“Lật lại quá khứ không phải để gây thù hằn, mâu thuẫn hay để than khóc; mà nhằm rút ra bài học để trưởng thành hơn. Phải nhìn thẳng vào quá khứ để định hướng tương lai. Không thể né tránh “vết thương” bởi dù thế nào, nó cũng là một phần của lịch sử”.
Nhìn lại một cơn bão
Năm 1993, một tác phẩm điện ảnh Trung Quốc làm “nổ tung” diễn đàn nghệ thuật quốc tế với hàng loạt giải thưởng danh giá như Cành cọ vàng (Liên hoan phim Cannes), Phim nước ngoài hay nhất tại British Academy Award, Mainichi Film Concours, L.A. Film Critics Association, Golden Globe Award) Đề cử: Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 1993. Tác phẩm cũng được Tạp chí Time bình chọn vào Top 100 tác phẩm điện ảnh hay nhất mọi thời đại.
Đó là Bá Vương biệt cơ, được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Lý Bích Hoa.
Lý Bích Hoa, Trần Khải Ca – đạo diễn Bá Vương biệt cơ – Trương Nghệ Mưu là những “sản phẩm” thoát thai từ thời kỳ Cách mạng văn hóa Trung Quốc. Họ cũng như những thanh niên trí thức cùng thời bị cơn bão Cách mạng văn hóa xô dạt khắp nơi, chìm nổi trong đắng cay khổ nhục.
Xuyên suốt cuộc đời và mối quan hệ đầy khó xử của ba nhân vật chính Đoàn Tiểu Lâu, Trình Điệp Y và Cúc Tiên trong bối cảnh xã hội đầy biến động của Trung Quốc những năm 1960 – 1970, Lý Bích Hoa và Trần Khải Ca cũng đưa ra những cái nhìn đau xót, đắng cay mà sự kiện này tạo ra cho người dân – thông qua những sự kiện xảy ra với nhân vật của họ.
“Dân tộc nào cũng có những trang sử vẻ vang, nhưng đồng thời cũng có những vết thương của mình. Vết thương đó có thể nặng hay nhẹ, chỉ có dân tộc đó thấu hiểu được những đau khổ do vết thương mang tới. Cách mạng văn hóa Trung Quốc đã mang lại bao nhiêu đau khổ, bi kịch cho bao nhiêu người. Người ta phải nghĩ lại, không phải để lên án hay khóc lóc mà để rút ra bài học để ngăn ngừa những việc tương tự trong tương lai. Ở Trung Quốc dòng văn học về này được gọi là “dòng văn học thương tích” – Dịch giả, nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc, GS Chúc Ngưỡng Tu giải thích.
Tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn Tô Hoài (Ảnh: VNN) |
Quá khứ là một phần của lịch sử
Ở Việt Nam, “văn học thương tích” hay “văn học vết thương” cũng có nhưng chưa thành một dòng lớn – theo GS Phong Lê. “Thương tích” chủ yếu của văn học Việt Nam nằm ở thời kỳ Cải cách ruộng đất và Sửa sai. “Con người luôn luôn có nhận thức lại về những sai lầm trong lịch sử phát triển, hình thành nên dòng văn học vết thương. Dòng văn học này của Việt Nam chưa phổ biến như Trung Quốc, còn phải nói tiếp. Phải nhận thức lại về “thương tích” nó gây ra để tránh đi“.
Chiến tranh và nông thôn được coi là hai mảng đề tài lớn, chiếm lĩnh hầu hết các tác phẩm văn học Việt Nam thế kỷ 20. Những “nhà văn khoác áo lính” như Nguyên Ngọc, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Thi, Nguyễn Quang Sáng… đã tạo nên những thiên trường ca đẹp đẽ về cuộc chiến đấu bảo vệ đất nước.
Khi chiến tranh kết thúc, mảng đề tài nông thôn và hậu chiến được khai thác kỹ. Những nhà văn đưa ra những hiện thực hơn về đời sống và các âm hưởng cuộc chiến để lại.
Theo GS Lê, thời kỳ đổi mới của văn học có thể tính từ nửa đầu thập niên 1980 với một lớp nhà văn “tiền trạm” như Nguyên Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Nguyễn Huy Thiệp… là những tác giả đã sớm có ý sự thay đổi cách nhìn để hiện thực đời sống hiện lên đúng với bản chất của nó chứ không còn lệ thuộc vào quán tính cũ với âm hưởng khẳng định, ngợi ca.
Ông viết: “Trở về với cuộc sống hòa bình, với sinh hoạt đời thường, với mọi làm lũ, tất bật của sự mưu sinh và tồn tại trong một mô hình phát triển không còn như cũ – thời chiến. Những tiểu thuyết như Gặp gỡ cuối năm, Những khoảng cách còn lại, Mùa lá rụng trong vườn, Tướng về hưu… đã làm nên một đóng góp đặc sắc – là sự tiên báo, chuẩn bị cho công cuộc Đổi mới rồi sẽ diễn ra dưới hai khẩu hiệu “Lấy Dân làm gốc” và “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”.
Thời kỳ này đã tạo ra một mùa gặt văn học khác mà tiêu biểu là bộ ba tiểu thuyết trong Giải thưởng Hội nhà văn năm 1991: Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nỗi buồn chiến tranh, Bến không chồng… tạo ra những góc nhìn khác vào quá khứ, trăn trở hơn, day dứt hơn.
Tuy nhiên “vết thương” quá khứ chỉ thực sự được khơi lại rõ nét tiểu thuyết Ba người khác của nhà văn Tô Hoài – sau nhiều năm dừng lại ở bản thảo vừa được xuất bản năm 2007. Câu chuyện được mô tả về một vùng quê yên lành “bỗng chốc chìm ngập trong các cuộc đấu tố, tranh giành, oan khốc đã tạo ra một cú shock trên văn đàn và công chúng.
Tác phẩm được các giới cầm bút đón nhận khi thấy được cởi bỏ tấm màn “nhạy cảm”.
“Nhìn lại để thấy con người đã đi qua giông bão như thế nào. Nhưng chúng ta vẫn có sự e ngại, khiến người viết cũng phải đắn đo chỗ này chỗ kia. Tô Hoài viết rất hay về vết thương, tại sao ta phải e ngại? Phải tin ở độc giả, họ đã trưởng thành” – GS Phong Lê nhìn nhận.
Ông tiếp, không thể sốt ruột, nhưng dòng “văn học vết thương” dần dần phải được nhìn nhận với sự cởi mở hơn. Không nóng vội nhưng “từ từ rồi sẽ đi đến đích”.
Xin được kết thúc bài viết với lời của GS Chúc Ngưỡng Tu: “Lật lại bài học quá khứ không phải để gây thù hằn, mâu thuẫn hay để than khóc; mà để rút ra bài học. Phải nhìn thẳng vào quá khứ để định hướng tương lai. Không thể né tránh “vết thương” bởi đơn giản, dù thế nào, nó là một phần của lịch sử“.
Tác giả: Hoàng Hường
Nguồn:
http://tuanvietnam.net/2010-01-08-van-hoc-vet-thuong-can-duoc-rong-duong-hon