Thinking

Về con người cô đơn trong tiểu thuyết “Rừng Nauy” của Haruki Murakami

15:04 | 28/04/2009
NGUYỄN VĂN THUẤN          (Nhóm nghiên cứu – lý luận phê bình trẻ)
Thời gian gần đây, tại Việt , các tác phẩm của nhà văn Nhật Bản H.Murakami thường xuyên được dịch và xuất bản. Là một giọng nói hấp dẫn trên văn đàn thế giới, sáng tác của ông thu hút đông đảo công chúng và dành được nhiều sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, phê bình. Một trong những tiểu thuyết làm nên danh tiếng của ông là Rừng Nauy.
Về con người cô đơn trong tiểu thuyết “Rừng Nauy” của Haruki Murakami

Đây là một best – seller, nhưng thời gian đã chứng tỏ nó là cuốn tiểu thuyết tuyệt vời về tình yêu, về nỗi cô đơn của con người hiện đại. Qua tiểu thuyết này, H.Murakami đã khẳng định tài năng của mình trước công chúng yêu văn chương trên thế giới.

Không xuất hiện những bonsai, chiếu tatami, trà đạo, vũ nữ… nhưng Rừng Nauy vẫn thoáng hiện ra ở đâu đó nỗi buồn và cái đẹp mà người ta vẫn thường bắt gặp trong truyện Genji của thế kỷ XI hay trong tác phẩm của Kawabata. Đó là nỗi buồn ẩn hiện thông qua những bức tranh thiên nhiên tươi đẹp, vắng lặng; là những ám ảnh về sự cô đơn, về sự sống, cái chết trong cuộc đời dằng dặc, vô định và phù phiếm, là khúc bi ca sầu tư và hài hước về đời sống tình dục, là những khoảnh khắc hiện sinh ngắn ngủi thấm đượm triết lý về những gì bất biến vẫn tồn tại trong cuộc đời con người. Nói cách khác, nỗi buồn bi cảm ấy thoát thai từ sự cô đơn trống vắng khi con người muốn đi tìm ý nghĩa đích thực của cuộc sống, tình yêu, tình dục và cái chết.

Cô đơn là bản chất của con người, vì như một nhân vật trong tiểu thuyết Rừng Nauy đã tuyên bố thẳng thắn: “Bản ngã và tha nhân là cách biệt”. Cá nhân là riêng tư, cá thể, không trộn lẫn với ai và không có phiên bản khác. Mỗi cá nhân là một tiểu vũ trụ bí ẩn. Không ai hoàn toàn hiểu nó, và bản thân nó cũng không thể hiểu được người khác dù luôn có ý thức muốn được hiểu và hiểu được người khác. Nhu cầuhiểu và được hiểu này thể hiện qua nhu cầu giao tiếp, tự thể hiện, nhu cầu nhập cuộc với xã hội để trưởng thành, để tồn tại. Nhưng trong quá trình nhập cuộc, dấn thân, con người luôn phải trượt từ môi trường đang là sang môi trường sẽ là, từ môi trường quen thuộc sang môi trường xa lạ để tương thông với tha nhân, để tìm thấy hơi ấm của bầy đàn, để hóa giải sự cô đơn, cô độc. Hành trình đó có sự chi phối của bản năng vô thức vì theo E.Fromm, con người luôn hoài nhớ một cách vô thức thời kì bào thai của mình, thời kì nó nằm trong Thiên đường bụng mẹ, nay không còn nữa, nó phải tìm đến tình bạn, tình yêu, tình dục nhằm thấy lại sự thanh bình, ấm áp và an toàn đã mất. Nhưng không bao giờ nó tìm lại được, bởi theo Octavio Paz, tình yêu và tình dục đều mang bản chất thời gian. Nó là giây, phút, giờ, ngày, tháng, năm. Có khởi đầu và có kết thúc. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều phải đối diện với cái chết. Trước nó, con người ý thức đầy đủ về sự phù phiếm của vật chất, danh vọng, sự ngắn ngủi của khoảnh khắc yêu đương và sự cô đơn như là thứ tội tổ tông không ngừng đeo bám con người.

Nhân vật trong Rừng Nauy đi tìm giá trị của bản thân mình, tự xác lập nhân vị của mình giữa biển người mênh mông, giữa những đô thành rộng lớn: Tokio, Kioto… Họ vẫn nói chuyện, yêu đương, chung đụng, sẻ chia và thông cảm cho nhau. Nhưng tất cả đều rất cô đơn. Họ cô đơn trong không- thời gian văn hóa Nhật Bản hậu hiện đại với sự phân mảnh cực đoan, họ cô đơn trong ý thức về cái tôi cá nhân độc đáo của mình, họ cô đơn trong khát vọng về một tình yêu vĩnh viễn và sự hài hòa tuyệt đối giữa tinh thần và thể xác, họ cô đơn ngay giữa lúc chung đụng với kẻ khác, ngay trong lúc tiếng kêu cực cảm thốt lên giữa vòng tay ôm chặt mà thân xác lạnh lẽo như băng.

Trong tiểu thuyết Rừng Nauy, có hai loại không gian chính: không gian nhà nghỉ Ami và không gian bên ngoài nhà nghỉ Ami. Hai kiểu không gian đó cũng chính là biểu tượng cho hai phần của Nhật Bản: truyền thống và hiện đại. Nhật Bản hiện đại đã Âu – Mỹ hóa với ê chề vật chất, tự do quá trớn, dục tình buông thả lấn át một Nhật Bản truyền thống: tôn trọng các giá trị đạo đức, danh dự và lối sống cộng đồng. Giữa hai phần truyền thống và hiện đại ấy đã không có sự tương thông, giao cảm để tạo lập sự hài hòa. Ranh giới của nó là sự ngăn cách của những ám ảnh cạm bẫy, chết chóc, là sự cách ngăn giữa quá khứ và hiện tại. Con người sinh tồn trong những mảng không gian đó luôn mang cảm giác cô đơn. H.Murakami đã thổi vào không – thời gian cảm giác nhàm chán vì sự thiếu vắng lí tưởng, thiếu vắng những mục đích sống chân chính khiến cho sự cô đơn như vón cục lại. Nhân vật cô đơn trong thời gian, trong những khoảnh khắc tuyệt vọng khi người yêu tự sát, bạn bè rời xa: “Tôi không có ai để chào buổi sáng hoặc chúc một ngày tốt lành”. Trong cô đơn, vô vọng và tột cùng đau khổ, họ căm ghét ngày mai sắp đến. Đối với họ, hiện tại ngưng đọng, nhàm chán còn tương lai chỉ là đón chờ việc cái đẹp đang biến đi và thế vào đó là sự dung tục, là nỗi buồn: “Này Kizuki, tôi nghĩ cậu chẳng lỡ làng cái quái gì đâu. Thế giới này là một bãi cứt. Lũ khốn kia đang được điểm tốt và sẽ tạo ra một xã hội theo hình ảnh ghê tởm của chính chúng”. Các nhân vật của Murakami đã đưa quá khứ lên bệ thờ. Vì vậy, họ thấy hiện tại như cái gì đó quái dị. Bởi thế, quá khứ trong Rừng Nauy trùm lên hiện tại, ám ảnh hiện tại, khống chế hiện tại. Nhân vật sống với quá khứ, chịu đựng hiện tại  hi vọng trong một tương lai bấp bênh, vô định.

Theo E.Fromm, con người muốn thoát khỏi cô đơn không còn cách nào khác là phải hợp nhất với người khác. Và con đường hữu hiệu nhất là tình yêu. Với E.Fromm “Tình yêu là một quyền năng chủ động trong con người; quyền năng chọc thủng những bức tường ngăn cách người với người, hợp nhất mình với kẻ khác, tình yêu khiến mình vượt qua được ý vị cô lập và li cách nhưng nó cho phép mình là mình, giữ lại sự toàn vẹn của mình”. Triết gia hiện sinh Kierkegaard cũng đã viết: “Nơi nào có tình yêu, nơi đó hết cô đơn”. Trong Rừng Nauy, chủ đề tình yêu đan bện chặt chẽ với chủ đề về sự cô đơn, cô độc của con người. Đồng thời, với Murakami, tình yêu không hề chỉ là một ý niệm kiểu Platon mà nó gắn bó chặt chẽ với khao khát hòa hợp thể xác và tâm hồn. Như S.Freud đã khẳng định: gốc rễ của mọi hành vi con người là lòng ham muốn tính dục, là sự giải phóng dục năng. Cho nên, có thể nói trong tình yêu, tình dục là biểu hiện cao nhất của cảm xúc yêu thương. Vì vậy, chúng ta mới hiểu vì sao Kizuki đã lựa chọn cái chết. Đối với nhân vật này, chỉ khi có sự hòa hợp thân xác với Naoko thì tình yêu của họ mới đích thực đạt đến trạng thái hài hòa, mới đi đến tuyệt đỉnh của hạnh phúc. Nhưng cả hai không bao giờ đi đến giới hạn tận cùng của tình yêu thương. Họ bị bất lực trong tình dục. Có thể nói tiểu thuyết Rừng Nauy đã được triển khai xung quanh sự cố này. Với các nhà văn như Murakami, tình dục bất lực là một biểu hiện của mỹ học tính dục hậu hiện đại (Hạt cơ bản – Michel Houellebecq, Biên niên kí chim vặn dây cót – H.Murakami). Thông qua sự bất lực tình dục của nhân vật, Murakami cũng đã chạm đến đáy nỗi cô đơn tận cùng của con người.

Nhân vật trong Rừng Nauy tìm đến tình yêu nhưng không sao thoát ra ngoài nỗi ám ảnh của quá khứ, cảm giác bất toàn trong tình yêu, bất lực trong tình dục và sự phức tạp đa đoan của cuộc đời. Murakami đã xây dựng hình ảnh giếng đồng như một biểu tượng nhằm chỉ tất cả những ám ảnh đó – những ám ảnh khiến con người cô đơn cô độc và bị li cách mãi mãi.

Cô đơn, nhân vật trong Rừng Nauy tìm đến tình dục, đơn giản vì “Thân thể tôi đói đàn bà”, vì “nhiều lúc tớ rất thèm mùi người ấm áp”. Đó là thứ tình dục bừa bãi, lang chạ, nhằm thỏa mãn nhu cầu bản năng vốn quá dễ dãi trong xã hội Nhật Bản những năm 60. Nagasawa gọi đây là những “cơ may”: “Nó đầy rẫy xung quanh. Làm sao có thể phớt lờ nó đi được” (tr 82). Nhân vật tự do buông thả quá trớn “sẵn sàng ngủ với bất kì người nào, bất kể là ai” (tr 161). Vì vậy, tình dục cuối cùng đã mất đi ý nghĩa vốn có, chỉ còn lại cảm giác trống rỗng: “trở về khu học xá với đầy những thất vọng và ghê tởm bản thân trong khi nắng sáng như dao đâm vào mắt, mồn miệng khô như ngậm cát, còn đầu óc thì như của ai khác vậy”. Nói như một nhà nghiên cứu văn học của Nga, Vitali Dagrôbennưi, thì yếu tố tình dục trong tác phẩm của Murakami hoàn toàn được đưa với liều lượng có chủ ý, trong một ý đồ nghệ thuật nhất quán của nhà văn: “những sự chung đụng thể xác không cứu vãn nổi tâm hồn của những con người cô đơn”. Murakami nhìn thấy mặt trái của lối sống buông thả, “trái tự nhiên” và phê phán nó nhưng cũng thấu hiểu sâu xa bản chất của quan hệ thân xác: “nếu tớ không có được cái ấm áp như của da thịt đàn bà, tớ thấy cô đơn đến mức không thể chịu nổi”. Dường như, đối với những ai còn trân trọng giá trị của tình yêu, tình dục vừa gần gũi, lại vừa thiêng liêng, cao cả. Với họ, những hành vi tình dục nhiều khi sẽ là “nói cho nhau biết rằng có những điều chỉ có thể nói bằng cách cọ xát hai khối thịt bất toàn như thế này. Làm như vậy chúng mình mới chia sẻ được những bất toàn của nhau”. Theo chúng tôi, đây là một kênh giao tiếp đặc biệt, cho phép các nhân vật của ông không chỉ thõa mãn nhu cầu bản năng trong điều kiện xã hội tồn tại một sự dễ dãi buông thả không giới hạn mà còn biểu hiện một nhu cầu thực có, giúp con người khỏa lấp nỗi cô đơn trống trải chưa bao giờ lại đầy ăm ắp như thế trong đời sống của mình. Đối với các nhân vật trong Rừng Nauy, nhiều khi đây là kênh duy nhất, là cách thức duy nhất để con người đạt đến sự hài hòa và bình an trong đời sống, như Toru đã làm với Naoko đêm sinh nhật lần thứ 20 của nàng. Đối với Murakami, cách ứng xử của con người trong tình dục trở thành một tiêu chuẩn đạo đức. Nó là nơi biểu hiện chất người trong con người. Bởi thế, trong truyện ngắn Người đàn ông băng, khi H.Murakami dùng biểu tượng người đàn ông băng để thể hiện cảm giác lạnh toát vô hồn trong khoảnh khắc ái ân đã cho thấy ý nghĩa cao cả của hành vi tình dục trong quan hệ con người. Nó là tấm gương soi sáng sự thiếu thốn của tình người, sự cô đơn, cô độc của nhân thế. Và đó cũng là những lí do để người đọc lí giải được vì sao có sự chung đụng thân xác giữa Toru và Reiko ở cuối tác phẩm. Trong hành vi này, mà sự miêu tả của Murakami khá chi tiết, chỉ làm tăng thêm tính người trong con người. Nó giúp con người dũng cảm hơn để đối diện với cái thực tại bất an, phức tạp, rối bời và phù vân xung quanh mình. Người ta không chỉ ngủ với nhau vì yêu nhau, người ta không chỉ làm tình vì khát thèm bản năng, người ta còn có thể ngủ với nhau khi là bạn. Ở đây, tình dục đã không còn nguyên nghĩa của một hành vi thỏa mãn bản năng. Tình dục đã trở thành một nghĩa cử hào hiệp giữa những người bạn tri âm, tri kỉ. Sự hài hòa tình dục đã kết nối hai thế giới: Thế giới xưa cũ, truyền thống và khép kín: nhà nghỉ Ami và thế giới hiện đại, phức tạp, đang biến động không ngừng: Nhật Bản hiện đại.

Trong các tác phẩm viết về chủ đề cô đơn như kịch phi lý, tiểu thuyết Nguyễn Bình Phương, một số truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài…, các nhà văn thường xây dựng những đối thoại trật khớp. Nhân vật như đang trong một cái “tháp Babel ”, ông nói gà, bà nói vịt, đối thoại mà như độc thoại nhằm thể hiện sự phi lý, sự cô đơn cô độc của con người. Đối thoại trong tiểu thuyết Rừng Nauykhông phải là những đối thoại trật khớp mà ta thường thấy. Nhà văn làm lộ diện trạng thái cô đơn của nhân vật thông qua những cuộc thoại mà nhân vật thường không có khả năng diễn đạt, luôn rơi vào tình trạng bấn loạn ngôn từ, thể hiện sự bất lực trong khả năng giao tiếp với xã hội hiện đại. Đó là các cuộc thoại giữa Toru và Quốc xã, Toru và Naoko, Toru – Nagasawa và Hatsumi… Chẳng hạn, nhân vật Quốc xã luôn lắp bắp với từ “bản đồ” – cũng là lí tưởng sống của anh ta; một nhân vật khác, Naoko, thì luôn rất khó khăn để tìm cách biểu cảm bằng lời nói. Có lẽ đây không phải là sự hoài nghi ngôn ngữ như các nhà viết kịch phi lý. Những lời lắp bắp ấy của Quốc xã cho thấy một sự thật là lí tưởng sống trong xã hội hiện đại Nhật Bản đã trở thành một cái gì đó không bình thường, không hiển nhiên, như là kí ức xa xưa, ẩn ức vô thức trỗi dậy và tìm đến kẻ phát ngôn kì quặc của nó. Với Naoko, nhân vật này bị một tha lực tước đoạt mất năng lực diễn đạt. Tha lực đó chính là sự áp chế đầy phi lý của cái quá khứ, cái đã xảy ra vớicái hiện tại đang xảy ra và nhất là với cái đã có thể xảy ra. Bởi vậy, kênh giao tiếp bằng lời đối thoại bị lung lay, nhân vật thường “trò chuyện nhát gừng”, trong ngôn từ thường trực một chữ NẾU. NẾU thế này, NẾU thế kia… hoặc là sự “im lặng” bởi “sợ cả việc phát âm ra”. Như một điều hiển nhiên, nhân vật tìm đến với kênh thư từ – một hệ thống chuyển mã mới từ ngôn ngữ nói sang ngôn ngữ viết. Nhưng với Naoko, “viết là một quá trình đau đớn”. Đó không phải là cách giao tiếp tự nhiên giữa con người – con người. Naoko đã tìm đến cái chết khi cô không thể tìm thấy khả năng nào có thể kết nối mình với thực tại, với Toru và những người thân yêu khác, khi trong tai cô không ngừng ong ong những âm thanh của bóng tối, của quá khứ, của cái chết.

Trong truyện ngắn Thuyền hàng đi Trung Quốc, nhà văn H.Murakami đã viết về trạng thái con người bị mất khả năng giao tiếp. Tất cả chỉ còn là sự im lặng và bóng tối. Đó sẽ là ngày tận thế, là điểm mút của thân phận con người cô đơn.

Thế giới Rừng Nauy thiếu vắng lí tưởng, thiếu vắng các giá trị truyền thống có khả năng dẫn dắt cuộc sống hiện tại, cũng không có mẫu hình tương lai nào khả dĩ làm điểm tựa; cái đẹp phải trôi dạt và tự hủy diệt; tàn bạo, dung tục lên ngôi, nhân vật trong Rừng Nauy hoang mang, họ cô đơn, cố gắng tìm cách tương thông với người khác trong tình bạn, tình yêu, tình dục mong tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi nhất. Nhưng cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Bế tắc, buồn chán, nhân vật tìm đến cái chết, đến rượu, đến sự hành xác và lang thang vô hướng, đến sự phá phách và thây kệ rất mù quáng, đến thái độ bất cần, bất hợp tác, li thân với ngoại giới; đến tiểu thuyết, âm nhạc, và cả phim ảnh. Nhưng cô đơn chỉ vợi đi chứ không biến mất. Nó như một thứ tội tổ tông cứ bám riết lấy các nhân vật, thành một khối đặc quánh bao vây họ, như một bầu khí quyển riêng của Rừng Nauy. Dẫu biết rằng cần phải làm khác đi để thoát khỏi bầu khí quyển đặc quánh ấy như Naoko và Reiko đã nói: “Đây có lẽ là việc chúng ta nên làm: hãy tìm cách hiểu nhau hơn”. Nhưng đã không ai hoàn toàn vượt khỏi cái ngãcủa mình để hòa nhập thực sự với người khác.

Cô đơn trong Rừng Nauy là cảm giác mang tính thời đại. Cảm giác ấy được khơi gợi từ chính nhan đề của tiểu thuyết. Tên tiểu thuyết trùng với tên bài hát Rừng Nauy của nhóm Beatles, là bài hát nổi tiếng và rất phổ biến những năm 60 – 70 trên phạm vi cả thế giới. Nó được các nhân vật thanh niên trong tiểu thuyết này yêu thích đặc biệt. Nó gọi hồi ức, nó gợi kỷ niệm, nó tạo hưng phấn cho các nhân vật. Họ nghe nó thật trịnh trọng, như nghe lễ ca. Đặc biệt, mỗi lần nghe bài hát này, Naoko luôn cảm thấy chính nó đã vẻ nên số phận bất hạnh của mình: “Bài hát có thể làm cho mình thật buồn”, “mình tưởng tượng như đang lang thang trong một khu rừng sâu. Mình chỉ có một mình và trời thì lạnh và tối, và chẳng có ai đến cứu mình”. Về sau, chính Naoko tìm đến cái chết trong một khu rừng hoang vắng, trong cô độc hoàn toàn. Bởi vậy, tên tiểu thuyết là Rừng Nauy, đâu chỉ thuần tuý là tên một bài hát. Nó còn là tên một nỗi ám ảnh về sự cô độc nơi phương xa xứ lạ. Là tên một dự báo buồn mang tính thời đại, cũng là tên của những khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi, chóng vánh như nội dung của ca từ: “Tôi từng có một cô gái…”.

Rừng Nauy là một best seller, nhưng thời gian đã chứng tỏ nó là một tiểu thuyết tuyệt vời về tình yêu, về nỗi cô đơn, về những nhịp đập của thời đại. Tác giả của nó thật xứng đáng với lời khen tặng: “Murakami là một trong những tiểu thuyết gia tinh tế nhất thế giới” (Glasgow Herald).

N.V.T
(242/04-09)

http://tapchisonghuong.com.vn/tap-chi/c156/n2031/Ve-con-nguoi-co-don-trong-tieu-thuyet-Rung-Nauy-cua-Haruki-Murakami.html

You Might Also Like