Thi ca từ xưa vốn là sự giao cảm giữa đất trời và con người. Đặc biệt với mùa xuân, thi nhân luôn dành một sự ưu ái đặc biệt. Có lẽ vì mùa xuân gợi nên nhiều cảm xúc tương phản, trái ngang nhiều nỗi nơi con người mà những tâm hồn nhạy cảm đã rung ngân lên những tiếng thơ nhiều cảm xúc. Khi đất trời chuyển mùa, cây cối xanh lộc mới, trong khí vị của một điều mới mẻ sắp đến người ta bất giác nhớ lại những năm tháng đã qua và cảm thấy sự hữu hạn của cuộc đời. Như Thiền sư Mãn Giác đã cảm tác “chớ bảo xuân tàn hao rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai”. Có nghĩa là mùa xuân mang đến cho chúng ta cảm giác về sự vô thường và lẽ tuần hoàn bất diệt.
Có một thể thơ cô đúc, ngắn gọn nhất thế giới của người Nhật Bản mang tên haiku thể hiện niềm giao cảm của con người với đất trời rõ rệt nhất. Masaoka Shiki, một nhà thơ haiku nổi tiếng đã định nghĩa “ Haiku là thể thơ ngâm vịnh bốn mùa” (俳句は季題を詠む詩である) hay theo cách dịch của bản tiếng Anh “haiku là thể thơ hiển bày chính mình qua quý ngữ” (haiku is poetry that expresses itself through season words).
Chỉ có mười bảy âm tiết, nên không như thơ Đường Trung Quốc hay thơ lục bát Việt Nam, thơ haiku nén chặt những nỗi niềm vào trong vài chữ gợi tả và dành phần còn lại để người đọc tự cảm thụ. Sự nén chặt đó là để gợi mở đến vô cùng.
Quý ngữ (季語từ chỉ mùa) vốn là yếu tố then chốt của thơ haiku truyền thống và vẫn còn đóng vai trò quan trọng trong thơ haiku cách tân và hiện đại ngày nay. Chẳng hạn nhắc đến mùa hè là phải có tiếng ve sầu, pháo hoa, hoa sen, chim cuốc… Mùa thu phải có bão, sấm, dải Ngân hà, táo, lê, lá đỏ… Mùa đông là tuyết rơi, cành khô trơ trụi…
Quý ngữ gồm rất nhiều yếu tố cả về thời tiết, đất trời, sự hoạt động của con người, động thực vật… Chẳng hạn quý nhữ mùa xuân gồm có:
Thời tiết (jiko時候) ấm áp, sáng sủa, ngày dài, ngày chậm chạp, trưa mùa xuân…
Thiên văn (tenmon天文) trăng mờ, sương mù, gió sáng…
Địa lý (Chiri地理) nước mùa xuân, núi cười, băng nổi…
Sự kiện (Gyouji行事) viếng đền Ise, lấy nước đầu năm, lễ hội búp bê…
Đời sống (seikatsu生活) hái trà, xới ruộng, nhặt sò…
Động vật (doubutsu動物) mèo (động dục), nhạn, chim sẻ, tổ chuột…
Thực vật (shokubutsu植物) hoa mơ, liễu, sơn trà, hoa lê, hoa cải, hoa anh đào, hoa rơi, đi ngắm hoa…
Chúng ta thử tìm hiểu một bài bài thơ nổi tiếng sử dụng quý ngữ mùa xuân nhé.
Trước hết phải nói mùa xuân là mùa hoa, mùa cây cối đâm chồi nẩy lộc. Cho nên Nguyễn Bính mới cảm tác “mùa xuân là cả một mùa xanh”.
Ở Nhật Bản mùa xuân bắt đầu từ giữa tháng ba với hoa mơ nở “Hơi ấm mùa xuân, lan tỏa dần dần, trên từng cánh hoa mơ” (梅一輪一輪ほどの暖かさ) (Ransetsu) rồi sau đó đến hoa sơn trà “Hoa sơn trà, ngấn nước, đón gió xuân” (春風にむかぶ梅のしめり哉) (Shida Yaba) và đặc biệt là hoa anh đào. Loài hoa biểu tượng của xứ Phù Tang rụng xuống vào thời kỳ đẹp nhất đã gợi bao nhiêu nỗi niềm cho thi sĩ:
Hoa đào rơi
Hay còn trên cành
Cuối cùng cũng rụng rơi
散る桜残る桜も散る桜
Bài thơ trên là của thi tăng Ryokan, một nhà thơ lỗi lạc. Người Nhật say mê hoa anh đào không biết chán. Từ “ngắm hoa mùa xuân” (花見hanami) chỉ đi ngắm hoa anh đào. Đôi lúc từ “hoa anh đào” (桜sakura) được đồng nhất với loài hoa (花hana) nói chung. Như bài thơ sau đây của Rotsu (露通):
Ngọn đồi đầy hoa đào
Tôi sẽ tìm một hòn đá mát
Đánh một giấc ngủ sâu
肌のよき石に眠らん花の山
Ngắm ngày chưa đủ, người Nhật còn ngắm hoa anh đào đêm (yozakura夜桜) và để lại nhiều bài haiku tuyệt tác như bài sau đây của Shiki:
Ánh trăng soi
Những cánh hoa đào rơi
Một vùng lênh láng
夕月や一塊に散る桜
Ngoài ra còn hoa lê, hoa cải đã đi vào rất nhiều bài haiku kiệt tác như bức tranh thơ sau đây của nhà thơ và họa sĩ Yosa Buson (蕪村):
Mặt trăng phía đông
Mặt trời phía tây
Và đồng cải hoa vàng
菜の花や月は東日は西に
Cùng nhìn hoa lê nở nhưng Masaoka Shiki(正岡子規)và Yosa Buson (与謝蕪村) nhìn thấy hai cảnh khác nhau:
Cây lê nở hoa
Nơi căn nhà nát
Vết tích trận tương tàn
Shiki
梨さくや戦のあとの崩れ家
Có người con gái
Đọc thư dưới trăng
Trong hoa lê trắng
Buson
梨の花月にふみ読む女あり
Còn Issa (一茶) lại nhìn ra bước đi của mùa xuân qua mèo và chim sẻ:
Hết ngủ rồi thức dậy
Chú mèo lại ngáp dài
Đi ra ngoài mồi chài
寝て起きて大あくびして猫の恋
Giữa đám hoa trà
Có bầy chim rẻ
Rủ nhau trốn tìm
茶の花にかくれんぼする雀かな
Đất trời đã vậy, còn con người thì sao?
Với cảm quan tinh tế của mình, người Nhật có từ “nỗi buồn mùa xuân” (春愁Xuân sầu – Shunshu). Từ này chỉ nỗi buồn day dứt không yên vào mùa xuân. Tâm trạng đó không hẳn là nỗi buồn nhưng cũng khác với niềm vui. Nhà thơ Getto (月斗) đã diễn tả nỗi niềm đó như sau:
Màu xanh của cỏ
Khi tôi bước qua
Nỗi buồn mùa xuân
春愁や草をあるけば草青く
Từ ngàn năm nay, con người dù thời đại nào, dân tộc nào cũng đều có những nỗi niềm muôn thuở. Chỉ có cách diễn đạt là khác nhau.
Mùa xuân vốn là mùa sum họp, đoàn tụ. Chữ “xuân” (春) chiết tự ra sẽ là “tam nhân nhật” (三人日ngày ba người), ám chỉ mùa vui quây quần. Sau một năm vất vả, đi làm ăn xa, mùa xuân ai cũng muốn trở về quê nhà với gia đình.
Có người trở về quê nhà, nhìn thấy cây cối xanh tươi mà vui mừng “cố hương ơi, nơi nào ta cũng thấy, những ngọn núi mỉm cười” (故郷やどちらを見ても山笑う) (Shiki). “Núi mỉm cười” (山笑う) là quý ngữ mùa xuân còn “núi ngủ” (山眠る) là quý ngữ mùa đông thể hiện cách cảm thụ tự nhiên độc đáo của haiku. Nhưng trong hình ảnh “núi cười” phải chăng còn có niềm vui nhưng của người được về thăm quê cũ?
Còn bao nhiêu kẻ không về được đã phải cất tiếng thở than:
“Gió xuân
Con đường đê dài
Quê nhà thăm thẳm”
(Buson)
春風や堤長うして家遠し
Hay:
“Nhìn về quê hương
Xa xăm qua đỗi
Chỉ cánh hoa đào rơi”
(Shiki)
故郷の目に見えてただ桜散る
Ta nghe trong lời u uẩn có âm vang “Quê nhà xa lắc xa lơ đó/ Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay” (Nguyễn Bính). Cho nên, thi ca từ xưa đến nay vốn là sự gặp gỡ của những tâm hồn đồng điệu.
Vì là mùa của đoàn tụ nên nhiều khi ta muốn đi thăm một người bạn cũ “Chợt muốn đi thăm/ Một người bạn/ Trong ngày mưa xuân hôm nay” (春雨や友を訪ぬる想ひあり) (Ryokan)
Hay chờ bạn tri âm nào tới:
Ngay cả hương hoa mơ
Hay người khách nào đến
Cũng còn chung trà nứt bể này thôi
Issa
梅が香やどなたが来ても欠け茶碗
Tri âm không nhất thiết phải là một ai đó mà có thể là hương hoa mơ, quả bầu nứt nẻ, con mèo…
Lặng lẽ vuốt ve
Quả bầu nứt nẻ
Trong cơn mưa xuân
Ryokan
春雨や 静かになづる 破れふくべ
Mùa xuân còn gợi nỗi niềm nào còn phong kín:
Đêm xuân
Những con sóng yên lặng
Vỗ tràn nơi gối chăn
Buson
春の夜や音なき浪を枕もと
Những bài thơ nhỏ bé, cô đúc như “ngón tay chỉ mặt trăng”, đưa chúng ta vượt qua giới hạn của ngôn ngữ đễ tiếp cận với thực tại. Mỗi người chúng ta, tùy theo kinh nghiệm đã sống trải của riêng mình, có thể kinh ngạc hay đồng cảm với nỗi niềm của tác giả. Nhà thơ chỉ ra sự vật, còn dành phần chiêm nghiệm và cảm nhận cho chúng ta. Như một chung trà nhỏ đượm hương trong buổi sáng ban mai tinh khiết, ta lặng lẽ thưởng thức cho riêng mình rồi suy ngẫm về cuộc đời và nhân thế. Tất cả rồi sẽ tàn phai, sương tan khi nắng lên. Nhưng trong sự hữu hạn luôn ẩn chứa vô hạn, trong sự ra đi luôn có hẹn ngày về như sự tuần hoàn bất diệt của mùa xuân, như sự luân hồi vĩnh cửu của đời người.
Mùa xuân nhắc nhở cho ta điều đó. Để ta biết trân trọng hơn từng phút giây hiện tại, để ta biết yêu mình và yêu người.
Sài Gòn, tháng 10/2016
Hoàng Long
(Bài viết do tác giả cung cấp cho breadandrose.com )