trộn; cái khác để đèn, một cái điện thoại Liberty; con mèo tam thể của Holly và một bát hoa hồng vàng. Giá sách choáng hết một bức tường, phô ra một nửa là sách văn học. Tôi thấy gần gũi với căn phòng ngay lập tức, thích cái vẻ tàu nhanh của nó. Người đàn ông hắng giọng. “Cậu có hẹn à?” Gã thấy cái gật đầu của tôi có vẻ không chắc chắn lắm. Đôi mắt lạnh lùng của gã quét lên tôi cái nhìn thăm dò sắc sảo. “Rất nhiều nhân vật không mời mà đến đây. Cậu biết con bé lâu chưa?” “Không lâu lắm.” “Tức là cậu quen con bé chưa lâu.” “Tôi sống ở tầng trên.” Câu trả lời có vẻ đủ lí do làm gã dịu xuống. “Phòng cậu cũng thế chứ?” “Nhỏ hơn rất nhiều.” Gã búng tàn thuốc xuống sàn. “Đây là một cái ổ chuột. Không thể tin nổi. Nhưng con bé không biết cách sống ngay cả khi nó có tiền.” Giọng gã có nhịp điệu gằn xóc, khô lạnh như máy đánh chữ. “Thế,” gã bảo, “cậu có nghĩ con bé như thế hay không?” “Như thế nào ạ?” “Rởm đời.” “Tôi không nghĩ thế.” “Cậu nhầm rồi. Con bé rởm đời lắm. Nhưng mặt khác cậu nói cũng đúng. Nó không hẳn là rởm mà là rởm thật. Nó tin vào tất cả những thứ vớ vẩn mà nó tin. Nói thế nào nó cũng không nghe. Tôi đã cố đến chảy cả nước mắt. Benny Polan, được kính trọng ở khắp nơi, Benny Polan cũng cố gắng lắm. Benny đã định cưới con bé, nó không chịu, Benny tiêu tốn hàng ngàn đô gửi nó đến các bác sĩ tâm thần. Thậm chí cả người nổi tiếng nhất, chỉ nói được tiếng Đức, và ông ta cũng bó tay. Không thể nào khuyên bảo nó từ bỏ” – gã xiết nắm đấm như muốn nghiền nát cái gì đó vô hình – “những ý tưởng đó được. Thử mà xem. Bảo nó kể với cậu những thứ nó tin. Lưu ý cậu rằng,” gã nói, “tôi thích con bé. Ai cũng ra vẻ thế, nhưng rất nhiều người không thật. Tôi thì có. Tôi thật lòng thích con bé. Vì tôi rất nhạy cảm. Phải nhạy cảm thì mới biết quý nó: có cái nét của nhà thơ. Nhưng tôi nói thật với cậu điều này. Cậu có thể đặt cược cả khối óc mình cho con bé, đổi lại nó sẽ đưa cậu một đĩa đầy phân ngựa. Ví dụ như – hôm nay cậu sẽ thấy con bé là người thế nào. Nó đúng là loại con gái mà cậu sẽ đọc thấy tàn đời ở đâu đó sau khi uống hết một chai Seconal[5]. Tôi từng thấy chuyện đấy xảy ra nhiều lần hơn số ngón chân của cậu: và bọn trẻ đó thậm chí còn chưa điên đâu. Con bé mới là điên.” [5] Seconal: tên một loại dược phẩm dùng để giảm đau và chống co giật. “Nhưng cô ấy trẻ. Và còn cả một tuổi thanh xuân phía trước.” “Nếu cậu định nói là tương lai thì lại càng nhầm nữa. Vài năm trước đây, ở vùng Bờ Biển, có lần nó đã có thể khác đi. Con bé đã làm được vài thứ gây chú ý, lẽ ra nó có thể nổi như cồn. Nhưng một khi đã bỏ mất một cơ hội như vậy thì không trở lại được. Cứ hỏi Luise Rainer mà xem. Rainer là một ngôi sao. Chắc chắn Holly không phải sao; nó chưa bao giờ ra khỏi đám vô danh. Nhưng đó là trước phim Câu chuyện của bác sĩ Wassell. Lúc đó nó đã có thể thực sự nổi lên. Tôi biết, vì tôi chính là người đã đẩy con bé lên.” Gã chỉ điếu xì gà vào mình. “O.J. Berman.” Gã tưởng tôi nhận ra ngay, và tôi cũng chẳng mất gì nếu tán dương gã tí chút, nhưng thật sự là tôi chưa bao giờ nghe về O.J. Berman. Hóa ra gã là một ông bầu cho các diễn viên Hollywood. “Tôi là người đầu tiên nhìn ra con bé. Ở Santa Anita. Ngày nào nó cũng lượn lờ quanh một cung đường. Tôi để ý: hoàn toàn nghề nghiệp thôi. Tôi phát hiện ra con bé là khách quen của một gã vận động viên, nó sống với thằng tép riu đó. Tôi bảo gã vận động viên Thôi đi nếu không muốn cảnh sát tệ nạn sờ gáy: con bé mới mười lăm. Nhưng về phong cách: con bé khá ổn, nó có cái gì đó. Ngay cả khi nó đeo cặp kính dày cộp chừng này; thậm chí khi nó mở miệng và ta không biết nó là một kẻ man rợ, nhà quê hay cái giống gì nữa. Tôi vẫn không biết. Mà chắc không ai biết được nó từ đâu ra. Nó là một đứa nói dối kinh hoàng, có lẽ chính nó cũng không biết mình là ai nữa. Nhưng mất chừng một năm thì chúng tôi chuốt được cái giọng của nó. Bằng cách dạy nó tiếng Pháp: sau khi nó bắt chước được tiếng Pháp rồi thì chẳng bao lâu sau cũng bắt chước được tiếng Anh. Chúng tôi tập cho nó theo mẫu của Margaret Sullavan, nhưng nó thể hiện được vài nét riêng, mọi người để ý, cả những nhân vật quan trọng, và đỉnh nhất là Benny Polan, một người rất đáng kính, Benny muốn cưới nó. Một ông bầu còn muốn gì hơn thế? Rồi bùm! Câu chuyện của bác sĩ Wassell. Cậu có thể thấy cảnh tượng đó không? Cecil B. DeMille. Gary Cooper[6]. Chúa ơi. Tôi chết mất, tất cả đã đâu vào đấy: họ sắp mời nó thử vai cô y tá của bác sĩ Wassell. Ít nhất thì cũng là một trong các cô y tá của bác sĩ đó. Rồi, bùm! Điện thoại reo” Gã nhấc một cái điện thoại tưởng tượng lên, gí vào tai. “Nó nói, Holly đây, Tôi bảo, cưng ơi, sao giọng em nghe xa xôi vậy, nó nói em đang ở New York, tôi hỏi em làm cái quỉ tha ma bắt gì ở tận New York trong khi hôm nay là Chủ nhật, và ngày mai em phải thử vai? Nó đáp em ở New York vì em chưa bao giờ đến New York. Tôi bảo nhấc đít lên máy bay và về đây ngay, nó nói nó không muốn thế. Tôi hỏi vì cớ gì hả đồ ngốc? Con bé đáp anh cứ muốn chuyện phải tốt đẹp, còn em không muốn, tôi bảo được, thế thì cô muốn cái quỉ gì, và nó trả lời, em sẽ báo cho anh đầu tiên khi nào em phát hiện ra. Cậu hiểu ý tôi chứ: một đĩa đầy phân ngựa.” [6] Cecil B. DeMille, Gary Cooper: tên một đạo diễn và một ngôi sao màn bạc của Hollywood. Con mèo tam thể nhảy ra khỏi cái thùng của nó, dụi dụi vào chân gã. Gã nhấc con mèo lên mũi giày rồi hất tung lên đầy căm tức, nhưng không phải vì con mèo mà vì nỗi cáu kỉnh trong lòng. “Đây là cái nó muốn à?” gã thốt lên, giang tay ra. “Hàng đống khách không mời? Sống bằng tiền boa. Đàn đúm với một lũ ăn hại. Hay là nó có thể cưới Rusty Trawler? Cậu phải gắn huân chương cho nó vì thành tích đó?” Gã ngừng lại, nhìn trừng trừng. “Xin lỗi, tôi không biết ông ta.” “Cậu không biết Rusty Trawler, cậu chẳng hiểu bao nhiêu về con bé. Nhầm cửa rồi,” gã nói, tặc lưỡi trong cái đầu vĩ đại. “tôi đã hi vọng cậu có chút ảnh hưởng nào. Có thể trao đổi với con bé trước khi quá muộn.” “Nhưng mà theo ông thì nó đã lỡ rồi mà.” Gã thở ra một vòng khói, chờ nó tan đi rồi mỉm cười, nụ cười làm khuốn mặt gã thay đổi, có vẻ dịu dàng. “Tôi có thể làm nó nổi lên trở lại. Tôi đã bảo với cậu rằng” gã nói, bây giờ nghe rất thật, “tôi thương con bé thật lòng.” “Anh đang tung scandal nào đấy, O.J.?” Holly lao vào phòng, quấn hờ hững một cái khăn tắm quanh người, đôi bàn chân ướt rượt rỏ nước thành vệt trên sàn. “Như mọi khi thôi. Rằng em bị điên.” “Fred biết điều đó rồi” “Nhưng em thì chưa.” “Châm cho em điếu thuốc đi, anh yêu” cô nói, lột cái mũ tắm ra, lắc lắc mái tóc. “Em không bảo anh đâu, O.J. Anh là đồ thô lỗ. Lúc nào cũng hút thâm cả môi.” Cô túm lấy con mèo, hất nó lên vai mình. Nó đáp xuống đó thăng bằng như một con chim, móng nó làm tóc cô xới lên tựa chỉ rối; và mặc dù mấy trò dễ thương đó, nó vẫn là một con mèo dữ tợn với bộ mặt sát nhân của cướp biển; một mắt chột nhờ nhờ, con mắt kia lấp lóe mưu mô đen tối. “OJ. là một kẻ thô lỗ” cô bảo tôi, đón điếu thuốc tôi vừa châm. “Nhưng anh ấy biết cả tỉ số phôn. Số của David O. Selznickla gì hả anh O.J.” “Thôi đi.” “Em không đùa đâu, anh yêu. Em muốn anh gọi điện cho ông ta, và bảo với ông ta rằng Fred là một thiên tài. Anh ấy viết hàng đống những truyện tuyệt vời nhất. Nào, anh đừng đỏ mặt, Fred: anh có tự nhận mình là thiên tài đâu, em nói đấy chứ. Thối nào, O.J. Anh sẽ làm gì để Fred trở nên giàu có?” “Nếu em để anh sắp xếp chuyện đó với Fred.” “Hãy nhớ rằng” cô nói, rời khỏi chúng tôi, “Em là bầu của anh ấy. Một điều khác nữa: nếu em gào lên, cứ việc khóa mồm em lại. Và nếu ai gõ cửa, cứ để họ vào”
Một đám người đã gõ cửa thật. Trong vòng mười lăm phút sau, căn hộ biến thành một bữa tiệc toàn đực rựa, vài người còn mặc quân phục. Tôi đếm thấy hai sĩ quan hải quân, một đại tá không quân; nhưng nhìn lướt qua thì họ lọt thỏm trong đám đầu bạc mới tới. Ngoài khoản là đều già, bọn họ chẳng có gì chung, hình như hoàn toàn xa lạ với nhau; quả thực, mỗi một bộ mặt khi vừa bước vào đều cố giấu vẻ hoang mang khi nhìn thấy những người khác ở đó. Như thể nữ chủ nhân đã phát giấy mời khi vòng vèo qua đủ các quán bar, mà có lẽ sự thật là thế. Sau phút sượng sùng ban đầu, đám khách hòa vào nhau không cằn nhằn, đặc biệt là O.J. Berman, say sưa túm chặt lấy bạn mới để tránh phải thảo luận về tương lai của tôi ở Hollywood. Tôi bị bỏ lại đơn độc với cái giá sách; trong đó hơn một nửa là về ngựa, còn lại là về bóng chày. Tôi vờ quan tâm đến cuốn Ngựa và cách nhận biết, kiếm cái cớ hợp lý được ở một mình, tránh đám bạn của Holly. Chẳng mấy chốc trong đám có một người nổi bật lên. Ông ta là một cậu-bé-trung-niên vẫn còn vẻ phúng phính trẻ con, dù tay thợ may tài ba đã gần như ngụy trang được bộ mông nục nịch nhìn chỉ muốn phát. Ngỡ như người ông ta không có xương; gương mặt là một hình tròn xoay với những đường nét nhỏ nhỏ, xinh xinh, có vẻ trong trắng, nguyên vẹn: cứ như vừa sinh ra thì bị nở phồng lên, làn da không một vết nhăn như quả bóng thổi căng, và cái miệng như thể sẵn sàng khóc toáng, hờn giận, một kiểu nhăn nhó làm nũng dễ thương. Nhưng vẻ bề ngoài không phải là thứ làm ông ta trở nên khác biệt, những đứa trẻ không chịu già không hiếm đến mức đó. Điều đáng nói là cách cư xử của ông ta trong suốt bữa tiệc giống như một con bạch tuộc đầy sức sống, ông ta lắc rượu martini, bắt chuyện làm quen, điều khiển cái máy quay đĩa. Hầu hết mọi hoạt động của ông ta đều được khéo léo điều khiển bởi nữ chủ nhân: Rusty, anh làm hộ em; Rusty, làm ơn giúp em. Nếu ông ta yêu Holly thì rõ ràng sự ghen tuông của ông đã được kiềm chế. Một người đàn ông ghen tuống có lẽ sẽ mất kiểm soát khi nhìn cô lả lướt trong căn phòng, tay ôm con mèo nhưng tay kia tự do chỉnh cái cà vạt, nhặt mẩu xơ vải ở ve áo, hay đánh bóng cái huân chương mà viên đại tá Không quân đang đeo. Tên ông ta là Rutherfurd (“Rusty”) Trawler. Năm 1908, ông mất cả cha lẫn mẹ, bố ông là nạn nhân của một kẻ vô chính phủ, còn bà mẹ chết vì sốc, hai cái tang biến Rusty thành đứa trẻ mồ côi triệu phú và nổi tiếng ở tuổi lên năm. Từ đó đến giờ, do hậu quả của những cơn thịnh nộ chồng chất, ông ta là nguồn đề tài thường trực cho tờ Sunday, khi còn là một học sinh, ông ta đã khiến người bảo hộ của mình bị bắt vì tội ấu dâm. Sau đó, hôn nhân và li dị khiến ông ta luôn xuất diện trên báo lá cải chủ nhật. Bà vợ đầu của ông tặng toàn bộ số tiền li dị và cả bản thân bà cho đối thủ của Đức Cha Thần Thánh[7]. Bà vợ thứ hai không được nhắc tới, nhưng bà thứ ba đã kiện ông ta ở Bang New York với một cặp đầy ắp những chứng từ về tài sản. Ông ta chủ động ly dị bà vợ cuối cùng, lí do chính nêu ra là vì bà ta bắt đầu một cuộc nổi loạn trên du thuyền của ông ta, cuộc nổi loạn này dẫn đến kết quả là ông ta được trả một khoản tiền trên vùng đảo Dry Tortugas. Dù từ đó trở lại đời độc thân, nhưng trước chiến tranh, ông ta đã cầu hôn Unity Mitford, ít nhất thì nghe đồn rằng ông ta đã gửi một bức điện tín xuyên đại dương xin cưới bà ta nếu Hitler không cưới. Đấy là lí do vì sao tờ Winchell luôn luôn gọi ông ta là một kẻ theo phe Đức Qụốc xã; và thực tế là ông ta có dự vài cuộc mít tinh ở Yorkville. [7] Father Divine (1876-1965), tên thật là Reverend Major Jealous Divine, là một lãnh tụ tinh thần người Mỹ gốc Phi, tự nhận mình là Chúa và có ảnh hưởng khá lớn trong cộng đồng da màu. Tôi không được nghe kể về những chuyện này. Tôi đọc chúng trong tập Hướng dẫn bóng chày lấy từ giá sách của Holly, cô dùng nó như sổ tay. Nhét giữa các trang là những bài viết trên tờ Sunday, cùng với những mẩu cắt ra từ mục tin lá cải. Rusty Trawler và Holly Nhẹ Dạ sánh vai trong lễ ra mắt “Một nét của thần Vệ nữ”. Holly đến từ phía sau bắt gặp tôi đang đọc: Cô Nghỉ Hè Nhẹ Dạ, thuộc nhóm Nhẹ Dạ Boston, biến mỗi ngày thành kỳ nghỉ hè cho cục vàng 24 karat Rusty Trawler. “Anh ngưỡng mộ danh tiếng của em, hay chỉ là fan của môn bóng chày thôi?” cô hỏi, chỉnh lại cái kính râm khi liếc nhìn qua vai tôi. Tôi đáp, “Báo cáo thời tiết tuần này thì thế nào?” Cô nháy mắt với tôi, nhưng không vui vẻ gì: một cú nháy mắt cảnh cáo, “Em mê ngựa lắm, nhưng em ghét bóng chày,” cô nói, thông điệp ngầm qua giọng cô ý rằng tôi nên quên chuyện cô từng nói về Sally Cà Chua đi. “Em ghét tiếng ồn của nó trên đài, nhưng em phải nghe, nó là một phần em phải nghiên cứu. Có quá ít người có thể bàn luận về chuyện này. Nếu một người đàn ông không thích ngựa thì chắc chắn anh ta phải thích bóng chày, và nếu anh ta không thích cả hai thứ đó thì, ôi, em gặp rắc rối rồi, vì anh ta cũng không thích gái đâu. Anh và O.J. đi tới đâu rồi?” “Chúng tôi chia tay tâm đầu ý hợp.” “Anh ấy là cơ hội cho anh đấy, tin em đi.” “Tôi tin cô. Nhưng cái mà tôi đưa ra có gây ấn tượng như một cơ hội cho ông ấy không?” Cô khăng khăng. “Anh ra đấy và làm anh ấy tin là trông mình không tức cười chút nào. Anh ấy thật sự có thể giúp anh đấy, Fred.” “Tôi hiểu là cô chẳng đánh giá nó cao lắm.” Cô ngớ ra cho đến khi tôi nói tiếp: “Cái phim Câu chuyện của bác sĩ Wassell ấy.” “Anh ta vẫn lải nhải chuyện đó à?” cô hỏi, thả một cái nhìn trìu mến xuyên qua căn phòng tới Berman. “Nhưng anh ta có lý đấy, em nên cảm thấy ân hận. Không phải vì họ sẽ trao vai cho em hay vì em có thể diễn tốt: không có chuyện đấy đâu. Nếu có ân hận thì chắc là vì em đã để anh ta mơ tưởng, trong khi em không hề mơ mộng chút nào. Em chỉ đi mồi chài đàn ông để tiến thân thôi: em biết thừa là mình sẽ chẳng bao giờ thành ngôi sao màn bạc cả. Nó quá cực nhọc; và với người thông minh thì nó quá ê chề. Mặc cảm của em không đủ thấp: trở thành một ngôi sao và có cái tôi cực kỳ to là hai chuyện liên quan với nhau; thật ra cần thiết phải xóa sạch cái tôi của mình. Không phải em không thích nổi tiếng và giàu có đâu. Đấy là kế hoạch của em, một ngày nào đó, em sẽ xoay ra cách để thành như thế; nhưng nếu nó xảy ra, thì em thích vẫn giữ được cái tôi đó. Em muốn em vẫn là em khi tỉnh giấc vào một buổi sáng đẹp trời và ăn sáng tại nhà hàng Tiffany’s. Anh cần một ly,” cô nói, nhìn thấy tay tôi trống không. “Rusty! Anh mang cho bạn em cái gì uống đi.” Cô vẫn ôm chặt con mèo. “Đồ lười nhác tội nghiệp này” cô nói, gãi gãi đầu nó, “đồ lười tội nghiệp chẳng có tên. Nó không có tên cũng hơi bất tiện. Nhưng em không có quyền đặt tên cho nó: nó phải đợi đến khi có chủ cơ. Một hôm bọn em vớ phải nhau ở bờ sông, chẳng ai thuộc về ai cả: nó độc lập và em cũng thế. Em chẳng muốn sở hữu cái gì cho đến khi biết rằng mình đã tìm thấy một nơi mà em và các thứ thuộc về nhau. Em chưa biết cái chỗ đó là ở đâu. Nhưng em biết nó phải như thế nào.” Cô mỉm cười, thả con mèo xuống sàn. “Nó giống như tiệm Tiffany’s,” cô nói. “Không phải là em ghét nữ trang đâu. Kim cương thì có đấy. Nhưng U40 đeo kim cương thì ngứa mắt lắm; và thậm chí mạo hiểm nữa. Nó chỉ hợp với những bà già thôi. Maria Ouspenskaya. Nhăn nheo, xương xẩu, tóc bạc trắng và kim cương: em không thể đợi đến lúc đó được. Nhưng em mê mẩn quán Tiffany’s không phải vì thế. Anh có biết những ngày báo động đỏ không?” “Giống như buồn chán phải không?” “Không,” cô đáp chậm rãi. “Không, buồn chán là khi người ta béo ra hoặc vì mưa dai dẳng quá. Người ta buồn, thế thối. Nhưng báo động đỏ thì kinh khủng lắm. Minh sợ hãi đến toát mồ hôi nhưng lại không biết đang sợ cái gì. Chỉ biết một điều gì đen tối sắp xảy ra, nhưng lại không biết nó là cái gì. Anh có cảm giác đó bao giờ chưa?” “Thường xuyên lắm. Có người gọi nó là Bất an.” “Phải rồi. Bất an. Em đã dùng cả aspirin. Rusty cho là em nên hút cần sa, và em đã hút một thời gian, nhưng nó chỉ làm em cười khúc khích. Em phát hiện ra cách tốt nhất là chui vào một cái taxi và đến tiệm Tiffany’s. Sự yên tĩnh và vẻ kiêu hãnh của nó làm em dịu xuống ngay tức khắc; không chuyện gì tồi tệ có thể xảy ra với em ở đó, giữa những người đàn ông lịch thiệp mặc vest đẹp đẽ, có mùi dễ chịu của ví da cá sấu và bạc. Nếu có thể tìm được một chỗ nào đó ngoài đời làm em thấy giống như tiệm Tiffany’s, em sẽ mua đồ đạc và đặt tên cho con mèo này. Em đã nghĩ có thể là sau chiến tranh, em và Fred-” cô đẩy cặp kính râm lên, đôi mắt với những màu sắc khác nhau, xám, xanh lam và xanh lục ánh lên vẻ sắc sảo, lo xa. “Một lần em đã đến Mexico. Đấy là một đất nước tuyệt vời để nuôi ngựa. Em thấy một nơi gần biển. Fred rất giỏi về ngựa.” Rusty Trawler mang tới một ly martini, đưa nó cho tôi mà không nhìn tôi. “Anh đói rồi,” ông ta thông báo, giọng nói trẻ con cũng như toàn bộ con người ông ta toát lên vẻ yếu đuối, vòi vĩnh của một đứa bé hự, như trách cứ Holly. “Bảy rưỡi rồi, và anh đói quá. Em biết bác sĩ nói gì rồi đấy.” “Vâng, Rusty. Em biết bác sĩ nói gì.” “Ừ, thế thì chấm dứt đi. Chúng mình đi.” “Em muốn anh cư xử cho đúng, Rusty.” Cô nói nhẹ nhàng, nhưng âm sắc có sự răn đe của cô bảo mẫu dọa phạt khiến mặt ông ta đỏ lên kỳ cục, không biết vì hài lòng hay biết ơn. “Em chẳng yêu anh” ông ta phụng phịu, như thể chỉ có hai người với nhau. “Không ai yêu đứa hư cả.” Rõ ràng cô đã nói điều ông ta muốn nghe; nó có vẻ vừa xoa dịu, lại vừa khích động ông ta. Ông ta vẫn tiếp tục, như thể đó là một nghi thức: “Em có yêu anh không?” Cô phát cho ông ta một cái. “Anh cứ phục vụ xong đi đã, Rusty. Và khi nào em xong thì chúng ta sẽ đi ăn bất cứ nơi nào anh muốn.” “Khu phố Tàu nhé?” “Nhưng không được ăn sườn chua ngọt đâu đấy. Anh biết bác sĩ nói gì rồi.” Khi ông ta trở lại làm bổn phận của mình với dáng điệu phục phịch thỏa mãn, tôi không nhịn được phải nhắc cô rằng cô chưa trả lời câu hỏi của ông ta. “Cô có yêu ông ấy không?” “Em đã bảo anh rồi: người ta có thể ép mình yêu bất kỳ ai. Hơn nữa anh ấy lại có một tuổi thơ tồi tệ.” “Nó đã tệ như vậy sao ông ta còn bám lấy nó?” “Anh động não đi. Anh không thấy là Rusty cảm thấy quấn tã yên ổn hơn là làm người lớn à? Đấy là thực sự là một chọn lựa, chỉ có điều anh ấy cực kỳ nhạy cảm về chuyện đó. Anh ấy định đâm em bằng con dao phết bơ vì em bảo anh ấy phải trưởng thành lên, đối mặt với vấn đề, ổn định cuộc sống và chơi trò gia đình với một bác lái xe tải hiền từ làm bố. Trong khi chờ đợi thì em nắm anh ấy trong tay; thế cũng ổn, vì anh ấy vô hại, anh ấy tưởng con gái là búp bê, theo nghĩa đen ấy.” “Ơn Chúa.” “Ôi, nếu đàn ông nào mà cũng thế thì em khó lòng mà cảm ơn Chúa được.” “Ý tôi là cảm ơn Chúa vì cô sẽ không lấy ông Trawler.” Cô nhướn mày. “Tiện thể nói thêm, em không giả vờ là không biết anh ấy giàu. Ngay cả đất ở Mexico cũng không phải rẻ. Bây giờ,” cô nói, đẩy tôi về phía trước, “anh hãy tóm lấy O.J. đi.” Tôi do dự, trong đầu tìm cớ để trì hoãn. Rồi tôi nhớ ra: “Sao lại là Đi Du Lịchì” “Trên danh thiếp của em á?” cô hỏi, chẳng ăn nhập gì. “Anh nghĩ nó buồn cười à?” “Không buồn cười. Chỉ gợi tò mò thôi.” Cô nhún vai. “Rốt cuộc thì làm sao em biết ngày mai mình sống ở đâu? Vì vậy em bảo họ viết là Đi Du Lịch. Dù sao thì đặt làm mớ danh thiếp ấy cũng phí tiền. Mỗi cái là em cảm thấy mình phải mua cho họ một chút gì. Họ là ở tiệm Tiffany’s đấy.” Cô với lấy ly martini mà tôi chưa hể động đến; Cô uống hai ngụm hết sạch rồi cầm tay tôi. “Đừng có đánh trống lảng nữa. Anh phải ra kết bạn với O.J.” Một sự cố đột nhiên xảy ra chỗ cửa vào. Một cô gái trẻ ào vào như cơn lốc cuốn theo đầy khăn quàng và leng keng những vàng. “H-H-Holly” cô ta vừa tiến lên vừa chỉ chỉ ngón tay, “đồ ăn m-m-mảnh tồi tệ nhé. Tích trữ tất cả chỗ đ-đ-đàn ông m-m-mê hồn này!” Cô ta khoảng hơn một mét tám, cao hơn hầu hết đàn ông ở đó. Bọn họ thẳng lưng lên, thót bụng lại, thi nhau đọ dáng trước chiều cao thống trị của cô. Holly hỏi, “Chị làm gì ở đây thế?” môi cô mím một đường căng buồn bực. “Sao thệ, kh-kh-không làm gì cả, cưng à. Chị làm việc với Yunioshi ở tầng trên. Sao giọng em bực tức thế cưng?” Cô ta nở nụ cười với khắp lượt. “Các ch-ch-chàng của em không phiền nếu chị xen vào buổi t-t-tiệc của em chứ?” Rusty Trawler cười khúc khích. Ông ta nắn bóp cánh tay cô ta, như thể ngưỡng mộ các cơ bắp đó, rồi hỏi liệu cô có uống chút gì không. “Chắc chắn rồi” cô ta đáp, “cho em xin một ly whisky ngô.” Holly đáp luôn, “Không có đâu.” Thế là viên đại tá Không quân gợi ý sẽ ra ngoài mua một chai. “Ổ, em nói luôn là không cần phải làm t-t-to chuyện đâu. Em uống nước đái quỉ còn được nữa. Holly, cưng ơi” cô ta hích nhẹ Holly, “em không phải lo cho chị đâu. Chị có thể tự giới thiệu được mà.” Cô ta khom người về phía O.J. Berman, ông ta đang mờ mắt vì khao khát, giống như nhiều gã lùn khác trước một phụ nữ cao lớn. “Em là Mag R-r-rừng Hoang, từ Rừng H-h-hoang[8] ở Arkansas. Một xứ sở của núi đồi” [8] Chơi chữ: Wildwood nghĩa là Rừng hoang. Như một điệu nhảy; Berman biểu diễn vài cú đưa chân điệu nghệ để ngăn các đối thủ khác xen vào. Ông ta vẫn mất người đẹp vào tay một đối thủ nhảy điệu cađri, người nuốt từng câu đùa ngọng nghịu của cô ta như bồ câu được quăng cho bắp rang bơ. Đấy là một chiến công có thể hiểu được. Cô ta thành công dù xấu xí, nhiều khi xấu còn dễ dụ hơn cả cái đẹp thật sự, chỉ vì nó có sự tương phản. Trong trường hợp này, đối nghịch với sự chải chuốt cầu kỳ và gu thẩm mỹ chọn lọc đến từng chi tiết, mẹo ghi điểm là cường điệu các khiếm khuyết lên. Cô ta khiến đám đàn ông vinh dự bằng cách ngưỡng mộ họ một cách trơ trẽn. Gót giày cao ngất nghểu khiến mắt cá chân cô ta run rẩy không vững; thân hình dẹp lép đến mức cô ta có thể ra biển chỉ với cái quần bơi; tóc được túm ngược về phía sau càng làm phô ra khuôn mặt xương xẩu kiểu người mẫu đói ăn. Thậm chí cái tật nói lắp, chắc chắn là tự nhiên nhưng vẫn có chút cố ý cũng được biến thành lợi thế. Nó là một cú ghi điểm bậc thầy, biến sự vô vị của cô ta thành một cái gì độc đáo, và hơn nữa, nó khiến đàn ông lắng nghe cô ta với cảm giác muốn che chở, bất chấp chiều cao và sự trâng tráo của cô ta. Ví dụ Berman đã chồm lên như bị thụi vào lưng khi cô ta hỏi “Ai chỉ cho em nhà v-v-vệ sinh ở đâu với?”; và để cho trọn vẹn, ông ta đề nghị dắt tay cô ta đến tận nơi. “Không cần đâu,” Holly nói. “Cô ấy đã đến đây rồi. Cô ấy biết nó ở đâu.” Cô đang đổ các gạt tàn, sau khi Mag Rừng Hoang đi khỏi, cô đổ thêm cái nữa và nói như thở dài: “Thật đáng buồn.” Cô ngừng đủ lâu để tính xem bao nhiêu người đang tỏ ra thắc mắc; khá là đông. “Và cũng thật khó hiểu. Cứ tưởng là nó lộ rõ hơn cơ. Nhưng có trời biết, cô ấy trông khỏe mạnh. Cũng gọi là sạch sẽ. Đấy là điểm đặc biệt nhất đấy. Anh có thấy” cô hỏi với vẻ quan tâm nhưng không với riêng người nào, “Anh có thể nói là cô ấy trông sạch sẽ không?” Vài người ho, một số khác nuốt nước bọt. Viên sĩ quan Hải quân đang cầm cái ly của Mag Rừng Hoang vội đặt nó xuống. “Nhưng mà” Holly nói, “em nghe nói rất nhiều cô ở miền Nam cùng bị vấn đề như thế.” Cô rùng mình duyên dáng rồi đi vào bếp lấy thêm đá. Mag Rừng Hoang không hiểu nổi vì sao sự hâm mộ đột nhiên mất sạch khi mình quay lại, các cuộc trò chuyện cô ta gợi lên cứ như củi ướt, sậm sịt không cháy lên được. Càng không tha thứ nổi là mọi người bỏ đi mà không thèm hỏi số điện thoại của cô ta. Viên đại tá Không quân chuồn luôn khi cô vừa quay đi, đây đúng là giọt nước làm tràn ly: trước đó ông ta đã mời cô đi ăn tối. Đột nhiên, cô ta không thấy gì nữa. Rồi rượu vào mất khôn, cô ta bắt đầu ve vãn không giấu giếm. Tự nhận mình là tiếp viên sa đọa ở Hollywood. Rủ rê đánh nhau với một ông tuổi ngũ tuần. Bảo với Berman rằng Hitler có lý. Cô ta mua vui cho Rusty Trawler bằng cách kéo tay ông ta vào một góc. “Anh có biết điều gì sắp xảy đến với anh không?” cô ta hỏi, không lắp bắp một chút nào. “Em sẽ bắt anh ra vườn thú và quăng làm mồi cho con bò Tây Tạng.” Trông ông ta có vẻ khá thích thú, nhưng cô ta làm ông thất vọng khi lại trượt xuống sàn rồi cứ ngồi đó lầu bầu. “Chị phiền hà quá đấy. Đứng lên đi,” Holly vừa nói vừa nới găng tay. Những người còn lại của buổi tiệc đang đợi ở cửa, và khi kẻ gây rối không chịu nhúc nhích, Holly liếc sang tôi xin lỗi. “Anh giúp em với, Fred dễ thương. Cho cô ta vào taxi. Cô ta sống ở khu Winslow.” “Không. Ở Barbizon chứ. Khối 4-5700. Cứ hỏi Mag Rừng Hoang.” “Anh là thiên thần, Fred.” Họ bỏ đi. Viễn cảnh phải nhét cái rừng Amazon này vào xe taxi làm tôi quên cả nỗi oán giận. Nhưng cô ta đã tự giải quyết vấn để. Lấy sức đứng dậy; cô ta nhìn xuống tôi với vẻ lắc lư ngạo nghễ, “Đi nào Cò ơi. Tóm lấy quả bóng may mắn,” rồi ngã vật xuống như một cây sồi bị đốn tận gốc. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là chạy đi gọi bác sĩ. Nhưng xem mạch cô ta vẫn ổn và hơi thở bình thường. Cô ta chỉ ngủ thiếp đi thôi. Sau khi kiếm cái gối kê đầu cho cô ta, tôi để kệ cô ả ngủ. Chiều hôm sau, tôi va vào Holly ở cầu thang. “Anh” cô nói, vội vã lướt qua với một gói thuốc của dược sĩ. “Chị ấy sắp bị viêm phổi rồi đấy. Say khướt đến nỗi thế. Lại còn thêm cả hoảng loạn nữa.” Tôi đoán rằng Mag Rừng Hoang vẫn còn ở trong nhà cô, nhưng cô không cho tôi có dịp tìm hiểu sự thông cảm đáng ngạc nhiên của mình. Đến cuối tuần thì sự bí hiểm lại càng đậm đặc hơn nữa. Đầu tiên là một ông Mỹ Latinh gõ nhầm cửa phòng tôi, hỏi thăm cô Rừng Hoang. Phải mất một lúc mới giải thích được sự nhầm lẫn này vì phát âm của đôi bên có vẻ không thể hiểu nổi đối với nhau, nhưng đến khi hiểu được thì tôi đâm khoái. Cái đầu tóc nâu và thân hình bò mộng của ông ta kết hợp với nhau ăn khớp, hoàn hảo, như một quả táo, một trái cam, thứ gì đó mà tạo hóa đã sinh ra đúng phải như thế. Trang điểm thêm vào đó là một bộ vest Ăng Lê, nước hoa thơm mát và tính bẽn lẽn chẳng Latinh chút nào. Sự kiện thứ hai trong ngày đó cũng liên quan tới ông ta. Khoảng chiều muộn, tôi nhìn thấy ông ta trong lúc ra ngoài ăn tối. Ông ta vừa đi taxi tới; người lái xe đỡ ông ta lảo đảo đi vào tòa nhà với một đống vali. Điều đó khiến tôi lại có cái để nhai đi nhai lại: đến Chủ nhật thì hàm tôi đâm ra ê ẩm. Rồi bức tranh trở nên vừa rõ ràng, lại vừa tối mò hơn. Chủ nhật là một ngày nắng gắt, mặt trời chói chang, cửa sổ nhà tôi mở toang, và tôi nghe tiếng người nói ở lối thoát hiểm. Holly và Mag đang trùm chăn ngả ngớn ở đó, con mèo nằm giữa. Tóc họ vừa mới gội, vẫn còn rũ xuống. Cả hai đều bận rộn, Holly đánh móng chân, còn Mag đan một chiếc áo len. Mag đang nói. “Nếu em hỏi thì chị nghĩ rằng em m-m-may mắn đấy. Ít nhất có một điểm em có thể nói về Rusty. Anh ta là người Mỹ.” “Đáng ca ngợi quá nhỉ.” “Cưng ơi. Đang chiến tranh mà.” “Và khi nó qua rồi thì cũng tàn đời trai.” “Chị không nghĩ thế đâu. Chị t-t-tự hào về đất nước mình. Đàn ông trong gia đình chị là những chiến binh tuyệt vời. Có tượng của Cha Rừng Hoang chính giữa trung tâm Wildwood đấy.” “Fred cũng là lính,” Holly nói. “Nhưng em chả tin là anh ấy sẽ được dựng tượng: với cái mũi gí vào thành cốc, trông ai cũng dễ ngớ ngẩn lắm. Dù sao thì anh ấy là Fred khác. Fred anh của em cơ.” “Em gọi người r-r-ruột th-th-thhịt của mình là ngớ ngẩn ư?” “Nếu anh ấy đúng là như thế.” “Hừ, nói thế thật là vô duyên. Một chàng trai chiến đấu cho chị, em và tất cả chúng ta.” “Cái gì đây: tập hợp lòng yêu nước à?” “Chị chỉ muốn em biết chị đứng về phe nào. Chị thích đùa, nhưng bên trong là một người ngh-ngh-nghiêm túc. Tự hào là người Mỹ. Chính vì thế mà chị tiếc cho José.” Cô ta đặt kim đan xuống. “Em nghĩ anh ấy đẹp trai kinh khủng, đúng không?” Holly hừm một tiếng, lấy cái bàn chải sơn của mình đập đập ria con mèo. “Nếu chị có thể làm quen với ý tưởng c-c-cưới một gã người Brazil. Và biến mình thành người B-B-Brazil. Cứ như phải vượt qua đại vực vậy. Gần mười nghìn cây số và không hiểu tiếng-” “Thì đến Berlitz học.” “Sao họ lại dạy tiếng B-B-Bồ Đào Nha làm quái gì? Ai mà nói cái tiếng ấy chứ. Không, khả năng duy nhất của chị là làm José quên chính trị đi và trở thành người Mỹ. Thật vô ích với một gã đàn ông muốn là t-t-tổng thống Brazil.” Cô ta thở dài, nhặt kim đan lên, “Chị phải yêu phát điên lên. Em thấy bọn chị với nhau rồi đấy. Em có nghĩ chị yêu điên cuồng không?” “Ờ. Thế anh ấy có cắn không?” Mag tuột mất một mũi kim. “Cắn á?” “Cắn chị. Ở trên giường.” “Sao cơ, không. Anh ấy phải cắn à?” Rồi cô ta nói thêm, nghiêm túc. “Nhưng anh ấy có cười.” “Tốt. Đấy là thái độ đúng đấy. Em thích đàn ông biết nhận ra sự hài hước; hầu hết bọn họ chỉ biết mỗi việc hít vào thở ra thôi.” Mag thôi không phàn nàn nữa; cô ta xem nhận xét trên như lời khen ngợi mình. “ừ. Chị chắc thế.” “Ok. Anh ấy không cắn. Anh ấy cười. Còn gì nữa không?” Mag đếm mũi bị tuột và bắt đầu đan lại nhoay nhoáy. “Em nói là-” “Chị có nghe. Và không phải là chị không muốn kể cho em đâu. Nhưng khó mà nhớ nổi. Chị không đ-đ-để ý đến mấy thứ đó. Không giống như em. Nó cứ trượt ra khỏi đầu chị như một giấc mơ ấy. Chị chắc th-th-thái độ đó cũng bình thường thôi.” “Nó có thể là bình thường, chị thân mến ơi; nhưng em thích tự nhiên hơn.” Holly hơi ngừng tay giữa lúc đang sơn đỏ hết đám ria còn lại của mèo. “Nghe này. Nếu chị không nhớ nổi, thì cứ để đèn sáng nhé.” “Làm ơn hiểu cho chị, Holly. Chị là một người rất, rất truyền thống” “Ồ, vớ vẩn thật. Ngắm nhìn một người đàn ông mình thích thì có gì sai trái nào? Đàn ông đẹp chứ, rất nhiều người đẹp, José chẳng hạn, và nếu chị thậm chí không muốn nhìn anh ấy, thì thôi, em chắc anh ấy sẽ mất hứng như đĩa mì nguội ngắt cho xem.” “Không. Vì chị không phải là đĩa m-m-mì nguội. Chị là người tình cảm ấm áp. Đấy là cá tính của chị.” “Ừ thì chị tình cảm. Nhưng nếu em là đàn ông thì lên giường, em vẫn thích mang theo cái bình nước nóng hơn. Nó có thể sờ thấy được.” “José chẳng kêu ca gì đâu” cô ta nói, mãn nguyện, cặp kim đan lóe sáng trong ánh nắng. “Hơn nữa, chị yêu anh ấy. Em có để ý là chị đã đan mười đôi tất kẻ trong vòng chưa tới ba tháng không? Và đây là cái áo len thứ hai.” Cô ta căng cái áo len ra rồi quẳng nó sang bên. “Chẳng biết để làm gì nữa. Áo len ở Brazil. Lẽ ra chị phải làm cái mũ chống n-n-nắng.” Holly nằm xuống, ngáp dài. “Cũng phải có mùa đông chứ?” “Có mưa, chị biết thế. Nóng. Mưa. R-r-rừng rậm” “Nóng. Rừng rậm à. Thực ra em thích thế.” “Giá chị là em.” “Ừ” Holly nói với vẻ mơ màng không phải vi buồn ngủ. “Giá em là chị.” Sáng thứ Hai, khi tôi xuống nhà lấy thư, tấm biển trên hòm thư của Holly đã thay đổi, thêm một cái tên: Cô Nhẹ Dạ và Cô Rừng Hoang giờ đi du lịch cùng nhau. Lẽ ra tôi đã để tâm đến nó lâu hơn nếu không có một cái thư trong hòm thư của chính tôi. Đấy là thư từ tạp chí của một trường đại học nhỏ mà tôi đã gửi truyện ngắn của mình tới. Họ thích nó, và mặc dù tôi phải hiểu rằng họ không có tiền trả nhuận bút, nhưng họ muốn xuất bản. Xuất bản: có nghĩa là in. Không lời nào tả xiết nỗi choáng ngợp phấn khích của tôi. Tôi phải kể cho ai đó: và nhảy hai bậc cầu thang một, tôi đập cửa nhà Holly. Tôi không dám dùng lời để kể về tin đó; khi cô ra mở cửa, mắt nhắm mắt mở vì ngái ngủ, tôi giúi lá thư vào tay cô. Phải mất thời gian lâu như đọc cả sáu chục trang giấy, cô mới đưa lại nó cho tôi. “Em sẽ không cho họ in nếu không trả tiền,” cô đáp, ngáp dài. Có lẽ vẻ mặt tôi giải thích rằng cô đã hiểu sai ý, tôi không cần khuyên bảo mà là chúc mừng kia: miệng cô nhếch lên biến cái ngáp thành một nụ cười. “Ô, em hiểu rồi. Thật tuyệt vời. Nào, anh vào đi” cô nói. “Mình sẽ pha một bình cà phê và ăn mừng. Không. Em sẽ thay đồ và đưa anh đi ăn trưa.” Phòng ngủ của cô cũng hệt như phòng khách: nó gợi nhớ không khí cắm trại: thùng và vali, mọi thứ đều được gói ghém và sẵn sàng lên đường, giống như hành lý của một tên tội phạm thấy mình bị luật pháp truy đuổi sát gót. Trong phòng khách không có lấy một đồ đạc thông thường, nhưng trong phòng ngủ chính là một cái giường cỡ to gấp đôi và khá bóng bẩy: gỗ màu vàng bọc satanh. Cô để cửa phòng tắm mở toang rồi nói chuyện vọng ra giữa lúc giật nước và đánh răng, hầu hết toàn những cái không thể hiểu được, nhưng đại để là: cô cho rằng tôi đã biết Mag Rừng Hoang đã dọn vào đây, như thế thật tiện phải không? Vì nếu định kiếm bạn chung phòng mà không phải dân đồng tính, thì ưu tiên thứ nhì là một ả thật ngu, như Mag, thế thì có thể trút gánh nặng thuê nhà lên ả và bắt mang đồ đi giặt. Rõ ràng Holly có vấn đề với chuyện giặt giũ; căn phòng rải bừa bãi, như phòng tập thể thao của con gái. “- và anh biết không, chị ấy là người mẫu khá thành công đấy: tuyệt không? Nhưng có cái hay là,” cô nói, vừa lò cò ra khỏi phòng tắm, vừa chỉnh lại một cái tất. “Cứ tưởng phải giữ chị ấy khỏi quấy rầy em cả ngày. Nhưng hóa ra cũng chẳng khó mấy vì có anh chàng đó. Chị ấy đính hôn rồi. Một anh chàng cũng được phết. Mặc dù có lệch nhau một tí về chiều cao: em chắc chị ấy cao hơn chừng ba chục phân. Quái, đâu mất-” cô quỳ xuống lục lọi dưới gầm giường. Sau khi thấy cái muốn tìm, là một đôi giày da thuộc loại hiếm, cô còn phải kiếm áo khoác, thắt lưng, và thật đáng để tìm hiểu, làm thế nào, từ mấy thứ linh tinh như vậy, cô tạo ra hiệu ứng sau cùng: đài các, điềm tĩnh không chê vào đâu được, như thể cô được hộ tống bởi các nữ tì của nữ hoàng Cleopatra. Cô nói “Anh nghe này,” và đỡ cằm tôi lên, “Em rất mừng vì cái truyện ấy. Thật sự đấy.” Ngày thứ Hai, tháng Mười năm 1943 ấy. Một ngày tuyệt đẹp vô tư lự. Bắt đầu là rượu cốc-tai Manhattan ở quán của Joe Bell; rồi khi anh ta nghe tin vui của tôi, lại cốc-tai pha sâm-banh cho cả nhà. Sau đó, chúng tôi lang thang đến Đại lộ Năm, nơi có một cuộc diễu binh. Cờ bay trong gió, tiếng dậm chân và quân nhạc, có vẻ như không liên quan gì tới chiến tranh mà là để tôn vinh danh tiếng của tôi. Chúng tôi ăn trưa tại một quán tự phục vụ ở công viên. Sau đó, tránh đi qua vườn thú (Holly nói cô không chịu nổi phải nhìn bất cứ cái gì trong cũi), chúng tôi cười đùa, chạy và hát dọc con đường dẫn về cái nhà thuyền bằng gỗ cũ kỹ, bây giờ không còn nữa. Lá cây bồng bềnh trên hồ; bên bờ, người coi công viên đang quạt lửa đốt lá, và khói, như tín hiệu của người da đỏ, là vết nhòe duy nhất trong không gian xao động. Tháng Tư chẳng bao giờ có ý nghĩa lắm gì với tôi; mùa thu mới là mùa khởi đầu, thanh xuân; tôi cảm thấy thế khi ngồi với Holly trên lan can hành lang nhà thuyền. Tôi nghĩ về tương lai, kể về quá khứ. Vì Holly muốn biết về thời thơ ấu của tôi. Cô cũng nói về tuổi thơ mình, nhưng nó mù mờ, không tên, không rõ nơi nào, một hồi ức theo trường phái ấn tượng, mặc dù ấn tượng gây ra ngược lại với cái mọi người chờ đợi, vì cô toàn kể về những lạc thú như bơi, mùa hè, cây thông Nô-en, những người anh em xinh xắn, tiệc tùng: nói tóm lại là sung sướng mà với một đứa trẻ bỏ nhà đi như cô thì không bao giờ có được. Hay là, tôi hỏi, chuyện cô đã bỏ đi sống tự lập từ năm mười bốn tuổi là không đúng sự thật? Cô day day mũi. “Thật mà. Những chuyện khác thì không. Nhưng thật ra là, anh yêu, anh đã biến tuổi thơ anh thành bi kịch quá mà em không thích đùa làm gì.” Cô nhảy khỏi lan can.”Dù sao, nó làm em nhớ ra: em phải gửi cho Fred một ít bơ lạc.” Phần còn lại của buổi chiều hôm ấy, chúng tôi chạy đông chạy tây, moi bằng được từ những người bán tạp phẩm trơ lì những hộp bơ lạc vốn rất khan hiếm trong thời chiến; đến tối mịt thì chúng tôi gom được nửa tá, vét sạch từ một tiệm bán đồ ăn sẵn ở Đại lộ Ba. Nó gần cửa hàng đồ cổ có bày cái lồng chim kiểu cung điện, vì thế tôi đưa cô đến xem, cô thích thú với sự quái lạ đó: “Nhưng dù sao, nó vẫn là một cái lồng” Đi ngang tiệm Woolworth, cô tóm lấy cánh tay tôi: “Mình ăn trộm cái gì đi” cô nói, kéo tôi vào trong cửa hàng, nơi ngay lập tức gây cho ta cảm giác như đang bị theo dõi. “Thôi nào. Đừng có nhát như cáy thế.” Cô quan sát một cái quầy chồng chất những quả bí đỏ bằng giấy và mặt nạ Halloween. Bà bán hàng bận bịu với một nhóm các bà xơ đang thử mặt nạ. Holly nhặt lấy một cái mặt nạ, đeo vào mặt mình; cô chọn một cái khác đeo cho tôi; rồi cô nắm tay tôi và hai đứa đi ra. Đơn giản như thế đấy. Ra đến ngoài, chúng tôi chạy qua khoảng vài quãng phố, tôi nghĩ để làm cho nó có vẻ gay cấn hơn, nhưng cũng vì, như tôi khám phá ra, hưng phấn khi ăn trộm thành công. Tôi tự hỏi không biết cô có hay ăn trộm không. “Em đã từng thế đấy” cô bảo. “Ý em là em buộc phải thế. Nếu em muốn có cái gì. Nhưng thỉnh thoảng em vẫn còn làm đấy, kiểu như cho vui thôi.” Chúng tôi đeo mặt nạ suốt trên đường về nhà.
Tôi nhớ mình đã nhiều ngày lang thang với Holly; và sự thật là, ở những khoảnh khắc kỳ quặc nhất, chúng tôi phát hiện nhiều điều thú vị về nhau; nhưng nhìn chung cả thì ký ức nhạt nhòa. Vì vào cuối tháng đó, tôi tìm được việc: để được cái gì ư? Càng ít việc càng sướng, nhưng nó lại cần thiết và kéo dài từ chín giờ sáng đến năm giờ chiều. Điều đó làm giờ giấc của Holly và tôi cực kỳ chênh nhau. Chỉ trừ vào thứ Năm, ngày cô phải đến nhà tù Sing Sing, hoặc những buổi hiếm hoi cô cưỡi ngựa ngoài công viên, còn khi tôi về nhà thì Holly chưa dậy. Đôi khi tôi dừng chân, uống cùng cô ly cà phê tỉnh ngủ trong khi cô thay quần áo đi chơi tối. Cô lúc nào cũng sắp sửa đi; không hẳn với Rusty Trawler mà thường là với Mag Rừng Hoang cùng với anh chàng điển trai người Brazil, tên là José Ybarra Jaegar, mẹ anh ta người Đức. Bộ tứ tấu này cứ bị phô, mà căn bản là do Ybarra Jaegar, người có vẻ chẳng ăn nhập vào nhóm, như cây viôlông giữa ban nhạc Jazz vậy. Thông minh, ưa nhìn, anh ta rất nghiêm túc với công việc của mình, hình như liên quan với chính quyền, chắc là quan trọng, và khiến anh ta phải đến Washington vài ngày trong tuần. Chẳng hiểu làm sao mà anh ta chịu được đếm này qua đêm khác ở La Rue, El Morocco, nghe Rừng Hoang lắp bắp và nhìn mãi vào khuôn mặt bé bự của Rusty? Có lẽ, giống như hầu hết những người ngoại quốc, anh ta mất khả năng phân biệt người để chọn ra đẳng cấp phù hợp với mình, như anh ta có thể làm thế ở quê nhà; vì thế mà tất cả dân Mỹ đều được xếp chung một rọ và cách kết bạn của anh ta thật bình đẳng về màu da và chủng tộc. Điều đó lí giải khá nhiều; phần còn lại là do sự quả quyết của Holly. Một buổi chiều muộn, trong khi đợi xe bus tuyến Đại lộ Năm, tôi để ý thấy một cái taxi dừng ngang đường cho một cô gái chạy lên thư viện công cộng phố 42. Cô ta biến mất sau cánh cửa trước khi tôi kịp nhận ra, cũng dễ hiểu thôi, vì Holly và thư viện chẳng ăn nhập mấy với nhau. Trí tò mò thôi thúc tôi đi qua hai con sư tử[9], vừa đi vừa đắn đo liệu nên nhận là mình đi theo cô, hay vờ như tình cờ. Cuối cùng tôi chẳng theo cách nào cả mà giấu mình cách cô vài bàn trong phòng đọc lớn, nơi cô đeo kính râm ngồi sau cái pháo đài văn học mà cô đã lôi về từ chỗ thủ thư. Cô lướt hết cuốn này đến cuốn khác, thỉnh thoảng dừng ở một trang, ngẩn ra như thể nó bị in ngược. Cô lăm lăm cái bút chì trên trang giấy – có vẻ chẳng có gì thu hút được cô, nhưng thỉnh thoảng, như thể suy nghĩ lung lắm, cô khó nhọc viết vài dòng. Nhìn cô, tối nhớ đến Mildred Grossman, một đứa con gái chuyên học gạo ở trường. Mildred với mái tóc nhờn dầu và cặp kính lem nhem, những ngón tay vấy bẩn vì mổ ếch và bưng cà phê cho nhóm biểu tình, cặp mắt trơ trơ của cô ta chỉ hướng về phía các vì sao để ước lượng khối lượng hóa chất của nó. Mildred và Holly khác nhau một trời một vực, nhưng trong đầu tôi, họ cứ gợi nhớ đến cặp thuyền đôi của người Xiêm, và ý tưởng liên hệ hai người với nhau là như thế này: người bình thường biến đổi khá thường xuyên, cứ vài năm thì cơ thể con người lại phải trải qua một cuộc đại tu, dù muốn hay không thì đấy là thay đổi tự nhiên nên có. Nhưng có hai kẻ không thế. Đó là điểm chung giữa Mildred Grossman và Holly Nhẹ Dạ. Họ sẽ không bao giờ thay đổi bởi cá tính đã được định hình quá sớm; giống như bị giàu lên đột ngột đâm ra mất cân bằng: một người thì quá mức thực tế, còn kẻ kia lại thuần túy lãng mạn. Tôi hình dung họ trong một nhà hàng tương lai, Mildred sẽ vẫn nghiền ngẫm thực đơn để xem giá trị dinh dưỡng, còn Holly sẽ ngốn ngấu mọi thứ ở đó. Sẽ không bao giờ khác đi. Họ sẽ đi suốt cuộc đời và ra khỏi nó cũng với bước đi quả quyết, đáng ghi chú bên lề trái của sách đời. Suy ngẫm sâu sắc này làm tôi quên béng mất mình đang ở đâu, đến mức giật mình thấy mình đang lờ vờ trong thư viện và sửng sốt bắt gặp Holly ở đó. Lúc đấy tầm sau bảy giờ, cô đã tô lại son, ăn diện theo cách cô nghĩ là thích hợp với thư viện, tức là thêm khăn choàng, đeo hoa tai, giống như phong cách thuộc địa. Khi cô đi rồi, tôi đến cái bàn còn để lại những cuốn sách của cô: Phương Nam theo cánh chim báo bão. Những con đường nhỏ của Brazil. Ý kiến chính trị của Mỹ Latinh. Và đại loại như thế. [9] Hai tượng sư tử gác ở cửa vào thư viện.
Cảnh đọc sách trong thư viện trên phim đã được thay đổi so với truyện.
Vào đêm Giáng sinh, cô và Mag tổ chức một bữa tiệc. Holly nhờ tôi đến sớm để giúp trang hoàng cây thông. Tôi vẫn không biết làm sao mà họ tha được cái cây vào căn phòng. Cành cao nhất chọc trần, những cành thấp thì xòe kín từ tường này sang tường kia; nhìn tổng thể thì nó khá giống cây Nô-en khổng lồ ở Rockefeller Plaza. Đúng hơn nó cần chính Rockefeller[10] trang hoàng vì ngốn đồ trang trí và dây kim tuyến cứ như tuyết tan vèo mất. Holly đề xuất là cô sẽ đến Woolworth ăn trộm vài quả bóng; cô làm thật: và cái cây cuối cùng trông khá đẹp mắt. Chúng tôi uống mừng thành quả của mình, rồi Holly nói: “Vào phòng ngủ mà xem. Có quà cho anh đó.” [10] Rockefeller: tỉ phú dầu lửa ở Mỹ. Tôi cũng có quà cho cô: một gói nhỏ trong túi tôi, nó có vẻ càng nhỏ tí hơn khi tôi nhìn thấy, gói vuông vức trên giường và gắn ruy băng đỏ: chiếc lồng chim tuyệt đẹp. “Nhưng mà, Holly! Nó khủng khiếp quá!” “Em đồng ý; nhưng em tưởng anh thích nó mà.” “Số tiền ấy! Những ba trăm năm mươi đô!” Cô nhún vai. “Thêm vài lần đi vệ sinh thôi mà. Nhưng anh phải hứa với em nhé. Hứa là đừng bao giờ nhốt một sinh vật sống nào vào trong đó.” Tôi bắt đầu hôn cô, nhưng cô chìa tay ra. “Đưa cho em nào” cô nói, vỗ vào chỗ cộm lên trong túi tôi. “Anh sợ là nó không nhiều nhặn gì” mà thế thật: một cái huy hiệu Thánh Christopher. Nhưng ít nhất thì nó mua từ nhà hàng Tiffany’s. Holly là một cô gái chẳng biết giữ gìn cái gì, chắc hẳn đến giờ, cô đã đánh mất cái huy hiệu, quên trong vali hay ngăn kéo khách sạn ở đâu đó. Nhưng chiếc lồng chim thì tôi vẫn giữ. Tôi đã tha lôi nó đến New Orleans, Nantucket, khắp nơi ở châu Âu, Marốc, Tây Ấn. Nhưng tôi ít khi nhớ rằng chính Holly tặng nó cho mình, vì đến lúc tôi cố tình quên: chúng tôi đã chia tay rất tồi tệ, và trong số những thứ quay cuồng giữa cơn bão thịnh nộ của chúng tôi có chiếc lồng chim, O.J. Berman và truyện ngắn của tôi, tôi đã tặng một bản cho Holly khi nó được đăng trên tờ báo của trường đại học. Đôi khi vào tháng Hai, Holly đi nghỉ đông với Rusty, Mag và Jose Ybarra Jaegar. Vụ cãi cọ giữa chúng tôi xảy ra ít lâu sau khi cô trở về. Rám nắng đen sẫm đi, mái tóc cháy nắng trông gớm chết, cô có một kỳ nghỉ tuyệt vời: “Ôi, đầu tiên bọn em ở Key West, và Rusty phát cáu với mấy người lái thuyền, hay là ngược lại, dù sao thì anh ấy cũng sẽ phải đeo miếng bó xương sống suốt đời. Mag thân yêu thì cũng phải vào bệnh viện. Bỏng nắng cấp độ một. Thật kinh khủng: tất cả những vết phồng rộp và sả[11]. Bọn em không thể chịu nổi cái mùi của chị ấy. Thế là José và em để họ ở bệnh viện và đi Havana. Anh ấy bảo cứ đợi đến khi em thấy Rio đã; nhưng em thì em chẳng muốn tốn tiền ở đấy nữa. Bọn em có một người hướng dẫn không thể cưỡng lại được, người châu Phi lai một ít Tàu, mặc dù em không khoái lắm cả hai, nhưng sự kết hợp thì thật mê hồn: thế là em để anh ta đụng chạm tí ti dưới gầm bàn, vì nói thật ra, em không thấy anh ấy tầm thường tí nào; nhưng rồi một đêm anh ta đưa bọn em đi xem một bộ phim lãng mạn, và anh có thể đoán được không? Anh ấy hiện ra trên màn hình. Tất nhiên khi bọn em trở về Key West, Mag tin chắc là em đã ngủ với José suốt thời gian đó. Rusty cũng thế: nhưng anh ấy chẳng quan trọng chuyện đó, chỉ muốn nghe kể chi tiết thôi. Thật ra, mọi thứ khá căng thẳng cho đến khi em dốc bầu tâm sự với Mag.” [11] Kem bôi chống nắng có mùi sả. Chúng tôi ngồi ở phòng ngoài, bấy giờ đã sắp đến tháng Ba, nhưng cây thòng Nô-en khổng lồ vẫn còn đó, choán gần hết chỗ, nó đã ngả sang màu nâu, mất hết mùi, những quả bóng treo trên cây nhăn nhúm lại như vú bò già. Một đồ vật đáng chú ý đã được đưa thêm vào phòng: một chiếc võng nhà binh; và Holly nằm dài trên đó dưới một cái đèn mặt ười, cố giữ lại vẻ nhiệt đới của mình. “Và em thuyết phục được cô ấy chứ?” “Rằng em đã không ngủ với José á? Chúa ơi, vâng. Em chỉ nói đơn giản – nhưng anh biết đấy, theo kiểu tự thú đầy đau đớn – rằng em là đồng tính nữ.” “Cô ấy không thể tin chuyện đó được.” “Sao mà không tin. Thế anh nghĩ vì sao chị ấy lại đi mua cái võng nhà binh này? Cứ để đấy cho em: trong vụ gây sốc thì em là đỉnh đấy. Anh yêu, xoa tí dầu vào lưng cho em đi nào.” Trong khi phục vụ cô, cô nói: “O.J. Berman đang ở đây đấy, anh nghe này, em đưa cho anh ấy truyện của anh đăng trên tạp chí. Anh ấy có vẻ khá ấn tượng. Anh ấy nghĩ có lẽ anh đáng được nâng đỡ. Nhưng anh ấy bảo anh đang đi sai đường. Người da đen và trẻ con thì ai quan tâm.” “Chắc không phải ngài Berman rồi.” “Ờ, em đồng ý với anh ấy. Em đọc truyện đó hai lần. Bọn nhóc hỗn xược và dân da đen. Những chiếc lá run rẩy. Toàn mô tả. Chẳng có ý nghĩa gì.” Tay tôi đang xoa dầu trên da cô chỉ muốn nổi loạn: nhấc lên và phát xuống mông cô. “Cho tôi ví dụ đi,” tôi nhẹ nhàng nói, “cái gì là có ý nghĩa. Theo cách hiểu của cô.” “Đồi gió hú,” cô đáp không chần chừ. Thôi thúc của tay tôi trở nên khó mà kiểm soát nổi. “Nhưng thế thật không công bằng. Cô đang nói đến tác phẩm của một thiên tài.” “Thật thế à? Cathy ngọt ngào hoang dại vậy. Chúa ơi, em đã khóc hàng xô. Em xem nó mười lần.” Tôi đáp, “Ổ,” nhẹ hết cả người, “ồ” với chuyển giọng cao lên đầy miệt thị, “cái phim ấy đấy.” Cơ bắp cô cứng lại, chạm vào cô như sờ tảng đá ấm lên dưới ánh mặt trời. “Ai cũng có thể nghĩ mình hơn người khác,” cô nói. “Nhưng theo phép thông thường thì anh phải có gì để chứng minh trước khi lên mặt đấy.” “Tôi không so sánh mình với cô. Hay Berman. Vì thế tôi không nghĩ mình hơn ai cả. Chúng ta muốn những thứ khác nhau” “Anh không muốn kiếm tiền à?” “Tôi chưa có kế hoạch làm điều đó.” “Đấy là cái vẻ trong truyện của anh đấy. Anh viết như thể không biết kết thúc thế nào. Được, em nói để anh biết: tốt hơn là anh nên kiếm tiền đi. Anh có một trí tưởng tượng xa xỉ. Sẽ không có nhiều người mua cái lồng chim của anh đâu.” “Tiếc thật đấy.” “Anh sẽ tiếc nếu anh đánh em. Một phút trước anh muốn thế chứ gì: em có thể cảm thấy thế từ tay anh; và bây giờ anh cũng muốn đánh nữa.” Tôi muốn thế kinh khủng; tay tôi run, tim tôi đập thình thịch khi đóng nắp chai dầu. “Ồ, không, tôi sẽ không tiếc đâu. Tôi chỉ tiếc cô đã phí tiền vì tôi: Rusty Trawler đã phải cực nhọc để kiếm ra nó.” Cô ngồi bật dậy trên chiếc võng nhà binh, gương mặt, bộ ngực trần của cô xanh lên lạnh lẽo trong ánh đèn mặt trời nhân tạo. “Mất bốn giây để đi từ đây ra cửa. Em cho anh hai giây.” Tôi đi thẳng lên gác, lấy cái lồng chim mang xuống và để nó trước cửa phòng cô. Thế là xong. Hoặc tôi tưởng thế, cho đến sáng hôm sau khi đi làm, tôi thấy cái lồng đặt trên nắp thùng rác chờ người dọn rác vứt đi. Khá ngượng ngập, tôi giải cứu nó, mang nó trở về phòng mình, một thỏa hiệp không làm nhụt đi quyết tâm loại hẳn Holly Nhẹ Dạ ra khỏi đời tôi. Tôi kết luận cô là một kẻ “phô trương thô lỗ”, “phí thời gian”, “giả dối hoàn toàn” không bao giờ nên nói chuyện với cô nữa. Và tôi đã làm thế. Trong một thời gian khá lâu. Chúng tôi đi ngang qua nhau ở cầu thang, mắt nhìn xuống. Nếu cô bước vào quán Joe Bell, tôi bỏ ra. Rồi một lần, bà Sapphia Spanella, một người đam mê trượt băng và có giọng nữ cao, sống ở tầng một, làm một kiến nghị trưng cầu ý kiến của cư dân tòa nhà đá nâu để đuổi Cô Nhẹ Dạ: theo lời bà Spanella, cô “đáng phê phán về đạo đức”, “thủ phạm của những vụ tụ tập hàng đêm gây nguy hiểm về an ninh và sự trong sạch của cả khu.” Mặc dù từ chối ký vào đó, thâm tâm tôi thấy bà Spanella có lí do để phàn nàn. Nhưng vụ kiến nghị của bà không thành công, và cuối tháng Tư đầu tháng Năm, qua cửa sổ mở, đêm xuân ấm áp trở nên khủng khiếp với âm thanh tiệc tùng ồn ĩ tiếng máy quay đĩa mở lớn, tiếng cười say rượu martini vọng ra từ căn hộ số 2. Chẳng có gì lạ nếu bắt gặp khách gọi cửa nhà Holly đủ các hạng người đáng ngờ và khá là tương phản nhau; nhưng một chiều muộn mùa xuân, khi băng ngang tiền sảnh của khu nhà đá nâu, tôi để ý thấy một người đàn ông trông rất kỳ lạ, đang thăm dò hòm thư của cô. Ông ta trạc năm mươi tuổi, gương mặt từng trải, cứng cỏi, cặp mắt xám đau buồn. Ông ta đội một chiếc mũ xám cũ kỹ, đầy vệt mồ hôi, và bộ vest mùa hè rẻ tiền, màu xanh lờn lợt, rộng thùng thình trên thân hình gầy khẳng khiu; giày ông ta mới tinh, màu nâu. Ông ta có vẻ không định nhấn chuông của Holly. Chậm chạp, như thể đọc chữ Braille của người mù, ông ta cứ miết ngón tay lên cái tên chạm nổi của cô. Tối hôm đó, trên đường đi ăn tối, tôi lại nhìn thấy người đàn ông. Ông ta đang đứng bên kia đường, tựa vào một cái cây và đăm đăm nhìn lên cửa sổ nhà Holly. Những dự cảm xấu vụt qua trong đầu tôi. Ông ta là thám tử ư? Hay một nhân vật đầu trộm đuôi cướp trong giới bạn bè của cô ở Sing Sing, Sally Cà Chua? Tình huống này làm sống lại tình cảm dịu dàng mà tôi có với Holly: chỉ có thế mới hợp lý để cắt ngang mối oán ghét lâu dài giữa chúng tôi, báo cho cô biết rằng cô đang bị theo dõi. Khi bước tới góc phố, theo hướng đông đến quán Thiên Đường Hamburg nằm giữa đường 79 và Madison, tôi có thể cảm thấy người đàn ông đang chú ý đến mình. Ngay sau đó, không cần quay đầu lại, tôi biết ông ta đi theo mình. Vì tôi nghe tiếng ông ta huýt sáo. Không phải bất kỳ điệu hát thông thường nào, mà chính là giai điệu rền rĩ của thảo nguyên mà đôi khi Holly chơi trên cây đàn guitar của cô: Không muốn ngủ, không muốn chết, Chỉ muốn lãng du qua những cánh đồng trời. Tiếng huýt sáo tiếp tục dọc theo Đại lộ Park rồi đến Madison. Một lần đứng chờ tín hiệu đèn giao thông, tôi quan sát ông ta qua khóe mắt khi ông ta dừng lại nựng nịu một con chó xù. “Bà có con vật xinh quá,” ông ta nói với người chủ bằng cái giọng lè nhè, khàn khàn, nhà quê. Thiên Đường Hamburg vắng teo. Dù sao, ông ta cũng chiếm một ghế ngay sau tôi, ở bên cái quầy dài. Ông ta có mùi mồ hôi và thuốc lá. Gọi một tách cà phê, nhưng khi người ta mang đến thì ông ta lại không đụng tới. Thay vào đó, ông ta nhai một cái tăm và quan sát tôi trong cái gương treo tường đối diện với chúng tôi. “Xin lỗi,” tôi hỏi, đối thoại với ông ta qua cái gương, “nhưng ông muốn gì?” Câu hỏi không làm ông ta ngại ngùng; có vẻ như ông ta đâm nhẹ nhõm khi được hỏi tới. “Con trai ạ,” ông ta đáp, “ta muốn có bạn thôi.” Ông ta rút ví ra. Nó nhàu nhò như da tay ông ta, gần như tả tơi thành nhiều mảnh; và tấm ảnh mờ, rạn, dễ rách mà ông ta đưa cho tôi cũng thế. Có bảy người trong bức ảnh, đứng tụm vào nhau trên cái hành lang sắp sụp của một ngôi nhà gỗ ảm đạm, tất cả đều là trẻ con, trừ một người đàn ông, chính là ông ta, đang ôm ngang hông một bé gái tóc vàng bụ bẫm, tay con bé che mắt vì chói nắng. “Tôi đấy” ông ta nói, chỉ vào mình. “Đây là cô ấy…” ông ta đập tay lên đứa con gái bụ bẫm. “Và đứa đứng chỗ này,” ông ta nói thêm, chỉ vào một cậu bé gầy khẳng khiu, tóc màu sáng, “là Fred, anh cô ấy.” Tôi nhìn vào “cô ấy” lần nữa: và, phải rồi, giờ thì tôi nhận ra nét nhang nhác trẻ thơ của Holly ở đứa bé mắt lác, má bầu bĩnh này. Ngay lúc đó, tôi cũng hiểu người đàn ông là ai. “Bác là bố của Holly.” Ông ta chớp mắt, sững sờ. “Tên cô ấy không phải là Holly. Cô ấy là Lulamae Bames. Từng là như thế” ông ta nói, di chuyển cái tăm trong miệng; “cho đến khi cô ấy lấy tôi. Tôi là chồng cô ấy. Doc Nhẹ Dạ. Tôi là bác sĩ chuyên về ngựa, gia súc. Cũng làm ruộng nữa. Gần Tulip, Texas. Này con trai, sao cậu lại cười?” Không phải là cười thật, mà vì căng thẳng. Tôi nuốt một ngụm nước và bị sặc. Ông ta vỗ vỗ lưng tôi. “Đây không phải chuyện cười đâu, con trai ạ. Tôi mệt mỏi rồi. Tôi đã mất năm năm đi tìm vợ mình. Ngay khi nhận được thư của Fred nói cô ấy ở đâu, tôi đã mua vé xe khách liên tỉnh. Lulamae thuộc về gia đình với chồng và nũ trẻ của cô ấy.” “Lũ trẻ ư?” “Chúng nó nà nũ trẻ của cô ấỵ” ông ta đáp, gần như gào lên. Ý ông ta là về bốn gương mặt non nớt khác trong bức ảnh, hai đứa con gái đi chân đất và hai đứa con trai nữa. Phải rồi, chắc ông ta bị loạn trí. “Nhưng Holly không thể là mẹ của bọn trẻ này được. Chúng còn lớn hơn cả cô ấy. To cao hơn.” “Này, con trai,” ông ta nói giọng giảng giải, “tôi không bảo chúng nó nà con đẻ của cô ấy. Người mẹ yêu quý của chúng, người đàn bà thân yêu, Chúa cứu rỗi linh hồn cô ấy, đã mất vào ngày mùng 4 tháng Bảy, ngày lễ Độc Lập năm 1936. Năm hạn hán. Khi tôi cưới Lulamae là vào tháng Mười Hai năm 1938, cô ấy gần mười bốn tuổi. Có thể một người bình thường ở tuổi mười bốn sẽ chưa biết nghĩ. Nhưng cậu xem Lulamae, cô ấy là một người đàn bà khác thường. Cô ấy hiểu rõ ràng mình đang làm gì khi hứa trở thành vợ tôi và là mẹ của nũ con tôi. Cô ấy hoàn toàn làm tan vỡ trái tim chúng tôi khi trốn khỏi nhà như thế.” Ông ta nhấp ngụm cà phê nguội của mình, và nhìn sang tôi với vẻ dò hỏi nôn nóng. “Giờ thì, con trai, cậu còn nghi ngờ tôi nữa không? Cậu có tin điều tôi nói không?” Tôi tin. Không phải sự thật mới là lạ; hơn nữa, nó ăn khớp với mô tả của O.J. Berman về Holly khi ông ta mới gặp cô ở California: “không biết nó là một kẻ man rợ, nhà quê hay cái giống gì nữa.” Không thể trách Berman đã không đoán ra cô là một bà vợ nhí đến từ Tulip, Texas. “Hoàn toàn làm tan vỡ trái tim chúng tôi khi trốn khỏi nhà như thế” ông bác sĩ ngựa nhắc lại. “Cô ấy không có lí do gì. Mấy đứa con gái cô ấy đã làm hết việc nhà. Lulamae có thể sống rất thư thả: làm dáng trước gương và chải tóc. Nào bò, nào vườn, nào gà, lợn của nhà chúng tôi: con trai ạ, cô ấy chắc chắn đã vớ bẫm. Trong khi đó, thằng anh cô ấy lớn phổng lên như người khổng lồ. Trông khác hẳn với lúc anh em cô ấy đến chỗ chúng tôi. Chính nà Nellie, con gái lớn của tôi, chính nó đã đưa họ vào nhà. Một buổi sáng, nó đến tìm tôi, mách: ‘Bố ơi, con khóa hai đứa trẻ hư trong nhà bếp. Con bắt được chúng nó bẻn ngoài, ăn trộm sữa và trứng gà tây,” Đấy nà Lulamae và Fred. Chà, cậu chẳng bao giờ nhìn thấy cái gì tội nghiệp hơn. Xương sườn chọc ra khắp nơi, chân cẳng thì tong teo đứng chẳng vững, răng cỏ lung lay nhai không nổi cháo nữa. Câu chuyện là: mẹ chúng nó chết vì lao phổi, rồi bố cũng thế – và nũ trẻ, cả đám lóc nhóc bị tống đến ở với những kẻ bần tiện khác nhau. Lulamae và anh cô ấy cũng thế, cả hai sống với mấy người ti tiện, nhẫn tâm, cách Tulip một trăm dặm về phía đông. Cô ấy có lí do chính đáng để trốn khỏi cái nhà ấy. Nhưng không có lí do gì để đi khỏi nhà này. Đây nà nhà cô ấy.” Ông ta chống khuỷu tay xuống quầy, ngón tay bưng kín mắt, thở dài. “Cô ấy phổng phao lên thành một phụ nữ thật xinh đẹp. Hoạt bát nữa. Nói như khướu. Bất cứ để tài nào cô ấy cũng nói được cái gì đấy khôn ngoan: hơn cả radio. Điều đầu tiên cậu nên biết, tôi không phải dạng người bẻ lá tìm hoa. Tôi thuần hóa con quạ của cô ấy, dạy nó gọi tên cô ấy. Tôi hướng dẫn cô ấy chơi đàn guitar. Chỉ cần nhìn cô ấy cũng làm tôi rưng rưng nước mắt. Cái đêm cầu hôn, tôi đã khóc như trẻ con. Cô ấy bảo: ‘Sao anh khóc hở Doc? Vì chúng mình sắp cưới nhau à? Em chưa được cưới bao giờ,’ Chà, tôi đã phải cười phá lên, ôm, ghì xiết lấy cô ấy: chưa được cưới bao giờ à!” Ông ta nghẹn ngào, nhai cái tăm một lúc. “Chớ nói với tôi rằng cô ấy đã không hạnh phúc!” ông ta nói, đầy thách thức. “Cả nhà tôi cưng chiều cô ấy. Cô ấy không phải động một ngón tay, trừ núc ăn miếng bánh. Trừ núc chải đầu hay ra ngoài để mua các loại tạp chí. Chúng tôi phải trả cả trăm đô la để rước đống tạp chí đó về nhà. Nếu cậu hỏi tôi, thì chuyện từ đấy mà ra. Ngắm những bức hình phô trương. Đọc các thứ mơ mộng. Cái đó làm cô ấy bắt đầu bước xuống đường. Mỗi ngày cô ấy đi xa hơn một chút: một dặm, rồi về nhà. Hai dặm, rồi về nhà. Một hôm cô ấy cứ thế đi luôn.” Ông ta lấy tay bưng mắt lần nữa; hơi thở nặng nhọc. “Con quạ mà tôi tặng cô ấy cũng hóa dại và bay đi. Có thể nghe tiếng nó suốt mùa hè. Trong sân. Ngoài vườn. Trong rừng. Cả mùa hè con chim đáng nguyền rủa đó cứ gọi: Lulamae, Lulamae.” Ông ta cứ gập người xuống và im lặng, như thể lắng nghe tiếng vọng từ mùa hè xa xưa. Tôi đến quầy thu ngân trả tiền cho cả hai. Trong khi tôi trả tiền, ông ta theo tôi. Chúng tôi cùng rời đi, bước đến Đại lộ Park. Đấy là một buổi tối lạnh, lộng gió; những tấm bạt che sang trọng rung lạch phạch trong cơn gió. Sự im lặng giữa chúng tôi kéo dài đến khi tỏi hỏi: “Nhưng còn anh cô ấy? Cậu ta không bỏ đi chứ?” “Không, cậu ạ,” ông ta đáp, hắng giọng. “Fred còn ở với chúng tôi đến tận khi người ta bắt nó nhập ngũ. Thằng bé cừ lắm. Giỏi về ngựa. Nó không hiểu điều gì xảy đến với Lulamae, làm sao mà cô ấy có thể bỏ anh mình, bỏ chồng và nũ trẻ. Dù sao thì sau khi đã nhập ngũ, Fred bắt đầu nghe tin về cô ấy. Một hôm nó cho tôi địa chỉ cô ấy. Thế là tôi đến đón cô ấy. Tôi biết cô ấy ân hận vì những gì đã làm. Tôi biết cô ấy muốn về nhà.” Ông ta gần như đòi hỏi tôi đồng ý với mình. Tôi bảo ông ta rằng tôi nghĩ ông ta sẽ thấy Holly, hay là Lulamae, thay đổi đôi chút. “Nghe này, con trai,” ông ta nói khi chúng tôi đi đến cầu thang khu nhà đá nâu, “tôi bảo với cậu tôi cần một người bạn. Vì tôi không muốn làm cô ấy ngạc nhiên. Không làm cô ấy sợ. Vì thế mà tôi giữ khoảng cách. Hãy giúp tôi: cho cô ấy biết tôi đang ở đây.” Ý tưởng giới thiệu Bà Nhẹ Dạ với chồng bà có phần làm tôi hả hê; và liếc nhìn lên những ô cửa sổ sáng đèn của Holly, tôi hi vọng bạn bè cô có ở đấy, vì viễn cảnh nhìn ống Texas này bắt tay Mag, Rusty và José thậm chí còn hả dạ hơn. Nhưng cặp mắt tha thiết, đầy tự trọng và chiếc mũ loang vệt mồ hôi của Doc Nhẹ Dạ làm tôi phát ngượng vì những tiên đoán đó. Ông ta theo tôi vào tòa nhà và định đợi ở chân cầu thang. “Trông tôi có ổn không?” ông ta thì thầm, phủi phủi ống tay áo, thắt lại nút cà vạt. Holly đang ở một mình. Cô mở cửa ngay lập tức; thật ra, cô chuẩn bị đi – giày khiêu vũ satanh trắng và mùi nước hoa sực nức loan báo ý định hội hè. “Chà, đồ ngốc” cô nói, nghịch ngợm lấy ví tát tôi. “Em quá vội để làm lành bây giờ. Ngày mai mình sẽ nói chuyện tử tế, được chứ?” “Chắc chắn rồi, Lulamae. Nếu cô còn ở đây ngày mai.” Cô tháo cặp kính râm ra, nheo mắt nhìn tôi. Đôi mắt cô như thể lăng kính vỡ, những chấm xanh lơ, xám và xanh lục như những mảnh sáng vỡ ra lấp lánh. “Anh ấy kể với anh ư,” cô nói khẽ, giọng run run. “Ôi, xin anh. Anh ấy đang ở đâu?” Cô chạy vọt qua tôi ra sảnh. “Fred!” cố gọi vọng xuống thang. “Fred! Anh ở đâu, anh yêu quí?” Tôi có thể nghe thấy bước chân của Doc Nhẹ Dạ lên cầu thang. Đầu ông ta nhô lên trên lan can và Holly giật lùi lại khỏi ông ta, không phải vì sợ, mà như thể cô co vào trong cái vỏ thất vọng. Rồi ông ta đến trước mặt cô, co rúm, ngượng ngập. “Ngạc nhiên chưa, Lulamae” ông ta bắt đầu, ngần ngừ vì Holly đang nhìn chằm chằm vào ông ta một cách đờ đẫn, như thể cô không nhớ nổi ông ta. “Thế, cưng ơi” ông ta hỏi, “ở đây người ta không cho em ăn no à? Em gầy quá. Giống như lần đầu anh gặp em. Mắt em đầy hoang dại.” Holly sờ mặt ông ta; ngón tay cô kiểm tra cái cằm, bộ râu lởm chởm ông ta có thật không. “Hêlô, Doc” cô vui vẻ nhắc lại, trong khi ông ta nhấc bổng cô lên trong cái ôm xiết đến gẫy xương sườn. Những tiếng reo cười nhẹ nhõm làm ông ta run lên. “Ngạc nhiên chưa, Lulamae. Thiên đường chưa.” Chẳng ai để ý đến tôi khi tôi len qua họ và đi lên phòng mình. Họ cũng không thèm đếm xỉa đến bà Sapphia Spanella đang mở cửa, gào lên: “Im đi! Thật trơ trẽn. Các người đi nơi khác mà đánh đĩ nhé!” “Li dị anh ấy ư? Em sẽ không bao giờ li dị anh ấy. Chúa ơi, lúc đó em mới mười bốn. Nó không thể hợp pháp được.” Holly gõ gõ cái ly martini không. “Hai ly nữa, anh Bell yêu quí.” Joe Bell, chúng tôi đang ngồi ở bar của anh ta, nghe gọi rượu một cách lưỡng lự. “Các bạn xin hơi sớm đấy” anh ta vừa phàn nàn vừa nhai kẹm Tum. Theo cái đồng hồ gỗ gụ màu đen sau quầy bar, giờ vẫn chưa tới buổi chiều, mà anh ta đã rót cho chúng tôi ba tuần rượu rồi. “Nhưng hôm nay là Chủ nhật, ngài Bell ạ. Đồng hồ luôn chạy chậm vào Chủ nhật. Ngoài ra, em vẫn còn chưa lên giường mà,” cô bảo anh ta, và nói riêng với tôi “Không phải để ngủ.” Cô đỏ mặt lên, nhìn đi chỗ khác đầy tội lỗi. Lần đầu tiên từ khi tôi biết cô, cô có vẻ có nhu cầu tự thanh minh: “Chà, em phải thế. Doc yêu em thật lòng, anh biết đấy. Và em yêu anh ấy. Anh có thể thấy anh ấy già và xơ xác. Nhưng anh không biết sự dịu dàng của anh ấy, sự tin cậy mà anh ấy dành cho lũ chim, trẻ con hư và những thứ mong manh như thế. Ai mà tin cậy mình thì mình nợ người ta rất nhiều. Em luôn luôn nhớ cầu nguyện cho cả Doc. Anh đừng cười mỉa thế nữa!” cô đề nghị, dứ dứ điếu thuốc. “Em có cầu nguyện.” “Tôi không cười mỉa. Tôi chỉ cười. Cô là người kỳ lạ nhất đấy.” “Em chắc là thế thật,” cô đáp, và gương mặt cô, xanh xao, hơi tím tái trong ánh bình minh, chợt sáng lên; Cô vuốt mái tóc xù, các màu sắc của nó nhấp nhánh lên như quảng cáo dầu gội đầu. “Trông em chắc tởm lắm nhỉ. Nhưng mà ai không thế chứ? Suốt cả đêm bọn em lang thang ở bến xe khách. Đến tận phút cuối cùng Doc còn nghĩ em sẽ đi với anh ấy. Thậm chí cả khi em nói đi nói lại với anh ấy: Nhưng mà, Doc, em không còn mười bốn tuổi nữa, và em không phải là Lulamae. Nhưng điều kinh khủng là (em nhận ra nó khi bọn em đứng ở đấy) em chính là Lulamae. Em vẫn còn ăn trộm trứng gà tây và chạy qua đám tầm xuân. Chỉ khác là bây giờ em gọi đó là báo động đỏ.” Joe Bell lừ lừ đặt ly martini mới trước mặt chúng tôi. “Đừng bao giờ yêu cái gì hoang dại, anh Bell ạ” Holly khuyên anh ta. “Đấy là sai lầm của Doc. Anh ấy cứ tha các thứ hoang dã về nhà. Một con chim ưng bị thương ở cánh. Một lần thì là con linh miêu đã trưởng thành, bị gãy chân. Nhưng không thể dành trọn trái tim cho bọn thú hoang được: anh càng làm thế, nó càng mạnh mẽ hơn. Đến khi nó đủ mạnh để quay về rừng. Hoặc bay lên cây. Rồi cây cao hơn nữa. Anh sẽ đi đến kết cục như thế đấy, anh Bell ạ. Nếu anh để mình yêu cái giống hoang dã. Anh sẽ đi tới chỗ chỉ còn biết ngửa mặt trông trời.” “Cô ấy say rồi.” Joe Bell thông báo với tôi. “Cũng hơi hơi,” Holly thú nhận. “Nhưng Doc biết em nói gì. Em đã giải thích với anh ấy rất cẩn thận, và anh ấy có thể hiểu được điều ấy. Bọn em bắt tay và ôm nhau, rồi anh ấy chúc em may mắn.” Cô liếc nhìn đồng hồ. “Giờ này chắc anh ấy đã ở Núi Xanh rồi.” “Cô ấy đang nói về chuyện gì thế?” Joe Bell hỏi tôi. Holly nâng ly martini của mình lên. “Nào, mình cùng chúc Doc cũng may mắn,” cô nói, cụng ly với tôi. “May mắn: và tin em đi, Doc thân yêu – nhìn lên trời thì hay hơn là lên sống trên đó. Một nơi rỗng không, quá hư vô. Chỉ là miền sấm sét xẹt qua và mọi thứ biến mất.” TRAWLER KẾT HÔN LẦN THỨ TƯ. Tôi nhìn thấy tiêu đề ấy trong lúc ngồi xe điện ngầm ở đâu đó khu Brooklyn. Tờ báo đăng tin này là của một hành khách khác. Tôi có thể đọc một phần viết: Rutherfurd hay “Rusty” Trawler, chàng triệu phú ăn chơi, bị xem là thuộc phe ủng hộ Đảng Quốc Xã, hôm qua đã trốn đến Greenwich với người đẹp… Tôi không muốn đọc tiếp nữa. Holly đã cưới ông ta: chà, chà. Tôi đã ước mình nằm dưới bánh tàu cho rồi. Nhưng đấy là mong muốn trước cả khi tôi liếc thấy cái tựa bài. Vì đủ thứ lí do. Tôi không gặp Holly từ hôm Chủ nhật say với nhau ở bar của Joe Bell. Mấy tuần sau đó chính tôi cũng gặp báo động đỏ. Đầu tiên là tôi bị đuổi việc: cũng đáng đời, vì một tội mà nó quá phức tạp để kể ra ở đây. Thêm vào đó, đăng ký nghĩa vụ quân sự của tôi có nguy cơ bị để ý; tôi vừa thoát điều động ở tỉnh lẻ, ý nghĩ mình lại rơi vào một đời sống kỷ luật tương tự như thế làm tôi tuyệt vọng. Trong tình thế chưa chắc chắn về chuyện nhập ngũ của tôi và vì thiếu kinh nghiệm chuyên môn, tôi gần như không thể tìm được việc khác. Trên chuyến xe điện ngầm ở Brooklyn là tôi đang trở về từ một cuộc phỏng vấn thật nản lòng với biên tập viên tờ PM, tờ báo nay không còn tồn tại nữa. Tất cả những điều này, cộng với cái nóng trong thành phố mùa hè dìm tôi vào một trạng thái trầm cảm. Cho nên tôi cũng không cường điệu bao nhiêu khi ước mình nằm dưới bánh tàu. Cái tựa bài báo chỉ làm mong muốn đó thêm mạnh mẽ thôi. Nếu Holly có thể lấy được cái gã “em chã” ngớ ngẩn ấy thì các thế lực bất công lan tràn trên thế giới này có thể cũng cuốn tôi đi. Hoặc, câu hỏi hiện ra rành rành, sự tổn thương của tôi một phần cũng do tôi đã yêu Holly? Một chút? Vì tôi đã yêu cô thật. Như thể tôi đã từng yêu bà đầu bếp già người da màu của mẹ tôi, yêu bác đưa thư đã cho tôi theo bác đi một vòng và một gia đình cả nhà tên là McKendrick. Tình yêu kiểu như thế cũng có ghen tuông. Khi xuống bến, tôi mua một tờ báo; và đọc phần cuối cái câu đó, tôi phát hiện ra cô dâu của Rusty là: cô gái xinh đẹp trên bìa là Cô Margaret Thatcher Fitzhue Rừng Hoang, đến từ cao nguyên Arkansas. Mag! Chân tôi nhũn ra vì dễ chịu đến nỗi tôi phải gọi taxi đi tiếp về nhà. Bà Sapphia spanella gặp tôi ở sảnh, mắt trợn ngược, tay xoắn vào nhau. “Chạy đi,” bà ta nói. “Gọi cảnh sát. Cô ta đang giết ai đó! Hoặc ai đó giết cô ta!” Nghe có vẻ như thế. Như thể trong căn hộ của Holly có một bầy cọp xổng chuồng. Tiếng kính vỡ tan, đồ đạc bị nứt toác, đổ nhào, lộn tùng phèo. Nhưng trong âm thanh náo động đó không có tiếng cãi cọ) càng khiến chuyện có vẻ kỳ quặc hơn. “Chạy đi,” bà Spanella rít lên, đẩy tôi. “Báo cảnh sát có án mạng.” Tôi chạy; nhưng là lên gác đến cửa phòng Holly. Nện lên đó có kết quả là: tiếng ồn lắng xuống. Tất cả dừng hẳn lại. Nhưng khi tôi năn nỉ đòi vào thì không có ai trả lời, mọi cố gắng phá cửa chỉ làm vai tôi bầm tím. Rồi phía dưới, tôi nghe bà Spanella đề nghị ai đó mới tới đi gọi cảnh sát. “Im mồm đi,” người đó bảo bà, “và tránh đường ra cho tôi.” Đó là Jose Ybarra-Jaegar. Trông chẳng giống một nhà ngoại giao Brazil lịch lãm chút nào, mà nhễ nhại mồ hôi và hoảng sợ. Anh ta cũng ra lệnh cho tôi tránh ra. Và dùng chìa khóa của mình để mở cửa. “Mời vào, Bác sĩ Goldman,” anh ta nói với người đi cùng mình. Vì chẳng ai ngăn nên tôi cũng theo họ vào căn phòng bị tàn phá tan hoang. Cuối cùng thì cái cây Nô-en cũng bị triệt hạ, theo nghĩa đen: những cành khô nâu xỉn của nó nằm ngổn ngang giữa đống lộn xộn những sách vở bị xé tơi tả, bóng đèn và các đĩa nhạc vỡ. Thậm chí cả thùng đá cũng rỗng không, các thứ trong đó quăng bừa khắp phòng: trứng sống chảy ròng ròng trên tường, và giữa đống đổ nát, con mèo của Holly đang điềm nhiên liếm một vũng sữa. Trong phòng ngủ, mùi của các chai nước hoa vỡ khiến tôi ngạt thở. Tôi dẫm lên cái kính râm của Holly, nó nằm trên sàn nhà, đôi mắt kính đã vỡ nát, cái gọng bị gãy làm đôi. Chắc vì thế nên Holly, cái hình người thẳng đơ trên giường, giương mắt nhìn José như mù dở, có vẻ cũng không thấy cả viên bác sĩ đang xem mạch cho cô và nhỏ nhẹ: “Cô bé mệt quá đây mà. Rất mệt. Em buồn ngủ phải không? Ngủ.” Holly gãi trán, để lại một vết máu từ ngón tay bị đứt. “Ngủ,” cô nói và rên rỉ như một đứa trẻ đang quấy vì kiệt sức. “Chỉ có anh ấy mới chiều em như thế. Cho em ôm anh ấy trong những đêm lạnh nào. Em thấy một nơi ở Mexico. Có nhiều ngựa. Bên bờ biển.” “Có nhiều ngựa bên bờ biển” bác sĩ vừa ru, vừa lục trong cái cặp đen của mình chiếc kim tiêm. José ngoảnh mặt đi, nôn nao trước hình ảnh cái mũi kim. “Bệnh của cô ấy là buồn thôi chứ gì?” anh ta hỏi, tiếng Anh khó nghe của anh ta khiến câu hỏi vô tình có vẻ hơi châm biếm. “Vì buồn thôi chứ gì?” “Nó không đau tí nào chứ, hay là có?” viên bác sĩ hỏi, nhẹ nhàng xoa mẩu bông lên cánh tay Holly. Cô bắt đầu chú ý hơn đến viên bác sĩ. “Cái gì cũng đau. Kính của em đâu?” Nhưng cô chẳng cần kính. Mắt cô đã tự động nhắm lại. “Cô ấy chỉ buồn thôi chứ gì?” José khăng khăng hỏi. “Xin mời ông ra cho” viên bác sĩ có vẻ hơi cộc cằn với anh ta, “để tôi được một mình với bệnh nhân.”
José rút ra phòng ngoài, nơi anh ta trút giận lên bà Spanella đang đứng đó len lén rình mò. “Đừng có đụng vào tôi! Tôi sẽ kêu cảnh sát,” bà ta đe dọa khi anh ta đuổi bà ra cửa với những câu rủa tiếng Bồ Đào Nha. Anh ta cũng định quẳng cả tôi ra, hoặc là tôi đoán thế qua thái độ của anh ta. Nhưng thay vào đó, anh ta mời tôi uống một ly. Chai rượu lành lặn duy nhất mà chúng tôi tìm thấy là thứ vecmut nguyên chất. “Tôi có một cái lo,” anh ta thổ lộ. “Tôi có cái lo là việc này có thể gây scandal. Cô ấy đập vỡ mọi thứ. Cư xử như một người điên. Tôi phải không được có scandal công cộng. Nó quá nhạy cảm: tên của tôi, công việc của tôi.” Anh ta có vẻ vui lên khi nghe tôi bảo không có lí do gì để gây “scandal” cả; phá phách tài sản cá nhân của mình, tôi đoán, là một vấn đề riêng tư. “Vấn đề là vì buồn đấy mà,” anh ta tuyên bố chắc nịch. “Khi tin buồn tới, đầu tiên là cô ấy quẳng đồ mình đang uống đi. Cả chai. Những quyển sách. Một cái đèn. Thế là tôi sợ. Tôi vội đưa bác sĩ đến” “Nhưng tại sao chứ?” tôi muốn biết. “Tại sao cô ấy lại nổi tam bành lên với Rusty chứ? Nếu là cô ấy thì tôi đã ăn mừng.” “Rusty ư?” Tôi vẫn mang theo tờ báo và chia cho anh ta cái tựa bài. “Ồ, cái đó.” Anh ta ngoác miệng cười khinh bỉ. “Họ làm chúng tôi mừng quá thì có, Rusty và Mag. Chúng tôi cười vào chuyện đó: sao họ lại nghĩ là sẽ làm tim chúng tôi tan nát, khi chúng tôi luôn luôn muốn họ biến đi. Tôi cam đoan với anh là chúng tôi đang cười khi tin buồn đó tới.” Mắt anh ta tìm kiếm trong đống rác trên sàn; anh ta nhặt lên một mẩu giấy màu vàng. “Cái này” anh ta nói. Đấy là một bức điện tín từ Tulip, Texas: Nhận giấy báo Fred tử trận ở nước ngoài chấm chồng và các con em chia nỗi buồn chung này chấm hết thư yêu em Doc. Holly không bao giờ nhắc đến anh mình nữa: trừ một lần. Hơn nữa, cô cũng thôi không gọi tôi là Fred. Tháng Sáu, tháng Bảy, suốt những tháng ấm áp đó cô náu mình như con thú ngủ đông không biết mùa xuân đã đến rồi đi. Tóc cô sẫm lại, người mập ra. Cô ăn mặc cũng cẩu thả hơn: có lần cô chạy vòng vòng ở tiệm bán đồ nguội chỉ mặc độc chiếc áo mưa, bên trong trần như nhộng. José đã dọn vào căn hộ, tên anh ta thay thế Mag Rừng Hoang ở hòm thư. Nhưng Holly vẫn có nhiều thời gian một mình, vì José ở Washington ba ngày một tuần. Khi anh ta vắng nhà, cô không tiếp đãi ai hết và hiếm khi rời khỏi phòng – trừ ngày thứ Năm hàng tuần khi cô đến Ossining. Thế không có nghĩa là cô đã mất hứng thú với cuộc sống; trái lại là khác; cô có vẻ trở nên bằng lòng hơn, và hoàn toàn hạnh phúc hơn bao giờ, kể từ khi tôi quen cô. Một sở thích bất ngờ, không Holly chút nào, về trang trí nhà cửa dẫn đến những mua sắm cũng không giống Holly: trong buổi đấu giá ở Parke-Bernet, cô kiếm được một tấm thảm thêu cảnh cuộc đi săn dồn hươu đến đường cùng ở điền trang William Randolph Hearst, một đôi ghế bành kiểu Gothic trông u ám; cô mua trọn bộ sách Văn học Hiện đại, hàng ngăn đĩa nhạc cổ điển, vô số phiên bản của bảo tàng Metropolitan (gồm cả một cái tượng đầu mèo Trung Hoa mà con mèo của cô rất ghét, cứ rít lên dọa dẫm và cuối cùng cũng bị vỡ), một máy đánh trứng hiệu Waring, một cái nồi áp suất và cả thư viện sách nấu ăn. Cô dành cả những buổi chiều vào việc nội trợ, hì hụi đẫm mồ hôi ở căn bếp bé tí như cái hộp của minh: “José bảo em còn giỏi hơn cả dân Thuộc địa. Thật đấy, ai mà tưởng tượng được em có năng khiếu tự nhiên tuyệt như thế? Một tháng trước em còn không tráng được trứng.” Và giờ cô cũng chưa tráng trứng được. Những món đơn giản như bít tết, một đĩa salad đúng kiểu, không nằm trong phạm vi của cô. Thay vào đó, cô nhồi nhét cho José, và đôi khi cả tôi nữa, những món súp kỳ quái (rùa đen ướp rượu Brandy dọn trong vỏ trái bơ), các món mới vương giả kiểu Ý (gà lôi quay nhồi lựu và hồng giòn) và những cách tân rất đáng ngờ (gà và cơm nghệ rưới nước sốt sôcôla: “Một món kinh điển của Đông Ấn, anh yêu”). Sự khan hiếm đường và kem trong chiến tranh đã hạn chế bớt trí tưởng tượng của cô khi làm các món ngọt – tuy nhiên, một lần cô vẫn chế ra được một thứ gọi là: Bánh Sắn Thuốc Lá: tốt nhất là đừng tả nó ra. Khỏi cần tả những cố gắng của cô để học tiếng Bồ, một thử thách chán ngắt cả với tôi và cô, vì mỗi lần đến thăm cô, chiếc máy hát cứ tua không ngừng nguyên album đĩa của Linguaphone. Giờ thì hiếm khi cô nói một câu mà không bắt đầu bằng “Sau khi bọn em cưới-” hoặc “Khi nào bọn em chuyển đến Rio-” mặc dù José chưa bao giờ đề nghị cưới xin cả. Cô thừa nhận như thế. “Nhưng, cuối cùng thì anh ấy biết là em có bầu. Vâng, em đang có đấy, anh yêu. Đã sáu tuần rồi. Em không biết tại sao anh lại ngạc nhiên vì chuyên đó. Em thì không. Không một tí tẹo nào. Em mừng lắm. Em muốn có ít nhất là chín đứa. Em chắc một đứa sẽ có màu da sẫm – José hơi lai da màu mà, chắc anh cũng đoán thế phải không? Em thấy chẳng sao cả: có gì xinh hơn một bé da đen với cặp mắt đẹp màu xanh biếc không? Em ước gì, anh đừng cười em đấy, nhưng em ước em còn trinh trắng cho anh ấy, José ấy. Không phải em bị chạm nọc vì những gì người ta nói đâu: em không trách lũ ngu ngốc bàn tán chuyện đó, em luôn để ngoài tai như trò đùa ấy mà. Thật đấy, một đêm em đã tổng kết rồi, em chỉ có mười một người tình – không tính những thứ đã xảy ra trước khi em mười ba tuổi, bởi vì, rốt cuộc thì nó không đáng kể. Mười một. Nó có làm em thành một con đĩ không? Nhìn Mag Rừng Hoang mà xem. Hay Honey Tucker. Hay Rose Ellen Ward. Nếu mỗi anh tính là một cái vỗ tay thôi thì họ có cả tràng pháo tay rồi ấy chứ. Tất nhiên em chẳng có gì phản đối gái điếm cả. Trừ một điểm: vài người trong số họ có thể nói thật, nhưng tất cả bọn họ đều mang trái tim lừa dối. Ý em là không thể hạ gục một anh chàng, lấy tiền của người ta mà không ít nhất là cố gắng tin rằng mình yêu anh ta. Em không bao giờ như thế. Ngay cả với Benny Shacklett và cả cái đám dơi chuột đó. Em gần như tự thôi miên để nghĩ là chính sự đê tiện của họ cũng có sức quyến rũ. Thực ra, trừ Doc ra, nếu anh muốn tính cả Doc, José là mối tình đầu không-dơi-chuột của em. Ô, anh ấy không phải là cái kết hoàn hảo theo ý em. Anh ấy cũng nói dối tí ti, anh ấy cứ lo lắng mọi người nghĩ gì, và anh ấy tắm năm mươi lần một ngày: người phải bốc mùi gì thì mới thế chứ. Anh ấy quá đạo mạo, quá cẩn trọng để thành người đàn ông lí tưởng của em; anh ấy luôn quay lưng lại khi cởi đồ và gây quá nhiều tiếng ồn lúc ăn, em cũng không thích nhìn anh ấy chạy vì lúc đấy trông anh ấy có cái gì tức cười lắm. Nếu em được tự do chọn lựa bất kỳ ai còn sống, chỉ việc búng ngón tay và gọi đến đây đi anh, thì em sẽ không chọn José đâu. Nehru[12] gần đạt tiêu chuẩn. Wendell Willkie[13]. Garbo nữa, em sẽ ừ với cô ấy bất kỳ ngày nào[14] Tại sao lại không chứ? Đã là người thì phải được cưới đàn ông hay phụ nữ hoặc – nghe này, nếu anh đến nói với em là anh muốn lấy Man O’ War[15] thì em vẫn tôn trọng tình cảm của anh. Không, em nghiêm túc đấy. Tình yêu phải được công nhận. Em hoàn toàn ủng hộ nó. Vì em yêu José – em sẽ bỏ thuốc lá nếu anh ấy bảo em thôi. Anh ấy thân thiện, anh ấy có thể làm em cười quên cả báo động đỏ, em không hay bị thế nữa, chỉ thỉnh thoảng thôi, và nó cũng chẳng ghê gớm đến mức em phải nốc Seconal hay chạy bổ đến tiệm Tiffany’s nữa: em mang bộ vest của anh ấy ra tiệm giặt là, hay nhồi một ít nấm, thế là em thấy ổn, thật tuyệt. Và còn điều này nữa, em đã quẳng cả mớ lá số tử vi của mình đi rồi. Chắc em đã phải tiêu một đô cho mỗi ngôi sao trong cả cung thiên văn quái quỉ đó. Nó thật nhàm chán, nhưng câu trả lời là điều tốt lành chỉ xảy đến với ta khi ta tốt. Tốt ư? Ý em định nói là trung thực. Không phải trung thực theo kiểu hợp pháp đâu – em sẽ cướp một ngôi mộ, đánh cắp hai đồng tử của người chết nếu em nghĩ nó có thể đem lại niềm vui cho hôm nay – mà là kiểu trung thực với chính mình. Em sẽ là bất cứ cái gì chứ không phải một đứa hèn nhát, giả tạo, kẻ lừa tình, con đĩ: em thà bị ung thư còn hơn có một trái tim giả dối. Không phải đạo đức giả đâu. Chỉ là thực tế thôi. Ung thư chỉ có thể làm anh đi đời, nhưng những thứ kia thì chắc chắn đấy. Ôi, kệ cha nó, anh yêu – đưa em cái đàn guitar, em sẽ hát cho anh bài fado[16] bằng tiếng Bồ cực chuẩn.” [12] Nehru: thủ tướng đầu tiên (và lâu nhất) của Ấn Độ từ khi nước này giành độc lập năm 1947. [13] Wendell Willkie (1892-1944): luật sư nổi tiếng của Mỹ, người theo chủ nghĩa Quốc tế, Đảng Tự Do. [14] Greta Garbo (1905-1990): nữ diễn viên huyền thoại gốc Thụy Điển, được cho là người lưỡng tính luyến ái. [15] Man O’ War (1917-1947): tay đua ngựa lỗi lạc nhất ở Mỹ sau Thế chiến thứ nhất. [16] Fado: Số phận – bài dân ca Bồ Đào Nha, đượm nỗi u sầu, nhớ quê hương. Những tuần cuối cùng đó, khoảng cuối mùa hè chuyển sang thu, cứ mờ ảo trong ký ức, có lẽ vì chúng tôi đã tâm đầu ý hợp đến độ hai người có thể trao đổi với nhau bằng im lặng tốt hơn là dùng lời: một sự im lặng đầy xúc động thay vì căng thẳng, huyên thuyên không ngớt, nặn ra chuyện mà nói để rồi sinh ra một thứ tình bạn đầy phô trương, phù phiếm với những khoảng khắc kịch tính. Thường thì, khi anh ta đi xa (tôi đã đi tới chỗ ghét anh ta đến mức hiếm khi dùng tên), chúng tôi ở bên nhau suốt các buổi tối mà chỉ trao đổi chưa tới một trăm từ; một lần, chúng tôi đi bộ đến tận khu phố Tàu, chén đĩa mì xào đại tướng, mua vài cái đèn lồng và ăn trộm một hộp nhang, rồi la cà băng qua cầu Brooklyn, và trên cầu, nhìn những con tàu hướng về đại dương, băng qua những vách đá in bóng lên chân trời cháy đỏ, cô nói: “Nhiều năm sau, rất rất nhiều năm, một trong những con tàu này sẽ đưa em trở lại, em với chín đứa nhóc Brazil của em. Vì, phải rồi, chúng phải nhìn thấy cảnh này, những ngọn đèn này, dòng sông – em yêu New York, dù nó không phải của em, cái cách mà mọi thứ ở đây, cái cây, con phố, một ngôi nhà hay cái gì đó, đều ăn ý với em vì em thuộc về nó”. Và tôi đáp “Im đi nào” ấm ức vì bị bỏ rơi – như một cái tàu kéo ở vũng nước cạn, trong khi cô, người lữ hành rực rỡ xuống bến cảng để đi đến những miến an lạc, trong tiếng huýt sáo và confetti bay đầy trời. Và như thế, ngày tháng, những ngày cuối cùng, như những chiếc lá thu sương khói bay đi khỏi miền ký ức: cho đến một hôm không giống như bất kỳ ngày nào khác mà tôi từng sống. Nó xảy ra đúng vào 30 tháng Chín, sinh nhật tôi, một thực tế chẳng ảnh hưởng gì đến vụ việc, ngoại trừ cái là tôi nóng lòng chờ đợt phát thư buổi sáng, mong nhận được quà sinh nhật dưới dạng tiền của gia đình. Qụả thực, tôi đã xuống cầu thang và đợi bác đưa thư. Nếu tôi không lảng vảng ở tiền sảnh thì chắc Holly đã không rủ tôi đi cưỡi ngựa, và cũng chẳng có dịp để cứu mạng tôi. “Thôi nào” cô nói khi thấy tôi ngong ngóng bác đưa thư. “Mình dẫn vài con ngựa đi vòng công viên đi.” Cô mặc một cái áo gió, quần jeans màu xanh và đi giày tennis; cô đập tay lên bụng, làm người ta phải chú ý đến sự phẳng phiu của nó: “Đừng tưởng em ra ngoài để giảm eo. Nhưng có một cô ngựa – Mabel Minerva già thân yêu của em – em không thể ra đi mà không tạm biệt Mabel Minerva.” Tạm biệt á? “Một tuần nữa, tính từ thứ Bảy. José đã mua vé rồi.” Thẫn thờ, tôi để cô kéo mình xuống phố. “Bọn em đổi máy bay ở Miami. Rồi băng qua biển. Băng qua Andes[17]. Taxi!” [17] Andes: rặng núi dài nhất thế giới ở Nam Mỹ. Bay qua Andes. Khi ngồi trên taxi băng qua Công viên Trung Tâm, tôi cảm thấy hình như mình cũng đang bay, trôi nổi chán chường trên lãnh thổ hiểm nguy, nhọn hoắt phủ đầy tuyết lạnh. “Nhưng em không thể. Sau tất cả, thế còn… Hừ, thế còn… Chà, em không thể lặn mất tăm và bỏ lại tất cả mọi người được.” “Em chắc chẳng ai thèm nhớ em đâu. Em không có bạn.” “Anh sẽ nhớ em. Joe Bell cũng thế. Và ồ – cả triệu người. Như Sally. Ông Cà Chua tội nghiệp.” “Em yêu anh Sally già ấy” cô đáp, và thở dài. “Anh biết không, em không gặp anh ấy cả tháng nay rồi. Khi em bảo anh ấy là em sẽ đi xa, anh ấy là một thiên thần. Thực ra” – cô thẫn thờ – “anh ấy có vẻ vui mừng vì em rời khỏi đất nước này. Anh ấy nói thế là tốt nhất. Vì chẳng sớm thì muộn cũng sẽ có rắc rối. Nếu họ phát hiện ra em không phải là cháu thật của anh ấy. Ông luật sư béo mập, O’Shaughnessy, O’Shaughnessy chuyển cho em năm trăm đô. Tiền mặt. Đấy là quà cưới của Sally” Tôi muốn tỏ ra tàn nhẫn. “Em cũng có thể nhận được quà cưới của anh đấy. Khi nào, và nếu, đám cưới diễn ra.” Cô cười phá lên. “Anh ấy sẽ cưới em, được rồi. Ở nhà thờ nhé. Và với cả gia đình anh ấy ở đó. Vì thế mà bọn em đợi đến khi nào bọn em tới Rio.” “Anh ấy có biết là em đã lấy chồng chưa?” “Anh làm sao thế? Có phải anh đang cố tình hủy hoại ngày đó không? Đấy là một ngày tươi đẹp: để nó yên!” “Nhưng hoàn toàn có thể…” “Chẳng có thể gì hết. Em đã nói với anh rồi, nó không hợp pháp. Nó không thể tính được.” Cô day day mũi, và liếc xéo sang tôi. “Anh yêu, nếu anh hé răng với bất kỳ ai chuyện đó, em sẽ treo ngược anh lên và lột da sống đấy.” Cái chuồng ngựa – tôi chắc bây giờ được thế chỗ bởi xưởng phim truyền hình – nằm trên phố 66 Tây. Holly chọn cho tôi một con ngựa cái già, lưng võng xuống, lông trắng đen. “Đừng lo. Nó còn an toàn hơn nằm nôi nữa.” Đấy là sự trấn an cần thiết vì kinh nghiệm cưỡi ngựa đáng kể nhất của tôi là những lần mất mười xu để nhong nhong trên lưng ngựa con trong lễ hội của bọn nhóc tì. Holly kéo tôi lên yên, rồi trèo lên con ngựa lông ánh bạc của mình, nó dẫn trước khi chúng tôi cùng thả bước xuyên qua đám đông ở góc Tây Công viên Trung Tâm, đi vào con đường ven rừng lác đác những chiếc lá gió tạt phiêu bồng đây đó. “Anh thấy chưa?” cô kêu lên. “Tuyệt cú mèo!” Và đột nhiên, nó đúng là như thế. Đột nhiên, ngắm màu tóc đa sắc của Holly rực lên trong ánh sáng màu lá đỏ và vàng, tôi yêu cô đến mức quên cả chính mình, quên đi nỗi tuyệt vọng thương thân, và hiểu rằng cái mà cô cho là hạnh phúc, nó sẽ đến. Rất nhẹ nhàng, lũ ngựa bắt đầu chạy nước kiệu, gió như những đợt sóng ập vào người, phát vào mặt, chúng tôi lao qua ánh mặt trời xen giữa những vũng tối, và niềm hoan lạc vi mình-đang-s ống làm tôi tê dại như uống cả một ngụm nitơ lỏng[18]. Đó là một phút trước; và phút sau bắt đầu màn hài kịch dưới hình thức thật tàn nhẫn. [18] Nitơ lỏng được dùng để làm mát hoặc gây tê khi chữa răng. Cùng một lúc, như những kẻ man rợ phục kích giữa rừng, một bọn con trai da đen xồ ra từ bụi cây ven đường. Hú hét, chửi rủa, chúng ném đá và lấy gậy quật vào mông ngựa. Con ngựa cái lông đen trắng của tôi chồm hai chân sau, hí ầm ĩ, lảo đảo như nghệ sĩ xiếc đu dây, rồi phi như gió xuống đường, hất chân tôi tuột khỏi bàn đạp và để tôi bám lủng lẳng ở đấy một cách đáng sợ. Những cái móng của nó gõ lên đá sỏi tóe lửa. Đất trời điên đảo. Cây cối, cái hồ với những chiếc thuyền buồm trẻ con, các pho tượng trồi vùn vụt. Mấy cô giữ trẻ chạy bổ đến cứu bọn trẻ tránh đường chúng tôi điên cuồng đâm thẳng tới; đàn ông, mấy kẻ vô công rồi nghề và những người khác gào lên: “Tóm lấy dây cương!” và “Ôi, cậu kia, ối!” và “Nhảy đi!”. Chỉ sau này tôi mới nhớ ra những giọng nói kia; lúc đấy tôi chỉ ý thức về Holly, âm thanh cao bồi của cô chạy đuổi phía sau tôi, không bao giờ bắt kịp, nhưng hết lần này tới lần khác gào lên động viên. Chúng tôi băng qua công viên, ra Đại lộ Năm: phóng điên cuồng giữa dòng giao thông buổi chiều, taxi, xe bus rú còi đổi hướng náo loạn. Qua lâu đài Công Tước, bảo tàng Frick, qua khách sạn Pierre và trung tâm mua sắm. Holly gần bắt kịp; có thêm một viên cảnh sát cưỡi ngựa vào cuộc: mỗi người một bên, từ bên sườn con ngựa cái đang bỏ chạy của tôi, ngựa của họ chuyển động đan chéo nhau chặn đầu, buộc nó dừng lại đẫm mồ hôi. Lúc đó, rốt cuộc tôi cũng ngã khỏi lưng ngựa. Ngã xuống, tự bò dậy và đứng đó, lơ mơ không rõ mình đang ở đâu. Đám đông xúm lại. Viên cảnh sát nạt nộ và ghi chép vào cuốn sổ: ngay sau đó, anh ta tỏ vẻ thông cảm, cười toe toét và bảo sẽ giúp đưa hai con ngựa của chúng tôi về chuồng. Holly đưa tôi vào taxi. “Anh yêu. Anh cảm thấy thế nào?” “Ổn mà.” “Nhưng mạch của anh không đập tí nào,” cô nói, sờ mó cổ tay tôi. “Thế thì chắc anh đã chết rồi.” “Không, đồ ngốc. Nghiêm túc đấy. Nhìn em nào.” Vấn đề là tôi không thể nhìn cô, nói cách khác, tôi thấy vài Holly, một chùm ba gương mặt đẫm mồ hôi và trắng bệch vì lo lắng khiến tôi vừa cảm động, vừa xấu hổ. “Thật đấy. Anh không cảm thấy gì. Chỉ thấy ngượng thôi.” “Em xin đấy. Anh có chắc không? Nói thật với em đi. Anh suýt chết đấy.” “Nhưng anh không chết. Và cám ơn em. ơn em đã cứu mạng anh. Em thật tuyệt vời. Duy nhất. Anh yêu em.” “Đồ ngốc kinh khủng.” Cô hôn lên má tôi. Rồi xuất hiện một chùm bốn Holly và tôi chết ngất đi.
Tối hôm đó, ảnh của Holly lên trang nhất bản tin chiều của tờ Journal-American và các báo buổi sáng Daily News, và Daily Mirror. Các bài báo chẳng đả động gì đến vụ ngựa chạy trốn hết. Nó là về một vấn đề khác, như các tựa bài tiết lộ: CÔ GÁI ĂN CHƠI ĐÃ BỊ BẮT TRONG SCANDAL MA TÚY (Journal-American), NỮ DIỄN VIÊN BUÔN LẬU MA TÚY BỊ BẮT (Daily News), ĐƯỜNG DÂY MA TÚY BẠI LỘ, CÔ GÁI MÊ HỒN BỊ BẮT GIỮ (Daily Mirror). Trong số đó, tờ News đăng tấm ảnh gây sốc nhất: Holly bước vào trụ sở cảnh sát, bị kèm giữa hai thám tử lực lưỡng, một nam và một nữ. Trong tình cảnh khốn khổ này, thậm chí trang phục của cô (cô vẫn còn mặc bộ đồ cưỡi ngựa, áo gió và quần jeans) cũng gợi lên vẻ đàng điếm: cái kính đen đầy ấn tượng, tóc tai lộn xộn, và một điếu thuốc Picayune cháy dở gắn trên đôi môi rầu rĩ. Đoạn đầu đề viết: Holly Nhẹ Dạ, 20 tuổi, xinh đẹp, ngôi sao điện ảnh đang lên và D.A. người nổi tiếng trong giới hộp đêm, đã bị cáo buộc là những nhân vật quan trọng trong vụ buôn lậu ma túy xuyên quốc gia có liên quan tới Salvatore tức “Sally” Cà Chua. Trong ảnh là thám tử Patrick Connor và Sheilah Fezzonetti (trái và phải) đang dẫn độ cô vào số 67 phố Precinct. Xem tiếp trang 3. Bài báo dài suốt ba cột, đặc biệt có tấm ảnh một người đàn ông được gọi là “Cha” Oliver O’Shaughnessy (che mặt bằng cái mũ phớt sùm sụp). Đây là tổng hợp lại những đoạn đáng đọc nhất: Hôm nay, các thành viên của giới hộp đêm sững sờ trước vụ bắt giữ Holly Nhẹ Dạ xinh đẹp, hai mươi tuổi, ngôi sao đang lên của Hollywood, một cô gái nổi tiếng của New York. Cùng lúc đó, vào 2 giờ chiều, cảnh sát đã tóm được Oliver O’ Shaughnessy, 52 tuổi, tại khách sạn Seabordphố 49 Tây, trong khi ông ta ra khỏi nhà hàng Thiên Đường Hamburg trên đại lộ Madison. Cả hai bị công tố viên của quận Frank L. Donovan cáo buộc là những nhân vật quan trọng trong đường dây ma túy xuyên quốc gia mà điều hành là bố già mafia khét tiếng Salvatore “Sally” Cà Chua, hiện đang chịu án 5 năm tại nhà tù Sing Sing vì tội hối lộ chính quyền… O’Shaughnessy, một linh mục đã bỏ áo thầy tu, trong giới tội phạm được biết đến dưới biệt danh khác nhau như “Cha” và “Linh mục”, đã có tiền sử bị bắt giữ nhiều lần tính từ năm 1934, khi ông ta có hai năm điều hành Tu Viện, một viện tâm thần trá hình ở Rhode Island. Cô Nhẹ Dạ, chưa từng có tiền án tiền sự, đã bị bắt giữ tại căn hộ xa hoa của mình ở một khu mới nổi Bờ Đông địa chỉ… Mặc dù văn phòng công tố quận chưa ra tuyên bố chính thức, các nguồn tin đáng tin cậy khẳng định rằng nữ diễn viên tóc vàng xinh đẹp, mới đây còn thường xuyên cặp với triệu phú Rutherfurd Trawler, đã đóng vai trò “liên lạc” giữa Cà Chua ở trong tù và O’Shaughnessy cánh tay phải quyền lực của hắn. Về mối quan hệ với Cà Chua, Cô Nhẹ Dạ được yêu cầu phải đến thăm nhà tù Sing Sing hàng tuần, trong mỗi dịp đó, Cà Chua cung cấp cho cô một bản mật mã bằng lời mà sau đó cô sẽ truyền đạt tới O’Shaughnessy. Qua đường dây này, Cà Chua, sinh năm 1847 ở Cefalu, Sicily, đã có thể giữ kiểm soát trực tiếp một tổ chức ma túy rộng khắp thể giới với chân rết ở Mexico, Cuba, Sicily, Tangier, Tehran và Dakar. Nhưng văn phòng công tố quận từ chối cung cấp bất kỳ chi tiết nào hay dù chỉ xác nhận những lập luận này… Đáng lưu ý là, một số lớn phóng viên đã chực sẵn ở ga Precint phố 67 Đông khi hai bị cáo đến lấy vé. O’Shaughnessy, một người đàn ông tóc đỏ vạm vỡ, đã từ chối bình luận và đá vào háng một nhiếp ảnh gia. Nhưng Cô Nhẹ Dạ, trông mong manh dù trong trang phục tomboy với quần jeans và áo da lại có vẻ gần như không quan tâm. “Đừng có hỏi tôi chuyện này là cái quái quỉ gì” cô nói với phóng viên. “Parce-que je ne sais pas, mes chères. (vì tôi không biết bạn thân mến ạ.) Đúng, tôi có đến thăm Sally Cà Chua. Tôi đã từng đi thăm ông ta mỗi tuần. Thế thì có gì sai ? Ông ấy tin ở Chúa, và tôi cũng thế.”… Rồi, dưới cái tít phụ THỪA NHẬN MÌNH NGHIỆN MA TÚY: Cô Nhẹ Dạ mỉm cười khi phóng viên hỏi liệu cô có sử dụng ma túy hay không. “Tôi đã dùng một chút cần sa. Nó chỉ như rượu mạnh thôi, hại bằng một nửa ma túy. Và cũng rẻ hơn. Tiếc rằng tôi lại thích rượu hơn. Không, ông Cà Chua không bao giờ nhắc đến ma túy với tôi. Tôi rất điên tiết với cái cách những kẻ độc ác kia cứ quấy rầy ông ấy. Ông ấy là một người dễ bị thương tổn, ngoan đạo. Một ông già đáng yêu.” Có một sai lầm nghiêm trọng trong bài tường thuật này: Holly không bị bắt trong “căn hộ xa hoa” của cô. Nó diễn ra ở buồng tắm nhà tôi. Tôi đang ngâm mình trong bồn nước nóng pha muối Epsom để làm dịu những chỗ đau vì phi ngựa, Holly, một y tá tận tụy, ngồi trên thành bồn đợi xoa dầu gió cho tôi và đưa tôi vào giường. Có tiếng gõ cửa ở phòng ngoài. Khi cánh cửa vừa mở, Holly nói Mời vào. Bước vào là bà Sapphia Spanella cùng với hai thám tử mặc thường phục, một trong hai người là một phụ nữ với cái băng đô màu vàng to tướng vòng quanh đầu. “Cô ta đây rồi: kẻ bị truy nã!” bà Spanella nói oang oang, đột nhập vào buồng tắm và xỉa ngón tay, đầu tiên vào Holly, rồi đến tôi đang trần như nhộng. “Nhìn xem, cô ta đúng là đồ đĩ.” Viên thám tử nam có vẻ ngượng: vì bà Spanella và bởi tình huống đó; nhưng mặt đồng nghiệp của anh ta lại căng lên một niềm vui cay độc – cô ta đập tay lên vai Holly và nói bằng một giọng trẻ con đến khó tin: “Cô em theo tôi. Sắp có chỗ cho cô rồi.” Holly lạnh lùng đáp lại: “Bỏ cái tay nông dân của chị ra khỏi người tôi, bà chị đồng tính ngớ ngẩn ạ!” Điều đó làm cô ta nổi điên lên, tát Holly như trời giáng. Cái tát mạnh đến nỗi làm đầu cô vẹo khỏi cổ, chai dầu gió văng khỏi tay cô, vỡ vụn trên sàn đá hoa – đúng chỗ tôi từ bồn tắm chạy ra xông vào vụ ẩu đả, dẫm lên nó và đứt cả hai ngón chân cái. Trần truồng, hai bàn chân nhoe nhoét máu, tôi lẽo đẽo theo họ xuống tận sảnh. “Đừng quên” Holly cố dặn tôi trong khi hai thám tử đẩy cô xuống cầu thang, “cho con mèo ăn nhé.” Tất nhiên, tôi tin chắc chuyện này là do bà Spanella: bà ta đã vài lần gọi cho nhà chức trách để phàn nàn về Holly. Tôi không mảy may ngờ rằng sự việc lại có những khía cạnh kinh khủng như thế được, cho đến buổi tối hôm đó khi Joe Bell xuất hiện vung ra mấy tờ báo. Anh ta xúc động đến mức nói năng lộn xộn; quay cuồng trong phòng, đấm tay vào nhau trong lúc tôi đọc các bài báo. Rồi anh ta hỏi: “Cậu có nghĩ thế không? Cô ấy có dính líu đến vụ làm ăn tệ hại ấy?” “Chà, có đấy.” Anh ta bỏ viên kẹo Tum vào miệng, nhìn tôi chằm chằm và nhai nó như đang nhai xương tôi. “Này cậu, thế là hỏng rồi. Tưởng cậu là bạn của cô ấy chứ. Đồ khốn kiếp!” “Khoan đã. Tôi không nói cô ấy chủ động dính vào. Vô tình thôi. Nhưng mà, cô ấy có làm. Chuyển tin và mấy thứ linh tinh-” Anh ta nói: “Cậu có vẻ khá bình tĩnh nhỉ? Chúa ơi, cô ấy có thể bị mười năm tù. Hay hơn.” Anh ta giật mớ giấy khỏi tay tôi. “Cậu biết bạn bè cô ấy. Những gã giàu có ấy. Xuống quán bar đi, chúng ta sẽ gọi cho họ. Cô bé của chúng ta đang cần tới mấy kẻ bất lương sành sỏi ấy hơn là thằng như tôi” Tôi vừa đau, vừa run đến mức không mặc nổi quần áo, Joe Bell phải giúp. Về đến quán, anh ta đẩy tôi ngay vào quầy điện thoại với một cốc vại, loại cho ba suất martini với một brandy, đựng đầy xu. Nhưng tôi không nghĩ ra được ai để gọi. José đang ở Washington, và tôi không biết chỗ nào để tìm ra. Rusty Trawler ư? Không phải cái gã đốn mạt đó! Thế thì: tôi còn biết người bạn nào khác nữa của cô? Có lẽ cô đã đúng khi nói mình không có bạn, không có ai thực sự. Tôi gọi đến Crestview 5-6958 ở Beverly Hills, số của O.J. Berman mà bên thông tin điện thoại đường dài cung cấp. Người nghe máy nói Ông Berman đang được mát-xa và không nên quấy rầy: xin lỗi, gọi lại sau. Joe Bell điên tiết – bảo tôi lẽ ra phải nói đấy là chuyện sống chết; và anh ta ép tôi thử gọi cho Rustỵ. Đầu tiên, tôi nói chuyện với người quản gia của ông Trawler – ông ta thông báo Ông Bà Trawler đang ăn tối và liệu ông ta có thể nhận tin được không? Joe gào vào ống nghe: “Ông ơi, đây là chuyện khẩn cấp. Sống chết đấy.” Kết quả là tôi được nói chuyện với-hay đúng ra là nghe-người xưa kia là Mag Rừng Hoang phán: “Anh có loạn trí không đấy?” cô ta hách dịch. “Chồng tôi và tôi chắc chắn sẽ kiện bất kỳ kẻ nào định gán tên chúng tôi với cái đứa con gái gh-gh-ghê tởm và sa đọa đấy. Tôi đã biết ngay từ đầu cô ta là một đứa ngh-ngh-nghiện ma túy v-v-vô đạo đức như chó cái rửng mỡ. Nhà tù là mới đúng là chỗ của cô ta. Và chồng tôi nhất trí một nghìn phần trăm. Chúng tôi chắc chắn sẽ kiện kẻ nào…” Cúp máy, tôi nhớ ra ông Doc ở Tulip, Texas; nhưng không, Holly sẽ không muốn tôi gọi cho ông ta, cô ấy sẽ giết tôi. Tôi lại gọi California; máy bận, bận mãi, và đến lúc O.J. Berman nghe thì tôi đã nốc quá nhiều martini đến nỗi ông ta phải hỏi vì sao tôi gọi: “Về con bé, phải không? Tôi biết rồi. Tôi đã nói chuyện với Iggy Filelstein. Văn phòng luật sư của Iggy là tốt nhất New York. Tôi bảo Iggy lo vụ này, gửi hóa đơn thanh toán cho tôi, chỉ không để lộ tên tôi ra thôi, hiểu không. Chà, tôi nợ con bé ít nhiều. Không phải là nợ thật, nếu cậu muốn biết. Con bé điên rồ. Rởm đời. Nhưng nó rởm một cách chân thành, cậu biết không? Dù sao, họ lấy nó có mười ngàn đô tiền bảo lãnh để tại ngoại. Đừng lo, Iggy sẽ khiến con bé được thả đêm nay – tôi không ngạc nhiên nếu nó đã về tới nhà rồi.” Nhưng cô chưa về; sáng hôm sau khi tôi xuống cho mèo của cô ăn cũng chưa thấy đâu. Không có chìa khóa phòng cô, tôi phải theo lối thoát hiểm và vào nhà qua cửa sổ. Con mèo đang trong phòng ngủ, nhưng nó không một mình: một người đàn ông đang ở đó, cúi xuống cái vali. Cả hai chúng tôi, người này tưởng người kia là kẻ trộm, nhìn nhau căng thẳng khi tối nhảy qua cửa sổ. Gã có gương mặt đẹp trai, mái tóc bóng bẩy nhang nhác José; thêm nữa, gã đang đóng gói cái vali chứa toàn quần áo mà José để ở nhà Holly, những giày và bộ vest mà cô cứ rối cả lẻn suốt ngày mang tới thợ sửa và giặt là. Và tôi hỏi, gần như biết chắc: “Có phải ông Ybarra-Jaegar cử anh đến đây không?” “Tôi là em họ,” gã đáp với nụ cười thận trọng và cái cách phát âm địa phương y như thế. “José đâu?” Anh ta nhắc lại câu hỏi, như thể đang dịch nó qua một ngôn ngữ khác. “À, chị ấy ở đâu! Chị ấy đang đợi,” gã nói, có ý xua tôi đi để làm nốt phận sự. Thế đấy: nhà ngoại giao đang tính nước chuồn. Chà, tôi cũng chẳng ngạc nhiên; hay tiếc nuối tí tẹo nào. Nhưng nó vẫn là một trò nhào lộn đau lòng: “Anh ta chắc phải quất ngựa chạy dữ lắm nhỉ.” Gã em họ cười khúc khích, tôi chắc gã hiểu ý tôi. Gã đóng vali lại và chìa ra một bức thư. “Chị tôi, chị ấy nhờ tôi chuyển cái này cho người bạn chung phòng của chị ấy. Anh làm ơn đưa giúp được không?” Trên phong bì viết: Gửi Cô H. Nhẹ Dạ – Cám ơn đã chuyển thư. Tôi ngồi xuống giường Holly, ôm con mèo của cô vào lòng, và thấy đau cho cô, trong từng tế bào tôi, y như chính tôi là cô vậy. “Được, tôi sẽ chuyển giúp.” Và tôi đã làm thế dù không muốn chút nào. Nhưng tôi không đủ can đảm để hủy bức thư; hay đủ ý chí để giữ nó trong túi khi Holly rất ngập ngừng hỏi thăm, liệu tôi có tình cờ biết tin tức gì của José không. Đấy là buổi sáng hôm sau nữa; tôi đang ngồi cạnh cô trong căn phòng sặc sụa mùi iốt và bô của người ốm, ở bệnh viện. Cô đã ở đó từ hôm bị bắt. “Chà, anh yêu,” cô chào tôi khi tôi rón rén đi về phía cô, bưng một tút thuốc lá Picayune và một bó tướng viôlet đầu thu, “Em mất người nối dõi rồi.” Cô trông như chưa đến mười hai tuổi: mái tóc màu vani nhạt chải ra sau, đôi mắt cô, hôm nay không đeo kính râm, trong veo như nước mưa – không thể tin được là cô đã ốm như thế nào. Mà cô đã ốm thật: “Chúa ơi, em suýt toi. Không đùa đâu, mụ béo gần như tóm được em. Mụ ấy rống lên như bò. Hình như em chưa kể với anh về mụ béo. Là vì em cũng không biết về mụ cho đến khi anh em mất. Ngay lập tức em băn khoăn không biết anh ấy đi đâu, Fred chết nghĩa là sao; và thế là em thấy mụ, mụ đang ở trong phòng với em và mụ đang bế Fred trên tay; một mụ béo báo động đỏ khốn kiếp, trong cái ghế xích đu với Fred ở trên đùi và cười như một dàn kèn đồng. Thật là nhạo báng! Nhưng nó chính là cái đang chờ đón chúng ta, anh ạ: mụ hề đó đang đợi để tặng ta cái trò nhạo báng cũ rích. Bây giờ thì anh hiểu vì sao em điên lên và làm vỡ mọi thứ rồi chứ?” Trừ viên luật sư mà O.J. Berman thuê, tôi là người khách thăm duy nhất mà cô được phép gặp. Phòng cô chung với vài bệnh nhân khác, ba bà trông giống hệt nhau đang dò xét tôi, với một vẻ quan tâm không khó chịu nhưng săm soi từ đầu tới chân và thì thầm với nhau bằng tiếng Ý. Holly giải thích: “Các bà ấy nghĩ anh là thủ phạm đấy, anh yêu. Là gã làm em hỏng thế này.” Và khi tôi đề nghị cô đính chính cho họ, cô đáp: “Em chịu. Họ không biết tiếng Anh. Dù sao, em cũng chẳng muốn làm họ mất vui.” Và rồi cô hỏi về José. Ngay khi nhìn thấy cái phong bì, cô nheo mắt và nhếch môi mỉm một nụ cười khắc nghiệt khiến cô già sọm hẳn đi. “Anh yêu” cô bảo tôi, “anh mở cái ngăn kéo kia và lấy giúp em cái ví. Con gái không thể đọc những thứ này mà không đánh son được.” Nhìn vào tấm gương bỏ túi, cô đánh phấn, xóa đi mọi vết tích còn lại của đứa trẻ mười hai tuổi trên mặt. Cô tô môi bằng một thỏi soi, đánh má hồng bằng thỏi khác. Cô kẻ chì viển mắt, tô xanh mí, xịt nước hoa 4711 vào cổ, đeo hoa tai ngọc trai, đeo kính râm; trang điểm như thế, và sau khi xem xét một cách không ưng ý bộ móng chưa được làm đẹp, cô xé mở phong thư và lướt mắt nhanh qua nó, trong khi nụ cười lạnh lẽo của cô cứ lịm dần rồi đanh lại. Cuối cùng cô xin một điếu Picayune. Hít một hơi thật sâu: “Vị tởm quá. Nhưng thánh thật,” cô nói và quẳng lá thư cho tôi: “Có thể nó cũng tiện – nếu khi nào anh định viết một chuyện tình nhảm nhí. Đừng có vẻ cừu non như thế: đọc to nó lên đi. Em thích nghe tận tai.” Thư mở đầu: “Cô bé thân yêu nhất của anh-” Holly ngay lập tức ngắt lời. Cô muốn biết tôi nghĩ gì về chữ viết. Tôi chẳng nghĩ gì cả: một kiểu chữ thẳng thớm, rất rõ ràng, nét sin sít. “Chính là anh ta đấy. Đâu vào đấy và táo bón” cô tuyên bố. “Tiếp tục đi anh.” “Cô bé thân yêu nhất của anh, anh yêu em dù biết em không giống những người khác. Nhưng trong anh đã hình thành nỗi thất vọng khi khám phá ra, theo một cách công khai và tàn nhẫn, rằng em khác xa với hình mẫu người vợ mà một người đàn ông với số phận và sự nghiệp như anh mong muốn cưới về. Anh lấy làm buồn vì tình trạng khốn khổ của em hiện nay, và thâm tâm anh không muốn thêm một lời chê trách vào trong số những lời chê trách vây quanh em. Vì vậy anh hi vọng trong lòng em cũng không oán trách anh. Anh phải bảo vệ gia đình mình, danh tiếng mình, và anh là một kẻ hèn nhát trong những tình huống như thế này. Quên anh đi, em bé xinh đẹp. Anh không còn ở đây nữa. Anh đã về nhà. Nhưng cầu Chúa ở bên em và con em. Cầu Chúa sẽ không giống như – José.” “Thế nào?” “Dù sao nó cũng có vẻ khá thành thật. Và thậm chí cảm động nữa.” “Cảm động ư? Hắn là một thằng thậm ngu!” “Nhưng sau cùng thì, anh ta nhận mình là một kẻ hèn nhát; và từ góc độ của anh ta, anh phải thấy.” Holly vẫn khăng khăng không muốn thừa nhận rằng mình đã thấy; nhưng gương mặt cô, cho dù ngụy trang dưới lớp phấn son, đã thú nhận điều đó. “Được rồi, anh ấy không phải là kẻ đê tiện mà không lí do. Một kẻ đê tiện cỡ siêu, quái vật như Rusty. Benny Shacklett. Nhưng ôi thế đấy, trời đánh thánh vật” cô nói, nhét cả nắm tay vào miệng như một đứa bé sắp khóc, “Em đã từng yêu anh ta. Đồ đê tiện ấy.” Ba bà Ý tưởng tượng ra một cơn khủng hoảng của kẻ đang yêu, và chặc chặc lưỡi về phía tôi ra ý trách móc kẻ đã làm Holly rên rỉ. Tôi cảm thấy nở mũi: hãnh diện vì có người lại tưởng Holly để ý đến tôi. Cố nín khóc khi tôi chìa ra điếu thuốc khác. Cô nuốt xuống rồi nói: “Chúa phù hộ anh, Buster. Và phù hộ anh vi anh là một kỵ sĩ dở tệ. Nếu không đóng vai Calamity Jane Tai Họa[19]; chắc em vẫn còn phải chờ đến lúc cái ấu trùng ấy tòi ra ở nhà bà mẹ không chồng. Tập thể dục tích cực vào, bí quyết nằm ở chỗ ấy. Nhưng em đã làm cả cái phòng đeo phù hiệu đó sợ xanh mặt khi nói là vì Cô Đồng Tính tát em. Vâng thưa ngài, em sẽ kiện bọn họ vài tội, kể cả tội bắt nhầm người.” [19] Calamity Jane: nữ cao bồi miền Tây, nhân vật chính trong vở nhạc kịch – phim ca nhạc cùng tên. Đến lúc đó, chúng tôi mới gián tiếp đề cập đến những nỗi khổ cực ác nghiệt hơn của cô, và cách nói bỡn cợt này càng có vẻ đáng kinh hãi, tội nghiệp, nó lộ rõ rằng cô không có khả năng ý thức về cái hiện thực ảm đạm trước mặt. “Nào, Holly” tôi vừa nói vừa nghĩ: minh phải mạnh mẽ lên, từng trải, như một ông bác. “Nào, Holly. Chúng ta không thể xem chuyện này như đùa được. Chúng ta phải có kế hoạch.” “Anh còn trẻ quá để tỏ ra đạo mạo. Quá bé bỏng. Thế còn công việc của anh thì sao rồi?” “Chẳng có gì cả. Trừ một điều em là bạn anh, và anh lo lắng. Anh muốn biết em định làm gì.” Cô day day mũi, và tập trung nhìn lên trần nhà. “Hôm nay là thứ Tư, đúng không? Vậy thì chắc là em sẽ ngủ đến thứ Bảy, một schluffen[20] thật ngon. Sáng Chủ nhật em sẽ nhảy ra ngân hàng. Rồi em sẽ tạt qua nhà, chọn lấy một cái đầm dạ hội, có thể là hai, và cái đầm hiệu Mainbocher của em. Sau đó, em sẽ thông báo với Idlewild[21]. Đi đâu á, anh biết thừa rồi còn gì, em đã đặt một cái vé hoàn hảo nhất trên một chuyến bay hoàn hảo nhất. Và vì anh là bạn tốt của em, em sẽ để anh tiễn chân em. Anh làm ơn đừng có lắc đầu nữa đi? [20] Schluffen (tiếng Đức): giấc ngủ. [21] Tên cũ của sân bay John F. Kennedy ở thành phố New York. “Holly. Holly. Em không thể làm thế được.” “Et pourquoi pas[22] Em không chạy đuổi theo José đâu, nếu anh tưởng thế. Theo điều tra dân số của em, anh ta chắc chắn là công dân Limboville[23]. Chỉ là: tại sao em phải bỏ phí một tấm vé tuyệt vời như thế. Đã trả tiền. Hơn nữa, em chưa bao giờ đi Brazil.” [22] Et pourquoi pas (tiếng Pháp): Sao lại không chứ? [23] Limboville: địa danh trong huyền thoại Hy Lạp, không thuộc nơi nào cả. “Ở đây họ cho em uống thứ thuốc gì thế? Em không thể ý thức mình đang bị buộc tội à. Nếu bắt được em bỏ trốn, họ sẽ không tha em đâu. Ngay cả nếu thoát được, em cũng sẽ không bao giờ có thể quay về nhà.” “Chà, thế đấy, khó nhằn nhỉ. Dù sao, nơi nào mình thấy bình yên thì nơi đó là nhà. Em vẫn đang đi tìm.” “Không, Holly, thật ngốc nghếch. Em ngây thơ quá. Em phải nhẫn nại đến cùng chứ.” Cô đáp, “Cố lên, cố lên, cố lên,”[24] và phà khói vào mặt tôi. [24] Nguyên văn “Rah, team, rah,” hò hét để cổ vũ đội chơi thể thao, chiến thắng. Nhưng dù sao cô cũng bị tác động; đôi mắt cô mở lớn trước những cảnh tượng đau lòng, như tôi đang thấy: những căn phòng bằng sắt, hành lang thép với những cánh cửa từ từ đóng lại. “Ố, chết tiệt” cô thốt lên, rút một điếu thuốc. “Em có một khả năng hợp lý mà họ sẽ không bắt em được. Miễn là anh nhớ bouche fermez[25] Xem này. Đừng có có coi thường em, anh yêu.” Cô đặt tay lên tay tôi và bóp chặt với sự chân thành nồng nhiệt đến bất ngờ. “Em không có nhiều lựa chọn. Em đã nói chuyện với luật sư: ồ, em không hé răng với ông ấy về Rio – ông ta đút tiền cho bọn đeo thẻ ở đây để đừng đả động gì đến người mang tên O.J. đã trả tiền tại ngoại, thế còn hơn là ông ta bị mất phí. Chúa phù hộ cho trái tim O.J.; nhưng một lần ở vùng duyên hải; em đã giúp ông ta thắng hơn mười ngàn trong một ván bài poker: thế là hòa. Không, đây mới là chuyện phải run này: tất cả những gì bọn đeo thẻ muốn ở em là sờ sẩm em vài cái miễn phí và em chịu đứng ra làm nhân chứng chính thức chống lại Sally – chẳng ai có ý định khởi tố em hết, họ không có mảy may bằng chứng nào cả. Chà, em có thể bị mục xương, không còn ai ở bên, nhưng em sẽ không làm chứng chống lại bạn mình. Cho dù họ có thể chứng minh được ông ấy bỏ cả ma túy cho Xơ Kenny[26] em cũng không. Thước đo của em là người ta đối xử với em như thế nào, và Sally già, ừ thì ông ta cũng chẳng hoàn toàn vô tư với em đâu, nói đúng ra, ông ấy cũng lợi dụng tí ti, nhưng ông ta là một người chơi được, và em thà để mụ béo vồ lấy em sớm hơn chứ không giúp lũ luật sư hạ ông ấy.” Nghiêng cái gương bỏ túi lên phía trên mặt, dùng ngón út miết đều lớp son môi, cô nói: “Và thành thật mà nói, chưa hết đâu. Một bóng tối trên sàn đời thế này đủ làm hỏng bộ mặt người con gái. Thâm chí nếu quan tòa có gắn huy chương danh dự[27] cho em thi nơi này vẫn chẳng có tương lai: họ vẫn chăng dây cấm vào từ LaRue cho đến quán nướng Perona – nghe em đi, em sẽ được chào đón như ông chủ nhà tang lễ[28]. Và nếu phải sống bằng những ngón nghề đặc biệt như em, anh yêu ơi, anh sẽ hiểu sự trắng tay này. Ừ, ừ, không phải em chỉ tưởng tượng ra cảnh hạ màn mà em phải bán thân quanh khu Roseland cho một bầy mọi rợ ở Bờ Tây[29] đâu. Trong khi Phu nhân Trawler cao quý khệnh khạng rước cái hĩm của mình ra vào tiệm Tiffany’s. Em không thể chấp nhận như thế. Vứt em cho mụ béo ngày nào cũng được.” [25] bouche fermez (tiếng Pháp): giữ mồm giữ miệng, im mồm. [26] Sister Kenny: tên thật là Elizabeth Kenny (1880-1952) một nữ y tá người úc, nhà vật lý trị liệu tiên phong, nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim “Sister Kenny” sản xuất năm 1946 do Rosalind Russeỉ thủ vai. [27] Purple Heart: huy hiệu hình trái tim màu tím có in hình tổng thống để khen thưởng thương binh hay liệt sĩ phục vụ trong quân đội Mỹ từ sau tháng 4.1917. [28] Nguyên văn: “ông Frank E. Campbell” tên một chủ nhà tang lễ ở Manhattan. [29] West Side: khu nghèo của New York. Một y tá rón rén vào phòng nhắc giờ thăm viếng đã hết. Holly bắt đầu than phiền và bị cắt ngang bởi một cái nhiệt kế nhét vào miệng. Nhưng khi tôi ra về, cô rút nó ra để nói: “Làm giúp em việc này, anh yêu. Gọi cho tờ Times, hay tờ nào anh thích, kiếm cho em danh sách năm mươi người đàn ông giàu nhất ở Brazil. Em không đùa đâu. Năm mươi người giàu nhất: bất kể chủng tộc và màu da. Một việc nữa là – anh lục khắp nhà em đến khi tìm ra cái huy hiệu mà anh cho em. Cái huy hiệu Thánh Christopher ấy. Em cần nó cho chuyến đi.” Tối hôm thứ Sáu, bầu trời đỏ rực lên, sấm chớp, và thứ Bảy, ngày khởi hành, cả thành phố chao đảo trong cơn mưa bão. Cá mập có lẽ bơi trong không trung được, dù không chắc máy bay có thể bay qua. Nhưng Holly, làm ngơ trước sự thuyết phục hân hoan của tôi rằng chuyến bay sẽ không đi, cứ tiếp tục chuẩn bị – và tôi phải nói rằng cô đã chuyển cả gánh nặng chính của mình sang tôi. Vì cô quyết định mình chẳng dại gì đến gần khu nhà đá nâu. Cũng khá hợp lý: nó đang bị theo dõi bởi cảnh sát hoặc các phóng viên hay những nhóm quan tâm khác không biết là ai, chỉ một người đàn ông, hay có khi vài ông lởn vởn quanh bậc thềm. Vì thế cô từ bệnh viện ra ngân hàng rồi tới thẳng quán bar của Joe Bell. “Cô ấy không nghĩ là minh bị bám theo,” Joe Bell bảo tôi khi mang tới tin nhắn rằng Holly muốn gặp tôi ở quán càng sớm càng tốt, trễ nhất là nửa tiếng nữa, mang theo: “Nữ trang. Đàn guitar. Bàn chải đánh răng và các thứ của cô ấy. Một chai rượu brandy trăm năm tuổi: cô ấy nói cậu có thể tìm thấy nó giấu dưới đáy cái giỏ đựng quần áo bẩn. Ừm, ổ, và con mèo. Cô ấy muốn cả con mèo. Nhưng quỷ thật” anh ta nói, “tôi không biết chúng ta có nên giúp cô ấy hay không nữa. Cô ấy đáng ra phải được bảo vệ khỏi chính mình. Tôi ấy à, tối cảm thấy muốn báo cho cảnh sát. Có lẽ nếu tôi quay lại, pha cho cô ấy vài ly, may ra tối có thể chuốc cho cô ấy say đến mức bỏ cuộc.” Loạng choạng trèo lên trèo xuống trên cầu thang thoát hiểm từ nhà Holly đến phòng tôi, gió thổi bạt hơi và ướt thấu xương (cào thấu xương nữa, vì con mèo không thích di tản, nhất là trong thời tiết khắc nghiệt thế này), tôi nhanh chóng gom xong hành lý của cô với năng suất hạng nhất. Thậm chí tôi còn tìm được cả cái huy hiệu Thánh Christopher. Mọi thứ chồng chất trên sàn nhà tôi, một kim tự tháp làm se lòng với áo nịt ngực, giày khiêu vũ và những thứ xinh đẹp tôi xếp trong cái vali duy nhất của Holly. Vẫn còn thừa lại một đống, tôi phải nhồi nhét trong các túi giấy đựng hàng. Tôi không biết phải làm sao mang con mèo đi; cho đến khi nghĩ ra cách nhét nó vào cái vỏ gối. Có một lần chẳng biết để làm gì, tôi đã đi bộ từ New Orleans đến cảng Nancy, Mississippi, gần năm trăm dặm. Nó là một trò đùa nhẹ nhõm nếu so với hành trình đến quán bar của Joe Bell. Cây guitar đầy nước, nước làm các túi giấy mủn bục ra và nước hoa đổ tung tóe trên vỉa hè, ngọc trai lăn xuống rãnh nước, trong khi gió xô đẩy và con mèo cào xé, gào rú – nhưng tệ nhất là tôi phát hoảng, hèn chẳng kém José: những con phố mưa bão dường như nhan nhản người núp đâu đó, rình sẵn để tóm và tống tôi vào tù vì tiếp tay với tội phạm. Tên tội phạm phán: “Anh đến muộn, Buster. Anh có mang chai brandy không?” Và con mèo được phóng thích, nhảy phóc lên vai cô ngồi: đuôi nó vung vẩy như cái gậy điều khiển một bản nhạc hân hoan. Holly cũng có vẻ đang sống trong giai điệu đó; say sưa, phóng túng[30] với sự hoạt bát bon voyage[31]. Vừa mở nút chai brandy, cô vừa nói: “Em đã tính mua một cái két để đựng nó đấy chứ. Nhưng mỗi dịp kỷ niệm thế này chúng ta phải uống một chầu, ơn Chúa là em chưa mua cái két đó. Ngài Bell ơi, xin cho ba cái ly.” [30] Nguyên văn Oompahpah: một bài hát sống động và táo tợn của Lionel Bart. Oom-pah-pah là âm đọc chệch đi để chỉ sự say sưa và phóng đãng với gái chưa chồng. [31] Bon voyage (tiếng Pháp): chuyến đi tốt đẹp. “Cô chỉ cần hai thôi” anh ta bảo cô. “Tôi sẽ không uống mừng sự ngốc nghếch của cô đâu.” Cô càng tán tỉnh (“A, ngài Bell ơi, không phải ngày nào cô nàng này cũng biến mất đâu. Anh không chạm cốc với nàng ư?”) anh ta càng gầm gừ: “Tôi không dính gì vào đấy. Nếu cô xuống địa ngục, cô cứ việc đi một mình. Tôi không giúp cô đâu.” Nó là một tuyên bố trật lất, vì vài giây sau khi anh ta dứt câu, một chiếc limousine có tài xế lái tới đậu ngoài quán bar, và Holly nhìn thấy trước tiên, đặt ly brandy của mình xuống, nhướn mày như thể cô nghĩ ngài Công tố Quận sắp bước ra. Tôi cũng tưởng thế. Và khi thấy Joe Bell đỏ bừng mặt, tôi đâm lo: Chúa ơi, anh ta đã gọi cảnh sát. Nhưng rồi, hai tai nóng bừng, anh ta nói: “Không có gì đâu. Một chiếc Carey Cadillac thôi mà. Tôi thuê nó. Để đưa cô ra sân bay.” Anh ta quay lưng lại phía chúng tôi vờ nghịch một trong những bát hoa mà anh ta đã cắm. Holly nói: “Tử tế quá, ngài Bell thân mến. Quay lại nhìn em nào.” Anh ta không nhìn. Anh ta giật mạnh bó hoa ra khỏi bình và giúi vào tay cô nhưng trượt, hoa rơi tung tóe trên sàn. “Tạm biệt,” anh ta nói, và như sắp bị nôn, anh ta chạy bổ vào nhà vệ sinh nam. Chúng tôi nghe tiếng cửa khóa lại. Tài xế chiếc Carey là một người trải đời, ông ta nhận đám hành lý cẩu thả của chúng tôi một cách lịch sự nhất và giữ vẻ mặt thản nhiên như đá khi chiếc limousine vút qua thành phố trong cơn mưa đã ngớt dần, và Holly cởi tuột quần áo, cái bộ đồ cưỡi ngựa mà cô chưa có lúc nào thay, chật vật chui vào một chiếc đầm đơn giản màu đen. Chúng tôi không nói chuyện: nói ra chỉ tổ cãi nhau; và Holly cũng có vẻ quá bận rộn đầu óc để trò chuyện. Cô ậm ừ trong họng, nốc brandy, liên tục nhoài người lên phía trước để nhòm ra ngoài cửa sổ, như thể cô đang tìm một địa chỉ nào đó – hoặc, tôi đoán chắc, giữ lấy những ấn tượng cuối cùng của khung cảnh mà cô muốn nhớ. Hóa ra không phải thế. “Dừng lại đây,” cô để nghị lái xe, và chúng tôi dừng lại bên lề một con phố ở khu Harlem Tây Ban Nha. Một khu phố nghèo nàn, lòe loẹt và kém văn minh, trang trí đầy những poster chân dung các ngôi sao điện ảnh và Đức mẹ Madonna. Lối đi quăng đầy vỏ trái cây, những tờ báo rách nát cuốn theo gió, lúc này gió vẫn thổi mạnh dù mưa đã tạnh và bầu trời đột ngột ló ra những đám mây xanh. Holly bước ra khỏi xe; mang theo con mèo. Nựng nịu, gãi đầu nó, cô hỏi: “Mày nghĩ sao? Chỗ này phải là nơi thích hợp cho một anh chàng bất trị như mày. Đồ hộp bãi rác. Tha hồ chuột. Đầy lũ mèo hoang để mày kết bạn. Thôi, biến đi” cô nói rồi thả nó xuống; và khi nó không chịu đi mà cứ ngẩng cái mặt hung dữ lên, dò hỏi cô bằng đồi mắt cướp biển màu vàng, cô dậm chân: “Tao đã bảo phắn đi!” Nó giụi vào chân cô. “Tao đã bảo xéo đi!” cô hét lên, nhảy vào trong xe, đóng sập cửa lại và “Đi nào,” cô bảo người lái xe. “Đi. Đi.” Tôi sững sờ. “Chà, em thật là. Em là đồ quái vật.” Chúng tôi đi một quãng phố rồi cô mới trả lời. “Em đã kể với anh. Một hôm em gặp nó ở bờ sông: thế thôi. Cả hai đều tự lập. Không ai hứa hẹn với ai điều gì. Em và nó chưa bao giờ-” cô nói, và giọng cô xìu xuống, gương mặt cô giật giật, trắng bệch ra. Chiếc xe dừng lại chờ đèn giao thông. Chợt cô mở cửa và chạy lao xuống phố; và tôi chạy theo cô. Nhưng con mèo đã không còn ở cái góc mà nó bị bỏ lại. Không có ai, không còn gì trên phố trừ một gã say đang đái và hai bà xơ người Phi đang tập hợp một bày trẻ hát du dương. Mấy đứa trẻ khác túm tụm ở lối vào và vài người đàn bà nhoài người qua bệ cửa sổ quan sát Holly chạy tới chạy lui gọi: “Mày. Mèo ơi. Mày ở đâu? Ra đây, mèo.” Cô cứ tiếp tục như thế đến khi một thằng bé da sần sùi xách cổ một con mèo già lủng lẳng đi đến: “Chị có thích một con miu xinh xắn không? Cho em một đô?” Chiếc limousine đi theo chúng tôi. Giờ thì Holly để tôi dắt cô về xe. Đến cửa, cô ngần ngừ; cô nhìn qua tôi, qua cả thằng bé vẫn mời mọc con mèo của nó (“Nửa đô thỏi. Hai đồng hai nhăm xu vậy nhé? Hai đồng có nhiều nhặn gì đâu?”) và cô run lên, phải túm lấy tay tôi mới đứng vững: “Ôi, Chúa ơi. Em và nó thuộc về nhau. Nó là của em.” Thế là tôi hứa với cô, tôi nói tôi sẽ quay lại và tìm con mèo của cô. “Anh sẽ chăm sóc nó. Anh hứa đấy.” Cô mỉm cười: nụ cười tê tái không vui. “Nhưng còn em thì sao?” cô hỏi, thì thầm, và rùng mình lần nữa. “Em sợ lắm, Buster ạ. Phải, cuối cùng em đã sợ. Vì nó có thể tiếp diễn mãi. Không biết cái gì là của mình cho đến khi mình đã quẳng mất nó rồi. Mụ béo không là gì. Báo động đỏ, cũng chẳng là gì. Chính nó, dù bây giờ miệng em khô lắm, nhưng nếu đời em phụ thuộc vào chuyện đó, thậm chí nước bọt em cũng không dám nhổ đi nữa.” Cô bước vào trong xe, lún mình trong ghế. “Xin lỗi bác tài. Ta đi tiếp đi.” TRÁI CÀ CHUA CỦA CÀ CHƯA BIẾN MẤT. VÀ: NỮ DIỄN VIÊN TRONG VỤ ÁN MA TÚY BỊ TÌNH NGHI LÀ NẠN NHÂN CỦA XÃ HỘI ĐEN. Tuy nhiên cũng có một tờ báo đăng tin kịp thời: “PHÁT HIỆN TUNG TÍCH CỬA NỮ TAY CHƠI LẨN TRỐN Ở RIO”. Hình như các nhà chức trách Mỹ không có cố gắng nào để bắt lại cô, và chẳng bao lâu sự việc chìm đi, chỉ còn được nhắc đến một lần trong cột báo lá cải; nó được khơi lại đúng một lần nữa, như chuyện mới, vào hôm Giáng Sinh, khi Sally Cà Chua chết vì đau tim ở Sing Sing. Ngày tháng trôi đi, một mùa đông, và không có dòng nào từ Holly. Chủ tòa nhà đá nâu bán những tài sản bị bỏ lại của cô: cái giường satanh trắng, tấm thảm thêu, chiếc ghế Gothic quý giá; một người thuê tên là Quaintance Smith giành được căn hộ, anh ta tiếp đãi rất nhiều khách đàn ông gọi cửa, cũng làm ầm ĩ như Holly trước kia, nhưng trong trường hợp này bà Spanella không phản đối, thật ra, bà mê tít chàng trai trẻ và chu cấp bít tết thăn bò ngon tuyệt đều đặn mỗi khi anh ta bị tím mắt. Nhưng vào mùa xuân, một tấm bưu thiếp gửi đến: nó được viết bằng bút chì và đóng dấu bằng nụ hôn son: Brazil thật mọi rợ, nhưng Buenos Aires thì nhất Không phải kiểu Tiffany’s, nhưng gần như thế. Đang cặp kè với Ngài $iêu $ếp[32]. Yêu ư? Chắc thế. Dù sao em cũng đang kiếm chỗ nào đó để sống ($ếp có một vợ và 7 nhóc) và sẽ báo anh khi nào chính em biết. Ngàn lần âu yếm. Nhưng cái địa chỉ, nếu như có, chẳng bao giờ được gửi, điều đó làm tôi buồn, có quá nhiều điều tôi muốn viết cho cô: rằng tôi đã bán được hai truyện, đã đọc thấy Trawler đang đệ đơn li hôn, tôi đã chuyển khỏi khu nhà đá nâu vì nó bị ám ảnh. Nhưng hơn hết, tôi muốn kể với cô về con mèo. Tôi đã giữ lời hứa, tìm thấy nó. Phải mất hàng tuần sau giờ làm việc, lang thang qua các phố ở khu Harlem Tây Ban Nha, rất nhiều lần mừng hụt – một con lông vằn như hổ vút qua, tìm kỵ lại hóa ra không phải. Nhưng một hôm, vào buổi chiều Chủ nhật mùa đông lạnh, nắng ráo, nó xuất hiện. Bên những cây cảnh trồng trong chậu và đóng khung bởi rèm cửa viền đăng ten sạch sẽ, nó ngồi trong cửa sổ của một căn phòng ấm cúng: tôi tự hỏi tên nó là gì, vì tôi chắc bây giờ nó đã được đặt tên, chắc nó đã đến đúng nơi dành cho nó. Tôi hi vọng Holly cũng thế, dù ở một cái lều châu Phi hay nơi đâu. [32] Nguyên văn: $enor (viết dấu đồng đôla thay cho chữ S).
Xem thêm: http://diendanlequydon.com/viewtopic.php?f=167&t=309011