Browsing Tag

James Weldon Johnson

Literature Văn học Mỹ

PHÁC THẢO VĂN HỌC MỸ – Chương 5: Sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực thời kỳ 1860-1914

 

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865) giữa miền Bắc công nghiệp và miền Nam nông nghiệp chiếm hữu nô lệ là một bước ngoặt lịch sử Mỹ. Sau chiến tranh, sự lạc quan ngây thơ của một quốc gia dân chủ non trẻ nhường bước cho một thời kỳ kiệt quệ. Chủ nghĩa lý tưởng Mỹ vẫn tồn tại nhưng đã rẽ sang một hướng khác. Trước cuộc Nội chiến, những người theo lý tưởng chủ nghĩa đã giành vòng nguyệt quế về nhân quyền, đặc biệt là việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Sau chiến tranh, người Mỹ lại càng lý tưởng hóa về sự tiến bộ và con người tự lập. Đây là kỷ nguyên của những nhà sản xuất và đầu cơ triệu phú, khi mà thuyết tiến hóa của Darwin và “quy luật về sự đấu tranh sinh tồn” của ông dường như là sự phê chuẩn cho những biện pháp đôi khi trái với luân thường đạo lý của các ông trùm kinh doanh.

Thương mại bùng nổ sau chiến tranh. Ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh đã đẩy nền công nghiệp ở phương Bắc đi lên và mang đến cho nó uy tín và quyền lực chính trị. Nó cũng mang lại cho những người lãnh đạo công nghiệp kinh nghiệm quý giá trong quản lý con người và máy móc. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ – sắt, than đá, dầu lửa, vàng và bạc – của đất Mỹ mang lợi nhuận đến cho các ngành kinh doanh. Hệ thống xe lửa liên lục địa mới, khánh thành năm 1869, và hệ thống điện tín xuyên lục địa bắt đầu hoạt động năm 1861, cung cấp cho nền công nghiệp nguyên vật liệu thị trường và thông tin. Dòng người nhập cư chảy vào liên tục cũng mang lại nguồn cung ứng lao động rẻ mạt có vẻ như vô tận. Hơn 23 triệu người nước ngoài – người Đức, người Scandinavia và người Ireland trong những năm đầu, và rồi sau đó người Trung Âu và Nam Âu liên tục đổ vào nước Mỹ khoảng giữa 1860 và 1910. Những công nhân hợp đồng người Hoa, Nhật và Philippines cũng được các chủ đồn điền ở Hawaii, các công ty xe lửa, và các tập đoàn kinh doanh khác của Mỹ ở vùng bờ biển phía tây nhập cư vào Mỹ.

Vào năm 1860, hầu hết dân Mỹ sống trong những trang trại hay trong những làng nhỏ, nhưng khoảng trước 1919 nửa dân số tập trung vào khoảng 12 đô thị. Những vấn đề của việc đô thị hóa và công nghiệp hóa xuất hiện: nghèo đói và nhà ở quá chật chội, điều kiện sống kém vệ sinh, lương thấp (được gọi là “nô lệ ăn lương”), điều kiện làm việc khó khăn và những kềm hãm không phù hợp với hoạt động kinh doanh. Những nghiệp đoàn lao động phát triển và các cuộc đình công làm cả nước nhận thức được tình cảnh khốn khó của người lao động. Nông dân cũng tham gia đấu tranh chống lại “những tập đoàn tài chính” của miền Đông, những kẻ được gọi là những ông vua ăn cướp như J.P Morgan và John D. Rockefeller. Những ngân hàng ở miền Đông của họ kiểm soát chặt chẽ những tài sản thế chấp và tín dụng thiết yếu cho sự phát triển và nền nông nghiệp ở miền Tây, trong khi các công ty xe lửa tính giá vận chuyển nông sản ra thành phố rất cao. Nông dân dần dần trở thành một đối tượng lố bịch, bị chế giễu như là một anh chàng “quỷnh”, một anh nhà quê thô kệch. Người Mỹ lý tưởng của thời kỳ sau Nội chiến chính là những nhà triệu phú. Nếu vào năm 1860, có không đến 100 người là triệu phú; thì vào khoảng 1875, đã có hơn 1.000 người.

Từ năm 1860 đến 1914, Hoa Kỳ đã biến đổi từ một cựu thuộc địa nông nghiệp, non trẻ, nhỏ bé trở thành một đất nước công nghiệp, hiện đại, khổng lồ. Từ một đất nước vay nợ vào năm 1860, vào khoảng trước năm 1914 nó trở thành một quốc gia giàu có nhất thế giới, với một số dân tăng hơn gấp đôi, từ 31 triệu trong năm 1860 đến 76 triệu trong năm 1900. Trước Thế chiến thứ I, Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc chính trên thế giới.

Khi nền công nghiệp hóa phát triển, sự tha hóa bắt đầu. Những cuốn tiểu thuyết đặc trưng Mỹ của thời Kỳ đó là: Maggie – A Girl of the Streets(Maggie, cô gái điếm) của Stephen Crane, Martin Eden của Jack London và sau này An American Tragedy (Một bi kịch Mỹ) của Theodore Dreiser – đã đặc tả những tổn thất của nền kinh tế và sự tha hóa của mỗi cá nhân yếu ớt và dễ bị tổn thương. Những kẻ sống sót, như Huck Finn của Twain, Humphrey Vanderveyden trong The Sea-Wolf (Hải tặc sói biển) của London và dì Carrie cơ hội chủ nghĩa của Dreiser, chịu đựng được khó khăn nhờ sức mạnh bên trong như lòng tốt, sự linh hoạt mềm dẻo và trên hết là tính cách cá nhân.

Samuel Clemens (Mark Twain)
(1835 – 1910) 

Samuel Clemens nổi tiếng với bút danh Mark Twain, lớn lên ở thị trấn biên giới Hannibal bên sông Mississippi bang Missouri. Câu nói nổi tiếng của Ernest Hemingway: tất cả nền văn học Mỹ xuất phát từ một cuốn sách vĩ đại, cuốn Adventures of Huckleberry Finn (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) của Twain, cho thấy vị trí cao vời vợi của nhà văn này trong truyền thống văn học. Đầu thế kỷ 19, nhiều nhà văn Mỹ có khuynh hướng quá hoa Mỹ, quá duy cảm, hoặc quá khoa trương – một phần vì họ vẫn nỗ lực chứng tỏ mình cũng có thể viết sang trọng như người Anh. Phong cách của Twain, trái lại dựa trên tiếng Mỹ bình dân, sống động, khỏe khoắn đã làm cho các nhà văn Mỹ có một cái nhìn mới, một sự trân trọng đối với tiếng nói dân tộc. Twain là nhà văn vĩ đại đầu tiên xuất thân từ vùng đất nội địa nước Mỹ và ông nắm bắt được thứ tiếng lóng khôi hài, độc đáo và tinh thần giải thiêng của xứ sở này([1]).

Đối với Twain và những tác giả Mỹ khác cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa hiện thực không thuần túy chỉ là một kỹ thuật văn học: nó là một cách nói lên sự thật và làm nổ tung những quy ước sáo mòn. Vì vậy nó tự do một cách sâu sắc và tiềm tàng sức mạnh phản kháng xã hội. Ví dụ nổi tiếng nhất là Huck Finn, một cậu bé nghèo quyết định đi theo tiếng nói của lương tâm và giúp đỡ một người nô lệ Da đen bỏ trốn tìm tự do, mặc dù Huck nghĩ rằng việc này có nghĩa là anh ta sẽ bị đày xuống địa ngục vì đã phá bỏ luật lệ.

Kiệt tác này của Twain, xuất hiện vào năm 1884, lấy bối cảnh ngôi làng St.Peterburg bên dòng sông Missippi. Huck là con trai của một gã lông bông nát rượu. Khi cậu vừa được một gia đình khả kính nhận làm con nuôi, thì cha cậu trong một cơn say điên loạn đã đe dọa giết cậu. Sợ mất mạng, Huck bỏ trốn, dựng lên cái chết giả của mình. Trên đường trốn chạy Huck gặp một kẻ bị ruồng bỏ, một nô lệ tên Jim. Chủ của anh, cô Watson đang nghĩ cách bán anh cho một vùng nô lệ khắc nghiệt hơn ở vùng hạ lưu sông Mississippi ở sâu dưới miền Nam. Huck và Jim trôi nổi trên một cái bè xuôi dòng Mississippi hùng vĩ, rồi bị một con tàu chạy bằng hơi nước nhận chìm, lạc mất nhau và về sau gặp lại nhau. Họ trải qua những cuộc phiêu lưu trên bộ đầy bất trắc, tức cười, phản ánh tính nhiều mặt, lòng quảng đại, và đôi lúc sự phi lý tàn ác của xã hội. Cuối cùng, người ta khám phá ra rằng chính cô Watson đã trả tự do cho Jim và một gia đình đáng kính muốn đùm bọc cho chú bé Huck hoang dã. Nhưng Huck trở nên bực mình với Xã hội văn minh và dự định trốn thoát đến lãnh địa của người Da đỏ. Đoạn kết mang đến cho độc giả phiên bản trái ngược với huyền thoại cổ điển về thành công của nước Mỹ: đó là con đường rộng mở dẫn đến miền đất hoang dã chưa bị xâm phạm, cách xa những ảnh hưởng suy đồi đạo đức của cái gọi là “văn minh”. Tiểu thuyết của James Fenimore Cooper, những bài tụng ca về con đường rộng mở của Walt Whiman, The Bear (Con gấu) của William Faulkmer; và On the Road (Trên đường) của Jack Kerouac là những ví dụ văn học khác.

Huckleberry Finn mang lại nguồn cảm hứng cho vô số những lý giải văn chương. Rõ ràng cuốn tiểu thuyết là một câu chuyện về cái chết, sự tái sinh và sự khởi đầu. Người nô lệ bỏ trốn – Jim, trở thành một người cha tinh thần đối với Huck. Khi quyết định cứu Jim, Huck, về mặt đạo đức, đã vượt ra khỏi những ràng buộc của xã hội chiếm hữu nô lệ. Chính những cuộc phiêu lưu của Jim đã dẫn dắt Huck làm cho anh thấu hiểu sự phức tạp của bản chất con người và cho anh lòng can đảm.

Cuốn tiểu thuyết cũng kịch hóa lý tưởng của Twain về một cộng đồng hòa hợp “Cái anh muốn, hơn tất cả mọi thứ trên đời lúc ở trên bè là làm cho mọi người hài lòng, cảm thấy mình đúng đắn và tử tế với người khác”. Cũng như con tàu Pequod của Melville, cái bè đã bị chìm, cùng với nó là cái xã hội đặc biệt ấy. Cái thế giới đơn giản, trong lành trên chiếc bè cuối cùng cũng bị nhận chìm bởi sự tiến bộ – con tàu chạy bằng hơi nước – nhưng hình ảnh huyền diệu của con sông vẫn còn ở lại, cũng mênh mông và thay đổi như chính cuộc đời.

Cái quan hệ không bền vững giữa thực tế và ảo tưởng là chủ đề mang tính cách Twain, là cái điều cơ bản lớn lao trong óc khôi hài của ông. Hình ảnh con sông hùng vĩ nhưng đầy cạm bẫy, luôn luôn thay đổi cũng là nét chính trong bức tranh phong cảnh giàu tưởng tượng của ông. Trong Life of the Mississippi (cuộc sống trên dòng sông Mississippi) Twain nhớ lại lúc ông được huấn luyện làm hoa tiêu trên tàu hơi nước, ông đã viết: “Giờ tôi đi làm để nắm được địa thế của con sông. Tôi cố chú tâm và cố gắng điều khiển những gì luôn trôi nổi, khó nắm bắt và đấy là những điều chính yếu”.

Ý thức đạo đức của Twain với tư cách là một nhà văn là âm vang của cái trách nhiệm hoa tiêu của ông lái con tàu đến nơi an toàn. Bút hiệu của Samuel Clemens, “Mark Twain”, là cụm từ mà các thủy thủ trên sông Mississippi dùng để chỉ 2 122 123 sải nước (3,6 mét) là độ sâu cần thiết cho tàu đi an toàn. Mục đích nghiêm túc của Twain, kết hợp với văn óc trào lộng của một thiên tài hiếm có, giữ cho các tác phẩm của ông còn nguyên vẻ tươi trẻ và hấp dẫn.

VĂN HỌC HIỆN THỰC VÀ TRÀO PHÚNG VÙNG BIÊN THÙY

Hai trào lưu văn học chủ yếu ở Mỹ thế kỷ 19 hòa quyện trong Mark Twain đó là trào lưu khôi hài vùng biên cương và văn học mang màu sắc địa phương, hay “văn học địa phương”. Những dòng văn học có quan hệ với nhau này được bắt đầu vào những năm của thế kỷ trước – nhưng đã có mầm mống sớm hơn từ những truyền thồng văn chương truyền miệng của địa phương. Trong những ngôi làng tồi tàn ở biên giới, trên những chiếc tàu chạy đường sông, trong những lều trại ở vùng mỏ và quanh đống lửa trại của những chàng chăn bò cách biệt với những thú vui đô thị, nghệ thuật kể chuyện này bắt rễ và đơm hoa rực rỡ. Sự cường điệu, những truyện tiếu lâm, những lời khoác lác không thể tin được và những nhân vật lao động ngộ nghĩnh đem lại sức sống cho văn học vùng biên giới. Những hình thức trào phúng này được tìm thấy ở nhiều vùng biên thùy (bây giờ là vùng Nam nội địa và hạ Trung Tây), vùng mỏ biên giới và vùng bờ biển Thái Bình Dương. Mỗi vùng có riêng những nhân vật đặc biệt, thú vị và nhiều câu chuyện được góp nhặt về họ: Mike Fink, một người ưa lý sự trên những con tàu xuôi ngược dòng Mississippi; Casey Jones, kỹ sư xe lửa quả cảm; John Henry, người Mỹ Phi châu – một tay lái vững vàng như thép; Paul Bunyan, người thợ xẻ khổng lồ mà tên tuổi được quảng cáo khắp nơi; những người miền Tây như Kit Carson, một chiến binh người Da đỏ, và Davy Crocket, người hướng đạo. Những chiến công phi thường của họ được cường điệu và làm phong phú thêm những khúc ballad, trên các trang báo và tạp chí. Đôi lúc, như với Kit Carson và DaVy Crockett, những câu chuyện này được kết nối lại với nhau thành sách.

Twain, Faulkner, và nhiều nhà văn khác, đặc biệt là người miền Nam đều chịu ơn sâu sắc những cây viết hài thời trước Nội chiến ở vùng biên thùy như Johson Hooper, George Washington Harris, Augustus Longstreet, Thomas Bangs Thorpe và Joseph Baldwin. Từ những nhà văn này và dân cư vùng biên giới rộ lên một sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng những từ đặc Mỹ vừa mới, vừa ngộ nghĩnh: “absquatulate” (ra đi), “Flabbergasted” (kỳ lạ), “rampagious” (bất trị, tàn bạo). Những người khoác lác ở địa phương, hay là “những kẻ ầm ĩ có đuôi kêu”, kẻ một mực khẳng định rằng mình là nửa ngựa, nửa cá sấu, tất cả là để nhấn mạnh cái nguồn lực vô hạn của vùng biên giới. Họ lấy thêm sức mạnh từ những hiểm họa của thiên nhiên có thể làm cho người yếu bóng vía kinh sợ. “Tôi là một cơn lốc thực sự, một người khoác lác nói, cứng rắn như gỗ hồ đào và dai như gió Tây Bắc. Tôi có cú đấm thôi sơn và quét một cú có thể bạt đi một đám đông để lại một khoảng trống một hecta”.

CÁC NHÀ VĂN THUỘC TRÀO LƯU VĂN HỌC ĐỊA PHƯƠNG

Cũng như văn học trào phúng phổ biến ở vùng biên cương, dòng văn học mang màu sắc của từng miền cũng có những gốc rễ xa xưa nhưng chỉ cho ra đời những tác phẩm hay nhất một thời gian dài sau Nội chiến. Hiển nhiên, nhiều tác giả thời tiền chiến, từ Henry David Thoreau và Nathaniel Hawthorne cho đến John Greenleaf Whittier và James Russell Lowell, vẽ nên những bức chân dung nổi bật về nhiều vùng đất đặc biệt của Mỹ. Nhưng điều phân biệt các nhà văn địa phương với các bật tiền bối là sự tự ý thức và mối quan tâm đặc biệt đến việc thể hiện một nơi chốn nào đó với sự tả chân đầy ắp các sự kiện một cách chuẩn xác của họ.

Bret Harte (1836 – 1902) được mọi người nhớ đến như là tác giả của nhiều chuyện phiêu lưu như “The Luck of Roaring camp” (Vận may của một trại náo nhiệt) và “The Outcasts of Poker Flat (Những kẻ bị ruồng bỏ), lấy bối cảnh dọc theo vùng biên giới khai mỏ phía Tây. Là một nhà văn thành công vang dội đầu tiên của trường phái văn học mang sắc thái địa phương, Harte trong một thời gian ngắn có lẽ là tác giả nổi tiếng nhất ở Mỹ – sức hấp dẫn của những áng văn lãng mạn của miền Tây đầy tiếng súng của ông là thế. Là một nhà văn hiện thực đích thực, ông là một trong những người đầu tiên đưa những con người dưới đáy xã hội – những gã đánh bạc gian manh, những ả điếm diêm dúa, và những tên cướp thô lỗ – vào trong tác phẩm văn học nghiêm túc. Ông làm điều này rất thành công (giống như Charles Dickens ở Anh, người cũng rất mực ngưỡng mộ tác phẩm của Harte) bằng cách chứng minh rằng rốt cuộc trong số những con người có vẻ như cặn bã này cũng có những tấm lòng vàng.

Nhiều nhà văn nữ được độc giả nhớ đến vì những bức tranh mô tả vùng New England hết sức tinh tế của họ: Mary Wilkins Freeman (1852 – 1930), Harriet Beecher Stowe (1811 – 1896) và đặc biệt Sarah Orne Jewett (1849 – 1909). Sự độc đáo quan sát tinh tế và chuẩn xác về con người và cảnh vật vùng Maine và văn phòng trực cảm của Jeweett được thể hiện đậm nét trong truyện “The White Heron” (Con diệc trắng) trong tuyển tập Country of the Poited Firs (Quê hương những ngọn thông cao) (1896). Các tác phẩm đậm nét địa phương của Harriet Beecher Stowe đặc biệt là The Pearl of Orrs Island (Viên ngọc của đảo Orr – 1862) khắc họa những làng đánh cá bình dị ở Maine, đã có ảnh hưởng lớn đến Jewett. Những nhà văn nữ thế kỷ 19 đã tạo nên một thế giới riêng của họ với những ảnh hưởng và nâng đỡ về mặt đạo lý như có thể thấy trong những lá thư của họ. Phụ nữ trở thành giới độc giả chủ yếu của tiểu thuyết và nhiều phụ nữ còn viết những cuốn truyện, những bài thơ và những truyện cười rất nổi tiếng.

Mọi vùng trong đất nước tự ca ngợi chính mình trong các sáng tác văn học mang màu sắc địa phương. Một số tác phẩm thuộc loại này còn có cả nội dung phản kháng, chống đối mang tính xã hội, đặc biệt vào gần cuối thế kỷ khi mà sự bất bình đẳng xã hội và khó khăn về kinh tế trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Nạn phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giữa nam-nữ xuất hiện trong tác phẩm của các tác giả miền Nam như George Washington Cable (1844 – 1925) và Katee Chopin (1851 – 1904). Các tác phẩm đầy sức mạnh tố cáo của họ lấy bối cảnh ở Cajun (bang Lousiana thuộc địa của Pháp) đã bứt phá vượt lên trên dòng văn học mang sắc thái địa phương. Cuốn tiểu thuyết The Grandissimes (1880) của Cable bàn đến nạn phân biệt chủng tộc với một nghệ thuật tuyệt vời; cũng như tiểu thuyết táo bạo The Awakening (Bừng tỉnh – 1899) của Kate Chopin, về một phụ nữ với một nỗ lực định mệnh quyết tìm kiếm cho được bản thân mình qua nỗi đam mê, tác phẩm này đã đi trước thời đại. Trong The Awakening, một người đàn bà trẻ có một người chồng thành đạt, hết mực chiều chuộng vợ và những đứa con dễ thương đã từ bỏ gia đình, tiền bạc, địa vị xã hội, và cuối cùng chính cuộc đời mình để theo đuổi sự nhận chân về bản thân. Những cảnh tượng đầy chất thơ và hết sức gợi cảm về biển và chim chóc (bị nhốt trong lồng hay được tự do) và nhạc tính đã tạo cho cuốn tiểu thuyết ngắn này một sự phức tạp và mức độ sâu sắc không ngờ.

Thường đi đôi với The Awakening là câu chuyện thú vị “The Yellow Wallpaper” (Giấy dán tường màu vàng – 1892) của Charlotte Perkins Gilman (1860 – 1935). Cả hai tác phẩm đều bị lãng quên một thời gian dài, chỉ được các nhà phê bình văn học ủng hộ quyền phụ nữ khám phá ra vào cuối thế kỷ 20. Trong câu chuyện của Gilman, một bác sĩ ra vẻ khiêm nhường đã làm cho vợ mình phát điên vì nhốt bà vào trong căn phòng để “chữa” cho bà khỏi bệnh suy nhược thần kinh. Người vợ bị giam cầm này phản chiếu cuộc đời tù tội của mình lên tấm giấy dán tường; trong hình trang trí của nó, bà nhìn thấy những người phụ nữ bị giam cầm đang bò lê la sau những song sắt.

VĂN HỌC HIỆN THỰC VÙNG TRUNG TÂY

Trong nhiều năm làm chủ bút tạp chí Atlantic Monthly, William Dean Howells (1837 1920) đã xuất bản các tác phẩm mang phong cách hiện thực địa phương của Bret Harte, Mark Twain, George Washington Cable và những người khác. Ông còn là nhà văn hàng đầu của chủ nghĩa hiện thực và các tiểu thuyết của ông như A Modern Instance (Một trường hợp thời nay – 1882), The Rise of Silas Lapham (Sự thành công của Silas Lapham – 1885) và A Hazard of New Fotunes (Hiểm họa của vận hội mới – 1890), đan kết một cách cẩn thận những hiện trạng xã hội với cảm xúc của lớp người Mỹ trung lưu bình thường.

Lấy tình yêu, tham vọng, chủ nghĩa lý tưởng và sự cám dỗ những động lực cho các nhân vật của mình, Howells nhận thức một cách sắc sảo về sự băng hoại đạo đức của những nhà tài phiệt kinh doanh trong thời đại hoàng kim của thập niên 70, cuốn The Rise of Silas Lapham của HoWell dùng một tựa đề mỉa mai để xoáy sâu vào điểm này. Silas Lapham làm giàu bằng cách lừa lọc một người bạn kinh doanh già và hành động vô đạo đức của ông đã xáo trộn gia đình ông một cách sâu sắc, mặc dầu trong nhiều năm ông không nhận thức được hành động xấu xa của mình. Cuối cùng Lapham chuộc lại lỗi lầm bằng giải pháp hợp đạo lý, thà chịu phá sản hơn là thành đạt vô đạo. Silas Lapham cũng giống như Huckleberry Finn, là một câu chuyện về sự thất bại: công việc kinh doanh của Silas Lapham sụp đổ là sự lên ngôi về mặt đạo đức của ông. Vào giai đoạn cuối đời, Howells cũng như Twain, ngày càng trở nên tích cực hoạt động cho những lý tưởng chính trị, bảo vệ quyền của những người tổ chức nghiệp đoàn lao động và lên án chủ nghĩa thực dân của Mỹ ở Philippines.

CÁC NHÀ VĂN THEO QUAN ĐIỂM THẾ GIỚI CHỦ NGHĨA

Henry James
(1843 – 1916)

Henry James từng viết rằng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật văn chương, “tạo ra cuộc sống, tạo ra mối quan tâm, tạo ra sự quan trọng”. Tiểu thuyết và sự nghiệp phê bình của James là những tác phẩm khó nhất, phức tạp nhất và tỉnh táo nhất trong thời kỳ đó. Cùng với Mark Twain, James thường được xếp vào hàng ngũ những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của Mỹ vào nửa sau thế kỷ 19.

James nổi tiếng về “đề tài quốc tế” của mình – đó là mối quan hệ phức tạp giữa những người Mỹ ngây thơ và những người châu Âu có tư tưởng quốc tế. Những cuốn sách mà tác giả viết tiểu sử của ông là Leon Edel cho rằng thuộc vào giai đoạn đầu tiên, hay “giai đoạn quốc tế” của James bao gồm những tác phẩm Transatlantic Sketches (Những phác thảo xuyên Đại Tây Dương) gồm Những bài du ký (1875), The American (Người Mỹ) (1877),Daisy Miller (1879) và một kiệt tác, cuốn The Portrait of a Lady (Chân dung một mệnh phụ) (1881). Trong cuốn The American chẳng hạn, Christopher Neuman, một kỹ nghệ gia triệu phú tự lập thân, ngây thơ nhưng thông minh và lý tưởng, đi châu Âu tìm kiếm một ý trung nhân. Khi gia đình cô cự tuyệt vì ông thiếu một nguồn gốc quý tộc, ông lại có cơ hội để rửa hận cho mình khi quyết định không trả thù, ông đã chứng tỏ được sự hơn hẳn về mặt đạo đức của mình.

Thời kỳ sáng tác thứ hai của James là thời kỳ thử nghiệm. Ông khai thác những đề tài mới mẻ – phong trào nữ quyền và cải cách xã hội trong The Bostonians (Người Boston – 1886) và mưu đồ chính trị trong The Princess Casamassima (Công chúa Casamassima – 1886). Ông cũng cố gắng viết cho sân khấu, nhưng thất bại. Vở kịch Guy Domville (1895) bị la ó phản đối ngay đêm công diễn đầu tiên.

Vào giai đoạn thứ ba, hay “giai đoạn chủ yếu” của ông, James trở lại những đề tài quốc tế, nhưng xử lý chúng với sự nghiên cứu tâm lý sâu sắc và tính nghệ thuật được nâng cao. Cuốn The Wings of the Dove (Đôi cánh chim câu – 1902) rất phức tạp và hầu như huyền bí, The Ambassador (Ngài đại sứ – 1903) (mà James cho là cuốn tiểu thuyết hay nhất của mình) và The Golden Bow (Cái tô bằng vàng – 1904) ghi dấu giai đoạn quan trọng này. Nếu chủ đề chính của Twain là các hiện tượng cuộc sống và thế giới hiện thực, thì điều quan tâm thường xuyên của James là tri giác. Với James, chỉ có sự tự nhận thức về mình và tri giác rõ ràng về người khác mới mang lại sự khôn ngoan và một tình yêu vị tha. Trong khi James phát triển luận điểm này, tiểu thuyết của ông càng mang đậm tính chất tâm lý hơn và ít quan tâm đến những sự cố bên ngoài hơn. Trong tác phẩm sau này của James, những sự kiện quan trọng nhất đều mang tính cách tâm lý – thường là những khoảnh khắc giác ngộ thực sự cho phép những nhân vật thấy được sự mê lầm trước đây của mình. Ví dụ, trong The Ambassador, ông Lambert Strether đã luống tuổi nhưng sống rất lý tưởng khám phá một quan hệ yêu đương bí mật và cũng đồng thời phát hiện ra sự phức tạp mới mẻ trong đời sống nội tâm của mình. Sự cứng rắn, cương trực và đạo đức của ông trở nên người hơn và rộng lớn hơn khi ông thấy mình có khả năng chấp nhận những người đã sa ngã, phạm tội.

Edith Wharton
(1862 – 1937) 

Cũng như James, Edith Wharton có một quãng đời lớn lên ở châu Âu và cuối cùng chọn nó làm chốn dung thân. Bà xuất thân từ một gia đình giàu có, danh giá trong xã hội New York và tận mắt nhìn thấy sự suy vong của tầng lớp xã hội văn minh này. Cùng lọt vào tầm mắt của bà là sự phất lên của những gia đình kinh doanh, trưởng giả vừa học đòi vừa thô bạo. Sự chuyển đổi xã hội này là bối cảnh trong nhiều cuốn tiểu thuyết của bà.

Cũng như James, Wharton nêu ra những tương phản giữa người Mỹ và người Âu. Điều cốt lõi trong mối quan tâm của bà là cái hố sâu ngăn cách giữa thực trạng xã hội và bản ngã bên trong của mỗi người. Thường thì một nhân vật nhạy cảm thấy mình bị mắc kẹt giữa những con người vô cảm hoặc là các thế lực xã hội. Bản thân Edith Wharton đã trải qua kinh nghiệm về cái bẫy đó khi còn là một nhà văn trẻ. Bà đã phải chịu đựng một sự suy sụp tinh thần kéo dài phần nào bởi sự giằng co giữa vai trò làm nhà văn và làm vợ của bà. Những cuốn tiểu thuyết hay nhất của Wharton có The House of Mirth (Ngôi nhà của niềm vui – 1905), The Custom of the Country(Tập tục địa phương – 1913), Summer (Mùa hè – 1917), The Age of Innocence (Thời thơ ngây – 1920), và cuốn tiểu thuyết ngắn được trau chuốt tuyệt vời Ethan Frome (1911).

VĂN HỌC TỰ NHIÊN VÀ HIỆN THỰC TRẦN TRỤI

Sự mổ xẻ những động cơ ám muội về tiền bạc và tính dục trong sáng tác của Wharton và James đã nối kết họ với những tác giả mà xét bề ngoài hình như hoàn toàn khác biệt: Stephen Crane, Jack London, Frank Norris, Theodore Dreiser và Upton Sinclair. Giống như những nhà văn có quan điểm thế giới chủ nghĩa, nhưng với độ xác thực cao hơn, những nhà văn tự nhiên chủ nghĩa này đã sử dụng cơ sở hiện thực để liên hệ giữa cá nhân với xã hội. Họ thường vạch ra những vấn đề xã hội và chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết Darwin và lý thuyết triết học có liên quan của chủ nghĩa định mệnh, xem cá nhân như những con cờ của những thế lực kinh tế – xã hội vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.

Chủ nghĩa tự nhiên thực chất là biểu hiện văn học của thuyết định mệnh. Kết hợp với sự mô tả chân thực, lạnh lùng cuộc sống của tầng lớp hạ lưu, thuyết định mệnh chối bỏ tôn giáo như là một sức mạnh thúc đẩy trên thế giới và thay vào đó quan niệm thế giới như là một cỗ máy. Các nhà tư tưởng Ánh sáng thế kỷ 18 cũng tưởng tượng thế giới là một cỗ máy, nhưng là một cỗ máy hoàn hảo, do Thượng đế tạo nên và dẫn đường đến sự tiến bộ và sự cải thiện nhân bản. Các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa trái lại cho rằng thế giới là một cỗ máy mù quáng, chẳng có gì là thiêng liêng và vượt ra ngoài sự kiểm soát.

Nhà sử học Mỹ thế kỷ 19 Henry Adams xây dựng nên một lý thuyết chi tiết về lịch sử có liên hệ đến ý tưởng một cỗ máy phát điện, hay sức mạnh máy móc và một sự chuyển hóa năng lượng hoặc sự suy sụp của sức mạnh này. Adams không nhìn thấy những tiến bộ xã hội, ông chỉ nhìn thấy sự đi xuống không thể tránh khỏi của xã hội loài người.

Stephen Crane, con trai của một mục sư, trình bày sự đánh mất Thượng đế một cách cô đọng nhất:

Một người nói với vũ trụ:
“Thưa ngài, tôi tồn tại!”
“Tuy nhiên”, vũ trụ đáp lời
“Sự kiện đã không tạo nên trong ta
Một ý thức bổn phận”.

Giống như chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa Tự nhiên xuất hiện đầu tiên ở châu Âu. Nó thường được xem là xuất phát từ những tác phẩm của Honoré de Balzac vào thập niên 40 và được nhìn nhận như là một trào lưu văn học Pháp gắn liền với tên tuổi Gustave Flaubert, Edmond và Jules Goncourt, Émile Zola và Guy de Maupassant. Nó mạnh dạn phơi trần mặt trái bị che khuất của xã hội và những đề tài như ly dị, tình dục, ngoại tình, khốn cùng và tội ác.

Chủ nghĩa Tự nhiên nở rộ khi người Mỹ bắt đầu công cuộc đô thị hóa và nhận thức được tầm quan trọng của các thế lực kinh tế và xã hội rộng lớn. Vào trước 1890, các cửa ngõ biên giới được công bố chính thức đóng cửa. Hầu hết người Mỹ sống ở các thành phố, và việc kinh doanh có vai trò thống trị ngay cả ở những vùng thôn quê xa xôi, hẻo lánh.

Stephen Crane
(1817 -1900) 

Stephen Crane sinh ở Jersey. Tổ tiên của ông có lẽ là một trong những chiến sĩ của cuộc chiến tranh Cách mạng, những mục sư, những cảnh sát trưởng, những quan tòa, và nông dân đã sống trước đó một thế kỷ. Lập nghiệp là một phóng viên, ông cũng viết tiểu thuyết, tiểu luận, thơ và kịch. Crane nhìn cuộc đời ở dạng thô thiển trần trụi nhất, ở trong những khu nhà ổ chuột về trên chiến trường. Những truyện ngắn của ông – đặc biệt “The Open Boat” (Con thuyền), “The Blue Hotel” (Khách sạn màu xanh da trời) và “The Bride Comes to Yellow Sky” (Cô dâu đến Yellow Sky[2]) – là những ví dụ cho thể loại đó. Cuốn tiểu thuyết không thể nào quên về Nội chiến,The Red Badge of Courage (huy hiệu đỏ anh dũng) được nhiệt liệt hoan nghênh khi xuất bản năm 1895, nhưng ông không có được thời gian để tắm mình trong vinh quang trước khi chết ở tuổi 29, vì quá khinh suất trong việc giữ gìn sức khỏe. Ông hầu như bị lãng quên suốt trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20, nhưng lại được dựng tượng qua một tiểu sử ngợi ca do Thomes Beer viết năm 1923. Kể từ đó, ông càng ngày càng trở nên nổi tiếng như là một người bênh vực quyền lợi quần chúng, một nhà văn hiện thực và tượng trưng chủ nghĩa.

Tác phẩm Maggie – A Girl of the Streets (Maggie – Cô gái điếm – 1893) của Crane là một trong những tác phẩm hay nhất nếu không phải là sớm nhất của chủ nghĩa tự nhiên Mỹ. Đây là câu chuyện đau lòng về một cô gái trẻ đã nghèo lại nhạy cảm, xuất thân từ một gia đình mạt hạng, bố mẹ rượu chè, vô học, hoàn toàn ruồng bỏ cô. Yêu và nóng lòng muốn trốn thoát không khí địa ngục gia đình, cô đã bị một gã đàn ông trẻ dụ dỗ về sống với mình, sau đó chẳng bao lâu gã lại bỏ rơi cô. Khi mà ngay cả người mẹ tự cho mình là đứng đắn cũng chối bỏ cô, thì Maggie chỉ còn cách trở thành một cô gái đứng đường để nuôi thân, nhưng chẳng bao lâu cô tự tử vì tuyệt vọng. Đề tài và chất liệu hoàn toàn trần tục kết hợp với văn phong khoa học, khách quan, không răn dạy đạo đức, đã đánh dấu Maggie là một tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa.

Jack London
(1876 – 1916) 

Từ công nhân nghèo, tự học ở California, nhà văn của chủ nghĩa tự nhiên Jack London đã có một cú nhảy ngoạn mục từ cảnh cơ hàn bước lên đài danh vọng bởi tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của mình, The Son of the Wolf (Đứa con của Sói – 1904), phần lớn bối cảnh là ở vùng Klondike ở Alaska và Yukon ở Canada. Những cuốn sách bán chạy khác của ông gồmThe Call of the Wild (Tiếng gọi nơi hoang dã – 1903) và The Sea-Wolf (Hải tặc sói biển – 1904), khiến ông trở thành nhà văn được trả nhuận bút cao nhất ở Hoa Kỳ vào thời đó.

Cuốn tiểu thuyết mang tính cách tự thuật Martin Eden (1909) miêu tả những căng thẳng nội tại của “giấc mơ Mỹ” mà bản thân London đã trải qua khi ông như một vì sao từ nghèo khổ tối tăm bay đến chỗ giàu sang và danh tiếng. Eden, một thủy thủ nghèo mạt rệp, không được học hành nhưng thông minh và ham hiểu biết, quyết tâm trở thành nhà văn. Cuối cùng tác phẩm của anh làm cho anh trở nên giàu có và nổi tiếng, nhưng cũng chính lúc đó Eden nhận ra rằng người con gái mà anh yêu chỉ quan tâm đến tiền bạc và danh tiếng của anh mà thôi. Sự vỡ mộng trong tình yêu vì người trong mộng của mình hoàn toàn không có khả năng yêu thương đã làm cho anh mất luôn lòng tin vào phẩm giá con người. Anh cũng là nạn nhân của sự tha hóa giai cấp, vì anh không còn thuộc về tầng lớp lao động nữa, trong khi anh chối bỏ những giá trị vật chất của tầng lớp quý tộc mà vì nó anh đã phải lao động và nỗ lực vượt bực. Trên chuyến tàu đến Nam Thái Bình Dương anh đã nhảy xuống biển tự tử. Cũng như nhiều cuốn tiểu thuyết hay nhất thời đó, Martin Eden là câu chuyện về sự thất bại. Nó là mẫu mực cho cuốn The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại) của F. Scott Fitzgerald khi nó bộc lộ sự tuyệt vọng của con người giữa vinh hoa phú quý.

Theodore Dreiser 
(1871 – 1945) 

Năm 1925, tác phẩm An American Tragedy (Một bi kịch Mỹ) của Theodore Dreiser ra đời, cũng giống như Martin Eden của London, khám phá những hiểm họa của giấc mơ Mỹ. Câu chuyện tái hiện đến từng chi tiết nhỏ về cuộc đời của Clyde Griffiths, một cậu bé kém ý chí và có chút ít ý thức. Cậu lớn lên trong một gia đình nghèo khó, đi lang thang hành nghề thuyết giáo. Cậu bé sớm nuôi mơ ước được giàu sang và được một người phụ nữ đẹp yêu. Rồi anh ta được một người bác giàu có nhận vào làm trong nhà máy của ông. Khi người bạn gái Roberta của anh có thai, cô yêu cầu anh ta phải cưới. Trong khi đó, Clyde lại đem lòng yêu một cô gái thuộc xã hội thượng lưu là đại diện cho sự thành công, tiền tài và địa vị xã hội. Clyde cẩn thận vạch kế hoạch dìm Roberta chết trong một chuyến đi chơi thuyền, nhưng vào giây phút cuối cùng anh lại đổi ý; tuy nhiên cô vẫn ngẫu nhiên té xuống nước. Clyde vốn bơi giỏi đã không cứu cô, và cô chết đuối. Khi Clyde bị ra hầu tòa, Dreiser kể lại câu chuyện theo chiều ngược lại, đã khôn khéo sử dụng những vị trí thuận lợi của luật sư công tố và luật sư bào chữa để phân tích từng bước đi và động lực dẫn Clyde, một thanh niên tính tình vốn dịu dàng, rất mộ đạo và có quan hệ gia đình tốt đẹp, đến chỗ phạm tội giết người.

Mặc dầu không có được phong cách tinh tế nhưng Dreiser trong An American Tragedy lại chứng tỏ là ngòi bút bậc thầy. Những chi tiết chính xác của tác phẩm đã tạo được một cảm nhận mãnh liệt về một tấn bi kịch không thể nào tránh khỏi. Cuốn tiểu thuyết là một bức tranh cay độc làm tổn thương huyền thoại về sự thành công dễ dàng ở Mỹ, và nó cũng là một câu chuyện phổ biến về những áp lực của công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa, và sự tha hóa. Nó cũng nói lên nhiều khía cạnh về những tưởng tượng lãng mạn và nguy hiểm của những kẻ bị tước đoạt.

An American Tragedy phản ánh sự bất mãn, lòng ghen tị, và sự thất vọng làm dân nghèo và tầng lớp lao động phải đau khổ trong sự cạnh tranh gay gắt của xã hội Mỹ, nơi mà sự thành công vừa là động lực vừa là nỗi ám ảnh. Khi sức mạnh của ngành công nghiệp Mỹ trỗi dậy, cuộc sống hào nhoáng của lớp người giàu có xuất hiện hàng ngày trên báo ảnh và tạp chí là một sự tương phản rất rõ nét với cuộc sống ảm đạm buồn tẻ của đa số nông dân và tầng lớp công nhân ở đô thị. Truyền thông đại chúng đã thổi phồng lên những ước ao đổi đời và những ham muốn phi lý. Những vấn đề như thế là hết sức bình thường với những đất nước đang hiện đại hóa, tạo đất sống cho trào lưu báo chí có xu hướng khuấy bùn đó là một loại phóng sự điều tra phanh phui có chiều sâu, cung cấp tư liệu về những vấn đề xã hội và tạo ra sự thúc đẩy quan trọng cho việc cải tạo xã hội.

Truyền thống vững mạnh của báo chí điều tra Mỹ bắt nguồn từ giai đoạn này. Trong suốt thời gian ấy, tờ tạp chí tầm cỡ quốc gia như là McClures Collier’s đã xuất bản cuốn History of the Standard Oil Company[3] (Lịch sử của công ty dầu mỏ Standard Oil – 1904) của Ida M. Tarbell, The Shame of the Cities (Nỗi ô nhục của các đô thị – 1904) của Lincoln Steffens, và các vụ phanh phui đầy tai tiếng khác. Những cuốn tiểu thuyết bới móc sử dụng những kỹ thuật báo chí độc đáo để khắc họa những điều kiện sống khắc nghiệt và sự áp bức. Cuốn The Octopus (Bạch tuộc – 1901) của Frank Norris theo phái Dân túy đã phanh phui những vụ bê bối của những công Ty hỏa xa lớn, trong lúc đó cuốn The Jungle (Rừng rậm – 1908) của Upton Sinclair theo phái xã hội đã phơi bày sự dơ dáy bẩn thỉu của công nghệ làm thịt hộp ở Chicago. Cuốn The Iron Heel (Gót sắt – 1908) với cái nhìn bi quan của Jack London thì đi trước cuốn năm 1984 của George Orwell trong việc tiên đoán một cuộc chiến giai cấp và việc đảo chính cướp chính quyền.

Một phản ứng có tính nghệ thuật hơn là các chân dung hiện thực hay nhóm chân dung những nhân vật bình thường và những thất vọng trong cuộc sống nội tâm. Tuyển tập truyện ngắn Main-Travelled Roads (Những nẻo đường chính – 1891) của tác giả được William Dean Howell bảo trợ, Hamlin Garland (1860 – 1940) là phòng tranh trưng bày chân dung của những người bình thường. Nó khắc họa những bức tranh đáng kinh ngạc về sự khốn cùng của nông dân miền Trung Tây đòi cải cách nông nghiệp. Tựa cuốn sách ám chỉ về nhiều con đường chạy về hướng Tây mà những người khẩn hoang nhọc nhằn đã đi theo và những con đường chính đầy bụi bặm ở các làng định cư của họ.

Gần gũi với Main-Travelled Roads của Garland là Winesburg, Ohio (Thành phố Winesburg, bang Ohio) của Sherwood Anderson (1876 – 1941) được bắt đầu 1916. Đây là tuyển tập truyện ngắn rời rạc về các cư dân của một thành phố hư cấu Winesburg qua cái nhìn của một phóng viên trẻ thơ ngây George Willard, người cuối cùng cũng ra đi tìm kiếm cơ may của mình ở đô thị. Giống như Main-Travelled Roads và những tác phẩm theo trường phái tự nhiên khác của thời kỳ này, Winesburg, Ohio nhấn mạnh đời sống nghèo khổ âm thầm, sự cô đơn và tuyệt vọng của các thành phố nhỏ ở Mỹ.

“TRƯỜNG PHÁI CHICAGO” TRONG THI CA

Ba nhà thơ miền Trung Tây lớn lên ở bang Illinois và chia sẻ mối quan tâm của miền Trung Tây với quần chúng là Carl Sandburg, Vachel Lindsay và Edgar Lee Masters. Thơ của họ thường quan tâm đến những cá nhân của bóng tối, họ phát triển những kỹ thuật mang yếu tố hiện thực, những diễn tả đầy kịch tính, giúp họ thu hút được đông đảo độc giả hơn. Họ là một phần của văn học miền Trung Tây, hay trường phái Chicago nổi lên trước Thế chiến thứ nhất thách thức định chế văn học ở bờ Đông. Sự “Phục hưng của Chicago” là một bước ngoặt của nền văn hóa Mỹ: nó chứng minh rằng văn hóa của vùng đất này đã trưởng thành.

Edgar Lee Masters
(1868 – 1950)

Trước thềm của thế kỷ 20, Chicago đã trở thành một đô thị lớn, quê hương của nền kiến trúc cách tân và những bộ sưu tập nghệ thuật tầm vóc thế giới. Chicago cũng là nơi ra đời của tờ Poetry của Harriet Monnoe, một tạp chí văn học quan trọng nhất thời đó.

Trong số những nhà thơ đương đại đáng chú ý mà tạp chí này đã giới thiệu, có Edgar Lee Masters, tác giả tập thơ dấn thân Spoon River Anthology(Tuyển tập Spoon River – 1915). Tập thơ nổi bật với ngôn ngữ hàng ngày “chẳng thơ một chút nào” hết sức mới mẻ, một sự bộc bạch thẳng thắn về tính dục, cái nhìn phê phán về cuộc sống làng quê, và những miêu tả cường điệu về đời sống nội tâm của những con người chẳng có gì nổi bật.

Spoon River Anthology là tuyển tập những chân dung được trình bày như những đoạn bi ký viết bằng ngôn ngữ thông thường tóm lược cuộc đời của những người dân quê như thể bằng lời lẽ của chính họ. Nó vẽ ra toàn cảnh của một làng quê qua cái nghĩa trang của nó: 250 người chôn ở đấy đã lên tiếng bộc bạch những bí mật sâu kín nhất của họ. Nhiều người có quan hệ mật thiết với nhau; thành viên của 20 gia đình nói về những thất bại và giấc mơ của họ bằng những bài tự sự theo thể thơ-tự-do hiện đại một cách đáng ngạc nhiên.

Carl Sandburg
(1878 – 1967)

Một người bạn của ông đã nói: “Cố viết ngắn gọn về Carl Sandburg cũng giống như cố gắng chụp hình hẻm núi Grand Canyon([4]) bằng một tấm hình đen trắng”. Là nhà thơ, nhà sử học, nhà văn viết tiểu sử, tiểu thuyết, sáng tác nhạc và viết tiểu luận – Sandburg – con trai của một người thợ rèn đường sắt xứng đáng với tất cả những danh hiệu đó và còn hơn thế nữa. Sống bằng nghề viết báo, ông viết tiểu sử đồ sộ về Abraham Lincoln – một trong những tác phẩm kinh điển về thể loại này của thế kỷ 20.

Đối với nhiều người, Sandburg là một Walt White hiện đại. Ông viết những vần thơ yêu nước và những bài thơ đầy cảm xúc về đời sống đô thị, những giai điệu đơn giản trẻ thơ và những khúc ballad. Ông đi khắp nơi ngâm thơ và ghi âm thơ của mình bằng một giọng ngâm có âm điệu du dương, ngọt ngào, thực sự là một cách hát. Tự bản chất ông hoàn toàn khiêm tốn, dù cho tiếng tăm lừng lẫy cả nước. Điều ông mong muốn trong cuộc sống như một lần ông nói là “được thoát khỏi giam cầm… được ăn đều đặn… được in ra những gì tôi viết… một tình yêu nơi quê nhà và chút ít âu yếm trìu mến nơi đây và xa kia trong toàn cảnh nước Mỹ… (và) được ca hát mỗi ngày”.

Bài thơ “Chicago” (1914) là một ví dụ tuyệt vời cho những chủ đề trên và cho phong cách Whitman của ông:

Gã bán thịt heo cho toàn thế giới,
Người làm dụng cụ, kẻ chất đống lúa mì,
Người rong chơi với những đường xe lửa và
Người chuyển hàng của đất nước;
Như bão tố, ồn ào, đầy sức mạnh
Thành phố của những đôi vai vững vàng.

 

Vachel Lindsay
(1879 – 1931)

Vachel Lindsay là một mục sư theo phái Dân túy ở một thị trấn nhỏ miền Trung Tây và là người sáng tạo ra loại thơ có nhịp điệu mạnh mẽ làm ra để đọc lớn trước đám đông. Sáng tác của ông là một sự kết hợp kỳ ảo với một mặt là những hình thức thơ ca bình dân, hay dân gian, chẳng hạn như những bài hát phúc âm Thiên Chúa giáo và ca nhạc tạp kỹ và mặt khác là thi pháp tiên tiến của các trào lưu hiện đại. Là một nhà thơ đọc trước công chúng cực kỳ nổi tiếng thời đó, những cách đọc của Lindsay là tiền thân những cách đọc thơ của nhóm “Beat” thời sau thế chiến II có đệm nhạc Jazz.

Để phổ biến thơ cho công chúng, Lindsay phát triển cái mà ông gọi là một “loại ca nhạc tạp kỹ cao cấp”, dùng âm nhạc và các tiết tấu mạnh. Là người phân biệt chủng tộc dựa vào tiêu chuẩn hiện nay, bài thơ nổi tiếng của ông “The congo” (1914) ca ngợi lịch sử của những người Phi châu bằng cách pha trộn nhạc Jazz, thơ, âm nhạc và ca từ. Ông đồng thời làm cho những nhân vật lỗi lạc trong lịch sử nước Mỹ chẳng hạn như Abraham Lincoln (trong bài “Abraham Lincoln Walks at Midnight” Abraham Lincoln đi dạo giữa đêm khuya và John Chapman (“Johnny Appleseed” – Johnny hạt táo) trở nên bất tử bởi nghệ thuật pha trộn giữa hiện thực và huyền thoại.

Edwin Arlington Robinson
(1869 – 1935)

Edwin Arlington Robinson là nhà thơ Mỹ xuất sắc nhất vào cuối thế kỷ 19. Giống như Edgar Lee Masters, ông nổi tiếng vì những phát hiện về nét khôi hài, tính cách thiếu hoàn hảo của những con người bình thường. Nhưng không giống Masters, Robinson dùng âm luật truyền thống. Thị trấn Tilbury do ông tưởng tượng ra cũng giống như Spoon River của Masters chứa đựng bao cuộc sống mòn trong tuyệt vọng âm thầm. Một số những bài thơ tự sự nổi tiếng của Robinson là “Luke Havergal” (1896), về một tình nhân bị bỏ rơi, “Miniver Cheevy” (1910), hình ảnh một con người mộng mơ lãng mạn; và “Richard Cory” (1896), một chân dung ảm đạm về một con người giàu có đã tự kết liễu đời mình:

Mỗi khi Richard Cory đi ra phố,
chúng tôi tụ trên vỉa hè đứng nhìn ông:
Ông là một quý ông lịch duyệt
Ân cần, đẹp tươi; thon thả, uy nghiêm.

Và ông luôn ăn mặc thật chỉnh tề, nhã nhặn
Ông luôn nhân từ khi trò chuyện cùng ai
Ông vẫn thường đỏ mặt lên khi nói,
“Chào ông” và trông ông rạng rỡ mỗi bước đi.

Ông giàu có – vâng, còn giàu hơn cả một ông vua –
Ông được dạy dỗ để phong nhã trong từng cử chỉ:
Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng ông là tất cả những gì Khiến chúng tôi ao ước được là ông.

Vì thế chúng tôi tiếp tục làm việc, và đợi chờ may mắn
Và qua ngày không có thịt ăn, và nguyền rủa bánh mì
Còn Richard Cory, một đêm hè êm vắng,
Đã về nhà và bắn một viên đạn vào đầu ông.

 

“Richard Cory” chiếm được một chỗ đứng bên cạnh Martin EdenAn American Tragedy, và The Great Gatsby như một lời cảnh tỉnh đầy sức mạnh chống lại huyền thoại về sự thành công được thổi phồng lên biến thành bệnh dịch hành người dân Mỹ trong thời đại của những nhà triệu phú.

HAI TIỂU THUYẾT GIA MANG SẮC THÁI ĐỊA PHƯƠNG

Hai nữ tiểu thuyết gia Ellen Glasgow (1873 -1945) và Willa Cather (1873 – 1947) chuyên khám phá về thế giới phụ nữ, và đặt họ vào trong những khung cảnh địa phương được xây dựng với một vẻ rực rỡ, huy hoàng. Thực ra, không ai trong hai người tuyên bố những vấn đề đặc biệt về phụ nữ. Trong các tác phẩm đầu tay của nhân vật chính là nam, và chỉ khi họ đã tạo được sự tự tin và một độ chín trong nghệ thuật, họ mới quay sang mô tả đời sống của phụ nữ. Glasgow và Cather chỉ có thể được xem là “các nhà văn nữ” theo nghĩa mô tả, vì tác phẩm của họ không thể phân loại được.

Glasgow người vùng Richmond bang Virginia, thủ phụ cũ của phe miền Nam thời Nội chiến. Các tiểu thuyết hiện thực của bà phản ánh sự biến đổi của miền Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Các tác phẩm có giá trị như Virginia (1912) xoay quanh những kinh nghiệm của người miền Nam, trong lúc những tác phẩm sau này như Barren Groand(Đất bạc màu (1925) – được công nhận là tác phẩm hay nhất của bà – kịch hóa cuộc đời những phụ nữ tài hoa cố gắng vượt qua những lề thói truyền thống bó hẹp của miền Nam, khuôn định thiên chức nội trợ, trách nhiệm gia đình và sự phụ thuộc của phụ nữ.

Cather, một người Virginia khác, lớn lên trên thảo nguyên Nebradka giữa những người di dân khẩn hoang – sau này làm cho họ sống mãi trong cuốnO Pionners! (Ôi! Những người khai hoang – 1913), My Antonia (Antonia của tôi – 1918), và câu chuyện nổi tiếng của bà Neighbour Rosicky (Người hàng xóm Rosicky – 1928). Trong cuộc đời, bà trở nên ngày càng xa lạ với chủ nghĩa vật chất của cuộc sống hiện đại và viết về những ảo mộng khác nhau ở Tây Nam nước Mỹ và trong quá khứ. Cuốn Death Comes for the Archbishop (cái chết của ngài giám mục – 1927) dựng lại tinh thần lý tưởng của hai tu sĩ thế kỷ 16 lập nên Giáo hội Công giáo ở sa mạc New – Mexico. Tác phẩm của Cather tưởng niệm những khía cạnh quan trọng của kinh nghiệm Mỹ bên ngoài dòng văn học chính thống – như việc khai khẩn, sự thành lập tôn giáo, và cuộc sống độc lập của phụ nữ.

SỰ VƯƠN LÊN CỦA NỀN VĂN HỌC MỸ DA ĐEN

Thành tựu văn học của người Mỹ Da đen là một trong những bước phát triển văn học nổi bật nhất sau Nội chiến. Các dòng văn học Mỹ da đen đã bắt rễ trong các tác phẩm của Booker T. Washington, W.E.B. Du Bois, James Weldon Johson, Charles Waddell Chesnutt, Paul Laurence Dunbar và những người khác, đáng chú ý nhất là thể loại tiểu sử tự thuật, văn học phản kháng, những bài thuyết giảng, thơ và âm nhạc.

Booker T. Washington
(1856 – 1915)

Booker T. Washington, nhà giáo dục và người lãnh đạo Da đen nổi bật nhất vào thời đó. Ông sinh ra và lớn lên trong thân phận nô lệ ở quận Franklin – bang Virginia, cha là người Da trắng chủ nô, mẹ là nữ nô lệ Da đen. Tiểu sử tự thuật đơn giản, rất hay của ông Up From Slavery (Đứng lên từ cuộc đời nô lệ – 1901), kể lại cuộc đấu tranh thắng lợi của ông trong việc tu dưỡng bản thân. Ông trở nên nổi tiếng bởi những nỗ lực trong việc cải thiện cuộc sống của những người Mỹ Da đen; chính sách hòa giải với người Da trắng của ông – một nỗ lực giúp đỡ những người Mỹ Da đen mới được giải phóng hòa nhập vào dòng chảy chung của xã hội Mỹ – được vạch ra trong diễn văn nổi tiếng của ông nhan đề “Atlanta Exposition Address” (1895).

W.E.B. Du Bois
(1868 – 1963) 

Sinh ở New England và được đào tạo ở Đại học Harvard và Đại học Berlin (Đức), W. E. B. Du Bois là tác giả của bài viết “Of Mr Booker T. Washington and Others” (Về ông Booker T. Washington và nhữngh người khác), một tiểu luận về sau được tập hợp trong cuốn sách nổi tiếng của ông The Souls of Black Folk (Tâm hồn người Da đen – 1903). Du Bois cẩn thận chứng minh rằng dù cho Washington có nhiều thành tích, ông thật sự đã chấp nhận sự kỳ thị chủng tộc – sự đối xử bất bình đẳng và phân biệt đối với người Mỹ Da đen – và sự kỳ thị ấy tất yếu sẽ dẫn đến địa vị thấp kém của người Da đen, đặc biệt là trong giáo dục. Du Bois, một sáng lập viên của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP), cũng viết những lời đánh giá nhạy bén, sắc sảo về truyền thống và văn hóa của người Mỹ gốc Phi; tác phẩm của ông giúp những người trí thức Da đen khai thác nền văn học và âm nhạc dân gian phong phú của dân tộc mình.

James Weldon Johnson
(1871 – 1938)

Cũng như Du Bois, nhà thơ James Weldon Johnson tìm cảm hứng trong những bài dân ca của người Mỹ Da đen. Bài thơ “O Black and Unknown Bards” (Ôi, những nhà thơ Da đen vô danh! – 1917) của ông có đoạn

Trái tim người nô lệ nào trào tuôn bao giai điệu
Như trong bài “Lẻn bước đến bên Chúa” một khúc nhạc dịu êm
Linh hồn anh chắc tự do bay lượn hằng đêm,
Dầu quanh đôi tay anh xích xiềng xiết chặt.

Mang trong mình dòng máu pha trộn giữa Da đen và Da trắng, Johnson đã tìm hiểu vấn đề phức tạp của chủng tộc trong cuốn tiểu thuyếtAutobiography of an Ex-Colored (Tiểu sử tự thuật của một người lai – 1912) viết về một người pha trộn hai dòng máu đã “vượt qua” định kiến (hay là được chấp nhận) làm người Da trắng. Cuốn sách chuyển tải một cách có hiệu quả sự quan tâm của người Mỹ Da đen với những vấn đề nguồn gốc lai lịch ở Mỹ.

Charles Waddell Chesnutt 
(1858 – 1932)

Charles Waddell Chesnutt, tác giả của hai tuyển tập truyện ngắn, The Conjure Woman (Nữ pháp sư – 1899), The Wife of His Youth (Người vợ thời son trẻ – 1899) tiểu thuyết The Marrow Of Trandittion (Cốt lõi của truyền thống – 1901), và một cuốn tiểu sử về Frederick Douglass, đi trước thời đại. Truyện ngắn của ông dựa trên các đề tài về chủng tộc, nhưng tránh né những kết cục có thể đoán trước được và những tình cảm chung chung, nhân vật của ông là những cá nhân rõ rệt với những thái độ phức tạp về mọi việc, bao gồm cả vấn đề chủng tộc. Chesnutt thường mô tả sức mạnh của cộng đồng Da đen và khẳng định những giá trị đạo đức và sự đoàn kết chủng tộc.


[1] Tinh thần chống sùng bái thánh tượng nổi lên đầu tiên ở châu Âu thể hiện đậm nét trong văn học trào phúng dân gian.

[2] Yellow Sky: tên một thị trấn trong truyện ngắn nổi tiếng này.

[3] Standard Oil Company: một công ty dầu lửa hàng đầu của Mỹ. Tên viết tắt của nó là S.O và đọc là ESSO.

[4] Grand Canyon: một thung lũng rộng mênh mông bị sông Colorado cắt ngang ở vùng cao nguyên thuộc Tây Bắc Arizona. Hẻm núi ngoạn mục đẹp như một tác phẩm điêu khắc này có chiều rộng từ 0,2 đến 29km và trải dài từ cửa sông Paria gần địa phận phía Bắc của Arizona đến vách núi Grand Wash gần Nevada, tức là vào khoảng 446 km.

Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_amliterature_v.html