Search results for

lang tai ký

Film studies Văn học & Điện ảnh Văn học Nhật Bản

The Warrior and the Wolf – LANG TAI KÝ (Phan Thu Vân dịch từ bản tiếng Trung)

https://www.youtube.com/watch?v=VjHRPCABYik

LANG TAI KÝ

(CHIẾN BINH VÀ SÓI)1

Tần Thủy Hoàng năm thứ ba mươi hai (năm 215 trước Công nguyên), tướng quân Mông Điềm dẫn ba mươi vạn đại quân đi thảo phạt Hung Nô ở phương bắc.

Đây là lần đối địch đầu tiên giữa nước Tần thống nhất được lãnh thổ Trung Quốc với dân tộc du mục phương bắc hùng mạnh. Mông Điềm tả xung hữu đột đánh phá quân Hung Nô ở khắp nơi, cuối cùng thu về được địa phận Ngạc Nhĩ Đa Tư ( tức vùng Ordos) thuộc khu vực Hà Sáo đã bị Hung Nô vượt rào chiếm giữ nhiều năm. Tại đây, Mông Điềm cho thiết lập chế độ quận huyện, tạo căn cứ ở Thượng quận (tức huyện Tuy Đức tỉnh Thiểm Tây), cai trị toàn bộ quân đội trấn giữ phòng thủ biên giới.

Tiếp đó, Mông Điềm phụ trách công trình xây dựng tu sửa Trường thành dài hàng vạn dặm từ quận Lâm Thao (huyện Lâm Chương tỉnh Cam Túc) đến quận Liêu Đông, đào núi lấp vực, sửa sang đường lớn, bố trí tinh binh ở những nơi xung yếu. Con trưởng của Tần Thủy Hoàng là Phù Tô làm giám quân tại Thượng quận, hiệp lực cùng Mông Điềm thảo phạt Hung Nô. Nhờ vậy, Hung Nô không còn dám biểu dương lực lượng xâm phạm biên giới nước Tần như trước nữa, mà chỉ có thể tiến hành những cuộc quấy rối đột kích ở quy mô nhỏ.

Năm ba mươi bảy (năm 210 trước Công Nguyên), Tần Thủy Hoàng chết, chính vào năm thứ sáu sau khi Mông Điềm thảo phạt Hung Nô. Tể tướng Lý Tư và hoạn quan Triệu Cao âm mưu lập con thứ của Tần Thủy Hoàng là Hồ Hợi làm hoàng đế thứ hai của nhà Tần để dễ dàng nắm lấy quyền lực, bèn giả truyền thánh chỉ, ra lệnh trừ khử thái tử Phù Tô và tướng quân Mông Điềm. Phù Tô nhận được lệnh ban cho cái chết, bèn tự vẫn. Mông Điềm cũng uống thuốc độc chết ở Dương Chu. Chỉ bốn năm sau, Tần rơi vào thảm kịch mất nước, mà sự việc này chính là nguyên nhân khởi phát.

Sợ hãi trước ảnh hưởng nhân tâm sĩ khí từ việc thái tử Phù Tô và tướng quân Mông Điềm bị bức chết, những người biết chuyện đều giữ bí mật nghiêm ngặt với quân phòng thủ biên giới. Nhưng sau nửa năm, tin tức này truyền đến tai một bộ phận quân phòng thủ trường thành ở Ngạc Nhĩ Đa Tư gần Thượng quận nhất. Tin tức vừa truyền tới liền hóa thành hai con rồng lửa, một lướt về đông, một trườn sang tây, men theo trường thành uốn lượn không dứt, đưa tin đi một cách từ từ nhưng với vận tốc xác thực không đổi. Nó giống như ngọn lửa bốc cháy ngùn ngụt trên thảo nguyên, không ngừng lan ra rộng khắp.

Hỗn loạn dấy lên ở mọi nơi. Việc tướng quân Mông Điềm và thái tử Phù Tô tự sát đối với quan binh biên cương mà nói, còn lớn lao hơn, quan hệ trực tiếp đến vận mệnh hơn là việc Tần Thủy Hoàng băng hà. Đặc biệt những cảm xúc nhen nhóm trong quan binh từ việc Mông Điềm tướng quân tự tận thật là phức tạp. Không cần kể đến nhóm binh sĩ và nô dịch do những kẻ phạm tội hay vô lại trong thiên hạ hợp thành, chí ít đối với hàng ngàn hàng vạn quan binh lão thành mà nói, xa rời sự kính trọng hoặc tâm lý nể sợ đối với tướng quân Mông Điềm, thì không thể tưởng tượng được những ngày đêm chiến đấu với Hung Nô tại nơi dị vực sẽ ra sao. Đối với một số người, Mông Điềm là thần. Sự đối đãi công minh và từ ái với bộ hạ của ông; sự liêm khiết, dũng cảm, trung thành của ông chính là bùa hộ thân của họ trong cuộc chiến sinh tồn nơi biên cương phía bắc. Tuy nhiên, đối với một số khác, Mông Điềm lại là ác ma đáng nguyền rủa. Ông vì muốn lập công mà dù phơi thây vạn người cũng không tiếc, vì muốn thảo phạt quân địch mà không hề thương xót quân mình bị mặc kệ ngoài biên ải nhiều năm, vì muốn giữ tròn quân kỷ mà thành hà khắc, thường thẳng tay hy sinh mười mấy mạng binh sĩ để chấp hành một điều lệnh.

Có người vì cái chết của Mông Điềm mà bi thương, có người vì cái chết của Mông Điềm mà sinh ra cảm xúc mãnh liệt muốn trở về quê hương xa xôi. Thế nhưng, những hỗn loạn từ đó sản sinh chỉ là những hỗn loạn giản đơn ở mức độ tinh thần. Vũng xoáy của suy đoán và nghi hoặc ở các nơi đều không được biểu hiện bằng hình thức cụ thể nào. Vùng biên phòng của họ quá xa kinh thành, không cách chi hiểu tường tận chân tướng sự việc, mà lịch sử sẽ đi về đâu lại càng không sao đoán biết. Nếu phải chọn ra một ví dụ về ảnh hưởng trực tiếp của cái chết Mông Điềm đối với hành động của quân đội, thì phải kể đến cánh quân kém may mắn nhất trong toàn bộ đội quân Trường thành đang trấn giữ vùng biên cương xa xôi nhất tận chân dãy Âm Sơn.

Hôm ấy, Lục Trầm Khang dẫn một đội quân ngàn người đến đóng tại địa điểm cách trường thành năm trăm dặm về phía bắc, kết thúc hơn một tháng chiến tranh mòn mỏi với Hung Nô, cuối cùng cũng được nghỉ ngơi một ngày. Hung Nô đã chạy trốn, xung quanh không một bóng giặc, nhưng Lục Trầm Khang không muốn để quân đội dừng ở đây quá lâu, mà ngay sáng hôm sau phải tiếp tục tiến lên. Tuy hơn ai hết, chàng hiểu việc truy kích đường dài rất nguy hiểm, song nếu không tập kích và thiêu hủy cứ điểm của Hung Nô – một thôn trang trong núi cách hơn hai trăm dặm về phía bắc, thì lần chiến đấu này sẽ không kết thúc. Đây là mệnh lệnh của cấp trên giao phó, đồng thời cũng là cách duy nhất trừ tận gốc các cuộc tập kích quấy rối của quân Hung Nô vùng này. Thêm nữa, giờ đang lúc vào đầu đông, không biết ngày nào sẽ có tuyết lớn. Mọi việc cần giải quyết trước khi tuyết xuống.

Ngày hôm đó, Lục Trầm Khang tiếp đãi sứ giả đến từ đội của Trương An Lương. Họ là cánh quân lân cận, tuy cùng trấn giữ ngoài biên ải, nhưng lại đóng ở hậu phương cách đó rất xa. Sứ giả đưa đến ba trăm tấm da dê và rất nhiều thịt dê, cùng thư từ Trương An Lương. Nghe đâu để tìm cho được nơi đóng quân của cánh Lục Trầm Khang, sứ giả đã phải đi mất mười mấy ngày trên thảo nguyên ngập gió bấc đầu đông.

Trước mắt Lục Trầm Khang chợt hiện ra gương mặt người bạn lâu ngày không gặp, lòng chàng cảm thấy vô cùng nhung nhớ. Đối với cánh quân buộc lòng phải qua đông dưới chân dãy Âm Sơn, thì da dê và thịt dê là món quà vô cùng quý giá. Lục Trầm Khang mở tiệc rượu khoản đãi nồng hậu sứ giả trước doanh trại. Ngồi trên chiếu, chàng giở thư Trương An Lương ra đọc. Lục Trầm Khang dường như không sao tin được vào mắt mình, khi những hàng chữ trên thẻ tre đang nói với chàng về việc Mông Điềm tướng quân đã bị ban cho cái chết.

Đối với Lục Trầm Khang, Mông Điềm là một sự tồn tại tuyệt đối chân thực. Tần Thủy Hoàng năm hai mươi sáu, khi Mông Điềm tấn công nước Tề lập được đại công, Lục Trầm Khang giữ vị trí chủ chốt trong một đội quân nhỏ tham chiến. Từ đó tới nay, chàng luôn là chiến sĩ dưới trướng Mông Điềm. Từ năm ba mươi đến bốn mươi tuổi, mười năm của đời chàng đã qua đi giữa những cuộc chiến. Địa vị Lục Trầm Khang cố nhiên chưa thể đạt tới mức độ có thể bái yết tướng quân, nhưng duy nhất một lần chàng đã từng được tướng quân đích thân thăm hỏi. Đó là mùa thu năm Tần Thuỷ Hoàng thứ ba mươi ba, khi quân Tần chiếm Ngạc Nhĩ Đa Tư, tạo thành thế đối lập với quân Hung Nô qua Hoàng hà, chàng là thành viên của cánh quân tiên phong vượt sông, chiến đấu kịch liệt suốt ba ngày ba đêm, cuối cùng giữ được một cứ điểm ở bờ bên kia. Lúc ấy Mông Điềm vừa tới, muốn úy lạo đặc biệt tốp binh sĩ ít ỏi còn sót lại. Có thể vì tướng mạo khôi ngô uy dũng của Lục Trầm Khang gây chú ý, nên khi tướng quân nhìn đến, thì chỉ hỏi mình chàng tên là gì. Lục Trầm Khang đáp tên xong, Mông Điềm gật mạnh đầu, nói mỗi một câu: “Tên nhà ngươi là tên của một dũng sĩ.” Lục Trầm Khang thật khó quên sự cảm động của chàng lúc đó. Chàng vốn là một dũng sĩ, từ đó trở đi, lại càng dũng mãnh gấp bội, không ngừng tạo dựng được tiếng tăm. Lục Trầm Khang từng dẫn đầu toán quân trăm người, năm trăm người, ngàn người, thường được phái đến những nơi chiến đấu gian khổ nhất. Đương nhiên việc này chẳng liên quan gì đến tướng quân Mông Điềm, song Lục Trầm Khang luôn xem đó là mệnh lệnh từ Mông Điềm đưa xuống. Chỉ cần vì tướng quân Mông Điềm, thì chàng có thể không màng tới mạng sống, nhiệm vụ gian khổ đến đâu cũng sẵn sàng đảm đương.

Đối với một Lục Trầm Khang như vậy, thì việc tướng quân Mông Điềm bị ban cho cái chết oan ức là chuyện không tài nào lý giải nổi. Chàng sao có thể tin được. Bỗng chốc, chàng cảm thấy trời đất tối sầm, mặt đất rung chuyển.

Đêm đó Lục Trầm Khang thức trắng, suy đi tính lại rồi hạ quyết tâm: dừng cuộc chiến với Hung Nô, thu quân về nước. Chàng chẳng thấy việc giao chiến với Hung Nô còn chút ý nghĩa nào, cũng không tìm ra lý do để qua đông trên đất của quân địch. Tất cả đều vì sự tồn tại của Mông Điềm mà tồn tại, nhưng nay Mông Điềm không còn nữa. Chàng không hề suy nghĩ thiệt hơn về việc thu quân, có vì thế mà bị trừng phạt, hay bị xử tội chết cũng mặc. Đến tướng quân Mông Điềm còn vô duyên vô cớ bị khép vào tử tội, nữa là chàng chẳng qua chỉ giữ vị trí đội trưởng một cánh quân ngoài biên ải. Cái tấm thân nhẹ tựa lông hồng này có xảy ra chuyện gì cũng không đáng kể.

Lục Trầm Khang viết cho Trương An Lương một bức thư cảm tạ, lấy những lễ vật hôm trước vừa nhận được chất lại lên lưng ngựa, cho sứ giả đem về. Chàng phái trăm quân lính hộ tống sứ giả đến hơn trăm dặm đường.

Lục Trầm Khang đợi đám binh sĩ hộ tống sứ giả quay lại, rồi ngày thứ hai mới cho toàn quân biết quyết định về nước của mình. Binh sĩ đương nhiên không có ý kiến phản đối, chỉ là họ không ngờ rằng cuộc chiến đấu với Hung Nô ở biên cương lại có ngày kết thúc, nên mất một lúc lâu, họ mới hiểu được ý nghĩa chính xác của những lời Lục Trầm Khang nói. Họ dường như lúc đó mới ngộ được, hóa ra cái vận mệnh đen đủi cứ phải đi sâu vào vực thẳm khổ nạn không đáy của mỗi người cũng đến lúc được giải thoát.

Sáng ngày thứ ba sau khi sứ giả của Trương An Lương đi, Lục Trầm Khang dẫn quân rời khỏi doanh trại, tiến về hướng nam. Dự kiến khoảng bảy tám ngày sau sẽ đến bờ Hoàng hà, ngày thứ mười hoặc mười một sẽ tới Trường thành. Sau ba năm, quân của Lục Trầm Khang sẽ lại được nhìn thấy Trường thành.

Việc hành quân lúc đầu cực kỳ khó khăn. Binh sĩ luôn bị gió bấc đâm xuyên đến tận xương. Từ ngày thứ ba trở đi, gió bấc bắt đầu kẹp thêm hoa tuyết, những bông tuyết ướt nặng nề gieo xuống đầu của binh sĩ và chiến mã. Ngày thứ tư, sức gió giảm dần, nhưng tuyết lại không ngừng rơi, càng lúc càng lớn, lấp kín cả trời. Quân sĩ buộc phải vừa đi vừa dừng để xác định đường phía trước. Đối với một ngàn quân binh của Lục Trầm Khang, tuy đã từng đi lại nhiều lần, rất quen thuộc địa thế thảo nguyên, nhưng họ cũng hiểu rõ băng tuyết có khả năng chỉ trong một đêm khiến cả vùng thảo nguyên này trở nên hoàn toàn xa lạ và đáng sợ.

Hoàng hôn buông xuống, người chỉ huy chọn con đường bên phải tiến bước, đi đến dưới một khu đồi núi vô danh, thấp thoáng có bóng thôn làng với những căn nhà bằng đất của tộc người Thiết Lặc2.

Vẫn còn hơn nửa ngày đường nữa mới tới được bộ lạc nơi có thể đóng quân tá túc theo dự kiến. Nếu miễn cưỡng tiếp tục đi, chỉ khiến quân sĩ thêm nhiều vết thương do đông cứng khắp người, thậm chí có nguy cơ bị bão tuyết cuốn. Vì vậy, Lục Trầm Khang quyết định vào thôn của tộc Thiết Lặc đợi đến khi tuyết lặng trời quang.

Tất nhiên, chàng chưa bao giờ vào thôn của người Thiết Lặc, thậm chí đây là lần đầu tiên chàng đến gần họ. Tộc Thiết Lặc bị coi là dân tộc đặc biệt, vai vế thấp nhất trong số các bộ tộc rải rác khắp thảo nguyên. Họ hoàn toàn không liên hệ gì với các tộc người khác. Nam giới làm nghề chăn nuôi, nữ giới làm nghề trồng trọt, cuộc sống của họ rất thấp kém bần cùng. Tất cả nam giới đều xăm hoa văn ở khóe miệng, còn nữ giới buộc mái tóc màu nâu lại thành một lọn đuôi ngựa thõng dài sau lưng. Trên người họ có một mùi hôi thối đặc trưng, các tộc người khác cho đó là sự xú uế nên tỏ ý ghét bỏ.

Lục Trầm Khang phái bộ hạ đi làm quen và thương lượng với tộc Thiết Lặc, đề nghị họ nhường ra cho quân đội năm mươi gian nhà đất. Năm mươi gian nhà đất chứa đạo quân một ngàn người vốn cũng chẳng thoải mái, song nếu yêu cầu nhiều hơn, sẽ bức tộc Thiết Lặc phải ra ở ngoài trời, trên mặt đất băng giá. Đối với binh sĩ, chỉ cần năm mươi gian nhà đều có mái để chắn gió che tuyết, thì cũng đã là món quà quý giá vô cùng.

Mặt khác, đối với người tộc Thiết Lặc, nhường ra năm mươi căn nhà, cũng là yêu cầu có thể chấp nhận được. Nơi đây vốn là một thôn làng chừng trăm hộ, lần này chỉ trưng dụng một nửa. Năm mươi hộ bị quân đội chiếm dụng nhà ở, nếu có thể được năm mươi hộ còn lại tiếp nhận, sẽ không gặp khó khăn gì lớn.

Quân đội dừng lại trước cổng thôn chừng nửa giờ, xếp sẵn đội hình tiến vào những ngôi nhà đang bị tuyết vùi mất một nửa. Năm người đàn ông trong thôn hướng dẫn mỗi hàng binh sĩ tiến vào một gian nhà trống. Có gian nhà chỉ vài người ở, cũng có gian dồn đến hơn ba mươi người. Đội ngũ được rút ngắn dần, chậm rãi di chuyển về phía trước men theo khu đồi trông như cái màn thầu khổng lồ màu trắng. Cả khu đồi không một cái cây nào vươn được cành lên khỏi tuyết.

Lục Trầm Khang đợi toàn bộ quân sĩ đã an vị trong năm mươi gian nhà đất rồi mới tiến vào một căn được phân riêng cho chàng. Dù căn nhà hoàn toàn bị tuyết che lấp, song từ đám củi chất trong lò ở phòng chính của ngôi nhà vẫn đang có khói bay lên, chứng tỏ chủ nhân rời khỏi chưa lâu. Bên phải căn phòng chính là một phòng nhỏ hẹp, trên đất phủ kín cỏ lau khô dày dặn, nhìn qua biết ngay phòng ngủ của chủ nhân. Nhưng Lục Trầm Khang không hề bước vào căn phòng này. Ở đó nồng nặc một mùi kỳ quái, chắc chính là mùi hôi khiến người của các bộ tộc khác chán ghét và gọi là “xác thối”. Một binh sĩ bước vào, nhóm lửa trong lò. Đợi binh sĩ đi ra, chàng bắc một chiếc ghế gỗ thô sơ và ngồi xuống bên bếp lửa. Chàng định ngồi mãi thế cho tới khi trời sáng. Khoảng nửa canh giờ sau, hai binh sĩ đưa cơm tối đến, rồi lập tức rút lui. Thứ được đem tới là một chiếc màn thầu và một bát canh đầy váng mỡ dê. Mắt vẫn nhìn lò lửa không chớp mắt, tay chàng lặng lẽ đưa thức ăn lên miệng.

Từ sau khi biết tin Mông Điềm chết, Lục Trầm Khang không hề nói chuyện với thuộc hạ. Bây giờ đã kết thúc cuộc chiến, chẳng còn việc gì cần phải bàn bạc hay thương lượng với họ nữa. Các thuộc hạ đều hiểu tốt nhất đừng chủ động đến gần đội trưởng lúc không vui. Lục Trầm Khang từng bắt tù binh Hung Nô đứng trước mặt mình, không nói lời nào mà chém cánh tay từng tù nhân đứt ra từng đoạn một. Cảnh tượng này cho dù đã chứng kiến vài chục lần vẫn khiến người ta không dám nhìn. Họ đều biết vị chỉ huy lúc này rất đáng sợ. Tuy chàng đối với binh sĩ tỏ ra nhân từ hơn bất kỳ vị đội trưởng nào, nhưng mọi người đều vẫn vì cảnh tàn sát tù binh Hung Nô mà không thể trừ bỏ tâm lý sợ hãi đối với chàng.

Ăn xong bữa cơm đạm bạc, chàng vẫn giữ tư thế nghiêng người về trước đăm đắm nhìn ngọn lửa. Không biết vì sao, trong mắt người binh sĩ đến dọn bát đũa, người đội trưởng bỗng dưng trong chốc lát già hẳn so với tuổi thực bốn mươi của chàng. Thực ra, nét mặt Lục Trầm Khang không thay đổi, nhưng người chàng đổ về trước, mắt dính lấy ngọn lửa, trong tim trào dâng những cơn sóng càng lúc càng mãnh liệt. Chàng dùng tư thế này để cố gắng kiềm chế những ý niệm cuồng bạo tuyệt vọng không sao chế ngự được, sản sinh ra từ cái chết của Mông Điềm. Gió lạnh cuộn hoa tuyết chốc chốc lại thổi vào qua khe cửa chính. Mỗi lần như vậy, bên lò sưởi lại phủ thêm một lớp tuyết, nhưng chàng hoàn toàn không để ý.

Lục Trầm Khang ngồi ngủ gục. Có một luồng khí lạnh ập tới sau lưng, chàng mở mắt, chất thêm củi vào lửa. Củi và cỏ khô đều ẩm ướt, không dễ cháy, nhưng hun đốt một lúc, trong lò cũng rực lên được một ngọn lửa hồng. Chàng lại nhắm mắt, rồi khí lạnh lại khiến chàng tỉnh giấc. Nhiều lần như vậy, chợt chàng đứng thẳng dậy, nghiêm giọng hỏi: “Ai?”

Chàng cảm thấy bên cạnh có tiếng động, không giống với tiếng gió. Chàng ngồi bên lò cẩn thận lắng nghe một lúc, rồi tay cầm ngọn giáo dài, mở cánh cửa kho phía đối diện phòng ngủ, bên trong chất đầy lau sậy khô và các thứ bỏ đi. Lục Trầm Khang dùng ngọn giáo gạt lớp cỏ lau khô gần cửa, thấy lộ ra một nắp ván, bèn dùng phần đầu ngọn giáo đâm vào, quát lớn: “Ra đây!”

Quả nhiên, trong hầm có tiếng động vọng ra. Lát sau, nắp ván che dưới đất bị đẩy lên. Người chỉ huy vẫn cầm giáo nín thở nhìn chăm chú. Từ trong hầm chui ra một người, nhìn không đoán được bao nhiêu tuổi, nhưng là một phụ nữ. Chàng bèn bước thẳng đến, nắm áo nàng lôi tới đứng bên bếp lửa. Không ngờ chàng còn chưa mở miệng, người đàn bà đã cất lời trước.

_ Ta đã chết rồi, ngươi còn muốn giết ta lần nữa sao? – Người đàn bà nói bằng một giọng địa phương nặng trịch.

_ Sao ngươi phải trốn? – Lục Trầm Khang hỏi.

_ Ta không phải trốn, mà là không muốn rời khỏi căn nhà này. Chồng ta vừa qua đời mùa thu năm nay. Hồn của chồng ta yên giấc nơi đây, ta không thể ngủ ở bất kỳ nơi nào khác.

Nàng tiếp tục nói:

_ Chồng ta chết mùa thu năm nay. Ta tuy vẫn đang thở, nhưng sống chẳng qua chỉ là cái xác, người thực ra đã chết rồi. Tim của ta không còn có thể vui vì bất kỳ điều gì, cũng không buồn vì bất kỳ điều gì. Ta đã là người chết. Ngươi muốn giết ta lần nữa sao?

Ánh lửa trong lò yếu ớt soi sáng nửa mặt nàng. Xem ra nàng còn trẻ, chắc chắn chưa quá hai mươi mấy tuổi. Trong mắt nàng đầy ánh nhìn nghi kỵ sắc bén đặc trưng của những người đàn bà của bộ tộc này.

_ Ngươi nói ngươi là người chết? Vậy thì ta cũng là người chết. Không vui vì bất kỳ điều gì, cũng không buồn vì bất kỳ điều gì. – Lục Trầm Khang như bị cuốn theo nàng, lẩm bẩm nói theo, rồi chàng cao giọng – Ta không quan tâm đến người chết vô dụng. Về phòng ngủ của ngươi đi!

Người đàn bà hất tóc ra sau lưng, quật cường ngẩng cao đầu như phản kháng:

_ Ta phải đi ra, không ở đây.

_ Ngươi muốn đi đâu?

_ Còn phải hỏi? Tất nhiên là đi ra ngoài.

_ Ra ngoài, có nghĩa là gì, ngươi biết không?

Chàng nhìn ra cửa, bên ngoài tuyết rơi dày đặc. Trong đêm khuya, ra ngoài giữa trời mưa tuyết, chỉ có nghĩa là chết.

_ Ta đã nói, ta là người chết. Tại sao phải sợ chết?

Nàng nói rồi, lập tức quay người hướng về phía cửa đi ra. Lục Trầm Khang nắm lấy áo nàng kéo lại:

_ Ta tha cho ngươi. Mau về phòng đi.

Người đàn bà lạnh lùng ngẩng cao đầu, đáp:

_ Ta không thích ngủ dưới mái nhà cùng một người đàn ông nào ngoài chồng mình. Giờ chỉ còn một cách, hoặc ta đi ra, hoặc ngươi đi ra.

Chàng quắc mắt nhìn nàng. Bỗng nhiên, hoàn toàn không ngờ được, lúc này chàng lại có cảm giác người trước mặt đang khiêu khích chàng. Người chỉ huy một thời gian dài quên bẵng mất đàn bà bỗng như tỉnh ra, nhìn trân trối gương mặt phụ nữ trẻ đang đứng trước mình. Chàng đến gần nàng, lần thứ ba nắm lấy áo nàng, lần này muốn lôi nàng vào phòng ngủ. Nàng chống trả quyết liệt, nhưng khi đã bị ném xuống lớp cỏ lau khô trong phòng, thì dường như chấp nhận số phận, từ đó trở đi nằm như một xác chết không chút phản ứng, mặc Lục Trầm Khang muốn làm gì thì làm.

Khi chàng giật mình tỉnh lại, thấy bản thân đang nằm giữa căn phòng hôi nồng nặc, trong lòng chàng là thân thể một người đàn bà bốc mùi tanh tưởi. Gió lạnh ập vào, nhưng chỉ cần ôm nàng, thì không hề cảm thấy lạnh. Nàng đã thiếp đi, thân thể nàng nóng như một ngọn lửa.

Chàng nhỏm dậy đi lấy cây đao ở phòng ngoài vào cắm xuống đám lau sậy khô bên gối, rồi lại ôm lấy nàng. Lòng chàng nghĩ, nếu có người vào đây, lập tức phải giết ngay, ai nhìn thấy chàng đang ôm đàn bà tộc Thiết Lặc đều phải chết.

Nàng tỉnh giấc, lại ra sức phản kháng. Khi nàng ngừng phản kháng để thuận theo chàng, thì vẫn cứ trợn trừng đôi mắt lạnh lẽo, thân thể cứng đơ như người đã chết.

Trời sáng bạch, Lục Trầm Khang tra đao vào vỏ, dẫn người đàn bà đến trước cái hầm mà nàng từng trốn, đẩy nàng chui vào.

Ngày hôm ấy, tuyết vẫn không ngừng rơi ào ạt. Chàng tiếp tục ngồi bên bếp lò, cứ thế đến hết ngày. Chàng đưa nửa phần cơm canh của mình vào hầm cho người đàn bà. Nàng lặng lẽ nhận lấy. Màn đêm ập xuống, chàng biết lúc này binh sĩ không còn đến chỗ mình nữa, bèn lôi nàng từ trong hầm ra, kéo vào phòng ngủ trải cỏ lau. Đêm đó, chàng vẫn rút đao cắm bên gối, rồi rúc vào thân thể người đàn bà ấm áp lạ thường kia, chìm vào giấc ngủ.

Ngày thứ ba, ngày thứ tư, quân đội đều không thể rời thôn của tộc Thiết Lặc để đi tiếp. Tuyết dù đã lúc rơi lúc không, nhưng trời vẫn âm u. Lục Trầm Khang đêm nào cũng ngủ cùng người đàn bà và dùng thanh đao đã rút ra khỏi vỏ để bảo vệ hành động của mình. Chàng tuy ôm nàng trong tay, nhưng vẫn nhạy cảm với từng âm thanh nhỏ nhất. Chàng nghĩ thầm, chỉ cần có người bước vào căn phòng này thấy điều chàng đang làm, thì dù là binh sĩ hay đội trưởng, đều phải lập tức giết ngay.

Ban ngày ngồi một mình bên bếp lửa, chàng thường dùng mũi ngửi tay, sợ mùi thân thể tanh hôi của người đàn bà lây sang mình. Nhưng đến đêm, chàng lại không thể không tiếp tục quấn chặt lấy tấm thân đầy mùi “xác thối” của nàng, dưới sự bảo vệ của cây đại đao.

Đêm thứ năm, nàng mới lần đầu mở miệng nói chuyện trở lại:

_ Sao ngươi lại dựng cây đao bên cạnh gối?

_ Nếu có người thấy chúng ta ngủ chung, ta sẽ giết chết ngay. – Chàng đáp.

_ Vì sao? – Nàng lại hỏi.

Lục Trầm Khang không trả lời. Người đàn bà nói:

_ Ta không ép ngươi nói ra lý do, nhưng ta hiểu ngươi cho rằng việc quan hệ giữa chúng ta là đáng xấu hổ. Thực ra ta cũng cảm thấy thế. Người của bộ tộc chúng ta, nếu phát sinh quan hệ với người ngoại tộc, chẳng thà chết đi còn hơn. Ta cũng muốn dùng đao để bảo vệ sự xấu hổ của mình. Nếu có người vào phòng này, ta sẽ cầm đao giết hắn trước ngươi.

Nàng vẫn nhìn chàng bằng ánh mắt lạnh lùng đầy thù hận. Nhưng bấy giờ, chàng lần đầu tiên nảy sinh một cảm giác giống như tình yêu với người đàn bà có thân thể đầy mùi xác thối. Lục Trầm Khang chưa từng lấy vợ, vì vậy chàng nghĩ, cái cảm giác người vợ đem lại cho chồng, chắc cũng giống như thế này.

Ngày thứ sáu, đợt tuyết dai dẳng cuối cùng cũng dứt. Theo lý mà nói, chỉ huy nên ra lệnh cho binh sĩ xuất phát, nhưng chàng lại kéo dài thêm một ngày. Đêm đó, chàng ôm người đàn bà, lòng dâng lên một tình cảm quyến luyến khó dứt ra được. Nàng để chàng âu yếm hồi lâu, mới nói bằng một giọng lặng lẽ:

_ Việc của chúng ta phải kết thúc đêm nay. Ngày mai xin chàng rời khỏi thôn này, tiếp tục lên đường.

_ Dù nàng không bảo, ta cũng phải làm như vậy. Trừ tuyết lớn, chẳng gì có thể ngăn trở bước tiến của quân sĩ, nhưng tuyết đã ngừng rồi.

Lục Trầm Khang đáp xong, người đàn bà tiếp lời chàng:

_ Chỉ có tuyết mới ngăn trở được bước tiến của quân sĩ thôi sao? Nếu ta muốn, thì giữ chàng bao lâu cũng được. Nhưng ta không thể làm vậy.

Nàng nói rồi bật khóc to, khóc mãi không nín, đến nỗi Lục Trầm Khang nghĩ không biết nàng bị làm sao. Nàng khóc đến khi dường như cạn cả nước mắt, mới nói:

_ Ta không ngăn chàng đi, vì không nỡ nhìn chàng biến thành dã thú. Trong bộ tộc chúng ta từ xa xưa đã có truyền thuyết, nếu ai ăn nằm với người ngoại tộc như vợ chồng bảy lần sẽ biến thành dã thú. Đêm nay là đêm thứ sáu, nếu chàng còn ở thêm một ngày, chàng và ta đều sẽ biến thành thú.

Lời nàng nói khiến Lục Trầm Khang vô cùng kinh ngạc. Chàng không hề kinh ngạc vì mình sẽ biến thành dã thú, mà vì từ lời nói của nàng có thể cảm nhận được tình yêu của nàng dành cho mình. Đêm này, không giống những đêm trước, chàng cảm nhận được tình cảm nồng ấm từ mỗi cử động trên thân thể của nàng.

_ Nàng nói biến thành thú dữ, vậy thì, chúng ta sẽ biến thành loại thú dữ nào? – Lục Trầm Khang hỏi.

Người đàn bà đáp:

_ Chúng ta ngoài việc biến thành sói, còn biến được thành gì khác? Chúng ta luôn một mực nghĩ tới việc dùng đao để bảo vệ hành vi chăn gối của mình, nếu quả thật có người bước vào nhìn thấy, chắc chàng và ta đều lao vào đối phương. Nghe nói sói cũng như vậy, khi thư hùng giao phối, nếu bị bắt gặp, không cần biết đối phương là động vật nào, đều sẽ lao đến tập kích, hoặc ngày đêm săn đuổi, phải cắn chết đối phương rồi mới chịu thôi. Chàng có thể muốn chúng ta biến thành loài vật khác, nhưng chúng ta chỉ có thể biến thành sói, vì tim chúng ta đã sớm biến thành tim sói mất rồi.

Trời chưa sáng, người đàn bà đã rời Lục Trầm Khang, quay về hầm dưới đất. Trước đó, nàng dặn chàng lúc ra đi đừng gọi nàng. Chàng đồng ý. Chàng cũng cảm thấy thế là thỏa đáng nhất.

Hôm sau, quân đội rời khỏi thôn làng Thiết Lặc bẩn thỉu nghèo đói mà họ đã trú ngụ sáu ngày liền. Trời đã lặng gió và ngừng tuyết. Lục Trầm Khang cưỡi ngựa dẫn đầu đoàn quân thẳng tiến. Kỵ binh với bộ binh xen kẽ nhau, hành quân trên thảo nguyên đầy tuyết sáng bóng và cứng như chất men ngọc trắng.

Khi đoàn quân đi xa khỏi thôn tộc Thiết Lặc được khoảng hai mươi dặm, bỗng dưng ngừng lại. Trên thảo nguyên đầy tuyết xảy ra một việc khác thường, ở xa xa phía bên phải của cánh quân, tuyết bị cuộn thành một trụ tròn bay vút lên trời, lên đến tầng không lại đổ ụp xuống như núi lở về phía quân sĩ. Chiến mã nhảy dựng lên, hí vang, muốn vùng bỏ chạy.

Phụ tá họ Lý lúc nào cũng đi cạnh đội trưởng, bèn áp sát ngựa của mình vào cạnh ngựa của chàng, nói lớn trong đám tuyết đang đổ ào ạt:

_ Tôi nghe phía xa có tiếng sói tru. – Đối với họ Lý, sự tập kích của đàn sói còn nghiêm trọng hơn gió xoáy.

Hai người lập tức quất ngựa rời nhau ra. Lục Trầm Khang vừa quan sát trạng thái hỗn loạn của đội ngũ, vừa lắng tai nghe. Chàng muốn kiểm chứng việc có phải có tiếng sói tru hay không. Trong chớp mắt, mấy đợt gió xoáy liên tiếp cuộn tuyết lên chín tầng mây, rồi rót xuống như thác đổ. Toàn thân phủ đầy tuyết, Lục Trầm Khang giục ngựa tuần tra. Chàng bỗng nghe thấy thanh âm thê thiết, nhưng truyền đến tai chàng không phải tiếng tru của sói, mà là tiếng khóc lóc bi thương của người đàn bà tộc Thiết Lặc.

_ Sói! Nghe thấy tiếng sói rồi. – Không phải phụ tá Lý đang nói. Đó là tiếng kêu thất thanh của các thuộc hạ khác.

Chàng nghiêng tai lắng nghe. Thanh âm vẳng đến đâu đó từ bầu trời xám đầy tuyết bay, vẫn là tiếng khóc than như xé ruột của người đàn bà.

Sau khi mọi việc trở lại bình thường, đội quân lại chỉnh đốn hàng ngũ xuất phát. Lục Trầm Khang đã nghe tiếng khóc của người đàn bà suốt một ngày trời. Âm thanh ấy cứ quấn quít bên tai, chẳng cách nào thoát được.

Đến đêm, người chỉ huy đưa quân vào một thôn làng, đóng quân tại đó, rồi hạ lệnh cho một phụ tá: Sức khỏe chàng không tốt, phải lập tức nghỉ ngơi, bất kỳ ai cũng không được đến làm phiền. Đêm đã khuya, chàng dẫn chiến mã ra, nhảy lên mình ngựa, nhắm thẳng hướng thôn làng tộc Thiết Lặc vừa rời khỏi lúc sáng sớm. Chàng quất ngựa không ngừng trên thảo nguyên đầy tuyết bao la đang tràn ngập ánh trăng xanh. Vì vô cùng nhớ nhung người đàn bà Thiết Lặc, nên chàng muốn gặp nàng lần nữa, và phải quay về nơi đóng quân trước khi trời sáng. Doanh trại cách thôn làng Thiết Lặc không xa, xem ra hoàn toàn có thể kịp.

Người chỉ huy nhẹ nhàng tiến vào thôn làng Thiết Lặc tối tăm đang im phăng phắc. Chàng dừng lại căn nhà đất đã trú ngụ suốt sáu đêm, cột ngựa vào thân cây ở phía sau, vội vàng chạy đến trước cửa. Trong nhà có ánh đèn. Lục Trầm Khang ở đây sáu đêm liền chưa bao giờ thấy ánh đèn, vì vậy lúc này chàng bỗng cảm thấy toàn bộ căn nhà dường như có chút không giống trước kia.

Vừa đẩy cửa, bóng người phụ nữ quỳ bên bếp lửa lập tức lọt vào tầm mắt chàng. Chàng gọi một tiếng, người đàn bà dường như bị giật mình, quay đầu lại nhìn chàng không chớp.

_ Ta vốn hy vọng chàng đừng quay lại, nên lúc nào cũng cầu nguyện với trời. Thế nhưng không ngờ, chàng vẫn quay trở lại.

Người đàn bà nói bằng giọng lặng lẽ đầy cảm khái, rồi nàng đứng dậy nhào vào lòng chàng, dùng tay đập nhẹ trên ngực chàng biểu lộ sự âu yếm.

_ Ta vốn vì chồng mà trở thành người chết, nhưng do nhân duyên đã định, nay ta muốn sống vì chàng, dù có phải biến thành dã thú cũng hy vọng được tiếp tục sống.

Người đàn bà nói xong, lần đầu tiên chủ động đưa chàng vào phòng ngủ.

Lục Trầm Khang cắm đao xuống sàn bên gối như những lần trước. Thân thể người đàn bà vẫn tỏa ra mùi hôi thối, nhưng lúc này chàng hoàn toàn không để ý. Chàng chỉ cảm nhận tình thương yêu dào dạt đối với người đàn bà đã yêu mình, vừa ngắm nhìn say đắm gương mặt lần đầu tiên hiện rõ dưới ánh đèn khi mờ khi tỏ, vừa ghì chặt lấy nàng vào lòng.

Mờ sáng, chàng tỉnh lại. Đèn đã tắt, song vẫn thấy rõ thanh đao bên gối đang ánh lên sắc lạnh của những tia nắng sớm trăng trắng của buổi bình minh. Chàng biết mình đã ngủ quên, nghĩ đến quân sĩ, bèn lập tức muốn ngồi dậy, nhưng cảm thấy động tác cơ thể hôm nay không giống trước nữa. Chàng dậy rồi, chuẩn bị động tác rút đao, vừa nghiêng mặt qua một bên, tay còn chưa vươn ra, thì trong một thoáng, phát hiện miệng mình đã ngoạm lấy thanh đao.

Chàng lướt mắt qua thân thể mình, chỉ thấy từ tay, chân cho đến khắp người đều phủ một lớp lông màu vàng đen. Bấy giờ chàng mới biết mình đã biến thành một con sói. Chàng lại nhìn thân thể người đàn bà nằm bên cạnh. Người đàn bà cũng không còn như đêm qua nữa. Nàng đã biến thành một con sói cái.

Người đàn bà vươn thẳng chân trước chân sau, rồi mở mắt, bật dậy. Nàng chẳng qua chỉ là bên ngoài hóa sói, chứ chàng cảm thấy dáng dấp thần thái của con sói cái này chẳng khác gì người đàn bà lúc trước cả.

_ Nàng có biết nàng đã biến thành sói rồi không? – Lục Trầm Khang hỏi.

_ Biết. Ta nửa đêm tỉnh giấc đã phát hiện ra rồi. Khi ấy giật cả mình, nhưng giờ ta không than thở, cũng không buồn bã, vì có buồn bã than thở thế nào cũng đâu cứu vãn nổi. – Nàng đáp.

Đối với chàng, vấn đề không hề đơn giản giống như nàng nói. Nhưng dù sao cũng đã thành sói rồi, thì lại đúng như nàng nói, chẳng còn cách nào nữa.

Lục Trầm Khang rời căn nhà đất. Chàng không biết vì sao mình rời căn nhà, song rất nhanh lập tức hiểu ra mình muốn đi săn. Người đàn bà cũng đi theo. Khi ra đến vùng đất phủ đầy tuyết, ngoảnh đầu nhìn con sói cái chạy phía sau mình, lần đầu tiên chàng mới cảm thấy mình thực đã yêu nàng bằng trái tim của sói. Vì người mình yêu, để bảo vệ nàng khỏi bất cứ kẻ nào xâm phạm, đôi mắt sáng rực của chàng không ngừng cảnh giác hướng ra đến tận cùng bao la của thảo nguyên tuyết trắng.

Hán Cao Tổ năm thứ bảy (năm 200 trước Công Nguyên), tức sáu năm sau khi nhà Tần sụp đổ, chuyện Lục Trầm Khang mất tích trong quân đội đã qua năm thứ mười. Thời đại đã từ Tần chuyển sang Hán, nhưng Trương An Lương đã từng tặng cho Lục Trầm Khang da thú và thịt dê thì vẫn là một đội trưởng quân trấn giữ Trường thành ở ngoài biên ải. Cuối Tần nội loạn, trung thổ phân năm xẻ bảy, rất nhiều quân sĩ giữ Trường thành đào ngũ hoặc mất tích, song suốt thời gian này, Trương An Lương lại chưa từng rời bỏ cương vị của mình. Vì vậy, tuy giờ thiên hạ đã thuộc về Hán Cao Tổ, nhưng vô hình trung lại tiếp nhận toàn bộ hình thức từ triều đại trước, nên ông vẫn được giữ vị trí giống như ông đã giữ dưới thời nhà Tần.

Hôm đó Trương An Lương đi bái yết võ tướng mới đến nhậm chức thống lĩnh đội quân trấn thủ Trường thành của khu vực, đem theo ba binh sĩ rời điểm đóng quân, dấn bước vào hành trình dài bốn ngày ba đêm. Hai ba năm trước Hung Nô đã rút xa về phía bắc, nên vùng này đã thoát khỏi sự uy hiếp của Hung Nô.

Ngày đầu tiên, họ hạ trại qua đêm bên cạnh một ao đầm nơi hoang vu. Chính vào đầu hè, ban ngày mặt đất bị nung bỏng cháy, nhưng đến đêm, nhiệt độ nhanh chóng giảm xuống, giống như tiết đông giá rét. Dù vậy, lúc này vẫn là mùa đẹp nhất trên vùng đất nơi đây.

Trong lều, Trương An Lương đang chuẩn bị ngủ, chợt một bộ hạ từ ngoài chạy vào báo, có hai con sói đang đùa giỡn trên gò núi gần đó. Trương An Lương và hai binh sĩ khác lập tức chạy ra khỏi trướng. Ánh trăng như nước, khiến mặt đất loang loáng thành một vùng sáng xanh. Họ quả nhiên nhìn thấy trên ngọn đồi phía bên phải không xa, có hai con sói đang vờn nhau. Không nghi ngờ gì, chúng đang giao hoan, nhưng trên thảo nguyên không chút che đậy, lại thêm ánh trăng xanh chiếu rọi, khiến cảnh tượng ấy làm người ta cảm thấy vô cùng kinh hãi. Một binh sĩ dùng tên nhắm thẳng vào con sói và bắn. Tên rơi trên sườn núi, hai con sói phút chốc dạt ra hai phía chuồn mất.

Mờ sáng hôm sau, Trương An Lương đang an giấc trong trướng thì bị một tiếng thét dị thường đánh thức. Ông vội chạy ra khỏi lều, thấy binh sĩ phụ trách nấu cơm ngã gục trước lều, đã tắt thở. Thịt trên người anh ta bị xé thành từng mảnh, cổ họng và một bên bụng bị cắn nát bét không ai dám nhìn. Trông biết ngay là bị sói tập kích.

Trương An Lương mất một trong ba bộ hạ, đành dắt ngựa của binh sĩ vừa chết đến ngay thôn trang lân cận, nói rõ cho người dân biết vị trí thi thể của người bị tập kích, nhờ họ mai táng. Xong việc, ông và hai binh sĩ lập tức rời thôn.

Không ngờ, ngay đêm đó tại nơi nghỉ trên đồi, ba người lại gặp cùng một tai nạn cũ. Lần này là giữa đêm, một binh sĩ ra ngoài lều để tiểu tiện, một đi không trở lại. Trương An Lương sáng sớm hôm sau phát hiện binh sĩ đã mất tích, tìm kiếm một hồi xung quanh vẫn bặt tăm, chỉ thấy trong đám cỏ toàn những vụn thịt người.

Do sự việc xảy ra ngày thứ hai, Trương An Lương và binh sĩ còn lại biết mình đã bị sói theo sát, sợ hãi nổi hết gai ốc. Lần này hai người đến một thôn làng cách đó khoảng nửa ngày đường, xin họ giúp tìm kiếm binh sĩ mất tích, rồi lại xuất phát.

Ngày thứ ba, hai người quyết định không dựng lều ngoài hoang địa nữa mà vào trong thôn của bộ lạc tìm chỗ tá túc, nên cưỡi ngựa đi suốt một ngày trời. Giữa trưa và gần tối, họ hai lần nghe thấy tiếng sói hú xa xa. Tối đó vừa vào trong thôn, binh sĩ kia đã lên cơn sốt không dậy được, chắc do bị sói dọa phát ốm.

Ngày thứ tư, Trương An Lương một mình cưỡi ngựa tiến bước, dự tính nửa đêm sẽ tới được đích đến là một thôn làng ven Trường thành. Trương An Lương là người to gan lớn mật, không hề sợ sói tấn công. Thế nhưng, việc không đem theo một binh một tốt nào đến tổng doanh trong tình cảnh thế này, quả thật khiến ông rất đau đầu.

Lúc hoàng hôn, ông dừng nơi chân núi phủ đầy nham thạch, cho con ngựa đã phải rong ruổi suốt ngày trời chưa được dừng chân nghỉ ngơi chốc lát. Khi ông xuống ngựa ngồi nghỉ trên mặt đất, bỗng nghe thấy cách đó không xa truyền lại tiếng sói tru. Vì những sự việc xảy ra liên tiếp gần đây, Trương An Lương lập tức đứng dậy, chú ý quan sát xung quanh. Trên thảo nguyên, những ngọn đồi nhấp nhô như gợn sóng, mặt trời đỏ như máu đang sắp xuống núi. Phóng mắt nhìn đến chân trời, dù là núi đồi, đồng cỏ, hay cây cối đều bị nhuộm thành một màu đỏ ối.

Ông ngồi xuống. Lúc này tiếng sói lại như từ xa hơn vọng tới, thanh âm kéo thật dài, khiến người ra rợn hết tóc gáy. Ông lại bật dậy, thấy trên vùng đất cao bỗng nhiên xuất hiện một con sói. Nó kéo cái đuôi dài quét đất, xuyên xéo qua vùng đồi cao, nấp sau những khối nham thạch, hướng về phía ông quan sát. Sói há to mồm, cái lưỡi dài và mảnh hơi rung rung.

Trương An Lương rút dao, chuẩn bị đợi nó đến gần sẽ đâm ngay một phát kết liễu. Ông không tỏ ra yếu thế trước đối thủ, đôi mắt nhìn chằm chằm vào con dã thú dũng mãnh.

Không biết qua bao lâu, ông bỗng thấy con sói lộ cả người từ sau phiến nham thạch, hai chân trước chắp vào nhau, ngồi xổm trên mặt đất.

_ Là Trương An Lương phải không?

Trong một thoáng, Trương An Lương không rõ tiếng gọi mình đến từ phương nào.

_ Lâu quá không gặp.

Từ lúc cha sinh mẹ đẻ tới giờ, ông chưa từng kinh hãi đến thế, vì khi ấy ông mới nhận ra thanh âm phát ra từ mồm con sói. Do quá hoảng sợ, im lặng hồi lâu, một lúc sau, ông mới hét lên thật to:

_ Ngươi là ai?

Sói vẫn rung rung cái lưỡi, thở mạnh một hơi rồi nói:

_ Anh nhất định sẽ giật mình kinh ngạc. Tôi là Lục Trầm Khang, không may biến thành hình dạng không dám gặp ai thế này. Nhưng tôi thực là bạn cũ của anh, Lục Trầm Khang đây.

Trương An Lương không thốt nổi lời nào. Tuy sói nói vậy, nhưng việc này ai mà tin được. Một hồi, đối phương dường như cảm nhận được tâm trạng này của ông, vội nói:

_ Anh bạn, nghe kỹ tiếng tôi đây. Anh vẫn còn chút ấn tượng với cái giọng này phải không? Chẳng phải chúng ta đã từng uống rượu chuyện trò thâu đêm sao? Anh chưa quên giọng nói của bạn cũ chứ!

Nghe đến đây, Trương An Lương quả nhiên cảm thấy thanh âm con sói phát ra giống tiếng nói quen thuộc của người đồng liêu từng một thời gắn bó.

_ Sao anh lại thành ra thế kia? – ông ngỡ ngàng.

_ Chuyện này, xin anh đừng hỏi. Dù điều gì đã xảy ra, e rằng tôi cũng sẽ không nói cho anh biết được. Tất cả đều là ý trời. Biến thành hình dạng thế này, tôi muốn chết lắm chứ. Nhưng thọ số đã định, dù muốn chết cũng không chết được. Cho nên, tôi phải giữ cái bộ dạng này, sống đến tận hôm nay. Song tôi nghĩ, may là mình không chết, vẫn còn sống, mới có thể nói chuyện với anh như bây giờ.

Những lời bi ai tha thiết lay động trái tim của Trương An Lương. Ông không ngăn được lòng thương xót đối với vận mệnh trớ trêu của người bạn.

_ Lục Trầm Khang!

Lúc Trương An Lương gọi tên bạn, từ xa xa vọng đến tiếng sói gào. Thế là Lục Trầm Khang dùng sức vươn dài hai chân trước, đứng dậy:

_ Không xong rồi! Bao lâu nay lần đầu tiên tôi khôi phục được nhân tâm, nhưng chỉ cần nghe thấy tiếng kêu của đồng loại, tim của tôi lại không ngăn được việc biến thành tim sói. Khi tôi đang nói với anh đây, tim tôi đang biến hóa dần. Một lát nữa, tôi sẽ thành sói. Biến thành sói thì không thể nào không tấn công anh.

Trương An Lương nhìn thấy trong đôi mắt sói của Lục Trầm Khang dần dần bắn ra những tia nhìn tàn nhẫn.

_ Tôi phải biến thành sói, đang biến thành sói. Trương An Lương, tôi buộc phải tấn công anh. Vì anh nhìn thấy tôi và vợ tôi làm những việc không thể để người khác nhìn thấy. Bản tính sói không chấp nhận điều này. Trương An Lương, tôi phải biến thành sói tấn công anh đây! Anh giết tôi đi, đừng bao giờ chùn người xuống. Nếu anh chùn người xuống, chúng tôi sẽ thắng.

Lục Trầm Khang nói xong câu cuối cùng, ngẩng đầu lên trời rống lên một tiếng. Tiếp đó vọng tới một tiếng sói tru, đến từ một nơi gần hơn vừa nãy nghe thấy.

Trương An Lương nhìn con sói Lục Trầm Khang đã bị bản tính tàn bạo nuốt chửng, trở thành một dã thú chẳng còn gì giống với người bạn trong quá khứ. Ông đứng trong tư thế sẵn sàng, hướng mũi đao về phía con sói. Ông cảm thấy có một luồng sức mạnh uy hiếp từ đối phương, bức bách đến mức ông nhất định phải quyết giết con dã thú hung hãn đang đứng trước mặt.

Trương An Lương nhìn vào ngọn đồi đối diện với ngọn đồi mình đang đứng, cách một chỗ đất trũng. Một con sói đang men theo sườn dốc tiến như tên bay tới trước. Con sói này vừa mất dạng trong chỗ trũng, lập tức đã thấy chạy tới ngọn đồi ông đang đứng với một vận tốc không thể tin được.

Sau đó, con sói vừa chạy lên chỗ đất cao, vừa nhảy vọt một bước lớn. Như đã đợi được thời cơ, con sói Lục Trầm Khang cũng vọt lên phía trước. Trương An Lương cảm thấy bóng một con sói nhào xuống từ trên đầu, một con khác lao đến từ bên hông. Ông tránh đòn hiểm, huơ đao chém ngang hai bên. Hai con sói tránh lưỡi đao, nhổm lên lại hụp xuống, nhảy nhót liên tục tấn công.

Trận đấu liều chết không kéo dài bao lâu. Trương An Lương bị gờ nham thạch vướng chân té ngã, một chân quỳ dưới đất. Ngay lập tức, hai con sói đồng thời dốc toàn lực xông tới. Một con cắn ngay cuống họng, con kia cắn vào đùi, kiểu cắn có chết cũng không buông đặc trưng của sói.

Mặt trời nhuộm đỏ rực cả vùng cao. Từ thân thể Trương An Lương chảy ra một lượng máu lớn, còn đỏ hơn thế, nhuốm đỏ cả một khoảng đất, rồi trong phút chốc hòa chung với màu đỏ rực rỡ của ráng chiều.

Nửa năm sau, triều đình nhà Hán ra bố cáo cho quân trấn thủ Trường thành: Năm nay nạn sói hoành hành, binh sĩ ngoài biên ải không được sơ ý, phải kết chặt đai bụng.

Cái gọi là đai bụng là vật gì, nó có năng lực phòng chống sự tấn công của sói như thế nào, thời qua chốn đổi, giờ đã không còn ai biết.

1 (日)井上靖 著,赵峻 译. (2013). 楼兰.北京十月文艺出版.

(Nhật), Inoue Yasushi, Triệu Tuấn dịch. (2013). Lâu Lan. Nxb Văn nghệ tháng 10 Bắc Kinh.

2 Có bản đề là tộc Ca Lôi.

– Hết –

Film studies Văn học & Điện ảnh

LANG TAI KÝ – The Warrior and the Wolf (2009)

TGĐA Online – Được xem là vị đạo diễn một lòng theo đuổi nghệ thuật không màng đến doanh thu, bộ phim mới Chiến Binh và Tình Sói do Điền Tráng Tráng đang thực hiện cũng không ngoại lệ.

Nội dung phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Yasushi Inoue, một người Nhật vốn say mê văn hóa Tây Tạng. Từ nguyên tác chỉ hơn 10.000 chữ ấy, đạo diễn đã dựng nên một câu chuyện mới lạ so với bản gốc mà ông đã được đạo diễn Hầu Hiếu Hiền ( Đài Loan) giới thiệu cách đây 15 năm. Tác phẩm đã cuốn hút ông vào mối quan hệ kỳ dị giữa người và sói, một chuyện tình thần bí giữa vị tướng tên Lục Thẩm Khang cùng cô gái của một bộ tộc hoang dã. Để thực hiện “mối tình trong 7 ngày” đó, đạo diễn đã phải trăn trở suốt 15 năm vì cái khó ở yếu tố “sói” và cách xử lý tình yêu trong phim. Điền Tráng Tráng rất thận trọng khi không để yếu tố thương mại lấn át tính nhân văn của phim. Trong bộ phim, đạo diễn đã nghiên cứu rất kỹ chủ đề nhân tính và thú tính, sinh mệnh và tự nhiên, đồng thời biểu đạt chúng một cách hoàn hảo qua ngôn ngữ điện ảnh.

Với Chiến Bình và Tình Sói, đạo diễn Điền Tráng Tráng đã phơi bày tình cảm nguyên thủy nhất, sự cô đơn lớn nhất và cả sự đấu tranh thầm kín nhất trong mỗi con người. Đạo diễn Điền Tráng Tráng Điền Tráng Tráng cùng với Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Phùng Tiểu Cương.. là những gương mặt sáng giá của thế hệ điện ảnh thứ năm Trung Quốc. Ông là đạo diễn của một số bộ phim nổi tiếng như: Cửu Nguyệt, Kẻ Trộm Ngựa, Lam Phong Tranh, Mùa Xuân TrongThị Trấn Nhỏ… Điền Tráng Tráng có một thời gian ngừng làm phim và chuyển sang sản xuất phim và giúp đỡ các đạo diễn trẻ khác, ông đã bảo trợ và cố vấn cho nhiều đạo diễn tài năng của thế hệ điện ảnh trẻ Trung Quốc. Phải tới gần 10 năm sau Điền Tráng Tráng mới quay lại nghề đạo diễn bằng tác phẩm Mùa Xuân Trong Thị Trấn Nhỏ, đây là một bộ phim tình cảm làm lại từ tác phẩm cùng tên do Phí Mục thực hiện năm 1948. Nếu như phiên bản 1948 được coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất trong lịch sử điện ảnh tiếng Hoa thì phiên bản của Điền Tráng Tráng sau khi ra đời cũng được đánh giá rất cao tuy rằng nội dung của phim nhẹ nhàng chứ không gai góc như các tác phẩm trước đó của đạo diễn họ Điền.

Phương Ngọc

Film studies Zhao Wei

TAI CỤP (hay câu chuyện về nghệ thuật và thị trường trong phim Trung Quốc)

“Diễn viên mời vào chỗ” (演员请就位 Diễn viên thỉnh tựu vị) là một chương trình tạp kỹ ăn khách của Trung Quốc đại lục, được tổ chức lần đầu năm 2019, rồi thừa thắng xông lên lần thứ hai năm 2020. Chương trình mời bốn vị đạo diễn ngồi vào ghế nóng để đánh giá diễn xuất của các diễn viên khi tái hiện các phân đoạn phim điện ảnh và truyền hình kinh điển, lựa chọn nhóm diễn viên thực lực tham gia vào phim ngắn của bốn đạo diễn này, từ đó tìm ra “diễn viên xuất sắc” chung cuộc. Mùa thứ nhất đánh dấu sự góp mặt của đạo diễn Trần Khải Ca, nữ đạo diễn Lý Thiếu Hồng, diễn viên kiêm đạo diễn Triệu Vy và đạo diễn – nhà văn Quách Kính Minh. Mùa thứ hai, Lý Thiếu Hồng rút lui, thay vào đó là đạo diễn Hong Kong nổi tiếng Nhĩ Đông Thăng.
Qua hai mùa liên tiếp, chương trình đã thể hiện một số điểm đáng lưu ý như sau:
Thứ nhất, tiềm lực về điện ảnh và truyền hình của Trung Quốc là đáng nể, vì họ có một kho phim ảnh cực kỳ phong phú; một đội ngũ biên kịch, diễn viên và chuyên gia hùng hậu; một thị trường lớn thu hút sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư; một lượng khán giả đông đảo. Qua 2 mùa tạp kỹ, số lượng phim Trung Quốc được tái hiện qua diễn xuất của diễn viên và khả năng “remake” của đạo diễn lên đến gần 90 bộ. Số lượng diễn viên tham gia vào show diễn hai mùa lên tới 100 người, trong đó có nhiều diễn viên trẻ mới vào nghề, đồng thời cũng nhiều diễn viên đã có tiếng tăm ở cả Trung Quốc Đại lục lẫn Hong Kong, Đài Loan, như Minh Đạo, Chung Hân Đồng, Hồ Hạnh Nhi, Huỳnh Dịch, v.v…
Thứ hai, ngành giải trí Trung Quốc hiện tại cố gắng tạo thế cân bằng giữa nghệ thuật và thương mại, dù cán cân đôi lúc vẫn nghiêng về thương mại. Chẳng hạn Quách Kính Minh từng nhận về rất nhiều lời phê bình tiêu cực, nhưng anh vẫn là tác giả tiểu thuyết ăn khách, và việc lấn sân sang lĩnh vực truyền hình với thành công đầy tranh cãi khiến anh trở thành gương mặt “thị phi” có sức hấp dẫn, nên được đặt cạnh Trần Khải Ca như một đối trọng. Hay như mùa thứ hai, chương trình đưa ra tiêu chí xếp hạng “vị trí thị trường” của diễn viên tham gia, dẫn đến kết quả nhiều diễn viên kỳ cựu từng đoạt giải thưởng lớn song mới vắng bóng vài năm đã bị xếp vào hạng B, trong khi các diễn viên trẻ mới nổi lại dễ dàng được liệt vào hạng A, thậm chí cao hơn, hạng S (super), như Trương Nguyệt, diễn viên trẻ đang nổi như cồn nhờ vai diễn “tiểu tam trà xanh” Lâm Hữu Hữu của phim truyền hình Ba mươi thôi mà (2020). Mối quan hệ giữa “thực lực” và “lưu lượng” (sức hút đối với số đông) trở thành vấn đề nóng không ngừng được thảo luận công khai. Bản thân chương trình cũng đã trao hai giải song song là diễn viên được yêu thích nhất (đại diện cho lưu lượng) và diễn viên xuất sắc nhất (đại diện cho thực lực). Dầu vậy, Trương Triết Hãn sau khi đoạt giải diễn viên được yêu thích nhất mùa giải đầu tiên đã nhanh chóng gia nhập đoàn phim Sơn Hà Lệnh, bộ phim truyền hình đình đám năm 2021, còn Ngưu Tuấn Phong với thành tích diễn viên xuất sắc nhất vẫn chưa gặp cơ hội xứng đáng.
Thứ ba, mặc dù chương trình bắt các đạo diễn “chạy deadline” không ngơi nghỉ để lên sóng mỗi tuần, đỉnh điểm có những lúc đạo diễn phải hoàn thành 1 phim ngắn trong 1 ngày rưỡi (để còn thời gian xử lý hậu kỳ), khiến chất lượng phim chưa thật lý tưởng, nhưng nhiều sáng tạo trình làng hai mùa này vẫn được ghi nhận. Trong số đó, phim ngắn Tai Cụp (折耳/ Ocean) của Triệu Vy là điểm sáng đáng ngạc nhiên.
Câu chuyện kể về cặp chị em song sinh nương tựa lẫn nhau sau khi cha mẹ mất. Cậu em Tống Tiểu Hải cao lớn, đẹp trai, sau nhiều năm chỉ diễn vai phụ, một hôm bất ngờ được giao vai chính Dương Quá trong bản mới của Thần điêu hiệp lữ. Cậu như sống trong mơ, mỗi ngày đều cố gắng trau dồi diễn xuất, trải nghiệm nhân vật bằng cách giấu tay trái đi, chỉ sử dụng tay phải, chăm chỉ ra biển luyện “Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng”. Trong khi đó, cô chị Tiểu Dương vừa mập vừa lùn, là nhân viên ngân hàng. Ngày ngày, cậu em đọc sách luyện võ, cô chị ngồi ôm xấp tiền giả tập đếm và tính xem hôm nay ăn gì. Hai chị em là hai hình ảnh tương phản một trời một vực, giống như câu chuyện mà Hải từng kể để trêu chọc Dương khi cô chị than thở sao chẳng được di truyền một nét đẹp nào của cha: “Bạn em nuôi một con mèo đực giống Mỹ đẹp mã và một con mèo cái giống Scotland tai cụp mặt đần, sinh hai con mèo con, tưởng phải ra mèo lai, không ngờ lại tiếp tục là một con đực đẹp mã và một con cái tai cụp mặt đần…”
Cho đến một hôm, Hải vỡ mộng khi biết vai diễn Dương Quá dành cho cậu chỉ là lời đạo diễn nói lúc say rượu. Cậu trở về với con số không, đau khổ và nghi ngờ khả năng lẫn con đường phía trước của chính mình. Phân đoạn xúc động nhất phim rơi vào lúc hai chị em ngồi đối diện với chủ quán ăn, Dương nói: Tôi có câu chuyện này muốn kể anh nghe, vì sao tôi biết thằng em mơ mộng hão huyền mà vẫn cứ để nó mơ mãi, bởi phút lâm chung, mẹ tôi bảo điều duy nhất khiến mẹ hối hận, là chưa từng để cha tôi sống như ông hằng mơ ước; mẹ nhắn nhủ rằng con là chị, dù lớn hơn nó 9 giây cũng là chị, sau này em muốn làm gì hãy ủng hộ, chớ gạt ngang, như vậy con không hối hận, nó cũng chẳng có gì nuối tiếc.
Hải tiễn Dương ra bến xe, Dương dúi vào tay em một gói tiền, bảo tiền giả đấy, tập đếm đi. Dương qua cửa kiểm soát, quay lại nhìn Hải, pha trò giả làm mèo tai cụp, cười thật tươi rồi rời khỏi. Trên đường về nhà, Hải mở gói tiền, hóa ra là tiền thật, do Dương mấy năm liền đoạt giải các cuộc thi đếm tiền nhanh tích cóp được, cùng với lời nhắn: cứ tiêu đi, bao giờ thành danh, giàu rồi trả chị, đã mất công theo đuổi thì chớ dễ dàng bỏ cuộc!
Bộ phim giản dị, mà vừa khéo thể hiện được mâu thuẫn nội tại trong xã hội Trung Quốc, và tâm hồn con người. Người nghĩ mình đang cống hiến cho nghệ thuật thường cảm thấy kẻ chỉ chăm chăm kiếm tiền thật thô lậu trần tục, ngược lại người chú trọng kinh tế trước mắt lại cho rằng đam mê nghệ thuật là nực cười viển vông. Nếu cứ co cụm trong suy nghĩ hạn hẹp của bản thân, có khác chi hình ảnh Dương Quá mất một tay, cánh tay còn lại dù thần thông quảng đại đến đâu cũng khó giúp cơ thể cân bằng. Chỉ khi nào nghệ thuật và thị trường có thể ngồi lại cố gắng hiểu lòng nhau, như hình ảnh hai chị em sinh đôi ngồi trên cát cuối phim, thì ta mới bất ngờ nhận ra rằng, họ tuy hai mà một. Hải và Dương hợp lại chính là biển lớn của đời này, và đó cũng là lý do bộ phim lấy tên tiếng Anh Ocean.
Trong hai mùa giải, Triệu Vy được biết đến như một đạo diễn nhạy cảm với chất liệu đời sống và hơi thở thời đại, đồng thời không đặt nặng vấn đề ngoại hình hay tuổi tác của diễn viên. Tương lai của điện ảnh Trung Quốc có lẽ cũng đến lúc đặt vào tay một thế hệ đạo diễn trẻ trung hơn, thế hệ không ngừng tìm kiếm cho mình một điểm cân bằng giữa cuộc đời và nghệ thuật.
P.T.V
Link phim ngắn Tai cụp để tham khảo:
Văn học Mỹ

TÓM LƯỢC VĂN HỌC HOA KỲ

Kathryn VanSpanckeren

(Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 5/2007)

1

Kathryn VanSpanckeren, Giáo sư tiếng Anh tại trường Đại học Tampa, đã giảng dạy về văn học Hoa Kỳ ở nhiều nơi trên thế giới, và từng là Giám đốc Chương trình Tập huấn Mùa hè do Quỹ Fulbright tài trợ dành cho các học giả quốc tế. Những tác phẩm đã xuất bản của bà bao gồm thơ ca và các nghiên cứu. Bà đã tốt nghiệp cử nhân ở Đại học California, Berkeley và nhận bằng Tiến sĩ của trường Đại học Harvard.

2

Mục lục

Nước Mỹ thời kỳ lập quốc và giai đoạn thuộc địa

Sự độc lập về văn học

Chủ nghĩa lãng mạn New England

Những tiểu thuyêt gia vĩ đại đầu tiên

Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực

Chủ nghĩa hiện đại và những thử nghiệm

Sự phát triển của cá nhân

 

Chương 1

Nền tảng của văn học Mỹ đã được xây dựng từ những câu chuyện thần thoại, những truyền thuyết, những câu chuyện cổ tích và những bài ca trữ tình được truyền miệng từ các nền văn hóa của người da đỏ. Truyền thống truyền miệng của người Mỹ bản địa tương đối phong phú. Các câu chuyện của người da đỏ thường tỏ ra sùng kính thiên nhiên và coi
thiên nhiên như người mẹ vật chất lẫn tinh thần. Thiên nhiên là một thực giả J.L.G. Ferris, miêu tả nghi thể sống động và mang lại sức mạnh lễ cầu mùa màng bội thu. (ảnh tinh thần; các nhân vật chính trong tự nhiên có thể là loài vật hoặc cây cối, đôi khi là các vật tổ gắn liền với mỗi bộ lạc, mỗi tộc người hoặc mỗi cá nhân.

Sự đóng góp của người da đỏ bản địa đối với nước Mỹ lớn hơn chúng ta tưởng. Hàng trăm từ ngữ của người da đỏ hiện vẫn đang được sử dụng trong tiếng Anh Mỹ thông dụng. Ví dụ như “canoe”,, “tobacco”,, “potato”, “moccasin”, “moose”, “persimmon”, “raccoon”, “tomahawk”, và “totem” (xuồng, thuốc lá, khoai tây, giày da đanh, nai sừng tấm, quả hồng vàng, gấu trúc Mỹ, cái rìu và vật tổ). Các tác phẩm văn học đương đại của người Mỹ bản địa sẽ được nhắc tới trong chương 8 cũng bao gồm nhiều áng văn hay.

Tác phẩm văn học đầu tiên mang hơi hướng châu Âu xuất hiện trên đất Mỹ là một tác phẩm được viết bằng tiếng Scandinavi. Câu chuyện dân gian về các dòng họ lâu đời ở Na Uy đã mô tả những cuộc phưu lưu của Leif Eriksson và những người đàn ông Na Uy đến khai hoang tại một vài nơi thuộc bờ Đông Bắc nước Mỹ – có thể là ở Nova Scotia thuộc Canada- vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 11.

Tuy nhiên, tiếp xúc đầu tiên và liên tục giữa nước Mỹ với phần còn lại của thế giới chỉ được bắt đầu khi nhà thám hiểm tài ba người Italia, Christopher Columbus, tìm ra châu Mỹ dưới sự tài trợ của nữ hoàng Tây Ban Nha – Isabella. Nhật ký Columbus trong cuốn “Epistola” của ông – được in vào năm 1493 – đã mô tả lại cuộc hành trình đầy kịch tính này.

Những nỗ lực thực dân hóa đầu tiên của người Anh quả là một thảm họa. Khu thuộc địa đầu tiên được thành lập năm 1585 tại Roanoke, thuộc bờ Bắc Carolina và tất cả người đến khai hoang ở khu vực này đã biến mất. Khu kiều dân thứ hai tồn tại lâu hơn: Jamestown, được thành lập năm 1607. Khu kiều dân này đã chịu đựng cái đói, sự cai trị hung bạo và vô tổ chức. Tuy nhiên, nền văn học trong thời kỳ này đã mô tả nước Mỹ với nhiều màu sắc rực rỡ như là miền đất hứa hẹn sự giàu có với nhiều cơ hội. Các tác phẩm miêu tả thời kỳ thuộc địa đã trở thành những áng văn nổi tiểng trên thế giới.

Vào thế kỷ 17, những tên cướp biển, những kẻ phưu lưu và những nhà thám hiểm đã mở đường cho làn sóng thứ hai của những người khai phá lâu dài: họ đem theo vợ con, đồ dùng trong trang trại và công cụ lao động của những người thợ thủ công. Nền văn học mới xuất hiện trong thời kỳ khai hoang này được thể hiện qua những cuốn nhật ký, thư từ, nhật ký các cuộc hành trình, nhật ký hàng hải của những con tàu và các báo cáo gửi cho những người tài trợ cho các nhà thám hiểm. Vì rốt cuộc nước Anh đã có quyền sở hữu những thuộc địa ở Bắc Mỹ, nên hầu hết các tác phẩm nổi tiếng và những hợp tuyển các tác phẩm văn học thời kỳ thuộc địa đều được viết bằng tiếng Anh.

Dường như không có một khu kiều dân nào trong lịch sử thế giới lại tỏ ra có trí tuệ nhiều hơn những người Thanh giáo, hầu hết trong số họ có nguồn gốc từ nước Anh hoặc từ đất nước Hà Lan. Từ năm 1630 đến năm 1690, đã có nhiều trường đại học được thành lập ở miền Đông Bắc nước Mỹ – được biết đến với cái tên New England như ở nước Anh vậy. Những người Thanh giáo tự lập và thường là tự học muốn có kiến thức để hiểu được Chúa và thực hiện những điều răn dạy của Chúa khi họ xây dựng những khu kiều dân của mình tại New England.

Văn phong của người Thanh giáo tỏ ra vô cùng phong phú – từ những áng thơ trừu tượng rất phức tạp đến những dòng nhật ký bình dị, chất phác và những cuốn lịch sử tôn giáo có tính mô phạm cao. Dù ở phong cách và thể loại nào, chủ đề của các tác phẩm dường như không đổi. Cuộc sống được coi như một cuộc thử nghiệm, thất bại dẫn đến sự nguyền rủa vĩnh viễn và bị thiêu cháy dưới địa ngục còn thành công thì dẫn đến những niềm vui sướng nơi thiên đường. Thế giới này là một đấu trường bất biến giữa sức mạnh của Chúa và sức mạnh của Sa-tăng – một kẻ thù nguy hiểm với nhiều hình dạng cải trang.

Lâu nay, các học giả đã chỉ ra mối liên hệ giữa chủ nghĩa Thanh giáo và chủ nghĩa Tư bản: cả hai đều nhấn mạnh tầm quan trọng của tham vọng, lao động chăm chỉ và nỗ lực hết mình để thành công. Mặc dù các cá nhân theo chủ nghĩa Thanh giáo – do những ràng buộc nghiêm khắc của các quy phạm thuộc thần học – có thể không biết họ có được “che chở” và được chọn để đi tới thiên đường hay không, nhưng những người Thanh giáo luôn có thiên hướng tin tưởng rằng những thành công nơi thế giới trần tục chính là dấu hiệu cho thấy họ sẽ được chọn. Sự giàu sang và địa vị xã hội không chỉ là quý giá đối với họ mà còn là sự bảo đảm để có được một sức mạnh tinh thần và hứa hẹn một cuộc sống bất tử.

Ngoài ra, quan điểm về địa vị xã hội cũng góp phần thúc đẩy sự thành công. Các tín đồ Thanh giáo tin rằng bằng cách thúc đẩy hơn nữa lợi ích của chính họ và sự hạnh phúc của cộng đồng, họ đã tiến gần hơn được với Chúa. Tác phẩm văn học vĩ đại nhất chứa đựng đức tín và quy tắc ứng xử của họ chính là Kinh thánh – đã được cho phép dịch ra tiếng Anh. Tính cổ xưa của Kinh thánh đã khiến nó trở nên đầy quyền lực trong con mắt của các tín đồ Thanh giáo.

Từ những năm 1600 đến những năm 1700, chủ nghĩa giáo điều tôn giáo từng bước suy thoái bất chấp những nỗ lực rời rạc và tàn nhẫn của các tín đồ Thanh giáo nhằm ngăn chặn làn sóng của chủ nghĩa khoan dung. Tư tưởng của chủ nghĩa khoan dung và tự do tôn giáo đã từng bước lớn mạnh tại các khu kiều dân Mỹ và lần đầu tiên được thành lập ở Rhode Island và Pennsylvania, quê hương của người Quaker. Những người Quaker bao dung và nhân ái – hay còn được gọi là những “Người bạn” – tin tưởng vào phần thánh thiện trong lương tâm mỗi người và coi đó là nguồn gốc của đạo đức và trật tự xã hội. Đức tin căn bản của người Quaker đối với tình yêu vạn vật và tình anh em khiến họ trở thành những người có tư tưởng dân chủ sâu sắc và phản đối quyền lực tôn giáo võ đoán. Bị xua đuổi bởi chính quyền bang Massachusetts – những người e sợ sự ảnh hưởng của họ – những người Quaker đã xây dựng một khu kiều dân rất thành công dưới thời William Penn năm 1681 ở Penn- sylvania.

 

Chương 2

Sự độc lập về văn học

Cuộc cách mạng Mỹ chống lại người Anh (1775-1783) là cuộc chiến tranh giải phóng hiện đại đầu tiên chống lại một cường quốc thực dân. Chiến thắng vang dội của cuộc đấu tranh giành độc lập đã cho thấy những tiên đoán về số mệnh làm nên những điều vĩ đại của nước Mỹ và người dân Mỹ. Chiến thắng quân sự đã thắp sáng niềm hy vọng về chủ nghĩa dân tộc và làm nảy sinh một nền văn học mới. Nếu không kể đến các bài viết về chính trị nổi bật thì chỉ có rất ít tác phẩm văn học đáng chú ý được viết trong hoặc ngay sau Cách mạng.

Người dân Mỹ đã đau xót nhận thấy sự phụ thuộc quá mức của văn học Mỹ vào các mô thức văn học kiểu Anh. Sự tìm kiếm nền văn học bản địa đã trở thành nỗi ám ảnh trên khắp đất nước. Sự giải phóng cho văn học Mỹ đã bị trì hoãn bởi mối liên hệ còn sót lại với nước Anh thể hiện qua sự bắt chước và mô phỏng thái quá những hình mẫu văn học cổ điển hoặc theo kiểu Anh quốc. Đồng thời, những khó khăn về kinh tế và điều kiện chính trị cũng đã làm cản trở công việc xuất bản.

James Fenimore Cooper, giống như Washing- ton Irving, là một trong những nhà văn lớn đầu tiên của nước Mỹ. Giống như các nhà văn lãng mạn khác thời kỳ này, ông đã gợi nên những tình cảm trong quá khứ (ở thời đại của ông, những vùng đất hoang vu của nước Mỹ được khai hóa và gắn liền với những kiều dân đến từ châu Âu). Trong tác phẩm của Cooper, người ta đã tìm thấy sức mạnh diệu kỳ của “thời đại vàng” và đau xót cho những mất mát của nó.

Trong khi Washington Irving và những nhà văn Mỹ khác trước và sau ông đã sục sạo khắp châu Âu để tìm kiếm các truyền thuyết, các tòa lâu đài và các tư tưởng vĩ đại thì Cooper lại giúp tạo ra một truyền thuyết riêng cho nước Mỹ: lịch sử châu Âu tại Mỹ đã được tái hiện qua tác phẩm Mùa thu ở khu vườn địa đàng. Tính tuần hoàn của tự nhiên chỉ được nhận thấy thấp thoáng từ chính hành vi phá hủy nó: những vùng đất hoang dã đã biến mất trong con mắt người Mỹ, biến mất ngay trước khi những người tiên phong đi tới, giống như một ảo giác vậy. Đây chính là nhân sinh quan theo kiểu bi kịch của Cooper đối với tình trạng bị tàn phá của các miền đất chưa được khai hóa – một vườn địa đàng mới lúc đầu đã thu hút các kiều dân.

Là con trai trong một gia đình Quaker, ông lớn lên tại một điền trang xa xôi hẻo lánh của người cha tại Hồ Otsego (hiện là thị trấn Coopers) nằm ở trung tâm bang New York. Mặc dù vùng đất này khá yên bình vào thời niên thiếu của Cooper song nó đã từng một lần là nơi diễn ra cuộc tàn sát người da đỏ. Từ bé Fenimore Cooper đã nhìn thấy những người dân ở vùng biên giới và những người da đỏ ở vùng hồ Hồ Otsego, sau này cậu thấy những kiều dân da trắng ngang nhiên xâm lấn đất đai của mình.

Natty Bumppo, nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm văn học của Cooper, là đại diện cho nhân sinh quan của ông – một người dân vùng biên giới và là một “nhà quý tộc bẩm sinh” theo chủ nghĩa Jefferson. Ngay từ năm 1823, trong tác phẩm Người tiên phong, Cooper đã bắt đầu tưởng tượng ra nhân vật Bumppo. Natty là người dân vùng biên giới được biết đến đầu tiên trong văn học Hoa Kỳ và là nguyên mẫu văn học đầu tiên của vô số các nhân vật cao bồi và các anh hùng tại những khu rừng hẻo lánh được hư cấu sau này. Nhân vật này là một người theo chủ nghĩa cá nhân lý tưởng – người luôn tốt đẹp hơn xã hội mà anh ta bảo vệ. Nghèo khổ và đơn độc nhưng lại vô cùng trong sáng, nhân vật này là chuẩn mực cho các giá trị đạo đức và là nguyên mẫu cho nhân vật Billy Bud của Herman Melville và nhân vật Huck Finn của Mark Twain sau này.

Dựa trên một phần cuộc sống đời thực của một người Mỹ khai hoang là Daniel Boone – một người Quaker giống như Cooper – Natty Bumppo, phiên mẫu của Boone, là một người đàn ông mang lại hòa bình và được một bộ lạc người da đỏ nuôi dưỡng. Cả Boone và nhân vật tưởng tượng Bumppo đều yêu thiên nhiên và tự do. Họ không ngừng hướng về phía Tây để thoát khỏi những kiều dân đang đến – những người mà chính họ đã chỉ đường cho tới vùng đất hoang dã này – và họ đã trở thành truyền thuyết từ chính cuộc đời của họ.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt tuyển tập gồm 5 cuốn tiểu thuyết được biết đến dưới cái tên Truyền thuyết chiếc vớ da chính là cuộc đời của Natty Bumppo. Được coi là tuyển tập hay nhất của Cooper, 5 cuốn tiểu thuyết này là những áng văn xuôi mang đậm chất hùng ca với khung cảnh hùng tráng của lục địa Bắc Mỹ, các bộ lạc da đỏ là những diễn viên chính, các cuộc chiến tranh vĩ đại và dòng người di cư sang phía Tây là bối cảnh xã hội của tác phẩm. Những cuốn tiểu thuyết này cho thấy cuộc sống nơi biên giới nước Mỹ trong những năm từ 1740 đến 1804. Tiểu thuyết của Cooper đã miêu tả một cách vô cùng sinh động những làn sóng kiều dân kế tiếp nhau tới khu vực biên giới: những vùng đất hoang vu là nơi sinh sống của người da đỏ; sự có mặt của những người da trắng đầu tiên – những trinh sát, những người lính, nhà buôn và những người dân vùng biên giới; sự xuất hiện của nghèo đói, của những gia đình kiều dân khốn khổ, và cuối cùng là sự có mặt của tầng lớp trung lưu bao gồm thẩm phán, bác sĩ và chủ ngân hàng. Mỗi đợt sóng ào đến lại xóa sạch những đợt sóng trước đó: người da trắng thế chỗ người da đỏ khiến những người này buộc phải rút về phía Tây; tầng lớp trung lưu xây dựng trường học, nhà thờ và nhà tù, thay thế cho tầng lớp thấp hơn bao gồm những tộc người biên giới theo chủ nghĩa cá nhân – những người buộc phải di chuyển xa hơn về phía Tây, đến lượt họ lại thay thế những người da đỏ đến trước đó. Coo- per đã miêu tả được tính vô tận và làn sóng không thể tránh khỏi của những kiều dân, đồng thời ông cũng nhìn nhận được cả những cái được và cái mất của những làn sóng di cư ấy.

Giống như Rudyard Kipling, E.M. Forster, Herman Melville và các nhà quan sát nhạy cảm khác của các nền văn hóa rất khác nhau nhưng vẫn tương tác lẫn nhau, Cooper là một nhà văn hóa theo thuyết tương đối. Ông hiểu rằng không nền văn hóa nào có vị thế độc tôn trong những vấn đề đạo đức hay cái đẹp.

 

Chương 3

Chủ nghĩa lãng mạn New England

Phong trào lãng mạn bắt nguồn từ nước Đức nhưng đã nhanh chóng lan rộng và ảnh hưởng tới nước Mỹ vào khoảng năm 1820. Các tư tưởng lãng mạn xoay quanh linh hồn con người và những vẻ đẹp vĩ đại của tự nhiên, đồng thời đề cập đến tầm quan trọng của linh hồn và trí tuệ của mỗi cá nhân. Chủ nghĩa lãng mạn nhấn mạnh tầm quan trọng của nghệ thuật tự biểu cảm của cá nhân và xã hội.

Sự phát triển cá nhân trở thành chủ đề chính và sự tự ý thức về bản thân là phương thức cơ bản. Theo lý thuyết của chủ nghĩa lãng mạn, nếu bản ngã và tự nhiên hòa làm một thì ý thức về bản thân không phải là sự ích kỷ mà là cách thức mở rộng tri thức đối với vũ trụ. Nếu cái tôi của một người là cái tôi có nhân tính thì cá nhân đó có trách nhiệm đạo đức là cải tạo xã hội, xóa bỏ bất công và làm dịu đi những nỗi thống khổ của con người. Tư tưởng về cái tôi – vốn bị những thế hệ trước coi là bản ngã ích kỷ – đã được định nghĩa lại. Các từ ghép mới mang ý nghĩa tích cực đã được sử dụng như: “khả năng tự nhận thức”, “khả năng tự biểu đạt” và “lòng tự tin”.

Vì chỉ có một nên cái tôi chủ quan trở nên vô cùng quan trọng dưới góc nhìn tâm lý học. Nhiều kỹ thuật và hiệu ứng nghệ thuật đã được xây dựng để khơi gợi xúc cảm tâm lý của các cá nhân. Nghệ thuật tượng hình – một hiệu ứng thẩm mỹ mô tả các khung cảnh hùng vĩ (ví dụ như quang cảnh nhìn từ một đỉnh núi) – đã có tác dụng tạo ra những cảm xúc về nỗi kinh sợ, sự tôn kính, sự bao la và sức mạnh trong nhận thức của con người.

Chủ nghĩa lãng mạn đã được khẳng định và được dành riêng cho hầu hết các nhà thơ và các nhà văn tiểu luận sáng tạo Mỹ. Các đỉnh núi hùng vĩ, các sa mạc mênh mông và các vùng đất nhiệt đới của nước Mỹ đã được mô tả trong các áng văn thơ của họ. Tư tưởng lãng mạn dường như đặc biệt thích hợp với nền dân chủ kiểu Mỹ: nhấn mạnh vai trò của chủ nghĩa cá nhân, khẳng định giá trị của những con người bình dị và cổ vũ cho trí tưởng tượng đầy sáng tạo nhằm biểu đạt các giá trị đạo đức và thẩm mỹ.

Thuyết tiên nghiệm

Phong trào Tiên nghiệm – đại diện bởi nhà văn tiểu luận Waldo Em- erson và Henry David Thoreau, là một phản ứng chống lại Chủ nghĩa Duy lý thế kỷ 18 và được coi là có mối liên hệ gần gũi với phong trào Lãng mạn. Phong trào này gắn liền với Concord, Massa- chusetts, một thị trấn gần Boston, nơi Emerson, Thoreau, và một nhóm các nhà văn khác đã sống.

Nhìn chung, Chủ nghĩa Tiên nghiệm là một triết lý sống tự do, yêu thích tự nhiên hơn là các cấu trúc tôn giáo theo nghi thức, đề cao nhận thức của mỗi cá nhân hơn là những giáo lý cứng nhắc, coi trọng bản năng của con người hơn là các quy ước xã hội. Những người theo chủ nghĩa Lãng mạn tiên nghiệm ở nước Mỹ đã thúc đẩy hơn nữa chủ nghĩa cá nhân cấp tiến và đẩy chủ nghĩa cá nhân đến mức cực đoan. Các nhà văn Mỹ – lúc đó hoặc sau này – đều tự coi mình là những nhà thám hiểm đơn độc nằm bên ngoài xã hội và các quy ước của nó. Nhân vật anh hùng Mỹ – giống như Thuyền trưởng Ahab của Herman Melville hay Huck Finn của Mark Twain – đều tự mình đối mặt với hiểm nguy, thậm chí đối mặt với cái chết trong hành trình tự khám phá mang tính siêu việt của họ. Đối với các nhà văn lãng mạn Mỹ, không có gì là định sẵn. Văn học và quy ước xã hội, nếu không có ích thì sẽ trở thành nguy hiểm. Luôn có một sức ép dữ dội thôi thúc họ tìm ra một hình thức, nội dung và cảm xúc văn học có tính xác thực cao.

Ralph Waldo Emerson, một gương mặt xuất chúng vào thời đại của ông, là một người có tư tưởng về sứ mệnh tôn giáo. Mặc dù nhiều người buộc tội ông đã phá vỡ các giáo lý của đạo Cơ đốc song ông đã giải thích rằng đối với ông “để trở thành một mục sư tốt thì phải rời bỏ nhà thờ”. Bài diễn văn mà ông đã trình bày năm 1838 tại Thánh đường Trường Thần học Harvard đã khiến ông không được chào đón tại Harvard trong 30 năm. Trong bài diễn văn này, Emerson đã cáo buộc nhà thờ quá ủng hộ tín điều và bóp nghẹt linh hồn con người.

Ralph Waldo Emerson

Emerson luôn kiên định với lời kêu gọi của mình về sự ra đời của chủ nghĩa cá nhân kiểu Mỹ lấy nguồn cảm hứng từ tự nhiên. Trong cuốn Tự nhiên (1836), ấn phẩm đầu tiên của ông, đoạn mở đầu được viết như sau:

Thời đại của chúng ta là nhìn nhận lại quá khứ. Quá khứ xây nên lăng mộ của những người cha. Nó viết nên tiểu sử, lịch sử và những lời chỉ trích. Các thế hệ đi trước đã trông thấy Chúa và thiên nhiên đối mặt với nhau; chúng ta (chỉ đơn thuần là) thông qua con mắt của họ. Tại sao chúng ta lại không được phép trực tiếp quan sát mối liên hệ giữa loài người với vũ trụ? Tại sao chúng ta không được phép có thi ca nhìn thấu tâm hồn con người thay vì truyền thống, và tại sao chúng ta không được có một tôn giáo soi rạng chính chúng ta thay vì lịch sử của những thế hệ trước. Cứ mỗi mùa trong tự nhiên với những dòng chảy cuộc sống xung quanh ta và xuyên qua ta lại mời mọc ta bởi sức mạnh của nó, thúc đẩy ta hành động hòa hợp với tự nhiên, vậy thì tại sao chúng ta lại cứ phải mò mẫm trong những đống xương tàn của quá khứ…?

Nhiều tư tưởng tôn giáo của ông bắt nguồn từ những tác phẩm mà ông đã đọc về Đạo Hinđu, Khổng giáo và đạo Xufi Hồi giáo.

Henry David Thoreau sinh ra và cư trú ở Concord. Xuất thân từ một gia đình nghèo, giống như Emerson nhưng ông đã từng học tập ở trường Đại học Harvard. Kiệt tác của ông, Walden, hay Cuộc sống trong rừng (1854), là thành quả của 2 năm, 2 tháng và 2 ngày (từ 1845 đến 1847) sống trong một căn nhà gỗ nhỏ được ông xây dựng ở Walden Pond, gần Concord. Bản trường ca thơ mộng này của ông đã giúp người đọc chiêm nghiệm cuộc sống và thúc đẩy họ sống hết mình cho cuộc sống.

Tác phẩm “Chống lại pháp luật” của Thoreau cùng với lý thuyết của nó về sự kháng cự tiêu cực dựa trên sự cần thiết về đạo đức đối với mỗi cá nhân chính nghĩa – những người cần đứng lên phản kháng lại những bộ luật bất công. Tư tưởng này của ông chính là nguồn cảm hứng Henry David Thoreau cho phong trào giành độc lập của thủ lĩnh người Ấn độ Mahatma Gandhi và của cuộc đấu tranh do Martin Luther King lãnh đạo đòi quyền dân sự cho những người Mỹ da đen vào thế kỷ 20.

Sinh ra ở Long Island, bang New York, Walt Whitman đã từng là thợ mộc bán thời gian và là một người con ưu tú của dân tộc – người đã có những tác phẩm thành công rực rỡ, đầy chất sáng tạo và phản ánh linh hồn của nền dân chủ Hoa Kỳ. Cuộc đời của Whitman là một tấm gương về tự học hỏi, từ năm 11 tuổi ông đã rời trường học để đi làm, vì vậy, ông không được hưởng những tinh hoa của nền giáo dục truyền thống khiến cho hầu hết các tác giả người Mỹ đều mô phỏng văn phong kiểu Anh. Trong cuốn Lá Cỏ (1855) của ông – một tác phẩm được ông sáng tác dựa trên chính cuộc đời mình – có “Bài ca của tôi” – một bài thơ được coi là ấn tượng nhất đã từng được viết bởi một tác giả là người Mỹ.

Tính sáng tạo, không theo vần điệu, hình thức tự do của thơ ca cùng với thái độ cởi mở đối với đời sống tình dục, xúc cảm mạnh mẽ đối với nền dân chủ và tư tưởng lãng mạn cực đoan được hòa trộn làm một và người đọc lập tức đã bị cuốn theo dòng chảy thi ca thực sự theo lối Mỹ.

Walt Whitman (1819-1892)

Emily Dickinson được coi là chiếc cầu nối giữa thời đại của bà với những xúc cảm văn học của thế kỷ 20. Là một người theo chủ nghĩa cá nhân cực đoan, bà sinh ra và sống cuộc đời mình ở Amherst – một ngôi làng nhỏ thuộc bang Massa- chusetts. Bà không kết hôn và đã sống một cuộc đời kỳ lạ với một nội tâm mãnh liệt, nhiều biến cố mặc dù nếu chỉ quan sát bên ngoài thì dường như cuộc sống của bà vô cùng bình lặng. Bà yêu thiên nhiên và tìm thấy cảm hứng sâu sắc từ những cánh chim, những con vật, cỏ cây và

Emily Dickinson (1830-1886) những thời khắc giao mùa của vùng nông thôn New England.

Dickinson đã sống ẩn dật phần cuối của cuộc đời mình để nuôi dưỡng tâm hồn vô cùng nhạy cảm của bà và dành thời gian để sáng tác.

Văn phong ngắn gọn, xúc tích và giàu hình tượng của bà có tính hiện đại và sáng tạo hơn phong cách của Whitman. Bà thường đề cập đến những cảm xúc khiếp sợ về sự tồn tại của các sinh linh. Những vần thơ trong sáng, chải chuốt, đầy hình tượng của bà được phát hiện vào những năm 1950 và được coi là một trong những vần thơ lôi cuốn và có sức hấp dẫn lớn nhất trong lịch sử văn học Hoa Kỳ.

 

Chương 4

Những tiểu thuyêt gia vĩ đại đầu tiên

Walt Whitman, Herman Melville, Emily Dickinson – cũng như các tác giả đương thời khác, Nathaniel Hawthorne và Edgar Allen Poe – đại diện cho thế hệ các nhà văn, nhà thơ lớn đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ. Đối với các nhà văn hư cấu, nhân sinh quan theo chủ nghĩa lãng mạn được bộc lộc qua một thể thức văn học được Haw- thorrne gọi là “tiểu thuyết hư cấu” – một hình thức văn học có tính biểu trưng, gây xúc động mạnh và cường điệu của loại hình tiểu thuyết. Theo cách định nghĩa của Hawthorrne, tiểu thuyết hư cấu không phải là những câu chuyện tình yêu mà là những cuốn tiểu thuyết thực sự, trong đó sử dụng những thuật ngữ đặc biệt để truyền tải những cảm xúc phức tạp và tinh tế.

Thay vì mô tả một cách thận trọng những nhân vật có thực thông qua hàng loạt các chi tiết như hầu hết các tác giả người Anh và các nhà viết tiểu thuyết ở châu Âu, Hawthorne, Melville và Poe đã tạo ra những nhân vật anh hùng không có thật trong cuộc sống và mang đậm chất hoang đường. Nhân vật chính trong tiểu thuyết hư cấu Mỹ là những cá nhân ma quái hoặc bị bệnh tâm thần. Arthur Dimmesdale hay Hester Prynne trong cuốn Chữ A màu đỏ của Hawthorne, Ahab trong cuốn Moby-Dick của Melville và nhiều nhân vật cô độc và bị ám ảnh khác trong các tác phẩm của Poe đều là những vai chính đơn độc chống lại định mệnh đen tối không thể nhận biết – một định mệnh được hình thành một cách hoàn toàn bí ẩn bên ngoài cá nhân vô thức của họ. Cốt truyện có tính biểu trưng được giấu trong những hành động của linh hồn đau khổ. Một lý do khiến cho loại tiểu thuyết hư cấu này thường khai thác những ngóc ngách sâu kín trong tâm hồn nhân vật là do vào thời kỳ này, tại nước Mỹ, sự chia sẻ cộng đồng vẫn còn đang thiếu vắng. Các nhà văn tiểu thuyết của nước Anh – Jane Austen, Charles Dickens (một nhà văn rất nổi tiếng), Anthony Trollope, George Eliot, William Thackeray – đều sống trong một xã hội phức tạp, được kết nối tốt và mang đậm tính truyền thống. Họ chia sẻ với độc giả của họ – một thái độ cho thấy tư tưởng hư cấu hiện thực của những nhà văn này.

Các nhà văn Mỹ phải đối mặt với lịch sử của cuộc đấu tranh cách mạng, với những vùng đất bao la chưa được khai phá và một xã hội dân chủ hay thay đổi và gần như không bị phân tầng. Nhiều cuốn tiểu thuyết Anh mô tả những con người nghèo khổ đã leo lên được các bậc thang kinh tế xã hội cao hơn do có được một cuộc hôn nhân tốt hoặc do phát hiện ra quá khứ quý tộc bị che giấu của mình. Nhưng cốt truyện kiểu này đã không hấp dẫn được cấu trúc xã hội quý tộc kiểu Anh. Ngược lại, chính cấu trúc xã hội này tạo nên cốt truyện. Sự vươn lên của các nhân vật chính trong truyện làm thỏa mãn khao khát của phần lớn độc giả thuộc tầng lớp trung lưu thời bấy giờ ở nước Anh.

Ngược lại, các nhà viết tiểu thuyết Mỹ phải tin tưởng vào chính họ. Nước Mỹ là một quốc gia có đường biên giới luôn thay đổi và không thể định nghĩa do những người di cư nói hàng chục ngôn ngữ khác nhau với những phong cách sống thô sơ và hoàn toàn mới lạ. Vì thế, nhân vật chính trong một cuốn tiểu thuyết Mỹ thường có khả năng một mình sống giữa một bộ lạc ăn thịt người như trong cuốn Typee của Melville, hay một mình khai phá vùng đất hoang như Leatherstocking của James Fenimore Cooper, hoặc có khả năng nhìn thấy hồn ma hiện lên từ những nấm mồ như những nhân vật ẩn dật của Poe, và gặp gỡ ma qủy đi dạo trong rừng như nhân vật Young Goodman Brown của Hawthorne. Hầu như tất cả các nhân vật chính trong loại hình tiểu thuyết này đều là những người “cô đơn”. Một người Mỹ dân chủ phải tự phát hiện ra bản ngã của mình. Các nhà viết tiểu thuyết nổi tiếng của nước Mỹ đã phát minh ra những thể thức mới cho loại hình văn học này: ví dụ như cuốn Moby-Dick – một tác phẩm đặc trưng của Melville và Chuyện kể của Arthur Gordon Pym – một tác phẩm với cốt truyện và văn phong kỳ ảo của Poe.

Herman Melville (1819-1891) là hậu duệ của một gia đình giàu có và cổ xưa bất ngờ lâm vào cảnh nghèo nàn bởi cái chết của người cha. Mặc dù được dạy dỗ một cách nghiêm khắc, bất chấp truyền thống gia đình và lao động vất vả, Melville đã không đặt chân đến trường đại học. Vào năm 19 tuổi, ông bắt đầu đi biển. Tình yêu của ông đối với cuộc sống người thủy thủ đã được nuôi lớn một cách hoàn toàn tự nhiên và nằm ngoài kinh nghiệm của bản thân. Hầu hết các cuốn tiểu thuyết của ông đều được viết trong những chuyến đi dài. Tác phẩm đầu tay – Typee – được xây dựng dựa trên khoảng thời gian ông sống với những người Taipis ở quần đảo Marquesas thuộc Nam Thái Bình Dương.

Moby-Dick; hay Cá voi, kiệt tác của Melville, là một bản hùng ca về con tàu săn bắt cá voi Pequod và vị thuyền trưởng của nó, Ahab, người có nỗi ám ảnh phải săn đuổi cá voi trắng, Moby-Dick, khiến con tàu bị phá hủy và các thủy thủ phải đối mặt với cái chết. Tác phẩm này là một cuốn tiểu thuyết phiêu lưu hiện thực, chứa đựng và truyền tải những suy ngẫm về cuộc sống của con người.

Qua cuốn sách này, nghề săn bắt cá voi dường như là một phép ẩn dụ lớn về quá trình đi tìm tri thức. Cuộc rượt đuổi của Ahab vừa can đảm lại vừa bi kịch. Bất chấp chủ nghĩa anh hùng của mình, Ahab vẫn phải chịu một kết thúc bi thảm và có thể còn tiếp tục bị nguyền rủa sau cái chết. Thiên nhiên tuy rất đẹp nhưng cũng chứa đựng hiểm nguy và cái chết. Trong tác phẩm Moby-Dick, Melville đã thách thức quan điểm lạc quan của Emerson cho rằng con người có thể thấu hiểu tự nhiên. Moby-Dick – chú cá voi trắng to lớn – là sự tồn tại khó hiểu và kỳ vĩ chế ngự toàn bộ cuốn tiểu thuyết, và chính điều đó đã ám ảnh Ahab. Thực tế về cá voi và nghề săn bắt cá voi không thể giải thích được hành vi của Moby-Dick; trái lại, chính thực tế lại có vẻ như bị tan biến trong các biểu tượng. Đằng sau những thực tế mà Melville thu lượm được là một nhân sinh quan thần bí – nhưng dù nhân sinh quan này tốt hay xấu, có tính nhân văn hay không có tính nhân văn thì cũng không thể giải thích được.

Ahab đã khăng khăng tưởng tượng ra một thế giới anh hùng, tuyệt đối và vĩnh cửu. Ông đã dại dột đòi hỏi một sự kết thúc rõ ràng, một câu trả lời chính xác. Nhưng cuốn tiểu thuyết đã chỉ ra rằng không có kết thúc nào cả, không có câu trả lời cuối cùng nào cả, ngoại trừ cái chết. Tác phẩm này của Melville đã gây được tiếng vang rộng khắp trong làng văn học Mỹ. Nhân vật Ahab được đặt tên theo tên một ông vua trong kinh thánh, một người mong muốn cái tuyệt đối. Giống như Oedipus trong tác phẩm của Sophocles, người đã phải trả giá đắt do nhận thức không đúng đắn, Ahab đã thực sự mù quáng trước khi tự đẩy mình vào chỗ chết.

Con tàu Pequod của Ahab được đặt tên theo một bộ lạc người Mỹ bản địa đã tuyệt chủng ở New England. Vì thế, chỉ riêng cái tên này đã khiến độc giả linh cảm trước về việc con tàu sẽ bị phá hủy. Nghề săn bắt cá voi trên thực tế là một ngành công nghiệp quan trọng, đặc biệt là ở New England: nó cung cấp tinh dầu cá voi như một nguồn năng lượng, đặc biệt dành cho việc đốt cháy các ngọn đèn. Vì vậy, trong văn học, cá voi được ví như “nguồn sáng lan tỏa” trong vũ trụ. Cuốn sách này đã gây tiếng vang lớn xét về mặt lịch sử. Nghề săn bắt cá voi vốn đã có tính bành trướng chủ nghĩa và có quan hệ mật thiết với ý tưởng lịch sử về “số phận chủ nghĩa bành trướng” của dân tộc Mỹ, từ đó đòi hỏi người dân Mỹ phải dong buồm vòng quanh thế giới để tìm kiếm cá voi (trên thực tế, bang Hawaii thuộc Mỹ ngày nay trước kia đã được sử dụng để tiếp nhiên liệu cho các con tàu đánh bắt cá voi của Mỹ). Các thủy thủ của tàu Pequod đại diện cho các sắc tộc và các tôn giáo khác nhau, thể hiện ý tưởng về một nước Mỹ thống nhất, đa sắc tộc, đa tôn giáo và là điểm đến của các dòng người nhập cư. Cuối cùng, Ahab tiêu biểu cho một phiên bản bi kịch của chủ nghĩa cá nhân dân chủ kiểu Mỹ. Ông khẳng định nhân phẩm cá nhân mình và dám đối chọi với những sức mạnh bên ngoài không thể chế ngự từ vũ trụ.

 

Chương 5
Sự ra đời của chủ nghĩa hiện thực

Cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865) nổ ra giữa miền Bắc công nghiệp với miền Nam nông nghiệp chiếm hữu nô lệ là một bước ngoặt lớn trong lịch sử Hoa Kỳ. Trước chiến tranh, các nhà duy tâm đã đấu tranh bênh vực nhân quyền, đặc biệt là việc xóa bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ. Sau chiến tranh, người Mỹ đã đạt được những tiến bộ lớn trong lĩnh vực này và chế độ nô lệ đã hoàn toàn bị xóa bỏ. Thời kỳ sau Nội chiến trở thành kỷ nguyên của các triệu phú là các nhà sản xuất và các nhà đầu cơ, khi thuyết tiến hóa về sự thích nghi của loài của Darwin bắt đầu được áp dụng phổ biến trong xã hội và dường như những ông chủ tư bản sẵn sàng thực hiện nhiều hành vi vô đạo đức để đạt được mục đích kinh doanh.

Hoạt động kinh doanh buôn bán đã bùng nổ sau chiến tranh. Hệ thống đường sắt liên lục địa được khánh thành năm 1869 và kỹ thuật điện tín truyền tin xuyên lục địa bắt đầu hoạt động năm 1861 đã giúp cho ngành công nghiệp tiếp cận dễ dàng các nguồn nguyên vật liệu, các thị trường và thúc đẩy hoạt động giao tiếp. Dòng người nhập cư vào Hoa Kỳ vẫn tiếp tục tăng lên, cung cấp một nguồn lao động rẻ dường như vô hạn. Hơn 23 triệu người ngoại quốc – đầu tiên là những người Đức, người Scăngđinavi và người Ai -len, sau đó là người Trung Âu và Nam Âu – đã di cư tới nước Mỹ trong giai đoạn từ 1860 đến 1910. Trong năm 1860, hầu hết người Mỹ đều sinh sống tại các trang trại hoặc các ngôi làng nhỏ; nhưng đến năm 1919, một nửa dân số Mỹ đã sinh sống tập trung ở 12 thành phố lớn.

Những vấn đề nảy sinh trong tiến trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã bắt đầu xuất hiện: nghèo đói, thiếu thốn nhà cửa, điều kiện vệ sinh không đảm bảo, tiền lương thấp (hay còn được gọi là “mức lương trả cho nô lệ”), điều kiện làm việc khó khăn và những ràng buộc lao động chưa phù hợp. Các công đoàn lớn mạnh và bắt đầu đấu tranh thông qua việc giúp cho người lao động trên khắp đất nước nhận thức được hoàn cảnh lao động khốn cùng của họ. Các chủ trang trại cũng đấu tranh chống lại “lợi tức tư bản” của miền Đông. Từ 1860 đến 1914, nước Mỹ đã chuyển đổi từ một thuộc địa cũ nông nghiệp nhỏ bé thành một quốc gia công nghiệp, hiện đại và rộng lớn. Từ một con nợ năm 1860, đến năm 1914, nước Mỹ đã trở thành quốc gia thịnh vượng nhất và kể từ Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, nước Mỹ đã trở thành một cường quốc thế giới.

Nền công nghiệp hóa lớn mạnh đã gây ra các ảnh hưởng của nó. Hai nhà viết tiểu thuyết Mỹ vĩ đại nhất thời kỳ này là Mark Twain và Henry James có các cách phản ứng khác nhau trước bối cảnh này. Twain đã đưa miền Nam và miền Tây – vốn được ông coi là trái tim của vùng nông thôn và vùng biên giới nước Mỹ – vào các tác phẩm hư cấu của mình; James thì lại hướng về châu Âu để tiến lại gần hơn bản chất của những người Mỹ mới theo chủ nghĩa thế giới.

Samuel Clemens (1835-1910), nổi tiếng hơn dưới bút danh Mark Twain, lớn lên bên bờ sông Mississippi tại một thị trấn biên giới Hannibal, thuộc bang Missouri. Chính Ernest Hemingway đã tuyên bố rằng tất cả nền văn học Mỹ đã được phác họa từ một tác phẩm vĩ đại của Twain – cuốn Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn. Vào đầu thế kỷ 19, các nhà văn Mỹ có xu hướng sáng tác theo lối văn phong đa cảm, hoa mỹ và phô trương – một phần là họ muốn chứng minh rằng họ có
thể viết giống như người Anh. Văn phong của Twain dựa trên phong cách hiện thực, thông dụng và sôi nổi theo kiểu Mỹ, giúp cho các nhà văn Mỹ bắt đầu ý thức được và đánh giá cao tiếng nói dân tộc của họ. Twain là tác giả lớn đầu tiên khai phá những nét đặc trưng của chính bản thân nước Mỹ, ông cũng là người đầu tiên sử dụng lối nói lái hài hước và có những tư tưởng đả phá tín ngưỡng lỗi thời trong các tác phẩm của mình.

Đối với Twain và các nhà văn Mỹ khác ở thế kỷ 19, chủ nghĩa hiện thực không chỉ là một kỹ thuật văn học: nó còn là cách để nói lên sự thật và làm tiêu tan những quy ước đã lỗi thời. Vì thế, nó thực sự tự do và có thể tạo ra xung đột với xã hội. Ví dụ được biết đến nhiều nhất chính là tác phẩm về Huck Finn – một chàng trai nghèo quyết định đi theo tiếng gọi lương tâm và giúp người nô lệ Negro vươn tới tự do, ngay cả khi Huck biết rằng anh có thể bị trừng phạt vì đã vi phạm luật pháp.

Kiệt tác này của Twain được xuất bản năm 1884 và đã được ông sáng tác tại ngôi làng St. Petersburg bên bờ sông Mississippi. Là con trai của một kẻ nghiện rượu, Huck được một gia đình đáng kính nhận làm con nuôi khi cha của cậu đe dọa giết chết cậu bé trong cơn say. Bị đe dọa, Huck đã chạy trốn cùng với một người nô lệ tên là Jim – một người đang bị cô chủ của mình là cô Watson dọa bán cho một chủ nô lệ thô lỗ ở miền Nam. Huck và Jim đã trôi nổi trên một chiếc bè xuôi theo dòng sông Mississippi huyền bí, nhưng chiếc bè đã bị đánh chìm bởi một chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước. Hai cậu bé đã bị lạc nhau rồi sau đó lại tìm thấy nhau. Chúng đã trải qua nhiều cuộc phiêu lưu nguy hiểm và vui nhộn bên bờ hồ lớn, qua đó chỉ ra tính đa dạng, sự khoan dung và những điều bất công tàn ác trong xã hội. Kết thúc câu chuyện, cô Watson trả tự do cho Jim và một gia đình đáng kính đã nhận nuôi và chăm sóc cho cậu bé Huck. Nhưng Huck lớn lên và đã không chịu chấp nhận xã hội văn minh. Cậu lại lập kế hoạch để đi tới miền đất mới – miền đất của những người da đỏ.

Đoạn kết của câu chuyện đã cho độc giả thấy một phiên bản mới về “sự thuần khiết” cổ điển theo kiểu Mỹ: một con đường rộng mở dẫn đến những vùng đất nguyên sơ, tránh xa khỏi những ảnh hưởng đạo đức thối nát của “nền văn minh”. Tiểu thuyết của James Fenimore Cooper, những bài thơ ca tụng con đường khai phá của Walt Whitman, tác phẩm Chú Gấu của William Faulkner và cuốn Trên đường của Jack Kerouac là những ví dụ văn học điển hình khác thể hiện nhân sinh quan này.

Trong một tác phẩm của mình, Henry James đã viết rằng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật văn học “tạo ra cuộc sống, tạo ra những điều kỳ thú và tạo ra ý nghĩa”. Văn chương của James là một trong những áng văn chân thực, phức tạp và tinh tế nhất của thời đại. Trong các tác phẩm của mình, ông thường nhấn mạnh chủ nghĩa quốc tế – bộc lộ mối quan hệ phức tạp giữa những người Mỹ bản địa và những người châu Âu theo chủ nghĩa thế giới.

Henry James (1843-1916)

Người viết tiểu sử của James – Leon Edel – đã gọi thời kỳ sáng tác đầu tiên của ông là “thời kỳ chủ nghĩa quốc tế”, thể hiện qua các tác phẩm như Người Mỹ (1877), Daisy Miller (1879), và kiệt tác Bức chân dung của người đàn bà (1881). Trong cuốn Người Mỹ, Christopher Newman, một triệu phú công nghiệp chất phác nhưng thông minh và thực tế đã tới châu Âu để tìm vợ. Khi gia đình của cô dâu từ chối anh vì anh không có nguồn gốc quý tộc, anh đã từng có cơ hội để trả thù họ nhưng anh đã không làm thế – điều này thể hiện sự ưu tú về phẩm chất đạo đức của một người Mỹ không xuất thân từ tầng lớp quý tộc.

Giai đoạn sáng tác thứ hai của James là giai đoạn thử nghiệm. Ông khai thác những chủ điểm mới – phong trào đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ và cải cách xã hội trong tác phẩm Người Boston (1886), hay những mưu đồ chính trị trong tác phẩm Công chúa Casamassima (1885). Trong giai đoạn sáng tác thứ ba và cũng là giai đoạn quan trọng nhất, James quay lại với các chủ đề quốc tế, nhưng văn phong của ông đã trở nên sâu sắc hơn và mang màu sắc tâm lý hơn. Những tác phẩm hay nhất và đồ sộ nhất như Đôi cánh của chim bồ câu (1902), Ngài đại sứ (1903) (được James đánh giá là tiểu thuyết hay nhất của mình) và Cái bát vàng (1904) đều được viết vào giai đoạn này. Nếu như chủ đề chính trong tiểu thuyết của Twain là những điều khác biệt hài hước giữa kỳ vọng và thực tế thì mối quan tâm không dứt của James chính là tri giác sáng suốt. Trong các tác phẩm của James, chỉ có khả năng tự nhận thức và tri giác sáng suốt mới là nền tảng cho tri thức uyên thâm và sự hy sinh quên mình cho tình yêu.

 

Chương 6
Chủ nghĩa hiện đại và những thử nghiệm

Nhiều nhà sử học đã đánh giá thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới là thời kỳ lịch sử đau buồn đối với nước Mỹ, dù thực tế là khoảng thời gian mà nước Mỹ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến là rất ngắn ngủi (1917-1918) và số thương vong mà nước Mỹ phải gánh chịu ít hơn rất nhiều so với những tổn thất của các đồng minh và kẻ thù của Mỹ ở châu Âu. Bị sốc về mặt tâm lý và nhân sinh quan thay đổi, những người lính Mỹ trở về quê hương nhưng không bao giờ lấy lại được sự trong sáng thuần khiết của họ. Những người lính từ các vùng nông thôn Mỹ khó có thể dễ dàng trở lại cội rễ của mình. Sau khi đã đi tới nhiều nơi trên thế giới, nhiều người trong số họ bỗng khao khát cuộc sống hiện đại nơi thị thành.

Trong giai đoạn sau chiến tranh, hoạt động kinh doanh nở rộ và sự làm ăn phát đạt đã nhấn chìm những giấc mơ hoang dã của họ. Lần đầu tiên, nhiều người Mỹ tìm cách có được bằng cấp cao hơn – trong những năm 1920, số lượng trường đại học tăng lên gấp đôi. Với tầng lớp trung lưu giàu có, người Mỹ bắt đầu trở thành những người có thu nhập bình quân cao nhất thế giới trong thời kỳ này.

Người Mỹ vào “những năm 20 sôi nổi” bắt đầu yêu thích các hình thức giải trí hiện đại. Hầu như ai cũng tới rạp chiếu phim một lần mỗi tuần. Mặc dù có Luật cấm nấu và bán rượu trên toàn quốc, được ban hành thông qua Điều bổ sung sửa đổi thứ 18 của Hiến pháp Hoa Kỳ và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1919, song các quán rượu và những hộp đêm phi pháp vẫn được mở ra nhanh chóng, cùng với nhạc Jazz, các kiểu váy áo và những điệu nhảy táo bạo. Đi khiêu vũ, đi xem phim, đi du lịch bằng xe ô tô và các thiết bị vô tuyến đã trở thành niềm đam mê trên toàn nước Mỹ. Đặc biệt là phụ nữ Mỹ đã cảm thấy được giải phóng. Họ cắt tóc ngắn, mặc váy ngắn và hân hoan đón nhận quyền được bỏ phiếu thông qua Điều bổ sung sửa đổi thứ 19 của Hiến pháp vào năm 1920. Họ có thể bày tỏ một cách táo bạo những suy nghĩ của mình và giữ những vị trí quan trọng trong xã hội.

Bất chấp cuộc sống mới thịnh vượng này, những thanh niên miền Tây đang trải qua sự chuyển đổi văn hóa mạnh mẽ lại muốn nổi loạn về mặt trí tuệ. Họ trở nên giận giữ và vỡ mộng với cuộc chiến đẫm máu và bất mãn với thế hệ đàn anh mà họ cho là phải chịu trách nhiệm. Mỉa mai thay, điều kiện kinh tế khó khăn sau chiến tranh ở châu Âu đã cho phép người Mỹ – với những đồng đô-la của họ – như các nhà văn F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway, Gertrude Stein và Ezra Pound – sống được ở nước ngoài chỉ với một số tiền ít ỏi, được chứng kiến sự vỡ mộng sau chiến tranh, cũng như những nhà trí thức châu Âu khác thời kỳ đó, đặc biệt là những người theo chủ nghĩa Frớt và một nhóm ít người theo chủ nghĩa Mác.

Nhiều cuốn tiểu thuyết, nhất là cuốn Mặt trời vẫn mọc của Hemingway (1926) và cuốn Bên này thiên đường của Fitzgerald (1920), đã mô tả rẩt rõ sự hoang phí và cơn ảo mộng của cái mà nhà văn Mỹ lưu vong Gertrude Stein đã gọi là “thế hệ đã mất”. Trong bản trường ca của T.S. Eliot “Vùng đất bỏ hoang” (1922), nền văn minh phương Tây đã được hình tượng hóa bởi một sa mạc lạnh lẽo đang trong lúc tuyệt vọng chờ mưa (sự hồi sinh của những linh hồn).

Chủ nghĩa hiện đại

Làn sóng văn hóa lớn của chủ nghĩa hiện đại đã nổi lên ở châu Âu và nhanh chóng lan rộng tới nước Mỹ vào những năm đầu thế kỷ 20, biểu thị cảm xúc về cuộc sống hiện đại thông qua nghệ thuật như hình bóng từ quá khứ. Vì máy móc hiện đại đã làm thay đổi vận tốc, khí hậu và muôn mặt của cuộc sống đời thường trong những năm đầu thế kỷ 20 nên nhiều nghệ sĩ và nhà văn, với các cấp độ thành công khác nhau, đã tái hiện lại những thể thức nghệ thuật truyền thống và thử tìm ra những thể thức nghệ thuật mới – một thành tựu thẩm mỹ mà người ta gọi là “thời đại của máy móc”.

Thomas Stearns Eliot – T.S. Eliot (1888-1965) là nhà văn được hưởng những điều kiện giáo dục tốt nhất trong số bất kỳ nhà văn lớn nào của Mỹ thuộc thế hệ ông. Ông đã từng học tập ở Đại học Harvard, Đại học Sor- bonne, và Đại học Oxford. Ông nghiên cứu tiếng Phạn và triết học phương đông – là những tri thức ảnh hưởng lớn tới thơ ca của ông. Giống như bạn của mình, nhà thơ Ezra Pound, ông tới nước Anh từ rất sớm và đã trở thành một gương mặt sáng giá trong làng văn học nước này. Là một trong những nhà thơ đáng kính trọng nhất thời kỳ đó, quan điểm ủng hộ chủ nghĩa tân thời của ông được thể hiện qua những vần thơ trừu tượng và đã gây ra những ảnh hưởng mang tính cách mạng.

Trong “Bản tình ca của J. Alfred Prufrock” (1915), nhà trí thức già Prufrock đã nghĩ rằng ông ta có thể đo lường cuộc sống của mình trong chiếc muỗng cà phê – hình ảnh chiếc muỗng cà phê thể hiện sự tồn tại buồn tẻ và quãng đời nghiện ngập. Đoạn mở đầu trong tác phẩm “Prufrock” của Eliot đã đưa người đọc tới một hẻm phố lòe loẹt, giống như cuộc sống hiện đại không đưa ra được câu trả lời thích đáng nào cho những câu hỏi về cuộc sống:

Hãy đi nào, bạn và tôi
Khi bóng đêm bao trùm bầu trời
Như người bệnh đang ngủ mê trên bàn

Những hình ảnh tương tự cũng tràn ngập trong tác phẩm “Vùng đất bị bỏ hoang” (1922), khiến tác phẩm “Địa ngục” của Dante trở nên nổi danh và gợi nhớ tới những đường phố đông người của Luân-đôn vào khoảng thời gian xảy ra cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất:

Dưới màn sương mù màu nâu của buổi ban mai mùa đông Đám đông nối đuôi nhau qua cây cầu Luân-đôn, rất đông người Tôi đã không nghĩ rằng cái chết lại có thể hủy diệt nhiều sinh linh đến vậy … (1, 60-63)

Robert Lee Frost (1874-1963) sinh ở California nhưng lớn lên trong một trang trại miền đông bắc Hoa Kỳ cho đến lúc lên 10. Giống như Eliot và Pound, ông tới nước Anh vì bị thu hút bởi những trào lưu thơ ca mới ở đây. Ông đã viết về cuộc sống trang trại truyền thống ở New England (thuộc miền đông bắc Hoa Kỳ), gợi nên nỗi lòng hoài cổ với những con đường xưa. Chủ đề trong thơ của ông là vũ trụ – những lần hái táo, những bức tường đá, những cái hàng rào và những con đường thôn quê. Mặc dù cách tiếp cận vấn đề của ông rất sáng sủa và rõ ràng song dường như hơi đơn giản. Tuy nhiên nhiều bài thơ của ông cũng có ý nghĩa sâu sa. Ví dụ như một buổi tối yên tĩnh có tuyết rơi với nhịp điệu buồn tẻ làm người đọc liên tưởng tới sự giá buốt buồn thảm của cái chết. Trong bài thơ “Dừng chân trong rừng vào một buổi tối đầy tuyết” (1923) ông viết:

Tôi nghĩ là tôi biết cánh rừng này thuộc về ai

Ngôi nhà của người ấy ở trong khu làng này

Người ấy sẽ không thấy tôi dừng chân ở đây

Để ngắm nhìn những hàng cây phủ đầy tuyết

Mặc dù văn xuôi Mỹ giai đoạn giữa hai cuộc chiến vẫn có thể thức và tư tưởng mang tính thử nghiệm, song các nhà văn Mỹ ngày càng thiên về xu hướng hiện thực hóa giống như các nhà văn Anh. Tầm quan trọng của việc phải đối mặt với sự thật đã trở thành chủ điểm chính trong những năm 1920 và 1930: các nhà văn như F. Scott Fitzgerald và nhà biên kịch Eugene O’Neill một lần nữa đã vẽ nên số phận bi kịch của những người sống phù du trong những giấc mơ hời hợt.

Cuộc sống của Francis Scott Key Fitzgerald giống như một câu chuyện cổ tích. Trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Fitzgerald đã gia nhập quân đội Hoa Kỳ và đã đem lòng yêu một cô gái xinh đẹp và giàu có, Zelda Sayre, sống gần Mont- gomery, bang Alabama nơi anh đóng quân. Sau khi rời quân ngũ khi chiến tranh kết thúc, chàng trai này đã tìm kiếm người yêu của mình ở Thành phố New York City với ý định sẽ cưới cô làm vợ.

Cuốn tiểu thuyết đầu tiên của anh, Bờ bên này của Thiên đường (1920) đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất và họ đã cưới nhau vào năm 24 tuổi. Đôi vợ chồng trẻ đã không trụ vững được trước những cám dỗ của thành công và tên tuổi, họ đã phung phí tiền bạc của mình để rồi phải rời nước Mỹ năm 1924 và di cư đến nước Pháp để sống cuộc sống tằn tiệm hơn. Họ đã trở về Mỹ 7 năm sau đó. Zelda bị mắc chứng bệnh tâm thần và phải được đưa vào sống tại một trại từ thiện; bản thân Fitzgerald thì nghiện rượu và chết trẻ khi đang là một nhà viết kịch bản phim.

Chỗ đứng của Fitzgerald trong làng văn học Mỹ được khẳng định qua cuốn tiểu thuyết Gatsby vĩ đại (1925) của ông – một cuốn sách đã thành công rực rỡ, một câu chuyện có cấu trúc vô cùng chặt chẽ về giấc mơ Mỹ của một người đàn ông tự do. Vai chính trong truyện, nhân vật Jay Gatsby huyền bí đã phát hiện ra cái giá quá đắt phải trả cho thành công trong tình yêu và trong những khát vọng cá nhân. Hơn hết thảy mọi nhà văn Mỹ khác, Fitzgerald đã làm toát lên vẻ đẹp dữ dội và lộng lẫy của cuộc sống những năm 1920.

Ít có nhà văn nào lại có cuộc sống phong phú như Ernest Hemingway. Các cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của ông là kết quả của những công việc mà ông đã trải qua. Giống như Fitzgerald, Dreiser và nhiều người viết tiểu thuyết nổi tiếng khác của thế kỷ 20, Hemingway đến từ miền Trung Tây của nước Mỹ. Ông đã từng là lính tình nguyện tại một đơn vị xe cứu thương ở Pháp trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, nhưng ông đã bị thương và phải nằm trong bệnh viện trong sáu tháng. Sau chiến tranh, với cương vị là một phóng viên chiến tranh tác nghiệp ở Paris, ông đã gặp những nhà văn Mỹ lưu vong Sherwood Anderson, Ezra Pound, F. Scott Fitzgerald và Gertrude Stein. Đặc biệt là Stein đã có ảnh hưởng lớn tới văn phong bình dị của ông.

Ernest Hemingway (1899-1961)

Sau cuốn tiểu thuyết Mặt trời vẫn mọc (1926) làm nên danh tiếng của ông, ông tiếp tục làm nhà báo trong cuộc nội chiến ở Tây Ban Nha, trong Chiến tranh Thế giới Thứ hai và trong cuộc chiến ở Trung quốc vào những năm 1940. Trong một chuyến đi săn dài ngày ở châu Phi, ông đã bị thương trong một tai nạn máy bay; trước đó, ông đã từng đi săn và câu cá – những hoạt động được tái hiện sau này trong những tác phẩm hay nhất của ông. Ông già và biển cả (1952), một cuốn tiểu thuyết ngắn đầy chất thơ về một ông lão đánh cá nghèo khổ bắt được một chú cá to từ đại dương bao la, nhưng rồi con cá đó lại bị cá mập ăn thịt, đã được trao giải Pulitzer năm 1953; một năm sau đó, ông đã nhận được giải Nobel văn học. Buồn chán vì một gia đình không êm ấm, bệnh tật và ý nghĩ là mình đã mất tài năng sáng tác, Hemingway đã tự sát vào năm 1961. Hemingway có thể được coi là nhà viết tiểu thuyết Mỹ được biết đến nhiều nhất. Sự đồng cảm của ông trong văn chương hoàn toàn phi chính trị, thấm đẫm chất nhân văn và chính vì thế nên ông được biết đến trên toàn thế giới.

Giống như Fitzgerald, Hemingway đã trở thành phát ngôn viên của thế hệ mình. Nhưng thay vì vẽ nên vòng hào quang tai họa như Fitzgerald đã làm – người chưa bao giờ chiến đấu trong cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, Hemingway đã viết về chiến tranh, về cái chết và về “thế hệ đã mất” của những người sống sót bất cần đạo lý. Các nhân vật của ông không phải là những kẻ mơ mộng mà là những dũng sĩ đấu bò tót, những người lính và những vận động viên điền kinh. Nếu là những nhân vật trí thức, thì họ đều bị tổn thương sâu sắc và vỡ mộng. Văn phong của ông là lối văn rõ ràng, mạch lạc, không có chỗ cho những ngôn từ thừa thãi. Ông thường sử dụng lối nói tắt: Trong tác phẩm Giã từ vũ khí (1929), nhân vật chính đã nói “Tôi không hề sợ hãi. Đó chỉ là một trò bịp bợm bẩn thỉu”. Một lần, ông đã ví lối viết của mình với những tảng băng trôi: “Trong lối viết văn của tôi, chỉ có một phần tám là ngôn từ, bảy phần tám còn lại là chìm dưới nước và độc giả phải tự tìm hiểu ẩn ý của những ngôn từ đó”.

Sinh ra trong một gia đình lâu đời ở miền Nam, William Harrison Faulkner đã lớn lên ở Oxford, bang Mississippi, nơi ông sống phần lớn cuộc đời mình. Faulkner đã tái hiện lịch sử của miền đất này và của nhiều sắc tộc mà ông đã cùng chung sống. Là một nhà văn đầy sáng tạo, Faulkner tỏ ra rất điêu luyện trong lối văn tường thuật, với nhiều góc nhìn, nhiều quan điểm và nhiều tiếng nói khác nhau (trong đó có cả những người vô gia cư, các em nhỏ và những người mù chữ). Văn phong của ông phong phú và hoa mỹ, được xây dựng trên những câu văn rất dài.

William Faulkner (1897-1962)

Những cuốn tiểu thuyết hay nhất của Faulkner bao gồm Âm thanh và cơn thịnh nộ (1929) và Khi tôi hấp hối (1930) – hai tác phẩm hiện đại đại diện cho nhân sinh quan và tiếng nói của những gia đình miền nam nước Mỹ đang quằn quại dưới nỗi đau mất người thân; Ánh sáng tháng Tám (1932) – tác phẩm viết về những mối quan hệ phức tạp và dữ dội giữa một người phụ nữ da trắng và một người đàn ông da đen; và Absalom, Absalom! (1936) – có thể coi là tác phẩm hay nhất của ông, kể về con đường thăng tiến của một chủ vườn và sự xuống dốc bi thảm của ông ta.

Sân khấu kịch của thế kỷ 20

Sân khấu kịch của Mỹ cũng theo mô-típ sân khấu kịch của Anh và châu Âu cho đến tận thế kỷ 20. Trước thế kỷ 20, các vở kịch trên sân khấu Mỹ chưa từng thử tìm tòi bất cứ một sáng tạo thẩm mĩ nào trong lĩnh vực nghệ thuật này.

Eugene O’Neill là một gương mặt vĩ đại của sân khấu kịch Mỹ. Nhiều vở kịch của ông là sự kết hợp giữa nguyên tắc kịch truyền thống với một cách nhìn mới và sự sâu sắc trong cách thể hiện tình cảm. Những vở kịch đầu tiên của O’Neill quan tâm tới tầng lớp lao động và người nghèo trong xã hội; các tác phẩm sau này khám phá lĩnh vực chủ thể, và nhấn mạnh trường phái Freud và sự đau khổ của ông khi chịu đựng sự mất mát người thân là bố, mẹ và anh em ruột thịt.

Eugene O’Neill (1888-1953)

Vở kịch Khát vọng dưới bóng cây du (1924) của ông tái dựng lại câu chuyện về những đam mê thầm kín trong một gia đình. Những vở kịch sau đó của ông là những kiệt tác bao gồm Sự xuất hiện của người bán nước đá (1946), tác phẩm đầu tiên về chủ đề cái chết, và Hành trình từ ngày vào đêm (1956) – một vở bi kịch tự sự có tác động mạnh và sâu sắc tập trung vào chính gia đình ông và những băng hoại về thể chất và tâm lý của những người trong gia đình, diễn ra trong suốt một đêm dài.

 

Chương 7

Sự phát triển của cá nhân

Cuộc Đại suy thoái của những năm 1930 đã làm kiệt quệ nền kinh tế Mỹ cho đến Chiến tranh Thế giới Thứ hai mới phục hồi. Hoa Kỳ trở thành một nhân vật chính trên sân khấu chính trị thế giới, và những người Mỹ thời kỳ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai lần đầu tiên được hưởng sự phồn thịnh của chủ nghĩa cá nhân chủ nghĩa và tự do cá nhân.

Giáo dục đại học được phát triển và truyền hình ngày càng phổ biến trên khắp nước Mỹ sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai khiến mọi người dân bình thường đều có thể tự cập nhật thông tin và trở nên hiểu biết hơn. Hàng hóa tiện ích tràn ngập và khả năng dễ dàng sở hữu những căn nhà đẹp ở ngoại ô khiến những gia đình thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng tự chủ hơn. Học thuyết tâm lý của Freud được quảng bá rộng rãi và nhấn mạnh vào nguồn gốc và tầm quan trọng của tư duy cá nhân. Những “viên thuốc’ tránh thai giải phóng phụ nữ khỏi sự phụ thuộc vào những nguyên tắc sinh lý truyền thống. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đa số mọi người dân bình thường đều có một cuộc sống sung túc và tự tin về giá trị cá nhân của bản thân họ.

Sự thăng hoa của chủ nghĩa cá nhân đại chúng – cũng như là các quyền dân sự và các phong trào chống chiến tranh của thập kỷ 1960 – đã tạo thêm sức mạnh cho những tầng lớp không có tiếng nói trước đây. Các nhà văn khẳng định được bản chất bên trong sâu xa của họ, cũng như là kinh nghiệm cá nhân và tầm quan trọng của kinh nghiệm cá nhân ẩn chứa trong tầm quan trọng của cả nhóm xã hội gắn liền với cá nhân mỗi người. Người đồng tính, người theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền và những người sống ngoài lề xã hội khác cũng lên tiếng kể về những câu chuyện của họ. Các nhà văn Mỹ gốc Phi hoặc theo đạo Do Thái nhận thấy rằng họ có các độc giả ở khắp mọi nơi để thể hiện chủ đề phong phú của họ về giấc mơ, hoặc cơn ác mộng Mỹ. Các nhà văn theo đạo Tin Lành, như là John Cheever và John Updike, đã bàn về tác động của nền văn hóa thời hậu chiến đối với cuộc đời của những người như họ. Một số nhà văn hiện đại và đương đại vẫn tìm được chỗ đứng trong phong cách truyền thống hơn, như là chủ nghĩa hiện thực. Một số người có thể được coi như là những người theo chủ nghĩa cổ điển, những người khác thì đang trong quá trình thử nghiệm, có lối hành văn chịu ảnh hưởng bởi hiện tượng phù du của nền văn hóa đại chúng, hoặc bởi những học thuyết xã hội chủ nghĩa hoặc chủ nghĩa hiện sinh. Nhiều người dễ dàng họp lại thành một nhóm xã hội theo chủng tộc hoặc theo tôn giáo. Tuy nhiên, hầu hết các nhà văn hiện đại đều khẳng định một giá trị đồng nhất mang tính cá nhân trong văn học.

Sylvia Plath điển hình cho một người có một cuộc sống hướng ngoại, giành được học bổng theo học tại trường cao đẳng Smith, tốt nghiệp hạng nhất trong lớp, và giành được học bổng Fulbright đi du học tại Đại học Cambridge ở Anh. Tại đây bà gặp người chồng đầy uy tín sau này là nhà thơ Ted Hughes, sinh được hai người con và định cư tại một căn nhà ở vùng quê nước Anh.

Với sự thành công tưởng như chỉ có trong những câu chuyện cổ tích, nổi cộm lên những vấn đề tâm lý đầy day dứt chưa được giải quyết trong cuốn tiểu thuyết đắt khách nhất của bà là Tiếng chuông ngân (1963). Trong đó có một số vấn đề thuộc về cá nhân, còn những vấn đề khác nảy sinh từ cảm nhận của bà về những thái độ hà khắc đối với phụ nữ trong thập kỷ 1950. Trong đó, có nhiều niềm tin và sự chia sẻ của phụ nữ – đối với việc phụ nữ không được phép tỏ ra giận dữ hoặc say mê theo đuổi sự nghiệp, mà chỉ nên hoàn thành tốt bổn phận chăm lo cho chồng và con mà thôi. Những phụ nữ rất thành công trong sự nghiệp như Plath cảm thấy rằng họ đang sống giữa một sự giằng co. Câu chuyện cuộc đời của Plath bị vỡ vụn khi bà và chồng là Hughes ly thân và bà nhận nuôi hai con nhỏ trong một căn hộ ở Luân-đôn suốt một mùa đông lạnh giá. Ốm đau, cô đơn và tuyệt vọng, Plath đã chạy đua với thời gian để hoàn thành một chuỗi các bài thơ tuyệt hay trước khi bà tự tử bằng khí ga trong bếp. Những bài thơ này được tổng hợp lại trong tập thơ có tiêu đề Ariel (1965), hai năm sau cái chết của bà. Nhà thơ Robert Lowell, người viết lời giới thiệu cho tập thơ, đã nhấn mạnh vào sự thành công nhanh chóng trong sự nghiệp thơ ca của bà kể từ khi bà tham gia lớp học làm thơ của ông vào năm 1958.

Sylvia Plath (1932-1963)

Sự nghiệp thơ văn của bà trong giai đoạn đầu rất tinh tế và theo truyền thống, nhưng các bài thơ bà sáng tác sau này thể hiện nỗi tuyệt vọng cùng cực và tiếng khóc thống khổ của người theo chủ nghĩa nam nữ bình quyền thời khởi thủy. Trong tác phẩm “Ứng cử viên” (1966), Plath bộc lộ sự trống rỗng trong vai trò một người vợ bình thường (người mà giá trị bị giảm xuống chỉ còn như một vật vô tri vô giác là “nó”):

Như một con búp bê sống, ở chỗ nào bạn cũng nhìn thấy.

Nó có thể khâu vá, nấu nướng.

Nó có thể nói chuyện, nói chuyện và nói chuyện.

Những bài thơ “đánh nhịp” (beat) bắt đầu xuất hiện vào những năm 1950. Từ “đánh nhịp” thông thường sử dụng trong nhạc, như trong nhạc Jazz có nghĩa là nhịp đầu trong một khổ nhạc, hoặc phúc lành hoặc chúc phúc trong kinh thánh; và “nhừ tử” – sự mệt mỏi hoặc đau đớn. Phong cách Nhịp điệu (hay còn gọi là hippi) được truyền cảm hứng từ lối sống lang thang, tôn giáo phương Đông và dòng nhạc Jazz. Những đặc điểm này đều được khắc họa trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của Jack Kerouac Trên đường, là một tác phẩm gây chấn động khi được xuất bản lần đầu tiên năm l957. Dựa trên một chuyến đi qua khắp các miền quê bằng xe hơi năm 1947, cuốn tiểu thuyết được hoàn thành trong vòng ba tuần miệt mài viết trên vỏn vẹn một cuộn giấy theo phong cách mà Ker- ouac gọi là “văn xuôi ngẫu hứng nhạc pop”. Phong cách ứng tác tự nhiên, các nhân vật hippi huyền bí, sự chống lại quyền lực và qui ước truyền thống thổi bùng lên ngọn lửa sáng tạo bên trong các độc giả trẻ tuổi và đánh dấu sự khởi đầu bánh xe tự do đi ngược dòng văn hóa truyền thống của những năm 1960.

Phần lớn những người viết thể loại thơ Beat là từ vùng ven biển miền Đông nước Mỹ di cư tới San Francisco, đã giành được sự thừa nhận ban đầu tại bang California. Nhân vật kiệt xuất Allen Ginsberg (1926-1997) trở thành người phát ngôn chính của nhóm này. Được sinh ra từ người bố là một nhà thơ và người mẹ lập dị theo Chủ nghĩa Cộng sản, Ginsberg đã theo học tại Đại học Columbia, nơi ông nhanh chóng kết thân với những sinh viên cùng khóa khác là Kerouac (1922-1969) và William Burroughs (1914-1997), là tác giả của những cuốn tiểu thuyết bạo lực và rùng rợn nhất về thế giới ngầm của dân nghiện heroin, trong đó có cuốn Bữa tiệc trưa trần trụi (1959). Họ là ba nhân vật hạt nhân của phong trào thơ Beat.

Thơ Beat là lối thơ miệng, lặp đi lặp lại và rất hiệu quả trong các buổi đọc tập thể, phần lớn là do nó được phát triển từ các buổi đọc thơ tại các câu lạc bộ “của thế giới ngầm”. Một số người có thể đúng khi cho rằng đây là ông tổ của nhạc Rap, dòng nhạc thịnh hành trong những năm 1990. Thơ Beat là một hình thức văn chương phản đối giới cầm quyền mạnh nhất tại Hoa Kỳ, nhưng đằng sau những từ ngữ giật gân đó lại ẩn chứa một tình yêu đất nước. Giọng thơ là tiếng khóc đau đớn và cơn thịnh nộ trước những điều mà các nhà thơ cho là sự mất mát trước sự vô can của nước Mỹ và sự lãng phí bi thảm về các nguồn nhân lực và vật lực của nước này.

Những bài thơ như Tiếng hú (1956) của Allen Ginbeng đã cải cách thơ ca truyền thống:

Tôi chứng kiến những trí óc tuyệt vời nhất trong thế hệ chúng tôi đã bị hủy hoại

bởi sự điên rồ, trần truồng cho tới chết,

kéo lê thân xác họ qua những khu phố của người da đen vào lúc bình minh để tìm kiếm cách hả giận,

những kẻ hippi có đầu óc thiên thần đang hừng hực liên kết giữa thiên đường cổ điển và sự năng động sáng tựa sao trong khuôn khổ của bóng đêm…

Tennessee Williams, người vùng Mississippi, là một trong những nhà văn khá phức tạp trên văn đàn nước Mỹ vào giữa thế kỷ 20. Tác phẩm của ông tập trung vào những xúc cảm xáo trộn trong đời sống gia đình – hầu hết là các gia đình ở miền Nam. Ông nổi tiếng về những câu nói lặp đi lặp lại như thần chú, một cách diễn đạt đầy chất thơ của miền Nam, về những bối cảnh Gothic kỳ lạ, và những khám phá về những xúc cảm của con người theo thuyết Freud. Là một trong những nhà văn Mỹ đầu tiên công khai sống như một người đồng tính luyến ái, Williams giải thích rằng niềm khát khao mãnh liệt của các nhân vật bị đọa đầy của ông diễn đạt sự cô đơn của họ. Những nhân vật của ông sống và chịu đau khổ một cách thảm hại.

Williams viết hơn 20 vở kịch dài, nhiều vở mang tính chất tiểu sử tự thuật. Ông đạt đến đỉnh cao trong sự nghiệp tương đối sớm – vào thập niên 40 – với The Glass Menagerie (Bầy thú thủy tinh – 1944) và A Streetcar Named Desire (Chuyến tàu mang tên dục vọng – 1947). Không một tác phẩm nào trong suốt hơn hai thập kỷ sau đó đạt được mức độ thành công và phong phú như hai vở kịch này.

Sinh ở Mississippi trong một gia đình nông dân khá giả sau này chuyển lên sống ở miền Bắc, Eu- dora Welty được hai tiểu thuyết gia Robert Penn Warren và Katherine Anne Porter dẫn dắt vào nghề. Thật ra, Porter đã viết lời giới thiệu cho tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của Welty, A Cur- tain of Green (Rèm cửa xanh lá cây – 1941). Welty dựa theo khuôn mẫu của Porter để viết các tác phẩm của mình, nhưng nữ văn sĩ trẻ này quan tâm hơn đến những điều khôi hài và lập dị. Cũng như với Flannery O’Connor sau này, các nhân vật trung tâm của bà thường bất thường, quái dị hay là những trường hợp ngoại lệ.

Eudora Welty (1909-2001)

Mặc dù tác phẩm của bà có nhiều yếu tố bạo lực, trí thông minh của Welty về bản chất mang tính nhân bản và lạc quan. Những tập truyện của bà bao gồm The Wide Net (Mạng rộng – 1943), The Golden Apples (Những trái táo bằng vàng – 1949), The Bride of the Innisfallen (Cô dâu của Innisfallen – 1955), và Moon Lake (Hồ Trăng – 1980). Welty cũng viết những cuốn tiểu thuyết như Delta Wedding (Đám cưới Delta – 1946), kể chuyện một gia đình ở một trang trại trong thời hiện đại và The Optimist’s Daughter (Con gái người lạc quan – 1972).

Ralph Ellison, một người miền Trung Tây, sinh ở Oklahoma, học ở Học viện Tuskegee ở miền Nam Hoa Kỳ. Ông có một trong những sự nghiệp kỳ lạ nhất trong văn học Mỹ – chỉ với một cuốn sách duy nhất, ông đã có chỗ đứng trên văn đàn.

Ralph Ellison (1914-1994)

Cuốn tiểu thuyết Invisible Man (Người vô hình) (1952) là câu chuyện về cuộc sống của một người da đen cố gắng sinh tồn ở dưới mặt đất trong một cái hang được chiếu sáng bởi ánh điện ăn cắp của một công ty dịch vụ công cộng. Cuốn sách kể lại chuỗi sự kiện quái dị và những giấc mộng đẹp bị tan vỡ của anh ta. Khi anh nhận được suất học bổng ở một trường đại học dành cho người da đen, anh đã bị những người da trắng sỉ nhục; khi anh vào đại học, anh chứng kiến thầy hiệu trưởng khinh bỉ bác bỏ những vấn đề bức xúc của người Mỹ da đen. Cuộc sống cũng thối rữa bên ngoài trường đại học. Ví dụ, ngay cả tôn giáo cũng không phải là một sự an ủi: Một giáo sĩ giảng đạo thực ra lại là một tên tội phạm. Cuốn tiểu thuyết lên án xã hội đã hoàn toàn không trao cho các công dân – da đen cũng như da trắng – những lý tưởng cao đẹp để vươn tới và những thể chế khả dĩ có thể biến chúng thành hiện thực. Cuốn tiểu thuyết chứa đựng nội dung sâu sắc về vấn đề chủng tộc bởi lẽ “người vô hình” ấy trở nên trong suốt không phải do bản thân anh ta mà do những người khác, mù lòa vì định kiến, đã không thể nhìn thấy anh ta, như là một con người đang tồn tại với đúng bản chất của mình.

Sinh ra ở Canada và lớn lên ở Chicago, Saul Bel- low là người gốc Nga-Do Thái. Ông theo học nhân chủng học và xã hội học ở trường đại học, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến lối viết văn của ông cho đến tận ngày nay. Ông đã biểu lộ lòng biết ơn sâu xa với Theodore Dreiser, một tiểu thuyết gia theo trường phái hiện thực vì đã chia sẻ những kinh nghiệm trải nghiệm và sự dấn thân đầy xúc cảm của ông đối với thể loại này. Được đánh giá rất cao, ông nhận giải Nobel văn học vào năm 1976.

Saul Bellow (1915-2005)

Những cuốn tiểu thuyết hiện sinh đầu tiên có phần u ám của Saul Bellow bao gồm Dangling Man (Người chờ đợi – 1944), một nghiên cứu theo trường phái Kafka về một người chờ đợi được tuyển mộ đi lính và The Victim (Nạn nhân – 1974), về quan hệ giữa người Do Thái và người không theo đạo Do Thái. Vào thập niên 50, quan điểm của ông trở nên hài hước hơn: Ông sử dụng một loạt những câu chuyện tự sự sinh động và mạo hiểm sử dụng đại từ nhân xưng ở ngôi thứ nhất trong The Adventures of Augie March (Những cuộc phiêu lưu của Augie March – 1953) – khai thác nhân vật là một thương nhân sống ở thành phố giống như Huck Finn, sau này trở thành một trùm buôn lậu ở châu Âu – và trong tác phẩm Hender- son the Rain King (Vua mưa Henderson – 1959), một kiệt tác tiểu thuyết nửa nghiêm trang nửa khôi hài về một nhà triệu phú trung niên đã phiêu lưu tới châu Phi chỉ để thỏa mãn những tham vọng của mình. Những tác phẩm sau này của Bellow bao gồm Herzog (1964), kể về cuộc đời đầy rắc rối của một giáo sư thần kinh người Anh chỉ chuyên tâm vào ý tưởng về cái tôi lãng mạn; Mr Sammler’s Planet (Hành tinh của ông Sammler – 1970); Humboldt’s Gift (Món quà của Humboldt – 1975); và cuốn tự truyện The Dean’s Decem- ber (Tháng 12 trong đời ông hiệu trưởng- 1982).

Cuốn Seize the Day (Chớp lấy thời cơ – 1956) của Bellow là một tiểu thuyết kiệt tác với cốt truyện tập trung vào nhân vật chính là một thương gia thất cơ lỡ vận, Tommy Wilhelm, người trở nên bất lực hoàn toàn khi bị gặm nhấm bởi cảm giác thiếu thốn – thất bại trong quan hệ với những người phụ nữ trong đời, thất bại trong công việc, máy móc hỏng và thị trường kinh doanh hàng hóa, nơi ông mất hết tiền bạc. Wilhelm là một ví dụ về một gã khờ khạo, vụng về luôn thất bại trong truyện dân gian Do Thái – một người luôn luôn gặp những điều xui xẻo.

John Cheever (1915-2005) thường được gọi là một “tiểu thuyết gia đa phong cách”. Ông cũng nổi tiếng bởi những truyện ngắn tao nhã và đầy ngụ ý, khai thác tường tận thế giới kinh doanh qua những ảnh hưởng của nó đối với các nhà kinh doanh, vợ con và bạn bè họ.

Sự khát khao dường như là vô vọng nhưng chứa đựng sự diễu cợt trong phiền muộn và chưa bao giờ dập tắt vì sự đam mê hay thế lực siêu hình núp dưới bóng các nhân vật vô hình trong những câu chuyện ngắn tinh tế đầy sức lôi cuốn theo trường phái Chekhovian của Cheever, được sưu tập trong các tác phẩm The Way Somw People Live (Lối sống của một người -1943), The Housebreaker of Shady Hill (Kẻ đột nhập ở Shady Hill -1958), Some People, Places, and Things That Will Not Appear in My next Novel (Những con người, địa danh và sự vật sẽ không xuất hiện trong tiểu thuyết sắp tới của tôi -1961), The Brigadier and the Golf Widow (Thiếu tướng và người quả phụ chơi golf -1964), và The World of Apple (Thế giới của những trái táo – 1973). Tựa đề truyện bộc lộ đặc trưng lãnh đạm, đùa cợt, thiếu nghiêm túc và ngụ ý sâu xa về chủ đề sáng tác của ông.

Cheever cũng xuất bản một số tiểu thuyết – The Wapshot Scandal (Vụ tai tiếng của gia đình Wapshot – 1964), Bullet Park (Công viên hình viên đạn – 1969), và Falconer (Người luyện chim ưng, 1977) – cuốn tiểu thuyết sau cùng là một cuốn tự sự.

Cũng như Cheever, John Updike được xem là nhà văn đa phong cách với những bức tranh về cuộc sống đô thị, chủ đề xoay quanh cuộc sống gia đình, phản ánh tâm trạng chán chường, tiếc nuối và đặc biệt là những địa danh được nêu trong tiểu thuyết của ông thường là ở vùng Bờ Đông của Hoa Kỳ, bang Massachusetts và Penn- sylvania.

John Updike (1932- )

Updike được biết đến nhiều nhất bởi bốn tập tiểu thuyết của ông về Anh chàng thỏ đế, miêu tả về cuộc đời của một anh chàng – Harry Angstrom”thỏ đế” – với những thăng trầm trong cuộc sống qua suốt bốn thập kỷ phát triển của lịch sử chính trị và xã hội Mỹ. Thỏ ơi, chạy đi (1960) là một tấm gương phản chiếu thập kỷ 1950, với nhân vật Angstrom trong vai một anh chồng trẻ bất mãn, sống không có mục đích. Phong độ thỏ đế (1971) – nhấn mạnh vào phong trào đi ngược trào lưu văn hóa của thập kỉ 1960 – miêu tả một Angstrom với cuộc sống vẫn không có mục đích hoặc mục tiêu rõ ràng và vô vị không lối thoát. Trong tập Thỏ ơi giàu rồi (1981), Harry đã trở thành một doanh nhân giàu có trong thập kỉ 1970, khi mà cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã tới hồi kết thúc. Tập cuối cùng, Thỏ ơi hãy an nghỉ (1990), lướt nhanh qua sự nhượng bộ của Ang- strom với cuộc đời, trước khi ông chết vì một cơn đau tim, trong bối cảnh của những năm 1980.

Updike có một văn phong xuất chúng so với các nhà văn thời nay, và những tác phẩm truyện ngắn của ông là những minh chứng sắc sảo về tầm vóc và sự lỗi lạc trong văn phong của ông.

Norman Mailer đã tự chứng tỏ bản thân là một tiểu thuyết gia nổi tiếng nhất trong thập kỉ l960 và l970. Là người đồng sáng lập ra tuần báo phản đối giới cầm quyền Tiếng nói dân làng của Thành phố New York, Mailer công khai về bản thân và quan điểm chính trị của mình. Với khát vọng theo đuổi một phong cách mạnh mẽ, trải nghiệm, và một cá tính gây ấn tượng sâu sắc với công chúng, Mailer đi theo truyền thống của Ernest Hemingway. Để chiếm ưu thế trong các phóng sự về vụ ám sát Tổng thống John F. Kennedy, những cuộc biểu tình phản đối chiến tranh ở Việt Nam, phong trào giải phóng người da đen, và phong trào của phụ nữ, ông đã xây dựng nên nhân vật nam đại trượng phu, tân tiến và theo chủ nghĩa hiện sinh (trong tác phẩm Chính trị giới tính, Kate Millett đã nhận định Mailer là một nguyên mẫu nam nhân vật theo chủ nghĩa sô-vanh). Một Mailer đầy tham vọng đã liên tiếp kết hôn sáu lần và đã từng tranh chức thị trưởng New York.

Từ những tác phẩm mang phong cách báo chí mới như là Miami và cuộc bao vây thành Chicago (1968), một bài báo phân tích về những thỏa thuận ngầm trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ năm 1968 và một phóng sự điều tra hết sức hấp dẫn của ông về vụ hành quyết một tên tử tù bị kết tội sát nhân trong Bài ca của tên đao phủ (1979), Mailer chuyển sang viết những cuốn tiểu thuyết đầy tham vọng và không hoàn mỹ như là Những buổi chiều xưa (1983) lấy bối cảnh ở Ai Cập cổ đại và cuốn Hồn ma Harlot (1992) về những vấn đề xoay quanh Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ.

Nữ văn sĩ người Mỹ gốc Phi Toni Morrison (1931- ) sinh ra ở bang Ohio trong một gia đình có tín ngưỡng. Bà theo học Đại học Howard ở thủ đô Washington, là biên tập viên cao cấp của
một nhà xuất bản lớn ở Washington và là giáo sư

Norman Mailer (1923- ) nổi tiếng tại nhiều trường đại học.

Tiểu thuyết viễn tưởng có nội dung đan xen phong phú của Morrison làm cho bà nổi tiếng khắp thế giới. Trong những cuốn tiểu thuyết phóng khoáng và cuốn hút của mình, bà đã xử lý những tính cách phức tạp của người da đen theo một phong cách rất phổ biến. Trong tác phẩm đầu tay của bà là Mắt biếc (1970), một cô gái da đen trẻ giàu nghị lực đã kể lại câu chuyện về Pecola Breedlove, người đã bị điên bởi ông bố bạo hành. Pecola tin rằng đôi mắt đen của cô đã biến thành màu xanh da trời một cách kỳ diệu và khiến cô trở nên dễ thương hơn. Morrison có nói rằng bà đã tạo nên một cảm nhận văn học của riêng bà với tư cách là một nhà văn qua cuốn tiểu thuyết này: “Tôi là Pecola, là Claudia, là tất cả mọi người”.

Tác phẩm Sula (1973) miêu tả tình bạn khăng khít của hai người phụ nữ. Morrison khắc họa chân dung những phụ nữ Mỹ gốc Phi thông qua những nhân vật đặc biệt, đầy cá tính, chứ không phải là những nhân vật kiểu mẫu. Tác phẩm Bài ca của Solomon (1977) của Morrison đã giành được nhiều giải thưởng. Tác phẩm mô tả một người đàn ông da đen tên là Milkman Dead và những mối quan hệ phức tạp của anh ta với gia đình và cộng đồng. Tác phẩm Người yêu dấu (1987) là một câu chuyện về nỗi thống khổ của một phụ nữ đã giết chết các con đẻ của mình còn hơn là để chúng sống cuộc đời của những nô lệ. Tác phẩm áp dụng những kỹ xảo huyền ảo của chủ nghĩa hiện thực kỳ diệu để xây dựng lên một nhân vật thần bí, Người yêu dấu, cô con gái đã quay trở lại sống với người mẹ đã cắt cổ mình. Tác phẩm Nhạc Jazz (1992), lấy bối cảnh của những năm 1920 tại Harlem, là một câu chuyện về tình yêu và kẻ sát nhân. Năm 1993, Morrison đoạt giải Nobel về văn chương.

Văn học đương đại

Cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỉ 21, sự thay đổi nhanh chóng về địa lý và xã hội trên toàn thế giới, sự ra đời của Internet, vấn đề nhập cư và toàn cầu hóa chỉ làm mạnh thêm tiếng nói chủ quan trong bối cảnh tách bạch về văn hóa. Một số nhà văn

đương đại phản ảnh biến cố này bằng giọng văn trầm tĩnh và dễ tiếp nhận hơn. Đối với các tác giả văn xuôi, đưa ra những nhận định về địa lý theo khu vực chứ không phải là theo quốc gia.

Một trong những nhà thơ đương đại ấn tượng nhất là Louise Glück (1943- ). Sinh ra ở thành phố New York, Glück, người giành giải thưởng thơ ca Mỹ năm 2003-2004, lớn lên với nỗi ám ảnh không nguôi về tội lỗi dẫn tới cái chết của người chị gái. Bà học cùng trường cao đẳng Sarah Lawrence và đại học Co- lumbia với các nhà thơi Leonie Adams và Stanley Kunitz. Phần lớn các bài thơ của bà nói về những mất mát đau thương. Mỗi tác phẩm của Glück là một trải nghiệm mới, khiến cho người ta khó mà tóm tắt được sự nghiệp của bà.

Trong bài thơ không thể quên của Glück là Hoa Iris dại (1992), nhiều loại hoa khác nhau đã nói lên những đoạn độc thoại ngắn ngủi. Tiêu đề của tập thơ, một sự khám phá về sự hồi sinh, có thể được coi như là lời đề cho toàn bộ sự nghiệp thơ ca của Glück. Hoa iris (hoa ngũ sắc) dại, là một loại hoa màu xanh biếc nở rực rỡ từ những nụ hoa ngủ yên trong suốt cả mùa đông, nói: “Thật là kinh khủng khi sống sót / trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo / nhưng bị vùi sâu trong lòng đất tối tăm”.

Từ trong tâm điểm của cuộc đời tôi xuất hiện một đài phun nước lớn, xanh thẳm in bóng trong làn nước biển xanh lơ

Billy Collins (1941- )

Thơ ca của Billy Collins tươi trẻ và hưng phấn. Collins sử dụng ngôn ngữ hàng ngày để ghi lại vô số những chi tiết của cuộc sống đời thường, tự do đan xen giữa những sự kiện nhàm chán (ăn uống, làm việc nhà, viết lách) có liên quan tới văn hóa. Sự độc đáo và hài hước của ông đã mang lại cho ông một số lượng độc giả lớn. Mặc dù một số người chê bai rằng Collins quá thoải mái, những chuyến phiêu lưu đầy bất ngờ của ông vào thế giới tưởng tượng lại chứa đựng những bí ẩn lớn lao.

Các tác phẩm của Collins hoàn toàn theo chủ nghĩa siêu thực. Những bài thơ hay nhất của ông nhanh chóng đẩy trí tưởng tượng lên những nấc thang của những tình huống ngày càng siêu thực hơn, để rồi kết thúc bằng một trạng thái cảm xúc, một tâm trạng mà bất cứ ai cũng có thể cảm thấy rất thư thái. Tuyển tập những bài thơ ngắn “Cái chết,” trong Đi thuyền một mình trong căn phòng: Tuyển tập những bài thơ mới chọn lọc (2001), cho thấy những cảm nhận của Collins về những chuyến bay đầy phiêu lưu mạo hiểm kết thúc bằng sự hạ cánh cánh nhẹ nhàng, như là chim bay về tổ nghỉ ngơi.

Thần chết luôn coi rẻ chúng ta,

trong khi chúng ta đang đi giầy và làm bánh sandwich, Họ đang dõi theo qua đáy những con thuyền thiên đường bằng thủy tinh

Trong khi họ đang nhẹ nhàng lướt vào cõi vĩnh hằng.

Nhà văn mang phong cách nổi bật nhất, Annie Proulx (1935- ) đã viết lên những câu chuyện về những người dân bắc New England nổi loạn trong tác phẩm Tiếng hát từ trái tim (1988). Tiểu thuyết nổi tiếng nhất của bà, Tin tức Hàng hải (1993), lấy bối cảnh ở vùng cực bắc ở Newfoundland, Canada. Proulx cũng đã từng sống nhiều năm ở miền tây, và một trong những truyện ngắn của bà đã được chuyển thể thành phim năm 2006: “Ngọn núi nguy hiểm”.

Richard Ford (1944- ) được sinh ra ở Mississippi và bắt đầu viết văn theo phong cách của W. Faulknerian, nhưng lại nổi tiếng nhất bởi cuốn tiểu thuyết tinh tế trong bối cảnh ở New Jersey, Phóng viên thể thao(1986), và tác phẩm tiếp theo đó là Ngày độc lập (l995). Tác phẩm sau kể về Frank Bascombe, một dân chài mộng mơ và hay thoái thác trách nhiệm đã đánh mất tất cả những gì có ý nghĩa trong cuộc đời mình – đó là cậu con trai, giấc mơ viết tiểu thuyết, hôn nhân hạnh phúc, người thân, bạn bè và công việc. Bascombe là một người nhạy cảm và thông minh – ông nói rằng những sự lựa chọn của ông là để “xóa tan đi lòng hối hận muộn màng” – và sự trống rỗng trong con người ông, cùng với những siêu thị ẩn danh và những dự án nhà ở mới toanh mà ông đã trải qua không ngơi nghỉ, là một minh chứng thầm lặng cho quan điểm của Ford về tình trạng bất ổn của một đất nước.

Miền bắc California là cái nôi của những nhà văn Mỹ gốc Á giàu truyền thống, với chủ đề đặc trưng về gia đình, vai trò của giới tính và sự bất đồng giữa các thế hệ cũng như sự tìm kiếm gốc gác. Một nhà văn Mỹ gốc Á sinh ra tại California như vậy là tiểu thuyết gia Amy Tan (1952- ), tác giả của cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất có tựa đề Phúc Lạc Hội sau này được chuyển thể thành bộ phim ăn khách nhất năm 1993. Câu chuyện có nội dung xuyên suốt qua các chương phác họa số phận của bốn cặp mẹ và con gái. Các tiểu thuyết của Tan là nhịp cầu nối Trung Quốc cổ đại với Hoa Kỳ hiện đại qua các tác phẩm Trăm niềm ẩn thức (1995), kể về cặp chị em cùng cha khác mẹ, và Con gái thầy lang (2001), kể về sự chăm sóc của người con gái đối với mẹ của mình.

Là dân da đỏ sống ở Spokane (bang Washington) và Coeur d’Alene (bang Idaho), Sherman Alexie là tiểu thuyết gia người Mỹ bản địa trẻ nhất nổi danh trên toàn quốc. Alexie đã mô tả một loạt các câu chuyện hài hước và lý trí về đời sống của người da đỏ pha trộn giữa văn hóa truyền thống và văn hóa bình dân. Những tập truyện của ông bao gồm Bảo tồn điệu Blues (1995) và Viên kiểm lâm đơn độc và Tonto Fistfight trên thiên đường (1993), đã được chuyển thể thành phim rất thành công nói về cuộc sống trên vùng đất dành riêng cho những thổ dân da đỏ có tựa đề Những làn khói (1998), do chính Alexie viết kịch bản. Tuyển tập truyện gần đây nhất của Alexie là Người thổ dân kiên cường nhất trên thế giới (2000).

http://photos.state.gov/libraries/vietnam/8616/ebook/LiteratureInBrief.pdf

Nghiên cứu khoa học Văn học Trung Quốc 中文 論文

Một vài vấn đề dạy học Văn học Trung Quốc tại đại học ở Việt Nam 浅析中国文学在越南大学教学中的几个问题

Một vài vấn đề dạy học Văn học Trung Quốc tại đại học ở Việt Nam

浅析中国文学在越南大学教学中的几个问题

潘秋云博士

(越南胡志明市师范大学语文系)

TS. Phan Thu Vân

(Khoa Ngữ Văn trường Đại học Sư Phạm Tp.HCM)

Nguồn: Trường Đại học Sư Phạm TP.HCM – Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020, Kỷ yếu hội thảo đánh giá hiện trạng và đề xuất giải pháp đổi mới dạy và học tiếng Trung trong các cơ sở Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, Tp. HCM, 12/2015

Tóm tắt:

Bài viết thông qua các vấn đề chướng ngại ngôn ngữ, giáo trình, trình độ sinh viên đại học trong dạy học văn học Trung Quốc tại đại học ở Việt Nam để thảo luận hiện trạng môn học, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng giảng dạy.

Từ khóa:

Dạy học văn học Trung Quốc, Giáo trình, Văn học và điện ảnh

11110863_714531381989366_1685021611586908190_n11143671_714531421989362_3959935293441825685_n

摘要:

本文通过语言障碍、教材和在校大学生的程度所表现出的越南大学中国文学教学的问题,讨论了该学科教学在越南大学中的现状,分析出现问题的原因、以及提出可能的改善办法。

关键词:中国文学教学 教材 电影与文学

古代亚洲存在这一种较为特殊的文化现象,即“四国同文”。(此处四国指:中国、日本、今天的朝鲜和韩国,以及越南。)这四个国家在近千年的漫长历史中,在书面上共同使用同一种文字——汉字,并在同一个文化基础上——中国文化——进行了各自的发展。至今,虽然每个国家的发展轨迹不尽相同,文字文化方面的差异更是大相径庭,但细审其间,还是可以梳理出源流和脉络。而能够将这个源流和其脉络了然于心,将会对未来这一地区的发展有宏观上的把握。因此,在越南教授中国文学,尤其是中国古代文学,对笔者来说是一件光荣的事,当然,这同时也是一个巨大的挑战。

(一)语言障碍

中国文学,尤其是中国古代文学,在越南大学历来都是一门让所教之人头疼,让所学之人头疼的课程。对越南学生来说,能够理解本国的古代文学作品已经非易事,更何况要面对的是中国古代的文学作品。同样的,教师也不得不面对教什么和怎么教的问题。

产生这样的问题,有诸多原因。但其中十分重要的一个就是语言障碍。虽然越南学生必读的中国古代文学作品基本上都是越南文译本,但是,语言背后的文化背景、思维方式对他们来说还是陌生的。

文学的学习当然离不开对这种文学所使用的语言的掌握。笔者所在职的越南胡志明师范大学语文系,在这方面就有充分的认识。我校学生在一年级就必修古代汉语。而在进入中国古代文学专业学习之前则必须先修好世界文明史、东方哲学、文学理论等至关重要的课程。当然,由于越南文化和中国文化本身有千丝万缕的联系,在作品中出现的一些词汇和观念,对大多数学生来说,理解和掌握也并非难事。因此,我们在中国文学的教学中还是占有一定先机的。

然而,不得不承认的是,这些天然已掌握的东西,对深入了解中国古代文学是远远不够的。中国古代文学中蕴含的个人际遇、历史背景、哲学思考等硬件问题,已经让教师和学生疲于应付,更不用说静下心来体会这些经久传扬的文学作品之精妙意境这种软件方面的学习了。当然,这个问题在中国大学的古代文学教学中一样也是比较突出的。由此,笔者以为,这个问题是全球范围外国文学教学,尤其是古典文学教学面临的共同难题。如何解决值得我们这些从事文学教育的人深思。

(二)教材问题

教材是教和学的出发点,一套好的教材,方便教师使用,有助学生学习。好教材的编纂和选择对教授一门课程的重要性是毋庸置疑的。目前,在越南所使用的中国文学史教程,基本上是将中国教材翻译成越南语,再结合国内教学的具体情况向学生教授。这样的权宜之计是不适应中国文学史这门值得坚持教授的课程的。那么,如何编纂出一套既符合中国文学史本来面貌,又适于在越南大学使用的问题就值得深入研究和讨论了。

一般来说,编纂文学史不外以下几种方法:一是根据该国历史的发展进程,着重于每个历史阶段的著名作家和重要作品,这是偏重史的一种方法,它的好处是脉络明晰,缺点是因为文学和历史大多时候并非同步发展,如此来写文学史,容易忽略文学自身的发展规律;二是根据文学的发展脉络,着重于一个历史阶段的文学思潮和文学运动,这是偏重文学本身的方法,但由于发展阶段和历史的阶段不同,容易让读者将文学与历史割裂,从而无法形成完整的文学史观;三是根据文学体裁的形成与发展,也就是所谓“一代有一代之文学”,重点放在讨论某个历史阶段最突出的文学体裁上,但缺点就是文学体裁的发展并非是此消彼长的,脉络清晰的,而是你中有我,我中有你,混在一起的。先秦散文、汉赋、唐诗、宋词、元曲、明清小说只是大概的说法,在大学阶段研读中国古代文学,这样的认识就显得疏漏了。

这是编纂文学史是所采用的方法问题,当然,我们并不是求全责备,而是希望编纂出的文学史能占有一定的历史空间,发挥一定的能量。另外,材料的取舍也是任何一个编纂教材的学者面临的难题。而编纂外国文学史,还不得不多面对一个问题,即也许某个作家在中国文学中的地位并不突出,但是,在越南人眼中,他可能是非常有特色的或者亲切的。也就是说,在越南,我们是要编纂一本中国人的中国文学史,还是越南人的中国文学史,我想,答案是非常明显的。只不过,我们既要尽量还中国文学史的本来面貌,同时也要用我们自己的眼光去辨识讨论。

目前的情况是,越南历来在中国古代文学教学上只重视下面五个专题:1.先秦文学,包括《诗经》和诸子百家;2.屈原和《楚辞》;3.司马迁和《史记》;4.唐诗;5.明清小说。其他如汉赋、宋词、元曲等非常重要的体裁都少有问津。一些在中国文学史上地位崇高的作家或作家集团如谢灵运、贾岛、杜牧、李清照和唐宋八大家等等在越南大学课程中都乏人问津。许多著名文学作品如《孔雀东南飞》、《西厢记》等等也都被忽略。应该说,这样的文学史教学,是达不到普及知识,为进一步研究奠定基础的目的的。在具体的作家方面,如唐代大诗人白居易,他的文学地位在很多中国人的眼中是不能仅次于李白和杜甫之后的。但在日本,他就有很高的地位。在越南,白居易也有一定的知名度,但是,和日本的情况不同,白居易的《秦中吟》、《卖炭翁》、甚至《长恨歌》都不甚受欢迎。而因为越南大文豪阮攸曾有作品《龙城琴歌者》,其内容和《琵琶行》非常相似,因此,白居易的《琵琶行》成为其在越南最受重视的作品,甚至到了家喻户晓的程度。

越南自己的中国文学史教材正在酝酿中。这部新的教材,有比较高的理想,希望将文学发展和历史进程、单独的作家作品和文学思潮比较完美地结合,同时也要精简、生动、有时代感,希望更多的年轻一代能真心喜欢这门课程。同时,我们希望这部文学史能够集中反映中国文学的精粹和特色,又能符合越南人自己的审美要求。有如此的雄心壮志,接下来要面对的就是艰苦具体工作了。笔者认为,我们大可以从中国教材中汲取经验,从日本和韩国的教材中领会取舍,更可以从西方国家的教材中学习态度。

(三)学生的程度

为了不纸上谈兵,我们进行了这样一份问卷调查。根据越南学生刚进入大学,未上中国文学史前和修好中国文学史后的认识变化,请他们回答问卷中的问题。问卷中包括选择和提问两种形式,选择都是单项的。目前所收到的400份语文系大学一年级和二年级学生的问卷分析如下:

次序

问题与选项

学前

具体答案

学后

具体答案

1 你认为为什么要学中国文学?
A. 中国文明是世界最早历史最悠久的文明之一。中国文学是其组成的重要部分,是进入了解中国文明不可缺少的步骤。 39% 23%
B. 中国文学源远流长,多次多彩,影响深远。作为语文系的学生不能不学她。 25% 16%
C. 学习探讨中国文学是为了开阔眼界,增长知识,不仅是文学知识而是社会文化知识。 11% 18%
D. 通过学习研究中国文学,我可以更好地了解越南文学,因为两国文学有着密切的关系。 22% 34%
E. 其他。 3% 全选,觉得都有道理 9% 全选,觉得都有道理
2 一提到中国文学,你就会想到:
A. 中国文明,中国文化。 23% 10%
B. 自己喜爱的中国作家获作品。(提出来) 10% 唐诗、明清小说((基本上是《三国演义》和《西游记》) 19% 唐诗,明清小说(基本上是《三国演义》,《西游记》,《红楼梦》)
C. 已被改编成电影、电视剧的作品。 36% 42%
D. 那是世界最伟大的文学国度之一。 28% 29%
E. 其他。 3% 什么都没想到 0%
3) 你比较关注中国文学中的哪个阶段?
A. 古代文学 30% 24%
B. 近代与现代文学 5% 7%
C. 当代文学 16% 3%
D. 不关注阶段,只关注具体的作者,作品。 49% 60%
E. 0% 6% 每个阶段都重要
4 对下面的几个问题当中,你比较感兴趣的是:
A. 先秦文学 (《诗经》与诸子百家) 2% 2%
B. 屈原与《楚辞》 8% 6%
C. 司马迁与《史记》 18% 16%
D. 唐诗 44% 24%
E. 明清小说 28% 52%
5 你对唐诗的第一印象是:
A. 高中时候学的唐诗。 22% 10%
B. 格律(律诗) 6% 0%
C. 唐诗的艺术成就和美学价值。 22% 32%
D. 具体的作者,作品或有关唐诗的故事。 50% 59%
E. 其他。 0% 0%
6 你最喜欢的唐代诗人是:
A. 李白 69% 32%
B. 杜甫 25% 49%
C. 王维 0% 10%
D. 白居易 6% 6%
E. 其他。 0% 3% 喜欢李白、杜甫和王维/白居易三人。
7 你最难忘的是哪一首中国诗?
14% 崔颢《黄鹤楼》 27% 杜甫《茅屋为秋风所破歌》
8% 李白《望庐山瀑布》 17% 杜甫《月夜》、《登高》
8% 李白《黄鹤楼送孟浩然之广陵》 15% 崔颢《黄鹤楼》
8% 杜甫《茅屋为秋风所破歌》 15% 白居易《琵琶行》
6% 杜甫《石壕吏 8% 李白《将进酒》
3% 白居易《琵琶行》 6% 李白《望庐山瀑布》
43% 不记得或没有印象 6% 屈原《离骚》
6% 杜甫《秋兴八首》、《秋雨叹》、《登岳阳楼》、三吏;李白《黄鹤楼送孟浩然之广陵》,贺知章《回乡偶书》,张继《枫桥夜泊》,柳宗元《江雪》等等
8 中国四大名著当中你最欣赏的是:
A. 《三国演义》 17% 20%
B. 《水浒传》 3% 0%
C. 《西游记》 69% 58%
D. 《红楼梦》 11% 22%
9 你最喜欢的现代作家:
A. 鲁迅 83% 88%
B. 老舍 0% 2%
C. 巴金 3% 2%
D. 郭沫若 0% 4%
E. 其他。 14% 不知道或不喜欢 4% 不知道或都不喜欢
10 你最熟悉的中国当代作家:
A. 贾平凹 6% 6%
B. 莫言 42% 44%
C. 余华 3% 4%
D. 苏童 11% 16%
E. 其他 38% 不知道,不清楚 (30% 30% 言情小说 (9%
曹婷 (6% 金庸 (9%
琼瑶 (6%
曹婷 (6%

通过对回收的调查问卷进行分析,我们可以发现如下几个问题:

  1. 教材决定学生的程度

每个人的爱好和兴趣不尽相同。但是,通过问卷,我们不难发现学生们对中国文学,尤其是古代文学的内容基本上是一致的。以唐诗而言,在进入大学前,学生们通过初、高中阶段的学习,已经掌握了一部分唐诗的内容,这部分内容具体包括:

初中二年级(越南第7级,从这一年级开始,课本中出现中国文学部分)介绍唐诗,共五首,分别是李白《静夜思》、《望庐山瀑布》,贺知章《回乡偶书》、杜甫《茅屋为秋风所破歌》和张继的《枫桥夜泊》。初中四年级(越南第9级)开始接触中国现代文学:鲁迅《故乡》和朱光潜《谈读书》。高中一年级(越南第10级)课本中有《三国演义》(罗贯中)和唐诗三首:崔颢《黄鹤楼》、王昌龄《闺怨》和王维《鸟鸣涧》。高中三年级(越南第12级)有鲁迅《药》。另外,旧版课本中曾经选入李白《黄鹤楼送孟浩然之广陵》、杜甫《登高》、《石壕吏》和白居易《琵琶行》。只是,这些作品现在已经被调入参考书或语文精英版之专用教材中。

应该说,在初高中阶段,越南学生接触的中国文学都是比较经典和易懂的。很多学生在回答问卷中“为何喜欢李白的作品?”时,理由多是“轻快爽朗”、“容易记得”、“容易背”。根据学生的心理发展特征,这个时期不喜欢杜甫的理由应该是杜诗较长、史实性强,而且沉闷悲凉。然而,随着学生们进入大学,人生经历逐渐丰富,对这两位大诗人的认识也就发生了很大的变化。从统计数据上,我们可以看到,从进入大学前69%的学生喜欢李白,到进入大学后,只有20%的学生依旧钟情于李白,因为他们有更多的认识、更多的选择。而很多学生在比较系统地学习了中国文学后,都将票投给了杜甫,应该说这时的他们已经可以体会杜甫忧国忧民的思想和沉郁顿挫的风格。总的来说,越南大学生对唐诗的知识要比在中学阶段有一定的扩展。其中,比较值得一提的是,越南学生对崔颢《黄鹤楼》的喜爱一直没有改变,这反映了这首诗和越南文化的关系。古代越南士大夫出使中国后带回不少关于黄鹤楼的诗文,从而使越南人对黄鹤楼这一名字不再陌生。而越南近代著名诗人散沱(Tản Đà)在翻译崔颢《黄鹤楼》时使用了越南传统诗体“六八诗”这一体裁,并注入了很多个人情感,这无疑又拉近了这首诗和越南人民的距离,同时,也使这首译诗成为越南唐诗翻译史上的一大经典名作。这个现象充分证明了越南人在学习中国文学时是有强烈的选择倾向的,这在中国文学史的编纂中是不容忽视的。

同样,因为教材,越南学生对中国文学知识是相对偏颇的。初高中学生接触最多的是唐诗,所以他们只能喜欢唐诗。而且,中学接触的唐代诗人有限,主要是李杜白三人,其他非常重要的大诗人,如王维、小李杜等人学生都接触不到。这现象一直延续到大学。在大学阶段,这部分内容被有意无意地忽略。这时的学生,开始接触明清小说,也包括了小说形成与发展这一阶段所涉及到的唐传奇;然而,其他重要内容,如元曲、宋词等都被跳过。至于现代文学部分,只有鲁迅一人,而当代文学则是空白。至于学生了解的中国当代文学知识多是来自于网络或市场,如曹婷,她的《抱歉,你只是妓女》在越南翻译后较受欢迎,还被改编成剧本,在舞台上搬演。但是这个作家及其作品对大多数中国人来说是则是完全陌生的。因此,我们可以说,越南语文系的学生对中国文学史,无论是古代还是现当代都缺乏全面的了解。这既不利于学生们的深入学习,也不利于这门课程的健康发展。

  1. 影视等媒体力量

毋庸置疑,影视世界在全球任何角落都空前繁荣着。而文学和影视又有着天然的联系,并且这种联系已经对语文教育产生了巨大的影响。

应该说,很多越南学生对中国古代文学这门课的态度一开始是不够重视的,他们自以为对中国文学很熟悉,不需要教师再来啰嗦。那么,他们的知识是从哪里来的呢?抛开他们的课堂学习,绝大部分相关知识都是来自中国的电影和电视剧。调查问卷的结果显示:36%42%的大学生被问及提到中国文学时,第一印象就是那些“被改编成电影、电视剧的作品”。而这些被改编的作品良莠不齐,鱼龙混杂,更不用说一些只是“戏说”根本谈不上“解构”或“重构”的影视剧作品了。中国本土的教育人士也对这一现象深恶痛绝。其实这一现象对学生和教师都是考验:对学生而言,可以想象他们信心满满地来学习中国文学,却发现他们知道的和所要学习的却大不相同,甚至相反。因此,厚重难读的古代文学作品的学习成了他们的一大压力,而转变从荧幕上得来的观念又是一大压力;对教师而言,是痛批影视作品,敌视之,还是巧妙地运用这些作品,拉近学生和课堂教学的距离,活跃课堂教学气氛,帮助学生养成鉴赏能力,分清经典和娱乐,同样也是一种挑战。

应该说,在接触大学课程前,越南学生已经很清楚青蛇白蛇、刘关张桃园三结义、梁山泊一百单八将、孙悟空大闹天宫、宝黛钗三角恋等等。接触课程后,他们发现这些故事或者属于明清话本小说,或者属于中国古典四大名著,开始可以给这些知识建立一个网络。当然,他们还会接触更多的故事:完璧归赵、负荆请罪、鸿门宴……,也会接触不同的体裁:志人志怪、才子佳人等等。而通过形象的影视,学生们可以比较容易地把枯燥的知识识记。同时,在教师的指导下,学生也可以自己动手改编经典作品,提高艺术鉴赏力,针对现实生活,借鉴历史作品,反思和创造。这样,学到的知识才能更好地融入学生们的生活中去,教育也才能达到其教化的目的。这时影视给教学带来好影响的方面。

但是,这里值得着重指出的是,我们不否认影视的力量,可将过多的时间花在影视上是不可取的。因为文学作品是用优美的语言构成,而语言之精妙,意境之优美是影视很难完全表现的,必须通过阅读,特别是朗读才能真正心领神会。当然,朗读也是学好文学的不二法门。遗憾的是,大部分学生在之前的学习中并没有养成朗读的习惯,那么,在实际的课堂教学过程中,教师就应该强调这个问题,使学生对文学的理解从文字层面提高到心灵层面——这唯有朗读可以达到。

  1. 结语

语文教材的改革一定是从教材出发的,因为教材体现着编纂者的要求和期许。那么,我们这些语文教育工作者,现在需要向自己发问,我们的要求为何?期许为何?这些问题,具体在中国文学史教材的编纂中,那就是我们该如何选择和平衡不同的编纂思路,选择和平衡中、越,选择和平衡教师、课本和学生。

目前,世界教育改革都向着这样一个方向,即“民族和现代”。我想,这一原则于社会科学上尤为适用。民族意味着不妄自菲薄,现代意味着胸襟开阔。在此,我们希望通过更多的学习交流,了解切磋,最后琢磨出一套相对有效的“民族与时代”并存的教学理念和方法。最后,我想窃用鲁迅先生的名言将这种理念定义为——拿来主义。

 

11150201_714535528655618_5224615390302694634_n

 

 

Ấn Độ giáo Lịch sử tư tưởng phương Đông Phật giáo

VÌ SAO PHẬT GIÁO SUY TÀN TẠI ẤN ĐỘ

 

Vì có nhiều người thắc mắc việc Ðạo Phật biến mất trên đất Ấn Ðộ, nơi nó đã ra đời và lớn mạnh đến tuyệt đỉnh. Do đó, chúng tôi xin dịch bài này của tác giả là một người Ấn Ðộ, cũng là một người trưởng thành trong xã hôị Ấn Ðộ Giáo, dưới quan điểm của một học giả hiện đại để cống hiến qúy vị.

 

Sự biến mất của Ðạo Phật ở Ấn Ðộ, nơi nó đã được sinh ra, trưởng thành và đạt đến những thành tựu cao nhất, là một hiện tượng đáng ngạc nhiên và đau lòng. Thế nào và tại sao Ðạo Phật đã không tồn tại lâu dài trong những người gần gũi nhất với nó là một vấn đề khó hiểu với nhiều ý kiến bất đồng. Quan điểm chung của các nhà học giả Ấn Ðộ là sự xao lãng và sa đọa trong đời sống Ðạo Ðức và Tâm Linh của giới tu sĩ Phật Giáo, Tăng cũng như Ni. Tuy nhiên nhìn dưới ánh sáng lịch sử, việc cho rằng sự xuống dốc về đạo đức của hàng ngũ Tăng Già Phật Giáo dường như là chuyện hoang đường không có những bằng chứng xác đáng. Nói như Swami Vivekananda rằng: Phật Giáo phải chết, một cái chết tự nhiên trên đất Ấn Ðộ vì những đệ tử của Phật đã từ bỏ đấng Thượng Ðế vĩnh hằng ra khỏi đất nước cũng không đúng. Nếu đó là lý do thì tại sao Kỳ Na Giáo đã tồn tại trên đất Ấn khi Mahavira cũng không thừa nhận Thượng Ðế là đấng Tối Cao. Tín đồ Kỳ Na Giáo, cũng giống như Phật Giáo, không thừa nhận thẩm quyền của kinh điển Vệ Ðà. Vì vậy, đó không phải là lý do suy tàn của Phật Giáo trên đất Ấn.

Theo quan điểm của chúng tôi, Phật Giáo đã chết một cái chết không tự nhiên, và những nguyên do đưa đến sự biến mất của nó là những nguyên do bên ngoài hơn là bên trong. Không chỉ thế, một chiến dịch có hệ thống và tính toán đã được tiến hành vì quyền lợi ích kỷ của người Bà La Môn Giáo đã đẩy Phật Giáo ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của nó. Lý do là vì Ðức Phật đã lên án chế độ giai cấp và nhấn mạnh vào sự bình đẳng của mọi người. Trong khi đó tín đồ của Bà La Môn bằng mọi cách bảo vệ hệ thống giai cấp để bám lấy những ưu đãi của họ trong sự phân chia giai cấp đó, nhưng tín đồ Phật Giáo, không giống như tín đồ Kỳ Na Giáo, không chịu thỏa hiệp trên vấn đề nầy. Ðiều nầy đã đưa đến mâu thuẩn. Người Bà La Môn một mặt phát động chiến dịch chống Phật Giáo, ngược đãi tín đồ Phật Giáo, một mặt đem những điểm tốt của Phật Giáo vào hệ thống của họ để thuyết phục quần chúng. Những yếu tố ngoại tại, cộng với một vài sai lầm nội bộ đã nhanh chóng làm Phật Giáo suy tàn tại Ấn Ðộ.

XUNG ÐỘT GIỮA BÀ LA MÔN VÀ PHẬT GIÁO

Trước khi có Phật Giáo, Ấn Ðộ chưa từng biết đến những đạo lý về bình đẳng và tình huynh đệ. Theo Nguyên Nhân Ca(Purusha Suka) của kinh Lê Câu Phệ Ðà(Rig Veda), chủng tộc Bà La Môn sinh ra từ miệng, chủng tộc Sát Ðế Lợi (Kshatriya) sinh ra từ tay, chủng tộc Phệ Xá(Vaishya) sinh ra từ đùi, và chủng tộc Thủ Ðà La(Sudra) sinh ra từ bàn chân của Brahma là Thần Sáng Tạo. Xã hội này đặt nền tảng trên nguồn gốc thần thoại Chaturvarna và được quy định bằng nguyên lý phân biệt giai cấp; giai cấp Bà La Môn được xếp hàng đầu, tiếp đến là giai cấp Sát Ðế Lợi, Phệ Xà, và Thủ Ðà La là thấp nhất. Quy luật về sự phân biệt giai cấp cũng quy định những quyền lợi và ưu thế của họ. Ngay cả những hình phạt về sự phạm tội cũng được đặt trên nền tảng khác biệt giai cấp. Người Bà La Môn sẽ bị hình phạt nhẹ nhất và người thuộc giai cấp Thủ Ðà La sẽ bị hình phạt nặng nhất. Như vậy, toàn bộ cơ cấu xã hội được đặt trên nguyên tắc bất bình đẳng.

Ðức Phật đã làm một cuộc cách mạng chống lại những luật lệ xã hội áp bức đó và lên án hệ thống giai cấp. Ngài không thừa nhận nguồn gốc linh thiêng của giai cấp, và chứng minh sự dối trá của giai cấp Bà La Môn khi tuyên bố rằng họ sinh ra từ miệng của Brahma. Ngài bác bỏ lời tuyên bố của người Bà La Môn, họ cho rằng chỉ có họ mới có thể đạt đến những đức hạnh tâm linh, và khẳng định rằng người trong bất kỳ giai cấp, màu da hay tín ngưỡng nào đều có thể phát triển trong tâm họ những đức hạnh đó. Ngài còn đi xa hơn nữa:

– Hãy làm cho không còn ai, nam hay nữ, bất kỳ thuộc nền tảng kinh tế xã hội nào, bị cản trở trên con đường đạt đến sự toàn thiện. Ðó là quyền của mỗi người, khả năng bên trong của mỗi người, và sự toàn thiện đó có thể đạt đến do sự cố gắng không ngừng của riêng mỗi người, không do sự giúp đỡ của một tha nhân, thần thánh hay siêu nhiên nào.

Ðức Phật còn dạy rằng: Tất cả mọi người đều giống nhau, nếu phân chia họ ra một cách nhân tạo là hành động điên rồ. Trong kinh Vesttha, Ngài nói rằng: Trong đời sống của loài thú có những sự khác biệt dựa trên những đặc tính nền tảng khác nhau. Trong đời sống của các loài cây cỏ cũng vậy. Nhưng không có những sự khác biệt như thế trong sự phân loại loài người thành những ngăn kín, vì nhân loại là một và có cùng những đặc tính như nhau. Vì vậy, Ðức Phật khẳng định một cách dứt khoát: Giá trị là đặt nền tảng trên những hành động, chứ không phải trên sự sinh ra, một sự việc vô tình, không phải là thước đo con người. Ngài cũng bước những bước cụ thể trong việc nhổ tận gốc sự tệ hại của giai cấp. Những bước đó là: Phơi trần huyền thoại về nguồn gốc thượng đẳng do người Bà La Môn tuyên bố về họ; khuyến khích giai cấp thấp bằng cách thọ trai tại nhà họ; và chấp nhận những người thuộc giai cấp thấp xuất gia và được coi ngang hàng với những người khác trong hàng ngũ Tăng Già. Hô hào các Tỳ Kheo quên giòng giống giai cấp của họ, một lần Ðức Phật nói: Này các thầy, giống như những giòng sông, sông Hằng, sông Yamuna, sông Aciravati, sông Sarasvati, và sông Mahi khi chúng đều chảy về biển lớn. Cũng như vậy, này các thầy, bốn giai cấp: Bà La Môn, Sát Ðế Lỵ, Phệ Xá, và Thủ Ðà La khi họ đi theo giáo pháp và giới luật của Như Lai, họ từ bỏ những khác biệt của giai cấp và sắp hạng, và trở thành những phần tử của một khối duy nhất và đồng nhau.

Ở Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ sáu trước Tây lịch, người Bà La Môn giáo tìm sự cứu rổi và giải thoát bằng những tế lễ hy sinh, người theo đạo Kỳ Na và Ajivaka tế lễ bằng sự tự hành hạ thân xác. Ðức Phật trái lại dạy đệ tử của Ngài vượt qua biển khổ luân hồi bằng cách đem sự tốt đẹp cho chúng sanh khác, thay vì làm hại họ hay hại chính bản thân mình. Ngài dạy con đường đi đến Niết Bàn bằng những phương tiện:

  1. Tự điều khiển, tự tiết chế, và giảm thiểu những đam mê;
  2. Mở lòng thương yêu tất cả mọi loài, người, chim muông, thú vật; và
  3. Giúp đỡ người nghèo yếu.

Ngài cũng nhấn mạnh:

  1. Cơ hội bình đẳng cho mọi người;
  2. Thân thế bình đẳng cho mọi người;
  3. Tự do tư tưởng; và
  4. Tình huynh đệ toàn khắp.

Khi Ðức Phật giảng Giáo Pháp của Ngài, nó lôi cuốn quần chúng ở khắp mọi giới; giàu và nghèo, cao sang và thánh thiện, thấp thỏi và hạ tiện. Những người thuộc giai cấp Bà La Môn cũng không bị bỏ rơi. Thật vậy, phần lớn các đệ tử thân cận của Ðức Phật là những người thuộc giai cấp Bà La Môn. Ngay cả về sau, một số những ngọn đuốc dẫn đầu trong Ðạo Phật là những vị từ Bà La Môn quay về. Trong những thế kỷ tiếp sau, giáo lý xã hội của Ðức Phật đã tạo một sức đẩy làm xã hội Ấn Ðộ tiến lên, và những giai cấp thấp xác định quyền bình đẳng của họ, vì vậy mà tín đồ Bà La Môn đã quay lại chống đối Phật Giáo.

Thật sự, người Bà La Môn không chống đối Phật Giáo trên những giáo lý thuộc triết lý hay đạo đức, nhưng điều mà họ không thích là tư tưởng về sự bình đẳng trong Ðạo Phật. Như Tiến sĩ Ambedkar nói:

– Bất bình đẳng là giáo lý chính thức của đạo Bà La Môn. Ðức Phật chống lại gốc rể và cành lá của nó. Ngài là một đối thủ mạnh mẽ nhất của chế độ đẳng cấp và là cột trụ vững chãi nhất của tinh thần bình đẳng. Không có một lý lẽ nào về vấn đề giai cấp mà ngài không bác bỏ.

Chúng ta không nghi ngờ rằng, được khuyến khích với tinh thần bình đẳng do Ðức Phật dạy, những người giai cấp thấp trong xã hội xác định quyền tự do của họ và chống lại sự ưu thế của người Bà la môn. Ðiều nầy làm suy yếu nền tảng của hệ thống giai cấp và đã hạ tầng giai cấp Bà La Môn xuống tận đất.

Khi Ðạo Phật yếu đi chút đỉnh, người Bà La Môn giáo dùng mọi cách để lấy lại quyền lực và danh vọng đã mất. Họ không những cố gắng phục hồi lại hệ thống giai cấp mà còn tìm cách hủy diệt những giáo pháp của Ðức Phật khỏi đất nước Ấn Ðộ. Xin trích lời của Har Dayal:

– Những thầy tế triệt tiêu ngôn ngữ Pali trên đất Ấn. Họ không những ghét tiếng Pali về phương diện giáo lý, triết học hay những giới luật của Ðức Phật. Họ biết Ðức Phật là một vị Thầy lớn lao và tôn sùng Ngài. Nhưng họ muốn rằng những lời dạy tuyệt vời của Ðức Phật không được nghe thấy trên đất Ấn, vì những lời dạy nầy có năng lực phá hủy thành lũy giai cấp. Họ nói: Dù tiếng Pali tiêu diệt; dù nước Ấn Ðộ tiêu diệt; nhưng giai cấp của chúng ta phải nắm quyền lãnh đạo.

Ðể tranh đấu với Ðạo Phật, người Bà La Môn phải làm nhiều việc sửa đổi trong những giáo lý của họ. Họ bỏ sự hy sinh súc vật để cúng tế. Họ cũng bải bỏ giáo lý cho rằng các kinh điển Phệ Ðà không thể sai lầm. Tuy nhiên, về quan điểm phân chia giai cấp (Chaturvarna), họ không chịu đầu hàng. Họ phải thừa nhận tác dụng của những lý lẽ của Ðức Phật chống lại Chaturvana. Và họ phát động một sự điều chỉnh triết học cho Chaturvana được tìm thấy trong sách Bạt Già Phạm Ca (Bhagavad-Gita), một tác phẩm có trước Phật. Nói như P.L. Narasu trong cuốn Cốt Tủy Ðạo Phật:

– Mục đích chính của Gita là lén lút ủng hộ sự lãnh đạo và danh vọng của giai cấp Bà la môn, ra đời để đáp ứng những nhu cầu mà Ðạo Phật đã làm thỏa mãn. Bất cứ điều gì cao thượng và tuyệt vời trong Gita là điều mà Bà La Môn giáo đã vay mượn từ đối thủ của nó và xử dụng cho mục đích riêng tư của mình. Ðặc biệt là để ngăn chặn những người Thủ Ðà La không từ bỏ niềm tin cố cựu của họ. Phần còn lại là một khối những lặp đi lặp lại, những mâu thuẩn, những sự vô lý, kết quả của một cố gắng không thành công trong việc làm dung hòa mọi phương diện trong quan điểm truyền thống.

Mục đích chính của Bạt Già Phạm Ca là bảo vệ, làm mạnh hệ thống giai cấp được thấy rõ trong cách giải thích chữ Dharma (Pháp). Nghĩa chữ Dharma trong Phệ Ðà là những nghi lễ hay những nghi thức. Trong Gita cũng như trong Manu-Smriti, chữ Dharma được dùng có nghĩa là: Những bổn phận của bốn giai cấp trong thế gian. Trong Gita, Krishna bảo Arjuna chiến đấu, vì đó là Dharma (bổn phận giai cấp) của ông ta. Ông ta còn nói:

– Thà chết mà làm tròn bổn phận của giai cấp; làm theo những bổn phận dành riêng cho giai cấp khác là việc làm nguy hiểm.

Tín đồ Phật Giáo trái lại không chịu từ bỏ sự chống đối của họ đối với tư tưởng Chaturvarna. Ðó là lý do đầu tiên của sự chống đối giữa Phật Giáo và Bà La Môn giáo.

Tiến sĩ Amberka tìm dấu vết nguồn gốc mâu thuẩn giữa Phật Giáo và Bà La Môn giáo từ một nguồn khác. Ông nói:

– Khi đọc qua toàn bộ Văn Học Phật Giáo, tôi thấy rằng 90% tín đồ Phật Giáo trước kia là những người Bà la môn. Những người Bà La Môn thường đến gặp Ðức Phật để thảo luận và tranh cải, và khi thua, thường đặt tin tưởng vào Ðức Phật và cuối cùng chấp nhận Phật Giáo. Văn Học Phật Giáo chứa đầy những sự việc như vậy. Vì vậy, Phật Giáo là một tôn giáo đã nẩy nở giữa đại đa số những người Bà La Môn, làm thế nào về sau lại bị chính những người Ba la môn tiêu diệt?

Theo quan điểm của chúng tôi, lý do chính của sự việc nầy là sự thờ cúng thần linh gia đình. Ở Ấn Ðộ, giống như thần làng và thần nước, có những vị thần gia đình cũng được những người Bà La Môn thờ cúng. Những thầy tế thường thờ cúng những vị thần nầy bắt đầu gây ảnh hưởng vào quốc sự qua những bà hoàng. Vua A Dục (Ashoka) sau khi quy y theo Phật Giáo đã từ bỏ việc thờ cúng đó và dời tượng của những thần dùng trong việc thờ cúng nầy. Vua A Dục nói:

– Khi ta tôn kính Ðức Phật, đấng Giác Ngộ, thì không cần thờ cúng vị thần linh nào khác.

Hành động nầy của vua A Dục làm cho những người Bà La Môn lo lắng không ít vì nó chấm dứt những phương tiện sinh sống và bóc lột bất công của họ. Họ nguyện sẽ phục thù cho sự mất mát đó.

Những người Bà La Môn có quan niệm rằng:

– Sau khi chết những ông vua sẽ bị đọa vào địa ngục vì những sai lầm và thiếu sót của họ. Vì vậy, họ không đồng ý làm những người lãnh đạo, nhưng muốn làm những Cố Vấn Tối Cao của các vị Vua. Ðể trả thù sự mất mát vì việc chấm dứt sự thờ cúng những thần gia đình (Kulapuja), những người Bà La Môn từ bỏ phương châm chỉ làm những người cố vấn, họ cố gắng nắm lấy quyền lực. Với sự giúp đở của những người Sát Ðế lỵ, họ thiết lập trục Bà La Môn-Sát Ðế lỵ để chống lại Phật Giáo. Ưu thế của Bà La Môn giáo trở lại ở Ấn Ðộ là một trong những nguyên do suy sụp của Phật Giáo.

Sự nổi bật của Phật Giáo từ sự hạ thấp giai cấp Bà La Môn, cũng đưa đến sự dãy chết của những quyền lợi thiêng liêng của những Vua chúa thuộc giai cấp Sát Ðế lỵ. Vì vậy, không nghi ngờ gì những người thuộc giai cấp Sát Ðế Lỵ, trong những giai đoạn đầu là những người ủng hộ Phật Giáo, về sau trở nên đối lập với Phật Giáo. Như một nhà văn viết:

– Những người Sát Ðế Lỵ sợ Phật Giáo vì nó đe dọa nền tảng và sự hiện hữu giai cấp của họ, vì những người bị áp bức được khuyến khích bởi những giáo lý bình đẳng tìm cách vùng dậy.

Như vậy, để bảo đảm sự an toàn cho những quyền lợi của họ, những người Sát Ðế Lỵ tham vọng âm mưu với những người Bà La Môn và bước từng bước củng cố hệ thống giai cấp. Bằng sự sắp xếp chung, giai cấp Sát Ðế Lỵ được đồng ý làm Vua và những người Bà La Môn là những đại thần. Sự thỏa hiệp nầy bảo đảm quyền lực và danh vọng cho cả hai giai cấp nầy và sự thấp kém vĩnh viễn của những giai cấp khác, mà Phật Giáo sẽ không bao giờ tha thứ. Vì vậy, để giữ quyền lực chính trị trong tay họ, hai giai cấp nầy tạo một mặt trận thống nhất chống lại và phá rối sự phát triển của Phật Giáo.

SỰ GÂY THÙ HẬN

Tôn giáo của Ðức Phật là một cái gai trong mắt những người Bà La Môn phản động, vì nó đã lật đổ giai cấp thầy tế khỏi ngôi vị cao của nó, mà bao nhiêu thế kỷ đã bảo đảm cho họ mọi thứ ưu đãi và tiện nghi vật chất. Vì vậy khi ảnh hưởng của Phật Giáo suy yếu, họ trả đũa và tấn công Phật Giáo bằng nhiều cách để trả thù sự mất mát của họ. Họ dùng những ngôn ngữ tồi tàn nhất và những mánh khóe tồi tàn nhất để nhục mạ và hạ thấp Phật Giáo dưới mắt quần chúng. Ngay cả họ còn bẻ cong ý nghĩa từ và thành ngữ riêng của Phật Giáo. Chúng tôi hy vọng rằng sự phân tích phê bình trong những đoạn sau đây sẽ có thể làm cho độc giả nhận thức được tầm quan trọng trong thảo luận của chúng ta:

1) Vua A Dục, một vị vua Phật Giáo vĩ đại nhất, trong những cáo thị ông tự gán cho mình là Người được chư Thần thương yêu (Devanam Priya), nhưng những nhà văn phạm Bà La Môn dịch chữ nầy là những sự điên rồ yêu thương. R.K. Mookerjee nói về sự đồi bại nầy như sau:

– Về thành ngữ Deva-nampriya Priyadarsi, V.A. Smith dịch là Ðấng Thiêng Liêng và Nhân Từ đối với tôi là chuẩn nhất. Deve nampriya thay vì Deva-Priya có thể là tên gọi có ý coi khinh giới luật của Panini, nhưng được đề cập trong những sự kiện ngoại trừ luật do Katyana (vào khoảng 359 trước Tây lịch theo R.G. Bhadarkar) được Patanjali (150 trước Tây lịch) và cả Kasika (650 sau Tây lịch) ủng hộ. Tuy nhiên sự ngoại trừ không cho phép nhà văn phạm về sau là Bhattoji Dikshita, người đã nhấn mạnh vào việc coi từ Devanampriya là một từ khinh miệt, ngụ ý chỉ một người điên (murkha) không có sự hiểu biết về Brahma… Như vậy một danh hiệu được ca tụng trong những thời đại Nada, Maurya, và Sunga, phải chịu sự sa đọa về ý nghĩa dưới thành kiến của người Ba La Môn chống lại vị vua Phật Giáo lỗi lạc.

2) Ðức Phật nhập diệt ở Câu Thi La (Kushinagar) vùng Deoria nước Uttar Pradesh, Câu Thi La cách Gorakhpur 12 dặm về hướng Ðông và cách Deoria 21 dặm. Nó nằm trên bờ phía Tây của sông Hiranyavati và vị trí của nó tương ứng với khu vực rộng lớn Ram-bar-ka-Tila nằm ở bờ phía Tây hồ Rambhar. Gồm hai chữ Hiranyavati và Rambar có thể tạo thành tên Harambar cho khu vực nầy. Câu Thi La (Kushinagar) là nơi Ðại Niết Bàn của Ðức Phật trở thành một nơi hành hương quan trọng và thiêng liêng nhất của tín đồ Phật Giáo. Dĩ nhiên, tín đồ Phật Giáo từ khắp nơi trên đất Ấn quy tụ về nơi đây mỗi năm với một số đông lớn lao để tỏ lòng tôn kính đối với Vị Thầy. Dường như người Bà La Môn hoang mang bởi dân chúng ở Câu Thi La. Họ đưa khuynh hướng tôn giáo vào biện pháp xảo quyệt của họ và dạy những người tại gia ngu dốt rằng: Người chết ở Harambar, vùng chung quanh Câu Thi La, đọa vào địa ngục hay tái sanh làm con lừa cái, nhưng người chết ở Kasi (Varanasi) được lên trời.

Ðể bảo vệ quan điểm của chúng tôi, chúng tôi có bằng chứng hùng hồn và có tính cách lịch sử từ cuộc đời của Mahatma Kabir, một người hô hào cải cách tôn giáo và xã hội vào thế kỷ thứ mười lăm. Trong thời đại ông, sự tuyên truyền có tác hại, như được đề cập ở trên, rất thịnh hành. Kabir kịch liệt chống lại quan điểm vô nghĩa nầy. Ông tuyên bố rằng nếu hành động của một người tốt đẹp, người ấy chắc chắn sẽ được cứu rỗi dù cho có chết ở Kasi hay Harambar. Và để chứng minh hùng hồn niềm tin về Harambar là sai lầm và vô nghĩa, Kabir, khi tuổi đã gìa, cố ý đi đến vùng đất cấm đó và chết vào năm 1518 sau Tây lịch trong một thị trấn nhỏ Maghar ở vùng Gorakhpur không xa Câu Thi La. Kabir, trong những lời để lại, hai lần đề cập đến sự việc nầy và giải thích đầy đủ mục đích hành hương đến Maghar của ông mặc dù những ngăn cản mạnh mẽ từ bạn bè và những người hâm mộ ông. Theo sự việc trên, Wescott viết trong tác phẩm đáng tin của ông về Kabir như sau:

– Chính là nguyện vọng của những môn đệ mà Kabir đã không chấm dứt cuộc đời của ông tại Kasi nơi mà rất nhiều công trình tôn giáo được hoàn tất. Họ chủ trương rằng tất cả mọi người chết ở Kasi sẽ lập tức sinh vào thế giới của thần Ram, và những người chết ở Maghar sẽ trở lại thế giới nầy và sinh làm con lừa cái. Kabir khiển trách về niềm tin của họ. Phải chăng quyền năng của Ram quá giới hạn không thể cứu rỗi người phụng sự ông vì người nầy muốn chết ở ngoài Kasi, thành phố của thần Shiva?

Cảm giác lo âu và sợ hải trong giới Ấn Ðộ Giáo quá mạnh đến nỗi sau khi Kabir chết ở Maghar họ cũng không thể từ bỏ được sự mê tín. Vì vậy, họ đã không xây dựng một đền tưởng niệm Kabir ở đó, họ dựng đền tưởng niệm ở Kasi. Người Hồi Giáo đã xây dựng một nơi tưởng niệm Kabir ở Maghar, nơi cư ngụ cuối cùng của ông. Ðền thờ chính ở Maghar vì vậy đã luôn luôn do người Hồi Giáo trông coi và về sau vẫn còn dưới sự trông coi của họ, mặc dù một ngôi đền cho người Ấn Ðộ Giáo đã được xây dựng ở đây.

3) Những người cuồng tín Bà La Môn không dừng lại ở đó. Họ tiếp tục thẳng tay gây sự hận thù và ghét bỏ đối với tín đồ Phật Giáo trải qua nhiều thế kỷ và giữ mãi tinh thần nầy cả trong văn học. Xin trích dẫn ra một số sau đây:

a- Nikant trong tác phẩm Prayaschit Mayukha trích một bài thơ từ Manu (bộ luật tập cấp): – Nếu người nào chạm phải một tín đồ Phật Giáo hay một tín đồ của Panchupat, Lokayataka, Nastika hay Mahapataki, người ấy phải tắm để tẩy uế.

b- Cùng một giáo lý được Apraka dạy trong Smiriti. Vradha Harit đi xa hơn và tuyên bố rằng bước vào chùa Phật Giáo là một tội lỗi cần phải tắm để thanh trừ tội lỗi đó.

c- Sự việc gây ấn tượng nhất về thái độ nầy đối với tín đồ Phật Giáo được tìm thấy trong vở kịch Mricchakatika. Trong màn Vii của vở kịch, người anh hùng Charudatta và bạn là Maitriya đang chờ Vasantasena ở quảng trường bên ngoài thành Ujjain. Cô nàng không đến và Charudatta quyết định rời quảng trường. Khi họ rời nơi đây, họ thấy vị sư Phật Giáo tên là Samvakaha. Thấy ông ta, Charudatta nói:

– Nầy bạn Maitriya, tôi đang nóng lòng muốm gặp Vasantasena. Nầy, hãy cùng đi. (Sau khi bước vài bước) A, đây là một cảnh tượng không may, một ông tăng Phật Giáo đang đi về hướng chúng ta. (Sau khi suy tư một chút) tốt, hãy để cho ông ta đi đướng nầy, chúng ta sẽ đi con đường khác. (Rời sân khấu).

Trong màn viii, vị tăng ở trong vườn lớn của Sakara, người anh rể của Vua. Nhìn thấy áo của ông ta trong một cái hồ, Sakara, theo sau là Vita, bật dậy và hăm dọa giết vị tăng. Sau đây là cuộc đối thoại giữa họ:

Sakara:

– Hãy dừng lại, ông thầy tu tồi bại.

Tăng sĩ:

– A! Ðây là người anh rễ của Vua. Bởi vì có một số tăng sĩ xúc phạm đến nhà vua, nên nhà vua đánh đập bất cứ tăng sĩ nào ông gặp.

Sakara:

– Hãy dừng lại, ta sẽ bẻ chiếc đầu của ông như người ta bẻ một cộng rau dền trong tiệm ăn (Ðánh ông ta).

Vita:

– Nầy bạn, đánh một tu sĩ khoác trên mình chiếc áo choàng, đã từ bỏ thế gian, là một việc không chính đáng.

Tăng sĩ vui mừng:

– Xin hãy vui lòng, cư sĩ.

Sakara:

– Nầy bạn, coi đó. Hắn xỉ nhục tôi.

Vita:

– Ông ta nói gì?

Sakara:

– Hắn gọi tôi là cư sĩ. Tôi là tên thợ cạo hay sao?

Vita:

– Ồ! ông ta thật sự tán tụng anh như là một người sùng tín Ðức Phật.

Sakara:

– Tại sao ông lại đến chỗ nầy?

Tăng sĩ:

– Ðể giặt những y phục nầy.

Sakara:

– A! ông là ông thầy đồi bại. Ngay cả tôi cũng không tắm trong ao nầy; ta sẽ giết ông bằng một trận đòn.

Sau khi bị đánh thật nhiều, vị tăng được cho đi. Ðó là một tu sĩ Phật Giáo trong đám đông Ấn Ðộ Giáo. Ông ta bị xa lánh và tránh né. Cảm tưởng chán ghét đối với ông thật là lớn lao, đến nỗi người ta tránh né cả con đường mà ông ta đã đi qua. Cảm tưởng ghê tởm đậm đặc đến nỗi sự đi vào của một tín đồ Phật Giáo khiến cho người Ấn Ðộ Giáo phải đi ra. Người Bà La Môn được miễn tội tử hình, ngay cả còn được miễn hình phạt về thể xác. Nhưng tu sĩ Phật Giáo bị đánh đập và hành hạ không thương xót, không hối tiếc, như là không có gì sai lầm khi làm việc đó.

d- Chanalya (Kautilya), một đại thần Bà La Môn nổi danh dưới thời vua Chiên Ðà La Quật Ða (Chandragupa) của vương triều Khổng Tước (Maurya), cũng là một phần tử nằm trong chiến dịch gây hận thù đối với Phật Giáo. Ông nói:

– Khi một người hưởng dụng bửa ăn cúng cho chư thần và tổ tiên, những người thuộc giòng Thích Ca (tín đồ Phật Giáo), Ajivaka, Thủ đà la, và những tù nhân đi đày, phải chịu một hình phạt một trăm Panas.

e- Những tác giả của những Puranas(Thánh Thư) cũng tuyên truyền chống Phật Giáo không ít. Họ coi Ðức Phật như là một Avtara(hóa thân) của Vishnu nhưng đối xử với Ngài với sự khinh miệt.

– Thánh thư Brhannardiya coi một người Bà La Môn bước vào nhà của một tín đồ Phật Giáo là một tội lỗi lớn dù cho có gặp sự nguy hiểm lớn.

– Thánh thư Agni tuyên bố rằng con của vua Tịnh Phạn dụ dỗ những người Daitya trở thành tín đồ Phật Giáo.

– Thánh thư Vayu nói một cách khinh khi về Phật Giáo: Với hàm răng trắng, cặp mắt nhìn thẳng, đầu cạo trọc, và áo đỏ, những người Thủ Ðà La sẽ thực hiện những hành vi tôn giáo.

– Thánh thư Vishnu gán cho Ðức Phật tên: Người dụ dỗ vĩ đại. Họ coi Ngài là một Maha Moha, người hiện ra trong thế gian để lọc lừa những ma quỉ. Nó còn cảnh cáo thêm về tội lỗi chuyện trò với tín đồ Phật Giáo, nói rằng những người nói chuyện với những nhà khổ tu trọc đầu sẽ bị đọa vào địa ngục.

4) Một phần trong chiến lược hủy nhục của họ, người Ấn Ðộ Giáo còn dùng một phương pháp khác làm mất uy tín những tín đồ Phật Giáo và chùa chiền của họ. Họ gán cho những tên gọi xấu xa và bẩn thỉu cho những chùa, tu viện Phật Giáo. Ví dụ, tàn tích của ngôi tháp ở Ghantasila vùng Andhra Pradesh được họ gọi là Langa Dibba có nghĩa là gò đĩ điếm. Sự gán những tên bẩn thỉu cho những địa danh cổ của Phật Giáo được các nhà học giả ngu dốt trích ra, lấy làm lý lẽ để nói rằng Phật Giáo biến mất ở Ấn Ðộ, vì những ngôi chùa của nó đã trở thành những nơi đồi bại, và các Tỳ Kheo đã không sống đời sống đáng kính. Họ lý luận rằng:

– Những nơi lễ bái của Phật Giáo đã đi đến chỗ đồi bại cùng cực về luân lý, nên dân chúng khinh thường và xa lánh.

Chúng tôi đồng ý rằng khi các ngôi chùa bắt đầu trở nên sung túc, tu sĩ Phật Giáo, một cách nào đó trở nên hướng về bản thân và từ bỏ bổn phận của họ đối với nhu cầu tâm linh và xã hội quần chúng. Và họ bắt đầu sống một cách thoải mái trong những tu viện và không tham gia vào lý tưởng phụng sự xã hội. Ðiều nầy cuối cùng đã ảnh hưởng một mức độ nào đó vào việc truyền bá và duy trì Giáo Pháp. Nhưng nói rằng Phật Giáo suy tàn vì sự sụp đổ của những tiêu chuẩn đạo đức trong hàng ngũ Tăng Già là điều không có gì bảo đảm. Không có một bằng chứng nào để củng cố lập luận nầy, ngoại trừ những danh hiệu đáng nghi ngờ gắn liền với một số địa điểm. Theo quan điểm của chúng tôi, những tên gọi bôi bác kia đã được tạo ra do những người Ấn Ðộ Giáo quá khích, với chủ ý hạ nhục những chùa chiền Phật Giáo. Nhưng đối với trò tuyên truyền nham hiểm đó, không có một lý lẽ chứng minh cho những nhãn hiệu vô nghĩa gán cho những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng. V.R. Narla nói:

– Quả thật là chưng hửng và buồn không ít, vì rằng không những ở Ghantasila, nhưng ở Gudivada, Bhattiprola, China Ganjam, Pedda Ganjam, và một số nơi khác, những di tích của những ngôi chùa Phật Giáo thiêng liêng bị gán cho những tên nhơ bẩn như Langa Dibba và Bojamadani Dibba. Một ngoại lệ mà tôi biết là tháp Amaravati. Tên địa phương của nó là Dipala Dinne, có nghĩa là gò đèn. Nhưng ngay cả về những ngọn đèn, cũng có thể không phải chỉ cho sự tán tụng, vì trong thực tế tất cả những nơi có gò thuộc di tích Phật Giáo, có truyền thống địa phương là những gái ăn sương cư ngụ trên gò dùng đèn để làm hiệu. Có thể những tên xấu xa được gán cho những gò di tích Phật Giáo là nói lên sự việc Phật Giáo đã bị sự đàn áp của những người Ấn Ðộ Giáo cuồng tín về sau, hoặc có thể nó đánh dấu mức độ xuống thấp của Phật Giáo, trong thời gian cuối cùng khi nó mang hình thái của Kim Cang Thừa (Vajrayana) hay Sahajayana, những hình thái không khác với mật giáo phóng dật. Hai lý do trên, chúng tôi tin tưởng vào lý do thứ nhất nhiều hơn.

Ðể chứng minh sự điên rồ của những lý lẽ sau, chúng tôi xin độc giả ghi nhớ những sự hành trì đồi bại hơn nhiều trong những đền Ấn Ðộ Giáo. Chúng tôi không có ý liệt kê ra đây một danh sách dài về những tội ác của những thầy tế Bà La Môn trong những năm tháng đó. Ðoạn trích sau đây từ một bài viết của ishwar Singh Bais cũng đủ để phản ảnh đời sống trong các đền Ấn Ðộ Giáo ngày xưa. Ông viết:

– Những vũ nữ của mỗi đền được sắp hàng thứ nhì. Họ là những devdasis hay nô lệ của chư thần, nhưng họ được gọi bằng cái tên thô lậu của những gái điếm. Và trong thực tế, họ gắn bó với nghề nghiệp của họ để ban ân huệ cho người nào yêu cầu và được trả lại bằng tiền. Dường như ban đầu họ được dành riêng cho những thầy Bà La Môn mua vui. Và những người đàn bà nầy, được công chúng biết đến về sắc đẹp của họ, được hiến dâng một cách đặc biệt trong việc phụng sự các thần linh của Ấn Ðộ Giáo. Nhiệm vụ chính của họ gồm có múa và hát trong đền hai lần mỗi ngày, sáng và tối trong những cuộc lễ công cộng. Tất cả thời gian còn lại giữa những cuộc lễ, thì dùng vào những việc xấu hổ hơn, và một việc không phải là ít xảy ra, là ngay cả những đền thờ thiêng liêng cũng bị biến thành những nhà chứa. Xa hơn nữa, Có ít đền thờ mà vị thần ở đó không đòi quyền chữa trị bịnh không sinh đẻ của đàn bà. Thường thường những thầy tế khuyên họ ở lại qua đêm tại đền, nơi đây, họ nói thần linh cảm động với lòng thành của họ, có thể viếng họ trong tinh thần và sẽ giao hợp với họ. Với mánh khóe nầy, những thầy tế thỏa mãn dục vọng của họ.

Ngoài những hành động trong những đền thờ Ấn Ðộ Giáo đã được đề cập, tầm quan trọng về những quan hệ dục tình trong Ấn Ðộ Giáo cũng được thấy rõ ràng trong những cảnh dâm đãng trên những bức tường của những đền thờ ở Konark, Khajuraho, v.v. Về những công trình điêu khắc ở Konark, A.L. Basham nói trong tác phẩm Kỳ Quan Ấn Ðộ:

– Tính cách dâm đãng lộ liễu một cách hiếm có của nhiều công trình điêu khắc ở Kornark đã đem lại cho Chùa Ðen một tiếng tăm nhơ nhớp. Những hình Maithuna, với những cặp ôm sát nhau hay đang trong tư thế giao hợp, được phổ biến là những nét trang trí đặc trưng của nhiều ngôi đền Ấn Ðộ, nhưng những hình ở Konark đặc biệt sống động. Những hình điêu khắc ở Khajuraho cũng tương tự.

Như vậy chúng ta có thể không do dự nói rằng: Nếu ở đâu những tiêu chuẩn luân lý bị sa đọa, đó là những nơi cư ngụ của các thần và nữ thần Ấn Ðộ Giáo. Thật vậy, như ishwar Singh Bais nói:

– Trong nhiều đền thờ, và từ thế kỷ thứ tám sau Tây lịch về sau, trong hầu hết các đền thờ Ấn Ðộ Giáo, sự sa đọa bắt đầu và với đời sống trong đền biến nó thành địa ngục. Các thầy tế đã hy sinh sự cao thượng và đạo đức, chỉ giữ lại tham lam và dục vọng. Nếu Ấn Ðộ Giáo có thể nẩy nở dưới bầu không khí đồi bại đó, thì việc biến mất của Phật Giáo không rõ ràng, dù cho có một số sa đọa trong tiêu chuẩn luân lý của những người mộ đạo; vì vậy chúng tôi không chấp nhận điều nầy. Từ đó, chúng tôi quả quyết luận điệu gán cho sự thối nát trong các chùa chiền không phải là không có căn cứ mà còn có tác hại, và những lý do của sự suy tàn của Phật Giáo phải được tìm thấy ở chổ khác.

SỰ NGƯỢC ĐÃI

Một trong những nguyên nhân chính làm cho Phật Giáo suy tàn và sụp đỗ nhanh chóng ở Ấn Ðộ là sự đàn áp của những nhà cầm quyền cũng như những người cuồng tín.

Bố Sa Mật Ða La (Pushyamitra), một tướng lãnh Bà La Môn dưới triều Brihadratha, vua cuối cùng của vương triều Khổng Tước (Maurya), là người đầu tiên ngược đãi Phật Giáo. Ông ám sát nhà vua vào năm 185 trước Tây lịch; soán lấy ngôi vua nước Ma Kiệt Ðà (Magadha), cai trị bằng sự khủng bố. Một ông vua Ấn Ðộ Giáo khác đàn áp Phật Giáo là Sasanka, vua nước Gauda (Bengal), hành động phản bội đầu tiên của ông là giết Rajyavardhana vào năm 605 sau Tây lịch, anh của Harsha, vị hoàng đế Phật Giáo cuối cùng. Sasanka là một người thuộc giai cấp Bà La Môn và tín ngưỡng thần Shiva. Ông cuồng tín đến nổi trong cơn giận dữ ông đã phá hủy cây Bồ Ðề. Ngài Huyền Trang ghé Bồ Ðề Ðạo Tràng vào năm 637 sau Tây lịch, vào khoảng ba thế hệ sau biến cố trên, ghi lại như sau:

– Trong thời gian sau Sasanka-raja, một tín đồ dị giáo, phỉ báng Ðạo Phật, và vì ganh ghét đã phá hủy những tu viện và chặt cây Bồ Ðề, đào đến tận mạch nước dưới đất, nhưng ông không thể đào đến chổ rể tận cùng của nó. Sau đó ông dùng lửa đốt và tưới nước mía lên, với ý muốn tiêu diệt nó hoàn toàn, và không để lại một vết tích nào về sau. Ông cũng đã dời tượng Phật từ ngôi chùa gần cây Bồ Ðề và thay vào bằng thần Shiva. Ông cũng đã liệng vào sông Hằng tảng đá thiêng liêng có dấu bàn chân của Ðức Phật ở thành Hoa Thị (Pataliputra). Và để làm tròn những kế hoạch tội lỗi của ông, Sasanka được cho biết là đã tiêu diệt tăng sĩ trong khu vực Câu Thi La (Kushinagar).

Một trong những người đàn áp Phật Giáo lớn lao nhất là thủ lãnh Hung Nô, Mihirakula, đã làm thiệt hại lớn lao cho những chùa Phật Giáo ở Gandhara, Punjab, và Kashmir. Mihirakula là một người thờ Shiva và là một nhà bảo hộ lớn cho Bà La Môn giáo. Trong cơn điên rồ của ông, ông đã san bằng 1,600 tu viện, tháp, và chùa, và giết hại hằng trăm tín đồ Phật Giáo tại gia. Toramana, một ông vua cũng của vương triều tàn bạo đó, được cho biết là đã tiêu hủy chùa Ghostarama ở Kiều Thưởng Di (Kausambi).

Về việc đàn áp Phật Giáo ở Kashmir, F.M. Hussnain viết:

– Chính Nara, người đã khởi sự tiến hành việc tiêu diệt Phật Giáo ở Kashmir. Ông cho thiêu hủy những tu viện Phật Giáo ở Kashmir và trừ diệt quần chúng Phật tử bằng cách tịch thu đất đai của họ để ban cho những người Bà La Môn. Những gì xảy ra ở Kashmir là một phần trong cùng tiến trình tiêu diệt Phật Giáo trong nước. Trong cuộc đấu tranh giữa Phật Giáo và Bà La Môn Giáo, Bà La Môn giáo đã chiến thắng, trong những hoàn cảnh đó, sự tiêu diệt của Phật Giáo ở Kashmir chỉ là vấn đề thời gian.

Hussnain nói thêm:

– Pravarasena nắm quyền vào khoảng cuối thế kỷ thứ sáu. Ông ta phải đánh lui những cuộc tấn công của Mummuni, một thủ lãnh Hồi Giáo đến từ Trung Á. Ông xây dựng thành phố Pravarasenanagar với những ngôi đền năm vị Nữ Thần. Chú ông là Jayendra xây một tu viện nổi tiếng là Jayendravihara, thờ một tượng Phật lớn nhất. Ngài Huyền Trang đã viếng tu viện nầy trong thời gian ở tại Kashmir. Tu viện nầy đã bị Ksemagupta thiêu hủy, ông nấu chảy bức tượng khổng lồ để dùng cho đền thờ thần Shiva của ông.

Một người khác được coi như đối thủ của Phật Giáo, người đã tuyên bố: Giáo lý của Phật là thứ vô dụng giống như chất mủ chảy ra từ da chó là Kumarila Bhatt, một người Bà La Môn. Ông sống vào thế kỷ thứ bảy sau Tây lịch. Theo đề nghị của ông, Suddhanvan, vua nước Ujjain, được nói là đã tiêu diệt những tín đồ Phật Giáo. Sự đàn áp tàn nhẫn tín đồ Phật Giáo của Suddhanvan, dưới sự xúi dục của Kumarila Bhatt, được ghi lại trong hai tài liệu về tiểu sử của Sankaracarya, đó là tác phẩm Sankaravijaya do Anandagiri, đệ tử trực tiếp của Sankaracarya viết, và tác phẩm Sankara-digvijayam do Madhava (thế kỷ mười bốn) viết. Thực vậy, Madhava Acharya xác nhận rằng, với sự xúi dục của Kumarila Bhatt, Suddhanvan ra lệnh giết chết tất cả tín đồ Phật Giáo từ Ramesvaram đến vùng Hy mã lạp sơn. Ông còn ra lệnh nếu ai không giết tín đồ Phật Giáo sẽ bị xử tử.

Sankaracarya, một vị thầy Vedanta, cũng chịu trách nhiệm trong việc đàn áp Phật Giáo. Thật vậy, ông đã gieo sự khũng bố trong tâm tín đồ Phật Giáo. Theo truyền thống Tây Tạng, khi ông đến, tín đồ Phật Giáo trong các chùa bắt đầu phân tán tứ tung. Chính ông đã có lần viết trong Bhashya của kinh Phạm Thiên rằng: Phật Ðà là một kẻ thù của quần chúng và đã dạy những điều mâu thuẫn và lộn xộn.

Cách thức người Ấn Ðộ Giáo xử dụng để đẩy Phật Giáo ra khỏi nơi sinh sản ra nó được soi sáng trong câu chuyện thần thoại Gaya Asura ghi trong Gaya Mahatmya, một phần trong Thánh thư Vaya. Theo huyền thoại nầy, Gaya Asura (con quỉ) đạt được quả vị thần thánh đến mức độ bất cứ ai thấy hay chạm được nó là sanh về cỏi trời. Yama, vua Diêm Vương, nổi lòng đố kỵ, cầu chư thần giảm bớt năng lực của Gaya Asura. Các vị thần đợi Gaya và xin nó bố thí sự trong sạch và thân thể thánh thiện của nó để tế lễ. Ðáp ứng lại điều đó, Gaya đến và nằm xuống, cái đầu đặt tại vị trí xưa là Gaya. Các thần đặt một tảng đá trên đầu nó. Nhưng điều đó chưa đủ chứng minh nó có thể nằm yên. cuối cùng Gaya Asura trở nên bất động khi thần Vishnu ngồi trên tảng đá để giữ không cho nó cử động, và hứa rằng tảng đá trên đầu nó sẽ được tuyên dương, là nơi linh thiêng nhất trên trái đất; chư thiên sẽ nghỉ trên tảng đá đó; chỗ đó sẽ được đặt tên là Gaya-Kashetra; và rằng ai cúng dường bánh trong tang lễ và thực hành tang lễ ở đó thì chính mình được phước và làm cho tổ tiên được sinh lên trời, nơi của Phạm Thiên.

Câu chuyện về Gaya Asura xưa đến độ nào chúng ta khó biết. Dù luận điệu của những người Ấn Ðộ Giáo chính thống về sự cổ xưa của Gaya như thế nào, chúng ta thấy rõ rằng thành phố Gaya đã được nâng lên địa vị như ngày nay trong thế giới Ấn Ðộ Giáo chỉ sau khi Phật Giáo suy sụp ở Ấn Ðộ.

Theo quan điểm của tiến sĩ Rajindralah Mitra, một học giả với tầm nhìn về lịch sử có một không hai, câu chuyện thần thoại khó tin trong Thánh thư Vayu hàm chứa một biểu tượng về sự chiến thắng cuối cùng của Bà La Môn giáo đối với Phật Giáo, tôn giáo đã từng nẩy nở mạnh mẽ trong và quanh Gaya suốt nhiều thế kỷ. Xin trích một đoạn của ông:

– Những người Ấn Ðộ Giáo tin rằng câu chuyện nầy là có thật theo nghĩa đen, nhưng tiến sĩ Buchanan gọi đó là một chuyện thần thoại quái đản và có thể là vậy. Thoạt nhìn qua không có gì có thể hồ đồ và ngu xuẩn hơn câu chuyện nầy; nó vi phạm mọi ý nghĩa khuôn phép, và ngay cả giá trị về tính chân thật trong sự kể chuyện của nó cũng không có. Ðồi Brahmayoni, cũng là núi Kalahala, dài ba dặm, và tưởng tượng đặt trên đó một người 125 yojan (do tuần) hay 576 dặm bề cao, và 268 dặm chu vi không thể nào làm được, cho dù là người có đầu óc nghèo nàn nhất cũng nhận được. Một chiếc đầu một dặm chu vi trên một cơ thể 576 dặm cao, cũng giống như cây kim nằm trên cơ thể của một người bình thường. Sự vô dụng của các thần để giữ một con ma đang nằm và những cố gắng vô ích của họ để giữ con ma không cựa quậy, quả thật trẻ con. Và trong trường hợp nầy, một vấn đề được đặt ra: Làm thế nào tác giả của thánh thư Vayu trong đó Gaya Mahatmya là một bộ phận, tạo ra một câu chuyện quá trẻ con để bảo đảm sự tôn kính và sùng bái của số đông quần chúng đối với địa danh nầy? Ông không thiếu sự thông minh, vì ông đã thảo luận những vấn đề triết học khó hiểu với tài xử trí và khéo léo đáng lưu ý. Cũng vô lý và không thật khi nói rằng ông không thể phân biệt sự hợp lý với tính trẻ con và hàm hồ. Vì vậy, coi câu chuyện nầy như là một thứ hồ đồ, theo ý tôi, là một kết luận vội vàng, và là dấu hiệu của sự thiếu kiên nhẫn. Chúng tôi cần đứng trên quan điểm của một sử gia triết học để giả thiết rằng có một cái gì đó bí mật dấu sau lớp vỏ bên ngoài của câu chuyện; với một ý nghĩa bí mật. Tôi tin tưởng, điều nầy dễ nhận thấy, câu chuyện nầy là một phúng dụ về sự thành công của Bà la môn giáo đối với Phật Giáo:

– Gaya được gọi là một Asura, thông thường có nghĩa là người khổng lồ, một ma quỷ, một con ma dụ dỗ, một người chửi rủa các thần và tôn giáo; nhưng nó không được vẽ ra như vậy. Nó không ham mê trong tội lỗi, không làm thương tổn ai, và không chống lại các thần cũng như tôn giáo bằng lời nói hay hành động. Ngược lại, nó được diễn tả là một người sùng kính Vishnu, hiến mình cho sự sám hối nghiêm nhặt, và những cuộc thiền định kéo dài, và cho những yêu cầu làm trong sạch tột cùng thể xác và tâm hồn; một người mà chỉ chạm đến là có thể rửa sạch những tội lỗi lớn nhất của con người và được sinh vào cõi trời. Sự buộc tội nghiêm trọng nhất đối với y là đã làm sự cứu rỗi quá đơn giãn và ngắn gọn. Trong trường hợp của y, vì vậy, sự việc chỉ có nghĩa là y đã không theo tín ngưỡng của người Bà la môn, cũng không theo đường hướng của họ, tóm lại y là một người dị giáo. Tính chất nầy đã luôn luôn được gán cho những người lãnh đạo trong khối Phật Giáo. Họ sùng tín, họ biết sống khổ hạnh, họ hết lòng dấn thân vào sự sám hối và thiền định; nhưng họ tránh xa sự tế tự và những cuộc lễ của người Bà La Môn, và vì vậy Gaya có thể được coi như sự nhân cách hóa Phật Giáo. Thân thể của nó đo được 576 x 268 dặm, và khu vực từ Kalinga đến Hy mã lạp sơn, và từ Trung Ấn đến Bengal, khu vực mà Phật Giáo đã lan tràn trong thời gian câu chuyện được viết ra bao trùm khắp không gian đó, và còn hơn nữa. Tổng hành dinh của Phật Giáo là Gaya; và thị trấn Gaya, ngay cả ngày nay, có bề rộng vừa một dặm. Cố gắng của các thần để đặt xuống chiếc đầu của con ma là một điển hình cho cố gắng của người Ấn Ðộ Giáo tấn công Phật Giáo ở trung tâm gây cảm hứng cho nó, trung tâm đầu não, và đòn gậy của Vishnu chỉ cho phương sách đã dùng để tấn công khi sự thuyết dụ không đạt được kết quả cuối cùng. Tảng đá tôn giáo được đặt lên đầu của kẻ không theo đạo, sức mạnh của các thần giữ nó cố định và không thể lay chuyển. Cũng chính là phúc lành của chư thần đã thánh hóa cái nôi của Phật Giáo trở thành một nơi tôn nghiêm của tín ngưỡng Ấn Ðộ Giáo. Chúng ta biết quá rõ về những phương tiện được dùng đến ở Puri, Bhuvnesvana, và những nơi khác để biểu hiện những biểu tượng Phật Giáo. Những nơi thiêng liêng của Phật Giáo, và ngay cả những tượng Phật Giáo có ích cho sự lễ bái của Ấn Ðộ Giáo, và không vô lý một chút nào khi giả thuyết cùng một tiến trình đã được xử dụng tại Gaya.

Ngoài sự đàn áp của vua chúa và tôn giáo, Phật Giáo còn là đối tượng đàn áp và tẩy chay của xã hội. Chúng ta thấy rõ rằng khi Phật Giáo bắt đầu suy tàn, người Ấn Ðộ Giáo đã lợi dụng sự nghèo khó của tín đồ Phật Giáo, cho phép họ vào lại cộng đồng Ấn Ðộ Giáo nhưng lên án họ là những người Không Thể Chạm Ðến, ghép vào giai tầng thấp nhất, ở ngoài bốn giai cấp của Ấn Ðộ Giáo. Họ hoàn toàn bị rút phép thông công với xã hội, và bị gán cho danh hiệu là Pariah, Pamchama, Avarna, Ati-Shudra là những người mà chỉ chạm vào hay chạm vào bóng là có thể làm ô uế giai cấp Ấn Ðộ Giáo. Họ bị buộc phải sống ở bên ngoài làng và đã là mục tiêu cho nhiều chứng bịnh xã hội. Họ bị từ chối khả năng học hành, và chỉ có thể làm những nghề nghiệp thấp thỏi hèn hạ. Không những họ bị cấm không được xử dụng nước giếng, hồ chứa nước, và những nơi công cộng, họ còn không có quyền có sở hữu. Tóm lại, họ bị coi là những người nô lệ, họ không có chọn lựa nào khác hơn là phục dịch cho những cái gọi là giai cấp cao hơn mà không có một phần thưởng nào. Chúng ta không nghi ngờ, khi bị đè dưới gánh nặng của nghèo nàn, cộng với sự đàn áp và bốc lột của xã hội, những đệ tử của Ðức Phật đã quên di sản huy hoàng của họ và cam chịu số phận đau thương. Sự đối xử lỗ mãng đối với người Không Thể Chạm Ðến, ngày nay là những giai cấp phụ bởi giai cấp Ấn Ðộ Giáo chỉ có thể được giải thích, đó là kết quả của thành kiến và thù ghét của họ đối với Phật Giáo. Bằng không, tại sao một khối người lớn lao lại bị tước đoạt phương tiện và bị nguyền rủa là Không Thể Ðến Gần, Không Thể Nói Chuyện, và Không Thể Va Chạm.

Việc những Người Không Thể Chạm Ðến, hay là những Giai Cấp Phụ ở Ấn Ðộ ngày nay là những tín đồ Phật Giáo ngày xưa có thể được chứng minh:

– Ðầu tiên, hầu hết những phong tục và tính chất của họ nền tảng là Phật Giáo.

– Thứ hai, họ không quan tâm nhiều đến những thần linh Ấn Ðộ Giáo. Giống như tín đồ Phật Giáo, họ thờ phụng Ðức Phật, vị Thầy vĩ đại nhất của họ và họ tôn thờ những vị Thầy như Ravidas, Chokhamela, Kabir, v.v. Như vậy, giống như tín đồ Phật Giáo, họ là những người Gu-bhaju, những người tôn thờ Thầy, chứ không phải là những Dev-bhaju, những người thờ phụng thần linh như trong trường hợp những người Ấn Ðộ Giáo.

– Thứ ba, một vài giai cấp phụ ở Punjab, Himachal Pradesh, Delhi, và Rajasthan tự xưng là Ad-Dharmi hay Adi-Dharmi. Chữ Ad có nghĩa là cổ, xưa hay nguyên thủy và người Ad-Dharmi tin tưởng rằng họ là tín đồ của một tín ngưỡng cổ xưa. Không nghi ngờ rằng những từ như Ad-Dharmi hay Adi-Dharmi có mầm giống Phật Giáo vì chúng tương tự những thành ngữ Phật Giáo như Adi-Buddha và Adi-Dharma mà theo truyền thống Ðại thừa, chúng biểu thị cho trí tuệ hay Tâm và Vật. Hơn nữa, những tín đồ Phật Giáo từ lâu đời đã gọi tôn giáo của họ là Dharma hay Saddharma, và những tín đồ Phật Giáo ở Orissa gọi họ là Mahima Dharmi (những tín đồ của Giáo Pháp đáng tán dương).

Thật vậy những người nầy đã là những tín đồ Phật Giáo trong quá khứ. Ðiều xảy ra sau nầy dường như là do sự đàn áp và không được học hành, họ đã quên tên Phật Ðà hay có thể họ từ bỏ tên của Ðấng Pháp Vương để không còn chịu gian khổ như Achyutananda một thi sĩ ở Orissa vào thế kỷ thứ mười sáu, an ủi họ bằng cách nói rằng: vì sự đáng ao ước trong Kaliyuga mà những tín đồ Phật Giáo phải cải trang.

Sự xâm nhập của người Hồi Giáo đẩy mạnh sự điêu tàn của Phật Giáo trên đất Ấn. Khi người Hồi Giáo đến, họ có hai đối tượng trước mắt:

– Thứ nhất là nắm quyền chính trị,

– Thứ hai là truyền bá Hồi Giáo.

Ðể đạt được mục đích thứ hai, họ có kế hoạch khử trừ những đền chùa Phật Giáo và Ấn Ðộ Giáo, các tăng sĩ và thầy tế của Bà La Môn, vì chúng là những kho tàng tư tưởng tôn giáo. Họ có khuynh hướng chống những tu sĩ Phật Giáo, những người đã truyền bá thông điệp bình đẳng do đức Như Lai dạy. Khuynh hướng nầy được trù hoạch vì người Hồi Giáo, thấy rằng họ gặp khó khăn trong việc truyền dạy thông điệp tiên tri của họ về bình đẳng dưới quan điểm của những giáo lý tương tự như của Ðức Phật. Do đó, những người Hồi Giáo cuồng tín san bằng các tu viện, và thủ tiêu hầu hết các tăng sĩ trong tu viện đó. Thiểu số may mắn thoát khỏi lưỡi gươm của Hồi Giáo, họ phải chạy trốn để giữ mạng và tìm nơi ẩn náu ở những nước láng giềng. Hai ông vua Hồi Giáo đáng chú ý đã tàn phá những nơi thiêng liêng của Phật Giáo là Mahmud Gazinavi và Bakhtiaruddin Khilji. Ông vua trước đã cướp bóc những chùa chiền ở Kot Kangra (Mimachal Pradesh) vào thế kỷ thứ mười, và ông vua sau đã phá hũy những tu viện Nalanda, Vikramasla, và Odentapuri là những trụ sở sống động cho đến thế kỷ thứ mười hai. Nói về sự xâm lăng của Hồi Giáo, tiến sĩ Ambedkar nói:

– Những người xâm lăng Hồi Giáo cướp phá những Ðại Học kể ra một số ít là Nalanda, Vikramasila, Jagaddala, Odantapuri. Họ nhổ tận nền những tu viện Phật Giáo rãi khắp nơi trong nước. Tăng sĩ hàng ngàn người chạy trốn qua nước Nepal, Tây Tạng, và những xứ ngoài Ấn Ðộ. Một số rất lớn bị giết bởi những người lính Hồi giáo. Tu sĩ Phật Giáo bị tàn hại dưới lưỡi gươm của những người xâm lăng Hồi giáo như thế nào đã được các sử gia Hồi Giáo ghi lại. Tóm tắt tài liệu liên quan đến sự tàn sát tu sĩ Phật Giáo của tướng Hồi Giáo gây ra ở Bihar khi ông đem quân xâm lăng vào năm 1197 sau Tây lịch, Ông Vincent Smith viết:

– Tướng Hồi Giáo đã làm cho mọi người biết tên ông trong lúc khủng bố bằng những cuộc viễn chinh cướp bóc nhiều lần ở Bihar, chiếm đoạt kinh đô bằng những trận đánh táo bạo. Sử gia đương thời, gặp một trong những người sống sót trong toán tấn công vào năm 1243 sau Tây lịch, và được cho biết là pháo đài của Bihar bị chiếm lấy do một nhóm quân chỉ gồm hai trăm kỵ binh, họ lao vào cửa Ðông một cách dũng cảm và chiếm lấy vị trí. Một số lượng lớn đồ cướp bóc được thu thập và sự tàn sát những ỔNgười Bà La Môn Ðầu TrọcỖ, chỉ những tu sĩ Phật Giáo, hoàn toàn hoàn tất, và khi người chiến thắng tìm một người có thể giãi thích được những sách trong thư viện các chùa, thì không còn tìm được một người nào còn sống để có thể đọc những sách đó. Chúng tôi được cho biết rằng: ỔNgười ta khám phá ra rằng toàn bộ pháo đài ở thành phố đó là một trường cao đẳng, và theo cách nói của người Ấn Ðộ Giáo thì họ gọi là trường Bihar.

Sự tàn sát giới tu sĩ Phật Giáo do những người Hồi giáo xâm lăng gây ra là như vậy. Vì muốn tiêu diệt Phật Giáo, nên Hồi Giáo giết giới tu sĩ Phật Giáo. Ðó là cuộc khủng bố lớn lao nhất làm cho tôn giáo của Phật Ðà suy tàn ở Ấn Ðộ. Tôn giáo cũng giống như ý thức hệ khác, có thể được duy trì chỉ bằng sự truyền bá. Nếu sự truyền bá thất bại, tôn giáo phải biến mất. Lưỡi gươm của Hồi Giáo gieo mạnh xuống giới tu sĩ. Họ bị tiêu diệt hay trốn thoát ra nước ngoài. Không còn ai ở lại để thắp sáng ngọn lửa Phật Giáo.

Một số hành giả Ấn Ðộ Giáo lợi dụng tình trạng người Hồi Giáo gây ra trong việc xâm chiếm những nơi thờ phụng của Phật Giáo ở Bihar được Dharmasvamim, một người hành hương Tây Tạng viếng Bihar khoảng ba thế hệ sau cuộc tai biến, diễn tả một cách sống động. Theo ông Ratnabodhi, thư viện lớn nhất ở Nalanda, thoát khỏi sự tàn phá dưới bàn tay người Hồi Giáo, đã bị những khất sĩ Ấn Ðộ Giáo đốt cháy. Ông nói:

– Họ (những người Ấn Ðộ giáo) thực hiện một Yana, lễ tế lửa, và liệng những than hồng và tro lấy từ hầm tế vào những ngôi chùa Phật Giáo, v.v. Ðiều nầy gây nên một đám cháy lớn thiêu rụi Ratnabodhi, thư viện chín tầng của Ðại Học Nalanda.

Việc những kẻ đối lập Phật Giáo trong hàng ngũ Ấn Ðộ Giáo đã không lùi bước trong việc tàn phá những nơi thiêng liêng của Phật Giáo, ở những nơi khác cũng được thấy rõ từ những đống tro tàn, những hình ảnh bị đốt cháy, và xương của những tăng sĩ được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Sarnath và vùng phụ cận. Rõ ràng, các chùa bị thiêu hủy do những người cuồng tín và việc nầy dường như đã xãy ra nhiều lần, như thiếu tá Kittoe, người tiến hành công việc khai quật ở Sarnath vào năm 1851 đã nói:

– Tất cả mọi thứ đều bị cướp phá và thiêu hủy, tu sĩ, chùa, tượng, tất cả cùng với nhau, vì ở một số nơi, xương, sắt, gỗ, và đá được tìm thấy từng khối lớn, và việc nầy xảy ra nhiều lần.

Sự suy tàn của những trung tâm Phật Giáo thổi đến một ngọn gió định mệnh cho tín đồ Phật Giáo, họ không thể phục hồi trở lại nền tảng đã mất. Vì vậy, trải qua những thế kỷ kế tiếp, Phật Giáo một mặt bị chính những người hâm mộ nó thờ ơ, và mặt khác, hàng ngàn chùa chiền của nó bị những kẻ đối lập hủy diệt, cướp bóc hay chiếm đoạt. Những công trình Phật Giáo tiếp tục bị tiêu hủy, cướp bóc trong nhiều thế kỷ chỉ vì vật chất, sẽ được cho thấy rõ ràng với một vài trích dẫn sau đây:

1) Ngôi tháp tráng lệ Bharut ở Madhya Pradesh, từ đó nó được gọi tên và nổi tiếng khắp thế giối về những mẫu tinh vi nhất của Nghệ Thuật và Ðiêu Khắc Ấn Ðộ vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, đã bị những người địa phương ngu dốt kéo sập chỉ để lấy gạch làm nhà riêng của họ. Cunningham, người đã khám phá và khai quật ngôi tháp nầy vào năm 1873-74, nói rằng làng ngày nay là Bharhut gồm đến hai trăm ngôi nhà đều hoàn toàn được xây bằng gạch lấy từ ngôi tháp này. Việc làm của dân làng Bharhut làm cho những làng lân cận bắt chước. Họ tháo dở một số lớn những cột trụ và chấn song mang về dựng nhà của họ. Cunningham đã khám phá ra sáu cây trụ ở làng kế bên là Batanmara và tám trụ ở Pathora. Ông cũng khám phá ra một số những tảng đá điêu khắc từng các chấn song của tháp trong hầu hết các làng rộng lớn xung quanh Bharhut, đặc biệt là ở Uchahara, Batamara, Pathora, và Madhogarh (hay Patharhat).

2) Tháp Dharmarajika ở Sarnath bị Jagat Singh tháo dỡ vào năm 1794 chỉ để lấy gạch xây chợ ở Varanasi. Chợ nầy ngày nay được biết đến với tên là Jagatganj. Trụ của vua A-Dục cũng bị đập vỡ.

3) Về ngôi tháp danh tiếng Amaravati ở Andhra Pradesh, V.R. Narla, một người có thẩm quyền về nghệ thuật Phật Giáo ở Andhra, nói:

– Hầu hết những tàn tích ngày nay đều rủi ro không còn. Ngay cả vào thời Ðại tá Colin Mackenzie người đã thấy tháp Amaravati vào cuối thế kỷ thứ mười tám, nhiều tảng đá hoa điêu khắc đã bị tiêu hủy. Chúng bị đào lên và đốt thành vôi do người cầm đầu ở nơi đây, người nầy vào năm 1797 đã dời tổng hành dinh về Amaravati, đám tro tàn của nó mang nhiều tính chất lịch sử và được truyền thống thánh hóa, và làm một sự cố gắng yếu ớt để dựng một thành phố mới gần chùa Amaresvara. Và ngay cả những tác phẩm điêu khắc thoát khỏi sự phá hoại văn hóa nầy, ngày nay cũng bị phân rải nhiều nơi.

4- Vào năm 1840, ngôi tháp Phật Giáo ở Gudivada trong xứ Andhra Pradesh bị phá hủy để lấy vật liệu sửa sang con đường giữa Bezwada và Bandar. Ðề cập đến sự phá hoại văn hoá nầy, ông Rea nói:

– Thật là hối tiếc, tất cả những công trình nầy đã phải chịu hủy hoại bởi những bàn tay của những người cầm vật liệu để xây dựng đường và những công việc tương tự. Mặc dù những công trình kiến trúc cổ xưa nhất còn tồn tại một nền văn minh cổ, tính chất thái cổ của chúng không có sự bảo vệ cho chúng khỏi những bàn tay tước đoạt.

PHẬT GIÁO BỊ ÐỒNG HÓA

Ðể đối đầu tương xứng với Phật Giáo, Ấn Ðộ Giáo đã sớm tiến hành việc sửa đổi và tự biến dạng. Về việc nầy họ đã vũ trang hệ thống của họ bằng những tính chất tốt đẹp của Phật Giáo cả trong lý thuyết và thực hành. Trong tiến trình cải cách nầy, người Ấn Ðộ Giáo tiếp nhận lý tưởng Bất Sát (Ahimsa) và từ bỏ việc tế súc vật; và cũng bắt đầu tổ chức theo cách thức trong các tu viện Phật Giáo. Xa hơn, để chấm dứt việc đấu khẩu lâu dài và khó khăn để giành phần thắng của những tín đồ của hai tôn giáo, Ðức Thích Tôn được họ đặt vào trong các thần Ấn Ðộ Giáo, như là một Hóa Thân (Avatara) của thần Vishnu. Và điều nầy được công bố trong quảng đại quần chúng do các tác giả Purana. Bên cạnh thánh thư Varaha, nói rằng nhờ tuân theo lời nguyện của Buddhavadasi, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) đã được thần Vishnu xuống làm con dưới hình tướng Phật Ðà. Ðức Phật đã bị coi là một Avatara của Vishnu trong Matsya, Bhagavata, Garuda, và Linga Purana. Không chỉ vậy, những người thờ thần Shiva tiếp thâu những yếu tố tu viện và chiêm nghiệm của Phật Giáo, và những người thờ thần Vishnu tiếp thâu những yếu tố sùng bái và nhân đạo của Phật Giáo để bảo đảm tính phổ biến trong quần chúng. Những người thờ thần Vishnu còn sửa đổi thái độ của họ về vấn đề hệ thống giai cấp. Họ chấp nhận nó như là một thể chế xã hội, không chuyên chở một sự theo đuổi tôn giáo hay tâm linh nào. Như tiến sĩ Radhakrishnan nói:

– Một tiến trình thâm nhập và sửa đổi từ từ đã phát triển, như việc ủng hộ thuyết cho rằng Ðại Thừa Giáo chỉ là một giai đoạn phân phái trong trào lưu lớn những người thờ thần Vishnu, Tiểu Thừa Giáo, với tính chất khổ hạnh nhiều hơn, được coi như một phái của người thờ thần Shiva. Khi tín ngưỡng Bà La Môn khắc sâu tình thương mọi loài và sùng bái thần linh và tuyên bố rằng Ðức Phật là hóa thân của Vishnu, hồi chuông báo tử của Phật Giáo ở Ấn Ðộ đã vang lên.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN BÊN TRONG

Bên cạnh những nguyên nhân bên ngoài, chắc chắn là những nguyên nhân chính cho sự thoái hoá và biến mất của Phật Giáo, còn có một số ít những hạn chế và lầm lỗi bên trong cũng đã làm cho sự biến mất cuối cùng của Phật Giáo trên quê hương nó xảy ra một cách nhanh chóng.

Chúng ta phải thừa nhận rằng chính những tín đồ Phật Giáo lãnh phần trách nhiệm lớn cho số phận đáng buồn của tôn giáo của họ. Ðức Phật đã vạch ra con đường cho các vị Tỳ kheo không những là người đi tìm sự giác ngộ bằng thực hành những giới luật đạo đức và tâm linh, nhưng cũng là người phụng sự xã hội hay là người bạn, triết gia và người hướng đạo cho quần chúng. Ðức Phật là một vị thầy tôn giáo đầu tiên ở Ấn Ðộ, hay nói đúng hơn là toàn thế giới, cổ vũ những đệ tử của mình đi và đi khắp nơi vì hạnh phúc và lợi ích của nhiều người. Thêm nữa, Ngài là người đầu tiên đưa ra lý tưởng hy sinh, quên mình và phục vụ cho kẻ khác. Ngài nói rằng một Tỳ kheo phải xin ăn, phải sống bằng vật bố thí, phải hạn chế chỉ ăn ngày một bửa. Theo những lời dạy của Thầy những vị Tỳ Kheo đầu tiên đã đạt đến những tiêu chuẩn cao nhất của lòng kính tín, hy sinh và phụng sự. Ðiều nầy đã thành tựu rực rỡ và làm cho Phật Pháp trở thành một tôn giáo phổ biến và được tôn kính nhất ở Ấn Ðộ. Nhưng bất hạnh thay, các tăng sĩ về sau đã không giữ những tiêu chuẩn dành cho họ. Khi các tu viện trở nên giàu có, thì hoạt động chính của họ được coi là đào sâu việc nghiên cứu từ chương thay vì truyền bá Giáo Pháp, tăng sĩ đánh mất sự giao hảo gần gũi với quần chúng, và tương quan giữa tăng sĩ và cư sĩ bị thụt lùi. Các vị Tỳ Kheo trở nên xao lãng và thụ động đối với những mục đích thực tiễn. Ðiều nầy làm cho Phật Giáo suy yếu. Tình trạng Tăng Già trong những năm chấm dứt thời kỳ vinh quang của Phật Giáo tại Ấn Ðộ có thể được đánh giá từ những điều mà Cunningham, một nhà khảo cổ, thám hiểm, và học giả vĩ đại nhất nói vấn đề nầy. Ông nói:

– Phật Giáo đã thật sự trở nên một tín ngưỡng già nua và kiệt lực, những vị khất sĩ không còn đi khất thực, nhưng từ lâu đã được hổ trợ bằng đất đai dành riêng cho các tu viện. Các vị Sa Môn và Tỳ Kheo không giống như những người của thời xưa, những người uyên bác và trí tuệ, sự tiết độ về thân xác và sự nhứt tâm thiền quán cộng với những chủ trương thực tiễn và gương mẫu trong sạch, đã kích thích lòng sùng kính của quần chúng. Những tín đồ Phật Giáo hiện đại rơi vào tình trạng mục nát, họ bằng lòng sống một đời sống thụ động trong những công việc tẻ nhạt hằng ngày của đời sống tu viện, nơi đó còn một vài dấu hiệu tôn giáo bề ngoài; nhưng không còn sự tha thiết nồng nhiệt trong sinh hoạt thiếu sinh khí của những công việc tẻ nhạt hằng ngày đó, và lòng hăng say đã có thời đốt cháy trong tim của mỗi người tu sĩ Phật Giáo trong việc truyền bá tôn giáo của họ đã dập tắt từ lâu.

Trong những ngày xa xưa, tăng sĩ và tu viện là huyết mạch của Phật Giáo. Nó nẩy nở, bao giờ những tu viện còn, các tăng sĩ còn cẩn trọng. Một khi các tăng sĩ trở nên thờ ơ và đánh mất cái tầm nhìn vào sứ mệnh của họ, Phật Giáo suy tàn. Và khi các tu viện làm mồi cho sự phá hoại văn hoá, Phật Giáo đi đến chỗ sụp đổ hoàn toàn. Rất nhiều sách vở Phật Giáo, hầu hết được cất giữ trong các tu viện, cũng hoàn toàn biến mất ở Ấn Ðộ do sự phá hủy các tu viện. Lý do là những tín đồ Phật Giáo không có tổ chức cư sĩ để giảng dạy, truyền bá, và bảo vệ tôn giáo của họ. Với sự thiếu vắng những tổ chức như vậy, họ chỉ đứng nhìn mà không giúp được gì khi các tu viện bị cướp phá, xúc phạm và các tăng sĩ bị trục xuất hay giết hại.

Sự thiếu vắng những tập quán và nghi thức cho những cuộc lễ lộc trong xã hội như đám cưới, v.v. của Phật Giáo cũng là một trong những yếu tố làm cho Phật Giáo suy tàn ở Ấn Ðộ. Ðức Phật chống lại chủ nghĩa nghi thức, cũng như độc quyền của những người Bà La Môn là giai cấp thầy tế, không cho phép những tăng sĩ hành động như những thầy tế trong những cuộc lễ có tính cách xã hội. Cũng không có những cuộc lễ đặc biệt về sinh nhật, cưới hỏi, v.v. được đề ra. Như vậy giới cư sĩ tiếp tục thực hành theo những phong tục và lễ lộc đang lưu hành, phần lớn do những người Bà La Môn đề ra. Thái độ không xen vào của Phật Giáo, như tiến sĩ Joshi nói:

– Mặc dù giúp cho sự truyền bá tôn giáo được trôi chảy, đã đem đến kết quả trên chặng đường dài làm suy giãm ảnh hưởng của nó trong xã hội.

Một nguyên nhân bên trong khác, lót đường cho sự suy tàn của Phật Giáo, là sự chiều chuộng quá đáng của những tín đồ đại thừa nhiệt tình đối với những sự mê tín của Ấn Ðộ giáo. Ðể truyền bá rộng tín ngưỡng của họ, không những họ đã nhân lên và thần thánh hóa Ðức Phật, lại còn đưa một số thần và nữ thần Ấn Ðộ Giáo vào làm các vị thần Phật Giáo, dưới dạng những Bồ Tát để nhân cách hóa những năng lực của Phật Ðà. Việc nầy làm cho Phật Giáo không còn khác biệt, ngọai trừ tên gọi, với các thần thánh Ấn Ðộ Giáo, sự khác biệt giữa hai tôn giáo bị xóa bỏ. Và khi Ấn Ðộ Giáo đưa Ðức Phật vào danh sách các thần của họ để chứng minh rằng Phật Giáo là một phái của họ. Phật Giáo đánh mất tính riêng biệt.

KẾT LUẬN

Mất sự bảo trợ của giới vua chúa có thể được coi là một nguyên nhân khác làm sự suy tàn của Phật Giáo mau chóng. Ví dụ, phải trên hai trăm năm để Phật Giáo mọc những chiếc rễ vững chãi và có được hình thái của một trào lưu giãi phóng xã hội lớn trên quê hương của nó. Việc nầy xảy ra với sự ra đời của vua A Dục (Ashoka) vào thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Tuy nhiên trong vòng năm mươi năm vua A Dục qua đời vào năm 232 trước Tây lịch, Ðế quốc Khổng Tước (Maurya) sụp đỗ và Phật Giáo mất sự bảo trợ của giới vua chúa chỉ trở lại 300 năm sau với sự ra đời của Ca Nhị Sắc Ca (Kanishka) vào năm 78 sau Tây lịch. Với sự sụp đỗ của vương triều Quý Sương (Kushana) vào thế kỷ thứ hai sau Tây lịch, Phật Giáo lại mất sự bảo trợ của giới vương giả. Giai đoạn sau Quý Sương là một giai đoạn rối ren chính trị, cuối cùng đã đưa đến sự nổi lên của vương triều Cấp Ða (Gupta) ở nước Ma Kiệt Ðà (Magadha). Những vị vua của vương triều Cấp Ða là những người theo Bà La Môn giáo và triều đại của họ được đánh dấu là đã làm phục hồi Bà La Môn giáo. Người bảo trợ có quyền hành cuối cùng cho Phật Giáo là vua Giới Nhật (Harsha) nắm quyền vào năm 606 sau Tây lịch, có nghĩa là năm trăm năm sau vua Ca Nhị Sắc Ca. Sau khi vua Giới Nhật mất vào năm 647, Phật Giáo lại mất sự bảo trợ của giới vương giả, và không bao giờ có lại được sự bảo trợ trên một phạm vi rộng lớn. Một khi sự bảo trợ của giới vua chúa không còn, và bị thay thế bằng sự đàn áp của giới vua chúa và tôn giáo, thành lũy cuối cùng của Phật Giáo sụp đổ nhanh chóng hơn có thể tưởng. Những gì còn lại chưa bị những người phản động Ấn Ðộ Giáo phá hủy hết lại bị dẹp sạch bởi những người cuồng tín Hồi Giáo. Như một nhà văn đã viết:

– Màn cuối cùng trong vở kịch Phật Giáo trên sân khấu đất mẹ của nó, bắt đầu bị khủng bố, và chấm dứt trong câm lặng, một sự câm lặng lãng quên. Những nơi thiêng liêng đổ nát, bị rừng rậm che khuất, chùa chiền của nó chuyển sang tôn giáo khác. Ðức Phật biến mất trong đám đông các thần Ấn Ðộ Giáo và ra khỏi ký ức của con người.

Dù lý do nào đưa đến sự suy tàn và biến mất của Phật Giáo khỏi đất nước Ấn Ðộ đi nữa, một việc chắc chắn đó là điều bất hạnh nhất khi tôn giáo của Ðức Phật, một tôn giáo hoàn cầu đầu tiên, đánh mất ảnh hưởng trên đất tổ của nó. Sự việc nầy xảy ra, Ấn Ðộ đã phải trả một giá rất đắt, đó là sự thật lịch sử. Nước Ấn Ðộ sung mãn cho đến khi Phật Giáo vẫn còn là một tôn giáo sống động, và khi Phật Giáo suy tàn, Ấn Ðộ đã mất đi tinh thần tự do, danh tiếng giảm sút, và sự tiến bộ bị ngăn trở.

Nguồn: http://quangminh.org.au/index.php?option=com_content&view=article&id=1163:vi-sao-pht-giao-suy-tan-ti-n-&catid=94:tim-hiu-pht-giao&Itemid=60

Literature Văn học Mỹ

PHÁC THẢO VĂN HỌC MỸ – Chương 7: Thi ca phản truyền thống Hoa Kỳ từ 1945

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Sau Chiến tranh Thế giới Thứ hai, một sự thay đổi lớn thoát khỏi quan niệm cho rằng các hình thức, nội dung truyền thống và lịch sử có thể mang lại ý nghĩa và tính liên tục cho cuộc sống con người đã hình thành trong trí tưởng tượng văn học đương đại khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. Những biến cố từ Chiến tranh Thế giới Thứ hai đã sản sinh ra nhận thức về lịch sử như là một chuỗi không liên tục: mỗi hành động, cảm xúc, và khoảnh khắc đều được xem là độc nhất. Phong cách và hình thức giờ đây hình như chỉ là nhất thời, tạm bợ, tự phản chiếu quá trình sáng tạo và sự tự nhận thức của tác giả. Những loại hình diễn đạt quen thuộc trở nên đáng nghi ngờ, tính sáng tạo đang trở thành một truyền thống mới.

Không khó khăn gì trong việc tìm ra những nguyên nhân lịch sử cho những tính cách nhạy cảm bị phân hóa này ở Mỹ. Đó là Chiến tranh Thế giới Thứ hai, sự trỗi dậy của một đám đông vô danh và chủ nghĩa tiêu thụ trong một xã hội đô thị tập trung, những phong trào phản kháng vào thập niên 60, cuộc chiến tranh chống Việt Nam kéo dài cả thập kỷ, chiến tranh lạnh, những hiểm họa môi trường – bản liệt kê những cú sốc của nền văn hóa Mỹ còn dài và đa dạng. Tuy nhiên, chính các phương tiện truyền thông và nền văn hóa đại chúng đã thay đổi về căn bản xã hội Mỹ. Đầu tiên là đài phát thanh rồi phim ảnh và giờ đây là sự hiện diện toàn năng, đồng thời ở khắp nơi của vô tuyến truyền hình đã làm thay đổi cuộc sống người dân Mỹ tận gốc rễ. Từ một nền văn hóa trí tuệ, học vấn cao, mang dấu ấn cá nhân chỉ dựa vào sách vở, đôi mắt và việc đọc, Hoa Kỳ đã trở thành một nền văn hóa dựa vào những phương tiện truyền thông hòa theo cung giọng trên radio, theo dòng nhạc của đĩa compact và băng cassette, phim và hình ảnh trên màn hình tivi.

Thơ ca Mỹ cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những nguồn thông tin đại chúng và kỹ thuật điện tử. Phim ảnh, băng video và băng cassette ghi âm những bài thơ và những cuộc phỏng vấn các nhà thơ đều có bán sẵn và những phương pháp in ấn sao chụp mới mẻ và rẻ tiền đã khuyến khích các nhà thơ trẻ tự ấn hành tác phẩm và các chủ bút trẻ cho ra mắt các tạp chí văn học – nay có khoảng hơn 2000 tờ. Từ khoảng cuối thập niên 50 đến nay người dân Mỹ ngày càng ý thức được rằng kỹ thuật vốn hết sức có ích vẫn bộc lộ những hiểm nguy qua một loạt hình ảnh gây ấn tượng lệch lạc. Đối với những người dân Mỹ ưa tìm kiếm những điều mới lạ, thơ ca có vẻ như gần gũi hơn trước đây: Nó mang lại cho con người cách diễn đạt đời sống chủ quan và nói lên ảnh hưởng của kỹ thuật và xã hội đại chúng lên mỗi cá nhân.

Kết quả là có rất nhiều phong cách ra đời. Một vài phong cách mang tính chất địa phương, vài phong cách kết hợp với các trường phái hay những nhà thơ nổi tiếng, ganh đua quyết liệt để thu hút sự chú ý. Thơ ca Mỹ đương đại được phân tán thành nhiều dòng, thay đổi thật phong phú, và không thể tổng kết được. Tuy nhiên, để tiện trao đổi bàn luận, nó có thể được xếp theo một hình quang phổ, tạo ra ba phần giao nhau – phần truyền thống ở một phía, phần đặc dị ở giữa, và phần thể nghiệm ở phía kia. Những nhà thơ truyền thống duy trì hay làm sống lại những truyền thống thi ca. Những nhà thơ đặc dị sử dụng cả những kỹ thuật truyền thống lẫn cách tân trong việc tạo ra những giọng nói riêng. Những nhà thơ thể nghiệm cố gắng đạt được những phong cách văn hóa mới.

TRÀO LƯU TRUYỀN THỐNG

Những nhà thơ truyền thống bao gồm các nhà thơ được công nhận bậc thầy trong cả thể loại và phong cách diễn đạt truyền thống. Họ làm thơ với một kỹ năng dễ nhận biết, thường sử dụng vần điệu hay một kiểu hiệp vần nhất định. Họ thường xuất thân từ bờ biển phía Đông hay phía Nam nước Mỹ và thường giảng dạy ở các trường đại học. Đó là Richard Eberhart và Richard Wilbur; những nhà thơ lão thành trong nhóm Fugitive như John Crowe Ranson, Allen Tate và Robert Penn Warren; những nhà thơ trẻ đầy tài năng như John Hollander, Richard Howard và Robert Lowell ở thời kỳ đầu là những gương mặt nổi bật. Họ đã được công nhận và tác phẩm của họ thường được chọn vào các tuyển tập thơ.

Chương trước ta đã nói đến sự trau chuốt, thái độ trân trọng thiên nhiên, và những giá trị trường tồn sâu sắc của những nhà thơ trong nhóm Fugitive. Những tính chất này đã làm tăng giá trị cho thơ ca hướng về truyền thống. Thơ của phái truyền thống thường chính xác, hiện thực và dí dỏm thông minh, chẳng hạn như Richard Wilbur (1921 -…), họ chịu ảnh hưởng bởi những tôn chỉ của các nhà thơ siêu hình Anh thế kỷ 15 và thế kỷ 16 đã được sự ủng hộ của T. S. Eliot.

Bài thơ nổi tiếng nhất của Wilbur, “A World Without Objects Is a Sensible Emptiness” (Một thế giới không vật thể là một khoảng trống nhạy cảm – 1950), tựa đề bài thơ lấy từ ý tưởng của Thomas Traherne, một nhà thơ siêu hình. Đoạn mở đầu sinh động của nó minh họa cho sự trong sáng mà một vài nhà thơ đã tìm được trong nhịp điệu và tính đều đặn hợp quy.

Những con lạc đà cao lớn của linh hồn
Ồn ào vượt qua lùm cây cuối cùng tiến vào sa mạc
Cùng với tiếng kêu của con châu chấu bay đến bọng mật
của mảnh đất khô cằn
Mặt trời. Chúng chậm chạp, tự hào.

Những nhà thơ truyền thống, không giống với nhiều nhà thơ theo trào lưu thể nghiệm, những người không tin cậy vào sự diễn đạt “quá nên thơ”, đã hoan nghênh những câu có âm hưởng đầy chất thơ. Robert Penn Warren (1905 – 1989) kết thúc một bài thơ bằng những từ “để yêu say đắm cái thế giới mà cuối cùng chúng ta có thể tin tưởng vào Thượng Đế”. Allen Tate (1899 – 1979) kết thúc một bài thơ như sau: “Người lính canh nghĩa địa tính đến cả chúng ta”. Những nhà thơ truyền thống đôi lúc cũng dùng lối diễn đạt có phần khoa trương đầy những từ cổ và kỳ lạ, dùng nhiều hình dung từ (ví dụ “con cú thảm sầu”) và đảo ngữ, trong đó trật tự của ngôn ngữ nói tự nhiên bị thay đổi một cách gượng ép. Đôi lúc cũng đạt đến sự tao nhã, như trong câu thơ trên của Warren, đôi lúc thơ có vẻ cứng ngắc với những giới hạn của cảm xúc giả tạo như trong câu của Tate: “Chạm một cách viển vông vào đường viền áo của người giáo sĩ”.

Một đôi khi, như trong thơ của Hollander, Howard và James Merrill (1926 -…) sự diễn đạt mang tính cách tự nhận thức kết hợp với sự hóm hỉnh, lối chơi chữ và những điển tích. Merrill thực sự đổi mới trong những đề tài về đô thị của mình, những câu thơ không theo vần, những đề tài riêng tư và một giọng thơ trò chuyện nhẹ nhàng, chia sẻ cách diễn đạt hóm hỉnh với những nhà thơ theo phong cách truyền thống như trong “The Broken Heart” (Trái tim tan vỡ – 1966), viết về một cuộc hôn nhân như thể nó chỉ là một ly cốc-tai:

Vẫn là câu chuyện xưa cũ ấy
Cha Thời Gian và mẹ Đất Lành
Cuộc hôn nhân có nguy cơ tan vỡ.

Sự lưu loát minh bạch và kỹ thuật phô trương bằng lời được một số nhà thơ sử dụng, như Merrill và John Ashbery, khiến cho họ thành công nhìn theo góc độ truyền thống, mặc dù thơ của họ đã định nghĩa lại thơ ca theo những cách đổi mới triệt để. Phong cách cao nhã duyên dáng làm cho một số nhà thơ có vẻ như mang âm hưởng truyền thống hơn trong thực tế, như trường hợp Randall Jarrell (1914 – 1965) và A. R. Ammons (1926 -…). Ammoms tạo nên những đối thoại đầy kịch tính giữa con người và thiên nhiên, còn Jarrell khai thác lĩnh vực nhận thức bị vướng mắc của những người bị tước đoạt quyền lợi: phụ nữ, trẻ con, những người lính thất vọng, như trong “The Death of the Ball Turret Gunner” (Cái chết của người lính pháo binh tháp Tròn – 1945):

Từ giấc ngủ của mẹ tôi, tôi rơi xuống tiểu bang
Và tôi cúi xuống cái dạ dày của nó cho đến khi bộ lông ướt của tôi đông giá
Thả mình từ giấc mơ của cuộc đời, tôi rơi từ độ cao 6 dặm
Tôi thức dậy do tiếng súng đen ngòm và những chiến binh ác mộng
Khi tôi chết người ta sẽ dùng vòi nước xịt tôi bắn ra khỏi tháp

Mặc dù nhiều nhà thơ truyền thống sử dụng vần điệu nhưng không phải tất cả thơ có vần điệu đều có chủ đề và giọng thơ truyền thống. Nhà thơ Gwindolyn Brooks (1917 -…) viết về những khó khăn khi sống trong những khu ổ chuột ở thành phố – chứ đừng nói đến chuyện viết lách. Bài thơ “Kichenette Building” (Nhà chung cư – 1945) của bà đặt câu hỏi:

Có thể chăng một giấc mơ bay lên qua làn khói mùi hành
Màu trắng và tím của nó chiến đấu với khoai chiên
Và rác thải ngày hôm qua đang chín ở hành lang…

Nhiều nhà thơ bao gồm Brooks, Adrienne Rich, Richard Wilbur, Robert Lowell và Robert Penn Waren bắt đầu viết theo phong cách truyền thống, sử dụng vận luật, nhưng đã từ bỏ tất cả điều này vào thập niên 60 dưới áp lực của những biến cố xã hội và một khuynh hướng tiến dần đến những hình thức cởi mở.

Robert Lowell
(1917 – 1977)

Là nhà thơ hiện đại có nhiều ảnh hưởng nhất, Robert Lowell khởi đầu sự nghiệp theo khuynh hướng truyền thống nhưng dần dần bị ảnh hưởng bởi trào lưu thể nghiệm. Bởi vì cuộc sống và sáng tác của ông là nhịp cầu nối thời gian giữa những bậc thầy trong trường phái hiện đại như Ezra Pound với những nhà thơ đương thời, nên sự nghiệp thi ca của ông hướng các nhà thơ theo khuynh hướng thể nghiệm sau này vào trong một khoảng trời rộng lớn hơn.

Lowell là khuôn mẫu điển hình của một nhà thơ kinh viện: người Da trắng, phái mạnh, theo đạo Tin lành từ thuở lọt lòng, học vấn cao, và có quan hệ mật thiết với giới hoạt động xã hội và chính trị. Ông là hậu duệ của một dòng họ thuộc giới được gọi là Brahmin trâm anh thế phiệt rất được trọng vọng ở Boston, đã góp cho đời nhà thơ nổi tiếng thế kỷ 19 – — James Russel Lowell – và một viện trưởng gần đây của đại học Harvard. Tuy nhiên, Robert Lowell tự khẳng định mình mà không dựa vào gia thế và những ưu thế trời cho. Ông không học Harvard mà học đại học Kenyon ở Ohio, nơi ông chối bỏ tổ tiên Thanh giáo của mình và theo Công giáo. Bị tù một năm vì phản đối Chiến tranh Thế giới Thứ hai với lương tri của một nhà thơ nhân đạo. Sau này, ông công khai phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam.

Những cuốn sách đầu tiên của Lowell: Land of Unlikeness (Vùng đất của những điều kỳ lạ – 1944) và Lord Weary’s Castle (Lâu đài của ngài Weary – 1946), đoạt giải thưởng Pulitzer, thể hiện khả năng nắm vững các hình thức và phong cách truyền thống, những cảm nhận mạnh mẽ và cái nhìn tiên tri về lịch sử dù mang đậm dấu ấn cá nhân.

Sức mạnh phê phán và sự chính xác của các tác phẩm đầu tay của ông đặc biệt mạnh mẽ trong những bài thơ như “Children of Light” (Trẻ em của ánh sáng – 1946) là lời lên án gay gắt những người Thanh giáo đã giết hại những người Da đỏ còn con cháu của họ thì đốt hết lương thực thừa thay vì chở đến cho người đói khổ. Lowell viết:

Cha ông chúng ta moi bánh mì từ gông cùm và đá tảng
Rồi rào vườn mình bằng xương người Da đỏ.

Cuốn sách kế tiếp của Lowell, The Mills of the Kavanaughs (Máy xay bột của gia đình Kavanaughs – 1951) chứa đựng những độc thoại cảm động đầy kịch tính trong đó thành viên của gia đình này bộc lộ sự nhẫn nại dịu dàng và điểm yếu của họ. Vẫn luôn luôn là như vậy, phong cách của ông hòa trộn những gì thuộc về con người với những điều lớn lao vĩ đại. Ông thường sử dụng âm vận truyền thống, nhưng phong cách phổ thông của ông ngụy trang điều đó cho đến khi nó có vẻ như một giai điệu nền. Tuy vậy, loại thơ thể nghiệm này đã tạo cho Lowell bước đột phá để có được một bút pháp riêng đầy sáng tạo.

Trong một chuyến đi đọc thơ vào giữa những năm 50, Lowell lần đầu tiên được nghe một số bài thơ thể nghiệm: Bài Howl (Tiếng hú) của Allen Ginsberg và Myths and Texts (Huyền thoại và văn bản) của Gary Snyder, lúc đó còn chưa xuất bản, được đọc và ngâm đôi lúc có đệm nhạc Jazz trong những quán café ở North Beach, một vùng ở San Francisco. Lowell cảm thấy đặt cạnh những bài thơ này, những bài thơ hoàn hảo của ông quá khô cứng, khoa trương và đóng khung trong ước lệ sáo mòn. Khi nghe lại âm hưởng của chúng bằng cách đọc to lên, ông có dịp sửa chữa để làm cho chúng có được vẻ lấp lánh đời thường. “Những bài thơ của tôi có vẻ giống như những con quái vật thời tiền sử bị kéo xuống vùng lầy và bị chết bởi một bộ áo giáp rỗng tuếch của nó”, sau này ông đã viết như vậy, “tôi đang ngâm nga những điều mà chính tôi cũng không cảm được nữa”.

Vào thời điểm này, Lowell cũng như nhiều nhà thơ khác sau ông, chấp nhận sự thách thức: học hỏi từ truyền thống cạnh tranh ở Mỹ -đó là môn phái của William Carlos Williams. Lowell viết vào năm 1962: “Dường như không một nhà thơ nào, ngoại trừ Williams, đã thật sự nhìn thấy nước Mỹ hay nghe được ngôn ngữ của nó”. Từ đó, Lowell thay đổi cách viết của mình một cách triệt để, sử dụng “những thay đổi đột ngột của giọng điệu, không khí và tốc độ” mà Lowell thán phục nhất trong thơ của Williams.

Lowell cắt bỏ những ám chỉ tối nghĩa; âm vận của ông trở nên nhất quán với nội dung của bài thơ thay vì áp đặt lên nó. Cấu trúc những khổ thơ cũng bị phá bỏ; những hình thức ứng tác mới nảy sinh. Trong Life Studies(Những khám phá về cuộc đời – 1959), ông khởi xướng một lối thơ tự bạch, một phương thức mới mẻ trong đó ông phơi bày những vấn đề riêng tư dằn vặt nhất với sự chân thật hết mình và cảm xúc mãnh liệt. Thực chất, ông không chỉ khám phá ra con người thực của mình mà còn ca tụng nó trong những khía cạnh riêng tư khó nói nhất của nó. Ông đã biến đổi chính mình thành một con người mới, cảm thấy thoải mái với bản ngã của mình, một mảnh nhỏ và một cái gì đó trong tiến trình của cuộc sống.

Sự biến đổi của Lowell là một bước ngoặt trong thơ ca sau chiến tranh, mở ra một con đường mới cho nhiều tác giả trẻ hơn. Trong For the Union Dead(Họ hy sinh tất cả cho nền cộng hòa[1] – 1964), Notebook (Sổ tay – 1967-1969) và những cuốn sách sau này, ông tiếp tục những khám phá mang tính chất tiểu sử tự thuật và những đổi mới kỹ thuật của mình, sử dụng thành tựu của phân tâm học. Thơ tự bạch của Lowell đã gây ảnh hưởng một cách đặc biệt. Ta không thể hình dung được những tác phẩm của John Berryman, Anne Sexton và Sylvia Plath (hai người sau là sinh viên của ông) – xin đơn cử một vài người – mà không có Lowell.

NHỮNG NHÀ THƠ ĐẶC DỊ

Những nhà thơ phát triển những phong cách độc đáo, sử dụng truyền thống nhưng mở rộng nó vào những địa hạt mới mẻ với phong vị hiện đại đậm nét, bên cạnh Plath và Sexton còn có John Berryman, Theodore Roethke, Richard Hugo, Philip Levine, James Dickey, Elizabeth Bishop và Adrienne Rich.

Sylvia Plath
(1932 -1963)

Sylvia Plath có một khởi đầu đáng ao ước: được học bổng theo học đại học Smith, tốt nghiệp thủ khoa, rồi được học bổng Fulbright học tại đại học Cambridge, Anh. Tại đây bà gặp người chồng tương lai có sức cuốn hút lạ lùng của mình, thi sĩ Ted Hughes. Bà có với ông hai đứa con và sống trong một căn nhà miền quê ở nước Anh. Bên dưới sự thành công cứ như trong cổ tích, nhức nhối những vấn đề tâm lý không có lối thoát được gợi lên trong cuốn tiểu thuyết được ưa thích của bà The Bell Jar (Nắp chụp hình chuông – 1963). Ngoài một vài vấn đề riêng tư của bà còn có những vấn đề khác nảy sinh từ những thái độ áp bức phụ nữ vào thập niên 50. Trong những vấn đề này có những quan niệm được hầu hết phụ nữ chia sẻ -rằng phụ nữ không nên bộc lộ sự giận dữ, hoặc có tham vọng hoặc theo đuổi sự nghiệp của bản thân, mà hãy hoàn thành thiên chức của mình trong việc chăm sóc chồng con. Những người phụ nữ thành công như Plath đã sống trong nghịch lý như vậy.

Cuộc sống đẹp như trong tiểu thuyết của Plath bị phá vỡ khi bà và Hughes chia tay nhau và bà một mình nuôi các con nhỏ dại trong một căn hộ ở London vào một mùa đông lạnh lẽo chưa từng thấy. Bệnh tật, cô đơn và tuyệt vọng, Plath làm việc không tiếc sức để sáng tác một loạt bài thơ tuyệt vời trước khi tự tử trong nhà bếp bằng khí đốt. Những bài thơ này được tập hợp trong tập Ariel (1965) hai năm sau cái chết của bà. Robert Lowell, người viết lời giới thiệu, đã ghi nhận sự tiến bộ vượt bực của thơ bà từ thời bà và Anne Sexton còn dự những lớp thơ của ông năm 1958. Thơ của Plath buổi đầu được gọt giũa công phu và mang tính truyền thống, những bài thơ giai đoạn sau của bà tỏ ra táo bạo liều lĩnh và là tiếng kêu thống thiết đầy nữ tính. Trong bài “The Applicant” (Kẻ thỉnh cầu – 1966), Plath phơi bày sự trống rỗng, vô nghĩa của vai trò người vợ hiện đại (người được giảm xuống làm một sự vật gọi là “nó”):

Một con búp bê sống, anh nhìn thấy mọi nơi
Biết may vá thêu thùa và cơm nước
Và nói, nói thật nhiều, nói mãi.

Nó làm việc, chẳng có gì sơ xuất
Nếu anh bị trầy da, nó là thuốc dán.
Anh biết nhìn thì nó là hình ảnh.
Bạn của tôi ơi, nó là nơi trú ẩn cuối cùng của anh.
Anh có lấy nó không, lấy không, lấy không?

Plath mạnh dạn sử dụng một loại ngôn ngữ có vần vè của những bài đồng dao trẻ con với một sự bộc trực bạo liệt. Bà có biệt tài dùng những hình ảnh táo bạo của văn hóa đại chúng. Về trẻ thơ, bà viết “Tình yêu làm bé đi như một cái đồng hồ vàng tròn trịa”. Trong bài “Daddy” (Cha yêu) bà tưởng tượng cha mình là quỷ Dracula trong phim: “Có một cái cọc trong trái tim đen tối của cha và những người dân làng chẳng bao giờ thích cha”.

Anne Sexton
(1928 -1974)

Cũng như Plath, Anne Sexton là người phụ nữ nồng nhiệt, say mê đã cố gắng trong vai trò một người vợ, một người mẹ và một nhà thơ vào cái buổi giao thời ngay trước phong trào phụ nữ ở Mỹ. Cũng như Plath, bà bị bệnh tâm thần và cuối cùng đã phải tự vẫn. Thơ tự bạch của Sexton mang tính chất tự truyện hơn thơ của Plath và sự thiếu trau chuốt của thơ Plath trong thời kỳ đầu. Tuy vậy, những bài thơ của Sexton khêu gợi xúc cảm một cách mạnh mẽ. Chúng lao đầu vào tận ngõ ngách những đề tài cấm kỵ như tình dục, tội lỗi, và tự tử. Những bài thơ này thường bạo dạn đưa ra những chủ đề rất phụ nữ như sinh nở, thân thể người phụ nữ, hoặc hôn nhân nhìn từ góc độ của nữ giới. Trong những bài thơ như “Her Kind” (Đàn bà – 1960), Sexton coi mình như mụ phù thủy bị trói vào cọc để thiêu sống:

Ta ngồi trên xe của ngươi, gã tài xế,
vẫy chào làng quê đi qua bằng cánh tay trần
được biết những con đường tươi sáng cuối cùng, ngươi sống sót
nơi những ngọn lửa của ngươi còn ngấu nghiến đùi ta
và xương sườn ta vỡ vụn dưới bánh xe ngươi.
Một người đàn bà như thế không có gì xấu hổ khi phải chết
Ta cũng như bà ấy.

Tựa đề những bài thơ của bà cho thấy mối quan tâm đến sự điên loạn và cái chết. Trong đó, có những bài To Bedlam and Part Way Back (Nơi náo loạn và quãng đường quay lại – 1960), Live or Die (Sống hay chết – 1966), và cuốn sách in sau khi mất The Awful Rowing Toward God (Cuộc bơi xuồng dễ sợ về với Chúa – 1975).

John Berryman
(1914 -1972)

Cuộc đời của John Berryman có vài nét tương đồng với cuộc đời của Robert Lowell. Sinh ở Oklahoma, ông được dạy dỗ ở vùng Đông Bắc trước khi đến trường và học đại học Columbia, sau đó chuyển sang học đại học Princeton. Có thiên hướng về những hình thức thơ ca và vận luật truyền thống, ông lấy cảm hứng từ lịch sử ban đầu của đất nước và sáng tác những bài thơ mang tính cách tự trào, tự bạch trong tuyển tập Dream Songs (Những bài ca trong mơ – 1969) của mình. Tập thơ khắc họa một nhân vật kỳ cục tự kể về mình tên là Henry và những suy tư về chính công việc giảng dạy đơn điệu, chứng nghiện rượu kinh niên và tham vọng của mình.

Cũng giống như tác gia cùng thời với mình là Theodore Roethke, Berryman phát triển một phong cách uyển chuyển, tinh nghịch nhưng sâu sắc; sống động hẳn lên nhờ những cách nói trong văn học dân gian, đồng dao, đặc ngữ, tiếng lóng. Berryman viết về Henry: “Anh ta nhìn chăm chăm vào đổ nát. Đổ nát nhìn chăm chăm lại anh ta”. Một chỗ khác, ông viết một cách sắc sảo: “Ố la la! Khi sự thờ ơ đến, tôi rên xiết và nói năng ầm ĩ”.

Theodore Roethke
(1908 -1963)

Là con của một ông chủ nhà kính, Theodore Roethke phát triển một vốn ngôn ngữ đặc biệt gợi lại “thế giới nhà kính” của những côn trùng bé nhỏ và những dây mơ rễ má không nhìn thấy được: “Này sâu bọ, hãy đến sống cùng ta/ Đây là lúc ta gặp khó khăn”. Những bài thơ tình của ông trong tậpWords for the Wind (Lời gửi gió – 1958) ca ngợi vẻ đẹp và nỗi khát khao với những đam mê thơ ngây. Một bài thơ mở đầu như thế này: “Tôi biết một phụ nữ, xinh đẹp đến tận xương, Khi con chim nhỏ buồn, nàng thở dài với chúng”. Đôi lúc thơ của ông có vẻ giống những trang tốc ký của thiên nhiên hoặc những câu đố cổ xưa:

“Ai tung bụi vào tiếng động
Hỏi chuột đi, nó biết!”

Richard Hugo
(1923 -1982)

Richard Hugo, người thành phố Seattle – bang Washington, thuộc thế hệ đàn em của Theodore Roethke. Ông lớn lên nghèo khổ trong những khu phố tồi tệ nhưng có biệt tài truyền đạt niềm hi vọng, nỗi sợ hãi và sự thất vọng của tầng lớp lao động trong bối cảnh của miền Tây Bắc Hoa Kỳ.

Hugo viết những bài thơ hoài niệm, tự bạch với thể thơ iambic tiết tấu mạnh về những thị trấn nhỏ tồi tàn, bị bỏ quên trong vùng ông sống. Ông viết về sự nhục nhã, thất bại và những khoảnh khắc hiếm hoi chấp nhận được trong quan hệ con người. Ông hướng độc giả chú tâm vào những chi tiết thoáng qua, có vẻ như không gây một hiệu quả gì để tạo nên những điều có ý nghĩa hơn. Bài thơ “What Thou Lovest Well, Remains American” (Điều bạn yêu nhất vẫn là của Mỹ – 1975) kết thúc bằng hình ảnh một người mang những kỷ niệm về thị trấn quê nhà ngày xưa như thể chúng là cơm ăn thức uống.

Nếu mắc kẹt trong một
thị trấn cổ xưa
hoang vắng
bạn cần những người
yêu khát khao
tình bạn
và cảm thấy cần
được tiếp đón trong quán rượu bên đường
chúng đang đến đấy!

Philip Levine
(1928 -)

Philip Levine, sinh ở Detrort bang Michigan viết một cách bộc trực về những thua thiệt kinh tế của người công nhân với lối quan sát sắc sảo, sự phẫn nộ và mỉa mai đau xót. Giống như Hugo, ông xuất thân từ tầng lớp dân nghèo thành thị. Ông là tiếng nói của những cá thể cô đơn – nạn nhân của nền công nghiệp Mỹ. Phần lớn thơ ông mang âm hưởng ảm đạm và phản ánh một khuynh hướng vô chính phủ trong cái nhận thức rằng những hệ thống nhà nước sẽ bền vững.

Trong một bài thơ, Levine ví mình với một con cáo sống sót trong một thế giới hiểm nguy đầy những tay thợ săn chỉ nhờ vào lòng can đảm và sự tinh khôn của nó. Xét về cách sử dụng nhịp điệu, ông đã đi suốt con đường từ những kiểu âm vận truyền thống trong những bài thơ đầu tiên của mình đến những câu thơ tự do hơn, cởi mở hơn giai đoạn thơ sau này khi ông diễn đạt sự phản kháng đơn độc của mình chống lại những xấu xa của thế giới đương thời.

James Dickey
(1923 -)

James Dickey là một tiểu thuyết gia, một nhà viết tiểu luận đồng thời cũng là một nhà thơ. Ông là người tiểu bang Georgia. Bằng những suy ngẫm của mình, ông tin rằng đề tài chính của các tác phẩm ông là sự tiếp nối đang hiện hữu – hoặc phải hiện hữu – giữa bản ngã và thế giới. Phần lớn những gì ông viết đều xuất phát từ thiên nhiên – sông và núi, thời tiết và những hiểm họa ẩn chứa bên trong.

Vào cuối thập niên 60, Dickey bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết tựa đềDeliverance (Giải thoát) nói về mặt trái của mối quan hệ của cánh đàn ông. Một cuốn sách sau khi xuất bản và về sau được dựng thành phim, làm cho ông thêm nổi tiếng. Những tuyển tập thơ gần đây của ông nói về những đề tài khác nhau như là phong cảnh miền Nam (Jericho: the South Beheld – Miền Nam trong mắt ai – 1974) và ảnh hưởng của Kinh thánh trong cuộc sống của ông God’s Images (Hình ảnh Chúa – 1977). Dickey thường quan tâm tới sự cố gắng:

Vượt qua, thật vô vọng
Vượt qua cái đòi hỏi.

Elizabeth Bishop
(1911 -1979)

Adrienne Rich
(1929 -)

Trong số các nhà thơ nữ của nhóm các nhà thơ đặc dị, Elizabeth Bishop và Adrienne Rich đã đạt được sự trân trọng nhiều nhất trong những năm gần đây. Trí thông minh mẫn tiệp, sự quan tâm đến những phong cảnh đẹp ở những vùng xa xôi và những ẩn dụ về những cuộc du hành của Bishop lôi cuốn độc giả bởi sự chính xác và tinh tế. Cũng giống như thầy của bà, Marianne Moore, Bishop không lấy chồng, đã viết những bài thơ đạt đến trình độ nghệ thuật cao bằng một phong cách mô tả, lạnh lùng chất chứa những chiều sâu triết lý thầm kín. Sự mô tả biển Bắc Đại Tây Dương lạnh như băng trong bài “At the Fishhouses” (Tại làng đánh cá) có thể áp dụng cho thơ của Bishop. “Nó giống những điều ta tưởng tượng về kiến thức của ta/ Tối tăm, mặn mà, sáng trong, cảm động và tự do hoàn toàn”.

Cùng với Moore, Bishop có thể được đặt vào truyền thống thơ phụ nữ “lạnh lùng” quay trở lại với Emily Dickinson, nếu so sánh với những bài thơ “nóng bỏng” của Plath, Sexton, và Adrienne Rich. Dầu Rich bắt đầu sự nghiệp thơ ca bằng cách viết những bài thơ gắn với thể tài và âm vận truyền thống; những thi phẩm của bà, đặc biệt những bài thơ viết sau khi bà trở thành một nhà hoạt động tích cực vì nữ quyền vào thập niên 60, chứa đựng những cảm xúc mãnh liệt. Tài năng đặc biệt của bà thể hiện ở những ẩn dụ, như trong bài thơ kiệt xuất của bà “Diving Into the Wreck” (Lặn xuống con tàu đắm – 1973), gợi nhắc cuộc tìm kiếm bản sắc của một phụ nữ qua việc lặn xuống một con tàu bị đắm. Sự đắm chìm của con tàu cũng giống như việc tự đánh mất mình của người phụ nữ này. Một thông điệp được gửi tới, phụ nữ phải tìm cho mình một con đường riêng trong cái lãnh địa mà đàn ông làm chủ. Một bài thơ khác của Rich “The Roofwalker” (Người thợ làm mái nhà – 1961), đề tặng nhà thơ Denise Levertov, cho rằng việc làm thơ đối với phụ nữ là một nghề nguy hiểm. Cũng như đàn ông xây một mái nhà, bà cảm thấy “phải phơi bày ra, rộng lớn hơn đời thường, và bởi vì cổ tôi dễ bị gãy như chơi”.

THƠ CA THỂ NGHIỆM

Sức mạnh đằng sau thành quả chắc chắn của Lowell và phần lớn thơ đương đại nằm trong sự thể nghiệm bắt đầu vào thập niên 50 với nhiều nhà thơ. Donald Allen, tác giả của cuốn The New American Poetry (Thơ mới ở Mỹ) tuyển tập đầu tiên đã đưa tác phẩm của những nhà thơ trước đây bị các nhà phê bình và các tổ chức hàn lâm bỏ qua, đã chia một cách khái quát nhóm nhà thơ này thành 5 trường phái.

Lấy cảm hứng từ nhạc Jazz và hội họa trừu tượng, hầu hết những tác gia thể nghiệm trẻ hơn Lowell một thế hệ. Họ có khuynh hướng trở thành những trí thức tự do, phóng túng, phản lại văn hóa chính thống, không tuân theo những quy ước chung, thoát ly khỏi các học viện và phê bình một cách thẳng thắn xã hội “trưởng giả” Mỹ. Thơ của họ có tính dấn thân, độc đáo và đôi lúc gây chấn động. Trong khi kiếm tìm những giá trị mới, dòng thơ này bày tỏ mối quan tâm đối với thế giới cổ xưa của thần thoại, truyền thuyết, cũng như nếp sinh hoạt xã hội bộ lạc của người Mỹ Da đỏ. Hình thức thơ khoáng đạt hơn, tự nhiên hơn, có hệ thống hơn; phát triển từ chủ đề và cảm nhận tươi mới của nhà thơ khi đang làm bài thơ và từ những chỗ ngừng nghỉ tự nhiên của ngôn ngữ nói. Như Allen Ginberg ghi nhận trong “Improvised Poetics” (Thơ ứng tác), rằng “ý nghĩ đầu tiên là ý nghĩ hay nhất”.

TRƯỜNG PHÁI BLACK MOUNTAIN

Trường phái Back Mountain tập trung xung quanh đại học Black Mountain, một đại học về các loại nghệ thuật thử nghiệm ở Asheville bang Bắc Carolina, nơi các thi sĩ Charles Olson, Robert Duncan và Robert Creeley giảng dạy vào đầu thập niên 50. Ed Dorn, Joel Oppenheimer và Jonathan Williams học tập ở đó, còn Paul Blackburn, Larry Eigner và Denise Levertov công bố tác phẩm trên tạp chí nhà trường, Origin và Black Mountain Review. Trường phái Black Mountain gắn liền với lý thuyết “thơ dự phóng” của Charles Olson, nhấn mạnh đến hình thức cởi mở dựa trên nhịp điệu tự nhiên của sự ngắt nghỉ, lấy hơi trong khi nói và hàng chữ đánh máy ở dạng viết.

Robert Creeley (1926 -) theo phương châm ý tại ngôn ngoại, rất kiệm lời, là một trong những nhà thơ quan trọng của trào lưu Black Mountain. Trong bài “The Warning” (Lời cảnh tỉnh – 1955), Creeley hình dung ra một lối liên tưởng vừa đáng yêu, vừa dữ dội:

Vì tình yêu – Anh sẽ
chẻ dọc đầu em ra và đặt
ngọn đèn cầy
đằng sau đôi mắt.
Tình trong ta đã chết
nếu ta quên
đức hạnh của chiếc bùa
và sự ngạc nhiên chóng vánh.

TRƯỜNG PHÁI SAN FRANCISCO

Sáng tác của trường phái San Francisco -bao gồm hầu hết thơ ở vùng Bờ Tây nói chung -chịu rất nhiều ảnh hưởng của triết học và tôn giáo phương Đông cũng như thơ Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này chẳng có gì đáng ngạc nhiên vì ảnh hưởng của phương Đông vẫn luôn mạnh mẽ ở vùng Bờ Tây nước Mỹ. Vùng đất quanh San Francisco -vùng núi Sierra Nevada và vùng bờ biển khúc khuỷu -luôn đáng yêu và hùng vĩ, và các nhà thơ ở vùng này có khuynh hướng có một cảm xúc sâu nặng với thiên nhiên. Nhiều bài thơ của họ có chất liệu từ phong cảnh rừng núi hay những chuyến ngao du sơn thủy. Thơ họ lấy thiên nhiên làm nguồn cảm hứng chủ đạo thay cho truyền thống văn học.

Các nhà thơ San Francisco gồm có Jack Spicer, Lawrence Ferlinghetti, Robert Duncan, Phil Whalen, Lew Welch, Gary Snyder, Kenneth Rexroth, Joanne Kyger và Diane diPrima. Nhiều người trong số các nhà thơ này gắn bó chặt chẽ và có mối đồng cảm với quần chúng lao động. Thơ họ thường đơn giản, dễ cảm thụ và lạc quan.

Ở giai đoạn cao trào, như có thể thấy trong tác phẩm của Gary Snyder (1930), thơ của trường phái San Francisco gợi lên được sự cân bằng tinh tế giữa cá nhân và vũ trụ. Trong bài “Above Pate Valley” (Trên thung lũng Pate – 1955) của Snyder, nhà thơ mô tả công việc của một nhóm làm đường trên núi cao và tìm ra những mảnh đầu mũi tên làm bằng đá nham thạch của những bộ lạc Da đỏ đã biến mất:

Trên một ngọn đồi tuyết phủ quanh năm trừ lúc hè
sang
Một vùng đất đầy nai mùa hạ béo vàng
Họ đến dựng lều. Trên những đường mòn của họ
Theo đường mòn của mình tôi lê bước tới đây
Nhặt lên đầu mũi tên này
Nhặt và bỏ vào trong giỏ
Những nham thạch
Mười ngàn năm về trước

CÁC NHÀ THƠ “BEAT”

Trường phái San Francisco hòa nhập thành một nhóm mới – các nhà thơ “Beat”, xuất hiện vào những năm 50. Hầu hết những nhà thơ quan trọng của nhóm Beat (Beatniks) từ Bờ Đông chuyển đến San Francisco. Chính ở California này họ đạt được thành công ban đầu trên cả nước ở California. Những thi sĩ chủ yếu của nhóm Beat gồm có Allen Ginsberg, Gregory Corso, Jack Kerouac, và William Burroughs. Thơ của nhóm Beat là để đọc, được lặp đi lặp lại và có hiệu quả rất lớn khi diễn đọc hay diễn ngâm, chủ yếu bởi vì nó được phát triển từ những buổi đọc thơ trong những câu lạc bộ ở tầng hầm. Nhiều người có lẽ nhận định đúng khi cho nó là ông tổ của loại nhạc Rap rất thịnh hành vào thập niên cuối cùng của thế kỷ XX.

Thơ của nhóm Beat là thể loại văn học chống lại văn học chính thống quyết liệt nhất ở Hoa Kỳ, nhưng thực chất bên dưới những ngôn từ gây chấn động của nó ấp ủ một tình yêu đất nước. Thơ của họ là tiếng kêu gào của khổ đau và cuồng nộ cho cái điều mà các nhà thơ coi như sự đánh mất đi nét thơ ngây của nước Mỹ và sự phung phí kinh khủng những nguồn tài nguyên nhân lực và vật lực của nó.

Những bài thơ như Howl (1956) của Allen Ginberg thực sự đã làm một cuộc cách mạng trong thơ ca:

Tôi chứng kiến những bộ óc siêu việt nhất
của thế hệ chúng tôi hủy hoại
bởi chứng khùng điên, đói khát cuồng dại trần truồng
lê tấm thân dọc phố Da đen
trong ánh bình minh
tìm liều thuốc cho cơn giận dữ
những kẻ biết mình như những thiên thần lao vào ngọn lửa
cho một thiên đường cổ xưa
liên kết các vì sao
năng lượng
trong bộ máy của đêm.

TRƯỜNG PHÁI NEW YORK

Khác với nhóm các nhà thơ Beat và những nhà thơ San Francisco, các nhà thơ của trường phái New York thể hiện sự bàng quan đối với những vấn đề đạo lý một cách công khai, và nói chung họ lẩn tránh chính trị. Họ có được một nền giáo dục chính thống hơn bất kỳ một nhóm thơ nào.

Những nhân vật cự phách của trường phái New York gồm: John Ashbery, Frank O’Hara, và Kenneth Koch -gặp nhau lúc họ còn chưa tốt nghiệp Đại học Harvard. Họ cực kỳ tân tiến, điềm đạm, không có tín ngưỡng, thông minh sắc sảo có pha chút khinh bạc và thời thượng một cách cao nhã. Thơ của họ có tiết tấu nhanh, nội dung xoay quanh cuộc sống đô thị, thiếu một sự hài hòa, hầu như có thể cảm nhận được ý nghĩa về niềm tin hết sức chông chênh của họ.

Thành phố New York là trung tâm mỹ thuật của nước Mỹ và là cái nôi của chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, là nguồn cảm hứng chủ yếu cho dòng thơ này. Hầu hết những nhà thơ này đều là những nhà phê bình nghệ thuật hoặc những nhà quản lý các bảo tàng nghệ thuật, hoặc hợp tác với cánh họa sĩ. Có thể là do cảm nhận của họ với nghệ thuật trừu tượng, một trường phái nghệ thuật vốn không tin vào những hình thể chân thực và ý nghĩa rõ ràng, tác phẩm của các nhà thơ này thường khó hiểu, như trong những tác phẩm sau này của John Ashbery (1927 -…), có lẽ là thi sĩ đương đại có ảnh hưởng lớn nhất ngày nay.

Mạch thơ dào dạt của Ashbery ghi lại những suy nghĩ và niềm xúc cảm khi chúng tràn nhanh qua đầu óc khó có thể trực tiếp phát thành lời. Bài thơ dài, lắng sâu của ông Self-Portrait in a Convex Mirror (Chân dung tự họa trong một tấm gương lồi – 1975), đoạt 3 giải thưởng lớn; lướt đi như một cánh chim từ ý nghĩ này qua ý nghĩa khác, thường chiêm nghiệm lại chính nó:

Một con tàu
Treo những màu sắc không ai biết đã
đi vào cảng
Bạn đang để cho những chuyện không đâu
ngoài lề
phá vỡ một ngày của bạn…

CHỦ NGHĨA SIÊU THỰC VÀ CHỦ NGHĨA HIỆN SINH

Trong tuyển tập nhằm xác định những trường phái thi ca mới, Donald Allen đã đưa ra nhóm thứ năm ông không thể gọi tên được bởi vì nó không có một địa điểm địa lý rõ ràng. Nhóm thơ khó xác định này bao gồm các trào lưu và những thể nghiệm hiện đại.

Nổi bật trong số này là những nhà thơ siêu thực, diễn đạt vô thức qua những hình ảnh sống động như trong mơ và rất nhiều thơ do phụ nữ và những cộng đồng thiểu số sáng tác đã phát triển rực rỡ trong những năm gần đây. Mặc dầu có những nét khác biệt bề ngoài rất lớn, các nhà thơ siêu thực, các nhà thơ đấu tranh cho quyền phụ nữ và các nhà thơ thuộc cộng đồng thiểu số tỏ ra rằng họ cùng chia sẻ với nhau một ý thức thoát ly khỏi nền văn học “chính thống”, của người Da trắng và của người đàn ông.

Cho dù T. S. Eliot, Wallace Stevens và Ezra Pound đã cố công đưa những kỹ thuật của trào lưu tượng trưng vào thi ca Mỹ vào thập niên 20, chủ nghĩa siêu thực – dòng chảy chính trong thi ca và tư tưởng ở châu Âu trong và sau Thế chiến II, đã không bén rễ được ở Mỹ. Mãi cho đến những năm 60 chủ nghĩa siêu thực (cùng với chủ nghĩa hiện sinh) mới trở nên quen thuộc với người Mỹ dưới áp lực của cuộc chiến ở Việt Nam. Trong những năm 60, nhiều tác giả Mỹ như -W. S. Merwin, Robert Bly, Charles Simic, Charles Wright và Mark Strand cùng những người khác đã quay về với chủ nghĩa Siêu thực Pháp và đặc biệt là Tây Ban Nha để tìm lại những xúc cảm thuần khiết, những hình tượng lý tưởng, và những kiểu mẫu, bất an mang tính hiện sinh và phi lý của nó.

Những nhà thơ siêu thực như Merwin có khuynh hướng châm biếm sắc sảo như trong những câu thơ sau: “Thánh thần muốn thành người nhưng không được/ Nếu anh thấy mình chẳng còn tin nữa thì hãy mở rộng đền thờ”.

Chủ nghĩa siêu thực có khuynh hướng chính trị của Bly phê phán một cách gay gắt những giá trị Mỹ và chính sách đối ngoại của chính phủ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam như trong bài thơ “The Teeth Mother Naked at Last”:

Chỉ vì chúng ta có bao bì mới cho
sò hun khói
mà những hố bom hiện ra trên những
ruộng lúa.

Ảnh hưởng lan rộng của thơ ca siêu thực đã dịu đi và đầy suy tư hơn như Charles Wright mô tả trong “The New Poem” (Thơ mới – 1973):

Nó sẽ không tham dự vào nỗi buồn của chúng ta
Cũng chẳng an ủi
con cái chúng ta
Và sẽ không giúp gì cho ta cả.

Chủ nghĩa Siêu thực của Mark Strand, cũng như của Merwin, thường ảm đạm; nó nói đến một sự tước đoạt cực độ. Với ông, truyền thống, giá trị, niềm tin chả là gì cả, nhà thơ chẳng có gì ngoài tâm hồn tăm tối như hang động của mình:

Trong tay có chìa khóa
Tôi mở cửa bước vào
Tối tăm tôi bước vào
Thẳm đen tôi bước tiếp.

CÁC NHÀ THƠ NỮ VÀ CÁC NHÀ THƠ ĐA CHỦNG TỘC

Nền văn học của phái nữ, cũng như văn học của các cộng đồng thiểu số và chủ nghĩa siêu thực, lần đầu tiên nhận thức được vai trò của chính mình là một động lực trong đời sống nước nhà trong những năm cuối thập niên 60. Các dòng thơ này đã nở rộ trong phong trào nữ quyền cũng phát sinh trong thời kỳ đó.

Văn học ở Mỹ, cũng như ở hầu hết các quốc gia khác, từ lâu đặt cơ sở quá nhiều trên những tiêu chuẩn của phái nam đến độ thường bỏ qua sự đóng góp của phái nữ. Tuy vậy, có nhiều nhà thơ nữ nổi bật trong thi đàn Mỹ. Không phải họ đều là những người ủng hộ nữ quyền, cũng không phải những chủ đề của họ nhất loạt nói lên những mối quan tâm của phụ nữ. Chẳng qua, họ chỉ là những nhà thơ của nỗi buồn nhân thế. Những khác biệt về địa lý, chính trị và chủng tộc cũng góp phần hình thành nên tác phẩm của họ và đặt ra cho họ những vấn đề để suy nghĩ. Những nhà thơ nữ nổi bật gồm có Amy Clampitt, Rita Dove, Louise Glück, Jorie Graham, Carolyn Kizer, Maxine Kumin, Denise Levertov, Audre Lorde, Gjertrud Schnackenberg, May Swenson và Mona Van Duyn.

Nửa sau thế kỷ 20 đã chứng kiến sự hồi sinh của văn học đa chủng tộc. Khởi đầu vào thập niên 60, theo sự mở đường của người Mỹ Da đen, những tác giả thuộc các chủng tộc khác ở Mỹ bắt đầu tạo được sự chú ý của công chúng. Trong thập niên 70, những chương trình nghiên cứu nhân chủng học được triển khai. Trong những năm 80, một số tạp chí hàn lâm, các tổ chức chuyên ngành, và sách báo văn học dành cho những chủng tộc khác nhau được ra đời. Còn vào thập kỷ 90, các hội nghị nghiên cứu về văn học các sắc tộc riêng biệt đã bắt đầu và danh sách chính thức của các tác phẩm kinh điển đã được mở rộng để đưa thêm những tác gia thuộc các dân tộc ít người vào trong các tuyển tập và giáo trình. Những vấn đề quan trọng trong nền văn học này bao gồm chủng tộc chống lại sự xếp loại sắc tộc, chủ nghĩa vị chủng tộc chống lại chủ nghĩa đa chủng tộc, chủ nghĩa một ngôn ngữ chống lại đa ngôn ngữ, sự kết hợp chống lại sự loại bỏ. Sự phá bỏ kết cấu (giải cấu)([2]), áp dụng cho cả ngữ cảnh chính trị lẫn văn học, đã thường xuyên đặt nghi vấn với nguyên trạng (tình trạng hiện tại).

Thơ ca của cộng đồng thiểu số cũng chia sẻ với văn học của phụ nữ sự phong phú và đôi khi sự giận dữ của nó với xã hội. Nó nảy nở trong những năm gần đây giữa những người Mỹ gốc Tây Ban Nha như Gary Soto, Alberto Rios và Lorna Dee Carvantes; giữa những người Mỹ gốc Da đỏ như Leslie Marmon Silko, Simon Ortiz và Louise Erdrich; giữa những người Mỹ gốc Phi châu như Amiri Baraka (LeRoi Jones), Michael Harper, Rita Dove, Maya Angelou và Nikki Giovanni; và trong số những nhà thơ Mỹ gốc châu Á như Cathy Song, Lawson Inada và Janice Mirikitani.

THƠ CA CỦA NGƯỜI MỸ GỐC LATIN, TÂY BAN NHA VÀ MEXICO

Thơ ca ảnh hưởng Tây Ban Nha bao gồm tác phẩm của nhiều nhóm khác nhau. Trong số này có những người Mỹ – Mexico, từ thập niên 50 quen gọi là Chicano, đã sống qua nhiều thế hệ ở những tiểu bang Tây Nam mà Hoa Kỳ chiếm của Mexico trong cuộc chiến tranh Mỹ – Mexico kết thúc vào năm 1848. Trong số cư dân vùng Caribbean nói tiếng Tây Ban Nha, người Mỹ gốc Cuba và người Puerto Rico vẫn duy trì và phát triển truyền thống văn học đầy sức sống và độc đáo của họ. Ví dụ, những người Mỹ gốc Cuba rất tài năng với thể loại hài kịch đã tự tách ra khỏi thể thơ trữ tình bi thương của những tác giả gốc Mexico như Rudolfo Ayana. Những nhà văn di cư gần đây từ Mexico; Trung, Nam Mỹ và Tây Ban Nha đến, liên tục bổ sung và làm lớn mạnh thêm dòng văn học này.

Thơ ca người Mỹ-Chicano hay gốc Mexico có một truyền thống truyền miệng phong phú bằng thể loại corrido hay ballad. Những tác phẩm gần đây nhấn mạnh sức mạnh truyền thống của cộng đồng Mexico và sự kỳ thị họ gặp phải với người gốc châu Âu. Đôi lúc, các nhà thơ pha trộn những từ tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha với nhau thành một sự pha trộn rất nên thơ, như trong thơ của Alurista và Gloria Anzaldúa. Thơ của họ chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống truyền khẩu và có âm hưởng rất mạnh mẽ khi đọc thành tiếng.

Nhiều nhà thơ viết chủ yếu bằng tiếng Tây Ban Nha theo một truyền thống bắt nguồn từ thiên sử thi đầu tiên được viết ra trong nước Mỹ hôm nay. Bài thơ Historia de la Nueva Mexico (Lịch sử Mexico mới) của Gaspar Pérez de Villagrá ca ngợi trận chiến năm 1598 giữa những kẻ xâm lược Tây Ban Nha và người Da đỏ ở Acoma bang New Mexico. Một tác phẩm quan trọng trong thơ ca người Mỹ gốc Mexico gần đây, tập thơ I Am Joaquin (Tôi là Joaquin) của Rodolfo Gonzales (1928 – ), than vãn về tình cảnh của người Mỹ gốc Mexico:

Lạc loài trong thế giới hỗn mang
Bị cuốn theo cơn xoáy lốc một xã hội ngoại bang
Những luật lệ rối rắm,
Những thái độ rẻ khinh
Và mánh khóe, dối lừa
Bị hủy hoại bởi cái được gọi là xã hội hiện đại.

Tuy nhiên, nhiều tác giả Mỹ gốc Mexico tìm thấy nguồn sống trong cội nguồn Mexico cổ xưa của mình. Nghĩ về thời xưa huy hoàng của Mexico, Lorna Dee Cervantes (1954-…) viết rằng “một corrido sử thi” đang ngân nga trong huyết quản của bà, còn Luis Omar Salinas (1937-…) cảm thấy mình là “một thiên thần Aztec”. Phần lớn thơ ca người Mỹ -Mexico rất người, nói lên những cảm xúc và quan hệ gia đình hay về những thành viên trong cộng đồng. Gary Soto (1952-…) dựa vào truyền thống cổ xưa ca tụng tổ tiên đã ra đi. Những lời thơ này, viết vào năm 1981, mô tả hiện trạng đa văn hóa của tất cả người Mỹ hôm nay:

Một ngọn nến thắp lên cho người đã khuất
Trước mặt ta hai thế giới đón chờ

Trong những năm gần đây, thơ ca của người Mỹ -Mexico đã tiến một bước rất xa và những tác phẩm của Cervantes, Soto và Alberto Rios đã được giới thiệu rộng rãi trong các tuyển tập.

THƠ CA CỦA NGƯỜI MỸ DA ĐỎ

Người Mỹ Da đỏ đã có một nền thi ca trau chuốt, có lẽ do truyền thống sáng tác những bài ca ngợi ca linh vật đóng một vai trò tối quan trọng trong di sản văn hóa của họ. Tác phẩm của họ vượt trội lên bởi sự khơi gợi đầy hình ảnh sống động về thế giới tự nhiên, mà đôi khi gây hiệu quả hầu như huyền bí. Các thi sĩ Da đỏ cũng lên tiếng về một cảm thức bi đát việc đánh mất di sản phong phú không gì bù đắp nổi của dân tộc mình.

Simon Ortiz (1914 -…), một cư dân tộc Acoma, viết nhiều bài thơ có sức tác động sâu xa dựa vào lịch sử khám phá những nghịch lý của việc là một người Mỹ Da đỏ trong nước Mỹ ngày nay. Thơ của ông thách thức các độc giả gốc Anglo -Saxon vì nó thường nhắc nhở họ về sự bất công và tàn bạo mà một thời cha ông họ đã dành cho người Mỹ Da đỏ. Những bài thơ của ông cũng là một tri kiến về sự hòa hợp chủng tộc dựa trên sự thông hiểu sâu sắc lẫn nhau.

Trong tập thơ Star Quilt (Tấm chăn dệt bằng các vì sao), Roberta Hill Whiteman (1947- ), một người bộ lạc Oneida, hình dung một tương lai đa văn hóa như là “một tấm chăn dệt bằng những vì sao trong ánh rạng đông”, còn Leslie Marmon Silko (1948 -…), có một phần gốc gác là bộ lạc Laguna, sử dụng ngôn ngữ nói và những câu chuyện truyền thống để sáng tác những bài thơ trữ tình, có sức ám ảnh khó quên. Trong bài “In Cold Storm Light” (Trong ánh sáng cơn bão tuyết – 1981), Silko tạo được hiệu quả như trong thơ haiku:

Những con nai tuyết
hiện ra trên trời tuyết băng dày đặc
phóng như bay
chạy nhanh
xoáy quanh những ngọn cây
Gió bão
bài ca màu trắng
lướt đi, lướt đi
trên những cành cây.

Louise Erdrich (1954-…) là một tiểu thuyết gia như Silko, sáng tạo những đoạn độc thoại mạnh mẽ giàu kịch tính có thể xem là những vở kịch được nén lại. Chúng mô tả một cách không khoan nhượng những gia đình phải đương đầu với tệ nghiện rượu, thất nghiệp và nghèo khổ trong “vùng bảo tồn” Chippewa.

Trong bài thơ “Family Reunion “ (Gia đình sum họp – 1984), một ông chú nghiện rượu, thô lỗ trở về sau nhiều năm sống ở thành phố. Vì ông bị đau tim, người cháu bị hành hạ và là người kể chuyện, nhớ lại cảnh ông chú đã giết một con rùa lớn cách đây nhiều năm bằng cách nhét pháo vào con rùa đó. Đoạn cuối bài thơ gắn chú Ray với con rùa nạn nhân của ông:

Rồi chúng ta tìm lại đường về
Chú Ray
hát bài ca xưa cho người
kéo chú
về nhà. Đôi tay ông đã thành
vây xám
ghì siết vào bảng đồng hồ.
Khuôn mặt ông
mang vẻ kiên nhẫn lạ kỳ, lặng lẽ của
một đứa trẻ luôn luôn
bỏ mặc những vết thương, hay của một
sinh vật đã sống
thời gian dài dưới nước. Và
những thiên thần bay đến
hạ thòng lọng và cáng xuống.

THƠ CA MỸ DA ĐEN

Người Mỹ Da đen đương đại đã sáng tác nhiều bài thơ tuyệt mỹ với nhiều chủ đề và giọng điệu phong phú. Đây là dòng thơ sắc tộc phát triển nhất ở Mỹ và cực kỳ đa dạng. Amiri Baraka (1934 -…) nhà thơ Mỹ Da đen nổi tiếng nhất, cũng viết nhiều vở kịch và đóng vai trò tích cực trong hoạt động chính trị. Những sáng tác của Maya Angelou bao quát nhiều thể loại, trong đó có nhiều vở kịch, một hồi ký nổi tiếng I know Why the Caged Bird Sings(Tôi biết vì sao chim hót trong lồng – 1970), và một tuyển tập thơ Just Give Me a Cool drink of Water ’fore I Diiie (Hãy cho tôi một hớp nước mát trước khi tôi chết – 1971). Angelou đã được mời sáng tác một bài thơ cho lễ nhậm chức của Tổng thống Bill Clinton vào năm 1993.

Một nhà thơ Mỹ Da đen khác được ca ngợi gần đây là Rita Dove (1952- ) người được phong tặng là nhà thơ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1993. Dove, một nhà văn viết tiểu thuyết và kịch, đoạt giải thưởng Pulitzer 1987 nhờ cuốn Thomas and Beulah (Thomas và Beulah), trong đó bà ca ngợi ông bà của mình qua một loạt bài thơ trữ tình. Bà nói rằng bà viết tác phẩm này để thể hiện cuộc sống nội tâm phong phú của quần chúng vô sản.

Micheal Harper (1938- ) đã viết những vần thơ tương tự phơi bày cuộc sống phức tạp của người Mỹ Da đen đối mặt với sự phân biệt chủng tộc và bạo lực. Những bài thơ cô đọng, bóng gió của ông thường tái hiện những khung cảnh đông đúc, đầy kịch tính của chiến tranh hay đời sống đô thị. Chúng sử dụng hình ảnh của ngành y với cố gắng chữa lành bệnh tật. Bài thơ “Clan Meeting: Births and Nation: A Blood Song” (Cuộc họp mặt bè đảng: Những con người ra đời và những quốc gia: Bài ca máu (1971) của ông, ví việc nấu nướng với phẫu thuật, “đan kết thịt cùng chất lỏng” mở đầu như sau: “Chúng ta tái tạo mạng sống trong khu chăm sóc đặc biệt, gắn kết vào nhau trong một quán ăn…”. Bài thơ kết thúc bằng cách xâu lại những hình ảnh về bệnh viện, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trong bộ phim Mỹ thời kỳ đầu Birth of a Nation (Sự ra đời của một quốc gia) phong trào Ku Klux Klan[3], biên tập phim và kỹ thuật X-quang:

Chúng ta lại chất đầy óc như chiếc máy quay phim,
cuộn phim phơi bày quá độ
dưới tia X-quang,
khóa chặt với hai lớp cửa
nhịp phách nhẹ nhàng: chủng tộc và giới tính
cuộn vào và bao vây trong một trò tiêu khiển
chúng ta ôm khăn gói rồi về nhà.

Lịch sử, nhạc Jazz, và văn hóa đại chúng mang lại cảm hứng cho nhiều nhà văn Mỹ Da đen, từ Harper (giáo sư đại học) đến chủ nhà xuất bản kiêm nhà thơ ở Bờ Tây Ishmael Reed (1938 -), nổi tiếng do việc đi tiên phong trong nền văn học đa văn hóa qua tổ chức Before Columbus Foundation và một loạt tạp chí như YardbirdQuilt và Konch. Nhiều nhà thơ Mỹ Da đen như Audre Lorde (1934 – 1992) tìm thấy nguồn sáng tạo ở chủ nghĩa vị châu Phi, xem Phi châu là trung tâm của nền văn minh từ thời cổ đại. Trong những bài thơ đầy xúc cảm như “The Women of Dan Dance with Swords in Their Hands to Mark the Time When They Were Warriors (Những người phụ nữ của Dan nhảy múa với lưỡi kiếm trong tay đánh dấu cái thời họ là các chiến binh), bà nói như một người nữ chiến binh của Dahomey cổ đại, “làm ấm áp bất cứ cái gì ta chạm đến” và chỉ “tiêu hóa” “những gì đã chết”.

THƠ CA CỦA NGƯỜI MỸ GỐC CHÂU Á

Cũng như thơ ca của những tác giả Mỹ gốc Mexico và Tây Ban Nha, thơ ca của người Mỹ gốc Á cực kỳ đa dạng. Người Mỹ gốc Nhật, Trung Quốc, Philipines có lẽ đã sống đến bảy đời ở Mỹ, còn người Mỹ gốc Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam là những người di cư mới gần đây. Mỗi nhóm phát xuất từ một truyền thống văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ riêng. Những tiến bộ gần đây trong văn học Mỹ gốc Á châu bao gồm trong việc nhấn mạnh đến những công trình nghiên cứu Vành đai Thái Bình Dương và văn học phụ nữ. Các nhà văn Mỹ gốc châu Á nói chung chối bỏ mẫu mực chủng tộc có tính cách Đông phương hóa như một thiểu số “xa lạ” và “tốt đẹp”. Các nhà mỹ học đang bắt đầu so sánh các truyền thống văn học Á và Âu -chẳng hạn so sánh khái niệm đạo (tao) của phương Đông và luận lý (logos) của Hy Lạp cổ.

Các nhà thơ Mỹ gốc Á đã tiếp thu từ nhiều nguồn văn hóa, từ ca kịch của Trung Quốc đến Thiền. Những truyền thống văn học châu Á, đặc biệt là Thiền, tạo nguồn cảm hứng cho nhà thơ không phải gốc châu Á, như có thể thấy trong tuyển tập Beneath a Single Moon: Buddhism in Contemporary American Poetry (Dưới vầng trăng lẻ: Phật Giáo trong thi ca Mỹ đương đại – 1991). Những nhà thơ Mỹ gốc châu Á trải rộng như một quang phổ, từ vị thế tưởng như không tín ngưỡng như Frank Chin, đồng chủ biên cuốnAiiieeeee! (một tuyển tập đầu tiên của văn học Mỹ châu Á), cho đến các tác giả vận dụng truyền thống một cách rộng rãi như nhà văn Maxine Hong Kingston (1940- ). Janice Mirikitani – một sansei (người Mỹ gốc Nhật thế hệ thứ 3), làm sống dậy lịch sử Mỹ – Nhật và đã xuất bản nhiều tuyển tập nhưThird World Women (Phụ nữ thế giới thứ 3), Time to Greez (Thời gian đến Greez), và Ayumi: Four Generations of Japanese in American (Ayumi: Thế hệ người Nhật thứ 4 ở Mỹ).

Tuyển tập thơ trữ tình Picture Bride (Bức ảnh cô dâu – 1983) của Cathy Song người Mỹ gốc Hoa (1955- ) cũng kịch hóa lịch sử qua những cuộc đời trong gia đình bà. Nhiều nhà thơ Mỹ châu Á khám phá sự đa dạng văn hóa. Trong “The Vegetable Air” (Không gian rau quả – 1988) của Song, một thị trấn tồi tàn với đàn bò thả trên quảng trường, một quán ăn Tàu, một tấm bảng quảng cáo Coca-Cola treo lệch trở thành biểu tượng của cuộc sống đương đại đa văn hóa không cội rễ 238 239 chỉ có thể chịu đựng được nhờ nghệ thuật, trong trường hợp này là vở opera trong một băng cassette:

Rồi một bản aria quen thuộc
vươn lên như một vầng trăng,
nâng chính anh ra khỏi xác thân này
đưa anh đến một miền đất khác
nơi, trong phút giây, anh bay lượn nhẹ nhàng.

NHỮNG HƯỚNG ĐI MỚI

Những hướng mới trong thơ ca Mỹ bao gồm “những nhà thơ ngôn ngữ” được gán một cách dễ dàng với tạp chí Temblor. Họ gồm có Bruce Andrews, Lyn Hejinian, Douglas Messerli (chủ biên cuốn “Language” Poetries: An Anthology (Tuyển tập thơ ca “ngôn ngữ” – 1987), Bob Perelman và Barret Watten, tác giả cuốn Total Syntax (Cú pháp tổng thể – 1985), một tuyển tập tiểu luận. Họ kéo dãn ngôn ngữ để thể hiện tiềm năng của nó trong tính mơ hồ, sự phân đoạn và tự khẳng định bên trong những mớ bòng bong chua cay và hậu hiện đại; họ chối bỏ những lối văn “siêu kể chuyện” – những ý thức hệ, những giáo điều, những quy ước -và hoài nghi sự hiện hữu của thực thể siêu nhiên. Michael Palmer viết:

Đây chính là Thiên đường, một cuốn sách mốc meo bỏ quên quá lâu trong căn nhà

Bài “Chronic Meanings” ( Những nét nghĩa tồi tệ) của Bob Perelman mở đầu như thế này:

Mỗi dữ kiện riêng tư là một vấn đề
Chỉ năm từ để nói
Bầu trời đen trong đêm, hợp lý hoàn toàn
Chỉ có tôi phần dư thừa phi lý.

Xem phê bình văn học và nghệ thuật thực chất là mang tính cách ý thức hệ, họ chống lại những hình thức khép kín của chủ nghĩa hiện đại, những tôn ti trật tự, những ý tưởng về sự hiển thánh và sự siêu phàm, phạm trù của thể loại và những áng văn được chính thức thừa nhận (những tác phẩm văn học được chấp nhận). Thay vì thế, họ đề nghị những hình thức cởi mở và lối viết đa văn hóa. Họ đánh giá cao tính hình tượng trong văn học đại chúng, các phương tiện truyền thông, thiết kế và tái thiết kế chúng. Giống như thơ công diễn, những bài thơ ngôn ngữ thường phản đối sự giải thích và mời gọi một sự tham gia.

Thơ ca hướng tới công diễn (kết hợp với những cuộc trình diễn như những trường hợp của nhà soạn nhạc John Cage), ứng tác nhạc Jazz, tác phẩm đa phương tiện, và chủ nghĩa siêu thực châu Âu đã ảnh hưởng đến nhiều nhà thơ Mỹ. Trong những tác gia nổi tiếng có Laurie Anderson, tác giả của bài thơ nổi tiếng thế giới United States (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ 1984), sử dụng phim, video, âm học, âm nhạc, vũ ballet và kỹ thuật kỷ nguyên không gian. Thơ ca âm thanh, nhấn mạnh tiếng nói và nhạc cụ, do các nhà thơ David Antin (nhà thơ trình diễn ứng khẩu) và các nhà thơ gốc New York như George Quasha (chủ nhà xuất bản Station Hill Press), Armand Schwerner và Jackson MacLow thực hiện. MacLow cũng trình làng một loại thơ giàu hình ảnh cụ thể và tạo ra lối nói đầy hình ảnh bằng cách sử dụng sự xếp đặt và sắp chữ. Thơ công diễn của các sắc tộc đi vào cùng dòng chảy với nhạc Rap, trong khi khắp nước Mỹ “hội thơ” – những cuộc thi đọc thơ mở rộng tổ chức xen kẽ trong những phòng tranh và hiệu sách -tạo cơ hội cho quần chúng tham gia giải trí có giá trị tinh thần cao, ít tốn kém.

Ở đầu kia của quang phổ mang tính chất lý thuyết là những nhà thơ tự phong là Tân hình thức chủ nghĩa, những 240 241 người chủ trương quay trở về hình thức, vần và vận luật. Tất cả mọi nhóm đều phản ứng lại cùng một vấn đề – một sự bằng lòng có tính trung dung với hiện trạng một giọng điệu cẩn thận và quá trau chuốt, thường là sản phẩm của những cuộc hội thảo thơ, và sự nhấn mạnh thái quá đến thi ca bộc lộ cá tính như là một cách chống lại động thái xã hội. Trường phái hình thức gắn liền với nhà xuất bản Story Line Press; Dana Gioia (một nhà thơ – thương gia); Philip Dacey và David Jauss, các nhà thơ và các chủ biên của cuốn Strong Measures: Contemporary American Poetry in Traditional Forms (Phân loại chuẩn mực: Những hình thức truyền thống trong thơ ca hiện đại Mỹ – 1986); Brad Leithauser; và Gjertrud Schnackenburg. Cuốn The Direction of Poetry: Rhymed and Metered Verse Written in English Since 1977 (Hướng đi của thi ca: thơ cách luật trong tiếng Anh từ năm 1977) của Robert Richman là một tuyển tập mới xuất hiện gần đây. Mặc dầu các nhà thơ này được xem là quay về với những đề tài thế kỷ 19, họ thường sử dụng những quan niệm và hình tượng đương đại, cùng với ngôn ngữ giàu nhạc tính và những hình thức truyền thống, khép kín.


[1] Bài thơ này lấy cảm hứng từ Robert Gould Shan (1837-1863), người lãnh đạo trung đoàn Da đen đầu tiên của miền Bắc trong cuộc nội chiến. Ông hy sinh trong một cuộc tiến công ở nam Caroline. Dưới một bức phù điêu bằng đồng do nhà điêu khắc Augustus Saint Gaudens thực hiện để tưởng niệm những người chết ở trụ sở tiểu bang Massachusetts có một dòng chữ Latin “Omnia Reliquit Servave Rem Publicam” có nghĩa là “Anh nằm xuống cho một nền cộng hòa” Lowell đã thay đổi một chút trong lời đề từ cho bài thơ thành “Họ đã hy sinh tất cả cho nền cộng hòa.” Chúng tôi lấy ý này để tạm dịch tựa đề bài thơ trên.

[2] Giải cấu trúc (Deconstruction): một phương pháp phân tích văn học ở Pháp giữa thế kỷ 20 dựa trên lý thuyết rằng không có văn bản nào có ý nghĩa cố định, do bản chất của ngôn ngữ và cách sử dụng ngôn ngữ đó.

[3] Còn được gọi là 3K, một tổ chức khủng bố.
Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_amliterature_vii.html
Literature Văn học Mỹ

PHÁC THẢO VĂN HỌC MỸ – Chương 6: Trào lưu hiện đại và thể nghiệm thời kỳ 1914-1945

 

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Nhiều sử gia nêu rõ đặc điểm của nước Mỹ trong khoảng thời gian giữa hai thế chiến như là một sự khủng hoảng tâm lý, mặc dù thời gian Mỹ dính líu trực tiếp đến chiến tranh tương đối ngắn (1917 – 1918) và thiệt hại của nó ít hơn nhiều so với những đồng minh châu Âu và những kẻ thù của nó. John Dos Passos đã diễn tả cái ảo tưởng tan vỡ của Mỹ sau chiến tranh trong cuốn tiểu thuyết Three Soldiers (Ba người lính – 1921), trong đó ông cho rằng nền văn minh là một “công trình khổng lồ của sự giả dối và chiến tranh, thay vì là đống tro tàn của nó, lại là sự diễn đạt sau cùng và đầy đủ nhất của cái gọi là văn minh”. Bị chấn động và đã vĩnh viễn thay đổi, người lính Mỹ trở về nhà nhưng không bao giờ lấy lại được sự ngây thơ trong sáng của mình.

Cả những người lính ra đi từ những miền quê của nước Mỹ cũng không dễ dàng trở về với cái trước đây đã là cội rễ trong cuộc sống của họ. Sau khi bôn ba khắp thế giới, nhiều người trong số họ giờ đây ước ao có được một cuộc sống tiện nghi hiện đại nơi thị thành. Những máy móc mới dùng trong nông nghiệp như máy trồng lúa, máy gặt, và máy bó đã giảm thiểu đáng kể nhu cầu về lao động nông nghiệp, tuy vậy dù sản phẩm gia tăng, nông dân vẫn nghèo. Giá nông sản, cũng như lương công nhân, tùy thuộc vào sức mạnh thị trường tự 150 151 do chịu ảnh hưởng nặng nề của các tập đoàn kinh doanh: trợ cấp của chính phủ cho nông dân và những nghiệp đoàn công nhân thực sự chưa được thiết lập. “Công việc chủ yếu của người dân Mỹ là kinh doanh”, tổng thống Calvin Coolidge tuyên bố vào năm 1925, và hầu hết mọi người đã đồng ý với ông.

Trong thời kỳ “bùng nổ lớn” sau chiến tranh, thương mại nở rộ, các nhà đầu tư gặt hái những thành công và tiền bạc còn vượt xa giấc mơ hoang đường nhất của họ. Lần đầu tiên, nhiều người dân Mỹ đăng ký học đại học, vào những năm 20, sinh viên đại học tăng gấp dôi. Tầng lớp trung lưu phát đạt; người dân Mỹ bắt đầu được hưởng lợi tức trung bình quốc gia cao nhất thế giới vào thời kỳ đó. Và nhiều người đã mua cho được vật tượng trưng cho địa vị xã hội cao nhất: chiếc xe hơi. Ngôi nhà của các gia đình Mỹ bậc trung điển hình ở thành phố đã sáng ánh điện và họ huênh hoang về chiếc radio đã nối nhà mình với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, họ còn có thể có một cái điện thoại, một máy ảnh, một máy đánh chữ, hay một cái máy may. Giống như nhân vật thương gia trong cuốn Babbitt (1922) của Sinclair Lewis, các công dân Mỹ tán thưởng những cái máy này bởi vì chúng tân tiến và bởi vì hầu hết chúng là phát minh của người Mỹ và được sản xuất ở Mỹ.

Người dân Mỹ của “thập niên 20 sôi nổi” say mê các phương tiện giải trí hiện đại. Hầu như tất cả mọi người đều đi xem phim mỗi tuần một lần. Mặc dù có luật cấm sản xuất, vận chuyển và bán rượu được ban hành qua tu chính án thứ 18 – có hiệu lực vào đầu năm 1919, các quán rượu lậu và hộp đêm nơi trình diễn nhạc Jazz, bán cocktail, trình diễn các mốt quần áo táo bạo và những vũ điệu bốc lửa vẫn mọc lên như nấm. Xem phim, lái xe du ngoạn, khiêu vũ và máy thu thanh là những say mê điên cuồng của cả nước. Đặc biệt phụ nữ ở Mỹ cảm thấy được tự do. Nhiều người đã rời trang trại, làng quê làm nhiệm vụ cho tiền tuyến ở những thành phố lớn ở Mỹ trong Thế chiến I và đã lột xác hoàn toàn. Họ cắt tóc ngắn, mặc váy ngắn “phất phơ”, và hân hoan được quyền bỏ phiếu nhờ vào tu chính Hiến pháp thứ 19 được thông qua vào năm 1920. Họ mạnh dạn phát biểu những gì mình nghĩ và tham gia những công việc chung của xã hội.

Trong khi đó, thế hệ trẻ phương Tây thì nổi loạn, giận dữ và vỡ mộng với cuộc chiến tàn khốc, với thế hệ đi trước có trách nhiệm trong cuộc chiến tranh này, và với những điều kiện kinh tế khó khăn sau chiến tranh mà oái ăm thay lại cho phép người dân Mỹ với một ít đô la – như các nhà văn F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemingway, Gertrude Stein, và Ezra Pound sống ở nước ngoài một cách phong lưu, vương giả. Những trào lưu tri thức, đặc biệt là phân tâm học của Freud và ở một chừng mực ít hơn chủ nghĩa Mác (giống như thuyết tiến hóa thời kỳ đầu của Darwin), hướng tới một thế giới quan “vô thần” đã góp phần vào cuộc lật đổ những giá trị truyền thống. Người Mỹ ở hải ngoại tiếp thu những quan điểm này, đem chúng về Mỹ, nơi chôn rau cắt rốn của họ, kích thích trí tưởng tượng của các nhà văn và nghệ sĩ trẻ. Chẳng hạn William Faulkner, một tiểu thuyết gia Mỹ thế kỷ 20 đã sử dụng những yếu tố phân tâm học của Freud trong tất cả những tác phẩm của mình, cũng như hầu hết những nhà văn Mỹ nghiêm túc sau Thế chiến thứ I. Mặc dù có một vẻ bên ngoài sôi động, hiện đại và một cuộc sống vật chất dồi dào chưa từng có, giới trẻ Mỹ thập niên 20 vẫn thuộc về một “thế hệ lạc lõng” như Gertrude Stein – một người chuyên viết chân dung văn học – đã đặt tên. Thiếu một cơ cấu truyền thống, bền vững về giá trị làm người, người ta đánh mất luôn cái ý thức về bản thân. Một chỗ dựa của tổ ấm gia đình; một môi trường xã hội thân thuộc, ổn định; thiên nhiên và cái nhịp điệu vĩnh cửu của nó đã hướng dẫn việc gieo trồng và gặt hái trong các nông trại; ý thức yêu nước được bồi dưỡng thường xuyên; những giá trị 152 153 đạo đức được nhấn mạnh bởi niềm tin tôn giáo và sự chiêm nghiệm cá nhân -tất cả những điều đó dường như đã bị Chiến tranh thế giới thứ I và hậu quả của nó làm băng hoại.

Nhiều cuốn tiểu thuyết, đáng chú ý là The Sun Also Rises (Rồi mặt trời cũng mọc – 1925) của Hemingway và This Side of Paradise (Phía bên này thiên đường – 1920) của Fitzgerald vẽ ra sự phí phạm và những ảo mộng tan tành của thế hệ lạc lõng. Trong bài thơ dài gây nhiều ảnh hưởng của T. S. Eliot, The Waste Land (Cõi hoang tàn – 1922), một sa mạc trơ trụi cầu mưa trong tuyệt vọng (sự phục sinh tâm linh) là biểu tượng của nền văn minh phương Tây.

Cuộc khủng hoảng thế giới vào thập niên 30 đã tác động đến hầu hết dân chúng Mỹ. Công nhân mất việc làm, nhà máy đóng cửa, doanh nghiệp và ngân hàng vỡ nợ; nhà nông không thể gặt hái, vận chuyển, hay bán được nông sản, đã không thể trả nợ và đành để mất trang trại của mình. Hạn hán ở miền Trung Tây biến “vựa lúa” này của nước Mỹ thành một vùng sa mạc khổng lồ. Nhiều nông dân bỏ xứ đến California kiếm việc, như John Steinbeck mô tả một cách sống động trong The Grapes of Wrath (Chùm nho uất hận – 1939). Ở đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng kinh tế, một phần ba người Mỹ bị mất việc. Cơm bố thí, những khu ổ chuột và những đoàn quân tìm việc – những người thất nghiệp đi lậu theo những chuyến tàu chở hàng để kiếm việc làm – trở thành một mảng trong đời sống đất nước. Nhiều người cho rằng cuộc khủng hoảng là sự trừng phạt cho tội sùng bái vật chất thái quá và lối sống buông thả. Họ tin rằng những cơn bão làm đen tối bầu trời miền Trung Tây tạo nên ngày phán xét trong Cựu ước: “Những cơn xoáy lốc giữa ban ngày và bóng đêm bao phủ giữa ban trưa”.

 Cuộc đại khủng hoảng làm đảo điên cả thế giới. Nước Mỹ đã rao truyền một kiểu Kinh thánh kinh doanh vào thập niên 20. Giờ đây nhiều người Mỹ ủng hộ một vai trò tích cực hơn của chính phủ thể hiện trong chương trình Biện pháp mới của Tổng thống Franklin Roosevelt. Tiền của liên bang tạo nên công việc ở các công trình công cộng, việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và điện khí hóa nông thôn. Nghệ sĩ và trí thức được trả lương để sáng tác những bích họa, và những cẩm nang cho các bang. Những biện pháp này đã có hiệu quả, nhưng chỉ có sự gia tăng đều đặn các ngành công nghiệp của Chiến tranh Thế giới Thứ hai mới làm sống lại sự thịnh vượng. Sau khi Nhật tấn công Mỹ ở Trân Châu cảng vào ngày 7 tháng 12 năm 1941, những xưởng đóng tàu và nhà máy trước đó đã phải đóng cửa lại sống dậy nhộn nhịp sản xuất hàng loạt tàu chiến, máy bay, xe Jeep và quân trang, quân dụng. Sản xuất và thử nghiệm phục vụ chiến tranh dẫn đến những kỹ thuật mới, gồm cả bom nguyên tử. Chứng kiến vụ thử nổ bom nguyên tử đầu tiên, Ropert Oppenheimer, người lãnh đạo nhóm các nhà khoa học nguyên tử quốc tế trích dẫn một bài thơ tiếng Hindi một cách đầy tiên tri: “Tôi đang biến thành Tử thần, kẻ đập tan tành thế giới”.

TRÀO LƯU HIỆN ĐẠI

Làn sóng văn hóa lớn của trào lưu Hiện đại diễn đạt ý thức về cuộc sống hiện đại qua các loại hình nghệ thuật như là một sự đoạn tuyệt dứt khoát với quá khứ cũng như là với các truyền thống cổ điển của nền văn minh phương Tây, đã từ từ trỗi dậy ở châu Âu và Mỹ vào những năm đầu của thế kỷ 20. Cuộc sống hiện đại hình như khác biệt một cách cơ bản với lối sống truyền thống – khoa học hơn, tốc độ hơn, kỹ thuật hơn và máy móc hơn. Chủ nghĩa hiện đại bao gồm luôn cả những thay đổi này.

Trong văn học, Gertrude Stein (1874 – 1946) đã phát triển một sự tương đồng với nghệ thuật hiện đại. Là một cư dân 154 155 Paris và một nhà sưu tập nghệ thuật (bà và người em trai Leo đã mua các tác phẩm của Paul Cézanne, Paul Gauguin, Pierre August Renoir, Pablo Picasso, và nhiều họa sĩ khác), Stein đã từng giải thích rằng bà và Picasso đang làm một công việc giống nhau, ông ta trong lĩnh vực hội họa và bà trong văn học. Sử dụng từ vựng cụ thể, đơn giản thay thế, bà phát triển một loại thơ văn xuôi thử nghiệm, trừu tượng. Tính chất trẻ thơ trong từ vựng đơn giản của Stein gợi nhớ những màu nguyên, tươi sáng trong hội họa hiện đại, còn sự lặp lại của bà âm vang những hình thể được lặp đi, lặp lại của những bố cục tạo hình trừu tượng. Bằng cách bố trí sai ngữ pháp và dấu chấm câu, bà đạt được những ý nghĩa “trừu tượng” mới như trong tập thơ gây nhiều ảnh hưởng của bà là Tender Buttons (Những chiếc cúc áo dịu dàng – 1914), nhìn sự vật từ các góc độ khác nhau, như trong một bức tranh lập thể:

Một cái bàn một cái bàn không phải của tôi
trìu mến nó nghĩa là tất cả sự đều đặn
Nó giống như một sự đổi thay. Một cái bàn.
có ý nghĩa nhiều hơn một cái ly
hơn cả một tấm gương soi cao vòi vọi

Ý nghĩa, trong tác phẩm của Stein, thường lệ thuộc vào kỹ thuật, cũng như chủ đề thì ít quan trọng hơn cái hình thức trong nghệ thuật tạo hình trừu tượng. Chủ đề và kỹ thuật trở nên không thể tách rời nhau trong nghệ thuật tạo hình lẫn văn học thời đó. Luận điểm cho rằng hình thức như là một cái gì tương đương với nội dung là một hòn đá tảng đặt nền móng cho văn học và nghệ thuật sau Thế chiến II, được kết tinh trong chính thời kỳ này.

Sự cải tiến kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp và cơ giới đã khơi gợi cảm hứng cho sự quan tâm mới đến kỹ thuật trong nhiều ngành nghệ thuật. Một thí dụ: Ánh sáng và đặc biệt là ánh sáng điện đã lôi cuốn nhiều nghệ sĩ và nhà văn hiện đại.

Bích chương quảng cáo thời kỳ này tràn ngập những hình ảnh về các ngôi nhà chọc trời rực rỡ ánh đèn và những chùm tia sáng chiếu ra từ đèn xe ô tô, rạp chiếu bóng, và những tháp canh để rọi sáng một không gian tối tăm bị cấm đoán bên ngoài, ám chỉ sự ngu dốt và truyền thống lỗi thời.

Nhiếp ảnh bắt đầu có được vị trí của một ngành nghệ thuật đi liền với những phát triển khoa học mới nhất. Nhiếp ảnh gia Alfred Stieglitz mở một phòng triển lãm ở New York. Và khoảng trước 1908 ông trưng bày các tác phẩm châu Âu mới nhất, bao gồm tranh của Picasso và những người bạn châu Âu khác của Gertrude Stein. Phòng triển lãm của Stieglitz tác động đến nhiều nhà văn và nghệ sĩ trong đó có William Carlos Williams, một trong những nhà thơ Mỹ nổi tiếng của thế kỷ 20. Williams đã tiếp nhận và phát triển độ trong sáng của nghệ thuật nhiếp ảnh trong hình tượng. Châm ngôn nghệ thuật của ông là “không có tư tưởng trừ phi là trong sự vật”.

Tầm nhìn và quan điểm cũng đã trở thành một khía cạnh thiết yếu của tiểu thuyết theo trào lưu hiện đại. Không còn phù hợp nữa cái lối kể thẳng tuột một câu chuyện dùng nhân vật ngôi thứ ba (hoặc tệ hơn) người kể chuyện can thiệp một cách vô nghĩa lý vào mọi chuyện. Cách kể chuyện trở nên cũng quan trọng như chính câu chuyện vậy.

Henry James, William Faulkner và nhiều nhà văn Mỹ khác thử nghiệm những quan điểm hư cấu (nhiều người vẫn còn đang làm như vậy). James thường hạn chế thông tin trong cuốn tiểu thuyết vào những gì mà một nhân vật riêng lẻ có lẽ đã biết. Cuốn tiểu thuyết The Sound and the Fury(Âm thanh và cuồng nộ – 1929) của Faulkner phân chia câu chuyện thành 4 156 157 phần, mỗi phần đưa ra cái nhìn của một nhân vật khác nhau (trong đó có một cậu bé tâm thần chậm phát triển).

Để phân tích tiểu thuyết và thơ ca trào lưu hiện đại, một trường phái “phê bình mới” xuất hiện ở Mỹ. Với cách sử dụng ngôn ngữ phê bình mới, các nhà phê bình này săn lùng “sự chứng ngộ” (một khoảnh khắc trong đó một nhân vật đột nhiên ngộ ra chân lý siêu phàm của một tình huống, “sự chứng ngộ” (epiphany) là một từ xuất phát từ sự xuất hiện của một vị thánh trước mắt những kẻ phàm trần); họ “nghiên cứu” và “làm sáng tỏ” một tác phẩm, hi vọng “soi sáng “ nó qua khả năng “thấu thị” của họ.

THƠ CA THỜI KỲ 1914 – 1945 NHỮNG THỂ NGHIỆM HÌNH THỨC

Ezra Pound 
(1885 – 1972)

Ezra Pound là một trong những nhà thơ Mỹ có nhiều ảnh hưởng nhất trong thế kỷ này. Từ năm 1908 đến 1920, ông sống ở London, giao du với nhiều văn sĩ, trong đó có William Butler Yeats – nhà thơ Anh nổi tiếng mà ông từng làm thư ký và T. S. Eliot, tác giả của cuốn The Waste Land mà ông biên tập và hiệu đính một cách nghiêm túc. Ông là cầu nối giữa nước Mỹ và nước Anh với tư cách là một chủ bút cộng tác cho tờ tạp chí Poetry quan trọng ở Chicago của Harriet Monroe. Ông cũng là con chim đầu đàn của một trường phái mới trong thơ ca được biết đến dưới tên gọi Chủ nghĩa hình tượng ủng hộ một lối biểu đạt rõ ràng, sinh động có tính hình tượng cao. Sau Chủ nghĩa hình tượng, ông là người đi đầu ở nhiều lối tiếp cận thơ ca khác nhau. Cuối cùng ông sang Ý sống, rồi bị mắc kẹt dưới chế độ Phát xít Ý.

Pound phát triển lý luận về chủ nghĩa hình tượng trong thư từ, tiểu luận, và trong một tuyển tập. Trong lá thơ gửi cho Monroe vào năm 1915, ông tranh luận cho một trường phái thơ có âm hưởng hiện đại, giàu chất tạo hình, tránh “rập khuôn và sáo ngữ” (1913). Trong “A Few Don’ts of an Imagiste” (Một số điều không nên làm đối với một tác giả theo chủ nghĩa hình tượng – 1913), ông định nghĩa “hình tượng” như một cái gì đó diễn đạt sự phức hợp tri thức và xúc cảm trong một khoảnh khắc thời gian. Tuyển tập năm 1914 tựa đề Des Imagistes (Các nhà thơ theo trường phái Hình tượng) của Pound về 10 nhà thơ đã giới thiệu những ví dụ về thơ hình tượng của những nhà thơ nổi tiếng như William Carlos Williams, H. D. (Hilda Doolittle) và Amy Lowell.

Mối quan tâm và tầm hiểu biết của Pound hết sức rộng lớn, bao quát nhiều lĩnh vực. Các tác phẩm phóng tác, các bản dịch xuất sắc của ông dù đôi chỗ còn sai sót, đã giới thiệu tiềm năng văn học mới từ các nền văn hóa cho các nhà văn trẻ. Tác phẩm mà ông dành trọn đời mình để viết và xuất bản cho đến tận ngày chết là The Cantos (Những bài ca). Cuốn sách có những đoạn xuất sắc, nhưng những điển tích văn chương và nghệ thuật của nhiều thời kỳ và nhiều nền văn hóa đã khiến tác phẩm trở nên rối rắm, khó hiểu. Thơ của Pound nổi tiếng về những hình tượng sống động rõ ràng, có tính chất tạo hình cao, tiết tấu mới mẻ, và những dòng thơ bất thường, thông minh và mạnh mẽ, chẳng hạn như câu sau đây trong bài “Canto LXXXI”, “Con kiến là một quái vật nhân mã đầu trong thế giới rồng của nó”, hoặc trong những bài thơ lấy cảm hứng từ thơ haiku, Nhật Bản, như là “In a Station of the Metro” (Ở một ga điện ngầm – 1916):

Sự xuất hiện những khuôn mặt này trong đám đông;
Tựa những cánh hoa trên một cành cây đen, ẩm ướt.

T.S. Eliot
(1888 -1965)

Thomas Stearn Eliot sinh ở St. Louis bang Missouri trong một gia đình danh gia vọng tộc ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Ông được hưởng một nền giáo dục tốt nhất so với bất cứ nhà văn lớn nào cùng thời. Ông học ở Đại học Harvard, Sorbonne và trường Merton của Đại học Oxford. Ông còn học tiếng Phạn và triết học phương Đông, một hệ tư tưởng ảnh hưởng nhiều đến thơ ông. Giống như Pound, một người bạn của mình, ông đến London rất sớm và trở thành chủ soái của Tao đàn văn chương ở đây. Ông là một trong những nhà thơ được trọng vọng nhất lúc sinh thời. Thơ ông hiện đại, có vẻ như phi lý và trừu tượng, thực sự là một dòng thơ dấn thân, lật đổ mọi khuôn vàng thước ngọc và có tác động cách mạng trong thơ ca. Ông cũng viết tiểu luận và kịch gây nhiều ảnh hưởng. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của các truyền thống xã hội và văn học đối với nhà thơ hiện đại.

Với tư cách là một nhà phê bình, Eliot nổi tiếng với công thức của ông về “mối liên hệ khách quan” mà ông đã mô tả trong cuốn The Sacred Wood (Rừng thiêng) như là một phương tiện diễn đạt cảm xúc thông qua “một tập hợp các sự vật, một tình huống và một chuỗi các sự kiện”, có thể trở thành công thức cho cảm xúc đặc biệt đó. Những bài thơ như “The Love Song of J. Alfred Prufrock” (Bản tình ca của J. Anfred Prufrock – 1915), thể hiện cách tiếp cận này. Lúc Prufrock già nua, vô dụng, ông cho rằng ông đã “đong lượng cuộc đời mình bằng những chiếc muỗng café”. Vậy đấy, người ta có thể dùng muỗng café để phản ánh sự tồn tại hẩm hiu, ảm đạm về một đời người lãng phí như thế đấy.

Trong đoạn mở đầu nổi tiếng của bài thơ “Prufrock”, Eliot đưa độc giả vào các lối ngõ hào nhoáng, cũng giống như cuộc sống hiện đại, không có câu trả lời cho những vấn đề mà chính cuộc đời đặt ra.

Nào chúng ta đi, anh và tôi.
Khi bóng chiều lan tỏa khắp bầu trời
Như một bệnh nhân bị gây mê trên bàn mổ,
Nào chúng ta đi, qua những con đường gần như hoang vắng,
Những nơi ẩn cư lặng lẽ
Của những đêm không ngủ trôi qua trong những khách sạn rẻ tiền
chỉ trọ một đêm
Và những quán ăn đầy mùn cưa với những vỏ sò;
Những con đường chạy như một cuộc tranh luận dài buồn tẻ
Có ý định xảo quyệt
Đưa anh đến một vấn đề nan giải
Ồ, đừng hỏi, “Cái gì đấy?”
Nào chúng ta hãy đi thăm!

Những hình tượng tương tự như vậy cũng tràn ngập trong The Waste Land (Cõi hoang tàn[1] – 1922) vọng lại cái âm hưởng địa ngục của Dante ám chỉ những con đường đông đúc của London trong khoảng thời gian Thế chiến I:

Thành phố không có thật,
Dưới màn sương nâu một bình minh mùa đông
Đám đông tràn qua cầu London, sao nhiều thế
Tôi đã không nghĩ rằng cái chết đã tàn hủy nhiều
đến thế…
(I, 60-63)

Cái nhìn của The Waste Land thực chất có tính cách tiên tri và tầm bao quát khắp thế giới:

Những rạn nứt những cải tổ và bùng nổ
trong không gian tím nhạt
Đổ sụp những tháp cao
Ở Jerusalem, Athens và Alexandria
Vienna, London.
Đâu có thật
(V, 373 -377)

Những bài thơ quan trọng khác của Eliot gồm có “Gerontion” (Cảnh già – 1920), dùng hình ảnh một ông lão làm biểu tượng cho sự cằn cỗi, già nua của xã hội châu Âu. “The Hollow Men” (Những con người rỗng – 1925) là một bài ca truy điệu hết sức cảm động về cái chết tinh thần của nhân loại đương thời. Ash-Wednesday (Ngày thứ tư lễ tro – 1930) thể hiện tư tưởng của ông dứt khoát hướng về Giáo hội Anh giáo để tìm ý nghĩa trong cuộc sống con người. Và Four Quartets (Bốn tứ tấu khúc – 1943) là một suy ngẫm thử nghiệm phức tạp và chủ quan cao độ về những chủ đề muôn thuở như thời gian, bản chất của cái tôi và nhận thức tâm linh. Thơ của ông, đặc biệt là những tác phẩm táo bạo, cách tân thời kỳ đầu đã ảnh hưởng đến nhiều thế hệ sau đó.

Robert Frost
(1874 -1963)

Robert Lee Frost sinh ở California nhưng lớn lên ở một trang trại vùng Đông Bắc Hoa Kỳ cho đến năm 10 tuổi. Cũng như Eliot và Pound, ông sang Anh, bị lôi cuốn bởi các phong trào mới mẻ trong làng thơ ở đó. Là một nhà thơ đọc thơ trước công chúng có tài năng bẩm sinh, ông gặt hái nhiều thành công qua những chuyến đi của mình. Ông đã đọc một bài thơ độc đáo trong lễ nhậm chức của Tổng thống Kennedy vào năm 1961 góp phần làm bùng lên sự quan tâm đến thi ca trong cả nước. Sự nổi danh của ông cũng dễ giải thích, ông viết về đời sống trang trại truyền thống, khêu gợi hoài niệm về những gì đã qua. Thơ của ông quan tâm đến mọi tạo vật trong đời sống –hái táo, những bức tường đá, hàng rào, những con đường quê. Thi pháp của Frost trong sáng và biểu cảm: ông hiếm khi dùng những ám chỉ bóng gió rởm đời hay sự tỉnh lược. Thơ ca có vần điệu của ông cũng là một yếu tố lôi cuốn được độc giả đại chúng.

Tác phẩm của Frost thường có vẻ bề ngoài rất đơn giản. Nhiều bài thơ gợi lên ý nghĩa sâu xa. Ví dụ, bằng một sự phối hợp vần gần như thôi miên trong mô tả về một chiều tối đầy tuyết rơi, yên tĩnh, Frost đã gợi nên bước đi hoàn toàn không phải là không được chờ đợi của cái chết. Đây là một đoạn trong “Stopping by Woods on a Snowy Evening” (Dừng chân bên cánh rừng một chiều tuyết rơi – 1923):

Cánh rừng này của ai mà ta nghĩ rằng mình đã biết.
Dù cho nhà của ông ta ở giữa làng;
Ông sẽ chẳng thấy ta nghỉ lại nơi đây
Để nhìn cánh rừng ông tuyết phủ đầy
Con ngựa nhỏ của ta chắc nghĩ rằng ta thật lạ
Dừng chân nơi đây không thấy bóng một ngôi nhà
Giữa cánh rừng và mặt hồ băng giá
Vào một buổi chiều đen tối nhất trong năm.
Nó rung những cái chuông trong bộ yên cương
Như muốn hỏi xem có sự bất thường
Chỉ có một âm thanh nhẹ lướt
Của ngọn gió chiều và những đóa tuyết rơi
Cánh rừng sao mà đáng yêu, thẳm sâu dần sẫm lại
Nhưng ta còn nhiều lời hứa phải giữ mãi
Còn nhiều dặm đường phải đi, trước khi ta ngủ lại
Còn nhiều dặm đường phải đi, trước khi ta ngủ lại.

Wallace Stevens
(1879 -1955)

Sinh ra ở Pennsylvania, Wallace Stevens được đào tạo ở Đại học Harvard và trường Luật, Đại học New York. Ông hành nghề luật sư ở New York từ năm 1904 đến 1916, cũng là khoảng thời gian ông tham gia các hoạt động nghệ thuật và thi ca ở đó. Khi dời đến Hartford bang Connecticut, để làm một nhà điều hành bảo hiểm ở đây vào năm 1916, ông lại tiếp tục làm thơ. Cuộc đời của ông quả là khác thường vì sự phân thân của nó: Đồng sự của ông trong công ty bảo hiểm không hề biết ông là một nhà thơ lớn. Trong đời sống riêng tư, ông tiếp tục phát triển những tư tưởng cực kỳ phức tạp về một trật tự thẩm mỹ, một công việc ông đã tiến hành suốt cuộc đời được thể hiện trong những cuốn sách được đặt tên một cách thích hợp nhưHarmonium (Đàn đạp hơi, ấn bản năm 1931 được bổ sung thêm), Ideas of Order (Ý tưởng của trật tự – 1935), và Parts of a World (Các phần của thế giới – 1942). Những bài thơ hay nhất của ông là “Sunday Morning” (Sáng chủ nhật), “Peter Quince at the Clavier” (Peter Quince[2] bên phím đàn), “The Emperor of Icecream” (Hoàng đế kem), “Thirteen Ways of Looking at a Blackbird” (Mười ba cách ngắm nhìn một con chim đen) và “The Idea of Order at Key West” (Ý tưởng về trật tự ở Key West[3]).

Thơ của Stevens đào sâu những chủ đề của trí tưởng tượng, sự cần thiết của hình thức thẩm mỹ và niềm tin rằng trật tự của nghệ thuật tương hợp với một trật tự trong tự nhiên. Từ ngữ của ông phong phú và đa dạng: bút pháp của ông vẽ được những cảnh sắc nhiệt đới rực rỡ trăm hoa khoe sắc nhưng cũng tạo ra được những hình trang trí nhỏ khô khan, khôi hài và mai mỉa.

Một số bài thơ của ông sử dụng văn hóa dân gian, trong khi những bài thơ khác chế giễu giới quý phái hoặc bay thẳng lên thiên đường trí thức. Ông nổi tiếng bởi lối chơi chữ vui nhộn của mình. “Rồi, với âm thanh như của cái trống lục lạc, đám dân Byzantine tùy tùng của cô xuất hiện”.

Thơ của Stevens dồi dào những chiêm nghiệm nội tâm, sâu sắc một cách đáng kinh ngạc. Đôi lúc ông còn trêu đùa độc giả, như trong “Disillusionment of Ten O’Clock” (Vỡ mộng lúc 10 giờ – 1931):

Những ngôi nhà ma ám
Bởi những chiếc áo ngủ trắng
Không có cái nào màu xanh lá cây
Hay màu tím với những vòng tròn xanh
Hay màu xanh với những vòng tròn vàng
Hay màu vàng với những vòng tròn xanh da trời
Chúng chẳng xa lạ gì
Với những chiếc vớ ren
Những dây lưng tua rủ
Người ta sẽ không
Mơ về những con khỉ chó và đóa hoa nhạn lai hồng
Chỉ có đây kia một thủy thủ già
Say xỉn và ngủ vùi trong khoang hành lý
Bắt những con cọp to
Trong tiết trời rực đỏ

Bài thơ này có vẻ như than phiền về những cuộc đời quá trần tục thiếu hẳn tính bay bổng tưởng tượng (những chiếc áo ngủ trắng trơn), nhưng lại khơi dậy những hình ảnh sinh động trong đầu độc giả. Cuối cùng anh chàng thủy thủ say, chẳng biết gì đến phép tắc lại “bắt được những con hổ” – ít nhất thì cũng trong giấc mơ của anh. Bài thơ cho thấy óc tưởng tượng của con người – của độc giả hay thủy thủ – sẽ luôn tìm được một lối đi đầy sáng tạo.

William Carlos Williams
(1883 – 1963)

William Carlos Williams là một bác sĩ nhi khoa hành nghề trong suốt cuộc đời. Ông giúp hơn 2000 đứa trẻ chào đời và làm thơ trên giấy kê đơn thuốc. Williams là bạn học của nhà thơ Ezra Pound và Hilda Doolittle, và những bài thơ đầu tay của ông chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa Hình tượng. Sau này ông tiếp tục đi đầu trong việc sử dụng ngôn ngữ nói trong thi ca. Khả năng thẩm âm tuyệt vời của ông đối với nhịp điệu tự nhiên của tiếng Anh – Mỹ đã giúp thơ ca Mỹ thoát khỏi nhịp iambic[4] thống trị thơ ca tiếng Anh kể từ thời Phục hưng. Sự cảm thông của ông đối với người lao động bình thường, trẻ con và những chuyện đời thường trong những khung cảnh đô thị hiện đại khiến cho thơ của ông đặc biệt lôi cuốn và dễ cảm thụ. Bài thơ The Red Wheelbarrow (Chiếc xe đẩy màu đỏ 1923), giống như một bức tranh tĩnh vật Hà Lan, tìm thấy sự thú vị và vẻ đẹp trong những đồ vật bình dị hàng ngày:

Quá nhiều phụ thuộc
vào
chiếc xe đẩy
màu đỏ
phủ một lớp nước
mưa
bên cạnh con gà
trắng

Williams phát triển phong cách thơ tự nhiên, nhẹ nhàng như hơi thở. Dưới ngòi bút của ông, thơ ca không trở thành một tác phẩm nghệ thuật toàn bích như trong thơ Stevens, hay cẩn thận tái tạo lại những biến cố theo phong cách Wordsworth như trong thơ Frost. Đối với ông, mỗi bài thơ sẽ nắm bắt một khoảnh khắc trong đời như một tấm hình chụp ngẫu hứng – một khái niệm ông có từ những nhiếp ảnh gia và họa sĩ ông đã gặp ở những phòng tranh như của Stieglitz ở New York. Cũng như tác phẩm nhiếp ảnh, những bài thơ của ông thường gợi ý tới những khả năng và sự quyến rũ tiềm ẩn của cuộc sống, như trong bài “The Young Housewife” (Bà nội trợ trẻ – 1917).

Mười giờ sáng, người vợ trẻ đi qua lại trong
tấm áo ngày thường sau bức vách gỗ
trong ngôi nhà của đấng phu quân
Tôi lướt qua trong chiếc xe hơi, nghe lòng cô đơn lạ.
Rồi nàng ta ra phố
gọi một anh bán kem, một người bán cá
lại đứng chờ
Rụt rè, không áo nịt, tay cố giữ những lọn tóc rối bay
và tôi ngầm so nàng
với một chiếc lá rơi.
Xe tôi lao đi không tiếng động làm vỡ
một chiếc lá khô khi tôi cúi chào
nàng và lướt đi
với một nụ cười.

Ông cho rằng thơ mình hết sức “khách quan” nhằm đề cao tầm quan trọng của những vật thể sinh động, cụ thể. Thơ ông thành công trong nắm bắt và thể hiện những sự kiện gây xúc cảm, tác động tức thời và tạo ảnh hưởng đến phong cách “Beat” vào đầu thập niên 50.

Cũng như Eliot và Pound, Williams cũng thử viết sử thi, nhưng trong lúc sử thi của họ sử dụng nhuần nhuyễn các điển tích hướng đến một số ít độc giả có học vấn cao, thì Williams lại ưa viết cho độc giả phổ thông hơn. Dù từng học tập ở nước ngoài, ông đã quyết định sống ở Mỹ. Thiên sử thi Paterson (5 tập, 1946 – 1958) ca ngợi thành phố quê hương Paterson, bang New Jersey của ông, được xem như tiểu sử tự thuật của “bác sĩ Parteson”. Trong tác phẩm, Williams xếp đặt cạnh nhau những đoạn tình ca, văn xuôi, thư từ, tiểu sử tự thuật, những bài báo và những sự kiện lịch sử. Lối trình bày với nhiều khoảng trống để giấy trắng, gợi nên chủ đề về con đường rộng mở của văn học Mỹ và một ý niệm về những viễn cảnh mới mở rộng ngay cả với những người nghèo đi dạo chơi trong công viên vào ngày chủ nhật.

Cũng như nhân vật hóa thân của Whitman trong Leaves of Grass, bác sĩ Paterson cảm thấy hoàn toàn thoải mái giữa những người lao động:

·        mùa xuân muộn
một chiều chủ nhật!
theo lối mòn đến bờ vách đá
chính anh ta giữa những người xa lạ
·        dẫm lên đây cũng những tảng đá này
và trên đó, họ trượt chân khi bước
168 169
những con chó của họ đuổi theo!
cười la, gọi nhau í ới
Chờ tôi với!
(II, i, 14 – 23)

VĂN HỌC GIỮA HAI CUỘC CHIẾN TRANH THẾ GIỚI

Robinson Jeffers
(1887 – 1962)

Phần lớn các nhà thơ Mỹ vào loại tầm cỡ và có nhãn quan thiên tài đều xuất hiện vào những năm giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, trong số họ có các nhà thơ từ vùng Bờ Tây, phụ nữ, và người Mỹ Da đen. Giống như nhà văn John Steinbeck, Robinson Jeffers sống ở California và viết về những người Tây Ban Nha làm thuê trong các trang trại, dân Da đỏ và những truyền thống pha trộn của họ và về vẻ đẹp mê hoặc của vùng đất này. Học hỏi từ những tác phẩm cổ điển và đọc nhiều về Freud, ông đã khai thác và tái tạo những chủ đề dựa trên bi kịch cổ đại Hy Lạp lấy bối cảnh là phong cảnh hoang sơ vùng duyên hải. Ông rất nổi tiếng với những bi kịch tự sự như Tamar (1924), Roan Stallion (1925), The Tower Beyond Tragedy (Tháp vượt ngoài bi kịch – 1924) – một sự tái tạo vở bi kịch Agamemnon[5] của Aeschylus – và Medea[6] (1946), dựa vào bi kịch của Euripides.

Edward Estlin Cummings 
(1894 – 1962) 

Edward Estlin Cummings, thường được biết đến dưới tên e. e. cummings – người đã viết những vần thơ lôi cuốn, mới mẻ hết sức nổi bật bởi tính hài hước, sự duyên dáng, niềm hân hoan đối với tình yêu, sự lãng mạn đa tình, và sự thể nghiệm với cách chấm câu và kiểu cách tạo hình trên trang giấy. Cũng là một họa sĩ, ông là nhà thơ Mỹ đầu tiên nhận ra rằng thơ ca chủ yếu là một nghệ thuật để nhìn bằng mắt chứ không phải thứ để đọc bằng miệng. Những bài thơ của ông sử dụng nhiều khoảng trống và cách xuống dòng bất thường, cũng như việc bỏ hết những chữ viết hoa.

Cũng như Williams, Cummings cũng dùng ngôn ngữ nói, hình tượng sắc sảo mạnh bạo, và kho ngôn từ của nền văn hóa bình dân. Và cũng như Williams, ông có một cách trình bày sáng tạo, tự do. Bài thơ “in Just” của ông (1920) mời gọi độc giả điền vào nó những ý tưởng bị rơi mất:

mùa xuân khi thế giới ngập bùn –
ngọt ngào người bán bóng bay bé nhỏ
chân khập khiễng
huýt sáo xa và nhỏ
rồi bọn trẻ con chạy đến
[7]
chơi trò bắn bi và bắt cướp
và thế là
xuân đến

Hart Crane
(1899 -1932)

Hart Crane là một nhà thơ trẻ bị dày vò đau khổ đến mức phải tự tử vào tuổi 33 bằng cách nhảy xuống biển. Ông để lại những bài thơ xuất sắc trong đó có một sử thi The Bridge (Cây cầu – 1930), lấy cảm hứng từ cây cầu Brooklyn, trong đó ông cố gắng một cách đầy tham vọng để điểm lại toàn bộ nền văn hóa Mỹ và viết lại về nó bằng những lời lẽ xác tín. Phong cách quyến rũ, đầy nhiệt tình của ông đạt hiệu quả cao nhất trong những bài thơ ngắn như là “Voyages” (Những chuyến du hành – 1923, 1926) và “At Melville’s Tomb” (Bên ngôi mộ của Melville – 1926), mà những câu kết trong bài thơ cũng là một câu thích hợp khắc ghi trên chính bia mộ của Crane:

bài ai điếu không đánh thức được người
thủy thủ
Bóng mát hoang đường này chỉ biển khơi giữ được

Marianna Moore
(1887 -1972)

Marianna Moore từng viết rằng thơ ca là “những khu vườn tưởng tượng trong đó có những con ếch thật”. Những bài thơ của bà là một cách để bà đàm đạo, nhưng lại khéo léo và tinh tế trong cách gieo vần, cực kỳ chính xác trong mô tả và trong việc tái hiện các sự kiện khoa học và lịch sử. Được mệnh danh là “nhà thơ của nhà thơ”, bà ảnh hưởng đến các nhà thơ đi sau, trong đó có người bạn trẻ của bà là Elizabeth Bishop.

Langston Hughes
(1902 -1967)

Một trong nhiều nhà thơ tài năng của trường phái Phục hưng Harlem vào thập kỷ 20 -cùng với James Weldon Johnson, Claude McKay, Countee Cullen và những người khác – là Langston Hughes. Ông đưa vào thơ mình nhịp điệu nhạc Jazz của người Mỹ Da đen và là một trong những tác gia Da đen đầu tiên sống khá giả nhờ viết lách. Thơ của ông là sự kết hợp tuyệt vời giữa nhạc Blue, thánh ca, ngôn ngữ trò chuyện và truyền thống dân gian.

Là một nhà hoạt động văn hóa có nhiều ảnh hưởng, Hughes xuất bản nhiều tuyển tập của các tác giả Da đen và khởi xướng các nhóm kịch nghệ Da đen ở Los Angeles và Chicago cũng như ở New York. Ông cũng viết nhiều bài báo có tác động sâu sắc, sáng tạo ra nhân vật Jesse B. Semple (“đơn giản”) để bày tỏ những luận điểm phê phán xã hội. Một trong những bài thơ đáng yêu nhất của ông, bài “The Negro Speaks of Rivers” (Người Da đen nói chuyện với các dòng sông – 1921, 1925) là một trường ca lớn, cuộn chảy trong lòng nó di sản châu Phi và của toàn nhân loại. Bài thơ ngụ ý rằng như những con sông lớn trên thế giới, nền văn hóa Phi châu sẽ tồn tại và ngày càng sâu thẳm:

Tôi biết những dòng sông:
Tôi biết những dòng sông cổ xưa như trái đất và
già hơn dòng máu của nhân gian trong
huyết quản con người

Tâm hồn tôi trở nên sâu thẳm như những dòng sông
Tôi tắm trong dòng sông Euphrates trong bình minh son trẻ
Và dựng lều tôi gần dòng Congo
rồi nó ru tôi vào giấc ngủ
Tôi nhìn xuống dòng sông Nile và
dựng lên những Kim tự tháp trên chính dòng sông
Tôi đã nghe tiếng hát con sông Mississippi
Khi Abe Lincoln xuôi dòng xuống New Orleans,
và tôi thấy lòng sông bùn lầy
trở nên vàng óng ả bởi hoàng hôn.

Tôi biết những dòng sông
Những dòng sông cổ xưa và mờ tối
Tâm hồn tôi bỗng trở nên sâu thẳm như những dòng sông

VĂN XUÔI 1914 – 1945 CHỦ NGHĨA HIỆN THỰC MỸ

Mặc dầu văn xuôi Mỹ giữa hai cuộc đại chiến trải qua nhiều cuộc thử nghiệm với quan điểm và hình thức mới, nhìn toàn cục, người Mỹ có xu hướng viết văn bằng một cái nhìn hiện thực hơn các nhà văn châu Âu. Tiểu thuyết gia Ernest Hemingway viết về chiến tranh, săn bắn, và những theo đuổi khác nhau của giới mày râu với một văn phong trong sáng gần như giản đơn. William Faulkner lấy bối cảnh của vùng Mississippi nóng bỏng và cát bụi để đào sâu các vấn đề của nhiều thế hệ và nhiều nền văn hóa trong những cuốn tiểu thuyết miền Nam đầy sức mạnh của ông, và Sinclair Lewis miêu tả cuộc sống trưởng giả với sự trong sáng mỉa mai.

Tầm quan trọng của việc đối mặt với thực tế trở thành một chủ đề nổi bật vào những thập kỷ 20 và 30. Những nhà văn như Scott Fitzgerald và nhà viết kịch Eugene O’Neil mô tả trở đi trở lại cái bi kịch chờ đợi những ai sống với những giấc mơ hời hợt, nông cạn.

F. Scott Fitzgerald
(1896 – 1940)

Cuộc đời của Francis Scott Key Fitzgerald giống như một câu chuyện cổ tích. Trong thời gian thế chiến thứ I, ông gia nhập bộ binh Hoa Kỳ và say mê một cô gái vừa đẹp, vừa giàu có tên là Zenda Sayre, sống gần Montgomery, Alabama, nơi ông đóng quân. Một thời gian sau Zelda hủy bỏ việc đính hôn vì ông nghèo. Sau chiến tranh ông giải ngũ và đến New York tìm kiếm cơ may ở nghiệp văn chương để có thể cưới người trong mộng.

Cuốn tiểu thuyết đầu tay của ông This Side of Paradise (Phía bên này Thiên đàng 1920), gây được tiếng vang, bán rất chạy và ở vào tuổi 24 họ lấy nhau. Cả hai người đều không có khả năng chịu đựng được những sức ép của sự thành công và danh tiếng. Họ thi nhau ném tiền qua cửa sổ. Rồi họ sang Pháp năm 1924 để tiết kiệm chi tiêu và bảy năm sau trở về Mỹ. Thần kinh Zelda trở nên bất ổn và phải nhập viện điều trị; bản thân Fitzgerald trở thành một kẻ nát rượu và chết trẻ trong khi đang viết kịch bản phim.

Fitzgerald có được vị trí vững vàng trong văn đàn Mỹ chủ yếu nhờ vào cuốn tiểu thuyết The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại – 1925), một câu chuyện được viết bằng một ngòi bút trác tuyệt với cấu trúc chặt chẽ về giấc mơ Mỹ của một người muốn đạt đến thành công bằng chính sức mình. Nhân vật chính, Jay Gatsby bí ẩn, đã nhận ra cái giá đắt kinh khủng của thành công hiểu theo nghĩa thành đạt cá nhân và tình yêu. Các tác phẩm thuộc vào loại hay khác bao gồm Tender Is the Night (Đêm dịu dàng – 1934), về một nhà phân tâm học trẻ bị đày đọa trong cuộc sống vợ chồng với một người đàn bà tính khí thất thường, và một vài truyện ngắn trong tuyển tập Flappers and Philosophers (Những cô gái tân tiến và các nhà triết học – 1920), Tales of the Jazz Age (Truyện kể về thời đại nhạc Jazz – 1922) và All the Sad Young Men (Tất cả những chàng trai sầu thảm – 1926). Hơn bất kỳ một nhà văn nào khác, Fitzgerald nắm bắt được cuộc sống vô vọng, bất định của thập niên 20. Cuốn tiểu thuyết The Side of Paradise của ông báo hiệu tiếng nói của giới trẻ hiện đại Mỹ. Cuốn tiểu thuyết thứ hai của ông The Beautiful and Damned (Người đẹp và kẻ đọa đầy – 1922), tiếp tục khám phá sự ngông cuồng tự hủy hoại mình của con người trong thời đại ông.

Những phẩm chất đặc biệt của Fitzgerald bao gồm một phong cách chói sáng hoàn toàn thích hợp với chủ đề của ông về sự hào nhoáng cám dỗ. Một đoạn nổi tiếng từ The Great Gastby đã tóm tắt một cách tài tình một khoảng thời gian dài:

“Nhạc vọng lại từ ngôi nhà của người hàng xóm trong suốt những đêm hè. Trong những khu vườn xanh tốt của ông, những người đàn ông và các cô gái đến và đi như đàn mối giữa tiếng thầm thì, rồi rượu sâm banh và những ngôi sao”.

Ernest Hemingway
(1899 -1961)

Ít có nhà văn nào sống cuộc đời sống động, thú vị và nhiều mặt như Ernest Hemingway, một người mà sự nghiệp cứ như thoát thai từ một trong những cuốn tiểu thuyết phiêu lưu của mình. Cũng như Fitzgerald, Dreiser và nhiều tiểu thuyết gia tài năng khác của thế kỷ 20, Hemingway xuất thân vùng Trung Tây Hoa Kỳ. Sinh ở Illinois, Hemingway trải qua thời thơ ấu tươi vui với những chuyến đi săn và câu cá trong những kỳ nghỉ hè ở Michigan. Ông tình nguyện vào một đơn vị cứu thương ở Pháp trong Thế chiến I, rồi bị thương và phải điều trị sáu tháng. Sau chiến tranh ông làm phóng viên thời chiến thường trú ở Paris. Ở đây ông đã gặp nhiều nhà văn Mỹ xa xứ như Sherwood Anderson, Ezra Pound, F. Scott Fitzgerald, và Gertrude Stein. Đặc biệt, Stein đã ảnh hưởng lớn đến phong cách viết văn giản dị của ông.

Sau cuốn The Sun Also Rises (1926) mang lại thành công vang dội, ông viết bài tường thuật về cuộc nội chiến Tây Ban Nha, Chiến tranh thế giới thứ II, và chiến sự ở Trung Quốc vào thập niên 40. Trong một cuộc đi săn ở một hoang mạc châu Phi, chiếc máy bay của ông bị tai nạn và ông bị thương nặng. Tuy thế, ông vẫn ham thích săn bắn và câu cá thể thao, những hoạt động tạo nguồn cảm hứng cho những tác phẩm xuất sắc của ông. The Old Man and The Sea (Ông già và biển cả – 1952), một cuốn tiểu thuyết ngắn, thi vị về một ông lão đánh cá nghèo, dũng cảm bắt được một con cá khổng lồ rồi nó bị đàn cá mập rỉa sạch thịt, đã mang lại cho ông giải thưởng Pulitzer vào năm 1953; năm sau ông nhận được giải Nobel. Bệnh tật, nền tảng gia đình chông chênh và cái ý nghĩ ám ảnh rằng ông đã mất hết khả năng sáng tạo, khiến ông mất tinh thần. Hemingway đã dùng súng tự sát năm 1961.

Có lẽ Hemingway là nhà văn Mỹ nổi tiếng nhất của thế kỷ này. Những tình cảm của ông về căn bản, là rất nhân bản và phi chính trị, và với ý nghĩa này, ông thuộc về nhân loại. Văn phong cực kỳ đơn giản làm cho những cuốn tiểu thuyết của ông trở nên dễ cảm thụ dù chúng thường được đặt trong những khung cảnh xa lạ với độc giả Mỹ. Là một người tin vào “sự tôn thờ kinh nghiệm”, Hemingway thường để cho nhân vật của mình vướng vào những tình huống nguy hiểm để bộc lộ bản chất bên trong của họ; trong những tác phẩm sau này của ông, mối hiểm nguy đôi lúc cũng là một cơ hội để khẳng định tính cách nam nhi của nhân vật.

Cũng như Fitzgerald, Hemingway trở thành người phát ngôn cho thế hệ mình. Nhưng thay vì vẽ ra sự cám dỗ chết người như Scott Fitzgerald, người chưa từng tham gia Thế chiến I đã làm, Hemingway viết về chiến tranh, cái chết, và về cái “thế hệ lạc lõng” của lớp người sống sót bi quan, yếm thế sau chiến tranh. Nhân vật của ông không phải là những người mơ mộng mà là những tay đấu bò can trường, những người lính và vận động viên. Nếu là trí thức, họ thường mang những vết thương chí mạng và không còn ảo tưởng gì cả.

Điểm đặc trưng trong cá tính sáng tạo của ông là một văn phong trong sáng, không có lấy một từ thừa. Ông thường sử dụng cách nói giảm nhẹ. Trong A Farewell to Arms (Giã từ vũ khí – 1929), nhân vật nữ chết lúc sinh con đã nói “Em chả sợ chút nào. Nó chỉ là trò đùa đê tiện”. Ông đã từng so sánh những gì mình viết với những tảng băng trôi: “Có đến bảy phần tám của nó ở dưới nước để một phần có thể phô bày”. Đôi tai tinh tường với ngôn ngữ đời thường và sự mô tả chính xác của Hemingway bộc lộ trong những truyện ngắn đặc sắc của ông, chẳng hạn “The Snows of Kilimanjaro” (Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro) và “The Short Happy Life of Francis Macomber” (Hạnh phúc ngắn ngủi của Francis Macomber”. Thật ra, các ý kiến phê bình thường xem những truyện ngắn của ông ngang hàng hoặc cao hơn những cuốn tiểu thuyết của ông. Những cuốn tiểu thuyết hay nhất của ông gồm The Sun Also Rises, về cuộc sống suy đồi của những người lưu vong sau Thế chiến I; A Farewell to Arms, về một chuyện tình bi đát của một người lính Mỹ và một nữ y tá người Anh trong chiến tranh; For Whom the Bell Tolls (Chuông nguyện hồn ai – 1940) trong bối cảnh cuộc nội chiến Tây Ban Nha và The Old Man and The Sea.

William Faulkner
(1897 – 1962)

Sinh ra trong một gia đình miền Nam lâu đời, William Harrison Faulkner lớn lên ở Oxford bang Mississippi, nơi ông sống hầu như suốt cả cuộc đời. Faulkner đã tạo nên một vùng đất hoàn toàn hư cấu, quận Yoknapatawpha, được nhắc đến trong nhiều tiểu thuyết, cùng với nhiều dòng họ, có những quan hệ đan xen kéo dài nhiều thế hệ. Quận Yoknapatawpha, với thủ phủ “Jefferson”, lấy khuôn mẫu của Oxford bang Mississippi và vùng phụ cận của nó. Faulkner tái tạo lịch sử của vùng đất và nhiều chủng tộc – người Da đỏ, người Mỹ Da đen, người Mỹ gốc Âu và những người pha trộn nhiều dòng máu khác sống trên vùng đất ấy. Là một nhà văn cách tân táo bạo, Faulkner thử nghiệm một trình tự kể chuyện với những quan điểm và giọng điệu khác nhau (bao gồm cả những người ngoài lề xã hội, trẻ con và những người thất học) một cách xuất sắc và một phong cách baroque đạt trình độ nghệ thuật cao và phong phú, xây dựng trên những câu rất dài đầy những thành phần phụ phức tạp.

Những cuốn tiểu thuyết xuất sắc nhất của Faulkner bao gồm The Sound and the Fury (Âm thanh và cuồng nộ – 1929) và As I Lay Dying (Khi tôi hấp hối – 1930), hai tác phẩm thuộc trào lưu hiện đại thể nghiệm quan điểm và tiếng nói điều tra về những gia đình miền Nam sống dưới sức ép của việc mất đi một thành viên trong gia đình; Light in August (Ánh sáng tháng Tám – 1932), viết về những quan hệ phức tạp và tàn bạo giữa một người đàn bà Da trắng và một người đàn ông Da đen; và Absalom, Absalom! (1936), có lẽ là cuốn sách hay nhất của ông, viết về sự vươn lên của một người chủ trang trại mang ý hướng tự lập và sự sụp đổ bi đát của anh bởi thành kiến chủng tộc và đổ vỡ trong tình yêu.

Hầu hết các tiểu thuyết này xây dựng những nhân vật khác nhau để kể lại từng phần của câu chuyện và chứng minh ý nghĩa hiện diện thế nào trong cách kể chuyện cũng như trong đề tài sử dụng. Việc đưa ra những quan điểm khác nhau làm cho tác phẩm Faulkner mang tính tự tham chiếu, hay “tự chiêm nghiệm” hơn là của Hemingway và Fitzgerald. Mỗi cuốn tiểu thuyết của ông phản ánh lên chính nó, trong khi đồng thời mở ra một câu chuyện khác với mối quan tâm rộng lớn khái quát hơn. Những đề tài chính của Faulkner là truyền thống miền Nam, gia đình, cộng đồng, đất đai, lịch sử và quá khứ, chủng tộc và những đam mê tham vọng và tình yêu. Ông cũng sáng tạo ba tiểu thuyết tập trung vào sự vươn lên của một dòng họ đang suy sụp, dòng họ Snopes: The Hamlet (Xóm quê – 1940), The Town(Thị trấn – 1957), và The Mansion (Ngôi nhà – 1959).

TIỂU THUYẾT NHẬN THỨC XÃ HỘI

Kể từ thập niên 90 của thế kỷ 19, một dòng ý thức phản kháng xã hội đã âm thầm luân lưu trong nền văn học Mỹ, khi thì trào lên trong chủ nghĩa Tự nhiên với Stephen Crane và Theodofe Dreiser và trong những thông điệp rõ ràng của những nhà văn thuộc trường phái “khuấy bùn” chuyên phanh phui những vụ bê bối. Sau này, nổi lên những nhà văn dấn thân vào các vấn nạn xã hội bao gồm: Sinclair Lewis, John Steinbeck, John Dos Passos, Richard Wright và nhà viết kịch Clifford Odets. Họ gắn liền với thập niên 30 trong mối quan tâm đến phúc lợi của người dân bình thường và chú ý đến những nhóm người cụ thể: những người có nghề chuyên môn, như trong cuốn tiểu thuyết dựa theo nguyên mẫu Arrowsmith (Về cuộc đời bác sĩ Arrowsmith) hay Babbitt (một thương nhân địa phương) của Sinclair Lewis, về các gia đình, như trong The Grapes of Wrath của Steinbeck; hoặc quần chúng đô thị, như Dos Passos đã đạt được qua 11 nhân vật chính trong tiểu thuyết bộ ba U.S.A. (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) của ông.

Sinclair Lewis
(1885 – 1951)

Harry Sinclair Lewis sinh ra ở Sauk Centre, bang Minnesota, tốt nghiệp Đại học Yale. Ông dùng thời gian không phải tới lớp để làm việc ở một tổ chức xã hội, Helicon Home Colony, do nhà văn chuyên phanh phui những chuyện bê bối Upton Sinclair tài trợ. Cuốn Main Street (Phố chính 1920) của Lewis châm biếm cuộc sống tỉnh lẻ đơn điệu, đạo đức giả ở thảo nguyên Gopher, bang Minnesota. Ngòi bút bén nhọn trong mổ xẻ về đời sống thị dân ở Mỹ và sự phê phán chủ nghĩa vật chất, sự hẹp hòi, đạo đức giả kiểu Mỹ của ông mang lại danh tiếng cho ông cả trong nước và trên trường quốc tế. Vào năm 1926, ông được trao tặng nhưng lại từ chối giải Pulitzer cho cuốnArrowsmith (1925), một cuốn tiểu thuyết khắc họa những nỗ lực của một bác sĩ để giữ được lương tâm thầy thuốc giữa kỷ nguyên của lòng tham và sự băng hoại. Năm 1930, ông là người Mỹ đầu tiên đoạt giải Nobel văn học.

Trong những tác phẩm quan trọng khác của Lewis còn có Babbitt (1922). George Babbitt là một thương nhân bình thường sống và làm việc ở Zenith, một thị trấn bình thường ở Mỹ. Babbitt đạo đức, giàu nghị lực và là người tin tưởng rằng công việc kinh doanh là một phương cách khoa học mới của cuộc sống hiện đại. Trở nên bất ổn, ông ta tìm kiếm thành đạt nhưng rồi vỡ mộng bởi mối tình với một người đàn bà bohêmian, sau cũng trở về với vợ, và chấp nhận số phận. Cuốn tiểu thuyết này đã thêm một từ mới vào tiếng Anh-Mỹ – “Babbittry” có nghĩa là những kiểu cách trưởng giả, tự mãn, hẹp hòi. Cuốn Elmer Gantry (1927) mô tả tôn giáo theo phái thức tỉnh niềm tin ở Mỹ (Revivalism), còn cuốn Cass Timberlane (1945) đi sâu phân tích những căng thẳng phát sinh trong cuộc hôn nhân giữa một quan tòa già nua và người vợ trẻ.

John Dos Passos
(1896 – 1970)

Cũng như Sinclair Lewis, John Dos Passos bắt đầu là một nhà hoạt động cánh tả cấp tiến rồi chuyển sang cánh hữu khi về già. Dos Passos viết văn theo phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Tác phẩm hay nhất của ông đạt được tính khách quan một cách khoa học và gần như có hiệu quả tư liệu. Dos Passos triển khai một kỹ thuật cắt dán thử nghiệm cho tác phẩm kiệt xuất U.S.A (Hợp chủng quốc Hoa Kỳ) của mình, bao gồm The 42nd Parallel (Vĩ tuyến 42 – 1930), 1919 (Năm 1919 – 1932), và The Big Money(Đại tài phiệt – 1936). Tuyển tập này bao quát lịch sử xã hội của Hoa Kỳ từ 1900 đến 1930 và phơi bày sự xuống cấp đạo đức của xã hội Mỹ bởi chủ nghĩa vật chất qua những trang đời các nhân vật.

Những kỹ thuật mới của Dos Passos gồm nhũng đoạn “phim thời sự” lấy từ những tiêu đề báo chí đương thời, những bài hát ưa thích, và những mẫu quảng cáo, cũng như “những tiểu sử” giới thiệu ngắn gọn cuộc đời của những nhân vật VIP đương thời, chẳng hạn như nhà phát minh Thomas Edison, nhà hoạt động công đoàn Eugene Debs, ngôi sao màn bạc Rudolph Valentino, nhà tài phiệt J. P Morgan, và nhà xã hội học Thorstein Veblen. Cả những đoạn phim thời sự lẫn tiểu sử đều mang lại cho tiểu thuyết của Dos Passos một giá trị tư liệu; kỹ thuật thứ ba của ông, “con mắt ống kính”, bao gồm những bài thơ văn xuôi có ý thức tạo ra một phản ứng chủ quan đối với những biến cố được mô tả trong cuốn sách.

John Steinbeck
(1902 – 1968)

Cũng như Sinclair Lewis, ngày nay John Steinbeck được giới phê bình nước ngoài đánh giá cao hơn là ở trong nước chủ yếu do ông đã nhận giải Nobel văn học năm 1963 và cùng với nó là danh tiếng trên trường quốc tế. Trong cả hai trường hợp, Ủy ban Nobel đã chọn lựa những nhà văn Mỹ tự do, nổi bật vì những phê phán xã hội của họ.

Steinbeck, người California, tái hiện thung lũng Salinas, gần San Francisco trong nhiều tác phẩm của mình. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer The Grapes of Wrath (1939), dõi theo những công việc nhọc nhằn của một gia đình nghèo ở Oklahoma bị mất hết ruộng đất trong cuộc khủng hoảng kinh tế và phải đến California kiếm việc. Những người trong gia đình chịu đựng những điều kiện sống áp bức theo kiểu phong kiến của những chủ đất giàu có. Những tác phẩm khác cũng lấy bối cảnh ở California gồm Tortilla Flat (1935), Of Mice and Man (Của chuột và người – 1937), Cannery Row (Dãy đồ hộp – 1945), và East of Eden (Phía Đông vườn địa đàng – 1952).

Steinbeck kết hợp chủ nghĩa Hiện thực với chủ nghĩa Lãng mạn mang tính cách nguyên sơ để tìm kiếm đức hạnh ở những nông dân nghèo bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Tiểu thuyết của ông minh chứng cho các khía cạnh dễ bị tổn thương của những con người đó, họ có thể bị nhổ tận gốc bởi những cơn hạn hán và là những người đầu tiên phải chịu đựng đau khổ trong những giai đoạn bất ổn chính trị và khủng hoảng kinh tế.

PHONG TRÀO PHỤC HƯNG HARLEM

Trong suốt thập niên 20 hưng thịnh của thế kỷ này, Harlem, cộng đồng Da đen tọa lạc ngoại vi thành phố New York, tràn đầy một không khí đam mê và sáng tạo. Nhạc Jazz của người Mỹ Da đen tràn ngập và thành công khắp đất nước, những nhạc công và những nhà soạn nhạc Jazz như Duke Ellington trở thành những ngôi sao được hâm mộ không chỉ ở Mỹ mà trên toàn thế giới. Bessie Smith và những ca sĩ nhạc Blues khác trình bày những lời ca chân thành, đa cảm, mộc mạc với nhiều xúc cảm. Thánh ca của người Mỹ Da đen được tán thưởng một cách rộng rãi như là một loại âm nhạc tôn giáo hay tuyệt vời và độc đáo vô song. Ethel Waters, nữ diễn viên Da đen chiếm lĩnh trên sân khấu Broadway rồi những điệu múa và nghệ thuật Mỹ Da đen nở rộ cùng âm nhạc và kịch nghệ.

Trong vườn tài năng muôn màu muôn vẻ ở Harlem, nhiều nhãn quan nghệ thuật cùng nhau tồn tại. Cuốn tiểu thuyết đầy sức lay động viết năm 1926 về Harlem của Carl Van Vechten mở ra cánh cửa sự thật về cuộc sống phức tạp, vừa ngọt ngào vừa cay đắng của người Mỹ Da đen trong cuộc đối đầu với những khó khăn về sự bất bình đẳng kinh tế và xã hội.

Thi sĩ Countee Cullen (1903 – 1946), một người Harlem đã có một cuộc hôn nhân ngắn ngủi với con gái của W. E. Du Bois đã sáng tác những bài thơ có vần rất tài tình, theo những hình thức khả dĩ rất được người Da trắng ngưỡng mộ. Ông tin tưởng rằng một nhà thơ không nên để cho màu da ấn định các chủ đề và phong cách của một bài thơ. Còn ở thái cực phía bên kia là những người Mỹ gốc Phi châu đã chối bỏ nước Mỹ, ủng hộ phong trào “Trở về cội nguồn châu Phi” của Marcus Garvey. Đâu đó ở giữa hai khuynh hướng này là tác phẩm của Jean Toomer.

Jean Toomer
(1899 – 1967)

Giống như Cullen, nhà văn viết tiểu thuyết và nhà thơ Mỹ gốc Phi châu – Toomer tin tưởng và xây dựng một tính cách Mỹ vượt qua cái ngưỡng chủng tộc. Có lẽ vì lý do này, ông sử dụng những truyền thống thi ca có vần điệu và không tìm kiếm những hình thức “Da đen” mới cho thơ mình. Tuy nhiên, tác phẩm quan trọng Cane (Lau sậy – 1923) của ông đầy tham vọng và rất đổi mới. Như Paterson của Williams, Cane kết hợp những bài thơ, những đoạn văn xuôi ngắn, những câu chuyện và những ghi chép có tính cách tiểu sử tự thuật. Trong đó, một người Mỹ Da đen đấu tranh để khám phá bản thân mình trong giới hạn và vượt ra ngoài những cộng đồng Da đen ở vùng quê Georgia, Washington D.C., và Chicago bang Illinois với tư cách là một thầy giáo Da đen ở miền Nam. Trong Cane, những người dân Da đen quê mùa ở Georgia của Toomer có tâm hồn rất nghệ sĩ:

Giọng hát họ cất lên… những cây thông là những cây đàn ghita,
Tiếng đàn bập bùng, những chiếc lá thông rơi như những làn mưa…
Giọng hát họ cất lên… dàn đồng ca của lau sậy
Đang hát một bài kinh chiều mừng đón các vì sao…
(I, 21 – 24)

Cane là hình ảnh tương phản với nhịp sống nhanh của người Mỹ Da đen ở thành phố Washington:

Tiền đốt cháy túi, túi đau,
Mặc áo lụa, những tay buôn rượu lậu
Phình to, những chiếc Cadillac kêu vù vù,
Rít lên, rít lên lao tới dòng xe
(II, 1 – 4)

 

Richard Wright
(1908 – 1960) 

Richard Wright sinh ra trong một gia đình nghèo làm lĩnh canh ở Mississippi bị cha bỏ rơi lúc lên năm. Wright là tiểu thuyết gia Mỹ gốc Phi đầu tiên được đông đảo bạn đọc đón nhận, mặc dầu ông chưa học hết lớp 9. Thời thơ ấu gian khổ khắc nghiệt của ông được mô tả trong một trong những cuốn tự truyện hay nhất của ông, cuốn Black Boy (Cậu bé Da đen – 1945). Sau này ông nói rằng ý thức về nỗi đau xót của tuổi thơ bị tước đoạt, do sự kỳ thị chủng tộc, lớn đến nỗi chỉ có đọc sách mới giúp cho ông sống được.

Sự phê phán xã hội và chủ nghĩa hiện thực của Sherwood Anderson, Theodore Dreiser, và Sinclair Lewis đã khơi nguồn hứng khởi sáng tạo đặc biệt cho Wright. Trong suốt thập niên 30, ông tham gia Đảng Cộng sản; vào thập niên 1940, ông sang Pháp, có mối quan hệ với Gertrude Stein và Jean Paul Sartre rồi trở thành một người chống cộng. Lối viết bộc trực của ông mở đường cho những tiểu thuyết gia Mỹ Da đen đi sau.

Tác phẩm của ông gồm Uncle Tom’s Children (Con cháu của chú Tom – 1938), một tập truyện ngắn và một cuốn tiểu thuyết nhan đề Native Son(Con của đất Mẹ – 1940) mạnh mẽ có phần tàn nhẫn, trong đó Bigger Thomas, một thanh niên Da đen thất học, lỡ tay giết chết con gái của ông chủ Da trắng của mình, rồi tàn nhẫn đốt xác để phi tang và giết luôn cô bạn gái Da đen của mình vì sợ cô ta sẽ tố cáo hắn. Mặc dầu nhiều người Mỹ Da đen phê phán Wright vì đã xây dựng một nhân vật Da đen là một kẻ giết người ghê tởm như vậy, tiểu thuyết của Wright góp một tiếng nói cần thiết dù chậm trễ về tệ phân biệt chủng tộc đã là chủ đề của quá nhiều cuộc tranh luận ở Hoa Kỳ.

Zora Neale Hurston
(1903 – 1960)

Sinh ra trong thành phố nhỏ Eatonville bang Florida, Zora Neale Hurston được đánh giá là một trong những lá cờ đầu của thời kỳ Phục hưng Harlem. Bà đến New York lần đầu khi mới 16 tuổi – với tư cách là thành viên của đoàn kịch nói lưu động. Là người kể chuyện tài năng trác tuyệt có khả năng hớp hồn khán thính giả, bà theo học Đại học Barnard, và được thụ giáo với nhà nhân chủng học Franz Boaz và đi đến chỗ nắm vững bộ môn dân tộc học, hứa hẹn một triển vọng khoa học. Boaz khuyến khích bà sưu tập văn hóa dân gian từ vùng quê Florida của bà. Nhà folklore học nổi tiếng Alan Lomax gọi cuốn Mules and Men (Lừa và người – 1935) của bà là cuốn sách được viết một cách điêu luyện, chân thành và dấn thân nhất trong lĩnh vực folklore.

Hurston cũng có một thời gian sống ở Haiti, học pháp thuật và sưu tầm văn hóa dân gian vùng Caribbe, những điều này được đưa vào tuyển tập Tell My Horse (Bảo con ngựa của tôi – 1938). Việc nắm vững một cách tự nhiên tiếng Anh thông dụng đưa bà đến với truyền thống lớn lao của Mark Twain. Lối viết của bà tỏa sáng với một ngôn ngữ đầy màu sắc trong những câu chuyện khôi hài – hay bi thảm – lấy từ văn hóa truyền miệng của người Mỹ Da đen.

Hurston là nhà văn gây ấn tượng sâu sắc. Tác phẩm quan trọng nhất của bà, Their Eyes Were Watching God (Đôi mắt họ ngước lên thành kính Chúa – 1937), là một bức tranh mới mẻ, cảm động về sự trưởng thành và về niềm hạnh phúc lại trở về với một người phụ nữ đẹp mang trong mình hai dòng máu đen trắng khi cô trải qua 3 cuộc hôn nhân. Cuốn tiểu thuyết khơi dậy một cách sống động cuộc sống của người lao động Mỹ – Phi châu trên vùng đất hoang sơ miền Nam. Là cánh chim báo tin của phong trào phụ nữ, Hurston gợi cảm hứng và gây ảnh hưởng đến những nhà văn đương đại như Alice Walker và Toni Morrison qua những cuốn tiểu thuyết mang tính tự thuật của bà như Dust Tracks on a Road (Dấu bụi trên đường – 1942).

TRÀO LƯU VĂN HỌC FUGITIVES VÀ NHÓM PHÊ BÌNH MỚI

Từ sau cuộc Nội chiến đến thế kỷ 20, miền Nam nước Mỹ vẫn còn là một miền đất lạc hậu về chính trị, kinh tế cùng với nạn kỳ thị chủng tộc và tệ mê tín dị đoan, nhưng đồng thời lại là vùng đất có một nền văn hóa dân gian phong phú và một ý thức mạnh mẽ về lòng tự hào và truyền thống nhất. Nó đã mang tiếng một cách hơi bất công là một vùng đất khô cằn, thấp kém về văn hóa, mang phong cách tỉnh lẻ và ngu dốt.

Oái ăm thay, trào lưu văn học địa phương quan trọng nhất của thế kỷ 20 chính là trào lưu Fugutives – có nghĩa là hoạt động của những kẻ Đào tẩu – do nhà lý luận kiêm phê bình và đồng thời là thi sĩ John Crowe Ransom, nhà thơ Allen Tate và nhà văn viết tiểu luận, tiểu thuyết và làm thơ Robert Penn Warren lãnh đạo. Trường phái văn học miền Nam này chối bỏ những giá trị thương mại đô thị của “miền Bắc” mà họ cảm thấy đang bành trướng khắp nước Mỹ. Fugitives kêu gọi trở về với đất đai và với những truyền thống Mỹ chỉ có thể tìm thấy ở miền Nam. Trào lưu này lấy tên từ một tạp chí văn học, The Fugitive, xuất bản từ 1922 đến 1925 của Đại học Vanderbilt, ở Nashville bang Tennessee, với sự hợp tác của Ransom, Tate, và Warren. Ba nhà văn chủ yếu của trào lưu Fugitive cũng kết hợp với nhóm Phê bình mới đề xuất một lối tiếp cận văn học qua cách đọc kỹ lưỡng, sự chú ý đến cách viết đúng quy phạm (về hình ảnh, ẩn dụ, vận luật, âm thanh và biểu tượng) và những ý nghĩa hàm ẩn của chúng. Ransom, lý thuyết gia hàng đầu của phong trào Phục hưng miền Nam giữa hai thế chiến, xuất bản một cuốn sách mang tên The New Criticism (Chủ nghĩa phê bình mới – 1941) bàn về phương pháp này, đưa ra một cách tiếp cận khác cho những phương pháp phê bình ngoài văn học trước đây vốn dựa trên các yếu tố lịch sử và tiểu sử tác giả. Trào lưu phê bình Mới trở thành phương pháp phê bình thống trị trong những thập niên 40 và 50 ở Mỹ bởi vì nó tỏ ra rất thích hợp với những nhà văn theo trào lưu Hiện đại như là Eliot và có thể tiếp thu lý thuyết của Freud (đặc biệt những phạm trù cấu trúc của nó như là vô thức, bản ngã và siêu ngã) và các phương pháp dựa trên những kiểu mẫu huyền thoại.

KỊCH NÓI MỸ THẾ KỶ 20

Kịch nói Mỹ mô phỏng sân khấu Anh và châu Âu mãi cho đến tận thế kỷ 20. Thông thường những vở từ nước Anh hay được dịch từ những ngôn ngữ châu Âu chiếm lĩnh mùa biểu diễn. Một đạo luật chưa hoàn chỉnh về bản quyền đã không thể bảo vệ và nâng đỡ những nhà viết kịch Mỹ hoạt động cho một nền nghệ thuật sân khấu đích thực. Các nam nữ 196 197 nghệ sĩ trong “hệ thống các ngôi sao” cũng vậy, họ được hâm mộ tán thưởng hơn là chính nội dung các vở kịch. Dân Mỹ đổ xô đi xem những diễn viên Cựu lục địa lưu diễn ở Mỹ. Thêm vào đó, những vở kịch nước ngoài, cũng như rượu ngoại, luôn được đánh giá cao hơn hẳn những vở kịch nội địa.

Suốt thế kỷ 19, những vở kịch ướt át, ủy mị với những nhân vật dân chủ mẫu mực và sự tương phản rõ rệt giữa cái tốt và cái xấu đã thành phổ biến. Những vở kịch về những vấn đề xã hội như chế độ nô lệ cũng lôi kéo được phần lớn khán giả; đôi lúc cũng có những vở kịch được chuyển thể từ tiểu thuyết như Uncle Tom’s Cabin. Cuối thế kỷ 19, những vở kịch nghiêm túc mới cố gắng đạt được sự đổi mới về mặt nghệ thuật. Tuy nhiên, văn hóa đại chúng đã có những tiến triển quan trọng, đặc biệt kịch vaudeville (thể loại sân khấu tạp kỹ bình dân gồm hài kịch ngắn, hề, nhạc và những thứ tương tự). Sân khấu tạp kỹ, dựa trên âm nhạc và văn hóa dân gian Mỹ Da đen, do những diễn viên Da trắng hóa trang “mặt đen” trình diễn cũng phát triển những hình thức và cách thể hiện rất sáng tạo.

Eugene O’Neill
(1888 – 1953)

Eugene O’Neill là đỉnh cao của kịch nói Mỹ. Rất nhiều vở kịch của ông kết hợp sáng tạo kỹ thuật lớn lao cùng với một cái nhìn tươi sáng và một cảm xúc sâu lắng. Những vở kịch đầu tay của O’Neill quan tâm đến tầng lớp lao động và người nghèo khổ; những tác phẩm về sau tập trung khám phá những lĩnh vực chủ quan, như những nỗi ám ảnh và tính dục. Đó cũng chính là những vở kịch ghi lại dấu ấn của việc O’Neill chịu ảnh hưởng sâu sắc của Freud và những cố gắng đau thương khắc khoải của ông trong việc chấp nhận cái chết của cha, mẹ và anh trai. Vở kịch Desire Under the Elms(Khao khát dưới rặng cây du – 1924) đã tái hiện niềm đam mê thầm kín trong một gia đình. Vở The Great God Brown (Vị thần tối linh thiêng Brown – 1926) bóc trần thế giới tiềm thức của một thương gia giàu có. Còn vởStrange Interlude (Quãng lặng kỳ lạ – 1928) – đoạt giải Pulitzer -thì lần theo dấu vết những cuộc tình rối rắm của một người đàn bà. Những vở kịch có sức tác động sâu xa này thể hiện những tính cách cá nhân khác nhau quay về với những xúc cảm nguyên sơ hoặc sự bấn loạn bởi tác động của các xung đột căng thẳng.

O’Neill tiếp tục khai thác các áp lực mang tính phân tâm học của tình yêu và sự thống trị trong các gia đình trong một vở kịch bộ ba cùng mang tênMourning Becomes Electra (Khóc thương vốn bản tính nàng Electra – 1931) dựa trên vở bi kịch bộ ba cổ điển Oedipus của Sophocles[8]. Những tác phẩm cuối đời của ông bao gồm những vở được dư luận công nhận là kiệt tác The Iceman Cometh (Người bán kem đã tới – 1946), một tác phẩm kiệt xuất với đề tài về cái chết, Long Day’s Journey Into Night (Cuộc hành trình trọn ngày dài để đi vào bóng đêm – 1956) – một tiểu sử tự thuật đầy sức mạnh bao quát nhiều vấn đề đầy kịch tính lấy chính những thành viên trong gia đình ông làm nhân vật và sự hủy hoại của họ về mặt tâm lý và thể xác làm trọng tâm; tất cả điều đó chỉ xảy ra trong vòng một đêm. Tác phẩm này là một phần của một chuỗi các vở kịch O’Neill sáng tác trong giai đoạn cuối đời cho đến khi ông chết.

O’Neill đã định nghĩa lại nghệ thuật sân khấu bằng cách dẹp bỏ sự phân chia theo truyền thống thành màn, cảnh (Strange Interlude có 9 màn, còn Mourning Becomes Electra phải mất 9 giờ để diễn); sử dụng mặt nạ như trong những vở kịch ở châu Á và Hy Lạp cổ đại; đưa vào kịch những đoạn thơ theo kiểu Shakespeare, dàn đồng ca Hy Lạp; và tạo ra những hiệu quả đặc biệt qua ánh sáng và âm thanh. Ông được mọi người công nhận là tác giả viết kịch hàng đầu của Hoa Kỳ. Vào năm 1936, ông được nhận giải Nobel văn học và cũng là nhà soạn kịch Hoa Kỳ đầu tiên nhận được vinh dự này.

Thorton Wilder
(1897 – 1975)

Thorton Wilder nổi tiếng vì những vở kịch Our Town (Thị trấn của chúng tôi – 1938) và The Skin of Our Teeth (1942), và vì cuốn tiểu thuyết The Bridge of San Luis Rey (Cây cầu ở San Luis Rey – 1927) của ông.

Vở Our Town chuyển tải những giá trị Mỹ tích cực. Nó chứa đựng mọi yếu tố tình cảm và hoài niệm về một thị trấn nhỏ miền quê theo truyền thống mẫu mực, các bậc cha mẹ đôn hậu và những đứa con ngỗ nghịch, cùng những cặp tình nhân son trẻ. Vẫn có đây đó những yếu tố cách tân như những hồn ma, giọng nói từ phía khán giả, những chuyển đổi thời gian táo bạo khiến cho vở kịch lôi cuốn hơn. Thực ra, đây là một vở kịch về cuộc sống và cái chết, trong đó những người chết được tái sinh, ít nhất thì cũng trong chốc lát.

Clifford Odets
(1906 – 1963)

Clifford Odets, một bậc thầy về kịch xã hội, là người Do Thái di cư từ Đông Âu. Lớn lên ở New York, ông trở thành một trong những thành viên đầu tiên của nhóm kịch the Group Theatre do Harold Churman, Lee Strasberg và Cheryl Crawford điều hành, chỉ dàn dựng những vở kịch trong nước. Vở kịch nổi tiếng nhất của Odets là Waiting for Lefty (Đợi chờ người cánh tả – 1935), vở kịch thể nghiệm một màn này ủng hộ một cách nhiệt tình chủ nghĩa nghiệp đoàn lao động.

Vở Awake and Sing! (Hãy thức dậy và ca hát!) của ông, một khúc ca hoài niệm về gia đình là một vở kịch thành công vang dội, tiếp theo là vở Golden Boy (Cậu bé vàng), câu chuyện một thanh niên di cư gốc Ý tự hủy hoại tài năng âm nhạc của mình (anh là một nhạc sĩ vĩ cầm) bị tiền bạc cám dỗ rồi trở thành một võ sĩ quyền Anh và rồi bị thương ở tay. Cũng như The Great Gatsby của Fitzgerald và An American Tragedy của Dreiser, vở kịch là hồi chuông cảnh tỉnh những tham vọng vô độ và chủ nghĩa vật chất.


[1] Theo các nhà nghiên cứu, tựa đề và tư tưởng của bài thơ ngụ ý đến nền văn minh hiện đại và bài thơ đã nắm bắt một cách chính xác thực trạng nền văn minh và xã hội Phương Tây sau chiến tranh thế giới thứ 1. Chiến tranh, được giả thiết là để cứu vãn châu Âu lại là một cái gì có sức tàn phá và hủy diệt nhất trong lịch sử, vậy thì sau nó loại văn minh nào diễn ra trên thế giới? Đó là vấn đề được đặt ra trong bài thơ. The Waste Land chứa đựng nhiều những cách tân táo bạo và nó đánh dấu một sự thay đổi lớn lao trong nghệ thuật thi ca của nhân loại.

[2] Leter Quince là người dàn cảnh cho các nghệ sĩ mộc mạc trong vở hài kịch Giấc mộng đêm hè của Shakespear, một cái tên gợi lên hình ảnh về những niềm vui và sự thơ ngây nơi thôn dã.

[3] Key West: tên một thành phố trung tâm của quận Monroe, tây nam bang Florida.

[4]

[5] Agamennon: trong thần thoại Hy Lạp là vị vua của Argos, có vợ là Clytemnestra. Sau khi Paris con trai vua Priam của thành Troy bắt người đẹp Helen, Agamemnon đã đứng lên kêu gọi hoàng tử của đất nước khởi chiến chống lại thành Troy. Aeschylus đã dựa vào truyền thuyết để viết kịch Agamemnon.

[6] Medea: một phụ nữ quyến rũ đã giúp Jason chiếm được bộ lông cừu vàng của cha nàng, vua Aeetes ở Colchis. Vở bi kịch Medea của Euripides viết về giai đoạn sau, khi Jason phản bội Medea yêu công chúa con vua Creon. Medea đã giết vua Creon, kẻ tình địch và hai con trai để trả thù Jason.

[7] Nguyên văn câu này là and eddieandbill come eddieandbill là tên của hai đứa trẻ Eddie và Bill được ghép lại, chúng tôi tạm dịch là bọn trẻ con.

[8] Electra: trong thần thoại Hi Lạp là con gái của Agamemnon và Clytemnestra đã cứu thoát người em trai khi cha nàng bị giết. Khi người em trở về nàng cũng giúp em giết mẹ và người tình của bà. Trong vở kịch bộ ba của O’Neil nhân vật chính cũng hành động tương tự Electra, chỉ có khác là người em trai sau đó tự sát.

Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_amliterature_vi.html

Literature Văn học Mỹ

PHÁC THẢO VĂN HỌC MỸ – Chương 5: Sự phát triển của chủ nghĩa hiện thực thời kỳ 1860-1914

 

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Cuộc Nội chiến Hoa Kỳ (1861 – 1865) giữa miền Bắc công nghiệp và miền Nam nông nghiệp chiếm hữu nô lệ là một bước ngoặt lịch sử Mỹ. Sau chiến tranh, sự lạc quan ngây thơ của một quốc gia dân chủ non trẻ nhường bước cho một thời kỳ kiệt quệ. Chủ nghĩa lý tưởng Mỹ vẫn tồn tại nhưng đã rẽ sang một hướng khác. Trước cuộc Nội chiến, những người theo lý tưởng chủ nghĩa đã giành vòng nguyệt quế về nhân quyền, đặc biệt là việc bãi bỏ chế độ nô lệ. Sau chiến tranh, người Mỹ lại càng lý tưởng hóa về sự tiến bộ và con người tự lập. Đây là kỷ nguyên của những nhà sản xuất và đầu cơ triệu phú, khi mà thuyết tiến hóa của Darwin và “quy luật về sự đấu tranh sinh tồn” của ông dường như là sự phê chuẩn cho những biện pháp đôi khi trái với luân thường đạo lý của các ông trùm kinh doanh.

Thương mại bùng nổ sau chiến tranh. Ngành công nghiệp phục vụ chiến tranh đã đẩy nền công nghiệp ở phương Bắc đi lên và mang đến cho nó uy tín và quyền lực chính trị. Nó cũng mang lại cho những người lãnh đạo công nghiệp kinh nghiệm quý giá trong quản lý con người và máy móc. Những nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ – sắt, than đá, dầu lửa, vàng và bạc – của đất Mỹ mang lợi nhuận đến cho các ngành kinh doanh. Hệ thống xe lửa liên lục địa mới, khánh thành năm 1869, và hệ thống điện tín xuyên lục địa bắt đầu hoạt động năm 1861, cung cấp cho nền công nghiệp nguyên vật liệu thị trường và thông tin. Dòng người nhập cư chảy vào liên tục cũng mang lại nguồn cung ứng lao động rẻ mạt có vẻ như vô tận. Hơn 23 triệu người nước ngoài – người Đức, người Scandinavia và người Ireland trong những năm đầu, và rồi sau đó người Trung Âu và Nam Âu liên tục đổ vào nước Mỹ khoảng giữa 1860 và 1910. Những công nhân hợp đồng người Hoa, Nhật và Philippines cũng được các chủ đồn điền ở Hawaii, các công ty xe lửa, và các tập đoàn kinh doanh khác của Mỹ ở vùng bờ biển phía tây nhập cư vào Mỹ.

Vào năm 1860, hầu hết dân Mỹ sống trong những trang trại hay trong những làng nhỏ, nhưng khoảng trước 1919 nửa dân số tập trung vào khoảng 12 đô thị. Những vấn đề của việc đô thị hóa và công nghiệp hóa xuất hiện: nghèo đói và nhà ở quá chật chội, điều kiện sống kém vệ sinh, lương thấp (được gọi là “nô lệ ăn lương”), điều kiện làm việc khó khăn và những kềm hãm không phù hợp với hoạt động kinh doanh. Những nghiệp đoàn lao động phát triển và các cuộc đình công làm cả nước nhận thức được tình cảnh khốn khó của người lao động. Nông dân cũng tham gia đấu tranh chống lại “những tập đoàn tài chính” của miền Đông, những kẻ được gọi là những ông vua ăn cướp như J.P Morgan và John D. Rockefeller. Những ngân hàng ở miền Đông của họ kiểm soát chặt chẽ những tài sản thế chấp và tín dụng thiết yếu cho sự phát triển và nền nông nghiệp ở miền Tây, trong khi các công ty xe lửa tính giá vận chuyển nông sản ra thành phố rất cao. Nông dân dần dần trở thành một đối tượng lố bịch, bị chế giễu như là một anh chàng “quỷnh”, một anh nhà quê thô kệch. Người Mỹ lý tưởng của thời kỳ sau Nội chiến chính là những nhà triệu phú. Nếu vào năm 1860, có không đến 100 người là triệu phú; thì vào khoảng 1875, đã có hơn 1.000 người.

Từ năm 1860 đến 1914, Hoa Kỳ đã biến đổi từ một cựu thuộc địa nông nghiệp, non trẻ, nhỏ bé trở thành một đất nước công nghiệp, hiện đại, khổng lồ. Từ một đất nước vay nợ vào năm 1860, vào khoảng trước năm 1914 nó trở thành một quốc gia giàu có nhất thế giới, với một số dân tăng hơn gấp đôi, từ 31 triệu trong năm 1860 đến 76 triệu trong năm 1900. Trước Thế chiến thứ I, Hoa Kỳ đã trở thành một cường quốc chính trên thế giới.

Khi nền công nghiệp hóa phát triển, sự tha hóa bắt đầu. Những cuốn tiểu thuyết đặc trưng Mỹ của thời Kỳ đó là: Maggie – A Girl of the Streets(Maggie, cô gái điếm) của Stephen Crane, Martin Eden của Jack London và sau này An American Tragedy (Một bi kịch Mỹ) của Theodore Dreiser – đã đặc tả những tổn thất của nền kinh tế và sự tha hóa của mỗi cá nhân yếu ớt và dễ bị tổn thương. Những kẻ sống sót, như Huck Finn của Twain, Humphrey Vanderveyden trong The Sea-Wolf (Hải tặc sói biển) của London và dì Carrie cơ hội chủ nghĩa của Dreiser, chịu đựng được khó khăn nhờ sức mạnh bên trong như lòng tốt, sự linh hoạt mềm dẻo và trên hết là tính cách cá nhân.

Samuel Clemens (Mark Twain)
(1835 – 1910) 

Samuel Clemens nổi tiếng với bút danh Mark Twain, lớn lên ở thị trấn biên giới Hannibal bên sông Mississippi bang Missouri. Câu nói nổi tiếng của Ernest Hemingway: tất cả nền văn học Mỹ xuất phát từ một cuốn sách vĩ đại, cuốn Adventures of Huckleberry Finn (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) của Twain, cho thấy vị trí cao vời vợi của nhà văn này trong truyền thống văn học. Đầu thế kỷ 19, nhiều nhà văn Mỹ có khuynh hướng quá hoa Mỹ, quá duy cảm, hoặc quá khoa trương – một phần vì họ vẫn nỗ lực chứng tỏ mình cũng có thể viết sang trọng như người Anh. Phong cách của Twain, trái lại dựa trên tiếng Mỹ bình dân, sống động, khỏe khoắn đã làm cho các nhà văn Mỹ có một cái nhìn mới, một sự trân trọng đối với tiếng nói dân tộc. Twain là nhà văn vĩ đại đầu tiên xuất thân từ vùng đất nội địa nước Mỹ và ông nắm bắt được thứ tiếng lóng khôi hài, độc đáo và tinh thần giải thiêng của xứ sở này([1]).

Đối với Twain và những tác giả Mỹ khác cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa hiện thực không thuần túy chỉ là một kỹ thuật văn học: nó là một cách nói lên sự thật và làm nổ tung những quy ước sáo mòn. Vì vậy nó tự do một cách sâu sắc và tiềm tàng sức mạnh phản kháng xã hội. Ví dụ nổi tiếng nhất là Huck Finn, một cậu bé nghèo quyết định đi theo tiếng nói của lương tâm và giúp đỡ một người nô lệ Da đen bỏ trốn tìm tự do, mặc dù Huck nghĩ rằng việc này có nghĩa là anh ta sẽ bị đày xuống địa ngục vì đã phá bỏ luật lệ.

Kiệt tác này của Twain, xuất hiện vào năm 1884, lấy bối cảnh ngôi làng St.Peterburg bên dòng sông Missippi. Huck là con trai của một gã lông bông nát rượu. Khi cậu vừa được một gia đình khả kính nhận làm con nuôi, thì cha cậu trong một cơn say điên loạn đã đe dọa giết cậu. Sợ mất mạng, Huck bỏ trốn, dựng lên cái chết giả của mình. Trên đường trốn chạy Huck gặp một kẻ bị ruồng bỏ, một nô lệ tên Jim. Chủ của anh, cô Watson đang nghĩ cách bán anh cho một vùng nô lệ khắc nghiệt hơn ở vùng hạ lưu sông Mississippi ở sâu dưới miền Nam. Huck và Jim trôi nổi trên một cái bè xuôi dòng Mississippi hùng vĩ, rồi bị một con tàu chạy bằng hơi nước nhận chìm, lạc mất nhau và về sau gặp lại nhau. Họ trải qua những cuộc phiêu lưu trên bộ đầy bất trắc, tức cười, phản ánh tính nhiều mặt, lòng quảng đại, và đôi lúc sự phi lý tàn ác của xã hội. Cuối cùng, người ta khám phá ra rằng chính cô Watson đã trả tự do cho Jim và một gia đình đáng kính muốn đùm bọc cho chú bé Huck hoang dã. Nhưng Huck trở nên bực mình với Xã hội văn minh và dự định trốn thoát đến lãnh địa của người Da đỏ. Đoạn kết mang đến cho độc giả phiên bản trái ngược với huyền thoại cổ điển về thành công của nước Mỹ: đó là con đường rộng mở dẫn đến miền đất hoang dã chưa bị xâm phạm, cách xa những ảnh hưởng suy đồi đạo đức của cái gọi là “văn minh”. Tiểu thuyết của James Fenimore Cooper, những bài tụng ca về con đường rộng mở của Walt Whiman, The Bear (Con gấu) của William Faulkmer; và On the Road (Trên đường) của Jack Kerouac là những ví dụ văn học khác.

Huckleberry Finn mang lại nguồn cảm hứng cho vô số những lý giải văn chương. Rõ ràng cuốn tiểu thuyết là một câu chuyện về cái chết, sự tái sinh và sự khởi đầu. Người nô lệ bỏ trốn – Jim, trở thành một người cha tinh thần đối với Huck. Khi quyết định cứu Jim, Huck, về mặt đạo đức, đã vượt ra khỏi những ràng buộc của xã hội chiếm hữu nô lệ. Chính những cuộc phiêu lưu của Jim đã dẫn dắt Huck làm cho anh thấu hiểu sự phức tạp của bản chất con người và cho anh lòng can đảm.

Cuốn tiểu thuyết cũng kịch hóa lý tưởng của Twain về một cộng đồng hòa hợp “Cái anh muốn, hơn tất cả mọi thứ trên đời lúc ở trên bè là làm cho mọi người hài lòng, cảm thấy mình đúng đắn và tử tế với người khác”. Cũng như con tàu Pequod của Melville, cái bè đã bị chìm, cùng với nó là cái xã hội đặc biệt ấy. Cái thế giới đơn giản, trong lành trên chiếc bè cuối cùng cũng bị nhận chìm bởi sự tiến bộ – con tàu chạy bằng hơi nước – nhưng hình ảnh huyền diệu của con sông vẫn còn ở lại, cũng mênh mông và thay đổi như chính cuộc đời.

Cái quan hệ không bền vững giữa thực tế và ảo tưởng là chủ đề mang tính cách Twain, là cái điều cơ bản lớn lao trong óc khôi hài của ông. Hình ảnh con sông hùng vĩ nhưng đầy cạm bẫy, luôn luôn thay đổi cũng là nét chính trong bức tranh phong cảnh giàu tưởng tượng của ông. Trong Life of the Mississippi (cuộc sống trên dòng sông Mississippi) Twain nhớ lại lúc ông được huấn luyện làm hoa tiêu trên tàu hơi nước, ông đã viết: “Giờ tôi đi làm để nắm được địa thế của con sông. Tôi cố chú tâm và cố gắng điều khiển những gì luôn trôi nổi, khó nắm bắt và đấy là những điều chính yếu”.

Ý thức đạo đức của Twain với tư cách là một nhà văn là âm vang của cái trách nhiệm hoa tiêu của ông lái con tàu đến nơi an toàn. Bút hiệu của Samuel Clemens, “Mark Twain”, là cụm từ mà các thủy thủ trên sông Mississippi dùng để chỉ 2 122 123 sải nước (3,6 mét) là độ sâu cần thiết cho tàu đi an toàn. Mục đích nghiêm túc của Twain, kết hợp với văn óc trào lộng của một thiên tài hiếm có, giữ cho các tác phẩm của ông còn nguyên vẻ tươi trẻ và hấp dẫn.

VĂN HỌC HIỆN THỰC VÀ TRÀO PHÚNG VÙNG BIÊN THÙY

Hai trào lưu văn học chủ yếu ở Mỹ thế kỷ 19 hòa quyện trong Mark Twain đó là trào lưu khôi hài vùng biên cương và văn học mang màu sắc địa phương, hay “văn học địa phương”. Những dòng văn học có quan hệ với nhau này được bắt đầu vào những năm của thế kỷ trước – nhưng đã có mầm mống sớm hơn từ những truyền thồng văn chương truyền miệng của địa phương. Trong những ngôi làng tồi tàn ở biên giới, trên những chiếc tàu chạy đường sông, trong những lều trại ở vùng mỏ và quanh đống lửa trại của những chàng chăn bò cách biệt với những thú vui đô thị, nghệ thuật kể chuyện này bắt rễ và đơm hoa rực rỡ. Sự cường điệu, những truyện tiếu lâm, những lời khoác lác không thể tin được và những nhân vật lao động ngộ nghĩnh đem lại sức sống cho văn học vùng biên giới. Những hình thức trào phúng này được tìm thấy ở nhiều vùng biên thùy (bây giờ là vùng Nam nội địa và hạ Trung Tây), vùng mỏ biên giới và vùng bờ biển Thái Bình Dương. Mỗi vùng có riêng những nhân vật đặc biệt, thú vị và nhiều câu chuyện được góp nhặt về họ: Mike Fink, một người ưa lý sự trên những con tàu xuôi ngược dòng Mississippi; Casey Jones, kỹ sư xe lửa quả cảm; John Henry, người Mỹ Phi châu – một tay lái vững vàng như thép; Paul Bunyan, người thợ xẻ khổng lồ mà tên tuổi được quảng cáo khắp nơi; những người miền Tây như Kit Carson, một chiến binh người Da đỏ, và Davy Crocket, người hướng đạo. Những chiến công phi thường của họ được cường điệu và làm phong phú thêm những khúc ballad, trên các trang báo và tạp chí. Đôi lúc, như với Kit Carson và DaVy Crockett, những câu chuyện này được kết nối lại với nhau thành sách.

Twain, Faulkner, và nhiều nhà văn khác, đặc biệt là người miền Nam đều chịu ơn sâu sắc những cây viết hài thời trước Nội chiến ở vùng biên thùy như Johson Hooper, George Washington Harris, Augustus Longstreet, Thomas Bangs Thorpe và Joseph Baldwin. Từ những nhà văn này và dân cư vùng biên giới rộ lên một sự sinh sôi nảy nở nhanh chóng những từ đặc Mỹ vừa mới, vừa ngộ nghĩnh: “absquatulate” (ra đi), “Flabbergasted” (kỳ lạ), “rampagious” (bất trị, tàn bạo). Những người khoác lác ở địa phương, hay là “những kẻ ầm ĩ có đuôi kêu”, kẻ một mực khẳng định rằng mình là nửa ngựa, nửa cá sấu, tất cả là để nhấn mạnh cái nguồn lực vô hạn của vùng biên giới. Họ lấy thêm sức mạnh từ những hiểm họa của thiên nhiên có thể làm cho người yếu bóng vía kinh sợ. “Tôi là một cơn lốc thực sự, một người khoác lác nói, cứng rắn như gỗ hồ đào và dai như gió Tây Bắc. Tôi có cú đấm thôi sơn và quét một cú có thể bạt đi một đám đông để lại một khoảng trống một hecta”.

CÁC NHÀ VĂN THUỘC TRÀO LƯU VĂN HỌC ĐỊA PHƯƠNG

Cũng như văn học trào phúng phổ biến ở vùng biên cương, dòng văn học mang màu sắc của từng miền cũng có những gốc rễ xa xưa nhưng chỉ cho ra đời những tác phẩm hay nhất một thời gian dài sau Nội chiến. Hiển nhiên, nhiều tác giả thời tiền chiến, từ Henry David Thoreau và Nathaniel Hawthorne cho đến John Greenleaf Whittier và James Russell Lowell, vẽ nên những bức chân dung nổi bật về nhiều vùng đất đặc biệt của Mỹ. Nhưng điều phân biệt các nhà văn địa phương với các bật tiền bối là sự tự ý thức và mối quan tâm đặc biệt đến việc thể hiện một nơi chốn nào đó với sự tả chân đầy ắp các sự kiện một cách chuẩn xác của họ.

Bret Harte (1836 – 1902) được mọi người nhớ đến như là tác giả của nhiều chuyện phiêu lưu như “The Luck of Roaring camp” (Vận may của một trại náo nhiệt) và “The Outcasts of Poker Flat (Những kẻ bị ruồng bỏ), lấy bối cảnh dọc theo vùng biên giới khai mỏ phía Tây. Là một nhà văn thành công vang dội đầu tiên của trường phái văn học mang sắc thái địa phương, Harte trong một thời gian ngắn có lẽ là tác giả nổi tiếng nhất ở Mỹ – sức hấp dẫn của những áng văn lãng mạn của miền Tây đầy tiếng súng của ông là thế. Là một nhà văn hiện thực đích thực, ông là một trong những người đầu tiên đưa những con người dưới đáy xã hội – những gã đánh bạc gian manh, những ả điếm diêm dúa, và những tên cướp thô lỗ – vào trong tác phẩm văn học nghiêm túc. Ông làm điều này rất thành công (giống như Charles Dickens ở Anh, người cũng rất mực ngưỡng mộ tác phẩm của Harte) bằng cách chứng minh rằng rốt cuộc trong số những con người có vẻ như cặn bã này cũng có những tấm lòng vàng.

Nhiều nhà văn nữ được độc giả nhớ đến vì những bức tranh mô tả vùng New England hết sức tinh tế của họ: Mary Wilkins Freeman (1852 – 1930), Harriet Beecher Stowe (1811 – 1896) và đặc biệt Sarah Orne Jewett (1849 – 1909). Sự độc đáo quan sát tinh tế và chuẩn xác về con người và cảnh vật vùng Maine và văn phòng trực cảm của Jeweett được thể hiện đậm nét trong truyện “The White Heron” (Con diệc trắng) trong tuyển tập Country of the Poited Firs (Quê hương những ngọn thông cao) (1896). Các tác phẩm đậm nét địa phương của Harriet Beecher Stowe đặc biệt là The Pearl of Orrs Island (Viên ngọc của đảo Orr – 1862) khắc họa những làng đánh cá bình dị ở Maine, đã có ảnh hưởng lớn đến Jewett. Những nhà văn nữ thế kỷ 19 đã tạo nên một thế giới riêng của họ với những ảnh hưởng và nâng đỡ về mặt đạo lý như có thể thấy trong những lá thư của họ. Phụ nữ trở thành giới độc giả chủ yếu của tiểu thuyết và nhiều phụ nữ còn viết những cuốn truyện, những bài thơ và những truyện cười rất nổi tiếng.

Mọi vùng trong đất nước tự ca ngợi chính mình trong các sáng tác văn học mang màu sắc địa phương. Một số tác phẩm thuộc loại này còn có cả nội dung phản kháng, chống đối mang tính xã hội, đặc biệt vào gần cuối thế kỷ khi mà sự bất bình đẳng xã hội và khó khăn về kinh tế trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Nạn phân biệt chủng tộc và bất bình đẳng giữa nam-nữ xuất hiện trong tác phẩm của các tác giả miền Nam như George Washington Cable (1844 – 1925) và Katee Chopin (1851 – 1904). Các tác phẩm đầy sức mạnh tố cáo của họ lấy bối cảnh ở Cajun (bang Lousiana thuộc địa của Pháp) đã bứt phá vượt lên trên dòng văn học mang sắc thái địa phương. Cuốn tiểu thuyết The Grandissimes (1880) của Cable bàn đến nạn phân biệt chủng tộc với một nghệ thuật tuyệt vời; cũng như tiểu thuyết táo bạo The Awakening (Bừng tỉnh – 1899) của Kate Chopin, về một phụ nữ với một nỗ lực định mệnh quyết tìm kiếm cho được bản thân mình qua nỗi đam mê, tác phẩm này đã đi trước thời đại. Trong The Awakening, một người đàn bà trẻ có một người chồng thành đạt, hết mực chiều chuộng vợ và những đứa con dễ thương đã từ bỏ gia đình, tiền bạc, địa vị xã hội, và cuối cùng chính cuộc đời mình để theo đuổi sự nhận chân về bản thân. Những cảnh tượng đầy chất thơ và hết sức gợi cảm về biển và chim chóc (bị nhốt trong lồng hay được tự do) và nhạc tính đã tạo cho cuốn tiểu thuyết ngắn này một sự phức tạp và mức độ sâu sắc không ngờ.

Thường đi đôi với The Awakening là câu chuyện thú vị “The Yellow Wallpaper” (Giấy dán tường màu vàng – 1892) của Charlotte Perkins Gilman (1860 – 1935). Cả hai tác phẩm đều bị lãng quên một thời gian dài, chỉ được các nhà phê bình văn học ủng hộ quyền phụ nữ khám phá ra vào cuối thế kỷ 20. Trong câu chuyện của Gilman, một bác sĩ ra vẻ khiêm nhường đã làm cho vợ mình phát điên vì nhốt bà vào trong căn phòng để “chữa” cho bà khỏi bệnh suy nhược thần kinh. Người vợ bị giam cầm này phản chiếu cuộc đời tù tội của mình lên tấm giấy dán tường; trong hình trang trí của nó, bà nhìn thấy những người phụ nữ bị giam cầm đang bò lê la sau những song sắt.

VĂN HỌC HIỆN THỰC VÙNG TRUNG TÂY

Trong nhiều năm làm chủ bút tạp chí Atlantic Monthly, William Dean Howells (1837 1920) đã xuất bản các tác phẩm mang phong cách hiện thực địa phương của Bret Harte, Mark Twain, George Washington Cable và những người khác. Ông còn là nhà văn hàng đầu của chủ nghĩa hiện thực và các tiểu thuyết của ông như A Modern Instance (Một trường hợp thời nay – 1882), The Rise of Silas Lapham (Sự thành công của Silas Lapham – 1885) và A Hazard of New Fotunes (Hiểm họa của vận hội mới – 1890), đan kết một cách cẩn thận những hiện trạng xã hội với cảm xúc của lớp người Mỹ trung lưu bình thường.

Lấy tình yêu, tham vọng, chủ nghĩa lý tưởng và sự cám dỗ những động lực cho các nhân vật của mình, Howells nhận thức một cách sắc sảo về sự băng hoại đạo đức của những nhà tài phiệt kinh doanh trong thời đại hoàng kim của thập niên 70, cuốn The Rise of Silas Lapham của HoWell dùng một tựa đề mỉa mai để xoáy sâu vào điểm này. Silas Lapham làm giàu bằng cách lừa lọc một người bạn kinh doanh già và hành động vô đạo đức của ông đã xáo trộn gia đình ông một cách sâu sắc, mặc dầu trong nhiều năm ông không nhận thức được hành động xấu xa của mình. Cuối cùng Lapham chuộc lại lỗi lầm bằng giải pháp hợp đạo lý, thà chịu phá sản hơn là thành đạt vô đạo. Silas Lapham cũng giống như Huckleberry Finn, là một câu chuyện về sự thất bại: công việc kinh doanh của Silas Lapham sụp đổ là sự lên ngôi về mặt đạo đức của ông. Vào giai đoạn cuối đời, Howells cũng như Twain, ngày càng trở nên tích cực hoạt động cho những lý tưởng chính trị, bảo vệ quyền của những người tổ chức nghiệp đoàn lao động và lên án chủ nghĩa thực dân của Mỹ ở Philippines.

CÁC NHÀ VĂN THEO QUAN ĐIỂM THẾ GIỚI CHỦ NGHĨA

Henry James
(1843 – 1916)

Henry James từng viết rằng nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật văn chương, “tạo ra cuộc sống, tạo ra mối quan tâm, tạo ra sự quan trọng”. Tiểu thuyết và sự nghiệp phê bình của James là những tác phẩm khó nhất, phức tạp nhất và tỉnh táo nhất trong thời kỳ đó. Cùng với Mark Twain, James thường được xếp vào hàng ngũ những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của Mỹ vào nửa sau thế kỷ 19.

James nổi tiếng về “đề tài quốc tế” của mình – đó là mối quan hệ phức tạp giữa những người Mỹ ngây thơ và những người châu Âu có tư tưởng quốc tế. Những cuốn sách mà tác giả viết tiểu sử của ông là Leon Edel cho rằng thuộc vào giai đoạn đầu tiên, hay “giai đoạn quốc tế” của James bao gồm những tác phẩm Transatlantic Sketches (Những phác thảo xuyên Đại Tây Dương) gồm Những bài du ký (1875), The American (Người Mỹ) (1877),Daisy Miller (1879) và một kiệt tác, cuốn The Portrait of a Lady (Chân dung một mệnh phụ) (1881). Trong cuốn The American chẳng hạn, Christopher Neuman, một kỹ nghệ gia triệu phú tự lập thân, ngây thơ nhưng thông minh và lý tưởng, đi châu Âu tìm kiếm một ý trung nhân. Khi gia đình cô cự tuyệt vì ông thiếu một nguồn gốc quý tộc, ông lại có cơ hội để rửa hận cho mình khi quyết định không trả thù, ông đã chứng tỏ được sự hơn hẳn về mặt đạo đức của mình.

Thời kỳ sáng tác thứ hai của James là thời kỳ thử nghiệm. Ông khai thác những đề tài mới mẻ – phong trào nữ quyền và cải cách xã hội trong The Bostonians (Người Boston – 1886) và mưu đồ chính trị trong The Princess Casamassima (Công chúa Casamassima – 1886). Ông cũng cố gắng viết cho sân khấu, nhưng thất bại. Vở kịch Guy Domville (1895) bị la ó phản đối ngay đêm công diễn đầu tiên.

Vào giai đoạn thứ ba, hay “giai đoạn chủ yếu” của ông, James trở lại những đề tài quốc tế, nhưng xử lý chúng với sự nghiên cứu tâm lý sâu sắc và tính nghệ thuật được nâng cao. Cuốn The Wings of the Dove (Đôi cánh chim câu – 1902) rất phức tạp và hầu như huyền bí, The Ambassador (Ngài đại sứ – 1903) (mà James cho là cuốn tiểu thuyết hay nhất của mình) và The Golden Bow (Cái tô bằng vàng – 1904) ghi dấu giai đoạn quan trọng này. Nếu chủ đề chính của Twain là các hiện tượng cuộc sống và thế giới hiện thực, thì điều quan tâm thường xuyên của James là tri giác. Với James, chỉ có sự tự nhận thức về mình và tri giác rõ ràng về người khác mới mang lại sự khôn ngoan và một tình yêu vị tha. Trong khi James phát triển luận điểm này, tiểu thuyết của ông càng mang đậm tính chất tâm lý hơn và ít quan tâm đến những sự cố bên ngoài hơn. Trong tác phẩm sau này của James, những sự kiện quan trọng nhất đều mang tính cách tâm lý – thường là những khoảnh khắc giác ngộ thực sự cho phép những nhân vật thấy được sự mê lầm trước đây của mình. Ví dụ, trong The Ambassador, ông Lambert Strether đã luống tuổi nhưng sống rất lý tưởng khám phá một quan hệ yêu đương bí mật và cũng đồng thời phát hiện ra sự phức tạp mới mẻ trong đời sống nội tâm của mình. Sự cứng rắn, cương trực và đạo đức của ông trở nên người hơn và rộng lớn hơn khi ông thấy mình có khả năng chấp nhận những người đã sa ngã, phạm tội.

Edith Wharton
(1862 – 1937) 

Cũng như James, Edith Wharton có một quãng đời lớn lên ở châu Âu và cuối cùng chọn nó làm chốn dung thân. Bà xuất thân từ một gia đình giàu có, danh giá trong xã hội New York và tận mắt nhìn thấy sự suy vong của tầng lớp xã hội văn minh này. Cùng lọt vào tầm mắt của bà là sự phất lên của những gia đình kinh doanh, trưởng giả vừa học đòi vừa thô bạo. Sự chuyển đổi xã hội này là bối cảnh trong nhiều cuốn tiểu thuyết của bà.

Cũng như James, Wharton nêu ra những tương phản giữa người Mỹ và người Âu. Điều cốt lõi trong mối quan tâm của bà là cái hố sâu ngăn cách giữa thực trạng xã hội và bản ngã bên trong của mỗi người. Thường thì một nhân vật nhạy cảm thấy mình bị mắc kẹt giữa những con người vô cảm hoặc là các thế lực xã hội. Bản thân Edith Wharton đã trải qua kinh nghiệm về cái bẫy đó khi còn là một nhà văn trẻ. Bà đã phải chịu đựng một sự suy sụp tinh thần kéo dài phần nào bởi sự giằng co giữa vai trò làm nhà văn và làm vợ của bà. Những cuốn tiểu thuyết hay nhất của Wharton có The House of Mirth (Ngôi nhà của niềm vui – 1905), The Custom of the Country(Tập tục địa phương – 1913), Summer (Mùa hè – 1917), The Age of Innocence (Thời thơ ngây – 1920), và cuốn tiểu thuyết ngắn được trau chuốt tuyệt vời Ethan Frome (1911).

VĂN HỌC TỰ NHIÊN VÀ HIỆN THỰC TRẦN TRỤI

Sự mổ xẻ những động cơ ám muội về tiền bạc và tính dục trong sáng tác của Wharton và James đã nối kết họ với những tác giả mà xét bề ngoài hình như hoàn toàn khác biệt: Stephen Crane, Jack London, Frank Norris, Theodore Dreiser và Upton Sinclair. Giống như những nhà văn có quan điểm thế giới chủ nghĩa, nhưng với độ xác thực cao hơn, những nhà văn tự nhiên chủ nghĩa này đã sử dụng cơ sở hiện thực để liên hệ giữa cá nhân với xã hội. Họ thường vạch ra những vấn đề xã hội và chịu ảnh hưởng sâu sắc của học thuyết Darwin và lý thuyết triết học có liên quan của chủ nghĩa định mệnh, xem cá nhân như những con cờ của những thế lực kinh tế – xã hội vượt ra ngoài tầm kiểm soát của họ.

Chủ nghĩa tự nhiên thực chất là biểu hiện văn học của thuyết định mệnh. Kết hợp với sự mô tả chân thực, lạnh lùng cuộc sống của tầng lớp hạ lưu, thuyết định mệnh chối bỏ tôn giáo như là một sức mạnh thúc đẩy trên thế giới và thay vào đó quan niệm thế giới như là một cỗ máy. Các nhà tư tưởng Ánh sáng thế kỷ 18 cũng tưởng tượng thế giới là một cỗ máy, nhưng là một cỗ máy hoàn hảo, do Thượng đế tạo nên và dẫn đường đến sự tiến bộ và sự cải thiện nhân bản. Các nhà văn tự nhiên chủ nghĩa trái lại cho rằng thế giới là một cỗ máy mù quáng, chẳng có gì là thiêng liêng và vượt ra ngoài sự kiểm soát.

Nhà sử học Mỹ thế kỷ 19 Henry Adams xây dựng nên một lý thuyết chi tiết về lịch sử có liên hệ đến ý tưởng một cỗ máy phát điện, hay sức mạnh máy móc và một sự chuyển hóa năng lượng hoặc sự suy sụp của sức mạnh này. Adams không nhìn thấy những tiến bộ xã hội, ông chỉ nhìn thấy sự đi xuống không thể tránh khỏi của xã hội loài người.

Stephen Crane, con trai của một mục sư, trình bày sự đánh mất Thượng đế một cách cô đọng nhất:

Một người nói với vũ trụ:
“Thưa ngài, tôi tồn tại!”
“Tuy nhiên”, vũ trụ đáp lời
“Sự kiện đã không tạo nên trong ta
Một ý thức bổn phận”.

Giống như chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa Tự nhiên xuất hiện đầu tiên ở châu Âu. Nó thường được xem là xuất phát từ những tác phẩm của Honoré de Balzac vào thập niên 40 và được nhìn nhận như là một trào lưu văn học Pháp gắn liền với tên tuổi Gustave Flaubert, Edmond và Jules Goncourt, Émile Zola và Guy de Maupassant. Nó mạnh dạn phơi trần mặt trái bị che khuất của xã hội và những đề tài như ly dị, tình dục, ngoại tình, khốn cùng và tội ác.

Chủ nghĩa Tự nhiên nở rộ khi người Mỹ bắt đầu công cuộc đô thị hóa và nhận thức được tầm quan trọng của các thế lực kinh tế và xã hội rộng lớn. Vào trước 1890, các cửa ngõ biên giới được công bố chính thức đóng cửa. Hầu hết người Mỹ sống ở các thành phố, và việc kinh doanh có vai trò thống trị ngay cả ở những vùng thôn quê xa xôi, hẻo lánh.

Stephen Crane
(1817 -1900) 

Stephen Crane sinh ở Jersey. Tổ tiên của ông có lẽ là một trong những chiến sĩ của cuộc chiến tranh Cách mạng, những mục sư, những cảnh sát trưởng, những quan tòa, và nông dân đã sống trước đó một thế kỷ. Lập nghiệp là một phóng viên, ông cũng viết tiểu thuyết, tiểu luận, thơ và kịch. Crane nhìn cuộc đời ở dạng thô thiển trần trụi nhất, ở trong những khu nhà ổ chuột về trên chiến trường. Những truyện ngắn của ông – đặc biệt “The Open Boat” (Con thuyền), “The Blue Hotel” (Khách sạn màu xanh da trời) và “The Bride Comes to Yellow Sky” (Cô dâu đến Yellow Sky[2]) – là những ví dụ cho thể loại đó. Cuốn tiểu thuyết không thể nào quên về Nội chiến,The Red Badge of Courage (huy hiệu đỏ anh dũng) được nhiệt liệt hoan nghênh khi xuất bản năm 1895, nhưng ông không có được thời gian để tắm mình trong vinh quang trước khi chết ở tuổi 29, vì quá khinh suất trong việc giữ gìn sức khỏe. Ông hầu như bị lãng quên suốt trong hai thập niên đầu của thế kỷ 20, nhưng lại được dựng tượng qua một tiểu sử ngợi ca do Thomes Beer viết năm 1923. Kể từ đó, ông càng ngày càng trở nên nổi tiếng như là một người bênh vực quyền lợi quần chúng, một nhà văn hiện thực và tượng trưng chủ nghĩa.

Tác phẩm Maggie – A Girl of the Streets (Maggie – Cô gái điếm – 1893) của Crane là một trong những tác phẩm hay nhất nếu không phải là sớm nhất của chủ nghĩa tự nhiên Mỹ. Đây là câu chuyện đau lòng về một cô gái trẻ đã nghèo lại nhạy cảm, xuất thân từ một gia đình mạt hạng, bố mẹ rượu chè, vô học, hoàn toàn ruồng bỏ cô. Yêu và nóng lòng muốn trốn thoát không khí địa ngục gia đình, cô đã bị một gã đàn ông trẻ dụ dỗ về sống với mình, sau đó chẳng bao lâu gã lại bỏ rơi cô. Khi mà ngay cả người mẹ tự cho mình là đứng đắn cũng chối bỏ cô, thì Maggie chỉ còn cách trở thành một cô gái đứng đường để nuôi thân, nhưng chẳng bao lâu cô tự tử vì tuyệt vọng. Đề tài và chất liệu hoàn toàn trần tục kết hợp với văn phong khoa học, khách quan, không răn dạy đạo đức, đã đánh dấu Maggie là một tác phẩm tự nhiên chủ nghĩa.

Jack London
(1876 – 1916) 

Từ công nhân nghèo, tự học ở California, nhà văn của chủ nghĩa tự nhiên Jack London đã có một cú nhảy ngoạn mục từ cảnh cơ hàn bước lên đài danh vọng bởi tuyển tập truyện ngắn đầu tiên của mình, The Son of the Wolf (Đứa con của Sói – 1904), phần lớn bối cảnh là ở vùng Klondike ở Alaska và Yukon ở Canada. Những cuốn sách bán chạy khác của ông gồmThe Call of the Wild (Tiếng gọi nơi hoang dã – 1903) và The Sea-Wolf (Hải tặc sói biển – 1904), khiến ông trở thành nhà văn được trả nhuận bút cao nhất ở Hoa Kỳ vào thời đó.

Cuốn tiểu thuyết mang tính cách tự thuật Martin Eden (1909) miêu tả những căng thẳng nội tại của “giấc mơ Mỹ” mà bản thân London đã trải qua khi ông như một vì sao từ nghèo khổ tối tăm bay đến chỗ giàu sang và danh tiếng. Eden, một thủy thủ nghèo mạt rệp, không được học hành nhưng thông minh và ham hiểu biết, quyết tâm trở thành nhà văn. Cuối cùng tác phẩm của anh làm cho anh trở nên giàu có và nổi tiếng, nhưng cũng chính lúc đó Eden nhận ra rằng người con gái mà anh yêu chỉ quan tâm đến tiền bạc và danh tiếng của anh mà thôi. Sự vỡ mộng trong tình yêu vì người trong mộng của mình hoàn toàn không có khả năng yêu thương đã làm cho anh mất luôn lòng tin vào phẩm giá con người. Anh cũng là nạn nhân của sự tha hóa giai cấp, vì anh không còn thuộc về tầng lớp lao động nữa, trong khi anh chối bỏ những giá trị vật chất của tầng lớp quý tộc mà vì nó anh đã phải lao động và nỗ lực vượt bực. Trên chuyến tàu đến Nam Thái Bình Dương anh đã nhảy xuống biển tự tử. Cũng như nhiều cuốn tiểu thuyết hay nhất thời đó, Martin Eden là câu chuyện về sự thất bại. Nó là mẫu mực cho cuốn The Great Gatsby (Gatsby vĩ đại) của F. Scott Fitzgerald khi nó bộc lộ sự tuyệt vọng của con người giữa vinh hoa phú quý.

Theodore Dreiser 
(1871 – 1945) 

Năm 1925, tác phẩm An American Tragedy (Một bi kịch Mỹ) của Theodore Dreiser ra đời, cũng giống như Martin Eden của London, khám phá những hiểm họa của giấc mơ Mỹ. Câu chuyện tái hiện đến từng chi tiết nhỏ về cuộc đời của Clyde Griffiths, một cậu bé kém ý chí và có chút ít ý thức. Cậu lớn lên trong một gia đình nghèo khó, đi lang thang hành nghề thuyết giáo. Cậu bé sớm nuôi mơ ước được giàu sang và được một người phụ nữ đẹp yêu. Rồi anh ta được một người bác giàu có nhận vào làm trong nhà máy của ông. Khi người bạn gái Roberta của anh có thai, cô yêu cầu anh ta phải cưới. Trong khi đó, Clyde lại đem lòng yêu một cô gái thuộc xã hội thượng lưu là đại diện cho sự thành công, tiền tài và địa vị xã hội. Clyde cẩn thận vạch kế hoạch dìm Roberta chết trong một chuyến đi chơi thuyền, nhưng vào giây phút cuối cùng anh lại đổi ý; tuy nhiên cô vẫn ngẫu nhiên té xuống nước. Clyde vốn bơi giỏi đã không cứu cô, và cô chết đuối. Khi Clyde bị ra hầu tòa, Dreiser kể lại câu chuyện theo chiều ngược lại, đã khôn khéo sử dụng những vị trí thuận lợi của luật sư công tố và luật sư bào chữa để phân tích từng bước đi và động lực dẫn Clyde, một thanh niên tính tình vốn dịu dàng, rất mộ đạo và có quan hệ gia đình tốt đẹp, đến chỗ phạm tội giết người.

Mặc dầu không có được phong cách tinh tế nhưng Dreiser trong An American Tragedy lại chứng tỏ là ngòi bút bậc thầy. Những chi tiết chính xác của tác phẩm đã tạo được một cảm nhận mãnh liệt về một tấn bi kịch không thể nào tránh khỏi. Cuốn tiểu thuyết là một bức tranh cay độc làm tổn thương huyền thoại về sự thành công dễ dàng ở Mỹ, và nó cũng là một câu chuyện phổ biến về những áp lực của công cuộc đô thị hóa, hiện đại hóa, và sự tha hóa. Nó cũng nói lên nhiều khía cạnh về những tưởng tượng lãng mạn và nguy hiểm của những kẻ bị tước đoạt.

An American Tragedy phản ánh sự bất mãn, lòng ghen tị, và sự thất vọng làm dân nghèo và tầng lớp lao động phải đau khổ trong sự cạnh tranh gay gắt của xã hội Mỹ, nơi mà sự thành công vừa là động lực vừa là nỗi ám ảnh. Khi sức mạnh của ngành công nghiệp Mỹ trỗi dậy, cuộc sống hào nhoáng của lớp người giàu có xuất hiện hàng ngày trên báo ảnh và tạp chí là một sự tương phản rất rõ nét với cuộc sống ảm đạm buồn tẻ của đa số nông dân và tầng lớp công nhân ở đô thị. Truyền thông đại chúng đã thổi phồng lên những ước ao đổi đời và những ham muốn phi lý. Những vấn đề như thế là hết sức bình thường với những đất nước đang hiện đại hóa, tạo đất sống cho trào lưu báo chí có xu hướng khuấy bùn đó là một loại phóng sự điều tra phanh phui có chiều sâu, cung cấp tư liệu về những vấn đề xã hội và tạo ra sự thúc đẩy quan trọng cho việc cải tạo xã hội.

Truyền thống vững mạnh của báo chí điều tra Mỹ bắt nguồn từ giai đoạn này. Trong suốt thời gian ấy, tờ tạp chí tầm cỡ quốc gia như là McClures Collier’s đã xuất bản cuốn History of the Standard Oil Company[3] (Lịch sử của công ty dầu mỏ Standard Oil – 1904) của Ida M. Tarbell, The Shame of the Cities (Nỗi ô nhục của các đô thị – 1904) của Lincoln Steffens, và các vụ phanh phui đầy tai tiếng khác. Những cuốn tiểu thuyết bới móc sử dụng những kỹ thuật báo chí độc đáo để khắc họa những điều kiện sống khắc nghiệt và sự áp bức. Cuốn The Octopus (Bạch tuộc – 1901) của Frank Norris theo phái Dân túy đã phanh phui những vụ bê bối của những công Ty hỏa xa lớn, trong lúc đó cuốn The Jungle (Rừng rậm – 1908) của Upton Sinclair theo phái xã hội đã phơi bày sự dơ dáy bẩn thỉu của công nghệ làm thịt hộp ở Chicago. Cuốn The Iron Heel (Gót sắt – 1908) với cái nhìn bi quan của Jack London thì đi trước cuốn năm 1984 của George Orwell trong việc tiên đoán một cuộc chiến giai cấp và việc đảo chính cướp chính quyền.

Một phản ứng có tính nghệ thuật hơn là các chân dung hiện thực hay nhóm chân dung những nhân vật bình thường và những thất vọng trong cuộc sống nội tâm. Tuyển tập truyện ngắn Main-Travelled Roads (Những nẻo đường chính – 1891) của tác giả được William Dean Howell bảo trợ, Hamlin Garland (1860 – 1940) là phòng tranh trưng bày chân dung của những người bình thường. Nó khắc họa những bức tranh đáng kinh ngạc về sự khốn cùng của nông dân miền Trung Tây đòi cải cách nông nghiệp. Tựa cuốn sách ám chỉ về nhiều con đường chạy về hướng Tây mà những người khẩn hoang nhọc nhằn đã đi theo và những con đường chính đầy bụi bặm ở các làng định cư của họ.

Gần gũi với Main-Travelled Roads của Garland là Winesburg, Ohio (Thành phố Winesburg, bang Ohio) của Sherwood Anderson (1876 – 1941) được bắt đầu 1916. Đây là tuyển tập truyện ngắn rời rạc về các cư dân của một thành phố hư cấu Winesburg qua cái nhìn của một phóng viên trẻ thơ ngây George Willard, người cuối cùng cũng ra đi tìm kiếm cơ may của mình ở đô thị. Giống như Main-Travelled Roads và những tác phẩm theo trường phái tự nhiên khác của thời kỳ này, Winesburg, Ohio nhấn mạnh đời sống nghèo khổ âm thầm, sự cô đơn và tuyệt vọng của các thành phố nhỏ ở Mỹ.

“TRƯỜNG PHÁI CHICAGO” TRONG THI CA

Ba nhà thơ miền Trung Tây lớn lên ở bang Illinois và chia sẻ mối quan tâm của miền Trung Tây với quần chúng là Carl Sandburg, Vachel Lindsay và Edgar Lee Masters. Thơ của họ thường quan tâm đến những cá nhân của bóng tối, họ phát triển những kỹ thuật mang yếu tố hiện thực, những diễn tả đầy kịch tính, giúp họ thu hút được đông đảo độc giả hơn. Họ là một phần của văn học miền Trung Tây, hay trường phái Chicago nổi lên trước Thế chiến thứ nhất thách thức định chế văn học ở bờ Đông. Sự “Phục hưng của Chicago” là một bước ngoặt của nền văn hóa Mỹ: nó chứng minh rằng văn hóa của vùng đất này đã trưởng thành.

Edgar Lee Masters
(1868 – 1950)

Trước thềm của thế kỷ 20, Chicago đã trở thành một đô thị lớn, quê hương của nền kiến trúc cách tân và những bộ sưu tập nghệ thuật tầm vóc thế giới. Chicago cũng là nơi ra đời của tờ Poetry của Harriet Monnoe, một tạp chí văn học quan trọng nhất thời đó.

Trong số những nhà thơ đương đại đáng chú ý mà tạp chí này đã giới thiệu, có Edgar Lee Masters, tác giả tập thơ dấn thân Spoon River Anthology(Tuyển tập Spoon River – 1915). Tập thơ nổi bật với ngôn ngữ hàng ngày “chẳng thơ một chút nào” hết sức mới mẻ, một sự bộc bạch thẳng thắn về tính dục, cái nhìn phê phán về cuộc sống làng quê, và những miêu tả cường điệu về đời sống nội tâm của những con người chẳng có gì nổi bật.

Spoon River Anthology là tuyển tập những chân dung được trình bày như những đoạn bi ký viết bằng ngôn ngữ thông thường tóm lược cuộc đời của những người dân quê như thể bằng lời lẽ của chính họ. Nó vẽ ra toàn cảnh của một làng quê qua cái nghĩa trang của nó: 250 người chôn ở đấy đã lên tiếng bộc bạch những bí mật sâu kín nhất của họ. Nhiều người có quan hệ mật thiết với nhau; thành viên của 20 gia đình nói về những thất bại và giấc mơ của họ bằng những bài tự sự theo thể thơ-tự-do hiện đại một cách đáng ngạc nhiên.

Carl Sandburg
(1878 – 1967)

Một người bạn của ông đã nói: “Cố viết ngắn gọn về Carl Sandburg cũng giống như cố gắng chụp hình hẻm núi Grand Canyon([4]) bằng một tấm hình đen trắng”. Là nhà thơ, nhà sử học, nhà văn viết tiểu sử, tiểu thuyết, sáng tác nhạc và viết tiểu luận – Sandburg – con trai của một người thợ rèn đường sắt xứng đáng với tất cả những danh hiệu đó và còn hơn thế nữa. Sống bằng nghề viết báo, ông viết tiểu sử đồ sộ về Abraham Lincoln – một trong những tác phẩm kinh điển về thể loại này của thế kỷ 20.

Đối với nhiều người, Sandburg là một Walt White hiện đại. Ông viết những vần thơ yêu nước và những bài thơ đầy cảm xúc về đời sống đô thị, những giai điệu đơn giản trẻ thơ và những khúc ballad. Ông đi khắp nơi ngâm thơ và ghi âm thơ của mình bằng một giọng ngâm có âm điệu du dương, ngọt ngào, thực sự là một cách hát. Tự bản chất ông hoàn toàn khiêm tốn, dù cho tiếng tăm lừng lẫy cả nước. Điều ông mong muốn trong cuộc sống như một lần ông nói là “được thoát khỏi giam cầm… được ăn đều đặn… được in ra những gì tôi viết… một tình yêu nơi quê nhà và chút ít âu yếm trìu mến nơi đây và xa kia trong toàn cảnh nước Mỹ… (và) được ca hát mỗi ngày”.

Bài thơ “Chicago” (1914) là một ví dụ tuyệt vời cho những chủ đề trên và cho phong cách Whitman của ông:

Gã bán thịt heo cho toàn thế giới,
Người làm dụng cụ, kẻ chất đống lúa mì,
Người rong chơi với những đường xe lửa và
Người chuyển hàng của đất nước;
Như bão tố, ồn ào, đầy sức mạnh
Thành phố của những đôi vai vững vàng.

 

Vachel Lindsay
(1879 – 1931)

Vachel Lindsay là một mục sư theo phái Dân túy ở một thị trấn nhỏ miền Trung Tây và là người sáng tạo ra loại thơ có nhịp điệu mạnh mẽ làm ra để đọc lớn trước đám đông. Sáng tác của ông là một sự kết hợp kỳ ảo với một mặt là những hình thức thơ ca bình dân, hay dân gian, chẳng hạn như những bài hát phúc âm Thiên Chúa giáo và ca nhạc tạp kỹ và mặt khác là thi pháp tiên tiến của các trào lưu hiện đại. Là một nhà thơ đọc trước công chúng cực kỳ nổi tiếng thời đó, những cách đọc của Lindsay là tiền thân những cách đọc thơ của nhóm “Beat” thời sau thế chiến II có đệm nhạc Jazz.

Để phổ biến thơ cho công chúng, Lindsay phát triển cái mà ông gọi là một “loại ca nhạc tạp kỹ cao cấp”, dùng âm nhạc và các tiết tấu mạnh. Là người phân biệt chủng tộc dựa vào tiêu chuẩn hiện nay, bài thơ nổi tiếng của ông “The congo” (1914) ca ngợi lịch sử của những người Phi châu bằng cách pha trộn nhạc Jazz, thơ, âm nhạc và ca từ. Ông đồng thời làm cho những nhân vật lỗi lạc trong lịch sử nước Mỹ chẳng hạn như Abraham Lincoln (trong bài “Abraham Lincoln Walks at Midnight” Abraham Lincoln đi dạo giữa đêm khuya và John Chapman (“Johnny Appleseed” – Johnny hạt táo) trở nên bất tử bởi nghệ thuật pha trộn giữa hiện thực và huyền thoại.

Edwin Arlington Robinson
(1869 – 1935)

Edwin Arlington Robinson là nhà thơ Mỹ xuất sắc nhất vào cuối thế kỷ 19. Giống như Edgar Lee Masters, ông nổi tiếng vì những phát hiện về nét khôi hài, tính cách thiếu hoàn hảo của những con người bình thường. Nhưng không giống Masters, Robinson dùng âm luật truyền thống. Thị trấn Tilbury do ông tưởng tượng ra cũng giống như Spoon River của Masters chứa đựng bao cuộc sống mòn trong tuyệt vọng âm thầm. Một số những bài thơ tự sự nổi tiếng của Robinson là “Luke Havergal” (1896), về một tình nhân bị bỏ rơi, “Miniver Cheevy” (1910), hình ảnh một con người mộng mơ lãng mạn; và “Richard Cory” (1896), một chân dung ảm đạm về một con người giàu có đã tự kết liễu đời mình:

Mỗi khi Richard Cory đi ra phố,
chúng tôi tụ trên vỉa hè đứng nhìn ông:
Ông là một quý ông lịch duyệt
Ân cần, đẹp tươi; thon thả, uy nghiêm.

Và ông luôn ăn mặc thật chỉnh tề, nhã nhặn
Ông luôn nhân từ khi trò chuyện cùng ai
Ông vẫn thường đỏ mặt lên khi nói,
“Chào ông” và trông ông rạng rỡ mỗi bước đi.

Ông giàu có – vâng, còn giàu hơn cả một ông vua –
Ông được dạy dỗ để phong nhã trong từng cử chỉ:
Cuối cùng, chúng tôi nghĩ rằng ông là tất cả những gì Khiến chúng tôi ao ước được là ông.

Vì thế chúng tôi tiếp tục làm việc, và đợi chờ may mắn
Và qua ngày không có thịt ăn, và nguyền rủa bánh mì
Còn Richard Cory, một đêm hè êm vắng,
Đã về nhà và bắn một viên đạn vào đầu ông.

 

“Richard Cory” chiếm được một chỗ đứng bên cạnh Martin EdenAn American Tragedy, và The Great Gatsby như một lời cảnh tỉnh đầy sức mạnh chống lại huyền thoại về sự thành công được thổi phồng lên biến thành bệnh dịch hành người dân Mỹ trong thời đại của những nhà triệu phú.

HAI TIỂU THUYẾT GIA MANG SẮC THÁI ĐỊA PHƯƠNG

Hai nữ tiểu thuyết gia Ellen Glasgow (1873 -1945) và Willa Cather (1873 – 1947) chuyên khám phá về thế giới phụ nữ, và đặt họ vào trong những khung cảnh địa phương được xây dựng với một vẻ rực rỡ, huy hoàng. Thực ra, không ai trong hai người tuyên bố những vấn đề đặc biệt về phụ nữ. Trong các tác phẩm đầu tay của nhân vật chính là nam, và chỉ khi họ đã tạo được sự tự tin và một độ chín trong nghệ thuật, họ mới quay sang mô tả đời sống của phụ nữ. Glasgow và Cather chỉ có thể được xem là “các nhà văn nữ” theo nghĩa mô tả, vì tác phẩm của họ không thể phân loại được.

Glasgow người vùng Richmond bang Virginia, thủ phụ cũ của phe miền Nam thời Nội chiến. Các tiểu thuyết hiện thực của bà phản ánh sự biến đổi của miền Nam từ một nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp. Các tác phẩm có giá trị như Virginia (1912) xoay quanh những kinh nghiệm của người miền Nam, trong lúc những tác phẩm sau này như Barren Groand(Đất bạc màu (1925) – được công nhận là tác phẩm hay nhất của bà – kịch hóa cuộc đời những phụ nữ tài hoa cố gắng vượt qua những lề thói truyền thống bó hẹp của miền Nam, khuôn định thiên chức nội trợ, trách nhiệm gia đình và sự phụ thuộc của phụ nữ.

Cather, một người Virginia khác, lớn lên trên thảo nguyên Nebradka giữa những người di dân khẩn hoang – sau này làm cho họ sống mãi trong cuốnO Pionners! (Ôi! Những người khai hoang – 1913), My Antonia (Antonia của tôi – 1918), và câu chuyện nổi tiếng của bà Neighbour Rosicky (Người hàng xóm Rosicky – 1928). Trong cuộc đời, bà trở nên ngày càng xa lạ với chủ nghĩa vật chất của cuộc sống hiện đại và viết về những ảo mộng khác nhau ở Tây Nam nước Mỹ và trong quá khứ. Cuốn Death Comes for the Archbishop (cái chết của ngài giám mục – 1927) dựng lại tinh thần lý tưởng của hai tu sĩ thế kỷ 16 lập nên Giáo hội Công giáo ở sa mạc New – Mexico. Tác phẩm của Cather tưởng niệm những khía cạnh quan trọng của kinh nghiệm Mỹ bên ngoài dòng văn học chính thống – như việc khai khẩn, sự thành lập tôn giáo, và cuộc sống độc lập của phụ nữ.

SỰ VƯƠN LÊN CỦA NỀN VĂN HỌC MỸ DA ĐEN

Thành tựu văn học của người Mỹ Da đen là một trong những bước phát triển văn học nổi bật nhất sau Nội chiến. Các dòng văn học Mỹ da đen đã bắt rễ trong các tác phẩm của Booker T. Washington, W.E.B. Du Bois, James Weldon Johson, Charles Waddell Chesnutt, Paul Laurence Dunbar và những người khác, đáng chú ý nhất là thể loại tiểu sử tự thuật, văn học phản kháng, những bài thuyết giảng, thơ và âm nhạc.

Booker T. Washington
(1856 – 1915)

Booker T. Washington, nhà giáo dục và người lãnh đạo Da đen nổi bật nhất vào thời đó. Ông sinh ra và lớn lên trong thân phận nô lệ ở quận Franklin – bang Virginia, cha là người Da trắng chủ nô, mẹ là nữ nô lệ Da đen. Tiểu sử tự thuật đơn giản, rất hay của ông Up From Slavery (Đứng lên từ cuộc đời nô lệ – 1901), kể lại cuộc đấu tranh thắng lợi của ông trong việc tu dưỡng bản thân. Ông trở nên nổi tiếng bởi những nỗ lực trong việc cải thiện cuộc sống của những người Mỹ Da đen; chính sách hòa giải với người Da trắng của ông – một nỗ lực giúp đỡ những người Mỹ Da đen mới được giải phóng hòa nhập vào dòng chảy chung của xã hội Mỹ – được vạch ra trong diễn văn nổi tiếng của ông nhan đề “Atlanta Exposition Address” (1895).

W.E.B. Du Bois
(1868 – 1963) 

Sinh ở New England và được đào tạo ở Đại học Harvard và Đại học Berlin (Đức), W. E. B. Du Bois là tác giả của bài viết “Of Mr Booker T. Washington and Others” (Về ông Booker T. Washington và nhữngh người khác), một tiểu luận về sau được tập hợp trong cuốn sách nổi tiếng của ông The Souls of Black Folk (Tâm hồn người Da đen – 1903). Du Bois cẩn thận chứng minh rằng dù cho Washington có nhiều thành tích, ông thật sự đã chấp nhận sự kỳ thị chủng tộc – sự đối xử bất bình đẳng và phân biệt đối với người Mỹ Da đen – và sự kỳ thị ấy tất yếu sẽ dẫn đến địa vị thấp kém của người Da đen, đặc biệt là trong giáo dục. Du Bois, một sáng lập viên của Hiệp hội quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP), cũng viết những lời đánh giá nhạy bén, sắc sảo về truyền thống và văn hóa của người Mỹ gốc Phi; tác phẩm của ông giúp những người trí thức Da đen khai thác nền văn học và âm nhạc dân gian phong phú của dân tộc mình.

James Weldon Johnson
(1871 – 1938)

Cũng như Du Bois, nhà thơ James Weldon Johnson tìm cảm hứng trong những bài dân ca của người Mỹ Da đen. Bài thơ “O Black and Unknown Bards” (Ôi, những nhà thơ Da đen vô danh! – 1917) của ông có đoạn

Trái tim người nô lệ nào trào tuôn bao giai điệu
Như trong bài “Lẻn bước đến bên Chúa” một khúc nhạc dịu êm
Linh hồn anh chắc tự do bay lượn hằng đêm,
Dầu quanh đôi tay anh xích xiềng xiết chặt.

Mang trong mình dòng máu pha trộn giữa Da đen và Da trắng, Johnson đã tìm hiểu vấn đề phức tạp của chủng tộc trong cuốn tiểu thuyếtAutobiography of an Ex-Colored (Tiểu sử tự thuật của một người lai – 1912) viết về một người pha trộn hai dòng máu đã “vượt qua” định kiến (hay là được chấp nhận) làm người Da trắng. Cuốn sách chuyển tải một cách có hiệu quả sự quan tâm của người Mỹ Da đen với những vấn đề nguồn gốc lai lịch ở Mỹ.

Charles Waddell Chesnutt 
(1858 – 1932)

Charles Waddell Chesnutt, tác giả của hai tuyển tập truyện ngắn, The Conjure Woman (Nữ pháp sư – 1899), The Wife of His Youth (Người vợ thời son trẻ – 1899) tiểu thuyết The Marrow Of Trandittion (Cốt lõi của truyền thống – 1901), và một cuốn tiểu sử về Frederick Douglass, đi trước thời đại. Truyện ngắn của ông dựa trên các đề tài về chủng tộc, nhưng tránh né những kết cục có thể đoán trước được và những tình cảm chung chung, nhân vật của ông là những cá nhân rõ rệt với những thái độ phức tạp về mọi việc, bao gồm cả vấn đề chủng tộc. Chesnutt thường mô tả sức mạnh của cộng đồng Da đen và khẳng định những giá trị đạo đức và sự đoàn kết chủng tộc.


[1] Tinh thần chống sùng bái thánh tượng nổi lên đầu tiên ở châu Âu thể hiện đậm nét trong văn học trào phúng dân gian.

[2] Yellow Sky: tên một thị trấn trong truyện ngắn nổi tiếng này.

[3] Standard Oil Company: một công ty dầu lửa hàng đầu của Mỹ. Tên viết tắt của nó là S.O và đọc là ESSO.

[4] Grand Canyon: một thung lũng rộng mênh mông bị sông Colorado cắt ngang ở vùng cao nguyên thuộc Tây Bắc Arizona. Hẻm núi ngoạn mục đẹp như một tác phẩm điêu khắc này có chiều rộng từ 0,2 đến 29km và trải dài từ cửa sông Paria gần địa phận phía Bắc của Arizona đến vách núi Grand Wash gần Nevada, tức là vào khoảng 446 km.

Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_amliterature_v.html

Literature Văn học Mỹ

PHÁC THẢO VĂN HỌC MỸ – Chương 4: Tiểu thuyết lãng mạn thời kỳ 1820-1860

Kathryn VanSpanckeren

Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11/1998

Walt Whitman, Nathaniel Hawthorne, Herman Melville, Edga Allan Poe, Emily Dickinson và các tác giả theo chủ nghĩa Siêu nghiệm chính là đại biểu của thế hệ các nhà văn lớn đầu tiên được sinh ra ở Mỹ. Với những nhà văn viết tiểu thuyết, cái nhìn lãng mạn có khuynh hướng biểu hiện trong hình thức mà Hawthorne gọi là “Tiểu thuyết lãng mạn” (Romance), một loại hình tiểu thuyết đạt đến đỉnh cao, gợi cảm và mang tính tượng trưng. Nhưng tiểu thuyết lãng mạn không phải là những câu chuyện tình, mà là những tiểu thuyết nghiêm túc sử dụng những kỹ thuật đặc biệt để truyền đạt những ý nghĩa vừa phức tạp vừa tinh tế.

Thay vì mô tả cẩn thận các nhân vật hiện thực thông qua vô số các chi tiết, như hầu hết các tiểu thuyết Anh hay Cựu lục địa đã làm, Hawthorne, Melville và Poe đã dựng lên những nhân vật anh hùng mang tính lý tưởng, thắp lên ngọn lửa của tinh thần huyền thoại. Nhân vật chính trong những tiểu thuyết lãng mạn Mỹ là những cá nhân kỳ dị với nhiều nỗi ám ảnh. Authur Dimmersdale hay Hester Prynne trong The Scarlet Letter (Chữ A màu đỏ) của Hawthorne, Ahab trong Moby-Dick (Cá voi trắng) của Melville, và nhiều nhân vật đơn độc có những ám ảnh trong nhiều truyện kể của Poe là những nhân vật chính cô đơn được chỉ định đấu tranh chống lại những số phận tối tăm, không thể hiểu được mà những số phận này, bằng một cách thức bí ẩn nào đo,á lại phát sinh từ cái tôi vô thức sâu thẳm nhất của họ. Những cốt truyện tượng trưng biểu lộ những hành động che đậy của một tâm hồn đau khổ với bao điều dằn vặt.

Một lý do giải thích cho hướng khai thác tiểu thuyết tập trung vào cái vùng sâu kín ẩn khuất của tâm hồn con người là sự thiếu vắng một đời sống cộng đồng có cội rễ và ổn định ở Mỹ. Những tiểu thuyết gia Anh – Jane Auster, Charles Dickens (nhà văn được ưa thích nhất), Anthony Trollope, George Eliot, William Thackeray – sống trong một xã hội truyền thống, được tổ chức quy củ và phức hợp, chia sẻ với độc giả các niềm tin, nhận thức đã định hình trong các tiểu thuyết hiện thực của họ. Các nhà văn Mỹ phải đối mặt với lịch sử đấu tranh và cách mạng, một vùng đất hoang dã mênh mông khó kiểm soát, và một xã hội dân chủ tương đối không còn giai cấp và sẵn sàng thay đổi. Các tiểu thuyết Mỹ thường phô bày sự vắng mặt khác thường của truyền thống. Nhiều tiểu thuyết Anh kể về một nhân vật chính nghèo khổ vươn lên trên những nấc thang kinh tế và xã hội, nhờ vào cuộc hôn nhân tốt đẹp hay nhờ việc khám phá ra nguồn gốc quý tộc của nhân vật đó. Nhưng cái bố cục kiểu ấy không thách thức cái trật tự bất di bất dịch của xã hội quý tộc Anh. Trái lại, còn khẳng định cái trật tự ấy -Sự đổi đời của nhân vật chính đã làm thỏa mãn ước mơ về một sự thành đạt của đa số độc giả trung lưu.

Trong khi đó, các nhà văn Mỹ phải dựa vào những chủ kiến của riêng mình. Nước Mỹ, trong một chừng mực nào đó, là một biên cương luôn mở rộng, không xác định bởi làn sóng lưu dân vẫn đổ đến Mỹ mang đến đây thứ tiếng nói xa lạ và những lối sống kỳ cục, thô lậu. Vì vậy nhân vật chính trong văn học Mỹ có thể thấy mình lạc lõng giữa những bộ tộc ăn thịt người, như trong Typee của Melville, hoặc đang khám phá một vùng đất hoang vu như nhân vật Leatherstocking của James Fenimore Cooper, hay đang nhìn thấy những hồn ma bóng quế từ dưới nấm mồ như những nhân vật trơ trọi của Poe, hoặc gặp gỡ ma quỷ dạo chơi trong rừng, giống như Young Goodman Brown- nhân vật của Hawthorne. Hầu như những nhân vật chính có tầm vóc trong văn học Mỹ là “những kẻ lạc loài”. Mỗi cá nhân dân chủ Mỹ, đã phải phát hiện ra chính mình, như từng xảy ra trong thực tế.

Một tiểu thuyết gia Mỹ thực sự cũng phải phát minh ra những hình thức thể hiện mới – từ đấy ra đời hình bóng bao trùm, kỳ dị của cuốn tiểu thuyếtMoby-Dick của Melville và cuốn Narrative of Arthur Gordon Pym (Thuật chuyện của ông Arthur Gordon Pym) mơ màng, phiêu lãng của Poe. Ít có cuốn tiểu thuyết Mỹ nào đạt được sự hoàn thiện mẫu mực, ngay cả hiện nay. Thay vì vay mượn những thủ pháp văn chương đã được thử thách qua thời gian, người Mỹ có khuynh hướng lao vào tìm tòi những biện pháp sáng tạo mới. Ở Mỹ, một cái gì đã được xã hội thừa nhận và noi theo truyền thống là chưa đủ, vì sự già cỗi và chính thống bị bỏ lại phía sau, chỉ có sức mạnh mới, sự sáng tạo là trung tâm của sự chú ý.

TIỂU THUYẾT LÃNG MẠN

Loại hình tiểu thuyết lãng mạn thì u ám và bất trắc, nó cho thấy việc tạo ra một diện mạo riêng trong một xã hội chưa ổn định là khó khăn đến thế nào. Hầu hết các nhân vật trong tiểu thuyết lãng mạn đều chết vào đoạn cuối, tất cả thủy thủ đoàn đều bị nhận chìm dưới đáy đại dương trong truyện Moby-Dick trừ Ishmael; vị mục sư có tâm hồn nhạy cảm đầy lỗi lầm – Arthur Dimmesdale – cũng chết ở cuối cuốn The Scarlet Letter. Cái giọng điệu bi ai, tự phân hóa trong văn học Mỹ trở nên nổi bật trong thể loại tiểu thuyết, thậm chí trước khi cuộc Nội chiến vào những năm 60, biểu hiện một tấn bi kịch lớn lao hơn của một xã hội tuyên chiến với chính mình.

Nathaniel Hawthorne 
(1804 – 1864)

Nathaniel Hawthorne thuộc thế hệ thứ 5 của những người Anh di cư. Ông sinh ở Salem bang Massachusetts, một hải cảng thịnh vượng nằm ở phía bắc Boston chuyên buôn bán với Đông Ấn[1]. Một trong những tổ tiên của ông là chánh án chuyên xét xử những người phụ nữ bị cáo buộc là phù thủy ở Salem, một thế kỷ trước. Hawthorne đã dùng cái ý tưởng về lời nguyền đối với dòng họ một ông chánh án xấu xa trong cuốn tiểu thuyết The House of the Seven Gables (Ngôi nhà bảy đầu hồi) của mình.

Nhiều câu chuyện của Hawthorne có bối cảnh ở New England thời Thanh giáo, và cuốn tiểu thuyết vĩ đại nhất của ông The Scarlet Letter (1850), đã trở thành bức chân dung kinh điển về nước Mỹ Thanh giáo. Cuốn truyện kể về mối tình đầy đam mê, bị cấm đoán giữa một chàng trai trẻ, xác tín, hết sức nhạy cảm – mục sư Arthur Dimmesdale, và một người đàn bà thị dân đẹp, hết sức quyến rũ, Hester Prymn. Lấy bối cảnh ở Boston khoảng 1650 vào thời kỳ đầu thuộc địa Thanh giáo, cuốn tiểu thuyết đã nhấn mạnh nỗi ám ảnh của những người theo phái Calvin về đạo đức, sự ức chế tính dục, tội lỗi, sự thú tội, và sự cứu rỗi linh hồn.

Vào thời đó, The Scarler Letter là cuốn sách liều mạng hết sức báng bổ. Ngòi bút dịu dàng của Hawthorne, bối cảnh lịch sử xa xưa và mơ hồ đã làm dịu đi chủ đề dữ dội của ông và làm hài lòng công chúng, còn những tác giả sành điệu như Ralph Waldo Emerson và Herman Melville thì thừa nhận các sức mạnh “quỷ ám” của nó. Cuốn sách đã đụng chạm đến những lĩnh vực cấm kỵ ở Mỹ thế kỷ 19 như sự tác động của các hoạt động tự do, dân chủ và đổi mới đối với hành xử của mỗi cá nhân, đặc biệt trong vấn đề tính dục và tự do tôn giáo.

Cuốn sách được viết rất hay với bố cục tuyệt vời. Phép ẩn dụ, một thủ pháp mà người dân thuộc địa buổi đầu Thanh giáo thường dùng, cũng được sử dụng trong tác phẩm này một cách hợp lý.

Những tiểu thuyết và truyện kể khác của Hawthorne cũng góp phần xây dựng nên danh tiếng của ông. Trong The House of the Seven Gables (1854), ông trở về với lịch sử New England một lần nữa. Sự sụp đổ của “ngôi nhà” ngụ ý về một dòng họ ở Salem cũng như cái cấu trúc thật sự của nó. Chủ đề của truyện là về một lời nguyền truyền kiếp và cách hóa giải nó bằng tình yêu. Như một nhà phê bình lưu ý, nhân vật chính mang tính cách lý tưởng Holgrave đã nói lên tiếng nói về sự thiếu tin cậy mang tính dân chủ của bản thân ông vào những gia đình quý tộc già cỗi: “Sự thật là, mỗi một nửa thế kỷ, ít nhất một dòng họ sẽ hòa nhập vào đám đông mờ mịt, vĩ đại của nhân loại, và quên hết quá khứ oanh liệt của tổ tiên”.

Hai cuốn tiểu thuyết cuối cùng của Hawthorne ít thành công hơn. Cả hai đều dùng bối cảnh hiện đại, và chính vì vậy mà đánh mất đi cái ma lực trong ngòi bút của ông. Cuốn The Blithedale Romance (Bài ca thung lũng hạnh phúc – 1852) rất hấp dẫn bởi bức tranh mô tả cộng đồng Brook Farm theo chủ nghĩa xã hội không tưởng. Trong cuốn sách này, Hawthorne phê phán những nhà cải cách xã hội vị kỷ, thèm khát quyền lực, tự bản chất sâu xa không dân chủ chút nào. Cuốn The Marble Faun (Tượng thần Điền dã bằng cẩm thạch – 1860), tuy lấy bối cảnh là Roma, lại xoáy sâu vào những chủ đề Thanh giáo về tội lỗi, sự cô lập, sự đền tội, và cứu rỗi.

Những đề tài trên, và những bối cảnh đặc trưng ở thuộc địa New England thời kỳ Thanh giáo, là dấu hiệu đặc trưng của nhiều tác phẩm ngắn hơn nổi tiếng của Hawthorne: The Minister’s Black Veil (Mạng che mặt màu đen của ông mục sư), Young Goodman Brown (Brown trẻ người tốt bụng), và My Kinsman, Major Molineux (Người bà con của tôi, thị trưởng Molineux). Truyện này kể về một thanh niên từ nhà quê ra tỉnh – một mô thức phổ biến ở Mỹ thời kỳ đô thị hóa thế kỷ 19 -tìm sự giúp đỡ của một người bà con có thế lực, để lập nghiệp, một người mà anh chưa hề gặp. Robin trải qua rất nhiều khó khăn để tìm ra viên Thị trưởng, và cuối cùng tham gia vào một cuộc nổi loạn ban đêm kỳ lạ, trong đó có một người có vẻ như là một tên tội phạm “thành tích” bất hảo bị đuổi ra khỏi thị trấn một cách vừa nực cười vừa dã man. Robin lớn tiếng cười to hơn tất cả mọi người cho đến khi anh phát hiện ra rằng “tên tội phạm” này không phải ai khác mà chính là người anh cố công tìm kiếm – một đại diện của thực dân Anh mới vừa mới bị quần chúng cách mạng Mỹ lật đổ. Câu chuyện khẳng định sự ràng buộc của tội lỗi và đau khổ mà toàn nhân loại phải chia sẻ. Nó cũng ca ngợi mẫu người tự lập thân: Robin phải học tập, giống như mọi người Mỹ dân chủ, để trở nên giàu có nhờ sự lao động hăng say, chứ không phải do những ân huệ đặc biệt từ những người bà con giàu có.

My Kinsman, Major Molineux rọi ánh sáng lên một trong những yếu tố nổi bật nhất trong tiểu thuyết của Hawthorne: sự thiếu vắng nhân tố gia đình đầy đủ chức năng trong tác phẩm của ông. Mặc dầu cuốn Leather-Stocking Tales (Truyện kể về anh chàng đi bít tất da) của Cooper có đưa những hình mẫu gia đình vào những địa điểm ít hoang dã nhất, những câu chuyện và tiểu thuyết của Hawthorne lặp đi lặp lại cái chủ đề về những gia đình tan vỡ, bị nguyền rủa hoặc bị đổ vỡ và những khổ đau của cá nhân bị cô lập.

Ý thức hệ cách mạng cũng có‘ lẽ đã có một vai trò trong việc làm rạng rỡ ý thức về sự tự do đầy hãnh diện tuy có phần xa lạ này. Cuộc cách mạng Mỹ, nhìn từ quan điểm tâm lý lịch sử, là tương hợp với một cuộc nổi loạn bốc đồng muốn thoát ly khỏi cái bóng khổng lồ của Mẫu quốc, và một gia đình đế quốc Anh rộng lớn hơn. Người Mỹ đã dành được độc lập và lại đương đầu với tình thế nan giải đầy hoang mang trong việc khám phá nhân dạng riêng của mình tách ra khỏi những ràng buộc xưa cũ. Cái cảnh tượng này đã diễn ra vô số lần ở vùng biên cương tới mức mà, trong tiểu thuyết, sự thoát ly có vẻ như là điều kiện sống cơ bản ở Mỹ. Thanh giáo và hậu duệ theo Tin Lành của họ có thể đã làm suy yếu thêm nền tảng gia đình bằng cách rao giảng rằng trách nhiệm đầu tiên của mỗi cá nhân là việc cứu rỗi linh hồn mình.

Herman Melville
(1819 – 1891)

Cũng như Nathaniel Hawthorne, Herman Melville là con của gia đình có truyền thống lâu đời, giàu có; đột ngột rơi vào cảnh cơ hàn do cái chết của người cha. Mặc dù được dạy dỗ, truyền thống vẻ vang của gia đình và bản thân rất siêng năng, chịu khó, Melville vẫn sống nghèo khổ và không học lên được đại học. Năm 19 tuổi, ông làm thủy thủ. Niềm yêu thích cuộc đời thủy thủ lớn dần một cách tự nhiên từ kinh nghiệm riêng của ông, và hầu hết những tiểu thuyết đầu tay của ông được thai nghén từ những chuyến đi biển. Từ những tác phẩm này chúng ta được biết đến tinh thần dân chủ và cởi mở của Melville và lòng căm phẫn của ông đối với sự chuyên chế và bất công. Typee, cuốn sách đầu tiên của ông, kể về những gì xảy ra với ông trong thời gian ông sống với bộ lạc Taipis bị coi là bộ lạc ăn thịt người nhưng thực ra rất hiếu khách ở vùng đảo Marquesas, Nam Thái Bình Dương. Cuốn sách ca ngợi những người dân đảo và đời sống hài hòa gần gũi với tự nhiên của họ, đồng thời phê phán các giáo sĩ Thiên Chúa giáo, những người mà Melville cho là thật sự kém văn minh hơn những người mà họ đến để khai hóa văn minh.

Moby-Dick, hay The Whale (Cá voi trắng), kiệt tác của Melville, là thiên sử thi về con tàu săn cá voi Pequod và truyền trưởng Ahab “một người giống thánh thần nhưng lại báng bổ thần linh” với nỗi ám ảnh phải tìm kiếm cho được con cá voi trắng đã dẫn con tàu và đoàn thủy thủ đến chỗ chết. Tác phẩm này, một tiểu thuyết phiêu lưu mang tính hiện thực, chứa đựng một loạt những suy gẫm về thân phận con người. Việc săn cá voi xuyên suốt câu chuyện, là một ẩn dụ lớn về khát vọng hiểu biết. Những miêu tả và liệt kê xác thực về các loài cá voi và công nghệ săn bắt cá voi rải rác đầy tác phẩm, nhưng chúng hàm nghĩa biểu trưng. Trong chương 15 The Right Whale’s Head (Đầu cá voi Thực), người dẫn chuyện cho rằng cá voi Right (còn gọi là cá voi Thực) là những người theo chủ nghĩa khắc kỷ còn cá voi Sperm (còn gọi là cá nhà táng) là trường phái Platon, ám chỉ đến hai trường phái triết học cổ điển.

Mặc dầu tiểu thuyết của Melville mang tư tưởng triết học, nó cũng đồng thời là một tấn bi kịch. Dù là một người anh hùng, Ahab đã gục ngã và có lẽ rốt cuộc bị hủy diệt. Thiên nhiên cho dù rất đẹp, nhưng vẫn xa lạ và ẩn chứa những nguy hiểm chết người. Trong Moby-Dick, Melville thách thức ý tưởng lạc quan của Emerson rằng con người có thể hiểu được tự nhiên.Moby-Dick, con cá voi trắng khổng lồ là một cái gì bí hiểm mang tầm vóc vũ trụ, đã ngự trị trong suốt cuốn tiểu thuyết, cũng như nó đã ám ảnh Ahab. Những dữ kiện về cá voi và săn cá voi không thể giải thích Moby-Dick, trái lại, những tình tiết đó, tự bản thân chúng có khuynh hướng trở thành biểu tượng, và mỗi dữ kiện đều có mối liên hệ mơ hồ với mọi dữ kiện khác trong vũ trụ. Tuy nhiên, sự tương quan này (như Melville gọi nó trong chương “Nhân sư”) không có nghĩa rằng con người có thể “đọc” được sự thật trong thiên nhiên, như nó đã có ý nghĩa như thế trong tác phẩm của Emerson. Đằng sau việc tích lũy dữ kiện của Melville là một cái nhìn huyền bí, nhưng cái nhìn này xấu xa hay tốt đẹp, nhân bản hay phi nhân, cũng không bao giờ được giải thích.

Tiểu thuyết này còn mang tính hiện đại trong cái khuynh hướng tự tham chiếu hay tự chiêm nghiệm của nó. Nói một cách khác, cuốn tiểu thuyết thường nói về chính nó. Melville thường bình luận về những quá trình của tư duy như viết lách, đọc sách và hiểu biết. Chẳng hạn, mỗi chương là một khảo cứu đích thực trong đó người kể chuyện đã cố gắng phân loại sự vật nhưng cuối cùng đành bỏ cuộc, nói rằng chẳng bao giờ có thứ gì to tát có thể được hoàn tất (“Thượng đế ngăn không cho tôi hoàn thành bất cứ điều gì. Cả cuốn sách cũng chỉ là một phác thảo – đúng hơn là một phác thảo của phác thảo. Ôi! Thời Gian, Sức Mạnh, Tiền Bạc và Lòng Kiên Nhẫn”). Quan điểm của Melville cho rằng một tác phẩm văn chương là một cái gì không hoàn hảo hoặc là một bản thảo bị bỏ dở là hoàn toàn hiện đại.

Ahab kiên quyết định hình một thế giới anh hùng, vượt thời gian của những điều tuyệt đối, trong đó ông ta đứng cao hơn mọi người. Thiếu khôn ngoan, ông đòi hỏi một điều hoàn tất, một câu trả lời. Nhưng cuốn tiểu thuyết cho thấy rằng không có cái hoàn tất trên đời, không có những câu trả lời cuối cùng, rằng nếu có thì chỉ là cái chết.

Các chi tiết liên hệ văn chương đầy ngụ ý ngân vang trong suốt cuốn tiểu thuyết. Ahab là tên một ông vua trong Cựu ước, khao khát có được một vốn hiểu biết tối cao, toàn bích như Faust. Giống Oedipus trong kịch của Sophocles, người trả giá quá đắt cho kiến thức lầm lạc, Ahab bị đánh mù mắt trước khi bị thương ở chân và cuối cùng bị giết chết. Moby-Dick được kết thúc bằng từ “mồ côi”. Ishmael, người kể chuyện, là một kẻ lang thang như trẻ mồ côi. Cái tên Ishmael được lấy từ cuốn chương Sáng thế ký trongCựu ước – anh ta là con trai của Abraham và Hagar (đầy tớ của Sarah, vợ Abraham). Ishmael và Hagar bị Abraham đuổi vào sống trong rừng sâu.

Cũng có những ví dụ khác. Rachel (một trong những bà vợ của tổ phụ Jacob) là tên của con tàu cứu Ishmael ở đoạn kết. Cuối cùng, con cá voi siêu hình nhắc độc giả Do Thái và Thiên Chúa giáo nhớ đến câu chuyện về Jonah trong Kinh thánh, người bị các bạn bè thủy thủ của mình ném khỏi tàu vì bị xem là người mang lại xui xẻo. Theo Kinh thánh, bị một “con cá lớn” nuốt, anh ta sống một thời gian trong bụng cá trước khi được Thượng đế can thiệp đưa trở về đất liền. Tìm cách thoát khỏi sự trừng phạt, anh ta chỉ rước vào mình thêm nhiều khổ đau.

Những tình tiết liên quan đến lịch sử cũng làm cho cuốn sách thêm phong phú. Con tàu Pequod được đặt theo tên của một bộ lạc Da đỏ bị xóa sổ ở New England, vì vậy cái tên ngụ ý rằng con tàu đó có số phận bị hủy diệt. Việc săn bắt cá trên thực tế là một ngành công nghiệp chủ yếu, nhất là ở New England: nó cung cấp dầu làm nguồn năng lượng chính, đặc biệt cho việc thắp sáng. Do vậy cá voi, theo nghĩa đen, đã “rọi sáng” vũ trụ. Nghề săn cá voi rõ ràng cũng có xu hướng bành trướng và nối kết với ý niệm về một định mệnh hiển nhiên, vì nó buộc dân Mỹ phải dong buồm đi khắp thế giới đánh bắt cá voi (sự thật là tiểu bang Hawaii hiện nay nằm dưới sự cai trị của Mỹ vì nó đã được dùng làm căn cứ tiếp nhiên liệu chính yếu cho những con tàu săn cá voi của Mỹ). Thủy thủ đoàn của con tàu Pequod tượng trưng cho tất cả các chủng tộc và tôn giáo khác nhau, gợi nên ý tưởng nước Mỹ có một đầu óc rộng mở như một miền đất lành cho mọi sắc dân. Cuối cùng, cuộc đời Ahab là một hóa thân đầy bi kịch cho chủ nghĩa cá nhân dân chủ kiểu Mỹ. Ahab khẳng định phẩm giá của mình như một cá nhân dám chống lại những sức mạnh bên ngoài không thể nào khuất phục được của vũ trụ.

Phần kết của tiểu thuyết cố làm dịu đi sự hủy diệt bi thảm của con tàu. Trong suốt tác phẩm, Melville nhấn mạnh tầm quan trọng của tình bạn bè và tinh thần cộng đồng con người đa văn hóa. Sau khi chiếc tàu bị đắm, Ishmael được cứu thoát nhờ một cỗ quan tài được chạm trổ bởi Queequeg, một người bạn thân của anh, một người thợ săn cá voi bằng lao rất anh dũng với đầy hình xăm trên người và cũng là hoàng tử xứ Polynesia. Những hình trang trí trên quan tài mang tính thần thoại nguyên sơ kết hợp với lịch sử của vũ trụ. Ishmael được thoát chết bởi vật tượng trưng cho cái chết. Từ cái chết, sự sống lại vươn lên ở đoạn kết.

Moby-Dick từ trước đến nay được coi là “sử thi thiên nhiên” -một vở kịch hoành tráng về đời sống tâm linh con người trong bối cảnh thiên nhiên sơ khai – bởi cái huyền thoại về những người đi săn của nó, cái chủ đề tiên khởi của nó, cái tính cách biểu tượng của hòn đảo Eden, cách xử lý tích cực của các dân tộc giai đoạn tiền kỹ thuật và niềm khát khao tái sinh của nó. Và cái bối cảnh con người cô độc giữa tự nhiên là rất đặc trưng cho tính cách Mỹ. Nhà văn và nhà chính trị người Pháp Alexis de Tocqueville đã tiên đoán, trong tác phẩm Democracy in America (Nền dân chủ Mỹ) năm 1835, rằng chủ đề này sẽ nổi lên ở Mỹ như kết quả của nền dân chủ của nó:

Thân phận con người, chính con người bị mang xa khỏi quê hương và thời đại của mình và tồn tại trước mặt Tự nhiên và Thượng đế, cùng với nỗi đam mê, sự nghi ngờ, những thiên hướng hiếm hoi và những khổ đau không sao hiểu nổi, sẽ trở thành chủ đề chính, nếu không phải là duy nhất của thi ca Mỹ.

Tocqueville lý luận rằng, trong một nền dân chủ, văn học sẽ đào sâu vào trong “những chiều sâu còn ẩn giấu của bản tính phi vật chất của con người” hơn là những biểu hiện thuần túy bên ngoài hoặc những phân biệt bề ngoài như là giai cấp và địa vị.

Chắc chắn rằng cả Moby-Dick và Typee cũng như Adventures of Huckleberry Finn (Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn) và Walden, phù hợp với những lời nhận định này. Đó là những tác phẩm ca ngợi thiên nhiên và là những cuộc lật đổ của đồng quê đối với nền văn minh đô thị nặng tính giai cấp.

Edgar Allan Poe
(1809 – 1849)

Edgar Allan Poe, một người miền Nam, đã chia sẻ với Melville cái nhìn siêu hình tăm tối trộn lẫn với những yếu tố của chủ nghĩa hiện thực, sự nhại hài hước và châm biếm. Ông đã gọt giũa thể loại truyện ngắn và sáng tạo ra tiểu thuyết trinh thám. Nhiều truyện ngắn của ông dự báo sự ra đời của tiểu thuyết khoa học giả tưởng, kinh dị và huyễn hoặc rất phổ biến ngày nay.

Cuộc đời ngắn ngủi và bi đát của Poe bị đọa đầy bởi nỗi bất an. Cũng như nhiều nhà văn hàng đầu của Mỹ thế kỷ 19, Poe mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Cuộc hôn nhân kỳ lạ của Poe vào năm 1835 với người em họ lớn nhất, cô Virginia Clemm, chưa đầy 14 tuổi, được giải thích như là một cố gắng tìm kiếm cuộc sống gia đình ổn định mà ông đang thiếu.

Poe tin rằng sự khác thường là thành tố thiết yếu của cái đẹp, và tác phẩm của ông thường quái lạ. Những câu chuyện và bài thơ của ông chen chúc những nhà quý tộc ưa tự vấn và bị đày đọa (Poe, cũng như những người miền Nam khác, ấp ủ một lý tưởng quý tộc). Những nhân vật buồn thảm này hình như không bao giờ làm việc hay tham gia cuộc sống xã hội; thay vì vậy họ tự giam mình trong những lâu đài mục nát, tăm tối, được bài trí một cách tượng trưng bằng những tấm thảm và màn cửa lạ lùng che giấu cái thế giới thật sự của mặt trời, cửa sổ, tường và sàn nhà. Những căn phòng bí mật phơi bày những thư viện cổ xưa, những tác phẩm nghệ thuật kỳ lạ và đồ cổ phương Đông được tuyển lựa. Những người quý tộc chơi nhạc hay đọc các sách cổ trong khi trăn trở dày vò về những tấn bi kịch, thường là cái chết của những người thân yêu. Chủ đề về cái chết-trong-khi-đang-sống, đặc biệt là bị chôn sống hoặc trở về từ nấm mồ như một con ma cà rồng, xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông, gồm The Premature Burial (Việc chôn cất vội vàng), “Ligeia”, The Cask of Amontillado (Thùng rượu của Amontillado), và The Fall of the House of Usher (Sự sụp đổ của gia đình Usher). Cái thế giới hỗn mang giữa sự sống và cái chết của Poe và những bối cảnh mang tính Gothic, màu mè, hào nhoáng của ông không chỉ thuần túy để làm phông trang trí. Chúng phản ánh đời sống nội tâm quá văn minh nhưng đượm màu chết chóc hoặc là tâm thần bấn loạn của những nhân vật của ông. Chúng là những biểu hiện tượng trưng của vô thức, và do vậy là trung tâm trong thi pháp của ông.

Thơ của Poe, cũng như thơ của nhiều tác giả miền Nam, đầy nhạc tính và tuân thủ âm vận nghiêm nhặt. Bài thơ nổi tiếng nhất của ông, trong lúc sinh thời và cả ngày nay, là The Raven (Con quạ -1845). Trong bài thơ kỳ bí này, người kể chuyện mất ngủ, bị maám, chỉ đọc sách và khóc than cái chết của “Lenore đã khuất” của mình vào đêm khuya được một con quạ viếng thăm (một con chim ăn thịt xác chết, từ đó là biểu tượng của cái chết). Con quạ đậu trên cánh cửa nhà ông và lặp đi lặp lại một điệp khúc nổi tiếng của bài thơ, “không bao giờ nữa” như một điềm gở. Bài thơ kết thúc bằng một cái cảnh lạnh lẽo của một cái chết-trong-khi-đang-sống:

Và con Quạ, không hề động đậy, chỉ lặng yên cứ ngồi, ngồi yên lặng
Trên bức tượng bán thân nhợt nhạt của Pallas ngay trên cửa phòng tôi
Và đôi mắt của nó có tất cả dáng vẻ của một con quỷ đang mơ màng,
Cái ánh sáng ngọn đèn trên đầu quạ
Đổ dài cái bóng nó trên sàn;
Và linh hồn tôi thoát ra từ chiếc bóng đó bay lượn trên sàn
Sẽ được nâng lên – không bao giờ nữa!

Những câu chuyện của Poe – như đã dẫn trên đây – đã được mô tả như là những câu chuyện kinh dị. Những câu chuyện như The Gold Bug (Con bọ vàng) và The Purloined Letter (Lá thư bị đánh cắp), là những câu chuyện của suy lý hay biện luận. Những câu chuyện kinh dị của ông dự báo trước những tác phẩm của các tác giả chuyên viết truyện kinh dị Mỹ như H.P. Lovecraft và Stephen King, còn những truyện suy lý là những con chim báo hiệu của loại tiểu thuyết trinh thám của Dashiell Hammett, Raymond Chandler, Ross Macdonald, và John D. MacDonald. Cũng có một dấu hiệu về cái mà sau này xuất hiện với tên gọi là truyện khoa học giả tưởng. Tất cả những câu chuyện này bộc lộ niềm say mê của Poe với trí tuệ và kiến thức khoa học đang ngày càng có xu hướng thế tục hóa thế giới quan của nhân loại vào thế kỷ 19.

Trong mỗi thể loại, Poe cố khám phá đời sống nội tâm. Sự thấu hiểu tâm lý sâu sắc ánh lên trên mỗi trang sách. “Có ai không thấy mình hàng trăm lần phạm lỗi hay hành động một cách xuẩn ngốc, không vì một lý do nào khác hơn là anh ta biết điều đó không nên làm”, đó là một đoạn trong The Black Cat (Con mèo đen). Để khám phá lãnh vực lạ lùng và hấp dẫn của những quá trình tâm lý, Poe lục lọi trong đống tư liệu về người điên và những cảm xúc tột cùng. Phong cách viết tỉ mỉ một cách gian khổ và sự giải thích cặn kẽ trong các câu chuyện làm tăng thêm cảm giác kinh hãi bằng cách tạo nên những biến cố có vẻ như thật và hợp lý.

Sự kết hợp giữa yếu tố suy đồi và chủ nghĩa nguyên thủy lãng mạn ở Poe có một sức hấp dẫn mãnh liệt giới văn nghệ châu Âu, đặc biệt là những nhà thơ Pháp như Stéphane Mallarmé, Charles Baudelaire, Paul Valéry và Arthur Rimbaud. Poe vẫn mang bản sắc Mỹ, mặc cho sự căm ghét mang màu quý tộc của ông với nền dân chủ, mặc cho lòng ưa thích những gì lai căng xa lạ và những chủ đề về sự phi nhân của ông. Trái lại, ông hầu như là một trường hợp tiêu biểu cho lời dự đoán của Tocqueville rằng nền dân chủ Mỹ sẽ sản sinh những tác phẩm bóc trần cái phần sâu thẳm nhất, ẩn khuất nhất của tâm thức. Một sự âu lo sâu thẳm và một trạng thái tâm thần bất an dường như xuất hiện ở Mỹ sớm hơn ở châu Âu, bởi vì ít nhất thì những người dân Cựu lục địa cũng đã có một cơ cấu xã hội ổn định và phát triển cao mang lại cho họ sự an toàn về mặt tâm lý. Ở Mỹ, đã không có được một sự bảo đảm tương ứng, mỗi người sống cho chính mình. Poe đã mô tả chính xác phía bên dưới của giấc mơ Mỹ về con người tự lập thân và phơi bày cái giá của chủ nghĩa thực dụng và cuộc cạnh tranh tàn bạo – sự cô đơn, tha hóa, và những hình ảnh của cái chết-trong-lúc-đang-sống.

Chủ đề “Sự suy đồi” của Poe cũng phản ánh sự xuống dốc của những biểu tượng xuất hiện vào thế kỷ 19 – cái khuynh hướng pha trộn những vật phẩm nghệ thuật hỗn tạp từ nhiều thời đại và xứ sở khác nhau trong quá trình tước bỏ đi tính cách của chúng và giảm chúng xuống chỉ còn là những vật trang trí thuần túy trong bộ sưu tập. Mớ hỗn độn các bút pháp phát sinh từ đó đặc biệt đáng chú ý ở Mỹ, nơi thường thiếu những phong cách truyền thống của riêng mình. Sự hỗn độn ấy phản ánh sự mất mát những hệ thống tư tưởng nhất quán khi việc di cư, đô thị hóa, và công nghiệp hóa đã nhổ tận gốc nền tảng gia đình và lối sống truyền thống. Trong nghệ thuật, sự rối loạn những biểu tượng này làm tăng thêm tính quái dị, một ý tưởng mà Poe đã lấy làm chủ đề của mình trong tuyển tập truyện hàng đầu của ông, Tales of the Grotesque and Arabesque (Truyện kinh dị) (1840).

CÁC NHÀ VĂN NỮ VÀ NHỮNG NHÀ CẢI CÁCH PHÁI NỮ

Trong thế kỷ 19, phụ nữ Mỹ phải chịu đựng nhiều sự bất bình đẳng: họ không có quyền bầu cử, không được bước chân vào những trường chuyên nghiệp và hầu hết bậc đại học, bị cấm nói trước đám đông và thậm chí tham dự những hội nghị công cộng, và không được có tài sản riêng. Mặc cho những chướng ngại trên vẫn nổi lên hoạt động của những người phụ nữ cấp tiến. Qua thư từ, quan hệ bè bạn riêng tư, những hội họp chính thức, báo chí phụ nữ, và sách vở, phụ nữ đẩy xa hơn những thay đổi xã hội. Phụ nữ trí thức đã vạch ra những cảnh ngộ tương đồng giữa họ và người nô lệ. Họ can đảm đòi hỏi những cải tổ căn bản, chẳng hạn như sự bãi bỏ chế độ nô lệ và quyền bầu cử của phụ nữ, bất chấp sự tẩy chay của xã hội và nguy cơ bị đổ vỡ tài chính. Những tác phẩm của họ là đội quân tiên phong trong hoạt động trí thức của một truyền thống văn học phụ nữ rộng lớn hơn bao gồm luôn tiểu thuyết tình cảm. Những cuốn tiểu thuyết tình cảm của phụ nữ, chẳng hạn Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của chú Tôm) của Harriet Beecher Stowe, hết sức nổi tiếng. Chúng gợi cảm xúc sâu lắng và thường bi kịch hóa những vấn đề xã hội dễ gây tranh cãi, đặc biệt những vấn đề đụng chạm đến gia đình và vai trò, trách nhiệm của phụ nữ.

Lydia Child (1802 – 1880) một người chống chế độ nô lệ, đã ảnh hưởng rất lớn đến Margaret Fuller, là người lãnh đạo hoạt động phụ nữ của mạng lưới này. Cuốn tiểu thuyết rất thành công của bà, Hobomock (1824), bày tỏ nhu cầu khoan dung chủng tộc và tôn giáo. Bối cảnh của nó – vùng Thanh giáo Salem, bang Massachusetts – tiên liệu sự ra đời của Nathaniel Hawthorne. Là một nhà hoạt động xã hội, Child thành lập một ngôi trường nữ tư thục, sáng lập và biên tập tờ báo đầu tiên cho trẻ em ở Hoa Kỳ, và xuất bản tập sách tuyên truyền chống chế độ nô lệ đầu tiên, An Appeal in Favor of that Class of Americans Called Africans (Lời kêu gọi sự ủng hộ cho một lớp người được gọi là Mỹ – gốc Phi) vào năm 1833. Tác phẩm táo bạo này làm cho bà nổi tiếng và đồng thời cũng làm bà phá sản. Cuốn sách History of the Condition of Women in Various Ages and Nations (Lịch sử về hoàn cảnh của phụ nữ trong các thời đại và quốc gia khác nhau – 1855) tranh luận cho sự bình đẳng của phụ nữ bằng cách chỉ ra những thành quả của họ trong lịch sử.

Angelina Grimké (1805 – 1879) và Sarah Grimké (1792 1873) sinh ra trong một đại gia đình chủ nô giàu có ở vùng Charleston quý phái bang Nam Carolina. Hai chị em này đã chuyển lên phía Bắc để đấu tranh cho quyền lợi của người Da đen và phụ nữ. Là những người phát ngôn cho Hội chống chế độ nô lệ New York, họ là những người phụ nữ đầu tiên diễn thuyết công khai trước đám đông bao gồm cả đàn ông. Trong thư từ, tiểu luận và nghiên cứu, họ xem sự kỳ thị chủng tộc và phân biệt nam nữ là giống nhau.

Elizabeth Cady Stanton (1815 – 1902), nhà hoạt động vì quyền bình đẳng phụ nữ và sự bãi bỏ chế độ nô lệ, đã sống một thời gian ở Boston, nơi bà kết bạn với Lydia Child. Cùng với Lucretia Mott, bà tổ chức Hội Seneca Falls vì quyền bình đẳng phụ nữ; bà cũng phác thảo bản tuyên ngôn Declaration of Sentiments (Bản tuyên ngôn tình cảm) của hội. “Bản tuyên ngôn độc lập của phụ nữ” của bà mở đầu bằng câu “đàn ông và đàn bà sinh ra đều bình đẳng”, và bày tỏ một quyết tâm đấu tranh cho quyền bầu cử của phụ nữ. Cùng với Susan B. Anthony, Elizabeth Cady Stanton tổ chức chiến dịch đấu tranh cho quyền bỏ phiếu vào những năm 60 và 70, thành lập Liên đoàn phụ nữ quốc gia trung thành chống chế độ chiếm hữu nô lệ và Hiệp hội đầu phiếu phụ nữ, và cùng biên tập tờ tuần báo Revolution. Làm chủ tịch Hiệp hội đầu phiếu phụ nữ trong 21 năm, bà lãnh đạo cuộc đấu tranh cho nữ quyền. Bà diễn thuyết ở nhiều tiểu bang, một phần để hỗ trợ việc học hành của bảy người con bà.

Sau khi chồng chết, bà đào sâu phân tích sự bất bình đẳng về giới tính. Cuốn sách The Woman’s Bible (Kinh thánh của phụ nữ – 1895) của bà chỉ ra một định kiến áp bức phụ nữ bắt rễ sâu xa trong truyền thống Do Thái Thiên Chúa giáo. Bà diễn thuyết về những đề tài như ly dị, quyền lợi của phụ nữ, và tôn giáo cho đến khi bà mất ở tuổi 86, ngay sau khi vừa viết một lá thư cho Tổng thống Theodore Roosevelt ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Rất nhiều cuốn sách của bà – thoạt đầu dùng bút danh, nhưng về sau xuất hiện dưới tên bà – gồm 3 tập viết chung của bộ History of Woman Suffrage (Lịch sử quyền bỏ phiếu của phụ nữ, 1881 – 1886) và một tiểu sử tự thuật khôi hài và chân thành.

Sojourner Truth (khoảng 1797 – 1883) tiêu biểu cho sức chịu đựng và sức mạnh lôi cuốn quần chúng của nhóm phụ nữ kiệt xuất này. Sinh ra với thân phận một nô lệ ở New York, lớn lên bà nói tiếng Hà Lan. Bà thoát khỏi kiếp nô lệ năm 1827, định cư cùng với con trai và con gái trong sự bảo trợ của gia đình Van Wagener người Mỹ – Hà Lan mà bà vốn là người giúp việc cho họ. Họ giúp bà thắng trong cuộc đấu tranh pháp lý giành tự do cho con trai, và sau này bà mang tên họ. Khởi đầu sự nghiệp, bà làm việc với một giáo sĩ để huấn cải những cô gái điếm theo đạo Thiên Chúa và sống trong một ngôi nhà chung. Bà được đặt tên “Sojourner Truth” vì tiếng nói tiên tri và nhãn lực huyền bí của bà. Để phổ biến chân lý về những điều bà học được trong khi khải thị, bà thường rày đây mai đó một mình, để diễn thuyết, hát Thánh vịnh và truyền bá tư tưởng bãi bỏ chế độ nô lệ qua nhiều tiểu bang trong hơn ba thập kỷ. Được Elizabeth Cady Stanton động viên, bà ủng hộ quyền bỏ phiếu của phụ nữ. Cuộc đời của bà được kể lại trong cuốn The Narrative of Sojourner Truth (Truyện kể về Sojourner Truth – 1850), một câu chuyện mang tính chất tiểu sử tự thuật được Olive Gilbert viết lại và xuất bản. Suốt đời mù chữ, bà nói tiếng Anh giọng Hà Lan. Người ta kể rằng Sojourner Truth đã phanh bộ ngực mình ra trong một hội nghị về quyền phụ nữ khi bà bị tố cáo là một người đàn ông. Câu bà trả lời một người đàn ông khi ông ta nói phụ nữ là phái yếu đã trở thành huyền thoại:

Tôi đã cày bừa và trồng tỉa, đã lê la ở những quán rượu, và không một người đàn ông nào có thể chỉ huy tôi. Mà tôi không phải là một người đàn bà sao? Tôi cũng có thể làm việc nhiều và ăn nhiều như một người đàn ông – khi tôi có thể kiếm được -và còn chịu cả đánh đập mắng chửi nữa! Mà tôi không phải là một người đàn bà sao? Tôi đã sinh 13 đứa con, và phải chứng kiến hầu hết bọn chúng bị bán làm nô lệ, và khi tôi gào lên nỗi thống khổ của mẹ tôi, chẳng ai nghe tôi ngoài Chúa Giêsu! Vậy tôi không phải là một người đàn bà sao?

Nhà hùng biện khôi hài và không được đánh giá cao lúc sinh thời này được so sánh với những ca sĩ nhạc Blue vĩ đại. Harriet Beecher Stowe và nhiều người khác đã nhận ra sự khôn ngoan trong người đàn bà Da đen được khải thị này, người có thể tuyên bố “Lạy Chúa, Chúa ơi, con có thể yêu ngay cả người Da trắng!”.

Harriet Beecher Stowe 
(1811 – 1896)

Cuốn tiểu thuyết Uncle Tom’s Cabin (Túp lều của chú Tom), hay, Life Among the Lowly (Cuộc sống của đám người hạ đẳng) của Harriet Beecher Stowe là cuốn sách nổi tiếng nhất vào thế kỷ 19. Thoạt đầu được đăng nhiều kỳ trên tờ tạp chí National Era (1851 – 1852), và ngay lập tức tạo được thành công. Chỉ riêng tại Anh, bốn mươi nhà xuất bản khác nhau đã in nó, và nó được nhanh chóng dịch ra 20 thứ tiếng, nhận được lời khen ngợi của những tác giả như Georges Sand ở Pháp, Heinrich Heine ở Đức và Ivan Turgenev ở Nga. Lời kêu gọi thiết tha chấm dứt chế độ nô lệ ở Mỹ của nó đã làm bùng cháy lên cuộc tranh luận kéo dài một thập kỷ, dẫn đến cuộc nội chiến Mỹ (1861 – 1865).

Những nguyên nhân dẫn đến thành công của Uncle Tom’s Cabin thật rõ ràng. Nó phản ánh ý tưởng cho rằng chế độ nô lệ ở Mỹ, một quốc gia chủ trương mang lại dân chủ và bình đẳng cho tất cả mọi người, là một sự bất công, phi lý khổng lồ.

Stowe là một đại biểu hoàn hảo của một dòng dõi Thanh giáo lâu đời ở New England. Cha, anh và chồng bà đều là những giáo sĩ và những nhà cải cách Tin Lành có học và danh tiếng. Stowe thai nghén ý tưởng về cuốn tiểu thuyết này – khi nhìn thấy cảnh một người nô lệ già, tiều tụy bị đánh đập – trong lúc bà đi dự lễ ở nhà thờ. Sau này, bà nói rằng chính Chúa đã khơi nguồn cảm hứng và giúp bà viết cuốn sách này. Động cơ của bà là dùng tình cảm tôn giáo cải tạo cuộc sống làm cho nó trở nên thánh thiện hơn. Thời kỳ lãng mạn đã mang đến một kỷ nguyên của các xúc cảm: nền tảng đạo đức gia đình và tình yêu thương giữ địa vị tối cao. Cuốn tiểu thuyết của Stowe đã đặc biệt đả phá chế độ nô lệ vì nó làm băng hoại những giá trị của gia đình.

Chú Tom, người nô lệ và nhân vật trung tâm, là một vị thánh tử vì đạo thật sự, người đã lao động để hoán cải người chủ nhân hậu của mình là ông St. Clare; cầu nguyện cho linh hồn St. Clare khi ông này chết, bản thân Tom cũng bị giết chết khi bảo vệ những người phụ nữ nô lệ. Chế độ nô lệ được vẽ lên với tất cả sự tàn ác không phải vì những lý do chính trị hay triết học mà chủ yếu bởi vì nó phân ly gia đình, hủy hoại tình yêu tự nhiên của cha mẹ và tự bản chất không hề mang cái tinh thần Thiên Chúa giáo. Những cảnh tượng cảm động nhất là về một người mẹ nô lệ khốn khổ chẳng có thể làm gì cho đứa con đang gào thét và người cha bị bán đi khỏi gia đình. Đó là những tội ác chống lại sự thiêng liêng của tình cảm gia đình.

Cuốn tiểu thuyết của Stowe ban đầu hoàn toàn không có ý định công kích miền Nam. Trên thực tế, Stowe đã đi thăm miền Nam, yêu thích người miền Nam và khắc họa hình tượng họ một cách tốt đẹp. Những người chủ nô lệ miền Nam là những người chủ tử tế và đối xử tốt với Tom. Bản thân St. Clare căm ghét chế độ nô lệ và có ý định giải phóng toàn bộ số nô lệ của mình. Ngược lại, ông chủ Simon Legree độc ác, là một người miền Bắc và là một tên vô lại. Thật trớ trêu, cuốn sách có ý định hòa giải Bắc – Nam, khi cả hai đang tiến gần đến cuộc Nội chiến sau đó một thập kỷ. Mặc dù vậy, cuối cùng, cuốn sách được những người ủng hộ bãi bỏ chế độ nô lệ và những người khác dùng làm vũ khí trong cuộc luận chiến chống lại miền Nam.

Harriet Jacobs 
(1818 – 1896)

Sinh ra làm nô lệ ở bang bắc Carolina, Harriet Jacobs được bà chủ dạy cho đọc và viết. Khi bà chủ qua đời, Jacobs bị bán cho một người chủ Da trắng cố tình ép bà quan hệ tình dục với hắn. Bà chống lại người chủ, tìm đến một người tình Da trắng khác và có với ông hai đứa con rồi để chúng sống với bà ngoại. “Tự hiến thân có vẻ như ít hạ phẩm giá hơn là khuất phục trước sự áp bức”, bà viết một cách thật lòng như thế. Bà trốn thoát khỏi ông chủ và dựng nên tin đồn rằng bà đã trốn lên miền Bắc.

Lo sợ bị bắt, bị trả về làm nô lệ và bị trừng phạt, bà sống suốt 7 năm lẩn trốn ngay tại thị trấn của người chủ, trong một căn phòng áp mái, bé xíu, tối tăm trong căn nhà của bà ngoại. Bà chịu đựng được mọi nỗi đau khổ là nhờ được nhìn thấy những đứa con thân yêu của mình qua những cái lỗ mà bà khoan qua trần nhà. Cuối cùng bà thoát được đến miền Bắc, sống ở Rochester – bang New York, nơi Frederick Douglass đang xuất bản tờ nhật báo chống nô lệ North Start và gần Senaca Falls, nơi vừa diễn ra một hội nghị về quyền phụ nữ. Ở đây, Jacobs làm bạn với Amy Post, một người ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ và quyền phụ nữ theo phái Quaker. Amy đã khuyến khích bà viết tiểu sử tự thuật của mình. Incidents in the Life of a Slave Girl (Những sự việc xảy ra trong đời của một nữ nô lệ) xuất bản dưới bút hiệu “Linda Brent” vào năm 1861, được Lydia Child biên tập. Cuốn sách lên án thẳng thừng tệ nạn bóc lột tình dục ở nữ nô lệ Da đen. Cuốn sách của Jacobs, cũng như cuốn của Douglass, là một phần của thể loại tự sự của dân nô lệ tiếp nối truyền thống từ Olaudah Equiano thời thuộc địa.

Harriet Wilson
(1807 – 1870)

Harriet là người Mỹ – Phi châu đầu tiên xuất bản một cuốn tiểu thuyết ở Mỹ – Our Nig: Or, Sketches from the Life of a Free Black, in a two – storey white house North; showing that Slavery’s Shadows Fall Even There (Phác họa về cuộc đời của một người Da đen tự do, trong một ngôi nhà trắng hai tầng, miền Bắc; chứng minh rằng bóng của những người nô lệ đã ngả dài xuống đây – 1859). Cuốn tiểu thuyết được hư cấu dựa trên cơ sở hiện thực cuộc hôn nhân giữa một người đàn bà Da trắng và một người đàn ông Da đen, và cũng mô tả cuộc sống khó khăn của một người đầy tớ Da đen trong một gia đình Thiên Chúa giáo giàu có. Trước đây, người ta nghĩ rằng đây là một cuốn tiểu sử tự thuật, nhưng giờ đây được hiểu là một tác phẩm hư cấu.

Cũng như Jacbos, Wilson đã không xuất bản dưới tên thật của mình (Our Nig, là một sự mỉa mai) và tác phẩm của bà bị lãng quên mãi cho đến gần đây. Ta cũng có thể có những nhận xét tương tự với các tác phẩm của hầu hết những cây bút nữ vào thời kỳ đó. Học giả Mỹ Da đen nổi tiếng Henry Louis Gates, Jr. – trong vai trò chỉ đạo dự án nghiên cứu tiểu thuyết của các nhà văn Da đen – đã tái bản Our Nig vào năm 1983.

Frederick Douglass
(1817 – 1895)

Người lãnh đạo người Mỹ Da đen chống chế độ nô lệ nổi tiếng nhất và đồng thời là nhà hùng biện của thời đó là Frederick Douglass. Ông sinh ra với thân phận nô lệ trong một trang trại ở Maryland. Do may mắn, ông được đưa đến Baltimore tương đối tự do hơn khi ông còn trẻ, ở đó ông học đọc và viết. Trốn thoát tới Massachusetts năm 1838, vào lúc 21 tuổi, Douglass được ông chủ bút ủng hộ việc bãi bỏ chế độ nô lệ Wilson Lloyd Garrison giúp đỡ và bắt đầu diễn thuyết cho những hội nhóm chống chế độ nô lệ.

Năm 1845, ông xuất bản cuốn Narrative of the Life of Frederick Douglass, An American Slave (Tự thuật về cuộc đời Frederick Douglass, một nô lệ Mỹ) của mình (ấn bản lần hai năm 1855, sửa chữa lại vào năm 1892), là cuốn hay nhất và nổi tiếng nhất trong nhiều “chuyện kể về nô lệ”. Thường được những người ủng hộ bãi bỏ nô lệ ghi chép lại từ những người Da đen mù chữ dùng để tuyên truyền. Những chuyện kể nô lệ này rất nổi tiếng vào những năm ngay trước cuộc Nội chiến. Tự truyện của Douglass rất sống động, có giá trị nghệ thuật cao và nó mang lại những hiểu biết vô song về tình trạng tâm lý của nô lệ và sự thống khổ mà định chế này đã gây ra cho những người Da đen.

Chuyện kể về nô lệ là thể loại văn xuôi đầu tiên của văn học Da đen ở Mỹ. Nó giúp người Da đen rất nhiều trong việc vượt khó khăn để thiết lập một tính cách Mỹ -Da đen trong lòng nước Mỹ Da trắng và tiếp tục gây ảnh hưởng quan trọng lên những chủ đề và kỹ thuật viết tiểu thuyết của văn học Da đen suốt thế kỷ 20. Công cuộc tìm kiếm một diện mạo riêng, sự giận dữ chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, và cảm giác về việc sống một cuộc sống vô hình, trong bóng tối, bị săn đuổi và không được đa số người Mỹ Da trắng thừa nhận, lại tái hiện trong những tác phẩm của những tác giả Mỹ Da đen thế kỷ 20 như Richard Wright, James Baldwin, Ralph Ellison và Toni Morrison.


[1] Đông Ấn: East India, tức Ấn Độ ngày nay, phân biệt với West Indies (quần đảo Tây Ấn) ở Trung Mỹ, vốn ngày xưa bị ngộ nhận là Ấn Độ, khi Christophe Colombus muốn đi đường biển sang châu Á (Ấn Độ -Trung Quốc) mà không phải đi qua Tây Á lúc đó đang bị các lực lượng Hồi giáo trấn giữ.

Nguồn: http://vietnamese.vietnam.usembassy.gov/doc_amliterature_iv.html