Đạo diễn Kim Ki Duk: “Thế giới chúng ta đang sống là thực hay mơ?”
Kim Ki Duk (Kim Cơ Đức, sinh năm 1960) là đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng không xuất thân từ một trường đào tạo điện ảnh chính quy, với phong cách độc đáo mang lại bản sắc riêng không chỉ trong điện ảnh Hàn Quốc, mà cả thế giới. Phim của ông xoáy sâu vào tâm lý con người, đôi khi vượt quá sự cảm nhận thông thường. Nó cho thấy một cách nhìn, một thế giới quan khác lạ của Kim Ki Duk.
Ông làm phim đầu tay vào năm 1996, Crocodile, kể về một người đàn ông chuyên thu thập xác những người tự sát. Những bộ phim của Kim Ki Duk về đề tài phụ nữ luôn bị lên án mạnh mẽ.
Năm 2000 bộ phim The Isle miêu tả về cuộc sống, tình cảm của những cô gái điếm đã đoạt giải Quạ vàng của Liên hoan phim viễn tưởng quốc tế của Bỉ, giải Netpac cho Phim đáng chú ý nhất Liên hoan phim Venezia.
![]() |
Phim Bad guy |
Phim Address Unknown (2001) đoạt giải Đại Linh của điện ảnh Hàn Quốc cho Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và nhận đề cử Sư tử vàng Liên hoan phim quốc tế Venice; phim Bad guy (2001) đoạt giải Đại Chung cho Nữ diễn mới xuất sắc nhất, giải Orient Express tại Liên hoan phim quốc tế Catalonia của Tây Ban Nha và nhận đề cử Gấu Vàng Liên hoan phim quốc tế Berlin; phimThe Coast Guard (2002) đoạt giải FIPRESCI, giải Netpac tại Liên hoan phim quốc tế Karlovy Vary, giải Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất cho Jang Dong Gun tại Liên hoan phim Châu Á – Thái Bình Dương; phim Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring (2003) đoạt giải C.I.C.A.E., Don Quixote và giải thưởng của Ban giám khảo trẻ tại Liên hoan phim quốc tế Locarno, giải thưởng Khán giả bình chọn của Liên hoan phim quốc tế San Sebastian, giải Đại Chung phim xuất sắc nhất 2004; phim Samaritan Girl (2004) đoạt giải Gấu Bạc cho Đạo diễn xuất sắc nhất Liên hoan phim quốc tế Berlin; phim 3-Iron(2004) đoạt giải Golden Spike tại Liên hoan phim quốc tế Valladolid, giải FIPRESCI, giải Sư tử vàng nhỏ, giải thưởng danh dự SIGNIS, giải Đạo diễn đặc biệt tại Liên hoan phim Venice….
Hyong Shin Kim & Carl Wakamoto thực hiện phỏng vấn
Câu chuyện trong bộ phim 3-Iron (Nhà rỗng) được chia thành 3 phần. Có thể nhận thấy rõ hơn kiểu chia thành nhiều phần trong các phim gần đây của ông,Samaritan Girl và Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân – vì những tựa đề ẩn trong những bộ phim này?
Với tôi, mỗi cảnh quay chiếc ghe đánh cá trong The Isle (Đảo) giống như một phần vậy. Phần đầu của bộ phim này nói về những ngôi nhà trống và được chủ nhân của chính chúng tìm ra. Phần thứ hai là tiếp diễn chứ không phải khám phá, bằng cảnh huấn luyện trong nhà tù, và phần cuối cũng không phải là sự khám phá mặc dù có nhiều người xuất hiện. Bằng cách này, tôi chia hình ảnh phim thành 3 cấp độ. Đây là quá trình thuyết phục dần dần khán giả. Chia nó thành 3 phần là cần thiết vì mỗi yếu tố sẽ dẫn dắt khán giả bằng cách giúp họ nghĩ “à, cái này có thể xảy ra lắm chứ”. Thông qua những mẩu chuyện và bộ phim này, tôi muốn chỉ ra rằng ranh giới giữa thực tại và tưởng tượng là rất mơ hồ.
Ông có từng nghĩ đến việc sử dụng tựa đề trong bộ phim 3-Iron?
Không, tôi không nghĩ đến điều đó. Nếu tôi dùng tựa đề, có thể phần đầu là “ những ngôi nhà rỗng”, phần sau “làm ma” và phần thứ ba là “hồn ma”. Nhưng tôi không nghĩ điều đó là cần thiết.
Cảnh nhà tù nơi Tae-suk “tập luyện làm ma” thật là đẹp. Mục đích chính của ông trong cảnh này là gì?
![]() |
Đạo diễn Kim Ki Duk |
Tôi muốn hình dung thấy qua phim ảnh, liệu một người có khả năng giấu mình sau lưng người khác được hay không. Và nếu đúng là có thể, người đó có thể vào một ngôi nhà mà những người khác đang ở. Trước khi Tae-suk nhận ra khả năng đó, anh ta phải lẻn vào những ngôi nhà trống để không bị người ta phát giác. Nhưng sau đó trong phần còn lại của bộ phim, Tae-suk viếng những ngôi nhà khác, hết nhà này đến nhà kia một cách thứ tự thậm chí cả khi có người trong nhà, và anh có thể tránh bị dòm thấy. Bởi vì anh ta đoan chắc là anh ta vô hình trước mắt mọi người trong nhà, và anh ta có thể đến ngôi nhà của Sun-hwa vào hồi kết. Cảnh trong tù là cần thiết và quan trọng như một mốc chuyển tiếp đến cảnh ngôi nhà của Sun-hwa ở hồi kết.
Tôi có một số câu hỏi về hành động của Sun-hwa. Đầu tiên, lý do để chặn cú đánh golf của Tae-suk là gì?
Đó là bạo lực. Vì Sun-hwa chặn anh ta lại, anh ta thay đổi góc độ và dẫn đến chuyện một người bị thương. Nếu Sun-hwa không chặn anh ta thì ắt chuyện đã không xảy ra. Nhưng vì hành động của Sun-hwa, thay đổi hướng đánh mà dẫn đến chuyện này. Thật khôi hài. Những ngẫu nhiên có thể phá ngang mọi ý định. Đó là cuộc sống thôi, dù ý định có hay ho gì chăng nữa.
Sao cô ấy lại đem khảm bức hình của mình?
Cô ấy muốn thoát khỏi quá khứ. Cô ấy muốn tự thay đổi hình ảnh của chính mình.
Cô ấy đã làm vỡ cái cân/mức cân bằng mà Tae-suk sửa lại lúc trước?
Cô ấy nghĩ rằng tình trạng vượt khỏi tầm kiểm soát sẽ tốt hơn. Vì khi ngoài kiểm soát, mức cân bằng sau đó có thể là con số 0. Mặc dù chúng ta cố gắng nhận biết cái ý nghĩa, nhưng nghĩa này có thể không còn quan trọng khi thời gian đã trôi qua. Sun-hwa có lẽ nhận ra điều đó, vì thế trọng lượng chẳng còn quan trọng với cô nữa. Do đó, trọng lượng của 2 người có thể sẽ chỉ là con số 0.
Với tôi, tăng thêm sức tưởng tượng của cô ấy là một cố gắng.
Có thể giải thích theo cách đó. Ý nghĩa có thể rất khác nhau với mỗi khán giả tùy thuộc vào thế giới quan của chính bản thân họ.
Lần đầu khi xem bộ phim này, tôi nghĩ có lẽ đó là sự tưởng tượng của Sun-hwa. Nếu đúng thế, có 3 cách suy diễn khác nhau có thể chấp nhận được. Có thể từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc phim là sự tưởng tượng của cô, hay là tưởng tượng sau chuyến viếng thăm đầu tiên của Tae-suk tới thăm nhà cô, hoặc sau cái cảnh sở cảnh sát.
Mỗi cách diễn dịch của người xem đều có thể đúng. Nhưng với tôi, cũng có thể là sự tưởng tượng của Tae-suk. Sự tưởng tượng xuất hiện từ ý nghĩ cầu mong người ta sẽ ở trong những ngôi nhà trống.
Tôi tò mò về ý nghĩa những vật thể trong bộ phim này. Bộ phim bắt đầu với cảnh quay một bức tượng người phụ nữ (được thấy qua những cú đập bóng golf). Một bức tượng sư tử cũng được quay trong cảnh ngôi vườn nơi chồng Sun-hwa đang tập golf. Thêm nữa, những bức tượng đó cũng có trên sàn khi Sun-hwa và chồng đang ngồi trên trường kỷ trong phòng khách.
Những bức tượng điêu khắc có sẵn trong ngôi nhà nơi chúng tôi quay phim.
Không có ý nghĩa gì đặc biệt sao?
Không hẳn. Tôi chọn những vật thể mà tôi muốn quay giữa những thứ có sẵn trong các ngôi nhà, chỗ chúng tôi chọn quay phim. Ngôi nhà rất sang trọng và giàu có, và có những bức điêu khắc cẩm thạch. Tôi thấy chúng rất đẹp, hợp với khung cảnh và làm cho ngôi nhà trở nên quý phái hơn.
Tôi có cảm tưởng bức tượng người phụ nữ là hình ảnh của Sun-hwa.
Tùy người xem thôi. Ngay cả khi nó mang hình ảnh đó, tôi chỉ quay nó như thế thôi.
Tôi không muốn đi quá sâu vào chi tiết vì có người chưa được xem bộ phim, nhưng kết thúc phim ám chỉ một “chỗ sống chung kì dị”. Những ngôi nhà, gia đình và việc kết hôn có ý nghĩa gì với ông?
Chúng dường như tạo ra một cái khung lớn cho sự giao tiếp. Tôi nghĩ sống trong một gia đình là quá trình thực hiện những cuộc kiểm nghiệm cơ bản với tư cách một con người; đối xử với nhau như thế nào, làm thế nào, duy trì mối quan hệ trong một thời gian rất dài như thế, và làm thế nào hiểu được cấu trúc một gia đình mới khi xuất hiện thêm một đứa bé… cuộc kiểm nghiệm dựa trên mong muốn một cấu trúc bền vững chứ không hẳn là tái tạo lại cấu trúc. Tôi nghĩ gia đình kiểm tra được khả năng điều đó xảy ra như thế nào.
Thế thì, kết thúc phim có thể là một dạng khởi đầu mới hơn là một sự tái cấu trúc.
Có thể. Nhưng tôi không hoàn toàn đảm bảo nếu kết thúc là hạnh phúc hay bất hạnh. Từ quan điểm người chồng, đó là bất hạnh, và với những người muốn cái kết cục như thế, kết thúc có thể là hạnh phúc. Do đó, những cảnh vậy đôi khi có thể nghĩ theo cách nào đó tùy ý thôi.
Một số cảnh trong phim 3-Iron gợi cho tôi nhớ đến các bộ phim trước kia của ông (cảnh dòng sông Hàn bẩn thỉu trong The Crocodile (Cá sấu), ngôi nhà nổi trên nước trong 2 phim The Isle (Đảo) và Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân – cảnh chủ đạo, tên của Sun-hwa trong Bad Guy (Thằng tồi), v.v…). Bộ phim này có liên hệ nào với những bộ phim trước vậy?
Có vài cảnh tương tự vì tôi tạo ra chúng. Tôi nghĩ những điều tương tự đó là một dạng phong cách – phong cách xuất hiện thường xuyên trong phim của tôi. Trong Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân có thể có những cảnh ấn tượng và đặc biệt, và cũng tương tự như phim Bad Guy và các phim khác. Cũng như trong 3-Iron, có những cảnh tôi muốn diễn tả ý mình một cách sáng tạo hơn, theo cách riêng của tôi. Tôi nghĩ những cảnh tương tự như thế xuất phát từ phong cách mà tôi dùng làm phim.
Ông muốn gởi gắm điều gì thông qua bộ phim?
À, có thể là những lời nói ở cuối phim: “ Rất khó nói rằng thế giới chúng ta đang sống là thực hay chỉ là mơ”. Như trong phòng này, ngay bây giờ. Cuộc sống của chúng ta mơ hồ về những gì là đúng và những gì là sai. Thật ra, không có ranh giới rõ rệch giữa hai điều này, và đó chính là cách chúng ta sống. Những gì tôi muốn gởi gắm, là tình trạng lẫn lộn giữa việc tôi làm điều đúng hay điều gì đó sai vào một lúc nào đó.
Một khuynh hướng tranh luận trong những bài phê bình gần đây về các bộ phim của ông ở Hàn Quốc là liệu Kim Ki Duk có thay đổi hay không. Ông có nghĩ rằng phim ông sẽ thay đổi, hay ông nghĩ điều thay đổi là những bài phê bình chỉ trích ông?
Tôi nghĩ tranh luận là công việc của các nhà phê bình và giới báo chí. Theo ý tôi, những bài viết này theo cái lý luận là họ cần phát biểu ý kiến về điều này điều kia và gì gì sao đó, đó là công việc của họ và là tác phẩm của họ. Mặc dù tôi rất ít khi đọc các bài báo ấy, điều quan trọng là suy nghĩ của họ. Thậm chí tôi không biết liệu tôi có thay đổi hay không. Dù sao, cũng chẳng quan trọng. Với tôi chẳng cần phải rõ ràng là cái gì thay đổi hay tôi thay đổi.
Xin Ông nói đôi điều về bản thân và những bộ phim của ông trước khi chúng ta kết thúc cuộc phỏng vấn tại đây. Đối với ông làm phim là gì?
Mặc dù ngày nay có vô số thể loại phim, phim của tôi không thuộc loại hành động, bi kịch, hay thậm chí là phim nghệ thuật. Một người không mang một diện mạo duy nhất mà có một vẻ ngoài đa dạng. Tôi luôn quan tâm đến những diện mạo khác nhau của một con người. Giống như bóc một củ hành vậy, làm phim đối với tôi là một quá trình khám phá từng tầng từng lớp của từng người một. Tôi hi vọng khán giả thích suy nghĩ “đúng rồi, điều đó có thể xảy ra lắm” khi xem phim của tôi.
![]() |
Phim 3.Iron |
Sự thật về Kim Ki Duk
Nhà làm phim nổi tiếng đáng ghê tởm và gây nhiều hiểu lầm nhất của xứ Hàn có lẽ đang trong thời kỳ sung sức nhất. Giá mà bây giờ thế giới này thôi quấy nhiễu ông. APA bám sát từng bước đi của con người có motip [trong phim] quán xuyến từ cái lưỡi câu cá cho đến các câu lạc bộ chơi golf.
Kim Ki Duk bắt đầu sự nghiệp như là một họa sĩ, và sau đó trở thành nhà viết kịch bản phim nhận được nhiều giải thưởng, nhưng ông nổi tiếng nhất với tư cách là đạo diễn phim độc lập hàng đầu của Hàn Quốc. Ông lớn lên ở một làng quê nhỏ, và khi ông 9 tuổi gia đinh chuyển đến Seoul. Ông phải sớm nghỉ học, và làm việc trong nhà máy trước khi gia nhập hải quân, được đào tạo trở thành nhà truyền giáo, và sau đó đến Paris để vẽ tranh. Những tác phẩm đầy tính chất trải nghiệm của ông khám phá mặt đáy tối tăm của xã hội Hàn Quốc, đặc biệt tập trung vào mối quan hệ phức hợp giữa tình dục, bạo hành và quyền lực. Các tác phẩm của ông thường xuyên gây nên nhiều tranh cãi kích động và cũng nhận được không ít lời ngợi ca thán phục, và luôn luôn có tác động mạnh mẽ rõ rệt, căng thẳng và xáo động khác thường. Mặc dù được tiếp thu rất ít nền giáo dục ở trường cũng như không hề qua bất cứ khoá đào tạo đạo diễn nào, ông đã vươn lên trở thành một trong những đạo diễn quan trọng nhất ở Đông Á, giành được vô số giải thưởng cho tác phẩm của mình. Việc Kim tập trung vào những chủ đề đầy tính khiêu khích và phong cách độc nhất vô nhị đã làm ông trở nên xa cách với khán giả Hàn Quốc đương thời, nhưng lại biến ông thành đứa con cưng tại các đại nhạc hội, đặc biệt ở châu Âu. Đồng thời với những xáo động, sống sượng và đậm tính bản năng, các bộ phim của ông cũng được sản xuất bằng cảm thức phi thường về tính chất đặc biệt ở các chủ đề phim. – Jennifer Flinn
Các bộ phim của Kim Ki Duk, có căn cứ vào nghĩa trong tiếng Hàn:
Breath (Thở; 2007)
Time (Thời nay; 2006)
The Bow (Cánh cung; 2005)
3-Iron (Nhà rỗng; 2004)
Samaritan Girl (Nữ thánh Samarita; 2003)
Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông… rồi lại Xuân; 2003)
The Coast Guard (Hải ngạn tuyến; 2002)
Bad Guy (Thằng tồi; 2001)
Address Unknown (Địa chỉ không thừa nhận; 2001)
Real Fiction (Hiện trạng; 2000)
The Isle (Đảo; 2000)
Birdcage Inn (Đại hồng môn; 1998)
Wildlife Reservation Zone (Khu bảo tồn động vật hoang dã; 1996)
The Crocodile (Cá sấu;1996)
Theo TGDA