Film studies
The Warrior and the Wolf – LANG TAI KÝ (Phan Thu Vân dịch từ bản tiếng Trung)
Posted on March 3, 2016LANG TAI KÝ
(CHIẾN BINH VÀ SÓI)1
Tần Thủy Hoàng năm thứ ba mươi hai (năm 215 trước Công nguyên), tướng quân Mông Điềm dẫn ba mươi vạn đại quân đi thảo phạt Hung Nô ở phương bắc.
Đây là lần đối địch đầu tiên giữa nước Tần thống nhất được lãnh thổ Trung Quốc với dân tộc du mục phương bắc hùng mạnh. Mông Điềm tả xung hữu đột đánh phá quân Hung Nô ở khắp nơi, cuối cùng thu về được địa phận Ngạc Nhĩ Đa Tư ( tức vùng Ordos) thuộc khu vực Hà Sáo đã bị Hung Nô vượt rào chiếm giữ nhiều năm. Tại đây, Mông Điềm cho thiết lập chế độ quận huyện, tạo căn cứ ở Thượng quận (tức huyện Tuy Đức tỉnh Thiểm Tây), cai trị toàn bộ quân đội trấn giữ phòng thủ biên giới.
Tiếp đó, Mông Điềm phụ trách công trình xây dựng tu sửa Trường thành dài hàng vạn dặm từ quận Lâm Thao (huyện Lâm Chương tỉnh Cam Túc) đến quận Liêu Đông, đào núi lấp vực, sửa sang đường lớn, bố trí tinh binh ở những nơi xung yếu. Con trưởng của Tần Thủy Hoàng là Phù Tô làm giám quân tại Thượng quận, hiệp lực cùng Mông Điềm thảo phạt Hung Nô. Nhờ vậy, Hung Nô không còn dám biểu dương lực lượng xâm phạm biên giới nước Tần như trước nữa, mà chỉ có thể tiến hành những cuộc quấy rối đột kích ở quy mô nhỏ.
Năm ba mươi bảy (năm 210 trước Công Nguyên), Tần Thủy Hoàng chết, chính vào năm thứ sáu sau khi Mông Điềm thảo phạt Hung Nô. Tể tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao âm mưu lập con thứ của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi làm hoàng đế thứ hai của nhà Tần để dễ dàng nắm lấy quyền lực, bèn giả truyền thánh chỉ, ra lệnh trừ khử thái tử Phù Tô và tướng quân Mông Điềm. Phù Tô nhận được lệnh ban cho cái chết, bèn tự vẫn. Mông Điềm cũng uống thuốc độc chết ở Dương Chu. Chỉ bốn năm sau, Tần rơi vào thảm kịch mất nước, mà sự việc này chính là nguyên nhân khởi phát.
Sợ hãi trước ảnh hưởng nhân tâm sĩ khí từ việc thái tử Phù Tô và tướng quân Mông Điềm bị bức chết, những người biết chuyện đều giữ bí mật nghiêm ngặt với quân phòng thủ biên giới. Nhưng sau nửa năm, tin tức này truyền đến tai một bộ phận quân phòng thủ trường thành ở Ngạc Nhĩ Đa Tư gần Thượng quận nhất. Tin tức vừa truyền tới liền hóa thành hai con rồng lửa, một lướt về đông, một trườn sang tây, men theo trường thành uốn lượn không dứt, đưa tin đi một cách từ từ nhưng với vận tốc xác thực không đổi. Nó giống như ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt trên thảo nguyên, không ngừng lan ra rộng khắp.
Hỗn loạn dấy lên ở mọi nơi. Việc tướng quân Mông Điềm và thái tử Phù Tô tự sát đối với quan binh biên cương mà nói, còn lớn lao hơn, quan hệ trực tiếp đến vận mệnh hơn là việc Tần Thủy Hoàng băng hà. Đặc biệt những cảm xúc nhen nhóm trong quan binh từ việc Mông Điềm tướng quân tự tận thật là phức tạp. Không cần kể đến nhóm binh sĩ và nô dịch do những kẻ phạm tội hay vô lại trong thiên hạ hợp thành, chí ít đối với hàng ngàn hàng vạn quan binh lão thành mà nói, xa rời sự kính trọng hoặc tâm lý nể sợ đối với tướng quân Mông Điềm, thì không thể tưởng tượng được những ngày đêm chiến đấu với Hung Nô tại nơi dị vực sẽ ra sao. Đối với một số người, Mông Điềm là thần. Sự đối đãi công minh và từ ái với bộ hạ của ông; sự liêm khiết, dũng cảm, trung thành của ông chính là bùa hộ thân của họ trong cuộc chiến sinh tồn nơi biên cương phía bắc. Tuy nhiên, đối với một số khác, Mông Điềm lại là ác ma đáng nguyền rủa. Ông vì muốn lập công mà dù phơi thây vạn người cũng không tiếc, vì muốn thảo phạt quân địch mà không hề thương xót quân mình bị mặc kệ ngoài biên ải nhiều năm, vì muốn giữ tròn quân kỷ mà thành hà khắc, thường thẳng tay hy sinh mười mấy mạng binh sĩ để chấp hành một điều lệnh.
Có người vì cái chết của Mông Điềm mà bi thương, có người vì cái chết của Mông Điềm mà sinh ra cảm xúc mãnh liệt muốn trở về quê hương xa xôi. Thế nhưng, những hỗn loạn từ đó sản sinh chỉ là những hỗn loạn giản đơn ở mức độ tinh thần. Vũng xoáy của suy đoán và nghi hoặc ở các nơi đều không được biểu hiện bằng hình thức cụ thể nào. Vùng biên phòng của họ quá xa kinh thành, không cách chi hiểu tường tận chân tướng sự việc, mà lịch sử sẽ đi về đâu lại càng không sao đoán biết. Nếu phải chọn ra một ví dụ về ảnh hưởng trực tiếp của cái chết Mông Điềm đối với hành động của quân đội, thì phải kể đến cánh quân kém may mắn nhất trong toàn bộ đội quân Trường thành đang trấn giữ vùng biên cương xa xôi nhất tận chân dãy Âm Sơn.
Hôm ấy, Lục Trầm Khang dẫn một đội quân ngàn người đến đóng tại địa điểm cách trường thành năm trăm dặm về phía bắc, kết thúc hơn một tháng chiến tranh mòn mỏi với Hung Nô, cuối cùng cũng được nghỉ ngơi một ngày. Hung Nô đã chạy trốn, xung quanh không một bóng giặc, nhưng Lục Trầm Khang không muốn để quân đội dừng ở đây quá lâu, mà ngay sáng hôm sau phải tiếp tục tiến lên. Tuy hơn ai hết, chàng hiểu việc truy kích đường dài rất nguy hiểm, song nếu không tập kích và thiêu hủy cứ điểm của Hung Nô – một thôn trang trong núi cách hơn hai trăm dặm về phía bắc, thì lần chiến đấu này sẽ không kết thúc. Đây là mệnh lệnh của cấp trên giao phó, đồng thời cũng là cách duy nhất trừ tận gốc các cuộc tập kích quấy rối của quân Hung Nô vùng này. Thêm nữa, giờ đang lúc vào đầu đông, không biết ngày nào sẽ có tuyết lớn. Mọi việc cần giải quyết trước khi tuyết xuống.
Ngày hôm đó, Lục Trầm Khang tiếp đãi sứ giả đến từ đội của Trương An Lương. Họ là cánh quân lân cận, tuy cùng trấn giữ ngoài biên ải, nhưng lại đóng ở hậu phương cách đó rất xa. Sứ giả đưa đến ba trăm tấm da dê và rất nhiều thịt dê, cùng thư từ Trương An Lương. Nghe đâu để tìm cho được nơi đóng quân của cánh Lục Trầm Khang, sứ giả đã phải đi mất mười mấy ngày trên thảo nguyên ngập gió bấc đầu đông.
Trước mắt Lục Trầm Khang chợt hiện ra gương mặt người bạn lâu ngày không gặp, lòng chàng cảm thấy vô cùng nhung nhớ. Đối với cánh quân buộc lòng phải qua đông dưới chân dãy Âm Sơn, thì da dê và thịt dê là món quà vô cùng quý giá. Lục Trầm Khang mở tiệc rượu khoản đãi nồng hậu sứ giả trước doanh trại. Ngồi trên chiếu, chàng giở thư Trương An Lương ra đọc. Lục Trầm Khang dường như không sao tin được vào mắt mình, khi những hàng chữ trên thẻ tre đang nói với chàng về việc Mông Điềm tướng quân đã bị ban cho cái chết.
Đối với Lục Trầm Khang, Mông Điềm là một sự tồn tại tuyệt đối chân thực. Tần Thủy Hoàng năm hai mươi sáu, khi Mông Điềm tấn công nước Tề lập được đại công, Lục Trầm Khang giữ vị trí chủ chốt trong một đội quân nhỏ tham chiến. Từ đó tới nay, chàng luôn là chiến sĩ dưới trướng Mông Điềm. Từ năm ba mươi đến bốn mươi tuổi, mười năm của đời chàng đã qua đi giữa những cuộc chiến. Địa vị Lục Trầm Khang cố nhiên chưa thể đạt tới mức độ có thể bái yết tướng quân, nhưng duy nhất một lần chàng đã từng được tướng quân đích thân thăm hỏi. Đó là mùa thu năm Tần Thuỷ Hoàng thứ ba mươi ba, khi quân Tần chiếm Ngạc Nhĩ Đa Tư, tạo thành thế đối lập với quân Hung Nô qua Hoàng hà, chàng là thành viên của cánh quân tiên phong vượt sông, chiến đấu kịch liệt suốt ba ngày ba đêm, cuối cùng giữ được một cứ điểm ở bờ bên kia. Lúc ấy Mông Điềm vừa tới, muốn úy lạo đặc biệt tốp binh sĩ ít ỏi còn sót lại. Có thể vì tướng mạo khôi ngô uy dũng của Lục Trầm Khang gây chú ý, nên khi tướng quân nhìn đến, thì chỉ hỏi mình chàng tên là gì. Lục Trầm Khang đáp tên xong, Mông Điềm gật mạnh đầu, nói mỗi một câu: “Tên nhà ngươi là tên của một dũng sĩ.” Lục Trầm Khang thật khó quên sự cảm động của chàng lúc đó. Chàng vốn là một dũng sĩ, từ đó trở đi, lại càng dũng mãnh gấp bội, không ngừng tạo dựng được tiếng tăm. Lục Trầm Khang từng dẫn đầu toán quân trăm người, năm trăm người, ngàn người, thường được phái đến những nơi chiến đấu gian khổ nhất. Đương nhiên việc này chẳng liên quan gì đến tướng quân Mông Điềm, song Lục Trầm Khang luôn xem đó là mệnh lệnh từ Mông Điềm đưa xuống. Chỉ cần vì tướng quân Mông Điềm, thì chàng có thể không màng tới mạng sống, nhiệm vụ gian khổ đến đâu cũng sẵn sàng đảm đương.
Đối với một Lục Trầm Khang như vậy, thì việc tướng quân Mông Điềm bị ban cho cái chết oan ức là chuyện không tài nào lý giải nổi. Chàng sao có thể tin được. Bỗng chốc, chàng cảm thấy trời đất tối sầm, mặt đất rung chuyển.
Đêm đó Lục Trầm Khang thức trắng, suy đi tính lại rồi hạ quyết tâm: dừng cuộc chiến với Hung Nô, thu quân về nước. Chàng chẳng thấy việc giao chiến với Hung Nô còn chút ý nghĩa nào, cũng không tìm ra lý do để qua đông trên đất của quân địch. Tất cả đều vì sự tồn tại của Mông Điềm mà tồn tại, nhưng nay Mông Điềm không còn nữa. Chàng không hề suy nghĩ thiệt hơn về việc thu quân, có vì thế mà bị trừng phạt, hay bị xử tội chết cũng mặc. Đến tướng quân Mông Điềm còn vô duyên vô cớ bị khép vào tử tội, nữa là chàng chẳng qua chỉ giữ vị trí đội trưởng một cánh quân ngoài biên ải. Cái tấm thân nhẹ tựa lông hồng này có xảy ra chuyện gì cũng không đáng kể.
Lục Trầm Khang viết cho Trương An Lương một bức thư cảm tạ, lấy những lễ vật hôm trước vừa nhận được chất lại lên lưng ngựa, cho sứ giả đem về. Chàng phái trăm quân lính hộ tống sứ giả đến hơn trăm dặm đường.
Lục Trầm Khang đợi đám binh sĩ hộ tống sứ giả quay lại, rồi ngày thứ hai mới cho toàn quân biết quyết định về nước của mình. Binh sĩ đương nhiên không có ý kiến phản đối, chỉ là họ không ngờ rằng cuộc chiến đấu với Hung Nô ở biên cương lại có ngày kết thúc, nên mất một lúc lâu, họ mới hiểu được ý nghĩa chính xác của những lời Lục Trầm Khang nói. Họ dường như lúc đó mới ngộ được, hóa ra cái vận mệnh đen đủi cứ phải đi sâu vào vực thẳm khổ nạn không đáy của mỗi người cũng đến lúc được giải thoát.
Sáng ngày thứ ba sau khi sứ giả của Trương An Lương đi, Lục Trầm Khang dẫn quân rời khỏi doanh trại, tiến về hướng nam. Dự kiến khoảng bảy tám ngày sau sẽ đến bờ Hoàng hà, ngày thứ mười hoặc mười một sẽ tới Trường thành. Sau ba năm, quân của Lục Trầm Khang sẽ lại được nhìn thấy Trường thành.
Việc hành quân lúc đầu cực kỳ khó khăn. Binh sĩ luôn bị gió bấc đâm xuyên đến tận xương. Từ ngày thứ ba trở đi, gió bấc bắt đầu kẹp thêm hoa tuyết, những bông tuyết ướt nặng nề gieo xuống đầu của binh sĩ và chiến mã. Ngày thứ tư, sức gió giảm dần, nhưng tuyết lại không ngừng rơi, càng lúc càng lớn, lấp kín cả trời. Quân sĩ buộc phải vừa đi vừa dừng để xác định đường phía trước. Đối với một ngàn quân binh của Lục Trầm Khang, tuy đã từng đi lại nhiều lần, rất quen thuộc địa thế thảo nguyên, nhưng họ cũng hiểu rõ băng tuyết có khả năng chỉ trong một đêm khiến cả vùng thảo nguyên này trở nên hoàn toàn xa lạ và đáng sợ.
Hoàng hôn buông xuống, người chỉ huy chọn con đường bên phải tiến bước, đi đến dưới một khu đồi núi vô danh, thấp thoáng có bóng thôn làng với những căn nhà bằng đất của tộc người Thiết Lặc2.
Vẫn còn hơn nửa ngày đường nữa mới tới được bộ lạc nơi có thể đóng quân tá túc theo dự kiến. Nếu miễn cưỡng tiếp tục đi, chỉ khiến quân sĩ thêm nhiều vết thương do đông cứng khắp người, thậm chí có nguy cơ bị bão tuyết cuốn. Vì vậy, Lục Trầm Khang quyết định vào thôn của tộc Thiết Lặc đợi đến khi tuyết lặng trời quang.
Tất nhiên, chàng chưa bao giờ vào thôn của người Thiết Lặc, thậm chí đây là lần đầu tiên chàng đến gần họ. Tộc Thiết Lặc bị coi là dân tộc đặc biệt, vai vế thấp nhất trong số các bộ tộc rải rác khắp thảo nguyên. Họ hoàn toàn không liên hệ gì với các tộc người khác. Nam giới làm nghề chăn nuôi, nữ giới làm nghề trồng trọt, cuộc sống của họ rất thấp kém bần cùng. Tất cả nam giới đều xăm hoa văn ở khóe miệng, còn nữ giới buộc mái tóc màu nâu lại thành một lọn đuôi ngựa thõng dài sau lưng. Trên người họ có một mùi hôi thối đặc trưng, các tộc người khác cho đó là sự xú uế nên tỏ ý ghét bỏ.
Lục Trầm Khang phái bộ hạ đi làm quen và thương lượng với tộc Thiết Lặc, đề nghị họ nhường ra cho quân đội năm mươi gian nhà đất. Năm mươi gian nhà đất chứa đạo quân một ngàn người vốn cũng chẳng thoải mái, song nếu yêu cầu nhiều hơn, sẽ bức tộc Thiết Lặc phải ra ở ngoài trời, trên mặt đất băng giá. Đối với binh sĩ, chỉ cần năm mươi gian nhà đều có mái để chắn gió che tuyết, thì cũng đã là món quà quý giá vô cùng.
Mặt khác, đối với người tộc Thiết Lặc, nhường ra năm mươi căn nhà, cũng là yêu cầu có thể chấp nhận được. Nơi đây vốn là một thôn làng chừng trăm hộ, lần này chỉ trưng dụng một nửa. Năm mươi hộ bị quân đội chiếm dụng nhà ở, nếu có thể được năm mươi hộ còn lại tiếp nhận, sẽ không gặp khó khăn gì lớn.
Quân đội dừng lại trước cổng thôn chừng nửa giờ, xếp sẵn đội hình tiến vào những ngôi nhà đang bị tuyết vùi mất một nửa. Năm người đàn ông trong thôn hướng dẫn mỗi hàng binh sĩ tiến vào một gian nhà trống. Có gian nhà chỉ vài người ở, cũng có gian dồn đến hơn ba mươi người. Đội ngũ được rút ngắn dần, chậm rãi di chuyển về phía trước men theo khu đồi trông như cái màn thầu khổng lồ màu trắng. Cả khu đồi không một cái cây nào vươn được cành lên khỏi tuyết.
Lục Trầm Khang đợi toàn bộ quân sĩ đã an vị trong năm mươi gian nhà đất rồi mới tiến vào một căn được phân riêng cho chàng. Dù căn nhà hoàn toàn bị tuyết che lấp, song từ đám củi chất trong lò ở phòng chính của ngôi nhà vẫn đang có khói bay lên, chứng tỏ chủ nhân rời khỏi chưa lâu. Bên phải căn phòng chính là một phòng nhỏ hẹp, trên đất phủ kín cỏ lau khô dày dặn, nhìn qua biết ngay phòng ngủ của chủ nhân. Nhưng Lục Trầm Khang không hề bước vào căn phòng này. Ở đó nồng nặc một mùi kỳ quái, chắc chính là mùi hôi khiến người của các bộ tộc khác chán ghét và gọi là “xác thối”. Một binh sĩ bước vào, nhóm lửa trong lò. Đợi binh sĩ đi ra, chàng bắc một chiếc ghế gỗ thô sơ và ngồi xuống bên bếp lửa. Chàng định ngồi mãi thế cho tới khi trời sáng. Khoảng nửa canh giờ sau, hai binh sĩ đưa cơm tối đến, rồi lập tức rút lui. Thứ được đem tới là một chiếc màn thầu và một bát canh đầy váng mỡ dê. Mắt vẫn nhìn lò lửa không chớp mắt, tay chàng lặng lẽ đưa thức ăn lên miệng.
Từ sau khi biết tin Mông Điềm chết, Lục Trầm Khang không hề nói chuyện với thuộc hạ. Bây giờ đã kết thúc cuộc chiến, chẳng còn việc gì cần phải bàn bạc hay thương lượng với họ nữa. Các thuộc hạ đều hiểu tốt nhất đừng chủ động đến gần đội trưởng lúc không vui. Lục Trầm Khang từng bắt tù binh Hung Nô đứng trước mặt mình, không nói lời nào mà chém cánh tay từng tù nhân đứt ra từng đoạn một. Cảnh tượng này cho dù đã chứng kiến vài chục lần vẫn khiến người ta không dám nhìn. Họ đều biết vị chỉ huy lúc này rất đáng sợ. Tuy chàng đối với binh sĩ tỏ ra nhân từ hơn bất kỳ vị đội trưởng nào, nhưng mọi người đều vẫn vì cảnh tàn sát tù binh Hung Nô mà không thể trừ bỏ tâm lý sợ hãi đối với chàng.
Ăn xong bữa cơm đạm bạc, chàng vẫn giữ tư thế nghiêng người về trước đăm đắm nhìn ngọn lửa. Không biết vì sao, trong mắt người binh sĩ đến dọn bát đũa, người đội trưởng bỗng dưng trong chốc lát già hẳn so với tuổi thực bốn mươi của chàng. Thực ra, nét mặt Lục Trầm Khang không thay đổi, nhưng người chàng đổ về trước, mắt dính lấy ngọn lửa, trong tim trào dâng những cơn sóng càng lúc càng mãnh liệt. Chàng dùng tư thế này để cố gắng kiềm chế những ý niệm cuồng bạo tuyệt vọng không sao chế ngự được, sản sinh ra từ cái chết của Mông Điềm. Gió lạnh cuộn hoa tuyết chốc chốc lại thổi vào qua khe cửa chính. Mỗi lần như vậy, bên lò sưởi lại phủ thêm một lớp tuyết, nhưng chàng hoàn toàn không để ý.
Lục Trầm Khang ngồi ngủ gục. Có một luồng khí lạnh ập tới sau lưng, chàng mở mắt, chất thêm củi vào lửa. Củi và cỏ khô đều ẩm ướt, không dễ cháy, nhưng hun đốt một lúc, trong lò cũng rực lên được một ngọn lửa hồng. Chàng lại nhắm mắt, rồi khí lạnh lại khiến chàng tỉnh giấc. Nhiều lần như vậy, chợt chàng đứng thẳng dậy, nghiêm giọng hỏi: “Ai?”
Chàng cảm thấy bên cạnh có tiếng động, không giống với tiếng gió. Chàng ngồi bên lò cẩn thận lắng nghe một lúc, rồi tay cầm ngọn giáo dài, mở cánh cửa kho phía đối diện phòng ngủ, bên trong chất đầy lau sậy khô và các thứ bỏ đi. Lục Trầm Khang dùng ngọn giáo gạt lớp cỏ lau khô gần cửa, thấy lộ ra một nắp ván, bèn dùng phần đầu ngọn giáo đâm vào, quát lớn: “Ra đây!”
Quả nhiên, trong hầm có tiếng động vọng ra. Lát sau, nắp ván che dưới đất bị đẩy lên. Người chỉ huy vẫn cầm giáo nín thở nhìn chăm chú. Từ trong hầm chui ra một người, nhìn không đoán được bao nhiêu tuổi, nhưng là một phụ nữ. Chàng bèn bước thẳng đến, nắm áo nàng lôi tới đứng bên bếp lửa. Không ngờ chàng còn chưa mở miệng, người đàn bà đã cất lời trước.
_ Ta đã chết rồi, ngươi còn muốn giết ta lần nữa sao? – Người đàn bà nói bằng một giọng địa phương nặng trịch.
_ Sao ngươi phải trốn? – Lục Trầm Khang hỏi.
_ Ta không phải trốn, mà là không muốn rời khỏi căn nhà này. Chồng ta vừa qua đời mùa thu năm nay. Hồn của chồng ta yên giấc nơi đây, ta không thể ngủ ở bất kỳ nơi nào khác.
Nàng tiếp tục nói:
_ Chồng ta chết mùa thu năm nay. Ta tuy vẫn đang thở, nhưng sống chẳng qua chỉ là cái xác, người thực ra đã chết rồi. Tim của ta không còn có thể vui vì bất kỳ điều gì, cũng không buồn vì bất kỳ điều gì. Ta đã là người chết. Ngươi muốn giết ta lần nữa sao?
Ánh lửa trong lò yếu ớt soi sáng nửa mặt nàng. Xem ra nàng còn trẻ, chắc chắn chưa quá hai mươi mấy tuổi. Trong mắt nàng đầy ánh nhìn nghi kỵ sắc bén đặc trưng của những người đàn bà của bộ tộc này.
_ Ngươi nói ngươi là người chết? Vậy thì ta cũng là người chết. Không vui vì bất kỳ điều gì, cũng không buồn vì bất kỳ điều gì. – Lục Trầm Khang như bị cuốn theo nàng, lẩm bẩm nói theo, rồi chàng cao giọng – Ta không quan tâm đến người chết vô dụng. Về phòng ngủ của ngươi đi!
Người đàn bà hất tóc ra sau lưng, quật cường ngẩng cao đầu như phản kháng:
_ Ta phải đi ra, không ở đây.
_ Ngươi muốn đi đâu?
_ Còn phải hỏi? Tất nhiên là đi ra ngoài.
_ Ra ngoài, có nghĩa là gì, ngươi biết không?
Chàng nhìn ra cửa, bên ngoài tuyết rơi dày đặc. Trong đêm khuya, ra ngoài giữa trời mưa tuyết, chỉ có nghĩa là chết.
_ Ta đã nói, ta là người chết. Tại sao phải sợ chết?
Nàng nói rồi, lập tức quay người hướng về phía cửa đi ra. Lục Trầm Khang nắm lấy áo nàng kéo lại:
_ Ta tha cho ngươi. Mau về phòng đi.
Người đàn bà lạnh lùng ngẩng cao đầu, đáp:
_ Ta không thích ngủ dưới mái nhà cùng một người đàn ông nào ngoài chồng mình. Giờ chỉ còn một cách, hoặc ta đi ra, hoặc ngươi đi ra.
Chàng quắc mắt nhìn nàng. Bỗng nhiên, hoàn toàn không ngờ được, lúc này chàng lại có cảm giác người trước mặt đang khiêu khích chàng. Người chỉ huy một thời gian dài quên bẵng mất đàn bà bỗng như tỉnh ra, nhìn trân trối gương mặt phụ nữ trẻ đang đứng trước mình. Chàng đến gần nàng, lần thứ ba nắm lấy áo nàng, lần này muốn lôi nàng vào phòng ngủ. Nàng chống trả quyết liệt, nhưng khi đã bị ném xuống lớp cỏ lau khô trong phòng, thì dường như chấp nhận số phận, từ đó trở đi nằm như một xác chết không chút phản ứng, mặc Lục Trầm Khang muốn làm gì thì làm.
Khi chàng giật mình tỉnh lại, thấy bản thân đang nằm giữa căn phòng hôi nồng nặc, trong lòng chàng là thân thể một người đàn bà bốc mùi tanh tưởi. Gió lạnh ập vào, nhưng chỉ cần ôm nàng, thì không hề cảm thấy lạnh. Nàng đã thiếp đi, thân thể nàng nóng như một ngọn lửa.
Chàng nhỏm dậy đi lấy cây đao ở phòng ngoài vào cắm xuống đám lau sậy khô bên gối, rồi lại ôm lấy nàng. Lòng chàng nghĩ, nếu có người vào đây, lập tức phải giết ngay, ai nhìn thấy chàng đang ôm đàn bà tộc Thiết Lặc đều phải chết.
Nàng tỉnh giấc, lại ra sức phản kháng. Khi nàng ngừng phản kháng để thuận theo chàng, thì vẫn cứ trợn trừng đôi mắt lạnh lẽo, thân thể cứng đơ như người đã chết.
Trời sáng bạch, Lục Trầm Khang tra đao vào vỏ, dẫn người đàn bà đến trước cái hầm mà nàng từng trốn, đẩy nàng chui vào.
Ngày hôm ấy, tuyết vẫn không ngừng rơi ào ạt. Chàng tiếp tục ngồi bên bếp lò, cứ thế đến hết ngày. Chàng đưa nửa phần cơm canh của mình vào hầm cho người đàn bà. Nàng lặng lẽ nhận lấy. Màn đêm ập xuống, chàng biết lúc này binh sĩ không còn đến chỗ mình nữa, bèn lôi nàng từ trong hầm ra, kéo vào phòng ngủ trải cỏ lau. Đêm đó, chàng vẫn rút đao cắm bên gối, rồi rúc vào thân thể người đàn bà ấm áp lạ thường kia, chìm vào giấc ngủ.
Ngày thứ ba, ngày thứ tư, quân đội đều không thể rời thôn của tộc Thiết Lặc để đi tiếp. Tuyết dù đã lúc rơi lúc không, nhưng trời vẫn âm u. Lục Trầm Khang đêm nào cũng ngủ cùng người đàn bà và dùng thanh đao đã rút ra khỏi vỏ để bảo vệ hành động của mình. Chàng tuy ôm nàng trong tay, nhưng vẫn nhạy cảm với từng âm thanh nhỏ nhất. Chàng nghĩ thầm, chỉ cần có người bước vào căn phòng này thấy điều chàng đang làm, thì dù là binh sĩ hay đội trưởng, đều phải lập tức giết ngay.
Ban ngày ngồi một mình bên bếp lửa, chàng thường dùng mũi ngửi tay, sợ mùi thân thể tanh hôi của người đàn bà lây sang mình. Nhưng đến đêm, chàng lại không thể không tiếp tục quấn chặt lấy tấm thân đầy mùi “xác thối” của nàng, dưới sự bảo vệ của cây đại đao.
Đêm thứ năm, nàng mới lần đầu mở miệng nói chuyện trở lại:
_ Sao ngươi lại dựng cây đao bên cạnh gối?
_ Nếu có người thấy chúng ta ngủ chung, ta sẽ giết chết ngay. – Chàng đáp.
_ Vì sao? – Nàng lại hỏi.
Lục Trầm Khang không trả lời. Người đàn bà nói:
_ Ta không ép ngươi nói ra lý do, nhưng ta hiểu ngươi cho rằng việc quan hệ giữa chúng ta là đáng xấu hổ. Thực ra ta cũng cảm thấy thế. Người của bộ tộc chúng ta, nếu phát sinh quan hệ với người ngoại tộc, chẳng thà chết đi còn hơn. Ta cũng muốn dùng đao để bảo vệ sự xấu hổ của mình. Nếu có người vào phòng này, ta sẽ cầm đao giết hắn trước ngươi.
Nàng vẫn nhìn chàng bằng ánh mắt lạnh lùng đầy thù hận. Nhưng bấy giờ, chàng lần đầu tiên nảy sinh một cảm giác giống như tình yêu với người đàn bà có thân thể đầy mùi xác thối. Lục Trầm Khang chưa từng lấy vợ, vì vậy chàng nghĩ, cái cảm giác người vợ đem lại cho chồng, chắc cũng giống như thế này.
Ngày thứ sáu, đợt tuyết dai dẳng cuối cùng cũng dứt. Theo lý mà nói, chỉ huy nên ra lệnh cho binh sĩ xuất phát, nhưng chàng lại kéo dài thêm một ngày. Đêm đó, chàng ôm người đàn bà, lòng dâng lên một tình cảm quyến luyến khó dứt ra được. Nàng để chàng âu yếm hồi lâu, mới nói bằng một giọng lặng lẽ:
_ Việc của chúng ta phải kết thúc đêm nay. Ngày mai xin chàng rời khỏi thôn này, tiếp tục lên đường.
_ Dù nàng không bảo, ta cũng phải làm như vậy. Trừ tuyết lớn, chẳng gì có thể ngăn trở bước tiến của quân sĩ, nhưng tuyết đã ngừng rồi.
Lục Trầm Khang đáp xong, người đàn bà tiếp lời chàng:
_ Chỉ có tuyết mới ngăn trở được bước tiến của quân sĩ thôi sao? Nếu ta muốn, thì giữ chàng bao lâu cũng được. Nhưng ta không thể làm vậy.
Nàng nói rồi bật khóc to, khóc mãi không nín, đến nỗi Lục Trầm Khang nghĩ không biết nàng bị làm sao. Nàng khóc đến khi dường như cạn cả nước mắt, mới nói:
_ Ta không ngăn chàng đi, vì không nỡ nhìn chàng biến thành dã thú. Trong bộ tộc chúng ta từ xa xưa đã có truyền thuyết, nếu ai ăn nằm với người ngoại tộc như vợ chồng bảy lần sẽ biến thành dã thú. Đêm nay là đêm thứ sáu, nếu chàng còn ở thêm một ngày, chàng và ta đều sẽ biến thành thú.
Lời nàng nói khiến Lục Trầm Khang vô cùng kinh ngạc. Chàng không hề kinh ngạc vì mình sẽ biến thành dã thú, mà vì từ lời nói của nàng có thể cảm nhận được tình yêu của nàng dành cho mình. Đêm này, không giống những đêm trước, chàng cảm nhận được tình cảm nồng ấm từ mỗi cử động trên thân thể của nàng.
_ Nàng nói biến thành thú dữ, vậy thì, chúng ta sẽ biến thành loại thú dữ nào? – Lục Trầm Khang hỏi.
Người đàn bà đáp:
_ Chúng ta ngoài việc biến thành sói, còn biến được thành gì khác? Chúng ta luôn một mực nghĩ tới việc dùng đao để bảo vệ hành vi chăn gối của mình, nếu quả thật có người bước vào nhìn thấy, chắc chàng và ta đều lao vào đối phương. Nghe nói sói cũng như vậy, khi thư hùng giao phối, nếu bị bắt gặp, không cần biết đối phương là động vật nào, đều sẽ lao đến tập kích, hoặc ngày đêm săn đuổi, phải cắn chết đối phương rồi mới chịu thôi. Chàng có thể muốn chúng ta biến thành loài vật khác, nhưng chúng ta chỉ có thể biến thành sói, vì tim chúng ta đã sớm biến thành tim sói mất rồi.
Trời chưa sáng, người đàn bà đã rời Lục Trầm Khang, quay về hầm dưới đất. Trước đó, nàng dặn chàng lúc ra đi đừng gọi nàng. Chàng đồng ý. Chàng cũng cảm thấy thế là thỏa đáng nhất.
Hôm sau, quân đội rời khỏi thôn làng Thiết Lặc bẩn thỉu nghèo đói mà họ đã trú ngụ sáu ngày liền. Trời đã lặng gió và ngừng tuyết. Lục Trầm Khang cưỡi ngựa dẫn đầu đoàn quân thẳng tiến. Kỵ binh với bộ binh xen kẽ nhau, hành quân trên thảo nguyên đầy tuyết sáng bóng và cứng như chất men ngọc trắng.
Khi đoàn quân đi xa khỏi thôn tộc Thiết Lặc được khoảng hai mươi dặm, bỗng dưng ngừng lại. Trên thảo nguyên đầy tuyết xảy ra một việc khác thường, ở xa xa phía bên phải của cánh quân, tuyết bị cuộn thành một trụ tròn bay vút lên trời, lên đến tầng không lại đổ ụp xuống như núi lở về phía quân sĩ. Chiến mã nhảy dựng lên, hí vang, muốn vùng bỏ chạy.
Phụ tá họ Lý lúc nào cũng đi cạnh đội trưởng, bèn áp sát ngựa của mình vào cạnh ngựa của chàng, nói lớn trong đám tuyết đang đổ ào ạt:
_ Tôi nghe phía xa có tiếng sói tru. – Đối với họ Lý, sự tập kích của đàn sói còn nghiêm trọng hơn gió xoáy.
Hai người lập tức quất ngựa rời nhau ra. Lục Trầm Khang vừa quan sát trạng thái hỗn loạn của đội ngũ, vừa lắng tai nghe. Chàng muốn kiểm chứng việc có phải có tiếng sói tru hay không. Trong chớp mắt, mấy đợt gió xoáy liên tiếp cuộn tuyết lên chín tầng mây, rồi rót xuống như thác đổ. Toàn thân phủ đầy tuyết, Lục Trầm Khang giục ngựa tuần tra. Chàng bỗng nghe thấy thanh âm thê thiết, nhưng truyền đến tai chàng không phải tiếng tru của sói, mà là tiếng khóc lóc bi thương của người đàn bà tộc Thiết Lặc.
_ Sói! Nghe thấy tiếng sói rồi. – Không phải phụ tá Lý đang nói. Đó là tiếng kêu thất thanh của các thuộc hạ khác.
Chàng nghiêng tai lắng nghe. Thanh âm vẳng đến đâu đó từ bầu trời xám đầy tuyết bay, vẫn là tiếng khóc than như xé ruột của người đàn bà.
Sau khi mọi việc trở lại bình thường, đội quân lại chỉnh đốn hàng ngũ xuất phát. Lục Trầm Khang đã nghe tiếng khóc của người đàn bà suốt một ngày trời. Âm thanh ấy cứ quấn quít bên tai, chẳng cách nào thoát được.
Đến đêm, người chỉ huy đưa quân vào một thôn làng, đóng quân tại đó, rồi hạ lệnh cho một phụ tá: Sức khỏe chàng không tốt, phải lập tức nghỉ ngơi, bất kỳ ai cũng không được đến làm phiền. Đêm đã khuya, chàng dẫn chiến mã ra, nhảy lên mình ngựa, nhắm thẳng hướng thôn làng tộc Thiết Lặc vừa rời khỏi lúc sáng sớm. Chàng quất ngựa không ngừng trên thảo nguyên đầy tuyết bao la đang tràn ngập ánh trăng xanh. Vì vô cùng nhớ nhung người đàn bà Thiết Lặc, nên chàng muốn gặp nàng lần nữa, và phải quay về nơi đóng quân trước khi trời sáng. Doanh trại cách thôn làng Thiết Lặc không xa, xem ra hoàn toàn có thể kịp.
Người chỉ huy nhẹ nhàng tiến vào thôn làng Thiết Lặc tối tăm đang im phăng phắc. Chàng dừng lại căn nhà đất đã trú ngụ suốt sáu đêm, cột ngựa vào thân cây ở phía sau, vội vàng chạy đến trước cửa. Trong nhà có ánh đèn. Lục Trầm Khang ở đây sáu đêm liền chưa bao giờ thấy ánh đèn, vì vậy lúc này chàng bỗng cảm thấy toàn bộ căn nhà dường như có chút không giống trước kia.
Vừa đẩy cửa, bóng người phụ nữ quỳ bên bếp lửa lập tức lọt vào tầm mắt chàng. Chàng gọi một tiếng, người đàn bà dường như bị giật mình, quay đầu lại nhìn chàng không chớp.
_ Ta vốn hy vọng chàng đừng quay lại, nên lúc nào cũng cầu nguyện với trời. Thế nhưng không ngờ, chàng vẫn quay trở lại.
Người đàn bà nói bằng giọng lặng lẽ đầy cảm khái, rồi nàng đứng dậy nhào vào lòng chàng, dùng tay đập nhẹ trên ngực chàng biểu lộ sự âu yếm.
_ Ta vốn vì chồng mà trở thành người chết, nhưng do nhân duyên đã định, nay ta muốn sống vì chàng, dù có phải biến thành dã thú cũng hy vọng được tiếp tục sống.
Người đàn bà nói xong, lần đầu tiên chủ động đưa chàng vào phòng ngủ.
Lục Trầm Khang cắm đao xuống sàn bên gối như những lần trước. Thân thể người đàn bà vẫn tỏa ra mùi hôi thối, nhưng lúc này chàng hoàn toàn không để ý. Chàng chỉ cảm nhận tình thương yêu dào dạt đối với người đàn bà đã yêu mình, vừa ngắm nhìn say đắm gương mặt lần đầu tiên hiện rõ dưới ánh đèn khi mờ khi tỏ, vừa ghì chặt lấy nàng vào lòng.
Mờ sáng, chàng tỉnh lại. Đèn đã tắt, song vẫn thấy rõ thanh đao bên gối đang ánh lên sắc lạnh của những tia nắng sớm trăng trắng của buổi bình minh. Chàng biết mình đã ngủ quên, nghĩ đến quân sĩ, bèn lập tức muốn ngồi dậy, nhưng cảm thấy động tác cơ thể hôm nay không giống trước nữa. Chàng dậy rồi, chuẩn bị động tác rút đao, vừa nghiêng mặt qua một bên, tay còn chưa vươn ra, thì trong một thoáng, phát hiện miệng mình đã ngoạm lấy thanh đao.
Chàng lướt mắt qua thân thể mình, chỉ thấy từ tay, chân cho đến khắp người đều phủ một lớp lông màu vàng đen. Bấy giờ chàng mới biết mình đã biến thành một con sói. Chàng lại nhìn thân thể người đàn bà nằm bên cạnh. Người đàn bà cũng không còn như đêm qua nữa. Nàng đã biến thành một con sói cái.
Người đàn bà vươn thẳng chân trước chân sau, rồi mở mắt, bật dậy. Nàng chẳng qua chỉ là bên ngoài hóa sói, chứ chàng cảm thấy dáng dấp thần thái của con sói cái này chẳng khác gì người đàn bà lúc trước cả.
_ Nàng có biết nàng đã biến thành sói rồi không? – Lục Trầm Khang hỏi.
_ Biết. Ta nửa đêm tỉnh giấc đã phát hiện ra rồi. Khi ấy giật cả mình, nhưng giờ ta không than thở, cũng không buồn bã, vì có buồn bã than thở thế nào cũng đâu cứu vãn nổi. – Nàng đáp.
Đối với chàng, vấn đề không hề đơn giản giống như nàng nói. Nhưng dù sao cũng đã thành sói rồi, thì lại đúng như nàng nói, chẳng còn cách nào nữa.
Lục Trầm Khang rời căn nhà đất. Chàng không biết vì sao mình rời căn nhà, song rất nhanh lập tức hiểu ra mình muốn đi săn. Người đàn bà cũng đi theo. Khi ra đến vùng đất phủ đầy tuyết, ngoảnh đầu nhìn con sói cái chạy phía sau mình, lần đầu tiên chàng mới cảm thấy mình thực đã yêu nàng bằng trái tim của sói. Vì người mình yêu, để bảo vệ nàng khỏi bất cứ kẻ nào xâm phạm, đôi mắt sáng rực của chàng không ngừng cảnh giác hướng ra đến tận cùng bao la của thảo nguyên tuyết trắng.
–
Hán Cao Tổ năm thứ bảy (năm 200 trước Công Nguyên), tức sáu năm sau khi nhà Tần sụp đổ, chuyện Lục Trầm Khang mất tích trong quân đội đã qua năm thứ mười. Thời đại đã từ Tần chuyển sang Hán, nhưng Trương An Lương đã từng tặng cho Lục Trầm Khang da thú và thịt dê thì vẫn là một đội trưởng quân trấn giữ Trường thành ở ngoài biên ải. Cuối Tần nội loạn, trung thổ phân năm xẻ bảy, rất nhiều quân sĩ giữ Trường thành đào ngũ hoặc mất tích, song suốt thời gian này, Trương An Lương lại chưa từng rời bỏ cương vị của mình. Vì vậy, tuy giờ thiên hạ đã thuộc về Hán Cao Tổ, nhưng vô hình trung lại tiếp nhận toàn bộ hình thức từ triều đại trước, nên ông vẫn được giữ vị trí giống như ông đã giữ dưới thời nhà Tần.
Hôm đó Trương An Lương đi bái yết võ tướng mới đến nhậm chức thống lĩnh đội quân trấn thủ Trường thành của khu vực, đem theo ba binh sĩ rời điểm đóng quân, dấn bước vào hành trình dài bốn ngày ba đêm. Hai ba năm trước Hung Nô đã rút xa về phía bắc, nên vùng này đã thoát khỏi sự uy hiếp của Hung Nô.
Ngày đầu tiên, họ hạ trại qua đêm bên cạnh một ao đầm nơi hoang vu. Chính vào đầu hè, ban ngày mặt đất bị nung bỏng cháy, nhưng đến đêm, nhiệt độ nhanh chóng giảm xuống, giống như tiết đông giá rét. Dù vậy, lúc này vẫn là mùa đẹp nhất trên vùng đất nơi đây.
Trong lều, Trương An Lương đang chuẩn bị ngủ, chợt một bộ hạ từ ngoài chạy vào báo, có hai con sói đang đùa giỡn trên gò núi gần đó. Trương An Lương và hai binh sĩ khác lập tức chạy ra khỏi trướng. Ánh trăng như nước, khiến mặt đất loang loáng thành một vùng sáng xanh. Họ quả nhiên nhìn thấy trên ngọn đồi phía bên phải không xa, có hai con sói đang vờn nhau. Không nghi ngờ gì, chúng đang giao hoan, nhưng trên thảo nguyên không chút che đậy, lại thêm ánh trăng xanh chiếu rọi, khiến cảnh tượng ấy làm người ta cảm thấy vô cùng kinh hãi. Một binh sĩ dùng tên nhắm thẳng vào con sói và bắn. Tên rơi trên sườn núi, hai con sói phút chốc dạt ra hai phía chuồn mất.
Mờ sáng hôm sau, Trương An Lương đang an giấc trong trướng thì bị một tiếng thét dị thường đánh thức. Ông vội chạy ra khỏi lều, thấy binh sĩ phụ trách nấu cơm ngã gục trước lều, đã tắt thở. Thịt trên người anh ta bị xé thành từng mảnh, cổ họng và một bên bụng bị cắn nát bét không ai dám nhìn. Trông biết ngay là bị sói tập kích.
Trương An Lương mất một trong ba bộ hạ, đành dắt ngựa của binh sĩ vừa chết đến ngay thôn trang lân cận, nói rõ cho người dân biết vị trí thi thể của người bị tập kích, nhờ họ mai táng. Xong việc, ông và hai binh sĩ lập tức rời thôn.
Không ngờ, ngay đêm đó tại nơi nghỉ trên đồi, ba người lại gặp cùng một tai nạn cũ. Lần này là giữa đêm, một binh sĩ ra ngoài lều để tiểu tiện, một đi không trở lại. Trương An Lương sáng sớm hôm sau phát hiện binh sĩ đã mất tích, tìm kiếm một hồi xung quanh vẫn bặt tăm, chỉ thấy trong đám cỏ toàn những vụn thịt người.
Do sự việc xảy ra ngày thứ hai, Trương An Lương và binh sĩ còn lại biết mình đã bị sói theo sát, sợ hãi nổi hết gai ốc. Lần này hai người đến một thôn làng cách đó khoảng nửa ngày đường, xin họ giúp tìm kiếm binh sĩ mất tích, rồi lại xuất phát.
Ngày thứ ba, hai người quyết định không dựng lều ngoài hoang địa nữa mà vào trong thôn của bộ lạc tìm chỗ tá túc, nên cưỡi ngựa đi suốt một ngày trời. Giữa trưa và gần tối, họ hai lần nghe thấy tiếng sói hú xa xa. Tối đó vừa vào trong thôn, binh sĩ kia đã lên cơn sốt không dậy được, chắc do bị sói dọa phát ốm.
Ngày thứ tư, Trương An Lương một mình cưỡi ngựa tiến bước, dự tính nửa đêm sẽ tới được đích đến là một thôn làng ven Trường thành. Trương An Lương là người to gan lớn mật, không hề sợ sói tấn công. Thế nhưng, việc không đem theo một binh một tốt nào đến tổng doanh trong tình cảnh thế này, quả thật khiến ông rất đau đầu.
Lúc hoàng hôn, ông dừng nơi chân núi phủ đầy nham thạch, cho con ngựa đã phải rong ruổi suốt ngày trời chưa được dừng chân nghỉ ngơi chốc lát. Khi ông xuống ngựa ngồi nghỉ trên mặt đất, bỗng nghe thấy cách đó không xa truyền lại tiếng sói tru. Vì những sự việc xảy ra liên tiếp gần đây, Trương An Lương lập tức đứng dậy, chú ý quan sát xung quanh. Trên thảo nguyên, những ngọn đồi nhấp nhô như gợn sóng, mặt trời đỏ như máu đang sắp xuống núi. Phóng mắt nhìn đến chân trời, dù là núi đồi, đồng cỏ, hay cây cối đều bị nhuộm thành một màu đỏ ối.
Ông ngồi xuống. Lúc này tiếng sói lại như từ xa hơn vọng tới, thanh âm kéo thật dài, khiến người ra rợn hết tóc gáy. Ông lại bật dậy, thấy trên vùng đất cao bỗng nhiên xuất hiện một con sói. Nó kéo cái đuôi dài quét đất, xuyên xéo qua vùng đồi cao, nấp sau những khối nham thạch, hướng về phía ông quan sát. Sói há to mồm, cái lưỡi dài và mảnh hơi rung rung.
Trương An Lương rút dao, chuẩn bị đợi nó đến gần sẽ đâm ngay một phát kết liễu. Ông không tỏ ra yếu thế trước đối thủ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào con dã thú dũng mãnh.
Không biết qua bao lâu, ông bỗng thấy con sói lộ cả người từ sau phiến nham thạch, hai chân trước chắp vào nhau, ngồi xổm trên mặt đất.
_ Là Trương An Lương phải không?
Trong một thoáng, Trương An Lương không rõ tiếng gọi mình đến từ phương nào.
_ Lâu quá không gặp.
Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ, ông chưa từng kinh hãi đến thế, vì khi ấy ông mới nhận ra thanh âm phát ra từ mồm con sói. Do quá hoảng sợ, im lặng hồi lâu, một lúc sau, ông mới hét lên thật to:
_ Ngươi là ai?
Sói vẫn rung rung cái lưỡi, thở mạnh một hơi rồi nói:
_ Anh nhất định sẽ giật mình kinh ngạc. Tôi là Lục Trầm Khang, không may biến thành hình dạng không dám gặp ai thế này. Nhưng tôi thực là bạn cũ của anh, Lục Trầm Khang đây.
Trương An Lương không thốt nổi lời nào. Tuy sói nói vậy, nhưng việc này ai mà tin được. Một hồi, đối phương dường như cảm nhận được tâm trạng này của ông, vội nói:
_ Anh bạn, nghe kỹ tiếng tôi đây. Anh vẫn còn chút ấn tượng với cái giọng này phải không? Chẳng phải chúng ta đã từng uống rượu chuyện trò thâu đêm sao? Anh chưa quên giọng nói của bạn cũ chứ!
Nghe đến đây, Trương An Lương quả nhiên cảm thấy thanh âm con sói phát ra giống tiếng nói quen thuộc của người đồng liêu từng một thời gắn bó.
_ Sao anh lại thành ra thế kia? – ông ngỡ ngàng.
_ Chuyện này, xin anh đừng hỏi. Dù điều gì đã xảy ra, e rằng tôi cũng sẽ không nói cho anh biết được. Tất cả đều là ý trời. Biến thành hình dạng thế này, tôi muốn chết lắm chứ. Nhưng thọ số đã định, dù muốn chết cũng không chết được. Cho nên, tôi phải giữ cái bộ dạng này, sống đến tận hôm nay. Song tôi nghĩ, may là mình không chết, vẫn còn sống, mới có thể nói chuyện với anh như bây giờ.
Những lời bi ai tha thiết lay động trái tim của Trương An Lương. Ông không ngăn được lòng thương xót đối với vận mệnh trớ trêu của người bạn.
_ Lục Trầm Khang!
Lúc Trương An Lương gọi tên bạn, từ xa xa vọng đến tiếng sói gào. Thế là Lục Trầm Khang dùng sức vươn dài hai chân trước, đứng dậy:
_ Không xong rồi! Bao lâu nay lần đầu tiên tôi khôi phục được nhân tâm, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng kêu của đồng loại, tim của tôi lại không ngăn được việc biến thành tim sói. Khi tôi đang nói với anh đây, tim tôi đang biến hóa dần. Một lát nữa, tôi sẽ thành sói. Biến thành sói thì không thể nào không tấn công anh.
Trương An Lương nhìn thấy trong đôi mắt sói của Lục Trầm Khang dần dần bắn ra những tia nhìn tàn nhẫn.
_ Tôi phải biến thành sói, đang biến thành sói. Trương An Lương, tôi buộc phải tấn công anh. Vì anh nhìn thấy tôi và vợ tôi làm những việc không thể để người khác nhìn thấy. Bản tính sói không chấp nhận điều này. Trương An Lương, tôi phải biến thành sói tấn công anh đây! Anh giết tôi đi, đừng bao giờ chùn người xuống. Nếu anh chùn người xuống, chúng tôi sẽ thắng.
Lục Trầm Khang nói xong câu cuối cùng, ngẩng đầu lên trời rống lên một tiếng. Tiếp đó vọng tới một tiếng sói tru, đến từ một nơi gần hơn vừa nãy nghe thấy.
Trương An Lương nhìn con sói Lục Trầm Khang đã bị bản tính tàn bạo nuốt chửng, trở thành một dã thú chẳng còn gì giống với người bạn trong quá khứ. Ông đứng trong tư thế sẵn sàng, hướng mũi đao về phía con sói. Ông cảm thấy có một luồng sức mạnh uy hiếp từ đối phương, bức bách đến mức ông nhất định phải quyết giết con dã thú hung hãn đang đứng trước mặt.
Trương An Lương nhìn vào ngọn đồi đối diện với ngọn đồi mình đang đứng, cách một chỗ đất trũng. Một con sói đang men theo sườn dốc tiến như tên bay tới trước. Con sói này vừa mất dạng trong chỗ trũng, lập tức đã thấy chạy tới ngọn đồi ông đang đứng với một vận tốc không thể tin được.
Sau đó, con sói vừa chạy lên chỗ đất cao, vừa nhảy vọt một bước lớn. Như đã đợi được thời cơ, con sói Lục Trầm Khang cũng vọt lên phía trước. Trương An Lương cảm thấy bóng một con sói nhào xuống từ trên đầu, một con khác lao đến từ bên hông. Ông tránh đòn hiểm, huơ đao chém ngang hai bên. Hai con sói tránh lưỡi đao, nhổm lên lại hụp xuống, nhảy nhót liên tục tấn công.
Trận đấu liều chết không kéo dài bao lâu. Trương An Lương bị gờ nham thạch vướng chân té ngã, một chân quỳ dưới đất. Ngay lập tức, hai con sói đồng thời dốc toàn lực xông tới. Một con cắn ngay cuống họng, con kia cắn vào đùi, kiểu cắn có chết cũng không buông đặc trưng của sói.
Mặt trời nhuộm đỏ rực cả vùng cao. Từ thân thể Trương An Lương chảy ra một lượng máu lớn, còn đỏ hơn thế, nhuốm đỏ cả một khoảng đất, rồi trong phút chốc hòa chung với màu đỏ rực rỡ của ráng chiều.
Nửa năm sau, triều đình nhà Hán ra bố cáo cho quân trấn thủ Trường thành: Năm nay nạn sói hoành hành, binh sĩ ngoài biên ải không được sơ ý, phải kết chặt đai bụng.
Cái gọi là đai bụng là vật gì, nó có năng lực phòng chống sự tấn công của sói như thế nào, thời qua chốn đổi, giờ đã không còn ai biết.
1 (日)井上靖 著,赵峻 译. (2013). 楼兰.北京十月文艺出版.
(Nhật), Inoue Yasushi, Triệu Tuấn dịch. (2013). Lâu Lan. Nxb Văn nghệ tháng 10 Bắc Kinh.
2 Có bản đề là tộc Ca Lôi.
– Hết –
LANG TAI KÝ – The Warrior and the Wolf (2009)
Posted on January 10, 2016Nội dung phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yasushi Inoue, một người Nhật vốn say mê văn hóa Tây Tạng. Từ nguyên tác chỉ hơn 10.000 chữ ấy, đạo diễn đã dựng nên một câu chuyện mới lạ so với bản gốc mà ông đã được đạo diễn Hầu Hiếu Hiền ( Đài Loan) giới thiệu cách đây 15 năm. Tác phẩm đã cuốn hút ông vào mối quan hệ kỳ dị giữa người và sói, một chuyện tình thần bí giữa vị tướng tên Lục Thẩm Khang cùng cô gái của một bộ tộc hoang dã. Để thực hiện “mối tình trong 7 ngày” đó, đạo diễn đã phải trăn trở suốt 15 năm vì cái khó ở yếu tố “sói” và cách xử lý tình yêu trong phim. Điền Tráng Tráng rất thận trọng khi không để yếu tố thương mại lấn át tính nhân văn của phim. Trong bộ phim, đạo diễn đã nghiên cứu rất kỹ chủ đề nhân tính và thú tính, sinh mệnh và tự nhiên, đồng thời biểu đạt chúng một cách hoàn hảo qua ngôn ngữ điện ảnh.
Với Chiến Bình và Tình Sói, đạo diễn Điền Tráng Tráng đã phơi bày tình cảm nguyên thủy nhất, sự cô đơn lớn nhất và cả sự đấu tranh thầm kín nhất trong mỗi con người. Đạo diễn Điền Tráng Tráng Điền Tráng Tráng cùng với Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương.. là những gương mặt sáng giá của thế hệ điện ảnh thứ năm Trung Quốc. Ông là đạo diễn của một số bộ phim nổi tiếng như: Cửu Nguyệt, Kẻ Trộm Ngựa, Lam Phong Tranh, Mùa Xuân TrongThị Trấn Nhỏ… Điền Tráng Tráng có một thời gian ngừng làm phim và chuyển sang sản xuất phim và giúp đỡ các đạo diễn trẻ khác, ông đã bảo trợ và cố vấn cho nhiều đạo diễn tài năng của thế hệ điện ảnh trẻ Trung Quốc. Phải tới gần 10 năm sau Điền Tráng Tráng mới quay lại nghề đạo diễn bằng tác phẩm Mùa Xuân Trong Thị Trấn Nhỏ, đây là một bộ phim tình cảm làm lại từ tác phẩm cùng tên do Phí Mục thực hiện năm 1948. Nếu như phiên bản 1948 được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh tiếng Hoa thì phiên bản của Điền Tráng Tráng sau khi ra đời cũng được đánh giá rất cao tuy rằng nội dung của phim nhẹ nhàng chứ không gai góc như các tác phẩm trước đó của đạo diễn họ Điền.
Phương Ngọc
XEM PHIM ĐÈN LỒNG ĐỎ TREO CAO
by Lê Thị Hồng Hạnh
“Bạn làm việc trong điện ảnh, vậy thì bạn là con người của hình ảnh”. Chúng ta thường xuyên nghe thấy câu nói này, thường xuyện đến mức nó như đã thành một định đề được mặc nhiên thừa nhận. Thực chất điện ảnh không chỉ có hình ảnh. “Ngôn ngữ điện ảnh và truyền hình là một thứ cocktail đặc biệt của các hình thức nghê thuật khác nhau: hội họa, văn học, sân khấu, âm nhạc… được pha trộn hết sức khéo léo để cùng thể hiện một đề tài, kể một câu chuyện” (Bruno Toussaint).
Trong bài viết này, người viết tập trung vào một trong các yếu tố làm nên món cocktail đặc biệt ấy, đó là âm thanh. Có thể nói, bên cạnh hình ảnh, âm thanh là một thành tố không thể thiếu, góp phần tạo nên hồn cốt của các bộ phim. 1. Sơ lược về các yếu tố trong băng âm thanh Có thể chia âm thanh trong phim làm 4 thành tố cơ bản: tiếng thoại, âm thanh không gian, âm thanh hiệu quả và âm nhạc. 4 yếu tố này hòa trộn với nhau làm nên băng âm thanh của bộ phim. Chúng không phải được gắn lên hình ảnh một cách giản đơn mà cần được sử dụng trong sự hài hòa với dựng hình, tham gia vào cốt truyện phim, chuyển tải những thông điệp mà hình ảnh không thể biểu đạt hết.
Giọng nói, hay tiếng thoại trong phim truyện, lời bình trong phim tài liệu, tiếng trả lời phỏng vấn trong phóng sự tài liệu, trong một thời gian dài đã được xem như phần quan trọng nhất trong băng âm thanh. Người ta có xu hướng tập trung hết tầm quan trọng của một băng âm thanh vào giọng nói, giống như trong hình ảnh, người ta thường chú tâm vào diễn viên. Hệ quả là “trong quá trình thiết kế âm thanh, giọng nói thường được xử lí trước, và đến phần hòa âm cuối cùng, những yếu tố còn lại của băng âm thanh sẽ được xây dựng xung quanh giọng nói” (Bruno Toussaint). “Tuy nhiên, thực tế và sự diễn đạt lời nói trong phim truyện đã chứng tỏ với chúng ta hàng ngàn lần rằng giọng nói cũng chỉ là một trong những yếu tố, chứ chắc chắn không phải là yếu tố duy nhất, của môi trường âm thanh” (Bruno Toussaint).
Yếu tố thứ hai, cũng rất quan trọng trong băng âm thanh, là âm nhạc, nói đúng hơn là nhạc nền. Trước 1927, năm phim nói đầu tiên The jazz singer ra mắt ở Mĩ, hầu hết các nhạc trong phim là nhạc ứng tác. Ở thời kì đầu, một trong những nguyên nhân khiến các ông chủ rạp thuê các nghệ sĩ dương cầm đến chơi nhạc đêm cho phim chính là vì mục đích thực tiễn hơn là dụng ý nghệ thuật: họ muốn át đi tiếng ồn ào của máy chiếu, tiếng chạy ro ro của các cuốn phim và muốn tránh các cuộc bàn tán có thể xảy ra khi các khán giả xem phim. Về sau, ở những phim có ngân sách lớn, nhạc được soạn riêng và do một dàn nhạc chơi, chính từ đây mà truyền thống sáng tác nhạc phim được khơi dòng. Vì hầu hết được sáng tác sau khi phim đã quay xong, nhạc phim có đặc điểm là lúc nào cũng gắn liền với hình ảnh, nó “phải chia xẻ không gian cùng với hình ảnh”. Trong hầu hết các trường hợp, nhạc có chức năng gây cảm xúc, tác động tới tình cảm của người xem. Trong một số trường hợp khác, “nhạc có nhiệm vụ đơn giản là đệm cho hình ảnh, có lúc gần như thừa thãi”. Cũng có khi nhạc “bao trùm khắp không gian nghe nhìn bởi cường độ, bởi sự táo bạo trong cách sáng tác cũng như trong cách thể hiện”. Nhạc có thể sử dụng như những điểm ngắt trong một cảnh phim, cũng có thể như phần nối giữa hai cảnh phim. Đáng lưu ý là trong các tác giả có xu hướng cách tân, chẳng hạn như Godar, Felini, âm nhạc không phải lúc nào cũng chỉ đi bên cạnh hình ảnh, bổ sung cho hình ảnh như một thứ gia vị, mà nó có thể là một đối âm của hình ảnh, tạo ra một phản đề của hình ảnh. Trong một số bộ phim, âm nhạc có thể tự nó kể một câu chuyện riêng của nó.
Yếu tố thứ ba trong băng âm thanh là âm thanh không gian. Đó là tất cả những yếu tố âm thanh ngoại trừ giọng nói, nhạc và các yếu tố âm thanh hiệu quả, tạo nên bối cảnh âm thanh cho một bộ phim. Trong một thời gian dài, phần lớn các nhà điện ảnh đã coi nó như yếu tố dàn đầy không gian, nghĩa là nó chỉ có tác dụng củng cố thêm cho hình ảnh, tháp tùng hình ảnh, làm cho cảnh phim có vẻ thực hơn. Trên thực tế, âm thanh không gian “có thể được xử lí để trở thành một khúc giao hưởng thực sự, trong đó âm thanh được tạo ra và phối hợp với nhau, như trong phim của Jacques Tati hay David Lynch” (Bruno Toussaint)..
Yếu tố thứ tư trong băng âm thanh là âm thanh hiệu quả. Đó là âm thanh nhân taọ, được thực hiện trong khâu hậu kì, không có thật ‘nhưng đủ độ tin cậy trong khuôn khổ kịch tính”, tạo nên những hiệu quả đặc biệt cho phim.
Để hiểu hơn giá trị của các yếu tố trong băng âm thanh, chúng tôi xin đi sâu vào âm thanh trong “Đèn lồng đỏ treo cao” của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, một bộ phim hấp dẫn không chỉ bởi hệ thống hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng mà còn bởi cách xử lí âm thanh độc đaó.
Trước hết hãy bàn về giọng nói. Trong “Đèn lồng đỏ treo cao”, mỗi lời thoại đều hết sức phù hợp với tâm lí, cá tính nhân vật, với câu chuyện và được thể hiện với tông giọng, chất liệu giọng thích hợp. Tiếng lão gia bao giờ cũng là giọng quyền uy sang sảng. Lão gia không trò chuyện với những người vợ theo cái kiểu tâm tình của một người chồng mà thường xuyên ra lệnh hoặc gắt gỏng và quát nạt. Phút đầu gặp Songlian trong đêm động phòng, lão không hỏi xem Songlian đi đường thế nào, sức khỏe ra sao mà chỉ tập trung vào việc ân ái. Lão gia mở đầu câu chuyện với việc giới thiệu công dụng của cái búa massage chân “bàn chân rất quan trọng với người phụ nữ. Massage chân sẽ giúp cho người phụ nữ cảm thấy khỏe và có đủ sức để phục vụ tốt cho người đàn ông của họ”. Thực chất cái mà người đàn ông này quan tâm không phải là sức khỏe của người vợ mà chính ở chỗ họ có thể thỏa mãn cho thú vui xác thịt của ông ta hay không. Tiếp theo những lời trò chuyện có vẻ ân cần này là một lọat những mệnh lệnh. “Cầm đèn lên. Đưa lên gần mặt. Cao hơn. Ngước mặt lên. Tốt lắm. Con nhà có học trông có khác. Cởi quần áo và lên giường đi”. Toàn những câu cộc lốc. Ta không hề thấy cái nâng niu của một tân lang với một tân nương mà chỉ thấy thái độ sỗ sàng, lạnh lùng, giọng của diễn viên ở đây cũng như đã tẩy trắng mọi xúc cảm, khiến ta liên tưởng đến lời của một chủ nô với một nô lệ. Khi bị bà ba Mai San nhõng nhẽo cho người gọi lúc đang ân ái với Songlian, bị Songlian kích, cách hành xử cuả ông cũng là gắt gỏng “Rồi ta sẽ trị cho mụ ấy một bài học. Ta chiều chuộng quá khiến mụ sinh hư”. Câu thoại này cho thấy với ông chủ này, những người vợ thực sự chỉ là những món đồ chơi, giữa ông ta và họ không thể nói đến cái gọi là tình yêu được.Khi Songlian giận dỗi vì bắt gặp lão gia đang cợt nhả với con hầu, ông ta cũng không hề nhọc sức dỗ dành mà bỏ đi ngay với câu nói cao ngạo đầy khinh bạc: “Nàng không muốn ta ở đây nhưng còn rất nhiều người đang mong được gõ chân đấy”. Có thể nói, với lão gia, tất cả những người vợ chỉ là những nô lệ, họ không có quyền phán xét hành vi của lão. Nhiệm vụ của họ là phải mua vui cho lão. Khi cần, lão đến, khi chán, lão đi. Giọng của lão gia luôn là giọng quyền uy, kẻ cả. Những trường đoạn sau này, lão gia tiếp tục xuất hiện với những mệnh lệnh: treo đèn lên, tắt đèn đi, bọc đèn lại. Ngay cả khi ông ân cần nhất, khi ngồi nghe bà ba hát và vỗ tay tán thưởng, giọng của ông vẫn là giọng cao ngạo của một kẻ bề trên.
Điều đáng lưu ý là trong suốt bộ phim này, Trần lão gia không bao giờ được quay rõ mặt. Tiếng thoại của ông phần lớn là tiếng thoại ngoài hình, nếu có tiếng thoại trong hình thì cũng là khi nhân vật xoay lưng lại máy quay hoặc chếch nghiêng so với máy quay, khiến khán giả không khi nào được nhìn rõ mặt. Tại sao như vậy? Có phải ở đây nhà quay phim cố ý để đại lão gia xuất hiện như một vị hoàng đế mà kẻ bề tôi không thể dễ dàng được chiêm ngưỡng long nhan, hay bởi đại lão gia là hiện thân của một thế lực vô hình đen tối, hiện thân của số phận, của định mệnh và vô vàn luật tục hà khắc trói buộc cuộc đời những người phụ nữ, trong đó có Songlian và những người phụ nữ khác trong Trần phủ?
Một nhân vật khác cũng xuất hiện với tiếng thoại ngoài hình là người mẹ kế của Songlian. Mở đầu phim chúng ta được nghe cuộc trò chuyện giữa Songlian và kế mẫu, nhưng chỉ có Songlian xuất hiện trong khuôn hình. Điều này cộng với cách nói, dáng vẻ của Songlian khiến chúng ta cảm thấy không phải cô đang đối thoại cùng kế mẫu mà đang đối thoại cùng số phận, hoặc đang độc thoại với chính mình. “Mẹ đừng nói nữa. Con đã nghĩ thông rồi. Con sẽ lấy một người giàu và trở thành thê thiếp của ông ấy. Đó chẳng phaỉ là phận số của phụ nữ hay sao?”
Nhân vật thứ ba được thể hiện xuất sắc là bà ba Mai San. Bà ba Mai San vốn là một cô đào được lão gia lấy về làm hầu thiếp. Vì vậy, ngay từ cách trang điểm đến giọng nói của cô đều toát lên khí chất của một đào nương. Tông giọng được lựa chọn để thể hiện tiếng thoại của cô là giọng cao lanh lảnh, có phần chói tai, bộc lộ một tính cách vừa đanh đá, vừa bộc trực. Bà ba trực tiếp xuất hiện lần đầu tiên trong phim qua cử chỉ khinh khỉnh không thèm đáp lại lời chào của Songlian, cách thoại không tiếng này công khai châm ngòi nổ đầu tiên cho cuộc chiến giữa hai người.Tiếng thoại thứ hai rất ấn tượng của tam phu nhân là tiếng hát lanh lảnh vào buổi sáng sớm, đánh thức Song lian và lão gia sau đêm đầu tiên họ thực sự ở bên nhau. Sở dĩ chúng tôi không xếp tiếng hát này vào phần âm nhạc của phim vì chúng tôi cho rằng tiếng hát này giống như một tiếng thoại nhiều hơn, nó là tiếng lòng Mai San. Tiếng hát ấy có âm cao chói tai, luyến láy của điệu kinh kịch truyền thống, bộc lộ rõ nỗi khổ đau, hờn ghen, xót xa của Mai San khi bị đức lang quân bỏ rơi, đồng thời như một hành động khiêu khích Songlian, phá hoại giấc mộng của Songlian. Tiếng hát văng vẳng như len vào tận căn buồng của Songlian, than trách, kể lể, khiến cho Songlian không thể nào ngon giấc. Khi Songlian ra và hỏi: “Sao chị hát sớm thế?” Mai San thản nhiên đáp lại: “Để cô không ngủ được nữa, nếu không cô sẽ lú lẫn”, lời thoaị này cho thấy cái tức tối, thái độ thách thức của Mai San và tính cách đanh đá của cô. Khi Songlian nói kiểu khiêu khích: “Tôi muốn nghe chị hát. Chị hát nữa đi”, Mai San tiếp tục kiêu kì đáp lại: “Cô muốn nghe à? Nhưng tôi không thích hát nữa”. Một tiếng thoại gây ấn tượng nữa của Mai San là tiếng nguyền rủa của cô khi bị bà hai cho người lôi về sau khi phát giác tội ngoại tình và tiếng thét đau đớn khi bị lôi lên căn phòng chết.
Gần như trái ngược với bà ba là bà Hai. Nếu bà ba là người bộc trực, đanh đá thì bà Hai lại là kẻ “khẩu Phật tâm xà”. Giọng nói của bà, vì vậy, cũng gần như đối lập với giọng nói của bà ba. Nếu giọng bà ba mang âm cao, chói tai, lanh lảnh thì bà Hai lại có giọng thẽ thọt, ân cần, giọng thẽ thọt ấy chứa đựng cái giả dối, hiểm ác của một con người “miệng nam mô bụng một bồ dao găm”. Bà Hai xuất hiện lần đầu tiên với tiếng chào đon đả “tứ muội, tứ muội” khi Songlian đến chào, mang lại cho Songlian cảm giác ấm áp, tin cậy, traí ngược với giọng lạnh lung bề trên của bà cả mà Songlian vừa tiếp xúc. Gắn liền với giọng ân cần ấy, bà mang miếng vải lụa Hàng Châu ra tặng Songlian. Nếu chỉ có những cử chỉ này, khán giả dễ lầm tưởng đây thực sự là một con người nhân hậu. Nhưng những lời nói tiếp theo đầy ẩn ý đã khiến chúng ta mơ hồ cảm thấy có cái gì không ổn trong tính cách của bà: “Nhìn miếng vải này, tôi nghĩ ngay đến cô. Nếu là cái người ở phòng bên (tức bà ba- LTHH chú) thì có trả tiền tôi cũng không cho đâu” . Câu nói này cho thấy bà ta thực sự không hiền lành một chút nào và nó cố ý để cho Songlian biết rằng bà ta cũng đồng cảm với Songlian, cũng căm ghét bà ba. Người xem phần nào đoán được Songlian đang bị bà ta lôi kéo để về chung một chiến tuyến chống lại Mai San. Trước mặt lão gia, con người này luôn tỏ vẻ dịu dàng, phục tùng. Trong bữa cơm, bà ân cần gắp đồ ăn cho Songlian, tỏ ra cam chịu khi Songlian đòi ăn ở phòng, thủ thỉ với lão gia khi xoa bóp cho ông: “Em muốn sinh cho lão gia một đứa con trai”. Kể cả khi bị Songlian cắt tai, mặc dù về khóc lóc, kể tội Songlian với lão gia nhưng khi Songlian sang xin lỗi, bà hai vẫn tỏ ra như mình là người rất bao dung, độ lượng: ‘Em đâu có cố ý. Chị hiểu mà” và còn cảm ơn Songlian vì nhờ có việc bị Songlian cắt tai mà bà ta được thắp đèn lồng suốt mấy đêm. Dù căm giận Songlian, khi Songlian có bầu, bị lão gia sai sang massage cho Songlian, bà vẫn im lặng phục tùng. Muốn lật tẩy việc Songlian giả vờ có bầu, bà hai cũng vẫn dùng giọng ngọt ngào ân cần như thể rất quan tâm, lo lắng cho Songlian: “thiếp thấy tứ muội dạo này không khỏe, lão gia hãy cho mời bác sĩ kiểm tra cho cô ấy”.
Nhân vật bà cả xuất hiện không nhiều nhưng các câu thoại của bà cũng đủ để ta phác nên một chân dung với nhiều góc cạnh. Bà xuất hiện lần đầu tiên với cảnh ngồi lần tràng hạt. Dường như do đã ý thức được sự già nua, kém cỏi của mình trong cuộc cạnh tranh sự sủng ái của lão gia, người phụ nữ này cố dập tắt ngọn lửa phiền bằng cách vùi mình vào cõi Phật. Nhưng Bà ta có thực sự quên lãng những ganh đua ở chốn nhân gian không? Tiếng tràng hạt rơi khô khốc trên sàn lúc Songlian đến chào đã cho thấy sự bối rối, bất an trong con người bà. Câu trả lời khô khan lạnh lùng của bà có lẽ không phải do bà không muốn gián đoạn sự nhập tâm khi niệm Phật mà ẩn chứa trong đó sự khó chịu âm thầm của một người đã bất lực trước một đối thủ nhiều ưu thế. Tiếng thoại thứ hai cho thấy bản chất của bà là khi bà ba và và bà hai tranh cãi nhau trong bữa cơm, bà nói một câu gọn lỏn: “bao nhiêu thức ăn này không đủ làm hai người câm đi hay sao”. Câu thoại này cho thấy người phụ nữ này cũng không hề có tâm Phật chút nào. Bà ta tụng kinh chỉ là một cách để giết thời gian và tạo vẻ uy nghiêm cho mình trước những thê thiếp của lão gia và các gia nhân.
Lời thoại của nhân vật chính Songlian không thật nhiều nhưng đầy sức nặng. Xuất hiện với tiếng trò chuyện với người mẹ kế nhưng gần như độc thoại, tiếng của Songlian mang vẻ trầm trầm u uất, nó vừa có cái sắc sảo vừa có vẻ bất cần, phù hợp với tính cách thông minh, đầy cá tính của cô. Cô luôn hiện diện với phong thái tự tin, quyết liệt. Cô tự mình lựa chọn lấy ông chủ Trần giàu có, tự mình đi đến nhà chồng không cần ai đón, và khi quản gia tỏ ý muốn xách hành lí giúp, cô điềm nhiên đáp lại: “Tôi đã tự mình đến đây. Để tôi tự xách nó”. Songlian cũng tỏ ra là người rất ý thức được vị thế của mình và muốn khẳng định vị thế của mình khi trả lời thái độ hiếu kì của Nhạn Nhi: “rồi cô sẽ biết ta là ai”. Lời thoại của Songlian thể hiện cô cũng là người tỉnh táo nhất trong những người phụ nữ ở đây, người đầu tiên ý thức được thân phận bi kịch, cuộc sống vô nghĩa lí của những người đàn bà trong Trần phủ. Khi bác sĩ Cao hỏi cô: “Sao cô không học nữa?”, Songlian trả lời cay đắng: “Học nữa thì ích gì? Tôi chỉ là một cái áo của lão gia, thích thì mặc, không thích thì cởi ra”. Ở đoạn cuối phim, khi trò chuyện với bà ba, câu thoại của Songlian cho thấy cô đã hiểu thấu sự tăm tối vô nghĩa lí của những kiếp đàn bà trong Trần phủ: “Treo đèn, thắp đèn, bọc đèn. Con người là gì trong căn nhà này? Người là ma, ma là người. Con người như mèo, như chuột, như thỏ, như tất cả những cái gì khác, chỉ không phaỉ như con người”.
Đặc biệt gây ấn tượng trong bộ phim này là cách xử lí âm thanh không gian. Người xem thực sự bị tác động mạnh trước hết bởi tiếng mở cổng nặng trịch khi Songlian bước vào Trần phủ. Âm thanh nặng nề này gợi liên tưởng đến một chiếc khóa vô hình sẽ khóa kín cuộc đời của Songlian, giết chết tuổi xuân tự do của Songlian, đồng thời cũng cầm tù tâm hồn non nớt trong sáng của cô. Âm thanh thứ hai đầy ám ảnh là tiếng đều đều đầy ma lực của chiếc búa massage chân. Tiếng búa này giống như một thứ thuốc phiện khiến những phu nhân ở đây nghiện đến quay cuồng. Lần đầu tiên tiếng búa xuất hiện là khi Songlian được chăm sóc để chuẩn bị cho tối tân hôn. Khi bị thất sủng, cái mà Songlian nhớ đến mê muội, quay quắt cũng chính là âm thanh của nó. Trường đoạn Songlian bị lão gia bỏ rơi và ngồi nhắm mắt nghe văng vẳng tiếng búa gõ chân thật ấn tượng. Trường đoạn này gần như được lặp lại qua hình ảnh con hầu Nhạn nhi ngồi một mình trong căn phòng nhỏ tự treo đèn lồng và đê mê tưởng tượng đến tiếng búa gõ chân. Có phải tiếng búa này đã đánh thức bản năng khát sống, khát yêu của những người phụ nữ? Việc nhận được massage chân đồng nghĩa với nhận được quyền lực và một đêm hoan lạc. Vì vậy, nó như là biểu tượng của đam mê xác thịt và đam mê quyền lực. Tiếng búa, do đó, không chỉ có sức hút với Songlian mà còn không ngứng ám ảnh các nhân vật khác như bà ba, bà hai và con hầu Nhạn nhi. Khi bộ phim khép lại, cái làm khán giả nhớ nhất cũng chính là âm thanh đầy ma lực của nó, bên cạnh màu đỏ nhức nhối của những chiếc đèn lồng.
Một yếu tố hết sức hiệu quả nữa trong hệ thống âm thanh không gian của phim này chính là tiếng treo đèn, hạ đèn và các mệnh lệnh về treo đèn và hạ đèn. Chúng luôn được thu ở cỡ cảnh âm thanh gần, và dường như còn được phóng to hơn so với thông thường, khiến khán giả có cảm giác như đây chính là những âm thanh trung tâm của cuộc sống trong Trần phủ. Có thể dẫn ra một trường đoạn làm ví dụ. Đó là đoạn ngày đầu tiên Songlian đến Trần phủ. Máy quay xử lí cận cảnh những người châm đèn và cận cảnh dãy đèn lồng. Âm thanh khô khốc của tiếng treo đèn được thu ở cỡ cảnh gần trở nên nổi bật trong sự im lặng tuyệt đối của những gia nhân. Vang vọng rất lớn trong không gian Trần phủ không phải như một câu thoại thông thường mà như một phần của không gian là tiếng rao của người quản gia về việc treo đèn: “Treo đèn ở chố bà tư” “Treo đèn ở chỗ bà ba” “Treo đèn ở chỗ bà hai”. Dường như tiếng rao này trở thành âm thanh được mong đợi nhất, được quan tâm nhất của tất cả mọi người trong Trần phủ và nó như một phần không thể thiếu làm nên cuộc sống của gia đình ấy. Trong khung cảnh tiếng khô khốc của hành động treo đèn và hạ đèn, các gia nhân luôn im lặng, không ai nói một lời. Dường như với họ, việc treo đèn, hạ đèn đã trở thành một thao tác quá quen thuộc, quá thuần thục, không có gì cần bàn cãi. Họ sống trong Trần phủ như những chiếc bóng biết đi. Bên cạnh tiếng treo đèn, bọc đèn, tiếng kéo cắt lách cách cũng được thu với cỡ cảnh gần, cho thấy tâm trạng đầy giông bão của Songlian khi cắt tóc cho bà hai. Tiếng khóa khô khốc khi bà ba bị nhốt vaò căn phòng trên gác cũng tạo nên một ám ảnh với Songlian nói riêng và khán giả nói chung, trở thành âm thanh ghê rợn của tiếng búa tử thần.
Âm nhạc trong phim cũng được sử dụng rất đắc địa. Có thể chia âm nhạc ở đây ra làm hai nhóm: âm nhạc trong ranh giới truyện kể và âm nhạc ngoài ranh giới truyện kể. Âm nhạc trong ranh giới truyện kể gồm tiếng hát của bà ba, tiếng kèn trống đám cưới (đám cưới mà Songlian gặp khi đang trên đường một mình về Trần phủ và đám cưới bà năm), tiếng sáo của cậu cả Feipu. Âm nhạc ngoài ranh giới truyện kể gồm tiếng trống chiêng binh khí mở đầu phim hoặc mở đầu mỗi phân đoạn chia tương ứng với ranh giới các mùa, tiếng hát văng vẳng âm u khi Songlian phát hiện ra sự thâm độc, giả dối của bà hai, tiếng nhạc rợn khi Songlian bước đến căn phòng nơi bà ba bị bức tử. Có thể thấy âm nhạc ở phim này không xuất hiện nhiều lần nhưng mỗi lần đều đắc dụng trong việc lột tả tâm trạng nhân vật hoặc tạo không khí cho câu chuyện. Trước hết hãy nói về âm nhạc trong ranh giới truyện kể. Tiếng hát của bà ba xuất hiện bốn lần. Lần thứ nhất giống như một tiếng thoại (đã được phân tích ở trên). Lần thứ hai, tiếng hát hiện diện (kèm với tiếng tán thưởng của ông chủ) như trêu ngươi, như khiêu khích, đối lập với sự cô đơn, buồn tủi của Songlian. Lần thứ ba và thứ tư nó không còn là tiếng hát trực tiếp mà là tiếng hát được thu trong đĩa mà bác sĩ Cao và Songlian mở lại. Tiếng hát do Songlian mở được bố trí trong một khung cảnh tạo sự ma quái để hù dọa những người trong Trần phủ bởi nó vang lên khi bà ba đã chết. Tiếng hát đó vang lên như sự phản kháng của Songlian với cái khắc nghiệt của Trần gia. Tiếng kèn trống đám cưới cũng rộn ràng trong sự đối lập với Songlian, lần thứ nhất là đối lập với cảnh nàng lấy chồng mà không một người đón rước, lần thứ hai, ở cuối phim, nó đối lập với hình ảnh Songlian như một cái bóng héo hon, đờ đẫn đi lại trong nhà. Đặc biệt mang sức nặng là tiếng sáo da diết của cậu cả Feipu. Tiếng sáo này lần đầu tiên vẳng đến khi Songlian ngồi một mình trong căn phòng đỏ rực. Tiếng sáo trở nên gần hơn khi Songlian đi lên dãy lầu cao và nhìn thấy Feipu đang say sưa thổi sáo ở phía xa xa.
Tuy nhiên, tiếng sáo này không hoàn toàn chỉ nằm trong ranh giới truyện kể. Thật vậy, khi tiếng sáo tha thiết trong không gian vẳng đến tai Songlian, nó nằm ở trong ranh giới truyện kể. Nhưng những lần sau xuất hiện, nó có thể được coi là trong ranh giới truyện kể, tức là tồn tại trong sự hồi tưởng, tưởng tượng của Songlian, cũng có thể là phần âm thanh ngoài truyện kể do đạo diễn đưa vào để thể hiện tiếng lòng nhân vật. Có hai lần như vậy. Lần một là khi Songlian sau khi nghe Feipu thổi sáo trở về phòng tìm cây sáo của mình không thấy và hỏi ông chủ Trần thì ông ta nói đã đốt rồi, Songlian giận dỗi vùng đứng dậy và lúc đó tiếng sáo da diết vang lên. Tiếng sáo này có thể là sự hồi tưởng trong nuối tiếc của Songlian, cũng có thể là một âm thanh do người làm phim đưa vào thể hiện tiếng lòng nhân vật, như biểu trưng cho niềm hy vọng vừa trở về đã bị dập tắt của Songlian. Lần ba tiếng sáo xuất hiện là ở trường đoạn Songlian rủ Feipu uống rượu để kỉ niệm sinh nhật lần thứ 19 của cô. Tiếng sáo vang lên khi Songlian đứng lên nhìn Feipu trân trối. Tiếng sáo có thể coi như chính là hiện thân cho niềm khát khao hạnh phúc, khát khao được chia sẻ của Songlian. Tiếng sáo có thể được coi là một hình ảnh giàu giá trị biểu trưng, nó như một đối trọng với biểu tượng chiếc đèn lồng đỏ và tiếng búa gõ chân. Nếu đèn lồng đỏ và tiếng búa gõ chân là biểu trưng của đam mê quyền lực và đam mê xác thịt thì tiếng sáo chính là biểu trưng cho phần thiên lương trong sáng của Songlian, mối đồng cảm hiếm hoi mà Songlian tìm được ở Feipu. Tiếng sáo khi gần khi xa cũng là biểu trưng cho hạnh phúc mà con người luôn tìm kiếm nhưng không thể nào với tới. Trong truyền thuyết Trung Hoa, tiếng sáo đưa đôi trai gái chung tình Tiêu Sử- Lộng Ngọc lên thiên đường của những người bất tử. Nó trở thành biểu trưng cho khát vọng trở về miền cực lạc, chốn bình yên không lo âu của loài người. Cùng yêu tiếng sáo, Songlian và Feipu có niềm đồng cảm với nhau và cùng khao khát tự do. Truyền thuyết của người Ả rập cũng nhắc lời của một nhà tiên tri rằng: Nếu một người trong sáng mà mất đi sự trong sáng thì người đó sẽ không thể hiểu được những điều bí mật trong gia điệu của cây sáo. Tiếng sáo, vì vậy, chính là thể hiện tâm hồn trong sáng của Songlian và Feipu. Phần âm nhạc ngoài ranh giới truyện kể được sử dụng có chọn lọc và đầy dụng ý. Mở đầu phim và mở đầu mỗi hồi (ứng với các mùa hạ, thu) là tiếng trống chiêng binh khí chạm nhau như trong các vở kinh kịch truyền thống. Âm thanh đó khơi gợi ở người đọc nhiều liên tưởng. Phải chăng đạo diễn muốn thể hiện cuộc đời ở đây như một sân khấu kinh kịch, hay ông muốn ám chỉ rằng cuộc sống trong Trần phủ luôn là những cuộc chiến đấu cam go? Tiếng trống và tiếng binh khí hối thúc cũng được lồng vào các cảnh khi những người vợ đứng đợi lệnh ban xem hôm nay sẽ thắp đèn lồng đỏ ở đâu. Phải chăng tiếng trống hối thúc ấy cũng chính là tiếng trống ngực hồi hộp của những người vợ? Một nét đặc sắc nữa ở phim này là việc sử dụng tiếng hát với sắc điệu âm u thê thảm như tiếng khóc. Đó chính là tiếng hát cay đắng như tiếng khóc than lồng cảnh Songlian đau đớn khi phát hiện ra bà hai chính là kẻ chủ mưu xúi Nhạn nhi ám hại mình. Có thể nói, các yếu tố âm thanh trong Đèn lồng đỏ treo cao đã phối hợp với nhau để tạo nên một băng âm thanh đầy hiệu quả, góp phần thể hiện tính cách nhân vật và chủ đề, tư tưởng của bộ phim cũng như tạo nên hồn cốt của bộ phim.
Tài liệu tham khảo:
1. Bruno Toussaint, Ngôn ngữ điện ảnh và truyền hình, NXB Dixit và Hội điện ảnh Việt Nam đồng xuất bản, tháng 12 năm 2007.
http://tinvanonline.org/2008/08/11/truong-nghe-muu/
Lady of the Dynasty
Lady of the Dynasty is a Chinese epic romance war film directed by Shi Qing (writer of Codename Cougar) and featuring Fan Bingbing,Leon Lai and Wu Chun. The film also had a director group including Zhang Yimou and Tian Zhuangzhuang. The film was released on 30 July 2015.
阿飞正传.Days.Of.Being.Wild.1991[粤语英文字幕]
Days of Being Wild
Days of Being Wild (Chinese: 阿飛正傳) is a 1990 Hong Kong drama film directed by Wong Kar-wai. The film stars some of the best-known actors and actresses in Hong Kong, including Leslie Cheung, Andy Lau, Maggie Cheung, Carina Lau, Jacky Cheung and Tony Leung Chiu-wai. Days of Being Wild also marks the first collaboration between Wong and cinematographer Christopher Doyle, with whom he has since made six more films.
The movie forms the first part of an informal trilogy, together with In the Mood for Love (released in 2000) and 2046 (released in 2004)
-
Happy Together (1997 film)
From Wikipedia, the free encyclopediaHappy Together is a 1997 Hong Kong romance film directed by Wong Kar-wai, starring Leslie Cheung and Tony Leung Chiu-wai, that depicts a turbulent romance between two men. The English title is inspired by The Turtles’ 1967 song, which is covered by Danny Chung on the film’s soundtrack; the Chinese title (previously used for Michelangelo Antonioni’s Blowup) is an idiomatic expression suggesting “the exposure of something intimate.”
The film received positive reviews from several film festivals, including a win for Best Director at the 1997 Cannes Film Festival.
Fallen Angels (1995 film)
Fallen Angels | |
Traditional Chinese | 墮落天使 |
---|---|
Simplified Chinese | 堕落天使 |
Fallen Angels is a 1995 Hong Kong movie written and directed by Wong Kar-wai, starring Leon Lai, Takeshi Kaneshiro, Michelle Reis, Charlie Yeung, and Karen Mok.
Fallen Angels can be seen as a companion piece to Chungking Express. It was originally conceived as the third story for Chungking Express, but Fallen Angels can be considered a spiritual sequel due to similar themes, locations and methods of filming, while one of the main characters lives in the Chungking Mansions and works at the Midnight Express food stall.
ASHES OF TIME REDUX (ĐÔNG TÀ TÂY ĐỘC) – (1994) by Wong Kar Wai
Posted on November 8, 2015Ashes Of Time (1994) pt. 1
Ashes Of Time (1994) pt. 2
Ashes of Time
Ashes of Time (Chinese: 東邪西毒; pinyin: Dōngxié xidú; literally: “Eastern Heretic, Western Poison”) is a 1994 Hong Kong film written and directed by Wong Kar-wai, and loosely based on four characters from Jin Yong’s novel The Legend of the Condor Heroes.
Wong completely eschews any plot adaptation from the novel, using only the names to create his own vision of an arguably unrelated film. During the film’s long-delayed production, Wong produced a parody of the same novel with the same cast titled The Eagle Shooting Heroes.
Although it received limited box office success, the parallels Ashes of Time drew between modern ideas of dystopia imposed on a wuxia film has led many critics to cite it as one of Wong Kar-wai’s most under-appreciated works.
Due to the original prints being lost Wong re-edited and re-scored the film in 2008 for future theater, DVD and Blu-ray releases under the title Ashes of Time Redux. The film was reduced from 100 to 93 minutes. Both the original and Redux versions can still be found on Asian markets, while only the Redux version is available to western markets. Several criticisms of the Redux version have been noted, such as poor image quality and color mastering from the source material, cropping and removal of portions of the bottom image, poor English translations, and the re-scoring.
Chungking Express (1994) pt. 1
Chungking Express (1994) pt. 2
Chungking Express
Chungking Express (重慶森林) is a 1994 Hong Kong drama film written and directed by Wong Kar-wai. The film consists of two stories told in sequence, each about a lovesick Hong Kong policeman mulling over his relationship with a woman. The first story stars Takeshi Kaneshiro as a cop who is obsessed with the break-up of his relationship with a woman named May and his platonic encounter with a mysterious drug smuggler (Brigitte Lin). The second stars Tony Leung as a police officer who is roused from his gloom over the loss of his flight attendant girlfriend (Valerie Chow) by the attentions of a quirky snack bar worker (Faye Wong). The film depicts a paradox in that even though the characters live in densely packed Hong Kong, they are mostly lonely and live in their own inner worlds.
The Chinese title translates to “Chungking Jungle”, referring to the metaphoric concrete jungle of the city, as well as to Chungking Mansions in Tsim Sha Tsui, where much of the first part of the movie is set. The English title refers to Chungking Mansions and the Midnight Express food stall where Faye works.