ĐỖ HẢI PHONG
Truyện cổ tích bằng thơ là một mảng đặc biệt trong sáng tác của A.Pushkin. Mảng sáng tác này gồm sáu truyện cổ tích được viết trong khoảng những năm 1830-1834: Lão cố đạo và người làm công Balda, Vua Saltan, Người đánh cá và con cá nhỏ, Nàng công chúa chết và bảy tráng sĩ, Con gà trống vàng và Con gấu cái (chưa hoàn tất).
Ngay từ khi vừa mới ra đời, truyện cổ tích của Pushkin đã làm xôn xao văn đàn Nga bởi những ý kiến trái chiều. N.Gogol thì hết sức thán phục những truyện “thuần Nga” này của Pushkin, còn V.Belinski lại coi đó chỉ là “những bông hoa giả”. Có điều, tuy tuyên bố hầu hết truyện cổ tích của Pushkin chỉ là “kinh nghiệm giả dạng dân gian Nga không thành”, V.Belinski vẫn phải coi Người đánh cá và con cá nhỏ là trường hợp đặc biệt thể hiện tư tưởng nhân dân và tài năng của nhà thơ có “tầm nhìn chim ưng của Goethe”[1]. Bất chấp mọi sự khen chê của văn giới, truyện cổ tích của Pushkin được tái bản đi tái bản lại, được đưa vào chương trình phổ thông, nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong dân gian và cho đến ngày hôm nay đã chinh phục độc giả thuộc nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ khác nhau trên thế giới.
Người đánh cá và con cá nhỏ (tên gọi đầy đủ là Truyện cổ tích về người đánh cá và con cá nhỏ[2]) của A.Pushkin được viết xong ngày 14/10/1833, lần đầu tiên đăng trên tạp chí “Thư viện bạn đọc” vào tháng 5/1835.
Về nguồn gốc cốt truyện Người đánh cá và con cá nhỏ, tuy đây đó vẫn còn là vấn đề tranh luận[3], nhưng cho đến nay hầu hết những nhà nghiên cứu Nga có uy tín đều khẳng định rằng tác phẩm của Pushkin bắt nguồn từ câu chuyện dân gian của những dân tộc tây Slave ở Pomerania – vùng bờ biển Baltic nằm trên ranh giới giữa Balan và Đức. Câu chuyện này do họa sĩ và nhà lý luận nghệ thuật P.0.Runge sưu tầm, rồi chuyển cho anh em Grimm để đưa vào tập Truyện kể cho trẻ nhỏ và trong nhà (1812) với tiêu đề Truyện cổ tích về người đánh cá và bà vợ tham lam của ông ta. Truyện được đánh số 19, tiêu đề có thể giản lược thành Người đánh cá và bà vợ của ông ta hay Hai vợ chồng người đánh cá[4]. Chính câu chuyện trong tập Truyện kể cho trẻ nhỏ và trong nhà của anh em Grimm này (với phiên bản có chú thích xuất xứ năm 1822 từng được phổ biến rộng rãi trong giới trí thức Nga những năm 1820) đã trở thành cội nguồn cảm hứng cho tác phẩm của Pushkin[5] và qua đó trở thành tiền đề cho truyện Con cá vàng và Bà lão tham lam trong tập Những truyện cổ tích dân gian Nga (1859-1863) của A.N.Afanasiev.
Truyện cổ tích bằng thơ Người đánh cá và con cá nhỏ của Pushkin có nhiều bản dịch ra tiếng Việt khác nhau, nhưng phổ biến nhất vẫn là bản dịch văn xuôi của Vũ Đình Liên và Lê Trí Viễn với tiêu đề Ông lão đánh cá và con cá vàng. Tiêu đề đó phần nào gợi hướng tiếp cận tác phẩm như một câu chuyện thuần túy dân gian. Điều này đã làm cho các tác giả Sách giáo khoa THCS và cả một số nhà nghiên cứu chủ yếu chỉ xem xét nó từ góc độ “sự đòi hỏi quá đáng của người vợ” và “bài học đích đáng cho những kẻ tham lam bội bạc“[6], mà không chú ý đến ý nghĩa thời sự xã hội và triết lý nhân sinh của Pushkin ở chiều sâu của tác phẩm.
Đối chiếu câu chuyện dân gian với truyện của Pushkin, bên cạnh những nét tương đồng cốt truyện không thể phủ nhận, chúng tôi nhận thấy có một số điểm khác biệt đặc biệt quan trọng thể hiện dụng công sáng tạo thiên tài của Pushkin. Trên cơ sở câu chuyện cổ dân gian nhấn mạnh motif “bà vợ tham lam”, nhà thơ đã sáng tác nên một tác phẩm vừa mang tinh thần thời sự nóng bỏng của thời đại mình, vừa đưa ra triết lý sâu sắc về khát vọng tự do của con người trong mối quan hệ với chính mình, với xã hội, tạo hóa, vũ trụ.
- Nỗi đau thời đại
Khi nói về sáng tạo của Pushkin trong Người đánh cá và con cá nhỏ, giới nghiên cứu Nga đã ghi nhận những chi tiết mang tính cụ thể – lịch sử đặc trưng cho nước Nga cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX được nhà thơ đưa vào tác phẩm nhằm tăng cường tính thời sự xã hội cho câu chuyện.
Thời đại của Pushkin là thời đại chuyển mình nhức nhối của nước Nga nông nô chuyên chế bước vào thời đại mới sau Cách mạng Pháp 1789. Mâu thuẫn quý tộc – nông dân (thống trị – bị trị) và vấn đề tự do cho nhân dân, trên bình diện lịch sử, được đặt trong mối quan hệ với ý thức xã hội về con đường phát triển của dân tộc Nga: phát triển theo hướng gìn giữ “bản sắc Slave” hay “Âu hóa” theo tinh thần Phương Tây? Khi sáng tác Người đánh cá và con cá nhỏ, tìm hiểu nguồn gốc câu chuyện dân gian, Pushkin đã nghĩ đến điều này bởi vậy mà ông ghi chú cho bản thảo tác phẩm của mình là “khúc ca Serbia thứ 18” và dự định đưa nó vào tập Những khúc ca tây Slave.
Khát vọng tự do trong mối quan hệ giữa quý tộc và nông dân được Pushkin triển khai trong Người đánh cá và con cá nhỏ đồng thời với việc nhấn mạnh “bản sắc slave” trong câu chuyện phần nào thể hiện thái độ của nhà thơ về những vấn đề thời sự bức thiết của thời đại, dân tộc.
Trong câu chuyện dân gian, người đánh cá câu mãi mới được “một con cá bơn[7] to” tự xưng là “hoàng tử bị phù phép“, trong tác phẩm của Pushkin lần thứ ba người đánh cá quăng chài thì được “một con cá nhỏ – không phải cá thường, mà là một con cá vàng“. Việc con cá “biết nói tiếng người” làm cho người đánh cá trong cả truyện dân gian lẫn truyện của Pushkin đều kinh ngạc. Song trong truyện dân gian, cá không nói gì về việc đền ơn, mà khi xin tha chỉ nêu lý do “thịt tôi ăn chẳng ngon lành gì“, người đánh cá thả cá ra cũng chỉ vì lý do giản dị: “cá biết nói thì ta sẵn lòng thả cho bơi đi ngay“. Trong truyện của Pushkin, cá hứa sẽ “đáp đền hậu hĩnh” khi cầu xin ông lão, nhưng ông lão thả cá đi mà không cần đến lời hứa hẹn ấy: “Cá vàng ơi, trời phù hộ cho ngươi/Ta chẳng cần ngươi đáp đền chi cả/ Ngươi cứ về lại biển xanh,/ vùng vẫy ngoài khơi thỏa chí“. Không nhìn nhận quyền năng của con cá từ góc độ “lợi ích cho mình”, mà đặt mình vào hoàn cảnh của cá hiện đang bị bắt, mất tự do, phải tự chuộc mình, ông lão thả cho cá vàng đi và như gửi gắm ước mơ của mình vào lời cầu chúc “vùng vẫy ngoài khơi thỏa chí“. Chủ đề người nông dân và khát vọng tự do trong tác phẩm của Pushkin được triển khai chính từ lời cầu chúc ấy.
Trong chuyện dân gian, đòi hỏi của bà lão tăng dần từ nhu cầu có một “nếp nhà gianh” đến “lâu đài to xây bằng đá“, rồi làm “nữ vương“(König), “nữ hoàng“(der Kaiser), “giáo hoàng“(der Papst) và cuối cùng là làm “Chúa trời” những mong “sai khiến được mặt trời, mặt trăng mọc“. Từ lúc có được “nhà gianh” cho đến khi đòi có “lâu đài” là “mươi, mười lăm ngày“, còn sau đó hoặc ngay lập tức, hoặc cứ sau một đêm tỉnh dậy đòi hỏi lại tiếp tục tăng tiến. Song ngay cả khi làm đến “giáo hoàng” hai vợ chồng vẫn “cùng nhau đi ngủ“, dù bà vợ có dằn vặt chồng thì cũng vẫn chỉ như một người vợ “làm mình làm mẩy”: nghĩa là cũng chỉ đến buông lời “có đi hay không thì bảo?” hoặc “ngồi im như khúc gỗ, chẳng đáp“, hay “nhìn chồng bằng con mắt dữ tợn“. Mối quan hệ gia đình ở đây chưa đến nỗi bị phá hủy bởi lòng tham của bà lão.
Đòi hỏi đầu tiên của bà lão trong tác phẩm của Pushkin là “cái máng[8] mới” thay cho cái cũ “đã sứt vỡ hết cả“. Đây là sáng tạo thâm thúy của Pushkin: hình ảnh “cái máng sứt vỡ” sẽ được láy lại ở cuối tác phẩm ứng với câu thành ngữ Nga: “ngồi lại với cái máng sứt vỡ” hay “về lại với cái máng sứt vỡ”[9], có nghĩa là “tay trắng lại hoàn trắng tay”. Chi tiết “nhà gianh” trong đòi hỏi thứ hai được Pushkin định danh rõ hơn là “nhà izba” đặc trưng cho người slave. Chi tiết đòi “lâu đài” bị lược bỏ, đồng thời chi tiết đòi làm “nữ vương” được Pushkin thay bằng đòi hỏi thứ ba của bà lão – đòi làm “đức bà quý tộc rường cột (quốc gia)“[10] (nhất phẩm phu nhân) nghiễm nhiên đã có “lầu cao“, phục trang sang trọng từ “đầu” đến “chân” và có “kẻ hầu người hạ chuyên cần“. Đòi hỏi thứ tư của bà lão, ước muốn làm “nữ hoàng“, được định danh thêm là “nữ hoàng tự do“[11] sống trong “cung điện nguy nga“. Truyện của Pushkin bỏ đi chi tiết bà lão đòi làm “giáo hoàng” là chi tiết mang đậm mầu sắc tôn giáo Tây Âu. Còn đòi hỏi cuối cùng, ước muốn làm “Chúa trời” trong câu chuyện dân gian được thay bằng ước muốn làm “nữ chúa biển khơi” (Long vương) để cá vàng “thành kẻ đầu sai” sẵn sàng “phục vụ“.
Quãng cách thời gian giữa những đòi hỏi của bà lão cũng được Pushkin thay đổi. Những ước muốn đầu tiên của bà lão (“cái máng“, “nhà izba“, “nhất phẩm phu nhân“) được đưa ra liên tiếp đòi hỏi phải thực hiện “ngay lập tức“, nhưng từ ước muốn trở thành “nữ hoàng” trở đi thì thời gian giãn ra thành quãng cách “một, đôi tuần“. Qua giai đoạn “bột phát” với những ước muốn mới chỉ liên quan đến vật chất và quyền lực lớn những chưa phải là tối thượng, bà lão cần phải có thời gian để suy ngẫm trước những đòi hỏi lớn lao hơn.
Những đòi hỏi của bà lão trong truyện của Pushkin tăng tiến từ ước muốn vật chất tầm thường đến nhu cầu quyền lực tối thượng thể hiện khuynh hướng vật chất hóa khát vọng phổ biến trong thời đại của Pushkin. Thái độ của bà lão với ông lão hầu như không được soi chiếu từ góc độ vợ chồng: bà vợ ngay từ đầu đã trịch thượng “chửi mắng” ông lão là “đồ ngu“, là “thằng nhà quê” (mujik), tạm thỏa mãn ý nguyện thì “bắt xuống quét dọn chuồng ngựa“, tức giận thì “nổi trận lôi đình tát vào mặt ông lão“, hoặc thờ ơ “chỉ liếc nhìn qua, rồi lệnh đuổi đi“, hoặc sai khiến và đe dọa xâm phạm tự do “nếu không đi ta sẽ cho người lôi đi“. Thực chất, mối quan hệ giữa ông lão và bà lão là mối quan hệ giữa kẻ thống trị và người bị trị. Tác phẩm của Pushkin thể hiện nỗi đau thời đại của nhà thơ khi mối quan hệ thống trị – bị trị trở nên phổ biến, nó chi phối và tha hóa cả một trong những mối quan hệ thiêng liêng nhất của con người – quan hệ vợ chồng. Đối với bà lão biểu hiện đầu tiên của tự do là có những gì mình muốn và quyền lực đối với người khác. Quyền lực đi đôi với bạo lực. Khi làm “nhất phẩm phu nhân” có những “kẻ hầu người hạ chuyên cần“, mụ “đánh họ, túm đầu, kéo tóc“. Khi làm nữ hoàng, mụ có xung quanh cả một “bầy lính gác giáo mác vác vai hung dữ” để thể hiện quyền lực. Chính ý thức về mối quan hệ thống trị – bị trị ấy trực tiếp dẫn đến đòi hỏi cuối cùng của bà lão là được thống trị cả biển cả và cá vàng – phép lạ: “Ta muốn làm nữ chúa của biển khơi/ Để được sống ngoài đại dương – biển cả/ Để cá vàng phục vụ cho ta/ Và thành kẻ đầu sai sẵn bên ta mọi lúc“.
Trong xã hội ngự trị của vật chất và quyền lực, vấn đề tự do được đặt ra bức thiết hơn bao giờ hết. Vấn đề ấy ở nước Nga nông nô chuyên chế trong thời đại của Pushkin không tách biệt khỏi mối quan hệ “nông dân – quý tộc”. Khi tuyên bố muốn làm “nữ hoàng“, bị ông lão phản đối, bà lão “tát vào mặt chồng sỉ vả“: “Thằng nhà quê kia, dám cãi lại ta ư/ Cãi lại ta, một quý bà quý tộc?“. Trục quan hệ “nông dân – quý tộc” thực chất được đồng nhất với quan hệ “nô lệ – tự do“. Cách định danh “nữ hoàng tự do” qua lời bà vợ toát lên ý vị mỉa mai chua xót: bà lão tự khinh bỉ chính mình như “một mụ nhà quê mạt hạng“, vậy nên nhất nhất phải đòi làm “nhất phẩm phu nhân“, rồi “nữ hoàng“, “Long vương“. Đó là sự thể hiện của quan niệm lệch lạc về tự do xuất phát từ tâm lý của những “con người nhỏ bé”. Quan niệm ấy dẫn đến điều đau xót hơn nữa là chính cả “nhân dân” cũng nương theo sức mạnh cường quyền: khi thấy ông lão bị “nữ hoàng” không thèm để ý, “chỉ liếc nhìn qua, rồi lệnh đuổi đi“, đám quan lại, quí tộc “túm cổ đẩy chúi đầu” ông ở cửa, thị vệ chạy lại “mác rìu chút nữa chém rơi đầu“, còn “dân chúng” không những không thương xót ông mà còn cất lời mỉa mai, “giễu cợt“, trách ông lão: “chớ thấy sang bắt quàng làm họ“[12].
“Thái độ” của biển khơi đối với mỗi lần ra biển của ông lão theo yêu cầu của bà vợ được thể hiện theo lối tăng cấp vốn có sẵn trong câu chuyện dân gian. Yếu tố này vẫn được Pushkin giữ lại trong tác phẩm của mình, chỉ chuốt gọn hơn về câu chữ, nhấn mạnh màu sắc và những biến động trên mặt nước biển khơi. Tương ứng với năm điều ước tăng dần của bà lão và năm lần ra biển của ông lão: “Biển khơi sóng gợn lăn tăn” ® “Biển xanh nhuốm đục” ® “Biển xanh nổi sóng không yên” ® “Biển xanh đen xậm lại” ® “Giông tố đen tối sầm mặt biển:/Sóng nối đuôi nhau giận dữ dâng trào/ Cứ thế ầm ào, thét gầm, gào rống”. Yếu tố dân gian này được Pushkin sử dụng không chỉ để thể hiện phản ứng của tự nhiên, vũ trụ đối với lòng tham của bà lão, mà còn đối với cả thái độ thụ động của ông lão. Một lần nữa, như Pushkin từng viết về “nhân dân thanh bình cứ gặm cỏ đi thôi” trong bài thơ Người gieo giống tự do trên đồng vắng (1823), nhà thơ tỉnh táo nhìn thẳng vào bản tính thụ động, cam chịu của nhân dân như tiền đề cho sự áp bức, mất tự do. Đáp lại những đòi hỏi không ngừng của bà lão, ông lão về cơ bản chỉ biết phàn nàn, hoặc phản ứng bằng những câu nửa mỉa mai, nửa van xin (phản ứng mãnh liệt nhất của ông là “kinh sợ” khi nghe bà vợ tuyên bố muốn làm nữ hoàng, ông “rền rĩ“: “Mụ làm sao, ăn phải bả gì chăng?/ Đến đi đứng nói năng còn chẳng biết/ Làm trò cười cho cả quốc gia ư?“), thế rồi cuối cùng ông lão cũng vẫn “không một lời dám trái“, câm lặng, “lóc cóc“, “lủi thủi” đi ra biển than vãn với cá vàng về “mụ già quẫn trí“, “nổi loạn“, “đáng nguyển rủa“, “chẳng để già này được yên thân“, và cầu xin cá giúp đỡ. Ông lão đánh cá trong tác phẩm không phải không có ước mơ (“vùng vẫy ngoài khơi thỏa chí“), nhưng ước muốn tự do của ông không thể trở thành hiện thực: “chẳng cần được đáp đền chi cả“, nhưng ông vẫn phải nghe lời sai khiến của bà lão để đòi được đáp đền, muốn được “yên thân“, ông lại phải làm cho con cá chẳng được yên. Cái tâm “chẳng cần được đáp đền chi cả” của ông lão lại là bạn đồng hành với sự cam chịu, khuất phục. Tác phẩm của Pushkin nhức nhối nỗi đau cả về lòng tốt thụ động của con người trong thời đại của ông.
Mối quan hệ thống trị – bị trị tạo khoảng cách giữa hai giai tầng nông dân và quí tộc, chi phối tất cả các mối quan hệ khác trong xã hội, làm cho xã hội phân rã; khát vọng tự do xuất hiện cùng với quan niệm lệch lạc về tự do (đồng nhất với vật chất và quyền lực vị kỷ), cùng với sự thụ động, cam chịu cố hữu chỉ làm cho vấn đề tự do cho nhân dân ngày một trở nên nhức nhối hơn. Đó là những vấn đề nổi cộm của xã hội Nga cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. Nhấn mạnh những vấn đề này bằng hệ thống hình tượng của mình, Pushkin kết nối cái “ngày xưa” trong câu chuyện cổ với thời sự bức thiết của nước Nga trong thời đại của ông. Hơi thở của thực tại đương đại đã làm cho tác phẩm của Pushkin trở nên hiện đại, tươi mới, dường như hoàn toàn khác với câu chuyện dân gian chủ yếu hướng tới bài học “thưởng Thiện phạt Ác” không mang tính lịch sử cụ thể.
- Huyền thoại về thân phận con người
Bình diện thời sự không lấn át bình diện huyền thoại trong Người đánh cá và con cá nhỏ, mà chỉ cộng hưởng với nó, làm cho nó trở nên lung linh đa nghĩa. Yếu tố huyền thoại cổ xưa được xác định bởi motif “vai trò người vợ trong quá trình nhận thức thế giới và chính mình” tiềm ẩn trong câu chuyện dân gian được Pushkin “giải cấu trúc” và kiến tạo lại thành một chỉnh thể huyền thoại mới mang đậm cảm quan “hiện sinh” về thân phận con người trong thế giới hiện đại.
Trong nguyên bản, phân biệt với câu chuyện dân gian Hai vợ chồng người đánh cá, Pushkin xác định tiêu đề cho tác phẩm của mình là Người đánh cá và con cá nhỏ: chỉ đề cập đến “người đánh cá” (xác định lĩnh vực hoạt động của nhân vật, không nhấn mạnh tuổi tác) và “con cá nhỏ” (xác định đối tượng, không nhấn mạnh giá trị – phép lạ). Trọng tâm ý nghĩa ở đây dịch chuyển từ motif “bà vợ tham lam” sang mối quan hệ giữa người đánh cá và con cá. Yếu tố phép lạ (“con cá vàng” và khả năng đáp ứng nguyện vọng một cách kỳ diệu), vốn có chức năng thực thi việc “đổi đời” – “thưởng Thiện phạt Ác” ở phần kết mỗi câu chuyện cổ tích, ở đây được Pushkin chuyển vào phần diễn biến hành động ở giữa câu chuyện làm cơ sở tạo dựng tình huống thử thách. Trên thực tế, phép lạ ở đây mất đi sức mạnh thiêng liêng của nó, chỉ còn có ý nghĩa tình huống. “Chẳng cần chi cả“, ông lão trong truyện của Pushkin coi “con cá vàng” hay “con cá nhỏ” thực chất cũng đều như nhau. “Con cá vàng biết nói tiếng người” đối với ông lão chỉ thuần túy là sự lạ, đáng ngạc nhiên mà ông “chưa từng thấy“, hoàn toàn không có ý nghĩa vị kỷ, thực dụng. Sự bất biến ở đầu và cuối truyện phá hủy ý nghĩa của mọi sự biến đổi bên trong diễn trình hành động.
Câu chuyện dân gian chỉ giới thiệu về hai vợ chồng người đánh cá sống “trong một túp lều cũ kỹ sát ven biển“, như để tô đậm thêm sắc màu huyền thoại, Pushkin nhấn mạnh “ông lão với bà lão của mình” sống “mãi tít ngoài biển xanh” và xác định thời gian “tròn ba mươi năm và ba năm” (quãng thời gian “ba mươi năm và ba năm” được nhấn lại một lần nữa qua lời trực tiếp của ông lão khi ngạc nhiên về con cá biết nói tiếng người). Hệ thống biểu tượng Thiên chúa giáo trong tác phẩm bắt đầu được triển khai chính từ chi tiết này. Một mặt, motif “người đàn ông với người đàn bà của mình” trong không gian mang sắc màu huyền thoại gợi liên tưởng đến câu chuyện Adam và Eve trong Kinh Thánh. Mặt khác, đối với người theo đạo Thiên Chúa, ba mươi ba năm ứng với một đời người: đó là tuổi của Đức Kitô lúc bị đóng đinh lên cây thập giá. (Nhìn từ góc độ văn hóa này, “cái máng” trong đòi hỏi đầu tiên của bà lão đồng thời gợi liên tưởng đến “máng cỏ” nơi Đức Kitô sinh thành). Số ba trong “ba mươi năm và ba năm” còn được Pushkin láy lại trong tình tiết ông lão ba lần quăng chài, đến lần thứ ba mới bắt được cá vàng (trong câu chuyện dân gian chỉ nói là “buông câu hết giờ này sang giờ khác“). Số ba được láy lại như sự nhấn mạnh cảm quan vũ trụ dân gian cổ xưa, nó tương ứng với ba nhân vật trung tâm “người đánh cá – con cá – bà vợ”, song nó cũng đồng thời được đan cài với quan niệm về vũ trụ của châu Âu Thiên Chúa giáo (“Tam vị nhất thể” – “Троица, Trinitas“). Như vậy, có thể thấy, hệ thống biểu tượng Thiên Chúa giáo trong tác phẩm của Pushkin được xây dựng trên cơ sở đan kết, đối sánh huyền thoại Giáng sinh và huyền thoại về Tội lỗi đầu tiên: sự hiển hiện của cái Thiêng trong cõi Tục (trong huyền thoại Giáng sinh) bị tráo đổi bằng ham muốn trần tục nảy sinh trong không gian Thiêng (vườn Eden), ham muốn thôi thúc Người phụ nữ (Eve) xui Người đàn ông đầu tiên (Adam) thử “trái cấm” ý thức – khởi đầu cho cuộc sống “đày ải” của con người dưới trần gian. Sự tráo đổi các thành tố của hai huyền thoại Thiên Chúa giáo nói trên thể hiện khuynh hướng “giải thiêng” phá vỡ cấu trúc giáo điều của từng huyền thoại đơn lẻ, xác lập cơ sở cho việc tạo dựng huyền thoại mới về thân phận Con người trong Thời hiện đại.
Trong nguyên bản tác phẩm, Pushkin kể rằng hai vợ chồng ông lão “sống trong một căn hầm cũ kỹ“[13]. “Căn hầm” là nơi ở không ra hình thù của một căn nhà: hoặc nó được khoét sâu xuống đất, hoặc nó được dựng trồi lên tạm bợ. Nếu không quan tâm đến kích thước, có thể thấy “căn hầm” có hình thù không khác “cái máng” là bao: nó có thể được khơi ra từ lòng đất như cái máng thuyền, hoặc có thể “úp mai rùa” như cái máng úp ngược. Nếu lưu ý rằng “cái máng” trong tác phẩm của Pushkin là một “cái máng giặt”, trên bình diện cảm quan vũ trụ, mạch liên tưởng trong tác phẩm có thể được mở rộng liên kết với hình ảnh “biển nổi sóng”. Trục hình tượng “Biển[14] – Căn hầm – Cái máng” được triển khai trong tác phẩm thành một mạch liên kết qua ba mắt xích lấp lửng theo chiều “rộng – hẹp”, hoặc “mở ra – úp lại”. Trục hình tượng này được hỗ trợ bằng sự dịch chuyển vị thế không gian của ông lão và bà lão theo mạch phát triển cốt truyện. Khác với câu chuyện dân gian, ở đầu truyện của Pushkin, trong không gian thoáng rộng của biển khơi, ông lão không “đi câu”, mà “quăng lưới”[15] chụp xuống biển. Khi kéo lên được một con cá vàng, nắm trong tay vận mệnh của cá, ông lão mở lưới ra tha cho nó, chủ động hòa vào khát vọng về khoảng không tự do của biển. Nhưng sau đó, cam chịu tuân theo những đòi hỏi của bà lão, ông lão thành kẻ đầu sai “sấp sấp ngửa ngửa” trong vận động miễn cưỡng “ra biển” rồi “lộn lại”, lúc bị “sai xuống làm việc ở chuồng ngựa”, khi bị đuổi “ra khỏi cửa”, và cuối cùng “giông tố đen sầm” như chụp xuống, bủa vây ông trong hoàn cảnh không lối thoát. Vị thế không gian của bà lão gắn kết nhiều hơn với nơi ở, chỗ ngồi: ứng với hai điều ước chính đáng đầu tiên, vị thế của bà lão không được xác định, song bắt đầu từ điều ước thứ ba, vị thế của bà lão dịch chuyển từ “dưới bậu cửa sổ” lên “hiên lầu”, rồi vào “sau bàn trong cung điện” (nghĩa là càng lên cao càng bị “úp lại”, giam cầm trong những điều ước của chính mình). Đọng lại trong cảnh cuối là hình ảnh bà lão “ngồi trên ngưỡng cửa” căn hầm trong sự đợi chờ vô vọng. Sự dịch chuyển vị thế không gian của hai nhân vật trong tác phẩm của Pushkin không cùng hướng, không hòa nhập, nhưng lại thể hiện một xu thế chung: khoảng không thoáng rộng, lớn lao, trường cửu ở đây bị ép vào không gian chật hẹp, nhất thời; ý thức rộng mở lòng mình bị “chụp xuống”, chịu sự đè nén của tham vọng thu vén, quyền lực vị kỷ, nhỏ nhen và áp lực số phận.
Nhìn từ sự tổng hòa các yếu tố văn hóa dân gian với văn hóa Thiên Chúa giáo trong tác phẩm, có thể thấy, bằng một hệ thống biểu tượng phức hợp, Pushkin đã kiến tạo nên tình huống xung đột gay gắt giữa hai lẽ sống, hai giải pháp đổi thay thế giới, hay hai quan niệm của con người về tự do: 1). Giải pháp Thượng đế – “giải pháp tình thương” tự giác, vị tha hay quan niệm về tự do tinh thần nội tại của ông lão (ứng với “tấm gương cứu chuộc” cho cả thế giới của Đấng Cứu thế như người “người hơn hết trong mọi con người”); 2). Giải pháp Trần gian – giải pháp bạo lực, tự phát, vị kỷ hay quan niệm của bà lão về tự do như vị thế có được nhờ vật chất, quyền lực, như sự “nổi loạn” chống lại trật tự thế giới do Đấng Tối cao sắp đặt. Điều trớ trêu trong truyện của Pushkin là ở chỗ: trong thời đại phép lạ không còn là điểm tựa tinh thần cho con người, chỉ còn ý nghĩa thuần túy vật chất, quyền lực, giải pháp Trần gian chiếm ưu thế, nó lấn át, chi phối giải pháp Thượng đế.
Xung đột giữa hai lẽ sống dẫn đến một kết cục buồn thể hiện qua kết cấu vòng tròn của tác phẩm. Tác phẩm kết thúc bằng việc “biển nổi sóng ầm ầm“, cá vàng “quẫy đuôi lặn sâu xuống đáy biển“, còn trước mắt ông lão là hình ảnh “lại vẫn căn hầm đất“, “mụ vợ xưa” và “cái máng sứt vỡ“. Huyền thoại của Pushkin chỉ ra sự bi đát của thân phận con người. Con người trong tham vọng tự do tột cùng vị kỷ của mình – tham vọng bằng mọi giá “nổi loạn” vươn lên ngang tầm Thượng đế, cuối cùng lại trở về điểm xuất phát ban đầu, cũng chẳng khác gì kẻ vị tha chỉ biết làm việc thiện, mong được “yên thân” mà chẳng được yên thân. “Con cá vàng” chỉ là sự mê hoặc thử thách ý chí con người trong hành trình tìm chân lý. Rốt cục, đó chỉ là một “con cá nhỏ” được thả bởi lòng thương, hoặc vuột khỏi tay bởi lòng tham. Cuộc sống con người thế nào vẫn chỉ là sự tồn tại bên “căn hầm cũ“, “mụ vợ xưa” với một “cái máng sứt vỡ“! Triết lý ấy mang đậm tinh thần của huyền thoại sisyphe[16], tinh thần sẽ được các nhà hiện sinh chủ nghĩa thế kỷ XX triển khai như tư tưởng cơ bản về cuộc sống con người.
* * *
Đúng là nghệ thuật phỏng phong cách dân gian của Pushkin đã đạt tới trình độ bậc thầy. Vì thế, nếu chỉ nhìn trên bề mặt, người ta thấy các truyện cổ tích của Pushkin không có gì khác biệt với truyện cổ tích dân gian. Song, khi phân tích kỹ chiều sâu cấu trúc của truyện kể, ta lại nhận ra những nét khác biệt căn bản giữa tác phẩm của nhà văn với tư duy truyện kể dân gian. Pushkin không phải nhà sưu tầm văn hóa dân gian, hình thức và “cái cốt” của những câu chuyện dân gian được nhà văn sử dụng không chỉ để “dân chủ hóa” văn học, mà cái chính là để truyền tải một “tiếng nói mới” mang tính thời sự và cả ý nghĩa triết lý lớn lao về con người và thế giới. “Ý nghĩa mới” trong những câu chuyện cổ tích của Pushkin thực chất là sự cộng hưởng hàm ý của cốt truyện dân gian với hơi thở của thực tại đương đại. Khuynh hướng gợi liên tưởng kết nối cái “ngày xưa” trong câu chuyện kể với những vấn đề bức thiết trong thực tại đời sống đương đại của dân tộc, nhân loại làm cho truyện cổ tích của Pushkin không chỉ có ý nghĩa thời sự bức thiết mà còn trở thành tiếng nói dự báo về cảm quan con người trong cuộc sống hiện đại.
Không phải ngẫu nhiên, Người đánh cá và con cá nhỏ được sáng tác trong cùng một năm với kiệt tác Con đầm Pich (1833) của Pushkin: hai tác phẩm đồng thời trở thành những lời cảnh báo đầu tiên về cuộc khủng hoảng tinh thần của con người trong thế giới đang có khuynh hướng trần tục hóa đến dung tục. Người đánh cá và con cá nhỏ của Pushkin là một trong những tác phẩm đầu tiên trong văn học thế giới kiến tạo huyền thoại mới về thân phận bi đát của con người trong thế giới không còn có Chúa trời và phép lạ, khi con người phải tự mình đối mặt với chính mình trong những khát khao vươn lên ngang tầm Thượng đế, hay cố gắng tìm sự bình yên trong chính bản thân mình. Từ Người đánh cá và con cá nhỏ của A.Pushkin đến Trường ca về Đại pháp quan tôn giáo trong Anh em nhà Karamazov (1879-1880) của F.Dostoevsky chỉ còn có một bước. Năm 1951 – 1952, trong Ông già và biển cả, E.Hemingway thay thế bà vợ người đánh cá bằng cậu bé Manolin và để ông lão Santiago của mình kiên cường ra khơi, rồi trở về với con cá khổng lồ chỉ còn là một bộ xương. Phải chăng đó là sự tiếp tục mạch suy tưởng huyền thoại của Pushkin?
(Bài đã đăng trên TC Nghiên cứu văn học, số 9 – 2011, tr.5-15)
[1] V.Belinski.- Toàn tập tác phẩm. T.II. Moskva, 1953-1959, tr.347.
[2] Nguyên bản tiếng Nga: Сказка о рыбаке и рыбке.
[3] Xem: I.M.Kolesnitskaya.- Truyện cổ tích // Pushkin: Tổng kết và những vấn đề nghiên cứu. Moskva-Leningrad, 1966, tr.437-444.
[4] Xem: Kho tàng truyện cổ Grimm (Hữu Ngọc dịch). Nxb VHTT, Hà Nội, 2001, tr.696-708.
[5] Xem Chú giải của B.V.Tomashevshky: A.S.Pushkin.- Toàn tập tác phẩm: 10 tập. T.4. Leningrad, 1977, tr.435. Nguyên bản tác phẩm của A.S.Pushkin được chúng tôi khảo sát và tự dịch lại cũng lấy từ cuốn sách này (tr.338-343).
[6] Xem: Sách giáo khoa Ngữ văn 6, T.1. HN, Nxb Giáo dục, 2006, tr.96; Nguyễn Thị Huế.- Thế giới truyện cổ tích của Pushkin.//Về A.S.Pushkin. HN, Nxb Văn học, 1999, tr.102.
[7] Trong bản dịch của Hữu Ngọc là “cá đìa” (Sđd, tr.696). Đây là giống cá thuộc về loại có tên khoa học là Рleuronectes.
[8] Nguyên bản tiếng Nga: “корыто” – có nghĩa là cái chậu gỗ, máng giặt hoặc máng thức ăn cho gia súc. Trong bản dịch của Vũ Đình Liên và Lê Trí Viễn dịch là “cái máng lợn“, theo chúng tôi, không thích hợp với hoàn cảnh sống của vợ chồng người đánh cá. Đối với trường hợp này hiểu là “cái máng giặt” có lẽ thích hợp hơn cả.
[9] Tiếng Nga: “сидеть (оказаться) у разбитого корыта ” hoặc “возвращаться к разбитому корыту”. Xem: Từ điển thành ngữ tiếng Nga, Moskva, Nxb Tiếng Nga, 1986, tr.208.
[10] Trong nguyên bản tiếng Nga bà lão tuyên bố: “Ta muốn làm đức bà quí tộc rường cột (quốc gia)” (“Хочу быть столбовою дворянкой”).
[11] Trong nguyên bản tiếng Nga bà lão tuyên bố: “ta muốn làm nữ hoàng tự do” (“хочу быть вольною царицей”). Chi tiết này gợi liên tưởng đến thực tại lịch sử nước Nga cuối thế kỷ XVIII dưới triều đại của nữ hoàng Ekaterina II.
[12] Nguyên bản là một thành ngữ tiếng Nga: “Не садися не в свои сани” – “Chớ ngồi vào xe trượt không phải của mình”.
[13] Nguyên bản tiếng Nga: “Они жили в ветхой землянке”.
[14] Để tập trung nhất quán vào hình tượng “biển” xuyên suốt tác phẩm, Pushkin đã thay thế “Chúa trời” trong điều ước cuối của bà lão trong chuyện dân gian bằng “nữ chúa biển khơi”.
[15] Nguyên bản tiếng Nga: “закинул невод” – “quăng chài, quăng lưới”. Từ “невод” (“lưới chụp”) trong tiếng Nga gần âm và dễ gợi liên tưởng đến từ “небосвод” (“vòm trời”).
[16] Trong thần thoại Hy Lạp có Sisyphe là con của Éole, thần Gió, và là vua xứ Corinthe, phạm tội với thánh thần, nên khi chết xuống âm phủ bị trừng trị bằng hình phạt bắt vần một tảng đá lớn từ chân núi lên đỉnh núi; do sức Sisyphe có hạn mà tảng đá lại nặng nên cứ vần lên gần tới đỉnh, tảng đá lại lăn xuống và Sisyphe phải lặp đi lặp lại mãi không thôi công việc nặng nề, nhàm chán chẳng đem lại kết quả. Huyền thoại này được nhà hiện sinh chủ nghĩa A.Camus coi là điển hình nhất cho thân phận con người.
Nguồn: http://dhaiphong.blogspot.com/2014/02/nguoi-anh-ca-va-con-ca-nho-cua-a.html